ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


Chúng ta đều biết, Đại Bi Quán Thế Âm là đại Bồ Tát được ngưỡng mộ nhất trong tất cả các Bồ Tát bởi lòng Đại từ, Đại Bi của ngài. Vô số những câu chuyện kể về sự linh ứng của Ngài được lưu truyền trong nhân gian. Ngài không chỉ nổi tiếng bởi lòng từ bi của mình mà còn nổi tiếng bởi các phép tu do ngài chỉ dạy. Trong đó, Chú Đại Bi là bài Chú do ngài chỉ dạy và được rất nhiều Phật tử hành trì.
Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni, sau khi hướng dẫn chúng sinh phát nguyện :

"Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô Ðại bi Quán Thế Âm,
Nguyện con sớm được mắt trí huệ.
....
...
Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục.
Nếu con hướng về các súc sanh,
Súc sanh tự được trí huệ lớn."

(Chi tiết xem trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Đại Bi Tâm Đà La Ni)

Đại Bi Quán Thế Âm thuyết
"Khi phát lời nguyện ấy xong, chí tâm xưng danh hiệu của tôi, lại chuyên niệm danh hiệu bổn sư tôi là đức A Di Đà Như Lai, kế đó tiếp tụng đà ra ni thần chú này ... "

Ta nhận thấy, Pháp Niệm Phật A Mi Đà được Đại Bi Quán Thế Âm đề cập tới như một điều kiện tất yếu để Chú Đại Bi của Ngài có hiệu lực.
Ngoài ra, về Pháp tu do Đại Bi Quán Thế Âm chỉ dạy, Pháp tu Phản Văn Văn Tự Tánh trong Kinh Lăng Nghiêm của Ngài cũng được rất nhiều người tham cứu, tu học.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, để dẫn dắt Ngài A Nan vào phép tu Phản Văn Văn Tự Tính. Đức Thế Tôn bảo khắp các vị Đại Bồ Tát và các vị A La Hán giới thiệu 25 phép tu viên thông của mình. Phân tích lộ trình giới thiệu các phép tu này theo thứ tự ta nhận ra đặc điểm sau :

Trần (06) :
1. Viên thông về Thanh Trần. (A La Hán Kiều Trần Như.)
2. Viên thông về Sắc Trần. (A La Hán Ưu Bà Ni Sa Đà.)
3. Viên thông về Hương Trần. (A La Hán Hương Nghiêm Đồng Tử.)
4. Viên thông về Vị Trần. (Bồ Tát Dược Vương - Dược Thượng Bồ Tát)
5. Viên thông về Xúc Trần. (A La Hán Bạt Đà Bà La.)
6. Viên thông về Pháp Trân (A La Hán Ma Ha Ca Diếp.)

Căn (05) :
7. Viên thông về Nhãn Căn (A La Hán A Na Luật Đà)
8. Viên thông về Tỵ Căn (A La Hán Châu Lợi Bàn Đặc Ca)
9. Viên thông về Thiệt Căn (A La Hán Kiều Phạm Bát Đề)
10. Viên thông về Thân Căn (A La Hán Tất Lăng Già Bà Ta.)
11. Viên thông về Ý Căn (A La Hán Tu Bồ Đề)
(Như vậy là Viên Thông về Nhĩ căn chưa được nhắc đến)

Thức (06)
12. Viên thông về Nhãn Thức (A La Hán Xá Lợi Phật.)
13. Viên thông về Nhĩ Thức (Bồ Tát Phổ Hiền Bồ Tát.)
14. Viên thông về Tỵ Thức (A La Hán Tôn Đà La Nan Đà.)
15. Viên thông về Thiệt Thức (A La Hán Phú Lâu Na.)
16. Viên thông về Thân Thức (A La Hán Ưu Bà Ly.)
17. Viên thông về Ý Thức (A La Hán Mục Kiền Liên.)

Đại (07)
18. Viên thông về Hỏa Đại (A La Hán Ô Sô Sắc Ma.)
19. Viên thông về Địa Đại (Bồ Tát Trì Địa Bồ Tát.)
20. Viên thông về Thủy Đại (A La Hán Nguyệt Quang Đồng Tử.)
21. Viên thông về Phong Đại (Bồ Tát Lưu Ly Quang Pháp Vương Tử.)
22. Viên thông về Không Đại (Bồ Tát Hư Không Tạng Bồ Tát.)
23. Viên thông về Thức Đại (Bồ Tát Di Lặc Bồ Tát.)
24. Viên thông về Kiến Đại (Bồ Tát Đại Thế Chí Bồ Tát.)
(Nhận thấy trình tự Kiến Đại và Thức Đại bị đảo,do theo tự nhiên thì Kiến rồi mới sinh ra Thức)

25. Viên Thông về Nhĩ Căn (Bồ Tát Quán Thế Âm Bồ Tát.)

Tới đây nhận thấy :
Phép tu Viên Thông về Nhĩ Căn (Hay còn gọi là Phản Văn Văn Tự Tính) của Đại Bi Quán Thế Âm, theo trình tự thì phải xếp ở phần Căn, nhưng được chuyển xuống cuối cùng.
Pháp tu thuộc về Kiến Đại (Niệm Phật Tam Muội của Đại Thế Chí Bồ Tát) và về Thức Đại (Pháp tu Duy Thức của Di Lặc Bồ Tát) bị đảo.
Do đó hai phép tu cuối cùng được sắp xếp sát nhau là Pháp tu Niệm Phật Tam Muội của Đại Thế Chí Bồ Tát và Nhĩ Căn Viên Thông của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Lý do vì sao lại có sự sắp xếp này?

Việc này, Pháp Sư Tịnh Không đã giảng trong các bài giảng của Ngài.
Pháp Sư Tịnh Không thường giảng, "đây là Đức Bổn Sư ngầm tuyên dương pháp tu Niệm Phật Tam Muội của Đại Thế Chí Bồ Tát". (Do Pháp tu Nhĩ Căn viên thông của Đại Bi Quán Thế Âm mới chính thức được Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát chọn từ 25 pháp tu kể trên, là pháp tu phù hợp với căn cơ của Ngài A Nan)

Tuy nhiên theo tôi, không chỉ ngoài việc tuyên dương phép tu Niệm Phật của Đại Thế Chí Bồ Tát. Pháp tu Niệm Phật trong Kinh Lăng Nghiêm được xếp trước phép tu Phản Văn Văn Tự Tính của Quán Thế Âm Bồ Tát với lý do sau :

Khởi điểm của phép tu Phản Văn Văn Tự Tính là Nhập Lưu Vong Sở (Chi tiết pháp tu này xem Kinh Lăng Nghiêm).
Nhập lưu là Nhập vào dòng Thánh.
Ngài A Nan vào thời điểm nghe giảng Kinh Lăng Nghiêm đã chứng quả Tu Đà Hoàn, tức là đã vào dòng Thánh. Do đó pháp tu Phản Văn Văn Tự Tánh hợp với căn cơ của Ngài A Nan.

Còn với căn cơ Phàm Phu như chúng ta, muốn tu Phản Văn Văn Tự Tính thì làm thế nào ?
Làm thế nào để Nhập vào được dòng Thánh như ngài A Nan rồi tu Phản Văn Văn Tự Tánh.
Theo tôi, pháp tu Niệm Phật Tam Muội của Đại Thế Chí Bồ Tát được đặt trước pháp tu Phản Văn Văn Tự Tính của Đại Bi Quán Thế Âm chính là nền tảng để chúng ta nương vào, nhờ đó nhận được Phật lực gia trì, chuyển hóa thân tâm, dần dần tiến tới Nhập Lưu rồi mới có thể tiến tu pháp tu Phản Văn Văn Tự Tánh của Đại Bi Quán Thế Âm.

Việc này, Đại Bi Quán Thế Âm đã làm rõ trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật :
"Nầy Vi Đề Hy, trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm, tôi đã trình bày nhân địa tu hành Nhĩ Căn Viên Thông cho đại chúng. Nhưng thời Mạt pháp các kinh điển dần dần ẩn mất mà nên biết kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị diệt trước nhất, tiếp sau là kinh Lăng Già, kinh Kim Cương, kinh Ma Ha Bát Nhã, kinh Diệu Pháp Liên Hoa... Nếu không nương nhờ pháp Niệm Phật thì rất khó chứng đắc Nhĩ Căn Viên Thông. Bởi vì sao? Bởi vì Niệm Phật tam muội chính là món Viên Thông đệ nhất."

Tóm lại :
Tới đây, ta thấy Tịnh Độ Tông (Đại biểu là Pháp Tu Niệm Phật Tam Muội của Đại Thế Chí Bồ Tát) và Thiền Tông (Đại biểu là pháp tu Phản Văn Văn Tự Tánh của Đại Bi Quán Thế Âm) là hai Pháp Môn cơ bản đã được Đại Bi Quán Thế Âm kết nối lại trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật, làm cơ sở nền tảng cho PHÁP TU THÙ THẮNG.


Về tính Thù Thắng của Pháp tu được Đại Bi Quán Thế Âm giới thiệu trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật, tôi sẽ phân tích tiếp trong các bài viết tiếp theo.

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Sửa lần cuối bởi Nippon vào ngày 29/12/13 23:35 với 2 lần sửa.


thanhtinhtam
Bài viết: 520
Ngày: 30/05/11 20:38
Giới tính: Nam
Được cảm ơn: 1 time

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG

Bài viết chưa xem gửi bởi thanhtinhtam »

Pháp Nhĩ Căn Viên Thông của ngài Quán Âm chính là nói với ngài A Nan và người thượng căn thuở ấy cũng như trong đời mạt.
Còn pháp niệm Phật của Đại Thế Chí Bồ Tát là thích hợp trọn khắp ba căn thượng trung hạ ở khắp mười phương.

Gộp 2 pháp này cùng thực hành! :) Đại sư Ấn Quang dạy:
Cứ chuyên tu Tịnh nghiệp, dùng cái tâm chẳng nhiễm mảy trần để chuyên trì thánh hiệu vạn đức hồng danh. Niệm ra tiếng hoặc niệm thầm, chẳng tạp, chẳng gián đoạn sao cho niệm khởi từ tâm, tiếng thấu vào tai, từng chữ phân minh, từng câu chẳng loạn. Lâu ngày chầy tháng, tự thành một phiến, tự chứng Niệm Phật tam muội, tự biết Tây phương tông phong. Đấy là dùng công phu “phản văn tự tánh” (xoay trở lại nghe nơi tự tánh) của Quán Âm để tu tịnh nghiệp “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Thế Chí, tuy là Tịnh nhưng chính là Thiền, còn gì hay khéo hơn!


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG (PHÂN TÍCH 1)

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.

PHÁP TU THÙ THẮNG được Quán Thế Âm Bồ Tát hướng dẫn cụ thể trong Phẩm thứ năm (Quán Thế Âm Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông) với mục đích đã được Phổ Hiền Bồ Tát nêu ra cho Bà Vi Đề Hy tại Phẩm thứ tư ( Xưng Tán Danh Hiệu Phật)
"Nầy Phật tử,
Cõi Diêm Phù Ðề nầy vốn lấy âm thanh làm thể. Do đó, nhiều chúng sanh có thể nương nơi âm thanh viên mãn mà chứng viên thông. Như vậy, danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT chính là âm thanh tối thắng, đưa chúng sanh thâm nhập Như Lai tạng diệu chân như tánh."

Đối với pháp tu Niệm Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát tại Phẩm Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông trong Kinh Lăng Nghiêm cũng đã khái quát nêu ra : "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối tiếp". Nhưng với căn cơ của Phàm Phu chúng ta, việc "Nhiếp cả sáu căn" quả là khó thực hiện ngay được. Còn "niệm nối tiếp" (1), chúng ta có thể thực hiện được.
Bồ Tát Phổ Hiền đưa ra ví dụ như sau (Trong Phẩm thứ tư - Xưng Tán Danh Hiệu Phật)
"Nếu chúng sanh nào nhất tâm xưng niệm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
...
Thí dụ như có người ném vào khoảng đồng trống một nhúm rễ cây Hương Phụ, chẳng bao lâu, nảy nở vô số giống cây ấy lan tràn che khuất cả cánh đồng rộng lớn. Cũng như thế, Bồ Tát sơ phát tâm quyết tâm gieo trồng trên mảnh ruộng tâm một nhúm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, tựa như ươm bón thứ rễ cây Không Tánh. Chẳng bao lâu, sẽ sanh sôi nẩy nở vô số thảo mộc Phật Tri Kiến, tràn lan che lấp cả cánh đồng vô minh."

Cánh đồng Vô Minh ở ví dụ trên, tượng trưng cho A Lại Da Thức (Bộ nhớ), nơi khởi phát các chủng tử hoạt dụng trên Mạt Na Thức và Ý thức của chúng ta.
Khi các chủng tử sáu chữ Hồng Danh Nam Mô A Mi Đà Phật đã được huân tập và phát triển trong A Lại Da đủ lớn về số lượng. Các chủng tử này sẽ tự động hoặc chỉ cần khẽ tác ý là các chủng tử này hoạt dụng.
Lúc này, theo tôi, chúng ta đã đạt được bước thứ nhất trong công phu Niệm Phật :
"Bất Niệm Tự Niệm".
Khi đạt được "Bất Niệm Tự Niệm", lúc tĩnh tâm hoặc khi không quá bận rộn, tự nhiên chúng ta sẽ thấy trong đầu chúng ta vang lên "Nam Mô A Mi Đà Phật" liên tục nối tiếp.
Tới đây đã có thể bắt đầu PHÁP TU THÙ THẮNG.
PHÂN TÍCH 1 :
Khởi đầu pháp tu, Đại Bi Quán Thế Âm Thuyết :
"Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để tâm dong ruổi theo thanh trần, mà xoay cái nghe trở vào Chân Tánh, đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm, mà mỗi mỗi sát na đều hiển hiện Chân Như Tánh.
Chính nó thật là Tánh Nghe của mình, chẳng còn hai tướng động và tịnh, toàn là thể vắng lặng, soi chiếu khắp mười phương. Đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm."

Tại đoạn Kinh văn trên, ta thấy đây là pháp tu Phản Văn Văn Tự Tánh.
"không để tâm dong ruổi theo thanh trần, mà xoay cái nghe trở vào Chân Tánh"
Chân tánh này là :
" Danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm"
Dòng tâm này là dòng âm thanh niệm Phật phát ra khi chúng ta đạt được "Bất Niệm Tự Niệm", có nguồn gốc từ A Lại Da và hiển hiện ra cho chúng ta thấy.
Khi quán sát dòng tâm này, chúng ta thấy được Tánh nghe của mình.
"mà mỗi mỗi sát na đều hiển hiện Chân Như Tánh.Chính nó thật là Tánh Nghe của mình"
Để hiểu rõ hơn về tánh nghe, tham khảo Kinh Lăng Nghiêm (Đoạn Đức Bổn Sư khai thị tánh nghe cho Ngài A Nan) (2)
Tính chất của tính nghe được Đại Bi Quán Thế Âm mô tả như sau:
"chẳng còn hai tướng động và tịnh, toàn là thể vắng lặng, soi chiếu khắp mười phương"
Nhận ra được tánh nghe của mình "vắng lặng soi chiếu khắp mười phương" rồi, chúng ta "không để tâm dong ruổi theo thanh trần", mà nhiếp tâm vào "danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm."
Như vậy Nhĩ căn đã được Nhiếp vào Danh Hiệu Phật.
Phương pháp "Nhiếp cả sáu căn" của Đại Thế Chí Bồ Tát đã được thực hiện một phần. Với PHÁP TU THÙ THẮNG này, Nhĩ căn là căn đầu tiên được Nhiếp.
So sánh với diễn giải của Đại Bi Quán Thế Âm về Pháp Tu Nhĩ Căn Viên Thông trong Kinh Lăng Nghiêm. Chúng ta thấy, tại đây, Đại Bi Quán Thế Âm đã sử dụng Pháp tu Niệm Phật để làm rõ và hướng dẫn cụ thể trình tự tu tập.
Tại Kinh Lăng Nghiêm Đại Bi Quán Thế Âm thuyết :
"Ban đầu ở trong tính nghe, vào được dòng liền quên tướng bị nghe." (Sở ư văn trung, nhập lưu vong sở).
Tại Kinh Niệm Phật Ba La Mật, ta có thể hiểu Đại Bi Quán Thế Âm hướng dẫn trình tự như sau :
- Huân tập Niệm Phật (đạt Bất Niệm Tự Niệm) để "vào được dòng", (Nhập lưu)
- "vào được dòng" thì nhận ra tánh nghe và "ở trong tính nghe". (Sở ư văn trung)
- Nhiếp nhĩ căn vào Danh hiệu Phật (Bất Niệm Tự Niệm), "không để tâm dong ruổi theo thanh trần" thì "liền quên tướng bị nghe" (Vong sở)

Tóm lại :
Qua phần trên, ta thấy, ngay từ bước đầu, PHÁP TU THÙ THẮNG đã nhẹ nhàng đưa Phàm Phu chúng ta nhập được pháp tu của một vị đã chứng Thánh (Ngài A Nan), từng bước thâm nhập Như Lai Tạng.


Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.


NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


(1)
Tại giai đoạn này (Bất niệm tự niệm), chưa đạt được "Tịnh niệm nối tiếp", mới chỉ đạt được "Niệm nối tiếp".
(2)
"Liền khi ấy, đức Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông và hỏi ông A-nan rằng:
“Nay ông có nghe chăng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều đáp:
“Dạ có nghe”.
Khi tiếng chuông hết ngân, Phật lại hỏi:
“Nay ông có nghe chăng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều đáp:
“Dạ không nghe”.
Khi ấy La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông nữa, Phật lại hỏi:
“Nay ông có nghe chăng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều đáp: “Dạ có nghe”.
Phật lại hỏi ông A-nan:
“Thế nào là ông có nghe, thế nào là ông không nghe?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều bạch Phật rằng :
“Tiếng chuông nếu đánh lên thì chúng con được nghe, đánh lâu tiếng hết, âm vang đều dứt, thì gọi là không nghe”.
Đức Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông nữa và hỏi ông A-nan rằng:
“Theo ông nay có tiếng chăng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều đáp:
“Dạ có tiếng”.
Giây lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi:
“Theo ông nay có tiếng chăng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều đáp:
“Dạ không tiếng”.
Lát sau La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông. Phật lại hỏi ông A-nan:
“Nay đối với ông có tiếng chăng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều đáp:
“Dạ có tiếng”.
Phật hỏi ông A-nan:
“Thế nào mà ông gọi rằng có tiếng và thế nào gọi là không tiếng?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều bạch Phật rằng:
“Tiếng chuông đánh lên thì gọi là có tiếng, đánh lâu tiếng hết âm vang không còn, thì gọi là không tiếng”.
Phật bảo ông A-nan và Đại chúng:
“Hôm nay sao các ông nói trái ngược lộn xộn như thế?”.
Ông A-nan và Đại chúng đều bạch Phật:
“Thế nào Thế Tôn bảo chúng con nói trái ngược lộn xộn?”.
Phật bảo:
“Tôi hỏi ông về nghe, thì ông nói là nghe.
Lại hỏi ông về tiếng, thì ông nói là tiếng.
Chỉ cái nghe và cái tiếng mà ông trả lời không nhất định, như thế làm sao không gọi là trái ngược lộn xộn?
A-nan, tiếng hết không còn âm vang, ông nói rằng không nghe, nếu thật không nghe, thì tính nghe đã diệt đồng như cây khô, khi tiếng chuông lại đánh lên ông làm sao mà biết tiếng?
Biết có biết không tự là thanh trần hoặc không hoặc có, chứ tính nghe kia há lại vì ông mà thành có thành không. Nếu tính nghe nói là thật không thì ai biết là không nghe?
Thế nên A-nan, tiếng trong cái nghe tự có sinh diệt, chẳng phải vì ông nghe tiếng sinh tiếng diệt, khiến cho tính nghe của ông là có hay là không. Ông còn điên đảo lầm cho cái tiếng làm cái nghe, thì đâu có lạ gì không mê muội cho cái thường làm cái đoạn. Tóm lại, ông không nên nói rời các tướng động tịnh, đóng mở, thông bít, thì cái nghe không có tính."


Tóm lại, tại đoạn khai thị cho Ngài A Nan về tánh nghe. Đức Bổn Sư chỉ ra rằng, tánh nghe là thường hằng, còn các tiếng động (Lúc có, lúc không) mà ta nghe được chỉ là do hoạt dụng của tánh nghe thông qua căn tai mà xuất hiện hoặc không xuất hiện.
Sửa lần cuối bởi Nippon vào ngày 29/12/13 23:32 với 1 lần sửa.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG (PHÂN TÍCH 2)

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


PHÂN TÍCH 2.
"Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế, chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn. Khi ấy, Phật Trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn. "
Tại PHÂN TÍCH 1, chúng ta thấy giai đoạn này Nhĩ căn đã không còn hướng ra ngoài, đã được Nhiếp vào trong (Nhiếp vào "Bất Niệm Tự Niệm").
Nhĩ căn là căn thuộc tiền ngũ căn. Năm căn này (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân) theo tự nhiên hướng vào các đối tượng riêng của mình để nhận biết ngũ trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc).
Khi tiền ngũ căn tiếp xúc với Tiền ngũ trần, theo Sinh Lý Học, Hệ thần kinh ngoại vi của các căn này sẽ truyền thông tin về Hệ thần kinh Trung ương [Não (Ý căn) và Tủy sống] để tiếp nhận, rồi hợp nhất, xử lý v.v... đưa ra quyêt định để thực hiện hoặc tự động khởi tác dụng của các phản xạ (Phản xạ có điều kiện hoặc vô điều kiện).
Theo tôi, Hệ thần Kinh ngoại vi là khu vực của Thọ uẩn.
Khi Nhĩ căn được nhiếp vào trong một cách triệt để "Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế", lúc này hệ thần kinh ngoại vi của Nhĩ căn (Hướng ra ngoài, nhận biết Thanh trần, rồi truyền thông tin về Hệ Thần Kinh Trung Ương) sẽ được nghỉ ngơi (do không còn hướng ra ngoài nữa), và trạng thái nghỉ ngơi này tạo ra chúng ta có cảm giác "chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn".
Đây là trạng thái khi đã nhập thiền. Đối với Thiền thì có nhâp, có xuất. [Các Kinh điển Paly (Thiền nguyên thủy) hay nhắc tới việc xuất, nhập Thiền]
Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy trong khi bắt đầu nhập Thiền, thỉnh thoảng cảm giác hẫng nhẹ một cái, rồi thấy rơi vào một trạng thái khác êm hơn trạng thái trước. Theo tôi, đây là hệ thần kinh ngoại vi dần dần được nghỉ ngơi, nên xuất hiện cảm giác trên.
Còn khi muốn xuất thiền, ta phải tác ý. Vì nếu không tác ý thì không ra được Thiền. Việc tác ý này theo tôi là để khởi động lại các vùng thần kinh đã rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Khi nó hoạt dụng trở lại thì ta xuất được Thiền.
Do đó, nếu bạn nào mới tập thiền thì nên tìm thời gian và không gian thích hợp để Thiền. Nên là nới thanh vắng vì nếu không, ngoại cảnh bên ngoài tác động sẽ không nhập được thiền hoặc khi đang ở trong Thiền mà bất thình lình bị ngoại cảnh tác động thì sẽ có thể ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh.
Do Nhĩ căn thuộc về Tiền Ngũ căn, nên khi Nhĩ căn đã được Nhiếp, nhờ tính dung thông của các căn [Có thể tham khảo trong Kinh Lăng Nghiêm về sự dung thông của sáu căn, phần Đức Bổn Sư Chỉ rõ sự hư vọng về sáu căn cho Ngài A Nan (1) hoặc Phần ví dụ về Vọng Tưởng Dung Thông tại http://diendan.daitangkinhvietnam.org/v ... 3&start=12] nên tất cả các căn thuộc tiền ngũ căn sẽ được Nhiếp trước.
Khi tiền Ngũ căn được Nhiếp, lúc này Tiền Ngũ Thức sẽ chuyển thành Thành Sở Tác Trí. Do vậy, Đại Bị Quán Thế Âm thuyết "Khi ấy, Phật Trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn."
So sánh đoạn Kinh văn phân tích ở trên với đoạn Kinh văn trong Phẩm Nhĩ Căn Viên Thông của Kinh Lăng Nghiêm :
"Trần tướng đã vắng lặng thì hai tướng động và tịnh rõ thật không sinh.Như vậy dần dần tăng tiến thêm, các tướng năng văn, sở văn đều hết."
Ta thấy phù hợp.
Lúc này, vượt qua được Thọ uẩn.
Với pháp tu "Nhiếp cả sáu căn" của Đại Thế Chí Bồ Tát, giai đoạn trước (PHÂN TÍCH 1) mới nhiếp được Nhĩ Căn, giai đoạn này (PHÂN TÍCH 2) đã nhiếp được tiền ngũ căn. Như vậy chỉ còn nhiếp nốt Ý căn là đạt được "Nhiếp cả Lục căn" theo pháp tu của Đại Thế Chí Bồ Tát.
Về công phu Niệm Phật, theo tôi đây là giai đoạn hai, đạt tới công phu Sự Nhất Tâm Bất Loạn. (Do tiền ngũ căn đã được Nhiếp vào Sáu Chữ Hồng Danh, hệ thần kinh ngoại vi của tiền ngũ căn đã được nghỉ ngơi, nên các Sự việc bên ngoài không còn ảnh hưởng tới công phu ở giai đoạn này).

Tóm lại
Tại PHÂN TÍCH 2, ta thấy giai đoạn này triệt để hướng Nhĩ căn vào Danh Hiệu Phật. Lúc này vượt qua được Thọ uẩn. Do đó chuyển tiền ngũ thức thành Thành Sở Tác Trí. Làm nền tảng cho giai đoạn tiếp theo, dần dần tiến tới Như Lai Tạng.


Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.


NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


(1)
Nay ông hãy xem sáu căn hiện tiền là một hay là sáu?
A-nan, nếu nói là một thì lỗ tai sao không thấy, con mắt sao không nghe, đầu sao không đi, chân sao không nói. Nếu sáu căn ấy quyết định là sáu, như nay tôi ở trong hội vì các ông tuyên dương pháp môn vi diệu, vậy trong sáu căn ông cái gì là lãnh thọ?”.
Ông A-nan thưa: “Con dùng lỗ tai nghe”.
Phật bảo: “Lỗ tai ông nếu tự nghe, thì đâu quan hệ gì đến thân và miệng. Tại sao miệng lại hỏi nghĩa lý, thân đứng dậy kính vâng. Thế nên phải biết, không phải một mà trọn là sáu, không sáu mà trọn là một; rốt cuộc các căn của ông vốn không phải là một hay là sáu. A-nan, phải biết căn ấy không phải là một, không phải là sáu.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG (PHÂN TÍCH 3)

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


PHÂN TÍCH 3.

Đoạn 1

"Nầy Vi Đề Hy,
tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì lăn lộn trong đêm tối vô minh, nhận giặc làm cha, lấy vọng kiến làm chốn nương về, lấy tà kiến làm bạn lữ, lấy biên kiến làm lương dược. Nhận ngã chấp, ngã kiến làm tâm, rời xa Tri Kiến Giải Thoát Vô Thượng. Do đó, khởi tâm phân biệt, thấy đúng sai, tà chánh, thiện ác, chân ngụy... Nếu lọc sạch ngã kiến, ngã chấp thì thân tâm sẽ quang minh, thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới. Tức đồng đẳng với Tri Kiến giác ngộ của chư Như Lai.
Nếu muốn gạn lọc ngã kiến, ngã chấp thì không chi hơn là phát huy năng lực vô biên của danh hiệu Phật. Thật vậy, nhờ chuyên tâm xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT mà hành giả tuần tự chuyển Thức thành Trí.
Ngã chấp tự nhiên rơi rụng, ngã kiến tự nhiên tan mất như bong bóng nước dưới ánh mặt trời.
Lúc bấy giờ, tuy không lìa cung Đâu Suất mà vẫn phân thân khắp vi trần quốc độ để chuyển pháp luân vô thượng, và khai thị tuệ giác cho vô lượng chúng sanh, giúp hết thảy tứ sanh, cửu hữu cùng ngộ nhập Phật Tri Kiến."


Tại PHÂN TÍCH 2, ta thấy đã vượt qua được Thọ uẩn. Như vậy là đã thoát được ảnh hưởng của Thân. Bước vào ngôi nhà của Tâm.
Tâm là đối tượng của Duy Thức Học. Duy Thức Học được Di Lặc Bồ Tát (Phật tương lai) thuyết giảng tại cung trời Đâu Suất.
Tại đoạn Kinh văn trên, ta thấy Đại Bi Quán Thế Âm giới thiệu trình tự căn bản với mục đích của Duy thức như sau :
Trình tự :
"... lọc sạch ngã kiến, ngã chấp...
...tuần tự chuyển Thức thành Trí ..."

Mục đích :
"Thân tâm sẽ quang minh, thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới.
Tức đồng đẳng với Tri Kiến giác ngộ của chư Như Lai."

Để thực hiện, Đại Bi Quán Thế Âm vẫn sử dụng, phát huy phương pháp Niệm Phật :
"Chuyên tâm xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT "

Đoạn 2

Đại Bi Quán Thế Âm làm rõ Phương pháp như sau :
"Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả :
Không để Thức nương theo nhân duyên mà dấy động, nên chẳng thành tựu pháp Y Tha Khởi.
Vì không có sự tham dự của ngã và ngã sở nên Biến Kế Sở Chấp cũng chẳng tồn tại.
Chỉ có danh hiệu Phật vẫn tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm, mà mỗi mỗi sát na đều biểu hiện Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội, tức là Chân Duy Thức Tánh.

Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế chẳng bao lâu thì
Chẳng còn nhìn thấy huyễn tướng của vạn pháp ở bên ngoài và cũng
Chẳng còn bắt gặp tám thức ở bên trong.

Trong hay ngoài đều giả dối, không thật. Ngay cả tướng Duy Thức cũng chẳng có nữa. Vì ba đời mười phương Như Lai, vi trần sát quốc độ, hư không, sắc pháp, tâm vương, tâm sở... đều không một thứ nào ra ngoài Chân Duy Thức Tánh mà tự hữu, tự sanh, tự diệt. "


Nguồn gốc của Y tha khởi là thức. Khi lục căn duyên (tiếp xúc) với lục trần thì xuất hiện lục thức. Từ đấy (Lục thức) mà nhân duyên dấy động.
Nay tiền ngũ căn đã được chuyển thành Thành Sở Tác Trí (Ở PHÂN TÍCH 2), nên tiền ngũ thức không khởi tác dụng. Chỉ còn Ý căn duyên với Pháp trần (chủng tử trong A Lại Da).
Khi Ý căn duyên với Pháp trần thì sinh ra Ý thức (Biến Kế Sở Chấp - Tưởng tượng).
Nhưng do "Chuyên tâm xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT " nên Ý căn được Nhiếp vào Sáu chữ hồng danh, không duyên với Pháp trần nên không sinh Biến Kế Sở Chấp.
Vì vậy, Đại Bi Quán Thế Âm thuyết :
"Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả :
Không để Thức nương theo nhân duyên mà dấy động, nên chẳng thành tựu pháp Y Tha Khởi.
Vì không có sự tham dự của ngã và ngã sở nên Biến Kế Sở Chấp cũng chẳng tồn tại"

Do không còn vướng bận vào Y Tha Khởi và Biến Kế Sở Chấp, nên lúc này nhập được Định. Định này có tên gọi là Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội.
Lúc này, do Ý căn không còn vướng bận với Y Tha Khởi và Biến Kế Sở Chấp, nên Tánh hay biết (Nhận biết Pháp trần - Chủng tử nghiệp khởi phát từ A Lại Da) của Ý căn hiển lộ, và được gọi là Chân Duy Thức Tánh.
Do đó, Đại Bi Quán Thế Âm thuyết tiếp :
"Chỉ có danh hiệu Phật vẫn tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm, mà mỗi mỗi sát na đều biểu hiện Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Tam Muội, tức là Chân Duy Thức Tánh."
Tới đây Ý thức sẽ được chuyển dần thành Diệu Quán Sát Trí.
Theo tôi, Chân Duy Thức Tánh tương ưng với Diệu Quán Sát Trí.
Diệu Quán Sát Trí có công năng quán sát các Pháp trần (hoạt động của tâm khởi phát từ chủng tử nghiệp lưu xuất từ A Lại Da).
Nhưng lúc này, Chân Duy Thức Tánh tiếp tục được triệt để Nhiếp vào Sáu Chữ Hồng Danh đã được huân tập vào A Lại Da, khởi phát từ A Lại Da nên
"Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế chẳng bao lâu thì
Chẳng còn nhìn thấy huyễn tướng của vạn pháp ở bên ngoài và cũng
Chẳng còn bắt gặp tám thức ở bên trong.
Trong hay ngoài đều giả dối, không thật. Ngay cả tướng Duy Thức cũng chẳng có nữa. Vì ba đời mười phương Như Lai, vi trần sát quốc độ, hư không, sắc pháp, tâm vương, tâm sở... đều không một thứ nào ra ngoài Chân Duy Thức Tánh mà tự hữu, tự sanh, tự diệt. "

Đối với giai đoạn này, pháp quán Danh Hiệu Phật tương ưng với đoạn Kinh Văn trong Phẩm thứ hai (Kinh Niệm Phật Ba La Mật) : Mười Thứ Tâm Thù Thắng mà Đức Bổn Sư hướng dẫn
"Người niệm Phật chỉ buộc tâm và ý vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh. Quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết ta đang niệm Phật"
Như vậy đến đây, Ý căn cũng đã được nhiếp vào Danh Hiệu Phật.
So với Pháp tu của Đại Thế Chí Bồ Tát "Nhiếp cả sáu căn, Tịnh niệm nối tiếp"
Đến đây, Lục căn đều đã được nhiếp. Tương ưng với "Nhiếp cả sáu căn".
Do không còn Y tha khởi và Biến Kế Sở Chấp, nên Ý căn đã Tịnh, do đó khi khởi danh hiệu Phật thì là "Tịnh Niệm Nối Tiếp".
Vậy, khi kết thúc giai đoạn này đã đạt được pháp tu của Đại Thế Chí Bồ Tát : "Nhiếp cả sáu căn, Tịnh niệm nối tiếp"
Theo Tịnh Độ tông, thì công phu Niệm Phật mức này là "Lý Nhất Tâm Bất Loạn" hay "Công phu thành phiến".
Theo Thiền Tông, đến đây bắt đầu "Minh Tâm Kiến Tánh."
Theo Ngũ uẩn, đây là đã phá được Tưởng Uẩn.
Tương ưng với Thập địa, thì đây là đã qua được Địa Thứ Sáu.

Tóm lại

Tại PHÂN TÍCH 3, đoạn 2, ta thấy giai đoạn này triệt để hướng Tâm vào Danh Hiệu Phật. Lúc này Ý thức sẽ dần dần thanh tịnh và chuyển dần thành Diệu Quán Sát Trí. Vượt qua Tưởng uẩn.

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.


NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG(PT3-Tiếp)

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


PHÂN TÍCH 3 (TIẾP)

Đoạn 3 :

"Danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn, như có, như không, cho đến khi Chân Duy Thức biến mất.
Đại Viên Cảnh Trí tự nhiên phơi bày, danh hiệu Phật sẽ dẫn dắt hành giả đi vào tánh Viên Thành Thật, CHỨNG VÔ SANH PHÁP NHẪN. Do đó, phải nói rằng Niệm Phật là pháp môn đệ nhất dùng để chuyển thức thành trí mà chúng sanh thời Mạt Pháp phải siêng năng thọ trì."

Tiến tu, từ Địa Thứ Sáu sẽ sang Địa Thứ Bảy. Kết thúc Địa Thứ Bảy, sẽ ly tướng ngôn thuyết (Việc này nhận ra khi Phân tích Kinh Hoa Nghiêm và thực tế khi nhập định). Do đó, khi đang ở giai đoạn ly tướng ngôn thuyết (Địa Thứ Bảy), mà Danh Hiệu Phật hiển hiển dưới dạng ngôn ngữ, do đó Đại Bi Quán Thế Âm diễn giải :
"Danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn, như có, như không"
Khi vượt qua Địa Thứ Bảy, đối tượng của Duy Thức là Tướng Duy Thức [ Tướng Duy Thức hiển hiện bằng lớp vỏ là ngôn ngữ và tưởng tưởng (Biến Kế Sở Chấp - Ý thức)] không còn, dẫn đến trạng thái Chân Duy Thức không còn khởi tác dụng. Vì thế Đại Bi Quán Thế Âm thuyết :
"cho đến khi Chân Duy Thức biến mất."
Lúc này, các chủng tử trong A Lại Da không còn khởi tác dụng, do đó A Lại Da biến mất nên
"Đại Viên Cảnh Trí tự nhiên phơi bày"
Khi hai tự tính Y tha khởi và Biến kế sở Chấp không còn khởi tác dụng. Tính Viên Thành Thật sẽ hiện lộ.
Tính viên thành thật này là Tự tính của Như Lai Tàng mà từ đó lưu xuất ra tất cả các Tánh của Lục căn. Có thể thấy được tính chất của Tự tánh này qua Kinh Lăng Già. Trong Kinh Lăng Già, tính Viên Thành Thật này được Đức Bổn Sư giảng là "Như Lai Tàng Tâm".
Thâm nhập được vào Như Lai Tàng Tâm, sẽ chứng VÔ SANH PHÁP NHẪN.

Theo Tịnh Độ tông, thì công phu Niệm Phật từ đây trở đi là "Thực tướng niệm Phật"
Theo Ngũ uẩn, đây là đã phá được Hành Uẩn.
Tương ưng với Thập địa, thì đây là đã qua được Địa Thứ Tám.

Do vậy, cuối cùng Đại Bi Quán Thế Âm kết thúc pháp tu Niệm Phật theo trình tự Lôgic của Duy Thức Học như sau :
"Danh hiệu Phật sẽ dẫn dắt hành giả đi vào tánh Viên Thành Thật, CHỨNG VÔ SANH PHÁP NHẪN. Do đó, phải nói rằng Niệm Phật là pháp môn đệ nhất dùng để chuyển thức thành trí mà chúng sanh thời Mạt Pháp phải siêng năng thọ trì."

Tóm lại
Tại PHÂN TÍCH 3, đoạn 3, ta thấy giai đoạn này triệt để hướng Tâm vào Danh Hiệu Phật. Tới khi Danh hiệu Phật biến mất, lúc này chủng tử trong A Lại Da không còn, Ý căn sẽ hoàn toàn thanh tịnh. Do đó Mạt Na Thức sẽ chuyển hóa thành Bình Đẳng Tính Trí (Tính Viên Thành Thật). Chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, Đại Viên Cảnh Trí phơi bày.

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.


NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Sửa lần cuối bởi Nippon vào ngày 11/01/14 10:16 với 1 lần sửa.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG (PT 4)

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


PHÂN TÍCH 4.

Đoạn 1 :

"Nầy Vi Đề Hy,
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, bị vô số tư tưởng điên đảo làm khuất lấp tánh Viên Giác. Như kẻ ngủ mê chợt thức giấc giữa ngã tư đường cái, chẳng rõ phương hướng, lẫn lộn chính tà, thấy cong nhìn ngược, bất phân thiện ác. Tư tưởng điên đảo ấy nẩy sanh thân và tâm, rồi nhận thân tứ đại giả hợp làm thân, chấp cái tư tưởng vô minh điên đảo kia làm tâm. Cứ thế mà sanh tử, tử sanh nối nhau không dứt, tạo vòng lẩn quẩn luân hồi.
Nhưng cái vô minh điên đảo ấy cũng chẳng thật; như hoa đốm, như bóng nước, như ảo tưởng nơi sa mạc, như người ngủ chiêm bao, thấy những sự việc, cảnh vật rõ ràng, nhưng khi thức dậy, thời không còn gì hết. Nếu chuyển hóa vô minh điên đảo thời thân và tâm sẽ thành Giác Ngộ. Hoặc không phát tâm tu trì thời vẫn ở mãi trong sanh tử huyễn mộng ấy mà tự vui. Chỉ có danh hiệu Phật là đầy đủ năng lực nhiệm mầu để chuyển hóa sanh tử trở nên Niết Bàn, chuyển hóa giả huyễn trở nên chân thật. "


Tại đoạn Kinh văn trên, Đại Bi Quán Thế Âm giới thiệu cho chúng ta Tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác này của chúng ta luôn thường hằng nhưng "bị vô số tư tưởng điên đảo làm khuất lấp".
Để nhận diện ra Tánh Viên Giác của chính mình, chúng ta tham khảo Kinh Viên Giác.
Tại phần đầu tiên Kinh Viên Giác, khi trả lời câu hỏi của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đức Bổn Sư đã Giảng rõ cho chúng ta về Tánh Viên Giác (1) và công năng của Tánh Viên Giác như sau :
"Hết thảy nhân địa bản khởi của Như Lai đều nương nơi giác tướng thanh tịnh viên chiếu mà đoạn diệt vĩnh viễn được vô minh"

Tóm lại :
Nương nơi Tánh Viên Giác của chúng ta để diệt vĩnh viễn Vô Minh của chúng ta.

Nhưng Vô Minh là cái gì ?
Tại sao Đức Bổn Sư lại bảo chúng ta diệt Vô Minh.
Trước đây, khi mới học Phật, tôi thấy ngỡ ngàng khi Đức Phật bảo chúng ta là phải diệt Si.
Tham, Sân, Mạn, Nghi v.v... thì chúng ta dễ dàng nhận ra và có thể sử lý. Nhưng Si là cái gì ?
Đại đa số trong chúng ta ai cũng có bằng này cấp nọ, chức nọ quyền kia v.v.., hoặc ít nhiều cũng có tý vị thế trong xã hội, thế mà bỗng dưng bị Đức Phật bảo là Si, và thường nhắc nhở phải diệt Si.
Thế cái Si (Vô Minh) của chúng ta là cái gì, ở đâu, lúc nào, nếu có thì diệt như thế nào ?
Để thấy được bản chất cái Vô Minh này quả thật tương đối khó, theo tôi, cái Vô Minh này chỉ thấy rõ được bản chất trong Thiền Định. Còn bình thường thì ta chỉ có thể nhận ra nó qua tính chất của các giấc mơ.
Đối với giấc mơ, ta thấy các giấc mơ không có một chủ đề nào rõ rệt, nó xuất hiện tùy hứng, chẳng phụ thuộc nhiều gì vào ý thức, tư tưởng, tình cảm của chúng ta. Nội dung các giấc mơ thay đổi liên tục, không theo một trình tự cụ thể nào. Và thường thì chúng ta vui thích hưởng thụ chúng như một điều tự nhiên (Trừ các ác mộng), và cũng chẳng buồn quan tâm tới nguyên nhân và bản chất của chúng.
Qua các đặc điểm trên, ta thấy được bản chất của các giấc mơ tương ưng với "vô số tư tưởng điên đảo".
Nhưng để nhận ra một cách rõ ràng "vô số tư tưởng điên đảo" này, theo tôi, phương pháp tốt nhất là Thiền. Vì chỉ khi bắt đầu tu Thiền, bắt đầu trừ vọng niệm thì ta mới nhận ra quả thật mình có "vô số tư tưởng điên đảo", và sau đó sẽ nhận diện được bản chất và nguồn gốc của chúng.
Khi đã nhập được Thiền. Chúng ta có thể quán sát được dòng tư tưởng của chúng ta. Nếu không Định được nó ( không dừng được dòng tư tưởng lại), chúng ta sẽ thấy dòng tư tưởng của chúng ta phát triển một cách vô tội vạ, từ việc này sang việc kia, từ nơi này tới nơi khác ..., dẫn đến có thể rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê (Hôn trầm), hoặc như "Ngủ mê giữa ban ngày" (Nếu không hôn trầm).
Khi sức Định đã có, ta có thể Định được nó lại (phanh được dòng tư tưởng lại) và quán sát ngược lại trình tự phát sinh dòng tư tưởng, (nhưng bước đầu cũng chỉ quán được một đoạn, chưa tìm được nguồn gốc của nó).
Nếu sức quán chiếu tăng tiến, ta sẽ tìm được điểm khởi đầu của dòng tư tưởng này, và lúc này, ta ngỡ ngàng nhận ra, "vô số tư tưởng điên đảo" này đều khởi phát từ những ý niệm vớ vẩn, ngẫu hứng, chẳng ăn nhập vào đâu.
Về việc này, tôi thấy Giảng Sư Thích Chân Quang giảng rất chính xác, đó là " Những tiếng nói lảm nhảm" trong tâm chúng ta.
Còn trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Bổn Sư dùng hình ảnh "Như người ngủ say nói mớ"
Và khi nhận ra những tiếng nói làm nhảm, vớ vẩn, đầy ngẫu hứng đó là nguồn cơn cho "vô số tư tưởng điên đảo", thì ta giật mình hiểu rằng đấy là Si (Vô Minh).
Thế mà hàng ngày chúng ta vẫn vui vẻ chung sống với Si mà không hề biết. Nhiều khi còn vui thú với nó, tỷ như đang yên đang lành bỗng dưng lại nghĩ tới một người bạn từ thủa nào đó, rồi khởi tâm suy nghĩ linh tinh vớ vẩn, hồi hộp lo lắng xem không hiểu người đó còn sống hay đã mất, nếu còn sống thì lập gia đình với ai và có mấy con, nếu đã mất thì gia đình họ liệu còn được hạnh phúc không v.v... Việc này được Đức Phật gọi là Si.
Do vậy, cái Vô Minh này được Đức Bổn Sư lột tả bản chất :
"Nhưng cái vô minh điên đảo ấy cũng chẳng thật; như hoa đốm, như bóng nước, như ảo tưởng nơi sa mạc, như người ngủ chiêm bao, thấy những sự việc, cảnh vật rõ ràng, nhưng khi thức dậy, thời không còn gì hết."
Tuy bản chất của Vô Minh, nguồn cơn của "Tư tưởng điên đảo" này là "như hoa đốm, như bóng nước, như ảo tưởng nơi sa mạc, như người ngủ chiêm bao" nhưng nó là nguyên nhân gây ra Sanh tử, Luân hồi.
"Tư tưởng điên đảo ấy nẩy sanh thân và tâm, rồi nhận thân tứ đại giả hợp làm thân, chấp cái tư tưởng vô minh điên đảo kia làm tâm. Cứ thế mà sanh tử, tử sanh nối nhau không dứt, tạo vòng lẩn quẩn luân hồi. "
Còn sức định, sức quán chiếu của chúng ta để nhận diện Vô Minh (Si), đưa chúng ta về Tánh Viên Giác, chuyển hóa Sanh tử thành Niết Bàn được Đức Bổn Sư đưa ra là xuất phát từ năng lực của Danh Hiệu Phật.
"Chỉ có danh hiệu Phật là đầy đủ năng lực nhiệm mầu để chuyển hóa sanh tử trở nên Niết Bàn, chuyển hóa giả huyễn trở nên chân thật. "

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.


NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


(1)
(Trích Kinh Viên Giác)

VĂN THÙ SƯ LỢI THỈNH :
Xin ngài vì mọi pháp chúng tề tựu trong pháp hội này, nói về “ Pháp hạnh nhân địa thanh tịnh bản khởi của Như Lai”
Và nói cho các hàng Bồ-Tát cách phát tâm thanh tịnh trong đại thừa, xa lìa các bệnh, và cũng khiến cho chúng sinh thời mạt pháp đời vị lai, người cầu pháp đại thừa khỏi sa vào tà kiến.

ĐỨC THẾ TÔN THUYẾT :
'- Thiện nam tử,
Đấng Vô Thượng Pháp Vương có pháp môn Đại đà-la-ni gọi là Viên Giác, rải ra hết thảy các phép thanh tịnh: Chân-Như, Bồ-Đề, Niết-Bàn và Ba-La-Mật để dạy bảo cho các hàng Bồ-Tát .
Hết thảy nhân địa bản khởi của Như Lai đều nương nơi giác tướng thanh tịnh viên chiếu mà đoạn diệt vĩnh viễn được vô minh, mới thành tựu Phật đạo.
- Sao gọi là vô minh ? Thiện Nam Tử !
Hết thảy chúng sinh từ vô thủy đến nay, bị lớp lớp điên đảo mê hoặc. Giống như người mê, lầm đổi bốn phương, vọng nhận bốn đại là thân tướng mình, nhận sáu trần duyên ảnh làm tâm tướng mình. Ví như kẻ mắc bệnh mắt, thấy có hoa đốm và mắt trăng thứ hai trong hư không.
Thiện nam tử,
thật ra không có hoa đốm trong hư không, đó chỉ là vọng chấp của người bệnh. Do vọng chấp nên không những chỉ mê lầm phần tự tính của hư không này, mà còn mê lầm cả nơi sinh của hoa thực. Bởi vọng chấp này mà có sinh tử luân chuyển, nên gọi là vô minh.
Thiện nam tử !
vô minh này không có thực thể, như người khi ngủ chiêm bao.
Trong lúc chiêm bao chẳng phải là không, tới khi tỉnh giấc lại chẳng phải có.
Như không hoa, diệt trong hư không,không thể nói rằng có nơi diệt nhất định.
Bởi cớ gì ?
Vì không có nơi sinh, lầm thấy có sinh diệt, vì thế gọi là sinh tử luân hồi.
'- Thiện nam tử! người tu Viên Giác, ở nhân địa của Như Lai, nếu biết đó là không hoa tức không bị luân hồi. Cũng không có thân và tâm phải chịu khổ sinh tử kia. Vì không chẳng phải tạo tác, bản tính vốn dĩ không. Phần tri giác kia cũng như hư không. Phần biết hư không cũng tức tướng của không hoa. Cũng không thể nói không có tính tri giác, vì có và không đều tắt hết. Đó gọi là tịnh giác tùy thuận. Bởi cớ gì ? vì tính hư không thường bất động nên trong Như Lai tạng không có khởi và diệt, vì không có tri kiến, như tánh pháp giới, viên mãn, cứu cánh khắp mười phương.
- Đó gọi là nhân địa pháp hạnh. Bồ-Tát nương vào nhân này mà phát tâm thanh tịnh ở trong đại thừa. Chúng sinh thời mạt pháp cũng nương vào nhân này mà tu hành thời không sa vào tà kiến.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG[PT4-(Tiếp)]

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


PHÂN TÍCH 4 (Tiếp)

Đoạn 2 :

"Vì sao vậy?
Khi xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như Lai, tự nhiên phát sanh tuệ giác Không tánh, vì danh hiệu Phật là hư không tạng, là Viên Giác tánh, là vô cấu tạng, là tịch tịnh tạng... Nhờ vậy, hành giả biết các pháp đều như huyễn, thời tự nhiên lìa xa các huyễn hóa, sanh diệt. Ngay lúc ấy, bèn thâm nhập Viên Giác Tánh. Đó gọi là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác.
Dùng pháp nào để Tri? Nếu không phải là diệu dụng của danh hiệu Phật?
Không cần phải hủy diệt các thứ huyễn, mới cho chúng nó là huyễn. Không cần thay đổi bản chất huyễn của nó mới gọi là Không. Mà chính cái biết “nhứt thiết pháp là Không” khiến đương thể của huyễn pháp tức là Không. "


Tại Đoạn 1 (PHÂN TÍCH 4), ta đã nhận diện được bản chất của Vô Minh.
Đó là các chủng tử Nghiệp được lưu xuất từ A Lại Da. Đây là đối tượng chúng ta cần phải loại bỏ trong tiến trình thâm nhập Như Lai Tạng.
Tham khảo lại ví dụ của Bồ Tát Phổ Hiền đưa ra (Trong Phẩm thứ tư - Xưng Tán Danh Hiệu Phật)
"Nếu chúng sanh nào nhất tâm xưng niệm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
...
Thí dụ như có người ném vào khoảng đồng trống một nhúm rễ cây Hương Phụ, chẳng bao lâu, nảy nở vô số giống cây ấy lan tràn che khuất cả cánh đồng rộng lớn. Cũng như thế, Bồ Tát sơ phát tâm quyết tâm gieo trồng trên mảnh ruộng tâm một nhúm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, tựa như ươm bón thứ rễ cây Không Tánh. Chẳng bao lâu, sẽ sanh sôi nẩy nở vô số thảo mộc Phật Tri Kiến, tràn lan che lấp cả cánh đồng vô minh."
Ta thấy, khi công phu Trì Danh Hiệu Phật đã chín muồi, lúc này sẽ phát sinh công năng chuyển hóa các chủng tử Nghiệp trong A Lại Da. Do đó, số lượng chủng tử Nghiệp giảm dần, dẫn đến Biến Kế Sở Chấp [Khởi phát từ chủng tử Nghiệp (Vô Minh)] cũng sẽ giảm dần. Vì thế nhập được Định. Do vậy Đại Bi Quán Thế Âm thuyết :

"Khi xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như Lai, tự nhiên phát sanh tuệ giác Không tánh, vì danh hiệu Phật là hư không tạng, là Viên Giác tánh, là vô cấu tạng, là tịch tịnh tạng..."

Khi đã nhập được Định, sẽ phát sinh sức quán chiếu (Phân tích theo Duy Thức Học, thì giai đoạn này tương ưng với Ý thức được chuyển thành "Diệu Quán Sát Trí"). Nhờ sức quán chiếu của "Diệu Quán Sát Trí", ta sẽ nhận ra bản chất của Vô Minh (Si), do đó :

"Nhờ vậy, hành giả biết các pháp đều như huyễn, thời tự nhiên lìa xa các huyễn hóa, sanh diệt."
Và :
"Ngay lúc ấy, bèn thâm nhập Viên Giác Tánh. Đó gọi là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác."

Để hiểu được đoạn Kinh văn trên, hiểu được nội dung của "Viên Giác Tánh", ta hãy phân tích một ví dụ hay được Đức Bổn Sư đưa ra trong các Kinh Điển Đại Thừa (Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác, v.v...), đó là "Con mắt Nhặm".
"Con mắt nhặm" là vốn là một con mắt sáng, nhưng mắc bệnh.
Khi mắc bệnh nhặm mắt, ta sẽ thấy các ảo ảnh xuất hiện như thật [Đức Phật thường lấy ví dụ là hoa đốm (hoa mắt, mắt nảy đom đóm)], và tưởng đó là thật (Nếu như không biết là mình mắc bệnh nhặm mắt)
Các hoa đốm này được ví dụ tương ưng với Vô Minh (Pháp sư Tịnh Không thường giảng là "Một Niệm Bất Giác" hoặc "Động Niệm"), từ Vô Minh này sẽ phát khởi ra "Tư tưởng điên đảo" (Biến Kế Sở Chấp và Y Tha Khởi liên hoàn nối tiếp, làm nhân và quả cho nhau)
Khi Vô Minh hết, tương ưng với hoa đốm hết, hay người mắt nhặm đã khỏi bệnh, con mắt trở về trạng thái "bình thường". Hay con mắt sáng suốt.
(Trạng thái "bình thường" này
Trong Duy Thức gọi là :"Tánh Viên Thành Thật"
Trong Kinh Viên Giác gọi là "Tánh Viên Giác" ).
Do đó Tánh Viên Giác có thể ví với con mắt sáng suốt.
Đặc tính cơ bản của con mắt sáng suốt là luôn luôn quán sát đúng các hiện tượng, các sự vật, nhưng chính nó (Con mắt) không bao giờ ý thức về sự hoạt động của nó (Con mắt), nó hoạt động cần mẫn, vô điều kiện.
Đây là đặc tính của con mắt được Đức Bổn Sư giảng trong Kinh Viên Giác :
"Ví như căn mắt không tự thấy mắt, tính tự bình đẳng, không có phần hay làm cho bình đẳng."
Vì tự tính bình đẳng này, nên ta có thể hiểu tại sao trong Duy Thức Học, Ý căn (Mạt Na Thức) khi đã xa lìa được "Huyễn hóa, sinh diệt" (Vô Minh - Chủng tử Nghiệp trong A Lại Da), thì Ý căn (Mạt Na Thức) được đặt tên là "Bình Đẳng Tính Trí".
Và khi Ý căn (Mạt Na Thức) đã được chuyển hóa thành "Bình Đẳng Tính Trí", tức là đã trở về Viên Giác Tánh, hay nói các khác lúc này chúng ta đã trở về với với Tánh Giác lưu xuất trực tiếp từ Như Lai Tàng. Do đó, Đại Bi Quán Thế Âm thuyết :

"Ngay lúc ấy, bèn thâm nhập Viên Giác Tánh. Đó gọi là tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác."

Lúc này coi như đã nhập được "VÔ SANH PHÁP NHẪN". (PHÁP ở đây nên hiểu là Pháp trần, chủng tử lưu xuất từ A Lại Da).

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.

NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Nippon
Bài viết: 72
Ngày: 21/09/13 08:36
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Việt Nam

Re: ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM-PHÁP TU THÙ THẮNG(PT4-Hết)

Bài viết chưa xem gửi bởi Nippon »

PHÂN TÍCH KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT
ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM - PHÁP TU THÙ THẮNG.


PHÂN TÍCH 4.

Đoạn 3 :

"Tiếp tục xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết trở vào Viên Giác tánh. Đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc. Mà mỗi mỗi sát na đều hiển lộ Như Lai Tạng và cái biết cũng không còn nữa. Danh hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn, hòa tan căn, trần, thức đều nhập vào Viên Giác tánh, bình đẳng bất động, thường trụ như hư không và tròn đầy chiếu suốt mười phương.
Bởi vậy, phải nói rằng Niệm Phật là pháp môn đệ nhất, sử dụng danh hiệu Như Lai mà thâm nhập Như Lai Tạng mà chuyển biến huyễn hóa, hư dối trở nên Viên Giác tánh. Các hạng chúng sanh thời Mạt Pháp phải siêng năng thọ trì. "


Tại phần trước, ta thấy Ý căn (Mạt Na Thức) đã được chuyển thành Bình Đẳng Tính Trí [Hay "con mắt sáng suốt" hay Giác (Biết)].

[Chú ý :
Cái Biết ở đây là đại diện cho Tính Giác lưu xuất từ Như Lai Tàng đã có được ở Đoạn 2, PHÂN TÍCH 4.
Viên Giác Tánh ở đây là đại diện cho Danh Hiệu Phật
(Tại Đoạn 2, Đại Bi Quán Thế Âm đã diễn giải :
danh hiệu Phật là hư không tạng, là Viên Giác tánh, là vô cấu tạng, là tịch tịnh tạng...)]

Hướng con mắt sáng suốt này vào "Danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận", với tính sáng suốt có được này, ta sẽ nhận thấy đặc tính của câu Phật Hiệu A Mi Đà. Đó là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ.
Vì thế, Đại Bi Quán Thế Âm thuyết :
"Tiếp tục xưng niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết trở vào Viên Giác tánh. Đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc."

Đến đây, ta có thể hiểu tại sao có những Pháp sư Niệm Phật mà phát quang. Đó là Pháp sư đã ứng nhập được với bản thể của Danh hiệu Phật A Mi Đà. Danh hiệu Phật đối với các Pháp Sư này không còn tồn tại dưới lớp vỏ bọc của ngôn ngữ, mà hiển lộ ra đúng với bản thể của Danh hiệu Phật. Đó là Vô Lượng Quang.
Theo Tịnh Độ Tông, thì đây là tương ưng với "Thực Tướng Niệm Phật".

Do đó, tiếp theo Đại Bi Quán Thế Âm thuyết tiếp :

"Mà mỗi mỗi sát na đều hiển lộ Như Lai Tạng và cái biết cũng không còn nữa. Danh hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn, hòa tan căn, trần, thức đều nhập vào Viên Giác tánh, bình đẳng bất động, thường trụ như hư không và tròn đầy chiếu suốt mười phương."

Tới đây, danh hiệu Phật đã dẫn dắt chúng ta thâm nhập vào Như Lai Tạng.

Đoạn 4 :

"Nầy Vi Đề Hy,
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị phiền não chi phối ngày đêm không tạm dừng nên nhận vọng tưởng làm tâm, bỏ quên Thắng Giải trí, Vô Thượng trí. Rồi lại bị tham, sân, si, mạn, nghi lôi cuốn, và thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến chồng chất lấp vùi. Do đó khởi tâm phân biệt, thấy có mừng có giận, yêu ghét, vui buồn, vinh hoa, hủy nhục... Nếu tận trừ phiền não thì thân tâm vắng lặng, an nhiên, tự tại, tức đồng với chư Phật không hai không khác.
Muốn tận trừ phiền não thì không chi hơn là phát huy năng lực Trí Giải siêu việt của danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Thật vậy nhờ cần mẫn xưng niệm Phật hiệu mà hành giả hiện bày Tự Tâm Quang Minh Hiện Lượng, chuyển phiền não dữ dội ấy trở thành Bồ Ðề thật tướng, đưa hành giả thẳng vào cảnh giới Thánh Trí Tự Chứng. Lúc bấy giờ, có khả năng bấm ngón chân xuống mặt đất, sử dụng ấn Địa Xúc để cải biến Ta Bà thành tịnh độ trang nghiêm, niệm niệm tương ứng với Đại Ðịa Bồ Tát, niệm niệm du hành, giáo hóa xã hội chúng sanh khắp mười phương vi trần hằng hà sa thế giới."


Sau khi thâm nhập Như Lại Tạng, người tu bắt đầu có thể khởi phát các năng lực, hàng ma ("sử dụng ấn Địa Xúc"), thực hiện Phật sự ( "cải biến Ta Bà thành tịnh độ trang nghiêm, niệm niệm tương ứng với Đại Ðịa Bồ Tát, niệm niệm du hành, giáo hóa xã hội chúng sanh khắp mười phương vi trần hằng hà sa thế giới.")

TỔNG KẾT
Theo tôi, Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Phẩm Đại Bi Quán Thế Âm Niệm Phật Viên Thông là Phẩm rất quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa.
Nếu Kinh Pháp Hoa, là "Vua của tất cả các Kinh" thì Phẩm "Quán Thế Âm Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông" của Đại Bi Quán Thế Âm trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật là "Vua của tất cả các pháp" đối với chúng sinh tại cõi Ta Bà.
Với đoạn Kinh văn chỉ vẻn vẹn khoảng 4 tờ giấy A4, tất cả các pháp môn cơ bản nhất của Phật Giáo Đại Thừa đều được nhiếp vào trong đó : Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Duy Thức Tông. Nếu coi câu Phật hiệu A Mi Đà là "Đại Thần Chú, Đại Minh Chú" thì cả Mật tông cũng được nhiếp vào.
Ngoài ra pháp quán Duyên Khởi, cũng xuất hiện tại đây (PHÂN TÍCH 4), từ đó tìm ra được Vô Minh, rồi đoạn Vô Minh (Si). Khi Si đã được đoạn thì Giác xuất hiện, khối khổ được giải quyết, Tứ Diệu Đế hiển bày.
Qua tổng kết trên, ta thấy, với PHÁP TU THÙ THẰNG này, tất cả các pháp môn của Phật Giáo Đại Thừa và các pháp môn của hệ thống kinh điển Paly đều được nhiếp vào.

Do đó PHÁP TU THÙ THẮNG"Vua của tất cả các Pháp".

Chân thành cảm ơn các thầy, các bạn trên diễn đàn đã đọc bài viết này.
Nếu trong bài viết có gì sai sót mong được chỉ bảo.


NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.73 khách