Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Học làm Phật - học làm người, có những niềm vui, nổi buồn không biết gởi gắm và chia sẻ cùng ai mời vào đây.

Điều hành viên: quang_tam3, binh

Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Bài viết chỉ ra khuyết điểm tuy chưa nói được ưu điểm của việc ở thất, nhưng đáng trân trọng.
Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN
http://damthoaiphatgiao.net/diendan/sho ... .php?t=188
Phiếu Nhiễu

Rời trường cơ bản Phật học lên Sài Gòn, tôi không bao giờ có một ý niệm nghĩ rằng mình phải xây dựng tịnh thất ở để đi học. Thế rồi sau sáu năm, sáng xách cặp đi tối xách về, bôn ba bơi lội tìm kiếm thêm chút ít kiến thức đắp vào lổ hỏng tri thức kém cỏi của mình. Thời giờ thì không nhiều, cộng thêm vào một chút xíu giải đải nên công phu tu niệm của tôi chẳng là bao, vì vậy mà một niệm bất giác khởi lên, vô minh ập tới, không kiểm soát được. Cuộc nỗi loạn của ý thức cá nhân đầy bản ngã; chúng giải thích, phân tích khá chặt chẽ có hệ thống và đầy sức thuyết phục, dụ dỗ tôi làm một cuộc “cách mạng” và kết quả phải đi lang thang nhiều ngày để tìm mảnh đất “cắm dùi”, nhằm vỗ về và làm thỏa mãn niệm bất giác đó. Năm sau, một ngôi “ tịnh thất không tên, nhà không số” sở hữu của riêng tôi đã mọc lên ngay cạnh ngoại ô thành phố thân yêu này, cũng từ đấy bao vui buồn cứ đan xen lẫn lộn.

Nơi ở thì xa trường, nên mỗi buổi sáng phải mất hai giờ đồng hồ cả đi lẫn về. Đường sình lầy lội, gồ ghề như muốn thử sức với chiếc xe và ý chí của chủ nhân nó. Phí tổn mỗi tháng không phải nhỏ nếu nó biết ngoan ngoãn nghe lời, bằng không cũng dở khóc dở cười, nhất là vào những ngày thi cử. Bao nhiêu mục tiêu đặt ra đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Một mình bận rộn với những việc không tên, quỷ thời gian ngày một cạn dần... Nghĩ lại biết rằng mình đã thất bại vì lở đã “ly sơn”.

Mọi thói quen tốt trong sinh hoạt thường nhật dần biến thiên theo thời gian. Những bửa ngồi quá đường cúng dường chư Phật, Bồ tát và Hộ pháp cũng như thiện Thần trước lúc thọ trai nay còn đâu nữa?. Đôi đũa và cái muỗng cũng không mặn mà sánh đôi, đồng hành trong giờ thọ thực. Thỉnh thoảng nó cứ thiếu hay cứ quên mỗi khi sử dụng. Hình thức uống nước bằng chén ăn cơm sau mỗi bửa ăn rất riêng của Phật giáo trong tôi dần đang mai một. Tưởng chừng những điều thật đơn giản, không đáng phải quan tâm ấy vô tình góp phần làm quên nhanh đi chính mình. Rồi những lúc đọc sách gặp được một vài câu, ý tứ hay cũng đành phải mĩm cười một mình không biết chia sẻ cùng ai?. Câu “kiến hòa đồng giải” giờ này tôi mới thật sự nhận ra giá trị của nó. Nhìn pháp lữ đồng tu hằng năm đi nhập hạ mà lòng tôi buồn rười rượi khó mà diễn tả được. Hoàn cảnh “đơn thân độc mã” hiện nay buộc tôi phải ở nhà để giữ gìn “tài sản” và kinh kệ cho vui cửa vui nhà.

Xung quanh bốn bề gần như lặng lẽ, tiếng phong linh leng keng quyện theo trong gió, mang đi dùm tôi những ưu tư, trăn trở, phiền muộn dằn vặt bấy lâu. Thỉnh thoảng nghe tâm hồn mình thật nhẹ nhàng thanh thản, đúng là “ưu du tĩnh tọa dã tăng gia; khuýnh tịch an cư thật tiêu sái. ” (... làm Tăng quê, vui sâu trong tĩnh toạ, trong êm đềm; cảnh lặng lẽ, an lành sao nói hết. Chứng đạo ca - HT Thích Từ Thông dịch ). Những buổi tịnh độ chỉ một mình đối diện với Tôn sư, tôi lần lượt đọc tất cả các bộ kinh nhằm để ôn cố tri tân và khắc phục bớt những sai lầm do tấm thân giải đải này gây ra. Thú thật rằng, mình tự làm quan tòa để phân xử và phán quyết mọi việc nên phần thắng thường luôn thuộc về “phe ta”.

Niềm vui chưa trọn vẹn, nỗi buồn lại tràn dâng, tôi muốn duy trì và tồn tại ở trong “ tịnh thất không tên nhà không số”, quả thật không đơn giản chút nào. Bao nỗi lo toan xung quanh cơm áo gạo tiền cũng đủ cho tôi một bài học không cần trường lớp. Nỗi lo và những bận rộn không nên có như tôi trong lúc còn cắp sách đến trường. Hậu quả hôm nay là do tôi không sớm nhận ra được “tập đế” xưa kia. Nỗi buồn này xem ra “ rất người” luôn là đề mục quán chiếu, tu tập tìm về nguồn cội. Tứ Thánh đế mà Phật đã dạy năm xưa, giờ đây trở thành bài học mà tôi thật sự tâm đắc.

Niềm vui đang le lói phía chân trời xa, tôi chợt nhận ra và đang mĩm cười với nó. Vì vậy mà một mai nếu được trở về nguồn cội, tôi cũng nguyện xin làm chiếc lá vàng rơi, trôi theo dòng nước, lên ghềnh xuống thác, ngao du đây đó, khi mõi mòn hóa thành những hạt phù sa bé nhỏ nuôi sống và làm xanh những cành cỏ dại ven bờ.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Một cách nhìn khác với tinh thần trách nhiệm và dấn thân ...
Nên có cái nhìn theo tinh thần Phật giáo
Hậu tổ chùa Bảo Ấn

Qua bài “ở thất - niềm vui & nỗi buồn” của tác giả Phiếu Nhiễu, tôi thật sự rất tâm đắc, nhưng có một vài chi tiết xem ra chưa được thuyết phục cho lắm. Nay tôi cũng xin mạo muội đưa ra cảm nghĩ của riêng mình cũng là tâm sự của người trong cuộc.

Tôi cũng tốt nghịêp trường trung cấp Phật học, cũng lên Sài gòn đi học, cũng có một ngôi “tịnh thất không tên nhà không số” (cách dùng từ của tác giả Phiếu Nhiễu) như bài báo đã nêu. Nhưng hoàn cảnh “ ly sơn” của tôi lại theo một nghĩa khác.

Trước hết phải mạnh dạn nói ngay rằng: một phần trong hành trình “ly sơn” là do không giải quyết được bản ngã của tự thân. Nhưng không phải vì vậy mà nhận hết trách nhiệm để được tiếng là mình “cao thượng”. Thông thường có bốn nguyên nhân, đó là “tự tác, tha tác, cộng tác, vô nhân tác”, ( tự mình tạo ra, do người khác tạo ra, do mình và người khác tạo ra, không do nguyên nhân gì cả ). Như vậy để tìm ra nguyên nhân thích đáng và có sức thuyết phục đòi hỏi phải có sự “ngồi lại gần nhau” để hiểu và thông cảm nhau hơn.

Chúng ta là những người xuất gia, vấn đề trọng đại là giải quyết sanh tử luân hồi. Điều tiên quyết là chuyển hoá bản ngã, bởi lẽ Niết bàn không dung chứa những gì mang bóng dáng của tự ngã - Vô ngã là Niết bàn. Chúng ta “đang” trên lộ trình đi tìm cội nguồn, nên ít nhiều vẫn còn cái bản ngã, nhiều thì ở dạng thô, ít thì ở dạng vi tế, do đó khó lòng mà chấp nhận mọi cuộc “ly sơn” chỉ do đương sự đó gánh chịu tất cả. Phải nói đúng hơn là do bản ngã của tự thân không dung hòa được bản ngã nơi mình đang cư ngụ, hoặc bản ngã của nơi cư ngụ không dung nhiếp hết được bản ngã tự thân của người đó và cuộc “cách mạng” tất nhiên phải xảy ra. Hậu quả nó như thế nào, lớn hay nhỏ là do ý thức và công phu tu tập của cả hai phía. Nhưng theo tinh thần Phật giáo là đó “hết duyên”, nên không còn cộng trụ với nhau. Vì vậy nên tạo mọi điều kiện thuận lợi hổ trợ “những kẻ không may mắn khi phải sớm ly sơn” có điều kiện thuận lợi để tu tập. Hình bóng của họ tồn tại trên cuộc đời này là “đồng loại” của mình, không lẽ phải “tàn sát” lẫn nhau?.

Những khó khăn và trở ngại trong lúc còn đang đi học mà “sở hữu” một ngôi tịnh thất ở ngoại ô thành phố cũng là một bài học thử sức công năng tu học của chính mình nên tôi không gì phải ta thán. Nhưng tôi muốn đề cập đến vấn đề Tăng Ni còn trẻ, như thế nào gọi là “trẻ”?. Tôi năm nay đã gần 40 tuổi, ở chùa gần 20 năm, cái tuổi “ đủ để” mình phải chịu mọi trách nhiệm như tất cả mọi công dân khác khi phạm phải những sai lầm. Với độ tuổi này sức kham nhẫn và tư duy cũng gọi là “tạm ổn” khi tiếp xúc với cuộc sống. Nếu được thể nghiệm mình sớm, tạo cho mình tính tự lập cao và thu nhận nhiều bài học quý giá từ thực tế. Đó là những ví dụ rất thật, rất cụ thể mà mỗi khi tôi có duyên giảng giải cho tín đồ, bổn đạo.

Những ngôi “tịnh thất không tên, nhà không số” ấy rồi sẽ về đâu? Có lẽ chưa có câu trả lời thích đáng ngay được. Nhưng tôi tâm niệm rằng trước sau gì cũng trở thành tài sản của GHPGVN. Vì vậy các nhà lãnh đạo Giáo hội phải có cái nhìn theo tinh thần Phật giáo cho 50 năm sau. Thế hệ như chúng tôi đã lở “xây dựng”, nếu chưa có hướng giải quyết ổn thỏa thì cũng xin hãy khoan “phủ nhận sạch trơn”. Khi chúng tôi từ giả cõi giả tạm này không mang theo đuợc một cái gì nhỏ, cho dù là cái kim, mọi sở hữu của ngã không bao giờ chung thủy trọn vẹn với mình. Có lẽ mượn câu thơ “ máu từ chối không về tim nữa, thì xin người tha thứ lỗi lầm nhau” để nói lên trọn vẹn tâm sự của chính mình.

Thích Thiên Hương


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Thêm một cách nhìn khác
GÓP Ý VÀ TÌM HƯỚNG GIẢI QUYẾT THEO TINH THẦN CHÁNH PHÁP


Tỳ kheo THÍCH LỆ NGHIÊM

Vừa qua chúng tôi theo dõi báo có đăng ba bài viết của ba tác giả đó là bài “Ở thất – niềm vui và nỗi buồn” (Phiếu Nhiễu); “Nên có cái nhìn theo tinh thần Phật giáo” (Thích Thiên Hương); “Nên suy nghĩ kỷ về chuyện ở thất” (Nhật Nguyệt). Quả thật đây là 3 bài viết có tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng rất cao. Tuy nhiên bài của tác giả Nhât Nguyệt chỉ nằm trong suy nghĩ vốn xưa nay bút mực đã từng hao tốn. Điều đáng gây chú ý và đọng lại trong chúng tôi là hai bài của hai tác giả còn lại.

Trước hết là bài “ở thất- niềm vui và nỗi buồn” của Phiếu Nhiễu. Đọc bài này chúng tôi cảm nhận đây là những lời rất chân thành. Những bộc bạch đã được kiểm nghiệm qua một thời gian tiếp cận với sự thật. Điều đáng ghi nhận và trân trọng là tác giả đã dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên tiếng nói của người trong cuộc. Vì vậy, chúng tôi nghĩ mọi người đều thông cảm chứ không ai có cái nhìn thiên kiến về những gì mà tác giả đã nêu.

Bài “Nên có cái nhìn theo tinh thần Phật giáo” thì ở tầm cao hơn. Bởi lẽ ngoài những tâm sự, tác giả còn gợi mở để chúng ta tìm hướng giải quyết cho số phận các ngôi tịnh thất như vậy.

Tới đây chúng tôi muốn nhìn lại sự hình thành và phát triển các ngôi chùa ở Việt nam. Qua các tài liệu sử sách cũng như cuốn danh bạ các ngôi chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm phật đường của Giáo hội chúng ta ấn hành và xuất bản, đều có một điểm chung là các ngôi tự viện ban đầu được xây dựng mang tính “tự phát” ( ngoại trừ một số ngôi chùa được các vị vua chúa mến mộ Phật pháp xây dựng trong các triều đại phong kiến). Các ngôi chùa đầu tiên được xây dựng thường là một vị thầy hoặc cô. Vị thầy, cô này thường đi tới một vùng đất nào đó, dựng lên một thảo am ở để tu hành, dần dần lâu ngày hội đủ cơ duyên trùng tu và xây dựng, gắn lên một tấm bảng hiệu để tiện cho tín đồ biết mà tìm đến. Nguyên nhân thứ hai là các vị thầy, cô theo dòng di dân, dãn dân vào một vùng đất mới, ban đầu cũng chỉ là am tranh, tượng giấy… và rồi theo “cổ lệ” mà thành ngôi chùa. Một nguyên nhân cũng đáng chú ý, là có một Phật tử tự xây dựng rồi khi có duyên với một vị thầy, cô nào đó thì thỉnh mời và hiến cúng. Bằng khả năng, đức độ và phước báu riêng của các vị kế nhiệm, ngôi chùa mỗi ngày được mở rộng thêm và xây dựng hoàn thiện, khang trang hơn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, sự tham gia đóng góp thành tâm, tích cực của mỗi cá nhân tạo nên một tài sản khổng lồ cho Giáo hội và nó còn là nơi sinh hoạt tâm linh cho tất cả những người muốn tìm về nguồn tâm của chính mình.

Chúng tôi may mắn được ở trong một ngôi “Phạm vũ huy hoàng” nên đời sống tu học cũng tương đối nhẹ nhàng. Ngôi chùa này được truyền thừa đến nay đã ba đời. Nhiều lần nghe bổn sư chúng tôi kể lại những khó khăn, khổ cực gặp phải của bậc tiền bối khi mới “ly sơn” để tìm đất tạo tự. Chúng tôi mới thấm thía và mang ơn quá nhiều những gì mà cổ nhân đã cống hiến. Chúng tôi cũng có cơ duyên quen được nhiều vị thầy, cô đang ở các tịnh thất. Cho nên chúng tôi thật sự hiểu và thông cảm cho quý thầy, cô. Phải chăng tất cả đều do quy chế chưa thông thoáng của Giáo hội? Hoặc do cái nhìn chưa có tính tổng quát? Hoặc do chúng ta đã không tiên liệu đúng quá trình vận hành hình thành và phát triển các ngôi tự viện cho 50 năm sau? Hoặc có những nguyên nhân nào có sức thuyết phục hơn? Tất cả quý thầy, cô đều làm theo “cổ lệ” nên chẳng có chuyện đúng hay sai gì ở đây cả. Bằng những cuộc tiếp cận thực tế, nên chúng tôi thấy có những ngôi tịnh thất xây dựng, thiết kế, tổ chức tu học khá bài bài bản hơn một vài ngôi chùa nhỏ. Có những ngôi tịnh thất diện tích rộng hơn các ngôi chùa ở nội thành. Chỉ một điều thua duy nhất là không có bảng hiệu và không được sự công nhận của Giáo hội. Cái nhìn của Phật giáo là cái nhìn của trục hệ luận “NHÂN – DUYÊN - QUẢ” ba đời. Vì vậy nên chúng ta phải thật bình tĩnh mới nhận diện nó đúng một cách trọn vẹn. Mỗi vị thầy, cô đều có nhân duyên với một số Phật tử nào đó. Họ đã là quyến thuộc từ nhiều đời nhiều kiếp. Nay hội ngộ họ trở thành thầy trò của nhau. Phật tử chấp nhận qui tụ tu học và hộ trì các vị thầy ở thất cũng phát xuất từ tinh thần Phật giáo.

Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh đó cũng có một vài ngôi tịnh thất, một vài Tăng Ni chưa đạt được tiêu chuẩn như đã nêu ở trên. Điều này đã làm hao tốn không biết bao tâm lực cho chư Tôn đức lãnh đạo, đồng thời khiến cho nhiều người nhìn và hiểu không đúng về việc “ ly sơn” của các vị Tăng Ni khác. Nhưng không vì vậy mà chúng ta có thành kiến hoặc phát biểu thiếu tôn trọng, để rồi vàng thau lẫn lộn. Thiết nghĩ các nhà lãnh đạo Giáo hội nên có phương thức hợp lý, tạo điều kiện để quý thầy, cô an tâm tu học. Khi danh chính ngôn thuận, những nơi ấy chính là cơ sở và tài sản của Giáo hội như bài viết trước đó đã nêu. Còn những ai chưa hoàn thiện cũng cần được xây dựng và cảm hoá bằng cái tâm của người con Phật. Tạo điều kiện để họ quy hướng về Tăng đoàn, sự chuyển hoá nhuần nhuyễn bao giờ cũng đem lại một kết quả thánh thiện.

Người xưa thường nói đất lành thì chim đậu. Cái hồn của đất luôn đãi những ai cần cù, siêng năng, tinh tấn…. Từ cái nôi đồng bằng sông Hồng, bằng những cuộc di dân của người xưa đã cho chúng ta có được dải đất hình chữ S như hôm nay. Nếu ai đó bảo chúng ta quay về nơi xuất phát thì có hợp với quy luật phát triển của tự nhiên không?. Quý thầy, quý cô cũng nằm trong quy luật tự nhiên đó.

Tìm hướng giải quyết trong ôn hoà, trong tình xây dựng và đúng với tinh thần chánh pháp là một việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay số lượng tịnh thất đã tự thành lập cũng “khá nhiều”. Nên chăng Giáo hội cần có một văn bản chính thức nhằm hạn chế đồng thời đưa ra một số tiêu chí để những người sau suy nghĩ kỷ lại trước khi “ ly sơn” để thành lập những tịnh thất theo ý mình?!


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Re: Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Xem ra thì hành trình giải thoát của quý thầy cô cũng đầy đau thương đó chứ kinhle


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Chanhientam
Bài viết: 959
Ngày: 11/09/07 15:44

Re: Ở THẤT- NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Bài viết chưa xem gửi bởi Chanhientam »

Những bài viết hay =D>


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.5 khách