Giải Thoát

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

hahaothien
Bài viết: 150
Ngày: 04/06/09 06:56
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam

Giải Thoát

Bài viết chưa xem gửi bởi hahaothien »

Niết Bàn là mục đích cuối cùng của con người trong đời sống này, hay là chấm dứt vòng luân hồi này mãi mãi, nếu như nhận thấy rõ đời sống là Vô Thường, Đau Khổ và Vô Ngã. Đức Phật đã vạch ra con đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng này. Con đường này gồm có nhiều giai đoạn mà ta phải vượt qua, như các yếu tố cần thiết phải gột bỏ mà một vị A La Hán khi xưa phải hội đủ để có thể nhập vào dòng suối Niết Bàn: Không chấp Thân Kiến, không thủ chấp sự sinh ở cõi Vô Sắc, Hữu Sắc, Từ bỏ Tham Ái, Sân Hận, Giới cấm thủ, Ngã mạn, Lo âu (Phóng dật), Vô minh. Việc hoàn mãn các yếu tố này sẽ không còn bị cuốn trôi lăn trong kiếp luân hồi này.

Trong Thập Nhị Nhân Duyên ta có thể quan sát rõ ràng và thực tế nhất mà kinh nghiệm mỗi người đều có thể thực chứng về Vòng Luân Hồi:

Vô Minh → Hành → Thức → Danh Sắc → Lục Căn
↑ ↓
Lão Tử ← Sanh ← Hữu ← Thủ ← Ái ← Thọ ← Xúc

Bất cứ người nào không hiểu trọn vẹn giáo lý này thì không thể nào biết được tại sao vòng Luân Hồi tiếp diễn vô tận. Chính do sự vô minh ta không thể thấy được đúng bản chất của đời sống , ví như một người sống giữa ánh sáng ban ngày nhưng đã mù hai đôi mắt (người Vô Minh). Giáo lý này vô cùng thực tế, nơi đây đã bác bỏ đi quan niệm về linh hồn, một Thượng Đế sáng tạo, gột bỏ đi những quan kiến thông thường có tính chất dị đoan của những chúng sanh về sự Chết và Tái Sinh. Đức Phật minh định một điều rằng, vòng Luân Hồi bất tận được nuôi dưỡng bởi nước vẫn đục của Vô Minh và Tham Ái, chính hai yếu tố này là căn nguyên nhất để tiếp diễn vòng quay vô tận này, dòng nước tham ái bồi bổ nhiều vào chừng nào thì ngày tháng đến được Niết Bàn càng kéo dài và xa chứng ấy. Nếu như duyên cho đời sống tương lai được tạo bởi 2 yếu tố trên thì không làm sao có thể ngừng lại cái vòng lẩn quẩn vô tận này. Hai yếu tố này nhìn chung nó muốn bao trọn cả giáo lý trên khi ta đã thông hiểu trọn vẹn, Vô Minh (yếu tố đầu tiên) → Ái: do vì không hiểu đúng thực tướng đời sống như chúng là (Vô thường, khổ, vô ngã) nên chỉ lo nuôi dưỡng những cảm xúc tham muốn, nhằm thỏa mản xác thân giả tạm này, hay làm những chuyện không có lợi ích trong những ngày tháng của cuộc đời (việc làm có tính chất vị kỷ, dính đến tham, sân, si hay nô lệ cho xác thân). Khi có yếu tố Ái liên hợp với Thủ (sự yêu hay ghét đến đối tượng [dính mắc]) → Hữu (Nghiệp chưa được gột sạch) → Sanh (tiếp tục vòng luân hồi, nên phải tiếp tục thọ thai để thụ lãnh hay trả nghiệp đó). Ta thấy rõ ràng sự tiến triển của Luân Hồi qua giáo Lý Duyên Khởi này, không có gì ảo tưởng hay mơ hồ mà ta không thể hiểu được. [Ái → Thủ → Hữu → Sanh]

Do vì tham ái dính mắc đến đối tượng trong đời sống, mà ta không thể nào tự do thanh thản mà bước vào Niết Bàn được, giống như sự mắc dính trong máng nhện và không thể tự do vút bay như loài chim trời được. Khi dính mắc vào đối tượng, chúng ta khởi sanh nên niệm yêu thương hay sân hận [Ý] vào đối tượng đó → Nghiệp. Vì Nghiệp hiện hữu làm duyên để cho Thức tiếp tục thọ thai để cho chúng ta trả nghiệp đã gieo đó. Điều này rõ ràng một vấn đề tức là Nghiệp không được rột sạch thì, duyên cho đời sống tương lai vẫn còn, vì con người phải thụ lãnh những nhân mà mình đã tạo trong quá khứ. Đức Phật nói: khi cái này có thì cái kia xuất hiện, do điều này hiện hữu điều kia mới trỗ sanh (tức khi mà Nhân có thì Quả nhất định phải xuất hiện), tiến trình này không bị chi phối bất kỳ ai cả và vận hành một cách tự nhiên khi hành động chỉ đưa lại phản ứng một cách máy móc, các vị Chư Phật và A La Hán vẫn phải tuân theo quy luật này, nhưng các Ngài đã thông suốt tất cả nên chỉ tuân theo chiều hướng tiến triển của nó, nhưng không bao giờ có sự dính mắc vào đó.

Nghiệp giống như chất dinh dưỡng trong thân cây, ngày nào mà sự bồi bổ của dinh dưỡng còn thì cây sẽ tiếp tục phát triển, để sinh ra cành, nhánh, lá, trái. Luân chuyển qua từ vô lượng kiếp, ta không thể hình dung được rằng ta đã tích lũy những nghiệp quả gì, từ Cực Trọng Nghiệp → Cận Tử Nghiệp → Tập Quán Nghiệp → Tích Lũy Nghiệp theo thứ tự xuất hiện, vì thế chỉ trong một kiếp sống khó có thể trả hết nghiệp quả được. Nếu một người không phạm trọng tội mà đời sống tạo những nghiệp do tập khí mạnh thì Cận Tử Nghiệp hành hoặt, nếu một người có tâm thiện, không phạm phải Cực Trọng Nghiệp thì khi ra đi thanh thản, tập khí không mạnh (như ngủ rồi qua đời luôn, chỉ người có thiện phước) thì Cận Tử Nghiệp có thể thiếu vắng và Tập Quán Nghiệp xuất hiện để họ thụ lãnh các hành vi trong đời sống quá khứ mà họ đã làm (như người từ thiện phát tâm, bố thí, không tạo nghiệp gì nặng thì sẽ đi theo nghiệp thiện và trả những nghiệp bất thiện nhỏ như tính tình), Tích Lũy Nghiệp dạng nghiệp này thường với những người đã ngừng tạo nghiệp, chỉ còn những Nghiệp đã phạm trước đây chưa có điều kiện trỗ sanh (như các bậc A La Hán đã ngừng tạo nghiệp, nhưng nghiệp trước đã tích nay phải trả cho xong mới được tự do thanh thản), loại nghiệp này vẫn có thể trỗ sanh đối với bất cứ ai nếu đủ duyên, Đại Đức Mục Kiền Liên đắc quả Niết Bàn rồi mà vẫn phải trả nghiệp quả giết cha mẹ trong quá khứ và phải chịu đựng sự đau đớn ghê tởm vì bị nhóm tu lõa thể hành hạ vào cuối đời. Đây chỉ Cực Trọng Nghiệp là loại nghiệp dù là A La Hán vẫn phải thụ lãnh, loại nghiệp này là nặng nhất và sẽ thụ lãnh ngay hiện tại hay trong kiếp kế tiếp và không bị lấn áp bởi bất cứ loại nghiệp nào khác. Ngài đã đặt chân vào Niết Bàn nhưng nhân đã xảy ra trước vẫn còn nên phải thụ quả cho hết mới có thể nhập diệt. Ví như một người thiếu nợ dù trốn tận chân trời cuối đất thì một sự thật không thể chối bỏ đó là nợ vẫn còn lại đó, chỉ thanh thản, nhẹ nhàng khi nợ đó hoàn toàn được trả. Ta không thể nào hiểu được, trong vô lượng số kiếp ta đã tích cóp những Nghiệp gì và đã gặt hái quả xong chưa, vì thế thật khó để có thể kết thúc việc Tái Sinh khi ngay hiện tại đây ta vẫn đang tạo nghiệp từ dụng ý qua Thân, Khẩu, Ý, mà nghiệp xưa có thể chưa trả hết. Nghiệp chỉ xuất hiện khi có dụng ý hay tác ý, một cách hiểu khác mà trạng thái tâm tạo ra nghiệp (bị xúi dục, có ý muốn làm, vui theo người làm), 3 điều này dù hiện diện một cũng dẫn đến nghiệp khi chúng ta hành động, nếu thiếu cả 3 điều này thì hành động đó hoàn toàn trong sạch (đây là hành động của các vị A La Hán và Chư Phật).

Chúng ta hiểu rằng các vị đắc quả A La Hán trong thời Đức Phật, tính từ khi đắc quả đến lúc nhập diệt thì mọi hành động hoàn toàn trong sạnh, chỉ có chánh niệm tỉnh giác, an trú tâm vào một điểm, tư tưởng không phóng túng bay nhảy, không ô nhiễm, không dao động nên không hề có nghiệp trong đó, đối với các vị ấy có chăng thì chỉ còn lại dư âm của Nghiệp cũ mà thôi (Tích Lũy Nghiệp), vì thế khi thích hợp cho nghiệp xưa trỗ để thụ lãnh cho xong thôi, thì lúc đó như cõi hư không, còn đâu dấu vết cho tương lai tìm kiếm, hay điều kiện (nhân quá khứ) để bánh xe luân hồi quay nữa chứ?

Nếu như cho rằng Nghiệp không được gột sạch mà có thể nhập Niết Bàn thì chúng ta đã bác bỏ hoàn toàn Thập Nhị Nhân Duyên và phủ định quy luật Nhân sinh ra Quả của vũ trụ này (chính trong giáo lý ấy).

Mỗi một giây phút chúng ta tư tưởng và hành động đều để lại một dấu vết mà sau này trong giai đoạn tương lai nó sẽ trỗ sanh, ví như Nghiệp vậy, trong Trung Bộ Kinh đã minh định rõ tại sao chúng ta phải điều phục tâm để giữ cho trong sạch, khắc chế tâm trở nên vắng lặng để không tạo Nghiệp. Đức Phật đã dạy: “khi Tỷ-kheo ở nơi đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này khi đứng tại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: "Tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng có suy tưởng". Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy cảm thọ sự diệt tận. Như vậy, này Potthapàda, là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng.”

Khi đi đến tưởng tột đỉnh là lúc dừng lại việc trổ sanh ý tưởng, không còn suy diễn được nữa (giả như ý tưởng sáng tác vậy, tác giả đang không tạo ra ý tưởng mới được), lúc này với một người hiểu biết thì họ dừng lại và suy tưởng: "Tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng có suy tưởng". Thì họ nhận thấy việc càng suy tưởng sẽ làm duyên cho các tưởng kế tiếp, [b]nếu có ý trong đó sẽ tạo nên nghiệp[/b], vì thế “không suy tưởng” (phóng tâm) theo như Đức Phật là con đường ngăn ngừa đau khổ phát sinh (giữ định tâm), cùng lúc ấy chúng ta sẽ dễ dàng đối diện với mọi việc trong cuộc sống thăng trầm này. Điều tạo duyên cho tư tưởng rất dễ hiểu, như việc khi ta đã học được phương thức làm một cái bánh, khi đủ nguyên liệu (duyên) → ý tưởng làm bánh đó xuất hiện lại trong đầu và cứ thế theo tưởng + duyên là nguyên liệu, tạo nên một cái bánh (kết quả). Nếu khi dừng tưởng, thì duyên trước trỗ lại, như có đủ nguyên liệu (duyên) + tưởng biết làm xuất hiện, ta không suy tưởng nữa, không dính mắc vào, đoạn tuyệt tư tưởng [tức là không dính mắc theo duyên là nguyên liệu để làm] → kết quả không xuất hiện. Và duyên là nguyên liệu bị hư mòn diệt do vô thường, cùng tưởng làm bánh xuất hiện rồi diệt do không còn nắm giữ, không có duyên mới của kết quả, duyên tưởng làm bánh không còn để trổ sanh, vì thế đoạn tuyệt mãi mãi. Vậy là đau khổ, hạnh phúc, vui sướng, phiền muộn không trỗ sanh nữa do thiếu duyên nên → luân hồi đoạt tuyệt. Điều này thật dễ thực chứng trong đời sống, Đức Phật dạy khi người có nhiều tà kiến, sẽ phiền muộn lâu dài trong kiếp sống bất tận này [hay Vô Minh].

→ Vì thế có thể kết luận rằng Luân Hồi không ngừng khi Nghiệp không ngừng, Nghiệp do dụng ý của hành động tạo ra, vì thế Ý (thêm duyên là Thủ) không ngừng thì Luân Hồi vẫn tiếp diễn. Hiểu theo nghĩa chung chung là Tư Tưởng nuôi dưỡng đời sống này. (Vì thế Thiền Minh Sát do Đức Phật giảng dạy để giải quyết vấn đề Nghiệp này)

Trạng thái tâm của các vị A La Hán hay Chư Phật đã hoàn toàn ngừng hẳn việc dính mắc với đời sống, Đức Phật nói: Tâm các vị A La Hán như cõi đất bằng, như ao sâu không bùn. Nơi đây không còn trạng thái thương yêu, sầu muộn, ganh ghét, hay luyến ái, sân hận….. đến bất cứ vật gì hay người nào đó. Có chăng đó chỉ là trạng thái định tĩnh hoàn toàn, tất cả mọi cảm xúc đều đã bị đông lạnh và đã bị loại bỏ hoàn toàn. Với mỗi hành động khi thực hiện đều không còn cảm xúc, và ô nhiễm trong đó (Tâm Siêu Thế, các loại Tâm trong Vi Diệu Pháp), vì thế không tạo nghiệp, cho hiện tại đi qua không lưu lại dấu vết nào của quá khứ và duyên cho tương lai không có để trỗ sanh, do đó vòng luân hồi đã đứt đoạn. Có thể nói sự hiện hữu của Từ Bi trong Ngài phối hợp với trí tuệ không ô nhiễm vẫn tồn tại trong một khoảnh khắc nào đó của thời gian, nhưng khi khởi sanh thì không có Tư (mong muốn) trong đó, vì các Ngài biết đó là việc phải làm theo điều thiện, đúng với luật của vũ trụ nhưng không có ô nhiễm trong đó (tức không dính mắc). Trạng thái tâm đó xuất hiện và không có dính mắc vào bất cứ gì, khởi lên là diệt, giống như việc bố thí, khi ta thấy hoàn cảnh khổ ấy, thì chỉ biết duy nhất một điều là “khổ” và ngừng lại, tiếp tục trạng thái định, nhận thức việc nên làm, tiếp đến chuyển qua hành động cho, thì biết chỉ có “hành động cho” đó, và không có tư tưởng “sẽ sinh thiện phước từ hành động cho” trỗ sanh (đây gọi là không còn ô nhiễm, vì gốc rễ tham, sân, si đã bị bứng bỏ hoàn toàn trong tâm một vị A La Hán), Không gì ngoài hiểu “hành động cho” đó cả. Không còn xúc cảm trong đó? Có thể ví dụ như việc ta nhớ đến hình ảnh của một đối tượng mà ta không ưa, khi thức tưởng khởi lên là cảm xúc nổi giận, khó chịu lại dâng lên trong ta (ngược lại đối tượng ưa thích cũng thế). Nó giống như tiềm thức, cái thức như đã vốn ăn sâu vào tâm trí, như việc liên tưởng đến vị chua của me làm ta tiết ra nước bọt (vì không giữ được định và còn dính mắc). Cũng do ta còn dính mắc vào đối tượng yêu ghét (hay tâm vẫn còn ô nhiễm, sân hận, tham ái…chưa được nhổ sạch), nên tâm tham, sân, si vẫn nổi lên. Tâm của các vị A La Hán và Chư Phật được Đức Phật nói đến trong Trung Bộ Kinh như sau:

Chư Tỷ-kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Chư Tỷ-kheo, nếu ở đây người khác mắng nhiếc, phỉ báng, làm cho Như Lai tức giận, thì này các Tỷ-kheo, ở đây, Như Lai không có sân hận, không có bất mãn, tâm không phẩn nộ. Chư Tỳ-kheo, nếu ở đây, những người khác cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì này các Tỷ-kheo, ở đây Như Lai không có hoan hỷ, sung sướng, Tâm không thích thú. Chư Tỷ-kheo, nếu những người khác cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, thì này các Tỷ-kheo, ở đây Như Lai suy nghĩ: “ Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ: ở đây là trách nhiệm Ta phải làm”.

→ Ta thấy rõ như thế nào là trạng thái của các vị A La Hán do Thiền mang đến, không thể nào tư tưởng, lời nói, thân hành Vị này có sự sai sót và dính mắc đến gì cả trong thế gian (hay hiểu nghĩa khác là hoàn toàn không có nghiệp).

Trong Vi Diệu Pháp đã phân tích rõ ràng các loại tâm dẫn đến Nghiệp [Tâm tại thế], các loại tâm không có nghiệp trong đó [Tâm siêu thế]. Vì thế khi xưa thông qua Thiền Vắng Lặng, để khắc chế tâm trở nên định (không lay động). Sau đó thực tập Thiền Minh Sát để quán sát sâu vào sự vật, thanh lọc tâm trí trong từng khoảnh khắc liên tiếp trong đời sống, hầu để ngăn cản những tâm bất thiện hay ô nhiễm khởi lên (giữ trạng thái Định ấy liên tiếp) → phát triển Tuệ. Đó là sự chế ngự các căn tuyệt đối, không cho sự xúc chạm vào đời sống để bị lôi kéo theo cảnh trần hay sắc tướng. Trạng thái đó cũng được gọi là Xả (trong Tứ Vô Lượng Tâm), tức là sự quân bình của tâm, không còn lệ thuộc vào gì nữa, nói rằng trạng thái tâm vô cảm như đá ấy là không đúng, nhưng không như đá ấy cũng không đúng. Vì đều đó đã rơi vào 2 thái cực, chúng ta phải ở trên con đường Trung Đạo như Đức Phật đã dạy, không “có” mà cũng không “không”, không “sai” mà cũng không “đúng”... Đều này được minh định rõ trong Sách Thanh Tịnh Đạo qua câu chuyện sau:

Trong hang động lớn ở Kurandaka, có một tranh đẹp diễn tả sự xuất gia của bảy vị Phật. Một số tỷ kheo du hành đến đấy, trông thấy bức tranh bảo: "bạch đại đức, tranh thật đẹp". Vị đại đức nói: " Chư hiền, tôi ở đây hơn sáu mươi năm, mà không biết có tranh ở đấy hay không có, bây giờ, tôi mới biết được, nhờ chư hiền có mắt". Vị trưởng lão, mặc dù sống ở đó rất lâu, mà không bao giờ ngước mắt lên nhìn hang động. Tại lối vào hang, có một cổ thụ lớn, mà vị trưởng lão cũng không bao giờ nhìn lên nó, ngài chỉ biết là nó có hoa, khi trông thấy những cánh hoa rơi trên mặt đất.

Vua nghe được giới hạnh vị ấy, nên cho triệu thỉnh ngài, ba lần trưởng lão đều từ chối cả ba. Vua bèn ra lệnh niêm phong tất cả bầu sữa phụ nữ và bảo, nếu ngài không chịu đến thì tất cả trẻ con còn bú phải chết đói. Vì lòng thương tưởng những đứa trẻ, vị trưởng lão ra đi. Khi nghe ngài đến, vua bảo: "Thỉnh ngài vào cung. Ta muốn thọ giới". Sau khi ngài được đưa vào nội cung, vua đến đảnh lễ, cúng dường và bảo: "bạch đại đức, hôm nay chưa tiện. Mai trẫm sẽ thọ giới". Vua và hoàng hậu đảnh lễ ngài rồi lui. Bảy ngày trôi qua như vậy, mỗi khi đức vua hay hoàng hậu đến, ngài đều nói một câu: "Mong vua được an lành".

Các tỷ kheo hỏi: "Tại sao, bạch đại đức, dù với vua hay hoàng hậu ngài đều nói: mong vua được an lành? Trưởng lão đáp: "chư hiền, ta không để ý đó là vua hay là hoàng hậu". Sau bảy ngày, thấy vị trưởng lão không khoái sống ở cung điện, vua bèn để cho ngài đi. Ngài trở về hang động. Ban đêm, khi ra đi kinh hành, có vị thần ở trên dây to trước hang đứng cầm bó đuốc, ngài bỗng sáng tỏ trong đề tài thiền quán. Vào lúc nửa đêm, ngài chứng A-la-hán quả, hang động vang dội.

Trên đây là chỉ sự khướt từ vào mọi đối tượng, tách rời không bao giờ dính mắc đến bất cứ gì nữa, ngoài việc điều phục tâm và nhận thức đúng các hoặt động của Thân, Tâm, Cảm thọ, Pháp….. Đây là con đường giải thoát. Bài pháp nổi tiếng khác trong Kinh Điển hướng dẫn điều này là Đại Niệm Xứ, trình bày về cách quán tưởng liên tiếp trong đời sống về Thân, Tâm, Cảm Thọ, Pháp để đạt được các quả vị Thánh. Đức Phật nói: “ Này các Tỷ kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm... trong năm năm... trong bốn năm... trong ba năm... trong hai năm... trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn…..”

Đức Phật nói rất nhiều lời khuyên dạy các đệ tử hãy xem chính mình là nơi nương tựa, phải tự mình tiến đến con đường bất tử. “Nhờ kiên nhẫn, dũng mãnh tu thiền định [*], kẻ trí được giải thoát an ổn, chứng nhập vô thượng Niết-bàn.[/i]” (Pháp cú câu 23).

* Muốn chứng đặng Niết-bàn thì phải trừ 4 ách: dục ách (Kamayogo) sự tham dục, hữu ách (Bha-vayogo) mê chấp ba cõi, kiến ách (Ditthiyogo) điều tà kiến, ác kiến, vô minh ách (Avijjayogo) sự mê mờ.

Tìm kiếm trong Tam Tạng Kinh không thấy một nơi nào Ngài dạy bảo con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi bên ngoài, hay nương dựa vào Ngài để đạt giải thoát. Ngài cũng nói: “Các ngươi hãy nổ lực lên! Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ chứ không giác ngộ thế cho ai được. Sự trói buộc của ma vương sẽ tùy sức thiền định của các ngươi của các ngươi mà được cởi mở.” (Kinh Pháp Cú). Lời căn dặn cuối cùng với Đức A Nan Đà cũng tương tự thế.

Đức Phật dạy rằng việc Xuất Gia là một điều cao quý giành cho bất cứ một con người nào có tâm nguyện thực hiện, nhằm thoát khỏi sự trôi lăn trong lục đạo đau khổ này, đây là mục đích cuối cùng của đời sống [Đức Phật dạy rằng chỉ có một lý do chính đáng và duy nhất để chấp nhận cho việc xuất gia đó là nhàm chán đời sống, nhìn thấy thực tướng ghê sợ của kiếp sinh tồn mãi mãi này]. Ở đây ta sẽ hiểu, đòi hỏi nơi đó là sự Từ Bỏ đầu tiên, đây là điều tại sao Đức Phật muốn các đệ tử Ngài phải từ bỏ gia đình, con cái, cha mẹ, vợ chồng, tài sản, những điều chìu mến… sống không nhà cửa lang thang và khuất thực, tìm nơi vắng lặng để thực tập thiền, hầu một điều đó chính là ngăn cản sự xúc chạm để làm dấy động tâm. Việc cạo đầu là tử bỏ tất cả những danh dự, quá khứ, sự giả tạm phù hoa của tiếng tăm không thật có, mặc 3 bộ y và tùy thuộc thức ăn khuất thực là sự giảm thiểu dục xuống mức tối thiểu, để tránh được lòng tham muốn khởi lên. Việc Xuất Gia là sự thiểu dục và khổ hạnh là nhằm tránh gây tạo nên Nghiệp Quả (ý muốn) trong tương lai (ngừng tạo duyên cho tương lai), từ bỏ quá khứ và thanh lọc tâm trí để đạt đến giải thoát.

Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến cứu cánh Niết Bàn, không một vị nào đạt giải thoát mà không đi qua con đường cao thượng này, Đức Phật nói: “lý tối cao trong các lý là Tứ Diệu Đế, con đường tối thượng là Bát Chánh Đạo”. Con đường này là Giới Định Tuệ, nó hướng dẫn con người qua từng giai đoạn gột rửa tâm can của chính mình, thế giới là khổ thuộc về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến thoát khổ cũng đều thuộc vào Tứ Thánh Đế (Đế cuối cùng). Nếu không thấu triệt Tứ Thánh Đế này có nghĩa là không hiểu Đức Phật đã dạy gì và không hiểu đúng được Phật Giáo xuất hiện nơi thế gian để làm gì và điều mà Vị Đạo Sư cao quý mong muốn (khi Ngài vừa đạt được Chánh Pháp, Ngài quán xét thấy thế gian quá nhiều người u muội, tâm tư mê đắm dục trần không đủ trí tuệ để hiểu những gì Ngài đạt được, khi đó có Vị Phạm Thiên đọc được tâm tư đó nên đã xuất hiện, cầu xin Ngài hoằng dương Phật Pháp. Sau đó Ngài dùng Thiên Nhãn để gọi soi nhìn thấy như loài sen còn dưới nước, vượt đến mặt nước và vươn cao khỏi nước, ví kẻ ít bùn, lắm bùn), vì thế giáo lý này là cốt tủy của Phật Giáo. Khi hoàn mãn về Giới Bổn sẽ khiến cho chúng ta tránh khỏi tất cả những hành động bất thiện, tâm trở nên sáng suốt định tĩnh hơn và dần dễ mau đắc định, vì việc kiên giữ Giới sẽ làm thanh tâm trong sạch và vắng lặng lại, nhờ vào Định của thiền mà ta đạt được trí tuệ, Tuệ là sự thông hiểu toàn vẹn về Tứ Diệu Đế, là bậc A La Hán, là sự hiểu trọn vẹn không còn phải học hỏi gì nữa, tức trong đó phải thoát khỏi Vô Minh và Tà Kiến.

Ngã chấp phải được buông bỏ, không chấp là tự do hoàn toàn, là không dính mắc, không bám trụ, không thủ chấp, không hệ lụy…. vào gì cả, kiến thức như con thuyền để sang sông, khi đến sông là phải bỏ lại. Người sang sông giữ được trạng thái vắng lặng, thanh tịnh như ngọn lửa không có gió lay, không còn liên quan gì đến con thuyền đã sang sông. Giả như nếu ta có niệm ghét một sự vật, con người nào đó, thì ta đang dính mắc vào nó, và không bao giờ ta có thể thoát khỏi nó dù trong lòng ta luôn muốn thế, mà trong tâm ta phải thực sự buông bỏ. Vì thế ta thấy trong mọi hoàn cảnh dù đối diện với hoàn cảnh thế nào, bị tấn công hay bị nhục mạ nhưng Đức Phật vẫn thanh thản, không một chút dao động. Như thế, với một người bình thường, dù trong tâm kẻ đó muốn xa lánh, không muốn đến gần những đối tượng yêu ghét nhưng thực chất chỉ trói buột vào nó, càng xích gần đến nó, người xưa đã kinh nghiệm qua “ghét của nào trời cho của đó”, quá nhiều hoàn cảnh mà ta đã chứng kiến thế [Do vì dính mắc (không tự do), sinh niệm yêu ghét đến đối tượng → nghiệp, nghiệp trỗ thì ta sẽ gặt lấy (dính vào nó).].

Một vị giải thoát khỏi mọi trói buột là không còn Vô Minh phủ lấy, thông suốt đúng thực chất bản thể của mọi vật, và không còn sự dính mắc vào nó. Nếu Vô Minh chưa được dứt bỏ thì chúng ta cũng không thể nào thoát khỏi Luân Hồi. Chúng ta kiên định giữ Giới dần làm tâm trở nên trong sáng và trầm tĩnh (sự quán sát rõ hành vi, lời nói, tư tưởng) sẽ dẫn đến Định, từ Định sẽ dẫn đến Tuệ (phá bỏ Vô Minh và Nghi Hoặc), tức là các yếu tố dẫn đến Niết Bàn dần dần được tẩy bỏ.

Niết Bàn cũng không thể phù hợp cho một người còn đầy tà kiến và sự hoài nghi. Xét theo Phật Giáo có 4 bậc Thánh mà một bất cứ người nào muốn nhập Niết Bàn đều phải thông qua: Đó là Tư Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. (phù hợp với việc gột bỏ 10 yếu tố)

Bậc Thánh đầu tiên là Tư Đà Hoàn đã dứt trừ được nghi hoặc, tà kiến, giới cấm thủ, vì thế chỉ còn tái sinh nhiều nhất là 7 lần, sau đó nhất định sẽ tiến dần lên các bậc cao hơn. Tiếp đến là bậc Tư Đà Hàm đã giảm thiểu Tham Ái và Sân Hận xuống mức thấp nhất, vì thế chỉ còn quay trở lại cõi dục này duy nhất một lần, do các cõi dục không còn phù hợp với các Ngài nữa, nó quá xa cách, điều này thật đúng với Lực của vũ trụ, cuốn hút các điều phù hợp đến với nhau, bậc A Na Hàm là bậc đã thanh lọc hoàn toàn cả 5 yếu tố trước và phải vượt qua được những chướng ngại thông thường như Ngã Mạn và Hôn Trầm…, lúc này khi bỏ xác thân là đã hoàn toàn thoát ra khỏi cõi dục giới và nhập vào các cõi trời để đi đến bậc A La Hán, bậc cuối cùng Tầng Thánh cao nhất và dứt trừ tất cả những chướng ngại (hay còn gọi bậc Vô Học), có nghĩa là không còn gì phải học nữa nếu còn tại thế gian, điều thành tựu đã thành tựu, việc cần làm đã làm xong. Các bậc Thánh này có thể được chứng đắc ngay trong kiếp hiện tại nếu hội đủ được duyên (duyên này do sự nổ lực của chính chúng ta tạo ra). Các bậc Thánh ví như các bậc thang mà mỗi người đều phải bước từng bước để thanh lọc tâm trí mà dẫn đường vào Niết Bàn. Đây là con đường Đức Phật đã giảng dạy rất rõ, không có một con đường tắt nào chúng ta có thể đi đến được cả.

Đạo quả giải thoát đạt được với một người đã hoàn toàn tịch tịnh, không còn bất cứ dao động nào với đời sống và phải tẩy trừ cho sạch những lậu hoặc (hay chướng ngại) mới có thể đắc được bậc Thánh cuối cùng.

Tăng Chi Bộ Kinh có thuật câu chuyện Mục Kiền Liên hỏi Xá Lợi Phất.

Rồi Tôn giả Anuruddha đi đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha nói với Tôn giả Sàriputta:

- Thưa Tôn giả Sàriputta, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới. Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm ; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm. Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ.

Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên, tôi có thể nhìn một ngàn thế giới". Đây là kiêu mạn của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, nếu Hiền giả suy nghĩ như sau: "Phấn chấn là tinh tấn của tôi; không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm; tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt; tâm được định tĩnh nhất tâm", đây là trạo cử của Hiền giả. Này Hiền giả Anuruddha, Hiền giả suy nghĩ như sau: "Tuy vậy, tâm của tôi chưa được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có không chấp thủ"; đây là hối quá của Hiền giả. Lành thay, nếu Tôn giả Anuruddha đoạn trừ ba pháp này, không tác ý ba pháp này, hãy chú tâm vào giới bất tử.

Rồi Tôn giả Anuruddha, sau môt thời gian, sau khi đoạn trừ ba pháp này, sau khi không tác ý ba pháp này, chú tâm vào giới bất tử. Rồi Tôn giả Anuruddha sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu đạt được mục đích mà một thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Vị ấy chứng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Tôn giả Anuruddha trở thành một vị A-la-hán nữa.”

Trạng thái tâm vắng lặng hoàn toàn đạt được từ Thiền hay Niệm Phật là một điều có thể làm nhưng cần phải hội đủ các điều kiện, nếu không sẽ khó mà đạt được. Vì thể giải thoát phải hội đủ các yếu tố cần làm như ở trên. Vì Đức Phật dạy bất cứ một sự việc hay sự vật nào trong thế gian này cũng đều do Duyên cấu hợp thành. Khi đắc được các bậc Thiền từ Sơ Thiền cho tới Ngũ Thiền thì chúng ta sẽ phát triển được phép thần thông. Một điều cần hiểu là không nhằm vào mục đích là đạt được sự oai hùng của thần thông với con người, Đức Phật cho rằng phép thần thông cao nhất là biến đổi một người ngu thành một người trí tuệ. Đồng thời, khi đắc được ngũ thiền thì việc đắc định là rất dễ. nhưng các bậc Thánh thì phải dứt trừ các chướng ngại phía trên.

Trong thời Đức Phật có một vị tùy kheo đi đến một quán trọ để khuất thực, nhưng chủ nhà trọ này là một cô gái. Khi cô ta nhìn thấy vẻ đẹp thanh tú, khôi ngô của vị tùy kheo đã khởi động dục tâm, và đã mời vị tùy kheo vào nhà chờ dâng thực phẩm. Khi vị tùy kheo vào nhà, cô ta đã khóa cửa và quyến rủ vị tùy kheo bằng việc cởi bỏ xiêm y và làm những cử chỉ quyến dụ. Vị tùy kheo đã nhận thấy việc ấy, liền nhập vào cõi Thiền Vô Sắc, giữ nguyên trạng thái định trong đó, khi vị cô nương kia nhìn thấy hình trạng không dao động và không mảy may có chút tham luyến. Cô ta cảm thấy hành động sai quấy đã vội mặc y áo lại và xin sám hối với vị tùy kheo đó.

Câu chuyện trên đây thấy rõ lợi ích của sự tỉnh giác và chuyên chú tập Thiền (nhất điểm tâm) để đạt được sự Thanh Tịnh, làm tách ra khỏi đời sống ô nhiễm và phiền trược này. Và rằng khi đã đạt được các bậc Thiền, chúng ta đã có nền vững chắc để tiến dần lên các bậc Thánh bằng việc gột bỏ các chướng ngại. Vị Tỳ Kheo trên đây, đi vào nhất điểm tâm, bỏ mặc, không bị thu hút, không dính chấp, tách rời, mặc cho mọi hoàn cảnh như xảy ra thế nào. Do sự định tâm, cùng không dính mắc nên không làm tâm xao động, không khởi phát Ý → không có tạo nghiệp. Đây là Trạng thái các Vị A La Hán và Chư Phật. Trong Kinh Điển có nhiều chuyện miêu tả như thế, có một vị Hoàng Hậu đến thăm Đức Phật, sắc đẹp của bà kiều diễm và rất sắc xảo, đến các Vị Tỳ Kheo chưa đắc được bậc Thánh, phải tránh nhìn vào khuông mặt của bà. Nhưng Đức Phật nhìn một cách thanh thản, trầm tĩnh, không một chút dao động, luyến chấp, không nắm giữ tướng chung hay riêng nơi vẻ đẹp của Hoàng Hậu, đã làm cho bà vô cùng ngỡ ngàng và tôn kính Ngài hết mực.

Tự do thênh thang trong Niết Bàn là chân hạnh phúc tối thượng, chỉ còn là một an tịnh vĩnh viễn, hoàn toàn như ngọn đèn đã tắt vĩnh viễn, nơi đó không có sầu đau, không khổ não, không bi thương, không có bất toại nguyện, là trạng thái hạnh phúc vĩnh cửu.

Vậy để tiến bước lần hồi tới con đường bất từ, phải đi trên đôi chân của mình và điều quan trọng để đi dần đến được là tâm trong sạch, vì những phụ thuộc trong đời sống này như là một sự trói buột, kẻ ác phải đi tới khổ báo, kẻ thiện sẽ đi đến nơi tốt lành, như càng gần mực thì càng dần nhuốm đen, càng gần đèn thì sẽ càng được sáng. Chúng ta có thể chọn nơi mà ta muốn ở gần hay đến gần, phải tuân theo sự vận hành của vũ trụ này. Tức là những tương tác hoặt động như thế nào sẽ dẫn chúng ta đến gần với nơi ấy, trong đời sống chúng ta nên luôn chú tâm tỉnh giác trong nhiều thời khắc, vì việc chú tâm vào Định được bao lâu thì lợi ích bấy lâu, rõ một điều các vị Tùy Kheo hay những người hữu duyên gặp Đức Phật khi xưa chỉ cần nghe một một lời dạy hợp lý của Ngài là đã dẫn vào bậc Thánh ngay hay dễ dàng nhập vào các bậc Thiền. Vì do trong nhiều kiếp các vị này đã thực tập vào sự trú tâm chuyên nhất hay đã thực tập việc thanh lọc những chướng ngại, đã nhìn rõ được bản thể của cuộc sống từ lâu nay phù hợp duyên đã khởi phát lại. Tu tập được bao thì tốt bấy lâu vì không bao giờ việc làm mà không có phản ứng cả (hay kết quả cả), rồi phản ứng đó sẽ trỗi dậy trong một thời gian nào đó của tương lai khi đủ duyên (vì hành động đã xảy ra trước đây là duyên cho hành động kế tiếp). Vì thế thật quan trọng cho chúng ta làm việc thanh lọc tâm trí và làm điều phước thiện ngay lúc hiện tại và hãy bỏ qua quá khứ và đóng chặt lại tương lai, vì hiện tại ta sẽ làm được những gì có ích? (quên quá khứ, bỏ qua tương lai, vô ngã)

Chúng ta phải thanh lọc tâm trí hằng ngày, hằng giờ để không bó buột vào kiếp luân hồi. Lọc dần những điều Tham không cần thiết, điều mà sẽ dẫn đến đau khổ cả thân và tâm, từ bỏ Sân hận vào các đối tượng không của mình và thật có trong đời sống này (hiểu rõ Vô Ngã). Càng si mê thì càng khổ, vì Si sẽ làm trói buột vào đối tượng mãi mãi, càng lâu thì càng dày, dẫn đến càng u mê càng đau khổ (hiểu rõ Vô Thường).

Chúng ta phải tự gieo trồng thiện phước, lần hồi qua từng ngày tháng để tạo duyên cho đời sống tương lai và dần đến gần hơn con đường giải thoát. Có câu rằng “tự trong mọi chúng sanh vốn đã có tánh Phật”, điều này là một suy luận có vẻ không đúng lắm. Nếu như thực sự đã có tánh Phật tự có trong mọi chúng sanh, thì chúng ta không cần phải huân tập các hạnh để đạt được quả giải thoát, điều này cũng làm sai lệch lời dạy của Đức Phật, cho rằng không do duyên cấu hợp nên mà bản chất tự nó đã có. Ngài dạy rõ rằng tất cả đều do duyên tạo mà hiện hữu, không có duyên thì không thể hình thành được sự vật hay sự việc. Ta có thể hiểu rằng, những phẩm hạnh, và tri kiến phát sanh đều do sự tích cóp trong quá khứ mà có được, không tự nhiên mà nó có sẳn trong đó, cũng thế ấy, trí tuệ Đức Phật có được là do Ngài đã tích lũy hơn trăm ngàn kiếp sống (cả Đại kiếp và Tiểu kiếp) nên mới được như vậy. Thật không thể cho rằng đặc ân trở thành Phật đã giành sẳn cho Đức Phật từ trước, mà do lời nguyện và nổ lực để đạt được bậc Phật là tâm nguyện của Ngài muốn hướng đến vì cứu độ chúng sanh, cũng như một số người chỉ nhìn thấy một ngọn lửa, một giọt nước hay một chiếc lá rơi là có thể đắc vào bậc Thánh, vì các Vị này đã tích tụ duyên trong các kiếp sống trước nay hợp thời nên đã trổ dậy, không thể cho rằng chỉ trong đời sống hay bậc Thánh đó đã giành sẳn cho họ.

Nếu như có hạt giống bồ đề sẳn, thì phải có hạt giống tàn ác nhất ẩn chứa trong đó, trong đời sống có những người vô cùng cứng đầu, xấu xa, tà kiến nhiều dù khuyên dạy đến thế nào đi nữa cũng không thể sửa đổi được (thì tánh thiện sao không trỗ sanh khi khuyên răn?), do vì họ đã dính vào điều bất thiện quá sâu, do tính bất thiện họ huân tập hiện tại dẫn họ đến gần hơn nơi bất thiện (gần mực thì đen, gần đèn thì sáng ấy, tương tự học thuyết “Lực” của khoa học), bản tính bất thiện + vô minh đã lấn áp người đó tất cả do thói quen hình thành, vì thế đi đến khổ báo, chỉ đến khi nào cùng cực của đau khổ thì họ mới tìm lại nơi nương tựa của đạo đức và hướng theo đó mà hạt mầm được trồng. Rột bỏ vô minh, thanh lọc đi bản chất bất thiện thì càng ngày làm giảm dần thì trong đó tính thiện sẽ trỗi dậy và hạt giống bồ đề sẽ được phát triển, điều này là do bản thân ta tự tích tụ duyên (hành động hiện tại tạo nên) để nó trỗ sanh. Vì thế thật sai lầm khi cho rằng điều gì đó có sẳn hay tự vốn nó đã ở đó, không khác cho rằng quả cam đã có sẳn trong thân cam (phải cần duyên là hạt cam, môi trường, người gieo), nếu bản thân không tự chọn lựa việc đi tìm hạt cam, môi trường thì muôn đời cũng không bao giờ có được quả cảm (điều này ví như một người tự mình muốn tạo duyên tốt hay xấu vậy), hay cho rằng một cái bánh tự nó đã có sẳn (nhưng phải do duyên là nguyên liệu và người làm, dụng cụ)... Chúng ta không tìm thấy điều gì trong thế gian này hợp thành, sinh ra hay cấu tạo mà không do duyên cả. Đức Phật nói: “khi cái này có thì cái kia có, khi điều này xuất hiện thì điều kia hiện hữu” Câu chuyện sau nói rõ về điều đó:

Vào thời Ðức Phật, có vị tỳ khưu hiểu biết lầm lạc tên Sàti thường nói rằng: "Theo sự hiểu biết của tôi, Giáo Pháp của Ðức Phật dạy rằng có một cái tâm nguyên vẹn, đi thênh thang vô định, và chuyển sanh (từ kiếp này sang kiếp khác)". Những vị tỳ khưu khác nghe vậy cố gắng giải thích cho tỳ khưu Sàti để dẫn dắt thầy trở về con đường chơn chánh. "Này Ðại Huynh Sàti, không nên nói như thế, không nên làm cho người ta hiểu lầm Ðức Thế Tôn, chớ nên trình bày sai lạc giáo huấn của Ðức Thế Tôn mà cũng không nên nói như thế bởi vì, này Ðại Huynh Sàti, bằng nhiều phương cách khác nhau Ðức Thế Tôn đã giảng giải dài dòng pháp Tùy Thuộc Phát Sanh. Ngài dạy rằng tâm chỉ phát sanh do điều kiện, và ngoại trừ do điều kiện, tâm không thể khởi phát. Tuy nhiên thầy Sàti vẫn cố chấp tà kiến của mình. Câu chuyện được bạch lại với Ðức Phật, Ngài cho gọi Ðại Ðức Sàti đến và hỏi:
Này Sàti, có lời tường thuật rằng con đang nuôi dưỡng một tà kiến nguy hại. Ðúng vậy không? Theo lời tường thuật ấy, con nói: theo sự hiểu biết của tôi, Giáo Pháp của Ðức Phật dạy rằng chỉ có một cái tâm và chính cái tâm ấy tiếp tục chạy, tiếp tục diễn tiến, chớ không phải tâm nào khác?
Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, theo con hiểu, Giáo Pháp của Ngài dạy rằng chính cái tâm ấy tiếp tục chạy, tiếp tục diễn tiến, chớ không phải tâm nào khác.
- Này Sàti, tâm ấy là gì?
- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, đó chính là cái tâm làm cho ta nói, thọ cảm, và chứng nghiệm, nay ở đây, mai ở chỗ kia, hậu quả của những hành động lành hay dữ, cao thượng hoặc suy đồi.
- Nhưng, hỡi con người điên rồ, ai làm cho con hiểu rằng Giáo Pháp của Như Lai truyền dạy là như vậy? Này người cuồng si, phải chăng Như Lai đã giảng giải dông dài và bằng nhiều phương cách rằng tâm khởi phát do những điều kiện? Phải chăng Như Lai hằng dạy rằng ngoại trừ do điều kiện, không có tâm khởi phát? Này con người điên rồ, hôm nay con lại chẳng những trình bày sai lạc giáo lý của Như Lai, vì chính sự lầm lạc của con, mà còn làm tổn hại đến chính con, làm phát sanh nhiều phiền não mà, này người điên cuồng, về sau sẽ đem đến con những điều bất hạnh lâu dài". -- (Majjhima Nikàya, Trung A-Hàm, quyển 1, bài số 38.)

Câu chuyện này Đức Phật đã chỉ rằng không làm sao có một cái linh hồn trường cửu di chuyển qua từng kiếp sống, mà phải hội đủ duyên là Nghiệp của mỗi cá nhân mà khiến thức sẽ xuất hiện trong thai bào mẹ mà người đó có duyên nợ, nếu Nghiệp thiếu vắng thì không làm sao có Thức (sự Sinh hình thành). Vì thế tất cả điều cấu hợp do duyên, điều này quá thực tế và dễ hiểu.

Các lời dạy của Ngài được đọc hiểu đến đâu từ học thuyết về 4 bậc Thánh, Tứ Niệm Xứ, Nghiệp Quả, Tứ Diệu Đế, Tứ Thần Túc (hợp với Thiền), Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Vô Lượng Tâm, Thất Giác Chi, Thập Nhị Nhân Duyên hay những bài Pháp tùy vào mỗi chúng sanh Ngài thuyết giảng….. tất cả giáo lý đều mắc xích với nhau, không mơ hồ, không hoang mang, không nghịch lý, chỉ đi đến đúng một con đường duy nhất là giảm khổ và thoát khổ. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa hay môi trường nào thì cũng thấy kết quả rõ ràng ngay hiện tại, nếu chúng ta thực tập. Xét theo các lời dạy và kinh điển ta thấy rằng nó rất thực tế, hợp vào lẽ phải, đi đúng theo sự vận hành của vũ trụ này. Càng nghiền ngẫm, càng cảm thấy xúc động và vui sướng, dường như muốn cảm ơn và lễ lạy Vị Phật từ bi không thể diễn tả này, đã xuất hiện nơi thế gian và mở cánh cửa u tối của cuộc đời để bước ra ánh sáng chân thật của tình thương và chân lý.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.100 khách