Trang 1 trên 1

Trạng Thái ấy là gì ?

Đã gửi: 09/05/09 21:42
gửi bởi thichtambinh1985
HỎI: Từ trước đến nay tôi thường tu tập tụng kinh, niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Thời gian gần đây, trong lúc niệm Phật bỗng xuất hiện trạng thái tâm không niệm nữa mà yên lặng không một dấy động, tâm trống rỗng không còn vọng tưởng. Tôi nghĩ rằng mình đã nhập định hay nhập thiền. Nay xin hỏi quý báo, trạng thái tâm như vậy thuộc về Thiền hay Tịnh độ? Nên tiếp tục lộ trình tu tập thế nào?

Tu tập niệm Phật phải hướng đến nhất tâm, không còn tạp niệm, vọng tưởng xen vào và tôi đã cố gắng niệm Phật liên tục trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong các hoạt động đều cần phải có sự suy nghĩ trước, như vậy những ý nghĩ đó có phải tạp niệm không?
Trong khi niệm Phật đôi lúc tôi nghĩ rằng: Không phải mình lơ là niệm Phật do lo nghĩ đến công việc mà vì mình không lo nghĩ đến công việc mà cứ lo niệm Phật. Nghĩ như vậy có nên không ? (NGUYỄN CHÍ HẢI, Bình Chánh, Bình Thành, Thanh Bình, Đồng Tháp; ĐINH HỮU HẠNH, Trảng Bom, Đồng Nai)





ĐÁP:

Bạn Nguyễn Chí Hải và Đinh Hữu Hạnh thân mến!

Một hành giả có công phu tu tập lâu ngày, nhờ niệm Phật mà giữ chánh niệm liên tục, khiến định lực tăng trưởng, có thể dễ dàng đạt đến nhất tâm. Đối với những hành giả dụng công tu tập tinh chuyên thì “trạng thái tâm yên lặng không một dấy động, tâm trống rỗng không còn vọng tưởng” là chuyện bình thường. Lúc bấy giờ, tâm đạt được chánh niệm cao độ, định tĩnh vắng lặng mà sáng suốt rõ biết.

Theo chúng tôi, không nên và không cần quan tâm đến tên gọi của trạng thái tâm yên lặng ấy. Bởi khởi tâm phân biệt về nhập định hay nhập thiền hoặc tâm đó thuộc về Thiền hay Tịnh đều là vọng tưởng. Và dù cho tu tập bất cứ pháp môn nào, hoặc Thiền hoặc Tịnh, thì lộ trình tâm trong giai đoạn đầu đều trải qua những trạng thái như thế; từ loạn động đến an tịnh, từ tạp niệm đến nhất niệm, làm nền tảng cho định phát sanh. Tất cả những biểu hiện ấy là công năng của niệm, hành giả tu tập niệm Phật hay niệm hơi thở nếu phát huy và duy trì chánh niệm cao độ thì định lực càng vững chãi.

Ban đầu tu tập trì niệm danh hiệu Phật thì sáu chữ Di Đà-Nam mô A Di Đà Phật là đối tượng niệm, hành giả phải cột tâm vào danh hiệu Phật ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt là trong các thời khóa như tọa thiền niệm Phật hay kinh hành niệm Phật thì công phu niệm Phật được gia tâm lên đến đỉnh cao, chánh niệm trọn vẹn. Ngay đây, hành giả cảm nhận được trạng thái tâm vắng lặng, an tịnh, rỗng rang, dứt bặt vọng tưởng (kể cả việc trì niệm) nhưng tâm vẫn sáng tỏ, rõ ràng, suốt biết tất cả. Đây là tiền đề cho việc thành tựu niệm Phật nhất tâm bất loạn hay niệm Phật đạt đến nhất tâm. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng duy trì và an trú tâm vững chắc trong trạng thái nhất tâm ấy. Nếu niệm lực và định lực chưa sâu dày thì vọng tưởng sẽ khởi lên và hành giả lại phải bắt đầu công phu niệm Phật để giữ tâm như vẫn thực hành mỗi ngày.

Vì vậy, trong quá trình tu tập niệm Phật, đạt đến trạng thái tâm an tịnh như đã trình bày là rất tốt. Vấn đề là luôn giữ vững sự trì niệm danh hiệu Phật, bởi cốt tủy của pháp môn Tịnh độ là niệm Phật đạt đến nhất tâm, thể nhập Tự tánh Di Đà.

Riêng đối với vấn đề suy nghĩ trước khi hành động, nói năng hay những ứng xử hợp lý trong đời sống thường ngày có phải là tạp niệm, vọng tưởng, làm trở ngại công phu niệm Phật không, theo chúng tôi, không trở ngại gì cả mà còn được công phu niệm Phật soi sáng. Tâm của chúng ta hoạt động liên tục, gần như không gián đoạn và phần lớn là ta không kiểm soát, không làm chủ được tâm mình. Khi tu tập niệm Phật, ta bắt đầu nhận diện rõ tâm của mình hơn. Nhờ nhận biết được tâm nên khi cần tư duy để làm việc ta ý thức rất rõ ràng về tư duy, suy nghĩ đương tại của mình. Nhờ có sự chánh niệm như vậy nên những suy nghĩ ấy đều đúng đắn, không tổn hại, từ bi hỷ xả. Khi không cần tư duy để ứng xử cho phù hợp thì ta buông xả hết các ý niệm khác, chỉ duy trì trong tâm câu niệm Phật.

Trong quá trình tu tập, cần nhận rõ về tạp niệm là những ý niệm lang thang, không ý thức được và không kiểm soát được. Những tư suy, suy nghĩ có ý thức soi sáng, được ghi nhận và kiểm soát rõ ràng là chánh niệm. Hai dạng tâm này rất khác nhau, nên một hành giả tu tập niệm Phật vẫn có thể tư duy cho công việc thường nhật một cách bình thường mà không hề trở ngại gì cả.

Tuy nhiên, suy nghĩ và băn khoăn như “không phải mình lơ là niệm Phật do lo nghĩ đến công việc mà vì mình không lo nghĩ đến công việc mà cứ lo niệm Phật” thì quả là không cần thiết. Vì như đã nói, khi cần suy nghĩ cho công việc thì cứ suy nghĩ nhưng phải suy nghĩ với chánh niệm. Năng lượng và công đức tu tập niệm Phật sẽ làm nền tảng cho những suy nghĩ, hành động, ứng xử của chúng ta đúng đắn như pháp. Sau khi tính toán, sắp xếp công việc xong xuôi thì buông hết, trong tâm chỉ còn câu niệm Phật mà thôi.

Chúc các bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

Nguồn: giacngo.vn

Re: Trạng Thái ấy là gì ?

Đã gửi: 09/05/09 21:50
gửi bởi thichtambinh1985
Chú Diệu Âm trả lời
Cháu Phượng,
Cháu viết thư lời lẽ chân thành, tâm cháu rất tốt. Chú trả lời cho cháu đây.

1)Cháu muốn tìm một minh sư thì chú giới thiệu cho cháu liền. Ngài Tịnh Không là minh sư đó. Chú chỉ dám giới thiệu với cháu 1 người này thôi. Tùy duyên mà học hỏi.

2)Cháu thấy chân tướng toàn là khổ đau, giả tạm không thật. Biết vậy thì tập buông xả để niệm Phật. Nhắc rõ rằng, "Buông xả" có nghiã là không chấp, không lo, không buồn, không khổ, không cạnh tranh, không ganh tỵ, không nói thị phi, v.v... nói chung là tập cho tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng, không nhức đầu vì tiền bạc, không bận bịu danh vọng, không đổ mồ hôi sôi nước mắt để mưu cầu sự nghiệp giả tạm nữa. Tất cả đều để tự nhiên, tự nhiên có, tự nhiên mất, tự nhiên đến, tự nhiên đi, tự nhiên được, tự nhiên mất, v.v... Gọi là buông xả, chứ không phải buông xả là sống xả láng, bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ cha, bỏ mẹ... đâu nghen.

Người biết buông xả thì lúc nào cũng vui, vì có gì quan trọng đâu mà buồn. Người còn buồn bã, phiền muộn, còn tức chuyện này, còn sợ chuyện nọ... thì chưa biết buông xả vậy!

3) Cháu thường thấy mình còn vọng tưởng, tâm không an định để niệm Phật, đây là chuyện rất thông thường chứ không có gì lớn lắm đâu. Thật tế, hình như ai cũng vậy cả, chính chú Diệu Âm này cũng không tránh khỏi.
Trong KNNP chú có nói khá nhiều về điều này, (hình như tập 3?). Đừng sợ. Hãy coi đó là điều tự nhiên, vì chúng ta đều là phàm phu mà! Nếu không có vọng tưởng thì cháu thành Phật bồ tát rồi, còn đâu phải hỏi đến chú.

Cho nên muốn hết vọng tưởng thì:
-Không thèm để ý đến nó nữa, không buồn vì vọng tưởng nữa, không sợ vọng tưởng nữa, không ghét vọng tưởng nữa... Không để ý đến thì nó đến hay đi kệ nó. Không buồn vì nó nữa thì ta cảm thấy thoải mái, vui tươi hơn. Không sợ vọng tưởng nữa thì ta an nhiên tự tại. Không ghét vọng tưởng nữa thì tâm ta thấy bình đẳng, không chê ai lắm, cũng không khen ai nhiều. Tâm ta bình lặng

- Lợi dụng vọng tưởng để tu hành. Nghĩa là, thấy mình có vọng tưởng thì biết mình căn cơ thấp, nghiệp nặng, chướng dày... Vậy thì hãy tự nhắc nhở công phu, tu hành nhiều hơn. Nhiều người cạn suy, tâm ý lỗ mãn không tự thấy mình là hạ căn, hạ trí, ưa nói huyền nói diệu mới là người tội nghiệp, vì sau cùng họ sẽ bị nạn rất nặng, chứ ta đã biết rồi thì giải nạn dễ lắm.

- Giải nạn băng cách nào? Chẳng sợ Niệm khởi, chỉ sợ Giác chậm. Niệm là chỉ cho vọng niệm, tạp niệm, nghĩ ngợi lung tung.. Giác là câu A-di-đà Phật. Nếu vọng niệm khởi lên, thì miệng niệm A-di-đà Phật liền, không cần suy nghĩ chi cho mệt óc, không cần biết vọng niệm có hết hay không, không cần xem xét vọng niệm lớn hay nhỏ, xấu hay tốt, nặng hay nhẹ. Mặc kệ nó đi, cứ cất lời niệm câu Phật hiệu thì một thời gian cháu sẽ thấy kết quả. Tuyệt vời.

Pháp niệm Phật là pháp đại giải nạn, không những giải nạn mà còn dễ dàng thành đạo nữa. Cháu đã xem qua nhiều video vãng sanh rồi phải Không? Vãng sanh thì sẽ thành đạo đó. Dễ dàng không? Rõ ràng, ai cũng có thể VS cả phải không? Như vậy chính cháu cũng sẽ VS dễ dàng, chỉ cần biết cách tu thì được thôi.

4)Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không sát, tu 10 điều thiện thì rất quan trọng, ai cũng phải lo làm.

Hiếu dưỡng cha mẹ là cái đức đầu tiên trong Phật giáo. Người không có hiếu thuận với cha mẹ không thể học Phật, không thể coi là người tốt được.

Phụng sự Sư trưởng là kính trên nhường dưới. Người ăn nói vô lễ, cử chỉ hỗn hào, tánh tình cao ngạo... phạm phải điều này.

Sát sanh hại vật chắc chắn bị quả báo tệ hại, thường bị bệnh hoạn khổ đau về sau. Những chứng bệnh nan y không chữa trị được hầu hết đều liên quan đến việc sát sanh. Hơn nữa, các bệnh về oan gia trái chủ đều từ sát sanh mà ra. Phải biết lành thiện lành, phóng sanh lợi vật, niệm Phật cầu sám hối mới mong giảm trừ.

Mười điều thiện là căn bản để thành người hiền lành.

4 điều này phải lo tròn, chớ nên sơ suất. Cháu phải cố gắng hết sức đẻ làm nhé.

5) Niệm Phật nhất tâm bất loạn. Đây là kết quả cuả công phu tu tập, và nói thực rõ hơn là cảnh giới chứng đắc khi ta phá được ít ra cũng sạch hết nghiệp hoặc mới được, chứ không phải niệm Phật được một vài phút an tịnh đâu. Nhiều người hiểu lầm chuyện này, thành ra khi ngồi niệm Phật có cảm giác lâng lâng nhẹ nhõm một chút thì tưởng mình đã niệm Phật nhất tâm bất loạn, chạy đi khoe khắp nơi. Không phải vậy đâu. Người ưa khoe như vậy coi chừng bị trở ngại đó!

Cho nên cháu không cần nghĩ đến việc nhất tâm bất loạn làm chi cho mệt óc. Tập buông xả thì chuyện nhất tâm bất loạn cũng buông xả luôn đi. Hãy lo cái nhân, đừng lo cái quả. Cái quả cứ để tự nhiên. Tự nhiên đến, đi, còn, mất... kệ nó. Được như vậy mới có thể nhất tâm bất loạn, chứ cứ mong cầu nhất tâm bất loạn thi vĩnh viễn không được đâu!

Muốn thành tựu đạo nghiệp thì chí thành chí kính niệm Phật, tha thiết cầu sanh Tịnh Độ. Tin tưởng vững vàng, thì cuối đời được vãng sanh bất thối thành Phật vậy.

Chú Diệu Âm
(12/11/09)