TÌNH LÀ DÂY OAN

Mời mọi người cùng nhau đem đạo vào đời, thảo luận chia sẻ học hỏi kinh nghiệm tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày

Điều hành viên: Thanh Tịnh Lưu Ly, binh

phuongg
Bài viết: 23
Ngày: 05/01/12 18:59
Giới tính: Nam
Đến từ: Việt Nam

TÌNH LÀ DÂY OAN

Bài viết chưa xem gửi bởi phuongg »

TÌNH LÀ DÂY OAN

Như Đức Phật Gautama đã đưa ra Tứ Diệu Đế. Đế thứ nhất "Đời là bể khổ". Có vẻ rất hiển nhiên, tình là một phần của đời, nếu đời là khổ, tất nhiên tình cũng không thoát ra khỏi định đề của mệnh đề thứ nhất. Có một điều cần nhấn mạnh là Đức Phật không dừng lại ở đế thứ nhất, mà nói rất rõ về con đường thoát khổ. Vì vậy có nhiều hy vọng ánh sáng ở cuối đường hầm, và cơ duyên thoát khỏi "tình là dây oan", nói khác đi "tình là khổ".
Tại sao tình là dây oan / là khổ?
Tình yêu luyến ái nam nữ có thể ví như một loại cây, rễ của nó mọc và bám chặt trong mặt đất nhân quả, tưới bón bằng những giọt nước maya ảo ảnh, thở bằng ánh nắng và không khí tham dục.... Một cái cây như vậy, làm sao tránh khỏi "Có hoa nào không tàn, có tình nào không phai?" và "Phải đập vỡ bao nhiêu cái gương xưa, để tìm lại cái bóng ảo ảnh của người tình đã mất?".
Với đại đa số nhân loại có hai lực chính chi phối đời sống lứa đôi: luật nhân quả và lực âm dương. Do không hiểu luật, không hiểu bản chất ảo ảnh và giả tạm của phàm ngã (ngũ uẩn, tứ đại, lục căn) không hiểu ý nghĩa của đời sống, cũng chẳng có ý niệm rõ rệt nào về sự sống, sự tiến hóa ... những cặp nam nữ ấy làm sao tránh khỏi chuỗi dài vi phạm luật? Đau khổ chồng chất, vay và trả ... Chỉ khi nào đóa hoa chân tâm bừng nở, xác tín được chân lý, tự mình bước đi trên "con đường trở về", tạo nghiệp tốt, vui lòng trả nghiệp xấu đã gây nên trong quá khứ. Khi ấy hành giả bắt đầu thoát khỏi "tình là dây oan".
Ngoài ra, nói một cách "tuyệt đối", khi mà chúng ta vẫn còn làm người, vẫn còn sử dụng phàm ngã (kama-manas) chúng ta vẫn còn đau khổ, thể xác nào rồi cũng già yếu, bệnh hoạn, sự chết sẽ đến ... người tình mà chúng ta yêu mến nhất rồi cũng từ giã ta mà đi. Dù biết là "không có gì mất, chẳng có gì còn", thế nhưng làm sao tránh khỏi đau buồn? Quả vị thánh nhân hãy còn xa quá ...!
Nói lên điều này có bi quan quá không? Hình như ai cũng có ít nhiều mâu thuẩn. Ngày xưa đó …anh cũng vướng phải sợi tóc mây và đó là mối tình đẹp, lảng mạn Và một số người họ là Phật Tử, họ có đời sống gia đình đẹp, vui vẻ, lạc quan, yêu thích nghệ thuật và tin tưởng nơi sức mạnh của thần Cupid (Thần ái tình) ,và họ cũng tin, có quan niệm đời là khổ, tình là khổ!? Có cái gì đó mâu thuẫn về quan niệm so với cá tính của họ? Hay là tại vì họ là Phật Tử nên tin theo lời của vị Thầy? Còn điều này nữa, từ xưa đến nay, văn học nghệ thuật từ Đông sang Tây đều ca tụng tình yêu. Vậy thì có mâu thuẫn lớn giữa Phật Giáo và các ngành nghệ thuật?
Câu hỏi này có liên quan mật thiết đến loài hoa mà ai cũng thích: hoa sen, hầu như tất cả chúng ta đều thuộc bài "trong đầm gì đẹp bằng sen ... gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"
Bên dưới mặt nước là cuộc đời đầy đau khổ. Thế giới của vô minh, của ngũ uẩn, của tham vọng, của vô thường, của tối tăm, của tử vong, của giả tạo, của ảo mộng ... Bên trên mặt nước là sự giải thoát, là tự do. Hoa nở tức là tuệ giác hay đóa hoa chân tâm đã nở. Sự bừng nở của hoa được gọi là "hiện tại vĩnh cửu", nó bức phá tất cả ràng buộc, trạng thái an nhiên tự tại của an lạc, đứng bên ngoài dơ/sạch, không còn lệ thuộc vui/buồn, không còn vướng mắc trong vòng nhị nguyên của thiện/ác, già chết/hết già chết, thêm/bớt, còn/mất, lạc quan/bi quan, thành/bại, chứng đắc/không chứng đắc.... Ngài Long Thọ (Nagarjuna) gọi là "trung đạo", nó tương đương với chữ "không" đề cập trong Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh. Hoa Chân Tâm nở, hành giả kinh nghiệm thật sự chân hạnh phúc... Ta không còn thấy gì là mâu thuẫn, nếu có người đang sống trong cuộc đời đau khổ này thế nhưng tâm thức họ đã vượt xa sự hạn chế của cuộc đời đau khổ, tăng trưởng một cách tự nhiên như đóa hoa sen. Đối với hoa sen: không có bùn lầy, cũng không có bên trên/bên dưới mặt nước...
Trả lời câu hỏi Đạo Phật hoặc Phật Tử có bi quan yếm thế hay không? Trọng tâm của Phật Giáo nằm ở Diệu Đế thứ tư, con dường diệt khổ tức là Bát Chánh Đạo, trọng tâm không nằm ở đế thứ nhất hay là "khổ đế". Cũng giống vậy, trọng tâm ở hoa sen, chứ không ở rễ sen, cành sen ... Chúng ta hướng thượng, hướng về chân tâm, Chân Ngã hay Phật tính, chứ không hướng về phàm ngã vô thường. Dĩ nhiên tất cả đều cần thiết.
Có một sự thôi thúc âm thầm nhưng mãnh liệt nơi tâm hồn của những người Phật tử chân chính: sự thôi thúc bừng nở đóa hoa chân tâm. Họ không lạc quan cũng chẳng bi quan, họ tăng trưởng một cách tự nhiên, như cánh hoa sen trong đầm lầy, an nhiên tự tại. Thần thức tỉnh của Phật tử chân chính có tâm điểm ở đế thứ tư, vì thế không thể nào nói là họ bi quan, yếm thế, thụ động ...Đế thứ nhất chỉ là một sự thật hay chân lý thuộc về nhận định. Không ai tin rằng đời là khổ, tình là khổ chỉ vì đó là lời Phật dạy. Đức Phật không khuyến khích như vậy, ngài khuyến khích chúng ta tự do tư tưởng và hãy có đức tin một cách minh triết.
Câu hỏi so sánh tình yêu trong nghệ thuật và trong Phật Giáo: Những mối tình được gọi là đẹp, có yếu tố hy sinh, tha thứ, trách nhiệm, có ý chí vượt qua nghịch cảnh, hoặc là giai cấp, màu da, địa vị, phong tục tập quán ... Đồng ý đó là những mối tình cao thượng, vượt xa mức trung bình của ích kỷ. Phật Giáo vẫn đề cao những đức tính hy sinh, tha thứ, tinh thần trách nhiệm ... Thế nhưng, những mối tình ấy vẫn không thể tránh khỏi ràng buộc chỉ vì nó vẫn trong vòng thời gian và nhị nguyên, những cặp nam nữ ấy vẫn sẽ phải trở lại trần gian này học hỏi bài học cần phải học để có thể thăng hoa tình cảm cá nhân hạn hẹp đó trở thành lòng từ ái của bồ đề tâm, một loại tình yêu cao cả, không điều kiện, không biên cương .... Trên phương diện năng lượng hay là sức sống (energy), năng lượng an lạc bác ái của bồ đề tâm có nhiều triệu lần hơn năng lượng của tình yêu nam nữ thể hiện trong quan niệm Đông Tây.
Một câu chuyện trong quyển sách phóng tác của Nguyên Phong. Chuyện kể lại một anh thanh niên Mỹ, rất cao lớn, đẹp trai, là thần tượng của các cô nơi trường trung và đại học. Anh rất có tài, đàn hát giỏi và lại là cầu thủ môn dã cầu. Dĩ nhiên anh có vô số tình nhân. Bên ly rượu và những cuộc vui thâu đêm đã không thỏa mãn anh mà chỉ mang lại sự trống vắng và chán chường! Những mối tình không kéo dài lâu, nó đến và ra đi không lưu lại bao nhiêu dấu vết. Sâu thẳm nơi nội tâm, những câu hỏi, không có câu trả lời, ám ảnh thôi thúc anh đi tìm giải đáp: "trên đời này, có tình yêu vô nhiễm thật sự hay không? không điều kiện, trong sạch, và bất biến với thời gian?"
Anh đi tìm giải đáp bằng cách lang thang khắp nơi, vô định, như mây trắng trên trời. Một ngày kia, tại Dharamsala anh gặp một bà lão hành khất bên vệ đường. Bà lão già lắm, bệnh tật, cô quạnh ngồi bên lề đường. Anh bạn của chúng ta quỳ xuống, đối mặt với bà lão, thoảng khoảnh khắc, anh nhìn thấy sự chết và lẽ vô thường của một kiếp người.... Lặng lẽ, anh nhường lại cho bà lão hết phần bánh mì mang theo. Lúc ấy, có một con chó, trơ xương vì ốm đói, từ đâu đó chạy đến bên bà lão. Một cách tự nhiên, vô tâm, không suy tính toán hoặc do dự, bà lão bẻ đôi ổ bánh mì chia cho con chó...
Anh bạn của chúng ta rúng động toàn thân, hình như có một dòng điện cao tần xuyên qua, anh bật khóc không thể nào cưỡng lại được. Anh đã tìm được câu trả lời, và từ đây, một sự sống mới bắt đầu... Phép lạ vẫn xảy ra cho bất kỳ ai đó, nếu có những khao khát chân lý và chân thành tìm giải đáp
Trong kinh sách Phật Giáo, có đề cập đến tình yêu nam nữ không? Nếu tình là khổ! Tại sao Phật Giáo không chủ trương sống độc thân hoặc ly gia cắt ái đi tu tìm chân hạnh phúc? Riêng chúng ta, kinh nghiệm thực sự của chúng ta trong đời sống gia đình như thế nào? Có bị dây oan không? Ngoài ra, có khoảng cách 2,500 năm so với thời Đức Phật còn tại thế. Con số này có làm cho ta suy nghĩ cho hợp với thời đại? Dù sao đi nữa chúng ta cũng đang ở thế kỷ thứ 21.
Trong cuộc đời có hai hạng người: hạng người hiểu biết và hạng người chưa hiểu biết (vô minh). Người vô minh ngụp lặn trong đam mê, dục lạc và chiếm hữu, từ nhiều kiếp quá khứ họ đã làm lệch cán cân thăng bằng của luật nhân quả... Kết quả hiển nhiên là họ phải trở đi trở lại nhiều lần để điều chỉnh lại khiếm khuyết, tạo lập lại cân bằng, để học cho thuộc, trong đau khổ, bài học đã gây quá nhiều đau khổ cho người khác phái. Người hiểu biết (thiểu số còn lại), họ tỉnh thức có mức độ và có sự tự chủ khá cao. Số người hiểu biết này sẽ tăng dần với sự tiến hóa của loài người, họ là những linh hồn già (nói một cách dễ hiểu)
Phật Giáo có lạc điệu trong thế kỷ thứ 21? Thời Đức Phật tại thế, có khác với hiện tại, dĩ nhiên, nhưng mà đau khổ thì không đổi, nước mắt thời điểm nào cũng có vị mặn cả! Nhân loại ngày nay cân bằng được nhiều hơn giữa lý trí và tình cảm, tỷ lệ thuận với sự giao lưu tăng nhanh giữa văn hóa Âu/Á. Thí dụ người Âu/Mỹ/Úc sống thiên về lý trí, người Á Châu thiên về tình cảm, sự cân bằng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn nhiều so với 2,500 về trước.
Sự cân bằng này rất quan trọng, nó đánh dấu một bước tiến, một chặng đường trên bước đường tiến hóa, đau khổ sẽ giảm thiểu nhiều, nếu biết cách cân bằng... Chúng ta có quyền lạc quan, với thời gian, sự trưởng thành trong đau khổ, nhân loại sẽ ngày càng tỉnh thức, đủ sức tìm ra con đường, thoát ra khỏi đau khổ. Phật Giáo sẽ có một vai trò không nhỏ trong tiến trình này.
Như vậy đời là khổ, tình là khổ tùy thuộc vào con người hiểu biết và chưa hiểu biết. Đa số Phật Tử chúng ta hiểu biết thì không thực sự có nhiều, mà vô minh thì cũng không hẳn vô minh, công phu tu tập không mỏng cũng không quá dày! Vả lại, ai dại gì chịu nhận mình vô minh
Không có "lối mòn hoa gấm" trên con đường thực hiện Phật tính! Chúng ta đã tuyên chiến với phàm ngã, và đã chọn con đường dốc đứng, đã thệ nguyện với lòng cho một đời sống hướng thượng. Không còn con đường nào khác hơn "tu" hầu có thể thoát khỏi nhân quả/luân hồi đau khổ triền miên. Tu bằng cách nào? Nhanh chậm ra sao hoàn toàn tùy thuộc cá nhân hành giả. Chúng ta hãy đứng lên, làm chủ vận mệnh của mình, chúng ta tự thưởng, tự phạt và lập luật lệ cho chính mình. Luật thiên nhiên rất công bằng và trung tính (nhân quả, luân hồi, tiến hóa), chúng ta mới là người chủ động. Quay trở vào nội tâm, tìm sự giúp đỡ của "Ông Phật trong tâm" và tự thắp đuốc lên mà đi.
Chúng ta có thực sự muốn "tu" hay không? Có thực sự muốn thoát khỏi tình trạng "lửng lơ con cá vàng hay không?". Đó là câu hỏi cho tất cả mọi người... Giống như môn "động lực học", cần có một động lực thúc đẩy tiến tới. Lòng khao khát chân lý là một động lực, lòng say mê nghệ thuật/sự mỹ lệ là một động lực, lòng bác ái, yêu thương người không may là một động lực, lòng yêu thích thiên nhiên, yêu trẻ con là một động lực, ngay cả tham vọng cũng là một động lực, dù là xấu... Tùy theo khả năng và khuynh hướng của từng cá nhân mà chúng ta chọn con đường thích hợp. Nếu quá yếu, không có một động lực nào cả, thì chỉ còn chờ đợi thời gian và đau khổ làm động lực thúc đẩy mà thôi...! Và đó là điều mà không ai muốn cả...
Nói đi thì phải nói lại: với nhiều người tình yêu dù là cao hay thấp cũng là cần thiết cho đời sống. Ai cũng biết người ta thường nói "loài người mà thiếu tình yêu thì cũng giống như....canh chua thiếu muối ớt ". Nếu thiếu tình yêu, có lẽ đời là "bể khổ" thật!. Những cặp tình nhân hoặc vợ chồng thỉnh thoảng có "cắn" nhau, nhưng sau đó thì lại "yêu" nhau hơn... Như vậy "cắn nhau" không hẳn là xấu lắm đâu, phải không?. Nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng thì đẹp hơn màu đen hay sao?. Không chừng nếu nhân loại chịu tự kỷ ám thị: tình yêu là lãng mạn, tình yêu là trang trọng, đẹp hơn tất cả mọi thứ trên đời và vượt thời gian.... biết đâu chừng chúng ta có được "thiên đàng hạ giới", mà không cần phải thiền định, ngồi khoanh tròn đau chân và giới luật rắc rối?
Xin góp ý một vài điều. Yêu và ghét là hai mặt của một vấn đề, giống như hai mặt của một đồng tiền. Nó phụ thuộc lẫn nhau, vô thường như nhau và tương đối với nhau. Những người đi trên con đường thiền định không vướng mắc ở hai thái cực, họ đi con đường trung đạo, con đường chính giữa, xin phép được mở một ngoặc đơn tại đây: chính giữa hoàn toàn không có ý nghĩa hình học.
Người tu thiền cũng không nhìn sự việc qua cặp kính màu, cho dù kính ấy có đẹp đến đâu. Họ trực diện thẳng đến chân lý, hội nhập với chân lý trong tĩnh lặng và cô đơn. Và chân lý thì lúc nào cũng đơn giản. Có người ví von như thế này: con đường trung đạo mỏng và sắc bén như lưỡi dao lam, hai bên đường là vực thẳm... Chân lý tương đối cũng có giá trị của nó, tuyệt đại đa số nhân loại vẩn sinh hoạt và sống trong chân lý tương đối (nhị nguyên). Con đường chúng ta đi là trực nhận chân lý tuyệt đối. Đó là đích nhắm của thiền sinh.
Dĩ nhiên chúng ta vẫn thường xuyên sử dụng chân lý tương đối, vẫn sống trong cuộc đời tương đối và chúng ta chưa là thánh nhân. Chúng ta vẫn làm tròn bổn phận người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, vẫn cố gắng giữ gìn giới luật, vẫn gắng bước nỗ lực tinh tấn, thành công và thất bại trên con đường "tiệm tiến"... Có hai chiều rõ rệt trong sự tu tập: một chiều là hướng thượng bằng cố gắng tiệm tiến, con đường của ngài Thần Tú, trong khi chúng ta đang sống trong thế giới tương đối của nhị nguyên. Và chiều kia, cái chiều mà chúng ta vẫn xem như kết quả của con đường tu thiền: đó là cái chiều của "đốn ngộ" và ảnh hưởng ngược lại từ Chân ngã xuống phàm ngã, phàm ngã quy phục và hội nhập với chân ngã trong sự bình an. Khi ấy sẽ giống như những gì ngài Huệ Năng diễn tả...Ai cũng có trọn quyền tự do chọn lựa cái chiều mình muốn.
Không phải chỉ có mỗi một Đức Phật nói về khổ đế. Kinh Bhagava Gita và trong Yoga Sutras của Đạo Sư Patanjali cũng có đề cập đến đời là khổ. Đối với các bậc Đạo Sư, cuộc đời là ảo ảnh, vô thường, giả tạm, nhị nguyên, đầy âu lo, ưu phiền, giới hạn và đau khổ triền miên. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đưa chúng ta đi xa hơn, ngài trình bày hai thế giới: thế giới chúng ta đang sống, tức là thế giới nhị nguyên, thế giới của chân lý tương đối, thế giới của giới hạn và đau khổ. Và cũng giống như các bậc đạo sư khác, ngài Long Thọ trình bày và mời gọi chúng ta hãy bước vào thế giới của các ngài, thế giới của chân lý tuyệt đối, của Chân Ngã, Phật Tính ...
Bằng Trung Quán Luận, ngài trình bày con đường trung đạo, con đường đưa hành giả thoát khỏi ràng buộc của nhị nguyên. Trung Đạo có nghĩa là không vướng mắc ở hai cực điểm. Bằng thiền định hành giả sẽ tăng trưởng như một đóa hoa sen, thoát khỏi bùn lầy tù đày và đau khổ. Giây phút hoa nở, giây phút huy hoàng giác ngộ, từ nơi chốn thâm sâu yên lặng của nội tâm, hành giả tự biết một cách không chút nghi ngờ: mình đã tìm ra được con đường đạo. Chúng ta muốn gọi giây phút đó là gì tùy ý, đó là tiếng nói thinh lặng, cất lên ở nơi không có người nào cả, đó là một sứ giả giáng lâm, vị sứ giả không hình bóng, hay là đóa hoa tâm hồn đã mở ...
Con đường hãy còn dài, sự đau khổ, thử thách sẽ còn dữ dội hơn nữa, trước khi Phàm Ngã quy phục hoàn toàn Chân Ngã cao siêu. Từ đây cho dù có lúc hành giả thất bại, xa rời con đường chính, phân vân, nghi ngờ, sợ hãi ... thì rồi một ngày kia tiếng nói đó cũng sẽ cất lên, cắn rứt tâm hồn, chia đôi tham dục với thiên lương. Bấy giờ mặc cho phàm nhân kêu la tuyệt vọng, hành giả sẽ trở về với đạo, và chỉ bấy giờ tình mới bắt đầu không là dây oan nữa.

Nguồn: http://phungsutheosophia.org/Web%20pages/baiviet.html


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.11 khách