Thập nhị nhân duyên

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Thập nhị nhân duyên

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Chánh Lý Kiều Thế Đức
(Sách: "Trường Thi: Đời Đức Phật", trang 123 - 128)

Tới đây ta hãy cùng nhau
Luận sao gọn, rõ để mau hiểu liền
Lý mầu "Thập nhị nhân duyên"(134)
Qua mười hai chặng biến thiên khít kề:
1. Vô minh làm chúng sanh mê
2. Hành gây ác nghiệp, đáng chê thập phần.
3. Tử rồi Thần thức lìa thân(135)
Nương theo dẫn nghiệp, chịu phần đầu thai.
4. Danh sắc hình tượng dần ngay
5. Kế là Lục nhập rồi ngày thai nhi(136)
Được sanh khi đến hạn kỳ
Để mà phiền não, khổ vì giả thân.
6. Lục nhập tiếp Xúc lục trần(137)
7. Thọ luôn cảm giác, chẳng cần đợi chi
8. Thọ xong ưa thích (Ái) tức thì
9. Nghĩ mau Thủ lấy, chờ gì nữa a?
Do vì thủ lấy mà ra
10. Hạt mầm tức Hữu không xa vậy là(138)
11. Buộc cho ta lại Sanh ra
12. Sanh rồi Lão, Tử thân ta chẳng còn.
Và vòng sanh tử quay tròn
Con người mãi chịu héo mòn khổ đau.

GHI CHÚ:

(134) Thuyết này gồm mười hai biến đổi giáp kề nhau liên tiếp như sau:

  • (1) Vô minh (u mê, tối tăm)
    (2) Vô minh duyên (sanh ra) Hành.
    (3) Hành duyên Thức.
    (4) Thức duyên Danh sắc (hay thai nhi).
    (5) Danh sắc duyên Lục nhập (sáu căn).
    (6) Lục nhập duyên Xúc.
    (7) Xúc duyên Thọ (nạp lấy).
    (8) Thọ duyên Ái (ưa thích).
    (9) Ái duyên Thủ (giành lấy).
    (10) Thủ duyên Hữu (có).
    (11) Hữu duyên Sanh
    (12) Sanh duyên Lão, Tử.
(135) Thần thức (vô hình, còn gọi là tái sanh) là hột giống giữ lấy nghiệp nhân thiện và ác. Thân tâm con người có nhiều thức mà Thần thức là chúa tể. Các nghiệp lực thiện và ác đều tụ nơi thần thức. Thức được gọi tên tùy theo điều kiện nó phát khởi, tỷ như, nhờ con mắt mà nhãn căn và những hình dáng là Sắc mà một thức được phát sanh và được gọi là nhãn thức (đây là ta chỉ kể những nhân duyên chánh. Sự thật, nhân nơi nhãn căn, sắc trần, ánh sáng, khoảng cách, tác ý... mà có nhãn thức). Ta thấy, ngoài nhãn thức thuộc thân còn có nhĩ thức (phát sanh nhờ nhĩ căn và âm thanh), Tỉ thức (phát sanh nhờ Tỉ căn và mùi). Thiệt thức (phát sanh nhờ Thiệt căn và vị), Thân thức (phát sanh nhờ thân căn và những sự vật sờ mó được), cũng đều thuộc Thân và ba thức nữa ở bên trong là Ý thức, Mạt na thức và A lại gia thức hay Thần thức.

Như vậy, thân tâm con người có tám thức là:

  • a. Nhãn thức, Nhĩ thức, Thiệt thức, Tỉ thức, Thân thức, mà ta gọi là năm thức đầu (Tiền ngũ thức).
    b. Ý thức mà ta gọi là thức thứ sáu.
    c. Mạt na thức mà ta gọi là thức thứ bảy và coi như kẻ giữ kho.
    d. Tạng thức (hay Thần thức hay A lại gia thức) mà ta coi như kho chứa mọi hạt giống tâm lý.
Khi thức thứ sáu là ý thức nhập pháp "Quán Không" tức Ngã, Pháp đều Không thì nó chuyển thành Diệu quan sát trí. Khi thức thứ sáu chuyển thành Diệu quan sát trí thì cái Ngã bị chấp của Mạt na đổi thành Vô ngã, hạt giống hữu lậu trong Tạng thức bị tiêu diệt, còn toàn hạt giống vô lậu và Mạt na thức nhờ đó bỏ được bốn món phiền não, chuyển thành Bình đẳng tánh trí. Cũng nên biết rằng bốn món phiền não vừa nói là:
  • * Ngã si: si mê chấp có Ta (si mê cái Ngã).
    * Ngã kiến: kiếm chấp cái thân tứ đại là cái thật Ta (chấp cái Ngã).
    * Ngã mạn: không nhận cái si mê, lầm lạc, lại còn cống cao, ngã mạn (đề cao cái Ngã để khinh mạn người).
    * Ngã ái: đắm nhiễm, ái trước cái thân ô trược, gây tội lỗi, đua tranh (tham ái cái Ngã).
Khi thức thứ bảy chuyển thành Bình đẳng tánh trí, thì là lúc thức thứ tám đã sạch hết những chủng tử vô lậu, trở nên Vô cấu thức và chuyển thành Đại viên cảnh trí. Khi thức thức tám thành Đại viên cảnh trí (Vô cấu thức) thì năm thức đầu được vô lậu và thành Thành Sở tác trí.

Tưởng cũng nên chú ý rằng: chân, vọng hòa hợp là thức và khi chuyển về chỉ còn chơn thì là trí. Trí ở thức mà ra, ví như nước trong ở nước đục mà ra. Thức thì tác động bằng Biến kế sở chấp (chấp các pháp trên thế gian là thật có) do đó sanh khởi muôn vàn vọng tưởng. Người thường nhìn một tà áo trắng thì sanh bao vọng tưởng, nào là áo đẹp, nào người may áo khéo hay vụng... rồi cứ vọng tưởng mãi. Còn người giác ngộ thì cũng thấy tà áo trắng nhưng không sanh vọng tưởng mà thấy nó như thị.

Ý căn là chủ tể trong các căn Nhãn, Nhỉ, Tỉ, Thiệt, Thân. Nếu nó dựa cào căn nào thì căn đó có tác dụng đặc biệt là minh liễu (hiểu rõ) cảnh, còn như nếu nó không phụ họa vào thì không có năng lực phân biệt, hiểu biết. Ta suy ra rằng, trong tám thức, Ý thức có tầm hoạt động rất rộng rãi, vừa liên hệ với Mat na thức và A lại gia thức bên trong, vừa liên hệ với năm thức trước. Ý thức có hai tác dụng:

  • - Một là Ngũ cu ý thức (hay minh liễu ý thức khi nó hợp với năm thức trước, tiếp xúc với cảnh) nghĩa là năm căn trước tiếp xúc với cảnh trần bên ngoài và Ý thức căn cứ vào đối tượng của năm căn đó mà phân biệt minh bạch. Trong lúc mắt thấy sắc chẳng hạn mà không có ý thức phụ vào thì mặc dù thấy những cũng không rõ ràng.

    - Hai là Độc đầu ý thức nghĩa là chỉ riêng một mình ý thức tự biến tạo cảnh tượng và tự duyên, không cần nhờ đến sự cộng tác của năm căn trước (thuộc năm giác quan).

    • * Căn + Trần = Thức phân biệt.
      * Căn + Trần + Ý = Thức minh liễu phân biệt
      * O + O Ý = Độc đầu ý thức phân biệt.
Bản thân ý thức thì luôn luôn hoạt động nhưng có lúc gián đoạn, như ngủ say không mộng mị, bị chụp thuốc mê, té bất tỉnh... Khác với năm thức trước, không phải cần đủ Cảnh và Căn, Ý thức hoạt động một mình. Ta nhắm mắt, bịt tai chẳng hạn, nó vẫn sanh ra được mặc dù ta không thấy, không nghe một cái gì vì nó phát sanh do tư tưởng, nếu nằm ngủ có mộng là ý thức hoạt động trong mộng. Trong lúc ý thức không hiện thì nó trở về núp ngầm ở gốc của nó mà ta gọi là Ý căn hay Mạt na thức.

Mạt na thức là kẻ coi kho. Nó là gốc và là chỗ dựa của ý thức. Cái gì ý thức đã phân biệt, chọn lựa xong mà nó được thích thì nó chuyển vào kho là Hàm tàng thức hay Tạng thức.

Thức thứ bảy Mạt na có hai công năng:

  • a. Chấp ngã.
    b. Làm căn bản cho thức thứ sáu là Ý thức.
Nó có công năng đem các pháp hiện hành ở ngoài truyền vào Tạng thức và đem các pháp chủng tử từ bên trong Tạng thức tống ra ngoài, vì vậy nó cũng có tên là Truyền tống thức.

Sự chấp Ngã của ý thức và của Mạt na thức khác nhau. Tỉ dụ:

- Khi ta ra trận hoặc lập mưu kế sinh nhai để bảo tồn cái Ta chẳng hạn, thì sự chấp Ngã thô phù này thuộc thức thứ sáu là ý thức.

- Khi bất thần bị kẻ đánh, ý thức chưa kịp can thiệp mà ta vẫn tự tránh né thì sự chấp ngã tiềm phục này thuộc thức thứ bảy là Mạt na thức.

- Thức thứ tám là Hàm tàng thức hay A lại gia thức là thức căn bản. Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đọc rất nhiều, tiếp xúc với biết bao sự vật rồi thời gian cứ tuần tự trôi qua, chúng ta tưởng đã quên mất rồi. Thế mà không! Mỗi khi nghĩ đến thì danh từ, hình ảnh... của những vật xưa, cũ lại hiện lên một cách rõ ràng như quay lại một cuốn phim ở trước mắt. Những danh từ, hình ảnh... ấy vì sao đã qua nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mà vẫn còn lưu lại? Vậy tất nhiên phải có một cái kho vô tận chất chứa chúng nên chúng mới còn, không bị mất. Cái kho vô tận ấy, chính là Tàng thức vậy. Hàm tàng thức tiếp nối theo thời gian, không gián đoạn và có tính vô ký (nghĩa là nó không phải tánh thiện mà cũng không phải tánh ác). Nó vô tư ghi nhận, chứa chấp không thiên vị cả thiện lẫn ác và có công dụng chứa tất cả các chủng tử thiện và ác. Chủng tử tiềm tàng trong A lại gia thức và khi gặp duyên thì nó xuất hiện mà ta gọi là Thức hiện hành. Chủng tử là nhân, hiện hành là quả. Bình thường, ta không thấy sân tánh (chẳng hạn) ẩn náu ở đâu nhưng khi gặp duyên (như sự trái ý chẳng hạn) thì nó hiện hành (la hét, đập phá...). Nếu con người biết cải thiện từ ngày này sang ngày khác thì thức này càng ngày càng chuyển sang thanh tịnh và ta đi dần vào con đường giác ngộ. Ta nên nhớ rằng một hành vi, một tư tưởng, một lời nói xấu hay tốt, lành hay dữ, đều được A lại gia thức ghi chép. Một người ăn cắp có thể tránh không cho ai biết được hành vi xấu xa của mình nhưng không thể tránh bị A lại gia thức ghi nhận và vì vậy mới có danh từ Lương tâm cắn rứt.

A lại gia thức chất chứa bao nhiêu phiền não trần lao, khổ lụy, ái dục, si mê... để thành muôn vàn pháp lành, dữ, tốt, xấu, buồn, thương, giận, hờn, yêu, ghét... rồi mang những nghiệp lực từ nhiều kiếp đó mà chịu đầu thai, thọ quả báo. Luồng nghiệp không bất biến mà biến diễn liên tục từng sát na. Luồng nghiệp lực cuối cùng là luồng nghiệp đầu của Thai. Ví như ánh sáng đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy được của luồng điện vô hình. Bóng đèn có thể bị vỡ và ánh sáng có thể tắt nhưng luồng điện vẫn tồn tại và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng thế ấy, sự tan rã của thể xác cũng như bóng đèn vỡ mà thôi, không làm mất đi luồng nghiệp lực, nó vẫn luôn luôn trôi chảy liên tục và biến đổi theo những nghiệp mới.

Không có vật gì không biến chuyển từng giây, từng phút cho nên không có vật gì giữ được tính cách đồng nhất (ngã). Vì vậy, không có vật gì là không Vô ngã. Sự vật nương vào nhau mà sanh khởi, tồn tại và tiêu diệt, không có tự ngã. Tất cả các pháp (sự vật) đều do duyên mà sanh rồi cũng do duyên mà diệt. Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt, Lục nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão, Tử diệt. Vậy diệt được Vô minh thì đặng giải thoát, không còn chết sanh lại nữa. Đức Phật dạy: "Vô minh là lớp ảo kiến mịt mù, dày đặc trong ấy chúng sanh quây quần, quay lộn. Vì lẽ đó, khi mà Vô minh bị phá tan thì mọi vấn đề Nhân quả chấm dứt".


(136) Thai nhi tức là Danh sắc là một khối do sự phối hợp của thần thức (mà ta gọi là Danh vì có tên gọi mà không có hình chất tức nó là phần vô hình) với thể xác tinh trùng của người cha và hạt minh châu của người mẹ (mà ta gọi là Sắc tức phần hữu hình).

(137) Lục trần gồm Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (Pháp ở đây là những tư tưởng). Lục nhập là sáu căn gồm mắt, tai, mũi lưỡi, thân và ý. Đó là những chỗ mà sáu trần phản ảnh vào.

(138) Thủ làm duyên nên sự tham dục mạnh lên, cố truy tầm những sự mình ham muốn, cố nuôi lấy sự sống và chính đó là hạt giống sanh tử, tức Hữu. Từ sự cố truy tầm những sự ham muốn, cố nuôi sống mà phải tạo ra nghiệp. Các nghiệp này lôi kéo mình đến chỗ phải Sanh ra kiếp sau để thọ lãnh nghiệp quả. Như vậy, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão, Tử. Xem bảng tóm tắt dưới đây:

MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN LIÊN QUAN BA ĐỜI NHÂN QUẢ

1. NHÂN (Quá khứ):

  • a. Vô minh (hoặc)
    b. Hành (nghiệp)
Căn bản Vô minh, ngầm chứa Ái, Thủ, Hữu.

2. QUẢ (Hiện tại):

  • a. Thức.
    b. Danh sắc.
    c. Lục nhập.
    d. Xúc.
    e. Thọ
Thân hiện tại.

3. NHÂN (Hiện tại):

  • a. Ái (Hoặc)
    b. Thủ (Hoặc)
    c. Hữu (Nghiệp)
Chi mạt Vô minh, ngầm chứa Vô minh, Hành.

4. QUẢ (Vị lai):

  • a. Sanh.
    b. Lão, Tử (khổ)
Thân vị lai.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.42 khách