Ý nghĩa của TÍN khi QUY Y PHÁP

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
Chánh Tín
Bài viết: 171
Ngày: 22/12/13 02:17
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Đại địa

Ý nghĩa của TÍN khi QUY Y PHÁP

Bài viết chưa xem gửi bởi Chánh Tín »

Pháp là lời dạy của Đức Phật. Khi chúng ta Quy Y Pháp nghĩa là từ đây chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta học hỏi những lời dạy của Ngài để lại trong kinh điển. Từ sự chứng ngộ tuyệt đối của mình, và với một trí tuệ tuyệt vời phủ trùm lên tất cả, Đức Phật đã nói lên chân lý bất di bất dịch. Nhờ vào chân lý đó, chúng ta tìm được con đường giải thoát cho chính mình, tìm được cuộc sống an ổn, hạnh phúc, đúng với lẽ phải, và tạo cho cuộc đời học hỏi tu hành của chúng ta thăng tiến từng giây từng phút. Do đó người đệ tử Phật phải tôn kính lời Phật dạy, nhưng như thế cũng chưa đủ ý nghĩa Quy Y Pháp mà phải hiểu rằng chúng ta đánh đổi tất cả những gì quý báu của thế gian này như thân mạng, sự giàu sang, danh vọng, vật chất...để tìm cho được Phật Pháp. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ biết tôn thờ những dòng chữ mà phải làm cho những lời Phật dạy trở thành máu ăn sâu vào tim, vào óc, vào tâm khảm của mình.

Trong những kiếp xưa, đã có lần Phật từ bỏ ngai vàng để đi tìm chân lý, hoặc là bỏ cả thân mạng để đi tìm nghe một lời dạy chân chính, đúng đắn. Giờ đây chúng ta phải đặt lời Phật dạy là điều thiêng liêng vượt hơn cả những giá trị cao nhất của thế gian này.

Pháp là những điều Phật dạy về Tứ Thánh Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Lý Duyên Khởi, Tam Pháp Ấn( Khổ, Vô Thường, Vô Ngã), Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ), về lòng vị tha biết yêu thương cứu giúp vạn loài, về Luật Nhân Quả công bằng, về luân hồi sinh tử là sự ràng buộc đau khổ mà chúng ta phải cố gắng vượt ra. Dù hiện giờ chúng ta có đối mặt với muôn cay ngàn đắng, khó khăn trở ngại, nhưng không bao giờ thờ ơ trong việc thực hành thiền giúp ta Thắng Tri được bản chất vô thường vô ngã của thế giới hiện tượng, không bao giờ từ bỏ lý tưởng giác ngộ giải thoát. Đó là tinh thần Quy Y Pháp, tôn kính Pháp.

Tuy nhiên, ý nghĩa về Pháp rất rộng. Pháp còn có nghĩa là lẽ phải, là chân lý, là sự thật phủ trùm vũ trụ.

Có một câu chuyện về Đức Phật, khi đi ngang qua khu rừng, Ngài nhặt một nắm lá rồi đưa lên hỏi các đệ tử:

"Nắm lá trong tay của ta so với lá trong rừng là nhiều hay ít?"

Các đệ tử của Ngài đáp:

"Bạch Thế Tôn, nắm lá trong tay của Đức Thế Tôn là rất ít, lá trong rừng thì rất là nhiều"

Đức Phật nói:

"Này các Tỳ Kheo, cũng vậy, những điều mà ta biết nhiều như lá trong rừng, còn những điều ta nói ra chỉ như lá trong bàn tay"

Nghĩa là suốt 45 năm Đức Phật thuyết pháp mặc dù rất nhiều nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với những chân lý trong vũ trụ mà Ngài biết được. Do đó chúng ta chỉ học được cái mấu chốt nơi chân lý mà Đức Phật đã dạy, không bao giờ chúng ta có thể học hết từng chi tiết của Phật Pháp. Tuy nhiên, đó là nền tảng, là giềng cột để chúng ta đến với chân lý. Chân lý của Phật Pháp là chân lý để ngỏ, để mở chứ không phải để đóng kín lại, không phải độc quyền, độc đoán, không phải để giấu giếm mật truyền. Cho nên là đệ tử Phật chúng ta nương theo lời dạy của Đức Phật, đồng thời cũng biết chắt lọc học hỏi những lời dạy, những tư tường hay đẹp hợp với chân lý lẽ phải của thánh hiền khắp thế giới này từ đông sang tây, từ cổ chí kim, không cố chấp bảo thủ, có tinh thần hòa hợp cao, nếu xét là hợp lý thì chúng ta đều phải tôn trọng.

Dù một người không phải là người trong Đạo Phật nhưng nếu nói ra những lời nghe hợp lý đúng đắn, có tinh thần đạo đức, hợp với chân lý thì chúng ta đều phải trân trọng ghi nhận. Người theo Đạo Phật là người có trái tim không biên giới, có trí tuệ bao dung khách quan không phân biệt, cầu thị tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật.

Ngược lại, có những quyển sách tuy được viết bởi những người được cho là trong Đạo Phật, hay được ghi nhãn hiệu là Đạo Phật, nhưng chúng ta cũng không vội tin nếu ta xét thấy những điều đó không phù hợp với giáo lý căn bản của Đạo Phật. Dù có hình thức nhưng thật sự nội dung sâu thẳm không có tính chất đúng với Đạo Phật thì chúng ta cũng khước từ. Sự thật là Giáo Pháp sau khi Phật nhập Níp-bàn mấy ngàn năm đã không thể tránh khỏi sự tam sao thất bản, phóng tác hư cấu, trà trộn xào xáo với những tư tưởng của ngoại đạo, với những tư kiến của cá nhân hay cả một tông phái, thậm chí đó còn là những âm mưu phá hoại rất thâm hiểm khiến Chánh Pháp bị biến chất, tự chệch hướng khỏi con đường tiến tới Thánh quả giải thoát.

Chúng ta không lệ thuộc vào hình thức nhãn hiệu mà chỉ quý nội dung. Từ đây chúng ta không được quy y tà giáo ngoại đạo, nghĩa là không được tôn thờ những giáo điều hoặc lời dạy mà không đưa đến sự giải thoát khỏi luân hồi trong tam giới, không giúp diệt trừ cái ảo giác về bản ngã đầy tham sân ích kỷ, không đúng với Luật Nhân Quả công bằng khách quan, không làm thăng tiến đạo đức cao thượng và ý chí tự lực tự cường trong tâm hồn con người. Thì dù bị đe dọa, bị quy chụp, cưỡng chế, hoặc được dụ dỗ, hứa hẹn, chúng ta nhất quyết không bao giờ chấp nhận, không bao giờ tin theo.

Chánh Tín (sưu tầm)


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.5 khách