Tóm tắt một số nội dung liên quan đến Phật giáo

Giải đáp thắc mắc giáo lý Phật-đà, hỏi nhanh đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề.

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

onebiglove
Bài viết: 87
Ngày: 25/12/12 16:29
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Vietnam

Tóm tắt một số nội dung liên quan đến Phật giáo

Bài viết chưa xem gửi bởi onebiglove »

Chư Phật ra đời nhằm giúp chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật.

Nền tảng của Phật Đạo là vô ngôn, thực chứng, tự ngộ, tự tu, tự chứng, không áp đặt, cưỡng ép, tranh luận. Do căn trí chúng sanh chẳng đồng, nên chư Phật tạm mượn ngôn từ hữu vi, âm thanh sắc tướng để thứ lớp chỉ dạy cái VÔ TƯỚNG PHẬT PHÁP giúp chúng sanh thoát khổ. Người thiệt lòng sẽ nương đó mà tận độ mình thoát vòng sanh tử; nếu ai không muốn về cõi Phật, Chư Phật cũng không bắt ép.

Gặp người thiệt tâm mong cầu Phật Đạo, mình nên trợ duyên. Người thiệt tâm mong cầu Phật đạo tất được trợ duyên đạt đến BỜ GIÁC. Gặp người không thiệt tâm mong cầu Phật Đạo, thì tránh bàn luận Phật Đạo. Những người này, đôi khi vì vô minh, chấp ngã, có thể gây tranh cãi, và sanh tâm phỉ báng Thánh Nhân, phạm phải nghịch tội, chịu khổ đau thêm.

Khi rảnh, nghiên cứu Quyển PHÁP BẢO ĐÀN KINH của Đức Lục Tổ Huệ Năng. Kinh điển này hợp với hạng thượng căn, là phép Đốn Giáo (đi tắt, Thấy Tánh Thành Phật). Khi muốn tập thiền, phải trường chay, diệt dục. Nếu vì chuyện sinh họat vợ chồng, chưa tuyệt được dục, nên hạn chế gẫn gũi, và dứt dục tâm. Thức ăn thịt cá động vật mang mầm bất tịnh khiến thân thể, tâm trí con người bị ô nhiễm, khó hành thiền đạt chất lượng.

Về vấn đề Vô Sắc Tướng: không thể dùng ngôn ngữ hữu vi thô thiển và tương đối để tả chính xác cái Vô Vi huyền diệu, nên chỉ có thể tạm dùng ẩn dụ. Ai hiểu thể nào thì được lợi thế ấy.

Ví như có một người ăn 1 trái xoài, thì chỉ người ăn đó cảm nhận chính xác mùi vị của nó, dù có dùng ngôn ngữ diễn tả mùi vị đó trong vô số năm, thì người nghe cũng không thể cảm nhận chính xác được mùi vị của trái xoài như người ăn đã cảm nhận được, nhưng nếu người đã ăn đưa cho người nghe một miếng xoài thì khi ăn vào, người nghe đó hiểu ngay, không cần ngôn ngữ giải thích. Đó là vô ngôn, là thực chứng. Những điều trừu tượng: càng khó chia sẻ hơn. Tuy nhiên, vì muốn người nghe cũng cảm nhận được vị ngon của trái xoài, nên người đã ăn xoài ướm hỏi xem người nghe đó có muốn ăn không. Nếu có, nhưng có điều thắc mắc, sợ bị đầu độc, nên người đã ăn xoài giải thích giới thiệu, giải thích, sau cùng thì đưa xoài cho người nghe ăn. thời cuộc giờ rất khác xưa, thiên cơ cận kề, nên phương pháp có khác: Đức Lục Tổ Huệ Năng ra đời chỉ ngay cho chúng sanh Thấy Tánh Thành Phật!

Trở lại vấn đề vô sắc tướng: khi ta nhìn vào không khí, không thấy màu sắc, nhưng khi nhìn qua một lăng kính, thấy 7 màu quang phổ hiện ra. Tức là: cái gốc là không, trong không không phải là không màu, rõ ràng có chứa màu sắc. Người nhìn thấy màu xanh đỏ tìm vàng là chỉ nhìn thấy cái phần ngọn. Khi sự sống tá vào vật chất, sắc tướng hiện hình rõ rệt, khi sự sống tách ra, các vật chất tan rã tùy loại mà phân hóa theo luật Nhân-Quả, nên gọi là vô thường; còn sự sống thì Thường còn, không mất. Sự sống không có sanh tử, chỉ có thân xác có sanh tử. Vậy thì Bạn là sự sống trong thân xác đó, hay bạn chính là thân xác đó. Mà thân xác thì chỉ tồn tại hữu hạn. Phải tự chứng, không thể dùng lời tả hết Vô vi! Người thiệt tâm, có Thần Tiên phò trợ, ko bị đơn độc!

Tâm tức Phật. Phật tại tâm. Khi lòng người nghĩ tưởng Phật thì Phật đã có mặt ở trong tâm người đó. Người và Phật không khác lắm, chỉ khác nhau là: bên giác, bên mê! Giác là Phật, mê là chúng sanh trong luân hồi sanh tử. Khi giác ngộ, tâm chúng sanh biến thành tâm Phật. Người giữ tâm Phật thì thánh thiện; khi hết hạn số, xả bỏ xác phàm, hồn linh được nhập cảnh giới Phật; sống trong đời là để làm Phật sự, đối tượng tác động tới chính là chúng sanh. Người làm phật sự: sống thì học Phật, độ đời, chết thì nghỉ ngơi, trọn lành theo quy định của luật nhân quả.

Đối với người thiệt tâm cầu Phật đạo, phải cố gắng giải quyết mọi thứ cho xong trong hiện kiếp. Trước khi sinh ra “ai là ta?”, sau khi sinh ra “ta là ai?”; quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, giây phút hiện tại mới là đáng giá nhất. Hết hạn số kiếp này rồi, không biết sau này thành ra cái gì nữa….Thật đáng sợ! Nay ta được thân người, quả là việc hy hữu, hãy nhân cơ hội này, xả bỏ tâm chúng sanh, thường giữ tâm Phật là đã thóat khỏi vô minh, thóat ly sanh tử, niết bàn tại thế, an lạc hiện tiền. Ai giữ tâm chúng sanh thì cứ giữ, riêng ta, thức giác, chỉ trọn đời giữ tâm phật mà thôi.

Việc phân biệt người đang giữ tâm chúng sanh và người đang giữ tâm phật không khó. Tuy đồng mang phàm thân, nhưng tâm tánh khác hẳn. Không nên cố chấp, thấy lỗi chúng sanh, mà chỉ thấy có cái bất toàn của chúng sanh cần được hóa độ. Đó là học Phật, độ đời. Không thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi mình, tiếc là mình tài hèn, sức mọn, không thể tận độ được thế nhân thóat vòng mê muội. Cho nên, vì lòng từ bi mà phải học mãi mãi, không phải cho mình mà là vì tha nhân mà học. Không thấy lỗi người, chỉ thấy lỗi mình, không kết tội người, chỉ tiếc là mình không đủ trí huệ để chuyển hóa tâm người thoát khỏi vô minh hướng về Chân Thiện Mỹ…Đó chính là bậc đại trượng phu, là nguyên căn tại thế!

Phật dạy: chúng sanh ăn thịt lẫn nhau mà sống! Không phải chỉ có con người là chúng sanh, các loài vật khác cũng là chúng sanh, các loài động vật thuộc loại chúng sanh hữu tình…Do tội nghiệp tiền khiên vay trả nên mới bị phân hóa tụ tán theo luật nhân quả.

Vì lòng từ bi, không nỡ ăn thịt chúng sanh, nhưng nếu ăn thịt chúng sanh, tất phải đổi mạng cho nhau trong vòng sanh tử, nên cần phải có tình thương trùm khắp chúng sanh và ăn chay độ phàm thân, rồi đem phàm thân làm phương tiện học đạo, hành đạo, độ kỷ, độ tha, hoằng dương Phật pháp, trợ duyên nhân quần thoát khỏi vô minh, hướng về cõi Tịnh.

Muốn học Phật, phải truy tầm kinh sách, thường quán xét tâm trí, thực hành theo lời Phật dạy. Phật là Bậc Chánh Đẳng, Chánh Giác, là Thầy của Trời, Người, chỉ dạy rốt ráo! Người không tin Phật, tất phạm tội nghi ngờ Thánh nhân nói lời không thật, đi tìm những ông thầy thế tục phàm phu tôn làm sư phụ, cúng kiến cô hồn, mong tìm an lạc, thật là vô lý! Vậy mà, rất nhiều thế hệ đã dạy nhau như thế! Ông bà thiếu hiểu biết, sẽ đi dạy cái thiếu hiểu biết đó cho con cháu. Con cháu cãi lại ắt bị đòn roi, quát nạt, cho là bất hiếu, vô lễ; mà nếu nghe và làm theo thì mất chủ kiến, thành ra vô mình, tại tội nghiệp có dòng! Không biết ai công, ai tội! Thật là khó nói!

Nên đem hết tâm huyết mình phục vụ nhân sanh mà không nghĩ đến bất kỳ lợi ích vật chất hay công đức nào: đây là nghĩ tưởng chân chính, phù hợp với lời dạy của chư Phật. Khi nghĩ tưởng của bạn đồng tần số với nghĩ tưởng của chư Phật, thì giống như quy tắc bình thông nhau, trí tuệ tri kiến Phật sẽ tràn ngập tâm trí bạn và hòa nhau thành Một. Lúc đó, tùy căn cơ trí ngộ của bạn, mà bạn có thể cảm ứng, giải mã được ít nhiều; lúc đó, bạn đang ở trong biển tâm Phật.

Ăn chay là hợp với lời dạy của Thánh nhân. Chớ nói: “Tôi sống sao không thẹn với lòng!” Lòng người có thấp cao sai biệt, ai cũng nói được và thường cố chấp. Hãy thực hành cách sống phù hợp với lời dạy của Thánh nhân.” Đây là cái chuẩn chân chính, là chánh tín. Ăn chay để thanh lọc thân tâm, mở mang trí huệ, thể hiện lòng từ bi vô lượng đối với các chúng sanh các cấp, các loài động vật. Đây mới đúng là tình thương chân thật hợp với lời dạy của Thánh nhân. Bản chất của ăn chay là để khai tâm, mở trí gieo duyên cũng Phật đạo, cảm ứng với Thần Tiên.

Ta nên luôn học hỏi vì mọi người. Đức Khổng tử dạy: trước mặt ta là Thầy ta, bên hông ta là Thầy ta, sau lưng ta cũng là Thầy ta. Chúng ta nhờ học hỏi ở vô số Thầy (kể cả những Thầy tất nhiên và những Thầy ngẫu nhiên) mà hóa giải được vô minh, tiến hóa trong đất trời, nên phải xem tất cả đối tượng mang lại cho ta bài học, tri thức là Thầy, phải biết trân trọng, chớ nên báng bổ; nếu không thể đền đáp đầy đủ ơn chỉ giúp khai hóa, thì cũng không nên vô ơn, thất lễ, soán công, đoạt ngôi, tự cho mình là tài trí hơn người; chung cuộc cũng đồng như mê muội. Nên phải biết khiêm hạ, vô danh, vô công, vô kỷ, vô vi, chỉ có lòng chí thành trọn vẹn mới là đáng giá. Phật dụng tâm là ở chỗ nghĩa lý này, và cũng từ ở chỗ này mà đoạt an lạc hiện tiền; khi hết hạn số, xả bỏ phàm thân, tất siêu thóat về cõi Phật, chẳng cần nghi thức tang, giỗ, cúng kiến, cầu siêu, mồ mả xấu-đẹp…

Ta nên tin tưởng, học hành theo lời dạy của Phật, Ơn trên, Đấng toàn giác. Đã là Toàn Giác, thì có gì mà không hay biết. Chư Phật không hư dối. Nếu nói dối, không phải là chư Phật. Nếu có chỗ không thông suốt, không thể gọi là Toàn Giác. Tin và hành theo lời dạy của Bậc Toàn Giác, kết cục không giống như tin và hành theo mấy ông thầy thế tục thường tình, cống cao ngã mạn…Người hiểu biết ắt sẽ tự biết làm gì….Nhân nào quả nấy.

Ta nên dẹp bỏ cái ta để hòa cùng người vật và vũ trụ. Con người là Tiểu thiên địa, nguyên lý cấu tạo và vận hành một con người với nguyên lý cấu tạo và vận hành của Đại vũ trụ không khác. Trong con người có thứ gì, ngoài con người có cái đó và ngược lại. Khi hiểu chính mình, thân tâm mình, tất sẽ hiểu vũ trụ và ngược lại, cả hai tương thông, đồng thể như nhau, thuộc tính như nhau, chỉ khác ở quy mô lớn bé. Khi thấy cái nào mình cho là hợp lý thì tin tưởng và thực hành theo. Đó cũng là “thọ khổ”, rồi đi tìm và áp dùng các liều thuốc tâm linh để “giải khổ”, đế thắng khổ, để thoát khổ, rồi vì lòng Đại từ bi mà đi cứu khổ…. Như thuyền trôi xuôi dòng nước, cần luôn tỉnh thức điều chỉnh lộ trình, thật khó nói rõ chỗ này…

Về thực hành thiền định: mục đích là để an định thân tâm, tập cho nó một thói quen mới có quy củ rõ ràng và đặt nó trong sự kiểm soát của người thực hành. Thông thường thì ngồi thiền sẽ dễ tập hơn. Nhưng nếu thiếu hiểu biết, tâm ý bất chính, ăn thịt uống rượu, sẽ bị tẩu hoả nhập ma. Khi thiền, tâm trí, thân xác con người đều cảm ứng với vô vi, khi tâm vắng lặng, có sẽ có cảm ứng, người không chánh tâm sẽ bị quỷ ma nhập xác điều khiển coi như toi mạng, khổ sở vô cùng, khó ai hiểu hết và chia sẽ; thân tâm bất tịnh, rối loạn nội tiết, sự sáng suốt minh mẫn chẳng còn, bị rơi vào tà đạo. Người có chánh tâm, chưa được chuẩn bị kỹ những yếu tố trên, thì thân thể phản ứng dữ dội, hao thần, tổn sức; ví như sợi dây điện nhỏ, thường ngày nhận dòng điện nhỏ, bổng chợt nhận 1 dòng điện quá lớn, khiến dây quá tải, có khi chảy ruột luôn…cho nên thiền định rất nguy hiểm cho người vọng cầu….Trong sinh hoạt đời thường, khi rãnh rỗi, thường thầm niệm Phật, hoặc để tâm trống trãi không nghĩ tưởng gì, thường thầm quan sát những biến động trong nội tâm, nếu có gì sai lệch, tức thì niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, sẽ đạt quân bình trở lại. Cùng một thời điểm, tâm trí ta chỉ có thể xử lý tốt nhất một công việc, xong rồi thì chuyển sang việc khác, cho nên, nếu có vọng niệm khởi lên thì nên tức thời niệm Phật để điều chỉnh nội tâm. Nguyên tắc này cũng giống như công tắc bóng đèn, thấy ai vô ý hay cố ý tắc nó xuống, tối om, khi phát hiện ra, mình lập tức bật nó lên cho đèn chiếu sáng lại...

Ta nên tập sống bằng tâm Phật. Nói thì dài dòng, cũng là giả tướng của văn tự, chứ không phải thực tướng (tức KHÔNG). Tìm trong kinh sách xem Phật dạy cái gì, Phật có những đức tính gì, ta bắt chước theo đó mà thực hành và sống theo đó là được. Ví như trong dạy-học lái xe, học viên nào thị phạm chính xác, tuân hành theo thầy, khi qua được sát hạch thi cử, thì được cấp bằng ra nghề, một ngày nào đó, sẽ có những học viên nối nghiệp của thầy.

Như khi bạn chạy xe honda vào quán cà phê. Khi đã tới quán, phải rời khỏi xe để vào trong quán. Nếu cứ ngồi dính trên xe, không muốn rời đi, thì bạn không thể vào được quán mà uống cà phê. Khi tầm học đạo, phải thấu hiểu rằng cái Có, cái Hữu-tướng, các yếu tố vật chất hữu hình là giả tướng. Cái Thực-tướng chính là VÔ TƯỚNG. Xem cái Giả là phương tiện, cái Thực là mục đích. Khi phương tiện đưa ta đến đích, nên rời khỏi nó đến với cái KHÔNG. Đây là: nương giả bổ chân. Khi không biết thì bám theo cái giả; khi đã biết rồi thì nương giả bổ chân…Phải theo thực bỏ giả. Cái thực tướng chỉ thấy bằng tâm, bằng huệ tâm, không thể thấy bằng nhục nhãn…. Cái nhục nhãn nhìn thấy là giả tướng. người đời không trọn hiểu được điểm này nên rơi vào thế theo giả bỏ thực.

Ta có thể tự chứng được những lời dạy của Thánh Nhân thông qua trãi nghiệm cuộc sống. Khi liên kết các sự kiện trong đời lại thành hệ thống, ta sẽ thấy các mối tương quan, tất cả là MỘT. Cuộc đời cũng giống như một bộ phim.

Lúc thức thường quán xét tâm, thầm niệm Phật. Trước lúc ngủ, nên tập ngồi tịnh tâm niệm Phật 108 biến, hoặc bao lâu cũng được, tùy từng người (có thể 10, 30 phút, …tùy theo tình trạng sức khỏe. Lúc nằm ngủ, tịnh tâm, không nghĩ gì khác, thả lỏng đầu óc, theo dõi biến động trong tâm trí cho tới khi ngủ thiếp đi.

Khi đối mặt với cái đẹp quyến rủ của thế tục, hãy quán xét cả quá trình hoại diệt vô thường của nó, tức thì bạn sẽ không còn bị nó lôi cuốn nữa. Không có đẹp xấu chân thật trong mọi hình tướng hữu vi, chẳng qua là do mình tự tưởng tượng và tự lừa dối tâm trí. Đẹp xấu mặc kệ, ta biết nó có mặt, ta biết nó sẽ hoại diệt, đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm. Để nó lôi cuốn là mất chủ kiến, là bị khống chế bởi ngoại cảnh, mà không biết thì không thể điều ngự nó được. Kết quả của quá trình này có nhanh chậm tuỳ từng người.

Chỉ có tâm chân thật là còn, còn hình tướng thay đổi từng giây phút, và sẽ biến mất trong không-thời gian. Nếu bám víu nghĩ tưởng vào hình tướng, thì không liễu ngộ cái thật tướng, là dính chặt vào chiếc xe, không thể vào được quán cà phê…. Khi hiểu rồi, chỉ nên tập trung vào ý, nghĩa lý của nội dung, cái nào bạn đồng ý thì hành theo, cái nào bạn không đồng ý, thì bỏ qua, mới mong đạt kết quả tốt.

Chuyện Đạo rất gấp, một hơi thở ra, không chắc trở vào, sống chết sát nhau, không thể trì hoãn, tâm trí lúc còn minh mẫn, không biết lo tìm, tới khi hữu sự, đầu óc mờ mịt, không còn kịp nữa, có hối đã muộn. Mỗi một phút giây còn thở, lại phải tạ ơn Trời Phật trong giây phút đó, không nên tự đắc.

Trong giao tiếp, chớ nghĩ người có lỗi với ta và nhận lời xin lỗi. Lòng ta bao dung, không nghĩ quấy người, nên người không cần phải xin lỗi ta. Vì thấy người thành tâm, nên mình nỗ lực chia sẽ, nhưng chớ nên nghĩ mình nọ kia. Hãy cảm ơn Trời Phật khiến chúng ta gặp nhau trong tinh thần cầu Đạo.

Cõi giới của chư Phật vốn tịch lặng. Chư Phật đều có thần thông, tâm thông. Một niệm khởi lên, các chư Phật đều biết, không cần tới trung gian sắc tướng. Còn các sắc tướng là do chư Phật khởi niệm lợi ích chúng sanh mà thị hiện ra. Khi muốn ngộ nhập tri kiến Phật, khai tâm mở trí, thì theo nguyên tắc này mà thực chứng.

Đạo tuy không hình tướng, mà bàng bạc khắp nơi. Đạo không đi tìm người vì Đạo ở khắp nơi, kể cả trong thân tâm người, ví như sự sống, như nước. Người có lòng thành, đạt Đạo trong gang tấc, còn thiếu lòng thành, tự thấy xa xăm...Mà người mất Đạo thì phải bị tiêu diệt.

Chư Phật vì thương chúng sanh mà khởi niệm chỉ giáo, chứ không bắt buộc, không nài nỉ van xin, không thuyết phục, không cưỡng ép kéo lôi...Những ai có lòng muốn về với Phật, luôn luôn có đường về, được hộ trì cứu giúp. Những ai không có lòng, thì chịu luân hồi, đó là tại chúng sanh, chứ không tại vì Chư Phật không cứu giúp cho...

Người cầu đạo, nhờ thiệt tâm tận tụy truy tìm, nên được phổ độ; chứ Đạo không tìm người mà phổ độ. Ý nghĩa cuộc đời là để con người có cơ hội học Đạo tu thân, khai tâm mở trí, mở rộng từ tâm, lập công bồi đức, cứu độ quần sanh ... khi hết hạn số, xả bỏ phàm thân thì được tiến hóa vào cấp cao hơn nhân thế, nhập vào Phật cảnh, tiêu diêu cực lạc, chứ không phải ở chỗ hưởng thụ vật chất phù hoa, tranh đoạt danh lợi tiền tình.... Ai không tỏ ngộ thì sớm muộn gì cũng phải bơ vơ lạc lỏng trong thiên la địa võng.

Nếu hiểu trọn, tâm bạn đã đồng cùng Đại vũ, không còn có nghỉ tưởng đến đi, trở nên từ bi thấu cảm, sẽ cảm nhận được hạnh phúc chân thật, tình thương chân thật mọi lúc mọi nơi, tâm bạn sẽ không thấy cô độc dù cho có ở nơi hoang địa; tâm bạn sẽ không thấy có ồn áo náo nhiệt dù ở nơi náo nhiệt.

Nghĩa ở tại ngôn, ý ngoài lời. Hiểu được ý mới gọi là hiểu chính xác được Nghĩa lý chân thật của người nói, bản thân văn tự, chỉ là phương tiện truyền đạt thô thiển, chỉ là giả tướng, không phải là đích đến của người cầu Đạo. Trong thế giới tương đối, biến chuyển và tàn hoại liên tục, cái gì cũng chỉ là tương đối, nhưng cái Nhỏ Nhất và cái Lớn Nhất lại là tuyệt đối, chưa hề nhúc nhích! Y đó học-hành, sẽ có ngày tới đích ngay trong hiện kiếp.

Hãy tìm đọc những quyển sách vô thanh, những quyển sách chưa từng xuất bản. Đó chính là những bài học triết lý nhân sinh cuộc đời mà tự mỗi người quan sát lắng nghe bằng các giác quan và rút ra từ cây cỏ, lá hoa, vạn vật trong ta và quanh ta..., những hiện tượng thiên nhiên, không gian, thời gian...... Ví như: Bạn đừng nghĩ mưa là mưa. Nhìn vào mưa, mỗi người hiểu mỗi khác..., cảm nhận của một thi sĩ khi nhìn mưa không giống như cảm nhận khi nhìn mưa của người thất tình, của người nông dân và của người buôn bán. Người học Phật nhìn mưa và học hỏi, không giống cái nhìn cơn mưa của người thế tục đời thường....Nhưng thực tế: Mưa chỉ là mưa…
(nguồn: sưu tầm từ trang http://www.phapamgiaithoat.com)


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Google [Bot]224 khách