Chỉ riêng y cứ vào tổ Thiện Đạo

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Hình đại diện của người dùng
hoasenhoasanh
Bài viết: 1
Ngày: 13/02/12 22:50
Giới tính: Nam
Đến từ: Việt Nam

Chỉ riêng y cứ vào tổ Thiện Đạo

Bài viết chưa xem gửi bởi hoasenhoasanh »

Hỏi: Các nhà chú giải trong các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Chân Ngôn, Thiền, Pháp Tướng, mỗi vị đều có biên soạn chương sớ về pháp môn Tịnh Độ, tại sao lại không y cứ vào các nhà chú giải đó mà chỉ riêng y cứ vào ngài Thiện Đạo?

Trả lời: Các nhà chú giải đó, tuy biên soạn chương sớ về Tịnh Độ, nhưng họ không dùng Tịnh Độ làm tông, mà lại dùng Thánh Đạo làm tông, cho nên không y cứ vào họ, còn ngài Thiện Đạo chỉ lấy Tịnh Độ làm tông, không lấy Thánh Đạo làm tông, cho nên y cứ vào ngài.

Hỏi: Các vị tổ sư Tịnh Độ rất nhiều, chẳng hạn như ngài Ca Tài ở chùa Hoằng Pháp, ngài Từ Mẫn Tam Tạng, v.v.. Tại sao không y cứ vào các vị ấy, mà chỉ riêng y cứ vào ngài Thiện Đạo?

Trả lời: Các vị thiện tri thức đó, tuy cũng tông Tịnh Độ pháp môn, nhưng chưa chứng Tam muội, còn ngài Hòa Thượng Thiện Đạo là người chứng đắc tam muội. Trong đạo, ngài có chỗ chứng đắc, cho nên y cứ vào ngài.

Hỏi: Nếu y cứ vào người chứng đắc Tam muội, thì Hoài Cảm Thiền Sư cũng chứng đắc Tam muội, tại sao không y cứ vào ngài?

Trả lời: Ngài Thiện Đạo là thầy, ngài Hoài Cảm là trò, cho nên y cứ vào thầy mà không y cứ vào đệ tử. Huống chi sự giải thích của hai thầy trò có nhiều điểm trái nghịch, cho nên không y cứ vào ngài Hoài Cảm.

Hỏi: Nếu y cứ vào thầy mà không y cứ vào trò, thì ngài Đạo Xước Thiền Sư là thầy của ngài Thiện Đạo, tại sao lại không y cứ vào ngài Đạo Xước?

Trả lời: Ngài Đạo Xước tuy là thầy, nhưng vẫn chưa chứng được Tam muội, không tự biết mình có được vãng sinh hay không, cho nên đã hỏi ngài Thiện Đạo: “Đạo Xước niệm Phật, được vãng sinh hay không?” Ngài Thiện Đạo bèn thưa với ngài Đạo Xước nên đem một cành hoa sen đặt trước bàn Phật, sau đó dụng công bảy ngày, nếu hoa sen không héo, ắt được vãng sinh. Ngài Đạo Xước y lời, sau đó bảy ngày, quả nhiên hoa sen không héo, bèn rất khen ngợi, kế đó thỉnh ngài Thiện Đạo nhập định quán sát, xem mình có được vãng sinh hay không. Ngài Thiện Đạo bèn nhập định, giây lát sau nói với ngài Đạo Xước: “Thầy phải sám hối ba tội mới được vãng sinh. Thứ nhất, thầy đặt tượng Phật ở góc phòng, còn mình ở giữa phòng; thứ hai, sai bảo người xuất gia phục dịch; thứ ba, xây dựng phòng ốc làm tổn thương sinh mệnh côn trùng. Thầy phải đối trước mười phương Phật sám hối tội thứ nhất, đối trước bốn phương tăng sám hối tội thứ hai, đối với tất cả chúng sinh sám hối tội thứ ba.” Ngài Đạo Xước suy ngẫm những lỗi lầm quá khứ, thấy lời ngài Thiện Đạo quả thật không sai, bèn chí thành sám hối. Sám hối xong, đến gặp ngài Thiện Đạo, ngài Thiện Đạo bèn nói: “Tội của thầy đã diệt, sau này sẽ có ánh sáng chiếu thân, đó là điềm vãng sinh của thầy.”

Do đây biết rằng Hòa Thượng Thiện Đạo tu đắc Tam muội, đáng làm bậc thầy, giải hạnh đều phi phàm, điều này thật rõ ràng. Huống chi, người cùng thời với ngài đều tương truyền rằng: “Từ lúc Phật pháp truyền vào Trung Hoa đến nay, chưa ai có được thạnh đức như ngài Thiện Đạo!” Lời xưng tán tuyệt luân, khó mà diễn tả được. Hơn nữa, lúc ngài viết sớ giải của Quán Kinh, có nhiều điềm lành, thường được Đức A Di Đà đến chỉ dẫn, vì đã được sự gia bị của chư Phật, Bồ tát, cho nên quyển Quán Kinh Sớ của ngài được xưng dương là Chứng Định Sớ, mọi người đều quý trọng như chính lời dạy của Đức Phật.

Như trong Quán Kinh Sớ quyển thứ tư có viết:

“Kính bạch tất cả thiện tri thức hữu duyên, tôi là một phàm phu sinh tử, trí tuệ cạn cợt, lời dạy của Phật sâu xa vi tế, tôi không dám tự chuyên, bèn thành tâm phát nguyện, thỉnh cầu sự linh nghiệm, sau đó mới dám biên soạn sớ giải: “Nam mô quy mạng tận hư không pháp giới, tất cả Tam Bảo, Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, Quán Aâm, Thế Chí, chư Bồ tát đại hải chúng của cõi Cực Lạc, cùng tất cả cảnh tướng trang nghiêm. Con nay muốn đề xuất yếu nghĩa của Quán Kinh, khải định cổ kim. Nếu như xứng đáng với Đại bi nguyện ý của chư Phật ba đời, Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà, v.v.., xin được trong giấc mộng, thấy được tướng trạng của cảnh giới giống như lời nguyện của con.” Sau khi phát nguyện trước tượng Phật, tôi bèn tụng kinh A Di Đà ba biến, niệm danh hiệu Phật A Di Đà ba vạn biến, chí tâm phát nguyện. Ngay đêm hôm đó, thấy trên không trung ở phía tây, các cảnh giới như trong lời nguyện đều hiện trước mắt, các núi báu nhiều màu, trùng trùng điệp điệp, đủ loại quang minh, chiếu xuống mặt đất, mặt đất màu vàng ròng, trên không có chư Phật Bồ tát, hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc nói hoặc im lặng, hoặc cử động tay chân, hoặc đứng yên bất động. Thấy những cảnh giới ấy rồi, tôi bèn chắp tay đứng quán sát, sau một lúc rất lâu mới chợt tỉnh, lúc đó trong lòng vui mừng khôn tả, và sau đó mới bắt đầu biên soạn phần Nghĩa Môn của Quán Kinh Sớ. Từ đó về sau, mỗi đêm trong mộng, thường thấy một vị tăng đến chỉ dạy về khoa văn của phần Huyền Nghĩa, sau khi phần này hoàn tất, thì không còn thấy nữa.

Sau khi bản cảo của Quán Kinh Sớ hoàn thành, tôi lại chí tâm cầu trong bảy ngày bảy đêm thấy được điềm lành chứng minh. Mỗi ngày tôi tụng kinh A Di Đà mười biến, niệm danh hiệu Phật A Di Đà ba vạn biến. Vào cuối đêm thứ nhất, trong lúc quán tưởng cảnh tướng trang nghiêm của cõi Cực Lạc, thành tâm quy mệnh, thấy ba cối xay đá, bên vệ đường tự chuyển động, hốt nhiên, lại thấy một người cỡi lạc đà trắng đến trước mặt khuyến tấn: “Thầy phải nên nỗ lực, quyết định sẽ vãng sinh, chớ nên thoái chuyển, cõi này trược ác nhiều khổ, đừng nên tham luyến, v.v..” Tôi trả lời rằng: “Nay nhờ hiền giả có lòng tốt chỉ bảo, tôi nguyện trọn đời không dám sinh tâm giải đãi, kiêu mạn, v.v..” Đêm thứ hai, thấy Đức A Di Đà, thân màu vàng ròng, ngồi trên tòa sen vàng dưới cây thất bảo, mười vị tăng vây quanh, mỗi vị ngồi dưới một cây báu. Trên cành cây chỗ Phật ngồi, có treo nhiều thiên y, tôi ngồi xoay mặt hướng tây, chắp tay quán sát. Đêm thứ ba, thấy có hai cây bảo tràng, cao to chất ngất, trên có treo tràng phan ngũ sắc, đường xá ngang dọc, xa tít ngoài tầm mắt. Sau khi thấy những điềm lành này, tôi bèn đình chỉ, tuy là chưa hết thời hạn bảy ngày.

Những điềm lành thuật lại trên đây, vốn là vì chúng sinh chứ không phải vì chính mình. Tôi thấy được điềm lành, không dám dấu diếm, xin cung kính ghi lại phía sau quyển Sớ, để cho đời sau được nghe biết. Nguyện chư chúng sinh nghe xong, sinh khởi lòng tin, những người thấy biết đều sinh Tịnh Độ, đồng thành Phật Đạo. Nghĩa lý này đã được thỉnh cầu sự chứng minh xong, mỗi câu mỗi chữ, không thêm không bớt. Vị nào muốn sao chép, phải nên y theo phương pháp sao chép kinh điển!”

Quán Kinh Sớ của ngài Thiện Đạo là chỉ nam cho sự vãng sinh Tây Phương, là mắt là chân cho hành giả, bởi vậy, hành giả tu hạnh vãng sinh Tây Phương, phải nên trân kính!

Trong đây mỗi đêm mộng thấy một vị tăng đến chỉ dạy phần Huyền Nghĩa, vị tăng đó có thể là Đức Phật A Di Đà. Nếu vậy, quyển Sớ này có thể gọi là “A Di Đà Truyền Sớ ”, vả lại, đời Đường tương truyền rằng ngài Thiện Đạo là hóa thân của Đức A Di Đà, nếu vậy, quyển Sớ này lại có thể gọi là “A Di Đà Trực Thuyết Sớ ”. Ở trên nói: “Muốn sao chép, phải nên y theo phương pháp sao chép kinh điển”, đây là lời thành thực.

Ngước tìm bổn địa, Ngài là Pháp Vương của Bốn mươi tám nguyện, nói mười kiếp thành Phật, quyết định nương tựa câu Niệm Phật.

Cúi hỏi thùy tích, Ngài là Đạo Sư của Chuyên tu Niệm Phật, giảng tám muôn chánh thọ, không chút nghi ngờ sự Vãng sinh.

Bổn môn, tích môn tuy khác, nhưng sự giáo hóa dẫn đạo thì giống nhau.

Bần đạo (Pháp Nhiên) đã đọc kỹ quyển Sớ này, tuy chỉ hiểu sơ sài vài ý chính, liền vội xả bỏ các tạp hạnh khác, quy tâm Niệm Phật. Từ đó đến nay, hoặc tự mình tu tập, hoặc dạy bảo người khác, cũng chỉ là một hạnh Niệm Phật. Như vậy đối với người đến hỏi đạo, chỉ bày cho họ tu hạnh vãng sinh, còn như đối với người khế cơ, dạy bảo cho họ công hạnh Niệm Phật. Phần đông đều tin theo, nhưng vẫn có một số ít không tin.

Nên biết:

Giáo lý Tịnh Độ, thích ứng thời cơ mà phát triển,

Công hạnh Niệm Phật, tùy theo thời tiết mà đổi thay.

Bần đạo tuy không cầu sự cung kính, nhưng cũng không có cách nào từ chối sự yêu cầu của đại chúng, bèn gom góp, chỉnh lý những lời dạy quan yếu thành tập sách này, thuật lại một cách dư thừa những yếu nghĩa Niệm Phật. Vả lại, bần đạo do vì chỉ chiếu cố đến lời chỉ thị của hai Đức Như Lai, mà quên đi kiến thức hủ lậu của mình, đây cũng là một điều rất ư là “không tự biết hổ thẹn”, hy vọng các bậc cao nhân sau khi xem xong, đem chôn kín vào góc tường, đừng để rơi rớt trước sân, e rằng có những kẻ phá pháp, nhân đây sẽ đọa vào ác đạo ./.

(Trích tuyển trạch bổn nguyện niệm phật - Pháp Nhiên Thượng Nhân)


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.135 khách