Thập Nhị Nhân Duyên

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

hahaothien
Bài viết: 150
Ngày: 04/06/09 06:56
Giới tính: Nam
Đến từ: VietNam

Thập Nhị Nhân Duyên

Bài viết chưa xem gửi bởi hahaothien »

Đây là một trong những giáo lý căn bản của Phật Giáo, nó giải thích rõ tiến trình của vòng luân hồi mà con người sẽ tiếp tục đi mãi khi chưa rột sạch được Tham Ái và Nghiệp. Và giáo lý này cũng là nền tảng cho những hiểu biết nhằm thoát khỏi khổ đau và luân hồi. Đức Phật nói: “ Này Ananda, chính vì không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện đại bị rối loạn như ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba ba la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử ” – Kinh Đại Duyên.

Thập nhị nhân duyên hay còn gọi là Pháp tùy thuộc phát sanh, có ý nghĩa như là: mọi vạn vật đều do duyên (hay điều kiện) mà sinh khởi nên, như danh từ Duyên Nghiệp ta có thể hiểu đó chính là những nghiệp thiện hay bất thiện của chúng ta tạo ra sẽ được lưu giữ lại và đến khi duyên (điều kiện) đủ thì nó sẽ phát sinh nghiệp đó. Như câu “mọi vạn vật do duyên sinh, nên vạn vật vì thế cũng do duyên mà diệt”, tất cả mọi vật đều không thật có mà chỉ tồn tại tạm thời trong một thời gian nào đó. Hiểu đơn giản nhất chính là Nhân sẽ sinh ra Quả, và vòng tròn mắc xích này diễn tả tiến trình của vòng luân hồi, trong đó không làm sao có Thượng Đế quyết định số phận con người, hay một Thần Thánh nào đó chi phối số phận của tất cả chúng sinh.

Giáo lý này là một vòng tròn mắc xích từ nhân sinh ra quả rồi quả trở lại làm nhân, không làm sao có một điểm khởi đầu do Tham Ái và Vô Minh đã che mờ cả. Đức Phật dạy: kẻ đi tìm nguyên nhân đầu tiên trong đời sống thật ngu ngốc và cuồng si, có thể ví như trứng và gà mẹ, ta không thể hình dung được rằng đâu là khởi điểm. Và khoa học cho rằng loài gà tiến hoá từ một sinh vật khác, vậy thì sẽ trả lời như thế nào với câu hỏi “vậy thì con vật tiến hoá đó từ trứng hay được mẹ nó sinh ra?”, hay được tiến hoá từ loài khác và loài đó sẽ tiến hoá từ loài nào...điều này không thể trả lời được.

Thập nhị nhân duyên (Lý Duyên Khởi) gồm có 12 yếu tố: Vô Minh [dẫn đến] > Hành > Thức > Danh Sắc > Lục Căn > Xúc > Thọ > Ái > Thủ > Hữu > Sanh > Lão Tử.

1. Vô minh: Đây là danh từ mang hàm nghĩa chỉ sự không hiểu biết chánh pháp [Tứ Diệu Đế], không thông hiểu bản chất của sự vật, cuộc sống, chứ không phải mang nghĩa thông thường là không hiểu biết. Vì do không có chánh kiến mà con người chỉ lo bám víu đời sống hôm nay, chỉ lo tìm kiếm lợi lạc cho riêng mình, mong muốn được thụ cảm những những hạnh phúc, vui sướng, thoải mái tạm bợ bên ngoài nhằm thỏa mãn giác quan mà đời sống thì đầy vô thường và đau khổ.
Vô Minh → Hành

2. Hành: Chữ Hành ta có thể hiểu đó chính là những hành động, hành vi của thân, khẩu, ý gây tạo nên nghiệp quả. Yếu tố này do Vô Minh dẫn đến, Vì rằng không có hiểu biết đúng thực tướng đời sống mà con người hành động theo tham ái, hay dục vọng của mình mà không có điều hòa, chế ngự tâm nên gây tạo nên nghiệp quả. (vì hành động có dụng ý tất sẽ sinh ra nghiệp dù lời nói, tư tưởng, hay hành vi).
Hành → Thức

3. Thức: Đây là yếu tố do Hành dẫn đến. Mang hàm nghĩa là thức nối tiếp, thức tái sinh (chỉ thức trôi trãi liên tục và liên kết đời sống quá khứ và tương lai), chứ không phải là một linh hồn trường cửu nào cả. Do hành động không có Chánh kiến sẽ dẫn đến việc gây tạo nên nghiệp quả và nghiệp quả chưa được diệt sạch nên khiến thức tái sinh tiếp tục đi vào bào thai người mẹ để trả cho nghiệp quả đã gieo.
Thức → Danh Sắc

4. Danh Sắc: Yếu tố do Thức dẫn đến. Danh Sắc hay còn được gọi là tâm và thân. Khi Thức tái sanh đi vào bụng người mẹ, cả ba yếu tố: “tinh trùng người cha và trân châu người mẹ, thức tái sinh (yếu tố Thức ở trên), thời gian thích hợp cho bà mẹ mang thai”, tạo nên một noãn bào rồi dần hình thành nên đứa bé (tức Danh Sắc được hiểu là lúc tinh trùng vào trong Chân Châu (buồng trứng) người mẹ + thức hiện diện hợp thời → hình thành nên chủng tử hay noãn bào). Cụm từ Danh Sắc bao hàm nên sự tượng hình đứa bé trong bụng mẹ và phát triển thành một con người, chỉ thân thể vật lý và tâm thức thụ cảm, hiểu sâu nhất chính là xác thân ngũ uẩn.
Danh Sắc → Lục Căn

5. Lục Căn: Đây là yếu tố do Danh Sắc dẫn đến. Bao gồm có: Nhãn (Mắt), Nhĩ (Tai), Tỷ (Mũi), Thiệt (Lưỡi), Thân, Ý và yếu tố này chỉ tồn tại khi có một con người hay Danh Sắc. Vì con người được cấu tạo từ các bộ phận trên. Nếu thân thể vật lý và tâm thức không có thì Lục Căn không có, tức không có thai nhi (Danh Sắc) tượng hình trong bụng thì sẽ không có Nhãn, nhĩ, tỷ......
Lục Căn → Xúc

6. Xúc: Yếu tố do Lục Căn dẫn đến. Bên cạnh lục căn của một người còn cần thêm yếu tố là Lục Trần: Sắc (hình thái chiếm thể tích không gian), Thinh (âm thanh), Hương (mùi vị), Vị (vị giác như ngọt, đắng, cay...), Xúc (xúc chạm), Pháp. Cả hai Lục Căn và Lục Trần cấu tạo nên Xúc của con người. Giống như mũi (Thiệt) ngửi thấy một mùi thơm (Hương) của ngoại cảnh mang đến sẽ dẫn đến những xúc cảm ghét hay thương...
Xúc → Thọ

7. Thọ: Yếu Tố do Xúc dẫn đến. Thọ ta có thể hiểu chính là những cảm giác hạnh phúc, đau khổ hay không hạnh phúc, không đau khổ mà mỗi chúng sanh cảm nhận. Có nghĩa là khi mà Xúc phát xuất thì Thọ cũng sẽ xảy ra ngay lúc đối với một con người trong đời sống này. Như mũi ngửi thấy mùi thơm làm cho tâm con người cảm thấy hạnh phúc hay thoải mái (Thọ).
Thọ → Ái

8. Ái: Yếu Tố do Thọ dẫn đến. Chỉ những dục vọng mong muốn, yêu thích, thèm khát… Vì khi con người nhận được những xúc cảm bên ngoài (Thọ) tác động vào, họ phát sinh nên tham ái, ưa thích, ghét hay chê đối với những đối tượng giác quan đó.
Ái → Thủ

9. Thủ: Yếu Tố do Ái dẫn đến. Chỉ sự bám chặt, bám víu, thủ chấp, giữ lấy, dính mắc, dính chặt…. Mang nghĩa giống với Luyến (Luyến ái). Đây là yếu tố dẫn con người đi trong vòng luân hồi mãi mãi. Do vì chúng ta có những tham ái (Ái) đối với ngoại vật và ta mong muốn giữ lấy hay khướt từ (cứ có dụng ý đến đối tượng) và cứ vậy luôn mắc xích, dính mắc vào đối tượng.
Thủ → Hữu

10. Hữu: Yếu tố do Thủ dẫn đến. Đây chỉ về “Nghiệp” gồm có quá trình tạo tác, quá trình nhận lãnh. Vì do bám víu, dính mắc điều gì hay vật gì đó (đối tượng) trong đời sống, nên con người hành động qua thân, khẩu, ý với sự ô nhiễm đến đối tượng làm dẫn đến nghiệp. (có ý là có nghiệp), chính vì có nghiệp nên tạo duyên cho tương lai để ta thủ lãnh hay trả nghiệp đó.
Hữu → Sanh

11. Sanh: Yếu tố do Hữu dẫn đến. Sanh mang hàm nghĩa là sự hình thành của của năm uẩn trong bào thai của một người mẹ nào đó, chứ không mang nghĩa sanh ra hay đẻ ra. Do chịu lý của Nghiệp Quả (Hữu) mà thức tái sanh sẽ tiếp tục trở lại bào thai người mẹ và hình thành nên một con người để thụ lãnh Nghiệp đã vay tạo. Tức đây chỉ rõ Nghiệp sẽ khiến Thức tiếp tục vào bào thai người mẹ, để tiếp nối cái vòng luân hồi này mãi mãi, khi nghiệp chưa được diệt sạch.
Sanh → Lão Tử

12. Lão và Tử: Yếu tố cuối cùng do Sanh dẫn đến. Đây là điểu hiển nhiên nhìn thấy rõ nhất và như một giai đoạn mà không một người nào thoát khỏi nếu như còn mang nặng ngũ uẩn. Do sự tượng hình trong thai mẹ, và sinh ra, trở thành một xác thân ngũ uẩn. Để rồi con người sẽ già theo năm tháng và cuối cùng là phải giã từ cõi đời (chết). Trong giai đoạn lão tử này (hay một đời sống) vẫn bị vô minh che lấp (do không thấy đúng thực tướng đời sống, trở nên tham luyến nhiều), nên cứ tiến triển lại theo các yếu tố trên không ngừng nghỉ. Chúng ta muốn thoát khỏi thì phải chấm dứt vòng quay của sanh tử bằng việc nhổ tận gốc Vô Minh và Luyến ái, bằng cách đạt được quả vị A La Hán.

Vô Minh → Hành → Thức → Danh Sắc → Lục Căn → Xúc → Thọ → Ái → Thủ → Hữu → Sanh → Lão Tử → (Vô Minh) → ......

Ngài suy nghiệm ngược lại để thấy được con đường cắt đứt sanh tử. Là Lão Tử sẽ không còn khi Sanh [hình thành năm uẩn trong bào thai] không hiện diện, để Sanh không hiện diện thì Hữu [tiến trình Nghiệp] phải chấm dứt và để Nghiệp không được tạo thì con người phải từ bỏ Tham Ái + Thủ, và Tham Ái bắt nguồn từ Vô Minh, vì không thông hiểu được cuộc sống là Vô thường, Khổ, Vô ngã này [Vô Minh]. Khi phá tan được Vô minh, chúng ta nhìn thấy được thực tướng đời sống, trong đó không có gì là ta, của ta, hay thuộc về ta cả. Với trí tuệ sáng suốt, và nhận chân được sự thật dần làm chúng ta thanh tịnh hoá tâm và thân, nhàm chán với kiếp lai sinh đau khổ và phiền muộn này. Từ đó ta có thể tự nổ lực để cắt đứt vòng quay này bằng việc chấm dứt vô minh và tận diệt tham ái, ô nhiễm, giữ trạng thái tịch tịnh trong từng giây liên tiếp đời sống [Thiền Minh Sát], không bị lôi kéo và dính mắc vào bất cứ gì trong thế gian vô thường này, thì kiết sử trong quá khứ qua đi hoàn toàn mất hẳn, tương lai không hình thành do duyên cho kiếp sống hoàn hoàn đứt đoạn, thì lúc đó Vòng Luân Hồi sẽ bị phá tan.

→ Trên đây là giáo lý chỉ rằng Vòng Luân Hồi luân chuyển không ngừng nghỉ do sự bồi bổ bởi Vô Minh và Tham Ái, chúng ta cũng không thể nào xác định được đâu là khởi thủy của đời sống trong vòng quay bất tận ấy, theo các yếu tố được dẫn từ nhân đến quả, rồi quả trở lại làm nhân, tương đương như ăn hạt xoài, rồi lấy hạt xoài trồng lại cây xoài, để rồi cây xoài lại nở ra trái, cứ vậy luân chuyển không ngừng nghỉ (vì có nhân nên phải có quả), ngày nào mà các yếu tố này còn hình thành liên tiếp thì không bao giờ thoát khỏi được Luân Hồi. Đồng thời trong đó không làm sao có một Đấng Quyền Năng nào có thể điều hành tiến trình đó, hay phán quyết và phân xử số phận của một con người, ngoại trừ chính bản thân người đó tự tạo số phận cho chính mình.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.93 khách