GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA
PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BẢN SỰ

Đoạn đầu phẩm này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu với đại chúng gia đình của vua Diệu Trang Nghiêm.
Trong pháp hội của Phật đó có vị vua tên Diệu Trang Nghiêm, phu nhân của vua tên Tịnh Ðức, có hai người con, một tên Tịnh Tạng, hai tên Tịnh Nhãn. Hai người con đó có sức thần thông lớn ...
Vua Diệu Trang Nghiêm biểu trưng cho Tạng thức, phu nhân Tịnh Ðức biểu trưng cho Mạt-na thức, Tịnh Tạng biểu trưng cho Ý thức, Tịnh Nhãn biểu trưng cho Tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân thức.
(Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải, hòa thượng Thích Thanh Từ.)

Trong đoạn giới thiệu này, ta thấy trong gia đình vua Diệu Trang Nghiêm nổi lên hai người con là Tĩnh Nhãn và Tịnh Tạng, với đặc điểm hai người con này có sức thần thông lớn.
Chúng ta biết, :
"Tịnh Tạng biểu trưng cho Ý thức, Tịnh Nhãn biểu trưng cho Tiền ngũ thức là nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân thức".
(Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải, hòa thượng Thích Thanh Từ.)

Thế hai ngài Tịnh Nhãn - Tịnh Tạng này tại sao lại có sức thần thông, và các ngài học có thần thông từ đâu ?
Điều này được biết qua đoạn Kinh Văn vua Diệu Trang Nghiêm hỏi hai người con
"Thầy các con là ai, con là đệ tử của ai?"
Hai người con thưa rằng: "Ðại vương! Ðức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật kia nay đương ngồi trên pháp tòa dưới cây bồ-đề bằng bảy báu, ở trong tất cả chúng trời, người thế gian, rộng nói kinh Pháp Hoa, đó là thầy chúng con, con là đệ tử."

Vậy hai người con tu theo Phật Pháp mà có thần thông.
Thần thông của hai ngài này là do
Ngài Tịnh Nhãn đã vượt qua được Thọ Ấm, tiền ngũ thức không còn, nên tiền ngũ thức đã được chuyển thành Thành Sở Tác Trí.
Còn ngài Tịnh Tạng thì đã vượt qua Tưởng Ấm, Ý thức không còn, nên Ý thức được chuyển thành Diệu Quán Sát Trí.
Đến lúc này thì toàn bộ Lục thức đã được chuyển hóa hết ở phần Tưởng Ấm nên mới sang giai đoạn phá Thức Ấm.
Bấy giờ, Tịnh Tạng, Tịnh Nhãn, hai người con đến chỗ của mẹ, chấp tay thưa mẹ rằng: "Mong mẹ đến nơi chỗ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí, chúng con cũng sẽ theo hầu gần gũi cúng dường lễ lạy."
Chúng ta thấy bà mẹ (Mạt na thức) đồng ý ngay, tại sao vậy ?
Vì trước đây bà vất vả tạo ra Lục Thức để nuôi hai người con, bây giờ họ đã có thần thông, không cần dùng đến Lục Thức nữa. Vậy thì bà đồng ý thôi.
Nhưng bà còn vướng bận với người cha ( Tạng thức). Bà vướng bận như thế nào ?
Mẹ bảo con rằng: "Cha con tin theo ngoại đạo, rất ham pháp Bà-la-môn, các con nên qua thưa với cha để cùng nhau đồng đi."
Bà đã nhận thấy nguyên nhân của sự vướng bận là : "Cha con tin theo ngoại đạo, rất ham pháp Bà-la-môn "
Để thấy rõ điều này, tham khảo kinh Lăng Nghiêm phần Ma Hành Ấm
Căn nguyên sinh diệt từ đây phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sinh trong mười phương, thì khắp rõ hết các loài, tuy chưa thông suốt mối manh mệnh căn của mỗi chúng sinh, nhưng đã thấy cơ sở sinh diệt chung, giống như dả mã (sóng nắng) lớp lớp chớp nhoáng hiện ra, làm các then chốt phát sinh các phù căn trần; ấy gọi là phạm vi hành ấm.
Nếu cái cội gốc của những lăng xăng, chớp nhoáng u ẩn đó vào được tính đứng lặng bản lai, một phen tập khí bản lai đứng lặng, như sóng mòi diệt hết, hóa thành nước đứng, thì gọi là hết hành ấm. Người ấy có thể vượt khỏi chúng sinh trược, xét lại nguyên do cội gốc là u ẩn vọng tưởng.
(Trích Kinh Lăng Nghiêm trực chỉ - Hàm Thị)

Do có Tịnh Tạng (Ý thức) đã thành Diệu Quán Sát Trí trợ lực, nên bà mẹ (Mạt Na) đã nhận biết được căn nguyên của sự vướng bận. Đó chính là người cha (Tạng thức). Như vậy lúc này Mạt Na Thức đã được chuyển thành Bình Đẳng Tính Trí. Coi như vượt qua được Hành Ấm.
Nhưng để thực sự vượt qua Hành Ấm, thì Thức Ấm cũng phải không còn.
(Chú ý chữ Nếu trong câu Nếu cái cội gốc của những lăng xăng, chớp nhoáng u ẩn đó vào được tính đứng lặng bản lai)
Vì vậy bà mẹ đề nghị :
Các con nên qua thưa với cha để cùng nhau đồng đi.
Và yêu cầu
Mẹ bảo con rằng: "Các con nên thương tưởng cha các con, mà vì đó hiển phép thần thông biến hóa, nếu cha con được thấy lòng ắt thanh tịnh, hoặc là chịu cho chúng ta qua đến chỗ Phật."
Để hiểu thêm được đoạn trên, ta tham khảo kinh Lăng Nghiêm phần Ma Thức Ấm
Nếu đối với các loài chiêu dẫn đã chứng được trong tính đồng, đã tiêu hóa sáu căn, làm cho khi họp khi chia đều được tự tại, cái thấy cái nghe thông nhau, tác dụng thanh tịnh thay thế lẫn nhau, thì mười phương thế giới, cùng với thân tâm đều như ngọc lưu ly; trong ngoài đều sáng suốt; ấy gọi là hết thức ấm. Người ấy mới vượt khỏi mạng trược, xét lại nguyên do, cội gốc là vọng tưởng điên đảo huyễn hóa rỗng không.
(Trích Kinh Lăng Nghiêm trực chỉ - Hàm Thị)
Vậy thần thông ở đây hiểu là Lục Căn Khai Hợp. Lục Căn khai hợp thì thân tâm đều như ngọc lưu ly. Tức là lòng ắt thanh tịnh.
Khi lòng người cha đã thanh tịnh rồi, thì
Cha nói với con rằng: "Ta nay cũng muốn ra mắt thầy các con, nên cùng nhau đồng đi."
Tới đây, có thể nói Tạng Thức đang được chuyển hóa để trở thành Đại Viên Cảnh Trí.
Vậy, qua đoạn viết trên, tôi thấy rằng Đức Phật dùng câu truyện này để mô tả tiến trình chuyển Mạt Na Thức thành Bình Đẳng Tính Trí và Tạng Thức thành Đại Viên Cảnh Trí , vượt qua Ngũ Ấm. Nhưng cội gốc để chuyển đều ở Thành Sở Tác Trí và Diệu Quán Sát Trí.
Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM HIỆN BẢO THÁP

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA
PHẨM HIỆN BẢO THÁP.

Ở phần trước (Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự), ta thấy bốn nhân vật trong phẩm này tượng trưng cho bốn giai đoạn chuyển thức thành trí.
1. Chuyển Tiền Ngũ Thức thành Thành Sở Tác Trí (Ngài Dược vương).
2. Chuyển Ý Thức thành Diệu Quán Sát Trí (Ngài Dược Thượng).
3. Chuyển Mạt Na Thức thành Bình Đẳng Tính Trí (Bà Tịnh Đức)
4. Chuyển Tạng Thức thành Đại Viên Cảnh Trí (Vua Diệu Trang Nghiêm)
Tới đây, ta tiếp tục tìm hiểu, phân tích quá trình tuần tự chuyển hóa đó. Bản chất của quá trình này là tiến trình vượt qua Ngũ Ấm. (Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức)
Để bắt đầu, ta phải bắt đầu từ Sắc Ấm.
Tại sao lại từ Sắc ấm mà không bắt đầu từ bất kỳ một ấm nào khác ? Hoặc muốn phá ấm nào thì trực tiếp thâm nhập vào đó mà phá ?
Đây là câu hỏi mà ta nên nghiêm túc tìm ra lời giải đáp,
[Theo tôi, có một số nơi dạy Thiền, do phương pháp không chuẩn, vì thế có thể gây bệnh cho Thiền sinh (Thường được gọi là Tẩu Hỏa Nhập Ma), lý do là họ không theo đúng tiến trình, nên gây ra các hiện tượng không phù hợp với tâm sinh lý]
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Bổn Sư đã chỉ ra điều này cho Ngài A Nan.
"Cội nguồn năm ấm này vốn trùng điệp sinh khởi. Sinh, nhân thức ấm mà có, diệt, từ sắc ấm mà trừ "
Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Bổn Sư có nói tới quá trình vượt ngũ ấm này không ?
Có ! Ta có thể nhận ra quá trình đó được Đức Bổn Sư bắt đầu ở Phẩm Hiện Bảo Tháp, phẩm này nói về bước đầu tiên vượt qua ngũ ấm. Phá Sắc Ấm.
Bấy giờ, ở trước đức Phật, có tháp bảy báu cao năm trăm do tuần, bề ngang rộng hai trăm năm mươi do tuần, từ dưới đất vọt lên, trụ ở trong hư không, đủ thứ các báu vật nghiêm sức rất trang nghiêm ...
Bấy giờ, trong bảo tháp vang ra âm thanh lớn ...
Bấy giờ, có đại Bồ Tát tên là Đại Nhạo Thuyết ... bạch đức Phật rằng : Ðức Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì, mà có bảo tháp này từ dưới đất vọt lên, và ở trong đó lại phát ra âm thanh ?
Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : Trong bảo tháp này, có toàn thân của Như Lai, thuở quá khứ về phương đông, qua vô lượng ngàn vạn ức A tăng kỳ thế giới, có cõi nước tên là Bảo Tịnh. Trong cõi nước đó, có đức Phật hiệu là Đa Bảo. Đức Phật đó, khi hành Bồ Tát đạo, có phát thệ nguyện lớn rằng : Nếu ta thành Phật, sau khi diệt độ, trong cõi nước mười phương, nơi nào có nói Kinh Pháp Hoa, thì tháp miếu của ta vì nghe kinh này, mà vọt lên hiện ra ở trước, để làm chứng minh, khen ngợi nói : Lành thay !

Qua đây, ta thấy trong Pháp Hội Kinh Pháp Hoa xuất hiện tháp bảy báu của Phật Đa Bảo.
Sao tháp này lại được gọi là tháp Bảy báu ?
Vì tháp này được hợp thành từ Thất Đại (Bảy nguyên tố). Bao gồm cả Thân (Sắc uẩn) và Tâm.
Địa đại - Thủy Đại - Hỏa Đại - Phong Đại - Không Đại - Kiến Đại - Thức Đại
Trong bảy nguyên tố này thì 05 nguyên tố đầu cấu tạo nên phần Thân ( Thuộc Thế giới vật chất)
Địa đại - Thủy Đại - Hỏa Đại - Phong Đại - Không Đại
Hai nguyên tố sau cấu tạo nên phần Tâm (Thuộc Thế giới Tinh Thần)
Kiến Đại - Thức Đại.
Do đó, đoạn Kinh Văn "tháp miếu của ta vì nghe kinh này, mà vọt lên hiện ra ở trước" chỉ ra rằng Thân (Sắc uẩn) là đối tượng đầu tiền mà ta nhận ra. Vượt qua được Sắc uẩn, ta mới nhận ra và vượt qua được các uẩn khác.
Tháp Bảy báu hiện rồi, trong Tháp Bảy Báu có gì :
"Trong bảo tháp này, có toàn thân của Như Lai"
Toàn thân Như Lai chính là Pháp Thân.
(Phật Đa Bảo tượng trưng cho Pháp thân, tháp bảy báu tượng trưng cho thất đại - Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Giải - Hòa Thượng Thích Thanh Từ)

Bấy giờ, Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết nhờ thần lực của Như Lai, nên bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Chúng con xin muốn được thấy thân của đức Phật đó.
Đức Phật bảo đại Bồ Tát Đại Nhạo Thuyết : Đức Phật Đa Bảo đó, có nguyện sâu nặng rằng : Nếu bảo tháp của ta, vì nghe Kinh Pháp Hoa, mà hiện ra ở trước các đức Phật. Nếu có bốn chúng muốn thấy thân của ta, thì đức Phật đó, phân thân các đức Phật thuyết pháp trong mười phương thế giới, phải tụ hết lại một chỗ, sau đó thân của ta mới xuất hiện vậy.

Vậy muốn thấy Pháp Thân thì Phân Thân phải tụ hết lại một chỗ thì Pháp Thân mới hiện ra.
Phân Thân tụ lại hết một chỗ ở đây tương ưng với đoạn Đức Bồn Sư nói trong Kinh Lăng Nghiêm, phần ma Sắc Ấm.
A-nan nên biết, ông ngồi đạo tràng tiêu hết các niệm, niệm đó nếu hết, thì tâm ly niệm được sáng tỏ tất cả, động tịnh không dời, nhớ quên như một.
(Trích Kinh Lăng Nghiêm trực chỉ - Hàm Thị)
Phân thân ở đây được hiểu là các niệm, các niệm là Lục thức và Mạt Na thức.
Pháp Thân hiện ra cụ thể như thế nào ?
Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thấy tất cả chư Phật phân thân, đều đã tụ lại, đều ngồi trên tòa sư tử, đều nghe các đức Phật cùng muốn mở bảo tháp. Bèn từ tòa đứng dậy, trụ ở trong hư không, tất cả bốn chúng đều đứng dậy, chắp tay một lòng nhìn Phật.
Bấy giờ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng tay phải, mở cửa tháp bảy báu vang ra âm thanh lớn, như tháo chốt mở cửa thành lớn.
Bấy giờ, tất cả đại chúng trong pháp hội, đều thấy đức Ða Bảo Như Lai, ngồi trên tòa sư tử trong bảo tháp, toàn thân không tán hoại, như nhập thiền định.

Đoạn Kinh văn trên cho thấy :
Đầu tiên tụ hết Phân thân (Tiêu hết các niệm), sau đó mới có thể mở cửa Tháp Bảy Báu (Phá được Sắc Uẩn), lúc này sẽ thấy Pháp thân ("thấy đức Ða Bảo Như Lai, ngồi trên tòa sư tử trong bảo tháp, toàn thân không tán hoại, như nhập thiền định")
Tham khảo Kinh Lăng Nghiêm (Trích Kinh Lăng Nghiêm trực chỉ - Hàm Thị)
A-nan, thiện nam tử kia tu pháp Tam-ma-đề, ở trong Xa-ma-tha (chỉ) khi sắc ấm diệt hết, thấy tâm chư Phật như bóng hiện ra trong gương sáng.
Vậy, qua đoạn viết trên, ta thấy rằng Đức Phật dùng Phẩm Hiện Bảo Tháp để mô tả quá trình vượt qua Sắc Ấm.
Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Sửa lần cuối bởi Nippon vào ngày 01/10/13 10:01 với 1 lần sửa.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

PHẨM ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA.

Ở phần trước, qua sự việc hiện Bảo Tháp của Phật Đa Bảo và Đức Bổn Sư mở cửa Bảo Tháp. Ta đã biết được phương thức để vượt qua Sắc Ấm.
Vượt qua được Sắc ấm rồi, tiếp theo là gì ?
Ta thấy Đức Bổn Sư chỉ cho ta tiếp theo là thâm nhập Thọ Ấm qua đoạn Kinh văn :
"Bấy giờ, đức Phật Ða Bảo ở trong bảo tháp, chia nửa tòa ngồi cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà nói rằng : Phật Thích Ca Mâu Ni, hãy lên ngồi trên tòa này. Tức thời, Phật Thích Ca Mâu Ni vào trong bảo tháp đó, ngồi kiết già trên nửa tòa đó.
Bấy giờ, đại chúng thấy hai đức Như Lai ngồi kiết già trên tòa sư tử trong tháp bảy báu"
Sau lại nói đoạn Kinh văn trên lại là chỉ ra thâm nhập thọ ấm.
Đức Bổn Sư nói trong Kinh Lăng Nghiêm nói : "Xúc và Ly là biên giới của Thọ Ấm".
Ta thấy khi chưa phá Sắc Ấm (Mở cửa Bảo Tháp), thì Đức Bổn Sư và Phật Đa Bảo mỗi Đức Phật ở một chỗ (Ly) .Nay đã mở được cửa Bảo Tháp rồi (Phá được Sắc Ấm), Hai Đức Phật cùng vào ngồi trong Bảo Tháp (Xúc).
Vậy bây giờ đã thâm nhập được vào Thọ ấm.
Thọ Ấm thì có gì liên quan tới phẩm Đề Bà Đạt Đa ?
Chúng ta tham khảo về ngài Đề Bà Đạt Đa :
"Ðề Bà Ðạt Ða là anh em chú bác với Ðức Phật, song ở đâu Ngài cũng làm ngược lại với Ðức Phật. Có người nói Ngài có cừu hận với Ðức Phật. Kỳ thật, Ðức Phật thành đạo, Ngài thuộc về người nghịch tăng thượng duyên trợ đạo, mà đời đời kiếp kiếp Ðề Bà Ðạt Ða còn đến trợ giúp Phật thành tựu đạo nghiệp. Do đó, Ngài dùng nhân vật phản diện để giúp thành Phật đạo, đó là người ‘’nghịch trợ giúp’’ vậy.
Ðề Bà Ðạt Ða là tiếng Phạn, dịch là ‘’thiên nhiệt’’, vì khi Ngài tại thế thì chuyên môn phản diện để trợ giúp người, khiến cho người cảm thấy rất nhiệt não, khí trời cũng biến thành nóng bức, do nhân duyên đó mà được tên. Tại sao Ngài phải phản diện để trợ giúp Ðức Phật thành đạo ? Ðó cũng có một nhân duyên.

Vào thuở xa xưa về quá khứ, có một vị trưởng giả giàu có tên là Tu Ðàn. Ông ta có hai người con. Người con lớn tên là Tu Ma Ðề, người con kế tên là Tu Tỳ Gia. Sau khi ông ta qua đời, thì hai người con tính toán thừa kế di sản của cha. Ông anh cả Tu Ma Ðề bèn nghĩ : ‘’Nếu mình chia một nửa tài sản cho Tu Tỳ Gia, thì chẳng phải là mình bớt đi một nửa tài sản chăng ?’’ Do đó, anh ta hẹn với người em Tu Tỳ Gia, đến núi Linh Thứu để du ngoạn. Khi đến tới đỉnh núi, thì Tu Ma Ðề xô người em xuống hang núi, người em tan thân nát xương qua đời, sau đó người anh còn lấy đá đập thi thể, vì sợ người em bị thương tích không chết. Một người anh dùng phương pháp tàn ác để giết em mình, chỉ vì đoạt lấy tài sản của cha để lại. Tu Ma Ðề thuở đó, tức là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Tu Tỳ Gia tức là tiền thân của Ðề Bà Ðạt Ða, người cha Tu Ðàn tức là Vua A Xà Kỳ. Mà phẩm nầy Phật nói nhân duyên Ðề Bà Ðạt Ða, trợ giúp Phật thành tựu đạo nghiệp."
( Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng Giải)
Qua đoạn trích trên, thấy Ngài Đề Bà Đạt Đa tượng trưng cho các Nghịch Duyên. Nghịch Duyên thuộc phạm trù của Thọ Ấm.
Do đó, sau Phẩm Hiện Bảo Tháp (Sắc Ấm), Đức Bổn Sư nói tiếp Phẩm Đề Bà Đạt Đa (Thọ Ấm).
Trong quá trình Thiền Định, thâm nhập Thọ Ấm, ta gặp các hiện tượng gì ?
Nhưng hiện tượng sẽ gặp phải (Hoặc có thể không gặp, tùy theo căn cơ mỗi người) thuộc phạm vi Thọ Ấm được Đức Bổn Sư nêu ra trong Kinh Lăng Nghiêm (Phần Ma Thọ Ấm). Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nêu vắn tắt các hiện tượng là mà Đức Bổn Sư đã thuyết trong Kinh Lăng Nghiêm (Cụ thể các bạn tham khảo Kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ do Thiền Sư Hàm Thị viết- Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)
- Như người bị bóng mộc đè, tay chân y nguyên, thấy nghe không lầm, nhưng tâm bị khách tà mà không cử động được;
- Phát sinh thương xót vô hạn; như thế cho đến xem thấy muỗi mòng như là con đỏ, tâm sinh thương xót, bất giác rơi lệ.
- Cảm khích quá phần, bỗng nhiên ở trong ấy tâm sinh dũng mãnh vô hạn.
- Sinh tâm thầm nhớ.
- Bỗng nhiên sinh ra vui mừng vô hạn.
- Bỗng khởi đại ngã mạn. Như thế cho đến lòng mạn và mạn quá mạn, hoặc lòng tăng thượng mạn, ty liệt mạn một lúc đều phát ra.
- Tâm bỗng sinh khinh an không lường.
- Trong tâm bỗng sinh yêu thích vô hạn; yêu thích quá độ mà phát điên, bèn làm việc tham dục.

Tóm lại các hiện tượng trên gọi nôm na là Thân bệnh và Tâm Bệnh. Đây là các nghịch duyên.
Để vượt qua được Thân bệnh, Tâm Bệnh này, Đức Bổn Sư chỉ cho chúng ta phương thuốc là Sáu Ba La Mật và Từ, Bi, Hỷ, Xả.
"Do thiện tri thức Ðề Bà Ðạt Ða, mà khiến cho ta đầy đủ sáu Ba la mật, từ bi hỉ xả"
Phương thuốc này nhiều người đã biết, nhưng Kinh Pháp Hoa là Kinh diễn nói Diệu Pháp (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh), nên có đoạn Kinh Văn tiếp theo :
" Lúc đó, phương dưới đức Ða Bảo Thế Tôn, có vị Bồ Tát đi theo tên là Trí Tích, bạch đức Phật Ða Bảo để trở về bổn quốc, thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Bồ Tát Trí Tích rằng : Thiện nam tử ! Hãy đợi chốc lát, sẽ có Bồ Tát tên là Văn Thù Sư Lợi, có thể gặp nhau luận bàn về diệu pháp, rồi hãy trở về bổn quốc."
Ở đây, theo tôi
Bồ Tát Trí Tích nghĩ :
"Sáu Ba La Mật, từ bi hỷ xả" thì tôi biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Thôi tôi về thôi.
Đức Bổn Sư biết Bồ Tát Trí Tích nghĩ gì nên nói :
Ông hãy bình tĩnh, chờ một tý, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sẽ về và bàn luận với ông Diệu Pháp, xong rồi ông hãy về.
Lúc đó, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ngồi trên hoa sen báu ngàn cánh, lớn như bánh xe, những Bồ Tát cùng đến ....Từ hoa sen bước xuống, đến ở trước Phật, đầu mặt kính lễ dưới chân hai vị Thế Tôn, làm lễ xong rồi, đến chỗ Bồ Tát Trí Tích cùng nhau thăm hỏi, bèn ngồi qua một bên
Bồ Tát Trí Tích hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng : Ngài đến Long cung giáo hóa chúng sinh, số được bao nhiêu ?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói : Số nhiều vô lượng, không thể tính kể, chẳng phải miệng nói được, chẳng phải tâm đo lường được, hãy đợi chốc lát tự nhiên sẽ biết.
Nói chưa dứt lời, thì có vô số Bồ Tát ngồi trên hoa sen báu, từ dưới biển vọt lên, đến núi Linh Thứu, trụ ở trong hư không. Các vị Bồ Tát đó, đều do Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hóa độ, đủ hạnh Bồ Tát, đều cùng đàm luận nói sáu Ba la mật. Họ vốn là hàng Thanh Văn, ở trong hư không nói hạnh Thanh Văn, nay đều tu hành nghĩa không của đại thừa. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói với Bồ Tát Trí Tích rằng: Việc giáo hóa ở trong biển là như thế.
....
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói : Tôi ở trong biển chỉ thường nói Kinh Pháp Hoa.
Bồ Tát Trí Tích hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi : Kinh này thâm sâu vi diệu, là báu trong các kinh, ít có ở trong đời. Nếu có chúng sinh siêng năng tinh tấn tu hành kinh này, thì mau được thành Phật chăng ?

Sau đây, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi giới thiệu với Bồ Tát Trí Tích con gái của Long Vương là Long Nữ, nhờ tu tập Diệu Pháp mà đến được Bồ Đề.
Bồ Tát Văn Thù đáp : Có con gái của Long Vương Ta Kiệt La, mới tám tuổi mà trí huệ lanh lợi, khéo biết các căn hành nghiệp của chúng sinh, được Ðà la ni, hay thọ trì pháp bí tàng thâm sâu của các đức Phật nói, vào sâu thiền định, thấu hiểu thông đạt các pháp, trong khoảng sát na phát tâm bồ đề, được chẳng thối chuyển, biện tài vô ngại, thương nhớ chúng sinh như con đỏ, công đức đầy đủ, trong tâm nhớ pháp, miệng diễn nói pháp vi diệu rộng lớn, từ bi đối với tất cả chúng sinh, ý chí nhu hòa, đến được bồ đề.
Bồ Tát Trí Tích thắc mắc :
Bồ Tát Trí Tích nói : Tôi thấy đức Thích Ca Như Lai trong vô lượng kiếp, làm những việc khó làm, tích lũy công đức, cầu đạo bồ đề chưa từng nghỉ ngơi. Tôi quán ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến chẳng có nơi nào nhỏ như hạt cải, mà chẳng phải là nơi Bồ Tát vì chúng sinh xả bỏ thân mạng của, rồi sau đó mới thành tựu đạo bồ đề, tôi không tin cô Long Nữ này, trong chốc lát mà được thành Chánh giác.
Lúc này Long Nữ xuất hiện :
"Nói chưa xong thì Long Nữ đột nhiên hiện ra ở trước"
Đến đây, Xá Lợi Phất cũng thắc mắc :
"Bấy giờ, Xá Lợi Phất nói với Long Nữ rằng :
Cô nói chẳng bao lâu cô đắc được vô thượng đạo, đó là việc khó tin. Vì sao ?
Vì thân người nữ dơ bẩn, chẳng phải pháp khí, sao lại có thể đắc được Vô thượng bồ đề ? "

( Đây là chỉ Thân Bệnh).
"Phật đạo lâu xa, phải trải qua vô lượng kiếp tinh tấn siêng tu khổ hạnh, tu đủ các Ba la mật, sau đó mới thành.
Hơn nữa,
Thân người nữ có năm điều chướng ngại : "
( Đây là chỉ Tâm Bệnh)
"Thứ nhất chẳng được làm Phạm Thiên Vương, thứ hai chẳng được làm Ðế Thích, thứ ba chẳng được làm ma vương, thứ tư chẳng được làm Chuyển luân thánh vương, thứ năm không thể thành Phật.
Sao thân nữ lại mau được thành Phật ?"

Ở đây, Xá Lợi Phất nêu ra vấn đề là Long Nữ là phái nữ nên Thân dơ bẩn (Thân Bệnh) và có năm điều chướng ngại (Tâm Bệnh) nên không thể mau chóng thành Phật.
"Bấy giờ, Long Nữ có một hạt bảo châu, giá trị ba ngàn đại thiên thế giới, cầm dâng lên đức Phật, đức Phật bèn thọ nhận. Long Nữ bảo Bồ Tát Trí Tích và tôn giả Xá Lợi Phất rằng : Tôi cúng hạt bảo châu, đức Thế Tôn thọ nhận, việc đó có mau chăng ?
- Ðáp rằng : Rất mau.
- Long nữ nói : Dùng thần lực của các Ngài để quán sát tôi thành Phật, còn mau hơn việc đó.
Lúc đó, trong chúng hội đều thấy Long nữ đột nhiên biến thành thân nam, đầy đủ hạnh Bồ Tát, bèn đi qua phương nam thế giới Vô Cấu, ngồi trên hoa sen báu thành Ðẳng chánh giác, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, khắp vì hết thảy chúng sinh trong mười phương, mà diễn nói diệu pháp."

Lúc này, Long Nữ chuyển từ thân nữ thành thân nam, đủ hạnh Bồ Tát v.v...
Vậy Đức Bổn Sư dùng hình ảnh Long Nữ dùng Diệu Pháp biến thân nữ thành thân nam, đủ hạnh Bồ Tát để chỉ ra rằng Diệu Pháp đã chuyển hóa Thân Bệnh, Tâm Bệnh. Vượt qua Thọ Ấm.
Vậy, qua đoạn viết trên, ta thấy rằng Đức Phật dùng Phẩm Đề Bà Đạt Đa để nói Diệu Pháp là phương thuốc giúp chúng ta vượt qua Thọ Ấm.
Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM TRÌ VÀ PHẨM AN LẠC HẠNH

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

PHẨM TRÌ - PHẨM AN LẠC HẠNH.

Ở phần trước (Phẩm Đề Bà Đạt Đa), qua sự việc Long Nữ dùng Diệu Pháp biến thân nữ thành thân nam, cho chúng ta thấy với Diệu Pháp của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Long Nữ đã vượt qua được thọ ấm.
Vượt qua được Sắc Ấm ( Ở Phẩm Hiện Bảo Tháp) và Thọ Ấm (Ở Phẩm Đề Bà Đạt Đa), như vậy là đã được Nhân Vô Ngã.
Sắc Ấm và Thọ Ấm đều là do tứ đại tạo thành.
"Thân ông hiện bám lấy tứ đại làm tự thể, che lấp sự thấy, nghe, hiểu, biết, khiến bị ngăn ngại, và trở lại làm cho các thứ đất, nước, gió, lửa thành có cái hay, cái biết; các thứ đó đan dệt với nhau giả dối thành lập. Đây là lớp thứ hai gọi là “kiến trược”."
"... hết thọ ấm. Người ấy mới có thể vượt khỏi kiến trược,..."
( Trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ - Hàm Thị).
Vậy qua được Sắc Ấm và Thọ Ấm thì không còn phải chịu sự tác động của Tứ Đại. Thoát khỏi sự ảnh hưởng của Thân. Bước vào ngôi nhà của Tâm.
Trong Tâm của chúng sinh, chứa đựng những thứ gì ?
Ở Phẩm Trì, chúng ta biết điều đó qua các đoạn Kinh văn :
"Chúng sinh đời ác sau này, căn lành dần dần bớt đi, tăng nhiều thượng mạn, tham lợi cúng dường, tăng trưởng căn chẳng lành, xa lìa giải thoát"
"Vì nhiều người ở thế giới Ta Bà tệ ác, ôm lòng tăng thượng mạn, công đức cạn mỏng, tâm sân hận ô trược siểm khúc chẳng thật."
Để chuyển hóa được Tâm chúng sinh, ở phần tiếp theo, Phẩm An Lạc Hạnh. Đức Bổn Sư đã chỉ cho các Đại Bồ Tát mà đại biểu là ngài Văn Thù Sư Lợi.
Tóm lược như sau :
"Ðức Phật bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi :
Nếu đại Bồ Tát ở trong đời ác trược, muốn nói kinh này, thì phải an trụ vào bốn pháp.
Một là an trụ vào nơi thực hành, và nơi gần gũi của Bồ Tát, thì có thể vì chúng sinh diễn nói kinh này."
....
"Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi ! Sau khi Như Lai diệt độ, ở trong đời mạc pháp, muốn nói kinh này, thì nên trụ vào an lạc hạnh.
Nếu miệng diễn nói, hoặc đọc tụng kinh này, thì đừng nên nói lỗi của người, và lỗi của kinh điển, cũng đừng khinh mạn các pháp sư khác, đừng nói tốt xấu thị phi của kẻ khác, đối với hàng Thanh Văn cũng đừng gọi tên của họ, nói lỗi lầm của họ, cũng đừng gọi tên khen ngợi tốt, cũng đừng sinh tâm oán hận, vì khéo tu tâm an lạc như thế. Các người đến nghe pháp chẳng nghịch ý của họ. Nếu họ có vấn nạn, thì đừng dùng pháp tiểu thừa mà đáp, chỉ dùng pháp đại thừa để giải thích, khiến cho họ đắc được Nhất thiết chủng trí."
....
"Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi ! Đại Bồ Tát, ở đời mạc pháp sau này, khi pháp muốn diệt, thì người thọ trì đọc tụng kinh này, đừng ôm lòng đố kị siểm nịnh, cũng đừng khinh khi mắng chưởi người học Phật đạo, đừng nói thị phi. Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, người cầu Thanh Văn, người cầu Bích Chi Phật, người cầu Bồ Tát đạo, đừng làm cho họ sinh phiền não, khiến cho họ nghi ngờ, nói với họ rằng : Các ngươi cách đạo rất xa, không khi nào đắc được Nhất thiết chủng trí. Vì sao ? Vì các ngươi là những người phóng dật, tu đạo thì giải đãi, lại cũng không nên hí luận các pháp, có sự tranh luận. Nên khởi tâm đại bi đối với tất cả chúng sinh, với các đức Như Lai khởi nghĩ như Ðại sư, với các vị đại Bồ Tát trong mười phương, luôn thành tâm cung kính lễ lạy.
Đối với tất cả chúng sinh, nên bình đẳng mà nói pháp, bởi do thuận pháp, không nên nói nhiều, không nên nói ít, cho đến người ái mến pháp thâm sâu, cũng không vì họ mà nói nhiều."
....
"Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi ! Ðại Bồ Tát vào đời sau này, khi pháp sắp diệt, có người nào trì Kinh Pháp Hoa này, đối với người tại gia, hoặc xuất gia, đều nên sinh tâm đại bi, đối với những người chẳng phải Bồ Tát, cũng nên sinh tâm đại bi, nên nghĩ như vầy : Người như thế tổn thất rất lớn, đức Như Lai phương tiện tùy nghi nói pháp, mà chẳng nghe, chẳng biết, chẳng hay, chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu.
Người đó tuy chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu kinh này, khi ta được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, bất cứ ở đâu, ta cũng dùng thần thông và trí huệ dẫn dắt họ, khiến cho họ được trụ ở trong pháp này."
....

Qua những đoạn trích trong phẩm An Lạc Hạnh, tóm gọn lại, ta thấy Đức Bổn Sư dạy các Đại Bồ Tát đời sau khi đọc, tụng, hành, trì hoặc nói Kinh Pháp Hoa thì phải giữ ngũ giới, bỏ các nghiệp xấu (Tham-Sân-Si-Mạn-Nghi-Ác Khẩu- Ỷ Ngữ). Khởi tâm Đại Bi, Bình Đẳng.
Ở đây, Đức Bổn Sư chỉ dạy các Đại Bồ Tát như trên. Nhưng theo tôi, Đức Phật cũng chỉ dạy cho tất cả chúng ta, những người học Phật (Xuất gia cũng như tại gia), muốn thâm nhập được Kinh Pháp Hoa hay Phật Pháp (Nói chung) đều phải giữ giới, bỏ các nghiệp xấu, khởi Tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thanh Tịnh, Bình Đẳng.
Vậy, qua Phẩm Trì và Phẩm An Lạc Hạnh, chúng ta thấy Kinh Pháp Hoa chỉ ra rằng, khi bước vào ngôi nhà của Tâm, muốn chuyển hóa Tâm, thì điều đầu tiên quan trọng nhất là phải giữ giới, bỏ các nghiệp xấu, khởi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, Thanh Tịnh, Bình Đẳng. Đây là tiền đề để tiếp tục hành trình vượt qua Ngũ Ấm.
Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
TB :
Trong những ngày này, nhân dân cả nước vô cùng thương tiếc, đau buồn trước sự ra đi của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Khi viết những dòng về Phẩm An Lạc Hạnh, tôi liên tưởng nhiều tới Đại Tướng.
Với những hiểu biết của mình, tôi thấy Đại Tướng là một Đại Bồ Tát nhập thế, vì trong căn cơ của Người có đầy đủ phẩm chất của một vị Đại Bồ Tát.
Người đã siêu vượt Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi ...
Tâm của người Thanh Tịnh, Đại Từ, Đại Bi, Bình Đẳng, Bác Ái ...
Trí Tuệ của Người là Trí Tuệ Thánh Trí Tự Chứng.
Công Đức của Người bao trùm non sông, đất nước, dân tộc. Và vượt qua không gian và thời gian.
Sức Vô Úy của Người đã tạo ra sức mạnh cho toàn dân tộc chiến đấu, chiến thắng những đế quốc hung bạo nhất trong lịch sử cận đại.
...
Không biết nói gì hơn.
Con xin Chư Phật, Chư Bồ Tát Mười Phương :
Nếu những bài viết về của con về Kinh Pháp Hoa có chút Công Đức nào, con xin hồi hướng hết Công Đức cho Hương Hồn của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Mong Chư Phật, Chư Bồ Tát Mười Phương rước đón Hương Hồn Đại Tướng đến Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Mi Đà.
Mong Hương Hồn của Đại Tướng được an nghỉ.

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT !
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM TRÌ VÀ PHẨM AN LẠC HẠNH

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Kinh Pháp Hoa có phẩm Phổ Môn mình yêu thích trân quý vô cùng, bạn có kiến giải tâm đắc nào về phẩm này không? Giảng cho mình nghe với :) .
À
Nippon đã viết:TB :
Trong những ngày này, nhân dân cả nước vô cùng thương tiếc, đau buồn trước sự ra đi của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Khi viết những dòng về Phẩm An Lạc Hạnh, tôi liên tưởng nhiều tới Đại Tướng.
Với những hiểu biết của mình, tôi thấy Đại Tướng là một Đại Bồ Tát nhập thế, vì trong căn cơ của Người có đầy đủ phẩm chất của một vị Đại Bồ Tát.
Người đã siêu vượt Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi ...
Tâm của người Thanh Tịnh, Đại Từ, Đại Bi, Bình Đẳng, Bác Ái ...
Trí Tuệ của Người là Trí Tuệ Thánh Trí Tự Chứng.
Công Đức của Người bao trùm non sông, đất nước, dân tộc. Và vượt qua không gian và thời gian.
Sức Vô Úy của Người đã tạo ra sức mạnh cho toàn dân tộc chiến đấu, chiến thắng những đế quốc hung bạo nhất trong lịch sử cận đại.
...
Đạo hữu nói quá lời rồi đó, không nên như vậy đâu nhé, đh tán thán lời trên là ngang ngửa với đức Phật rồi còn gì. Dù là Phật hay Bồ Tát có ứng hóa tái lai đi nữa cũng phải luận trên mặt Tích đó bạn. Không luận theo Bổn, như thế mới được.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

Chào Thanhtinhtam.
Về Phẩm Phổ Môn, theo tôi hiểu thì bản chất là từ phép tu Phản Văn Văn Tự Tính ở Chương "Nhĩ Căn Viên Thông" của Đại Bi Quán Thể Âm trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Ngài Văn Thù Sư Lợi đã chọn phép tu này cho ngài A Nan.
Ngài A Nan lúc học phép tu này đã chứng quả Tu Đà Hoàn, nên để nhập được vào phép tu này (Nhập lưu) theo tôi là tương đối khó.
Nhưng xét về bản chất, phép tu "Nhĩ Căn Viên Thông", là tiến trình vượt qua ngũ ấm.
"Ban đầu ở trong tính nghe, vào được dòng liền quên tướng bị nghe. Trần tướng đã vắng lặng thì hai tướng động và tịnh rõ thật không sinh."
Đây là vượt qua sắc ấm
"Như vậy dần dần tăng tiến thêm, các tướng năng văn, sở văn đều hết."
Đây là vượt qua thọ ấm
"Không dừng lại chỗ dứt hết năng văn, sở văn mà tiến lên nữa, thì năng giác sở giác đều không."
Đây là vượt qua tưởng ấm
"Không giác tột bực viên mãn nên các tướng năng không, sở không đều diệt."
Đây là vượt qua Hành ấm
"Sinh diệt đã diệt thì bản tính tịch diệt hiện tiền."
Đây là vượt qua Thức ấm
Như vậy, đến đây là vượt qua Ngũ Ấm.
Tiếp theo :
"Bỗng nhiên siêu vượt thế và xuất thế gian, mười phương tròn sáng được hai pháp thù thắng. Một là trên hợp với Bản Giác Diệu Tâm của Phật, cùng với Phật Như Lai đồng một từ lực; hai là dưới hợp với tất cả lục đạo chúng sinh trong mười phương, cùng với các chúng sinh đồng một bi ngưỡng.
Bạch đức Thế Tôn, do con cúng dường đức Quán Thế Âm Như Lai, nhờ ngài truyền thọ cho con Chính Định Kim Cang như huyễn, văn huân, văn tu mà được cùng với Như Lai đồng một từ lực, nên làm cho thân con thành ba mươi hai ứng thân vào các cõi nước.
..".

Từ đây, tương ưng với phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa
Ngoài ra, còn thấy tiến trình vượt qua ngũ ấm cũng được Quán Tự Tại Bồ Tát ( Tức Quán Thế Âm Bồ Tát) đề cập tới trong Bát Nhã Tâm Kinh :
"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không ...
Sắc tức thị không, không tức thị sắc ..."

Tóm lại, để bước vào cửa Không, thâm nhập Phật Pháp, người tu phải vượt qua ngũ ấm
Do Kinh Pháp Hoa là Kinh nói ẩn dụ, nên trong các bài viết Giải Mã Kinh Pháp Hoa, tôi muốn Giải Mã các ẩn dụ mà Đức Bổn Sư nêu ra trong Kinh.
Mục tiêu là muốn làm rõ tiến trình vượt qua Ngũ Ấm và các Phép tu tương ưng với mỗi giai đoạn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) trong Kinh Pháp Hoa.
Thanhtinhtam
Bạn nói :
"Đạo hữu nói quá lời rồi đó, không nên như vậy đâu nhé, đh tán thán lời trên là ngang ngửa với đức Phật rồi còn gì."
Tôi nghĩ bạn Động niệm.
Tôi không hề so sánh hay v.v... gì đó Tướng Giáp với Đức Phật.
Tôi chỉ thấy các phẩm chất của Tướng Giáp tương ưng với các phẩm chất với các Đại Bồ Tát.
Việc tán thán ai như thế nào, Đức Phật không hề cấm.
Đức Phật chỉ cấm không được nói dối, không được đơm đặt, không được thị phi v.v..
Nếu bạn lên Hoàng Diệu vào những ngày này, chứng kiến Nam Phụ Lão Ấu, không cần ai kêu gọi, trật tự xếp hàng dài tới cả km để vào viếng Đại Tướng. Các em học sinh, sinh viên, tự nguyện nắm tay nhau giúp giữ giao thông, trật tự v.v ...
Bạn sẽ thấy không chỉ tán thán Công Đức của Đại Tướng mà còn phải tán thán tấm lòng nhân dân cả nước đối với Đại Tướng.
Bạn nói
"Dù là Phật hay Bồ Tát có ứng hóa tái lai đi nữa cũng phải luận trên mặt Tích đó bạn. Không luận theo Bổn, như thế mới được."
Theo tôi không ổn.
Không có Bổn thì lấy đâu ra Tích.
Đối với phần tích của Đại Tướng, tôi không phải là người hiểu biết nhiều. Nhưng vào thời điểm này, bạn lên bất cứ trang mạng nào hay mua bất cứ tờ báo có uy tín nào thì đều thấy nói tới tích của Đại tướng.
Hôm nọ, tôi có đọc một bài trên mạng, hình như là trích lại của Đại Tướng Hoàng Văn Thái (Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên), nội dung không nhớ chính xác, nhưng láng máng như sau :
"Nếu không có quyết định kéo pháo ra, đánh chắc tiến chắc của anh Văn, thì cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta có thể phải kéo dài thêm mười năm nữa. Và nhiều người trong chúng tôi sẽ không tiếp tục có mặt tại cuộc kháng chiến chống Mỹ"
Theo tôi, như thế đã đã đủ nói lên một trong nhiều tích vĩ đại của Đại Tướng.
Mong rằng việc trao đổi về người Anh Hùng Dân Tộc Võ Nguyên Giáp giữa bạn và tôi kết thúc ở đây.
Mong cho Hương Hồn Đại Tướng được An Nghỉ.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Mình thấy Kinh Pháp Hoa, phẩm 'Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự' có nói Tam Muội là: "Hiện nhứt-thiết-sắc-thân tam muội". [Bạn đọc phẩm này nên biết]
Kinh Lăng Nghiêm nơi chương Viên Thông của Quán Thế Âm Bồ Tát thì gọi: Văn Huân Văn Tu Kim Cang Tam Muội. [Bạn cũng đọc rồi]
Kinh Quán Thế Âm Bồ-Tát Thọ Ký thì gọi "Như Huyễn Tam-muội"
http://daitangkinh.net/?f=Kinh-Quan-The ... Tat-Tho-Ky
"Nếu ai thành tựu một pháp này thời họ sẽ đắc Như Huyễn Tam-muội. Khi đã đắc tam-muội đó, họ với thiện xảo phương tiện của tam-muội ấy mà có thể biến hóa tùy theo hình loại của mỗi chúng sanh, rồi thuyết Pháp tùy theo căn lành của họ, và khiến chúng sanh đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Lại trích nữa:
Lúc bấy giờ ngài Hoa Đức Tạng Bồ-Tát Ma-ha-tát bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Ở trong chúng hội đây có vị Bồ-Tát nào đắc tam-muội đó không?"

Đức Phật bảo:

"Có! Nay trong chúng hội đây có những vị trang nghiêm với đại thệ nguyện chẳng thể nghĩ bàn, như là Di-lặc Bồ-Tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-Tát, và 60 vị Chánh sĩ--họ đã đắc tam-muội đó."

Lại bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Chỉ riêng ở thế giới này mới có các vị Bồ-Tát đắc tam-muội đó, hay còn có các vị Bồ-Tát ở thế giới phương khác cũng thành tựu Như Huyễn Tam-muội như vậy?"

Phật bảo ngài Hoa Đức Tạng:

"Từ đây về hướng tây, vượt qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là An Lạc. Trong cõi nước ấy có Đức Phật hiệu là A-di-đà, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri và Ngài hiện đang thuyết Pháp ở đó. Đức Phật ấy có hai vị Bồ-Tát làm thị giả. Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm. Vị thứ nhì tên là Đắc Đại Thế. Cả hai ngài đã đắc tam-muội đó.

Lại nữa, Hoa Đức Tạng! Nếu có Bồ-Tát nào nghe và thọ trì Pháp này trong bảy ngày bảy đêm từ hai vị Chánh sĩ kia, thời ngay sau đó họ sẽ đắc Như Huyễn Tam-muội."

Hoa Đức Tạng Bồ-Tát bạch Phật rằng:

"Bạch Thế Tôn! Cõi nước kia chắc hẳn phải có vô lượng Bồ-Tát đắc tam-muội đó.

Vì sao thế? Bởi các vị Bồ-Tát nào đã sanh về cõi nước kia đều sẽ đi đến chỗ của hai vị Chánh sĩ ấy mà lắng nghe và thọ trì Pháp này."

Đức Phật bảo:

"Như thị, như thị! Đúng như lời ông nói. Ở quốc độ ấy có vô lượng a-tăng-kỳ Bồ-Tát Ma-ha-tát đã đắc tam-muội đó từ hai vị Chánh sĩ kia."
Theo ngu ý, mình thầm nghĩ có phải các tam muội trên tên tuy khác nhưng vồn là một. Mình nghĩ như vậy, muốn hỏi bạn mình nghĩ vậy có đúng không?
Lại theo ngu ý nữa là:
Nơi Phẩm 'Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự' Thứ Hai Mươi Ba đức Thế Tôn dạy:
10. - Tú Vương Hoa! Nếu có người nghe phẩm "Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự" này cũng đặng vô lượng vô biên công đức.

Nếu có người nữ nghe phẩm "Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự" này mà có thể thọ trì, thời sau khi dứt báo thân đàn bà đó không còn thọ lại nữa.

Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe kinh điển này, đúng như lời mà tu hành, thời khi ở đây chết liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của đức A Di Ðà Phật, mà sanh trên tòa báu trong hoa sen.

Chẳng còn bị lòng tham dục làm khổ, cũng lại chẳng bị lòng giận dỗi, ngu si làm khổ, cũng lại chẳng bị lòng kiêu mạn ganh ghét các tánh nhơ làm khổ, đặng thần thông vô sanh pháp nhẫn của Bồ tát, đặng pháp nhẫn đó thời nhãn căn thanh tịnh. Do nhãn căn thanh tịnh đó thấy bảy trăm muôn hai nghìn ức na do tha hằng hà sa các đức Phật Như Lai.

Bấy giờ, các đức Phật đồng nói khen rằng: "Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Ông có thể ở trong pháp hội của đức Thích Ca Mâu Ni Phật mà thọ trì, đọc tụng, suy gẫm kinh này vì người khác nói, ông đặng công đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt đặng, nước chẳng trôi đặng, công đức của ông, nghìn Phật nói chung cũng chẳng thể hết đặng. Ông nay có thể phá giặc ma, hoại quân sanh tử, các oán địch khác thảy đều trừ diệt. Thiện nam tử! Trăm nghìn các đức Phật dụng sức thần thông đồng chung thủ hộ ông, tất cả trời người trong đời không ai bằng ông. Chỉ trừ các đức Như Lai, bao nhiêu thiền định trí huệ cuả các Thanh Văn, Duyên Giác, nhẫn đế Bồ tát không có ai bằng ông.
Mình cũng nghĩ như sau: Trong đoạn trên đức Phật khuyên dụ chúng sanh nên phát nguyện cầu sanh về Tịnh Độ, khi đã sanh về Tịnh Độ tu lần rồi sẽ như ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ tát vậy. [Đạo hữu chắc đọc phẩm này rồi nên mình khỏi trích ra sợ dài]
Mình hiểu như trên không biết có gì sai không. Mong bạn góp ý chỉ thêm.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

Chào Thanhtinhtam.
Có phải bạn định hỏi tôi thế này không :
Câu hỏi thứ nhất :
Ba tam muội :
Hiện nhất thiết sắc thân tam muội - Phẩm Dược Vương Bồ Tát (Kinh Pháp Hoa)
Như huyễn tam muội - Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát thọ ký
Văn huân văn tu kim cang tam muội - Phẩm Nhĩ căn viên thông (Kinh Lăng Nghiêm)
Ba tam muội này có phải vốn là một không ?
Các tam muội này chỉ khác nhau ở tên gọi ?

Tôi thấy câu hỏi này của bạn rất hay, trước đây tôi cũng đã tìm hiểu về các tam muội này.
Để trả lời bạn, tôi dùng ví dụ như sau :
Quá trình tu như quá trình làm vàng.
1. Đầu tiên người ta phải đãi cát tìm vàng, thấy được vàng, được vàng cốm.
Đây tương tự như Hiện nhất thiết sắc thân tam muội.
[Theo tôi, theo trình tự các Phẩm trong Kinh Pháp Hoa, đây là Tam Muội có được khi Phá hết sạch sắc ấm - (Buông bỏ Từ thân, đến Xá lợi, đến hai cánh tay). Tuy nhiên đây là phá trong Thiền định, chứ không phải là đốt tay đốt chân như một số người đã làm. (Trừ Bồ Tát Thích Quảng Đức và các Phật tử khác trong phong trào bảo vệ Phật pháp trước kia ở Miền Nam Việt Nam - Các Ngài tự nguyện dùng việc này, hình tượng này để bảo vệ Phật Pháp)]
2. Sau đó người ta lọc vàng cốm, được vàng.
Đây tương tự Như Huyễn tam muội,
Trong tam muội này không còn huyễn, tương tự đã lọc hết tạp chất ra khỏi vàng cốm.
(Đây là đã chứng Vô sanh pháp nhẫn - Bất động địa - Địa thứ tám)
3. Có vàng rồi, mang chế tác thành nhẫn, dây truyền v.v...
Đây tương tự như Văn huân văn tu kim cang tam muội
"Bạch đức Thế Tôn, do con cúng dường đức Quán Thế Âm Như Lai, nhờ ngài truyền thọ cho con Chính Định Kim Cang như huyễn, văn huân, văn tu mà được cùng với Như Lai đồng một từ lực, nên làm cho thân con thành ba mươi hai ứng thân vào các cõi nước."
(Trích Phẩm "Nhĩ căn viên thông" - Kinh Lăng Nghiêm)
Đây là đã vào đến Đẳng Giác (Qua được Địa thứ mười - Pháp Vân Địa), nên mới "mà được cùng với Như Lai đồng một từ lực"
Vậy qua ví dụ trên, tôi trả lời bạn :
Ba tam muội này có phải vốn là một không ?
Đúng.
Ba Tam Muội vốn là một (Vì trong đó đều có vàng).
Các tam muội này chỉ khác nhau ở tên gọi ?
Sai.
Tên gọi phản ánh chất lượng, do chất lượng khác nhau sẽ có các hoạt dụng khác nhau.
Như từ vàng mới có thể chế tác ra được Nhẫn, Dây truyền. Còn vàng cốm thì không làm được việc này.
Câu hỏi thứ hai :
Có phải bạn định hỏi tôi thế này không
Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự ngầm chỉ phát nguyện cầu xin về Tịnh Độ?
Sau đó dần dần tu sẽ như ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Bồ Tát Hỷ Kiến
?
Theo tôi thế này :
Để hiểu được Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bồn Sự, bạn nên đọc thêm Kinh Quán Dược Vương -Dược Thượng Bồ Tát.
( Địa chỉ : http://diendan.daitangkinhvietnam.org/v ... =69&t=7163)
Theo tôi, đọc Kinh Pháp Hoa thì nên đọc thêm kinh này. Tôi cũng từ đọc Kinh này mà hiểu được Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự, từ đó lần lần mới hiểu được các Phẩm khác.
Tôi nôm na giới thiệu về Dược Thượng Bồ Tát.
Dược Thượng Bồ Tát là em của Dược Vương Bồ Tát. Nói tới Dược Vương Bồ Tát mà không nhắc tới Dược Thượng Bồ Tát là một thiếu sót.
Trong Kinh Pháp Hoa, để ý chúng ta sẽ thấy ngài Dược Thượng xuất hiện hai lần, ở Phẩm Diệu Âm Bồ Tát và Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự.
Trong Kinh Quán Dược Vương Bồ Tát - Dược Thượng Bồ Tát, sẽ thấy phép tu của Dược Thượng Bồ Tát là Niệm 53 vị Phật.
Nếu đồng tất cả các Danh hiệu Phật thành danh hiệu Phật A Mi Đà ( Do một số kinh Tịnh Độ nói niệm Phật A Mi Đà tức là đồng niệm tất cả Chư Phật ), thì phép tu của Dược Thượng Bồ Tát là Niệm Phật A Mi Đà (Cái này là tôi suy diễn ra).
Bạn có thể tham khảo bài viết của tôi tại http://khicongydaotoronto.com/forum/vie ... =11&t=1690
Nếu mà theo suy diễn của tôi, thì tôi với bạn trùng nhau điểm Niệm Phật. Niệm Phật A Mi Đà.
Tới đây tôi trả lời xong câu hỏi : Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự ngầm chỉ phát nguyện cầu xin về Tịnh Độ?
Còn trong Kinh Pháp Hoa, Đức Bổn Sư có hướng người Niệm Phật tới Đức Phật nào nữa không, thì có thể trong các bài viết sau về Kinh Pháp Hoa ,tôi sẽ viết tiếp. (Nếu tôi cảm được những gì tôi viết là đúng Pháp).
Sau đó dần dần tu sẽ như ngài Nhất Thiết Chúng Sinh Bồ Tát Hỷ Kiến ?
Đúng!
Nếu mà cuối đời được vãng sinh được về Tây Phương Cực Lạc rồi, tới đó, nhận được sự giáo hóa của các Đại Bồ Tát và Đức Phật A Mi Đà rồi thì dần dần sẽ chứng đắc, tùy theo bản nguyện của mỗi chúng sinh.
Tới đây tôi thấy đã trả lời xong câu hỏi của bạn.
Chào bạn.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA-PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT -NHƯ LAI THỌ L

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA
PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT - PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG

Ở các phần trước, Phẩm Hiện Bảo Tháp và Phẩm Đề Bà Đạt Đa, ta thấy đã vượt qua được Sắc ấm và Thọ ấm. Thoát khỏi sự ảnh hưởng của Thân, bước vào ngôi nhà của Tâm.
Để thâm nhập ngôi nhà của Tâm, tiếp đến tại phẩm An Lạc Hạnh, Đức Bổn Sư dạy người tu phải giữ ngũ giới, bỏ các nghiệp xấu (Tham-Sân-Si-Mạn-Nghi-Ác Khẩu- Ỷ Ngữ). Khởi tâm Đại Bi, Bình Đẳng.
Tới đây, ta tiếp tục phân tích phẩm tiếp theo : Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất.
Trong Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, ở đoạn đầu ta thấy các vị Đại Bồ Tát ở các cõi nước khác đều phát nguyện hộ trì Kinh Pháp Hoa
"Bấy giờ, các vị đại Bồ Tát đến từ các cõi nước phương khác, số nhiều hơn số cát của tám sông Hằng, ở trong đại chúng đều đứng dậy chắp tay làm lễ, mà bạch đức Phật rằng : Ðức Thế Tôn ! Xin Ngài lóng nghe, sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ ở tại thế giới Ta Bà này, siêng năng tinh tấn, hộ trì đọc tụng, biên chép cúng dường kinh điển này, sẽ ở cõi này mà vì chúng sinh rộng nói kinh này."
Nhưng Đức Bổn Sư bảo với các chúng Bồ Tát ở các cõi nước khác rằng :
"Bấy giờ, đức Phật bảo các chúng đại Bồ Tát : Thôi đi ! Thiện nam tử ! Không cần các ông hộ trì kinh này, tại sao ? Vì thế giới Ta Bà của ta đây, đã có các đại Bồ Tát nhiều như số cát sáu vạn sông Hằng. Mỗi vị Bồ Tát đều có quyến thuộc, nhiều như số cát sáu vạn sông Hằng. Hết thảy những người đó, sau khi ta diệt độ, sẽ hộ trì, đọc tụng, rộng nói kinh này."
Và lúc này :
"Khi đức Phật nói như thế, thì ba ngàn đại thiên thế giới Ta Bà, mặt đất rúng nứt, và trong sự rúng nứt đó, có vô lượng ngàn vạn ức đại Bồ Tát đồng thời vọt lên, các vị Bồ Tát đó, thân đều màu vàng, đủ ba mươi hai tướng, có vô lượng quang minh. Các vị Bồ Tát đó, đều trụ ở trong hư không, ở dưới cõi Ta Bà."
Đến đây ta thấy trong Pháp hội Kinh Pháp Hoa các Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất xuất hiện, họ từ dưới dưới đất vọt lên.
Để giải mã đoạn Kinh văn trên, ta tham khảo đoạn Kinh văn sau trong Kinh Lăng Nghiêm - Phần Ma Tưởng Ấm.
"A-nan, thiện nam tử kia tu pháp Tam-ma-địa, khi thọ ấm đã hết, tuy chưa sạch mê lầm, nhưng tâm đã rời khỏi hình hài, như chim ra khỏi lồng."
Nhận thấy sự tương ưng giữa hai đoạn Kinh văn của Kinh Pháp Hoa và Kinh Lăng Nghiêm khi kết thúc Thọ ấm, ta có thể kết luận Đức Bổn Sư dùng hình tượng các Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất từ dưới đất vọt lên tượng trưng cho Tâm đã không còn bị lệ thuộc vào Thân, và đã có thể thoát ra khỏi Thân.
Như vậy, Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất mô tả cho chúng ta hiện tượng Tâm có thể thoát khỏi Thân trong Thiền Định khi kết thúc Thọ Ấm, bước vào Tưởng Ấm

Sau đây, ta phân tích phẩm kế tiếp là Phẩm Như Lai Thọ Lượng.
Tại Phẩm này, ta thấy Đức Bổn Sư đưa ra ví dụ là câu truyện kề về một gia đình có Người Cha là Lương Y, thường luyện thuốc, chữa bệnh, ân cần chăm sóc các người con.
"Ví như vị lương y trí huệ thông đạt, biết luyện chế thuốc, khéo chữa lành các chứng bệnh. Có rất nhiều người con, hoặc mười, hai mươi, cho đến một trăm người "
Trong câu truyện này, gia đình Người Lương Y xảy ra sự việc :
"Vì có duyên sự nên đi xa đến nước khác. Các người con sau này, uống nhầm thuốc độc, thuốc phát buồn bực điên loạn, lăn lóc trên đất.
Bấy giờ, người cha trở về nhà, các người con uống thuốc độc, hoặc có người mất bản tâm, hoặc có người không mất, ở xa trông thấy cha về, đều rất vui mừng, quỳ lạy thăm hỏi cha được bình an trở về. Chúng con ngu si, uống lầm thuốc độc, xin cha hãy cứu chữa, khiến cho chúng con khỏi bệnh được sống lâu.
Người cha thấy các con đau khổ như thế, bèn y theo các phương pháp, tìm cỏ thuốc tốt, sắc vị thơm ngon thảy đều đầy đủ, đâm giã sàng rồi hòa hợp cho các người con uống, mà nói rằng : Ðây là thuốc hay, sắc vị thơm ngon thảy đều đầy đủ, các con hãy uống đi, thì sớm sẽ hết khổ não, chẳng còn bị bệnh nữa."

Căn bệnh của các người con ở trên có nguyên nhân là khi Cha đi vắng, các người con đã uống nhầm thuốc độc, dẫn đến "phát buồn bực điên loạn".
Người cha "thấy các con đau khổ như thế" và biết bệnh của các con là "khổ não", nên kê đơn, luyện thuốc "cho các người con uống"
Qua đoạn trích trên, ta thấy Đức Bổn Sư dùng hình ảnh các người con trong gia đình vị Lương Y mắc bệnh "khổ não" để gián tiếp để cập tới Tưởng ấm (Phiền não chướng).
Trong gia đình người Lương Y, các con được chia thành hai thành phần
" hoặc có người không mất " bản tâm
" hoặc có người mất bản tâm "
Đối với thành phần thứ nhất, không mất bản tâm thì :
"Ai không mất bản tâm, thấy thuốc hay đó, sắc hương đều tốt bèn lấy uống, bệnh lành khỏi hẳn"
Đối với thành phần thứ hai, mất bản tâm thì :
"Người mất đi bản tâm, thấy người cha về, tuy cũng vui mừng thăm hỏi, xin cha chữa bệnh, tuy cũng cho thuốc, mà chẳng chịu uống."
Ta thấy, thành phần thứ hai này bệnh đã nặng
"Tại sao ? Vì chất độc vào sâu mất đi bản tâm."
Khổ não, Phiền não chướng dữ dội , điên đảo tới mức mất hết lý trí.
" Do đó, thuốc hay thơm ngon, mà cho là không ngon."
Trong đoạn tiếp theo, để ý, ta sẽ nhận ra Đức Bổn Sư dùng hình tượng những người con bệnh nặng tượng trưng cho Ý Thức và Người Cha tượng trưng cho A Lại Da Thức.
"Người cha bèn nghĩ rằng : Những đứa con này thật đáng thương, vì trúng độc nên tâm điên đảo. Tuy thấy ta vui, xin ta cứu chữa, thuốc hay như thế, mà chẳng chịu uống. Nay ta sẽ bày phương tiện, khiến cho chúng uống thuốc này.
Bèn nói như vầy : Các con nên biết, nay ta già nua, thời kỳ chết đã đến, thuốc hay tốt này, nay để ở tại đây, các con có thể lấy uống, đừng có lo lắng là bệnh không lành. Dạy như thế rồi, lại đến nước khác, sai sứ về nói là cha của nhà người đã chết.
Bấy giờ, các người con nghe tin cha mất rồi, tâm rất buồn rầu đau khổ, mà nghĩ như vầy :
Nếu cha mình còn sống, thì sẽ thương xót chúng ta, cứu hộ chúng ta. Nay đã bỏ chúng ta mất ở xứ người, chúng ta cô độc, lại chẳng có chỗ nương tựa,"

Chúng ta đều biết, Ý thức nương tựa vào A Lại Da Thức mà có. Do đó khi A Lại Da không khởi tác dụng ("đã chết"), thì Ý thức "cô độc, lại chẳng có chỗ nương tựa".
Do tưởng rằng Người Cha đã mất, nên các người con
"thường ôm lòng bi cảm ".
Tham khảo Kinh Lăng Nghiêm (Phần khai thị về biên giới các Ấm)
"Chỉ nhớ và quên, là biên giới của tưởng ấm"
Ta có thể cảm nhận được Đức Bổn Sư dùng hình tượng các người con thường nhớ thương Người Cha ("thường ôm lòng bi cảm ") để nêu lên lúc này đã tới giới hạn của Tưởng Ấm. Do đó
"tâm bèn tỉnh ngộ, mới biết thuốc này sắc vị thơm ngon, lập tức lấy uống, bệnh độc đều khỏi.".
Theo tôi, phương thuốc của Vị Lương Y trong câu truyện này là Diệu Pháp của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đã chuyển Thức thành Trí. Khi dùng thuốc này, Ý thức chuyển hóa thành Diệu Quán Sát Trí. Nhờ vậy đã vượt qua được Tưởng Ấm.
Khi vượt qua Tưởng Ấm (Phiền não chướng), tiến trình tiếp theo của quá trình vượt qua Ngũ Ấm là Hành Ấm (Sở chi chướng), A Lại Da ở giai đoạn này vẫn hoạt dụng nhưng ở mức độ vi tế hơn. Do đó Đức Bổn Sư dùng ẩn dụ Người Cha (A Lại Da) trở về để kết thúc câu truyện :
"Người cha nghe tin con đều đã khỏi bệnh, bèn trở về, khiến cho các người con gặp lại."
Vậy thông qua câu truyện về gia đình vị Lương Y trong Phẩm Như Lai Thọ Lượng, Đức Bổn Sư đã mô tả cho chúng ta quá trình vượt qua Tưởng ấm, với phương thuốc là Diệu Pháp của Kinh Pháp Hoa, Chuyển Thức Thành Trí, cụ thể là Chuyển Ý Thức thành Diệu Quán Sát Trí.
Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo
.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
TB :
Trong những ngày tiễn đưa Đại Tướng, hàng triệu người dân Việt Nam từ khắp mọi miền Tổ Quốc, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt địa vị, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt ngành nghề v.v ... bằng nhiều hình thức, có mặt để tiến hành, tham dự lễ tang của Đại Tướng.
Tôi thấy những người con Đất Việt này tương ưng với hình ảnh các Bồ Tát Tùng Địa Dũng Xuất của Đức Bổn Sư.
Những người con này đã là, sẽ là những người bảo hộ cho chính nghĩa, bảo hộ cho Dân Tộc.
Trước sự ra đi của Đại Tướng, Phật tính của toàn Dân Tộc đã trỗi dậy, tiễn đưa Đại Tướng đến nơi Vĩnh Hằng và Đại Tướng sẽ sống mãi trong lòng Dân Tộc Việt Nam, hiện tại cũng như mai sau.
Mong Hương Hồn của Đại Tướng được an nghỉ.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT !
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT !


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA
PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC


Ở hai phẩm trước, Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất và Như Lai Thọ Lượng, ta đã phân tích hiện tượng khi bắt đầu vào Tưởng ấm và quá trình vượt qua Tưởng ấm. Tới đây ta bắt đầu phân tích các phẩm tiếp theo : Phân biệt công đức - Tùy hỷ công đức - Pháp sư công đức.
Ba Phẩm này nói về các công đức phát sinh sau khi thọ Phẩm Như Lai Thọ Lượng.

Phẩm Phân Biệt Công Đức.
Kết thúc phẩm Như Lai Thọ Lượng, Chúng sinh và các Bồ Tát đều được lợi ích.
"Bấy giờ, đại chúng trong đại hội, nghe Phật nói số kiếp tuổi thọ lâu dài như thế, thì vô lượng vô biên A tăng kỳ chúng sinh, đều được lợi ích.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo đại Bồ Tát Di Lặc : A Dật Ða ! Khi ta nói Như Lai thọ mạng lâu dài như thế,
Thì có sáu trăm tám mươi vạn ức, Na do tha Hằng hà sa chúng sinh, được vô sinh pháp nhẫn."

Các chúng sinh thì được Vô Sanh Pháp Nhẫn, vào được địa thứ tám (Bất động địa).
Các Đại Bồ Tát thì vào được địa thứ chín (Thiện Huệ Địa)
"Lại có gấp bội ngàn lần đại Bồ Tát, đắc được môn văn trì Ðà la ni.
Lại có số đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của một thế giới, đắc được nhạo thuyết biện tài vô ngại.
Lại có số đại Bồ Tát nhiều như hạt bụi của một thế giới, đắc được trăm ngàn vạn ức vô lượng toàn Ðà la ni.
Lại có các đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của ba ngàn đại thiên thế giới, chuyển được pháp luân bất thối.
Lại có các đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của trung thiên thế giới, chuyển được pháp luân thanh tịnh. "

Và có các Đại Bồ Tát đã đến rất gần ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Pháp Vân Địa - Địa thứ mười ; Đẳng Giác - Địa thứ mười một; Diệu Giác - Địa thứ mười hai)
"Lại có các đại Bồ Tát, nhiều như số hạt bụi của tiểu thiên thế giới, còn tám đời nữa, sẽ đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Lại có đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của bốn tứ thiên hạ, còn bốn đời nữa, sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Lại có đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của ba tứ thiên hạ, còn ba đời nữa, sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Lại có đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của hai tứ thiên hạ, còn hai đời nữa, sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Lại có đại Bồ Tát, nhiều như hạt bụi của một tứ thiên hạ, còn một đời nữa, sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác."

Rất nhiều chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
"Lại có chúng sinh, nhiều như hạt bụi của tám thế giới, đều phát tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác."
Đến đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi, tại sao nghe phẩm Như Lai Thọ Lượng lại được nhiều lợi ích như thế ?
Đọc đoạn Kinh văn sau ta có thể hiểu điều này :
"Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Di Lặc, A Dật Da ! Những chúng sinh nào, nghe thọ mạng của Phật lâu dài như thế, cho đến sinh một niệm tin hiểu, thì được công đức chẳng có hạn lượng.
Nếu có người thiện nam, thiện nữ, vì Vô thượng chánh đẳng chánh giác, ở trong tám mươi vạn ức Na do tha kiếp, thực hành năm Ba la mật,
Bố thí Ba La Mật,
Trì giới Ba la mật,
Nhẫn nhục Ba la mật,
Tinh tấn Ba la mật,
Thiền định Ba la mật,
Trừ Bát Nhã Ba la mật ra
đem công đức này, so sánh với công đức ở trên, chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn ức, cho đến tính toán ví dụ, cũng không thể biết được.
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, có công đức như thế, mà chẳng đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì chẳng có lý đó."
Ở đây, Đức Phật nói với chúng ta rằng công đức thực hành năm Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định) so sánh với "một niệm tin hiểu" Phẩm Như Lai Thọ Lượng thì "chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn vạn ức, cho đến tính toán ví dụ, cũng không thể biết được.". Và Đức Phật lưu ý chúng ta rằng : "Trừ Bát Nhã Ba la mật ra"
Tại sao Đức Phật lại lưu ý chúng ta điều này ?
Xem tiếp đoạn Kinh văn sau :
"Lại nữa, A Dật Ða ! Nếu có người nghe được thọ mạng lâu dài của Phật, mà hiểu rõ nghĩa lý của lời nói, thì người đó được công đức chẳng có hạn lượng, hay sinh ra trí huệ vô thượng của Như Lai, hà huống là rộng nghe kinh này."
Tới đây ta thấy rằng :
Hiểu được Phẩm Như Lai Thọ Lượng là đã thâm nhập Bát Nhã Ba La Mật.
Vượt qua được Tưởng Ấm là đã ngồi trên thuyền Bát Nhã, vượt qua biển khổ, tới bờ Giác ngộ (Ba La Mật - Đáo Bỉ Ngạn).
Do đó, ở phần trên, Đức Phật thuyết :
"Nếu người thiện nam, người thiện nữ, có công đức như thế, mà chẳng đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì chẳng có lý đó."
Tiếp đó, Đức Thế Tôn lại thuyết :
"Hoặc dạy người đến nghe, hoặc tự mình thọ trì, hoặc dạy người thọ trì, hoặc tự mình biên chép, hoặc dạy người biên chép, hoặc dùng hương hoa, anh lạc, tràng phan, lọng lụa, dầu thơm, đèn, để cúng dường kinh quyển. Công đức của người đó, vô lượng vô biên, hay sinh ra nhất thiết chủng trí."
Vậy, đến đây ta thấy được Vượt qua Tưởng Ấm là đã thâm nhập được Bát Nhã Ba La Mật.
Tham khảo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Hòa Thượng Thích Thanh Từ Giảng Giải về phần phá Tưởng Ấm
"Phá Tưởng ấm vào Ngũ địa và Lục địa Bồ-tát."
Tham khảo Kinh Hoa Nghiêm (Hòa Thượng Thích Trí Tịnh) về Lục Địa Bồ Tát (Hiện tiền địa).
"Trong mười môn ba la mật , Bồ Tát này thiên nhiều về Bát Nhã Ba La Mật"
Vậy, tới đây ta khẳng định Phẩm Như Lai Thọ Lượng đưa chúng ta thâm nhập vào Bát Nhã Ba La Mật, tương ưng với Lục Địa Bồ Tát (Hiện Tiền Địa).
Đức Bổn Sư thuyết tiếp :
"A Dật Ða ! Nếu người thiện nam, người thiện nữ, nghe ta nói thọ mạng dài lâu, mà thâm tâm tin hiểu, tức là thấy Phật thường ở tại núi Kỳ Xà Quật, cùng với các chúng đại Bồ Tát, Thanh Văn, vây quanh nói pháp.
Lại thấy thế giới Ta Bà này, đất bằng lưu ly, mặt đất bằng phẳng, vàng diêm phù đàn dùng làm tám đường, cây báu thẳng hàng, các đền đài lầu các, đều dùng bảy báu tạo thành, các chúng Bồ Tát đều ở trong đó. Nếu có người hay quán như thế, thì nên biết người đó tin sâu hiểu kinh này.
Lại nữa, sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh này, mà chẳng hủy báng, phát tâm tùy hỷ, thì nên biết người đó, đã tin hiểu sâu kinh này, hà huống là người đọc tụng thọ trì, tức là người đó đầu đội đức Như Lai."

Đây là giai đoạn tiến tu, vào tiếp Địa thứ bảy.
Tham khảo Kinh Hoa Nghiêm, phần Viễn Hành Địa (Địa thứ bảy).
"Phật tử!

Đại Bồ Tát an trụ đệ thất địa này rồi, thời
...
vào vô lượng công nghiệp giáo hóa chúng sanh của Chư Phật ,
...
vào vô lượng quốc độ thanh tịnh của Chư Phật,
...
vào vô lượng ngữ ngôn âm thanh làm cho chúng sanh hoan hỷ của chư Phật,
...
vào vô lượng trí đạo của Chư Phật dạy khiến tín giải,
..."

Tổng kết lại các phần trên, ta thấy Phẩm Phân Biệt Công Đức, Đức Bổn Sư đã khái quát chỉ ra : Sau khi thọ Phẩm Như Lai Thọ Lượng, phá Tưởng Ấm, vào được Địa thứ sáu, thâm nhập được Bát Nhã Ba La Mật thì sẽ lên được thuyền Bát Nhã, từ đó sẽ vượt qua được tất cả các Địa (Địa thứ bảy tới Địa thứ mười hai) để tới bờ bên kia (Ba la mật - Đáo Bỉ Ngạn), vào ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM TÙY HỶ CÔNG ĐỨC

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA
PHẨM TÙY HỶ CÔNG ĐỨC.


Khi phá xong Tưởng Ấm, người tu đã qua Địa thứ sáu (Hiện Tiền Địa). Tiến tu, sẽ vào Địa thứ bảy (Viễn Hành Địa).
Khi vào Viễn Hành Địa, người tu sẽ phát tâm tùy hỷ. Do đó Bồ Tát Di Lặc hỏi Đức Thế Tôn.
"Ðức Thế Tôn ! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, nghe Kinh Pháp Hoa này mà tùy hỷ, thì đắc được bao nhiêu phước đức ? Bèn nói bài kệ rằng :
Sau khi Phật diệt độ
Có người nghe kinh này
Mà sinh tâm tùy hỷ
Được bao nhiêu công đức ?"

Để trả lời câu hỏi này, Đức Thế Tôn đưa ra ví dụ để so sánh.
1. Người nghe Kinh Pháp Hoa tùy hỷ :
"Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Di Lặc :
A Dật Ða ! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và những người có trí khác, hoặc già, hoặc trẻ, nghe kinh này mà tùy hỷ. Từ pháp hội ra đi đến nơi khác.
Hoặc tại nhà của chư Tăng ở, hoặc tại chỗ vắng vẻ, hoặc tại thành ấp đường xá, xóm làng ruộng nương, đem sự nghe của mình mà vì cha mẹ, người thân, bạn bè, tri thức, tùy sức mà diễn nói, khiến cho họ nghe rồi mà tùy hỷ, lại đi diễn nói với người khác, người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, lại đi diễn nói với người khác nữa, cứ như thế cho đến người thứ năm mươi."

Phân tích về người nghe Kinh Pháp Hoa tùy hỷ này.
Người này như phân tích ở trên đã vào Địa thứ bảy (Viễn Hành Địa).
Tham khảo Kinh Hoa Nghiêm về Viễn Hành Địa (Hòa Thượng Thích Trí Tịnh),
"Dầu xa rời tam giới mà trang nghiêm tam giới"
Ta thấy vào Viễn Hành Địa là đã thoát khỏi tam giới, qua hàng nhị thừa, vào Đại thừa (Cỗ xe lớn). Ta xem sức chuyên trở của Đại thừa (Cỗ xe lớn) khi tùy hỷ ra sao
Về cách thức tùy hỷ, ta thấy người này nói với những người khác, người khác lại tiếp tục đi nói với những người khác nữa ..., cứ như vậy tới người thứ năm mươi. Cách thức này làm cho số lượng người được tùy hỷ tăng theo cấp số nhân.
Người thứ nhất nói với 50 người - Sẽ có 50 người được nghe -(Đây gọi là người thứ hai)
Người thứ hai nói với 50 người - Sẽ có thêm 50 người được nghe -(Đây gọi là người thứ ba)
Người thứ ba ...
Như vậy, từ một người nghe tùy hỷ sẽ có số lượng người được nghe là :
50 + 50 x 50 + 50 x 50 x 50 +... = 50 mũ 1 + 50 mũ 2 + 50 mũ 3 + ... +50 mũ 50 = 9,06305E+84
Con số này là con số cực kỳ lớn.
Đó là cách thức mà người nghe Kinh Pháp Hoa tùy hỷ.
2. Đại Thí Chủ
"Nếu bốn loài sáu đường chúng sinh, trong bốn trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới, loài sinh bằng trứng, loài sinh bằng thai, loài sinh bằng ẩm ướt, loài biến hóa sinh ra, hoặc loài có hình, loài không có hình, loài có nghĩ tưởng, loài không có nghĩ tưởng, loài chẳng có nghĩ tưởng chẳng phải không có nghĩ tưởng, loài không chân, hai chân, loài bốn chân, nhiều chân, như vậy hết thảy loài chúng sinh. Có người cầu phước, tùy theo sự ưa muốn của họ, mà cung cấp cho đầy đủ.
Mỗi mỗi chúng sinh đều cấp cho đầy cõi Diêm Phù Ðề : Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ mã não, san hô, hổ phách các thứ châu báu, và voi ngựa xe cộ, cung điện lầu các làm bằng bảy báu .v.v...
Ðại thí chủ đó, bố thí như vậy, mãn tám mươi năm rồi, bèn nghĩ như vầy : Ta đã bố thí cho chúng sinh những đồ vui thích, tùy ý sự ưa muốn của họ, nhưng những chúng sinh này đều đã già nua, tuổi đã quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, sự chết chẳng còn bao lâu. Ta nên dùng Phật pháp để giáo hóa họ.
Bèn triệu tập những chúng sinh đó, truyền bá Phật pháp giáo hóa, khiến cho họ được lợi ích sinh tâm hoan hỷ. Nhất thời đều đắc được đạo Tu Ðà Hoàn, đạo Tư Ðà Hàm, đạo A Na Hàm, đạo A La Hán, sạch các hữu lậu, nơi thiền định thâm sâu, đều đắc được tự tại, đủ tám giải thoát. Ý của ông thế nào ? Vị đại thí chủ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?
Bồ Tát Di Lặc bạch đức Phật rằng : Ðức Thế Tôn ! Công đức của người đó rất nhiều, vô lượng vô biên. Nếu vị thí chủ đó, chỉ bố thí tất cả đồ vui thích, thì công đức đã vô lượng, hà huống khiến cho họ đắc được quả A La Hán."

Công đức của Đại Thí Chủ này rất lớn, nhưng nếu so sánh với công đức của Người tùy hỷ Kinh Pháp Hoa ở trên thì không đáng kể.
Ngoài ra, Đại Thí Chủ giúp các chúng sinh đắc đạo A La Hán thì vẫn thuộc nhị thừa, còn người tùy hỷ Kinh Pháp Hoa ở địa thứ bảy, lúc này thuộc hàng Phật thừa, tương ưng với Pháp Vương Tử Trụ.
Tham khảo Kinh Hoa Nghiêm về Viễn Hành Địa (Hòa Thượng Thích Trí Tịnh) :
"Ví như vương tử sanh ở cung vua, do vương hậu sanh có đủ vương tướng. Khi sanh ra thời đã hơn tất cả các quan, ..."
Vì vậy, Đức Bổn Sư bảo với Bồ Tát Di Lặc :
"Ðức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc:
Nay ta phân tích rõ cho ông nghe, người đó đem tất cả đồ vui thích, bố thí cho sáu đường chúng sinh, trong bốn trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới. Lại khiến cho họ đắc quả A La Hán, công đức của người đó, chẳng bằng người thứ năm mươi, nghe một bài kệ Kinh Pháp Hoa, mà tùy hỷ công đức, trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cũng chẳng bằng một phần, cho đến tính đếm thí dụ, cũng không thể biết được.
A Dật Ða ! Như người thứ năm mươi đó, lần lượt được nghe Kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ, công đức còn vô lượng vô biên A tăng kỳ, hà huống là người đầu tiên, ở trong pháp hội nghe Kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ. Phước người này, còn hơn phước người thứ năm mươi, vô lượng vô biên A tăng kỳ, không thể sánh được."


Trên ta đã phân tích về Địa thứ bảy (Viễn Hành Địa), tiến tu bước vào Địa thứ tám (Bất Động Địa).
Trụ Bất Động Địa, người tu sẽ phát tâm giáo hóa chúng sinh.
Tham khảo Kinh Hoa Nghiêm về Bất Động Địa (Hòa Thượng Thích Trí Tịnh),
"Bồ Tát này lại khởi trí minh giáo hoá chúng sanh"
Do vậy Đức Bổn Sư thuyết tiếp :
"Lại nữa, A Dật Ða !
Nếu có người vì kinh này, mà đi đến phòng Tăng, hoặc ngồi, hoặc đứng, nghe trong giây lát, thì nhờ công đức đó, mà tái sinh đời sau, được voi ngựa, xe cộ, châu báu, kiệu cáng, đồ thượng hạng và cung điện.
Nếu lại có người, ngồi ở nơi giảng pháp, có người đến mà khuyên bảo, khiến cho họ ngồi nghe pháp, hoặc phân chia chỗ cho họ ngồi, thì công đức của người đó, khi chuyển thân khác, sẽ được chỗ ngồi của trời Ðế Thích, hoặc chỗ ngồi của Phạm Vương, hoặc chỗ ngồi của vua Chuyển luân thánh vương."
Ta tìm hiểu đoạn Kinh văn trên để xem tại sao nghe pháp và giảng pháp lại có công đức lớn như thế:
Được voi ngựa, xe cộ, châu báu, kiệu cáng, đồ thượng hạng và cung điện.
Đây là làm vua cõi người - (Dục giới)
Được chỗ ngồi của vua Chuyển luân thánh vương.
Đây là làm Vua chuyển luân cõi người - (Dục giới)
Được chỗ ngồi của trời Ðế Thích,
Đây là làm Vua cõi trời Đao Lợi - (Dục giới)
Được chỗ ngồi của Phạm Vương,
Đây là làm Vua cõi trời Phạm Thiên. - (Sắc giới - Sơ thiền)
Tham khảo Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Thập Địa (Thứ 26) - Hòa Thượng Thích Trí Tịnh :
"Ðại Bồ Tát trụ bực Sơ địa này phần nhiều hiện làm vua ở Diêm Phù Ðề"
"Ðại Bồ Tát trụ bực này (Ly Cấu Địa - Địa thứ hai), phần nhiều hiện thân làm Chuyển Luân Thánh Vương"
"Bồ Tát trụ bực Phát Quang Ðịa thứ ba này phần nhiều hiện thân làm Ðao Lợi Thiên Vương,"
"Ðại Bồ Tát trụ bực (Bất động địa) này phần nhiều làm đại phạm thiên vương chủ ngàn thế giới"
Dựa vào Kinh Hoa Nghiêm, ta thấy Pháp sư giảng Kinh Pháp Hoa (mà Đức Phật nói đến ở trên) đã trụ ở Địa thứ tám (Bất động địa) nên đương nhiên sẽ được công đức như vậy.
Sau cùng, Đức Bổn Sư nói người chỉ cần rủ người khác cùng mình đi nghe Kinh Pháp Hoa, lúc chuyển thân cũng được rất nhiều công đức
"A Dật Ða !
Nếu lại có người, nói với người khác rằng : Có kinh tên là Pháp Hoa, chúng ta có thể cùng nhau đến nghe, người đó nghe lời, bèn đến nghe trong chốc lát. Công đức của người đó chuyển thân sau, được sinh cùng một chỗ với Bồ Tát Ðà La Ni, có lợi căn trí huệ.
Trong trăm nghìn vạn đời, chẳng bao giờ bị câm, hơi miệng chẳng hôi thối, lưỡi thường chẳng có bệnh tật, miệng cũng chẳng có bệnh tật, răng chẳng dơ, chẳng đen, chẳng vàng, chẳng thưa, cũng chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng cong. Môi chẳng thòng xuống, cũng chẳng co rút lại, chẳng thô rít, chẳng ung nhọt, cũng chẳng khuyết xấu, cũng chẳng cong vẹo, chẳng dày chẳng lớn, cũng chẳng đen xạm, chẳng có các sự đáng chê.
Mũi chẳng dẹp, cũng chẳng cong. Sắc mặt chẳng đen, cũng chẳng dài hẹp, cũng chẳng cong trũng, chẳng có những tướng khiến cho người thấy chẳng vui.
Môi lưỡi răng thảy đều tốt đẹp trang nghiêm, mũi thì cao thẳng. Mặt mày tròn đầy, mi cao mà dài, trán rộng bằng phẳng, nhân tướng đây đủ. Ðời đời sinh ra đều gặp Phật, nghe pháp tin nhận lời của Phật dạy.
A Dật Ða ! Ông xem đó, khuyên một người khiến cho họ đến nghe pháp, mà được công đức như thế, hà huống là một lòng nghe giảng, đọc tụng, rồi ở trong đại chúng, vì mọi người phân biệt giải nói pháp tu hành."

Vậy tóm lại, tại Phẩm Tùy Hỷ Công Đức, người tu đã trụ Địa thứ bảy (Viễn Hành Địa), và Địa thứ tám (Bất động địa).
Tại địa thứ bảy, người tu vào hàng Pháp Vương Tử, phát tâm Đại thừa, tùy hỷ Kinh Pháp Hoa, được rất nhiều công đức, vượt xa hàng Nhị thừa.
Tại địa thứ tám, người tu phát tâm giáo hóa chúng sinh, giảng nói Kinh Pháp Hoa, và khi chuyển thân sẽ được vương vị từ cõi Người đến cõi Phạm Thiên.

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA - PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

GIẢI MÃ KINH PHÁP HOA
PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC.


Ở phần trước, ta thấy người tu đã vào Địa thứ tám và phát tâm giáo hóa chúng sinh, giảng nói Kinh Pháp Hoa. Do đó tới phẩm này, người tu được gọi là Pháp Sư và phẩm này có tên là Pháp Sư Công Đức.
Tại Địa thứ tám (Bất động địa), Pháp Sư đã chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Khi chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, theo tôi là đã vào được vào Tính Viên Giác.
Tham khảo Kinh Viên Giác (Kinh Viên Giác Giảng Giải - Hòa Thượng Thích Từ - Phần thứ ba - Bồ Tát Phổ Nhãn)
"Này thiện nam :
Huyễn thân của các chúng sanh kia diệt, nên huyễn tâm cũng diệt,
Vì huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng diệt,
Vì huyễn trần diệt nên cái huyễn diệt cũng diệt,
cái huyễn diệt diệt nhưng cái phi huyễn (tánh Viên giác) không diệt.
Thí như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện. Này thiện nam, nên biết thân tâm đều là huyễn hóa nhơ bẩn, tướng nhơ bẩn đó hằng diệt thì (tánh Viên giác) thanh tịnh khắp mười phương."

Do vào được Tính Viên Giác nên :
"Vì tánh Viên giác sáng suốt đã hiện ra nên tâm thanh tịnh,
Do tâm thanh tịnh nên kiến trần thanh tịnh,
Do kiến thanh tịnh nên nhãn căn thanh tịnh,
Do căn thanh tịnh nên nhãn thức thanh tịnh,
Do thức thanh tịnh nên văn trần thanh tịnh,
Do văn thanh tịnh nên nhĩ căn thanh tịnh,
Do căn thanh tịnh nên nhĩ thức thanh tịnh,
Do thức thanh tịnh nên giác trần thanh tịnh.
Như thế cho đến tị, thiệt, thân, ý cũng lại như vậy.
..."

Tới đây, ta thấy Lục căn đã thanh tịnh. Tiến tu thì Lục căn sẽ đầy khắp pháp giới và Lục căn không bị hoại tạp
"Này thiện nam,
tánh Viên giác thanh tịnh bất động viên mãn khắp cả không ngằn mé,
nên biết sáu căn cũng đầy khắp pháp giới,
...
Này thiện nam,
Do tánh Diệu giác kia đầy khắp pháp giới nên Thể tánh của căn trần không hoại không tạp."

Pháp giới ở đây ở đây được hiểu là Tam Giới (Dục giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới).
Không gian của Tam giới được hiểu là Từ Địa Ngục A Tỳ tới cõi Trời Hữu Đỉnh.
Tham khảo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng Giải (Phần Giảng Giải về hào quang của Đức Phật khi Đức Phật phóng quang)
"Luồng hào quang trắng trung đạo của Ðức Phật, trước hết chiếu phương đông, chiếu khắp một vạn tám ngàn cõi, cho đến khắp cả hư không đều thành màu hoàng kim. Dưới chiếu đến ngục A Tỳ, trên chiếu đến cõi trời Hữu Ðỉnh, trong tất cả thế giới. Hữu là dục giới, sắc giới và vô sắc giới."
Dựa vào các đoạn trích Kinh Viên Giác và Giảng Giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa, ta có thể thấy được tính tương ưng giữa các đoạn Kinh Văn nói trên (Trong Kinh Viên Giác) và Công đức Lục căn của Pháp Sư trong Kinh Pháp Hoa (Người đã thâm nhập được Vô Sanh Pháp Nhẫn - Tính Viên Giác - Giảng nói Kinh Pháp Hoa).
"Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Thường Tinh Tấn !
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì Kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì người đó sẽ được
Tám trăm công đức nơi mắt,
Một ngàn hai trăm công đức nơi tai,
Tám trăm công đức nơi mũi,
Một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi,
Tám trăm công đức nơi thân,
Một ngàn hai trăm công đức nơi ý,
Nhờ công đức đó, trang nghiêm sáu căn đều khiến cho thanh tịnh."

Công đức về Nhãn Căn
"Người thiện nam, người thiện nữ đó, mắt thịt cha mẹ sinh ra, thấy ba ngàn đại thiên thế giới, trong ngoài hết thảy núi rừng, sông biển, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Ðỉnh, cũng thấy tất cả chúng sinh trong đó, và nghiệp nhân duyên quả báo, nơi sinh đều thấy đều biết.
Người thiện nam, người thiện nữ đó, mắt thịt cha mẹ sinh ra, thấy ba ngàn đại thiên thế giới, trong ngoài hết thảy núi rừng, sông biển, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Ðỉnh, cũng thấy tất cả chúng sinh trong đó, và nghiệp nhân duyên quả báo, nơi sinh đều thấy đều biết.
...
Tuy chưa được thiên nhãn.
Sức nhục nhãn như thế."

Công đức về Nhĩ Căn
"Lại nữa, Thường Tinh Tấn !
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi tai. Nhờ tai thanh tịnh, nên nghe được tất cả các thứ tiếng, trong ba ngàn đại thiên thế giới, dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Ðỉnh, trong đó hết thảy các thứ lời nói âm thanh, đều nghe rõ hết.
Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng bò, tiếng xe, tiếng khóc lóc, tiếng vui buồn, tiếng pháp loa, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng người nam, tiếng người nữ, tiếng đồng tử, tiếng đồng nữ, tiếng pháp, tiếng phi pháp, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phàm phu, tiếng Thánh nhân, tiếng hoan hỷ, tiếng không hoan hỷ.
Tiếng trời, tiếng rồng, tiếng Dạ Xoa, tiếng Càn Thát Bà, tiếng A Tu La, tiếng Ca Lâu La, tiếng Khẩn Na La, tiếng Ma HầuLa Già, tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng địa ngục, tiếng súc sinh, tiếng ngạ quỷ.
Tiếng Tỳ Kheo, tiếng Tỳ Kheo ni, tiếng Thanh Văn, tiếng Bích Chi Phật, tiếng Bồ Tát, tiếng Phật.
Tóm lại, trong ba ngàn đại thiên thế giới, hết thảy tất cả các thứ tiếng trong ngoài, tuy chưa được thiên nhĩ, dùng tai thường thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, thảy đều nghe biết. Phân biệt các thứ tiếng như vậy, mà chẳng hư nhĩ căn.
..."

Công đức về Tỳ Căn
"Lại nữa, Thường Tinh Tấn !
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc tụng giải nói, hoặc biên chép, thì thành tựu tám trăm công đức nơi mũi. Dùng căn mũi thanh tịnh đó, ngửi được các thứ mùi hương trong ngoài, trên dưới trong ba ngàn đại thiên thế giới.
Hương thơm của hoa tu mạn na, hương thơm hoa xà đề, hương thơm hoa mặc lợi, hương thơm hoa thiềm bặc, hương thơm hoa ba la la, hương thơm hoa sen đỏ, hương thơm hoa sen xanh, hương thơm hoa sen trắng, hương thơm cây có hoa, hương thơm cây có quả, hương chiên đàn, hương trầm thủy, hương đa ma la bạt, hương đa già la, và hàng ngàn vạn thứ hương hòa hợp, hoặc hương bột, hoặc hương viên tròn, hoặc hương xoa. Người trì kinh này, trụ ở nơi này, đều phân biệt được.
Lại phân biệt biết được mùi hương của chúng sinh, mùi hương của voi, mùi hương của ngựa, mùi hương của bò dê, mùi hương của con trai, mùi hương của con gái, mùi hương của đồng tử, mùi hương của đồng nữ và mùi hương của cỏ cây lùm rừng, hết thảy các mùi hương, hoặc gần hoặc xa, đều ngửi được, phân biệt chẳng sai lầm.
Người trì kinh này, tuy ở nơi đây, mà cũng ngửi được mùi hương của chư Thiên ở trên trời, mùi hương cây ba lợi chất đa la, mùi hương cây câu tì đà la, và mùi hương hoa mạn đà la, mùi hương hoa ma ha mạn đà la, mùi hương hoa mạn thù sa, mùi hương hoa ma ha mạn thù sa, các thứ hương bột chiên đàn trầm thủy, các thứ hương của các loại hoa. Các mùi hương trời hòa hợp tỏa ra như thế, chẳng có mùi hương nào mà chẳng ngửi biết được.
Lại ngửi được mùi hương thân của chư Thiên, mùi hương khi Thích Ðề Hoàn Nhân ở trong Thắng Ðiện, đùa giỡn vui chơi hưởng thụ năm dục, hoặc mùi hương khi ở trong Diệu Pháp Ðường, vì chư Thiên trời Ðao Lợi thuyết pháp, hoặc mùi hương khi ở trong vườn dạo chơi, và mùi hương người nam, người nữ, của các vị trời khác, thảy đều ngửi biết được.
Như thế, lần lượt đến trời Ðại Phạm. Trên đến trời Hữu Ðỉnh, mùi hương nơi thân của chư thiên cũng đều ngửi được, mùi hương đốt của chư thiên, và mùi hương của Thanh Văn, mùi hương của Bích Chi Phật, mùi hương của Bồ Tát, mùi hương thân của chư Phật, cũng đều ngửi được, và biết ở đâu. Tuy ngửi được những mùi hương đó, mà căn mũi chẳng hư, chẳng sai lầm. Nếu muốn phân biệt giải nói cho người khác, thì nhớ nghĩ chẳng quên.
..."

Công đức về Thiệt Căn
"Lại nữa, Thường Tinh Tấn !
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi lưỡi. Hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc ngon, hoặc dở, và các đồ đắng cay, khi đến căn lưỡi, thì đều biến thành vị thượng diệu như là cam lồ, chẳng có gì mà không ngon.
Hoặc dùng căn lưỡi ở trong đại chúng diễn nói pháp thâm sâu vi diệu, khiến cho tâm của người nghe, đều hoan hỷ sung sướng.
Lại có các Thiên tử Thiên nữ, các vị trời Ðế Thích Phạm Thiên .v.v... nghe được âm thanh diễn nói pháp vi diệu như thế, lời nói có thứ lớp thì đều đến nghe.
Và các rồng, rồng nữ, Dạ Xoa, Dạ Xoa nữ, Càn Thát Bà, Càn Thát Bà nữ, A Tu La, A Tu La nữ, Ca Lâu Na, Ca Lâu Na nữ, Khẩn Na La, Khẩn Na La nữ, Ma Hầu La Già, Ma Hầu La Già nữ, vì nghe pháp mà đến gần gũi cung kính cúng dường.
Và Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, quốc vương, thái tử, quần thần quyến thuộc, tiểu chuyển luân vương, đại chuyển luân vương, bảy báu, ngàn người con, quyến thuộc nội ngoại, đều ngồi cung điện đến để nghe pháp.
Bởi Bồ Tát đó khéo nói pháp, cho nên các Bà la môn, cư sĩ nhân dân trong nước, suốt đời theo hầu hạ cúng dường.
Lại nữa, các vị Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chư Phật, thường ưa thấy vị pháp sư đó. Vị đó ở đâu, thì chư Phật đều hướng về vị đó nói pháp, vị đó đều thọ trì tất cả Phật pháp, lại có thể nói ra pháp âm thâm sâu vi diệu.
..."

Công đức về Thân Căn
"Lại nữa, Thường Tinh Tấn !
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, thọ trì kinh này, hoặc đọc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được tám trăm công đức nơi thân, được thân thanh tịnh như lưu ly, chúng sinh đều thích thấy.
Vì thân người đó thanh tịnh, cho nên chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, khi sinh, khi chết, trên trời, dưới địa ngục, tốt xấu, sinh về chỗ lành, sinh về chỗ dữ, thảy đều hiện ra trong thân người đó.
Và núi Thiết Vi, núi đại Thiết Vi, núi Di Lâu, núi đại Di Lâu, hết thảy các núi, và chúng sinh ở trong đó, đều hiện ra trong đó.
Dưới đến địa ngục A Tỳ, trên đến cõi trời Hữu Ðỉnh, hết thảy cảnh giới và tất cả chúng sinh, đều hiện ra ở trong đó.
Hoặc hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chư Phật thuyết pháp, đều hiện ra hình bóng ở trong thân người đó.
..."

Công đức về Ý Căn
"Lại nữa, Thường Tinh Tấn !
Nếu người thiện nam, người thiện nữ, sau khi Như Lai diệt độ, mà thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, thì được một ngàn hai trăm công đức nơi ý. Nhờ ý căn thanh tịnh đó, cho đến nghe một bài kệ, một câu, mà thông đạt được nghĩa lý vô lượng vô biên.
Hiểu nghĩa lý đó rồi, mà có thể diễn nói một câu kinh, một bài kệ, thậm chí giảng đến một tháng, bốn tháng, cho đến một năm. Các pháp nói ra, tùy theo nghĩa lý đều hợp với thật tướng, chứ chẳng trái ngược với thật tướng, hoặc nói kinh sách thế gian, lời lẽ trị thế, nghề nghiệp làm ăn, thảy đều hợp với chánh pháp.
Sáu đường chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, tâm nghĩ gì, tâm khởi làm những gì, và tâm hí luận, thảy đều biết rõ. Tuy chưa được trí huệ vô lậu, mà căn ý của người đó thanh tịnh như thế. Người đó có suy nghĩ tính toán nói năng, đều là Phật pháp, chẳng có gì mà chẳng chân thật, cũng là đạo lý ở trong kinh trước kia Phật đã nói.
..."

Trong các đoạn Kinh văn trên, ta thấy Đức Bổn Sư vài lần nhắc đến các căn do "Cha mẹ sinh ra" , chỉ ra rằng : Phàm Phu chúng ta tại Ta Bà này, nếu tu hành đúng pháp thì Lục căn đều có thể phát sinh các Công Đức. Do đó, chúng ta có mục tiêu, niềm tin và quyết tâm tu tập ngay tại Kiếp này.
Tóm lại :
Phẩm Pháp Sư Công Đức cho chúng ta biết, khi đã chứng nhập được Vô Sanh Pháp Nhẫn (Địa thứ tám - Bất động địa) thì lục căn sẽ thanh tịnh và phát sinh công đức.

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.71 khách