CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Món quà đầu năm tặng các bạn Phật tử chân chánh: tangbong tangbong tangbong
Hình ảnh

CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ
Thiền sư Ashin Tejaniya
Tỳ kheo Tâm Pháp dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo
Hà Nội - 2010

LỜI NGÕ
Để cám ơn những vị ân nhân đã giúp ấn tống cuốn sách "Chỉ Có Chánh Niệm Thì Chưa Đủ" nầy.

Chúng tôi vô cùng tri ân:
  • - Thiền sư Ashin Tejaniya đã viết và cho phổ biến kiến thức rộng rãi của Phật Giáo Nguyên Thủy.
    - Tỳ khưu Tâm Pháp đã dịch bản tiếng Anh sang tiếng Việt để Phật tử Việt Nam hiểu và thực hành.
    - Cô Kim Loan đã tận tình giúp đỡ với chúng tôi trong việc thiết kế và in ấn cuốn sách.
Do phần phước thí thanh cao này, nguyện cầu cho tất cả chúng con và thân quyến, cùng tất cả chúng sanh được an vui và tấn hóa.

Xin nguyện cầu phước báu này sẽ là duyên lành dẫn dắt chúng con tới bờ giác ngộ giải thoát!

Hình ảnh

LỜI CẢM TẠ

Tấm lòng tri ân sâu sắc của tôi xin được kính dâng lên cố Đại Trưởng lão Thiền Sư Shwe Oo Min Sayadaw Bhaddanta Kosalla Maha Thera, người đã truyền dạy Giáo pháp và thái độ chân chánh trong con đường phát triển tâm linh và pháp hành của tôi.

Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn đối với tất cả các thiền sinh. Những khó khăn, vướng mắc và câu hỏi của họ đã đưa đến những câu trả lời và những điểm diễn giảng được trình bày trong cuốn sách này. Tôi thực sự hy vong cuốn sách thứ hai này sẽ giúp các thiền sinh hiểu rõ hơn về thiền chánh niệm và giúp cho pháp hành của họ thêm phần sâu sắc.

Cuối cùng xin cám ơn tất cả những người đã đóng góp công sức để hoàn thành nên cuốn sách này.
  • Ashin Tejaniya
    Myanmar
CHÚNG TA HÀNH THIỀN VÌ MUỐN HIỂU BIẾT

Hầu hết mọi người dường như không thực sự hiểu và trân trọng công việc chánh niệm. Họ có xu hướng nghĩ rằng điều quan trọng trong thiền chỉ là ở những gì mà họ quan sát. Nhưng đối tượng quan sát không thực sự quan trọng. Người ta thường dành quá nhiều thời gian để nghĩ đến kết quả của thiền. Họ hành thiền là để muốn được nếm trải những cảm giác bình an, tĩnh lặng, họ muốn được đắm chìm trong hỉ lạc. Họ trở nên dính mắc với trạng thái hỷ lạc đó.

Giá trị thực sự của thiền không phải chỉ là những kết quả đó, dù có hỷ lạc sung sướng biết bao nhiêu chăng nữa, giá trị đích thực của thiền chính là quá trình hay biết và thấu hiểu được những gì diễn ra trong thực tế. Chính quá trình đó mới thực sự quan trọng chứ không phải là kết quả!

Thay vì cứ ca thán về những gì diễn ra hay không diễn ra bạn cần phải trân trọng việc chánh niệm, hay biết - bất kể là đang hay biết về cái gì và học hỏi từ nó.

Chỉ mỗi chánh niệm thôi thì không đủ! Sự khao khát muốn thực sự hiểu thấu được những gì đang diễn ra còn quan trọng hơn là chỉ cố gắng chánh niệm. Chúng ta thực hành thiền chánh niệm là bởi vì chúng ta muốn hiểu biết.
ĐỘC GIẢ THÂN MẾN

Cuốn sách này là cuốn tiếp theo cuốn Đừng coi thường phiền não, chúng sẽ cười vào mũi bạn đấy.

Tại sao lại phải là cuốn tiếp theo? Có thực sự cần thêm một cuốn sách thiền nữa như vậy không? Cuốn sách đầu tiên của Thiền sư Sayadaw U Tejaniya dĩ nhiên là đã bao hàm được những vấn đề cơ bản của phương pháp thiền của ngài. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thấy cần phải cho xuất bản cuốn sách này, để hoàn thành một tác phẩm tốt hơn hoàn chính hơn lần trước. Không những chỉ thêm phần chưa có trong cuốn trước, trong cuốn sách này Thiền sư Sayadaw U Tejaniya còn tiếp tục bổ sung thêm những cách nhìn và cách diễn giải mới hơn nữa. Nhiều thiền sinh đã nói rằng mặc dù những lời dạy của Thiền sư đã được trình bày một cách chính xác trong cuốn sách trước, song vẫn chưa làm toát lên được phong cách dạy của ngài. Vì vậy chúng tôi đã có ý tưởng cho ra đời cuốn sách tiếp theo này dưới dạng các câu hỏi vấn đáp, bởi đây chính là cách Thiền sư vẫn thường dạy thiền.

Chúng tôi đã sử dụng tư liệu từ băng ghi âm các buổi trình pháp cộng thêm những ghi chép và các cuộc trao đổi của cá nhân mình với Thiền sư. Tất cả các tư liệu này đều được biên tập lại, có chỗ phải biên tập tương đối nhiều để đảm bảo cho mạch văn trong sáng và dễ hiểu. Thiền sư Sayadaw U Tejaniya đã đọc bản thào và hiệu chỉnh lần cuối.

Trong cuốn sách này chúng tôi không trình bày một cách hoàn chỉnh và bao quát toàn bộ về thiền, mà chỉ thu thập những gợi ý thực hành, các ý tưởng và những lời khuyên bổ ích, thiết thực của Thiền sư. Trong cuốn sách này cũng có nhiều đoạn bị lặp lại vì cùng một chủ đề có thể xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau và từ những góc nhìn khác nhau. Nếu bạn không quen với những từ Pali ở trong vấn đáp thì hãy xem lại mục lục các từ Pali ở ngay đằng sau cuốn sách này.

Cũng như cuốn trước, cuốn sách này được xuất bản dành cho các thiền sinh đang hành thiền tại Thiền viện Shwe Oo Min. Nó có thể được xem như là một nguồn thông tin và sách tấn đối với các thiền sinh, song chắc chắn sẽ không thể thay thế được sự hướng dẫn trực tiếp của Thiền sư. Vì vậy chúng tôi xin có một lời cảnh bảo với tất cả các thiền sinh rằng:

Rất có thể nhiều lời khuyên ở trong cuốn sách này chẳng hề lợi ích cho bạn chút nào hết! Xin bạn hãy chỉ áp dụng và thực hành những điều nào đã được Thiền sư nói cho chính bạn hay những điều bạn thấy có thế dễ dàng thực hành được mà thôi.

Chúng tôi đã cố gắng hết sức để chuyển dịch và trình bày những lời dạy của Thiền sư Sayadaw U Tejaniya một cách chính xác nhất. Nếu trong quá trình biên tập còn điều gì sơ suất, kính mong nhân được những lời chỉ giáo của quý bạn đọc.
  • Phiên dịch: Moushumi Ghosh (Ma Thet)
    Biên tập: Walter Kochli


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

VẤN ĐÁP VỀ PHÁP HÀNH

Những vấn đáp về pháp hành sau đây sẽ được sắp xếp thành từng mục theo từng chủ đề cụ thể.
  • NUÔI DƯỠNG SỰ HỨNG THÚ TRONG PHÁP HÀNH
Thiền sinh: Làm thế nào để đưa tâm mình quay về với Pháp? Làm thế nào để phát triển đức tin trong Pháp?

Thiền sư Sayadaw U Tejaniya: Khi mới thực hành pháp bạn sẽ không thể có được nhiều đức tin trong Giáo pháp bởi vì trong tâm còn rất nhiều phiền não(1). Để làm tăng trưởng đức tin trong Phật Pháp bạn phải hiểu rõ lợi ích của công việc mình đang làm. Bạn phải thấy được Phật Pháp đã đưa đến lợi ích như thế nào trong cuộc đời mình. Hiểu rõ điều đó chính là trí tuệ và chính trí tuệ này sẽ làm tăng trưởng đức tin của bạn.

Bạn có thấy được sự khác nhau giữa khi có chánh niệm (có sự ghi nhớ, biết mình) và khi thất niệm (mất chánh niệm, quên mình) hay không?

Thiền sinh: Khi có chánh niệm con biết được những điều đang diễn ra, con biết mình cần phải làm gì.

Thiền sư: Bạn biết mức độ chánh niệm của mình đến mức nào? Khi chánh niệm bạn thu được những lợi ích gì? Bạn phải tự khám phá ra chính những điều này. Bạn cần phải liên tục học hỏi từ những kinh nghiệm của chính mình. Nếu biết nuôi dưỡng sự hứng thú liên tục này trong pháp hành bạn sẽ hiểu biết ngày càng nhiều hơn.

Chỉ mỗi chánh niệm thôi thì không đủ! Bạn cũng cần phải biết rõ mức độ chánh niệm của mình và phải thấy xem trí tuệ có mặt ở đó hay không nữa.

Một khi đã thấy rõ sự khác biệt của chất lượng tâm mình giữa khi chánh niệm đầy đủ với trí tuệ và lúc thất niệm, bạn sẽ không bao giờ ngừng thực hành đâu.

Sự hứng thú của bạn sẽ ngày càng tăng, bạn sẽ thực hành nhiều hơn hiểu biết nhiều hơn và do vậy lại càng thực hành nhiều hơn nữa - đó là một vòng tuần hoàn, tự nó nuôi nó. Nhưng tiến trình này cần phải có thời gian, cần phải có thời gian để cho chánh niệm của bạn vững mạnh hơn và để mức độ hiểu biết được tăng trưởng.

Thiền sinh: Có lúc con bị mất hứng thú vì mãi chẳng thấy mình tiến lên được tý nào.

Thiền sư: Đó là bởi vì bạn không học hỏi được gì. Bạn không thực sự hứng thú với công việc mình đang làm. Bạn mong chờ kết quả. Bạn cần phải học hỏi từ chính những gì bạn đang làm, chứ không chỉ ngồi đấy mà chờ đợi kết quả sẽ đến. Bạn sẽ luôn hay biết và học hỏi từ chính những gì đang diễn ra bây giờ, phải nhìn vào chính quá trình thiền tập ấy của mình.

Đừng bao giờ nản lòng mỗi khi mất chánh niệm. Mỗi khi phát hiện ra mình mất chánh niệm, lẽ ra bạn phải vui mừng mới đúng. Bởi vì ngay khi bạn nhận ra mình mất chánh niệm nghĩa là khi đó bạn đã chánh niệm được trở lại rồi. Hãy cứ tiếp tục theo sát quá trình mất chánh niệm rồi lấy lại chánh niệm và học hỏi từ nó. Khi mất chánh niệm thì thế nào, làm thế nào bạn lấy lại được nó? Hãy có hứng thú với bất kỳ cái gì đang diễn ra, dù đó là tốt hay xấu. Tất cả mọi kinh nghiệm, mọi việc đang diễn ra là Pháp, nó đúng như chính cách nó đang là. Tốt hay xấu đều chỉ là những đánh giá phán xét của cá nhân bạn mà thôi. Nếu có chánh kiến bạn sẽ chấp nhân được bất cứ cái gì đang diễn ra như nó đang là.

CHÚ THÍCH:

(1) Phiền não là những ô nhiễm trong tâm, những gốc bất thiện, gồm có mười loại phiền não gốc là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham dục, sân, sắc ái, trạo cử, ngã mạn và vô minh. Trong tiếng Anh từ defilement thường dịch là ô nhiễm, song từ gốc Pali Kisela, đướ dịch và thường xử dụng trong kinh điển là phiền não thì đúng hơn, bởi vì chúng chính là những nguyên nhân căn để tạo nên đau khổ luân hồi cho tất cả mọi chúng sanh trong tam giới - Chú thích của người dịch (ND).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • THÔNG TIN HƯỚNG DẪN TRÍ THÔNG MINH - TRÍ TUỆ
Thiền sinh: Thầy luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những hiểu biết và thông tin đúng đắn về phương pháp thực hành để thực hành cho đúng. Xin thầy giảng giải hơn về cơ chế hoạt động của quá trình tu tập và áp dụng những hiểu biết và thông tin này.

Thiền sư: Gần đây tôi có nghe về một mô hình rất hay được sử dụng trong công nghệ thông tin bắt đầu từ việc thu thập các dữ liệu, những dữ liệu được thu thập lại sẽ trở thành các thông tin, thông tin sẽ phát triển thành kiến thức và sử dụng các kiến thức này một cách thông minh chính là trí tuệ.

Đó chính xác là những gì chúng ta làm trong thiền. Khi chú ý đến những gì mình đang hay biết và kinh nghiệm được là chúng ta đang thu thập dữ liệu. Một khi đã có nhiều dữ liệu chúng ta gọi nó là thông tin. Bằng cách này một thiền sinh sẽ có rất nhiều dòng thông tin: dữ liệu thu được từ thân sẽ cung cấp dòng thông tin về các tiến trình của thể lý (của cơ thể mình), dữ liệu từ các tiến trình tâm sẽ thu thập các thông tin về trạng thái tình cảm, cảm xúc... tập hợp tất cả những thông tin này lại với nhau sẽ giúp bạn hiểu rõ các tiến trình thân tâm này tương tác với nhau ra sao, và đó là tiến trình của sự hiểu biết.

Chánh niệm hoạt động ở tầng dữ liệu, chánh niệm chỉ làm mỗi việc thu thập dữ liệu đầu vào. Trí tuệ bẩm sinh, sự thông minh của chính chúng ta sẽ thu thập và định hướng dữ liệu thành các dòng thông tin, và bằng cách so sánh đối chiếu các dòng thông tin này mà nó đẻ ra sự hiểu biết. Trí tuệ sau đó sẽ sử dụng những hiểu biết về sự tương tác giữa các tiến trình thân tâm này một cách khéo léo để gây ảnh hưởng tích cực đến các sự kiện diễn ra. Khi trí tuệ hiểu thấu được nhân quả, nó sẽ biết làm việc trên nhân và quả đó như thế nào.

Thiền sinh: Kính bạch thầy những thông tin hướng dẫn mà thầy cho chúng con có vị trí, chức năng như thế nào trong toàn bộ tiến trình ấy?

Thiền sư: Tôi đã từng đi qua và hoàn thành xong toàn bộ tiến trình từ thu thập dữ liệu thông tin hiểu biết đến trí tuệ này. Tôi cố gắng trao truyền lại cho các bạn những hiểu biết của tôi về phương pháp thực hành đúng đắn. Tôi dạy các bạn cách thức thu thập và xử lý các dòng thông tin đó để chúng biến thành những kiến thức và sự hiểu biết, và cách sử dụng những hiểu biết đó để đạt được nhiều trí tuệ hơn nữa. Chính bản thân bạn sẽ tự làm tất cả các công việc đó, bạn sẽ tiếp tục mở rộng nó ra và phát triển trí tuệ của mình hơn nữa. Thực hành như vậy, chánh niệm và trí tuệ sẽ luôn luôn xuất hiện và tuệ giác sẽ sanh khởi.

Tuệ giác sẽ xuất hiện ngay trong những trường hợp vô cùng bình thường. Đề mục quan sát của bạn có thể rất đơn giản và trực tiếp song tuệ giác có thể đến rất sâu sắc, vén mở ra trước mắt bạn cả một thế giới khác biệt hẳn so với sự đơn giản của đề mục quan sát. Đối tượng quan sát đó có thể là những thứ bạn vẫn chạm mặt với nó mỗi ngày, nhưng tuệ giác thu được thì có thể làm chuyển đổi toàn bộ cả tâm thức của bạn. Chẳng hạn trong lúc ngửi thấy mùi xà phòng thơm khi tắm, bỗng nhiên thật sâu, bạn chợt nhận ra rằng chỉ có mỗi cái mùi và sự hay biết ở đó, không một ai đang ngửi, đang biết cả, chỉ đơn giản là những tiến trình khách quan đang tự nó diễn ra trước mắt bạn mà thôi.

Thiền sinh: Con đang cố gắng để chánh niệm trên bất cứ những gì đang diễn ra. Thầy đã dạy cho chúng con là phải chánh niệm một cách thông minh. Xin thầy giảng kỹ hơn cho chúng con một chút về vấn đề này ạ.

Thiền sư : Miễn là tâm bạn giữ được trạng thái quân bình, buông xả thì tất cả những việc bạn cần phải làm chỉ là để tâm mình rộng mở và thu nhận (tất cả những gì đang đến, đang diễn ra). Bất cứ cái gì đến, bạn phải tư duy về nó một cách trí tuệ (như lý tác ý). Là một thiền sinh hành thiền Vipassanā, trước hết bạn phải biết chấp nhận bất cứ điều gì đang diễn ra. Bạn biết rằng bây giờ mình đang lo lắng, bây giờ mình đang đau ốm... Nhưng sau đó bạn phải tự hỏi lại mình: "Tôi sẽ phải làm gì với nó bây giờ đây?" Bạn phải đưa trí tuệ của mình vào đó. Phiền não sẽ không thể làm gì được nếu bạn dành sự ưu tiên cho trí tuệ. Bạn cần phài sử dụng cách suy nghĩ trí tuệ để quyết định, xử lý mọi việc; chỉ mỗi cố gắng chánh niệm thì không đủ đâu. Phiền não vốn ngự trị rất nhiều, rất mạnh trong tâm chúng ta, chúng có rất nhiều kinh nghiệm và rất ranh ma và sẽ luôn thắng lướt chúng ta nếu chúng ta không hay biết sự có mặt của chúng và đưa trí tuệ của mình vào, nhất định chúng sẽ chiếm hữu và làm chủ tâm mình ngay lập tức.

Thiền sinh: Thầy nói rằng trí tuệ, dưới dạng này hay dạng khác, luôn luôn có mặt mỗi khi tâm chúng ta vắng bóng tham, sân, si. Vậy bạch thầy làm sao để con biết được trí tuệ này đang có trong mình?

Thiền sư: Trước hết bạn phải tự hỏi mình: "Mình có thực sự hay biết được sự việc, kinh nghiệm hiện tại hay không?" Rồi hỏi tiếp: "Mình nghĩ thế nào về kinh nghiệm này? Cách nhìn, cái nghĩ của mình về nó ra sao?" Nếu bạn nhân ra được chánh kiến (quan điểm hay cách nhìn đúng đắn) đang có ở đó, thì đó chính là trí tuệ đang làm việc. Nhưng rất có thể ngay phút sau đó bạn lại thấy có tà kiến khởi lên rồi, khi đó điều quan trọng là phải luôn để mắt tới nó. Những gì mình hay biết và kinh nghiệm được sẽ luôn biến đổi, chánh kiến, tà kiến luôn đến và đi, có rồi không, không rồi có, vì vậy bạn phải luôn quan sát, tìm hiểu các kinh nghiệm của mình trong từng khoảng khắc, không để gián đoạn một giây phút nào.

Thiền sinh: Con đang suy nghĩ về sự khác nhau giữa cái gọi là thái độ chân chánh và Chánh Tinh Tấn trong Bát Chánh Đạo. Đối với con hình như chúng rất mâu thuẫn với nhau. Thái độ chân chánh khi hành thiền dường như chỉ là sự không can thiệp (vào những gì đang diễn ra), sự chấp thuận và để mặc sự việc diễn tiến tự nhiên theo nó. Mặt khác, Chánh Tinh Tấn lại cứ như là phải can thiệp, phải tinh tấn loại bỏ các bất thiện pháp đã sanh khởi và ngăn chặn các bất thiện pháp chưa sanh, nuôi dưỡng và phát triển các tâm thiện.

Thiền sư: Cái gì ngăn chặn phiền não sanh khởi và cái gì loại bỏ phiền não đã sanh khởi? Cái tâm nào làm được việc đó? Chánh niệm không thế nào làm được việc đó, chỉ có trí tuệ mới làm được. Vì vậy khi đức Phật thuyết giảng về vấn đề này ý ngài thực sự muốn nói là mọi người hãy phát triển trí tuệ để ngăn chặn và loại bỏ được phiền não. Bởi vì không hiểu được lời dạy của đức Phật nên chúng ta nghĩ rằng chính cá nhân mình phải cố mà ngăn chặn và loại bỏ phiền não.

Chúng ta có thể sử dụng tinh tấn hoặc có thể sử dụng trí tuệ để thực hành đều được cả. Kinh Tứ Niệm Xứ dạy chúng ta phải sử dụng trí tuệ để thực hành. Nếu muốn sử dụng tinh tấn thì bạn vẫn cứ phải quan sát cái tâm của mình, bởi vì phiền não sanh lên từ trong tâm và bạn phải quan sát tâm mình một cách liên tục nữa. Làm gì còn cách nào khác để ngăn chận được phiền não bây giờ? Bạn có luôn luôn có mặt ở đó mỗi khi có một tâm mới sanh khởi lên không? Nếu bạn làm được điều đó thì hãy luôn có mặt ở đó, trong từng giây phút từng sát na, với chánh niệm, luôn luôn sẵn sàng, bạn sẽ ngăn chận được phiền não không xâm nhập vào tâm mình. Bạn phải lấp đầy từng khoảng khắc bằng chánh niệm, và điều đó đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, rất nhiều tinh tấn. Bạn phải là một thiền sinh thật nhiệt tâm và phải làm rất nhiều việc đấy. Bạn có nghĩ rằng mình có thể làm được một khối công việc nhiều đến thế không?

Một phương cách khác là hãy cố gắng tu tập và phát triển những tâm thiện. Nếu luôn tu tập thiện tâm những tâm bất thiện sẽ tự động bị thay thế. Thế nên đức Phật mới dạy chúng ta không làm mọi điều ác, làm tất cả việc lành. Bạn có thể sự dụng cái tâm của mình trong mọi lúc để làm mọi thứ chánh: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Tư Duy. Nếu lúc nào tâm cũng nhiều những cái Chánh như thế thì tâm bất thiện chẳng thể nào xen vào được. Chúng ta phải quan sát tâm mình suốt cả ngày, trong mọi lúc. Phải đeo cho nó một cái biển đề tên (để dễ bề coi chừng nó), luôn biết những gì đang diễn ra và làm việc với chúng. Đó là một công việc phải dành trọn cả thời gian. Khi bạn bận rộn làm việc tốt thì chẳng có đâu thời gian mà làm việc xấu cả.

Nếu muốn thực hành bằng tinh tấn, hãy chỉ nghĩ những ý nghĩ thiện, chỉ nói điều thiện và làm mọi việc thiện. Cái đó dành cho những người có tính cách thiên về tinh tấn. Đối với họ phương pháp này rất hiệu quả bởi vì họ là những con người thích luôn phải làm một việc gì đó. Có những người trội về chánh niệm, họ rất nhạy cảm, tỉnh giác rất sắc và luôn biết mình, những người như thế nên dành nhiều thời gian thực hành cho chánh niệm. Người thiên về trí tuệ nên sử dụng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Người có sức định tốt nên bắt đầu từ việc thực hành thiền Chỉ (Samātha) rồi sau đó chuyển sang thiền Tuệ (Vipassanā). Người căn chánh đức tin có thể bắt đầu bằng niệm ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng. Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp thực hành bởi vì có rất nhiều loại người, rất nhiều loại căn tánh khác nhau. Nhưng dù theo bất cứ phương pháp nào, nếu không biết tâm của mình bạn sẽ chẳng bao giờ thực hành được đâu.

Thiền sinh: Như vậy trí tuệ đến từ sự hiểu biết đúng không, chẳng hạn khi con nhìn cái tâm sân của mình...

Thiền sư: Trí tuệ bắt đầu từ thông tin. Thông tin đúng về pháp hành chính là một phần của trí tuệ, sau đó chúng ta sử dụng trí thông minh, khả năng suy luận, logic của mình để tìm ra cách sử dụng những thông tin đã có. Tất cả những công việc này đều là hoạt động của trí tuệ cả. Biết cách làm một công việc gì đó, đó chính là trí tuệ. Thời đức Phật tất cả những người đắc đạo quả ngay sau khi nghe một bài Pháp của ngài đều là những người thục căn tánh tuệ. Những người còn lại thì phải tiếp tục thực hành nữa.

Trí tuệ là con đường nhanh nhất, bất kể bạn bắt đầu bằng pháp hành nào, cuối cùng vẫn thực hành thiền tuệ Vipassanā. Khi phiền não còn rất nhiều rất mạnh trong tâm, đừng bao giờ cố nhìn hay cố hiểu cho rõ nó - đó là việc không thể làm được. Chúng ta chỉ có thể giữ chánh niệm về bất cứ cái gì đang diễn ra và thu nhặt được chút ít trí tuệ. Khi phiền não còn rất mạnh thì không thể phát triển tuệ giác sâu sắc được. Song chúng ta cứ chịu khó thu nhặt từng mẫu vụn như thế, trí tuệ sẽ lớn mạnh dần. Càng có nhiều trí tuệ thì phiền não sẽ càng giảm dần.

Có một lần, một thiền sinh hỏi tôi rằng liệu người ta có thể bỗng nhiên "nhập vào" Niết Bàn một cách tình cờ được không. Chẳng bao giờ có chuyện đó đâu. Chẳng có lý do gì để "tự nhiên" rơi vào Niết Bàn như thế cả. Bạn phải trả cái giá của nó chứ. Chỉ khi các nhân duyên đã đầy đủ thì quả mới trổ sanh. Hãy kiên nhẫn và thực hành một cách miên mật. Đừng nghĩ về nó và cũng đừng hi vọng nữa, cứ tiếp tục thực hành đi thôi. Nếu mình còn rất xa Niết Bàn, bạn sẽ biết và nếu đang đến sắp gần, bạn cũng sẽ biết ngay thôi mà.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • CHỈ CÓ TRÍ TUỆ MỚI HIỂU
Thiền sinh: Chúng ta vẫn thường nói đến sự xung đột giữa thói quen vô thức luôn thúc đẩy mình phải hành động theo một kiểu nhất định nào đó, và tâm thiền đang cố gắng huân tập những thói quen mới, cố gắng thực hành thiền Vipassanā. Có cách nào khác hay một công cụ nào khác ngoài Định lực (sự tập trung) để giải quyết những xung đột đó mà không cản trở sự tiến bộ trong thiền hay không?

Thiền sư: Có hai cách để thay đổi thói quen, một là dùng Định, hai là dùng Tuệ. Rắc rối với cách dùng Định là nó chỉ tạm thời trấn áp xung đột mà thôi. Nếu bạn rất giỏi về Định, bạn có thể làm được điều đó trong cả một thời gian dài. Nhưng cách này lại chẳng giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của xung đột. Vì thế xung đột đó sẽ lại nổi lên với sức mạnh nguyên si như cũ nếu bạn không thực hành thiền định nữa. Chỉ khi chúng ta nhìn vào sự việc một cách phân tích thì mới học hiểu ra được những điều kiện và nguyên nhân đằng sau của nó và mới phát triển được trí tuệ cần thiết nhằm giải phóng tâm mình khỏi những xung đột đó. Định chỉ cố gắng khu trừ, cách ly xung đột, còn Tuệ thì thấy hiểu nó.

Thiền sinh: Mỗi khi con bị bất cứ một cảm giác đau nào, bất kể là đau ở thân hay đau đớn về tình cảm, thì ngay lập tức trong con luôn có sự phản ứng lại tức thời. Nó xảy ra thật nhanh và rất là tự động, những phản ứng tâm lý đó nhanh và mạnh đến mức con chẳng thể áp dụng được cách tư duy của thiền Vipassanā vào đó nữa. Con thấy hình như thực hành thiền Chỉ (Samātha), có lẽ lại là một cách hay để đối phó với những tình huống như vậy, nó giúp mình tạm thời bĩnh tĩnh trở lại.

Thiền sư: Thiền Vipassanā không chỉ là mỗi ngồi và quan sát. Trong những tình huống như thế bạn cần tự nhắc mình có thái độ đúng đắn với những gì đang xảy ra. Bạn phải thừa nhận những gì đang diễn ra và chấp nhận nó - như nó đang là. Rồi sau đó xem xét những gì đang diễn ra và cố gắng học hỏi từ nó, cố gắng thấu hiểu bản chất của thể loại tâm đó, cố gắng thấu hiểu cách thức hoạt động của nó như thế nào. Nhưng điều này cần phải có thời gian, cần có nhiều lần quán sát như thế nẫ thì sự hiểu biết thực sự mới nảy sinh được. Một khi đã thấu hiểu được vấn đề hay một tình huống xung đột, tâm sẽ được giải thoát khỏi khổ đau (do xung đột đó gây ra cho mình). Chỉ khi đó nó mới không còn phản ứng lại mỗi khi gặp những tình huống như vậy nữa. Để có được tầm mức trí tuệ này tất nhiên không phải là chuyện dễ. Thực hành theo cách này có thể sẽ tương đối khó, nhất là trong giai đoạn đầu. Chúng ta cần rất nhiều kiên nhẫn và duy trì thực hành đều đặn.

Thiền sinh: Bạch thầy con có một kinh nghiệm rất hay ngày hôm qua và con không biết đó có phải là tuệ giác hay không. Bỗng nhiên con thấy ra con đang chấp giữ một suy nghĩ là khóa thiền của mình ở đây đã hoàn toàn thất bại, chẳng đạt được tiến bộ nào cả. Điều đó đã giáng cho con một đòn rất đau, con rất đau đớn khi nhận ra rằng mình đã ôm giữ cái tà kiến đó bao lâu nay. Nhưng trong những giờ thiền sau đó, tâm con đã trở nên rộng mở và nhạy cảm hơn. Con có thể cảm nhận được làn gió mát trên làn da mình và đi lại chậm rãi hơn, bình thường thì con đi nhanh lắm. Khi tiếp xúc với người khác, con có thể cảm nhận được những phản ứng rất vi tế trong tâm mình và thấy được những thứ đó ở trong tâm mình mà bình thường trước kia con không thấy được. Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn trước nhiều. Thực ra con vẫn không biết chắc được đó có phải là một tuệ giác không.

Thiền sư: Đúng, đó chính là tuệ giác. Khi một tuệ giác khởi sanh, nó đem lại cho tâm rất nhiều sức mạnh; nó làm tăng trưởng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm. Cung cách của tâm mình thay đổi một cách mãnh liệt và nhanh chóng ghê gớm, thay đổi một cách đáng kinh ngạc, đúng không? Chỉ có những hiểu biết thực sự mới có những tác động lớn lao như vậy đến tâm mình. Khi chứng nghiệm được một điều gì đó một cách rõ ràng như vậy thì đó chính là tuệ giác đấy. Người ta có thể không chắc chắn liệu có một kinh nghiệm nào đó có phải là kết quả của một tuệ giác hay không - như trong trường hợp của bạn chẳng hạn - nhưng không thể nghi ngờ gì về sự thực những điều bạn đã nhận ra, đúng không?

Thiền sinh: Dạ vâng. Đúng như thế ạ.

Thiền sư: Đó mới chỉ là một tuệ giác nhỏ mà thôi. Hãy thử nghĩ xem một tuệ minh sát, một tuệ giác xuyên thấu đến tận bản chất của các Pháp còn có tác động ghê gớm như thế nào nữa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • ĐỊNH HƯỚNG TÂM
Thiền sinh: Bạch thầy, tại sao khi con cố ý chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận điều gì đó đang xảy đến (bị một con muỗi đốt chẳng hạn), tâm con có thể kham nhẫn điều đó một cách dễ dàng và không phản ứng, nhưng khi không chuẩn bị trước như vậy (và con muỗi lại đốt) thì con lại nổi sân lên ngay?

Thiền sư: Tâm chúng ta cần phải được định hướng. Chúng ta cũng cần có một hướng đi cho cuộc đời mình và lái cuộc đời mình theo hướng đó. Chúng ta phải định hướng cho tâm mình trong mọi lúc. Một khi đã định hướng cho tâm mình rồi thì tất cả các tâm tiếp theo sẽ đi theo cùng hướng đó. Tâm chúng ta có một tiến trình tự nhiên. Nếu bận cứ để tâm mình tự do vô tổ chức, không có định hướng, nó sẽ trở thành hỗn loạn.

Thiền sinh: Xin thầy cho con một ví dụ cụ thể ạ.

Thiền sư: Nếu có một cơn giận xảy đến và bạn quyết định mình sẽ phải nghiên cứu, thẩm tra quán xét cái cảm xúc ấy, thì đó là bạn đã định hướng cho tâm đi đúng hướng. Tuy nhiên nếu bạn quyết định là sẽ phải cố gắng loại bỏ cho bằng được cơn giận này, tức là bạn đã đặt tâm sai hướng.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • THỰC HÀNH LIÊN TỤC SẼ LÀM SÂU SẮC THÊM HIỂU BIẾT
Thiền sinh: Thưa thầy, con thường cảm thấy có sự phản kháng lại không muốn làm cái việc thẩm tra, quán xét đó. Con rất bận rộn vì cứ phải luôn cố gắng chánh niệm và luôn sợ mình bỏ qua mất điều gì đó nếu có cứ bỏ công thẩm tra các kinh nghiệm như vậy. Con cảm thấy mình không có thời gian để làm việc đó. Có thể có chút tâm tham nào trong đó chăng?

Thiền sư: Chỉ cần làm những việc quan trọng và bỏ qua những việc không quan trọng khác. Bạn để tâm mình rộng mở và thâu nhận chỉ khi nào tâm đã có sự quân bình, buông xả. Nhưng khi bạn đang trải qua một cảm xúc mạnh thì hãy dành hết năng lượng để đối phó với chúng; đó chính là việc làm quan trọng trước mắt - bỏ qua tất cả những gì đang xảy ra. Nếu bạn bỏ qua việc thẩm xét cảm xúc đó mà cố theo dõi những thứ khác đang diễn ra, thì nó vẫn cứ còn ở bên trong tâm bạn. Khi có cơ hội, cảm xúc đó sẽ lại nổi lên và gây ra rất nhiều rắc rối cho bạn. Chức năng của chánh niệm là nhận diện mọi thứ đang diễn ra trong tâm. Trí tuệ quyết định cái nào là cái cần phải giải quyết.

Thiền sinh: Vậy thì con nghĩ là con vẫn chưa có đủ trí tuệ.

Thiền sư: Bạn cần phải cho mình thêm thời gian. Hãy đi chầm chậm thôi, vừa đi vừa cảm nhận con đường của mình qua những gì đang diễn ra[/b]. Hãy cố gắng thấu hiểu và thu thập càng nhiều thông tin càng tốt(2). Mỗi khi bạn cảm thấy có một vấn đề cần phải nhìn vào, hãy thẩm tra và quán xét nó. Những gì diễn ra trong tâm lúc đầu thì có vẻ như rất hỗn loạn. Bạn cần nhìn đi nhìn lại cùng một vấn đề đó nhiều lần và từ nhiều góc độ khác nhau. Khi chánh niệm liên tục hơn, tâm bạn sẽ trở nên định tĩnh hơn và bạn sẽ bắt đầu hiểu được vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào không.

Thiền sinh: Có nghĩa là con chỉ cần tiếp tục kiên trì thực hành như thế phải không ạ. Thế nên con chỉ kiên nhẫn luôn tự nhắc mình chánh niệm, dù bất cứ việc gì xảy ra, thì tâm có trở nên tĩnh lặng và bắt đầu có hiểu biết được không?

Thiền sư: Có. Mức độ hiểu biết phụ thuộc vào trình độ tu tập của bạn, phụ thuộc vào việc bạn thực hành miên mật như thế nào. Lúc đầu bạn phải cần rất nhiều chánh niệm để xây dựng nên nền móng. Vì tự chúng ta chưa có được những hiểu biết của chính mình, nên bạn cần phải dựa vào những nguồn thông tin trợ giúp bạn trong quá trình thực hành. Sau một thời gian thực hành, chúng ta sẽ bắt đầu có được một chút ít hiểu biết, một chút ít trí tuệ.

Miễn là bạn tiếp tục duy trì thực hành đều đặn thì vẫn có thể giữ được mức hiểu biết này. Nếu không thực hành nhiệt tâm, hết mình mà chỉ lúc có, lúc không thì mức độ hiểu biết sẽ không tăng trưởng và chúng ta cũng chẳng giỏi giang hơn được chút nào. Trong trường hợp bạn ngừng thực hành, tâm si sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nếu xao lãng thực hành cả một thời gian dài, tâm si sẽ bao trùm trở lại, che lấp tất cả những gì bạn đã từng hiểu biết được trước kia.

Song nếu chăm chỉ thực hành liên tục, chúng ta sẽ tiếp tục thu được thêm những hiểu biết và tuệ giác nho nhỏ như vậy. Nếu chúng ta luôn duy trì và tiếp thêm sức sống cho chúng một thời gian dài, chúng sẽ trở nên liên tục đến mức vận hành đồng thời cùng với chánh niệm. Một khi trí tuệ đã song hành cùng chánh niệm, nó sẽ tiến lên tới một trình độ hiểu biết cao hơn. Chúng ta sẽ có được những tuệ giác lớn hơn nữa.

Nhưng hiểu biết ở trình độ cao hơn này có cuộc sống riêng của chúng và cũng có năng lực lớn hơn. Chúng sẽ không còn phụ thuộc vào chánh niệm nữa. Một khi bạn có được những tầng tuệ giác đó, chúng sẽ luôn luôn có mặt, mọi nơi mọi lúc, trí tuệ sẽ luôn luôn hiện diện. Đến giai đoạn này chánh niệm sẽ lùi lại phía sau, có thể nói như vậy, và sẽ đóng vai trò thứ yếu. Nó vẫn sẽ luôn có mặt bởi vì trí tuệ không thể tồn tại nếu không có chánh niệm, nhưng đến lúc này, trí tuệ đã bắt đầu có cuộc sống riêng của chính nó. Chánh niệm sẽ tiếp tục nuôi dưỡng trí tuệ và hiểu biết của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh, ở trình độ này, tâm bạn sẽ luôn biết phải làm gì, và một điều nữa là sự thực hành trở nên thật vô cùng dễ dàng đến mức bạn cũng chẳng cần phải có chút cố gắng nào nữa.

Thiền sinh: Vâng, con thấy điều này là có thể đạt được nếu mình được sống trong một cộng đồng những bạn đồng tu. Theo con thì con cho rằng chắc hẳn mọi người cũng như thế thôi ạ. Con cảm thấy rất khó để thực hành miên mật được trong cuộc sống ngoài xã hội hiện đại ngày nay.

Thiền sư: Ngày hôm qua cũng có một thiền sinh nói về vấn đề này. Anh kể với tôi rằng anh thấy rất dễ chánh niệm trong mọi việc đang làm và luôn giữ được cái tâm quân bình, tĩnh lặng, nhưng khi phải ở cùng người khác anh thấy rất khó giữ chánh niệm. Tôi chỉ ra cho anh ta thấy rằng điều khác nhau giữa hai hoàn cảnh đó chẳng qua là khi ở một mình thì tâm anh "quay vào trong", không khi ở cùng người khác thì tâm anh "hướng ra ngoài". Nếu bạn chỉ tập trung hết "vào trong" thì sẽ không thể giao tiếp được với "bên ngoài", nhưng nếu bạn hướng hết "ra ngoài" thì bạn lại không thể biết mình được. Bạn phải cần học cách làm cả hai thứ cùng một lúc và điều này cần phải có một quá trình thực hành.

Thiền sinh: Con hiểu những điều thầy vừa nói, nhưng cái thế giới "ngoài kia" nó quá khác biệt so với môi trường của thiên nhiên và con thường bị cuốn vào đủ thứ một cách rất nhanh chóng.

Thiền sư: Tại sao bạn lại tự cho phép mình bị lôi cuốn như thế? Sự thực thì chẳng có ai lôi chúng ta cả, chẳng qua là cái tâm bạn muốn nhào vào trong đó thôi. Ai quan trọng hơn, người ngoài hay chính bản thân mình?

Thiền sinh: Dạ thưa, chính mình ạ.

Thiền sư: Bạn chú ý ra "bên ngoài" là bởi vì bạn vẫn nghĩ nó là quan trọng, đối với mình. Nếu tâm mình thực sự là quan trọng đối với mình, thì mình phải luôn lưu ý đến nó và chăm chút nó. Bạn phải luôn kiểm tra lại các trạng thái tâm của chính mình, trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Điều gì là quan trọng hơn, việc nói chuyện với người khác hay cái tâm của bạn?

Thiền sinh: Dạ, tâm mình quan trọng hơn.

Thiền sư: Đúng vậy, bạn luôn phải lưu ý đến tâm mình trước rồi mới giao tiếp với người.

Thiền sinh: Dạ, để thực hành được điều này quả là một thử thách lớn, nhưng chắc cũng sẽ rất thú vị để xem những gì sẽ xảy đến.

CHÚ THÍCH:

(2) Đây là thông tin về các tiến trình tâm đang diễn ra mà hành giả thu được bằng chánh niệm (ND).
Sửa lần cuối bởi battinh vào ngày 10/01/14 07:27 với 1 lần sửa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • NIỀM VUI TRONG TU TẬP
Thiền sinh: Con có một câu hỏi về niềm vui trong tu tập. Con hỏi vấn đề này, bởi vì con cứ có ý nghĩ là khi mình thích một cái gì đó, như vậy là không tốt. Chẳng hạn, có hôm con ngắm bình minh lên và nhận thấy một niềm vui đang trào dâng trong lòng. Con cảm thấy nó rất là tự nhiên. Liệu có gì xấu khi mình thưởng thức những điều như thế không?

Thiền sư: Hãy để nó diễn ra một cách tự nhiên. Trong thiền Vipassanā tôi không bảo các bạn là không được cảm nhận mọi thứ. Chỉ luôn hay biết rằng điều đó đang diễn ra. Mỗi khi bạn nhận biết cái gì đó đang diễn ra, nghĩa là tâm bạn đang thu thập thêm một số thông tin. Khi chánh niệm liên tục và quan sát những sự việc tương tự như vậy nhiều lần, bạn sẽ hay biết được tác động của một số trạng thái tâm nhất định. Bạn nhìn nó chỉ như là một hiện tượng tự nhiên đang diễn ra trong giây phút hiện tại.

Tôi không bảo các bạn đi ra ngoài tiêu khiển mà cũng chẳng bảo các bạn không được thưởng thức. Nếu sự thưởng thức sanh khởi một cách tự nhiên trong giây phút hiện tại, hãy hay biết rằng nó đang diễn ra. Nhưng đừng để bị nó lôi cuốn mình đi, đừng dính mắc, đừng tham gia vào nó và cũng đừng đè nén nó. Chỉ nhận biết những gì đang diễn ra và quan sát nó. Đi tìm thú vui hay cố gắng có được nhiều thú vui hơn nữa là một cực đoan, đè nén nó là một cực đoan thứ hai. Đức Phật dạy chúng ta đi theo con đường Trung đạo. Nhận biết sự thưởng thức với thái độ đúng đắn. Một cảm giác chỉ là một cảm giác, sự thưởng thức chỉ là sự thưởng thức.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • KHÔNG CÓ HỨNG TU TẬP
Thiền sinh: Thầy khuyên khích chúng con phải đặt nhiều câu hỏi để tiếp thêm sức sống cho pháp hành, để khơi dậy lòng nhiệt tình và hứng thú tu tập. Nhưng việc đó hình như lại không hợp với con; tâm con chẳng có hứng thú tu tập gì cả. Con phải làm gì bây giờ?

Thiền sư: Hãy hỏi tâm mình xem tại sao nó không thích tu... (cười)... Khi bạn đặt câu hỏi phải đặt những loại câu hỏi mà bạn thực sự thích hỏi. Chỉ khi nào bạn thực sự muốn biết thì tâm mới có hứng thú. Nếu hỏi chỉ vì thầy bảo bạn hỏi, như một nghĩa vụ, thì chắc sẽ không có tác dụng đâu.

Thiền sinh: Vậng, vậy thì con sẽ cố tìm hiểu xem tâm mình hứng thú điều gì. Thầy khuyên con nên hỏi nhiều câu hỏi khác nhau hay mỗi lúc chỉ hỏi một câu thôi ạ?

Thiền sư: Tốt nhất là hỏi một câu thôi. Lúc đầu thực hành bạn thường phải nghĩ ra câu hỏi để tự hỏi mình. Khi pháp hành tiến bộ, chánh niệm trở nên miên mật hơn và trí tuệ sẽ bắt đầu làm việc. Tâm sẽ phát triển một cảm giác tò mò, một xu hướng tự nhiên muốn khám phá, tìm hiểu. Trí tò mò là một sự thể hiện của trí tuệ. Các câu hỏi sẽ đến một cách tự nhiên trong tâm và cho tâm một định hướng để tiếp tục quan sát. Khi bạn thấy tâm mình đặt câu hỏi một cách tự nhiên như vậy thì không cần phải cố tình nghĩ ra câu hỏi nữa. Chỉ cần sử dụng những câu hỏi tự nhiên sanh lên như vậy thôi.

Thiền sinh: Có nghĩa là thầy chỉ khuyến khích các suy nghĩ về tu tập chứ không khuyến khích các suy nghĩ sử dụng khái niệm trong quá trình tu tập phải không?

Thiền sư: Đôi khi bạn phải nghĩ để hiểu thấu được cái gì đó, để biết mình cần phải làm gì, suy nghĩ là một hoạt động thiết yếu của tâm. Chúng ta chỉ cần cẩn thận đừng để mình bị cuốn theo nó, đừng tham gia vào các suy nghĩ ấy hay những kế hoạch do tâm vẽ vời ra.

Thiền sinh: Bạch thầy, đối với con mỗi khi đau khổ con lại thấy mình dễ có động cơ tu tập. Nhưng khi đau khổ không thật rõ rệt thì con lại thấy rất khó để duy trì được nhiệt tình tu tập. Con không có được trí tò mò, và sự ham hiểu biết mạnh.

Thiền sư: Hồi xưa tôi bắt đầu thực sự thực hành hết mình là bởi vì tôi đau khổ. Tôi muốn biết tại sao tâm mình khổ. Khi vượt qua được khó khăn lúc đó, tâm tôi chợt nhận ra rằng bây giờ mình bớt đau khổ hơn vì chính nhờ tất cả những hiểu biết và trí tuệ mà mình đã thu được. Tâm trở nên hứng thú với quá trình học hỏi(3) đó và muốn biết nhiều nhiều hơn nữa.

Thiền sinh: Chúng ta phải làm gì khi mà tâm không có được hiểu biết đó và cũng chẳng có nhiệt tình tu tập?

Thiền sư: Thế thì chúng ta phải tiếp tục cho đến khi thực sự hiểu rõ được công việc mình đang làm. Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta phải nhận thức rõ giá trị của chánh niệm. Chúng ta phải trân trọng công việc thực hành chánh niệm. Chúng ta phải hiểu rằng chính công việc này sẽ đem lại kết quả cho mình. Giây phút có chánh niệm là giây phút mình thay thế si mê, thiếu hiểu biết bằng sự hay biết, bằng sự hiểu biết. Chỉ khi biết chúng ta mới hiểu và tăng trưởng lòng nhiệt tâm, hứng thú với những gì đang diễn ra. Hiểu rõ những gì đang diễn ra sẽ mang lại an lạc cho tâm mình. Khi đã thấu hiểu được giá trị của quá trình đó, bạn sẽ cảm thấy được niềm vui và luôn luôn hứng thú để nhìn sâu hơn nữa.

CHÚ THÍCH:

(3) Học hỏi ở đây không phải chỉ là học kiến thức trong sách vở hay những hiểu biết ngoài đời mà là những cái "thấy", cái "ngộ" ra trong quá trình tư duy, chiêm nghiệm trong thực tế tu tập và những hiểu biết, tuệ giác phát sanh từ quá trình quán sát, các pháp hay các hiện tượng, tiến trình tự nhiên của thân và tâm mình (ND).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • TU TẬP CHÁNH TINH TẤN
Thiền sinh: Thưa thầy, con biết rằng nếu thực hành đúng và chăm chỉ thì ngã kiến (ảo tưởng về một tự ngã, một cái tôi thường còn) sẽ biến mất và sẽ bị thay thế bằng Chánh Kiến. Nhưng bản thân quá trình tu tập thì giống như phải làm việc cật lực để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Con cố gắng phấn đấu để thực hiện xong một công việc, và việc đó luôn có một sự chấp thủ đi cùng với ảo tưởng về một cái ngã (cái tôi đang làm việc đó). Xin thầy giảng thêm cho con hiểu điều này.

Thiền sư: Điều rất quan trọng là chúng ta phải có thông tin hướng dẫn đúng đắn trước khi bắt tay vào thực hành. Đừng tự động hóa mình với sự tinh tấn, với sự cố gắng nào đó mà hãy nhận rõ rằng (quá trình mình) đang thực hiện công việc đó chính là sự tinh tấn, cộng thêm những phẩm chất tâm có liên quan khác. Tất cả những cái tâm đó đang thực hiện công việc, chứ không phải "tôi" (đang tu tập).

Bạn chỉ có thể thực hiện được Chánh Tinh Tấn nếu tâm có thông tin hướng dẫn đúng, nếu nó thực sự hiểu được thế nào là Chánh Tinh Tấn. Chúng ta đang cố gắng tu tập để đạt đến mục đích của mình, nhưng đó là một việc sẽ xảy ra vào một ngày nào đó trong tương lai. Ngay bây giờ thì chúng ta chỉ cần hiểu được cách phải làm điều đó như thế nào. Chúng ta cần phải hiểu thế nào là Chánh Tinh Tấn, thế nào là thực hành đúng.

Một cái tâm luôn cố đạt đến một mục tiêu, luôn tập trung đạt đến một kết quả nhất định nào đó thường bị thúc đẩy bởi sự tham cầu. Trí tuệ hiểu rõ quan hệ nhân quả và do đó sẽ tập trung hoàn thành các nhân duyên, các điều kiện cần thiết cho đầy đủ (vì quả sẽ tự động trổ sanh khi nhân duyên đã hội đủ).

Thiền sinh: Đi kinh hành (thiền hành) thì dễ hiểu, tâm con thường sáng suốt và tỉnh thức trong suốt thời gian thiền hành. Nhưng ngồi thiền thì lại khác. Mới bắt đầu ngồi thì thấy tỉnh táo, những sau đó tâm rơi vào trạng thái đờ đẫn, mù mờ. Con thực hành sai chỗ nào chăng?

Thiền sư: Khi sự tỉnh thức mất dần đi, nó cho thấy bạn đang thiếu Chánh Tinh Tấn (sự cố gắng một cách đúng đắn). Bạn phải chú ý nhiều hơn đến tâm quan sát của mình. Quan sát chất lượng (mức độ mạnh yếu) của tâm chánh niệm đó, và nhận biết sự thay đổi lên xuống của nó.

Cố gắng nhận rõ mức năng lượng nhiều ít khác nhau để giữ chánh niệm trong những tư thế khác nhau. Khi thiền hành, tâm tương đối bận rộn và chánh niệm trên nhiều đối tượng khác nhau. Khi ngồi, tâm ít làm việc hơn và do đó bạn phải học cách "hiệu chỉnh" tâm mình để giữ được sự tỉnh thức và sáng suốt trong tư thế đó.

Thiền sinh: Con cố gắng dùng sức để giữ tỉnh táo khi ngồi, nhưng con nghĩ chắc là do con cố gắng quá mức, hoặc cố gắng sai cách nên toàn tự làm mình mệt mỏi. Rồi sau đó con lại có ý nghĩ rằng cứ như thế này thì thật là phí thời gian vô ích.

Thiền sư: Bạn cần phải sử dụng trí tuệ để giữ tâm tỉnh táo và có hứng thú. Làm cho tâm mình hứng thú với những gì đang diễn ra chính là "tinh tấn một cách có trí tuệ". Loại tinh tấn của bạn mang tính chất dùng sức (cơ bắp) nhiều hơn nên mệt mỏi là chuyện không thể tránh khỏi. Nếu sự tò mò, ham tìm hiểu không thể khởi lên một cách tự nhiên thì bạn phải tự đặt những câu hỏi cho mình. Đặt câu hỏi cho mình giúp cho tâm hứng thú và do đó cũng tỉnh thức hơn.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • THỰC HÀNH NHƯ MỘT NGƯỜI BỆNH
Thiền sinh: Con đang bị ốm (bệnh) và cảm thấy rất mệt mỏi, nặng nề. Nhưng thực ra như thế con lại thực hành rất tốt vì ít phải cố, không thể cố được nữa mà chỉ quán sát thôi ạ.

Thiền sư: Thế là tốt. Đó chính xác là trạng thái tâm cần phải có khi tôi nói với bạn là phải thực hành như một người bệnh. Điều đó không có nghĩa là bạn phải chuyển động một cách chậm chạp. Cái tâm của người bệnh không muốn làm gì cả mà chỉ quán sát một cách thụ động và chấp nhận hoàn cảnh.
  • BA QUYẾT ĐỊNH
Thiền sinh: Bạch thầy, làm thế nào để trở nên quyết đoán hơn trong suy nghĩ và hành động? Làm thế nào để học cách ra quyết định nhanh chóng?

Thiền sư: Bạn muốn quyết định nhanh hay muốn quyết định chính xác? Nhanh quan trọng hơn hay đúng quan trọng hơn? Nếu tâm không có phiền não và luôn có chánh niệm tỉnh giác, có trí tuệ thì không cần phải nghĩ. Tâm luôn biết phải làm gì, bởi vì bạn lúc nào cũng ở trạng thái sẵn sàng, bởi vì trí tuệ luôn có mặt ở đó. Nhưng chỉ cần có chút thích hoặc không thích nào xen vào, có chút xáo động bất an nào trong tâm thì bạn sẽ không có thể quyết định đúng được. Mỗi khi phải ra quyết định mà tâm lại đang bị xáo động, bất an thì hãy đời cho đến khi bình tĩnh trở lại rối mới quyết định.

Hãy tập thói quen luôn canh chừng tất cả mọi xáo động tình cảm, mọi cảm xúc của mình. Khi đã dẹp bỏ được mọi xáo động, thì bạn không nóng lòng phải làm cho xong việc nữa, trí tuệ sẽ đến và quyết định. Tất nhiên là bạn cũng phải có đủ thông tin cần thiết để ra quyết định.
  • Đừng bao giờ quyết định điều gì. Chỉ vì mình thích hoặc không thích.
Luôn luôn thong thả, dành đủ thời gian để cân nhắc quyết định, kiểm tra lại thái độ của mình và dọn dẹp cho tâm mình sáng suốt.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • NGỒI THIỀN
Thiền sinh: Khi con cảm thấy tâm quân bình, nhất là vào buổi chiều, thì nên tiếp tục ngồi thêm hay là cứ xong một giờ ngồi thiền thì đứng đậy?

Thiền sư: Nếu muốn bạn có thể ngồi lâu hơn. Nhưng tôi không khuyến khích thiền sinh ngồi lâu quá, đừng ngồi quá một tiếng rưỡi. Những người thích tĩnh lặng thường muốn ngồi lâu, người thích chánh niệm thì ưa hoạt động hơn. Tôi khuyến khích thiền sinh nên hoạt động bởi vì nó buộc tâm mính phải luôn "rón rén", luôn tỉnh giác., có thể nói như vậy, và phải thực sự làm việc để chánh niệm trong phút giây hiện tại. Thật không may là ở đây chúng tôi chẳng có việc vặt để cho các thiền sinh làm như một số thiền viện ở các nước phương Tây.
  • ĐI KINH HÀNH
Thiền sinh: Khi đi kinh hành thì lúc nào mắt cũng phải nhìn xuống hay là có thể nhìn ngó xung quanh cũng được?

Thiền sư: Đừng cố ý làm bất cứ điều gì (trong hai thứ đó). Chỉ cần tự nhiên và chánh niệm về tất cả những gì tâm bạn đang hay biết. Nếu nhìn quanh, bạn hãy chánh niệm rằng mình đang nhìn quanh, nếu bạn đang thu thúc nhìn xuống, bạn hãy biết rằng mình đang nhìn xuống. Hãy chánh niệm về tất cả những gì đang thực sự xảy ra.

Thiền sinh: Xin thầy cho con một vài lời khuyên về việc đi kinh hành và cách quán chiếu khi đi kinh hành?

Thiền sư: Trước tiên hãy nhận biết rằng mình đang đi. Sau đó bạn có thể tự đặt ra những câu hỏi cho mình. Chẳng hạn: Tâm và thân đang tương tác, liên hệ với nhau ra sao? Bạn đang đi với trạng thái tâm như thế nào? Tại sao mình đi kinh hành(4)? ai đang đi(5)? Đặt ra những câu hỏi như thế sẽ giúp bạn tăng dần khả năng quán sát và thẩm xét các pháp.

CHÚ THÍCH:

(4) Để nhận rõ những động cơ, tâm tham hay sân, hay những thái độ hành thiền không chân chánh khác sanh khởi bên trong tâm mình trong khi đi kinh hành. (ND)

(5) Để thấy rõ và loại bỏ ảo tưởng về một cái ngã (cái tôi) bên trong thân (đang đi) và tâm (đang quan sát sự đi) này, thấy ra sự thật đó chỉ là một kết hợp và tương tác giữa danh (tâm) và sắc (thân) mà thôi (ND).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: CHỈ MỚI CHÁNH NIỆM THÌ CHƯA ĐỦ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • NẰM THIỀN
Thiền sinh: Thiền nằm có giúp con phát hiện và cảm nhận được những căng thẳng bên trong mình không ạ?

Thiền sư: Khi chúng ta nằm xuống, tâm liền cho đó là một tín hiệu được thư giãm. Nó không còn phải dùng sức để nâng đỡ thân thể nữa. Khi ngồi, chúng ta chỉ cần (dùng một chút ít sức lực để) nâng đỡ cơ thể mình ngồi, nếu chúng ta không nhận biết được mức năng lượng cần dùng bao nhiêu là đủ thì, một cách tự nhiên, tâm thường đầu tư vào đấy đúng bằng mức năng lượng nó vẫn thường dùng mọi khi. Nằm xuống là một cách rất hay để khám phá ra điều này. Sau đó rồi bạn sẽ so sánh và thấy được cần phải dùng bao nhiêu năng lượng (sức lực) để giữ mình trong tư thế ngồi, và dùng bao nhiêu sức ở trong các tư thế khác (đi, đứng, nằm...).

Khi bạn hành thiền, hãy ghi nhận mức năng lượng sử dụng để có được điểm so sánh. Như vậy bạn sẽ biết được trong các tư thế khác cần bao nhiêu năng lượng, và biết mình có sử dụng quá nhiều sức và dẫn đến căng thẳng hay không.

Thiền sinh: Và trong mọi tư thế thì đều cần phải thư giãn phải không ạ?

Thiền sư: Đúng vậy. Nếu trong tư thế nằm mà bạn vẫn vừa thư giãn vừa tỉnh thức được thì bạn có thể giữ được như vậy trong tất cả các tư thế khác, và trong mọi hoạt động khác nữa. Nếu khi nằm mà buồn ngủ, thì bạn phải nên biết rằng mình cần tiếp tục điều chỉnh thêm nữa (để giữ được tỉnh táo).
  • KHÔNG LÀM GÌ CẢ
Thiền sinh: Có lúc con cảm thấy rất tĩnh lặng và con có cảm tưởng là chẳng có việc gì để làm nữa cả.

Thiền sư: Khi tâm đã trở nên tĩnh lặng thì có rất nhiều việc để làm. Lúc đó bạn phải bắt đầu quán chiếu và thẩm sát các pháp. Tâm tĩnh lặng không có nghĩa là không làm gì nữa - mà đó là lúc tâm đã sẵn sàng để làm việc. Nếu không đặt ra câu hỏi để giúp tâm nhìn và đánh giá, quán chiếu những gì đang diễn ra, nó sẽ cảm thấy chẳng có gì để làm cả.

Chẳng hạn bạn có thể tự hỏi mình có nhận rõ được sự khác biệt giữa thân và tâm hay không, giữa các tiến trình thân và tiến trình tâm hay không. Điều đó sẽ giữ cho tâm bận rộn hoạt động (chứ không lười biếng không làm gì cả nữa).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.114 khách