Pháp Niệm Phật, Tham Thiền

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Pháp Niệm Phật, Tham Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

PHÁP NIỆM PHẬT, THAM THIỀN
(Trích Kinh Nhật Tụng, Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda),
dịch giả Bhikkhu Vaṃsarkkhita - Tỳ khưu Hộ Tông, trang 144-149)


Niệm Phật là để lòng ghi nhớ danh hiệu Phật, không tưởng nghĩ đến sự chi khác, chỉ thâu nhiếp cái vọng tâm đừng cho năm Pháp Cái ám muội, mà đèn tâm phải lu mờ, không nảy sanh cái thắng lực của chánh định được. Bởi cái tâm hằng bị năm Pháp Cái làm cho nó phải lay động, khó nổi an trú trong đối tượng thiền định, nên không nhớ việc nào được đúng đắn, không thấu việc chi được rõ rệt, ví như nước xao động vì gió, nên trông vào nước, nào ai thấy mặt được rõ rệt.

Phép niệm Phật là gom ý vào một đối tượng cho tâm yên lặng, vững vàng, không cho duyên theo ngũ trần lục dục để lần lần bước vào con đường chánh định, dẫn dắt ta ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Niệm Phật giờ khắc nào cũng được, song ở chốn đô hội, ban ngày không yên tịnh, khó cho tâm an trú, chỉ có ban đêm vắng lặng, mới tiện bề cho hành giả công phu.

Ban đêm lúc nào niệm Phật cũng được, nhất là mấy giờ sau đây:

1. Đầu hôm, sau thời tụng kinh tối, như trong mình mệt mỏi thì ngồi niệm năm, mười phút đồng hồ, rồi nằm niệm cho đến khi ngủ quên.

2. Lúc canh tư, canh năm, khoảng 3, 4, 5 giò sáng (sau khi nghỉ một giấc đã khỏe).

Khi ngồi niệm Phật, trước hết:

  • A. PHẢI SUY XÉT MƯỜI TỘI NGŨ TRẦN NHƯ LỜI PHẬT GIẢNG SAU ĐÂY:
1. Ngũ Trần ví như khúc xương bỏ rơi trên đất. Người sa mê ngủ trần cũng như con chó gậm khúc xương ấy, nó chỉ liếm lấy nước miếng nó, đã chẳng được sự lợi ích mà còn thêm mệt sức.

2. Ngũ Trần ví như miếng thịt thúi. Người sa mê ngũ trần cũng như bầy quạ đậu trên thây ma trôi từ sông ra biển khơi. Bầy quạ đậu trên thây ma, có thịt ăn, nước uống; mãi mê theo sự ăn uống không quan tâm đến sự hại sẽ tới khi cái thây ma bên dưới bị nước biển đánh rã, trên thì quạ ăn hết thịt chỉ còn lại bộ xương. Bộ xương nặng chìm xuống đáy biển; bầy quạ bây giờ giựt mình dòm lại thì ôi thôi! Nào thấy bờ là đâu, chỉ bay chơi vơi chốc lát, rồi cũng phải theo số phận bộ xương mà sa xuống biển làm mồi cho cá.

3. Ngũ Trần ví như cây đuốc rơm. Người sa mê ngũ trần cũng như kẻ cầm cây đuốc rơm đang cháy mà đi ngược gió, bị lửa táP cháy tay mà không chịu rời cây đuốc ra, thật rất khổ sở.

4. Ngũ Trần ví như lò lửa đang cháy. Người sa mê ngũ trần cũng ví như kẻ bị vào lò lửa, phải bị phỏng mình cháy da đau đớn vô cùng.

5. Ngũ Trần ví như giấc mộng bởi hằng biến đổi vô thường.

6. Ngũ Trần ví như vật mượn của người. Bởi vật mượn của người nên dùng không được lâu dài.

7. Ngũ Trần ví như trái cây có chất độc. Người sa mê ngũ trần cũng như kẻ ăm lầm trái độc phải khổ vô cùng.

8. Ngũ Trần ví như dao với thớt, dao bằm xuống thớt lâu ngày cả dao lẫn thớt đều bị mòn và sứt mẻ. Người sa mê ngũ trần cũng như kẻ bị phạm khí giới, mỗi ngày đau khổ không kể xiết.

9. Ngũ Trần ví như kiếm và lao, có ngày phải lụy vì nó. Người sa mê ngũ trần như kẻ bị thương tích nặng, nếu không thác thì cũng đau khổ, rên xiết như trong cơn hấp hối.

10. Ngũ Trần ví như đầu con rắn độc. Người sa mê ngũ trần cũng như kẻ bị rắn mổ, nếu không thiệt mạng thì cũng bị nọc hành nhức nhối vô cùng.

Người sa mê Ngũ Trần hằng chịu tiếng xấu xa, là kẻ thấp hèn.

Ngũ Trần là pháp để cho kẻ thấp hèn lợi dụng. Ngũ Trần ví như phân để cho dòi đục, như nước thúi để cho heo tắm.

Suy xét như vậy sẽ thấy rõ Ngũ Trần chỉ có lợi rất ít, mà khổ quá nhiều. Chẳng nên quyến luyến và phải đem cả tinh thần nghị lực để đạt đến bực nhập định.

  • B. PHẢI THAM CỨU BA ĐỀ MỤC THIỀN ĐỊNH LÀ:
1. Niệm tâm đại từ: Nguyện cho chư thiên, các gia quyến và tất cả chúng sanh ở chung quanh ta đều được an vui, chẳng có chi khổ não cả.

2. Niệm sự tử: "Ta sẽ chết, chắc chắn như vậy; hoặc là sự chết sẽ đến cho ta chẳng sai".

3. Niệm vật dơ nhớp: Tử thi (xác chết).

Niệm tâm đại từ để trừ lòng sân hận, niệm sự tử để tránh khỏi tà mạng và tu hành được tinh tấn; niệm vật dơ nhớp để trừ tham lam.

Trong ba đề mục trên đây, ta nên lựa một đề mục nào tùy sở thích, đặng niệm mỗi ngày cho nó thâm nhập vô tâm. Có đức từ bi, thấy rõ lý vô thường, và lần lần hết ưa mến, tâng trọng cái thân tứ đại giả hiệp này mà phải bị ngũ trần lôi cuốn.

  • - CÁCH NIỆM PHẬT
Muốn niệm cả mười Phật hiệu liên tiếp nhau cũng tốt vậy.

Thí dụ: "Á rá hăn"... Tâm niệm, trí phải nhớ nghĩa hiệu ấy như vầy: "Đức Thế Tôn hiệu [b[Á rá hăn[/b] vì ngài đã xa lìa các tội lỗi và tiền khiên tật rồi, nên thân và ngữ của ngài đều được trọn lành. Ngài đáng cho chúng sanh lễ bái cũng dường, và ngài không làm việc tội lỗi nơi khuất lấp".

Hành giả nhớ niệm Đức của Phật, tâm sẽ dần dần xa lìa phiền não, an trú theo Đức của Phật và luôn cả năm pháp cái là tham sắc, oán giận, hôm trầm, phóng tâm, hoài nghi, cũng do đó mà êm lặng.

Trước hết niệm độ nửa giờ, rồi lần lần tăng lên một, hai giờ (lâu chừng nào càng tốt).

Hành giả chánh niệm được tinh tấn thì triệu chứng "tầm, sát, phi" sẽ phát sanh, làm cho thân tâm khắn khít theo hiệu Phật mà vào bậc "cận định".

Triệu chứng là năm cách vui vẻ phát sanh trong mình như sau:

  • 1. Cách no vui, da thịt đều nổi ốc.
    2. Như thấy trời chớp hoặc ánh sáng trong khi mắt nhắm.
    3. Như sóng tạt vào bờ.
    4. Rất khoái lạc trong thân tâm có thể bay bổng trên hư không.
    5. Mát lạnh và nhẹ nhàng cả thân tâm.
Nếu có năm cách no vui trên đây, thì hành giả được vào gần sơ định.
  • - THAM THIỀN
Chánh định là phương pháp tối cao để thâu nhiếp cái vọng tâm an trú vào một đối tượng lành, dẹp vọng tưởng, gom cả lục căn cho yên lặng, ấy là nguyên nhân phát sanh trí tuệ.

Sự thâu nhiếp cái tâm buộc vào một chỗ, cần phải nương theo phép Chỉ Tịnh và phép Minh Sát Tuệ.

Nhưng buộc vào hai phép ấy thì cái tâm thường hay loạn động, vọng chuyển. Tuy nhiên, hành giả chẳng nên vì đó mà thối chí, ngã lòng. Phải nhất tâm tinh tấn, buộc chặt nó vào đề mục chánh định cho đến khi an trú, thì sự giải thoát ở ngay trước mắt.

  • NĂM PHÁP CÁI LÀ:
1. Tham muốn (Kāmachanda) là lòng ưa thích, quyến luyến ngũ dục (sắc, thinh, khí, vị, xúc).
2. Oán hận (Byāpado) là lòng hờn giận muốn làm hại người.
3. Hôn trầm (Thīnamiddha) là sự tối tăm, trầm trệ, biếng nhác, buồn ngủ.
4. Phóng tâm (Uddhacakukkhucca) là cái tâm hay vọng tưởng, không yên tịnh.
5. Hoài nghi (Vicikicchā) là lòng không tin chắc, dụ dự không quyết định.[/list] Nếu biết năm pháp cái ấy mà không rõ nguyên nhân của nó, cũng khó diệt trừ được, ví như muốn phá giặc mà chẳng biết chỗ ở đồn binh của giặc, thì chẳng bao giờ đánh tan quân nghịch đặng.

  • NGUYÊN NHÂN NĂM PHÁP CÁI LÀ:
1. Sự thấy sắc mà cho là xinh đẹp, là nhân sanh tham dục.
2. Sự thấy cảnh nghịch mà cố giận, là nhân sanh oán hận.
3. Sự không vui, lười biếng, không thay đổi uy nghi, ham ăn và giải đãi, là nhân sanh hôn trầm.
4. Lòng không an tịnh, là nhân sanh phóng tâm.
5. Sự không xem xét và ghi nhớ, là nhân sanh hoài nghi.

  • ĐỐI TRỊ:
I. Trừ tham dục có sáu phép:

1. Phải học phép thiền định về vật bất tịnh.
2. Phải chăm chỉ tưởng nhớ vật bất tịnh.
3. Phải thu thúc lục căn.
4. Phải tiết chế sự ăn uống.
5. Phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức.
6. Phải hằng nói lời dịu ngọt.

II. Trừ oán hận có sáu phép:

1. Phải học đối tượng thiền định về lòng bác ái.
2. Phải cố gắng niệm đối tượng thiền định bác ái.
3. Phải xem xét cho thấy rõ tất cả chúng sanh đều có nghiệp báo riêng.
4. Phải tinh tấn quan sát cho thường mấy điều kể trên.
5. Phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức.
6. Phải hằng nói lời dịu ngọt.

III. Trừ hôn trầm có sáu phép:

1. Phải ghi nhớ và xem xét sự ăn uống không cho quá độ.
2. Phải thay đổi oai nghi cho vừa được an vui.
3. Phải ghi nhớ tìm xem ánh sáng.
4. Phải ở nơi khoảng khoát.
5. Phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức.
6. Phải hằng nói lời dịu ngọt.

IV. Trừ phóng tâm có sáu phép:

1. Phải thông hiểu Kinh Luật cho nhiều.
2. Phải siêng năng học hỏi điều phải, lẽ quấy.
3. Phải thuộc nằm lòng Giới luật.
4. Phải hướng theo bậc lão thành, nhất là bậc Đại Đức.
5. Phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức.
6. Phải hằng nói lời dịu ngọt.

V. Trừ hoài nghi có sáu phép:

1. Phải thông hiểu Kinh Luật cho nhiều.
2. Phải siêng năng học hỏi điều phải, lẽ quấy.
3. Phải thuộc lòng Giới Luật.
4. Phải có nhiều đức tin.
5. Phải năng thân cận cùng bậc thiện trí thức.
6. Phải hằng nói lời dịu ngọt.

Thiền định là cái thể trạng tâm lành an trú trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc) thì gọi là phàm định. Nương theo Thánh đạo gọi là thánh định.

Những hành giả muốn học phép thiền định, trước hết phải nghiêm trì giới luật, bởi "Giới năng sanh Định, Định năng phát Tuệ". Phải tìm vị thiền sư là bậc thiện trí thức để học hỏi cho thông thuộc 40 đối tượng thiền định, rồi chọn lấy một đối tượng hạp theo tính nết mình mà hành. Phải lánh chỗ nghịch, tìm cảnh thuận, xong rồi chú tâm niệm đối tượng thiền định, y theo chánh pháp.

  • GIẢI VỀ TÍCH NIỆM PHẬT, THAM THIỀN (Parinibbute bhagavati):
Giải rằng: "Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn (Parinibbute Bhagavati), hoàng đế Ajātasattu (A Xà Thế vương) thỉnh xá lỵ được rồi, tạo thành tháp, hành đại lễ mai táng, để sùng bái cúng dường".

"Ekā upāsikā". Thuở ấy có cận sự nữ ở trong kinh đô Rājagaha (Vương Xá thành) tính đến lễ bái xá lỵ. Sáng sớm tắm rửa sạch sẽ, nàng cầm bốn nhánh hoa mướp đi cúng thánh tháp. thành tâm tưởng Phật, không để ý xem chừng điều rủi ro theo đường đi. Lúc đó có con bò cái dắt con kiếm ăn bên đường, vụt chạy báng nhằm cận sự nữ một cách mau lẹ, cô bất ngờ nên phải bị hại. Nhờ không xao lãng, nhứt tâm niệm tưởng đến đức Phật, nên liền được sanh trong cõi trời Đao Lợi. Trong khi đó, đức Đế Thích ngự đi đến vườn hoa có các Ngọc nữ tùy tùng, ngài bèn phán hỏi: "Này nàng Thiên nữ có sắc đẹp và y phục rực rỡ như vàng ròng, nét mặt tròn, tươi ánh như trăng rằm, có đủ sự trang sức chói lọi, khắp cả châu thân, cho đến cung điện, chỗ nằm, nơi ngồi đều có sắc vàng rực rỡ. Nầy Thiên nữ! Sắc mặt nghiêm trang trong sạch, trong kiếp nàng ở cõi người, nàng đã tạo nghiệp lành chi, mà nay được lên cõi này hưởng đầy đủ sự cao sang như vậy? Cái quả lành đó do đâu mà có? Trẫm mong mỏi được biết phần phước của nàng, vậy nàng hãy tỏ cho trẫm nghe". Vị Thiên nữ đó, bèn tâu bày tất cả nghiệp lành mà mình đã tạo trong cõi người cho đức Đế Thích nghe rằng: "Tâu Thiên Hoàng, tôi chỉ có đem bốn cành hoa mướp đi cúng dường thánh tháp, có táng xá lỵ đức Thế Tôn, tâm tôi trong sạch, thành kính, niệm tưởng đức Phật, không dè bị bò cái báng nhầm, phải thác nơi giữa đường, nên mới được sanh trong đền của Thiên Hoàng. Nhờ tôi chú tâm niệm Phật, song cũng chưa đi đến tận nơi, mà cũng được quả báo như vầy; nếu tôi đi đến tận nơi cúng dường thánh tháp, ắt sẽ được hạnh phúc quý trọng đầy đủ hơn. Tâu Thiên Hoàng, tôi được làm bạn với các Thiên nữ trong đền của Thiên Hoàng, đây là do cái nghiệp lành đem hoa mướp cúng tháp, chiêm ngưỡng đức Phật mà chưa đi đến nơi, chỉ có thành tâm niệm Phật mà được phước như vầy, nếu được đến tận nơi cúng dường thì sẽ được quả báo cao thượng hơn nữa không sai".

Đức Đế Thích nghe vị Thiên nữ bày tỏ đều đủ cái nghiệp lành của nàng đã tạo, bèn phán rằng:

  • Passa Mātali accheraṃ
    Cittaṃ kammaphalamidaṃ.
Nghĩa: Này Mātali! Ngươi nên tin cái quả phước cao thượng của sự bố thí, trì giới, tham thiền, mà người có tâm trong sạch đã làm. Vật thí đem cho, chẳng lựa là nhiều hay ít (Punaṃ mahapphalaṃ hoti) hằng được quả nhiều (citte pasannamhi) khi có đức tin trong sạch, sự bố thí đó chẳng ít phước đâu (Sambuddha ca satthā gati). Lại nữa, người có tâm trong sạch, cúng dường đến các bậc giáo chủ, hoặc các vị Thinh văn thì được phước báu vô lượng, dù là khi đức Phật còn tại thế, hoặc ngài nhập Níp Bàn rồi cũng vậy, hễ người có tâm bình đẳng trong sạch đồng nhau thì phước báu cũng đồng nhau, không ít cũng không giảm hơn đâu.

Thật vậy, người được thọ sanh trong nhàn cảnh, cũng do sự chú tâm trong sạch trong điều phước, thì được hạnh phước vô lượng vô biên.

Uppajjanti tathāgate. Chư Phật ra đời, ban điều lợi ích an vui cho sự thạnh lợi rất nhiều, đều đủ đến tất cả chúng sanh.

Chúng sanh đi thọ sanh trong cõi trời, được khỏi khổ cũng do cái tâm trong sạch. Đức Đế Thích giải xong bèn lui ra khỏi nơi đó, ngự đến tháp Cūlāmaṇī để làm lễ cúng dường trọn chín ngày. Khi làm lễ xong, có đại đức Nārada mahāthera nhập thiền bay đến lễ bái tháp Cūlāmaṇī. Đức Đế Thích bèn bạch cho ngài rõ cuộc đại lễ từ đầu đến cuối, rồi đại đức Nārada từ giã về cõi người.

Đến khi chư đại A La Hán kết tập Tam Tạng kỳ nhứt, mới đem tích này ghi vào Tạng Kinh.

Các bậc trí tuệ nên ghi nhớ cho thấy rõ rằng, người có tâm chăm chỉ, vững chác trong điều phước (bố thí, trì giới, tham thiền), thì hằng được thọ sanh trong cõi trời, như vị Thiên nữ Kosātāki đó, đến khi có thiện duyên đầy đủ, sẽ chứng đạo quả Níp Bàn. Cho nên đức Phật mới giảng giải về phép thiền định, là cái pháp thanh cao, quý trọng hơn hết, Ngài khép vào phần pháp Bồ Đề (Bodhipakhiyadhamma) là cái pháp làm cho giác ngộ Níp Bàn, dập tắt cả điều thống khổ.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.114 khách