Đức Thế Tôn Nhập Diệt

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Đức Thế Tôn Nhập Diệt

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

ĐỨC THẾ TÔN NHẬP DIỆT
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 477 - 495)

Một buổi, trong khi Phật nghỉ trưa
Ngoài trời trở gió tưởng như mưa
A Nan đẫm lệ hầu bên cạnh
Chờ Phật dậy rồi mới dám thưa:(511)

  • "Đệ tử thấy ngài quá yếu đau
    Chỉ mong ngài phục sức cho mau
    Hàng ngày cảm thấy tâm phiền muộn
    Công việc chẳng còn biết trước, sau.
Luôn luôn đầu óc nghĩ rằng ngài
Sức yếu già rồi, ít thọ trai
Tuy thế, cũng còn tia ánh sáng
Ngài chưa gọi đệ tử vào sai:

  • Là họp chư Tăng để dạy gì
    Điều này chứng tỏ chẳng hề chi
    Ngài còn hy vọng qua cơn bệnh
    Đệ tử nhìn ngài xót quá đi!
Thêm vào điều đó cũng cho hay
Chưa phải lúc ngài nhập diệt ngay
Như thế, ngài còn gần đệ tử
Chúng sanh còn hưởng pháp, lành thay!"

  • "A Nan mê muội quá đi thôi
    Các pháp Như Lai dạy hết rồi
    Lại giải rõ ràng chư đệ tử
    Ráng cùng tu tập, chớ buông trôi.
Như Lai trọn đủ Trí, Bi, Từ
Các pháp đâu còn giữ của tư
Ái dục đã hoàn toàn giải thoát
Vậy thì tà kiến liệu còn ư?

  • Hãy nhìn thể chất của Như Lai
    Má hõm, da nhăn, liệu sống hoài?
    Tóc đã bạc màu, răng đã rụng
    Thời gian tàn phá, nể vì ai?
Như Lai đã yếu lại già rồi
Như một chiếc bè cũ kỹ thôi
Còn sống là nhờ vào Định pháp
A Nan chớ để lệ tràn rơi.

  • Hãy tự nương vào bổn thân ta
    Mới mong đi được quãng đường xa
    Cái thân ngũ uẩn, ham gì nó
    Hãy vững lòng tin, bỏ ý tà".
Khi thời pháp dứt, các chư Thiên
Nhiều vị đắc luôn quả Thánh liền
Ngày tiếp, Phật về Vê Xá Lỵ(512)
Độ vua, dân chúng diệt ưu phiền.

  • Dân chúng mừng vì được gội ơn
    Cúng dường trọng thể, tưởng gì hơn
    Nhưng cũng linh cảm như lần chót
    Tận mắt ngưỡng nhìn đấng Thế Tôn.
Đức vua, Hoàng hậu đã cùng nhau
Đến đảnh lễ ngài, trịnh trọng tâu:
"Xin được cho ngồi nghe thuyết pháp
Mời ngài thọ thực sáng hôm sau".

  • Sau khi thọ thực tại hoàng thành
    Ngài chúc đức vua mọi sự lành
    Kế với Tỳ kheo dời chốn đó
    Ra về, tiến tới tháp Pa Vanh.(513)
Mới khỏi cổng thành, Phật dạy ngay:
"Như Lai hết tới kể từ nay
Thành Vê Xá Lỵ nhiều phong cảnh
Chẳng thoát vô thường sẽ đổi thay!(514)

  • Tới tháp Pa Vanh, Phật nghĩ chân
    A Nan trải tọa cụ kề gần
    Ngài nằm và dạy A Nan rõ:
    "Đừng có dễ duôi, vướng ý trần.
Người nào tu tập đắc cao sâu
Bốn Pháp ta coi rất nhiệm mầu
Như ý là danh xưng của chúng
Dư tài kéo kiếp sống dài, lâu".(515)

  • Phật nói tới, lui có mấy lần
    A Nan tâm trí quá bần thần
    Nên không hiểu được rằng như thế
    Phật đã ban ngài một đặc ân:
Đáng lẽ thay vì đứng lặng thinh
Phải yêu cầu Phật hãy thương tình
Chúng sanh mê muội mà đồng ý
Sống mãi trên đời độ chúng sinh.

  • Phật nghĩ: "A Nan chẳng hiểu ta".
    Dạy rằng: "Cho phép hãy lui ra
    Tìm nơi thanh vắng mà nằm nghỉ
    Đầu óc mệt rồi, chẳng thấy xa".
Một lát Ma vương mới tới hầu
Nhắc ngài lời hứa đã từ lâu(516)
Rằng: "Khi có kẻ thông Tam Tạng(517)
Đủ đức thay ta giảng pháp mầu.

  • Thì ta mới chấp nhận lời ngươi
    Nhập diệt thôi không tiếp độ đời".
    Hiện tại, điều nêu trên đã thỏa
    Xin ngài nhập diệt giúp dùm tôi.
Đức Phật nghe xong mới dạy rằng:
"Ma vương đầy tội lỗi, nghe chăng?
Bây giờ ngươi chẳng còn lo nữa
Ba tháng rồi ra hết bẽ bàng".

  • Ma vương mừng quá, lạy, lui ngay
    Miệng nói hiền thay với thiện thay
    Kế đó A Nan vào bạch Phật:
    "Xin ngài sống kiếp nữa từ nay.
Chúng sanh còn dốt nát, mê si
Xin Phật thương tình, chớ trách chê
Đệ tử bây giờ đây đã rõ
Buồn rằng lúc nãy quá u mê".

  • Phật nói: "A Nan có biết rằng
    Ta là đấng Đại giác hay chăng?
    Nếu mà lúc nãy A Nan rõ
    Hiện tại có đâu phải ngỡ ngàng.
Như Lai đã ngỏ ý ba lần
Đầu óc A Nan chẳng sáng dần
Nếu biết yêu cầu ba lượt đúng
Là ta chấp thuận chắc trăm phần.

  • Hiện giờ ta đã nhận yêu cầu
    Của chính Ma vương, mới chẳng lâu
    Nhập diệt trong vòng ba tháng nữa
    Như Lai chẳng thể hứa sai đâu!
Con người dù lớn nhỏ, ngu si
Giàu có, thông minh ít kẻ bì
Hoặc giả nghèo hèn đều phải chết
Niết bàn xua hết khổ, sầu bi.(518)

  • Vì thế Như Lai dạy các người
    Không nên ỷ lại ở trên đời
    Làm sao tạo được niềm tin tưởng
    Ở bản thân mình, chờ dễ duôi".
Kế rồi, Phật chẳng quản đường xa
Thuyết pháp nhiều nơi đã vượt qua
Tới xứ Pa Va thì đến ngự(519)
Tại vường xoài lớn của Cun Đa.(520)

  • Cun Đa sắm lễ vật vào hầu
    Trịnh trọng ngồi nghe pháp nhiệm mầu
    Ông đắc Tu đà hoàn quả pháp
    Và rồi bạch đức Phật như sau:
"Thỉnh đức Thế Tôn đến tận nhà
Sáng mai thọ thực, chẳng bao xa
Chư Tăng, con cũng xin mời cả
Phật nỡ lòng nào bỏ, chẳng qua".

  • Hôm sau, lễ vật khác ngày thường
    Chọn nấm hiền, ngon để cũng dường
    Trong đó lẫn đồ ăn đặc biệt
    Chư Thiên đã để mắt đâu tường.
Vì mỗi Thiên nhân đã nghĩ rằng:
"Nếu ta được cúng, phúc đâu bằng
Đây là lần chót mà ngài hưởng".
Do đó thi nhau đến cúng dàng.

  • Phật dạy: "Cun Đa nhớ kỹ cho
    Món ăn bằng nấm đích ông lo
    Còn dư, chớ để ai ăn cả
    Đào hố mà chôn, quả phúc to".(522)
Dùng xong, ngài ngự tại vườn xoài
Tối đến đi tiêu chảy, chảy hoài
Như thế, đúng là mang bệnh lỵ
Ngài rằng: "Quả báo đấy, không sai:

  • Trong một kiếp xưa, ta rất tài
    Lương y nổi tiếng giỏi, không hai
    Cho con trưởng giả dùng toa thuốc
    Chết bệnh đi cầu, đổ lỗi ai?"(523)
Và rồi ngài dặn kỹ A Nan:
"Nếu có người nào đổ tội oan
Chỉ trích Cun Đa là giết Phật
Thì làm oan ấy phải tiêu tan.

  • Cho họ hiểu rằng chỉ có hai
    Lần dâng vật thực đến Như Lai
    Mà rồi hưởng quả cao hơn cả
    Kế nói ngay là cúng của ai:
Lần đầu ta đắc pháp cao xa(524)
Nhờ sửa cúng dường của Giá Ta(525)
Lần chót là lần ta nhập diệt
Nhờ dùng bát nấm của Cun Đa".(526)

  • Sáng sớm, Phật truyền lệnh: "Chúng ta
    Cùng nhau đến tận xứ Thi Na(527)
    Và rồi tất cả lên đường hết
    Dưới tiết trời oi, đích quá xa.
Tuy già, tuổi trẻ đã trôi qua
Ngài vẫn tiến đều, mặt nở hoa
Xuân hết hoặc còn nào khác biệt
Bước chân thâu mãi quãng đường xa.

  • Suốt dời truyền đạo, đức Như Lai
    Độ hết chín hàng, chẳng bỏ ai
    Cũng chẳng bao giờ gây đổ máu
    Dạy người Bi, Trí phải hòa hai.
Ngài là biểu hiệu của tình thương
Cứu hộ những ai bước lạc đường
Là vị cha lành nơi bốn loại
Thuyền từ cứu độ của mười phường.

  • Là đuối soi đường khắp đó đây
    Địa bàn chỉ hường, giúp người hay
    Con đường thánh thiện đầy cao quí
    Là mạch nước ngon mãi mãi đầy.
Đạo ngài thơm, mát chẳng gì so
Kẻ khát uống vào chẳng chán, no
Tợ nước nhành dương, trừ khổ bệnh
Tựa dòng sữa mẹ của con thơ.

  • Vượt xa trầm, ngát tỏa muôn phương
    Nhờ Giới cùng là Định, Huệ hương
    Ngược gió bay xa không chướng ngại
    Đây là hải đảo chúng nhờ, nương.
Ngày kia, vì nóng bức nên chi
Đức Phật đã dừng, dạy một khi:
"Kiếm nước về cho ta uống đã
A Nan, xuống suối lấy về đi".

  • A Nan đã trở lại tâu rằng:
    "Có một đoàn xe mới vượt băng
    Con suối nên bây giờ nước đục
    Bạch ngài, con cứ múc về chăng?"
"A Nan hãy tới suối liền đi
Nước đã lắng rồi, lần lữa chi?"
Chẳng trễ A nan quay lại suối
Lạ thay, nước tợ ngọc lưu ly.

  • Uống xong, Phật dạy chúng ta đồng
    Đi đến Ku Tà để tắm sông(528)
    Tới bến chờ khi ngài hết mệt
    A Nan dâng chiếc áo choàng bông.(529)
Tắm xong, ngài nghỉ tại nơi đây
Được phép, chư Tăng tắm gấp ngay
Kế đó, lên ngồi quanh dức Phật
Chờ ngài phán dạy, thiện hiền thay!

  • Lát sau, tất cả lại lên đường
    Đi gấp quản gì nắng với sương
    Để đến Câu Thi Na khỏi trễ
    Việc ngài đã hứa với Ma vương.
Ngoài ra, ngài muốn độ Su Đà(530)
Vì nghĩ: "Ông này duyên với ta
Nhất định sẽ vào hầu để hỏi
Những điều ông giải đáp chưa ra.

  • Hơn nữa nếu không tới, hại thay
    Sẽ sinh những chuyện thật không hay
    Nhỡ ta nhập diệt nơi cường quốc
    Ắt có tranh dành xá lợi ngay.
Máu đào sẽ chạy mạnh thành sông
Tử biệt, thương vong, xác chất chồng
Cũng chỉ vì thân ta, tội lắm!
Câu Thi Na tới gấp là xong.

  • Dụng Tuệ ta hay biết trước là:
    "Nếu ta nhập diệt tại Thi Na
    Phân chia xá lợi đồng đều, tốt
    Là vị tên thường gọi Đố Na".
Buổi chiều, ngài tới Xá Va Na(531)
Phong cảnh đẹp lòng khách tới xa(532)
Có cửa Tam quan đầy mỹ thuật
Có hồ sen, cá lượn lờ qua.

  • Hương hoa thơm ngát tỏa quanh hồ
    Khiến khách qua rồi luống ngẩn ngơ
    Ánh nắng chiều đùa trên mặt nước
    Tạo ra màu óng đẹp nên thơ.
Có nhiều cây lớn mọc bên bờ
In bóng lung linh dưới đáy hồ
Mỗi đợt gió lùa qua kẽ lá
Là hoa trải xuống đẹp như mơ.

  • Trong vườn hoa nở rộ đầy bông
    Bướm lượn nhởn nhơ trước bụi hồng
    Rồi lại nhẹ nhàng sáng khóm cúc
    Thi tài hút nhụy với bầy ong.
Kỳ hoa, dị thảo biết bao nhiêu
Tỏa ngát hương thơm dưới nắng chiều
Thẩm nhập tâm hồn, ta bỗng nhẹ
Ưu phiền, mệt mỏi sớm mau tiêu.

  • Các hàng vua, chúa muốn tâm yên
    Đến để quên đi những nỗi phiền
    Hoặc nghỉ, sau bao ngày bận rộn
    Thật là nơi tắng cảnh thần tiên!
Có một giường bằng phiến đá hoa
Hai bên, hai cổ thụ Ta La
Dùng làm chốn nghỉ khi vua tới
Ngắm cảnh, xem hoa lúc xế tà.

  • "A Nan, hãy dọn sách giường đi
    Ngọa cụ trải ra lót tức thì
    Ta nghỉ và đây là chốn chót
    Không còn đi tiếp nữa mà chi".
Lát sau, ngài đã nghỉ trên giường
Thiền định, nằm theo lối khác thường(533)
Tự tại, an bình khôn diễn tả
Quanh ngài, tỏa sực nức mùi hương.

  • Đó là hoa của các chư Thiên
    Tên gọi Mạn Thù rớt trước tiên
    Lớn, nhỏ tỏa mùi thơm hiếm có
    Ta La cổ thụ trổ bông liền.
Lạ nhất là đâu có đúng mùa
Ta la lại trổ được ra hoa
Kín từ cành gốc lên cành ngọn
Ngát tỏa mùi thơm tật rất xa.

  • Kế rồi, hoa rụng mãi không thôi
    Như giọt lệ sầu vĩnh biệt rơi
    Thương tiếc người Cha lành sắp khuất
    Để đàn con dại sống chơi vơi.
Tiếng của phàm Tăng nấc não nề
Nghẹn ngào, hối tiếc, hận còn mê
Mây trời bỗng chuyển sang màu sậm
Chim mỏi cánh bay, nháo nhác về.

  • Ánh nắng chiều tà khác mọi khi
    Nhạt nhiều, nhớ tiếc đấng Từ bi
    Mặt trời tựa như không sao đủ
    Ánh sáng để dìu nhân thế đi
Ánh sáng diệu huyền sắp tắt đi
Ma vương còn hãi sợ điều chi?
Thấy hoa rơi mãi từ trời xuống
Đức Phật thuyết pháp liên một khi.

  • "Cúng dường trọng thể tới Như Lai
    Là ráng hành theo pháp của ngài
    Tu tập hàng ngày, tâm tật tĩnh
    Hoa nhiều tưởng mới tốt là sai".(534)
Kế ngài tuyên ý với A nan:
"Nhập diệt lúc đêm sắp sửa tàn"
Đại đức đã tràn đầy nước mắt
Bạch rằng: "Đệ tử muốn xin can:

  • Câu Thi Na bé nhỏ làm sao!
    Nhập diệt nơi đây chẳng xứng nào
    Xứ lớn cúng dường hay hỏa tán
    Chân thành, long trọng biết nhường bao!"
"A Nan hay một, chẳng hay hai
Xứ nhỏ này xưa lắm kẻ tài
Tiến hóa nhiều hơn toàn xứ khác
So bì như thế thật là sai.

  • Ngươi hãy báo vua lập tức ngay
    Như Lai nhập diệt cuối đêm nay
    Kẻo sau ngài hận rằng không được
    Yết kiến ta lần chót tại đây".
Đức vua, hoàng tộc rất buồn rầu
Thương khóc, bàng hoàng một lúc lâu
Kế đó vội vàng lo vật liệu
Cúng dường và tới gấp ngay sau.

  • Đồng thời vị ngoại đạo Su Đà
    Cầu khẩn A Nan hãy vị tha
    Giúp gặp Thiên Nhân Sư để hỏi
    Những điều thắc mắc, giải không ra.
A Nan đã nghĩ: "Những người này
Cố chấp, coi mình giỏi nhất đây
Vì thế sẽ làm phiền đức Phật
Vậy ta từ chối chắc là hay".

  • Người thì nhất quyết chẳng cho vào
    Kẻ lại cầu xin chẳng đặng nào
    Đức Phật dạy: "A Nan hãy để
    Su Đà vào gặp Phật xem sao".
Su Đà hỏi Phật: "Xin ngài
So sánh với nhau giữa đạo ngài
Và của Lục sư xem cách biệt
Hay là tương tự, giúp tôi hay".

  • Phật trả lời rằng: "Thật thiện thay!
    Chẳng nên phê phán đạo nào sai".
    Kế ngài thuyết pháp liền sau đó
    Để giúp Su Đà nhận định ngay(535)
Su Đà nghe dứt vội tâu ngay:
"Mãi tới bây giờ mới thật hay
Hiện tại, tôi còn điều ước muốn
Xuất gia theo đạo Phật từ nay".

  • Phật vui chấp nhận để ông yên
    Xong lễ xuất gia, thuyết pháp liền
    Qua được thềm A la hán quả
    Ông là kẻ chót được như trên.(536)
Dạy xong thiền định, giúp Su Đà
Phật lại dạy Tăng, thật đúng là
Tới chót, lòng Từ bi vẫn tỏa
Gương này chiếu mãi sáng hồn ta.

  • Mỗi lời thuyết pháp tựa như kim
    Đâm suốt sâu vào tận mãi tim:
    Nghĩ tới đức Từ bi sắp tịch
    A Nan lẫn trốn, khóc im lìm.
Phật nhìn, chẳng thấy bóng A Nan
Cho gọi, dạy liền, giúp đặng an:
"Hãy gắng làm sao không xúc động
Mới mong tránh khỏi được dây oan.

  • Nhớ kỹ Như Lai dạy rõ đây
    Trà tỳ, tẩn liệm, giúp vua hay
    Làm theo thế pháp, Nhân, Thiên lợi
    Theo bậc Thánh vương, ráng trọn đầy.(537)
Còn lễ trà tỳ, lập tại đâu?
Ngoài thành để chúng hưởng như nhau
Phải nên bình đẳng, không phân biệt
Chẳng vị vua, quan, chẳng vị giàu.

  • Khi ta tại thế, giữa Tỳ kheo
    Cách thức xưng hô nhất loạt theo
    Hiền giả, chẳng cần phân cấp bậc
    Nay ta chế lại, nhớ cùng theo:
Trên kêu bậc dưới, chớ khinh khi
Hiền giả, gắng đừng để lỗi chi
Bậc dưới thưa bề trên Đại đức
Hoặc ngài, quyết vậy, chẳng điều nghi.

  • Ghi tiếp, giờ ta dạy để hay
    Sau khi ta tịch, Giới thay Thầy
    Nương vào Tứ Niệm mà tu tập(537)
    Phân rõ chánh tà, nhớ tự nay.
Không dùng cách thức cãi mà năng
Dụng đức khiêm cung, tánh dịu dàng
Trong việc đối đầu cùng kẻ dữ
Mới mong điều phục họ, nghe chăng?

  • Tới khi kết tập tạng Kinh thì
    Trước hết, khởi đầu, chớ để nghi
    "Đích thực tôi nghe" cần phải viết
    Năm điều chứng tín cũng cần ghi.(539)
Sau này, ai thật nhớ Như Lai
Thân, Khẩu, Ý hành chớ khác sai
Hai chữ Từ, Bi mà phạm giới
Khiến người oán ghét hoặc chê bai.

  • Hầu cận Như Lai ích lợi gì
    Khi mình chẳng đốt đuốc mà đi?(540)
    Muốn cho tu tập mau tinh tấn
    Khổ não biến dần, gắng một khi!
Dụng Tuệ ta hay được trước là
Chỉ ba tháng nữa, chẳng lâu xa
Là con đắc quả A la hán
Tà kiến xua tan, đạt chắc mà".

  • Khi trời rựng sáng, hội chư Tăng
    Ngài dạy: "Các con hãy nhớ rằng
    Pháp luật ta truyền, Thầy vĩnh cửu
    Xua dòng nghiệp chướng sớm tiêu băng.
Đừng làm những việc hối về sau
Chớ có buông lơi pháp nhiệm mầu
Nhớ giữ thân, tâm cho sạch sáng
Như Lai xin vĩnh biệt từ đây".(541)


GHI CHÚ:

(511) A Nan là một Tỳ kheo có rất nhiều tình cảm và rất ít tự tin.

(512) Vê Xá Ly tức Tỳ Xá Ly (có nghĩa là Quảng Nghiêm), một đô thị ở Trung Ấn Độ. Duy Ma cư sĩ trụ tại thành phố đó và đức Phật từng đến đó thuyết pháp độ chúng sanh.

(513) Phiên âm ở chữ Pàlàva mà ta còn gọi là Bai Hoa.

(514) Về sau nơi dừng chân này được gọi là "Nơi không bao giờ trở lại xem nữa".

(515) Bốn pháp tu này là Tứ Như Ý Túc. Xem ghi chú số (106).

(516) Lời hứa khi ngài vừa đắc đạo. Lúc đó Ma vương có yêu cầu ngài nhập diệt, nhưng ngài không chấp nhận và có hứa một điều với Ma vương. (Xem lại đoạn thơ nằm giữa hai chú thích 232 và 234 để rõ).

(517) Xem chú thích số (328) bài Độ Ca Diếp.

(518) Niết bàn là sự diệt tắt dục vọng, hận thù và vọng tưởng. Niết bàn có thể thực hiện ngay trong cõi đời này không cần phải đợi tới lúc chết. Người chứng Niết bàn là người hạnh phúc nhất trần gian vì đã giải thoát khỏi tất cả mọi thứ bất tịnh. Họ phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhất vì họ không còn nghĩ tới mình. Họ vui vẻ, khinh an, hưởng sự sống thuần khiết, các giác quan đều thoải mái, không còn lo lắng, sống bình an và thanh thoát.

(519) Phiên âm ở chữ Pàva và còn được gọi là Ba Hóa.

(520) Phiên âm chữ Cunda, ông hành nghề thợ rèn và còn được gọi là Thuần Đà.

(521) Thực phẩm của chư Thiên cúng dường Phật, người thường không thấy được và không dùng được. Đức Phật biết rõ và dùng món này để nhập diệt.

(522) Vì người thường ăn phần nấm còn dư sẽ bị chết, không ăn được đồ của chư Thiên.

(523) Vì không có ý giết con ông trưởng giả nên ngài cũng thọ nghiệp do sự không cố ý của ông Cun Đa.

(524) Đó là khi ngài đắc Ánh đạo vàng dưới cội Bồ đề.

(525) Giá Ta tức là Tu Giá Ta mà ta còn gọi là Tu Già Ta.

(526) Vì nhờ ăn bát nấm mà ngài bỏ được thân ngũ uẩn nên coi phước ngang với lần uống sữa của nàng Tu Giá Ta.

(527) Tức là Câu Thi Na (Kusinàrà), nay là Ultar-Pradesh.

  • Tâm tức Phật, Phật tức Tâm. Lìa Tâm mà cầu Phật thì không thể cầu được.
(528) Ku Tà phiên âm ở chữ Kukkuta mà ta còn gọi là Ca Quốc Tha hay Ca Khuất Đa và là tên một con sông.

(529) Áo choàng bông là áo tắm.

(530) Phiêm âm tắt ở chữ Subhadda, tên một người ngoại đạo. Su Đà còn có tên khác là Tu Bạt Đà La và hiện 84 tuổi. Cũng có sách nói ông 120 tuổi.

(531) Phiên âm ở chữ Sàlavana và là vườn Thượng uyển của nhà vua.

(532) Khách tới từ phương xa.

(533) Đức Thế Tôn nằm nghiêng người bên hữu, gối đầu về phương Bắc, chân chỉ thẳng hướng Nam, mặt hướng về phương Tây, lưng day qua hướng Đông.

(534) Đức Phật dạy: "Này A Nan, không phải lễ bái là tôn kính và làm vẻ vang Như Lai đâu. Bất luận một vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào và bất luận một thiện nam hay một thiện nữ nào biết theo lời giáo huấn, giữ lấy phẩm hạnh trang nghiêm, gắng giữ một đời sống chân chánh thì là người ấy tôn kính và làm vẻ vang Như Lai một cách cao thượng nhất".

(535) Đức Phật dạy: "Một người trí biết giữ gìn chân lý không nên nghĩ rằng chỉ có đây mới là chân lý, còn mọi điều khác điều là sai lầm". Và ngài lại nói: "Chấp trước vào một điều gì và khinh thường những điều khác mà cho là thua kém, việc ấy người trí gọi là một xiềng xích" (Candi Sutta trong Myjhima-Nikàya).

(536) Từ tiền kiếp xa xưa, trong một gia đình có hai anh em rất năng làm phước, bố thí. Người anh có cúng dường vật thực đến hai vị đệ tử chánh thức của Phật hồi đó đến chín lần. Khi làm ruộng, hai anh em làm chung với nhau. Khi lúa vừa ngậm sữa thì người anh nói với em rằng: "Anh sẽ đem lúa đang ngậm sữa ra xay lấy nước. Nấu nước ấy với sữa và đường, mật để cúng dường đến chư Tăng dưới sự chủ tọa của đức Thế Tôn hồng danh là Pa Đu Mút Ta Ra". Người em không đồng ý vì sợ hao lúa nên hai anh em phải chia ruộng ra mà làm. Người anh làm theo ý muốn của mình và sau đấy ông còn làm chín thứ cốm dẹp cúng dường đến chư Tăng tới chín lần có đức Thế Tôn chủ tọa. Còn người em thì đợi đến lúc lúa gặt hái xong mới cúng dường, vì vậy đến thời đức Thế Tôn của chúng ta, người anh sanh lại là Kiều Trần Như đắc A la hán quả trước nhất, người em sanh lại là Su Đà đắc A la hán quả vị sau chót. Cũng nên biết sau đó ông Su Đà nhập diệt trước đức Thế Tôn.

(537) Thánh vương đây là Chuyển luân Thánh vương. Hỏa táng theo thể thức hỏa táng Chuyển luân thánh vương.

  • "Thờ Phật không cốt ở dâng hương, dâng hoa hay những đồ lễ khác mà phải cố gắng đi theo con đường mà ngài đã vạch ra".
(538) Tứ Niệm là Tứ Niệm Xứ. Xem lại mục Chánh Niệm ở phần Đạo Đế và các ghi chú (103), (104), (106).

(539) Năm điều chứng tín gồm:

- Yếu tố về đức tin.
- Yếu tố về thời gian (thuyết lúc nào).
- Yếu tố về chủ tức vị nói pháp (ở đây là đức Phật).
- Yếu tố về nơi chốn (thuyết ở nơi nào).
- Yếu tố về thính chúng (gồm những hàng tín chúng nào).

Thường yếu tố về đức tin do hai chữ "Như vầy". Hai chữ này ngụ ý là lời Phật nói trong suốt thời Kinh là đích thực ngài A Nan nghe Phật nói mà không phải do ai nói lại. Nếu cộng thêm yếu tố nghe (Đích thực tôi nghe) thì có sáu món chứng tín.

(540) Đức Phật thường dạy: "Không nên ỷ lại vào người khác mà phải tự mình giải thoát lấy mình. Trong sạch hoặc bợn nhơ đều tùy thuộc nơi chính mình, Như Lai không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hoặc nhiễm ô. Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng như Lai chỉ là Đạo sư vạch ra con đường và phương pháp để các con nương theo đó mà tự giải thoát ra khỏi sanh tử, luân hồi".

(541) Đức Phật nhập diệt năm 80 tuổi vào ngày rằm tháng hai. Hai đệ tử nhập diệt trước Phật là điều luôn luôn xảy ra đối với mọi đức Phật.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.40 khách