Cơ chế phóng đại của tâm thức

Bạn có thể tạo một ngôi nhà cho riêng mình, với những vật liệu mà bạn thích, xin giữ ngôi nhà được thanh tịnh trong ánh hào quang của Phật-đà. Kính mời các bạn.

Điều hành viên: quang_tam3

Hơi Thở
Bài viết: 5
Ngày: 30/08/14 21:44
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hà Nội

Cơ chế phóng đại của tâm thức

Bài viết chưa xem gửi bởi Hơi Thở »

Mỗi chúng ta đang nhìn thế giới theo một cách khác nhau nhưng đều có điểm chung là chẳng ai thấy hết được cái chân thực của vạn vật từ con người, động vật, ngay thậm chí cả một sự việc, hiện tượng nào đó. Bởi trong tâm thức của chúng ta luôn tồn tại một cơ chế phóng đại, phần lớn là phóng to mọi thứ nhưng cũng có trường hợp thu nhỏ lại. Chính điều này cũng là một trong những nguồn gốc khiến cho tâm ta chẳng bao giờ bình yên được.

Cơ chế phóng đại của tâm thức chính là việc bạn không nhìn được vạn vật theo những gì nó vốn có. Biểu hiện rõ nhất có thể thấy được là khi bạn yêu thích một ai đó. Trong tình yêu, nhất là thời gian đầu, mỗi chúng ta chắc hẳn chỉ thấy được người bạn trai hay bạn gái của mình là người tốt đẹp nhất. Mọi suy nghĩ của ta dành cho họ đều chỉ nhắm vào những điểm tốt và hợp với ta nên trong mắt ta, người đó càng trở nên đẹp đẽ, chẳng ai có thể sánh được. Điều này thì các bạn đã và đang yêu đều cảm nhận rõ ràng, Chap chẳng cần nói rõ thêm nữa nhỉ?

Đối lập với tình yêu đó là tình… ghét :P. Nói vui tí chứ cảm giác ghét bỏ người ta chỉ coi là thứ cảm xúc khó chịu chứ chẳng đưa nó lên làm một thứ tình cảm. Khi bạn trở thành đối tượng của cảm xúc này trong một người nào đó thì chắc hẳn bạn cũng chịu chung số phận là “nạn nhân” của cơ chế phóng đại tâm thức. Người có thái độ ghen ghét kia chắc chắn sẽ không ngừng “chuyện bé xé ra to” tất cả những gì bạn làm hay sở hữu mà coi đó là những thứ xấu xa, đáng ghét không kém, dù bạn có thành tích tốt hay ưu điểm gì thì cũng trở thành những điều chướng mắt đối với người kia. Mới chỉ có hai thứ cảm xúc yêu – ghét thôi chứ trên thực tế tâm thức bạn cũng phóng đại nhiều thứ theo những trạng thái cảm xúc khác nhau nữa như sợ hãi, thù hận, tức giận, kiêu mạn, tự ti… Tùy theo bạn cảm nhận về sự vật, sự việc, con người đó thế nào thì tâm thức bạn lại phóng to hay thu nhỏ điều đó.

Trên thực tế, mọi vật dù được bạn nhìn theo kiểu nào thì nó vẫn chỉ là nó. Do bạn nghĩ thế này thế nọ nên nói mới thành ra như vậy. Còn bản chất của vạn vật là tất cả những gì cấu thành lên nó. Bàn ghế hình thành từ gỗ, con người cấu tạo bằng da thịt và ý thức bằng một linh hồn trú ngụ trong nó. Còn bàn ghế xấu hay đẹp, con người đáng yêu hay đáng ghét thì vẫn là chính chiếc bàn ghế đó, con người đó. Chính vì bạn áp đặt suy nghĩ của mình lên nên mới thấy sự đáng yêu, đáng ghét. Hợp với bạn thì thấy yêu, trái với bạn thì bạn thấy ghét. Bởi nếu thực sự một người mà bạn cảm thấy họ lung linh, trong sáng, thánh thiện như khi bạn thấy ở người mình yêu thì chắc chắn ai cũng phải cảm thấy như vậy. Đằng này, điều đó chỉ là tương đối bởi người đó đáng yêu trong mắt bạn nhưng với người khác thì lại chỉ thấy những điều không tốt ở họ, thậm chí còn thấy họ đáng ghét. Như khi bạn sống trong một tập thể, cũng có người yêu quý, chơi thân với bạn nhưng có người lại tỏ ra không ưa hay nói xấu bạn. Thế nhưng, bạn vẫn là bạn đó thôi chứ đâu phải biến hình này khi đi với người này, biến hình khác khi ở với người khác được. Như vậy, rõ ràng là đã có cái nhìn và cảm nhận khác nhau đối với cùng một sự vật.

Nguyên nhân về vấn đề này chính là do bạn đang bị cái tôi hay bản ngã của mình điều khiển. Cái tôi này đặt ra những chuẩn mực khác nhau về vấn đề thỏa mãn hay không thỏa mãn cho nó. Đối với những thứ làm thỏa mãn nó thì nó yêu thích và phóng đại điều đó lên cao khiến bạn càng chỉ thấy nó đẹp. Trong khi những gì mà cái tôi quy định như thế là xấu xí, đáng ghét thì cũng chỉ khiến bạn nhìn điều đó bằng sự khó chịu. Bất cứ điều gì dưới con mắt nhìn chủ quan của cái tôi điều khiển đều là nguyên nhân để dẫn đến cơ chế phóng đại trong tâm thức bạn.

Chính do cơ chế phóng đại này cũng là nguyên nhân gây nên đau khổ, làm tâm bạn luôn bất an. Chính vì bạn coi người khác là đẹp nhất, tốt nhất, không gặp người đó thì bạn nhung nhớ chẳng yên, chẳng tập trung làm được việc gì cho hẳn hoi. Nhưng đến khi bạn bị người đó bỏ rơi, bị phản bội thì liệu bạn sẽ cảm thấy thế nào? Điều này Chap chẳng nói các bạn cũng hiểu. Bạn luôn nhìn về quá khứ với những kỉ niệm đẹp rồi cho rằng thời gian đó mới là khoảng thời gian thích thú nhất trong đời mình. Vì thế mà bạn cứ chìm trong nó, bỏ bê hiện tại hay coi hiện tại bây giờ đầy rẫy khổ đau. Điều này cũng tương tự như khi bạn nhìn về tương lai. Nơi đó có biết bao điều tốt đẹp đang đón chờ. Thế là bạn cứ miệt mài chạy, cầu mong cho sớm tới ngày mai đó. Rõ ràng là quá khứ hay tương lai đều đang bị bạn phóng đại lên bằng những hình ảnh tốt đẹp. Nhưng thực sự nó có lung linh như bạn nghĩ? Cái này thì Chap không chắc chắn, bởi mình cũng từng như các bạn, có nhiều kỉ niệm đẹp ở thời gian trước đây và mình cũng có nhiều điều kỳ vọng cho tương lai sáng sủa. Tuy nhiên, Chap biết ngoài những giây phút được cười thật nhiều ở quá khứ cũng có những lúc mình mệt mỏi, đau khổ và chỉ mong sớm đạt được dự định trong tương lai để được sung sướng. Hiện tại chính là tương lai của quá khứ đây mà. Nó cũng có khác gì với quá khứ đâu. Nó đâu có màu hồng như bạn nghĩ, mọi thứ cũng đâu có suôn sẻ như mình đã dự tính. Vậy tại sao bạn chưa biết dừng lại để chỉnh sửa hiện tại cho nó trở nên hoàn hảo mà lại tiếp tục chạy theo tương lai tươi sáng hay ôm ấp mãi quá khứ với suy nghĩ phóng đại đó của bạn?

Như vậy, rõ ràng cơ chế phóng đại tâm thức của chúng ta chẳng tốt đẹp gì. Nó chỉ khiến chúng ta sống chìm trong những mộng tưởng và bị chi phối về cảm xúc mà đa phần là cảm xúc khó chịu, tồi tệ. Điều bạn nên làm đó là hãy cố gắng nhìn sự vật theo những gì nó vốn có, đừng đặt cảm xúc, định kiến, đánh giá của mình lên bất cứ điều gì. Dĩ nhiên, việc này phải cần một quá trình thực tập để thay đổi một thói quen đã đi sâu vào máu thịt bạn suốt bao nhiêu năm. Song Chap tin rằng nếu cố gắng mỗi ngày thì sẽ đến lúc bạn làm được điều đó. Hãy nhìn vào sự vật, sự việc, con người bằng con mắt khách quan nhất, gạt bỏ đi cái tôi của bạn cho dù sự vật, sự việc, con người đó có những điểm không khiến bạn hài lòng, vừa ý. Tuy nhiên, bạn hãy ghi nhớ rằng: “À, chỉ là mình đang đặt cảm xúc của mình vào thôi, tâm thức mình đã tự nhiên phóng đại nó lên chứ bản chất nó chỉ là nó thôi mà…” và cố gắng thực hành, quán chiếu theo suy nghĩ đó. Dần dần, sau mỗi lần thực tập, bạn sẽ thấy sự thay đổi ở mình khi mà bạn sẽ không còn thấy khó chịu hay hưng phấn quá mức khi nghĩ hay gặp những người, những vật hay hoàn cảnh tương tự. Rồi bạn sẽ cảm thấy lòng mình thênh thang và rộng lớn để đón nhận mọi thứ và không có điều gì có thể chi phối cảm xúc của bạn. Chỉ cần bạn thực tập thường xuyên, cố gắng buông bỏ mọi định kiến của mình thì chắc chắn, bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn. Chap từng là người rất sợ sâu róm. Trước đây, chỉ nghĩ thôi mà Chap cũng thấy có gì đó ghê tởm và rùng mình, chứ chẳng nói đến gặp chúng thì có mà chạy… mất hình luôn. Thế nhưng sau này, Chap hiểu ra rằng hóa ra cảm giác sợ hãi đó là thứ cảm xúc xuất phát từ trong chính mình. Mình thấy loài sâu bọ đó đáng sợ một phần mà lại bị tâm thức tự phóng đạo lên làm cảm giác sợ hãi tăng lên chín phần nữa. Rồi Chap thực tập quán chiếu bằng cách nghĩ đến chúng hàng ngày, những con vật khiến mình thấy sợ hãi. Càng sợ, Chap càng tưởng tượng, nghĩ đến chúng và tự nói với mình rằng: thực chất chúng đâu có đáng sợ đến thế, chúng có làm hại mình đâu, chúng chỉ là một con vật nhỏ bé thôi mà, chúng chỉ là chính nó mà thôi, không có gì khác, không phải sợ chúng, mình chỉ đang bị chính tâm thức mình chi phối thôi mà, hãy nhìn nó theo chính là nó đi… Chap đã thực tập quán chiếu như vậy đó. Đó là cách nhắc nhở mình và cũng chính là rèn luyện để thay đổi tâm thức mình. Cũng không phải quá khó phải không bạn? Và kết quả thì lại vô cùng kỳ diệu khi mà càng ngày Chap càng thấy mình không còn sợ hãi, ghê tởm khi nghĩ về chúng nữa. Thậm chí, ngay cả khi đối mặt với một chú sâu thật sự thì Chap cũng biết rằng: “À, đó chỉ là một con sâu thôi mà.” (Chứ không phải: “Á á á, con vật kinh dị quá!” như trước đây). Chap xin nhắc lại rằng việc thực tập này là cả một quá trình, không phải chốc lát đâu các bạn nhé! Sự thay đổi tâm thức chỉ diễn ra dần dần, mỗi lần quán chiếu là mỗi lần mình thay đổi đi một ít, nhưng theo thời gian thì bạn sẽ có những thay đổi tích cực rõ rệt. Điều này đòi hỏi bạn phải có một sự kiên trì, quyết tâm muốn thay đổi mình để khiến mình trở nên tốt đẹp hơn với bất kỳ điều gì khiến bạn không có được sự bình an, thanh thản trong nội tâm mình.

Đừng tự biến mình thành nô lệ của chính tâm thức của mình. Bạn phải điều khiển được nó chứ đừng để nó chi phối bạn nhé! Chúc các bạn thành công.

Chap

Link gốc: http://hoitho.vn/du-lich-tam-linh/trai- ... -tam-thuc/
Xem thêm các bài chia sẻ về thiền và các chiêm nghiệm về cuộc sống, Phật giáo tại http://hoitho.vn/


ngusi
Bài viết: 94
Ngày: 12/12/13 11:12
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: thưa thiên huế

Re: Cơ chế phóng đại của tâm thức

Bài viết chưa xem gửi bởi ngusi »

đạo hữu viết rất hay, rất đúng với nhân duyên quả, đạo hữu hãy cố gắng phát huy nha


Những điều ngusi nói chỉ nên tham khảo, đừng vội cho là đúng, trước tiên phải suy xét kỹ càng, nếu thấy đúng thì mới làm theo.
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.5 khách