Sự kỳ diệu của cây Bồ Đề linh thiêng

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Sự kỳ diệu của cây Bồ Đề linh thiêng

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

CHƯƠNG V
SỰ KỲ DIỆU CỦA CÂY BỒ ĐỀ LINH THIÊNG

Hình ảnh
(Trích sách đã dẫn ở trên, trang 115-136)

1. Tại sao chiêm bái cây Bồ Đề?:

Trong kinh Jataka ghi: Khi đức Phật ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, có nhiều người lui tới lễ bái. Khi đức Phật đi hoằng pháp nơi khác, thì tịnh xá trở nên vắng vẻ, ít người đến cúng dường chư Tăng. Cho nên ông Cấp Cô Độc cảm thấy buồn, trình bày cho Ngài A Nan biết rõ việc ấy. Rồi ông tỏ ý muốn xây dựng một cái gì tiêu biểu, để các Phật tử đến chiêm bái khi vắng đức Phật. Ngài A Nan liền đem điều này, trình bạch lên đức Phật. Ngài dạy:

- Có ba hình thức kiến trúc, để tưởng nhớ lâu dài đến giáo pháp một vị Phật. Đó là Bảo Tháp hoặc Đền Thờ, Đài kỷ niệm và Thánh địa:

  • (1) Bảo Tháp hay đền thờ, để thờ các di thể kim thân, xá lợi hay tro quý, sau khi lễ trà tỳ kim thân đức Phật.

    (2) Đài kỷ niệm để lưu giữ những vật dụng, của đức Phật đã dùng ít nhất một lần như: Bình bát, lá y, hay cội Bồ Đề (nguyên trước gọi là cây Pippala. Khi Ngài đắc quả Vô Thượng Bồ Đề, nên được gọi là cây Bồ Đề)...

    (3) Thánh địa nơi đức Phật xuất hiện, hoặc ngự tại đó sinh hoạt, thuyết pháp, nhập Niết bàn v.v...
Cách thứ nhất và thứ ba không được, vì Như Lai còn hiện hữu. Chỉ còn cách thứ hai. Ông Cấp Cô Độc liền nghĩ đến cây Bồ Đề Mahabodhi, ở cạnh sông Ni Liên Thiền, nơi Ngài thiền định 49 ngày, thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc đó, Ngài Đại Mục Kiền Liên, hiểu được thâm ý của ông Cấp Cô Độc. Liền dùng thần thông, đến mé rừng Uruvela, thuộc khu Khổ Hạnh Lâm bên dòng sông Ni Liên, chiết một nhánh cây Bồ Đề. Đó là Bồ Đề Đạo Tràng ở nước Magadha (Ma kiệt Đà) thuộc Vương Xá thành của vua Tần Bà Ta La, nơi Bồ Tát Thành Phật. Tức là Đạo Tràng Bồ Đề này, tôi đang đề cập đến. Ngài đem về Tịnh Xá Kỳ Viên thành Xá Vệ, vương quốc của vua Ba Tư Nặc. Ông Cấp Cô Độc vô cùng mừng rỡ trước sự chứng kiến của đức Phật, chư Thánh chúng, với hiện diện của vua Ba Tư Nặc và nhiều người.

Ngài A Nan, muốn tôn trọng thẫm quyền lãnh thổ của vua Ba Tư Nặc. Nên Ngài đón nhánh cây Bồ Đề trên tay Ngài Ma Ha Mục Kiền Liên, đưa cho vua trồng. Nhưng vua Ba Tư Nặc khiêm nhường, liền đưa nhánh cây Bồ Đề cho ông Cấp Cô Độc nói rằng: "Kính bạch đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng. Trẫm chỉ là người đứng đầu trong vương quốc thuộc thế gian. Còn về phương diện đạo, một cư sĩ gương mẫu cao quý nhất, chính là ông Cấp Cô Độc trưởng Giả, thật xứng đáng trồng cây Bồ Đề này".

Cây Bồ Đề được trồng tại cổng chính của Kỳ Viên Tịnh Xá. Lạ thay khi trồng cây Bồ Đề xuống, được tưới bằng sữa thơm, được che mát, cây Bồ Đề liền vụt lớn cao hơn ba thước với những nhánh mới thành bóng mát. Ngay đêm đó, đức Phật đã ngồi Thiền suốt đêm tại cây Bồ Đề này, khiến cây Bồ Đề mau tăng trưởng và trở thành linh thiêng. Cây Bồ Đề này cũng gọi là cây Bồ Đề A Nan, vì Ngài A Nan đứng ra tổ chức, giúp cho các Phật tử khi vắng Phật ở đây, có nơi tưởng nhớ chiêm bái.


2. Quốc Vương Tích Lan xin thỉnh nhánh Bồ Đề:

Vua Mahãvamsa vương quốc Tích Lan, nhớ đến lời vị Trưởng Lão Thánh Tăng Mahinda, nguyên là Thái tử của vua Asoka: "Cần phải thỉnh về nhánh cây Đại Bồ Đề và vị Ni Trưởng Samghamitta, nguyên là công chúa của vua Asoka". Sau khi vua bàn với các vị đại thần, vua cử người cháu trai là quan đại thần tên Mahaari T.Tha, qua Ấn Độ gặp vị Đại vương Asoka, xin thỉnh nhánh cây Bồ Đề đem về. Mahaari T.Tha cầu xin một điều là: "Thần sẽ thỉnh được, nhưng cầu thỉnh bệ hạ, sau khi thần hoàn tất nhiệm vụ, thần xin Bệ hạ cho phép thần xuất gia". Nhà vua liền thuận và cho chuẩn bị ngày khởi hành.

Mahaari T.Tha lên đường vào ngày thứ hai của tháng Assayuja thuộc tháng chín Ấn độ. Với sự nhiệt tâm và nương nhờ thần lực của Trưởng Lão Thánh Tăng, vị này là hoàng tử của vua A Dục, sau khi xuất gia đắc Thánh quả truyền Phật Giáo qua Tích Lan. Mahaari T.Tha vượt đại dương, đến Vương quốc Ấn cùng ngày.

Khi Mahaari T.Tha trình thông điệp của vuaMahãvamsa lên vua Dhammasoka (Thiện Kiến A Dục tức là vua Asoka). Nhà vua rất băn khoăn lo lắng. Vì cây Bồ Đề là biểu tượng thiêng liêng quan trọng. Không ai có thể dùng đao kiếm, làm tổn thương đến cây Bồ Đề. Vị quan Đại thần, là Mahaadeva trình tấu: "Xin Bệ Hạ nên làm lễ cúng dường Chư Tăng, rồi thỉnh thị ý kiến các Ngài".

Hôm sau, nhà vua cúng dường Chư Tăng xong, thỉnh thị ý kiến các vị Trưởng lão: "Có nên gởi một nhánh cây Bồ Đề đến Tích Lan không?". Ngài Trưởng Lão Moggaliputta đáp: "Nên gởi nhánh cây Bồ Đề đến Tích Lan". Vị Trưởng lão kể lại năm đại nguyện của đức Phật:
  • (1) Muốn chánh pháp lưu truyền rộng.

    (2) Muốn chư Tăng hoằng pháp mọi nơi.

    (3) Muốn các thánh vật được truyền bá rộng rãi khắp nhân gian...

    (4) Muốn mọi nơi đều có chùa hay tu viện và đầy đủ Tăng Già.

    (5) Muốn các tu viện đều có ngày cho Phật tử tu học.
Bấy giờ một vị Đế Thích Vissakamma biết được, liền hóa thành người thợ bạc nói với vua Dhammasoka: "Hãy đưa vàng, tôi sẽ làm cái hũ vừa ý vua". Khi nhận vàng, người thợ chỉ dùng tay nắn thành cái hũ xinh đẹp. Hũ lớn vòng quanh chín gang tay, chiều cao năm gang tay, với đường kính ba gang tay. Làm xong đưa cho vua, rồi người thợ liền đi mất. Khiến mọi người ngạc nhiên, còn nhà vua chưa kịp hỏi han đáp ơn. Nhưng biết đó là vị chư Thiên hiện ra gíúp sức.

Vua với bốn binh chủng và ngàn vị Trưởng lão Tăng hướng dẫn những chúng Tỳ kheo đến cây Bồ Đề làm lễ. Các loại hoa thơm được rải, các loại nhạc được cử lên cúng dường cây Bồ Đề. Tất cả mọi người đứng vây quanh cây Bồ Đề làm lễ. Nhà vua đưa hai tay lên đầu chắp lại nguyện cầu, bình vàng được đặt trên một ghế cẩn vàng ở phía trước. Nhiệm mầu thay, cành cây Bồ Đề bên hướng Nam, các nhánh lớn nhỏ đều biến mất. Chỉ còn lại một cái lõi đưa ra, với nhánh cây dài bốn gang tay.

Cái ghế được đặt cao đến nhánh cây ấy, nhà vua lấy cây viết vàng vẽ một vòng quanh nhánh đó. Lạy quanh cây Bồ Đề và thuận nhiễu ba vòng. Nhà vua chắp hai tay đưa cao, khấn nguyện điều mong ước, xin nhánh Bồ Đề đó rơi vào bình. Thật là linh thiêng kỳ diệu thay, nhánh cây Bồ Đề ấy tự tách ra rồi lơ lửng trên bình trong một phút. Sau đó tự cắm vào bình đất thơm, rồi đâm xuyên ra ngoài bình mười rễ chính ở dưới và hàng trăm rễ phụ, đan lại như cái lưới. Lúc bấy giờ Chư Tăng, vua quan, mọi người chứng kiến tận mắt sự nhiệm mầu này. Tất cả đều vui mừng đảnh lễ. Ngay lúc ấy đại địa rung chuyển, ánh sáng chói lòa một vùng, nhạc trên không trung do chư Thiên trổi lên cúng dường. Cây Bồ Đề đưọc thỉnh về Tích Lan, Cử hành lễ thật long trọng, trong sự hân hoan của mọi người. Rồi trồng tại Thủ đô Anuradhapuru Tích Lan lúc bấy giờ. Hiện tại cây vẫn còn tươi tốt, hùng vĩ, vững vàng ở trong thành phố cựu Thủ Đô này.

Cây Bồ Đề tại Tháp Đại Giác hiện nay, được chiết từ cành cây hướng Bắc của cây Bồ Đề nguyên thủy này.

3. Lịch sử cây Bồ Đề tại Bảo Tháp bị hủy diệt:

Cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, bị phá hủy chặt đốt đầu tiên là do vua Asoka. Vì ông là người Ấn Giáo, rất ghét Phật Giáo.
  • (1) Sơ lược về cuộc đời Đại Vương Asoka:
Khi nói đến cây Bồ Đề, chúng ta cần tìm hiểu qua về nhà vua Asoka (phiên âm là A Dục). Nhờ công đức của vua đã trồng những trụ đá, ghi rõ từng Thánh tích và ra công, ra của khuyến khích bảo trợ, việc Kết tập kinh điển lần thứ ba tại Pâtaliputrâ thủ đô lúc bấy giờ. Việc kiết tập do Thánh Tăng Moggaliputta tuyển chọn 1000 vị Cao Tăng thông suốt Tam Tạng và Ngài chủ tọa suốt chín tháng. Vua Asoka còn cho thanh lọc, một số ngoại đạo trà trộn trong Tăng đoàn, nhằm phá hoại Phật Giáo. Bắt những kẻ này hoàn tục và đuổi đi.

Lúc vua Asoka lên trị vì, người ta gọi là Ác vương. Khi vua cha là Bindusara băng hà, ông là Phó vương vùng Tây Bắc Ấn, đem quân về giết sạch 99 người em khác mẹ. Chỉ chừa người em cùng mẹ là Tissa, rồi lên ngôi vua trước TL. 329 năm (sau đức Phật nhập Niết Bàn hơn 200 năm). Vì các quan không phục và dân chúng oán ghét, cho nên mãi sáu năm sau ông mới làm lễ đăng quang. Kinh đô lúc bấy giờ là Pâtaliputrâ (Thành đô Hoa Thị). Khi lên ngôi ông rất háo chiến và hay sát hại người, Cho nên bấy giờ dân gọi ông là Ác vương. Ông đem quân đánh chiếm nhiều nước như Ganja, Thàna, Pùri, Mysore, Hyderabad, Bhopal, Bihar, Nepal, Afghanistan, Kasmir... Đến khi đánh chiếm đến xứ Kalinga, bây giờ là tiểu bang Orissa. Chỉ trong cuộc chiến này, hàng trăm ngàn người bị giết. 150,000 người bị bắt làm tù binh khổ sai. Cảnh thê lương tang tóc tràn lan khắp nơi, con mất cha, vợ mất chồng, dân chúng khóc gào chấn động đến tim gan ông. Khi ngựa ông bước xuống dòng suối, thấy nước đầy máu đỏ tanh hôi và thây người còn hôi thối ngổn ngang. Ông ân hận thề không làm đổ máu ai nữa. Ông ghê tởm chiến tranh, ông ghê tởm chinh phục bằng gươm giáo. Vì bánh xe ông đi, đã tắm máu đào trên chục vạn xác chết vô tội!

Ông là người theo Ấn Giáo, hay nghe lời các Giáo sĩ Bà la môn, khi cúng tế giết hại loài vật rất nhiều, để cúng tế thần linh. Trải qua thời gian sau, gặp được một vị Thánh Tăng Samudda. Nguyên vua Asoka còn là Ác vương, có cho làm cảnh Địa ngục Bồng Lai để gạt người vào đó, bắt hành hình như cảnh địa ngục. Thầy Sa Di Samudda mới tu, không biết đó là cảnh địa ngục trần gian. Nhân đi ngang qua cảnh Địa ngục Bồng Lai, thấy cảnh đẹp như cõi Tiên, có hoa, có cây bóng mát. Vì mệt mỏi, Thầy dừng chân, ngồi trên băng đá cạnh gốc cây nghỉ mệt. Bọn ngục tốt liền chạy ra bắt thầy, đem vào địa ngục trần gian để hành hình. Thầy liền xin trưởng ngục cho Thầy trở ra, vì Thầy không biết. Nhưng hắn nói: "Ai đã vào đây thì không trở ra được, chỉ có con đường duy nhất là chết bằng nhiều cách như cối xay, cối giả, chảo dầu sôi, cưa cắt dọc thân, ôm cột đồng nung đỏ v..v..." Thầy Samuddha liền khẩn khoản: "Thưa quan Giám ngục, tôi tu hành chưa bao lâu còn nhiều kém cõi. Phật dạy thân người vốn quý, nếu mất khó phục hồi lại được. Cho nên, tôi xin quan Giám ngục cho tôi được hoãn lại bảy ngày nữa, để tôi tu hành thêm rồi hành hình cũng không muộn". Giám ngục Ginka nghe xong bằng lòng. Cảnh chết đang chờ, Thầy quyết tâm thiền quán và nhập định, đắc được đạo quả A la Hán.

Đến ngày thứ tám, Giám ngục kêu ngục tốt bỏ Thầy Sa Di Samudda vào chảo dầu, rồi nổi lửa lên đốt. Nhưng chảo dầu không sôi mà vẫn thấy Thầy ngồi Thiền với dung sắc tươi tốt và hoan hỷ. Hay được tin lạ chưa từng có, vua Asoka bước vào ngục tốt để xem hư thực. Bổng Thầy Samudda bay bổng ngồi trên không trung. Vua kinh hãi nghĩ rằng: "Thầy Tỳ kheo này cũng thân xác như ta, sao lại có phép mầu như thế?" Vua Asoka liền yêu cầu Thầy giải thích rõ những phép mầu này. Ngài thuyết cho vua Asoka nghe một thời pháp, làm chấn động tinh thần vua, đi sâu vào tâm thức vua. Vua bừng tỉnh hồi đầu phục thiện và quy y Tam Bảo. Thầy kể về tiền thân vua lúc hơn 200 năm trước, đức Phật đã ấn ký cho vua, và cho biết vua sẽ dựng 84,000 Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật, hỗ trợ công việc hoằng dương Chánh Pháp. Rồi khuyên vua nên bỏ ác làm các việc lành, để tạo nhiều công đức cõi Thiên cung. Khi nghe rõ như vậy, Asoka thành tâm sám hối và nguyện trọn đời quy y Tam Bảo, phụng sự đạo pháp và phụng sự toàn dân trong vương quốc. Từ đó về sau vua trở thành một Phật tử nhiệt tâm và thuần thành. Lúc đó dân chúng gọi vua là Thánh vương Asoka.
  • (2) Tiền thân vua Asoka:
Thời đức Phật còn tại thế, Ngài đang ngự tại Veluvàna (Trúc Lâm Tịnh xá do vua Tần Bà Ta la dâng cúng). Vào buổi sáng, đức Phật dắt một số thầy tỳ kheo, vào thành Vương xá khất thực. Đi đến đâu Ngài đều rãi lòng từ bi khắp mọi người. Với hảo tướng trang nghiêm, dung mạo đẹp sáng như trăng rằm, khiến mọi người đều cúi đầu kính quý.

Lúc đang đi, đức Phật và tôn giả A Nan, thấy cạnh bên đường có hai cậu bé tên là Jaya dòng dõi quý phái, và một cậu tên Vijaya gia đình trung lưu. Hai cậu bé đang chăm chú làm một đô thị bằng đất, đầy đủ nhà lầu, cung điện, kho tàng và thành phố dân cư. Jaya ngẩng đầu lên, thấy đức Phật đang dẫn chúng tỳ kheo đi đến. Java liền lấy một cái thành bằng đất ấy, cung kính quỳ xuống dâng lên cúng dường đức Phật. rồi dùng kệ tán thán công đức Phật:
  • Môt vầng hào quang vàng rực rỡ
    Bao phủ kim thân Đức Từ Bi vô lượng
    Tự Ngài ngộ đạo không Thầy chỉ dạy
    Con xin đem hết lòng thành kính
    Dâng thành vua này lên đức Như Lai
    Bậc Tối Thượng cha lành của Trời và người.
Lúc bấy giờ cậu bé Vijaya cũng hoan hỷ quỳ xuống mừng vui công đức này. Còn cậu bé Jaya nguyện thầm rằng: "Với phước báo này, con nguyện đời sau thành vị đại vương gồm thâu thiên hạ, thống trị giang san rộng lớn". Đức Phật thấy tâm niệm của Jaya trong sạch và thành tâm trọn vẹn, biết sau này cậu bé sẽ thành tựu ý nguyện. Ngài đưa tay xoa đầu cậu bé ấn ký, rồi mỉm cười nói với Ngài A Nan:"Sau khi Như Lai nhập Niết bàn hơn hai trăm năm, đứa bé này sẽ thọ sanh làm vị Thánh quân, thống lãnh một Châu thiên hạ, kinh đô tại Pâtaliputrâ với vương hiệu là Asoka. Nhà vua sẽ hỗ trợ công cuộc hoằng pháp rộng ra nhiều nước, sẽ xây dựng 84,000 bảo Tháp thờ Xá Lợi của Như Lai". Nhờ đức Phật xoa đầu ấn ký, cho nên ác vương Asoka, có được duyên lành gặp vị Thánh Tăng Samudda, chuyển hóa thành Thánh vương Asoka.
  • (3) Cây Bồ Đề bị vua Asoka hủy diệt lần thứ nhất:
Nhà vua Asoka lúc còn là ngoại đạo theo Bà la môn giáo, cho nên Ông ta ghét Phật giáo và ghét những gì liên quan đến Phật giáo. Chính cây Bồ Đề tại Bodh Gaya, đầu tiên là do chính A Dục vương kéo một đội quân đến ra lệnh chặt phá. Ông cho đốn cây đến tận gốc, chẻ thân cây thành đống vụn, rồi thiêu đốt. Trong lúc lửa bùng lên, thì có một luồng hào quang chiếu sáng. Quan quân đều sợ hãi vội quỳ xuống đảnh lễ, A Dục cũng rỡn tóc gáy hồi hộp. Ngay ngày hôm sau, từ đống tro tàn mọc lên một cây Bồ Đề, lá lóng lánh lá ra như lông vũ. Ông thấy sự linh thiêng, liền thành tâm sám hối. Ông còn ra lệnh cho lấy sữa thơm tưới bón vào gốc. Ngày hôm sau, thật kỳ diệu, cây Bồ Đề đã lớn mạnh cao khác thường. Chứng kiến tận mắt sự mầu nhiệm này, Ông tăng trưởng niềm tin và phát tâm cúng dường cây Bồ Đề. Cúng dường xong, bỗng ông thấy trong thân tâm nhẹ nhàng, an lạc khác thường, mà đời ông chưa bao giờ được sự an lạc tuyệt vời như vậy!. Ông quên hẳn việc quay về hoàng cung, khiến hoàng hậu chờ mõi mòn.
  • (4) Cây Bồ Đề bị hủy diệt lần thứ hai:
Hoàng hậu của vua Asoka là người ngoại đạo, theo Bà la môn giáo. Vì ganh tức, cây Bồ Đề kia vô tri lại quyến rủ hơn bà. Bà đã lén cho người tâm phúc, vào giữa đêm đến chặt phá cây Bồ Đề. Sáng hôm sau vua đến lễ cây Bồ Đề, thấy cây Bồ Đề bị chặt nên hết sức đau lòng. Với tất cả lòng thành cầu nguyện và dùng sữa thơm tưới vào gốc cây. Lạ thay, sáng hôm sau cây Bồ Đề mọc lại như cũ. Vua A Dục vội cho xây hàng rào sắt và một bức tường bao quanh, để bảo vệ cây Bồ Đề. Còn hạ chiếu:"Nếu ai làm trầy da cây Bồ Đề, hay làm rụng chiếc lá của cây. Tội hình phạt nặng giống như xâm phạm thân thể trẫm".
  • (5). Cây Bồ Đề Bị hủy diệt lần thứ ba:
Thời gian sau, vua Sasanka theo ngoại đạo, hủy báng những gì liên quan đến Phật giáo. Ông ta đem quân đến chặt phá cây Bồ Đề tận gốc. Nhưng không làm sao bứng được gốc cây. Cuối cùng ông cho đốt gốc và tưới nước đường, để cây Bồ Đề khỏi mọc lên. Bị quả báo nặng, về sự hủy diệt nơi tôn kính của mọi người, ông ta bị kẻ thù sát hại một cách thảm khốc.

May thay, khoảng hai tháng sau. Vua Purnavarana của Ma Kiệt Đà, vị vua cuối cùng dòng A Dục nghe tin cây Bồ Đề bị hủy diệt. Ông đau khổ vật mình xuống đất, cất tiếng thê thảm than rằng: "Mặt trời trí tuệ đã lặn từ lâu, thế gian không còn gì ngoài cây Bồ đề, đang làm bóng mát che chở nhân gian, làm tiêu tan phiền não. Nay cũng bị người hủy diệt, thì còn năng lực nào cung cấp nguồn sống tâm linh cho thế nhân". Nhà vua đã dùng sữa của hàng ngàn con bò khỏe tốt, thành tâm cầu nguyện tưới vào gốc cây dưới lớp tro tàn. Sự mầu nhiệm, cảm thông được nỗi đau thương của người con Phật. Nên chỉ qua một đêm, cây Bồ Đề sống lại và mọc cao hơn 10 feet. Nhằm bảo vệ cây Bồ Đề kỳ diệu, vua cho xây bức tường bao bọc chung quanh cây, cao 24 feet.

Bấy giờ có một người Bà la môn, chỉ tin tưởng vào thần linh Shiva. Ông nghe thần Shiva hay hiện ra trên Tuyết sơn, ông rủ người em cùng lên Tuyết sơn cầu nguyện. Vua Trời Đế Thích Vasava hiện ra nói:"Những người cầu nguyện muốn kết quả, phải tạo công đức lớn. Nếu ngươi mong cầu mà không tạo công đức, thì ta không thỏa mãn lời cầu nguyện của ngươi".

Người Bà la môn hỏi:

- Con phải làm công đức nào, để Ngài đáp ứng lời cầu nguyện của con?

- Người phải thành tâm làm công đức lớn, hãy đến cây Bồ Đề, nơi Bồ Tát thành tựu Phật quả, Ngài là Đấng Từ Phụ của Tam giới. Ngươi lập tức về xây một Tu Viện gần cội Bồ Đề, xây một hồ nước lớn, cúng dường mọi thứ cho các Tăng sĩ ở tu. Lúc đó, ta sẽ cho ngươi thỏa mãn các lời cầu nguyện.


Người Bà la môn về làm y theo lời dạy, rồi được toại nguyện và hay đến đây cúng dường tu viện ở đây.
  • (6) Cây Bồ Đề bị huỷ diệt lần thứ tư:
Theo nhà sử học nổi tiếng là Taranath ghi rằng: Cuộc xâm lăng xứ Ma Kiệt Đà, của vua Hunimanta thuộc thế kỷ thứ nhất, đã tàn phá điện thờ nơi đây và chặt phá huỷ diệt cây Bồ Đề tận gốc.

Nhưng cây Bồ Đề vẫn mọc lại thời gian sau. Đến thế kỷ thứ bảy vua Adittiya Sena lên ngôi, Ngài Huyền Trang đến đây chiêm bái ghi: "Tôi đã đến chiêm bái Thánh Địa Bồ Đề Đạo Tràng nhiều lần. Cây Bồ Đề vẫn tươi xanh bền bĩ, trước những sóng gió biến thiên của nhiều triều đại và thiên tai".
  • (7) Bị hủy diệt lần thứ năm:
Vào năm 1201, giặc Hồi mạnh mẽ đã tràn chiếm tới Bồ Đề Đạo Tràng. Họ đập phá Đại Tháp, chặt đốt cây Bồ Đề, phá hủy luôn sáu Tu Viện chung quanh Đạo Tràng, sát hại hơn ngàn vị Tăng đang tu học ở đây. Từ đó toàn thể Tháp Đại Giác, bị chôn vùi dưới đống ngói gạch khổng lồ. Trải qua hơn sáu thế kỷ, cỏ rậm, dây leo, cây cối mọc chằng chịt thành rừng gíà hoang vắng, điêu tàn. Tưởng như đã lui hẳn về quá khứ xa xăm, quên lảng. Kể như không còn ai biết nơi đó là gì!?
  • (8) Thiên tai phá hủy lần thứ sáu:
Đến khi các nhà Khảo cổ Alexander, nhà khảo cổ Mitra khám phá và khai quật cả vấn đề thiên nan, vạn nan. Ông Alexander ghi rằng: "Tháng 12 năm 1867, cây Bồ Đề đã bị tàn úa quá nhiều, do sự tàn phá bầm dập của con người và thiên tai làm cho thân cây hơi ngả về hướng Tây với ba nhánh còn màu xanh, nhưng những nhánh khác đã bị vàng vọt mục nát". Năm 1875, ông trở lại thấy cây hoàn toàn héo và mục. Năm 1876 ông ghi: "Một cơn bão mạnh tấp tới, cuốn phăng cây Bồ Đề, chỉ còn thân cây ngả về hướng Tây bức tường. Nhưng kỳ diệu lạ lùng, hạt giống đã rớt lại tại gốc, những chồi non vươn lên nối tiếp bất tuyệt".
  • (9) Cây Bồ Đề bị hủy diệt lần thứ bảy:
Thời gian cuối thế kỷ 19, cần người ở chăm sóc nơi Thánh Tích này. Chư Tăng Miến Điện được gởi qua ở đây hương khói lễ bái và chăm sóc quét dọn Bồ Đề Đạo Tràng. Ấn giáo đã kỳ thị Phật giáo. Họ đã đánh trọng thương có tính cố sát chư Tăng Miến Điện trong nhiều đêm. Khiến chư Tăng Miến Điện, đang tình nguyện phục vụ tại Bồ Đề Đạo Tràng, phải bỏ trốn về xứ. Ấn giáo hung ác độc quyền, họ còn phá hủy cây Bồ Đề, cho nên cây Bồ Đề này đã mất.

Đến khi Đại Tăng Anagarika Dhammapada, người thành lập Hội Maha Bodhi trên thế giới. Đến viếng Bồ Đề Đạo Tràng năm 1891 thấy cảnh điêu tàn, Ngài phát nguyện phục hồi. Sau đó ba nhánh Bồ Đề, được chiết từ cây Bồ Đề Tích Lan, ở cựu Thủ Đô Anuradhapura đem qua Ấn Độ. Một trồng ở Lumbini bên kia hồ nước, một trồng nơi Phật chuyển Pháp Luân ở Lộc Uyển trước chùa Miến Điện, một trồng tại Bồ Đề Đạo Tràng. Nguyên cây Bồ Đề này, được vua A Dục chiết từ cây Bồ Đề Mẹ ở Bồ Đề Đạo Tràng ngày xưa. Sai công chúa là Tỳ kheo Ni Sanghamitta, đem qua Tích Lan tặng. Cây Bồ Đề sum sê vĩ đại cho mãi đến nay.

Còn cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng bây giờ khoảng hơn 50 tuổi, cũng chiết từ cây Bồ Đề Tích Lan. Cùng da, cùng máu thịt, cùng gốc, trở lại gốc cũ nền xưa.

Cây Bồ Đề hiện nay, ngoài hàng rào tường cao, bao khuôn viên rộng lớn toàn khu. Còn có hàng rào bằng đá vuông bao bọc chung quanh Đại Tháp với cây Bồ Đề. Ngoài ra, cây Bồ đề với Tòa Kim Cang, còn được bảo vệ bởi hàng rào bằng đá bao quanh với khung cửa sắt. Hàng rào này, các Phật tử bên Nguyên Thủy hay lấy vàng lá phết vào cúng dường cây Bồ Đề. Dưới gốc cây Bồ Đề luôn có hoa phủ, do các đoàn Phật giáo đến cúng dường. Muốn vào trong hàng rào, phải hỏi vị Trụ Trì Ban Điều Hành bảo vệ Tháp. Hoặc chờ đến lúc 7 giờ tối, có mở cửa rào. Nên theo vị Thầy Trưởng đoàn vào lễ bái. Còn ban ngày bình thường, thì chỉ lễ bái bên ngoài rào của cây Bồ Đề.
Hình ảnh
(Trang 135)

Cây Bồ Đề về đêm với hàng rào được dán vàng lá.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sự kỳ diệu của cây Bồ Đề linh thiêng

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

3. Khai quật Thánh Tích lịch sử:

Vào thế kỷ 19, các nhà khảo cổ đã tìm được những bia khắc của A Dục vương trong dụ đá ở Kalinga: "Tôi mong muốn con cái tôi được hưởng hạnh phúc đời này và nhiều đời sau. Tôi cũng mong muốn cho tất cả mọi người cũng đều được như vậy.

Nếu ai bị bắt chưa rõ ngay gian, không được đối xử tệ bạc. Các Pháp quan tránh không được bắt giam người, khi chưa có lý do xác đáng. Mong các người hãy sống theo chánh đạo đừng phạm tội. Mỗi 5 năm, ta sẽ cho quan khâm sai đi công cán các nơi dò xét dân tình và truy cứu việc oan ưng. Các Khâm sai phải từ ái với mọi người, phải quan tâm đến đời sống quý giá và thiêng liêng của mọi loài"
.

Ngoài ra A Dục vương, còn bãi bỏ luật tử hình trong vương quốc Ấn. Vua còn cho xây các nhà thương trong vuơng quốc, và các nước láng giềng như Cholas, Pandyas, Satyaputra, trên đảo Tampapanni (Sri Lanka) trong vương quốc của vua Hy Lạp Antiochus. Vì vương quốc Hy Lạp đang có chiến tranh, nhờ vua Asoka phụ giúp các hoạt động nhân ái giúp dân. Vua còn cho xây các nhà thương súc vật. Có một Dụ đá ghi: "Ở đây không có một súc vật nào bị giết để hiến tế thần linh". Thủ tướng Nehru nhận xét: "Nhờ gương sáng của Asoka đại vương, đem giáo lý từ bi của Phật truyền bá rộng rãi. Khiến cho tập quán ăn chay của người dân Ấn còn phổ biến đến ngày hôm nay".

Ở Việt Nam có vua Trần Nhân Tôn là một vị vua có lòng nhân ái nhất. Một hôm vào mùa Đông, công chúa mặc áo lạnh nhưng vẫn còn rét run. Vua mới chỉ công chúa nói: "Ta thương dân như con của ta không khác. Từ đây về sau hãy phát áo ấm, chăn mền và cơm cho những người tù được no đủ. Ngay gian chưa biết, nhưng nỗi khổ đói rét rất đáng thương. Hãy giảm án nhẹ cho những người biết hối cải".

Trong các vị vua Ấn Độ, chưa có vị vua nào quan tâm đến đời sống dân chúng trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh như Đại vương Asoka được khắc trong bia đá: "Trong mọi lúc, mọi nơi Trẫm đều quan tâm đến đời sống và công việc của toàn dân.

Dù khi trẫm đang ăn, đang ở trong phòng của hoàng hậu, trong phòng ngủ, trong đồng ruộng, trong xe hay trong ngự uyển. Các Quan chức phải báo cáo cho trẫm biết, mọi công việc của dân chúng. Lúc nào trẫm cũng sẵn sàng, giải quyết công việc của dân chúng ở khắp mọi nơi"
.

Các học giả Tây phương đánh giá rất cao về các Dụ khắc trong bia đá của vua Asoka. Ông Robert Blatchford, viết trong cuốn "God and My Neighbor" (Thượng Đế và người láng giềng của tôi) như sau: "... Jesus và các Cha của nhà thờ, chưa từng bao giờ cấm chế độ nô lệ, chưa từng bao giờ cấm tệ nạn kỳ thị tôn giáo, hay là cấm thái độ tàn ác đối với loài vật.

Còn Phật giáo, trên thực tiễn đã xoá bỏ chế độ nô lệ cùng đinh, và tệ nạn kỳ thị khủng bố tôn giáo. Dạy đức hạnh sống tiết độ, sống trong sạch và mở lòng nhân hậu. Xây dựng đạo đức cao cấp hơn, đề cao tư tưởng nhân loại đều là anh em.

Các Phật tử thực hành và truyền bá một tôn giáo nhân bản, một tình huynh đệ bao trùm toàn thể loài người trước kỷ nguyên của Jesus. Quan trọng là không phải chỉ giảng thuyết, mà còn thực hành, đó là điều mà những người đạo Gia Tô không bao giờ thành tựu được, trước kia cũng như bây giờ.

Hơn nữa, sự truyền bá đạo đức nhân hậu và tình huynh đệ của họ không bằng gươm giáo, súng đạn, gông cùm, tra tấn, đinh đóng tay, củi thiêu người. Các Phật tử đã giải phóng người nô lệ, mở rộng lòng từ bi bao trùm cả loài vật.

Đạo đức của người Phật tử không ghi lại trong sách, lại được ghi trên đá. Không có một lý lẽ nào có thể xoá bỏ các Dụ đá của vua Asoka..."


Đặc biệt, những nhà khảo cổ phát hiện gần đây cho biết: Các đoàn truyền giáo của vua Asoka đã đến Ai Cập, Iran, Palestine. Ông Robert Blatchford ghi trong "God and My Neighbor" như sau: "Con đường truyền bá của đạo Phật, đã được theo dõi từng bước một từ Ấn Độ đến Jerusalem". Ngoài ra, kinh sách Phật giáo được tìm thấy rất nhiều trên đất đế quốc Parthian tức là Ba Tư cũ. Một đế quốc lớn, nằm giữa Ấn Độ và Palestine. Bactria và lãnh thổ hướng Đông của đế quốc Parthian đầy dẫy chùa Phật giáo. Tại đây, người ta tìm thấy những đồng tiền đúc, mang hình ảnh Phật với chữ khắc Hy Lạp.

Lịch sử cho chúng ta biết, các đoàn truyền giáo của Asoka, đã đem lại cho Ai Cập và Châu Âu, mô hình lý tưởng của cuộc sống khổ hạnh
. Nhà khảo cổ V.M. Flinders, ghi trong sách Tôn Giáo của Ai Cập cổ đại: "Lịch sử chứng minh rằng, Ai Cập và Châu Âu đã học được ở các đoàn truyền giáo của Asoka: Nếp sống khổ hạnh của những người ẩn sĩ, được thiết lập dưới triều vua Potolamy. Các tu sĩ ở đây khổ hạnh có một lý tưởng sống, mà lúc bấy giờ phương Tây chưa từng biết tới".

Còn ông E.B. Hawell viết trong sách Lịch sử của nền thống trị Aryan rằng: "Có thừa lý lẽ chứng minh rằng, các đoàn truyền giáo của Asoka, đã tạo môi trường nảy sinh ra Gia Tô giáo va Hồi giáo sau này".

4. Sau khi Ngài Thành Đạo dưới cội Bồ Đề:

Đức Phật là đấng Thiên Nhân Sư, bậc Thầy của Tam giới, ân nghĩa tột bậc không ai bằng. Cho nên khi Ngài Thành Đạo tại cây Bồ đề, Ngài đã chiêm ngưỡng tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề, đã che mưa nắng cho Ngài suốt 49 ngày quan trọng. Cho nên Ngài chưa vội đi xa, Ngài ở chung quanh cây Bồ Đề, suốt bảy tuần lễ theo kinh Jataka ghi như sau:
  • (1) Suốt bảy tuần Ngài ở chung quanh cây Bồ Đề:
* Tuần lễ đầu: Sau khi Thành Đạo, Ngài ngồi an tịnh dưới cội Bồ Đề, hưởng sự an lạc tuyệt diệu của sự giải thoát Vô Thượng Bồ Đề. Ngài tư duy về lý Thập Nhị Nhân Duyên.

* Tuần thứ hai: Ngài đi vòng quanh cây Bồ Đề, mắt hướng nhìn cây, tỏ lòng biết ơn cây đã che chở cho Ngài suốt 49 ngày. Ngài đi cách một khoảng xa độ 50m, đứng chăm chú nhìn cây Bồ Đề suốt một tuần không nháy mắt. Chỗ này có xây tháp (Animeshalochana) kỷ niệm nơi Ngài đứng nhìn cây Bồ Đề.

Chúng tôi xin được mở dấu ngoặc nơi đây để giải thích điều này. "Cây Bồ Đề thuộc thảo mộc vô tri, vô giác, tại sao Ngài lại tri ân đứng nhìn như vậy? Thực sự sau này, khoa học mới khám phá ra được sự cảm giác bén nhạy của các cây và lá, nó không phải vô tri, vô giác như mọi người lầm hiểu.

- Ông Jandish Chandra Bose (Ấn Độ) đã thực nghiệm trên các thực vật từ năm 1900. Ông là nhà nghiên cứu tiên phong trong lãnh vực này. Ông Bose nói rằng: "Thực vật có thể cảm nhận được phân bón, thuốc bảo vệ chúng và cảm nhận chất độc hại trong vài phút. Ông còn thực nghiệm cho thực vật nghe âm nhạc ngọt ngào êm dịu, cây mau tăng trưởng hơn bình thường. Còn cho nghe các loại âm nhạc kích động ồn ào, cây lại chậm phát triển.

Dù rằng thực vật không có các giác quan và tế bào thần kinh, nhưng qua các cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học đã nhận xét chính xác là: Chúng có cảm xúc, có tri giác, có thể giao tiếp nhau với các loài thảo mộc khác. Ngoài ra chúng còn có cảm xúc yêu mến, có tình nhớ, sợ hãi, khi nhận được tín hiệu từ điện trường trong não người hay động vật".

- Ông Cleve Backester người Mỹ, là chuyên gia đầu tiên về việc ghi giao động vật lý qua thảo mộc. Ông đã từng thực nghiệm hàng trăm lần trên các loài động vật và thực vật. Khi lấy phần lá, hay tế bào hoặc tinh trùng ở người. Những tế bào được tách ra đó, chúng vẫn còn liên hệ mật thiết qua môi trường điện hóa, với trạng thái cảm xúc của cơ thể mẹ, dù đã tách rời xa qua một không gian.

Ông Backester đã thực nghiệm vào năm 1966, qua lá cây ráy thơm. Ông gắn các đầu đo của máy ghi vật lý vào tất cả các lá cây. Rồi mở máy, xem sự giao động của nó, là bình thường. Lúc ấy, ông suy nghĩ là nên đốt những chiếc lá này, để xem chúng giao động ra sao? Ông Backester mới suy nghĩ về dự định sẽ đốt, thực tế chưa đụng chạm đến nó hay là đốt một chiếc lá nào, nhưng đồng hồ đồ thị đã giao động mạnh. Ông thấy rằng, có thể do trùng hợp cái gì, hay là tình cờ chăng. Ông bỏ ra ngoài suy nghĩ một chút, rời trở vào cầm hộp quẹt mở nắp ra như chuẩn bị đốt, miệng thì nói tao sẽ đốt mày, nhưng trong tâm trí ông thì không có ý nghĩ muốn đốt. Ông thấy, mặc dù hành động như sắp đốt với lời nói hăm he đáng sợ ấy, nhưng những lá cây ấy vẫn bình thường, không có phản ứng gì giao động trên đồng hồ đồ thị. Vì tâm trí ông không nghĩ đến việc đốt chúng, nên chúng cảm nhận được luồng tư tưởng này mà không sợ hãi. Ông lại bỏ ra ngoài suy nghĩ rồi vào làm lại cuộc thí nghiệm khác. Kỳ này ông vào ông nói ngọt ngào là yêu thương chúng, bảo vệ chúng, nhưng trong tâm trí ông lại nhủ rằng: "Tao sẽ đốt mày", sẽ đốt mày. Ngay lúc bấy giờ chúng lại giao động mạnh, hiện lên đồ thị những đường run run sợ hãi cực nhanh. Như vậy chứng tỏ những chiếc lá cây, đã đọc được tư tưởng của ông, nên chúng sợ hãi mà giao động mạnh. Thực sự về điều này, con người còn thua xa loài thực vật.

Ông Backester còn tìm hiểu them về loài thực vật và động vật có liên lạc với nhau được không ? Ông đã cho cây ráy thơm "chứng kiến", cảnh những con tôm biển đang bị luộc trong nước sôi. Ông theo dõi các cực điện ghim từ lá cây ra vẫn hoạt động tốt, và nhìn điện biểu đồ giao động mạnh. Chứng tỏ, cây cảm nhận được những cảm giác đau đớn của loài động vật. Một hôm ông tình cờ thấy một con nhện ăn lá cây trong vườn, đã lọt vào phòng đang thí nghiệm thực vật. Con nhện đang tòn teng từ trần nhà xuống những cây dưới này. Lập tức các biểu điện đồ có gắn cực điện trên những lá cây, đồng loạt giao động mạnh. Chứng tỏ nó cảm nhận được kẻ thù đang đến gần nó, và nó còn báo động cho nhau.

Một người bạn của ông không thích các loại cây, vì hay bị dị ứng ngứa ngáy khó chịu. Cho nên thấy cây lạ là hay phá bỏ. Một hôm có chuyện cần phải đến phòng làm việc gặp ông. Lập tức những biểu điện đồ có ghim cực điện vào lá cây, liền rung động mạnh. Người bạn ông đến gần, nó càng giao động mạnh hơn. Chứng tỏ cây cối cũng nhận ra được người thù của nó.

- Một nhóm khoa học gia ở Australia cho biết, thực vật còn biểu lộ tình cảm thành những tiếng kêu. Họ gắn vào lá cây, một cực điện tử ghi tín hiệu âm thanh vào một máy khuếch âm có loa. Khi cây thiếu nước, nó phát ra các âm thanh như tiếng kêu la cầu cứu. Còn trước khi cây bị khô héo sắp chết, chúng phát ra âm thanh như tiếng khóc than thảm thiết.

- Ở Việt Nam, khi những cụ già chơi kiểng chết đi, người ta phải cột vải trắng làm khăn tang cho những cây kiểng mà cụ chăm sóc hằng ngày. Nếu không, thì tình nhớ thương của nó không có ai chia xẻ, nó sẽ chết. Đây là vấn đề sự thật.

- Ở tại Mỹ này, có một người Mỹ lái xe track hay đi xuyên bang nhiều ngày. Ông ta có trồng một cây cảnh gần như cây bonsai loại lớn trước sân nhà. Ông ta đi đâu về đều đến thăm cây, lấy ít nước tưới, rồi kể lễ với nó chuyến này ông đi như thế nào. Khi ông đi, có dặn các sinh viên trường bên cạnh học về Nông Lâm tưới giùm. Vì chuyên môn, các sinh viên tưới tẩm đúng phương pháp với phân bón thích hợp, nhưng cây vẫn vàng úa buồn bã. Đến khi ông về, chỉ tưới sơ rồi ngồi tâm tình với nó. Vài ba ngày sau cây lại xanh mướt, mởn mơ như vui mừng sung sướng.

Ngoài ra loài thực vật, còn biết cách ngụy trang để bắt mồi như hoa bắt ruồi. Nó nở ra như cái kèn, rồi đưa vòi nhụy ra với hương vị ngọt. Con mồi nghe thích đậu lại chui vào, nó cuốn vòi và khép cánh ngay lầp tức. Con mồi bị kẹt trong đó, chất acid của nó tiết ra, con mồi bị tiêu từ từ, chỉ còn lớp vỏ mỏng bên ngoài.


Như vậy, chúng ta có thể kết luận là, thảo mộc như cây Bồ Đề không phải là vô tri vô giác. Nó vẫn có cảm giác, có tình thương, tình nhớ Đức Phật đã toả ra những luồng từ điện, đầy lòng từ bi làm cho nó vui sướng suốt 49 ngày Thiền định. Cho nên Đức Phật không nở đi ngay, mà đi gần đó đứng ngắm nhìn nó. Rồi mỗi tuần Ngài lại đi xa dần cho nó quen dần. Trước khi rời hẳn cây Bồ Đề, Ngài đã đi quanh nó ba vòng, rồi mới đến vườn Lộc uyển.

Sau này Ngài đi hóa độ các nơi, Ngài thường dạy hàng đệ tử: "Các người đứng dưới một tàng cây đã che nắng hay che mưa cho các người. Trước khi đi, nhớ không được hái một nhánh cây, hay một lá cây nào của cây đó. Vì nó đã có công giúp các người che nắng, che mưa. Hãy biết ơn và nhớ ơn. Người trí là người biết ơn và biết đáp ơn". (Kinh A Hàm và Kinh Ưu Bà Tắc). Thật là một lời dạy cao cả, về vấn đề ân nghĩa tròn đầy của đức Như Lai. Dù là cây vô tri, nhưng nó có sự sống và hữu ích cho mọi người. Huống là một con người đã giúp mình, mình phải nhớ ơn và đền ơn, đừng bao giờ bội ơn.

* Tuần thứ ba: Đức Phật chưa đi xa, vẫn còn quanh quẩn gần cây Bồ Đề. Cho nên chư Thiên nghi ngờ, không biết Ngài đắc quả Phật chưa? Đức Phật biết tâm niệm chư Thiên, cho nên Ngài dùng thần thông, tạo thành một đường kinh hành từ Đông sang Tây. Mỗi bước chân Ngài là một đóa hoa sen đở chân, Ngài đi tới, đi lui trên đường đó suốt một tuần. (Sau khi xây Tháp Đại Giác, để kỷ niệm bước Thiền hành của Phật, người ta đã tạc hơn mười tám đóa sen bên cạnh vách tay trái Bảo Tháp).

* Tuần lễ thứ tư: Đức Phật ngự trong bảo cung Ratanaghara bằng ngọc. Ngài suy nghiệm về những cao siêu mầu nhiệm của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Thân Tâm Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết và phát tỏa ra vầng hào quang sáu màu (Năm màu chính và một màu tổng hợp).

* Tuần thứ năm: Đức Phật ngồi dưới cây Ajapala, chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimutti sukha). Cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu việt ấy, có một người Bà la môn ngã mạn (Huhumka jakita) đến gần Ngài. Ông ta chào hỏi theo nghi lễ rồi hỏi:

- Này Tôn giả Gotama, phương diện nào ta trở thành Thánh nhân (Brahmana) và những điều kiện nào giúp ta trở thành Thánh nhân?

Đức Phật trả lời bằng bài kệ:
  • "Khi nào người đã xa lánh mọi điều tội lỗi
    Không còn ngã mạn, thanh lọc xong mọi ô nhiễm
    Thúc liễm lục căn, thông suốt các pháp đã học
    Sống chân chánh đời đạo hạnh thiêng liêng
    Người ấy được xem là bậc Thánh nhân".
* Tuần thứ sáu: Từ cây Ajapala, đức Phật đi qua cây Mucalinda ngự dưới cây. Bổng một trận mưa giông kéo đến bất ngờ, gió lạnh suốt nhiều ngày. Thần Mãng xà Mucalinda, liền đến quấn quanh đức Phật bảy vòng, lấy đầu phùng mang rộng che trên đầu đức Phật. Nên đức Phật không bị gió lạnh mưa ướt.

Đến ngày thứ bảy mưa tạnh, Mucalinda bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên tuấn tú, chắp tay đứng trước mặt Phật đảnh lễ.

* Tuần thứ bảy: Đức Phật bước sang cội cây Rajayatana, Ngài ngự dưới gốc cây, chứng nghiệm quả phúc giải thoát Diệu Giác Vô Thượng.

Lúc này, có hai thương gia người Miến Điện, tên là Tapussa và Balluka. Thấy Ngài tướng hảo phi phàm và toàn thân toát ra ánh sáng mát mẻ diệu kỳ. Hai ông phát tâm kính quý cúng dường Ngài thực phẩm thượng diệu. Ngài hoan hỷ nhận, rồi nhổ hai sợi tóc dài tặng cho hai vị thương gia này. Đây là hai vị đệ tử tại gia, được Ngài quy y đầu tiên sau khi Thành Đạo. Khi về đến Miến Điện, hai thương gia trình lên vua mọi việc được gặp và cúng dường một đức Phật ở Ấn Độ. Vua vui mừng cho xây dựng Tháp phết vàng, để thờ hai sợi tóc quý giá của đức Phật, mãi cho đến hôm nay hơn 26 thế kỷ vẫn còn.

Như vậy chúng ta thấy, Ngài đã Thiền định suốt 49 ngày bất động, dưới gốc cây Bồ Đề đến khi Thành Đạo. Sau đó, cũng 49 ngày, mỗi tuần Ngài ngự một vị trí khác nhau, nhưng vẫn chung quanh cây Bồ Đề. Trước khi rời xa cây Bồ Đề, Ngài còn ngoái nhìn cây Bồ Đề lần chót trước khi đi hoằng pháp. Ngài đã biểu hiện nghĩa ân tròn đầy với mọi loài, dù là loài vô tri, nhưng đã có công đối với Ngài.

Chính vì thế, cây Bồ Đề được truyền thừa nguồn năng lực thiêng liêng của Phật, cho đến mãi hôm nay vẫn còn nguồn năng lực nhiệm mầu ấy.
  • (2) Nhớ bạn đồng tu đi hóa độ:
Đó là những điều thiêng liêng, liên quan đến cây Bồ Đề ở Tháp Đại Giác, luôn luôn có nguồn năng lực kỳ diệu cho những người con Phật thành tâm.

Trước khi Ngài rời khỏi cây Bồ Đề, Ngài nhớ hai vị đạo sĩ là Thầy đầu tiên đã hướng dẫn Ngài tu. Nhưng Ngài thấy con đường tu đó chỉ lên cõi trời hưởng phước, chứ chưa giải thoát hoàn toàn. Ngài từ tạ ra đi tự tìm đạo lấy. Người Thầy thứ nhất là Uddaka Ramaputta (Uất đầu Lam Phất), đã từ giã cõi đời trước đây bảy ngày, hiện sanh về cõi trời Phi Phi Tưởng. Người Thầy thứ hai là Arata Kalama (A Ka Lam) cũng đã từ tạ cõi đời về cõi trời Không Vô Biên Xứ cách đây ba ngày.

Kế tiếp, Ngài nghĩ đến năm anh em ông A Nhã Kiều Trần Như (Ajnàtà Kaundiniya), bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài ở Khổ Hạnh lâm ngày xưa, Ngài thấy cần đi hoá độ trước. Phần này chúng tôi sẽ trình bày ở chương viếng vườn Lộc Uyển (Sanarth) ở phần sau.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.45 khách