Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

201. TÍCH CHUYỆN CÁC NGƯỜI NGOẠI ĐẠO
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến các người ngoại đạo.

Thuở ấy, các du sĩ ngoại đạo khi đi khất thực, thường có lời tán thán công đức các thí chủ. Sau khi nhận thực phẩm, họ thường nói: "Nguyện cho thí chủ được may mắn, giàu sang và sống lâu!" Trong khi đó, các vị tỳ kheo tuân theo lời Phật dạy, lặng lẽ nhận tặng phẩm mà chẳng nói lên lời chúc tụng nào. Dân chúng thích được nghe lời khen ngợi việc bố thí, nên bắt đầu bàn tán, so sánh hai thái độ đi khất thực và có phần thiên về phiá ngoại đạo.

Khi đức Phật được biết sự việc đó, Ngài cho phép các tỳ kheo, sau khi thọ thực nơi nhà các tín chủ, thì hồi hướng công đức họ đã bố thí đến cho gia đình của họ. Bấy giờ các du sĩ ngoại đạo lại chỉ trích, cho rằng các tỳ kheo đã lắm lời, nói dông dài, chẳng bằng họ là người biết giữ đúng hạnh tĩnh mặc của các bực Mâu Ni. Đức Phật mới bảo các vị tỳ kheo: "Nầy chư tỳ kheo, có nhiều kẻ giữ im lặng, chỉ vì họ nhút nhát và ngu dốt, cũng có kẻ chẳng chịu nói ra để chia xẻ sự hiểu biết thâm sâu của họ với kẻ khác. Như thế, chẳng phải vì im lặng mà trở thành một bực Mâu Ni. Chỉ xứng danh là bực Mâu Ni, người nào biết im lặng khi đã hoàn toàn khắc phục được mọi điều ác".

Rồi đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:
  • Biết nín thinh nhưng vẫn ngu si
    Đâu gọi là Mâu Ni tĩnh mặc.
    Như vị cầm cân, cân nhắc
    Chọn lành lánh dữ, bậc Mâu Ni.
    (Kệ số 268)

    Vì lẽ ấy: chọn lành, lánh dữ,
    Người được xưng là bực Thánh hiền.
    Nội, ngoại giới ai thông suốt đủ,
    Danh vị Mâu Ni xứng đáng liền.
    (Kệ số 269)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ngoại đạo: Ngoại = ngoài. Chữ ngoại đạo trong Phật học dùng để chỉ các tôn giáo khác với đạo Phật, ở ngoài đạo Phật.

- Du sĩ: Du = đi đó đây; Sĩ = người. Du sĩ, ở đây, chỉ các vị tu hành ẩn cư, chẳng có nơi ở nhứt định, đi đó đây để khất thực.

- Tán thán: Khen ngợi.

- Thí chủ: Người bố thí; còn gọi là thí giả.

- Thiên: Thiên vị, nghiêng về một bên.

- Hồi hướng: Hồi = quay trở lại; Hướng = nhắm vào. Hồi hướng công đức là nguyện đem công đức tu hành của mình mang phước báo hướng đến cho ai.

- Tĩnh mặc: Tĩnh = yên-lặng; Mặc = nín thinh. Chữ tĩnh mặc dùng để dịch chữ Phạn Muni, bực tĩnh lặng, đã diệt trừ mọi điều ác.

- Cầm cân cân nhắc: Nghĩa bóng, chỉ sự phán đoán thiện ác rành rẽ

- Nội, ngoại giới: Nội = bên trong; Ngoại = ngoài; Giới = cảnh giới. Ở đây chữ nội giới chỉ vào thân tâm năm uẩn của chính mình, còn ngoại giới là thân-tâm năm uẩn của kẻ khác, ở bên ngoài.
B. NGHĨA ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc các du sĩ ngoại đạo chỉ trích khất sĩ Phật giáo nói dài dòng khi hồi hướng công đức đến các thí chủ, cho rằng các khất sĩ chẳng biết giữ hạnh tĩnh mặc của bực Mâu Ni. Đức Phật dạy, muốn xứng danh là bực Mâu Ni (= tĩnh mặc), chẳng phải chỉ im lặng suông, mà trong tâm phải diệt hết mọi điều ác.

Ý nghĩa của Tích chuyện là phải biết lúc nào nên im lặng, lúc nào nên nói, trong tâm thanh tịnh phân biệt rõ ràng điều lành và việc ác.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 268 và 269:

Hai bài Kệ phân biệt sự tĩnh mặc (giữ im lặng đúng lúc) của bực Mâu Ni, với sự nín thinh vì dốt nát hay vì làm hiểm chẳng muốn chia xẻ sự hiểu biết của mình với kẻ khác. Ngoài ra, riêng bài Kệ sau còn dạy những đức tánh của bực Mâu-ni:
  1. Chọn lành lánh dữ.
  2. Thông suốt cả nội và ngoại giới (= hiểu rõ thân tâm năm uẩn của mình và của kẻ khác).
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

202. TÍCH CHUYỆN NGƯỜI ĐÁNH CÁ TÊN THÁNH HIỀN
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một người đánh cá, mang tên là Thánh Hiền.

Thuở ấy có một chàng thanh niên làm nghề đánh cá, có tên là Thánh Hiền. Hôm ấy, Đức Phật quán thấy đã đủ cơ duyên cho người đánh cá ấy chứng đắc được sơ quả, mới cùng các tỳ kheo đi đến bờ sông. Chàng thanh niên nom thấy đức Phật và chư Tăng dừng lại bên bờ, mới buông cần câu, đến gần bên Phật. Đức Phật liền tuần tự hỏi tên mỗi vị tỳ kheo. Tới phiên chàng đánh cá, anh ta liền thưa, tên là Thánh Hiền. Đức Phật bảo: "Bực Thánh hiền đâu có sát hại sanh mạng chúng sanh; anh làm nghề đánh cá, giết hại mạng sống của loài cá, sao xứng được cái tên Thánh hiền nầy!"

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà chàng thanh niên đánh cá chứng được quả vị Tu đà hườn:
  • Còn gây thương tổn cho chúng sanh,
    Sao được gọi bực lành Hiền Thánh?
    Chẳng sát hại mọi loại hữu tình,
    Mới xứng danh là bực Hiền Thánh.
    (Kệ số 270)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Thánh Hiền: Tên của người đánh cá nầy, dịch chữ Pali là Ariya. Theo nghĩa chuyên môn trong Phật học, bực Hiền gồm ba quả vị đầu tiên: Tu đà hườn, Tư đà hàm và A na hàm, còn phải tái sanh; bực Thánh là A la hán, đã giải thoát ra khỏi cảnh sanh tử của Luân hồi.

- Quán thấy đã đủ cơ duyên: Nhìn thấy rõ trong tâm là đã đủ cơ hội tốt cho chàng thanh niên chứng được quả vị.

- Sơ quả: Quả vị đầu tiên, tức là quả vị Tu đà hườn.

- Loài hữu tình: Các sanh vật có mạng sống, có tình cảm, như loài người, loài thú. Trái với hữu tình là vật vô tình, như đất, đá, cát.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản dị: nhơn thấy một chàng thanh niên sống về nghề đánh cá mà lại có tên là "Thánh Hiền", đức Phật bảo, bực Thánh hiền đâu có sát hại sanh mạng chúng sanh. Vì thế, cái tên "Thánh Hiền" kia, chàng thanh niên chẳng xứng mang lấy, vì lẽ nghề đánh cá chẳng đúng với Chánh mạng.

Ngoài ý nghĩa về chữ Thánh hiền là các bực đã chứng quả vị ra, Tích chuyện còn mang thêm ý nghĩa về Chánh mạng. Chánh mạng là một ngành trong Bát Chánh Đạo, con đường đưa người tu hành đến quả vị Thánh. Theo đúng Chánh mạng, ta chẳng nên chọn các nghề gây thương tổn đến chúng sanh, như nghề đánh cá, nghề săn bắn, nghề chế tạo võ khí giết người, nghề mãi dâm, nghề nấu và bán rượu, cùng các chất độc, chất ma túy.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 270:

Ý nghĩa bài Kệ rất rõ ràng: bực Thánh hiền, vì lòng Từ bi, chẳng hề gây thương tổn đến chúng sanh.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

203. TÍCH CHUYỆN CÁC TỲ KHEO TỰ MÃN
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến các vịtỳ kheo tự mãn.

Thuở ấy, ở chùa Kỳ Viên có một số các vị tỳ kheo tu tập đạt được các kết quả khả quan. Có vị giữ đúng giới luật thật thanh tịnh; có vị theo hạnh đầu đà rất khắc khổ; có vị chứng được thiền định; có vị đã đắc được quả vị A na hàm. Họ thường nghĩ rằng, đã thành công trong việc tu tập như thế, họ dễ thừa sức để đạt được quả vị A la hán, trong một tương lai rất gần đây. Họ cùng nhau đến yết kiến đức Phật và nói lên ý nghĩ đó.

Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ kheo, chẳng phải vì đã giữ giới đức thanh tịnh, chẳng phải vì đã đắc được định tâm, chẳng phải vì theo đúng hạnh đầu đà, chẳng phải vì chứng đắc quả vị A na hàm, mà người tu hành có thể xem đó là đã đầy đủ rồi sanh ra tự mãn, để nghĩ lầm rằng, chẳng còn khó nhọc chi để chứng được đạo quả A la hán. Nếu còn chưa diệt hết các lậu hoặc, tự mãn còn đó, thì chưa thể nào chứng được quả vị Thánh A la hán".

Rồi đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó mà các tỳ kheo bỏ được lòng tự mãn, tinh tấn tu tập hơn nữa và chứng quả A la hán:
  • Chẳng phải vì trì giới nghiêm túc,
    Chẳng phải do kiến thức thật cao,
    Chẳng phải vì thiền định thâm sâu,
    Chẳng phải do sống xa trần tục,
    Mà có thể tự mãn:
    "Ta nay hưởng phước hạnh viễn ly
    Mà các phàm phu làm gì hưởng được!"
    Tỳ kheo! Chớ xao lãng
    Kiên trì diệt lậu hoặc cho xong.
    (Kệ số 271 và 272)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Tự mãn: Tự = chính mình; Mãn = đầy đủ. Lòng tự mãn thường tự cho là mình đã được đầy đủ đức tánh tốt, thiếu sự hăng hái buổi đầu.

- Hạnh đầu đà: Đầu đà = phiên âm chữ Pali là Dhūtanga, lối tu theo một kỷ luật thật khắt khe, như chỉ mặc áo may bằng vải vụn lượm được, chỉ ăn đồ ăn xin được, mỗi ngày một bữa trưa mà thôi, từ sáng đến tối, chỉ đứng, ngồi chớ chẳng nằm, sống nơi gò mả, dưới cội cây. Vị đại đệ tử giỏi nhứt về hạnh đầu đà là Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), người sau nầy kế vị đức Phật điều khiển Giáo hội.

- A na hàm: Quả vị thứ ba, tiếng Pali là Anāgāmi, có nghĩa là chẳng tái sanh lại nơi cõi người nữa, dịch là Bất Lai.

- Thiền định, Định tâm: Trong khi ngồi Thiền, tâm lắng đọng, chẳng đi lang thang, chú tâm vào đề tài thiền quán, chẳng lo ra.

- A la hán: Quả vị thứ tư, cao nhứt, đã diệt được hết tất cả lậu hoặc, phiền não, chứng được vô sanh (= chẳng còn tái sanh trong vòng Luân hồi nữa), tự tại trong cảnh giới Niết Bàn an lạc, vắng vẻ.

- Nghiêm túc: Nghiêm = nghiêm trang; Túc = đầy đủ. Nghiêm túc là đầy đủ đàng hoàng.

- Kiến thức: Kiến = thấy; Thức = hiểu biết rõ. Kiến thức là sự thông hiểu; ở đây, nói đến sự thông thạo rõ ràng về Chánh pháp.

- Sống xa trần tục: Sống nơi vắng vẻ, xa người đời; bốn chữ nầy trỏ vào hạnh đầu đà nói trong Tích chuyện.

- Hạnh viễn ly: Hạnh = đức hạnh; Viễn = xa; Ly = lìa. Hạnh viễn ly là đức tánh xa lìa mọi tham muốn, dứt bỏ mọi thú vui vật chất, dẹp xong mọi ràng buộc, tâm được tự tại. Ở đây, hạnh viễn ly nói đến bực A la hán, dứt được mọi phiền não, sống an vui, tự tại.

- Kiên trì: Kiên = cứng cỏi; Trì = giữ vững. Kiên trì là bền chí, giữ vững, chẳng hề thoái lui.

- Lậu hoặc: Xin nhắc lại: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = điều sai lầm, sái quầy, xấu ác, như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Các lậu hoặc (tiếng Pali là āsava) khởi lên trong tâm, rỉ chảy ra ngoài, bộc lộ thành hành động sai lầm hay bằng lời nói thô ác.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một nhóm tỳ kheo tu hành được kết quả khả quan, nên sanh lòng tự mãn. Đức Phật dạy, dầu cho giữ giới, trì pháp, thiền định, theo hạnh đầu đà, chứng quả A na hàm, đã dược kết quả tốt, cũng chớ nên sanh lòng tự mãn, vì mục tiêu chứng quả vị Thánh, A la hán, đòi hỏi người tu hành phải dứt hết mọi lậu hoặc, mà lòng tự mãn chính là một lậu hoặc còn sót lại đó.

Ý nghĩa của Tích chuyện khuyên ta đừng bao giờ nên sanh lòng tự mãn, thấy có kết quả tốt, đã cho là đủ rồi, mà chẳng cố gắng thêm hơn lên để sớm đạt được mục tiêu. Lòng tự mãn, bắt nguồn từ sự tự kiêu, xem mình nay đã khá lắm rồi, nên chẳng còn giữ được sự nỗ lực lúc ban đầu nữa; vì có sự lơ là, xao lãng khiến ta chẳng tiến bộ thêm.

Nên để ý, chớ lẫn lộn lòng tự mãn là một nết xấu, với sự tri túc là một đức tánh tốt, đáng quí. Tri túc là biết đủ (tri = biết; túc = đủ). Kẻ tự mãn cho rằng đức tánh tốt của mình đã quá đủ, chẳng cần cố gắng hơn lên thêm nữa làm gì. Còn người tri túc thì chẳng đòi hỏi thêm gì nữa cho mình, vì mình nhận thấy nhu cầu nơi mình đã thỏa mãn vừa đủ. So sánh hai người, một bên tự mãn thì tự đánh giá mình qua cao, vì thế sanh ra kiêu căng; còn một bên tri túc, biết tự chế sự ham muốn của mình chẳng cho đi quá mức.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 271 và 272:

Hai bài Kệ nhập chung lại thành một bài, khuyên ta chớ nên sanh lòng tự mãn, phải luôn luôn nỗ lực, kiên trì dẹp cho xong mọi lậu hoặc để chứng quả vị A la hán.

Thử phân tách từng câu bài Kệ nầy:
  1. Chẳng phải vì trì giới nghiêm túc: Đây chẳng phải bài Kệ chê việc trì giới, mà bài Kệ muốn nói rằng trì giới còn chưa đủ, chớ nên tự mãn. Trì giới để được định tâm, rồi nhớ tâm an định mà trí huệ mới phát triển, sớm đến nơi giác ngộ và giải thoát.
  2. Chẳng phải do kiến thức thật cao: Đây chẳng phải bài Kệ chê kiến thức về đạo pháp; trái lại, biết suông chưa đủ, chớ tự mãn, phải đem sự hiểu biết ra ứng dụng tu hành trên bản thân mình nữa.
  3. Chẳng phải vì thiền định thâm sâu: Đây chẳng phải bài Kệ chê việc thiền định; trái lại, thiền định giúp cho trí huệ phát triển, thấy rõ con đường giác ngộ và giải thoát, chớ chẳng nên tự mãn, thấy thân tâm được an lạc rồi cho là đủ, bám vào cảnh ấy mà trì trệ.
  4. Chẳng phải do sống xa trần tục: Đây chẳng phải bài Kệ chê hạnh đầu đà; trái lại, biết xa lìa các thú vui vật chất còn chưa đủ, phải tận diệt bên trong các mầm mống lậu hoặc còn sót lại, chớ tự mãn mà lơ là, quên mất mục tiêu giải thoát.
  5. Mà có thể tự mãn: "Ta nay hưởng phước hạnh viễn ly, mà các phàm phu làm gì hưởng được": Đây là lời cảnh cáo, hạnh viễn ly đem lại phước báo, sống tự tại, nhưng chớ tự mãn, cho rằng mình đã hơn kẻ phàm phu, đó là ngã mạn, còn xem mình là hơn kẻ khác.
  6. Tỳ kheo! Chớ xao lãng, Kiên trì diệt lậu hoặc cho xong": Đây là lời kêu gọi khẩn thiết, phải bền chí, dõng mãnh diệt các lậu hoặc còn sót lại trong tâm, nhứt là lòng tự mãn.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

XX. PHẨM ĐAO

204. TÍCH CHUYỆN CÁC TỲ KHEO BÀN VỀ ĐƯỜNG ĐI
Tích chuyện giống với Tích chuyện số (33).

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến các vị tỳ kheo bàn luận cùng nhau về các con đường đã trải qua.

Thuở ấy, sau chuyến du hành theo đức Phật đi hoằng pháp ở các làng mạc trở về, vào buổi chiều, các tỳ kheo tụ tập nhau, bàn luận về các đoạn đường đã trải qua, khi xuyên qua các làng mạc. Người nói đoạn đường nầy gồ ghề, kẻ bảo đoạn đường kia bằng phẳng. Có vị khen khúc lộ nầy trống trải dễ đi, có vị chê khúc lộ kia trơn trợt dễ té. Bấy giờ đức Phật vừa đi ngang qua đó, nghe lời bàn luận của các tỳ kheo, Ngài mới dạy rằng: "Nầy chư tỳ kheo, các đoạn đường mà các vị đang bàn nhau đó là những đoạn đường ở bên ngoài thân tâm. Sao chư tỳ kheo lại chẳng lưu tâm đến con đường thánh đạo cùng những việc cần làm để sớm đắc được Đạo và Quả Niết bàn an lạc?"

Rồi đức Phật mới nói lên bốn bài Kệ sau đây:
  • Bát Chánh Đạo quí nhứt mọi đường,
    Lý tột cao là Tứ Diệu Đế.
    Ly tham ái, có pháp nào bằng,
    Loài hai chơn, ai hơn Phật nhãn.
    (Kệ số 273)

    Chỉ đường nầy, chẳng đường nào khác,
    Đưa đến thanh tịnh hoá kiến tri,
    Mau theo đường ấy ngay đi
    Ma quân muốn phá cũng thì chào thua.
    (Kệ số 274)

    Dấn chơn vào bước đường nầy,
    Con người chấm dứt được ngay khổ sầu.
    Ta đã qua cầu, nay chỉ lại
    Lối đi diệt chướng ngại, chông gai.
    (Kệ số 275)

    Các người hãy tự mình nỗ lực,
    Như Lai chỉ là bực dẫn đường.
    Thực hành thiền định cho thường,
    Thoát vòng kiềm tỏa Ma vương buộc ràng.
    (Kệ số 276)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Đạo: Tiếng Hán Việt, có hai nghĩa chánh:
  • (1) Con đường;
    (2) Đường lối tu hành, tôn giáo.
Trong bài nầy, nhơn nói về các con đường bên ngoài mà bước chơn ta trải qua, đức Phật nói đến con đường đưa ta ra khỏi vòng sanh tử khổ sở của Luân hồi.

- Thánh đạo: Đường lối tu hành đưa đến quả vị Thánh, thoát khỏi khổ đau của Luân hồi sanh tử. Đó là Bát Chánh đạo.

- Đạo và Quả: Đạo = đường lối tu hành, việc cần làm, điều cần tránh, để chứng được quả vị. Tiếng Pali là Magga. Quả là kết quả tốt của việc tu tập thành công, tức là quả vị. Tiếng Pali là Phala.

- Bát Chánh Đạo: Bát = tám; Chánh = chơn chánh, đứng-đắn; Đạo = đường lối tu-tập. Bát Chánh Đạo gồm có:
  • (1) Chánh kiến (= thấy biết đúng đắn),
    (2) Chánh tư duy (= suy-nghĩ đứng đắn),
    (3) Chánh ngữ (= lời nói đứng đắn),
    (4) Chánh mạng (= lối sanh sống đứng đắn),
    (5) Chánh nghiệp (= sự nghiệp đứng đắn),
    (6) Chánh tinh tấn (= nỗ lực đứng đắn),
    (7) Chánh niệm (= ý tưỏng đứng đắn),
    (8) Chánh định (= tâm an định đứng đắn).
- Tứ Diệu Đế: Tứ = bốn, Diệu = nhiệm mầu; Đế = Chơn lý. Tứ Diệu Đế hay bốn Chơn lý nhiệm mầu gồm có:
  • (1) Khổ đế, đời là Khổ;
    (2) Tập đế, nguyên nhơn gây ra Khổ là sự tham ái;
    (3) Diệt đế, sự chấm dứt hết mọi Khổ, tức là Niết bàn;
    (4) Đạo đế, con đường Thánh đưa đến sự chấm dứt Khổ, tức là Bát Chánh Đạo.
- Ly tham ái: Ly = lìa; Tham = ham muốn quá chừng; Ái = thương, thích. Ly tham ái là cắt bỏ lòng tham muốn, nhứt là sự bấu víu vào các thú vui của đời sống trong vòng lẩn quẩn của Luân hồi.

- Phật nhãn: Phật = giác, hiểu rõ cùng tột; Nhãn = con mắt. Tiếng Phật nhãn ở đây chỉ người có sự hiểu-biết, nhìn thấy được mọi vật một cách cùng tột.

- Thanh tịnh hoá Kiến tri: Thanh tịnh hoá = làm cho trong sạch lên; Kiến tri: Kiến = thấy; Tri = biết; Kiến tri là sự hiểu biết, thấu rõ.

- Ma quân, Ma vương: Nghĩa bóng là sự cám dỗ, thúc dục ta phải làm đìều ác

- Chướng ngại: Điều ngăn trở, gây khó khăn.

- Kiềm tỏa: Kiềm = cây kềm; Tỏa = ống khoá. Kiềm tỏa dùng theo nghĩa bóng, chỉ sự ràng buộc.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản dị: Nhơn các tỳ kheo bàn luận về các con đường đất đã đi qua, Đức Phật dạy các tỳ kheo nên nghĩ đến con đường tu hành để chứng quả vị Thánh. Đó là con đường Bát Chánh đạo, nói trong Tứ Diệu Đế.

(2) Ý nghĩa của bốn bài Kệ số 273, 274, 275 và 276:

Cả bốn bài Kệ đều nói về con đường Thánh đạo, Bát Chánh Đạo, đưa người tu hành đến quả vị Thánh, thoát vòng Luân hồi.
  1. Kệ số 273 nêu ra bốn điều cao tột: Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Ly tham ái và Phật nhãn. Nhờ biết đi theo con đường Thánh, lìa xa tham ái, chứng được Phật nhãn, nhìn biết tất cả muôn sự vật, muôn loài, nên giác ngộ được Chơn lý và giải thoát khỏi Luân hồi.
  2. Kệ số 274 nói rõ Bát Chánh đạo là con đường duy nhứt làm cho thân tâm trở nên thanh tịnh, chẳng có Ma quân nào cám dỗ được cả.
  3. Kệ số 275 cho biết, con đường đó Đức Phật đã trải qua; Ngài vượt qua hết mọi chông gai cản trở, nay chỉ lại cho ta, để chấm dứt hết mọi khổ đau, khỏi phải tái sanh trong vòng Luân hồi lận đận.
  4. Kệ số 276 nhắc nhở mọi người phải tự mình nỗ lực lấy, siêng thực hành việc thiền định, để thoát khỏi mọi sự cám dỗ của Ma vương. Phải tự mình nỗ lực lấy, mau dấn bước theo con đường Bát Chánh đạo, chẳng nên chờ mong sự cứu độ của ai cả, vì Đức Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường đưa lối mà thôi.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

205. TÍCH CHUYỆN CÁC TỲ KHEO QUÁN CHIẾU VỀ VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến ba nhóm tỳ kheo quán chiếu về các chơn lý Vô thường, Khổ và Vô ngã.

Thuở ấy, có ba nhóm tỳ kheo đến yết kiến Phật, để xin đề tài quán chiếu mà thực tập thiền định. Nhóm thứ nhứt được dạy về Vô thường, nhóm thứ hai về Khổ và nhóm thứ ba về Vô ngã. Họ đi vào rừng vắng, tu tập một thời gian. Sau đó, nhiều người chẳng thấy có tiến bộ, trở về trình Phật. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ kheo, các hành đều Vô thường, cứ biến đổi rồi hủy diệt. Tại sao lại hay biến đổi, chẳng thường trụ? Vì bản thể rỗng rang, do nhơn duyên mà hợp, rồi lại vì nhơn duyên mà hủy diệt đi, đó là tính chất Vô ngã. Vì các hành đã Vô thường lại Vô Ngã, chẳng hoàn mãn, nên sanh ra Khổ. Tỳ kheo dùng tuệ giác quán thấy rõ ba tánh chất đó, trở nên nhàm chán sự Khổ đau, sớm theo đường thanh tịnh đạo để mau được giải thoát".

Rồi đức Phật mới nói lên ba bài Kệ sau đây, nhờ đó một số tỳ kheo chứng đắc được quả vị A la hán:
  • Vô thường là tất cả các hành.
    Nhờ tuệ giác, quán chiếu thấy rành,
    Mới sanh nhàm chán niềm khổ não,
    Thanh tịnh đạo liền rảo bước nhanh.
    (Kệ số 277)

    Đau khổ là tất cả các hành.
    Nhờ tuệ giác, quán chiếu thấy rành,
    Mới sanh nhàm chán niềm khổ não,
    Thanh tịnh đạo liền rảo bước nhanh.
    (Kệ số 278)

    Vô ngã là tất cả các hành,
    Nhờ tuệ giác, quán chiếu thấy rành,
    Mới sanh nhàm chán niềm khổ não,
    Thanh tịnh đạo liền rảo bước nhanh.
    (Kệ số 279)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Quán chiếu: Tâm an định và suy nghĩ sâu xa về một đề tài.

- Vô thường: Vô = chẳng; Thường = hằng còn. Vô thường là hay biến đổi, chẳng còn mãi được.Tiếng Pali là Anicca.

- Khổ: Sự khổ đau, sự bất toại nguyện; tiếng Pali là Dukkha.

- Vô ngã: Vô = chẳng; Ngã = Ta, bản thể. Vô ngã là bản thể rỗng rang, chẳng có chi bên trong làm chủ-thể, do nhơn duyên mà tạm có; rồi cũng do nhơn duyên mà hủy diệt đi; tiếng Pali là Anatta.

- Hành: Dịch chữ Sankhāra của Pali; có nhiều nghĩa: Xin xem lại trang 575, 576. Chữ Hành có nghĩa là sự tập hợp, do nhơn duyên mà tạm có, để rồi theo nhơn duyên mà hủy diệt. Lại cùng nghĩa với chữ uẩn (Pali là khandha), trong chữ Hành uẩn. Ở đây, xin hiểu chữ Hành là các sự vật hữu vi, do sự tạo tác mà nên, bị điều kiện hoá, biến chuyển để đi đến hủy diêt. Thí dụ về hành là thân tâm năm uẩn, chẳng thường còn, bị điều kiện hoá, rồi sẽ tan hoại sau nầy.

- Hoàn mãn: Hoàn = tròn, trọn vẹn; Mãn = đầy đủ, hợp ý. Chẳng hoàn mãn, hay là bất toại nguyện, nghĩa là chẳng làm ta vừa ý. Tại sao? Vì chẳng có bản thể bền vững, vì có đó rồi lại mất đó.

- Tuệ giác: Tuệ = trí huệ; Giác = biết; Tuệ giác là khả năng hiểu biết của tâm-trí; Pali: Vipassana Panna, dịch là trí Bát nhã Minh sát.

- Thanh tịnh đạo: Con đường thanh lọc thân tâm; tiếng Pali là Visuddhi Magga.

- Rảo bước: Đi mau.
TÌM HIỂU:

B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện chẳng có gì đặc biệt: các tỳ kheo thực tập quán chiếu về Vô thường, Khổ, Vô ngã, được đức Phật chỉ dạy thêm.

(2) Ý nghĩa của ba bài Kệ số 277, 278 và 279:

Ba bài Kệ nầy rất quan trọng về mặt Giáo lý; cả ba bài khác nhau chỉ có mỗi hai chữ ở câu đầu: Vô thường, Đau khổ và Vô ngã.

Ý nghĩa của ba bài Kệ: vì muôn sự vật đều vô thường và vô ngã, chẳng đem lại sự toại nguyện và ổn cố cho ta, nên chúng gây ra Khổ. Vậy muốn thoát Khổ, phải theo con đường thanh tịnh hóa thân tâm.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

206. TÍCH CHUYỆN TỲ KHEO THI SA LƯỜI NHÁC
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến vị tỳ kheo lười nhác là Thi Sa

Thuở ấy, ở nước Xá Vệ, có hàng trăm thanh niên trẻ tuổi được thâu nhận vào Giáo hội. Tỳ kheo Thi Sa cùng với các bạn vừa mới nhập đạo, đến yết kiến đức Phật và được chỉ dạy một đề tài thiền quán. Họ liền đi vào rừng, tìm chỗ yên tịnh, nỗ lực thực tập, tinh tấn tu hành. Riêng tỳ kheo Thi Sa, tánh tình lười nhác, bê trễ trong việc hành Thiền. Mấy tháng sau, cả đoàn quay về Tịnh xá, tường trình thành quả việc tu học. Đức Phật khen ngợi cố gắng tu-tập của mọi người. Riêng Tỳ kheo Thi Sa đang đứng phía sau, cảm thấy hổ thẹn vì đã lãng phí thời giờ, chẳng đạt được kết quả nào.

Tối hôm ấy, nghĩ đến các bạn đồng tu nay đã chứng được quả vị mà mình vẫn còn dốt nát, Tỳ kheo Thi Sa mới quyết định thức cả đêm nay để tập Thiền. Trong bóng tối chập chờn ngoài sân chùa, Thi Sa bước đi thiền hành, chẳng may vấp ngã, gãy xương mông. Nghe tiếng kêu cứu, các vị tỳ kheo khác chạy đến đỡ Thi Sa vào trong. Khi nghe kể lại sự việc, đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ kheo, chẳng nỗ lực khi đang cần nỗ lực, lại bê trễ lãng phí thì giờ, nay dầu có gắng sức nhiều trong một lúc, cũng chẳng thể nào chứng được định tâm".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Chẳng nỗ lực khi cần gắng sức;
    Sức khoẻ nhiều và vẫn trẻ trung;
    Tánh lười, trí lại lông bông,
    Chánh đạo, đừng hòng kẻ ấy tìm ra.
    (Kệ số 280)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Thi Sa: Tên vị tỳ kheo nầy, tiếng Pali là Tissa.

- Lười nhác: Làm biếng, biếng nhác.

- Nhập đạo: Nhập = vào; Nhập đạo là bước vào Đạo để tu hành.

- Đề tài thiền quán: Một đầu đề để suy nghĩ sâu xa khi ngồi Thiền.

- Đi thiền hành: Bước chầm chậm, tâm trí chú vào đề tài Thiền.

- Tường trình thành quả: Thuật lại rõ các kết quả tốt đẹp.

- Định tâm: Định = an định; Tâm = lòng. Khi hành Thiền, tâm dừng lại, chẳng lo ra, trí suy nghĩ sâu xa về đề tài thiền quán.

- Lông bông: Đi lang thang, vơ vẩn.

- Chánh đạo: Chánh = Chơn chánh, đứng đắn; Đạo = đường lối tu.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại một vị tỳ kheo, trong thời gian khoá thiền trong rừng, thì tỏ ra lười biếng, bê trễ việc tu tập. Khi trở về Tịnh xá, thấy Đức Phật khen ngợi thành quả của bạn đồng tu, vị ấy mới sanh ra hổ thẹn, quyết cố gắng tu tập suốt đêm, chẳng may bị trợt té gãy xương, trong khi đi thiền hành. Đức Phật dạy, phải cố gắng siêng năng, khi cần phải nỗ lực trong các khoá tu; dầu nỗ lực thật nhiều trong một thời gian ngắn, cũng chẳng chứng được định tâm.

Ý nghĩa của Tích chuyện là: Khi có đủ điều kiện để tu hành, cần nên gắng sức trong thời gian đó, thì có kết quả tốt; đừng đợi đến giờ phút chót mới nỗ lực, thì chẳng đạt được kết quả tốt.

Học sinh nên ứng dụng: Suốt năm phải chăm chỉ học hành, đừng đợi sắp đến ngày thi, mới thức khuya, học rút, sao cho kịp được.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 280:

Bài Kệ nêu rõ ý nghĩa của Tích chuyện kể trên: Khi có đủ điều kiện để tu tập, phải nỗ lực cho tinh tấn, đừng để khi tuổi trẻ và sức khoẻ đã đi qua rồi, mới bắt đầu dụng công gấp gấp, thì chẳng được kết quả mong muốn.

Thử phân tách từng câu bài Kệ:
  1. Chẳng nỗ lực khi cần gắng sức: Khi đủ điều kiện để tu tập, phải gắng sức vào lúc đó, chớ bỏ qua cơ hột tốt;
  2. Sức khoẻ nhiều và vẫn trẻ trung: Đây là hai điều kiện rất thuận tiện để tu hành; chớ chờ lúc già, sức yếu mới tu, chậm mất;
  3. Tánh lười, trí lại lông bông: Hai điều kiện bất lợi cho việc tu.
  4. Chánh đạo, đừng hòng kẻ ấy tìm ra: Chẳng thể nào, trong điều kiện lười và lông bông mà tìm thấy được con đường Thánh đạo.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

207. TÍCH CHUYỆN NGẠ QUỈ ĐẦU HEO, MÌNH NGƯỜI
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại tịnh xá Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một ngạ quỉ đầu heo mình người.

Thuở ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên đang cùng một vị Trưởng lão, từ trên đỉnh núi Linh Thứu đi xuống, bỗng Tôn giả nhìn lên, mỉm cười mà chẳng thốt lên lời nào. Đến khi về đến tịnh xá, Tôn giả trình cùng đức Phật, dọc đường có nhìn thấy một ngạ quỉ đầu heo mình người, miệng bị nhiều dòi, bọ cắn xé, đang rên xiết đau đớn. Đức Phật bảo, khi Ngài chứng được đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài cũng nhìn thấy ngạ quỉ đó. Rồi đức Phật mới kể lại tiền kiếp của ngạ quỉ đầu heo, mình người đó, như sau:

Vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một vị tỳ kheo rất thông thuộc Chánh pháp, giảng dạy giáo lý rất hay. Trong một chuyến đi du hành, vị ấy đến ngụ tại một tu viện, do hai vị tỳ kheo khác trụ trì. Kể từ ấy, dân chúng trong làng rất hoan nghinh vị tỳ kheo mới, mỗi khi nghe vị nầy nói pháp. Và cũng vì thế mà vị tỳ kheo ấy mới nổi lên trong lòng một ý định xấu, muốn một mình làm chủ ngôi tu viện, và tìm cách đẩy hai vị kia ra khỏi chùa. Mưu kế rất thâm hiểm, ông ta đặt điều xúi dục vị tỳ kheo nầy nói xấu vị kia, khiến cho cả hai cãi nhau, nặng lời cùng nhau, rồi cả hai bỏ đi khỏi chùa. Vì tội ác nói đâm thọc khiến kẻ khác sanh ra thù oán nhau, nên vị tỳ kheo ấy bị sa vào địa ngục Vô gián. Sau khi mãn hạn trong ngục tối, lại tái sanh thành ngạ quỉ, đầu heo, miệng thối, bị dòi bọ cắn xé, để đền nốt tội ác. Đức Phật kết luận: "Tỳ kheo phải giữ tâm thanh tịnh, thận trọng biết tự chế để ba nghiệp thân, miệng, ý thuận theo đường thiện đạo".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Hãy thận trọng giữ gìn lời nói,
    Thu thúc thân tâm khỏi điều tà.
    Nghiệp thanh tịnh đủ cả ba,
    Thánh đạo Phật đà đã dạy, chứng xong.
    (Kệ số 281)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ngạ quỉ: Quỉ đói. Đây là hạng chúng sanh ở một trong ba đường dữ, bụng to mà cổ rất nhỏ, luôn luôn đói khát. Còn được gọi là ngã quỉ; tiếng Pali là Peta.

- Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà: Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), nước Ma Kiệt Đà (Magadha), đóng đô tại thành Vương Xá (Rajāgaha), xây cất tịnh xá trong vườn trúc, dưng cúng Phật. Tînh xá mang tên Trúc Lâm, rừng trúc, tiếng Pali là Veluvana.

- Núi Linh Thứu: Núi nầy gần thành Vương Xá, đỉnh núi trông giống hình chim thứu (= kên-kên), hai cánh xoè ra. Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa tại núi nầy. Tên núi tiếng Pali là Gijjhakūta.

- Đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác: Chứng được Đạo nầy tức là thành Phật, bực đại giác đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.

- Tiền kiếp: Tiền = trước; Kiếp = đời. Tiền kiếp là đời trước.

- Du hành: Du = đi dạo; Hành = đi; các vị tăng đi du hành, chẳng có nơi ở nhứt định, đi tìm thầy học đạo thêm. Còn gọi là du tăng.

- Phật Ca Diếp: Đức Phật Ca Diếp giáng sanh trước Đức Phật Thích ca. Tên tiếng Pali là Kassapa.

- Trụ trì: Trụ = ở yên đó; Trì = giữ gìn. Trong Phật học, chữ Trụ trì dành cho vị sư trưởng cai quản một ngôi chùa.

- Thâm hiểm: Thâm = thâm độc, ác ngầm; Hiểm = nguy hiểm, hiểm ác. Thâm hiểm là ác độc ngầm, ác độc mà dấu kín.

- Nói đâm thọc: Đặt điều ra xúi người nầy nói xấu người kia, khiến cho hai người thù nhau.

- Điạ ngục Vô gián: nơi chịu hình phạt chẳng hề ngưng nghỉ (Vô = chẳng; Gián = gián đoạn, ngưng nghỉ). Tiếng Pali là Avici niraya.

- Tự chế: Tự mình giữ mình chẳng cho làm điều quấy, nói lời ác.

- Thiện đạo: Thiện = lành; Đạo = con đường, lối sống.

- Thu thúc: Chế phục, tự chế, giữ gìn đúng theo kỷ luật; chẳng hề buông lung theo tội ác.

- Thánh đạo: Con đường Thánh, tức là Bát Chánh Đạo.

- Phật đà: Phiên âm chữ Buddha, có nghĩa giác, là hiểu rõ tất cả mọi sự vật; tức là bực đại giác ngộ.

B. NGHĨA Ý:

(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại tiền kiếp của ngạ quỉ đầu heo mình người; vì nói lời đâm thọc, phá sự hoà hợp của hai vị tăng, để dành chức trụ trì, mà một vị tỳ kheo phải sa vào địa ngục và sau đó tái sanh làm ngạ quỉ, miệng hôi thối bị dòi bọ cắn xé. Đức Phật khi kể lại sự tích, khuyên ta phải biết giữ gìn lời nói, thu thúc thân tâm cho ba nghiệp, thân, miệng, ý, được thanh tịnh.

Tích chuyện mang các ý nghĩa sau đây:

  1. Nói lời đâm thọc, phá sự hoà hợp Tăng, bị sa vào địa ngục Vô gián. Trong Kinh, có nói tội ngũ nghịch phải sa vào điạ ngục Vô gián là:

    (a) Giết cha,
    (b) Giết mẹ,
    (C) Giết A la hán,
    (d) Phá hoà hợp Tăng,
    (e) Làm chảy máu Phật.

    (Ngũ nghịch = năm điều trái nghịch).
  2. Vì miệng nói lời đâm thọc, nên kiếp nầy miệng ngạ quỉ hôi thối, bị dòi bọ cắn xé. Trong Kinh, kể ra bốn tội ác do lời nói chẳng ngay thẳng, chẳng đoan chánh gây ra:

    (a) Nói dối, sai sự thật;
    (b) Nói khéo, dùng lời ngon ngọt để xúi dục, dụ dỗ;
    (c) Nói lưỡi đôi chiều, nói đâm thọc để gây chia rẻ, thù oán;
    (d) Nói lời vô nghĩa, ngồi lê đôi mách, kháo nhau chuyện hàng xóm.
(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 281:

Bài Kệ mang hai ý nghĩa:

  1. Lời nói phải đứng đắn;
  2. Phải giữ ba nghiệp thân, miệng, ý cho thanh tịnh.

    (a) Hãy thận trọng giữ gìn lời nói: đây là lời khuyên dạy ta phải suy nghĩ cho chín chắn trước khi mở lời.
    (b) Thu thúc thân tâm khỏi điều tà: lời dạy nầy gồm có hai việc:

    • - Thu thúc thân, tức là đừng có hành động sái quấy;
      - Thu thúc tâm, tức là chẳng có ý nghĩ xấu ác.
  3. Nghiệp thanh tịnh đủ cả ba: Ba nghiệp nào? Đó là hành động của thân, lời nói của miệng và ý tưởng của tâm.
  4. Thánh đạo Phật đà đã dạy, chứng xong: Câu nầy có vẻ khúc mắc, xin đọc lại cho suông: (...Nếu giữ ba nghiệp thanh tịnh) thì đã chứng xong được Con đường Thánh đạo (tức là Bát Chánh Đạo) của đức Phật đã dạy.

Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

208. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO PHỔ THI LA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến Trưởng lão Phổ Thi La.

Trưởng lão Phổ Thi La là một vị tỳ kheo lớn tuổi, rất thông thạo Tam Tạng Kinh điển, làm giáo thọ dạy Chánh pháp cho chư Tăng. Vì thông hiểu giáo pháp nhiều, nên Trưởng lão mới sanh lòng tự phụ. Quán-thấy tâm địa đó của Trưởng lão Phổ Thi La, đức Phật biết ông nầy chẳng siêng năng thực tập và chưa đắc được đạo quả, cũng chưa chứng được bực Thiền nào cả. Ngài dùng phương tiện, mỗi khi ông Phổ đến đảnh lễ, Ngài gọi ông Phổ là "vị tỳ kheo vô dụng". Nghe đức Phật gọi mình như thế, ông Phổ rất hổ thẹn, nhìn lại bên trong tâm mình, thấy quả thật mình còn chưa tu tập đúng mức để áp dụng trên bổn thân, và sự hiểu biết giáo lý của mình quả là vô dụng.

Lặng lẽ, ông Phổ bỏ ra đi, đến một tu viện nhỏ, cách chùa Kỳ Viên hơn hai mươi do tuần, có ba mươi vị tăng tu tập, để xin vào học Đạo. Trước hết, ông Phổ xin vị sư trưởng chỉ dạy Thiền cho mình. Vị nầy từ chối, bảo hãy đến nhờ vị sư phó. Vị sư phó cũng chẳng nhận, bảo hãy đến vị thứ ba. Bị đẩy lần lượt như thế, sau cùng Trưởng lão phải đến gặp một chú Sa di bảy tuổi. Vị Sa di bằng lòng chỉ dạy cách thực tập Thiền định cho, nhưng với điều kiện là ông Phổ phải tuân theo thật kỹ lưỡng mọi chỉ thị. Ông Phổ vâng lời, nỗ lực quán chiếu ngày đêm về bản thể chơn thật của thân tâm năm uẩn, ngồi Thiền, đi Kinh hành rất nhiệt thành và tinh tấn. Chẳng bao lâu, Trưởng lão đắc được định tâm, lần lượt chứng được bốn bực Thiền. Bấy giờ đức Phật và chư Tăng đi du hành đến đó, thấy nỗ lực tu tập của Trưởng lão, Ngài khen ngợi ông Phổ, khuyên nên cố gắng mãi lên như thế.

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Trưởng lão Phổ Thi La chứng được đạo và quả A la hán:
  • Thật vậy, thiền định sanh trí huệ,
    Chẳng hành thiền, trí huệ mờ phai.
    Biết đường hai ngõ, tăng cùng tệ,
    Hãy cố sao trí huệ tăng hoài.
    (Kệ số 282)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Phổ Thi La: Tên vị Trưởng lão nầy, tiếng Pali là Potthila.

- Tam Tạng Kinh điển: Tất cả giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy, đựng chung thành ba giỏ (Tam tạng: Tipitaka; Tam = ba; Tạng = cái giỏ đựng kinh sách), gồm:
  • (1) Luật tạng (Vinaya Pitaka), nói về giới luật,
    (2) Kinh tạng (Suttanta Pitaka), nói về giáo lý ghi trong Kinh Kệ, và
    (3) Luận tạng (Abhidhamma Pitaka), nói về các bài luận giải về giáo lý.
- Giáo thọ: Vị thầy dạy giáo lý cho các tỳ kheo.

- Tự phụ: Tự = chính mình; Phụ = cậy giỏi; Người tự phụ là kẻ cậy mình giỏi, hay khinh kẻ khác chẳng bằng mình.

- Tâm địa: Tâm = lòng; Điạ = đất. Tâm địa là tâm trạng, bên trong tấm lòng tốt, xấu như thế nào.

- Đạo, Quả: Đạo = đường lối tu hành; Quả = kết quả tu tập thành công. Thí dụ: đạo Tu đà hườn là những đường lối tu tập để diệt thân kiến, nghi ngờ và mê tín dị đoan; quả tu đà hườn là kết quả chứng được khi bỏ sự chấp thân nầy làm Ta, hết nghi ngờ về Phật pháp, bỏ dứt các sự cúng tế theo tà giáo. Tiếng Pali: Magga là Đạo; Phala là Quả. Có bốn đạo và bốn quả trong hàng Thanh văn: Tu đà huờn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán.

- Bực Thiền: Tu thiền lần lượt chứng được bốn cấp: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

- Phương tiện: Cách thức khéo, dùng để đạt mục đích. Ở đây, đức Phật dùng phương tiện nói khích, chê ông Phổ là người vô dụng, để ông ấy biết hổ thẹn mà siêng tu rập, chớ đừng ỷ mình biết nhiều lý thuyết về giáo pháp, mà tâm vẫn còn nhiều lậu hoặc.

- Vô dụng: Vô = chẳng; Dụng = dùng; Vô dụng = vô ích, chẳng biết dùng vào việc gì.

- Đảnh lể: Đến yết kiến, lễ lạy ra mắt.

- Do tuần: Đơn vị đo chiều dài đường xá, vào khoảng hơn một cây số, tiếng Pali là yojana.

- Sư trưởng, Sư phó: Sư = thầy; Trưởng = lớn; Phó = phụ giúp. Sư trưởng là vị sư lớn nhứt; Sư phó là vị sư thứ nhì, phụ giúp Sư trưởng.

- Sa di: Tiếng Pali là Sāmanera, vị tu hành chưa thọ giới tỳ kheo.

- Định-tâm: Định = ổn định, yên; Tâm = lòng. Đắc được định tâm là tâm trở nên an tịnh, chẳng chạy lang thang, dừng yên lại một chỗ.

- A la hán: Quả vị thứ tư, cao nhứt, dẹp hết phiền não, chứng được vô sanh = chẳng còn bị tái sanh trong vòng lẩn quẩn Luân hồi).

- Tăng cùng tệ: Tăng = gia tăng, thêm lên; Tệ = dở hơn, xấu hơn.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một vị Trưởng lão thông kinh kệ, làm thầy dạy giáo lý cho chư Tăng, nhưng chính mình chưa tu tập Thiền định. Thấy vị ấy hay tự phụ, đức Phật nói khích, gọi ông ta là tỳ kheo vô dụng. Ông Phổ bị chạm tự ái, hổ thẹn, biết mình còn kém, đến học Thiền với một chú Sa di bảy tuổi. Nhờ nỗ lực hành Thiền, trí huệ phát triển nên khi nghe Phật nói bài Kệ số 282, ông Phổ chứng được đạo quả A la hán.

Tích chuyện mang hai ý nghĩa sau đây:
  1. Biết nhiều về giáo lý mà chẳng tập Thiền là còn chưa tu, vì cái biết về lý thuyết thật là vô dụng. Phải tu tập trên bản thân, mới biết được con đường giác ngộ và giải thoát.
  2. Lời nói khích của đức Phật, chê ông Phổ là tỳ kheo vô dụng, rất có hiệu quả, khiến ông biết hổ thẹn, xét lại lòng mình mà gắng công tu tập. Đó là lối dạy theo phương tiện, rất khéo, của Phật.
(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 282:

Ý nghĩa bài Kệ thật rõ ràng, học lý thuyết suông chưa đủ, phải thực hành bằng cách tập Thiền.

Thử phân tách từng câu bài Kệ:
  1. Thật vậy, thiền định sanh trí huệ: Đúng theo Tam học: Giới, Định, Huệ; thiền định giúp tâm dừng yên, vẹt được các chỗ che mờ, nhờ đó trí huệ phát triển được.
  2. Chẳng hành thiền, trí huệ mờ phai: Tại sao mờ phai? Vì bị sự ngu tối che mờ tâm đi, trí huệ chẳng có dịp nẩy nở được.
  3. Biết đường hai ngõ, tăng cùng tệ: Tiết rõ hai ngả đường, tốt và xấu, Thiền định là đường làm cho Trí huệ phát sanh lên;
  4. Phải cố sao (cho) trí huệ tăng hoài: Trí huệ càng tăng, càng chóng đến ngày giác ngộ và giải thoát.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

209. TÍCH CHUYỆN NĂM VỊ TỲ KHEO GIÀ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến năm vị tỳ kheo già.

Thuở ấy, ở nước Xá Vệ, có năm người bạn thân nhau, đã lớn tuổi rồi mới đi tu. Hằng ngày, họ thường mang bình bát, trở về nhà cũ để khất thực. Trong các người vợ của năm vị nầy, có một bà tên là Mã Thu, nấu nướng rất khéo léo, nên thực phẩm cúng dường cho các vị tỳ kheo lớn tuổi rất là ngon lành; vì thế, các vị ấy thường đến nhà bà để khất thực. Chẳng may, một hôm bà Mã Thu ngọa bịnh rồi từ trần một cách đột ngột. Năm vị tỳ kheo thương nhớ, lòng rất sầu thảm, thường hay than vãn.

Đức Phật được biết việc đau buồn đó, mới cho gọi các vị tỳ kheo ấy đến và dạy rằng: "Nầy chư tỳ kheo, các ông đau buồn, thương nhớ người đàn bà bất hạnh đó, chẳng qua là trong lòng các ông còn tham luyến thức ăn ngon ngọt, lại thêm sự si mê chẳng biết được lẽ vô thường, rồi sanh ra buồn khổ. Đấy cũng như đang sống trong một khu rừng u tối; phải nên đốn sạch khu rừng ấy đi, để được giải thoát khỏi sự tham luyến, sự sân hận, sự si mê".

Rồi đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó năm vị tỳ kheo lớn tuổi chứng được quả vị Tu đà hƯờn:
  • Đốn rừng "dục vọng", chớ đốn cây,
    Vì cảnh rừng nầy gây sợ hãi.
    Lại đốn cả lùm non "khát ái",
    Tỳ kheo, rừng "ái" thoát ra ngay.
    (Kệ số 283)

    Chừng nào chưa đốn tiệt xong
    Lùm cây "luyến ái" trong lòng nữ nam,
    Chừng ấy, vẫn còn tâm ràng buộc,
    Như bê theo bú vú mẹ bò.
    (Kệ số 284)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Bình bát: Cái chén lớn, như cái nồi nhỏ, đựng thức ăn xin được.

- Mã Thu: Tên bà nầy, tiếng Pali là Madhurapācikā.

- Ngọa bịnh: Ngọa = nằm; Ngọa bịnh là ngã bịnh, bị đau nặng.

- Từ trần: Từ = từ giả; Trần = trần thế, cõi đời. Từ trần là chết đi.

- Bất hạnh: Bất = chẳng; Hạnh = may mắn; Bất hạnh là chẳng may.

- Tham luyến: Tham = ham quá chừng; Luyến = luyến ái, mê đắm. Tham luyến là ham muốn quá nên chẳng rời ra được, mà bị ràng buộc

- Vô thường: Vô = chẳng; Thường = còn hoài; Lẽ vô thường có nghĩa là muôn sự vật đều bị biến đổi rồi tiêu diêt đi. Ở đây, chữ vô thường có nghĩa là sự chết.

- Sân hận: Sân = giận; Hận = hờn, thù.

- Dục vọng: Dục = ham nuốn; Vọng = mong cầu.

- Lùm non: Bụi cây nhỏ.

- Khát ái: Khát = thèm khát; Ái = thương, thích. Đây là tình cảm ràng buộc khiến ta bấu víu mãi vào sự vật ta thích. Khát ái chính là nguyên nhơn của Khổ: trong Tứ Diệu Đế đó là Tập đế.

- Lòng nữ nam: Nữ = đàn bà; Nam = đàn ông; Đây nói về sự thương nhau giữa hai phái nam và nữ.

- : Con bò con.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Ý nghĩa của Tích chuyện là đừng vì luyến ái mà bị ràng buộc. Đức Phật ví sự khát ái như khu rừng u tối, phải dẹp cho sạch hết, mới hết bị ràng buộc mà được giác ngộ và giải thoát.

(2) Ý nghĩa của hai bài Kệ số 283 và 284:

Hai bài Kệ cùng có ý nghĩa là phải dứt bỏ dục vọng và khát ái. Đức Phật dạy phải đốn rừng, là dẹp bỏ sự luyến ái như khu rừng u tối, nhưng ngại các tỳ kheo hiểu lầm, nên Ngài nói rõ thêm: chớ đốn cây. Tình thương là điều tốt, nhưng nếu thương quá, sanh ra tríu mến, bị ràng buộc, nên Ngài dạy phải đốn cho tiệt sự luyến ái giữa trai gái.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

210. TÍCH CHUYỆN CON NGƯỜI THỢ BẠC
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ viên, nước Xá vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến một vị Trưởng lão, vốn là con của một người thợ bạc.

Thuở ấy, có một chàng thanh niên khá đẹp trai, con của một người thợ bạc, được Tôn giả Xá lợi phất nhận làm đệ tử. Tôn giả đem đề tài thiền quán về thân tâm năm uẩn nầy đáng gớm ghiếc ra chỉ dạy cho chàng trai. Chàng thanh niên liền theo lời thầy dạy, đi vào rừng vắng, ngồi thiền và quán chiếu; sau một tuần lễ chẳng thấy có kết quả, chàng trở về thưa lại với thầy. Tôn giả Xá Lợi Phất mới dẫn chàng ta đến yết kiến đức Phật.

Đức Phật nghe nói chàng ta là con của một người thợ bạc, liền đổi đề tài thiền-quán, thay vì quán chiếu về tấm thân gớm ghiếc, Ngài đưa ra một cành sen có bông hoa to lớn, sắc rất đẹp mà hương cũng rất thơm. Ngài bảo đem cắm vào nơi vắng vẻ và vừa nhìn hoa vừa quán chiếu. Chàng thanh niên vâng lời, đem cành sen ra sau vườn, cắm xuống đất cát, rồi ngồi tĩnh toạ, ngắm vẻ đẹp của hoa sen. Từ trong tâm chàng khởi lên một niềm phỉ lạc sâu xa, tồi tuần tự từng bước một, tâm trí chàng tiến lên các bực thiền định.

Từ nơi hương phòng, đức Phật quán thấy sự tiến bộ của chàng trai, Ngài liền dùng sức thần thông, biến cành hoa sen đang tươi nõn, bỗng từ tư héo dần, hương phấn bay lả tả. Tâm trí chàng trai vụt ngộ được lẽ vô thường, muôn sự vật rồi cũng chóng tàn phai và hủy diệt. Sau đó, chàng trai trở vào yết kiến đức Phật và được Phật nói cho nghe bài Kệ sau đây, nhờ đó, chàng chứng được quả vị A la hán:
  • Hãy tự mình cắt dây tham ái,
    Như tay người bẻ hái sen thu.
    Đường Niết Bàn tịch tĩnh siêng tu,
    Như bực Thiện thệ từng chỉ dạy.
    (Kệ số 285)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Tôn giả Xá Lợi Phất: Vị đại đệ tử của đức Phật Thích Ca, nổi tiếng là thông minh bực nhứt; tên tiếng Pali là Sāriputta.

- Thân tâm năm uẩn đáng gớm ghiếc: Vì tấm thân nầy bên trong chứa nhiều chất dơ, sẽ sình thối lên khi tan rả, nên đáng gớm ghiếc.

- Yết kiến: Ra mắt bực trưởng thượng, để được chỉ dạy.

- Tĩnh toạ: Tĩnh = yên tịnh; Toạ = ngồi. Tĩnh toạ là ngồi yên.

- Các bực Thiền định: Khi ngồi Thiền chứng được định tâm, lần lượt vượt qua các bực Thiền thứ nhứt, thứ hai, thứ ba và thứ tư

- Ngộ: Hiểu rõ một cách sâu xa, hiểu thẳng chẳng do lý luận.

- Vô thường: Sự biến đổi, chẳng thường hằng; Pali = Anicca.

- Cắt dây Tham ái: Dứt bỏ sự tham luyến, khát ái.

- Thiện thệ: Tức là đức Phật. Thiện thệ là một trong mười danh hiệu của đức Phật; thiện là khéo; thệ là đi qua cầu; Pali là Sugata.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện cho thấy sự hơn kém giữa Tôn giả Xá Lợi Phất và đức Phật về việc dạy đệ tử. Đề-tài bông sen của Đức Phật hợp với căn cơ của chàng thanh niên trẻ đẹp hơn là đề tài thân bất tịnh. Tại sao? Vì chàng vốn con nhà thợ bạc, thường hay xem các vật đẹp đẽ. Nhờ hợp với căn cơ, chàng trai thực hành Thiền quán và ngộ được lý Vô thường của muôn pháp (= muôn sự vật) trong thời gian ngắn.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 285:

Ý nghĩa bài Kệ rất rõ ràng: Hãy cắt đứt dây tham ái và siêng tu con đường tịch tĩnh của Niết Bàn.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

211. TÍCH CHUYỆN VỊ THƯƠNG GIA ĐẠI NGHIỆP
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến thương gia tên Đại Nghiệp.

Thuở ấy, có một thương gia tên là Đại Nghiệp rất giàu có, đem cả trăm xe bò chở hàng hóa từ thành Ba La Nại đến nước Xá Vệ để bán và đồng thời để dự một cuộc hội hè vui chơi lớn. Đến bờ sông gần thành Xá Vệ, bị nước lũ tràn cả hai bên đường, cả đoàn xe phải dừng lại, chờ ngày nước rút. Sau cả tuần lễ, mưa dầm, nước lại dâng to lên, trễ kỳ đại hội, nên ông Đại Nghiệp định lưu lại đó, chờ bán hết hàng hóa sẽ trở về xứ. Ông nói, ta cứ ở đây hết mùa hè, sang mùa thu, qua mùa đông rồi khi trời ấm áp, đến mùa xuân ta sẽ trở về xứ. Bấy giờ, đức Phật cùng chư Tăng đi khất thực ngang qua đó, nghe ông Đại Nghiệp nói, Ngài mỉm cười. Tôn giả A Nan chẳng hiểu lý do vì sao Ngài lại mỉm cười mới thưa cùng đức Phật. Đức Phật bảo: "Nầy A Nan, ông có nghe thấy vị thương gia đó không? Ông ấy bảo, cứ ở đây hết mùa hè, mùa thu, mùa đông, mà chẳng biết mình sắp chết trong bảy ngày nữa. Những gì cần làm ngay bây giờ, thì phải làm ngay đi; Thần Chết đến, đâu có hẹn ngày giờ trước. Người biết tỉnh giác, dẹp bỏ mọi lậu hoặc, tinh tấn tu hành dõng mãnh, thì dầu chỉ sống thêm một ngày hay một đêm, cũng còn hơn kẻ phóng dật".

Tôn giả A Nan thương tình, đến báo cho thương gia Đại nghiệp biết ông ta sắp chết. Đại Nghiệp nghe qua hoảng hốt, nghĩ mình chưa làm được điều gì có công đức, mới thỉnh đức Phật và chư Tăng đến cúng dường, trai tăng trong bảy ngày. Đến hôm chót, sau khi nghe đức Phật giảng pháp và hồi hướng công đức, ông Đại Nghiệp tiễn chơn đức Phật và chư Tăng một đỗi đường. Khi quay trở về, ông bị nhức đầu như búa bổ, vài giờ sau thì chết.

Trên đường về chùa, đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
  • "Mùa mưa, ta sống ở đây,
    Mùa đông, mùa hạ, cũng ngay nơi nầy".
    Người ngu cứ tưởng là như vậy,
    Đâu ngờ nguy hiểm "chết" chờ đây.
    (Kệ số 286)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Đại Nghiệp: Sự nghiệp lớn, có tiền bạc, tài sản nhiều; dịch chữ Pali là Mahadhana.

- Thương gia: Người buôn bán.

- Ba La Nại: Tên thành phố lớn của Ấn Độ (Bénarès, nay là Vārānasi)

- Tỉnh giác: Tỉnh = chẳng mê; Giác = biết. Người tỉnh giác tâm luôn chú ý, khi nói, làm hay nghĩ điều gì, thì biết rõ mình đang nói, làm, nghĩ về điều đó và chỉ điều đó mà thôi, chẳng lo ra.

- Lậu hoặc: Xin nhắc lại, đó là các phiền não như tham, giận, si mê, nổi lên trong tâm rồi lộ ra bằng lời nói thô ác hay hành động xấu.

- Tu hành tinh tấn: Tu hành siêng năng, có sự tấn bộ.

- Phóng dật: Buông lung, chẳng biết tự kềm chế, lười nhác.

- Trai tăng: Trai = bữa ăn chay; Tăng = tu sĩ Phật giáo. Trai tăng là tiếng nhà chùa, nói đến việc dưng cúng thức ăn, quần áo cho tỳ kheo.

- Hồi hướng: Hồi = quay về; Hướng = nhìn thẳng về phía đó; Hồi hướng = nguyện công đức tu hành của mình sẽ đem lại phước báo cho người mình đang hướng về, đang nghĩ đến.

- Công đức: Việc lành, đem lại phước báo tốt về sau.

- Nguy hiểm "Chết": Mối hiểm nguy đang rình tất cả mọi người, chẳng sót một ai, đó là sự Chết.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một thương gia muốn lưu lại một nơi thật lâu, chẳng biết mình sắp chết, được Đức Phật cho biết, mới tạo công đức cúng dường chư Tăng. Ý nghĩa của Tích chuyện là: Vì Vô thường là sự Chết đang rình chờ mọi người, chẳng biết lúc nào sẽ đến, nên ngay bây giờ, ta phải lo tu tập để sớm được giác ngộ và giải thoát.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 286:

Ý nghĩa bài Kệ rất rõ ràng: Mọi người, bất luận là ai, cũng đều sắp chết cả, vậy phải lo tu hành, tạo phước ngay bây giờ đi; đừng chần chờ rồi sẽ hối tiếc chẳng kịp nữa.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

212. TÍCH CHUYỆN BÀ KỶ SA CƠ
Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (93), trang 299.

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến bà Kỷ Sa Cơ có con bị chết.

Thuở ấy, bà Kỷ Sa Cơ rất đau buồn vì đứa con trai vừa bị chết, đến xin đức Phật cho thuốc cứu sống. Đức Phật bảo, hãy tìm một mớ hột cải ở gia đình nào chẳng hề có người chết, đem về đức Phật sẽ cho thuốc. Hột cải thì có, mà gia đình chẳng người chết thì không. Khi trở lại gặp đức Phật, bà Kỷ Sa Cơ được Phật dạy rằng: "Nầy Kỷ Sa Cơ, bà cứ tưởng chỉ có bà mới mất một đứa con thôi hay sao. Thần Chết đến mọi nhà, chẳng chừa ai, lôi họ đi ngay, trước khi đạt được một sở nguyện nào".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Kẻ nào tâm ý đắm say
    Cả đàn gia súc, cả bầy cháu con.
    Thần Chết bắt người còn mê đó,
    Như làng đang ngủ, có lụt to.
    (Kệ số 287)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Kỷ Sa Cơ: Tên ngươi nầy, tiếng Pali là Kisāgotamī.

- Sở nguyện: Sở = chỗ; Nguyện = điều mong muốn. Sở nguyện là điều ao ước muốn có được.

- Gia súc: Gia = nhà, Súc = thú vật. Gia súc là thú vật nuôi trong nhà, như heo gà, vịt, trâu, bò.
TÌM HIỂU:

B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Xin xem lại Tích chuyện đầy đủ cùng Ý nghĩa ở bài số (93), nơi các trang từ 299 đến 301 của Tập 2.

(2) Ý nghĩa của bài kệ số 287:

Bài Kệ mang ý nghĩa nầy: Người còn đang say đắm, mê luyến về tài sản, về con cháu, sẽ bị Thần Chết đến dẫn đi một cách bất ngờ, cũng như dân chúng trong làng đang ngủ say, bị cơn lụt to nửa đêm thình lình cuốn trôi ra biển. Kết luận: Nên sớm chấm dứt tham luyến.
Hình ảnh


Đã khóa

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.99 khách