Pho tượng Phật từ Việt Nam phiêu du tới Alaska

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Pho tượng Phật từ Việt Nam phiêu du tới Alaska

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Hình ảnh

PHO TƯỢNG PHẬT TỪ VIỆT NAM
PHIÊU DU TỚI ALASKA

Nguyên tác: "From another world, an icon moves to G Street".
Bài của nữ ký giả Julia O'Malley - Anchorage Daily News - http://www.adn.com
Chuyển ngữ: Đào Trường Phúc.
(Trích Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới số 131, tháng 2-2012)


Cách đây mấy năm, một người thợ máy về hưu của công ty BP (British Petroleum) tại Alaska tên là Suel Jones đã say mê pho tượng Phật bằng cẩm thạch trắng nặng 700 pounds (khoảng hơn 300 kí lô) do một tay điêu khắc giang hồ tạc và trưng bày ở vùng Ngũ Hành Sơn bên ngoài thành phố Đà Nẳng.

Jones kể lại: "Tôi không thể rời mắt khỏi pho tượng. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao nữa, có thể vì khuôn mặt đức Phật, có thể vì đường nét điêu khắc... Tôi nói với họ là tôi chỉ muốn mua pho tượng này thôi".

Pho tượng làm sống lại những kỷ niệm của 40 năm về trước, lúc Jones còn là một chàng trai Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi qua tham chiến tại Việt Nam - một kinh nghiệm mà mãi đến bây giờ vẫn day dứt trong lòng ông. Ông nhớ lại một hôm ông và các bạn đồng đội tiến vào một ngôi làng nhỏ bé tên là Cam Lộ. "Ở đó có một ngôi chùa nhỏ đã tan tành vì bom đạn".

Trong cảnh hoang tàn đổ nát, Jones bỗng nhìn thấy một pho tượng Phật vững chãi và thanh khiết, nằm giữa những đồ đạc vỡ vụn ngổn ngang. Pho tượng gợi ông nghĩ đến sự tàn phá của cuộc chiến trên đất nước Việt Nam, sự tàn phá với cả một dân tộc và những truyền thống lâu đời... Jones thấy pho tượng ở Ngũ Hành Sơn trông thật quen thuộc. Có một điều gì đó phảng phất qua nụ cười, như thể đức Phật của 40 năm trước đã tìm cách quay trở lại với ông.

Lòng ông dâng lên một niềm cảm kích mà năm xưa ông không thể cảm nhận được.

Jones mua pho tượng với giá 500 đô la. Ông đã phải bỏ ra hơn gấp đôi số tiền đó để đưa pho tượng về Alaska bằng đường biển. Ông có ý định dùng pho tượng để trang trí khu vườn bên căn nhà nhỏ của ông ở thị trấn Glacier View, bên hông xa lộ Glenn Hightway, cách Anchorage vài trăm dặm.

Khi pho tượng được chở về tới hải cảng, ông để lên phía sau chiếc xe truck và lái quanh thành phố Anchorage luôn mấy ngày trời. Đến bất cứ đâu, pho tượng cũng gây xôn xao. Chiếc truck ngừng đèn đỏ, ghé vào cây xăng, đều có những người không quen biết sấn lại gần. Ai cũng tỏ vẻ hiếu kỳ. "Họ sẵn sàng đi một vòng để được sờ tay vào pho tượng Phật phía sau xe truck của tôi".

Suel Jones chở đức Phật xuống phố, đến tiệm cà phê Side Street, nơi ông vẫn thường lui tới từ hơn 20 năm nay, để khoe với hai người bạn chủ tiệm. George Gees và Deb Seaton. Theo bà Seaton thì pho tượng này xứng đáng để đưa vào Viện Bảo Tàng. Bà kể lại cảm giác lúc ấy: "Tôi nhìn mà muốn khóc. Pho tượng đẹp quá".

Nhận xét của người bạn khiến Jones bắt đầu nghĩ rằng pho tượng không thể an vị trong một khu vườn ở một nơi khỉ ho cò gáy được. Mấy năm gần đây mỗi năm ông chỉ sống ở Glacier View sáu tháng, còn sáu tháng kia ông qua Việt Nam, làm những công tác thiện nguyện cho các tổ chức cựu chiến binh, như tháo gỡ mìn hoặc xây cất sân chơi cho trẻ em. Ông quyết định bán pho tượng để lấy tiền làm việc từ thiện. George và Deb bảo ông có thể để pho tượng trong tiệm cà phê của họ, như thế sẽ dễ tìm người mua hơn.

Lúc ra hải cảng để nhận pho tượng chở từ Việt Nam qua, Suel Jones đã phải dùng xe Forklift để đưa tượng lên xe truck, bây giờ chẳng tìm đâu ra xe Forklift để mang tượng xuống, nên ông đành phải huy động bạn bè đến giúp. Họ cố gắng khiêng được pho tượng đặt trước tiệm cà phê. Nhưng loay hoay mãi cũng không cách nào đưa nổi vào trong tiệm vì tượng nặng quá.

Đúng lúc ấy, có một nhóm người lực lưỡng mặc quần áo da, cưỡi xe mô tô Harley rầm rộ chạy ngang qua. Nhìn thấy một đám đông đang vất vả khiêng pho tượng Phật, họ quay lại, đậu xe mô tô và xung phong đến giúp.

Ông Jones kể lại: "Họ nhấc pho tượng lên dễ dàng rồi mang vào trong tiệm".

Thế là kể từ ngày đó đức Phật tọa lạc tại tiệm cà phê Side Street, yên vị ở một góc, giữa cái tủ lạnh và chiếc bàn nhỏ để bộ cờ Checker. Hai năm lặng lẽ trôi qua, Suel Jones cho biết "Chẳng ai hỏi mua cả. Hình như pho tượng đã quyết định không muốn rời bỏ nơi này thì phải".

Tiệm Side Street có rất nhiều khách hàng quen thuộc, và họ càng ngày càng sinh lòng quyến luyến pho tượng Phật. Họ thường đến gần để vuốt ve những nếp áo. Các dấu tay của họ làm cho hai vai pho tượng không còn bóng láng nữa. Thế rồi ai đó đã thiết trí một bàn thờ nho nhỏ với nến và hoa trước pho tượng.

Khi tôi (Julia O'Malley) hỏi Suel là, theo ông nghĩ, điều gì khiến pho tượng thu hút nhiều người đến như vậy, ông đáp: "Nước Mỹ của chúng ta đang trải qua những biến cố dồn dập. Nào là nền kinh tế suy thoái, nào là sinh hoạt chính trị đầy rạn nứt... Và rồi biết bao nhiêu cựu chiến binh trở về từ hai cuộc chiến tranh, họ phải cố gắng tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Vậy thì bất cứ điều gì mang lại cho tâm hồm cảm giác bình an và cô liêu, đối với chúng ta đều cần thiết cả".

Chủ tiệm George Gee sáng nào cũng dậy thật sớm để vẽ nguệch ngoạc vài bức chân dung và viết vài câu thơ trên tấm bảng quảng cáo các thức uống đặc biệt hàng ngày. Ông ta đã quen với sự có mặt của đức Phật ở bên mình, vào những giây phút tĩnh mịch nhất trong ngày như thế. Ông ta bảo với tôi là tiệm cà phê này luôn luôn có một sinh lực riêng của nó. Đức Phật ngự nơi đây thật là quá hợp.

"Pho tượng vốn đã mang sẵn một phẩm chất kỳ diệu, cô ạ. Đó chính là điều đã khiến mấy anh chàng chạy xe mô tô phải quay xe lại. Đó chính là điều đã khiến cho một người đặt mua 700 pounds đá cẩm thạch để đưa từ bên kia đại dương qua đây".

Khoảng một tháng trước, có người đến hỏi giá pho tượng. Đám khách quen chuyền tai nhau rằng có thể pho tượng sẽ không còn ở đây nữa. Thế là một hôm, cách đây mới hai tuần lễ, một ông khách mở bóp - giống như ông ta vẫn hay làm sau khi mua cà phê - rút ra 3.000 đô la. Bà Deb Seaton cho biết ông ta muốn trả tiền để mua pho tượng. Điều kiện duy nhất của ông ta là pho tượng sẽ ở lại trong quán.

Suel Jones nhận lời. Số tiền sẽ được gửi sang Việt Nam cho các tổ chức từ thiện.

"Cô biết không, lúc ấy tôi ngạc nhiên lắm, nhưng rồi tôi hiểu ra. Tôi hiểu rằng ông ta muốn chia sẻ pho tượng Phật với tất cả mọi người".

Và thế là pho tượng sẽ tiếp tục an vị ở đó, không phải trong một ngôi chùa, mà là trong một tiệm cà phê trên đường G của vùng downtown Anchorage, để nhìn xuống những người khách vừa đứng chờ ly cà phê sữa vừa dán mắt nhìn vào chiếc điện thoại di động, với nét mặt từ bi và nụ cười quen thuộc đầy an lạc.

(Người ngồi bên tượng Phật là ông Suel Jones, cựu chiến binh)
Sửa lần cuối bởi battinh vào ngày 09/03/12 09:15 với 2 lần sửa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
binh
Điều Hành Viên
Bài viết: 8304
Ngày: 21/11/07 20:32
Giới tính: Nam

Re: Pho tượng Phật từ Việt Nam phiêu du tới Alaska

Bài viết chưa xem gửi bởi binh »

Cảm ơn đạo hữu.
Bài này rất hay, vừa có tính thời sự, vừa có tính kỳ diệu của Phật pháp.
Đạo Phật đi vào văn hóa của các dân tộc, không phải bằng sức mạnh, bằng guơm dao, bằng súng ống
mà thấm sâu vào văn hóa các dân tộc bằng sự từ bi, bằng sự khoan dung, thông cảm, bằng cái nhìn trầm mặc thanh tịnh, vô nhiễm.
Nó khiến cho những ai ở gần văn hóa của đạo Phật cũng đều cảm thấy nhẹ nhàng, thanh tịnh.

Xin phép đ/h cho tôi copy bài này sang diễn đàn khác.
Xin cảm ơn.


Rồi tôi lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.
Tổ Ngẫu Ích đã nói :“Được vãng sanh hay chăng toàn là do có Tín - Nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Dù ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thay đổi được lời phán định chắc như sắt này. Hễ Tin cho tới, dám chắc Tây Phương ông phải có phần
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Pho tượng Phật từ Việt Nam phiêu du tới Alaska

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

tangbong tangbong


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.39 khách