Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Kính mời các bạn tham gia ghi lại kinh nghiệm tu tập và những gì mắt thấy tai nghe về sự cảm ứng nhờ hành trì giáo lý Phật.
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

4- HẠNH VÔ TRỤ

“Lại nữa Tu-bồ-đề ! Bồ-tát phải làm bố thí mà không trụ ở một chỗ nào. Nghĩa là không trụ ở sắc mà bố thí, không trụ ở thanh, hương, vị xúc, pháp mà bố thí.”

Phàm phu khi bố thí chỉ mong cầu thân tướng đoan trang, năm dục khoái lạc, nên khi phúc báo hết lại đọa ba đường ác.

Thế Tôn đại từ, dạy hạnh vô tướng bố thí là không cầu thân tướng đoan trang, năm dục khoái lạc, chỉ khiến trong thì phá tâm tham lam, ngoài thì làm lợi ích chúng sinh. Tương ưng khế hợp như vậy gọi là không trụ sắc bố thí.

“Tu-bồ-đề ! Bồ-tát phải không trụ tướng mà bố thí như vậy.”

Nên bố thí với tâm không trụ tướng tức là không có cái tâm thấy mình là người bố thí, không thấy có vật mình bố thí, không phân biệt người nhận của bố thí, đó gọi là bố thí không trụ tướng.

“ Bởi vì sao ? Nếu Bồ-tát bố thí không trụ tướng thì phúc đức ấy không thể lường hết.”

Bồ-tát hành bố thí, tâm không mong cầu thì sẽ đạt được phúc đức to lớn như mười phương hư không, không thể lường hết. Theo một luận giải thì bố là ban bố khắp cả, thí là tung tán. Nếu có thể tung tán hết tất cả vọng niệm tập khí phiền não trong tâm mình thì bốn tướng sẽ tiêu diệt không còn tích chứa trong lòng, đó gọi là chân thật bố thí.

Lại nữa nói bố thí là do không trụ ở cảnh giới sáu trần, cũng không có những phân biệt hữu lậu, chỉ cần quay về thanh tịnh là hiểu được muôn pháp vắng lặng. Nếu không rõ ý nghĩa này thì chỉ tăng thêm các nghiệp. Cho nên trong thì phải trừ tham ái, ngoài phải hành bố thí. Trong ngoài ứng hợp nhau sẽ được phúc đức vô lượng. Thấy người làm ác mà không thấy lỗi người, tự tính không sinh phân biệt, gọi là lìa tướng. Y theo giáo pháp tu hành, tâm không năng sở chủ khách, đó là thiện pháp.

Tu hành mà tâm còn năng sở, chẳng gọi là thiện pháp.

Chưa dứt trừ tâm phân biệt năng sở, chưa được giải thoát.

Niệm niệm thường thực hành trí Bát-nhã, phúc đức ấy vô lượng vô biên. Y theo đây tu hành sẽ cảm được tất cả, trời người cúng dường cung kính. Đó là phúc đức.

Nếu thường thực hành bố thí không trụ tướng, tôn trọng tất cả chúng sinh, công đức ấy vô biên không thể kể hết.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Hư không ở phương Đông có thể lường được chăng ?

–Không, thưa Thế Tôn !”


Do bố thí không trụ tướng, công đức đạt được nhiều không thể lường. Phật dùng hư không của phương Đông làm thí dụ, nên hỏi Tu-bồ-đề hư không phương Đông có thể lường được chăng. Tu-bồ-đề đáp : Không, thưa Thế Tôn, hư không phương Đông không thể lường được.

“Tu-bồ-đề ! Hư không ở phương Tây, Nam, Bắc, bốn phương trên dưới có thể lường được chăng ?

–Không, thưa Thế Tôn.

Tu-bồ-đề ! Bồ-tát bố thí không trụ tướng, phúc đức cũng nhiều như vậy, không thể lường được.”


Phật bảo hư không không có giới hạn, không thể đo lường. Bồ-tát bố thí không trụ tướng, được công đức cũng như hư không, không thể đo lường, không có giới hạn. Trong thế giới, không cái gì lớn hơn hư không. Trong tất cả tính, không tính nào hơn Phật tính. Vì sao vậy ? Vì tất cả những gì có hình tướng đều không được gọi là lớn. Hư không không có hình tướng nên gọi là lớn. Tất cả các tính đều có hạn lượng nên không gọi là lớn, Phật tính không hạn lượng nên gọi là lớn. Trong hư không vốn không có Đông Tây Nam Bắc, nếu thấy có Đông Tây Nam Bắc đó là trụ tướng, không được giải thoát. Phật tính vốn không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, nếu thấy có bốn tướng này tức là chúng sinh, không phải Phật tính. Cũng giống như bố thí mà trụ tướng vậy.

Tuy với vọng tâm nói có Đông Tây Nam Bắc, nhưng trong chân lý thì nào có phương hướng ? Gọi Đông Tây là không đúng, Nam Bắc nào có gì khác. Tự tính xưa nay vắng lặng, dung hòa không phân biệt. Vì vậy Như Lai rất ca ngợi pháp không sinh phân biệt.

“Tu-bồ-đề ! Bồ-tát chỉ nên trụ nơi điều ta dạy.”

Nên như điều Phật dạy trên đây, đó là trụ nơi vô tướng bố thí. Như thế là Bồ-tát.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

5- THẬT THẤY NHƯ LÝ

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Có thể thấy Như Lai bằng thân tướng chăng ?

–Không, thưa Thế Tôn ! Không thể thấy Như Lai bằng thân tướng.”


Sắc thân có tướng mạo, Pháp thân không có tướng mạo. Sắc thân do bốn đại hòa hợp, do cha mẹ sinh, mắt trần có thể trông thấy. Còn Pháp thân thì không hình dáng, không xanh vàng đỏ trắng, không có tất cả tướng mạo, mắt trần không thể nhìn thấy, chỉ mắt tuệ mới thấy được.

Phàm phu chỉ thấy sắc thân Như Lai không thấy Pháp thân Như Lai. Pháp thân đồng như hư không. Vì vậy Phật hỏi Tu-bồ-đề : Có thể thấy Như Lai bằng thân tướng chăng ? Tu-bồ-đề biết phàm phu chỉ thấy sắc thân Như Lai nhưng không thấy được Pháp thân chân thật của Như Lai nên trả lời : Không, thưa Thế Tôn. Không thể thấy Như Lai bằng thân tướng.

“Bởi vì sao? Vì Như Lai nói thân tướng, tức chẳng phải thân tướng.”

Sắc thân là tướng, Pháp thân là tính. Tất cả thiện ác đều do Pháp thân, chẳng do sắc thân. Pháp thân nếu làm ác, sắc thân chẳng sinh xứ lành. Pháp thân làm lành, sắc thân chẳng đọa nẻo ác. Phàm phu chỉ thấy sắc thân không thấy Pháp thân, chẳng thể thực hành bố thí không trụ tướng, chẳng thể thực hành hạnh bình đẳng cùng khắp, chẳng thể tôn trọng tất cả chúng sinh khắp mọi nơi.

Thấy Pháp thân tức có thể thực hành bố thí không trụ tướng, có thể tôn trọng tất cả chúng sinh khắp mọi nơi, có thể tu hạnh Bát-nhã Ba-la-mật, và mới tin rằng tất cả chúng sinh đồng một chân tính, xưa nay không nhiễm ô, đầy đủ vô lượng diệu dụng.

“Phật bảo Tu-bồ-đề : Tất cả những gì có tướng đều giả dối. Nếu thấy các tướng là không phải tướng, tức thấy Như Lai.”

Như Lai muốn chỉ bày Pháp thân, nên nói tất cả các tướng đều hư dối. Nếu thấy tất cả các tướng là hư dối không thật, tức thấy lý Như Lai vô tướng.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

6- HIẾM CÓ LÒNG TIN CHÂN THẬT

“Tu-bồ-đề bạch Phật : –Bạch Thế Tôn ! Liệu có những chúng sinh nghe pháp này mà phát sinh lòng tin chân thật chăng ?”

Tu-bồ-đề hỏi Phật rằng pháp này rất sâu khó tin khó hiểu. Đời mạt pháp phàm phu trí tuệ yếu kém làm sao tin được ? Phật đáp như sau.

“Phật bảo Tu-bồ-đề : Chớ nói vậy ! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau có người giữ giới, làm phúc tu tuệ thì với pháp này có thể sinh tín tâm cho đây là chân thật. Ông nên biết rằng những người như vậy không phải chỉ gieo trồng căn lành nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba bốn năm đức Phật mà chính là đã gieo trồng căn lành nơi vô số ngàn vạn đức Phật. Những người như vậy khi nghe được pháp này, chỉ một niệm cũng đã phát sinh lòng tin thanh tịnh.”

Năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt, nếu có người có khả năng tu trì giới vô tướng Đại thừa, chẳng vọng chấp các tướng, chẳng tạo nghiệp sinh tử, trong mọi lúc tâm thường vắng lặng, chẳng bị các tướng trói buộc, tức là tâm không trụ trước. Đối với pháp sâu xa nhiệm mầu của Như Lai người ấy có thể tin là chân thật.

Bởi vì sao, vì người này không phải trong một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, bốn năm kiếp gieo trồng căn lành, mà đã trồng căn lành từ vô lượng ngàn vạn ức kiếp. Vì vậy Như Lai nói sau khi Như Lai Niết-bàn, năm trăm năm sau có người có thể tu hạnh lìa tướng. Ông nên biết, người ấy không phải đã gieo trồng căn lành chỉ ở nơi một hai ba bốn năm đức Phật.

Thế nào là gieo trồng các căn lành ? Lược nói như dưới đây. Đó là đối với chư Phật , một lòng cúng dường, tùy thuận giáo pháp. Đối với các Bồ-tát, thiện tri thức, chư tăng, cha mẹ, các bậc tôn trưởng cao niên, thường cung kính cúng dường, thuận theo sự dạy dỗ chẳng dám trái nghịch. Đó là trồng các căn lành.

Đối với tất cả chúng sinh nghèo khổ thì khởi từ tâm, không sinh lòng khinh chê chán ghét, tùy sức bố thí, có cầu xin điều gì thì tùy khả năng làm cho thỏa mãn. Đó là trồng các căn lành.

Đối với các người hung ác thì nên nhu hòa nhẫn nhục, vui vẻ tiếp đón, không nghịch ý, làm sao cho sinh tâm hoan hỷ từ bỏ hung ác. Đó là trồng các căn lành.

Đối với chúng sinh trong sáu đường, không gây giết hại, không khinh khi lừa dối, không mắng nhiếc nhục mạ, không cỡi, không đánh roi, không giết thịt, thường làm việc lợi ích. Đó là trồng các căn lành.

Tín tâm là tin rằng trí tuệ Bát-nhã có khả năng thành tựu tất cả công đức, tin Bát-nhã Ba-la-mật có thể xuất sinh chư Phật, tin trong người mình có Phật tính, xưa nay thanh tịnh, không nhiễm ô, cùng Phật tính của chư Phật là bình đẳng không hai.

Tin chúng sinh trong sáu đường, từ xưa nay là vô tướng, tin tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Đó gọi là tín tâm thanh tịnh.

“Tu-bồ-đề ! Như Lai biết hết, thấy hết, các chúng sinh ấy được vô lượng phúc đức"

Bởi vì sao ? Vì các chúng sinh ấy không còn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, không pháp tướng cũng không phi pháp tướng.”

Nếu có người sau khi Như Lai nhập diệt, phát tâm Bát-nhã Ba-la-mật, tu hạnh Bát-nhã ba-la-mật, tu tập hiểu ngộ được thâm ý của Phật, chư Phật đều biết hết.

Nếu có người nghe pháp môn thượng thừa, nhất tâm thụ trì, tức có thể thực hành hạnh Bát-nhã Ba-la-mật vô tướng, không chấp trước, hiểu rõ không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Không có ngã là không có sắc thụ tưởng hành thức. Không có nhân là hiểu rõ bốn đại không thật, chung quy trở về với đất, nước, lửa, gió. Không chúng sinh nghĩa là không có tâm sinh diệt. Không thọ giả là bản thân ta vốn không thì đâu có ai thọ ?

Một khi bốn tướng diệt rồi thì pháp nhãn sáng suốt, chẳng chấp có không, xa lìa hai thái cực, tự tâm là Như Lai, tự ngộ tự giác, hằng xa lìa trần lao vọng niệm, tự nhiên được phúc vô biên.

Không pháp tướng là không còn tướng về pháp, lìa tên gọi, tuyệt chẳng có hình tướng, không cố chấp văn tự.

Còn không phi pháp tướng là không thể nói không có pháp Bát-nhã Ba-la-mật. Nếu nói không có Bát-nhã Ba-la-mật là phỉ báng Phật pháp.

“Bởi vì sao ? Vì các chúng sinh này nếu giữ lấy tướng tức chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, nếu giữ lấy pháp tướng tức chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Bởi ví sao ? Vì nếu giữ lấy phi pháp tướng tức chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.”

Giữ lấy ba tướng này và chấp trước tà kiến đều là người mê, không hiểu ý kinh. Cho nên người tu hành không được yêu thích đắm đuối ba mươi hai tướng của Như Lai, không được nói ta hiểu pháp Bát-nhã Ba-la-mật, cũng không được nói là không thực hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật mà có thể thành Phật.

“Vì vậy không nên giữ lấy pháp, không nên giữ lấy phi pháp.

Do ý nghĩa này Như Lai thường nói : Các Tì-kheo phải biết giáo pháp ta nói ví như chiếc bè. Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp.”


Pháp là giáo pháp Bát-nhã Ba-la-mật.

Phi pháp là các giáo pháp thực hành để cầu sinh về cõi trời.

Giáo pháp Bát-nhã Ba-la-mật có khả năng khiến tất cả chúng sinh vượt biển lớn sinh tử. Một khi đã vượt thoát rồi còn không nên an trụ ở đó huống chi là vui thích pháp sinh về các cõi trời.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

7- KHÔNG CHỨNG ĐẮC, KHÔNG THUYẾT PHÁP

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như Lai có chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề chăng ? Như Lai có thuyết pháp chăng ?

Tu-bồ-đề thưa : –Theo chỗ con hiểu ý Phật dạy, không có một pháp nhất định nào được gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cũng không có một pháp nhất định nào để Như Lai thuyết pháp.”


A-nậu-đa-la không phải được từ bên ngoài, chỉ cần tâm không có ngã sở, tùy bệnh cho thuốc, tùy nghi thuyết pháp, nào có pháp gì là cố định ?

Như Lai nói vô lượng chính pháp, tâm vốn không có gì chứng đắc nhưng cũng không nói là không chứng đắc. Chỉ vì chúng sinh chỗ thấy biết không đồng nhau, nên Như Lai tùy theo căn tính mà khai mở chỉ bày các phương tiện khiến xa lìa chấp trước, chỉ cho chúng sinh thấy vọng tâm sinh diệt không dừng, loạn động theo cảnh. Niệm trước vừa khởi niệm sau đã biết. Mà cái biết không dừng lại thì cái thấy cũng không tồn tại. Vậy lẽ nào có pháp cố định để Như Lai có thể thuyết giáo ?

A là tâm không vọng niệm.

Nậu-đa-la là tâm không kiêu mạn.

Tam là tâm thường tại chính định.

Miệu là tâm thường tại chính tuệ.

Tam-bồ-đề là tâm thường không tịch.

Một niệm tâm phàm dứt là thấy Phật tính.

“Bởi vì sao ? Vì pháp Như Lai nói đều không thể chấp giữ, không thể nói là phi pháp mà cũng chẳng phải phi pháp.”

Sợ người chấp trước các thuyết giảng, như văn tự chương cú của Như Lai, không rõ lý vô tướng, vọng sinh kiến giải nên nói là không thể chấp giữ. Như Lai vì hóa độ các loại chúng sinh, ứng cơ duyên, tùy trường hợp, đâu có pháp nào là cố định.

Người học không rõ thâm ý của Như Lai, chỉ đọc tụng lời của Như Lai mà không rõ bản tâm.

Không rõ bản tâm, chẳng bao giờ thành Phật. Cho nên nói là không thể nói. Miệng tụng, tâm chẳng thực hành, tức là phi pháp. Miệng tụng tâm thực hành, hiểu rõ ý nghĩa của cái gọi là không có chỗ chứng đắc tức chẳng phải phi pháp.

“Bởi vì sao ? Vì tất cả hiền thánh đều do pháp vô vi mà có những khác biệt.”

Kiến giải của căn tính ba thừa không đồng nhau, có sâu có cạn nên nói có khác biệt.

Phật nói pháp vô vi tức là vô trụ. Vô trụ là vô tướng. Vô tướng thì không khởi. Không khởi thì không diệt, rỗng rang vắng lặng, soi chiếu ứng dụng đều như nhau, quán sát hiểu biết vô ngại. Đó mới là Phật tính chân thật giải thoát.

Phật là giác, giác là quán chiếu, quán chiếu là trí tuệ, trí tuệ là Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Lại nữa hiền thánh thuyết pháp, đầy đủ Nhất thiết trí. Vạn pháp đều ở nơi tính, tùy câu hỏi khác nhau mà làm cho nhân tâm khai ngộ để mỗi người tự thấy tính của mình.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

8- Y PHÁP XUẤT SINH

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Nếu có người đem bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới ra bố thí, phúc đức người ấy có nhiều không ?

Tu-bồ-đề nói :

-Rất nhiều, thưa Thế Tôn ! Phúc đức ấy là tính phi phúc đức. Vì vậy Như Lai nói phúc đức nhiều.”


Đem bảy báu đầy trong ba ngàn đại thiên thế giới ra bố thí, tuy được nhiều phúc đức, nhưng trên bản tính thì chẳng có một lợi ích nào. Y theo Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa tu hành khiến tự tính không đọa vào các nẻo sinh tử, đó là tính của phúc đức.

Tâm có năng sở tức chẳng phải tính của phúc đức. Năng sở trong tâm diệt, là tính của phúc đức.

Tâm y theo lời Phật dạy, tu hành như hạnh Phật, là tính của phúc đức. Không y theo lời Phật dạy, không làm theo hạnh Phật, là chẳng phải tính của phúc đức.

“Nếu lại có người thụ trì chỉ bốn câu kệ trong kinh này và giảng nói cho người khác, phúc của người này hơn cả người kia.”

Đại ý toàn bộ giáo pháp trong mười hai bộ kinh đều ở trong bốn câu. Làm sao biết ? Vì trong các kinh đều ca ngợi bốn câu kệ là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tức đại trí tuệ đến bờ kia. Vì đại trí tuệ là mẹ của chư Phật. Chư Phật ba đời đều y kinh này tu hành mới được thành Phật.

Bát-nhã Tâm Kinh nói : Ba đời chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa nên được vô thượng chính đẳng chính giác.

Theo thầy học đạo là thụ, hiểu nghĩa tu hành là trì. Tự mình hiểu, tự mình tu hành là tự lợi. Vì người khác diễn nói là lợi tha. Công đức này rộng lớn vô biên.

“Vì sao vậy Tu-bồ-đề ? Vì chư Phật và pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của chư Phật đều từ kinh này sinh ra.”

Hai chữ kinh này là ý nói không phải chỉ có một quyển kinh này, mà điều quan trọng là chỉ rõ Phật tính, để từ thể tính khởi diệu dụng, làm lợi ích rộng lớn.

Bát-nhã tức trí tuệ. Trí là biết dùng phương tiện để tác nghiệp, tuệ là lấy quyết đoán để ứng dụng. Tức cái tâm giác chiếu, luôn luôn soi sáng trong tất cả mọi thời gian. Đó là tất cả chư Phật và pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề đều phát sinh từ giác chiếu, nên nói là từ kinh này sinh ra.

“Tu-bồ-đề ! Nói Phật pháp tức chẳng phải Phật pháp.”

Tất cả văn tự chương cú đều như bảng dấu hiệu, như ngón tay. Dựa vào bảng dấu hiệu mà lấy được vật, từ ngón tay chỉ mà thấy mặt trăng. Mặt trăng không phải ngón tay, bảng dấu hiệu không phải đồ vật.

Chỉ nhờ kinh mà lĩnh thụ được pháp, kinh không phải là pháp. Văn kinh mắt thường có thể đọc, còn pháp nghĩa thì mắt tuệ mới thấy được. Nếu không có mắt tuệ chỉ thấy văn kinh không thấy pháp nghĩa. Không thấy pháp nghĩa thì không hiểu ý Phật. Không hiểu ý Phật thì tụng kinh cũng chẳng thành tựu Phật đạo.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
khach_lang_du
Bài viết: 484
Ngày: 03/03/11 22:23
Giới tính: Nam
Đến từ: Anonymous

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi khach_lang_du »

ở nhà mình có cuốn sách Kinh Kim Cang Giảng Giải của Thầy Thích Thanh Từ . Mình đọc từ từ chậm rãi , cũng thấy bản thân có phần ưa thích , hiểu sơ sơ chứ cũng chưa thể đến mức sâu . Mình nghĩ rằng khả năng tới đâu thì cứ tiến tới đó . Đừng ép bản thân khi khả năng yếu kém , cố quá nó thành quá cố mà .
Miễn là giữ vững niềm tin mạnh mẽ vào Kinh Kim Cang và kiên trì học tập , thực hành ngay trong đời sống và kể cả lúc già chết đi vào cõi Bardo Trung Ấm là mãn nguyện lắm rồi :)


Om VajraSattva Hum
Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi
Om Tare Tuttare Ture Svaha
Om Ah Hum . Vajra Guru Padma Siddhi Hum
Tashi Gyepa - 100syl Vajrasattva - 5lines Tara - 7lines Padmakara -6lines Dusum Sangye
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

9- MỘT TƯỚNG VÔ TƯỚNG

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Tu-đà-hoàn có thể nghĩ rằng mình đắc quả Tu-đà-hoàn chăng ?

Tu-bồ-đề nói : –Không, thưa Thế Tôn !”


Tu-đà-hoàn tiếng Trung Hoa dịch là Nghịch lưu, nghĩa là ngược dòng, ngược dòng sinh tử, không nhiễm sáu trần, một hướng chuyên tu vô lậu nghiệp, các phiền não thô nặng không còn sinh khởi, quyết định không thụ thân các loài địa ngục, súc sinh, A-tu-la nên gọi là quả Tu-đà-hoàn.

Nếu rõ pháp vô tướng thì tâm không thấy có gì gọi là đắc quả. Còn một chút tâm niệm cho là đắc quả tức chẳng phải Tu-đà-hoàn. Cho nên Tu-bồ-đề đáp : Không.

“Bởi vì sao ? Vì Tu-đà-hoàn nghĩa là nhập vào dòng, nhưng chẳng có chỗ nào nhập vào. Chẳng nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, là Tu-đà-hoàn.”
Chữ dòng đây là chỉ dòng thánh. Tu-đà-hoàn đã lìa các phiền não thô nặng nên được nhập vào dòng thánh. Nhưng chẳng có chỗ nhập vào, nghĩa là không có tâm niệm nghĩ rằng có đắc quả. Tu-đà-hoàn là quả vị đầu tiên của người tu hành.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Tư-đà-hàm có thể nghĩ rằng mình đắc quả Tư-đà-hàm chăng ?

Tu-bồ-đề nói : –Không, thưa Thế Tôn ! Bởi vì sao, vì Tư-đà-hàm nghĩa là một lần qua lại, nhưng chẳng qua lại đâu cả, đó là Tư-đà-hàm.”


Tư-đà-hàm tiếng Trung Hoa dịch là Nhất vãng lai, xả bỏ sự ràng buộc trong ba cõi, phiền não trói buộc trong ba cõi đã hết, nên gọi là Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm là Nhất vãng lai, tức một lần qua lại từ cõi trời sinh về nhân gian, rồi từ nhân gian sinh lên cõi trời, cuối cùng ra khỏi sinh tử. Hết nghiệp trong ba cõi gọi là Tư-đà-hàm. Tư-đà-hàm theo quan điểm Đại thừa là mắt thấy các cảnh, tâm có một sinh một diệt, không có sinh diệt lần thứ hai, nên gọi là một lần qua lại. Niệm trước khởi vọng, niệm sau liền dứt, niệm trước có chấp, niệm sau liền lìa bỏ, nên thật sự không có qua lại.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? A-na-hàm có thể nghĩ rằng mình đắc quả A-na-hàm chăng ?

Tu-bồ-đề nói : –Không, thưa Thế Tôn ! Bởi vì sao ? Vì A-na-hàm nghĩa là không trở lại, nhưng thật chẳng có gì gọi là không trở lại, đó gọi là A-na-hàm.”


A-na-hàm tiếng Trung Hoa dịch là Bất hoàn, cũng gọi Xuất dục. Xuất dục nghĩa là ra khỏi sự ham muốn, ngoài không thấy có cảnh đáng ham muốn, trong không có tâm ham muốn. Nhất định không đến Dục giới thụ sinh, nên gọi là không trở lại, và thật sự không có trở lại, cũng không trở về. Vì vĩnh viễn đã hết tham dục tập khí, quyết định không trở lại thụ sinh, nên gọi là A-na-hàm.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? A-la-hán có thể nghĩ rằng mình được đạo quả A-la-hán chăng ?

Tu-bồ-đề nói : –Không, thưa Thế Tôn ! “

Các lậu đã hết không còn phiền não gọi là A-la-hán. A-la-hán vĩnh viễn hết phiền não. Đối với vật gì cũng không tranh chấp. Nếu có ý nghĩ đắc quả tức còn tâm tranh chấp.

“Bởi vì sao ? Vì thật ra không có một pháp nào được gọi là A-la-hán. Thưa Thế Tôn ! Nếu A-la-hán có ý nghĩ rằng mình được đạo quả A-la-hán, tức là chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.”

A-la-hán tiếng Trung Hoa dịch là Vô tránh, nghĩa là không tranh, không còn phiền não để dứt trừ, không còn tham sân để lìa bỏ, tính không nghịch thuận, tâm cảnh đều không, trong ngoài thường vắng lặng. Nếu còn có tâm niệm đắc quả, tức đồng với phàm phu, cho nên nói : Không.

“–Thưa Thế Tôn ! Phật nói con được Vô tránh Tam-muội, đứng đầu trong các người, là A-la-hán lìa dục bậc nhất. Nhưng thưa Thế Tôn ! Con không có ý nghĩ như vậy, con không cho rằng mình là A-la-hán lìa dục.”

Thế nào là Vô tránh Tam-muội ? Nghĩa là A-la-hán thì tâm không sinh diệt đến hay đi, chỉ có bản giác thường chiếu nên gọi Vô tránh Tam-muội.
Tam-muội đây gọi là chính thụ, cũng gọi chính kiến. Xa lìa 95 thứ tà kiến là chính kiến. Nhưng trong không trung, cũng có tranh tối tranh sáng, trong tính cũng có tranh nhau chính tà. Mỗi niệm mỗi niệm thường chính, không một niệm có tâm tà, tức là Vô tránh Tam-muội. Tu Tam-muội này là đứng nhất trong các người. Nếu có một tâm niệm đắc quả, tức không phải Vô tránh Tam-muội.

“Thưa Thế Tôn ! Nếu con nghĩ rằng mình được đạo quả A-la-hán thì Thế Tôn đã không bảo rằng Tu-bồ-đề là người thích hạnh A-lan-nhã. Bởi Tu-bồ-đề thật chẳng có gì là sở hành cả, vì vậy mà Tu-bồ-đề được gọi là thích hạnh A-lan-nhã.”

Tiếng Phạn A-lan-nhã tiếng Trung Hoa là Vô tránh hạnh, hạnh không tranh là hạnh thanh tịnh. Hạnh thanh tịnh là trừ bỏ cái tâm cho rằng có chứng đắc. Nếu còn tâm chứng đắc, tức còn tranh chấp. Có tranh chấp là không phải đạo thanh tịnh. Thường được cái tâm không sở đắc, thì đó là hạnh không tranh chấp.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

10- TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ

“Phật bảo Tu-bồ-đề : Ý ông nghĩ sao ? Xưa Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng có được pháp gì chăng ?

–Không, thưa Thế Tôn ! Xưa Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng thật không được pháp gì cả.”


Phật sợ Tu-bồ-đề có tâm niệm đắc pháp, nên Phật trừ nghi bằng câu hỏi như vậy. Tu-bồ-đề biết pháp là vô sở đắc nên bạch Phật : Không. Phật Nhiên Đăng là vị thầy thụ ký cho Phật Thích-ca, nên đức Thế Tôn hỏi Tu-bồ-đề : Ta có đắc pháp gì nơi thầy ta không ? Tu-bồ-đề liền thưa rằng nhờ thầy khai thị nhưng kỳ thật không có gì là sở đắc. Chỉ có tỏ ngộ tự tính vốn thanh tịnh, vốn không trần lao, tịch nhiên thường chiếu, là tự thành Phật. Nên biết rằng Thế Tôn khi ở nơi Phật Nhiên Đăng, thật sự không có gì là sở đắc. Giáo
pháp của Như Lai như ánh sáng mặt trời thường chiếu soi, không có giới hạn nhưng không thể bắt lấy.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Bồ-tát có làm cho cõi Phật trang nghiêm không ?

–Không, thưa Thế Tôn ! Bởi vì sao ? Vì nói trang nghiêm cõi Phật tức chẳng phải trang nghiêm, thế mới là trang nghiêm.”

Cõi Phật là thanh tịnh, không hình không tướng, có cái gì có thể làm cho trang nghiêm ? Chỉ dùng vật báu tạm gọi là trang nghiêm. Nói về sự lý, có ba điều trang nghiêm : Thứ nhất trang nghiêm cõi Phật ở thế gian là cất chùa, chép kinh, bố thí cúng dường. Thứ hai trang nghiêm thân Phật là thấy tất cả mọi người đều tôn trọng cung kính. Thứ ba trang nghiêm tâm Phật là tâm thanh tịnh tức cõi Phật thanh tịnh, mỗi niệm mỗi niệm thường thực hành tâm Phật.

“Bởi vậy, Tu-bồ-đề ! Chư Bồ-tát Ma-ha-tát nên sinh tâm thanh tịnh như vậy. Không nên sinh tâm ở sắc , không nên sinh tâm ở thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nên sinh tâm ở nơi không trụ một chỗ nào.”


Người tu hành không nên bàn chuyện thị phi của người khác. Tự nói ta có khả năng, ta hiểu rõ, đem tâm khinh chê người chưa học, đó không phải tâm thanh tịnh. Tự tính thường sinh trí tuệ, tâm từ bi bình đẳng, tôn trọng tất cả chúng sinh, đó là tâm thanh tịnh của người tu hành.

Nếu không thanh tịnh tâm mình mà yêu đắm nơi thanh tịnh, tức là tâm có chỗ dừng lại. Như vậy là chấp trước pháp tướng. Thấy sắc chấp trước sắc, sinh tâm nơi sắc là người mê. Thấy sắc lìa sắc, không sinh tâm nơi sắc là người ngộ. Trụ ở sắc mà sinh tâm như mây che trời, không trụ sắc sinh tâm như trời quang mây tạnh, mặt trời mặt trăng thường chiếu sáng. Trụ sắc sinh tâm là vọng niệm, không trụ sắc sinh tâm là chân trí. Vọng niệm sinh thì tối, chân trí chiếu thì sáng. Sáng suốt thì phiền não không sinh, mê mờ thì sáu trần đua nhau nổi dậy.

“Tu-bồ-đề ! Ví như có người thân hình như núi chúa Tu-di, ý ông nghĩ sao, thân ấy lớn không ?

Tu-bồ-đề nói : –Rất lớn, thưa Thế Tôn. Bởi vi sao ? Vì Phật nói chẳng phải thân mới là thân to lớn.”


Sắc thân dầu lớn mà tâm lượng bên trong nhỏ hẹp, không gọi là thân lớn.

Tâm lượng to rộng như hư không mới gọi là thân lớn. Sắc thân cao to như núi Tu-di cũng chẳng cho là to lớn.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

11- PHÚC VÔ VI VƯỢT TRỘI

“Tu-bồ-đề ! Giả sử có số sông Hằng nhiều như cát của sông Hằng, ý ông nghĩ sao, cát của những sông Hằng ấy nhiều không ?

Tu-bồ-đề nói : –Rất nhiều, thưa Thế Tôn ! Chỉ mỗi số lượng sông Hằng đã là vô số, huống chi số cát của những sông Hằng ấy.

Tu-bồ-đề ! Hôm nay ta bảo cho ông một sự thật : Nếu có thiện nam thiện nữ đem bảy báu đầy cả số ba ngàn đại thiên thế giới nhiều như số cát những sông Hằng kia, dùng để bố thí, sẽ được phúc nhiều chăng ?

Tu-bồ-đề nói : -Rất nhiều, thưa Thế Tôn !

Phật bảo Tu-bồ-đề : Nếu có thiện nam thiện nữ thụ trì cho dầu bốn câu kệ trong kinh này và giảng nói cho người khác, phúc đức này hơn cả phúc đức trước.”


Bố thí bảy báu được phúc báo giàu sang trong ba cõi. Giảng thuyết kinh điển Đại thừa khiến người nghe phát sinh trí tuệ lớn, thành tựu đạo vô thượng. Phải biết phúc đức của sự thụ trì hơn phúc đức bố thí bảy báu .


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

12- TÔN TRỌNG CHÍNH GIÁO

“Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Nơi nào giảng thuyết kinh này, cho dầu chỉ bốn câu kệ, phải biết đây là nơi tất cả người, trời, A-tu-la trong thế gian đều phải cúng dường như cúng dường tháp Phật,”

Nơi nào có người giảng thuyết kinh này, người ấy trong mỗi niệm phải thường hành vô niệm, tâm là tâm vô sở đắc, không đem tâm phân biệt năng sở mà giảng nói. Nếu có thể xa lìa các tâm chấp trước, thường căn cứ vào tâm vô sở đắc thì ngay trong thân này có kim thân xá-lợi của Như Lai, cho nên nói là như tháp Phật vậy. Người dùng tâm vô sở đắc giảng nói kinh này sẽ cảm được Thiên long bát bộ đều đến nghe thuyết giảng. Nếu người tâm không thanh tịnh, giảng nói kinh này chỉ vì danh lợi, chết sẽ đọa vào ba đường ác, nào được ích lợi chi. Nếu tâm thanh tịnh thuyết giảng kinh này, khiến người nghe trừ tâm mê vọng, ngộ được bản lai Phật tính, thường thực hành chân thật sẽ cảm được người, trời, A-tu-la đều đến cúng dường người hành trì kinh này.

“huống chi là người hoàn toàn có thể thụ trì đọc tụng.

Tu-bồ-đề ! Phải biết người này thành tựu pháp cao tột hiếm có bậc nhất. Nơi nào có kinh này là nơi đó có Phật, có các đệ tử cao trọng của Phật.”


Tự tâm tụng được kinh này, tự tâm hiểu được nghĩa kinh, tự tâm thể nhập được lý vô tướng, ở đâu cũng tu theo hạnh Phật, niệm niệm không gián đoạn thì tự tâm là Phật. Cho nên nói ở đâu là ở đó có Phật.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

13- THỤ TRÌ ĐÚNG NHƯ PHÁP

“Bấy giờ Tu-bồ-đề bạch Phật : –Thưa Thế Tôn, kinh này tên gì, chúng con phụng hành như thế nào ?

Phật bảo Tu-bồ-đề : Kinh này tên là Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật. Các ông phải phụng trì danh hiệu ấy.

Bởi vì sao ? Này Tu-bồ-đề ! Bát-nhã Ba-la-mật Phật nói, tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật, đó mới là Bát-nhã Ba-la-mật.”


Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật khiến người học dùng trí tuệ trừ bỏ tâm sinh diệt ngu si. Trừ hết sinh diệt là đến bờ kia. Nếu tâm còn có chỗ sở đắc tức không đến được bờ kia. Tâm không một pháp nào sở đắc là đến bờ kia. Miệng nói tâm thực hành là đến bờ kia.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Như Lai có gì thuyết pháp không ?

Tu-bồ-đề nói :–Thưa Thế Tôn ! Như Lai không có gì thuyết pháp.”


Phật hỏi Tu-bồ-đề rằng Như Lai thuyết pháp, tâm có sở đắc không. Tu-bồ-đề biết Như Lai thuyết pháp là tâm không sở đắc, cho nên nói không có gì thuyết pháp cả. Ý Như Lai muốn người đời bỏ tâm niệm cho rằng có chỗ sở đắc, có cái mình đạt được, nên nói pháp Bát-nhã Ba-la-mật, để tất cả người nghe pháp này đều phát tâm Bồ-đề, ngộ lý vô sinh, thành tựu đạo vô thượng.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Tất cả bụi nhỏ trong ba ngàn đại thiên thế giới là nhiều không ?

Tu-bồ-đề nói : –Rất nhiều, thưa Thế Tôn.

Tu-bồ-đề ! Những bụi nhỏ Như Lai nói chẳng phải bụi nhỏ, đó gọi là bụi nhỏ. Thế giới Như Lai nói chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới.”


Như Lai nói vọng niệm trong tâm chúng sinh như bụi bặm trong ba ngàn đại thiên thế giới. Tất cả chúng sinh bị bụi bặm vọng niệm khởi diệt mãi không ngừng, che lấp Phật tính, không được giải thoát. Nếu niệm niệm chân chính tu hạnh vô trước vô tướng Bát-nhã Ba-la-mật, thì hiểu rõ bụi bặm vọng niệm tức pháp tính thanh tịnh. Vọng niệm đã không còn thì cái chẳng phải bụi bặm đó là bụi bặm. Hiểu rõ chân là vọng, vọng là chân thì chân vọng đều mất, không còn một pháp nào khác, nên gọi là bụi bặm. Trong tâm không bụi bặm là thế giới của Phật. Trong tâm bụi bặm là thế giới chúng sinh. Rõ các vọng niệm là không tịch nên nói chẳng phải thế giới. Chứng được pháp thân Như Lai, hiện khắp các cõi, không phương nào không có diệu dụng, đó là thế giới.

“Tu-bồ-đề ! Ý ông nghĩ sao ? Có thể lấy ba mươi hai tướng mà gọi là thấy Như Lai chăng ?

–Không, thưa Thế Tôn ! Không thể lấy ba mươi hai tướng mà gọi là thấy được Như Lai.

Bởi vì sao, vì Như Lai nói ba mươi hai tướng tức chẳng phải tướng, đó là ba mươi hai tướng.”


Ba mươi hai tướng là ba mươi hai hạnh thanh tịnh. Ba mươi hai hạnh thanh tịnh là trong năm căn tu sáu Ba-la-mật, trong ý căn tu vô tướng vô vi, thì gọi là ba mươi hai hạnh thanh tịnh. Thường tu ba mươi hai hạnh thanh tịnh này tức được thành Phật. Nếu không tu ba mươi hai tướng hạnh thanh tịnh thì không bao giờ thành Phật. Chỉ yêu thích chấp đắm ba mươi hai tướng của Như Lai mà tự mình không tu ba mươi hai hạnh, sẽ không bao giờ thấy được Như Lai.

“Tu-bồ-đề ! Nếu có thiện nam thiện nữ đem thân mạng như cát sông Hằng mà bố thí và lại có người thụ trì kinh này cho dầu chỉ bốn câu kệ và giảng nói cho người khác, phúc người này rất nhiều.”

Người đời quý trọng nhất không gì hơn thân mạng. Bồ-tát vì pháp, trong vô lượng kiếp xả thí thân mạng cho tất cả chúng sinh. Phúc ấy tuy nhiều cũng không bằng phúc thụ trì bốn câu kinh này. Nhiều kiếp xả bỏ thân mạng mà không rõ nghĩa không, không trừ vọng tâm thì vẫn y nguyên là chúng sinh. Còn như một niệm trì kinh, ngã nhân đều hết, vọng tưởng đã trừ, thì chỉ dưới một câu nói là thành Phật. Cho nên biết rằng nhiều kiếp xả thân, không bằng phúc thụ trì bốn câu kinh.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Hình đại diện của người dùng
123456789
Bài viết: 170
Ngày: 06/06/09 21:16
Giới tính: Nam

Re: Linh Ứng Kinh Kim Cang Bát Nhã

Bài viết chưa xem gửi bởi 123456789 »

14- VẮNG LẶNG LÌA BỎ CÁC TƯỚNG

“Lúc bấy giờ Tu-bồ-đề nghe Phật nói kinh này, hiểu ý nghĩa sâu xa, buồn tủi, khóc mà bạch Phật rằng : –Hiếm có thay Thế Tôn ! Phật nói kinh điển rất sâu xa như thế này. Con từ xưa đã được con mắt tuệ nhưng chưa từng nghe kinh như vậy.

Thưa Thế Tôn ! Nếu lại có người nghe được kinh này, tín tâm thanh tịnh liền sinh thật tướng, tức biết người này thành tựu công đức hiếm có bậc nhất.”


Tự tính không si mê là người có con mắt tuệ, nghe pháp tự ngộ là người có con mắt pháp. Tu-bồ-đề là một A-la-hán. Trong 500 đệ tử của Phật, Tu-bồ-đề là người hiểu rõ lý không bậc nhất, là người đã từng phụng thờ nhiều Phật trong quá khứ, lẽ nào chưa được nghe pháp sâu xa như thế này, lẽ nào nói mới nghe nơi Phật Thích-ca Mâu-ni ? Song có thể là Tu-bồ-đề chứng đắc thuở xa xưa là tuệ nhãn của Thanh văn, đến nay mới ngộ Phật ý. Nên mới nghe kinh pháp sâu xa này thì buồn khóc vì xưa kia chưa ngộ. Nghe kinh suy ngẫm chân lý của kinh, đó là thanh tịnh. Từ trong cái thể thanh tịnh phát xuất ra pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Phải biết rằng như
vậy chắc chắn sẽ thành tựu công đức của chư Phật.

“–Thưa Thế Tôn ! Thật tướng ấy là phi tướng, cho nên Như Lai nói là thật tướng.”

Tuy thực hành hạnh thanh tịnh mà còn thấy có hai tướng cấu uế và thanh tịnh, thì đương nhiên đều là tâm cấu uế, không phải tâm thanh tịnh. Tâm còn có sở đắc tức chẳng phải thật tướng.

“–Thưa Thế Tôn ! Nay con được nghe kinh này, tin hiểu thụ trì, chẳng kể là khó. Nhưng nếu đời sau, năm trăm năm sau, có chúng sinh nào được nghe kinh này mà tin hiểu thụ trì, thì người ấy mới là hiếm có bậc nhất.

Bởi vì sao ? Vì người này không ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sinh tướng, không thọ giả tướng. Vì ngã tướng tức là phi tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng tức là phi tướng.

Bởi vì sao ? Lìa tất cả các các tướng, tức là chư Phật.”


Tu-bồ-đề hiểu sâu ý Phật, trừ hết nghiệp cấu uế, tuệ nhãn bừng sáng, thì tin hiểu thụ trì không còn khó khăn. Nhưng khi Thế Tôn tại thế thuyết pháp cũng có vô lượng chúng sinh không thể tin hiểu thụ trì, hà tất phải nói năm trăm năm sau ? Có điều là ngày Phật còn tại thế, tuy có những người căn cơ bậc trung hoặc thấp, người không tin, người hoài nghi, có thể đến hỏi Phật, Phật tùy theo đó giảng nói, không ai không tỏ ngộ. Phật diệt độ năm trăm năm sau, là dần đến thời kỳ mạt pháp, thánh hiền xa vắng, chỉ còn lại kinh giáo, nếu người nghi ngờ không biết làm sao giải quyết.

Người ngu mê ôm lấy chấp trước, , không hiểu lý vô sinh, giong ruổi đuổi theo các tướng, lạc vào các nẻo luân hồi. Trong lúc đó, nếu được nghe Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, tâm thanh tịnh tin kính, ngộ lý vô sinh thì thật là hiếm có. Cho nên nói hiếm có bậc nhất. Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu lại có người đối với kinh điển Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, mà có thể tin hiểu thụ trì, tức biết rằng người này không có tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Không bốn tướng này gọi là thật tướng, tức Phật tâm, cho nên nói lìa tất cả các tướng tức chư Phật.

“Phật bảo Tu-bồ-đề : Đúng như vậy ! Đúng như vậy !”

Phật ấn khả chỗ giải thích của Tu-bồ-đề là phù hợp tâm Phật, nên nói lặp lại hai lần : Đúng như vậy, đúng như vậy.

“Nếu lại có người được nghe kinh này mà không kinh ngạc, không sợ hãi, phải biết người như vậy thật hiếm có.”

Các Thanh văn chấp pháp tướng đã lâu, chỉ biết chấp hữu, không hiểu các pháp vốn không, tất cả văn tự đều là giả lập, bỗng nghe kinh sâu xa này nói các tướng không sinh, ngay dưới câu nói tức Phật, vì vậy kinh ngạc sợ hãi. Chỉ các hàng Bồ-tát căn trí cao, nghe được lý này hoan hỷ thụ trì, mà không sợ hãi thoái lui, những hạng người như vậy rất là hiếm có.

“Bởi vì sao ? Tu-bồ-đề ! Như Lai nói đệ nhất Ba-la-mật tức chẳng phải đệ nhất Ba-la-mật, đó mới là đệ nhất Ba-la-mật.”

Miệng nói tâm không làm là phi, tức chẳng phải. Miệng nói tâm thực hành là thị, tức phải, đúng. Tâm có phân biệt năng sở là chẳng phải. Tâm không năng sở là phải.

“Tu-bồ-đề ! Nhẫn nhục Ba-la-mật, Như Lai nói chẳng phải nhẫn nhục Ba-la-mật.”

Thấy có cảnh phải nhẫn nhục là chẳng phải. Không thấy có cảnh phải nhẫn nhục là phải. Thấy có thân tướng sẽ bị người hại, là chẳng phải. Không thấy có thân tướng sẽ bị người hại là phải.

“Bởi vì sao ? Tu-bồ-đề ! Như ta xưa bị vua Ca-lợi chặt đứt thân thể. Lúc ấy ta không có ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sinh tướng, không thọ giả tướng.

Bởi vì sao ? Lúc xưa khi ta bị chặt đứt từng khúc thân thể, nếu có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng, thì sẽ sinh giận dữ oán hận.”


Như Lai trong lúc tu nhân ở bậc sơ địa là vị tiên nhẫn nhục, bị vua Ca-lợi chặt đứt thân thể, mà không có một niệm đau buồn phiền não, vì nếu đau buồn phiền não sẽ sinh giận dữ oán hận. Vua Ca-lợi là tên tiếng Phạn, đây gọi là vua vô đạo cực ác.

Có một thuyết nói Như Lai trong lúc tu nhân, từng làm quốc vương. Nhà vua thường tu hành thập thiện, lợi ích chúng sinh. Nhân dân trong nước ca ngợi nhà vua, nói rằng vua Ca-lợi tu hạnh nhẫn nhục cầu vô thượng Bồ-đề. Bấy giờ trời Đế-thích hóa làm kẻ khốn khổ xin thịt của vua. Vua liền cắt thịt mình mà cho, hoàn toàn không giận không sầu não. Hiện có hai thuyết đều có lý.

“Tu-bồ-đề ! Ta còn nhớ quá khứ trong năm trăm đời làm người tiên nhẫn nhục. Trong thời gian đó ta không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng.”

Như Lai trong lúc tu nhân, năm trăm đời tu hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật. Được bốn tướng không sinh, Như Lai tự thuật sự tu nhân thời quá khứ để khiến tất cả những người tu hành thành tựu nhẫn nhục Ba-la-mật. Người tu hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật thì không thấy tất cả những tội lỗi của người, oán thân bình đẳng, chẳng có thị phi, bị người đánh mắng làm hại, vui vẻ nhịn chịu mà còn tôn trọng. Người tu hạnh như vậy tức có thể thành tựu nhẫn nhục Ba-la-mật.

“Vì vậy cho nên, Tu-bồ-đề ! Bồ-tát phải lìa tất cả các tướng, phát tâm Vô thượng Bồ-đề, không nên trụ ở sắc sinh tâm, không nên trụ ở thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm, nên sinh tâm không có chỗ trụ.”

Nói không nên trụ sắc sinh tâm là nói chung, nói thanh, hương v.v… là nêu tên từng thứ. Đây là nơi sáu trần làm cho khởi tâm yêu ghét. Do các vọng tâm này tích chứa, không thể giác chiếu, càng lúc càng xa Phật hạnh.

Dầu siêng năng khổ luyện tu hành, không trừ được tâm cấu uế cũng không bao giờ giải thoát. Xét từ căn bản, đều do trụ tâm nơi sắc v.v…Nếu có thể mỗi niệm thường thực hành Bát-nhã Ba-la-mật, tư duy các pháp là không, thì không sinh cố chấp, mỗi niệm thường tinh tiến, một lòng gìn giữ không buông thả phóng túng. Kinh Tịnh Danh nói : Cầu nhất thiết trí, không lúc nào không cầu. Kinh Đại Bát-nhã nói : Bồ-tát Ma-ha-tát ngày đêm siêng năng tinh tiến, thường trụ nơi pháp Bát-nhã Ba-la-mật, giống như tâm tương ưng không lúc nào rời bỏ.

“Nếu tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải chỗ trụ.”

Nếu tâm trụ ở Niết-bàn thì đó chẳng phải chỗ trụ của Bồ-tát. Không trụ ở Niết-bàn, không trụ ở các pháp, không trụ ở tất cả mọi chỗ mới là chỗ trụ của Bồ-tát. Đó chính là trên văn kinh nói nên sinh tâm ở nơi không có chỗ trụ.

“Thế nên Phật nói tâm Bồ-tát không nên trụ ở sắc…mà bố thí.

Tu-bồ-đề ! Bồ-tát vì lợi ích tất cả chúng sinh nên bố thí như vậy.”


Bồ-tát không vì mong cầu hạnh phúc bản thân mà làm bố thí, chỉ vì trong thì phá trừ tâm tham, ngoài vì lợi ích chúng sinh mà làm bố thí.

“Như Lai nói tất cả các tướng là chẳng phải tướng. Lại nói tất cả chúng sinh là chẳng phải chúng sinh.”

Như nghĩa là không sinh. Lai nghĩa là không diệt. Không sinh là ngã, nhân ,không sinh. Không diệt là giác chiếu không diệt. Câu văn kinh ở dưới nói : Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai. Như Lai nói các tướng ngã nhân v.v…rốt cuộc đều có thể hư hoại, không phải là thể chân thật. Tất cả chúng sinh đều là tên giả, nếu lìa vọng tâm tức chẳng có chúng sinh nào cả cho nên nói tức chẳng phải chúng sinh.

“Tu-bồ-đề ! Như Lai là người nói đúng, nói thật, nói như lời, nói không lừa dối, nói không quái lạ.”

Nói đúng là nói tất cả hữu tình vô tình đều có Phật tính. Nói thật là nói chúng sinh tạo nghiệp ác nhất định chịu quả báo khổ. Nói như lời là nói chúng sinh tu các pháp lành nhất định có quả báo an vui. Nói không lừa dối là nói pháp Bát-nhã Ba-la-mật xuất sinh tam thế Phật chắc chắn không dối. Nói không quái lạ là những điều Như Lai thuyết giảng từ bậc sơ thiện trung thiện hậu thiện, ý chỉ đều vi diệu, tất cả thiên ma ngoại đạo không ai có thể vượt hơn cũng không thể đả phá lời Phật nói .

“Tu-bồ-đề ! Pháp Như Lai chứng đắc, pháp ấy không phải thật cũng không phải trống rỗng.”

Nói không phải thật vì pháp thể trống vắng, không có tướng chứng đắc. Nhưng trong đó có hằng sa tính đức, dùng không thiếu, nên nói không phải trống rỗng. Muốn nói pháp ấy là thật thì lại không có hình tướng có thể nắm bắt. Muốn nói pháp ấy trống rỗng, thì lại có diệu dụng vô cùng. Cho nên không thể nói không, không thể nói có. Có mà chẳng phải có, không mà chẳng phải không. Bao nhiêu ngôn ngữ, thí dụ đều bất cập, chỉ có chân trí mới đạt được thôi. Nếu không lìa tướng tu hành không sao đến được.

“Tu-bồ-đề ! Nếu Bồ-tát trụ tâm nơi pháp mà bố thí, thì như người vào trong tối chẳng thấy được gì.”

Bố thí mà tâm còn chấp trước, sẽ không hiểu được lý không, của ba cái thể của việc bố thí. Như người mù ở chỗ tối tăm, hoàn toàn chẳng thấy rõ. Kinh Hoa Nghiêm nói : Hàng Thanh văn trong pháp hội của Như Lai, nghe pháp mà như đui như điếc. Đó là vì còn trụ nơi pháp tướng.

“Nếu Bồ-tát không trụ tâm nơi pháp mà bố thí, thì như người sáng mắt, khi mặt trời chiếu sẽ thấy các sắc màu.”

Nếu Bồ-tát thường tu hạnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa vô trước vô tướng, thì như người sáng mắt, ở trong ánh sáng mặt trời chỗ nào chẳng thấy.

“Tu-bồ-đề ! Đời sau nếu có thiện nam thiện nữ, đối với kinh này có thể thụ trì đọc tụng, sẽ được Như Lai dùng trí tuệ của Phật biết rõ thấy rõ những người này đều thành tựu công đức vô lượng vô biên.”

Nói đời sau là sau khi Như Lai nhập diệt. Sau năm trăm năm là đời ác trược, tà giáo đua nhau nổi lên, chính pháp khó lưu hành. Trong lúc này, nếu có thiện nam thiện nữ, gặp được kinh này, theo thầy học tập, đọc tụng trong tâm, y nghĩa tu hành, tinh tiến không vọng niệm, ngộ nhập tri kiến Phật, tức có thể thành tựu vô thượng Bồ-đề. Do đó ba đời chư Phật đều hay biết.


QUY Y PHẬT LƯỠNG TÚC TÔN!
QUY Y PHÁP LY DỤC TÔN!
QUY Y TĂNG CHÚNG TRUNG TÔN!
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.52 khách