Tài liệu: THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Tài liệu: THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Chương một: Tâm Vương (Citta)

1) Bất thiện tâm (Akusalacitta)
2) Vô nhân tâm (Ahetukacitta)
3) Tịnh quang tâm (Sobhanacitta)
4) Sắc giới tâm (Rùpàvacaracitta)
5) Vô sắc giới tâm (Arùpàvacaracitta)
6) Siêu thế tâm (Lokuttaracitta)

CITTA (TÂM VƯƠNG)

IV. THÍCH NGHĨA.

Thắng pháp: Abhidhamma nghĩa là Vô thượng pháp hay Thắng pháp.
Attha nghĩa là vật.
Sangaha nghĩa là tập yếu.
Dhamma ở đây có nghĩa là giáo lý. Theo tập Atthasàlinì Abhi có nghĩa là Atireka, cao hơn, lớn hơn hay Visittha, đặc biệt, thù thắng.
Abhidhamma nghĩa là thắng pháp vì pháp này giúp người tự giải thoát, hay vì pháp này thù thắng hơn Kinh tạng và Luật tạng. Trong Kinh tạng hay Luật tạng, đức Phật thường dùng những danh từ Tục đế như người, loài vật, hữu tình...

Trong tạng Abhidhamma, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì giáo lý dạy rất đặc biệt, vì giáo lý này đưa đến tự giải thoát, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên gọi là Abhidhamma.

BỐN THẮNG PHÁP

III. VIỆT VĂN.

- 1b) Theo Ðệ nhứt nghĩa đế, các pháp thuộc Abhidhamma có bốn tất cả: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Có hai sự thật (đế): Tục đế và Ðệ nhứt nghĩa đế,
Tục đế (Sammuti-sacca) là sự thật ngoài mặt, sự thật của thế tình.
Còn Ðệ nhứt nghĩa đế (Paramattha-sacca) là sự thật tuyệt đối. Ví dụ cái bàn chúng ta thấy là tục đế. Theo đệ nhứt nghĩa đế, cái gọi là cái bàn, sự thật gồm nhiều cơ năng và đặc tánh.

Cũng vậy, trong kinh tạng, đức Phật thường dùng những danh từ thông thường như người đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã... nhưng trong Abhidhamma, đức Phật dùng những danh từ rất đặc biệt, như Khandha (uẩn), Dhàtu (giới), Àyatana (xứ)...

Chữ Paramattha có nhiều ý nghĩa trong Abhidhamma.
Parama nghĩa là không thay đổi (aviparìta), trừu tượng (Nibbattita)
Attha nghĩa là vật,
pháp Paramattha nghĩa là những vật không thay đổi, hay trừu tượng. Tuy dùng chữ không thay đổi, nhưng đừng hiểu lầm là những vật này trường cữu, thường còn.

Một chậu bằng đồng không phải là một Paramattha, vì nó luôn luôn thay đổi và có thể nấu chảy và biến thành cái bình. Cái chậu và cái bình có thể phân tích và chia chẻ thành những sức mạnh vật lý căn bản và những đặc tánh.
Sức mạnh và những đặc tánh ấy được gọi là Rùpaparamattha trong Abhidhamma. Chúng cũng bị thay đổi, nhưng đặc tánh của những sắc pháp này là giống nhau và được tìm thấy trong cái chậu cũng như trong cái bình. Chúng gìn giữ đặc tánh của chúng trong mọi sự kết hợp của chúng và vì vậy trong sớ giải, Parama có nghĩa là không thay đổi hay thực có. Attha ở đây có nghĩa là vật chớ không phải là ý nghĩa.

Có 4 Paramattha hay thực thể trừu tượng, bao trùm mọi vật nhập thế và siêu thế. Như cái gọi là hữu tình thuộc về nhập thế. Còn Nibbàna thuộc siêu thế. Loài hữu tình gồm có Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc). Theo Abhidhamma, Rùpa gồm cả những đơn vị căn bản của vật chất và những thay đổi vật chất. Abhidhamma kể đến 25 sắc pháp. Nàma gồm cả Tâm và Tâm sở.

Theo Abhidhamma, cái gọi là hữu tình gồm có năm uẩn (khandha): Rùpa (sắc), Vedanà (thọ), Sannà (tưởng), Sankhàrà (hành) và Vinnàna (thức).

Tâm, Tâm sở (trừ 8 Siêu thế tâm và những Tâm sở câu hữu) và Sắc thuộc nhập thế (Lokiya), và Nibbàna thuộc Siêu thế (Lokuttara). Niết bàn là thực thế cứu cánh, độc nhất. Ba pháp còn lại được gọi là thực thể vì chúng là những vật hiện hữu (Vijjamàna dhammà). Ngoài ra, chúng không thể chia nhỏ, không thay đổi và trừu tượng.

Paramattha thứ nhất là Citta, từ ngữ căn Cit là suy nghĩ. Theo sớ giải, Citta có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng (cinteti: vijànàti). Ðây không có nghĩa có người nghĩ đến đối tượng. Theo nghĩa của Abhidhamma, Citta nên định nghĩa là sự nhận thức có mặt của một đối tượng, vì không có nghĩa có một linh hồn suy nghĩ.

Citta, Ceta, Cittuppàda, Nàma, Mana Vinnàna đều là những chữ đồng nghĩa theo Abhidhamma, không có sự phân biệt giữa Citta và Vinnàna (tâm và Thức). Khi cái gọi là vật hữu tình được chia thành hai phần, thời dùng chữ Nàma (Danh). Khi chia thành năm uẩn, thời chữ Vinnàna (Thức) được dùng.

BỐN LOẠI TÂM

III. VIỆT VĂN.

- 2) Ở đây, có 4 loại tâm: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế giới.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Kàmà: Dục, hoặc là ái dục hay là những đối tượng của ái dục như sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Avacara: nghĩa là lãnh vực địa giới hoạt động. Những tâm vương khởi lên hệ thuộc với các văn và đối tượng của chúng nên gọi là Dục giới tâm.

Sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ ngũ thiền ở cõi Sắc giới. Sở dĩ gọi là Sắc giới tâm vì tâm này khởi lên do dùng các sắc pháp để tu thiền định.

Vô sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ tứ thiền ở cõi Vô sắc giới. Sở dĩ gọi là Vô sắc giới vì tâm này khởi lên do dùng Vô sắc pháp để tu thiền định.

Loka uttara: Lokuttara, nghĩa là Siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Do quán tưởng ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã, chứng được các thánh vị, không còn là phàm phu nữa nên gọi là siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.

Theo Pàli Abhidhamma, có tất cả là 89 Tâm vương, 54 Dục giới tâm, 15 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giới tâm và 8 Siêu thế tâm.
************
Tài liệu tham khảo cá nhân về Thắng Pháp tập yếu luận, chỉ trích dẫn những phần toát yếu để học tập, do đó không thuộc về bản sao chép. Độc giả thấy thiếu sót về cách lập văn, phần trình bài không được như ý, xin hãy tham khảo nguồn nơi link. http://buddhanet.net/budsas/uni/u-vdp-mc/vdpmc01.htm
ABHIDHAMMATTHASANGAHA: THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh (dịch và giải)
Sài Gòn, ngày 15 tháng 12 năm 1973


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Tài liệu: THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Chương một: Tâm Vương (Citta)

1) Bất thiện tâm (Akusalacitta)
2) Vô nhân tâm (Ahetukacitta)
3) Tịnh quang tâm (Sobhanacitta)
4) Sắc giới tâm (Rùpàvacaracitta)
5) Vô sắc giới tâm (Arùpàvacaracitta)
6) Siêu thế tâm (Lokuttaracitta)

BẤT THIỆN TÂM

II. THÍCH VĂN.

- Katamam: Có bao nhiêu. Somanassasahagatam: Câu hữu với hỷ. Ditthigatasampayuttam: Tương ưng với tà kiến. Asankhàrikam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Cần được nhắc bảo. Ditthigatavippayuttam: Không tương ưng với tà kiến. Upekkhàsahagatam: Câu hữu với xả. Imàni: Những tâm này Attha: Tám Lobhasahagatàni cittàni nàma: Gọi là những tâm câu hữu với tham.

III. VIỆT VĂN.

Ở đây có bao nhiêu Dục giới tâm?

1. Một tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo.
2. Một tâm câu hữu với hỷ không tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo.
3. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo.
4. Một tâm câu hữu với xả, không tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo.Tám tâm này gọi là tâm câu hữu với tham.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Trong 89 Dục giới tâm, có 12 bất thiện tâm chia thành 8 tâm câu hữu với tham, hai tâm câu hữu với sân, hai tâm câu hữu với si.

Trước hết là 8 tâm câu hữu với tham.

1. Tâm đầu là tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo.
(Có nghĩa là: Khi một người làm một việc bất thiện một cách thích thú, thì tâm người ấy câu hữu với hỷ , nếu làm một cách thản nhiên thời câu hữu với xả.

Ví dụ: Có người nghĩ rằng giết sanh vật để cúng tế, cướp bóc giết hại những người không đồng với tín ngưỡng của mình là những việc phải, việc thiện, thời tâm của người ấy tương ưng với tà kiến.
Có người làm việc ác một cách tự nhiên, mau lẹ không cần người khuyến khích xui giục, thời tâm ấy gọi là không cần nhắc bảo (Asankhàrikam ). Nếu cần người xúi giục khuyên bảo mới làm thì gọi là Cần được nhắc bảo (sasankhàrikam).

Trong chương trước, tâm chia thành bốn tùy theo cảnh giới, như Dục giới tâm, Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm và Siêu thế tâm.

Tâm cũng có thể chia làm 4 loại tùy theo tánh cách của chúng, như Akusala (bất thiện), Kusala (thiện), Vipàka (dị thục) và Kiriyà (duy tác).

Sở dĩ gọi là Bất thiện vì chúng phát sanh từ Lobha (tham) Dosa (sân) và Moha (si).
Trái với bất thiện tâm là Thiện tâm (Kusala) vì chúng phát sanh từ Alobha (vô tham), Adosa (vô sân) và Amoha (vô si).

Nhưng Bất thiện tâm và thiện tâm thuộc về Kamma (nghiệp) và kết quả Dị thục của những tâm này gọi là Vipàka (Dị thục tâm). Cả Kamma và Vipàka thuộc về ý.

Còn tâm Kiriyà (Duy tác) là tâm của vị A la hán, tuy có hành động nhưng không có kết quả dị thục vì đã diệt trừ sanh tử.

HAI SÂN TÂM

II. THÍCH VĂN.

- Domanassasahagatam: Câu hữu với ưu Patighasampayuttam: Tương ưng với hận. Asankhàrikam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Một tâm cần được nhắc bảo. Dve: Hai. Patighacittàni: Những hận tâm.

III. VIỆT VĂN.

- 4) Một tâm câu hữu với ưu, tương ưng với hận, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Hai tâm này gọi là tâm cân hữu với hận.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Khi một vật khiến ta không ưa thích hoặc trở ngại sự thực hiện ý muốn của mình, chúng ta bắt đầu ghét vật ấy.
Dần dần sự ghét ấy tăng lên một mức độ đến nỗi chỉ nghĩ đến vật ấy cũng khiến ta tức tối, chán ghét.
Tâm trạng như vậy gọi là sân (Domanassa). Sân thúc dục kích thích chúng ta muốn tiêu diệt, công phá vật ta chán bỏ, sự kích thích ấy gọi là hận. Tâm ấy là Không cần nhắc bảo (asankhàrikam), nếu trong khi giận dữ, một người làm một tội ác không gì ngần ngại, không cần người xúi giục khuyên bảo.

Tâm ấy là Một tâm cần được nhắc bảo (sasankhàrika) nếu có ngần ngại, cần có người xúi giục sai bảo mới làm.
Trong 2 tâm này, lẽ dĩ nhiên không có somanassa (hỷ), hay upekkhà (xả), cũng không tương ưng với tà kiến vì khi quá tức giận, không còn thì giờ mà suy nghĩ phải với trái nữa.

Bốn bất thiện căn: Lobha, dosa, Patigha, và moha.
Lobha từ ngữ căn Lubh nghĩa là nắm giữ, ôm ấp.
Dosa từ ngữ căn Dus nghĩa là không bằng lòng.
Patigha, Pati: nghĩa là đối, Gha (han) có nghĩa là đánh chạm nhau.
Moha từ ngữ căn Muh nghĩa là mê lầm. Theo Abhidhamma, Moha có mặt trong tất cả bất thiện tâm.
Lobha và Dosa không khởi ra một mình mà phải có Moha. Moha có thể khởi một mình và được gọi là Momùha.

Somanassa: Su là tốt, thiện.
Mana: ý, nghĩa là thiện ý, hoan hỷ.
Upekkhà: Upa là ngang, không thiên lệch;
Ikkh: là thấy không thiên về hỷ và ưu, đứng ở giữa nên có nghĩa là xả.
Ditthi từ ngữ căn dis nghĩa là thấy, nhận thức. Sankhàrika từ chữ san nghĩa là tốt và kar nghĩa là làm.
Trong Abhidhamma, chữ Sankhàra có nhiều nghĩa, phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng. Dùng với 5 uẩn, Sankhàra là hành uẩn, nghĩa là các tâm sở trừ thọ và tưởng. Dùng với mười hai nhân duyên, Sankhàra có nghĩa là mọi hành động cố ý, thiện hay ác. Sankhàra cũng có nghĩa là thay đổi, biến dịch và dùng chỉ cho các pháp hữu vi. Ở đây, Sankhàra có nghĩa là khuyến khích, sai bảo.

HAI SI TÂM

II. THÍCH VĂN.

- Vicikicchàsampayuttam: Tương ưng với nghi. Ekam: Một. Uddhaccasampayuttam: Tương ưng với trạo cử. Momùhacittàni: Những si tâm. Iccevam: Iti + Evam: Là như vậy. Dvàdasa: 12. Sabbathà:Toàn mọi phương diện. Akusalacittàni: Những tâm bất thiện. Samattàni: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

- 5) Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với nghi. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với trạo cử. Như vậy hai tâm này được gọi là si tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Moha: Si, là một điều kiện tất yếu đối với các bất thiện pháp. Lobha và Dosa (tham, sân) không thể khởi lên nếu không có Moha (si).
Nhưng nếu chỉ có si thôi, thời khiến cho tâm trí bị mê mờ. Nên tâm ấy được gọi là những si tâm "Momùhacitta.
Một tâm trí như vậy khó mà hiểu sự vật rất rõ ràng, có nhiều nghi ngờ, nên gọi là tương ưng với nghi.

Một si tâm cũng không thể chuyên nhất trên một đối tượng nào. Tâm ấy xao động, nếu xao động mạnh thì gọi là Uddhaccasampayuttam: tương ưng với trạo cử.

Hai tâm này không thể có Somanassa (hỷ) hay Domanassa (Ưu). Chúng tương ưng với Upekkhà (xả).

Nghi và trạo cử khởi lên do mê mờ, không thể tự dụng ý tạo lên được, vì mê mờ và hiểu biết tương phản. Lại không thể có ai xúi giục để nghi ngờ và trạo cử nên không có Không cần nhắc bảo và một tâm cần nhắc bảo.

Vickicchà: theo luận sớ có 2 nghĩa:
1) Vici: Vicinanto là tìm hiểu, điều tra + Kiccchati nghĩa là mệt mỏi, phật ý. Phật ý do suy tư, phân vân.
2) Vi: Không có + Cikicchà: phương thuốc của trí tuệ. Vicikicchà nghĩa là không có phương thuốc của trí tuệ. Uddhacca: U nghĩa cùng khắp + Dhu nghĩa là rung động. Tâm trạng của con người bị xúc động quá mạnh.

Kusala có những nghĩa như sau:

1. Ku: bất thiện + Sa: làm cho rung động. Kusala là diệt trừ điều bất thiện.

2. Kusa: Ku: bất thiện + Sa: nói láo + La: cắt, chặt. Nghĩa là cắt diệt những gì nói láo một cách đê hèn.

3. Ku: bất thiện + Su: làm cho tiêu tan. Cái làm diệt trừ bất thiện là Kusa hay trí tuệ. La: cắt. Cái gì cắt đứt bất thiện với trí tuệ, được gọi là Kusala.

4. Kusa là một loại cỏ. Loại cỏ này cắt bàn tay với hai khía lá sắc bén. Cũng vậy Kusala cắt các phiền não.

TỔNG KẾT 12 BẤT THIỆN TÂM

II. THÍCH VĂN.

- Atthadhà: Có 8 loại. Lobhamùlàni: Tham căn. Dosamùlàni: Sân căn. Ca: Và. Dvidhà: Có hai loại. Akusalà: Bất thiện. Siyum: (từ động từ Asa): Chúng có thể có.

III. VIỆT VĂN.

- 6) Tham căn có tám, sân căn có hai và si căn cũng có hai. Như vậy Bất thiện tâm có 12.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Ðây là bài kệ tóm tắt đoạn trên, kê rõ có tất cả là tám tham tâm, hai sân tâm và hai si tâm, tổng cộng có 12 Bất thiện tâm.***************************************************
Tài liệu tham khảo cá nhân về Thắng Pháp tập yếu luận, chỉ trích dẫn những phần toát yếu để học tập, do đó không thuộc về bản sao chép. Độc giả thấy thiếu sót về cách lập văn, phần trình bài không được như ý, xin hãy tham khảo nguồn nơi link. http://buddhanet.net/budsas/uni/u-vdp-mc/vdpmc01.htm
ABHIDHAMMATTHASANGAHA: THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh (dịch và giải)
Sài Gòn, ngày 15 tháng 12 năm 1973.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.101 khách