Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Kính mời các bạn tham gia ghi lại kinh nghiệm tu tập và những gì mắt thấy tai nghe về sự cảm ứng nhờ hành trì giáo lý Phật.
dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Biên Soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh Ở Núi Tứ Minh[1]

Việt Dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền

Hiệu Đính: Định Huệ - Biên tập: Thích Quảng An



LỜI TỰA

Tập truyện này vốn do sư Huệ Anh, đệ tử của ngài Pháp Tạng[2], vị sớ chủ kinhHoa nghiêm, tập hợp thành hai quyển thượng và hạ. Nay kẻ hèn tôi tuy là người trần tục, lời lẽ vụng về, nhưng thấy những điều cảm ứng tốt lành này ghi chép lộn xộn, nên mạo muội biên soạn lại thành một quyển hầu giúp những người thấy nghe được giáo nghĩa bí mật này đều nghĩ là khó gặp mà tự thân nỗ lực thụ trì.

1. BỒ-TÁT THIÊN THÂN

Bồ-tát Thiên Thân là em của bồ-tát Vô Trước, người Tây Vực[3]. Thuở nhỏ, bồ-tát Thiên Thân học theo giáo nghĩa Tát-bà-đa bộ (Hữu bộ); lớn lên, tinh thông năm bộ luật[4]. Thời gian đầu, bồ-tát tu học theo Tiểu thừa[5] và soạn năm trăm bộ luận Tiểu thừa. Bồ-tát Vô trước thương em mình là người thông minh mà chưa phát tâm tu học theo Đại thừa, mãi say mê ca tụng giáo lí Tiểu thừa mà không bàn đến giáo pháp Đại thừa[6], nên giả vờ bệnh để hóa độ em. Bồ-tát Vô Trước sai người gọi em đến để dẫn dụ và sách tấn, giảng cho em hiểu về nghiệp nhân của bệnh. Nghe xong, bồ-tát Thiên Thân lớn tiếng đọc tụng các bộ kinh mà lâu nay người anh đã thụ trì, đó là các kinh Duy-ma[7], Pháp hoa[8], Niết-bàn[9], Hoa nghiêm[10]v.v... Bồ-tát Vô Trước lắng nghe mà trong lòng vui buồn lẫn lộn.

Đọc các bộ kinh ấy suốt mấy ngày như vậy, bồ-tát Thiên Thân mới tin tưởng và tỏ ngộ, hết lòng kính trọng giáo nghĩa Nhất thừa[11] của kinh Hoa nghiêm, biết đây là cảnh giới của chư Phật, nên xả bỏ Tiểu thừa, tu theo Đại thừa và vô cùng hối hận về lỗi lầm trước đây. Lúc này, bồ-tát định lấy dao bén cắt lưỡi để tạ tội, nhưng bồ-tát Vô Trước khuyên can:

- Trước đây, em dùng miệng để ca tụng giáo lí Quyền thừa, bài xích giáo pháp Chân thừa. Nay, em cũng nên dùng miệng mình để khen ngợi giáo pháp Chân thừa thì tội lỗi sâu nặng ấy sẽ tự tiêu tan, đâu cần cắt lưỡi làm gì!

Từ đó, bồ-tát Thiên Thân vào núi, thụ trì kinh Hoa nghiêm. Sau, bồ-tát soạn bộ luận Thập địa[12], hễ chỗ nào chưa thông suốt thì đến hỏi bồ-tát Vô Trước. Nếu bồ-tát Vô Trước cũng chưa hiểu thấu thì vận thần thông bay lên cõi trời Tri Túc[13] để thỉnh bồ-tát Từ Thị[14]quyết đoán. Bộ luận vừa viết xong thì đại địa chấn động và từ nơi bộ luận ấy phóng ra vầng hào quang chiếu sáng vài trăm dặm. Thấy vậy, cả nước vui mừng và đều lấy làm lạ. Điều này được ghi đầy đủ trong truyện Vô Trước.

2. TĂNG LINH BIỆN NGƯỜI TINH CHÂU, ĐỜI NGỤY

Sư xuất gia từ thuở nhỏ, để tâm vào Phật thừa, chuyên lấy kinh Hoa nghiêm làm sự nghiệp. Lúc ấy chưa có sớ luận, nên sư thường nghĩ đến ý chỉ sâu mầu của kinh nhưng không biết cầu thỉnh vị nào. Thế là sư trang nghiêm đạo tràng, ngày đêm lễ lạy kinh Hoa nghiêm. Trải hơn sáu năm kinh hành suốt ngày đêm, cứ mỗi bước chân đều rướm máu, sư chí thành thỉnh cầu bồ-tát Văn-thù gia hộ, mong hiểu rõ giáo nghĩa uyên áo.

Lòng chí thành không gián đoạn, bỗng đêm nọ, sư mộng thấy có một đồng tử và thấy rõ ràng bảy chỗ chín hội[15] của pháp giới Hoa Nghiêm. Ngay đó, sư nhập định sâu mầu thì thấy pháp hội ấy lúc đương thời như đã từng được mắt thấy, tai nghe và tâm lĩnh hội. Thế là những điều trước kia sư chưa hiểu thì nay đều được thông suốt. Từ đó, sư vào núi Ung, huyện Tây[16], Tinh châu và soạn bộ luận Hoa nghiêm gồm 100 quyển.

3. SA-MÔNCHI PHÁP LĨNH ĐỜI ĐÔNG TẤN

Sư xuất gia từ thuở nhỏ, tâm hạnh rất chí thành. Sư thường buồn bã thở than: “Sau khi đấng Năng Nhân[17] diệt độ, chính pháp suy tàn”. Thế là sư sang Tây Thiên[18] tìm cầu thánh điển. Vừa đến Vu-điền[19], sư bỗng gặp Phật-đà-bạt-đà-la, vị tam tạng đứng đầu giáo pháp Nhất thừa từ Tây Thiên sang.

Phật-đà-bạt-đà-la, Hán dịch là Giác Hiền, họ Thích-ca, là con cháu của vua Cam Lộ Phạn, đã chứng quả thứ ba của Đại thừa, tức là bồ-tát ở địa thứ ba[20]. Ngài đem đến Trung Hoa bộ kinh Hoa nghiêm bằng tiếng Phạn gồm hơn ba vạn sáu nghìn bài kệ. Mỗi khi xem kinh, nếu gặp chỗ nào chưa thông thì ngài lên cung trời Đâu-suất thưa hỏi Đức Phật Di-lặc.

Sa-môn Chi Pháp Lĩnh tha thiết thỉnh cầu tam tạng pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la từ bi truyền dịch bộ kinh Hoa nghiêm cho nhân dân Chấn Đán[21] được thụ trì. Thuận theo lời thỉnh cầu ấy, ngài đến kinh đô và lưu trú tại đây. Mọi cử chỉ của ngài khác hẳn người bình thường, có lúc ngài ra vào qua cửa sổ mà không bị ngăn ngại, khiến cho những vị tăng sống chung đều kinh ngạc, cho ngài là quỉ. Chúng tăng hỏi tam tạng:

- Pháp sư đã đắc pháp hơn người rồi ư?

Tam tạng bảo:

- Tôi nay đã chứng đắc.

Các vị ấy liền nhóm họp chúng tăng ở kinh đô, tác pháp yết-ma[22], định đuổi ngài ra khỏi kinh thành. Biết tâm ý của các vị, tam tạng mang y, bát bay lên không trung, thị hiện những phép thần biến, hoặc đứng, hoặc ngồi, rồi đi về phương nam, đến Dương châu[23] như chim bay lượn giữa hư không. Thấy vậy, tất cả chúng tăng vô cùng hối hận, nhưng không thể đuổi theo ngài được.

Vào ngày 14 tháng 3 niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười bốn (418), ngài xây dựng pháp đường Hộ Tịnh trong khuôn viên chùa Tạ Tư Không, Kiến Nghiệp và dịch kinh Hoa nghiêm tại đây.

Khi sắp dịch kinh, phía trước pháp đường bỗng hiện ra một cái ao. Mỗi buổi sáng, có hai đồng tử mặc áo xanh từ ao bước ra, vào trong pháp đường, quét dọn, mài mực và hầu hạ ngài, chiều tối thì trở vào ao.

Mọi người tương truyền, bộ kinh Hoa nghiêm này được cất giấu tại long cung đã lâu rồi, nay long vương vui mừng về việc dịch kinh nên đích thân đến hầu hạ ngài. Sau, nhân việc này nên ngôi chùa ấy được đổi tên là chùa Hưng Nghiêm.

Ngoài ra, còn có các vị sa-môn[24] như Huệ Nghiệp, Huệ Nghiêm, Huệ Quán v.v... giúp tam tạng về việc ghi chép. Thái thú[25] Mạnh Khải ở quận Ngô, hữu vệ tướng quân Trư Thúc Độ v.v... là những người đàn việt.

Ngày 10 tháng 06 niên hiệu Nguyên Hi thứ hai (420), bộ kinh được dịch xong, nhưng mãi đến ngày 20 tháng 12 niên hiệu Vĩnh Sơ thứ hai (421) đời Tống, việc đối chiếu với bản Phạn và chỉnh sửa mới hoàn tất.

Sau, vua Tống thỉnh tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la[26] giảng kinh này, nhưng tam tạng cảm thấy hổ thẹn vì nghĩ mình chưa thông tiếng Hán, sợ không diễn đạt hết ý chỉ kinh văn. Vì thế, tam tạng vào đạo tràng, thỉnh hội chúng cùng niệm danh hiệu bồ-tát Quán Thế Âm. Chưa đầy bảy ngày, đêm nọ, tam tạng mộng thấy mình từ đầu người Ấn đổi thành đầu người Hán. Từ đó, tam tạng thông thạo tiếng Hán và có biệt hiệu là “Tam tạng Đổi Đầu”.

Vừa đến Quan Trung, tam tạng Phật-đà-bạt-đà-la hỏi pháp sư Cưu-ma-la-thập[27]:

- Thầy đã dịch những kinh luận nào?

Ngài La-thập trả lời:

- Tôi đã dịch các kinh Pháp hoa, Duy-ma và các bộ luận như Trung luận, Thập nhị môn luận...

Tam tạng hỏi:

- Những kinh, luận thầy dịch chưa xuất sắc hơn người thì đâu đáng để nổi danh, vậy mà người ở đất Quan Trung đều gọi thầy là Tam tạng, là Đại luận sư.

Một ngày nọ, chúa của nước Tần là Diêu Hưng thỉnh tam tạng Phật-đà-bạt-đà-la vào Đông cung để chủ trì một cuộc biện luận. Trong số hơn ba nghìn học sĩ[28]ngồi dưới tòa, có những vị tăng nổi danh như Đạo Sinh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ... và những nhà nho nổi tiếng như Tạ Linh Vận, Phí Trường Phòng... tất cả đều không dám nêu câu hỏi, riêng ngài La-thập lên tiếng hỏi:

- Theo thầy, thế nào là chính kiến?

Tam tạng đáp:

- Đó là thấy tất cả pháp là không.

Ngài La-thập hỏi:

- Các pháp đã là không thì làm sao thấy được?

Tam tạng đáp:

- Thấy không, chứ chẳng phải không thấy.

Ngài La-thập hỏi:

- Tính không có thể thấy được sao?

Tam tạng đáp:

- Tính không thì không thể thấy.

Ngài La-thập hỏi:

- Thầy dùng cái gì để phá sắc thành không?

Tam tạng đáp:

- Sắc vốn không có tự thể, tập hợp nhiều vi trần thì thành sắc, chia chẻ sắc thì thành vi trần, thế nên nói sắc là không.

Ngài La-thập hỏi:

- Thầy chia chẻ sắc thành cực vi thì gọi sắc là không, vậy thì làm sao chia chẻ cực vi thành không được?

Tam tạng đáp:

- Mọi người đều căn cứ vào phương phần[29] để chia chẻ sắc, rồi nói cực vi là không, nhưng theo tôi là không đúng.

Ngài La-thập hỏi:

- Vậy ý thầy thế nào?

Tam tạng đáp:

- Từ một vi trần nên có nhiều vi trần, từ nhiều vi trần nên có một vi trần. Vi trần vốn không có tự tính thì làm sao có thể chia chẻ được?

Ngài La-thập nghe xong, mờ mịt chẳng hiểu như vậy là nói gì, nên không hỏi nữa. Lúc ấy, toàn thể chúng hội không ai hiểu được yếu chỉ Nhất thừa mà tam tạng nói. Hơn nữa, chúa của nước Tần cũng ủng hộ ngài La-thập, nên nói:

- Tam tạng không trả lời nữa, cuộc nghị luận nên dừng ở đây.

Sau khi tam tạng trở về viện, các vị tăng Đạo Sinh, Tăng Triệu, Bảo Vân v.v... lại đến muốn hỏi cho rõ nghĩa lí câu nói khi nãy mà cả ngài La-thập cũng chưa hiểu. Tam tạng bảo:

- Nghĩa ấy rất khó hiểu, nhưng ta nói dễ dàng, còn La-thập tự mê muội thôi!

Sau, ngài La-thập lại tự hỏi như trước, song câu trả lời cũng chẳng hoàn toàn rốt ráo.

U Trinh tôi hỏi về cuộc đàm luận giữa tam tạng Phật-đà-bạt-đà-la với pháp sư La-thập để ghi chép về giáo nghĩa Nhất thừa. Lúc ấy, có sa-môn Đạo Hình cũng muốn để tâm đến cuộc luận bàn về Nhất thừa, vì cả hai chúng tôi đều được nghe tam tạng nói, nên ghi thêm vào đây.

[1] Núi Tứ Minh (Tứ Minh sơn 四明山): núi nằm về phía bắc núi Thiên thai, thuộc phía tây nam huyện Ngân, tỉnh Triết giang, là nơi giáp giới với các huyện Từ Khê, Ngân, Phụng Hóa, Tân Xương, Thặng, Tứ Minh, Thượng Ngu, Dư Dao… Chu vi núi này vài trăm dặm, gồm hơn 280 ngọn. Từ xưa, núi này được xem là danh lam thắng cảnh của Phật giáo.

[2] Ngài Pháp Tạng (Tạng công 藏公; 643-712): cao tăng Trung Quốc, tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm, tự là Hiền Thủ, hiệu là Quốc Nhất pháp sư, còn gọi là Hương Tượng đại sư, Khương Tạng quốc sư.

[3] Tây vực 西域: danh từ Tây Vực nói trong lịch sử không có phạm vi nhất định, tên gọi các nước Tây Vực cũng tùy theo sự chuyển biến của thời đại mà thay đổi. Còn danh từ Tây Vực trong lịch sử Phật giáo là chỉ cho các vùng phải đi qua khi truyền Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc bằng đường bộ. Trong các nước, những nước có quan hệ với Phật giáo như: về phía tây Thông Lĩnh có Nhục-chi, An Tức, Khương-cư, Kiền-đà-la, Kế-tân; về phía đông Thông Lĩnh có Vu-điền, Chước-cú-ca, Qui-tư, Sơ-lặc, Cao Xương (nay là Thổ-lỗ-phồn). Ở đây chỉ Ấn Độ.

[4] Năm bộ luật (ngũ bộ 五部; Gđ: ngũ bộ luật): năm bộ luật Tiểu thừa của năm bộ phái khác nhau được truyền từ khoảng một trăm năm sau Phật nhập diệt. Đó là Đàm-vô-đức bộ, Tát-bà-đa bộ, Di-sa-tắc bộ, Ca-diếp-di bộ và Ma-ha tăng-kì bộ.

[5] Tiểu thừa 小乘 (S: Hīna-yāna; Cg: Quyền thừa): cỗ xe nhỏ, dụ cho giáo pháp cạn hẹp, chỉ có công năng đưa những căn cơ hạ liệt đạt đến tiểu quả.

[6] Giáo pháp Đại thừa (Đại giáo 大教; Gđ: Đại thừa giáo): giáo pháp sâu xa, vi diệu của Đức Phật có thể chuyên chở vô lượng chúng sinh từ bờ phiền não đến bờ giải thoát, là pháp môn tu hành lục độ viên mãn thành Phật được nói đến trong các kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa...

[7]Duy-ma 維摩 (S: Vimalakīrti-nirdeśa; Cg: Duy-ma-cật sở thuyết kinh, Duy-ma-cật kinh, Bất khả tư nghị giải thoát kinh): kinh gồm 3 quyển, 14 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Mục đích kinh này nói về pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn mà ngài Duy-ma đã chứng ngộ. Kinh này đặt trên tư tưởng Không của bát-nhã để xiển dương chân lí và sự thực hành của Phật giáo Đại thừa, đồng thời nói rõ vai trò của bồ-tát đạo và những công hạnh của cư sĩ tại gia.

[8] Pháp hoa 法華 (S: Saddharma-puṇḍarīka sūtra; Gđ: Diệu pháp liên hoa kinh): kinh gồm 7 hoặc 8 quyển, 28 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Hậu Tần, được xếp vào Đại chính tạng, tập 9. Đây là một trong các bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Nội dung chủ yếu là khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, tức đề xướng thuyết Tam thừa qui Nhất Phật thừa, với tư tưởng tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật.

[9] Niết-bàn 涅槃 (S: Mahā-parinirvāṇa-sūtra; Cg: Đại niết-bàn kinh): kinh gồm 40 quyển, do ngài Đàm-vô-sấm dịch vào năm 421 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này giảng nói về giáo nghĩa Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tính, hạng xiển-đề thành Phật...

[10]Hoa nghiêm華嚴 (S: Buddhāvataṃsaka-mahāvaipulya-sūtra; Cg: Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh): bộ kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa, cũng là pháp môn tự nội chứng mà Như Lai tuyên thuyết cho các bồ-tát thượng vị như bồ-tát Văn-thù, bồ-tát Phổ Hiền sau khi Ngài thành đạo dưới cội bồ-đề.

[11]Nhất thừa一乘 (S: Eka-yāna; Cg: Phật thừa): phương pháp duy nhất giúp chúng sinh đạt đến quả vị Phật.

[12]Luận Thập địa (Thập địa luận 十地論; Gđ: Thập địa kinh luận): luận gồm 12 quyển, do ngài Thế Thân người Ấn Độ soạn, ngài Bồ-đề Lưu-chi, Lặc-na-ma-đề dịch vào đời Bắc Ngụy, được xếp vào Đại chính tạng, tập 26. Đây là tác phẩm chú thích kinh Thập địa. Nội dung giải thích các giai vị tu hành của bồ-tát, cho rằng mười địa dung nhiếp tất cả thiện pháp.

[13]Cõi trời Tri Túc (Tri Túc thiên 知足天; S: Tuṣita; Cg: Đâu-suất thiên): tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục, vị trí ở giữa trời Dạ-ma và trời Lạc Biến Hóa. Cõi trời này có hai viện: 1. Đâu-suất nội viện: trụ xứ của bồ-tát sắp thành Phật (bồ-tát Bổ xứ), nay là Tịnh độ của bồ-tát Di-lặc; 2. Đâu-suất ngoại viện: thuộc cõi Dục, là nơi cư trú của thiên chúng hưởng thụ nhiều dục lạc, nhưng ít được nghe pháp.

[14]Từ Thị 慈氏 (S: Maitreya; Cg: Di-lặc): vị bồ-tát Nhất sinh bổ xứ được Đức Phật thụ kí thành Chính giác ở tương lai.

[15] Bảy chỗ chín hội (thất xứ cửu hội 七處九會): pháp hội Đức Phật thuyết kinh Hoa nghiêm. Bảy chỗ Phật nói kinh Hoa nghiêm là Bồ-đề đạo tràng, điện Phổ Quang Minh, trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Tha Hóa và rừng Thệ-đa. Trong bảy nơi đó, ở điện Phổ Quang Minh bên cạnh Bồ-đề đạo tràng, Đức Phật nhóm hội ba lần.

[16]Huyện Tây (Tây huyện 西縣): tên huyện thời xưa, thuộc phía nam thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc ngày nay.

[17] Năng Nhân 能仁 (S: Śākya; Hâ: Thích-ca): họ của một trong những chủng tộc lớn ở Ấn Độ. Đức Thế Tôn là bậc hiền, xuất thân từ chủng tộc Thích-ca, nên được tôn là Thích-ca Mâu-ni (S: Śākya-muni).

[18] Tây Thiên 西天: chỉ nước Ấn Độ. Ấn độ nằm về phía tây Trung Quốc nên được gọi là Tây Thiên.

[19] Vu-điền 于闐 (S: Ku-stana; Cg: Vu-điện, Vu-độn, Khê-đan): tên một vương quốc xưa ở Tây Vực, thuộc miền tây Tân Cương, vùng Hòa-điền (Khotan) ngày nay.

[20] Địa thứ ba (Đệ tam địa 第三地; S: Prabhākarī-bhūmi; Cg: Phát Quang địa): địa thứ ba trong mười địa bồ-tát. Bồ-tát ở giai vị này nhờ thiền định mà được ánh sáng trí tuệ, tu ba huệ văn, tư, tu khiến cho chân lí dần sáng tỏ.

[21] Chấn Đán 震旦: ngày xưa Ấn độ gọi Trung Quốc là Chấn Đán.

[22] Yết-ma 羯磨 (S: karman): các việc làm có liên quan đến giới luật như thụ giới, sám hối, kết giới, tức chỉ cho tác pháp sinh thiện, diệt ác.

[23] Dương châu 揚洲: một trong chín châu ngày xưa ở Trung Quốc.

[24]Sa-môn沙門 (S: śramaṇa; Hd: tức tâm, cần tức, bần đạo): người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến niết-bàn.

[25] Thái thú 太守: chức quan cao nhất cai trị trong một quận.

[26] Cầu-na-bạt-đà-la 求那跋陀羅 (394-468; S: Guṇabhadra; Hd: Công Đức Hiền): cao tăng Ấn Độ, sang Trung Hoa dịch kinh vào đời Lưu Tống, người Trung Ấn Độ, vốn thuộc dòng dõi Bà-la-môn, vì xiển dương giáo pháp Đại thừa, nên người đời gọi là Ma-ha Diễn.

[27] Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什 (344-413): cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đông Tấn, người nước Qui-tư, là một trong bốn nhà dịch kinh lớn. Cha mẹ sư là người có đức hạnh, sau đều xuất gia theo đạo Phật. Sư thông minh từ thuở bé, 7 tuổi xin mẹ vào đạo. Sau Sư đến Thiên Trúc, tham học khắp các bậc danh túc. Sư học rộng nhớ dai, tiếng tốt vang khắp năm xứ Thiên Trúc. Khi trở về nước, sư được vua tôn làm thầy… Năm 401, vua Diêu Hưng đánh bại họ Lữ, sư mới được rước về Trường An. Vua Diêu Hưng tôn sư làm quốc sư, trụ ở vườn Tiêu Dao, chuyên dịch kinh với sự trợ giúp của các vị Tăng Triệu, Tăng Nghiêm.

[28] Học sĩ 學士: người dày công nghiên cứu học tập.

[29] Phương phần 方分: phương vị: trên, dưới, phải, trái và phần thể tích chiếm dụng trong không gian.

Phần 2

PHÁP SƯ HUỆ CỰ ĐỜI BẮC TỀ

Thuở nhỏ, sư đã chán cuộc sống thế tục; lớn lên, chuyên tu học theo kinhHoa nghiêm.

Đến tuổi 15-16, sư vào trong đạo tràng, ngày đêm sáu thời, lễ bái, trì tụng không hề xao lãng. Đêm nọ, sư mộng thấy có một đồng tử tự xưng là Thiện Tài đến nói với sư:

- Thầy đã chuyên tâm trì tụng kinh Hoa nghiêm, lại muốn tìm hiểu cảnh giới Phật. Ngày mai, thầy hãy đi về phương nam, tôi sẽ cho thuốc thông minh giúp thầy lĩnh hội yếu chỉ kinh văn.

Sáng ra, sư kể điềm mộng ấy cho chư tăng nghe, rồi lấy nước thơm tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ, tay bưng lư hương, đỉnh lễ tam bảo, nguyện cho sự mong cầu của mình được thành tựu giống như trong mộng.

Thế là, theo lời đồng tử, sư đi về phương nam, thân tâm chí thành niệm danh hiệu bồ-tát Văn-thù. Đi dọc theo đường được vài dặm, sư bỗng thấy một cái ao chu vi khoảng nửa dặm, xung quanh có nhiều loại hoa, bên trong có cây xương bồ[1]. Thầm nghĩ: “Xương bồ là thuốc thông minh”, nên nhớ lời đồng tử, sư lội xuống ao hái xương bồ, thì bỗng gặp một rễ cây lớn bằng trục xe. Sư đem rễ cây ấy về chùa, giã mịn rồi vo thành viên bằng trái táo. Vừa uống vào, sư cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái, một ngày tụng cả vạn chữ. Từ đó, sư hiểu tường tận kinh Hoa nghiêm và soạn bộ sớ về kinh này gồm hơn mười quyển, tụng kinh hơn năm mươi lần.

CƯ SĨ PHÀN HUYỀN TRÍ

Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), đời Đại Đường (618-907), có cư sĩ Phàn Huyền Trí là bạn học với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm.

Năm 20 tuổi, cư sĩ học đạo, thông suốt năm bộ kinh[2] của Nho giáo và ba tạng[3] của nhà Phật, nhưng chuyên lấy kinh Hoa nghiêm làm sự nghiệp. Cư sĩ sống trong núi Phương Châu, chỉ ăn lá tùng.

Hơn 60 tuổi, cư sĩ vẫn thường trì tụng kinh Hoa nghiêm, không hề ngừng nghỉ.

Trước độ tuổi 50, cư sĩ cảm được nơi mình ở xuất hiện một dòng suối ngọt, cung cấp đủ nước khiến cho khu rừng ấy chẳng những kết trái thơm ngon mà cây cây trĩu quả, mọi người khắp nơi đến hái đem về vẫn không hết.

Bỗng một hôm, trời đổ mưa tuyết dày đặc, khách buôn qua lại không được nên lương thực cạn kiệt. Ngay lúc ấy, thần núi dâng lên một loại thuốc giống như đề hồ có vị ngọt như sữa. Cư sĩ uống vào một muỗng thì bảy ngày không thấy đói, tinh thần sảng khoái, thân thể nhẹ nhàng, mắt sáng hẳn lên. Nếu cư sĩ lễ bái, trì tụng vào ban đêm thì đèn tự nhiên hiện ra, nếu trì tụng vào ban ngày thì có các loài chim tụ tập, nghe kinh. Quyến thuộc của thần núi hiện thân vây quanh, thường dâng trái ngon, đồng thời có mùi hương lạ bay khắp. Đêm nọ, khi cư sĩ đang tụng kinh, trong miệng phóng ra ánh sáng có màu như vàng ròng, chiếu xa hơn bốn mươi dặm, ai nấy đều kinh ngạc. Có người lần theo ánh sáng ấy đi đến núi thì chỉ thấy cư sĩ tụng kinh, trong miệng phát ra ánh sáng.

Năm 92 tuổi, cư sĩ không bệnh mà qua đời. Khi trà-tì[4] thì răng biến thành xá-lợi[5], được hơn trăm viên, viên nào cũng phóng ánh sáng rực rỡ suốt mấy ngày vẫn không tắt. Bấy giờ, tăng tục nhặt lấy xá-lợi, xây tháp cúng dường.

HAI VỊ TĂNG Ở CHÙA THIỀN ĐỊNH

Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), tại chùa Thiền định có hai vị tăng là Đạo Tường và Huệ Ngộ đều ẩn cư trong núi Thái Bạch[6]. Sư Đạo Tường chuyên trì tụng kinh Niết-bàn, sư Huệ Ngộ chuyên trì tụng kinh Hoa nghiêm. Hai vị lấy lá cây tùng làm thức ăn, ngày đêm sáu thời lễ bái, trì tụng, trải qua nhiều năm như thế.

Bỗng hôm nọ, có một cư sĩ râu tóc bạc phơ, mặc y phục sạch sẽ, dung nghi cao lớn, uy nghiêm, từ từ đi đến, vái chào và thưa:

- Con xin thỉnh một thầy về nhà để được cúng dường.

Một vị tăng nói:

- Ở đây chỉ có hai thầy. Chúng tôi cùng đi có được không?

Cư sĩ thưa:

- Nhà con nghèo thiếu, xin thỉnh một thầy thôi.

Vị tăng hỏi:

- Vậy ông muốn thỉnh ai?

- Xin thỉnh pháp sư tụng kinh Hoa nghiêm.

Theo lời thỉnh cầu, sư Huệ Ngộ đi theo cư sĩ. Đi được hơn trăm bước, cư sĩ bay lên hư không, rồi hỏi sư Huệ Ngộ:

- Sao thầy không bay lên hư không?

Sư Huệ Ngộ đáp:

- Bần đạo không có cánh, làm sao bay được.

Cư sĩ hỏi:

- Thầy vẫn chưa đắc thần thông ư?

Sư đáp:

- Quả thật tôi chưa đắc.

Cư sĩ liền từ hư không bước xuống, để sư ngồi trong vạt áo của mình và nói sư nhắm mắt lại.

Lúc ấy, sư chỉ nghe bên tai có tiếng gió vù vù, trong khoảng thời gian nửa bữa ăn, cư sĩ đã đưa sư trở lại mặt đất và nói sư mở mắt ra. Không biết mình đã đến nơi nào, sư nhìn quanh chỉ thấy núi non hùng vĩ, thấy nhà cư sĩ đều là từ dưới đất vọt lên. Khi ấy, cư sĩ mời sư vào nhà. Vừa lễ Phật xong, sư bỗng thấy có năm trăm vị tăng lạ, cầm tích trượng, mang bát, từ hư không bay xuống. Vì kính trọng các vị tăng lạ, sư không dám ngồi trên, liền xuống ngồi hàng dưới. Cư sĩ đến nói với sư:

- Thầy thụ trì kinh Hoa nghiêm là cảnh giới của chư Phật, sao lại ngồi dưới hàng thánh nhỏ?

Nói xong, cư sĩ thỉnh sư lên ngồi trên năm trăm vị thánh. Sau khi thụ trai, rửa tay, súc miệng, các vị thánh bay lên hư không mà đi. Cư sĩ sai người đem ra một hộp vật báu để cúng dường sư và nhờ sư chú nguyện cho lòng thành của mình. Sư nói:

- Bần đạo đến đây là hoàn toàn nhờ cư sĩ, không phải tự đi, nên không thể tự trở về được. Xin hãy vui lòng đưa tôi trở về. Tôi sẽ tụng kinh để báo đền công đức của ông.

Cư sĩ nói:

- Con thiết trai chủ yếu là để cúng dường một mình thầy. Tuy có năm trăm vị a-la-hán[7] đến thụ trai nhưng chỉ là gặp dịp mời luôn thôi. Xin thầy chú nguyện cho lòng thành này, con sẽ cho người đưa thầy về chỗ cũ.

Vừa chú nguyện xong, sư thấy trước sân có năm ba đồng tử khoảng 6, 7 tuổi. Cư sĩ gọi bọn trẻ đến, rồi lại gọi tên một đồng tử đến và bảo:

- Con hãy theo hầu vị pháp sư này.

Đồng tử liền thưa sư:

- Xin sư há miệng ra.

Sư làm theo lời đồng tử. Đồng tử nhìn vào miệng sư và thưa:

- Thầy có rất nhiều bệnh.

Nói xong, đồng tử đưa tay xoa vào thân mình, lấy ra một ít thuốc cỡ bằng hạt mè, chia làm ba viên, rồi đưa sư nuốt vào. Đồng tử lại thưa sư há miệng ra, rồi bất chợt bay vào miệng sư. Ngay lúc đó, sư bay lên hư không, trở về chỗ cũ. Đang trụ giữa không trung, sư nói với sư ĐạoTường:

- Vừa rồi, nhờ vị cư sĩ thần tiên thỉnh về cúng dường, nên tôi đã đắc thần thông. Giờ đây, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đến các cung: Bồng Lai, Kim Khuyết, Tử Vi v.v... để trì tụng kinh Hoa nghiêm.

Nói xong, sư Huệ Ngộ từ biệt sư Đạo Tường, mang ba y, bình bát và quyển kinh thường trì tụng, rồi bay lên hư không mà đi.

MỘT NI SƯ Ở NÚI CỬU LŨNG

Vào niên hiệu Hiển Khánh (656-661), ở núi Cửu Lũng có một ni sư chuyên trì tụng kinh Hoa nghiêm, là pháp tạng bí mật của Phật thừa. Ni sư vào núi, thụ trì hơn hai mươi năm không hề xao lãng. Ni sư nương theo kinh văn tu hành, nên tinh thần an định, tâm trí vắng lặng và chứng huệ nhãn[8], đạt được cảnh giới Nhân-đà-la võng[9], thấy rõ chín hội[10] đạo tràng hiện ra trong vô số thế giới ở khắp mười phương giống như cảnh trong gương vậy.

MỘT VỊ PHẠM TĂNG

Niên hiệu Tổng Chương thứ nhất (668), ở Tây Vực có vị tam tạng Phạm tăng[11] đến Kinh Lạc[12]. Lúc ấy, vua Cao Tông kính trọng, tôn sư làm thầy. Kẻ tăng, người tục đều qui ngưỡng.

Ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm lúc còn nhỏ, đã đỉnh lễ tam tạng, xin thụ giới bồ-tát. Bấy giờ, mọi người thưa với tam tạng:

- Đứa bé này tụng được bộ đại kinh Hoa nghiêm và hiểu rõ nghĩa lí kinh văn.

Tam Tạng lấy làm ngạc nhiên, khen ngợi:

- Giáo nghĩa Nhất thừa trong kinh Hoa nghiêm là tạng bí mật của chư Phật, rất khó gặp được, huống là thông hiểu nghĩa lí kinh văn. Nếu có người nào tụng được một phẩm Tịnh hạnh trong kinh Hoa nghiêm, thì người đó đã thành tựu đầy đủ giới hạnh thanh tịnh của bồ-tát, không cần thụ thêm giới bồ-tát nữa. Trong Tây Vực truyện kí có ghi: “Hễ người nào tụng kinh Hoa nghiêm, nếu nước họ rửa tay văng nhằm con kiến, thì con kiến ấy mạng chung, sẽ sinh lên cõi trời Đao-lợi[13]; huống là người thường thụ trì. Nên biết, về sau đứa bé này nhất định sẽ làm lợi ích cho nhiều người, thường ban pháp cam lộ vô sinh cho chúng sinh.

MỘT VỊ TĂNG TỤNG KINH HOA NGHIÊM

Vào niên hiệu Thượng Nguyên (674-676 hoặc 760-762), ở chùa Kính Ái, Lạc châu, có vị tăng quê ở Trịnh châu. Một hôm, sư về quê thăm cha mẹ. Vừa đến địa phận Trịnh châu thì trời tối, nên sư nghỉ nhờ nơi một quán trọ. Lát sau, có một vị tăng khác đến, không rõ tên gì cũng vào quán ấy ngủ trọ. Chủ quán xếp đặt cho vị tăng đến sau ở sát phòng của vị tăng đến trước. Vị tăng đến sau nói với chủ quán:

- Bần đạo từ xa đến, vừa mệt vừa đói lả người. Ông hãy bán cho ba lít rượu, một cân[14] thịt, bao nhiêu tiền bần tăng sẽ trả đủ, xin hãy mang đến mau, chớ có chậm trễ.

Theo lời yêu cầu, người chủ quán mang rượu thịt đến, vị tăng ấy ăn hết sạch. Thấy vậy, vị tăng trì luật ở chùa Kính Ái nổi giận, quở trách:

- Thầy mặc pháp phục mà đến nhà cư sĩ mặc tình ăn thịt, uống rượu, thật không biết xấu hổ!

Vị tăng ấy im lặng, không trả lời. Đến canh một, vị tăng xin nước súc miệng, ngồi xếp bằng ngay thẳng, từ từ mở bản kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm bằng tiếng Phạn, rồi đọc tụng. Đầu tiên, vị tăng đọc tên kinh, tiếp đến đọc câu: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Ma-kiệt-đề quốc tịch diệt đạo tràng…”, thì hai bên khóe miệng đều phóng ra ánh sáng giống như màu vàng ròng, khiến người nghe thì rơi lệ, người thấy thì phát tâm. Vị tăng trì luật cũng sinh lòng ngưỡng mộ, thầm nghĩ: “Thì ra vị tăng uống rượu, ăn thịt kia tụng được bộ kinh lớn thế này!”.

Gần đến canh ba, vị tăng trì luật vẫn nghe tiếng tụng kinh đều đều không dứt. Sắp hết quyển 4, ánh sáng trong miệng càng rực rỡ hơn, tỏa chiếu khắp căn phòng, xuyên qua khe hở, sáng rực cả hai phòng. Ban đầu, vị tăng trì luật không biết đó là ánh sáng gì, nên cho là “Vị khách kia sao không tắt đèn, làm hao dầu của chủ quán”.

Nghĩ thế, vị tăng trì luật đứng dậy, đi về phía nhà vệ sinh, nhìn qua thì thấy ánh sáng màu vàng phóng ra từ hai bên khóe miệng của vị tăng. Vị tăng tụng đến quyển 5 thì ánh sáng ấy dần dần thâu lại vào trong miệng. Vừa đến canh năm thì đã tụng xong quyển 6, vị tăng mới nằm nghỉ.

Lát sau, trời sáng, vị tăng trì luật hối hận, rơi lệ, đến chỗ vị tăng tụng kinh, năm vóc[15] sát đất, cầu xin sám hối về lỗi khinh chê bậc hiền thánh, mong tội lỗi được tiêu trừ.

HAI VỊ PHẠM TĂNG

Vào niên hiệu Nghi Phụng (676-679), ở Tây Vực có hai vị Phạm tăng đi đến núi Ngũ Đài[16]. Hai vị mang theo hoa sen và bưng lư hương, hướng về phía đỉnh núi vừa đi vừa lạy để đỉnh lễ bồ-tát Văn-thù.

Giữa đường, hai vị gặp một ni sư đang ngồi ngay thẳng một mình trên ghế mây ở dưới cội tùng trong một động đá và miệng tụng kinh Hoa nghiêm. Lúc ấy, trời sắp tối, ni sư nói với hai vị Phạm tăng:

- Ni không thể ngủ chung với đại tăng. Các đại đức nên đi nơi khác, ngày mai hãy trở lại.

Vị tăng nói:

- Núi non sâu thẳm, đường xá xa xôi, chúng tôi không biết tá túc nơi nào. Xin ni sư cho chúng tôi nghỉ lại.

Ni sư nói:

- Nếu đại đức không đi thì tôi không thể ở đây. Tôi sẽ vào núi sâu.

Nghe vậy, hai vị do dự, vừa xấu hổ vừa lo sợ, nhưng không biết đi đâu. Ni sư lại nói:

- Cứ đi xuống cái động phía trước, trong đó có một động thiền.

Theo lời ni sư, hai vị tăng tìm đến đó, thì quả nhiên thấy có một động thiền cách chỗ ni sư khoảng hơn năm dặm. Hai vị nhất tâm chắp tay, bưng lư hương, từ xa hướng về phía bắc đỉnh lễ, rồi nhiếp niệm nghe tiếng tụng kinh rõ ràng như ở bên tai.

Đầu tiên, ni sư đọc tên kinh, kế đó tụng: “Như thị ngã văn...”, thì từ xa hai vị tăng trông thấy ni sư đang ngồi trên chiếc ghế, mặt nhìn về hướng nam, trong miệng phóng ra ánh sáng rực rỡ như màu vàng ròng, chiếu sáng cả đỉnh núi phía trước; tụng được hai quyển đầu thì ánh sáng ấy tỏa khắp cả vùng phía nam hang núi, chu vi khoảng mười dặm, chẳng khác gì ban ngày; tụng đến quyển 4 thì ánh sáng dần dần thâu lại; đến quyển 6 thì ánh sáng ấy mất hẳn và trở vào miệng ni sư.

Phẩm Bồ-tát trụ xứ trong kinh Hoa nghiêm ghi: “Ở phía đông bắc nước Chấn Đán có trụ xứ của bồ-tát là núi Thanh Lương[17], là nơi các bồ-tát quá khứ thường cư ngụ. Ngày nay, có bồ-tát Văn-thù-sư-lợi[18] cùng hàng vạn vị bồ-tát nhóm họp”. Núi ấy là núi Ngũ Đài, thuộc phía đông bắc Triết châu, phía nam Đại châu[19].

Kinh Thủ-lăng-nghiêm tam-muội ghi: “Bồ-tát Văn-thù là Đức Phật Long Chủng Thượng Tôn Vương ở thế giới Bình Đẳng vào thời quá khứ”.

Lại nữa, kinh Ương-quật-ma-la ghi: “Bồ-tát Văn-thù là Đức Phật Ma Ni Bảo Tích ở thế giới Hoan Hỉ phương đông”.

Cảnh giới của vị ni sư thần diệu ấy chắc chắn là hóa thân của bồ-tát Văn-thù ứng hiện để khai thị cho hai vị Phạm tăng.

[1] Xương bồ 菖蒲: tên một thứ cây có mùi thơm, mọc trên núi, dùng làm vị thuốc.

[2] Năm bộ kinh (ngũ kinh 五經): năm bộ sách quan trọng của Nho giáo, gồm kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ và kinh Xuân Thu.

[3] Ba tạng (tam tạng 三藏; S: trīṇi piṭakāni; Cg: tam pháp tạng): kinh tạng, luật tạng và luận tạng.

[4] Trà-tì 荼毘 (S: jhāpeti; Cg: đồ-tì, xà-tì): thiêu đốt tử thi để giữ lại di cốt, là một trong những cách xử lí xác người chết.

[5] Xá-lợi 舍利 (S: śarīra): di cốt. Thông thường chỉ cho di cốt của Phật, về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân của cao tăng.

[6] Núi Thái Bạch (Thái Bạch sơn 太白山): núi ở phía đông nam huyện Mi, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

[7] A-la-hán (la-hán 羅漢; S: arhat; Hd: ứng cúng): bậc thánh đã đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi, chứng được tận trí, xứng đáng nhận sự cúng dường của trời, người.

[8] Huệ nhãn 惠眼 (S: prajñā-cakṣus; Cg: tuệ nhãn): mắt của hàng thanh văn, duyên giác.

[9] Nhân-đà-la võng 因陀羅網 (S: Indra-jāla; Cg: Thiên Đế võng, Đế võng): lưới báu dùng để trang nghiêm cung điện của trời Đế Thích. Mỗi mắt lưới đều có kết bảo châu, nhiều vô lượng, mỗi hạt bảo châu đều ánh hiện hình ảnh của tất cả các hạt bảo châu khác. Vô lượng bảo châu phản chiếu lẫn nhau, ảnh hiện trùng trùng. Kinh Hoa nghiêm dùng Nhân-đà-la võng để dụ cho ý nghĩa một và nhiều tương tức tương nhập, trùng trùng vô tận của các pháp.

[10] Chín hội (cửu hội 九會): chín hội thuyết pháp, tức chỉ pháp hội Đức Phật thuyết kinh Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm bản Tân dịch gọi chung là Thất xứ cửu hội, hoặc bản Cựu dịch gọi là Thất xứ bát hội.

[11] Phạm tăng 梵僧: chỉ các vị tăng đến từ Tây Vực hoặc Ấn Độ đến Trung Quốc, hoặc chỉ vị tăng tu hành giữ giới thanh tịnh. Về sau, từ ngữ này dần dần được dùng để chỉ chung cho giới tăng sĩ.

[12] Kinh Lạc 京洛: tên khác của Lạc Dương.

[13] Cõi trời Đao-lợi (Đao-lợi thiên 忉利天; S: Trāyastriṃśa; Cg: Tam Thập Tam thiên): tầng trời có ba mươi ba vị thiên tử, tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời cõi Dục.

[14]Cân斤: đơn vị trọng lượng, bằng mười sáu lạng.

[15]Năm vóc (ngũ thể 五體): đầu, hai tay và hai gối.

[16] Núi Ngũ Đài (Ngũ Đài sơn 五臺山): núi ở phía đông bắc huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Núi này cùng với các núi Nga Mi, Phổ Đà và Cửu Hoa gọi chung là Tứ đại linh sơn của Phật giáo Trung Quốc. Vì năm ngọn núi này cao chót vót, trên đỉnh không có rừng cây, đất giàn trải ra như năm cái đài nên gọi là Ngũ Đài sơn. Đây là đạo tràng xưa nay bồ-tát Văn-thù thị hiện, được tín ngưỡng rộng rãi ở Trung Quốc.

[17] Núi Thanh Lương (Thanh Lương sơn 清涼山): tên khác của núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Núi này đóng băng quanh năm, mùa hạ vẫn có tuyết rơi, khí hậu không nóng bức nên gọi là Thanh Lương.

[18] Văn-thù-sư-lợi 文殊師利: vị bồ-tát tượng trưng cho trí tuệ, một trong những đại bồ-tát của Phật giáo Đại thừa. Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được đích thân Phật Thích-ca giao phó việc truyền bá Phật pháp tại núi Ngũ Đài.

[19]Đại châu 岱洲: tên núi, tức Đại sơn, một tên của ngọn Thái sơn.

Phần 3

TAM TẠNG NHẬT CHIẾU

Niên hiệu Thùy Củng thứ nhất (685), có tam tạng pháp sư Nhật Chiếu[1], người Trung Thiên Trúc, từ xa đem kinh điển bằng tiếng Phạn đến Trung Quốc để phiên dịch. Lúc ấy, vua Cao Tông (650-683) ban chiếu mời sư trụ tại chùa Thái Nguyên[2] và triệu tập các vị đại đức[3] ở kinh đô cùng dịch hơn mười bộ kinh như: Đại hoa nghiêm, Mật nghiêm v.v... Các vị sa-môn như: Đạo Thành, Bạc Trần, Viên Trắc[4], Huyền Ứng[5] v.v... chứng nghĩa[6]; sa-môn Phức Lễ[7], Tư Huyền v.v... ghi chép; sa-môn Huệ Trí v.v... dịch ngữ.

Bấy giờ, ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm cũng ở chùa này, nhân lúc đang phiên dịch, mới hỏi tam tạng Nhật Chiếu:

- Ở Tây Vực, có người nào thụ trì giáo nghĩa Nhất thừa mà được cảm ứng không?

Tam tạng thưa:

- Có lần, bần đạo[8] đi đến Nam Thiên Trúc để tìm thầy học đạo. Ban đêm, bần đạo xin ngủ nhờ trong một ngôi chùa có hơn sáu mươi đại đức. Các vị tăng ấy đều lấy việc tụng kinh Hoa nghiêm làm sự nghiệp. Họ thỉnh bồ-tát Văn-thù làm vị thượng tọa. Nếu trong chùa có vị tăng nào viên tịch, thì chúng tăng tụng kinh Hoa nghiêm để hồi hướng công đức cho giác linh vị ấy được sinh về cõi Phật. Thông thường, chúng tăng nhóm họp vào mỗi buổi tối, đốt hương, lễ Phật sám hối, rồi mỗi vị tụng một quyển kinh Hoa nghiêm và lấy đây làm thường khóa. Ngôi chùa ấy vốn do chim luân-già[9] đem vật báu của mình ra cúng dường để xây cất. Nhờ chúng tăng tụng kinh Hoa nghiêm, nên con chim ấy sau khi chết được sinh về cõi trời. Ngoài ra, còn có rất nhiều sự cảm ứng khác, không thể thuật hết được.

QUÁCH THẦN LƯỢNG

Vào giữa tháng tư niên hiệu Thùy Củng thứ ba (687), ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm giảng kinh Hoa nghiêm tại chùa Đại Từ Ân[10]. Lúc ấy, sư Đàm Diễn, một vị tăng ở cùng chùa, mở pháp hội vô già[11] để tán thán công đức của pháp sư.

Về sau, ngài Pháp Tạng đến chùa Sùng Phúc[12], lần lượt yết kiến hai đại đức luật sư Đạo Thành và Bạc Trần. Lúc đó, luật sư Bạc Trần nói với ngài Pháp Tạng:

- Mùa hạ này, có đàn việt Quách Thần Lượng ở phường Hiền An đã chết bảy ngày mà sống lại, vào chùa lễ Phật. Gặp tôi, ông ấy nói: “Bỗng nhiên tôi chết giấc, rồi trong khoảnh khắc thì sống lại. Khi ấy, có ba người sứ giả đưa tôi đến chỗ vua Bình Đẳng. Sau khi hỏi về tội-phúc, đến lúc chịu tội, vua giao tôi cho sứ giả dẫn đến địa ngục. Sắp vào ngục, tôi bỗng gặp một vị tăng. Vị ấy nói: ‘Tôi muốn dạy ông đọc một bài kệ để cứu ông thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục’. Khi ấy, quá sợ hãi, tôi xin vị tăng cứu giúp, mau ban cho bài kệ. Vị tăng đọc bài kệ:

Nếu người muốn biết rõ

Tất cả Phật ba đời

Nên quán sát như vầy

Như Lai do tâm tạo.

Nghe vậy, tôi nhất tâm đọc bài kệ này mấy lần. Nhờ bài kệ này, tôi và mấy nghìn vạn người cùng chịu tội đều được thoát khổ, khỏi bị rơi vào địa ngục”.

Câu chuyện ấy là do đàn-việt kể lại. Nên biết, bài kệ này có công năng giúp người thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục, thật không thể nghĩ bàn.

Ngài Pháp Tạng nói với luật sư Bạc Trần:

- Bài kệ đó chính là bài kệ trong hội thứ tư, kinh Hoa nghiêm.

Lúc đầu, luật sư Bạc Trần chưa nhớ đến kinh Hoa nghiêm, cũng chưa hoàn toàn tin lời ngài Pháp Tạng, mới tìm đọc phẩm Thập hạnh thì đúng là bài kệ cuối cùng trong các bài kệ của phẩm Thập Hạnh.

Luật sư Bạc Trần khen:

- Vừa nghe một bài kệ mà cả nghìn vạn người đồng loạt đều được thoát khổ, huống là thụ trì trọn bộ, giảng nói thông suốt nghĩa lí sâu xa của bộ kinh ư?

TAM TẠNG PHÁP SƯ LẶC-NA

Niên hiệu Thùy Củng thứ ba (687), tì-kheo Huệ Anh đến chùa Từ Ân nghe ngài Pháp Tạng giảng kinh Hoa nghiêm. Sau buổi giảng, tì-kheo Huệ Anh đi kinh hành quanh viện, lúc đến viện phiên dịch thì cùng đi với pháp sư Hoằng Chí ở chùa Từ Ân và pháp sư Quang ở chùa Sở Quốc. Ngài Pháp Tạng nói với các vị đại đức: “Ở Tây Vực có tam tạng pháp sư Lặc-na[13], Hán dịch là Bảo Ý, giảng kinh Hoa nghiêm, số người nghe đến mấy nghìn. Một hôm, bỗng có hai người hình dáng đoan nghiêm, quanh thân có ánh sáng rực rỡ, đến đỉnh lễ tam tạng ngay giữa đại chúng và thưa:

- Đệ tử đến đây là do Đế Thích[14] ở cõi trời Đao-lợi sai xuống để thỉnh pháp sư lên cung trời giảng kinh Hoa nghiêm. Kính xin ngài thương xót đi theo chúng con.

Tam tạng pháp sư nói:

- Bần đạo giảng ở đây chưa xong, nên chưa thể đi theo được. Đợi giảng xong, tôi sẽ thuận theo lời cầu thỉnh.

Sứ giả hỏi:

- Khi nào ngài giảng xong?

Tam tạng pháp sư nói:

- Còn hai quyển nữa.

Sứ giả lại thưa:

- Xin ngài giảng mau cho xong sớm, chúng con sẽ xuống đón ngài.

Tam tạng nhận lời, hai vị ấy bỗng biến mất. Đến khi giảng xong, tam tạng vừa gấp quyển kinh lại, thì sứ giả bước vào. Lúc ấy, pháp sư đang ngồi trên tòa cao và các vị như đô giảng[15] Phạm âm, duy-na[16] v.v... cùng lúc đều thị tịch, theo sứ lên cung Đế Thích, giảng giải, khen ngợi yếu chỉ sâu xa của kinh Đại thừa”.

Vì vậy, nên biết, pháp tạng bí mật Hoa nghiêm dù ở cõi trời hay cõi người, ai ai cũng đều tôn trọng.

ĐẠO SĨ HỒI TÂM

Niên hiệu Thiên Thụ thứ nhất (690), ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm về thăm bà nội. Đến Tằng châu, các quan trưởng châu, huyện đem hương hoa ra ngoài thành nghinh đón. Đến niên hiệu Thiên Thụ thứ hai (691), các vị ấy thỉnh sư giảng kinh Hoa nghiêm và trong lúc thuyết pháp, sư có luận bàn về chính-tà.

Bấy giờ, có một đạo sĩ trẻ tuổi đang ngồi gần đó, trở về thưa với vị quán chủ Hoằng Đạo quán:

- Vị giảng sư ở ngôi chùa phía bắc chê bai đạo mình.

Nghe vậy, vị quán chủ vô cùng tức giận. Sáng sớm hôm sau, ông ta dẫn theo hơn ba mươi đạo sĩ đến giảng đường. Sắc mặt hầm hầm, miệng tuôn lời thô lỗ, nói với sư:

- Ông hãy giảng kinh của mình đi! Sao lại luận bàn đến vấn đề của Đạo giáo chúng tôi?

Sư đáp:

- Bần đạo chỉ giảng kinh Hoa nghiêm, đâu có luận bàn hay chê bai điều gì khác.

Vị quán chủ hỏi:

- Vậy thì tất cả các pháp đều bình đẳng ư?

Sư đáp:

- Các pháp cũng bình đẳng cũng không bình đẳng.

Đạo sĩ lại hỏi:

- Pháp nào bình đẳng, pháp nào không bình đẳng?

Sư đáp:

- Tất cả các pháp không ngoài hai đế: chân đế[17] và tục đế[18]. Nếu nói theo chân đế, thì không đây, không kia; không ta, không người; chẳng sạch, chẳng nhơ; tất cả đều lìa, nên gọi là bình đẳng. Nếu nói theo tục đế, thì có thiện, có ác; có cao, có thấp; có tà, có chính, thì đâu có bình đẳng.

Đạo sĩ đuối lí, không đối đáp được, trong lòng vẫn còn giận chưa nguôi, nên buông lời phỉ báng chính pháp của đức Như Lai. Thế rồi, đạo sĩ trở về chỗ ở của mình ngủ một đêm. Sáng hôm sau, ông ta thức dậy, rửa mặt, rửa tay, không ngờ râu tóc đều rụng, ghẻ lở mọc đầy người. Ngay đó, ông hối hận, qui kính ba ngôi báu[19], chí thành cầu ngài Pháp Tạng cứu giúp và phát nguyện trì tụng kinh Hoa nghiêm một trăm biến. Ông chuyên trì tụng gần hai năm nhưng vẫn còn mười biến chưa xong, bỗng râu tóc tự nhiên mọc lại, ghẻ lở trên mình cũng lành hẳn.

Tăng tục ở Tằng châu không ai không nghe thấy điều này.

[1] Nhật Chiếu日照 (613-687; S: Divākara; Hâ: Địa-bà-ha-la): danh tăng người Trung Ấn Độ, đến Trung Quốc vào khoảng năm 676-678. Sư thông suốt tam tạng, giỏi ngũ minh… Đến khoảng năm 685-688, sư cùng các vị khác dịch rất nhiều kinh điển như: Phẩm Nhập pháp giới kinh Hoa nghiêm… gần 18 bộ, 34 quyển. Sư thị tịch vào năm 687 ở chùa Thái Nguyên, hưởng thọ 75 tuổi.

[2] Chùa Thái Nguyên 太原寺: tên một số ngôi chùa lớn ở Trung Quốc ở các nơi như Trường An, Lạc Dương, Thái Nguyên, Kinh châu và Dương châu, được lập vào đời Đường. Chùa Thái Nguyên mà sư Nhật Chiếu ở là chùa ở Lạc Dương. Chùa này lần lượt đổi tên là Ngụy Quốc Đông tự, Đại Chu Đông tự, Đại Phước Tiên tự.

[3] Đại đức 大德 (S: bhadanta): từ tôn xưng Phật, bồ-tát hoặc cao tăng ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc, từ “đại đức” dùng tôn xưng các vị cao tăng để tỏ sự cung kính. Nhưng vào đời Tùy, Đường, những người làm công tác phiên dịch thì đặc biệt được gọi là đại đức.

[4] Viên Trắc 圓測 (613-696): cao tăng Trung Quốc, thuộc tông Pháp Tướng, sống vào đời Đường, Trung Quốc, xuất thân từ vương tộc Tân La (Triều Tiên), họ Kim, tên Văn Hùng. Năm 15 tuổi, sư du học ở Trung Quốc, lần lượt thờ các vị cao tăng như Pháp Thường, Tăng Biện làm thầy. Sau, gặp ngài Huyền Tráng từ Ấn Độ trở về, mở dịch trường, sư vâng chỉ tham dự việc phiên dịch, hợp lực với các vị Khuy Cơ, Phổ Quang, nổi tiếng một thời... Sư lần lượt tham học, phiên dịch với các ngài Nhật Chiết, Đề Vân, đảm nhận việc chứng nghĩa. Sư thị tịch vào năm 696, thọ 84 tuổi.

[5] Huyền Ứng 玄應: danh tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường. Sư là người học rộng nhớ dai, rất am tường về môn âm vận và giải thích văn tự huấn cổ. Năm 645, ngài Huyền Tráng từ Tây Vực trở về, thành lập dịch trường, sư cũng được mời tham dự việc dịch kinh.

[6] Chứng nghĩa 證義: một chức vụ đảm nhiệm việc thẩm định văn nghĩa Phạn văn trong dịch trường.

[7] Phức Lễ 複禮 (Cg: Phục Lễ): cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường. Sư có đức hạnh thanh cao, được người đương thời trọng vọng. Sư từng vâng lệnh vua tham dự dịch trường của đại sư Hiền Thủ Pháp Tạng. Sư cùng ngài Pháp Tạng, Đạo Thành dịch phẩm Nhập pháp giới kinh Hoa nghiêm.

[8] Bần đạo 貧道 (S: śramaṇa; Hâ: sa-môn, sa-môn-na; Hd: cần tức, tu đạo): người xuất gia cạo bỏ râu tóc, dứt bỏ các điều ác, khéo điều hòa thân tâm, siêng năng làm các việc thiện để mong đạt đến niết-bàn.

[9] Luân-già điểu 輪伽鳥 (S: krauñca; Cg: câu-luân-xà điểu): một loại chim thuộc loại cò hoặc hạc.

[10] Chùa Đại Từ Ân (Đại Từ Ân tự 大慈恩寺; Cg: Từ Ân tự): ngôi chùa cổ ở Thành Nam, huyện Tây An, Trung Quốc, do thái tử Trị (Cao Tông) xây dựng để báo từ ân cho mẹ là hoàng hậu Văn Đức. Chùa có khoảng mười viện, một nghìn gian, trang nghiêm hùng vĩ. Khi chùa xây xong, thái tử đích thân đến lễ Phật, rồi ban sắc lệnh cho độ ba trăm người xuất gia làm tăng, thỉnh ngài Huyền Tráng làm thượng tọa, biệt thỉnh năm mươi vị đại đức. Viện dịch kinh được xây ở phía tây bắc của chùa để thờ kinh điển, tượng Phật và xá-lợi do ngài Huyền Tráng đem từ Ấn Độ về. Sau đó, vua xây thêm tháp Đại Nhạn cao năm tầng theo kiểu Tây Vực để cất giữ kinh Phật tiếng Phạn của ngài tam tạng A-địa-cù-đa người Thiên Trúc thỉnh từ Ấn Độ sang.

[11] Pháp hội vô-già (vô-già hội 無遮會; S: pañca-vārṣika maha; Hâ: ban-già-vu-sắt hội): pháp hội thực hành tài thí và pháp thí một cách bình đẳng, không phân biệt hiền thánh, tăng tục, sang hèn, trên dưới.

[12] Chùa Sùng Phúc (Sùng Phúc tự 崇福寺; Cg: Ngụy Quốc Tây tự): chùa ở Trường An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ban đầu, vua nhà Đường xây cất năm ngôi chùa ở tại Dương châu, Kinh Nam, Thái Nguyên, Tây kinh và Đông kinh để ghi nhớ và báo đáp nơi khởi nghiệp, lại lấy niên hiệu là Thái Nguyên để đặt tên cho cả năm ngôi chùa. Chùa Thái Nguyên ở Tây kinh do quan thị trung Quán Quốc Công Dương Cung Nhân, bà con bên ngoại của Vũ Hậu Tắc Thiên sửa nhà cũ thành chùa vào năm 670, sau nhiều lần trùng tu đổi tên là Ngụy Quốc Tây tự. Năm 690 lại đổi tên là chùa Sùng Phúc.

[13] Lặc-na 勒那 (S: Ratnamati; Gđ: Lặc-na-ma-đề, Lặc-na-bà-đề): cao tăng người Trung Ấn Độ, sang Trung Quốc dịch kinh vào thời Bắc Ngụy. Sư là người có học thức uyên bác, sự lí đều thông, nhất là pháp thiền.

[14] Đế Thích 帝釋 (S: Śakra Devānām-indra): vua cõi trời Đao-lợi, một trong mười hai vị trời trấn giữ phương đông, chuyên thủ hộ Phật pháp.

[15] Đô giảng 都講 (Cg: đô giảng sư): chức tăng trong hội giảng kinh luận. Từ đời Ngụy Tấn về sau, trong Phật giáo, mỗi lần khai đàn giảng kinh thì có một người xướng kinh, một người giải thích. Người xướng kinh gọi là đô giảng, người giải thích gọi là pháp sư.

[16] Duy-na 維那 (Cg: đô duy-na, duyệt chúng, tư hộ, tri sự): một chức tăng quan vào thời Bắc Ngụy, Trung Quốc. Chức quan này quản lí, điều hành và lo liệu các việc của đại chúng trong chùa.

[17] Chân đế 真諦 (S: paramārtha-satya; Cg: đệ nhất nghĩa đế; Đl: tục đế): chân lí sâu xa huyền diệu, vượt lên tất cả pháp.

[18] Tục đế 俗諦 (S: saṁvṛti-satya; Cg: thế đế; Đl: chân đế): lí sinh diệt được thuyết minh tùy thuận theo sự hiểu biết của thế gian.

[19]Ba ngôi báu (tam bảo 三寶; S: Tri-ratna, ratha-traya; Cg: tam tôn): Phật, pháp, tăng.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

PHÁP SƯ HUỆ CỰ ĐỜI BẮC TỀ
Thuở nhỏ, sư đã chán cuộc sống thế tục; lớn lên, chuyên tu học theo KINH HOA NGHIÊM.
Đến tuổi 15-16, sư vào trong đạo tràng, ngày đêm sáu thời, lễ bái, trì tụng không hề xao lãng.
Đêm nọ, sư mộng thấy có một đồng tử tự xưng là Thiện Tài đến nói với sư:
- Thầy đã chuyên tâm trì tụng KINH HOA NGHIÊM, lại muốn tìm hiểu cảnh giới Phật.
Ngày mai, thầy hãy đi về phương nam, tôi sẽ cho thuốc thông minh giúp thầy lĩnh hội yếu chỉ kinh văn.
Sáng ra, sư kể điềm mộng ấy cho chư tăng nghe, rồi lấy nước thơm tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ, tay bưng lư hương, đỉnh lễ tam bảo, nguyện cho sự mong cầu của mình được thành tựu giống như trong mộng.
Thế là, theo lời đồng tử, sư đi về phương nam, thân tâm chí thành niệm danh hiệu bồ-tát Văn-thù.
Đi dọc theo đường được vài dặm, sư bỗng thấy một cái ao chu vi khoảng nửa dặm, xung quanh có nhiều loại hoa, bên trong có cây xương bồ[1].
Thầm nghĩ:
“Xương bồ là thuốc thông minh”, nên nhớ lời đồng tử, sư lội xuống ao hái xương bồ, thì bỗng gặp một rễ cây lớn bằng trục xe.
Sư đem rễ cây ấy về chùa, giã mịn rồi vo thành viên bằng trái táo.
Vừa uống vào, sư cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái, một ngày tụng cả vạn chữ.
Từ đó, sư hiểu tường tận KINH HOA NGHIÊM và soạn bộ sớ về kinh này gồm hơn mười quyển, tụng kinh hơn năm mươi lần.
CƯ SĨ PHÀN HUYỀN TRÍ
Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), đời Đại Đường (618-907), có cư sĩ Phàn Huyền Trí là bạn học với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm.
Năm 20 tuổi, cư sĩ học đạo, thông suốt năm bộ kinh[2] của Nho giáo và ba tạng[3] của nhà Phật, nhưng chuyên lấy KINH HOA NGHIÊM làm sự nghiệp.
Cư sĩ sống trong núi Phương Châu, chỉ ăn lá tùng.
Hơn 60 tuổi, cư sĩ vẫn thường trì tụng KINH HOA NGHIÊM, không hề ngừng nghỉ.
Trước độ tuổi 50, cư sĩ cảm được nơi mình ở xuất hiện một dòng suối ngọt, cung cấp đủ nước khiến cho khu rừng ấy chẳng những kết trái thơm ngon mà cây cây trĩu quả.
Mọi người khắp nơi đến hái đem về vẫn không hết.
Bỗng một hôm, trời đổ mưa tuyết dày đặc.
Khách buôn qua lại không được nên lương thực cạn kiệt.
Ngay lúc ấy, thần núi dâng lên một loại thuốc giống như đề hồ có vị ngọt như sữa.
Cư sĩ uống vào một muỗng thì bảy ngày không thấy đói, tinh thần sảng khoái, thân thể nhẹ nhàng, mắt sáng hẳn lên.
Nếu cư sĩ lễ bái, trì tụng vào ban đêm thì đèn tự nhiên hiện ra, nếu trì tụng vào ban ngày thì có các loài chim tụ tập, nghe kinh.
Quyến thuộc của thần núi hiện thân vây quanh, thường dâng trái ngon, đồng thời có mùi hương lạ bay khắp.
Đêm nọ, khi cư sĩ đang tụng kinh, trong miệng phóng ra ánh sáng có màu như vàng ròng, chiếu xa hơn bốn mươi dặm, ai nấy đều kinh ngạc.
Có người lần theo ánh sáng ấy đi đến núi thì chỉ thấy cư sĩ tụng kinh, trong miệng phát ra ánh sáng.
Năm 92 tuổi, cư sĩ không bệnh mà qua đời.
Khi trà-tì[4] thì răng biến thành xá-lợi[5], được hơn trăm viên.
Viên nào cũng phóng ánh sáng rực rỡ suốt mấy ngày vẫn không tắt.
Bấy giờ, tăng tục nhặt lấy xá-lợi, xây tháp cúng dường.
HAI VỊ TĂNG Ở CHÙA THIỀN ĐỊNH
Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), tại chùa Thiền định có hai vị tăng là Đạo Tường và Huệ Ngộ đều ẩn cư trong núi Thái Bạch[6].
Sư Đạo Tường chuyên trì tụng kinh Niết-bàn, sư Huệ Ngộ chuyên trì tụng KINH HOA NGHIÊM.
Hai vị lấy lá cây tùng làm thức ăn.
Ngày đêm sáu thời lễ bái, trì tụng, trải qua nhiều năm như thế.
Bỗng hôm nọ, có một cư sĩ râu tóc bạc phơ, mặc y phục sạch sẽ, dung nghi cao lớn, uy nghiêm, từ từ đi đến, vái chào và thưa:
- Con xin thỉnh một thầy về nhà để được cúng dường.
Một vị tăng nói:
- Ở đây chỉ có hai thầy. Chúng tôi cùng đi có được không?
Cư sĩ thưa:
- Nhà con nghèo thiếu, xin thỉnh một thầy thôi.
Vị tăng hỏi:
- Vậy ông muốn thỉnh ai?
- Xin thỉnh pháp sư tụng KINH HOA NGHIÊM.
Theo lời thỉnh cầu, sư Huệ Ngộ đi theo cư sĩ.
Đi được hơn trăm bước, cư sĩ bay lên hư không, rồi hỏi sư Huệ Ngộ:
- Sao thầy không bay lên hư không?
Sư Huệ Ngộ đáp:
- Bần đạo không có cánh, làm sao bay được.
Cư sĩ hỏi:
- Thầy vẫn chưa đắc thần thông ư?
Sư đáp:
- Quả thật tôi chưa đắc.
Cư sĩ liền từ hư không bước xuống, để sư ngồi trong vạt áo của mình và nói sư nhắm mắt lại.
Lúc ấy, sư chỉ nghe bên tai có tiếng gió vù vù.
Trong khoảng thời gian nửa bữa ăn, cư sĩ đã đưa sư trở lại mặt đất và nói sư mở mắt ra.
Không biết mình đã đến nơi nào, sư nhìn quanh chỉ thấy núi non hùng vĩ, thấy nhà cư sĩ đều là từ dưới đất vọt lên.
Khi ấy, cư sĩ mời sư vào nhà.
Vừa lễ Phật xong, sư bỗng thấy có năm trăm vị tăng lạ, cầm tích trượng, mang bát, từ hư không bay xuống.
Vì kính trọng các vị tăng lạ, sư không dám ngồi trên, liền xuống ngồi hàng dưới.
Cư sĩ đến nói với sư:
- Thầy thụ trì KINH HOA NGHIÊM là cảnh giới của chư Phật, sao lại ngồi dưới hàng thánh nhỏ?
Nói xong, cư sĩ thỉnh sư lên ngồi trên năm trăm vị thánh.
Sau khi thụ trai, rửa tay, súc miệng, các vị thánh bay lên hư không mà đi.
Cư sĩ sai người đem ra một hộp vật báu để cúng dường sư và nhờ sư chú nguyện cho lòng thành của mình.
Sư nói:
- Bần đạo đến đây là hoàn toàn nhờ cư sĩ, không phải tự đi, nên không thể tự trở về được.
Xin hãy vui lòng đưa tôi trở về. Tôi sẽ tụng kinh để báo đền công đức của ông.
Cư sĩ nói:
- Con thiết trai chủ yếu là để cúng dường một mình thầy.
Tuy có năm trăm vị a-la-hán[7] đến thụ trai nhưng chỉ là gặp dịp mời luôn thôi.
Xin thầy chú nguyện cho lòng thành này, con sẽ cho người đưa thầy về chỗ cũ.
Vừa chú nguyện xong, sư thấy trước sân có năm ba đồng tử khoảng 6, 7 tuổi.
Cư sĩ gọi bọn trẻ đến, rồi lại gọi tên một đồng tử đến và bảo:
- Con hãy theo hầu vị pháp sư này.
Đồng tử liền thưa sư:
- Xin sư há miệng ra.
Sư làm theo lời đồng tử. Đồng tử nhìn vào miệng sư và thưa:
- Thầy có rất nhiều bệnh.
Nói xong, đồng tử đưa tay xoa vào thân mình, lấy ra một ít thuốc cỡ bằng hạt mè, chia làm ba viên, rồi đưa sư nuốt vào.
Đồng tử lại thưa sư há miệng ra, rồi bất chợt bay vào miệng sư.
Ngay lúc đó, sư bay lên hư không, trở về chỗ cũ.
Đang trụ giữa không trung, sư nói với sư ĐạoTường:
- Vừa rồi, nhờ vị cư sĩ thần tiên thỉnh về cúng dường, nên tôi đã đắc thần thông.
Giờ đây, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đến các cung: Bồng Lai, Kim Khuyết, Tử Vi v.v... để trì tụng KINH HOA NGHIÊM.
Nói xong, sư Huệ Ngộ từ biệt sư Đạo Tường, mang ba y, bình bát và quyển kinh thường trì tụng, rồi bay lên hư không mà đi.
MỘT NI SƯ Ở NÚI CỬU LŨNG
Vào niên hiệu Hiển Khánh (656-661), ở núi Cửu Lũng có một ni sư chuyên trì tụng KINH HOA NGHIÊM, là pháp tạng bí mật của Phật thừa.
Ni sư vào núi, thụ trì hơn hai mươi năm không hề xao lãng.
Ni sư nương theo kinh văn tu hành, nên tinh thần an định, tâm trí vắng lặng và chứng huệ nhãn[8], đạt được cảnh giới Nhân-đà-la võng[9], thấy rõ chín hội[10] đạo tràng hiện ra trong vô số thế giới ở khắp mười phương giống như cảnh trong gương vậy.
MỘT VỊ PHẠM TĂNG
Niên hiệu Tổng Chương thứ nhất (668), ở Tây Vực có vị tam tạng Phạm tăng[11] đến Kinh Lạc[12].
Lúc ấy, vua Cao Tông kính trọng, tôn sư làm thầy.
Kẻ tăng, người tục đều qui ngưỡng.
Ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm lúc còn nhỏ, đã đỉnh lễ tam tạng, xin thụ giới bồ-tát. Bấy giờ, mọi người thưa với tam tạng:
- Đứa bé này tụng được bộ đại KINH HOA NGHIÊM và hiểu rõ nghĩa lí kinh văn.
Tam Tạng lấy làm ngạc nhiên, khen ngợi:
- Giáo nghĩa Nhất thừa trong KINH HOA NGHIÊM là tạng bí mật của chư Phật,
Rất khó gặp được, huống là thông hiểu nghĩa lí kinh văn.
Nếu có người nào tụng được một phẩm TỊNH HẠNH trong KINH HOA NGHIÊM, thì người đó đã thành tựu đầy đủ giới hạnh thanh tịnh của bồ-tát, không cần thụ thêm giới bồ-tát nữa.
Trong TÂY VỰC TRUYỆN KÍ có ghi:
“Hễ người nào tụng KINH HOA NGHIÊM, nếu nước họ rửa tay văng nhằm con kiến, thì con kiến ấy mạng chung, sẽ sinh lên cõi trời Đao-lợi[13];
Huống là người thường thụ trì.
Nên biết, về sau đứa bé này nhất định sẽ làm lợi ích cho nhiều người, thường ban pháp cam lộ vô sinh cho chúng sinh.
MỘT VỊ TĂNG TỤNG KINH HOA NGHIÊM
Vào niên hiệu Thượng Nguyên (674-676 hoặc 760-762), ở chùa Kính Ái, Lạc châu, có vị tăng quê ở Trịnh châu.
Một hôm, sư về quê thăm cha mẹ.
Vừa đến địa phận Trịnh châu thì trời tối, nên sư nghỉ nhờ nơi một quán trọ.
Lát sau, có một vị tăng khác đến, không rõ tên gì cũng vào quán ấy ngủ trọ.
Chủ quán xếp đặt cho vị tăng đến sau ở sát phòng của vị tăng đến trước.
Vị tăng đến sau nói với chủ quán:
- Bần đạo từ xa đến, vừa mệt vừa đói lả người. Ông hãy bán cho ba lít rượu, một cân[14] thịt, bao nhiêu tiền bần tăng sẽ trả đủ, xin hãy mang đến mau, chớ có chậm trễ.
Theo lời yêu cầu, người chủ quán mang rượu thịt đến, vị tăng ấy ăn hết sạch. Thấy vậy, vị tăng trì luật ở chùa Kính Ái nổi giận, quở trách:
- Thầy mặc pháp phục mà đến nhà cư sĩ mặc tình ăn thịt, uống rượu, thật không biết xấu hổ!
Vị tăng ấy im lặng, không trả lời.
Đến canh một, vị tăng xin nước súc miệng, ngồi xếp bằng ngay thẳng, từ từ mở bản KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM bằng tiếng Phạn, rồi đọc tụng.
Đầu tiên, vị tăng đọc tên kinh, tiếp đến đọc câu:
“Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Ma-kiệt-đề quốc tịch diệt đạo tràng…”,
thì hai bên khóe miệng đều phóng ra ánh sáng giống như màu vàng ròng, khiến người nghe thì rơi lệ, người thấy thì phát tâm.
Vị tăng trì luật cũng sinh lòng ngưỡng mộ, thầm nghĩ:
“Thì ra vị tăng uống rượu, ăn thịt kia tụng được bộ kinh lớn thế này!”.
Gần đến canh ba, vị tăng trì luật vẫn nghe tiếng tụng kinh đều đều không dứt.
Sắp hết quyển 4, ánh sáng trong miệng càng rực rỡ hơn, tỏa chiếu khắp căn phòng, xuyên qua khe hở, sáng rực cả hai phòng.
Ban đầu, vị tăng trì luật không biết đó là ánh sáng gì, nên cho là
“Vị khách kia sao không tắt đèn, làm hao dầu của chủ quán”.
Nghĩ thế, vị tăng trì luật đứng dậy, đi về phía nhà vệ sinh, nhìn qua thì thấy ánh sáng màu vàng phóng ra từ hai bên khóe miệng của vị tăng.
Vị tăng tụng đến quyển 5 thì ánh sáng ấy dần dần thâu lại vào trong miệng. Vừa đến canh năm thì đã tụng xong quyển 6, vị tăng mới nằm nghỉ.
Lát sau, trời sáng, vị tăng trì luật hối hận, rơi lệ, đến chỗ vị tăng tụng kinh, năm vóc[15] sát đất, cầu xin sám hối về lỗi khinh chê bậc hiền thánh, mong tội lỗi được tiêu trừ.
HAI VỊ PHẠM TĂNG
Vào niên hiệu Nghi Phụng (676-679), ở Tây Vực có hai vị Phạm tăng đi đến núi Ngũ Đài[16].
Hai vị mang theo hoa sen và bưng lư hương, hướng về phía đỉnh núi vừa đi vừa lạy để đỉnh lễ bồ-tát Văn-thù.
Giữa đường, hai vị gặp một ni sư đang ngồi ngay thẳng một mình trên ghế mây ở dưới cội tùng trong một động đá và miệng tụng KINH HOA NGHIÊM.
Lúc ấy, trời sắp tối, ni sư nói với hai vị Phạm tăng:
- Ni không thể ngủ chung với đại tăng. Các đại đức nên đi nơi khác, ngày mai hãy trở lại.
Vị tăng nói:
- Núi non sâu thẳm, đường xá xa xôi, chúng tôi không biết tá túc nơi nào. Xin ni sư cho chúng tôi nghỉ lại.
Ni sư nói:
- Nếu đại đức không đi thì tôi không thể ở đây. Tôi sẽ vào núi sâu.
Nghe vậy, hai vị do dự, vừa xấu hổ vừa lo sợ, nhưng không biết đi đâu. Ni sư lại nói:
- Cứ đi xuống cái động phía trước, trong đó có một động thiền.
Theo lời ni sư, hai vị tăng tìm đến đó, thì quả nhiên thấy có một động thiền cách chỗ ni sư khoảng hơn năm dặm.
Hai vị nhất tâm chắp tay, bưng lư hương, từ xa hướng về phía bắc đỉnh lễ, rồi nhiếp niệm nghe tiếng tụng kinh rõ ràng như ở bên tai.
Đầu tiên, ni sư đọc tên kinh, kế đó tụng: “Như thị ngã văn...”, thì từ xa hai vị tăng trông thấy ni sư đang ngồi trên chiếc ghế, mặt nhìn về hướng nam, trong miệng phóng ra ánh sáng rực rỡ như màu vàng ròng, chiếu sáng cả đỉnh núi phía trước;
Tụng được hai quyển đầu thì ánh sáng ấy tỏa khắp cả vùng phía nam hang núi, chu vi khoảng mười dặm, chẳng khác gì ban ngày; tụng đến quyển 4 thì ánh sáng dần dần thâu lại; đến quyển 6 thì ánh sáng ấy mất hẳn và trở vào miệng ni sư.
Phẩm BỒ-TÁT TRỤ XỨ trong KINH HOA NGHIÊM ghi:
“Ở phía đông bắc nước Chấn Đán có trụ xứ của bồ-tát là núi Thanh Lương[17], là nơi các bồ-tát quá khứ thường cư ngụ.
Ngày nay, có bồ-tát Văn-thù-sư-lợi[18] cùng hàng vạn vị bồ-tát nhóm họp”.
Núi ấy là núi Ngũ Đài, thuộc phía đông bắc Triết châu, phía nam Đại châu[19].
Kinh THỦ-LĂNG-NGHIÊM TAM-MUỘI ghi:
“Bồ-tát Văn-thù là Đức Phật Long Chủng Thượng Tôn Vương ở thế giới Bình Đẳng vào thời quá khứ”.
Lại nữa, kinh Ương-quật-ma-la ghi: “Bồ-tát Văn-thù là Đức Phật Ma Ni Bảo Tích ở thế giới Hoan Hỉ phương đông”.
Cảnh giới của vị ni sư thần diệu ấy chắc chắn là hóa thân của bồ-tát Văn-thù ứng hiện để khai thị cho hai vị Phạm tăng.
________________________________________
[1] Xương bồ 菖蒲: tên một thứ cây có mùi thơm, mọc trên núi, dùng làm vị thuốc.
[2] Năm bộ kinh (ngũ kinh 五經): năm bộ sách quan trọng của Nho giáo, gồm kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ và kinh Xuân Thu.
[3] Ba tạng (tam tạng 三藏; S: trīṇi piṭakāni; Cg: tam pháp tạng): kinh tạng, luật tạng và luận tạng.
[4] Trà-tì 荼毘 (S: jhāpeti; Cg: đồ-tì, xà-tì): thiêu đốt tử thi để giữ lại di cốt, là một trong những cách xử lí xác người chết.
[5] Xá-lợi 舍利 (S: śarīra): di cốt. Thông thường chỉ cho di cốt của Phật, về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân của cao tăng.
[6] Núi Thái Bạch (Thái Bạch sơn 太白山): núi ở phía đông nam huyện Mi, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
[7] A-la-hán (la-hán 羅漢; S: arhat; Hd: ứng cúng): bậc thánh đã đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc trong ba cõi, chứng được tận trí, xứng đáng nhận sự cúng dường của trời, người.
[8] Huệ nhãn 惠眼 (S: prajñā-cakṣus; Cg: tuệ nhãn): mắt của hàng thanh văn, duyên giác.
[9] Nhân-đà-la võng 因陀羅網 (S: Indra-jāla; Cg: Thiên Đế võng, Đế võng): lưới báu dùng để trang nghiêm cung điện của trời Đế Thích. Mỗi mắt lưới đều có kết bảo châu, nhiều vô lượng, mỗi hạt bảo châu đều ánh hiện hình ảnh của tất cả các hạt bảo châu khác. Vô lượng bảo châu phản chiếu lẫn nhau, ảnh hiện trùng trùng. Kinh Hoa nghiêm dùng Nhân-đà-la võng để dụ cho ý nghĩa một và nhiều tương tức tương nhập, trùng trùng vô tận của các pháp.
[10] Chín hội (cửu hội 九會): chín hội thuyết pháp, tức chỉ pháp hội Đức Phật thuyết kinh Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm bản Tân dịch gọi chung là Thất xứ cửu hội, hoặc bản Cựu dịch gọi là Thất xứ bát hội.
[11] Phạm tăng 梵僧: chỉ các vị tăng đến từ Tây Vực hoặc Ấn Độ đến Trung Quốc, hoặc chỉ vị tăng tu hành giữ giới thanh tịnh. Về sau, từ ngữ này dần dần được dùng để chỉ chung cho giới tăng sĩ.
[12] Kinh Lạc 京洛: tên khác của Lạc Dương.
[13] Cõi trời Đao-lợi (Đao-lợi thiên 忉利天; S: Trāyastriṃśa; Cg: Tam Thập Tam thiên): tầng trời có ba mươi ba vị thiên tử, tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời cõi Dục.
[14]Cân斤: đơn vị trọng lượng, bằng mười sáu lạng.
[15]Năm vóc (ngũ thể 五體): đầu, hai tay và hai gối.
[16] Núi Ngũ Đài (Ngũ Đài sơn 五臺山): núi ở phía đông bắc huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Núi này cùng với các núi Nga Mi, Phổ Đà và Cửu Hoa gọi chung là Tứ đại linh sơn của Phật giáo Trung Quốc. Vì năm ngọn núi này cao chót vót, trên đỉnh không có rừng cây, đất giàn trải ra như năm cái đài nên gọi là Ngũ Đài sơn. Đây là đạo tràng xưa nay bồ-tát Văn-thù thị hiện, được tín ngưỡng rộng rãi ở Trung Quốc.
[17] Núi Thanh Lương (Thanh Lương sơn 清涼山): tên khác của núi Ngũ Đài ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Núi này đóng băng quanh năm, mùa hạ vẫn có tuyết rơi, khí hậu không nóng bức nên gọi là Thanh Lương.
[18] Văn-thù-sư-lợi 文殊師利: vị bồ-tát tượng trưng cho trí tuệ, một trong những đại bồ-tát của Phật giáo Đại thừa. Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được đích thân Phật Thích-ca giao phó việc truyền bá Phật pháp tại núi Ngũ Đài.
[19]Đại châu 岱洲: tên núi, tức Đại sơn, một tên của ngọn Thái sơn.
________________________________________


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

QUÁCH THẦN LƯỢNG
Vào giữa tháng tư niên hiệu Thùy Củng thứ ba (687), ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm giảng KINH HOA NGHIÊM tại chùa Đại Từ Ân[10].
Lúc ấy, sư Đàm Diễn, một vị tăng ở cùng chùa, mở pháp hội vô già[11] để tán thán công đức của pháp sư.
Về sau, ngài Pháp Tạng đến chùa Sùng Phúc[12], lần lượt yết kiến hai đại đức luật sư Đạo Thành và Bạc Trần.
Lúc đó, luật sư Bạc Trần nói với ngài Pháp Tạng:
- Mùa hạ này, có đàn việt Quách Thần Lượng ở phường Hiền An đã chết bảy ngày mà sống lại, vào chùa lễ Phật.
Gặp tôi, ông ấy nói: “Bỗng nhiên tôi chết giấc, rồi trong khoảnh khắc thì sống lại.
Khi ấy, có ba người sứ giả đưa tôi đến chỗ vua Bình Đẳng.
Sau khi hỏi về tội-phúc, đến lúc chịu tội, vua giao tôi cho sứ giả dẫn đến địa ngục.
Sắp vào ngục, tôi bỗng gặp một vị tăng.
Vị ấy nói: ‘Tôi muốn dạy ông đọc một bài kệ để cứu ông thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục’.
Khi ấy, quá sợ hãi, tôi xin vị tăng cứu giúp, mau ban cho bài kệ.
Vị tăng đọc bài kệ:
“Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Nên quán sát như vầy
Như Lai do tâm tạo.”
Nghe vậy, tôi nhất tâm đọc bài kệ này mấy lần.
Nhờ bài kệ này, tôi và mấy nghìn vạn người cùng chịu tội đều được thoát khổ, khỏi bị rơi vào địa ngục”.
Câu chuyện ấy là do đàn-việt kể lại.
Nên biết, bài kệ này có công năng giúp người thoát khỏi cảnh khổ ở địa ngục, thật không thể nghĩ bàn.
Ngài Pháp Tạng nói với luật sư Bạc Trần:
- Bài kệ đó chính là bài kệ trong hội thứ tư, KINH HOA NGHIÊM.
Lúc đầu, luật sư Bạc Trần chưa nhớ đến KINH HOA NGHIÊM, cũng chưa hoàn toàn tin lời ngài Pháp Tạng, mới tìm đọc phẩm THẬP HẠNH thì đúng là bài kệ cuối cùng trong các bài kệ của phẩm THẬP HẠNH.
Luật sư Bạc Trần khen:
- Vừa nghe một bài kệ mà cả nghìn vạn người đồng loạt đều được thoát khổ, huống là thụ trì trọn bộ, giảng nói thông suốt nghĩa lí sâu xa của bộ kinh ư?
---
TAM TẠNG PHÁP SƯ LẶC-NA
Niên hiệu Thùy Củng thứ ba (687), tì-kheo Huệ Anh đến chùa Từ Ân nghe ngài Pháp Tạng giảng KINH HOA NGHIÊM.
Sau buổi giảng, tì-kheo Huệ Anh đi kinh hành quanh viện, lúc đến viện phiên dịch thì cùng đi với pháp sư Hoằng Chí ở chùa Từ Ân và pháp sư Quang ở chùa Sở Quốc.
Ngài Pháp Tạng nói với các vị đại đức:
“Ở Tây Vực có tam tạng pháp sư Lặc-na[13], Hán dịch là Bảo Ý, giảng kinh Hoa nghiêm, số người nghe đến mấy nghìn.
Một hôm, bỗng có hai người hình dáng đoan nghiêm, quanh thân có ánh sáng rực rỡ, đến đỉnh lễ tam tạng ngay giữa đại chúng và thưa:
- Đệ tử đến đây là do Đế Thích[14] ở cõi trời Đao-lợi sai xuống để thỉnh pháp sư lên cung trời giảng KINH HOA NGHIÊM.
Kính xin ngài thương xót đi theo chúng con.
Tam tạng pháp sư nói:
- Bần đạo giảng ở đây chưa xong, nên chưa thể đi theo được. Đợi giảng xong, tôi sẽ thuận theo lời cầu thỉnh.
Sứ giả hỏi:
- Khi nào ngài giảng xong?
Tam tạng pháp sư nói:
- Còn hai quyển nữa.
Sứ giả lại thưa:
- Xin ngài giảng mau cho xong sớm, chúng con sẽ xuống đón ngài.
Tam tạng nhận lời, hai vị ấy bỗng biến mất.
Đến khi giảng xong, tam tạng vừa gấp quyển kinh lại, thì sứ giả bước vào.
Lúc ấy, pháp sư đang ngồi trên tòa cao và các vị như đô giảng[15] Phạm âm, duy-na[16] v.v... cùng lúc đều thị tịch, theo sứ lên cung Đế Thích, giảng giải, khen ngợi yếu chỉ sâu xa của kinh Đại thừa”.
Vì vậy, nên biết, pháp tạng bí mật kinh HOA NGHIÊM dù ở cõi trời hay cõi người, ai ai cũng đều tôn trọng.
ĐẠO SĨ HỒI TÂM
Niên hiệu Thiên Thụ thứ nhất (690), ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm về thăm bà nội.
Đến Tằng châu, các quan trưởng châu, huyện đem hương hoa ra ngoài thành nghinh đón.
Đến niên hiệu Thiên Thụ thứ hai (691), các vị ấy thỉnh sư giảng kinh HOA NGHIÊM và trong lúc thuyết pháp, sư có luận bàn về chính-tà.
Bấy giờ, có một đạo sĩ trẻ tuổi đang ngồi gần đó, trở về thưa với vị quán chủ Hoằng Đạo quán:
- Vị giảng sư ở ngôi chùa phía bắc chê bai đạo mình.
Nghe vậy, vị quán chủ vô cùng tức giận. Sáng sớm hôm sau, ông ta dẫn theo hơn ba mươi đạo sĩ đến giảng đường. Sắc mặt hầm hầm, miệng tuôn lời thô lỗ, nói với sư:
- Ông hãy giảng kinh của mình đi! Sao lại luận bàn đến vấn đề của Đạo giáo chúng tôi?
Sư đáp:
- Bần đạo chỉ giảng KINH HOA NGHIÊM, đâu có luận bàn hay chê bai điều gì khác.
Vị quán chủ hỏi:
- Vậy thì tất cả các pháp đều bình đẳng ư?
Sư đáp:
- Các pháp cũng bình đẳng cũng không bình đẳng.
Đạo sĩ lại hỏi:
- Pháp nào bình đẳng, pháp nào không bình đẳng?
Sư đáp:
- Tất cả các pháp không ngoài hai đế: chân đế[17] và tục đế[18].
Nếu nói theo chân đế, thì không đây, không kia; không ta, không người; chẳng sạch, chẳng nhơ; tất cả đều lìa, nên gọi là bình đẳng.
Nếu nói theo tục đế, thì có thiện, có ác; có cao, có thấp; có tà, có chính, thì đâu có bình đẳng.
Đạo sĩ đuối lí, không đối đáp được, trong lòng vẫn còn giận chưa nguôi, nên buông lời phỉ báng chính pháp của đức Như Lai.
Thế rồi, đạo sĩ trở về chỗ ở của mình ngủ một đêm.
Sáng hôm sau, ông ta thức dậy, rửa mặt, rửa tay, không ngờ râu tóc đều rụng, ghẻ lở mọc đầy người.
Ngay đó, ông hối hận, qui kính ba ngôi báu[19], chí thành cầu ngài Pháp Tạng cứu giúp và phát nguyện trì tụng KINH HOA NGHIÊM một trăm biến.
Ông chuyên trì tụng gần hai năm nhưng vẫn còn mười biến chưa xong.
Bỗng râu tóc tự nhiên mọc lại, ghẻ lở trên mình cũng lành hẳn.
Tăng tục ở Tằng châu không ai không nghe thấy điều này.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

SƯ HOẰNG BẢO Ở CHÙA ĐẠI VÂN, DƯƠNG CHÂU
Vào niên hiệu Đại Túc (701), ở chùa Đại Vân, Dương châu, có sư Hoằng Bảo là người có tướng mạo đoan nghiêm.
Sư tụng kinh rất hay, nhưng thường kiêu mạn, khinh khi người khác.
Một hôm, phía dưới tóc mai vùng trên trán của sư bỗng nổi một cục bướu lớn bằng trái đào.
Chỉ trong mười ngày, cục bướu ấy lớn dần hơn ba tấc.
Sư buồn tủi, không bước ra khỏi phòng, chỉ ở trong chùa chữa trị, nhưng cục bướu ngày càng lớn hơn.
Từ đó, sư suy nghĩ: “Bệnh này có hai nguyên nhân: một là do chiêu cảm nghiệp báo đời trước, hai là do đời này xem thường các bậc thánh hiền”.
Thế là, sư phát nguyện ở trong phòng tụng KINH HOA NGHIÊM một trăm biến, đêm ngày dâng cúng hoa, hương, chí thành lễ Phật, sám hối.
Nhưng vừa tụng được sáu mươi biến,
Bỗng khuya nọ, sư mộng thấy có một người đến nói:
- Nếu thầy muốn lành bệnh thì tôi sẽ chữa bệnh cho thầy.
Nói xong, người ấy cầm dao cắt bỏ cục bướu.
Sư giật mình, thức giấc. Sáng ra, sư kể đầy đủ việc này cho chúng tăng nghe.
Lúc ấy, nơi cục bướu nổi một mụt ghẻ, trong mụt ghẻ ấy có mủ chảy ra, suốt một tháng như thế thì lành hẳn, cũng không có sẹo.
Vị tăng tên Quân ở Dương châu đến Lạc Dương, kể đầy đủ việc này với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm.
PHÁP SƯ HUỆ CHIÊU Ở CHÙA SÙNG PHÚC, TÂY KINH
Sư còn được gọi là Huệ Hựu, là bạn học với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm. Sư tinh cần khắc khổ tu học.
Thuở nhỏ, sư thờ hòa thượng Trí Nghiễm[22] làm thầy, chuyên tu học theo KINH HOA NGHIÊM, nhưng chỉ tụng phẩm Tính khởi trong quyển 3, bản tân dịch gọi là phẩm NHƯ LAI XUẤT HIỆN và lấy đây làm thường khóa.
Sư thích nơi yên tĩnh. Trước khi ở chùa Sùng Phúc, sư đã tu thiền, tụng kinh trong núi một thời gian dài.
Vào những đêm thanh vắng, sư thường rửa tay, súc miệng, đốt hương, ngồi trên ghế mây và tụng phẩm kinh này.
Bỗng đêm nọ, khi sư đang tụng kinh, có hơn mười vị bồ-tát từ dưới đất vọt lên, ngồi trên đài hoa sen,
Thân có màu vàng ròng, tỏa ánh sáng rực rỡ, quì gối, chắp tay, nghe kinh.
Sư tụng kinh vừa xong, thì các vị bồ-tát ấy liền biến mất.
Sư nói riêng với ngài Pháp Tạng về sự cảm ứng kì diệu này.
Sau ngài Pháp Tạng kể lại cho các vị: Huệ Lượng, Huệ Vân, Huyền Quán, Như Tông v.v... cùng nghe.
THIỀN SƯ TU ĐỨC Ở ĐỊNH CHÂU
Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), ở Định châu có thiền sư Tu Đức là người đứng đầu pháp thiền và có số học chúng đến mấy vạn người, nhưng lại chuyên tu tập theo KINH HOA NGHIÊM.
Vì lòng tôn kính, sư phát nguyện biên chép kinh này.
Trước tiên, sư ngâm hương trầm vào nước, trồng cây dó[23] và tưới bằng nước thơm này.
Khi cây lớn, sư bóc lấy vỏ, chế tạo thành giấy để chép kinh.
Sư mời ba vị: người viết kinh, thợ làm bút và thợ tạo giấy, tất cả đều tắm gội sạch sẽ và giữ trai giới.
Mỗi lần viết xong một quyển, sư thù lao mười xấp lụa tốt.
Biên chép KINH HOA NGHIÊM xong, sư mở trai đàn kính mừng, để kinh vào hộp có ướp hương và thành tâm lễ bái.
Ngay hôm thiết trai, tăng tục kéo đến rất đông.
Khi vừa mở hộp kinh, ánh sáng màu vàng ròng chiếu xa hơn trăm dặm.
Mọi người trong hơn năm mươi châu ở Sơn Đông đều đến lễ bái, chiêm ngưỡng.
Ngoại đạo, thế tục, không ai không nghe biết.
Bấy giờ, quan thái giám Lưu Khiêm Chi và vương tử đời thứ ba của nhà Bắc Tề cũng đến đỉnh lễ.
LƯU KHIÊM CHI
Vào niên hiệu Thái Hòa (499), đời Tề (479-502), có một vương tử đốt thân để cúng dường bồ-tát Văn-thù.
Lưu Khiêm Chi thẹn mình tàn tật, vô dụng, nên phát tâm trụ tại núi Ngũ Đài, chuyên tu học theo KINH HOA NGHIÊM.
Đêm ngày thụ trì, sáu thời lễ Phật, sám hối.
Trải qua nhiều năm chí thành cầu khẩn không xao lãng, ông cảm được bồ-tát Văn-thù gia hộ.
Bỗng râu và tóc mai của ông tự nhiên mọc lại, các căn đầy đủ, âm thanh trong trẻo ít ai sánh bằng.
Khi thân hình và râu tóc đã bình phục, ông càng dốc chí khẩn cầu để thông suốt yếu chỉ của kinh và soạn bộ luận Hoa nghiêm gồm 600 quyển.
BẢN HẠ KINH HOA NGHIÊM
U Trinh tôi trộm nghe: “Trong ngọn núi của nước Già-câu-bàn thuộc nước Tây-tát[24], có đầy đủ bản Hạ kinh Bất tư nghị giải thoát đại phương quảng Phật hoa nghiêm gồm một trăm nghìn (100.000) bài kệ.
Tôi chỉ mong bản Hạ này sớm được đầy đủ để truyền dịch tại nước Trung Quốc hầu đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Vào năm Quí Hợi niên hiệu Kiến Trung (783), đời Đường, U Trinh tôi cung kính phát nguyện soạn bài văn qui mạng.
Những lúc đỉnh lễ chư Phật, tôi lạy thêm mười hai bộ kinh[25]; còn khi không lễ Phật thì trì niệm bài văn qui mạng này.
Trong kinh Hoa nghiêm có những phẩm có số bài kệ bằng số hạt bụi nhỏ trong bất khả thuyết[26] thế giới, thì lá bối[27] làm sao truyền viết hết được?
Những bài kệ ấy đều được ghi nhớ và thụ trì là nhờ năng lực đà-la-ni[28] của các vị đại bồ-tát.
Quyển kinh mà tì-kheo Hải Vân[29] thụ trì dù lấy mực nhiều như nước biển lớn, bút chất cao như núi Tu-di[30] để biên chép một phẩm thì vẫn chưa ghi hết một phần nhỏ.
Tổ sư Long Thụ[31] thấy quyển kinh được kết tập thành văn tự lưu truyền ở dưới long cung có ba bản:
Thượng, Trung và Hạ. Bản Thượng có số bài kệ nhiều bằng số hạt bụi nhỏ trong mười tam thiên đại thiên thế giới[32], số phẩm bằng số hạt bụi nhỏ trong bốn thiên hạ[33].
Bản Trung có bốn trăm chín mươi tám nghìn tám trăm (498.800) bài kệ, một nghìn hai trăm (1.200) phẩm.
Bản Hạ có một trăm nghìn (100.000) bài kệ, bốn mươi tám (48) phẩm.
Trong ba bản ấy, bản Thượng và bản Trung thì năng lực của người trong cõi Diêm-phù không thể thụ trì.
Do đó, ở Tây Vực chỉ có quyển kinh gồm một trăm nghìn (100.000) bài kệ thuộc bản Hạ, nay vẫn còn trong núi của nước Tây-tát ấy.
Bộ kinh 80 quyển được dịch ở nước Trung Hoa này chỉ có bốn mươi lăm nghìn (45.000) bài kệ bằng tiếng Phạn được rút ra từ một trăm nghìn (100.000) bài kệ của bản Hạ.
U Trinh tôi vì thương cho đất nước Trung Hoa vẫn chưa có đủ kinh điển mà phát nguyện rộng lớn và ghi thêm vào truyện này.
Vì muốn khuyến khích những người học đạo đều gặp được bộ kinh để cùng lễ bái, trì niệm, nên tôi cầu mong bản Hạ có đầy đủ và sớm lưu truyền vào nước này.
Bài kệ mà vị tăng dạy cho đàn việt Thần Lượng đọc tụng trong truyện này được rút ra từ bản dịch trước đây, bản dịch sau ghi thành bài kệ:
« Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Nên quán pháp giới tính
Thảy đều do tâm tạo. »

TÔN TƯ MẠC
Vào niên hiệu Thượng Nguyên (674-676), Tôn Tư Mạc nhờ uống Lưu châu đan và Vân mẫu phấn[34] nên thọ đến 150 tuổi mà tướng mạo trông giống như một đồng tử.
Lần nọ, ông đến Trường An, nói về những chuyện xảy ra trong các đời Tề, Ngụy rõ ràng như tận mắt trông thấy.
Ông còn chép bảy trăm năm mươi bộ KINH HOA NGHIÊM.
VUA THÁI TÔNG
Vua Thái Tông muốn đọc kinh Phật, nên hỏi Tôn Tư Mạc:
- Kinh nào là lớn nhất?
Tôn Tư Mạc tâu:
- KINH HOA NGHIÊM là lớn nhất.
Vua lại hỏi:
- Gần đây có bộ Đại bát-nhã 600 quyển do tam tạng Huyền Tráng dịch sao không cho là lớn.
Còn KINH HOA NGHIÊM chỉ có 80 quyển lại cho là lớn ư?
Tôn Tư Mạc thưa:
- Pháp giới Hoa Nghiêm đầy đủ tất cả. Trong một môn có thể diễn thành quyển kinh lớn bằng đại thiên thế giới.
Còn kinh Bát-nhã chính là một môn trong KINH HOA NGHIÊM mà thôi.
Nghe vậy, vua Thái Tông tỏ ngộ, phát tâm thụ trì Hoa nghiêm Nhất thừa bí giáo, cũng gọi là Đại bất tư nghị giải thoát kinh.
Vì kinh này có công năng lớn nên sự cảm ứng cũng lớn.
Người học đạo muốn tu tập theo tâm tuệ của Phật, thấu rõ cảnh giới Phật, chứng đắc quả vị Phật, y theo biển pháp tính Nhất thừa này mà tu hành, thì không cần trải qua các giai vị, khi vừa phát tâm liền thành Chính giác ngang bằng với các đức Như Lai trong ba đời.
Ví như giọt nước từ các dòng sông vừa chảy vào biển liền được gọi là nước biển.
Cũng vậy, nếu người nương theo Đại thừa, Nhị thừa[35], Quyền giáo[36] mà tu đủ muôn hạnh, thì dù trải qua nhiều kiếp dài lâu cũng không bằng nghe kinh này, chỉ dùng một chút phương tiện liền sớm chứng quả Bồ-đề.
LỜI BẠT
Kinh Hoa nghiêm ghi:
“Kinh này không phải tất cả chúng sinh đều tin nhận, thụ trì, chỉ trừ bậc đại bồ-tát; Ngay cả các hàng thanh văn, duyên giác còn không tin nhận, huống là thụ trì?
Hoặc có bồ-tát trải qua ức na-do-tha[37] kiếp tu sáu ba-la-mật[38] mà không được nghe kinh này,
Hoặc là được nghe mà không tin nhận thì cũng chỉ là bồ-tát giả danh.
Nếu chỗ nào có quyển kinh này thì nơi đó là tháp miếu Như Lai, người nào cung kính lễ lạy thì người ấy có đủ căn lành, dứt trừ khổ não, đạt được niềm vui của bậc hiền thánh”.
Chúng ta nên gắng sức thụ trì KINH HOA NGHIÊM này.
Tôi thờ vị thiền tổ[39] là ngài Vô Danh[40] làm thầy, nhờ hầu cận mà được nghe về hạnh nguyện của bồ-tát Phổ Hiền, đại định Hải Ấn và thể tính pháp giới, mới biết KINH HOA NGHIÊM là bộ kinh tối cao của đạo Phật.
Thế nên, tôi chỉnh sửa tập truyện này để chỉ bày rõ ràng cho những ai chưa được nghe đến KINH HOA NGHIÊM.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

CƯ SĨ CAO NGHĨA THÀNH:
Cư sĩ người huyện Lâm Phần, Tấn Châu, xuất thân trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam bảo, được xóm làng kính trọng.
Vào tháng 2 năm Hàm Hanh thứ 4 (673), Cư sĩ thỉnh kinh Hoa Nghiêm ở chùa Hiền Kiếp tại huyện Hồng Động về thờ trong ngôi tháp nhỏ tại nhà.
Đúng giờ Ngọ hôm tụng kinh, bỗng có ánh sáng lạ như mặt trời chiếu vào gương, soi rực rỡ trên vách, hồi lâu mới tắt.
Khi tụng biến thứ hai, ánh sáng lại chiếu soi khắp bốn vách của Phật đường.
Do đó, mọi người xa gần cùng đến xem và đều khen ngợi, kính ngưỡng.

(Trích “TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM”)
-Sa môn PHÁP TẠNG
-Dịch và chú thích: THIỆN THUẬN- QUẢNG AN-VIÊN CHÂU-NGỘ BỔN


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

THÍCH ĐỨC VIÊN:
Sư người Thiên Thủy, xuất gia từ thuở nhỏ, thường chọn KINH HOA NGHIÊM làm pháp tu, lấy việc tụng kinh, tham thiền làm thường khóa.
Sư tham học khắp các đạo tràng, tỏ ngộ được lý cùng tột.
Lại kính nghĩ kinh HOA NGHIÊM là bộ kinh uyên áo.
Muốn tỏ lòng chí thành với kinh, Sư bèn tạo một khu vườn thanh tịnh, trồng cây dó[184] và các hoa cỏ thơm.
Từ đó, hàng ngày, sau khi tắm gội sạch sẽ, Sư vào vườn, tưới nước thơm cho cây. Suốt 3 năm, cây dó lớn lên, tỏa hương thơm ngát.
Bấy giờ, Sư dựng riêng một tịnh thất, dùng đất thơm trát vách, đắp nền, rồi chuẩn bị đầy đủ hương thơm, vật dụng sạch sẽ, đồ tắm, y phục mới.
Những người thợ được mời cũng phải trai giới, khi ra vào phải thay y phục, súc miệng, rửa tay, xông hương,
Rồi mới lột lấy vỏ cây ngâm vào nước trầm để chế tạo thành giấy, trọn một năm mới xong.
Sư lại đắp một nền khác để làm căn phòng mới, mà toàn bộ cột kèo, rui mè cho đến ngói lợp cũng đều rửa bằng nước thơm.
Mọi việc đều tinh khiết, nghiêm cẩn.
Trong căn phòng ấy, Sư bố thí một tòa được làm bằng gỗ bách khảm ngà voi, chung quanh bày biện hương hoa, phía trên có treo lọng báu và chuông gió.
Bàn kinh được làm bằng gỗ bạch đàn[185], kết rèm xen với lưu tô[186], tử trầm[187], bên cạnh là cái án bày đầy bút nghiêng.
Người viết kinh hàng ngày phải giữ giới nghiêm tịnh, tắm 3 lần bằng nước thơm, mặc y mới, đội hoa quan[188], giống như người cõi trời, rồi mới vào phòng chép kinh.
Hai bên đường vào phòng chép kinh, có đốt hương thơm ngát và xướng tụng Phạm âm.
Bấy giờ, Sư cũng đắp y trang nghiêm, bưng lư hương, cung kính dẫn đường, rải hoa cúng dường, rồi mới chép kinh.
Sư quỳ gối dốc lòng, định thần chú ý.
Mới chép được vài hàng, mỗi chữ đều phóng hào quang chiếu sáng cả căn nhà, hồi lâu mới tắt.
Thấy vậy, mọi người đều rất cảm động.
Có khi còn cảm đến Thần nhân hiện hình cầm kích bảo vệ.
Chỉ Sư và người chép kinh trông thấy.
Lại có một đồng tử cõi trời Phạm[189] mặc áo xanh, tay cầm hoa trời, không biết từ đâu, chợt đến cúng dường.
**Những chuyện linh cảm xảy ra liên tiếp.
Trải qua 2 năm mới chép xong.
Sư lại xếp kinh vào chiếc hộp hương, màn báu phủ quanh, đặt trong tĩnh thất, thường vào lễ bái.
Một hôm, Sư đang đọc tụng, thì chiếc hộp phát ra ánh sáng lạ.
Việc giữ thanh tịnh và cung kính kinh điển, cũng như những điềm lành ứng hiện như vậy, xưa nay thật hiếm có.
Đến nay, kinh này lần lượt truyền trao qua năm đời mà người sau vào tịnh thất tụng kinh vẫn còn linh cảm.
Hiện kinh được lưu giữ, cúng dường ở chỗ sư Hiền Thủ tại chùa Tây Thái Nguyên (tức Ngụy Quốc Tây Tự).
(Trích “TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM”)
-Sa môn PHÁP TẠNG
-Dịch và chú thích: THIỆN THUẬN- QUẢNG AN-VIÊN CHÂU-NGỘ BỔN
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 23/02/22 18:53 với 1 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Hình ảnh


Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh
sukhavati- western pure land


Hình ảnh



vairocana buddha

Hình ảnh

Hình ảnh
Hình ảnh

Hình ảnh


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

Hình ảnh

avatamsaka sutra

Hình ảnh

Hình ảnh

namo amitabha buddha calligraphy

Hình ảnh
vairocana


Hình ảnh

shakyamuni buddha calligraphy

Hình ảnh

Hình ảnh
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 13/03/22 00:54 với 7 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

TÔN TƯ MẠC
Vào niên hiệu Thượng Nguyên (674-676), Tôn Tư Mạc nhờ uống Lưu châu đan và Vân mẫu phấn ( thuốc luyện đơn của các đạo sĩ ngày xưa) nên thọ đến 150 tuổi mà tướng mạo trông giống như một đồng tử.
Lần nọ, ông đến Trường An, nói về những chuyện xảy ra trong các đời Tề, Ngụy rõ ràng như tận mắt trông thấy.
Ông còn chép bảy trăm năm mươi ( 750) bộ KINH HOA NGHIÊM.
Vua Thái Tông muốn đọc kinh Phật, nên hỏi Tôn Tư Mạc:
- Kinh nào là lớn nhất?
Tôn Tư Mạc tâu:
- KINH HOA NGHIÊM là lớn nhất.
Vua lại hỏi:
- Gần đây có bộ Đại bát-nhã 600 quyển do tam tạng Huyền Tráng dịch sao không cho là lớn.
Còn KINH HOA NGHIÊM chỉ có 80 quyển lại cho là lớn ư?
Tôn Tư Mạc thưa:
- Pháp giới Hoa Nghiêm đầy đủ tất cả.
Trong một môn, có thể diễn thành quyển kinh lớn bằng đại thiên thế giới.
Còn KINH BÁT-NHÃ chính là một môn trong KINH HOA NGHIÊM mà thôi.
Nghe vậy, vua Thái Tông tỏ ngộ, phát tâm thọ trì « Hoa nghiêm Nhất thừa bí giáo », cũng gọi là « Đại bất tư nghị giải thoát kinh ».
Vì KINH HOA NGHIÊM này có công năng lớn nên sự cảm ứng cũng lớn.
Người học đạo muốn tu tập theo tâm tuệ của Phật, thấu rõ cảnh giới Phật, chứng đắc quả vị Phật, tuân theo biển pháp tính Nhất thừa này mà tu hành, thì không cần trải qua các giai vị.
Khi vừa phát tâm, thì liền thành Chính giác ngang bằng với các đức Như Lai trong ba đời.
-Ví như giọt nước từ các dòng sông vừa chảy vào biển, thì liền được gọi là nước biển.
Cũng vậy, nếu người nương theo Đại thừa, Nhị thừa (hai cỗ xe, dụ cho hai loại giáo pháp của Đức Phật chuyên chở chúng sinh đến quả vị giác ngộ. Đó là Thanh văn thừa và Duyên giác thừa.), Quyền giáo (còn gọi là: Phương tiện giáo: giáo pháp quyền lập, tức giáo môn được lập bày bằng phương tiện quyền giả để thuận theo ý của chúng sinh; là pháp phương tiện được lập ra để dẫn dắt hành giả vào Thật giáo, sau khi đạt đến cảnh giới Thật giáo rồi thì phải phế bỏ Quyền giáo.)
mà tu đủ muôn hạnh, thì dù trải qua nhiều kiếp dài lâu cũng không bằng nghe kinh Hoa Nghiêm này.
Chỉ cần dùng một chút phương tiện liền sớm chứng quả Bồ-đề.
---
"Những truyện cảm ứng về kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm"
Biên Soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh Ở Núi Tứ Minh
Việt Dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền
Hiệu Đính: Định Huệ - Biên tập: Thích Quảng An
---

Hình ảnh

người edit lại: MLS

lấy từ nhóm Lăng Nghiêm tam muội -HT.Tuyên Hóa
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 09/03/22 23:07 với 2 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

TỤNG KINH HOA NGHIÊM : CÁC VỊ BỒ TÁT ĐẾN QUÌ GỐI, CHẮP TAY NGHE KINH.
Pháp Sư HUỆ CHIÊU ở chùa SÙNG PHÚC, TÂY KINH.
Sư còn được gọi là Huệ Hựu, là bạn học với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm.
Sư tinh cần khắc khổ tu học.
Thuở nhỏ, sư thờ hòa thượng Trí Nghiễm làm thầy .
(Nghiễm hòa thượng 儼和尚; 602-668): cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, người ở Thiên Thủy (nay là tỉnh Cam Túc), họ Triệu, tổ thứ hai tông Hoa Nghiêm, hiệu là Chí Tướng đại sư, Vân Hoa tôn giả.)
Sư HUỆ CHIÊU chuyên tu học theo KINH HOA NGHIÊM, nhưng chỉ tụng phẩm TÍNH KHỞI trong quyển 3.
Bản tân dịch gọi là phẩm NHƯ LAI XUẤT HIỆN và ngài lấy đây làm thường khóa.
Sư thích nơi yên tĩnh.
Trước khi ở chùa Sùng Phúc, sư đã tu thiền, tụng kinh trong núi một thời gian dài.
Vào những đêm thanh vắng, sư thường rửa tay, súc miệng, đốt hương, ngồi trên ghế mây và tụng phẩm kinh này.
*Bỗng đêm nọ, khi sư đang tụng kinh HOA NGHIÊM, có hơn mười vị bồ-tát từ dưới đất vọt lên, ngồi trên đài hoa sen.
Thân của họ có màu vàng ròng, tỏa ánh sáng rực rỡ.
Các vị bồ tát này quì gối, chắp tay, nghe kinh.
Sư tụng kinh vừa xong, thì các vị bồ-tát ấy liền biến mất.
Sư nói riêng với ngài Pháp Tạng về sự cảm ứng kì diệu này.
Sau đó, ngài Pháp Tạng kể lại cho các vị: Huệ Lượng, Huệ Vân, Huyền Quán, Như Tông v.v... cùng nghe.
---
« Những truyện cảm ứng về kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm »
-Biên Soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh, Ở Núi Tứ Minh
-Việt Dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền
Hiệu Đính: Định Huệ - Biên tập: Thích Quảng An

Hình ảnh


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

TỤNG KINH HOA NGHIÊM GIÚP VUA TRỜI ĐÁNH TAN A -TU- LA :
SA-DI DI-GIÀ-BẠC Ở NƯỚC VU-ĐIỀN.
Vào niên hiệu Thánh Lịch (698-700), tam tạng THẬT-XOA-NAN-ĐÀ người nước Vu-điền dịch KINH HOA NGHIÊM tại chùa Phật Thụ Kí.
Sư nói với ngài Pháp Tạng:
- Ở nước tôi có sa-di Di-già-bạc thụ trì mười giới.
Sa-di ấy tuy chưa thụ giới cụ túc, nhưng thân tâm đều thanh tịnh và chuyên tụng KINH HOA NGHIÊM.
Một hôm, có hai sứ giả dáng người cao lớn, đẹp đẽ lạ thường, thân có ánh sáng, đến đỉnh lễ sa-di.
Sa-di ngạc nhiên, hỏi:
- Hai vị từ đâu đến?
Sứ giả đáp:
- Đệ tử đến đây là do Đế Thích ở cõi trời Đao-lợi sai xuống để thỉnh pháp sư lên cung trời giảng KINH HOA NGHIÊM. Kính xin thầy thương xót đi theo chúng con.
Sa-di nói:
- Xin hỏi vì nhân duyên gì mà tôi được trời Đế Thích mời lên tụng KINH HOA NGHIÊM?
Sứ giả thưa:
- Khi chiến đấu với a-tu-la, Đế Thích thường bị A-tu-la đánh bại.
Đế Thích dùng thiên nhãn nhìn xuống cõi Diêm-phù, ngài muốn tìm người tụng kinh để trợ giúp cho mình.
Dù đã có bốn vị a-la-hán nhưng chưa vị nào giúp được việc này.
Chỉ thấy pháp sư là người chuyên tụng KINH HOA NGHIÊM, tâm dạo chơi nơi cảnh giới Phật, đáng làm ruộng phúc cho trời, người.
Vì thế, Đế Thích mới sai chúng tôi xuống đây nghinh đón.
Sa-di nói:
- Bần đạo hẳn đem lại nhiều điều lợi ích, nên đâu dám từ chối.
Sau khi nhận lời cầu thỉnh, vị sa-di nhắm mắt lại, giây lát đã tới cung trời.
Gặp sa-di, Đế Thích vui mừng nói:
- « Con thường bị a-tu-la quấy nhiễu, nên cố hạ mình thỉnh thầy đến đây.
*Thầy thọ trì KINH HOA NGHIÊM, nên được chư thiên ủng hộ, thiện thần bảo vệ.
Xin thầy vì con mà tụng kinh Hoa Nghiêm này để trừ diệt kẻ thù. »
Đế Thích liền cởi mũ trời, vẫy lên hư không.
Bỗng hóa ra một cung điện bằng bảy báu, có bốn cửa lớn, tám cửa sổ và được trang trí bằng các thứ báu như ma ni…,
Ngoài ra, lại có giăng treo tràng phan, bảo cái, thiết trí hoa hương xen kẽ để cúng dường.
Đế Thích thỉnh vị sa-di vào điện. Sa di ngồi trên tòa hoa sen, tụng KINH HOA NGHIÊM.
Tiếng kinh ngân cao, vang khắp cung trời.
Khi ấy, cùng với vạn thiên chúng vây quanh, Đế Thích thống lĩnh bốn quân hầu cận ở cõi trời Ba Mươi Ba.
Đế Thích ngồi trên đài báu, nương hư không đi đến đấu trường.
Thấy uy linh như thế, quân a-tu-la liền rút lui, bỏ chạy.
Cả toán trốn vào cọng sen.
Đế Thích trở về, thỉnh sa-di đến cung trời, cúng dường bảy báu quí lạ.
Đế Thích lại thưa:
- Nếu thầy cần thuốc trường sinh, con cũng sẽ dâng cúng. Xin thầy lưu lại cung trời, mong đừng từ chối.
Sa-di đáp:
- Bần đạo dứt ái xuất gia là mong cầu đạo Vô thượng. Những thứ quí lạ ở thế gian và thuốc trường sinh chẳng phải là thứ bần đạo mong cầu.
Nghe vậy, Đế Thích gieo năm vóc sát đất, chí thành đỉnh lễ và thưa:
- Khi thầy thành tựu quả Bồ-đề, xin hãy cứu độ con. Mong thầy đừng quên!
---
Nói xong, Đế Thích sai sứ đưa sa-di về lại cõi Diêm-phù.
Tất cả y phục đều được ướp hương trời, trọn đời không hết thơm.
Sau đó, đến lúc lâm chung, sa-di phát nguyện sinh về TỊNH ĐỘ.
Tam tạng Thật-xoa-nan-đà là người biết rõ về vị sa-di này.
-----
“Những truyện cảm ứng về kinh Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm”
Biên Soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh Ở Núi Tứ Minh
Việt Dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền
Hiệu Đính: Định Huệ - Biên tập: Thích Quảng An

Hình ảnh

Hình ảnh
Sửa lần cuối bởi dammaythongdong vào ngày 20/03/22 20:33 với 1 lần sửa.


dammaythongdong
Bài viết: 464
Ngày: 26/03/20 05:12
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: TPHCM
Được cảm ơn: 4 time

Re: Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi dammaythongdong »

TAM TẠNG NHẬT CHIẾU :
THỌ TRÌ KINH HOA NGHIÊM ĐƯỢC CẢM ỨNG
Niên hiệu Thùy Củng thứ nhất (685), có tam tạng pháp sư Nhật Chiếu, người Trung Thiên Trúc, từ xa đem kinh điển bằng tiếng Phạn đến Trung Quốc để phiên dịch.
Lúc ấy, vua Cao Tông (650-683) ban chiếu mời sư trụ tại chùa Thái Nguyên và triệu tập các vị đại đức ở kinh đô cùng dịch hơn mười bộ kinh như:
Đại hoa nghiêm, Mật nghiêm v.v...
Các vị sa-môn như: Đạo Thành, Bạc Trần, Viên Trắc, Huyền Ứng v.v... chứng nghĩa; sa-môn Phức Lễ, Tư Huyền v.v... ghi chép; sa-môn Huệ Trí v.v... dịch ngữ.
Bấy giờ, ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm cũng ở chùa này,.
Nhân lúc đang phiên dịch, ngài mới hỏi tam tạng Nhật Chiếu:
- Ở Tây Vực, có người nào thọ trì giáo nghĩa Nhất thừa mà được cảm ứng không?
Vị Tam tạng thưa:
- Có lần, bần đạo đi đến Nam Thiên Trúc để tìm thầy học đạo.
Ban đêm, bần đạo xin ngủ nhờ trong một ngôi chùa, ở đó có hơn sáu mươi đại đức.
Các vị tăng ấy đều lấy việc tụng KINH HOA NGHIÊM làm sự nghiệp.
Họ thỉnh bồ-tát VĂN-THÙ làm vị thượng tọa.
Nếu trong chùa có vị tăng nào viên tịch, thì chúng tăng tụng KINH HOA NGHIÊM, để hồi hướng công đức cho giác linh của vị ấy được sinh về cõi Phật.
Thông thường, chúng tăng nhóm họp vào mỗi buổi tối, đốt hương, lễ lạy Phật, sám hối.
Rồi mỗi vị tăng tụng một quyển KINH HOA NGHIÊM và lấy đây làm thường khóa.
Ngôi chùa ấy vốn do chim luân-già ( một loại chim thuộc loại cò hoặc hạc) đem vật báu của mình ra cúng dường để xây cất.
Nhờ chúng tăng tụng KINH HOA NGHIÊM, nên con chim ấy sau khi chết được sinh về cõi trời.
Ngoài ra, còn có rất nhiều sự cảm ứng khác, không thể thuật hết được.
--
“Những truyện cảm ứng về kinh Đại phương quảng Phật hoa nghiêm”
Biên Soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh Ở Núi Tứ Minh
Việt Dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền
Hiệu Đính: Định Huệ - Biên tập: Thích Quảng An

Hình ảnh


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.54 khách