Các giai thoại về ngài Văn Thù Bồ tát ( Manjusri bodhisattva) rất độc đáo

Kính mời các bạn tham gia ghi lại kinh nghiệm tu tập và những gì mắt thấy tai nghe về sự cảm ứng nhờ hành trì giáo lý Phật.
dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Các giai thoại về ngài Văn Thù Bồ tát ( Manjusri bodhisattva) rất độc đáo

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

GIAI THOẠI ĐỘC ĐÁO:
THIỀN SƯ VĂN HỈ
GẶP BỒ TÁT VĂN THÙ (Manjusri bodhisattva)

-Tác giả :TUỆ QUÁN



Xưa, Ngài Vô Trước Văn Hỉ Thiền sư đến động Kim Cương ở núi Ngũ Đài chiêm bái Đức Văn Thù.
Ngài gặp một ông già đang dắt trâu đi và mời Ngài vào chùa.
Ông già gọi: “Sa di!”, thì có một đồng tử ứng tiếng dạ, chạy ra tiếp.
Ông già thả trâu đi, dắt thiền sư lên nhà khách.
Nhà cửa đều chói lọi ánh vàng.
Ông già ngồi lên giường, chỉ một cái đôn gấm mời Ngài ngồi.
Ông nói: “Ông từ đâu tới?”.
Sư Văn Hỉ đáp: “Phương Nam”.
Ông hỏi: “Phật Pháp ở phương Nam trụ trì thế nào?”
Sư đáp: “Đời mạt pháp các Tỳ kheo ít phụng trì Giới Luật”.
Ông hỏi: “Chúng nhiều ít ?”
Sư đáp: “Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm”.
Sư Văn Hỉ trở lại hỏi:
“Phật pháp ở đây trụ trì thế nào?”.
Ông già trả lời:
“Rồng rắn lẫn lộn, phàm Thánh ở chung”.

Sư hỏi: “Chúng nhiều ít?”.
Ông đáp:
“Trước ba ba, sau ba ba(1)”.
Ông kêu đồng tử đem trà và váng sữa(2) lại.
Sư dùng xong, tâm ý thông suốt.
Ông già cầm chén pha lê lên hỏi:
“Phương Nam có thứ này không?”.
Sư đáp: “Không có”.
Ông hỏi: “Bình thường lấy gì uống trà?”.
Sư không đáp được.
Văn Hỉ thấy trời đã tối, bèn hỏi ông ở lại một đêm được chăng.
Ông già nói: “Ông còn cái tâm chấp không thể ở lại”.
Sư nói: “Tôi đâu có tâm câu chấp”.
Ông già hỏi: “Ông đã thọ giới chưa?”.
Sư đáp: “Thọ giới đã lâu”.
Ông già nói: “Nếu không có cái tâm chấp, thì thọ giới để làm gì?”.
Sư cáo từ. Ông già bảo đồng tử tiễn Ngài về.
--
Ngài hỏi đồng tử:
“Trước ba ba, sau ba ba là nhiều ít?”.
Đồng tử gọi lớn: “Đại đức!”.
Sư ứng tiếng dạ.
Đồng tử nói: “Đó là nhiều ít?”.
Sư Hỉ lại hỏi: “Đây là chỗ nào?”.
Đáp rằng: “Đây là động Kim Cương, chùa Bát Nhã”.
Sư Văn Hỉ mới tỉnh ngộ ra rằng ông già tức là Văn Thù vậy.
Không thể ra mắt trở lại đđược nữa,
Bèn cúi đầu trước đồng tử, xin một lời nói để từ biệt.
Đồng tử đọc bài kệ:
Trên mặt không sân: Đồ cúng dường
Trong miệng không sân: Xuất Diệu Hương
Trong tâm không sân là châu báu
Không dơ, không nhiễm tức Chân Thường.
Nói xong, cả người lẫn chùa đều ẩn mất.
--
Thầy Hỉ sau tham học với Tổ Ngưỡng Sơn, chóng ngộ tâm khế, giữ chức Điển Tòa(3).
Khi nấu ăn, đức Văn Thù thường hiện hình trên nồi cháo.
Sư Văn Hỉ lấy cái đũa tre quậy cháo đánh mà nói rằng:
“Văn Thù tự mặc Văn Thù. Văn Hỉ tự mặc Văn Hỉ”.
Đức Văn Thù bèn nói bài kệ:
“Bầu đắng rễ cũng đắng,
Dưa ngọt tận cuống ngọt
Tu hành ba đại kiếp
Lại bị lão tăng từ (chối)”.
Tổ Tuyết Đậu tụng rằng :
“Ngàn đỉnh nhấp nhô một màu lam
Ai là Văn Thù để đối đàm
Nực cười Thanh Lương(4) nhiều ít chúng
Trước ba ba sau cũng ba ba”.
Một giai thoại tuyệt vời cho người học đạo.
Ngài Văn Hỉ muốn đến núi Ngũ Đài lể bái đức Văn Thù, chiêm bái bức tượng Bồ tát Văn Thù,
Trong khi Văn Thù xuất hiện trước mặt mà lại lầm qua.
Ông già chăn trâu rất kỹ, không rời dây buộc.
Khi tiếp khách thì gọi đồng tử thay mình dắt trâu đi, không một giây phút quên chăn con trâu tâm,
Thật là bài học dạy người,
Con trâu tâm như viên ý mã, chưa hàng phục được,
Chưa thuần phục ngoan hiền thì chẳng dám rời tay.
Các vị tổ thiền sư đã sáng tác MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU nổi tiếng để dạy người (Thập Mục Ngưu Đồ)
Lúc này, ngài Văn Hỉ chưa ngộ đạo nên không hiểu ý ông già chỉ dạy (Bồ tát Văn Thù - tượng trưng cho trí tuệ).
Qua đoạn đối đáp giữa hai người, Ngài Văn Hỉ chỉ thật thà chân chất trả lời, đâu biết ông già đang khám nghiệm mình.
Hỏi: “Ông từ đâu đến?”, đáp: “Phương Nam”.
Câu đáp tạm ổn. Phương Nam là nơi Lục tổ Huệ Năng hoằng pháp,
Thiền tông phát triển mạnh, cũng muốn nói ta cũng là con của Thiền tông đây.
Đến câu thứ hai trở đi là ngài mù mịt.
Qua câu trả lời ông già biết ngay là chưa gặp được thầy.
Ông già nay đâu rảnh đi hỏi Phật pháp phương Nam trụ trì thế nào, chúng ít nhiều làm gì!
Chỉ là cám cảnh ông đường xa lặn lội tới đây, tùy duyên tiếp đãi khai thị vị người.
Thôi thì có qua có lại mới toại lòng nhau.
Nãy giờ ông già hỏi ngài trả lời.
Bây giờ ngài hỏi, lại được câu trả lời vời vợi, thật giống như muỗi cắn trâu sắt, không có chỗ để cắm mỏ.
Ai hiểu được câu “Rồng rắn lẫn lộn, phàm thánh ở chung” hay “Trước ba ba, sau ba ba” là nghĩa lý gì, chỉ dạy đạo lý gì?
Cũng chớ vội suy diễn lung tung hoặc cho là lời đáp chẳng vì người chẳng lợi ích gì!

Thôi tạm dừng uống trà vậy. Đãi trà ván sữa cho tỉnh táo.
Xong lại cầm chén pha lê lên hỏi, chén pha lê là chén gì? sắc thế nào?
Cũng có ý hay trong đó.
Lại theo cảnh quên mình, thật thà trả lời không có.
Ông già thương tình hỏi lại, nhưng cũng chỉ được “Tưởng ta phụ ông, ai ngờ ông phụ ta”.
Rồi trời tối xin ở lại – quả là vẫn còn tối đen như mực mà! Không được ông già chấp nhận, và còn nói thẳng vì còn tâm chấp nên không ở lại được.
Bồ tát Văn Thù là bậc đại trí, là thầy của bảy vị Phật, sao khó chịu làm vậy!
Học nhân muốn đến chiêm bái mình, lỡ độ đường trời tối xin tá túc một đêm cũng nhứt quyết không cho, quả là ông già khó chịu!
Nhưng chớ vộ trách ông già, chẳng ai cấm ông ở lại, chỉ vì đây là động Kim Cang, chùa Bát Nhã, ông còn mờ mịt thế kia, là tự ông chẳng vào được cửa.
Cảnh giới của Phật, Bồ tát vẫn bít kín ngàn năm…

May mắn được bậc đại trí tiếp cơ, tiếc rằng tâm người học đạo chưa đủ sức nên cũng đành thôi, đỉnh cao chót vót làm sao thấu, miễn cưỡng giao lại cho đồng tử tiếp ở bậc thềm.
Như vậy vẫn còn thương người chán, đừng trách ông lão thiếu từ bi.
Bỏ mặc học nhân chơ vơ nơi núi rừng heo hút.
Chẳng nhẽ lại không được chút lợi ích nào, ra về trắng tay sao?
Ở chỗ ông già không dám hỏi thẳng, đến lúc ra về vẫn còn trĩu nặng tâm tư, mới đem hỏi đồng tử “Trước ba ba, sau ba ba là nhiều ít?”.
Rõ là ông sao cháu vậy, thầy nào trò đó,
chỉ một bề nêu cao thánh lệnh, một đường hướng thượng vì người, kêu to “Đại Đức!”. “Dạ” thật dễ thương! “Đó là nhiều ít?”, cũng vẫn mù mịt và bó tay.
Thôi đành chịu, cá có dũng khí nhưng chẳng vượt được vũ môn, chẳng thể hóa rồng cuộn mây bay đi, tạm bị điểm trán trở về luyện công trở lại.
Tiễn biệt một bài kệ, dù sao cũng rất ư hào phóng. Hai câu đầu thôi, gần gũi, học nhân ứng dụng đã biết bao lợi ích.
Câu thứ ba ở tầng bậc cao hơn “Trong tâm không sân là châu báu”.Đầy đủ thanh tịnh ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý.
Câu kết rõ ràng là tuyệt vời, một cảnh giới của tâm học nhân nào không mơ ước! “Không dơ, không nhiễm tức Chân thường”.
Rất gần với ý nghĩa việc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn bảo đại chúng theo bài kệ của Thần Tú qua giai thoại trình kệ của hai vị đệ tử núi Đông Sơn.
Kệ Thần Tú:
Thân như cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau chùi
Không để dính bụi bặm.
Ngài Huệ Năng (lúc còn cư sĩ) dựa bài kê trên, chỉnh lại mấy chữ
Cây Bồ đề chẳng có
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Làm sao dính bụi trần.
Đây là bài kệ thấy tánh, trình kệ vào cửa của Huệ Năng, Ngũ tổ đã thầm chấp nhận, nhưng đối với đại chúng trong pháp hội, có lẽ hơi lạ lùng, khó hiểu, khó nắm bắt, làm đại chúng kinh hãi.
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn muốn bảo vệ Huệ Năng nên dùng dép xóa đi, nói chưa được, mọi người nên học theo bài kệ của Thần Tú thì được lợi ích!
“Đây là chổ nào?”.
Trả lời “Đây là động Kim Cang, chùa Bát Nhã”.
Quá rõ ràng! Bồ tát có chỗ nào trụ.
Nói xong cả người, chùa đều ẩn mất. Thật là khó có chỗ cho người dò, tùy duyên mà thị hiện thế thôi, thị hiện cũng vì người, xong ẩn vậy, nào để lại dấu vết gì.
Sau này, dưới pháp hội cửa tổ Ngưỡng Sơn, lãnh hội yếu chỉ khi đức Văn Thù xuất hiện lại đánh đuổi đi, sao mà vô ơn quá vậy!

Ngài Văn Hỉ lúc này như con sư tử chúa lông vàng, mỗi lời mỗi câu rống lên âm vang Chánh pháp, nên được Bồ tát ca ngợi.
Một người đã suốt rõ nguồn chân, thì mỗi lời nói, mỗi hành động đều từ tự tánh lưu xuất, người ngoài khó hiểu hành vi của họ,
Đây quả là điều kỳ đặc.
Ngày trước chưa xong, ông bị lừa
Nay rồi gặp lại ngắm gương xưa
Hãy để mọi người tròn to mắt
Ta đây cứ việc đuổi Văn Thù.
________________________________________

(1) Tiền tam tam, hậu tam tam.
(2) Tô lạc.
(3) Lo về trai tăng trong thiền viện.
(4) Núi Ngũ Đài.

nguồn: https://chuaxaloi.vn/
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 07/04/23 04:22 với 4 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Các giai thoại về ngài Văn Thù Bồ tát rất độc đáo

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

BẦN NỮ KHẤT TRAI
(SỰ TÍCH THÁP THỜ TÓC CỦA VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT)


Ngày xưa, có một người đàn bà góa chồng, không biết quê quán ở đâu, rất nghèo nàn đói lạnh, nhưng về phụ hạnh vẹn toàn, khiến hàng phụ nữ và đấng nam nhân, ai ai cũng đều kính phục.

Nàng nghe thiên hạ đồn rằng:
Có một ngôi chùa kia do một vị sư trụ trì, hợp lực cùng mấy nhà từ thiện kiến lập trai đàn. Mục đích là cầu an cho bá tánh và bố thí gạo vải cho dân nghèo.
Nghe tin ấy, nàng rất vui mừng, bèn bồng hai đứa con và dắt con chó đến Chùa để xin bố thí.

Đến nơi, nàng thấy trai đàn trang nghiêm thanh tịnh, đèn thắp sáng choang, khói trầm nghi ngút, những nhà giàu sang thì đang đem tiền của cho người nghèo khổ, thuốc thang tặng cho những người đau ốm bệnh hoạn.
Nàng đứng xớ rớ trong đám người đi xem trai đàn, mà trong lòng thì tự nghĩ:
Người ta giàu có, tiền của dư giả, đem ra làm chay làm phước để cầu phước báu về sau.
Còn mình thì phước mỏng nghiệp dày, thiếu thốn đói khát, há mình không tìm được một cách gì để bố thí làm lành như những người giàu sang kia được?
Nghĩ như vậy rồi, nàng liền tự hớt đầu tóc của mình, đem vào dâng cho vị trụ trì để làm vật bố thí.

Khi ấy chưa đến giờ thọ trai, Tăng chúng và thiện nam tín nữ còn đang hành lễ.
– “Bạch thầy, phận tôi cơ hàn, chồng thì đã chết, để lại cho tôi hai đứa con nhỏ đây, và một đứa con ở trong bụng.
Thế mà người thân chẳng có, gia sản cũng không, nên tấm thân phải vất vả, nay đầu làng mai cuối chợ, ăn nhờ hột cơm dư của quần chúng.
Nay tôi đến đây, xin thầy từ bi bố thí cho mấy mẹ con tôi một ít cơm chay để đỡ lòng, mẹ con tôi còn đi xin nơi khác.”
Vị trụ trì nghe vậy, liền sai ông đạo nhỏ chạy xuống nhà bếp đơm cho nàng ba bát cơm thật đầy.
Vị trụ trì tưởng cho như vậy là đủ.
Ai dè, người đàn bà nhìn ba bát cơm một hồi, rồi thưa:
– Bạch thầy, thầy từ bi cho thêm một bát cơm nữa, đặng cho phần con chó.
Vị trụ trì nghe nàng nói như vậy, thì trong lòng đã hơi giận rồi, nhưng cũng ráng dằn lòng xuống và bảo người đi xúc cho con chó một bát cơm nữa cho êm chuyện.
Nào ngờ, người đàn bà tiếp lấy bát cơm, lại thưa tiếp rằng:
– Bạch thầy! Đứa nhỏ mà tôi đang mang trong bụng đây. Thiết nghĩ thầy cũng nên hoan hỷ cho nó một bát cơm nữa mới đúng!
Vị trụ trì nghe nói như vậy nổi xung, liền lớn tiếng:
– “Kiếp trước nàng ôm lòng bỏn xẻn, không biết bố thí làm nhân, nên nay mới chiêu cảm cái thân bần nữ như thế, lại góa bụa không chồng, sống ăn nhờ của dân chúng, chết chẳng ích gì cho quê hương; vậy mà không biết thân, còn muốn ăn tham của Tăng chúng nữa.
Vả lại xưa nay, có ai thấy những đứa nhỏ còn ở trong bụng mẹ mà người ta cho nó ăn cơm bao giờ, mà nàng đòi xin một cách trái đời như vậy!
Thôi hãy đi chỗ khác, chớ đừng nói chuyện dây dưa mà làm trễ giờ của bần Tăng lễ Phật.”
Câu nói của vị trú trì vừa dứt, thì năm sắc mây màu kết lại, rực rỡ trên hư không;
Rồi người bần nữ ấy hiện ra chân tướng của đức Văn Thù, cưỡi con sư tử rất hùng tráng oai nghiêm,
Hai bên thì có Thiện Tài và Ưu Điền Vương đứng hầu.
Làm cho ai nấy trông thấy đều hoảng kinh và cúi đầu đảnh lễ.
--
Đức Văn Thù liền đọc bài kệ:
Bầu đắng, đắng tận gốc
Dưa ngọt, ngọt cùng dây
Ta đã siêu tam giới
Còn bị chư Tăng rầy!

Khi đọc bốn câu kệ rồi, thì đức Văn Thù liền ẩn thân năm sắc mây lành lần lần tan biến.
Thấy vậy, vị trú trì thất thần biến sắc, mở hai con mắt nhìn trân trân, một chặp lâu mới định trí lại, và tự trách mình rằng:
“Tiếc bấy lâu nay tu hành, ăn cơm Phật, nhận mình đã vào cửa vô vi, mà lòng từ bi còn kém, đức nhẫn nhục chưa tròn, đến nỗi không thấy chơn Thánh như vậy, thì ta còn để đôi mắt làm chi?”
Vị trụ trì tự trách rồi, liền với tay lên muốn lấy con dao nhỏ để khoét đôi mắt,mọi người lật đật xúm lại giựt con dao và khuyên giải một hồi, thì ngài mới bớt lòng buồn rầu ân hận.

Sau đó vị trụ trì đắp y hậu đến trước Phật đài, chí thành đảnh lễ Tam Bảo để thành tâm sám hối.
Từ đó về sau, đối với mọi người, vị trụ trì giữ được tâm từ bi bình đẳng để tiếp đãi, không còn phân biệt giàu nghèo, sang hèn nữa…

Còn đầu tóc của đức Văn Thù thị hiện bố thí đó, thì nhà chùa xây dựng một ngôi tháp ngay chỗ Bồ Tát thị hiện xin cơm để tôn thờ, và hằng ngày chiêm ngưỡng cúng dường…

-NAM MÔ TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT
-NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
-NAM MÔ ĐẠI TRÍ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT
-NAM MÔ PHỔ HIỀN BỒ TÁT

sưu tầm


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Các giai thoại về ngài Văn Thù Bồ tát rất độc đáo

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

HOÀ THƯỢNG HƯ VÂN TRIỀU BÁI NGŨ ĐÀI SƠN, ĐƯỢC ĐÍCH THÂN BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI CHĂM SÓC NGÀI.
--
NẾU BẠN THẬT SỰ CÓ ĐẠO TÂM, CHÍ TÂM QUY KÍNH THÌ PHẬT BỒ TÁT SẼ ĐẾN CHĂM SÓC BẠN.
HOÀ THƯỢNG HƯ VÂN TRIỀU BÁI NGŨ ĐÀI SƠN, ĐƯỢC ĐÍCH THÂN BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI CHĂM SÓC NGÀI.

Tôi tin rất nhiều đồng tu đã coi cuốn ‘HƯ VÂN LÃO HÒA THƯỢNG NIÊN PHỔ’, trong ấy ghi lại chuyện thật, chẳng giả.
Lão hòa thượng Hư Vân phát tâm đi triều bái Ngũ Đài Sơn.
Đi ba bước lạy một lạy, đoạn đường rất dài, lạy ba năm mới xong.

Thời gian ba năm dài như vậy, trải qua ba mùa xuân, hạ, thu, đông, đâu có lý nào không sanh bịnh nổi!
Sanh bịnh dọc đường, giữa núi rừng hoang vắng, chẳng có dấu chân người, ngài đi theo những con đường hoang vắng này.
Rất ít người đi trên những đường này, ngài mắc bịnh rồi làm sao?
Ai đến cứu ngài? Ai giúp ngài?
Văn Thù Bồ Tát giúp ngài.
Lúc ngài đến núi Ngũ Đài, Văn Thù Bồ Tát giúp ngài rất nhiều lần, chăm sóc cho ngài.
Lần lâu nhất là khoảng một tuần bảy ngày, vì thân thể ngài lúc đó rất suy nhược, [Văn Thù Bồ Tát] nấu canh gừng, nấu cháo cho ngài, tìm thuốc cho ngài.
Văn Thù Bồ Tát hóa thân làm người ăn xin.
Cả mấy lần gặp khó khăn, tai nạn đều gặp người này, rất là kỳ lạ.
Lão hòa thượng vô cùng cảm kích nên mới hỏi người ấy.
Văn Thù Bồ Tát bèn nói với lão hòa thượng ông ta tên là ‘Văn Cát’, họ Văn, tên là Cát, chữ Cát trong chữ Cát Tường.
Ông ấy nói: “Nhà tôi ở dưới núi Ngũ Đài, lúc ông đến núi Ngũ Đài hỏi, họ đều biết tôi”.
Đây là Phật, Bồ Tát đến cúng dường. Lúc lão hòa thượng đến núi Ngũ Đài, lễ lạy Văn Thù Bồ Tát xong rồi hỏi thăm về Văn Cát, kết quả là người ta nói cho ngài biết đó chính là Văn Thù Bồ Tát hóa thân.
Ngài mới bỗng nhiên hiểu rõ.
HT Tịnh Không
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 12 / trang 186)


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Các giai thoại về ngài Văn Thù Bồ tát rất độc đáo

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Kỳ ngộ trên Ngũ Đài Sơn:
Vị tăng nhân ngốc
được VĂN THÙ Bồ tát khai trí
Ngũ Đài Sơn, còn gọi là Thanh Lương Sơn, nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, là một trong tứ đại danh sơn Phật giáo tại Trung Quốc.
Nơi này được cho là đạo tràng của Văn Thù Bồ tát, từng chứng kiến rất nhiều lần Bồ tát Văn Thù hiện thân.


Ngũ Đài Sơn có tên gọi như vậy là do địa hình bất thường của nó, bao gồm 5 đỉnh thuôn tròn (Bắc, Nam, Đông, Tây, Trung) hay còn gọi tương ứng là Diệp Đấu phong, Cẩm Tú phong, Vọng Hải phong, Quải Nguyệt phong và Thúy Nham phong; trong đó đỉnh phía bắc (Bắc Đài hay Diệp Đấu phong) là cao nhất và trên thực tế là đỉnh núi cao nhất tại miền Hoa Bắc.
Vào thời nhà Đường, Ngũ Đài Sơn chính thức được Đường Thái Tông công nhận là đạo tràng của Văn Thù Bồ tát.
Trong thời kỳ thịnh thế của nhà Đường, toàn bộ ngọn núi có tới 300 ngôi chùa và có hơn 3000 tu sĩ.
Sau khi Đường Vũ Tông diệt Phật, môi trường tu luyện của Ngũ Đài Sơn bị phá hủy và số lượng tăng nhân giảm xuống nhanh chóng.
Vào triều đại nhà Tống và nhà Nguyên, một số ngôi chùa đã được xây dựng lại.
Trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Phật giáo ở Ngũ Đài Sơn đã đạt đến cường thịnh, Lạt Ma giáo cũng bắt đầu phát triển mạnh.
Hơn nữa vào triều đại nhà Thanh, các hoàng đế thường xuyên tỏ lòng tôn kính đối với thánh địa Ngũ Đài Sơn,
Điều này đã thôi thúc rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới hành hương đến Ngũ Đài sơn để chiêm bái và học đạo.
Có thể nói, Ngũ Đài Sơn là một trong những nơi rất tốt để tu hành, và hiển nhiên cũng từng xuất hiện rất nhiều thần tích.
--
Trong kinh Hoa Nghiêm có ghi lại, khi mặt trời mọc, Văn Thù dẫn theo 10 ngàn Bồ tát đi cứu độ những người hữu duyên trên Ngũ Đài Sơn.
Người ta vẫn tin rằng Văn Thù Bồ tát thường hiển linh trên núi dưới dạng những người hành hương hay nhà sư bình thường hoặc xuất hiện dưới dạng các đám mây ngũ sắc.
Dưới đây là câu chuyện thần kỳ của một nhà sư tên Ngưu Vân vào thời nhà Đường, người đã được Văn Thù Bồ tát khai mở trí tuệ, bởi có tấm lòng sùng kính Phật.
--
Thích Ngưu Vân, tục gia họ Triệu, quê ở Nhạn Môn, tỉnh Sơn Tây.
Thuở nhỏ, ông là một đứa trẻ khờ khạo, không được hoạt bát như những đứa trẻ khác.
Đến tuổi đi học, Ngưu Vân ngồi trong lớp nhưng đầu óc cứ mơ màng, một chữ cũng không lọt vào đầu.
Điều kỳ lạ là chỉ khi nhìn thấy những người xuất gia, cậu mới bắt đầu chú ý, còn chủ động chắp tay bái lạy và tỏ vẻ kính sợ.
Có lẽ vì lý do này, khi cậu 12 tuổi, cha mẹ đã gửi cậu đến chùa HOA NGHIÊM ở Ngũ Đài Sơn xuất gia và bái hòa thượng Tịnh Giác làm sư phụ.
Trong chùa, Ngưu Vân mỗi ngày đều đốn củi và gánh nước, bởi vì cậu đầu óc đần độn.
Ngay cả đến kinh sách đọc hàng ngày cũng không học được bất kỳ bộ nào, nên thường bị các sư huynh đệ trong chùa chê cười.
Thời gian thoáng chốc đã hơn 20 năm trôi qua.
Khi Ngưu Vân 36 tuổi, dù biết rằng mình ngu đần kém cỏi khó có thể tu thành, nhưng cậu vẫn không bỏ cuộc, cậu chắp tay cầu khấn:
“Con nghe người ta nói rằng Văn Thù Bồ tát thường hiện thân trên núi.
Hôm nay con xin được chân trần đi bái kiến, nếu may mắn được gặp Bồ tát, con chỉ cầu xin Bồ tát ban cho con trí huệ để đọc được kinh Phật”.
Thời tiết khi đó rất lạnh, tuyết rơi đầy trời, nhưng Ngưu Vân không sợ hãi, vẫn đội gió đội tuyết một mình leo lên đỉnh núi.
Khi lên đến đỉnh Đông Đài, chợt thấy một ông lão đang ngồi cạnh đống lửa sưởi ấm.
Ngưu Vân hỏi ông lão từ đâu đến, ông lão nói: “Ta từ trên núi xuống”.
Ngưu Vân lại hỏi tại sao không có dấu chân.
Ông lão trả lời rằng ông đã đến đây từ trước khi tuyết rơi.
Không đợi Ngưu Vân nói tiếp, ông lão đã hỏi:
“Vậy hòa thượng vì sao lại chân trần trên tuyết mà đến đây?”.
Ngưu Vân đáp: “Tuy cháu là một tăng nhân, nhưng từ nhỏ lại ngu đần dốt nát, không thể tụng niệm kinh sách.
Bởi vậy cháu đặc biệt đến đây tìm kiếm Văn Thù Bồ tát, thỉnh cầu Ngài ấy ban cho trí tuệ”.
Ông lão hỏi tiếp:
“Nếu ở đây mà không tìm thấy Bồ tát, hòa thượng sẽ làm gì?”.
Ngưu Vân đáp: “Vậy cháu sẽ đi Bắc Đài để tìm tiếp”.
Ngưu Vân sau khi đi một vòng quanh đỉnh Đông Đài mà không tìm thấy dấu vết của Văn Thù Bồ tát, liền tạm biệt ông lão và đi đến Bắc Đài.
Mãi đến khi trời đã chạng vạng Ngưu Vân mới đến được Bắc Đài, nhưng vừa ngẩng đầu lên thì lại kinh ngạc khi nhìn thấy ông lão lúc trước đang ngồi sưởi ấm bên đống lửa.
Ngưu Vân liền hỏi tại sao ông lại đến đây trước được,
Ông lão nói rằng do cậu không biết đường tắt nên mới đến sau.
Ngưu Vân nghĩ thầm, lẽ nào ông lão này là Văn Thù Bồ tát, nghĩ rồi cậu vội vàng khấu đầu đảnh lễ.
Ông lão nói: “Lão phàm tục quê mùa, không dám nhận lễ bái của người xuất gia”.
Nhưng Ngưu Vân tin chắc rằng ông chính là Bồ tát, nên cứ thế quỳ xuống dập đầu bái lạy mãi không thôi.
Một lúc lâu sau, ông lão nói:
“Được rồi, đợi ta nhập định xem kiếp trước cậu đã tạo nghiệp chướng gì, mà kiếp này si ngốc như vậy”.
Ông lão nhắm mắt nhập định, một lúc sau, mở mắt nói:
“-Kiếp trước cậu là một con trâu, vì đã từng chở kinh Phật nên kiếp này có thể đầu thai làm tăng nhân, nhưng đầu óc lại không linh hoạt.
Cậu hãy mang tới đây một cái cuốc, ta sẽ gỡ đi phần thịt bị ứ đọng trong tim, thì đầu óc cậu sẽ tỉnh táo trở lại”.
Rất nhanh Ngưu Vân đã tìm thấy một cái cuốc.
Ông lão bảo Ngưu Vân hãy nhắm mắt, đợi ông gọi thì hãy mở mắt ra.
Ngưu Vân nhắm mắt lại, dường như cảm thấy có gì đó đang chuyển động trong lồng ngực, nhưng lại không thấy đau.
Sau một lúc, tâm trí cậu bỗng sáng bừng lên, như mật thất tối đen bỗng nhiên được thắp lên ngọn đèn sáng rực.
Văn Thù Bồ tát đã sử dụng thần thông để khai trí cho Ngưu Vân,
Bởi Ngài đã thấy được cái tâm hướng Phật sáng như vàng ròng của cậu.
Ngưu Vân vừa mở mắt ra liền thấy ông lão đã biến thành hình tượng Văn Thù Bồ tát, ngài cũng nói cho cậu biết, từ nay về sau chỉ cần tụng niệm qua kinh sách thì sẽ không bao giờ quên.
Hơn nữa, ngài còn nói bản thân Ngưu Vân có duyên phận lớn với chùa HOA NGHIÊM, chớ nên rời đi.
Ngưu Vân mừng rỡ nằm rạp người bái lạy, khi ngẩng đầu lên thì Bồ tát đã biến mất.
Quả nhiên, từ đó về sau Ngưu Vân như trở thành một con người khác.
Trí tuệ siêu phàm, tất cả kinh sách chỉ xem qua là thuộc.
Đến mùa hè năm sau, vào một ngày trong tháng 5, cậu thấy từ đỉnh núi Bắc Đài chiếu xuống một luồng sáng chói lòa, trong luồng ánh sáng hiện ra một tòa lầu các rực rỡ hào quang.
Ngưu Vân dựa vào nơi ánh sáng xuất hiện đã xây dựng một tòa lầu các rồi truyền thụ Phật pháp ở đó.
Đến năm Khai Nguyên thứ 23, Ngưu Vân viên tịch, để lại cho đời một truyền kỳ về vị tăng nhân ‘ngốc nghếch’, nhưng tấm lòng thành đã cảm động tới trời xanh.
--
-Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật.
Nam mô Văn Thù sư lợi Bồ tát.
Nam mô đại hạnh Phổ Hiền bồ tát.
-sưu tầm internet


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Các giai thoại về ngài Văn Thù Bồ tát rất độc đáo

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

HÓA THÂN CỦA BỒ TÁT VĂN THÙ
Đại sư Tông Khách Ba (Tsong-Kha-pa) có lòng đại bi đại nguyện rộng thâm sâu, nhân cách vĩ đại. Sự cống hiến lớn lao đối với Phật giáo Tây Tạng của Đại Sư, thực không thể nghĩ bàn.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cho rằng Đại Sư chỉ là một bậc đại tu hành, đại thành tựu, và cũng không khác gì với các bậc triết gia Phật học danh tiếng.

Thật ra, Đại Sư hoàn toàn khác biệt hơn người. Đại Sư vốn là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, một vị cổ Phật trong đời quá khứ.

Trước khi Đại Sư xuất hiện, giáo pháp Hiển-Mật ở Tây Tạng đa phần đều bị suy vi. Trừ một số đại đức khả kính, hầu hết người tu hành đều không biết giới luật là gì.

Có một số người không màng nghiên cứu giáo lý; họ nào biết đâu tất cả kinh điển vốn là con đường học Phật. Đối với Nhân Minh Học, họ nhận lầm là một loại học thuật biện luận.
Đối với Mật pháp, họ chỉ biết pháp quán đảnh cuồng loạn mà không rõ căn bản Phật pháp. Họ thiên chấp tu một giáo pháp như Đại Thủ Ấn, Đại Viên Giác, v.v...

rồi cho là rất siêu việt. Những việc thân cận thiện tri thức, sư trưởng, bảo hộ luật nghi, giới tam muội, họ hoàn toàn không cầu mong. Người tu hành chân thật chỉ lặng lẽ tu trì, mà không có phương pháp để chỉ dạy.

Thấy tình cảnh như thế, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi khởi lòng thương xót thâm sâu, và vì muốn duy trì thánh giáo, lợi ích cùng tùy thuận chúng sanh, nên thị hiện tướng xuất gia thanh tịnh, tức là đại sư Tông Khách Ba.

Rất nhiều kinh điển Hiển-Mật ghi lại việc Bồ Tát Văn Thù trong tương lai sẽ thọ sanh nơi vùng biên địa của núi Tuyết Sơn. Kinh Văn Thù Căn Bổn Giáo Vương ghi lời thọ ký của đức Như Lai:

- Sau khi Ta nhập Niết Bàn, cõi Ta Bà trở thành trống rỗng. Ông (1) hãy hiển hiện hình tướng dị sanh, để hành những hạnh của chư Phật. Hãy đến núi Tuyết Sơn tu hành. Nơi đó lập ra ngôi A Lan Nhã Hoan HỶ.

Ý nghĩa của lời này là nói rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn, Phật pháp từ từ suy vi. Bấy giờ Bồ Tát Văn Thù sẽ thị hiện thân phàm phu mà thọ sanh tại núi Tuyết Sơn (2). Ngài tôn sùng y theo giáo lý của đức Phật, hành đại pháp, hóa độ chúng sanh, cùng kiến lập chùa chiền tự viện, với pháp hiệu là "Hoan HỶ".

Sau này, quả nhiên có đại sư Tông Khách Ba giáng sanh tại Tây Tạng, chấn hưng Phật giáo, xây chùa "Hoan HỶ" (3).

Điều này hoàn toàn phù hợp với lời kinh. Kinh Không Hành Bí Mật cũng thọ ký:
- Văn Thù Sư Lợi hiệu Hiền Huệ, sẽ giảng thuyết giáo pháp thậm thâm hy hữu.
Câu này thọ ký rõ ràng là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi sẽ thị hiện thân phàm phu, với pháp danh là Hiền Huệ (4), sẽ cống hiến mọi sức lực để hoằng dương chánh giáo của đức Như Lai.

Đại sư Tông Khách Ba xuất gia vào năm bảy tuổi. Bấy giờ, Đại Sư được ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết đặt pháp hiệu là Hiền Huệ.

Sau này, Đại Sư trùng hưng chấn chỉnh chánh pháp, khiến Phật giáo Tây Tạng đi vào chánh lộ suốt hơn sáu trăm năm.

Do đó, chứng minh rằng đại sư Tông Khách Ba chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Ở Ấn Độ, luận sư Nguyệt Xưng thọ ký cho luận sư Đại Minh Đỗ Quyên:

- Đại sư Tông Khách Ba vốn là hóa thân với đức tướng tỳ kheo của đại thánh Văn Thù Sư Lợi. Vì muốn cứu độ chúng sanh, nên Đại Sư tùy thuận theo ý thích của họ mà hiện tướng xuất gia.

Ông cũng nên phát nguyện vãng sanh sang đó (5), y theo đại sư Tông Khách Ba mà hoằng dương chánh pháp.

Lần nọ, các vị đại luận sư như Đề Bà, Phật Hộ, Tĩnh Thiên cũng hiện thân vì luận sư Đại Minh Đỗ Quyên mà thọ ký:

- Trong vùng biên địa của núi Tuyết Sơn có đức chí tôn Tông Khách Ba (6) trụ trì giáo pháp của đức Như Lai. Ông vốn là người được Đại Sư (Tông Khách Ba) hóa độ. Vậy hãy nên phát nguyện đến dưới tòa, y theo Đại Sư tu tập các loại tâm yếu.

Sau này, luận sư Đại Minh Đỗ Quyên vãng sanh làm đệ tử thượng thủ của đại sư Tông Khách Ba với danh xưng là Khắc Chủ Kiệt.

Điều này chứng minh rằng Bồ Tát Văn Thù thị hiện tướng xuất gia tại vùng biên địa của núi Tuyết Sơn, để hoằng dương chánh pháp. Danh tự của Bồ Tát là "Tông Khách Ba".

Tại Ấn Độ, vào một đêm nọ, luận sư Đại Minh Đỗ Quyên mộng thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chỉ dạy:

- Chúng sanh nơi vùng biên địa vì vô minh che mờ nên tạo bao nghiệp ác, khiến bị trôi lăn mãi trong biển khổ sanh tử.
Ta vì muốn giúp họ đắc đạo giải thoát, chứng được quả vị nhất thiết trí, và tùy theo ý nguyện của họ, mà thị hiện tướng xuất gia.
Ông vốn là người được Ta hóa độ; hãy nên phát nguyện vãng sanh qua xứ đó.

Lần nọ, Bồ Tát Di Lặc hiện thân bảo ngài Khắc Chủ Kiệt (7):

- “Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi hoằng dương chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni tại cõi Diêm Phù Đề, khiến mặt trời trí huệ xuất hiện. Đại sư Tông Khách Ba vốn là hóa thân của Bồ Tát (Văn Thù), giáng sanh tại vùng Tuyết Sơn (8).

Ông nên phát nguyện đến đó, để hoằng dương pháp của Bồ Tát.”

Những lời thọ ký đều giống như thế, tức thuyết rằng Bồ Tát Văn Thù thị hiện thân tướng xuất gia để hộ trì chánh pháp của Phật Thích Ca.

Vì muốn hóa độ chúng sanh, Bồ Tát Văn Thù quyền thiết hiện thân làm trưởng tử của chư Phật mà thành tựu nhân vị Bồ Tát.

Thật ra, bất luận đời quá khứ hiện tại hay vị lai, Bồ Tát Văn Thù vốn đã đạt được quả vị Phật. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội viết:

- Trong đời quá khứ, trải qua vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có đức Phật hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương.

Cách thế giới này về phía nam, khoảng một ngàn cõi Phật, có cõi nước hiệu là Bình Đẳng...

Đức Phật kia thọ mạng bốn trăm bốn mươi vạn tuổi. Đức Phật Long Chủng Thượng Tôn Vương ở thế giới Bình Đẳng có ai xa lạ đâu! Chính là Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử.
---
Kinh Ương Quật La viết:
- Bấy giờ, Phật bảo vua Ba Tư Nặc rằng qua khỏi cõi này về hướng bắc khoảng bốn mươi hai hằng hà sa cõi nước có thế giới tên là Thường HỶ. Đức Phật hiệu là Hoan HỶ Tạng Ma Ni Bảo Tích Như Lai, đang giáo hóa tại cõi đó... Đức Như Lai đó có ai khác đâu! Ngài chính là Văn Thù Sư Lợi.
--
Kinh Bảo Tích viết:

- Lúc Văn Thù Sư Lợi thành Phật, Ngài có hiệu là Phổ Kiến.
Y cứ theo các kinh điển ở trên, đại thánh Văn Thù Sư Lợi đã thành Phật trong đời quá khứ với danh hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương; hiện tại thành Phật với danh hiệu là Hoan HỶ Tạng Ma Ni Bảo Tích; vị lai sẽ thành Phật hiệu là Phổ Kiến.
Lại nữa, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi không những là Phật, mà còn là thầy của ba đời chư Phật.
--
Kinh Tâm Địa Quán thuyết:
- Ba đời ngài Diệu Kiết Tường (9) vốn là mẹ của chư Phật đại giác.

--
Kinh Phật Thuyết Phóng Bồn thuyết:
- Hiện tại Ta đắc được quả vị Phật, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, oai thần tôn quý, độ mười phương chúng sanh, đều do ân đức của Văn Thù Sư Lợi. Trong đời quá khứ, vô số chư Phật đều là đệ tử của Văn Thù Sư Lợi. Chư Phật trong đời tương lai cũng nhờ ân đức oai thần lực của Văn Thù Sư Lợi mà thành chánh giác. Ví như trẻ con có cha mẹ, Văn Thù Sư Lợi chính là cha mẹ trong Phật đạo.

Những lời kinh ở bên trên đủ chứng minh rằng hóa thân của Bồ Tát Văn Thù, tức là đại sư Tông Khách Ba, vốn đã thành Phật trong vô lượng kiếp về trước.

Vào thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, đại sư Tông Khách Ba vốn là một đồng tử.

Đồng tử này đã từng cúng dường lên đức Phật Thích Ca một tràng chuỗi hạt bằng lưu ly, rồi được đức Phật ban cho một chiếc pháp loa.

Đức Phật Thích Ca lại bảo tôn giả A Nan rằng đồng tử này về sau sẽ vãng sanh qua
nước Tuyết Sơn (10), kiến lập một đại tùng lâm, cúng dường một vương miện lên tượng Phật ở Lạp Tát.

Về sau, quả như lời Phật thọ ký, chiếc pháp loa đó được tìm thấy vào lúc xây chùa Cách Đăng (11); đến năm 1959 vẫn còn thấy chiếc pháp loa này ở chùa Triết Bang.

Một vương miện được Đại Sư cúng dường lên tượng Phật Thích Ca ở Lạp Tát vào dịp đại pháp hội tháng giêng năm 1409. Đức Phật Thích Ca cũng thọ ký danh hiệu cho đồng tử đó là Tu Ma Đế Xưng (12).

Sau đức Phật nhập diệt hơn một ngàn năm, đại sĩ Liên Hoa Sanh đã từng thọ ký rằng một vị đại sư tên là La Tang Trát Ba Cụ (13) sẽ giáng sanh gần vùng biên giới Tây Tạng-Trung Quốc.

Vị Đại Sư này sẽ đắc được hóa thân viên mãn, và được xem là một vị đại Bồ Tát.
Tây Tạng vốn là miền đất thần bí linh địa, nằm ngay trên rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, là mái nhà thiên nhiên của quả địa cầu, và là cõi Tịnh Độ ở nhân gian.

Tây Tạng vốn do những dãy núi cao vút nhất trên thế giới kết hợp lại mà thành. Nội cảnh Tây Tạng có tầng tầng lớp lớp núi cao chót vót.

Từng lớp băng tuyết đóng phủ trắng xóa quanh năm trên những đỉnh núi ngàn, nên có danh hiệu là Tuyết Quốc hay Tuyết Sơn. Trong kinh Phật nói về vùng biên địa của núi Tuyết Sơn, chính là Tây Tạng.

Cách đây hơn sáu trăm năm, đại sư Đại Y Hỗ Chủ Tông Khách Ba giáng sanh tại vùng Tông Khách, gần tỉnh Tây Ninh ở Thanh Hải (14), thuộc lãnh thổ Tây Tạng.

Từ đời Đường, dân chúng Tây Tạng thường gọi vùng đó là Tông Khách (15), nghĩa là Tông Thủy Ngạn Biên.

Vì tôn sùng nên dân chúng Tây Tạng không dám gọi thẳng pháp hiệu của Đại Sư mà gọi là "Tông Khách Ba" (16).

Gia tộc của Đại Sư thật rất cao quý. Từ bên nội
tộc cho đến ngoại tộc, trải qua bao đời, đều không có ai xấu xa tệ hại.

Người cha tên là Lỗ Bố Mộc Cách (Klu-bun-dge).

Ông vốn là một vị quan của triều Nguyên; ông có đức tánh nhân từ, trí huệ hơn người, tâm hằng cung kính ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng.

Do hiểu rõ đạo lý nhân quả, đầy đủ lực dũng mãnh, nên trong một thời gian ngắn ông thành tựu được bảy loại công đức:

Thứ nhất là có tín tâm vào chánh pháp. Thứ hai là nghiêm trì giới luật tại gia.

Thứ ba là có tâm hỶ xả.

Thứ tư là hiểu biết chánh pháp.
Thứ năm là có tâm hổ thẹn. Thứ sáu là có tâm biết xấu hổ.

Thứ bảy là có trí huệ sáng suốt.

*Mỗi ngày, ông trì tụng kinh Văn Thù Chân Thật Danh không hề gián đoạn.

Đối với các loại công đức thù thắng của Bồ Tát Văn Thù, ông hằng tâm cung kính hoan hỶ.

Người mẹ tên là A Kiếp (A-Ckos), vốn là vị có âm thanh thanh thoát.

Tâm địa của bà thuần lương, và là một vị hiền thê; bà chẳng có tâm ghen ghét đố kỴ, cùng chẳng có những lỗi lầm như các phụ nữ khác.

Đối với những kẻ không nhà cửa không nơi nương tựa, bà thường khởi tâm thương xót, luôn hết lòng an ủi và tìm cách giúp đỡ họ.

Ngày ngày bà thường lễ Phật, trì tụng sáu chữ đại minh chú của Bồ Tát Quán Thế Âm, tinh tấn giữ gìn ba nghiệp thân miệng ý cho được thanh tịnh, không hề giải đãi.

Trong nhà có sáu anh em mà Đại Sư là người thứ tư. Thân bằng quyến thuộc rất nhiều, ước chừng hơn một ngàn người.

Trong gia tộc, ai ai cũng tín phụng Phật pháp. Người phát tâm xuất gia cũng không ít.

Đêm nọ, vào năm 1356, sau khi đọc tụng xong kinh Văn Thù Chân Thật Danh, người cha bình thản nằm nghỉ trên giường.

Bấy giờ, trong lúc ngủ mê, ông mộng thấy một vị tỳ kheo tiến bước vào nhà.
Pháp tướng của vị tăng đó thật phi thường trang nghiêm. Y ca sa quấn trên thân chiếu sáng.

Chiếc quần cũng rất đặc biệt, vì dùng lá cây ở cõi trời Đao Lợi mà bện thành. Vừa nhìn qua, trông thấy như lụa vàng.

Trên lưng có mang kinh Phật. Vị này bảo rằng từ núi tây Ngũ Đài ở Trung Quốc đến, và muốn ngủ nhờ qua chín tháng.

Nói xong, vị tăng đó bèn tự đi lên lầu các, tiến vào chánh điện Phật.

Hôm sau, vừa thức dậy, người cha tự nhủ:

"Núi Ngũ Đài vốn là đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù.

Vị tăng trong mộng lại bảo rằng từ núi tây Ngũ Đài đến. Đó chẳng phải là điềm Bồ Tát thọ ký rằng trong tương lai mình sẽ sanh ra một bé trai thông minh tài trí thù thắng phi thường sao!"


Tuy mộng thấy điềm lành như thế, người cha không hề lưu tâm và cũng chẳng nói cho ai biết. Ngày ngày ông vẫn tiếp tục khẩn thành tụng kinh, tinh tấn tu tập, gieo trồng phước báu. Chẳng bao lâu, người cha lại mộng thấy thêm một điềm lành.

Trong mộng, ông thấy một chày kim cang bảo xử sáng ngời, từ trên hư không bay xuống, cuối cùng nhập vào bụng của người vợ.

Theo truyền thuyết, chày kim cang bảo xử vốn là pháp khí của Bồ Tát Kim Cang Quyền Thủ (Vajrapani), và được phóng đến từ nước Duyên Diệp.

Tỉnh dậy, người cha vừa run sợ vừa vui mừng, tự nhủ:

"Bồ Tát Kim Cang Quyền Thủ đầy đủ oai thần lực, thường hàng phục tà ma ngoại đạo.

Bồ Tát là một vị đại hộ pháp của ba đời chư Phật. Sự ứng hiện này phải chăng Bồ Tát muốn thọ ký cho mình rằng sẽ sanh hạ một nam tử đầy đủ đại oai lực chăng!"

Trong năm đó, người mẹ cũng mộng thấy một điềm lành.

Trong mộng, bà ta thấy mình cùng với hàng vạn thiên nữ ngồi nơi một khu công viên hoa thơm cỏ lạ. Đột nhiên, từ phía đông xuất hiện một đồng tử mặc y phục trắng sáng ngời (17), và tay cầm tịnh bình.

Từ bên phía tây xuất hiện một đồng nữ mặc y phục đỏ thắm, tay phải cầm một lông chim khổng tước, tay trái cầm một tấm kiếng lớn. Đồng tử mặc y trắng bèn chỉ tay đến một thiên nữ mà hỏi đồng nữ mặc y đỏ thắm:
- Vị này được không?
Đồng nữ lắc đầu. Đồng tử chỉ tay đến một thiên nữ khác, rồi lại hỏi:
- Vị này được không?
Đồng nữ lại lắc đầu. Cứ như thế, đồng tử lần lượt chỉ tay đến hết các thiên nữ, rồi tiếp tục hỏi. Đồng nữ cũng lắc đầu. Cuối cùng, đồng tử chỉ tay đến bà ta (18), hỏi:
- Vị này có được không?
Bấy giờ, đồng nữ lộ vẻ mặt vui mừng hớn hở, đáp:
- Vị đó có thể được!
Đồng tử bèn bảo bà ta:
- Bà nên tắm rửa!
Nói xong, đồng tử vừa đổ nước trong tịnh bình lên đầu của bà ta, vừa đọc tụng bài kệ tắm Phật không ngừng nghỉ.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy bà ta cảm thấy thân thể vô cùng khinh an nhẹ nhàng, không thể diễn bày.

Qua một thời gian, dân chúng trong làng cũng mộng thấy những điềm lành tương tự.

Trong mộng, họ thấy rất nhiều vị tăng với tướng mạo phi phàm, ngưỡng thỉnh tượng Phật Thích Ca từ Lạp Tát (19) trở về thôn làng, an trí trong chánh điện Phật nhà của cha mẹ Đại Sư (20).

Từ đó, chung quanh chánh điện Phật trong nhà của cha mẹ Đại Sư thường xuất hiện những điềm lành kỳ lạ.

Ví dụ, trong chánh điện thờ Phật, lắm khi có cầu vòng xuất hiện trên hư không. Thỉnh thoảng trên hư không hiện ra những cánh hoa đẹp dị thường.

Đôi khi, có mùi hương lạ tỏa khắp ngôi chánh điện.

Đôi lúc, có trống trời, nhạc trời vang lừng. Lắm lúc, đất đai chấn động. Đất bên đông nhồi lên, mà đất bên tây chẳng có. Đất phía nam nhồi lên mà đất ở phía bắc chẳng có. Đất đai bốn bên đều chấn động không đồng; trong hư không lại phát ra vô lượng âm thanh của sư tử rống.

Vào đêm mồng mười tháng giêng năm 1357, bà mẹ lại thấy một điềm mộng lành vi diệu. Trong mộng, bà thấy vô số tăng tục nam nữ nhiều không thể kể xiết.

Có người cầm tràng phan. Có người đánh trống thổi nhạc.

Có người mang các cúng phẩm vi diệu thù thắng; họ đồng tụ tập trên một quảng trường, thành khẩn nói:

- Cung nghinh Bồ Tát Quán Thế Âm.

Chốc lát, bà ta thấy không có gì thay đổi; ngước nhìn lên bầu hư không, bà ta thấy trên án mây cao xuất hiện một vị Phật thân tướng sắc vàng, hào quang sáng chói như vầng thái dương, chiếu khắp đại địa.

Trong miệng của đức Phật tuyên thuyết nhiều loại pháp âm. Vô số thiên tử cùng thiên nữ vây nhiễu quanh Phật tựa như các tinh sao vây quanh ánh trăng rằm, thị hiện những điềm lành trang nghiêm viên mãn.

Chẳng bao lâu, thân sắc vàng của Phật từ từ thu nhỏ lại, rồi cuối cùng nhập vào thân bà. Thiên tử, thiên nữ, cùng những người nghinh tiếp cũng hóa thành một luồng ánh sáng nhỏ, nhập vào bụng bà ta.

Đồng thời, những âm thanh tụng tán bằng tiếng Phạn không ngừng phát ra từ hư không.

Tỉnh dậy, bà ta kể lại điềm lành cho ông chồng nghe.

Ông ta bảo:
- Điềm mộng lành này, hiển thị rằng bà sẽ sanh hạ một đứa bé trai đầy đủ tâm đại từ bi vô lượng. Tương lai, chắc sẽ hộ trì chánh pháp của đức Như Lai, hàng phục tà ma ngoại đạo, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Từ lúc mộng thấy điềm lành thọ thai, cuộc sống sinh hoạt của người mẹ không còn giống như những phụ nữ bình thường.

Ngày ngày, bà thường sống trong những cảnh giới thanh tịnh: Không phiền não, không tham dục, và không ghen ghét đố kỴ.

Bà không thích đến những nơi chợ búa ồn ào, mà thường ở trên chánh điện lễ Phật, tụng trì sáu chữ đại minh thần chú.

Dần dần, bà mẹ đến ngày mãn nguyệt lâm bồn. Đêm 28 tháng 10, năm 1357, hư không bốn bề tịch tĩnh vắng lặng, người mẹ thư thả thong dong, nằm trên giường.

Vừa chớp mắp, bà chợt mộng thấy có rất nhiều người xuất gia, tay cầm nhiều loại pháp khí và thực phẩm cúng dường, từ từ tiến vào nhà, hỏi:

- Xin hỏi chánh điện Phật tại chỗ nào?
Bà ta chợt thấy đồng tử mặc y trắng, tay cầm chìa khóa bằng thủy tinh, đứng kế bên thưa rằng:

- Chánh điện Phật ngay tại nơi này!

Đồng tử vừa nói, vừa dùng chìa khóa bằng thủy tinh, mở miệng của bà ta, thành một cánh cửa màu vàng nho nhỏ, rồi cung thỉnh tượng Phật thân vàng, từ bên trong xuất ra.

Tượng Phật có dính chút bụi than. Một đồng nữ bèn dùng nước trong tịnh bình rửa sạch, rồi lấy lông chim khổng tước quét khô sạch.

Sau đó, đồng nữ ca xướng tán thán bằng những âm thanh tịnh vi diệu dịu hoà.

Các vị tăng nhân mang đồ cúng dường khi trước, cũng đứng một bên mà khẩn thành chúc tụng. Có những vị tăng đảnh lễ trước tượng Phật.

Có những vị tăng đi nhiễu Phật mà trì tụng danh hiệu Phật không ngừng.

Vừa tỉnh cơn mộng, người mẹ an lành hạ sanh ra Đại Sư, với những điềm lạ hiển hiện thật phi thường.

Bấy giờ, ở phương đông xuất hiện một loại cá bụng trắng. Kim Tinh ở trên hư không chớp lòe ánh sáng vi diệu.

Những điềm này báo hiệu Đại Sư trong tương lai sẽ tẩy trừ vô minh cho chúng sanh, ví
như vầng mặt trời phá tan đêm dài tăm tối.

Đại Sư vừa giáng sanh, bà mẹ bèn để y quấn thai nhi xuống đất.

Nơi đó, đột nhiên sanh ra một cây chiên đàn màu trắng, cành lá xum xuê, cả trăm ngàn nhánh.

Lá cây thật rất kỳ dị. Mỗi lá cây đều tự có tượng Phật sư tử hống, hoặc năm chữ Văn Thù. Dân chúng thấy thai y biến thành một tàng cây, nên vừa sợ vừa hoan hỶ vạn phần.

Họ lại thấy trên lá cây có tượng Phật và chú đà la ni, nên đều cho là việc không thể nghĩ bàn. Vì vậy, ai ai cũng gọi tàng cây đó là "Cổ Lai Chiên Đàn" (21).

Về sau, vì nhớ công đức của Đại Sư, và muốn trồng phước điền, nên ngay bên cạnh tàng cây đó, Phật tử Tây Tạng kiến lập một ngôi chùa, đặt tên là Cổ Bổn.

Ngôi chùa đó, hiện tại là một trong sáu ngôi chùa lớn nhất của phái Hoàng giáo, tức là chùa Tháp Nhĩ, vang danh khắp Tây Tạng và hải ngoại.


Dân làng nghe tin Đại Sư vừa giáng sanh, thì hớn hở vui mừng, tranh nhau tụ tập trong nhà của cha mẹ Đại Sư. Bấy giờ, ai ai cũng đều chăm chú ngắm nhìn tướng hảo oai nghiêm viên mãn của Đại Sư.

Sắc mặt của Đại Sư thật rất tôn nghiêm.

Chung quanh thân trong suốt như lưu ly, phảng phất tỏa ra ánh sáng sung mãn.


Đôi mắt rộng dài thanh tịnh trong sáng, da thịt mịn màng, mũi cao thẳng đứng, môi hồng dầy chắc, lỗ tai dài, trán rộng bằng phẳng như đảnh của bảo cái, tay chân tròn trỉnh bụ bẫm.

Tướng hảo trang nghiêm tựa như trăng rằm mùa thu
tỏa sáng trên hồ sen thanh tịnh.
Người người nhìn thấy tướng hảo của Đại Sư đều sanh tâm an lạc tịch tĩnh, không còn phiền não.

Năm 1357, vào đêm nọ, ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết (22) mộng thấy bổn tôn Đại Oai Đức Kim Cang (23) đột nhiên thị hiện.

Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết vui mừng vô hạn, lập tức chí thành chúc tụng Bổn Tôn, rồi thỉnh cầu vị này đến chỉ dạy. Bổn Tôn bèn xoay mình chuyển hướng về phía vùng Tông Khách, bảo:

- Năm nay, Ta sẽ đến vùng đó. Tại đây, Ngươi hãy tu hành an lạc.

Nói xong, Bổn Tôn liền biến mất. Ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết không biết ý nghĩa chân thật của điềm mộng đó như thế nào, vội nhập vào tam ma địa (24), dùng lực thần thông để quán sát nhân duyên đời vị lai, nên mới hiểu rõ điềm lành đó.

Biết rõ đại sư Tông Khách Ba vừa mới giáng sanh, thì ngày thứ hai ngài Đốn Châu Nhân Khâm Nhân Ba Thiết liền phái một vị đệ tử tại gia giữ giới hạnh thanh tịnh, dùng nước cam lồ hòa với bột nấu thành thức ăn, cùng mang một tôn tượng Phật Đại Oai Đức Kim Cang, đến nhà của Đại Sư mà chúc mừng.

Quốc sư Cát Mã Ba Nhiêu Tất Đa Kiệt (25). Năm 17 tuổi, do nhận lời mời của vua Mông Cổ là Nguyên Thuận Đế, Quốc Sư rời Tây Tạng lên đường sang Trung Thổ. Khi đi qua vùng Tây Ninh, Quốc Sư gặp chú bé Tông Khách Ba lên ba tuổi trên tay người cha bồng ra nghinh đón; chú bé lộ vẻ thông minh lanh lợi hoạt bát trông rất dễ thương.

Quốc Sư thấy đại sư Tông Khách Ba tướng hảo phi phàm như thế, nên đặc biệt đến nhà truyền năm giới cấm, cùng ban cho pháp danh là Cống Cát Ninh Bố (26).

Lúc sắp đi, Quốc Sư thọ ký:

- Vị thánh nhi này trong tương lai sẽ hộ trì chánh pháp của Như Lai tại Tây Tạng, làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh, và được tôn xưng là đức Phật thứ hai.

Sau này, người Tây Tạng và Mông Cổ đều tôn xưng đại sư Tông Khách Ba là "Đệ Nhị Năng Nhân", chính là phù hợp với lời thọ ký của quốc sư Cát Mã Ba.

nguồn: thuvienhoasen


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.60 khách