Lục Độ Ba La Mật

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Lục Độ Ba La Mật

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

LỤC ĐỘ BA LA MẬT
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 173 - 179)

Tiện đây, mượn bút thay lời
LỤC BA LA MẬT xin mời xét qua:

BỐ THÍ kể rõ đó là
Đem công hay của ban ra giúp đời.
Ba loại đều thật chói ngời:
Tài thí: tiền của giúp người đói hay
Những người gặp họa không may
Trở thành túng quẩn, trắng tay bất ngờ(197)
Hy sinh thân mạng giúp cho
Những người cần đến, không cần phải xin
Tỉ như hiến máu, ta tin
Tâm còn chấp Ngã giảm nghìn lần to.(198)
Vô úy thí: giúp sao cho
Người đang lo sợ đỡ lo sợ liền
Bằng lời, chẳng cứ bằng tiền
Hoặc bằng hành động, thiện hiền lắm thay!(199)
Pháp thí là giảng cho hay
Đạo huyền, chân lý tròn đầy, sáng tươi(200)
Tài, Vô cứu độ nhất thời(201)
Pháp thì cứu độ đời đời, quí hơn.
Ngoài ra phải hiểu làu trơn
Từ bi là chính, đòi ơn chẳng màng.
Nhiều người thường thích khoe khoang
Giúp xong nói khắp, cao sang nỗi gì?
Lại còn phân biệt nhiều khi
Thân sơ, thù bạn vị chi hết tình.(202)
Chẳng nên chấp Ngã, trụ Hình
Hãy hành Bố thí tận tình khắp nơi(203)
Hành trì Bố thí không lơi
Xẻn, tham, ích kỷ lần hồi biến đi
Trưởng tăng đức tánh Từ bi
Cái ta cũng được xả ly, ngõ hầu
Thấy ra chân lý hàng đầu
Một, nhiều bất nhị, thâm sâu tuyệt vời.
Tuy nhiên, nếu chắc mười mươi
Là người thọ thí sau rồi sẽ mang
Những gì ta thí làm quàng
Vào công việc ác ta hằng sợ, ghê
Thì ta đừng có mê si
Giúp cho kẻ đó thêm bề thuận, xuôi.

TRÌ GIỚI: răn cấm trên đời
Sao cho Thân, Miệng, Ý ngời giới hương:(204)
Thân không làm bậy, nhớ thường
Miệng không nói ác, tạo gương sáng, lành
Ý không tà, xấu gian manh
Để cho Tam Nghiệp biến thành tịnh trong
Và không hổ thẹn trong lòng
Khi trừ ác nghiệp, gieo trồng thiện duyên.
Tam tụ tịnh giới đừng quên
Giữ sao đầy đủ, giữ kiên chắc, bền(205)

NHẪN NHỤC: chịu đựng không rên
Những điều nhục nhã để nên tột lành.
Giờ xin tóm tắt gọn, nhanh
Về Thân, Khẩu, Ý xem hành ra sao.
Về Thân, dẫu gặp cảnh nào
Cũng không đánh lộn, giữ sao ôn hòa.
Hung hăng đe dọa người ra
Ấy điều lầm lỗi, quyết là chẳng nên.
Về Khẩu, ghi nhớ đừng quên
Thốt lời độc ác chỉ thêm hận thù.
Chửi thề chứng tỏ kém tu
Nói năng thanh nhã cho dù tức nhau
Về Ý, ghi nhớ làu làu
Dầu cho nghịch cảnh chớ cau có gì
Tính bình như chẳng hề chi
Nghĩ điều thù oán ta thì chẳng ưng.
Bát phong thuận, nghịch dửng dưng
Biển tâm yên lặng, gắng đừng tham, sân
Cũng đừng mê tối, si đần
Để sóng phiền não tắt dần rồi ngưng(206)

TINH TẤN: tu dưỡng không ngừng
Quyết sao tiến mãi, chớ đừng biếng, lơi.
Thân tinh tấn: trọn một lời
Dẫu thân cực nhọc, giúp đời chẳng than.
Tâm tinh tấn: chẳng từ nan
Càng lâu, càng khó, càng cần quyết tâm.
Siêng tu chớ để hôn trần
Ác mà chưa phát phải làm biến đi
Ác mà nếu đã sanh thì
Làm cho mau diệt một khi thấy rồi
Điều lành chưa phát, chớ thôi
Làm cho mau phát, lợi đời, ích ta.
Điều lành nếu đã sanh ra
Cố làm tăng trưởng mới là thực tu.(207)

THIỀN ĐỊNH: tu tập công phu
Tướng dời, vọng dứt, trí từ cạn, nông
Tới nơi cùng cực viên thông
Giúp cho hiểu thấu tận lòng việc ngay.(208)

TRÍ TUỆ, vận dụng hàng ngày
Giúp ta biết rõ vật này, sự kia
Với hai phương pháp phân chia
Mà ta coi đó là chìa khóa thôi:
Hiện lượng trực xét vật rồi(209)
Hiểu ngay được nó, không đòi trung gian
Hoặc qua suy diễn, luận bàn
Còn như Tỉ lượng phải can dự vào
Một chân lý tự hồi nào
Mới mong suy biết dồi dào tột minh.


GHI CHÚ:

(197) Bố thí loại này được gọi là bố thí ngoại tài (của ngoài thân) giúp loại trừ trừ tâm bỏn xẻn. Bố thí còn được gọi là Đàn na (Dâna).

(198) Bố thí loại này như hiến máu chẳng hạn được gọi là bố thí nội tài (của trong thân), giúp loại trừ tâm chấp ngã.

(199) Lối Bố thí này nuôi lớn lòng từ bi.

(200) Lối Bố thí này gọi là bố thí xuất thế gian, giúp diệt trừ tâm bỏn xẻn về pháp. Ta cũng nên hiểu rằng nếu ta bố thí nghề nghiệp chân chính cho người để họ tự nuôi sống được thì lối bố thí này cũng là một loại pháp thí và được gọi là thí về pháp thế gian. Trong lối bố thí rốt ráo, ta phải thấy rằng:

  • * Người bố thí hiểu rõ thân ta thể vốn Không, do đó không có lòng mong cầu phước báo và như vậy là thí Không.
    * Người bố thí đã hiểu rõ là không có ta thì cũng không có người thọ thí và như vậy là Thọ Không.
    * Người bố thí hiểu rằng ta không, người thọ thí cũng không, ngĩa là tất cả đều không thì đâu còn có món gì mà gọi là vật thí, như vậy là Vật thí Không.
Lối Bố thí này mới được gọi là thanh tịnh và thường được gọi là bố thí theo cách Tam luân không tịch, nghĩa là theo lối ba vòng rỗng, vắng.

(201) Tài, Vô là Tài thí và Vô úy thí, Pháp là Pháp thí.

(202) Lối bố thí này gọi là bố thí chấp Tướng (bấu víu vào Hình, Tướng).

(203) Trong lối bố thí chấp Ngã nghĩa là lối bố thí còn nghĩ đến có ta bố thí, có người thọ bố thí, có vật bố thí thì cái tâm lượng nhỏ hẹp như vậy chỉ tương ứng với cái phước đức nhỏ hẹp mà thôi. Còn nếu đem cái tâm không hạn lượng, vô cùng rộng lớn, không cần biết rằng có người bố thí, có người thọ bố thí, có vật bố thí, không trụ vào hình tướng mà làm việc bố thí. Khi duyên qua rồi thì công tác bố thí không còn lưu lại trong tâm niệm cũng như ảnh tượng trong gương khi đem vật đi rồi thì bóng không còn nữa. Bố thí như vậy mới thật là thanh khiết. Đức Phật có đáp cùng ngài Văn Thù rằng: "Thí của là phàm, thí pháp là Thánh". Thật thế, phàm phu bố thí thì dùng bảy báu đầy cả trong cõi Tam thiên đại thiên thế giới đặng mà cầu phước báo nhân, thiên. Khi hưởng hết phước báo đó rồi thì cái kiếp luân hồi cũng không tránh khỏi.

Lục Tổ Huệ Năng nói: "Bố thí, cúng dường là phước đức ngoài thân, thọ trì kinh điển là phước đức trong thân. Thân phước là ăn mặc. Tánh phước là trí huệ. Tuy có ăn mặc mà tánh ngu mê là kiếp trước có bố thí, cúng dường mà không thọ trì kinh điển. Còn thông minh, trí tuệ mà nghèo hèn, thiếu ăn mặc là kiếp trước trì kinh, nghe pháp nhưng không bố thí, cúng dường (theo Kim cang chư gia). Tu phước đức bề ngoài là tu về sự ăn mặc, tu phước đức bề trong là tu về trí huệ. Tiền tài là báu của thế, Bát nhã là báu trong tâm. Trong ngoài song tu mới là toàn đức".

Bố thí cốt để trừ tâm tham lam, bỏn xẻn, do đó bố thí là phần Hành trong việc tu trừ Tham.

(204) Tức là Thân không làm điều bậy. Miệng không nói điều ác và Ý không nghĩ điều quấy. Trì giới là phần Hành trong việc tu trừ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...

(205) Tam tụ tịnh giới là ba phần giới thanh tịnh gồm có:

  • * Nhiếp luật nghi giới tức là dứt trừ các điều tội lỗi.
    * Nhiếp thiện pháp giới tức là làm các việc lành.
    * Nhiêu ích hữu tình giới tức là làm lợi ích cho mọi chúng sanh.
"Dắt một người mù qua đường, cho người đứt tay miếng giẻ rách, lượm cây đinh giữa đường, cho con kiến hạt cơm, đều gọi là Bố thí".

Bố thí gồn ba đức Niết bàn:

  • * Đức giải thoát vì dứt lòng tham.
    * Đức Bát nhã vì dứt lòng mê.
    * Đức pháp thân vì thân pháp mở rộng, không còn lòng tham mê thân giả tạo"
Than ôi, nếu mãi nhiễm tà
Làm sao thấy Phật Di Đà, Quán Âm"
.


(206) Bát phong là tám ngọn gió:

- Tài lợi, danh vọng, khen ngợi, vui là bốn ngọn gió thuận cảnh. Chúng thổi vào biển tâm của hành giả làm cho nổi lên vô lượng làn sóng tham lam, kiêu mạn.

- Suy bại, hủy báng, chê bai, khổ là bốn ngọn gió nghịch cảnh. Chúng thổi vào biển tâm của hành giả làm cho nổi lên không biết bao nhiêu làn sóng sân hận.

Hành giả khi gặp các thứ gió, dầu thuận hay nghịch cũng đều phải giữ gìn biển tâm của mình cho yên lặng, đừng để các sóng phiền não như tham, sân, si nổi lên. Như thế là tu pháp Nhẫn Nhục Ba la mật. Nhẫn nhục là phần Hành trong việc tu tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... mà đặc biệt là tu trừ Sân.

(207) Đây là Tứ chánh cần. Cũng nên nhớ rằng Tinh Tấn là phần Hành cần thiết trong pháp tu trừ tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.

(208) Muốn ngăn ngừa, đình chỉ không cho các vọng tưởng nổi lên thì hành giả phải dùng Chánh Tư Duy, Chánh Niệm quán sát các pháp là Không để hành giả không chấp có, vì vậy không khởi tâm tham, sân. Rồi hành giả lại quán sát các pháp đều do Nhân duyên hòa hợp, không thật sanh, không thật diệt vì vậy chẳng chấp Không, tâm không chạy theo cảnh sanh diệt và chẳng sanh ra phiền não. Thiền định là phần Hành trong việc tu trừ các pháp bất thiện như tham, sân, si... phóng dật, buông lung. Cũng nên biết rằng nhất tâm bất loạn là Định. Nhờ định mới phát sanh ra Trí tuệ. Nhờ trí tuệ mới cắt đứt được phiền não khởi ra do tham, sân, si... Thiền định còn được thay (trong một số sách) bởi danh từ Xuất gia, vì xuất gia là trú trong thiền định vậy. Xuất gia (Nekkhamma) trong Phạn ngữ có nghĩa là từ khước những điều vui sướng thế gian để chọn lấy đời sống tu sĩ và cũng có nghĩa là tạm thời vượt qua khỏi các pháp che lấp con đường Niết bàn, xuyên qua sự thực nghiệm Thiền định. Tuy nhiên, ta cũng nên hiểu rằng sống trong đời sống một vị Tỳ khưu chỉ là một phương tiện hữu hiệu để đạt mục đích cuối cùng là chứng Niết bàn mà sự xuất gia tự nó không phải là một cứu cánh.

(209) Trực xét: Đó là nhận xét trực tiếp bằng trực giác mà hiểu biết, không phải qua trung gian hay một suy luận nào khác, nghĩa là trong lúc đối cảnh, cái nhận xét, cái nhìn ở sát na đầu tiên, chưa khởi phân biệt, được gọi là "Hiện lượng". Như thế Hiện lượng khác với Tỉ lượng.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.35 khách