Thiền hoa

Bạn có thể tạo một ngôi nhà cho riêng mình, với những vật liệu mà bạn thích, xin giữ ngôi nhà được thanh tịnh trong ánh hào quang của Phật-đà. Kính mời các bạn.

Điều hành viên: quang_tam3

Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1788.- Xà Dạ Đa.

Xà Dạ Đa là tổ thứ 20 của Thiền tông Ấn Độ. Một lần tổ thứ 19 là Cưu Ma Đa La bảo ông :
-Mặc dầu ông tin vào ba nghiệp, nhưng ông chưa rõ nghiệp ấy là do vọng mà sanh, vọng lại do thức mà có. Thức lại do bất giác sanh, mà bất giác lại ở nơi tâm. Tâm vốn thanh tịnh, không sanh diệt, không tạo tác, không báo ứng, không hơn kém, êm đềm sáng suốt. Nếu ông tin nhận pháp môn này thì ông cũng giống như chư Phật không khác. Tốt, xấu, hữu vi, vô vi, đều là chiêm bao, mộng ảo.
Nghe được lời này Xà Dạ Đa hiểu được thâm ý và nẩy sanh trí huệ ông đã có từ muôn kiếp.
(Zen Light)

Công án này nêu lên vấn đề nghiệp và công lý. Tại sao có những người hiền lành làm nhiều việc tốt mà vẫn chịu khổ sở, trong khi những kẻ xấu xa, tội lỗi lại được hưởng đời sống vinh hoa, phú quý ? Thực ra nghiệp rất phức tạp. Có những nhân gieo trong đời này có kết quả ngay, nhưng cũng có khi đến các đời sau quả mới hiện thành. Tâm có thể phân làm phàm tâm và chân tâm. Cưu Ma Đa La chỉ cho chúng ta biết chân tâm vắng lặng không có tốt xấu, hữu vi, vô vi, tất cả là mộng ảo. Nghiệp không tồn tại trong chân tâm. Trái lại, phàm tâm có phân biệt tốt xấu, hơn kém, chủ thể, đối tượng. Phàm tâm thấy kẻ xấu sống sung sướng trong khi người tốt lại chịu nhiều đau khổ. Chính cái phàm tâm này tạo nên nghiệp báo ba đời. Phải bỏ xuống hết. Đạo Nguyên nghe Như Tĩnh bảo phải thoát lạc thân tâm liền giác ngộ. Chúng ta phải bỏ xuống mọi khát khao, thực hiện công lý, cũng bỏ xuống sự chán ghét mọi bất công. Bỏ của cải, bỏ tư tưởng, bỏ chấp trước. Bỏ xuống những gì ta nghĩ ta không cần. Những gì ta nghĩ ta cần là vọng, những gì ta nghĩ ta không cần cũng là vọng nốt.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1790.- Một hạt chủng tử.

Quế Khâm đến tham phỏng Huyền Sa. Huyền sa biết ông nghiên cứu Duy Thức rất thâm, cố ý trỏ một cái ghế, hỏi :
-Ba giới duy tâm, vạn pháp duy thức, cái này ông lý giải ra sao ?
-Nếu nói đến duy thức, duy tâm thì dùng cái nhìn của duy thức, duy tâm mà lý giải là được rồi.
Huyền Sa không cho là phải :
-Đứng trên lập trường đạo lý mà nói thì như vậy nhưng cũng có lúc không có cách chi nhận thức được vũ trụ vạn hữu.
Quế Khâm chỉ một cái bàn hỏi :
-Xin hỏi thầy gọi cái này là cái gì ?
-Cái bàn.
Quế Khâm lắc đầu :
-Thầy không hiểu ba giới duy tâm, vạn pháp duy thức, cái này không chỉ cái bàn. Cái bàn là giả danh, giả tướng.
-Không sai, “cái này” không phải là cái bàn, chân tướng của cái này là gỗ. Gỗ đóng thành bàn gọi là cái bàn, đóng thành ghế gọi là cái ghế. Khuôn mặt xưa nay của cái bàn, cái ghế là gỗ.
Quế Khâm gật đầu. Nhưng Huyền Sa chỉ cái bàn :
-Cái này không phải là cái bàn, không phải là gỗ, là cây lớn trong rừng.
Huyền sa thấy Quế Khâm định mở miệng liền ngăn lại, nói tiếp :
-Cái này cũng không phải là một cây lớn mà là một chủng tử quy tụ các duyên ánh sáng, đất, nước, không khí mà thành cây, thành gỗ, thành bàn, thành ghế. Nói tóm lại là vũ trụ, vạn hữu do nhân duyên tạo thành.
-Vũ trụ vạn hữu là duy thức, duy tâm.
-Ông đã tới đây tham học sao không nói vũ trụ vạn hữu là thiền tâm.
(Thiền Vị)

Trong tâm mỗi người đều có chủng tử thiền tâm, sao không để nó lớn lên và trở thành cây lớn.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1795.- Chân, giả.

Có lần Đạo Quang hỏi Đại Châu Huệ Hải :
-Thiền sư bình thường dụng công là dùng tâm nào để tu ?
-Lão tăng không có tâm nào để dùng, đạo nào để tu.
-Vậy sao hàng ngày thiền sư tụ chúng, khuyên người tham thiền tu đạo ?
-Lão tăng trên không có mái ngói, dưới không có tấc đất cắm dùi làm gì có chỗ để tụ chúng ?
-Sự thực thì thiền sư mỗi ngày đều tụ chúng luận đạo, chẳng lẽ không phải là thuyết pháp độ chúng ?
-Ông đừng đổ oan cho tôi, ngay lời nói tôi cũng không biết nói, làm sao luận đạo, một người tôi cũng không gặp làm sao độ chúng ?
-Thiền sư đã vọng ngữ rồi !
-Lão tăng ngay lưỡi cũng không có, làm sao vọng ngữ ?
-Chẳng lẽ khí thế gian, hữu tình thế gian, sự tồn tại của thiền sư và con, còn có tham thiền thuyết pháp đều là giả sao ?
-Đều là thật.
-Nếu là thật sao thiền sư lại phủ định ?
-Giả cũng phủ định, thật cũng phủ định.
Đại Quang cuối cùng đại ngộ.
(Thiền Vị)

Không tâm để dùng, không đạo để tu, đó chính là cảnh giới đắc đạo.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1796.- Nghe không hiểu.

Vương cư sĩ là một tín đồ rất cung kính Phật pháp. Hễ có thời gian rảnh rỗi là ông chạy tới chùa hoặc giúp viên đầu trồng rau, tưới nước, hoặc giúp điển tọa bổ củi, nấu cơm, nói tóm lại là luôn luôn bận rộn. Nếu gặp thiền sư Vô Danh thuyết pháp cho đại chúng thì cũng hết sức lắng nghe. Có một lần Vương cư sĩ ở ngoài thiền đường nhìn các học tăng mắt nhìn mũi, mũi quán tâm, không nén được thở dài, gập lúc thiền sư Vô Danh đi qua nghe được.Thiền sư bèn hỏi :
-Vương cư sĩ, sao ông lại thở dài ?
Vương cư sĩ lại thở một hơi dài nữa. Vô Danh không hiểu lại hỏi :
-Bình thường ông rất cung kính Phật pháp, lại hết lòng giúp đỡ làm các việc trong chùa, gập buổi thuyết pháp thì chăm chú lắng nghe. Có thể nói thân, khẩu, ý đều phiếm du trong bể pháp. Vì sao lại thở dài ?
-Thiền sư, phiền não của con là nghe Phật pháp mà không hiểu. Thiền sư giảng cho các học tăng nào là “Ý của tổ sư từ Tây sang”, “Con chó có Phật tánh không”, “Tức tâm, tức Phật”, “Thế nào là bản lai diện mục” v . v . Con đều nghe mà chẳng hiểu gì cả, giống như xem hoa trong sương mù. Vì sao con hết lòng nghe mà chẳng hiểu ?
-Lúc trước, khi một học tăng đến nhập môn, Đức Sơn liền đánh, Lâm Tế thì hét, Tuyết Phong thì hỏi là cái gì ? Lịch đại tổ sư, đại đức cả đời chỉ tham một công án mà cũng chưa khai ngộ, cho thấy học thiền phải dụng công mà tham, không chỉ nghe không mà được.
Vương cư sĩ vẫn không hiểu hỏi :
-Làm sao để tham ?
-Trước hết ông hãy tham “Nghe mà chẳng hiểu”.
(Thiền Vị)

Chẳng kể hiểu hoặc không hiểu, nên lắng nghe tiếng nói của nội tâm.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1799.- Ba Tu Bàn Đầu.

Ba Tu Bàn Đầu là tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Có lần tổ 20 là Xà Dạ Đa nói :
-Tôi không cầu đạo, cũng không điên đảo; tôi không lễ Phật cũng không khinh dể Phật, tôi không ngồi lâu cũng không lười biếng. Tôi không độ ngọ cũng chẳng ăn tạp. Tôi không biết đủ cũng không tham lam. Tâm không cần gì. Đó gọi là Đạo.
Ba Tu Bàn Đầu nghe lời này bỗng phát sinh trí vô lậu.
(Zen Light)

Công án này đề cập đến sự cố gắng tu tập. Đạo Nguyên nói :
-Ngồi thiền, tự nó là con đường giác ngộ.
Chúng ta thường ngồi thiền với mục đích đạt được một cái gì, chẳng hạn chúng ta muốn trở thành thiền sinh, thiền sư, hay được tâm an bình. Công án này bảo cho chúng ta thấy có một mục đích để đạt thì không phải là Đạo, có mục đích là chúng ta đã đánh mất Đạo. Tại sao không có gì để đạt tới ? Vì chúng ta đã có nó rồi. Ở đâu ? Ngay trong chúng ta. Chúng ta ngồi là ngồi, không phải để trở thành Phật, để được giác ngộ, để giải một công án. Vậy thì học công án thế nào ? Chúng ta hãy để cho công án thấm qua các lỗ chân lông và trở thành một với công án.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1800.- Thiền là thế đó.

Có một vị y sĩ, y thuật rất giỏi, mỗi ngày đều nhìn thấy nhiều bệnh nhân qua đời, do đó ông bị ám ảnh bởi cái chết, sinh ra lo sợ. Ông nghe nói học thiền thì có thể khắc phục trạng thái tâm lý này. Ông đến gập thiền sư Nam Ẩn xin được khai thị. Nam Ẩn bảo ông :
-Học thiền không khó, ông vốn là một y sĩ ông hãy đối đãi tử tế với bệnh nhân của ông. Đó là Thiền.
Y sĩ dường như hiểu, dường như không. Ông trở lại vài lần, lần nào thiền sư cũng bảo :
-Là một y sĩ ông đừng phí thời gian ở chùa, hãy về săn sóc bệnh nhân.
Y sĩ không hiểu loại khai thị này làm sao trừ được nỗi sợ chết chóc ? Do đó lần tham phỏng thứ tư, ông trách :
-Có một vị vân thủy tăng bảo cho con biết, học Thiền thì sẽ không còn sợ chết nữa, nhưng mỗi lần con đến thầy đều bảo con lo săn sóc bệnh nhân. Điều này thì con đã rõ, nhưng đó gọi là Thiền thì về sau con không dám đến làm phiền thầy nữa.
Nam Ẩn mỉm cười :
-Tôi quá nghiêm khắc với ông, hãy thử cho ông một công án xem sao.
Nói rồi bảo y sĩ về tham thoại đầu chữ “Vô” của Triệu Châu.
Y sĩ khổ công tham thoại đầu này nhiều năm, cuối cùng tự giác tâm mình trong sáng tĩnh lặng, Vô đã trở thành chân lý. Y sĩ chăm sóc tốt cho các bệnh nhân của mình, nhưng không coi đó là thiện hạnh. Ông đã thoát được sự lo lắng về cái chết. Khi y sĩ đến trình sự tu tập của mình cho Nam Ẩn. Thiền sư mỉm cười bảo ông :
-Từ vong ngã đến vô ngã, đó là sự biểu hiện của thiền tâm.
(Thiền Vị)

Vong ngã là để hết tâm chí vào một việc gì, vô ngã là trí huệ thấy mọi pháp đều là không.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1803.- Lý Vạn Quyển.

Trong kinh Duy Ma Cật phẩm Bất Khả Tư Nghị trong đó có các câu : “Hạt cải đựng núi Tu Di” và “Nước của bốn biển chứa trong một lỗ chân lông”.
Đời Đường, Lý Bột là một người nổi tiếng xem nhiều sách. Vì số sách ông đọc nhiều hơn vạn cuốn nên người ta gọi ông là Lý Vạn Quyển. Một hôm, Lý Bột đến thăm Trí Thường, ông hỏi :
-Trong kinh điển nhà Phật có câu “Hạt cải đựng núi Tu Di”, làm sao giải thích đây ?
-Người ta gọi ông là Lý Vạn Quyển, không biết vạn quyển đó làm sao chứa trong đầu ông hả ?
Lý Bột hoát nhiên đại ngộ.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Tất cả mọi pháp, có khi từ sự mà nói, có khi từ lý mà giải. Nên biết vũ trụ thế gian trong sự có lý, trong lý có sự. Tu Di đựng hạt cải là sự, hạt cải đựng Tu Di là lý. Nếu rõ lý sự vô ngại thì chư pháp sẽ viên dung vậy. (Tinh Vân)


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1808.- Giã gạo quên nhấc chân.

Hòa thượng Thiện Đạo (lai lịch không rõ) nhân sự kiện Hội Xương đời Đường Võ Tông (bức hại Phật giáo) bị bắt hoàn tục. Về sau khi pháp nạn chấm dứt ông không quay trở lại, sống cuộc đời nửa tăng nửa tục. Người đương thời đều gọi ông là Thạch Thất hành giả. Có một lần đang giã gạo ông tụ tinh, hội thần tiến vào cảnh giới vô tâm, vô ngã. Ông giơ chân lên mà quên không bỏ chân xuống, đầu óc là một phiến hư vô. Có người đem chuyện này hỏi Lâm Tế. Lâm Tế bảo :

-Ông ta đã chìm sâu trong suối nước.
(Nhất Nhật Nhất Thiền)

Vô tâm cố nhiên là tốt, nhưng nếu là một loại thiền người chết thì không có cách gì lý giải chân lý. Cái gọi là chân thiền thì phải có định tuệ (định tuệ bình đẳng), phải trong không sản sanh ra tự giác, tức là phải từ tác dụng của tam muội. Khi tọa thiền nhìn những người qua lại Ngũ điều kiều (tên cây cầu ở kinh đô) như những cây cối trong rừng sâu. Nhưng như vậy vẫn chưa đúng. Khi tọa thiền phải nhìn những người qua lại ở Ngũ điều kiều như chính họ, thì mới được.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1811.- Ngộ và không ngộ.

Một ông tăng cung kính hỏi Huệ Lâm Từ Ái :
-Một người ngộ đạo có thể nói ra sự cảm thọ và ngộ cảnh không ?
-Nếu đã ngộ, không thể nói ra.
-Khi không nói ra được thì cảnh tượng thế nào ?
-Giống như người câm ăn mật.
-Một người chưa ngộ nhưng có biện tài, những gì ông ta nói có thể coi là thiền ngộ không ?
-Nếu chưa ngộ, những gì nói ra sao có thể coi là thiền ngộ được ?
-Không ngộ coi là ngộ thì giống gì ?
-Giống như vẹt học nói tiếng người.
-Người câm ăn mật là biết và vẹt học nói tiếng người là không biết, như trẻ con học nói nhưng không hiểu nghĩa.
-Người chưa ngộ làm sao thuyết pháp độ sinh ?
-Mình biết nói cho người khác biết, mình không biết không nói cho người khác biết.
-Hiện lão sư biết hay không biết ?
-Tôi như người câm ăn hoàng liên bị đắng nói không ra. Cũng như vẹt học nói rất giống. Ông nói tôi biết hay không biết ?
Ông tăng ngay đó giác ngộ.
(Xem thêm công án 1002)
(Tinh Vân Thiền Thoại)

Cảnh giới giác ngộ của thiền như thế nào ? Điều này không thể nói ra. Lịch đại tồ sư dùng đánh, hét nhưng không nói ra. Đức Phật cũng nói : “Những gì tôi nói không phải là Phật pháp.”
Đây không phải là chuyện cười bởi vì không dùng lời nói để thuyết Phật pháp, đó chính là Phật pháp. Thiền tâm là cảnh giới tự chứng, từ bình đẳng tính trí vô phân biệt mà biết. Đó không phải là hoàng liên (thằng cuội trong hạt sen, vị đắng) mà là mật ngọt. Không phải là vẹt mà là Bồ Tát.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1814.- Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh.

Chúng ta thường thấy một bộ ba bức tranh thiền treo ở thiền viện. Bức vẽ tổ sư Đạt Ma treo ở giữa, một bên treo Lâm Tế mở miệng hét, một bên là Đức Sơn cầm gậy. Bộ tranh này được gọi là Ma Đức Lâm. Cây gậy và tiếng hét đã được coi như tiêu biểu cơ dụng của Thiền Môn. Hai người đó được coi như những bực anh hùng. Nhưng thiền cơ không chỉ nhờ vào hét, đánh, như Triệu Châu dùng ba tấc lưỡi cũng đã làm mọi người tin phục.
Có một ông tăng hỏi Thủ Sơn :
-Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh cứu cánh là ý nghĩa gì ?
-Ông thử nói coi.
Ông tăng hét lên một tiếng.
-Đồ mù.
Ông tăng lại hét lên một tiếng nữa.
-Đồ mù hỗn, chỉ hét bậy, còn ra thể thống gì !
Ông tăng vái lậy lui ra. Thiền sư lại nện cho ông một gậy.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Chúng ta có thể thấy hét cũng tốt, đánh cũng tốt, nhưng chỉ những thiền sư chân chính mới có thể dùng làm thiền cơ linh hoạt.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1827.- Tôi ở nơi Đam Nguyên được thể, ở nơi Quy Sơn được dụng.

Ngưỡng Sơn mới đầu theo Thạch Sương Tánh Không. Có một lần một ông tăng hỏi Thạch Sương :
-Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang ?
-Nếu như có một người rơi xuống giếng sâu ngàn thước, ông có thể cứu người ấy ra mà không dùng một tấc giây thừng nào thì tôi sẽ bảo cho ông biết.
Ngưỡng Sơn đứng một bên nghe được đoạn đối thoại này bèn lấy đó làm công án, tham cứu nhiều năm mà vẫn không ngộ. Về sau Ngưỡng Sơn theo học Đam Nguyên, bèn đem chuyện này ra hỏi :
-Làm sao cứu được người ở trong giếng ra ?
Đam Nguyên mắng :
-Con trùng hồ đồ này! Ai ở trong giếng hả ?
Ngưỡng Sơn kinh ngạc, có chỗ sở ngộ. Về sau khi đến tham học Quy Sơn lại đem vấn đề trên ra hỏi . Quy Sơn lên tiếng gọi :
-Huệ Tịch !
-Dạ !
-Đã ra rồi !
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Động tác trả lời là Dụng. Ai lên tiếng dạ ? chả là đã ra khỏi giếng rồi sao ? Ngay từ đầu vốn chẳng có ai ở trong giếng. Đến vãn niên Ngưỡng Sơn có nói qua :
-Tôi ở Đam Nguyên được Thể, ở Quy Sơn được Dụng.
Thiền vốn siêu việt thường thức. Nếu chỉ căn cứ trên sự tướng mà giải thích thế này, thế kia thì chỉ là dùng tri kiến của vọng tâm, không phải là sự thể ngộ của thiền tâm. (Tinh Vân)
(Xem thêm công án 1014)


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Thiền hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

1829.- Bồ Đề Đạt Ma.

Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ. Tổ 27 là Bồ Đề Đa La hỏi :
-Ông có biết trong mọi vật, vật nào là vô tướng ?
-Ở trong mọi vật, không khởi một niệm là vô tướng.
-Ở trong mọi vật, vật nào là lớn nhất ?
-Ở trong mọi vật, pháp tánh là lớn nhất.
(Zen Light)

Tâm điểm của công án này là thực tại. Bát Nhã Đa La trắc nghiệm sự hiểu biết của Bồ Đề Đạt Ma bằng hai câu hỏi về thực tại, và Bồ Đề Đạt Ma trả lời là không khởi niệm và pháp tánh. Kết hợp hai ý này là có thực tại. Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta biết cả vũ trụ nằm trên đầu một sợi lông. Thực tại là bây giờ, là làn gió, là lá bay, là tiếng chim hót, là dòng suối chẩy. Chúng ta biết thực tại trong xương tủy chúng ta.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.85 khách