Con Đường Thoát Khổ

Mời các bạn thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì Phật giáo Nam truyền.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Con Đường Thoát Khổ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Lập trường này không đứng vững được vì hai lẽ:

Lẽ thứ nhất là theo giáo lý đức Phật, một con người chỉ do năm uẩn kết hợp và không là gì khác. Không có chỗ nào Đức Phật bảo rằng có cái gì khác ngoài năm uẩn ấy trong một con người.

Lẽ thứ hai là đức Phật đã phủ nhận hoàn toàn, trong những lời lẽ minh bạch, hiện hữu của Atman, Linh hồn hay Ngã trong người hay ở ngoài, hay bất cứ ở đâu trong vũ trụ.

Ta hãy lấy vài ví dụ:

Trong kinh Dhammapada (Pháp cú) có ba câu vô cùng quan trọng và cốt yếu trong giáo lý Đức Phật, đấy là những số 5, 6, 7, chương 20 (hay những câu thơ số 277, 278, 279). Hai câu thơ đầu nói:

"Mọi sự vật bị giới hạn (có điều kiện) đều là vô thường" (sabbe samkhārā anicca) và "Mọi sự vật bị giới hạn đều là khổ (sabbe samkhārā dukkhā).

Câu thứ ba là:

"Mọi pháp (dhammas) là vô ngã (sabbe dhammā anattā).

Cần chú ý đặc biệt ở đây rằng trong hai câu đầu chữ samkhārā(11) "những sự vật bị giới hạn" đã được dùng. Nhưng trong câu thứ ba thay vì chữ samkhārā, chữ dhammà đã được dùng. Vì sao câu thơ thứ ba đã không dùng chữ samkhārā, "sự vật bị giới hạn", như hai câu trước, mà lại dùng danh từ dhammā thay vào? Chính đấy là điểm quan trọng nhất của cả vấn đề.

Danh từ samkhārā chỉ Ngũ uẩn, mọi sự vật và trạng thái bị giới hạn, phụ thuộc lẫn nhau, tương đối, mọi "pháp" vật lý cũng như tâm lý (sắc pháp và tâm pháp). Nếu câu thơ thứ ba nói: "Mọi samkhārā (sự vật bị giới hạn) là vô ngã" thì người ta có thể nghĩ rằng, mọi sự bị giới hạn là vô ngã, tuy nhiên có thể có một cái Ngã ở ngoài những sự vật bị giới hạn đó, ở ngoài Ngũ uẩn. Chính là để tránh sự hiểu lầm mà danh từ dhammā (Pháp) đã được dùng trong câu thơ thứ ba.

Danh từ dhammā, "Pháp", có phạm vi rộng lớn hơn samkhārā nhiều. Không có danh từ nào trong thuật ngữ Phật học lại có phạm vi rộng lớn hơn chữ "Pháp". Nó bao gồm không những những sự vật và trạng thái có điều kiện, mà còn cả cái vô điều kiện, cái tuyệt đối, Niết Bàn; không có gì ở trong hay ở ngoài vũ trụ, tốt hay xấu, có điều kiện hay không có điều kiện, tương đối hay tuyệt đối.., mà không được bao gồm trong danh từ này. Bởi vậy, thật quá rõ rằng, theo câu: "mọi pháp là vô ngã" thì không có Ngã, không có linh hồn, không những chỉ ở trong ngũ uẩn, mà còn bất cứ ở đâu ngoài ngũ uẩn hay riêng biệt với ngũ uẩn(12).

Theo giáo lý Theravāda, điều này có nghĩa rằng không có Ngã ở trong cá nhân (puggala) hay trong các Pháp. Triết lý Đại thừa cũng có một lập trường y hệt, không có một dị biệt nào về điểm đó, nhấn mạnh trên sự vô ngã của các pháp cũng như vô ngã trong con người (dhamma-nairàtmya và pudgala-nairàtmya).

Trong kinh Alagaddūpama - Sutra thuộc bộ Majjhimā-nikāya (Trung Bộ Kinh), đức Phật dạy môn đệ:
  • "Hỡi các Tỳ kheo, hãy chấp nhận một lý thuyết về linh hồn nếu khi chấp nhận nó sẽ không còn phát sinh sự buồn sầu, bi thương, thống khổ, phiền muộn, đớn đau. Nhưng này các Tỳ kheo, các ông có thấy một lý thuyết về linh hồn nào như thế hay không, lý thuyết mà khi chấp nhận nó, sẽ không còn phát sinh buồn sầu, bi thương, thống khổ, phiền muộn, đớn đau?.

    - Bạch Đức Thế Tôn, nhất định là không.

    - Chính thế, hỡi các Tỳ kheo. Ta cũng vậy, này các Tỳ kheo, ta không thấy một thuyết về linh hồn nào mà nếu chấp nhận, sẽ không còn phát khởi buồn rầu, bi thương, thống khổ, phiền muộn, đớn đau"(13).
Nếu có một thuyết về linh hồn nào mà đức Phật đã chấp nhận, thì chắc chắn Ngài đã giảng ra ở đây, bởi vì Ngài bảo các Tỳ kheo hãy chấp nhận một lý thuyết về linh hồn mà không phát sinh đau khổ. Nhưng theo quan điểm của đức Phật, không có một thuyết linh hồn như thế, và bất cứ một thuyết linh hồn nào, dù tinh tế và cao siêu mấy đi nữa cũng đều là giả danh và tưởng tượng, sinh ra mọi thứ vấn đề rắc rối, phát sinh theo nó những buồn rầu, bi thương, thống khổ, phiền não, đớn đau.

Tiếp đó đức Phật dạy cũng cùng trong Kinh ấy:
  • "Hỡi các Tỳ kheo, khi mà Ngã hay bất cứ cái gì thuộc về Ngã không có, thì quan điểm tư duy này: "Vũ trụ là Linh hồn, ta sẽ là Linh hồn sau khi chết, sẽ trường cửu, tồn tại, vĩnh viễn bất biến, và ta sẽ hiện hữu như thế cho đến vô tận thời gian", quan điểm ấy có phải là hoàn toàn điên rồ chăng?"(14).
Ở đây đức Phật nói rõ rằng một Ātman, hay Linh hồn, hay Ngã, thì không thể tìm thấy đâu trong thực tại, và thật điên rồ để tin tưởng rằng có một chuyện như thế.

Những người tìm kiếm một cái Ngã trong giáo lý Đức Phật trích ra một ví dụ mà trước hết họ dịch sai, rồi giải thích một cách lầm lẫn. Một trong những ví dụ ấy là câu danh tiếng Attā hi attano nātho trong Kinh Pháp Cú (XII, 4 hay câu kệ 160), đã được dịch là "Ta là chúa tể của ta", và được giải thích rằng nó có nghĩa cái Ngã lớn là chúa tể của cái Ngã nhỏ.

Trước hết, lối dịch ấy không đúng. Attā đây không có nghĩa là ngã trong ý nghĩa Linh hồn. Trong tiếng Pali, danh từ Attā thường được dùng như một đại danh từ tự quy (reflexive pronoun), trừ trong một số ít trường hợp trong ấy nó được dùng theo nghĩa đặc biệt và triết học để chỉ thuyết linh hồn như đã thấy ở trên.

Nhưng trong cách dùng thông thường, như trong chương XII của Pháp cú, nơi câu ấy được tìm thấy, và trong nhiều nơi khác, nó được dùng như một Đại danh từ hay đại danh từ bất định có nghĩa: "chính tôi, "chính anh", "chính nó", "chính ta", "chính người ta"(15) v.v...

Kế đến, chữ nātho không có nghĩa là "chúa tể" mà là "nơi nương tựa", "trú ẩn", "giúp đỡ", "che chở"... Bởi thế Attā hi attano thật sự có nghĩa "người ta là sự giúp đỡ của chính mình" hay "điểm tựa". Nó không dính dáng gì đến một cái ngã hay linh hồn siêu hình nào cả. Nó chỉ có nghĩa bạn phải nương cậy vào chính bạn chứ đừng ỷ lại vào kẻ khác.

Một ví dụ khác về sự cố đưa ý tưởng về ngã vào giáo lý Đức Phật là câu danh tiếng "attadīpā viharatha, attasarana anannasaranā", được rút ra khỏi mạch văn trong kinh Đại Bát Niết Bàn(16). Câu này dịch sát ý có nghĩa: "Hãy cứ làm hòn đảo (nơi nương cậy) cho chính ngươi, làm nơi trú ẩn cho chính ngươi, và đừng xem ai khác hơn làm nơi nương cậy"(17). Những người muốn tìm thấy một cái ngã trong Phật học đã giải thích từ ngữ attadīpā và attasaranā là "lấy ngã làm một ngọn đèn", "lấy ngã làm một nơi nương tựa"18).

Ta không thể hiểu ý nghĩa toàn vẹn của lời đức PhỈt khuyên A Nan (Ananda), nếu ta không xét đến bối cảnh và mạch văn trong đó những lời nầy đã được thốt ra.

Lúc ấy đức Phật đang nghỉ tại một khu làng gọi là Behuva, ba tháng trước khi Ngài mất, bát Niết Bàn (parinirvāna). Bấy giờ Ngài đã tám mươi tuổi, và đang lâm bệnh nặng, gần mất. Nhưng Ngài nghĩ không nên chết mà không từ giã những môn đệ vốn gần gũi yêu mến Ngài. Bởi thế, một cách can đảm, quả quyết, Ngài chịu đựng tất cả đau đớn, thắng lướt cơn bệnh, và bình phục. Nhưng sức khoẻ Ngài còn kém. Sau khi bình phục, một ngày kia Ngài ngồi trong bóng mát ở bên ngoài chỗ Ngài lưu trú. A Nan, vị thị giả tận tụy nhất của Phật, tiến đến đức Đạo Sư quý mến của mình, ngồi bên cạnh Đức Thế Tôn và bạch:
  • "Bạch Đức Thế Tôn, con đã săn sóc sức khoẻ Đức Thế Tôn, con đã hầu hạ Ngài trong khi Ngài lâm bệnh. Nhưng khi thấy bệnh tình của Ngài, bầu trời đối với con trở nên mờ mịt, và các giác quan của con không còn sáng suốt nữa. Tuy nhiên con còn một điều an ủi nhỏ này: con nghĩ rằng Đức Thế Tôn sẽ không nhập Niết Bàn mà không để lại những lời di giáo, đề cập đến đoàn thể Tăng già".
Khi ấy Đức Phật đầy từ bi và nhân ái, đã khoan hòa nói với người thị giả tận tụy thân yêu:
  • "A Nan, đoàn thể tăng già còn chờ đợi gì nơi ta nữa? Ta đã nói pháp (chân lý) không phân biệt cao thấp. Về phương diện chân lý, Như Lai không có gì như nắm tay khép chặt của một ông thầy (ācariya-mutthi). Dĩ nhiên rằng, hỡi A Nan, nếu có một người nào nghĩ rằng họ muốn lãnh đạo Tăng già, và Tăng già phải tùy thuộc vào họ, thì người ấy hãy đặt ra những điều chỉ dẫn. Nhưng Như Lai không có ý nghĩ ấy. Vậy thì sao Như Lai phải lưu lại những lời chỉ dẫn thuộc về tổ chức Tăng già? Nay ta đã già rồi, A Nan, đã tám mươi tuổi. Như một chiếc xe cũ cần phải sữa chữa mới chạy được, cũng thế, thân xác của Như Lai bây giờ cũng chỉ tiếp tục điều hành nhờ sữa chữa. Bởi thế, này A Nan, hãy tự làm hòn đảo (nơi nương cậy) cho chính ngươi, hãy lấy chính ngươi làm nơi trú ẩn và không ai khác, hãy lấy Pháp làm hòn đảo (nơi nương tựa), lấy Pháp làm nơi trú ẩn, và không ai khác có thể làm nơi trú ẩn cho ngươi"(19).
Những gì đức Phật muốn truyền dạy A Nan thật quá rõ ràng. A Nan đang buồn sầu đau đớn, Ông nghĩ rằng mình sẽ hoàn toàn cô độc, không người giúp đỡ không nơi nương tựa, không người hướng dẫn, sau khi đức Đạo Sư vĩ đại qua đời. Bởi thế đức Phật ban cho ông những lời an ủi, khuyên ông can đảm, tin tưởng, dạy rằng nên nương vào chính đạo và nương vào "Pháp" Ngài đã truyền, chứ đừng nương vào ai khác, vào cái gì khác. Ở đây vấn đề về một Atman siêu hình, hay ngã, là hoàn toàn không nhằm chỗ.

Sau đó, đức Phật giảng giải cho A Nan làm thế nào để có thể là hòn đảo hay chỗ trú ẩn cho chính mình: Ấy là nhờ sự đào luyện của ý thức, về thân xác, cảm giác, tâm và các tâm pháp - bốn pháp quán, xem chương kế tiếp về Quán tưởng(20). Không có gì ở đây nói về một Ātman hay Linh hồn cả.

Một tài liệu khác rất thường được trích ra đã được dùng bởi những người muốn tìm Ngã trong giáo lý đức Phật. Một hôm đức Phật ngồi dưới bóng cây trong một khu rừng trên đường đi từ Benares (Ba La Nại) đến Uruvelā. Vào ngày ấy có ba mươi hoàng tử trẻ tuổi đang đi cấm trại cùng với những người vợ trẻ của họ trong cùng khu rừng ấy. Một ông hoàng chưa vợ mang theo một gái giang hồ. Trong khi những người khác đang vui đùa, thì cô ta trộm một vài đồ vật quí giá và trốn mất. Trong khi đi tìm cô ấy trong cánh rừng, họ thấy Đức Phật ngồi dưới gốc cây và hỏi Ngài có thấy một người đàn bà đi qua không. Ngài hỏi có chuyện gì xảy ra và sau khi nghe giải thích Đức Phật hỏi họ: "Các ngươi nghĩ sao, hỡi những người trẻ tuổi? Nên làm gì tốt đẹp hơn cho các ngươi? Đi tìm một người đàn bà, hay đi tìm chính các ngươi?"(21)

Đây cũng lại là một câu hỏi rất giản dị và tự nhiên, không có lý do gì để đưa vào trong chuyện ấy những ý tưởng tìm kiếm xa xôi về một cái Ngã hay Linh hồn. Họ trả lời rằng tốt hơn họ nên tìm kiếm chính họ. Đức Phật liền bảo họ ngồi xuống và giảng Pháp cho họ nghe. Trong tài liệu còn để lại, trong nguyên bản về những gì Ngài đã giảng cho họ, không có một chữ nào nói về Ātman.

Người ta đã viết nhiều về đề tài "sự im lặng của Đức Phật" khi có một người khất sĩ tên Vacchagotta hỏi Ngài có một linh hồn hay không. Câu chuyện như sau:

Vacchagotta đi đến Đức Phật và thưa hỏi:

- Thưa Ngài Cồ Đàm, có một linh hồn hay không?

Đức Phật lặng im.

- Thế thì thưa Ngài, không có linh hồn à?

Đức Phật lại im lặng.

Vacchagotta đứng dậy bỏ đi.

Sau khi người khất sĩ (parivrājaka) rời khỏi, A Nan hỏi Phật vì sao Ngài đã không trả lời câu hỏi của Vacchagotta. Đức Phật giải thích thái độ của Ngài như sau:
  • "Này A Nan, khi Vacchagota, người khất sĩ ấy hỏi: "Có một linh hồn hay không?, nếu trả lời: "Có" thì khi ấy có nghĩa là ta đã đứng về phía những ẩn sĩ và Bà la môn chủ trương thuyết trường tồn (sassata-vāda).

    "Và này A Nan, khi người khất sĩ ấy hỏi: "Không có linh hồn hay sao?, nếu trả lời "Không" thì ta đã đứng về phía những ẩn sĩ và Bà la môn chủ trương thuyết đoạn diệt (uccheda-vāda)(22).

    "Lại nữa, này A Nan, khi người khất sĩ ấy hỏi: "Có linh hồn không?" mà ta trả lời "Có" thì như thế có phù hợp với sự thấy biết của ta rằng vạn pháp vô ngã hay không?"(23)

    - Bạch Thế Tôn, hẳn là không.

    - "Lại nữa này A Nan, khi người khất sĩ ấy hỏi: "Không có linh hồn hay sao?" mà ta trả lời "Không" thì điều ấy sẽ làm cho Vacchagotta đã hoang mang lại càng hoang mang thêm nữa (24-bis). Vì y sẽ nghĩ: trước kia quả thật ta có một linh hồn (Ngã) nhưng bây giờ ta không có nữa"(24).
Bây giờ hẳn là ta phải hiểu rõ vì sao đức Phật đã im lặng. Nhưng ta sẽ còn hiểu rõ hơn nếu ta xét toàn thể bối cảnh và cách đức Phật xử trí về những câu hỏi và người hỏi - điều này những người bàn đến vấn đề ấy hoàn toàn không kể đến.

Đức Phật không phải là một bộ máy tính, tuôn ra đáp số cho bất kỳ câu hỏi nào, do bất cứ ai đặt ra, mà không suy xét. Ngài là một vị Thầy thực tế, đầy Từ bi và Trí tuệ. Ngài không trả lời câu hỏi để phô bày kiến thức và thông minh của Ngài, nhưng để giúp người hỏi trên đường đi đến thực chứng. Khi nói với người nào Ngài luôn luôn để tâm đến trình độ phát triển của họ, khuynh hướng họ, cấu tạo tâm thức của họ, tính tình họ và khả năng của họ để lĩnh hội một vấn đề nào đó(25).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Con Đường Thoát Khổ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Theo đức Phật, có bốn cách đáp những câu hỏi:
  • - Có những câu nên trả lời một cách trực tiếp,
    - Có những câu khác nên trả lời bằng cách phân tích,
    - Có những câu nên trả lời bằng cách hỏi vặn lại,
    - Và cuối cùng, có những câu hỏi nên dẹp lại một bên(26).
Có thể có nhiều cách dẹp vấn đề sang bên. Một cách là nói rằng một câu hỏi là không được trả lời hay giải thích, như cách đức Phật đã hơn một lần dùng với cùng một người Vacchagotta ấy, khi anh ta đặt những câu hỏi danh tiếng về vũ trụ trường tồn hay không(27)... Cũng với các cách ấy, Ngài đã trả lời cho Mālunkyaputta và những người khác. Nhưng Ngài không thể nói như thế về vấn đề có ngã, linh hồn hay không, vì Ngài đã luôn luôn thảo luận và giảng giải nó. Ngài không thể nói: "có linh hồn" vì nó trái ngược với kiến giải của Ngài rằng "tất có các pháp đều vô ngã". Và Ngài cũng không muốn nói rằng "không có linh hồn", vì như thế là vô cố làm cho anh chàng khổ sở. Vacchagotta đã hoang mang về một vấn đề tương tự lại càng hoang mang thêm, như chính anh ta đã công nhận ở trước (28). Anh ta chưa đủ căn cơ để hiểu ý tưởng về vô ngã. Vì vậy trong trường hợp này, dẹp câu hỏi sang một bên bằng cách im lặng; chính là khôn ngoan nhất.

Ta cũng đừng quên rằng đức Phật đã biết rõ Vacchagotta từ lâu. Đây không phải là dịp đầu tiên mà người khất sĩ thắc mắc ấy đến thăm đức Phật. Đấng Đạo Sư trí huệ và từ bi đã lưu tâm chú ý nhiều đến con người tìm kiếm hoang mang này. Có nhiều đoạn nói đến anh chàng Vacchaghtta người khất sĩ, trong các bản kinh Pali, anh ta đã từng tìm đến đức Phật và các môn đệ Ngài khá nhiều lần, lập lại nhiều lần cũng những câu hỏi ấy, rõ ràng anh ta rất băn khoăn hầu như bị ám ảnh bởi vấn đề kia(29). Sự im lặng của Đức Phật có lẽ đã có hiệu quả đối với Vacchogatta hơn tất cứ một sự trả lời hay thảo luận hùng hồn nào(30).

Một vài người xem Ngã có nghĩa là cái gì thường được gọi là "tâm" hay "thức". Nhưng đức Phật dạy rằng chẳng thà người ta nên xem thân xác vật lý của mình như là "Ngã" còn hơn tâm, ý hay thức (citta, mano, vinnāna) vì tâm, ý hay thức thì biến đổi không ngừng ngày cũng như đêm, vả lại còn mau chóng hơn cả thể xác (kāva)(31).

Chính cảm giác mơ hồ "có tôi" đã phát sinh ý tưởng về Ngã, vốn không có cái gì tương đương trong thực tại; và thấy được chân lý ấy tức là thực chứng Niết Bàn, một điều không phải dễ dàng cho lắm. Trong kinh Samyutta-nikāya (Tương ưng)(32), có một cuộc đàm thoại khá làm sáng tỏ vấn đề về điểm này giữa thầy Tỳ kheo tên Khemaka và một nhóm Tỳ kheo. Những vị nầy hỏi Khemaka có thấy trong ngũ uẩn một cái "ngã" nào hay bất cứ cái gì thuộc về "ngã" không. Khemaka trả lời "không". Đoạn những Tỳ kheo bảo rằng, nếu thế thì ông ta phải là một vị La Hán đã thoát khỏi mọi sự dơ bẩn. Nhưng Khemaka thú thật rằng mặc dù ông ta không tìm thấy trong ngũ uẩn một cái ngã nào hay bất cứ gì thuộc về Ngã, "tôi vẫn không phải là một A La Hán (Arahant) đã thoát khỏi mọi sự cấu uế, bất tịnh. Này các bạn ơi, đối với ngũ uẩn, tôi có một cảm giác rằng "Tôi có", nhưng không thấy rõ "đây là Tôi". Rồi Khemaka giải thích rằng cái mà ông ta gọi là "Tôi" không phải sắc, không phải thọ, không phải tưởng, không phải hành, cũng không phải thức, cũng không phải bất cứ cái gì bên ngoài chúng. Nhưng ông vẫn có một cảm giác "Tôi có" đối với năm uẩn, mặc dù ông không thể thấy rõ "đây là Tôi"(33).

Ông ta bảo rằng cũng giống như mùi thơm của một bông hoa: nó không phải là mùi thơm của các cánh hoa, không phải của màu sắc hoa, không phải của đài hoa, nhưng là mùi thơm của hoa.

Khemaka còn giải thích thêm rằng ngay cả một người đã đạt những giai đoạn đầu tiên của sự thực chứng vẫn còn có cảm giác "Tôi có" ấy. Nhưng về sau, khi người ấy tiến xa hơn, cảm giác ấy hoàn toàn biến mất, hệt như mùi hóa học của một chiếc áo mới giặt sẽ bay mất một thời gian sau khi ra khỏi hộp đựng nó.

Cuộc thảo luận này ích lợi và làm sáng tỏ vấn đề đối với họ đến nỗi sau đó, như bản kinh chép, tất cả mọi người, gồm cả Khemaka, đều chứng quả A La Hán, thoát khỏi mọi cấu bẩn, và như thế cuối cùng họ đã xua đuổi được cảm giác "Tôi có".

Theo giáo lý đức Phật, chấp rằng "tôi không có ngã" (tức là thuyết đoạn diệt) cũng sai lầm như chấp rằng "tôi có ngã" (thuyết thường tồn), bởi vì cả hai quan niệm đều là những xiềng xích, vì cả hai đều phát sinh từ ý tưởng sai lầm "Tôi có". Thái độ đúng đắn đối với vấn đề vô ngã là không chấp một quan điểm hay "kiến" nào, mà cố nhìn sự vật một cách khách quan, nhìn chúng như sự thật, không có những dự phóng của tâm thức, phải thấy rằng cái mà ta gọi là "Tôi" hay "linh hồn", chỉ là một kết hợp của các uẩn (sự chứa nhóm) vật lý và tâm linh, hoạt động tương quan mật thiết với nhau trong một dòng biến chuyển hằng tồn ở trong luật nhân quả, và không có cái gì trường cửu, thường tồn, bất biến và vĩnh viễn trong toàn thể hiện hữu.

Ở đây một câu hỏi tự nhiên đặt ra: Nếu không có Ngã hay Ātman, vậy thì ai thọ nhận những hậu quả cuả nghiệp (hành động)? Không ai có thể giải đáp câu hỏi này hơn đức Phật. Khi một Tỳ kheo hỏi Ngài câu đó, dức Phật dạy: "Hỡi các Tỳ kheo, ta đã dạy các ông thấy rõ điều kiện tính ở trong mọi sự vật"(34).

Giáo lý đức Phật về Anatta (không có linh hồn, hay vô ngã) không nên được xem như tiêu cực hay hủy diệt. Cũng như Niết bàn, đấy là Chân lý, Thực tại, và Thực tại không thể là tiêu cực. Chính niềm tin sai lầm vào một cái ngã tưởng tượng không có thực, mới là tiêu cực. Giáo lý vô ngã xua tan bóng tối của tà tín, và phát sinh ánh sáng của trí huệ. Nó không tiêu cực như ngài Vô Trước (Asanga) đã nói rất đúng: "Có một thực tại là Vô Ngã" (nairātmyāstitā)(35).
  • CHÚ THÍCH:
(1) M III (PTS), p. 63, S II (PTS), pp. 28, 95, etc. Theo hình thức ngày nay: khi A có thì B có; khi A sinh thì B sinh; khi A không có thì B không có; khi A diệt thì B diệt.

(2) Vism (PTS), p. 517

(3) Xem Chương III.

(4) Vì giới hạn sách không cho phép bàn đến lý thuyết quan trọng nhất này trong Phật học. Một khảo luận phê phán và tỷ giảo chi tiết đề tài ấy sẽ được tìm thấy trong một tác phẩm sắp xuất bản về Triết học Phật giáo do cùng một biên giả.

(5) Sāratha II (PTS), p. 77.

(6) Mh. Sūtrālankāra, XVIII 92.

(7) H. Von Glasenapp, "Vedanta and Buddhism" bàn về vấn đề vô ngã, "The Middle Way", Feb 1957, p. 154.

(8) Xem các sách của bà Rhys Davids: Gotama the Man, Sākya on Buddhist Origins, A Manual of Buddhism, What was the Original Buddhism, v.v...

(9) M I (PTS), pp. 136-137.

(10) Trích dẫn trong MA II (PTS), p. 112.

(11) Samkhāra trong năm uẩn có nghĩa "hành" hay "những hoạt động tâm lý" phát sinh ra nghiệp quả. Nhưng ở đây nó có nghĩa mọi sự vật bị giới hạn hay bị kết hợp, gồm cả năm uẩn. Danh từ Samkhāra có ý nghĩa khác nhau tùy trường hợp.

(12) Cf. Sabbe Samkhāra aniccā "mọi sự vật giới hạn là vô thường". Sabbe dhammā anattā "mọi pháp đều là vô ngã", M I (PTS), p. 228; S II pp. 132, 133.

(13) M I (PTS), p. 137.

(14) Ibid, p.138. Nói đến đoạn này, S. Radhakrishnan, (Indian Philosophy, Vol I, London, 1940, p. 485) viết: "Chính là quan niệm sai lầm về sự tương tục vĩnh viễn của tiểu ngã mới bị đức Phật bác bỏ". Ta không thể đồng ý với nhận xét này. Trái lại ở đây đức Phật bài bác Đại ngã hay linh hồn. Như ta đã thấy vừa rồi, trong một đoạn trước, đức Phật không chấp nhận một cái ngã nào, dù lớn hay nhỏ. Theo quan niệm của Ngài, mọi lý thuyết về Ātman đều là sai lầm, là bóng dáng của tâm thức.

(15) Trong bài "Vedanta and Buddhism" (The Middle Way, February 1957), H. von Glasenapp diễn tả điểm này rất rõ ràng.

(16) D II (Colombo, 1929), p. 62.

(17) Rhys Davids (Dīgha-nikāya, Bản dịch II, p. 108) "Be ye lamps unto yourselves. Be ye a refuge to yourselves. Betake yourselves to no external refuge!"

(18) Dīpa dây không có nghĩa là đèn, mà nhất định có nghĩa "đảo". Dīgha-nikayà (Trường Bộ Kinh sớ giải) (DA Colombo ed, p. 380) bàn về chữ Dīpa ở đây nói: Mahā samuddagatam dìpam viya attānam patittam katvā viharatha". "Hãy cứ làm một hòn đảo cho chính người, một nơi nương cậy (nghỉ ngơi) như một hòn đảo giữa bể khơi". Samsāra, sanh tử, thường được ví như một đại dương, samsāra-sāgara, và cái gì cần thiết để được an ổn giữa đại dương là một hòn đảo, đất liền, chứ không phải một ngọn đèn.

(19) D II (Colombo, 1929) pp. 61-62. Chỉ có câu cuối được dịch nguyên văn. Phần còn lại của câu chuyện được tả vắn tắt theo kinh Đại Bát Niết Bàn.

(20) Ibid p. 62. Về Satipatthāna, xem Chương VII về thiền định.

(21) Mhvg, (Alutgama, 1929), pp. 21-22.

(22) Vào một dịp khác, đức Phật đã bảo chính Vacchagotta này rằng đức Như Lai không có lý thuyết nào hết, bởi vì Ngài đã thấy bản thể của sự vật (MI (PTS) p. 486). Ở đây cũng thế, Ngài không muốn liên kết với bất cứ lý thuyết gia nào.

(23) Sabbe dhammā anattā. (Đúng y những chữ trong dòng đầu kinh Pháp Cú, XX, 7, mà chúng ta đã bàn ở trên.). Woodward đã hoàn toàn sai khi dịch những chữ này là "mọi sự đều vô thường" (Kindred Saying V, p. 282) có lẽ vì sơ ý. Nhưng lỗi này rất hệ trọng. Có lẽ đây là một trong những lý do vì sao người ta đã có quá nhiều cuộc luận đàm vô ích về cái im lặng của đức Phật. Chữ quan trọng nhất trong câu này, chữ anatta ,"vô ngã", đã được dịch là "vô thường". Những bản dịch kinh Pali ra Anh ngữ thường có những lỗi lầm nhỏ và lớn thuộc loại này khi thì vì sơ ý và bất cẩn, khi thì vì thiếu chuyên môn trong ngôn ngữ của nguyên bản. Dù sao, thiết tưởng cũng không vô ích khi nhắc lại ở đây - mà vẫn không quên ơn những bậc tiền phong trong địa hạt này - rằng, chính những lỗi lầm ấy đã gây ra nhiều tư tưởng sai lầm về Phật giáo trong những người không đọc được nguyên bản. Bởi thế ta cũng lấy làm mừng khi biết rằng cô I. B. Horner, Thư ký của Hội Pali Text, dự định xuất bản lại những bản dịch mới có sửa chữa.

(24) S IV (PTS), pp. 400, 401.

(25) Sự hiểu biết này của Đức Phật được gọi là Indriya-paropariyattannana (M I (PTS), p.70, Vìbh (PTS), p.340.

(26) A (Colombo, 1929), p.216.

(27) Ví dụ: S IV (PTS), pp. 393, 395, M I (PTS), p. 484.

(28) Quả vậy, vào một dịp khác trước đấy, khi Đức Phật giải thích vấn đề sâu xa vi tế - vấn đề vị La Hán chết rồi sẽ ra sao - Vacchagotta nói: "Thưa Cồ Đàm, ở đây tôi bị rơi vào sự ngu tối, tôi hoang mang. Những gì ít ỏi mà tôi tin tưởng lúc bắt đầu câu chuyện với Ngài, những gì đó bây giờ cũng đã tan biến cả" (M I (PTS) p. 487). Vì vậy mà Đức Phật không muốn làm anh ta hoang mang thêm.

(29) Ví dụ: xem S III (PTS), pp. 257-263, IV pp. 391 f., 395 f., 400; M I, pp. 481 f., 489 f.: AV p. 193.

(30) Bởi vì ta thấy rằng một thời gian sau Vacchagotta đã trở lại thăm đức Phật, nhưng lần này anh chàng không hỏi gì như thường lệ, mà lại nói: "Đã lâu nay tôi mới lại đến thăm Ngài. Tôi mong Ngài Cồ Đàm sẽ giảng cho tôi vắn tắt về Thiện và Ác". Đức Phật dạy rằng Ngài sẽ giảng cho ông ta về Thiện và Ác, vắn tắt cũng như chi tiết, và Ngài làm thế. Cuối cùng, Vacchagotta trở thành một đệ tử của Phật, và theo giáo lý Ngài, ông đạt quả A La Hán, thực chứng Chân Lý, Niết Bàn, và khi ấy, những vấn đề Linh hồn và các vấn đề khác không ám ảnh ông nữa (M I (PTS) pp. 489-ff).

(31) S II (PTS), p. 94. Vài người cho rằng "Như Lai Tạng" hay "Tàng Thức" trong Đại Thừa giáo là một cái gì tương tự "ngã". Nhưng kinh Lăng Già nói hẳn rằng đấy không phải là Ngã (Lanka, p. 78-79).

(32) S III (PTS), pp. 126 ff.

(33) Điều này cũng chính là điều mà ngày nay phần nhiều người nói về Ngã.

(34) M III (PTS) p. 19; S III, p. 103.

(35) Abhisamuc, p. 31.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Con Đường Thoát Khổ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Chương VII
Quán Tưởng:
SỰ ĐÀO LUYỆN TÂM Ý (Bhāvanā)
Đức Phật dạy: "Hỡi các Tỳ kheo, có hai thứ bệnh. Hai bệnh ấy là gì? Bệnh thể xác và bệnh tinh thần. Có những người hưởng sự vô bệnh về thể xác trong một năm, hai năm ... cả đến trong một trăm năm hay hơn nữa. Nhưng, này các Tỳ kheo, hiếm thay trong thế gian này là những người hưởng sự vô bệnh về tinh thần, ngay cả trong chốc lát, trừ phi những người đã thoát khỏi những tâm địa xấu xa ô uế" (có nghĩa là những vị A La Hán)(1).

Giáo lý đức Phật, đặc biệt phương pháp thiền quán của Ngài, nhằm mục đích phát khởi một trạng thái sức khỏe tinh thần hoàn hảo, quân bình và an tĩnh. Thật rủi ro rằng không có một ngành nào trong giáo lý Đức Phật lại bị hiểu lầm nhiều như "thiền định", bởi những Phật tử cũng như những người không phải Phật tử. Mỗi khi nói đến "thiền định" là người ta nghĩ ngay đến một sự trốn thoát những sinh hoạt thường ngày, một lối ngồi đặc biệt nào đó, như một pho tượng trong hang động hay trong một tu viện, ở một nơi xa xăm tách biệt hẳn với xã hội, và trầm tư, hay để mình chìm đắm trong một thứ ý tưởng hay hôn mê nào đó, huyền bí và vi mật. Thiền định chân chính của Đạo Phật hoàn toàn không có nghĩa một sự thoát ly như thế. Người ta đã quá hiểu sai lạc hay ít hiểu biết về vấn đề này trong giáo lý đức Phật, đến nỗi trong những giai đoạn về sau, lối "thiền định" đã bị suy đồi và trở thành một thứ nghi thức hay lễ tục thông thường, hầu như kỹ thuật(2).

Phần đông người ta chú trọng đến thiền định hay "yoga" để luyện một vài năng lực tâm linh hay thần bí như "con mắt thứ ba", mà những kẻ khác không có. Một vài năm trước, có một tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ cố phát triển một "khả năng nhìn thấy bằng lỗ tai", trong khi bà ta vẫn còn thấy được hoàn toàn bằng con mắt! Những loại ý nghĩ như vầy chỉ là một thứ bệnh quái dị về tâm linh. Luôn luôn đấy là một vấn đề khao khát, khao khát năng lực, quyền năng.

Danh từ "thiền định" rất kém cỏi để thay thế chữ bhāvanā, có nghĩa "sự đào luyện" hay đào luyện tâm linh. Bhāvanā của Phật học, nói đúng ra, là một sự đào luyện tâm linh trong ý nghĩa toàn vẹn nhất của danh từ. Nó nhằm mục đích tẩy sạch tâm tưởng hết những sự bất tịnh, vọng động, như dâm dục, sân nhuế, ác độc, biếng nhác, phiền não, bất an, hoài nghi, và đào luyện những đức tính như tập trung, sáng suốt, thông minh, ý chí, nghị lực, khả năng phân tích, tin tưởng, niềm hoan hỉ, an bình, để cuối cùng đưa đến trí tuệ cao cả, thấy rõ bản chất của sự vật như thật, và thực chứng chân lý tối hậu, Niết Bàn.

Có hai hình thức thiền định. Một là phát triễn sự tập trung tâm ý (Định, samatha hay samādhi), sự chú tâm vào một cõi đề mục (cittekaggatā, Skt: cittaikāgratā), bằng những phương pháp khác nhau có nói đến trong các bản kinh, đưa đến những huyền vi cao cả như "cõi không vô biên" hay cõi "phi tưởng phi phi tưởng" (không có tri giác cũng không không tri giác).

Tất cả những trạng thái huyền bí này, theo Đức Phật, đều do tâm tạo, sản phẩm của tâm, do tâm định đoạt (samkhata)(3). Chúng không dính dấp gì đến Thực tại, Chân lý, Niết Bàn. Hình thức thiền định này đã có từ trước thời đức Phật. Vì vậy nó không thuần túy là của Phật giáo. Nhưng nó cũng không bị loại ra ngoài lãnh vực thiền định Phật giáo. Tuy nhiên nó không thiết yếu cho sự thực chứng Niết Bàn. Chính đức Phật, trước khi Giác Ngộ, cũng đã luyện tập các phương pháp Yoga này với nhiều vị Thầy, và Ngài đã đạt đến những trạng thái tâm linh huyền bí cao siêu nhất, nhưng Ngài vẫn không thỏa mãn với chúng, bởi vì chúng không đem lại giải thoát hoàn toàn, chúng không đem lại kiến giải về thực tại tối hậu. Ngài xem những trạng thái huyền bí ấy chỉ là sự sống hạnh phúc trong đời này (dittha-dhammasukhavihāra) hay "sự sống an tĩnh" (santavihāra), nhưng ngoài ra không đem lại gì hơn.

Bởi thế Ngài đã tìm ra hình thức khác của "thiền định" gọi là vipassanā, "trực giác" về bản chất của sự vật đưa đến sự giải thoát hoàn toàn của tâm ý, đến sự thực chứng Chân lý tối hậu, Niết Bàn. Đấy là thiền định Phật giáo chính yếu, phương pháp đào luyện tâm linh theo Phật học. Đấy là một phương pháp phân tích căn cứ trên sự chú ý, sáng suốt thận trọng, quan sát.

Ta không thể nào bàn đến một vấn đề rộng lớn như thế một cách đủ đúng đắn trong chỉ vài trang giấy. Tuy nhiên ở đây biên giả cũng cố gắng trình bày một ý niệm rất sơ lược và đại khái về thiền định chân chính của Phật giáo một cách thực tế.

Bài thuyết pháp quan trọng nhất đức Phật đã từng giảng về sự phát triển tâm linh (thiền) được gọi là "satipatthāna-suttā" (Kinh Quán Niệm; số 12 trong Digha-nikāya - Trường Bộ, hay số 10 của Majjhima-nikāya - Trung Bộ). Bài kinh này rất được sùng mộ trong truyền thống Phật giáo đến nỗi nó thường được tụng không những trong các tu viện Phật giáo mà cả đến trong các nhà Phật tử, những người trong gia đình ngồi quanh lại lắng nghe một cách thuần thành. Những thầy tu rất thường tụng kinh này bên giường người hấp hối để thanh lọc những ý tưởng cuối cùng của họ.

Những cách thức thiền định trong bài kinh ấy không tách rời sự sinh hoạt, chúng cũng không lánh đời, trái lại tất cả chúng đều liên quan đến đời sống của ta, hoạt động hàng ngày của ta, những buồn vui của ta, lời nói và ý nghĩ của ta, những việc làm về đạo đức và trí thức của ta.

Bài thuyết pháp ấy được chia làm bốn phần: Phần đầu nói đến thân thể (kàya), phần thứ hai nói đến những cảm giác và cảm thọ của ta (vedanā), phần thứ ba nói về tâm (citta) và phần thứ tư nói về những đối tượng đạo đức và tri thức (pháp - dhamma).

Ta cần nhớ rõ một điều là, dù trong hình thức thiền định nào, điều cốt yếu cũng là sự tỉnh thức hoàn toàn hay sự sáng suốt (sati), sự chú ý hay sự quan sát (anupassanā).
  • NIỆM THÂN
Một trong những ví dụ thông dụng, thực tiễn và được nhiều người biết, trong thiền định về thân thể được gọi là "sổ tức quán" (sự ý thức về hơi thở ra vào, phép đếm hơi thở - ānāpànasati). Chỉ dành riêng cho phép quán này mà một lối ngồi nhất định đặc biệt được đặt ra trong kinh. Về những hình thức khác của "quán" bàn đến trong Kinh này, bạn có thể ngồi, đứng, đi hay nằm tùy ý. Nhưng với Sổ tức quán theo Kinh văn người ta nên ngồi "kiết già", giữ thân thể thẳng đứng và ý thức sáng suốt. Nhưng ngồi kiết già không thực tiễn và dễ dàng cho người trong mọi xứ, nhất là cho những người Âu Tây. Bởi thế, những người không ngồi kiết già hay bán già được, có thể ngồi trên một chiếc ghế, "thân thể thẳng và ý thức sáng suốt". Điều rất cần thiết cho sự luyện tập này là hành giả phải ngồi thật thẳng, nhưng không phải cứng đờ, tay để thoải mái trên đùi. Ngồi xong, bạn có thể nhắm mắt hay có thể nhìn vào sống mũi tùy tiện.

Bạn hít vào thở ra suốt ngày đêm, nhưng bạn không bao giờ để ý điều đó, bạn không bao giờ tập trung trong một giây lát vào hơi thở. Bây giờ bạn sẽ chỉ làm có điều ấy. Cứ hít vào thở ra như thường lệ, không một gắng sức hay nỗ lực nào. Rồi bạn đem tâm trí tập trung vào sự hít vô, thở ra của bạn, để cho tâm trí bạn quan sát hơi thở ra vào của bạn. Khi bạn thở, đôi khi bạn thở thật sâu dài, đôi khi không. Điều này không hề gì. Cứ thở một cách tự nhiên, như thường lệ. Điều độc nhất là khi bạn thở sâu và dài, bạn phải biết rằng đấy là những hơi thở sâu dài v.v... Nói cách khác, tâm trí bạn cần hoàn toàn tập trung vào hơi thở mà bạn biết rõ những động tác và chuyển biến của nó. Hãy quên hết mọi việc khác, quên những gì xung quanh bạn, đừng đưa mắt lên và nhìn bất cứ cái gì. Bạn cố gắng làm như thế trong chừng 5, 10 phút.

Lúc đầu bạn thấy vô cùng khó khăn để tập trung tâm trí vào hơi thở. Bạn sẽ ngạc nhiên thấy tâm trí chạy lăng xăng. Nó không đứng lại. Bạn khởi sự nghĩ nhiều chuyện khác nhau. Bạn nghe những âm thanh bên ngoài. Tâm trí bạn bị rối ren và phân tán. Bạn có thể buồn bã, thất vọng. Nhưng nếu bạn tiếp tục luyện tập như thế mỗi ngày hai bận, sáng và chiều, chừng 5, 10 phút mỗi lần, bạn sẽ dần dần bắt đầu tập trung được tâm ý vào hơi thở. Sau một thời gian, bạn sẽ kinh nghiệm đúng cái giây phút mà tâm trí bạn hoàn toàn tập trung vào hơi thở, mà bạn sẽ không còn nghe cả đến những âm thanh gần bạn, lúc mà ngoại giới không có nữa đối với bạn.

Cái giây phút mong manh này thật là một kinh nghiệm lớn lao đối với bạn, đầy hạnh phúc hoan lạc và bình an, đến nỗi bạn muốn tiếp tục nó mãi. Nhưng bạn vẫn không thể làm được. Tuy thế nếu bạn cứ tiếp tục luyện tập như thế một cách đều đặn, bạn có thể có lại kinh nghiệm ấy nhiều lần trong những khoảng thời gian càng ngày càng dài lâu hơn. Đấy là lúc bạn hoàn toàn quên mình đi trong sự chú ý hơi thở. Bao lâu bạn cần có ý thức về bạn thì bạn không bao giờ có thể tập trung vào một cái gì.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Con Đường Thoát Khổ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Lối tập luyện quán hơi thở này, một lối giản dị và dễ nhất, là cốt để phát triển lực tập trung (định lực) dẫn đến những trạng thái huyền bí rất cao (thiền). Ngoài ra, năng lực tập trung là điều cốt yếu để đạt đến bất cứ sự hiểu biết sâu xa nào, sự thâm nhập, trực giác về bản chất của vạn hữu, gồm cả sự thực chứng Niết Bàn.

Ngoài ra, sự luyện tập này về hơi thở đem lại cho bạn những kết quả tức thì. Nó lợi ích cho sức khỏe của bạn, giúp bạn thoải mái, ngủ ngon, và có hiệu năng trong công việc hằng ngày. Nó làm cho bạn bình an thanh thản. Ngay cả những lúc bạn nóng nảy hay xúc động, nếu bạn thực hành phép quán này trong vài phút, bạn sẽ thấy ngay rằng bạn liền trở nên bình tĩnh. Bạn cảm thấy như vừa thức tỉnh sau một sự nghỉ ngơi đầy đủ.

Một hình thức khác rất quan trọng, thực tiễn, và ích lợi của "thiền định" là có ý thức về, và để ý tới bất cứ cái gì bạn làm hay nói, suốt trong thói quen đời sống hằng ngày, một mình bạn, giữa công khai hay trong nghề nghiệp. Dù bạn đứng, đi, ngồi, nằm hoặc ngủ, hoặc co giản chân tay, hoặc nhìn quanh, hoặc mặc quần áo, hoặc nói năng hoặc im lặng hoặc ăn hoặc uống, hoặc ngay cả khi bạn đáp tiếng gọi của thiên nhiên - trong tất cả những động tác này và những động tác khác, bạn đều phải hoàn toàn ý thức và tỉnh táo về hành vi mà bạn đang làm mỗi lúc. Thế nghĩa là, bạn phải sống trong phút hiện tại, trong hành động hiện tại. Điều này không có nghĩa bạn không nên nghĩ chút nào về quá khứ hay vị lai. Trái lại, bạn nghĩ về chúng trong sự tương quan với lúc hiện tại, hành động hiện tại, tùy lúc và tùy trường hợp.

Người ta không thường thường sống trong hành động của họ, trong lúc hiện tại. Họ sống trong quá khứ hoặc trong vị lai. Mặc dù họ dường như đang làm một việc gì ở đây và bây giờ, nhưng kỳ thực họ sống ở một nơi nào khác trong tâm tưởng họ, trong những âu lo và những vấn đề tưởng tượng của họ, thường thường họ nhớ đến quá khứ hay nuôi những khao khát và suy tư về tương lai. Bởi vậy họ không sống trong những gì họ đang làm và cũng không thưởng thức được những gì họ đang làm trong mỗi lúc. Do đó họ bất mãn và bất hạnh với lúc hiện tại, với công việc đang làm, và dĩ nhiên họ không thể nào làm hoàn toàn "hết mình" những gì họ có vẻ đang làm.

Đôi khi bạn thấy một người trong quán ăn vừa ăn vừa đọc - một cảnh rất thường. Họ cho bạn cái cảm tưởng rằng họ là một người rất bận bịu, không có thì giờ để mà ăn nữa. Bạn tự hỏi họ đang ăn hay đang đọc. Người ta có thể nói họ làm cả hai chuyện. Nhưng thật ra họ không làm được việc nào, họ không thưởng thức được việc nào. Họ bị căng thẳng, rối ren trong tâm trí, và họ không thưởng thức cái mà họ đang làm trong lúc đó, mà vô tình và một cách điên rồ họ đang cố thoát khỏi sự sống. (Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng người ta không nên nói chuyện với bạn trong lúc ăn trưa hay ăn tối).

Dù bạn cố cách mấy, bạn cũng không thể nào thoát khỏi cuộc đời. Bao lâu bạn còn sống, dù trong thành thị hay trong hang động, bạn còn phải đối đầu với cuộc đời và sống nó. Sự sống chân thật là lúc hiện tại - không phải ký ức về quá khứ, vốn đã chết và đi qua, cũng không phải những mơ mộng về tương lai, vốn chưa tớí. Một con người sống trong hiện tại là sống đời sống thật sự, và là người hạnh phúc nhất.

Khi có người hỏi Đức Phật vì sao những đồ đệ của Ngài sống một cuộc đời đơn sơ và lặng lẽ, chỉ ăn có một bữa cơm mỗi ngày, mà lại hoan hỉ như thế, Đức Phật trả lời: "Họ không ân hận vì quá khứ, họ cũng không trầm tư về tương lai. Họ sống trong hiện tại. Bởi thế họ hoan hỉ. Vì trầm tư tương lai và ân hận quá khứ, những người ngu khô héo như cây xanh bị chặt để dưới nắng"(4).

Sự chú ý hay tỉnh táo không có nghĩa rằng bạn phải nghĩ và ý thức rằng "tôi đang làm cái nầy" hay "tôi đang làm cái kia". Không. Hoàn toàn trái lại. Lúc mà bạn nghĩ "tôi đang làm cái này", bạn trở nên tự ý thức về mình, và khi đó bạn không sống trong hành động ấy, mà bạn sống trong ý nghĩ về "tôi", và hậu quả là việc làm của bạn cũng hỏng nốt. Bạn phải hoàn toàn quên bạn đi, và để chìm đắm mình trong những gì bạn đang làm. Lúc mà một thuyết trình viên trở nên tự ý thức và nghĩ "tôi đang nói với khán giả" thì lời lẽ của anh ta sẽ bị bối rối và dòng tư tưởng gián đoạn. Nhưng khi anh ta quên mình đi trong bài diễn văn, trong đề tài của mình, khi ấy anh ta nói hay nhất, diễn đạt trôi chảy và giải thích mọi sự một cách rõ ràng. Mọi tác phẩm vĩ đại - về nghệ thuật, thi ca, trí thức hay tâm linh - đều được thành hình vào những lúc mà những người sáng tác hoàn toàn quên mình trong hành động, say sưa với nó, và không còn ý thức về mình.

Sự chú ý hay tỉnh thức đối với những hoạt động của mình tức là sống trong lúc hiện tại, sống trong hành động hiện tại. (Đây cũng là cách thức của Zen, vốn có căn bản chính yếu trên giáo lý này). Ở đây, trong hình thức "quán" này, bạn không cần phải làm một hành động nào đặc biệt để phát triển sự chú ý, mà bạn chỉ phải để ý và tỉnh táo (có ý thức về) với bất cứ cái gì bạn làm. Bạn không cần phải phí phạm một giây phút nào của thời gian quý báu của bạn để thực hành phép "quán" đặc biệt này: bạn chỉ cần luôn luôn đào luyện sự chú ý và tỉnh thức, ngày và đêm, đối với tất cả mọi hoạt động của bạn trong đời sống thường nhật. Hai hình thức "quán" trên đây là thuộc về thân xác chúng ta.
  • NIỆM THỌ
Kế đến có một cách (thiền định) phát triển tâm linh đối với mọi cảm giác và cảm tưởng của ta, dù vui, khổ hay không vui không khổ. Ta hãy lấy ví dụ: Bạn kinh nghiệm một cảm giác đau buồn, bất hạnh. Trong tình trạng ấy tâm trí bạn mờ mịt, u ám, không quang đãng, nó bị suy sụp. Trong vài trường hợp, bạn cả đến không thấy rõ vì sao bạn có cảm giác bất hạnh đó. Trước tiên, bạn phải tập đừng buồn về những cảm giác bất hạnh của bạn. Nhưng hãy cố tìm hiểu rõ vì sao lại có một cảm giác hay cảm tưởng bất hạnh hay lo âu, hay buồn sầu. Cố xem xét nó phát khởi ra sao, nguyên nhân của nó, nó tan biến như thế nào, sự chấm dứt của nó. Cố xem xét nó, làm như ban đang quan sát nó từ bên ngoài, không có một phản ứng chủ quan nào cả, như một nhà khoa học quan sát một đối tượng. Ở đây cũng thế, bạn không nên nhìn nó như là "cảm giác của tôi" hay "cảm tưởng của tôi" một cách chủ quan mà chỉ nhìn nó như "một cảm giác" hay "một cảm tưởng" theo cách khách quan. Bạn lại cũng cần quên đi ý tưởng sai lầm về "tôi". Khi bạn thấy bản chất của nó, nó sinh và diệt ra sao, tâm thức bạn dần trở nên dửng dưng đối với cảm giác ấy, và hoàn toàn hết ràng buộc, tự do. Đối với mọi cảm giác hay cảm tưởng khác cũng thế.
  • NIỆM TÂM
Bây giờ ta hãy bàn đến hình thức thiền định thuộc về tâm thức chúng ta. Bạn cần phải hoàn toàn ý thức về việc tâm ý bạn đang mê say hay giải thoát; nó đầy hận thù, ác độc, ghen ghét, hay đầy tình yêu, từ bi; nó đang có ảo tưởng hay thấy biết chân xác rõ ràng v.v.. Ta phải công nhận rằng rất thường khi chúng ta sợ hãi hay hổ thẹn, không dám nhìn thẳng vào tâm ý của chính mình. Bởi thế ta ưa lẩn tránh nó. Người ta nên can đảm, thành thật và nhìn vào tâm mình như nhìn vào mặt mình trong gương(5).

Ở đây không có thái độ chỉ trích hay phê phán, hoặc phân biệt giữa phải và trái, tốt và xấu. Đây chỉ có sự quan sát, ngắm nhìn, xem xét. Bạn không phải là một quan tòa mà là một nhà khoa học. Khi quan sát tâm ý bạn, và thấy rõ bản chất đích thực của nó, bạn trở nên dửng dưng với những cảm xúc, tình cảm và trạng huống của nó. Nhờ thế bạn không còn bị dính mắc ràng buộc, và được tự do, để thấy sự vật đúng như thật.

Ta hãy lấy một ví dụ. Giả sử bạn tức giận thực sự, sôi sục vì giận dữ, ác độc, thù hằn. Thật lạ lùng, và mâu thuẫn rằng người đang tức giận thường không thực biết, không chú ý rằng mình đang tức giận. Lúc mà anh ta trở nên chú ý và có ý thức về trạng thái tâm hồn ấy của mình, lúc anh ta thấy sự tức giận của mình, thì sự giận dữ đó dường như trở nên hổ thẹn bẽn lẽn, và bắt đầu nguôi bớt. Bạn phải xem xét bản chất của nó, nó sinh làm sao, diệt thế nào. Ở đây lại cũng cần nhớ rằng bạn không nên nghĩ "tôi đang tức giận" hay nghĩ về "sự giận dữ của tôi". Bạn chỉ cần phải ý thức và chú ý về trạng thái của một tâm hồn giận dữ. Bạn chỉ đang quan sát và xem xét một cách khách quan cái tâm hồn giận dữ. Đây phải là thái độ đối với tất cả mọi tình cảm, cảm xúc và trạng thái tâm linh.
  • NIỆM PHÁP
Kế đó còn có một hình thức "quán" về những đề mục luân lý, tâm linh và trí thức: Tất cả mọi sự nghiên cứu, đọc sách, thảo luận, đàm thoại và bàn cãi về những đề mục như thế đều được bao gồm trong phép "quán" này. Đọc quyển sách này, và suy nghĩ sâu xa về những đề tài ở trong đó là một hình thức "quán" (hay thiền định). Chúng ta đã thấy trước đây(6) rằng: cuộc đàm thoại giữa Khemaka và nhóm tăng lữ là một hình thức thiền quán đã đưa đến sự thực chứng Niết Bàn.

Bởi thế, theo hình thức "quán" này, bạn có thể nghiên cứu, suy nghĩ, và thảo luận về "ngũ cái" (năm sự ngăn che; nivarana) gồm có:
  • 1. Tham dục (kāmacchanda).
    2. Sân hận (vyāpāda).
    3. Hôn trầm (thīna-middha).
    4. Trạo cử (uddaca-kukkucca).
    5. Hoài nghi (vicikicchā).
Năm món này được xem như những chướng ngại đối với bất cứ sự hiểu biết nào, và do đó, bất cứ sự tiến bộ nào. Khi con người bị chúng làm chủ và khi họ không biết trừ khử chúng, thì họ không còn có thể hiểu được chánh tà, tốt xấu.

Người ta cũng có thể "quán" về "Thất Bồ Đề Phận" (Bojjhanga) nghĩa là bảy yếu tố của Giác Ngộ:
  • 1. Niệm (sati), có ý thức và tỉnh táo về tất cả các hoạt động và động tác vật lý cũng như tâm lý, như đã bàn ở trên.

    2. Trạch pháp (dhamma-vicaya). Tìm tòi nghiên cứu những vấn đề khác nhau của lý thuyết. Ở đây bao gồm tất cả mọi nghiên cứu về tôn giáo, luân lý và triết học, đọc sách, sưu tầm, bàn luận, đàm thoại, ngay cả dự những buổi diễn giảng về những vấn đề của lý thuyết ấy.

    3. Tinh tấn (viriya) làm việc một cách đầy nghị lực cho đến cùng.

    4. Hỷ (pīti), đức tính hoàn toàn trái ngược vớI thái độ tâm lý hoài nghi, bi đát hay thảm đạm.

    5. Khinh an (passaddhi), sự thoải mái của cả thể xác lẫn tinh thần. Người ta không nên có thể xác hay tâm thần căng thẳng.

    6. Định (samādhi), như đã bàn ở trên.

    7. Xả (upekkhā), nghĩa là có thể đối diện cuộc sống trong mọi thăng trầm của nó, với một tâm hồn an tĩnh thanh bình, không rối loạn.
Muốn đào luyện những đức tính ấy điều cốt nhất là phải có một lòng mong mỏi thực sự, ý chí, hay khuynh hướng. Nhiều điều kiện vật chất và tâm linh giúp cho sự phát triển mỗi đức tính ấy được tả rõ trong các kinh nguyên thủy.

Người ta cũng có thể "quán" về những đề mục như Ngũ Uẩn, nghiên cứu câu hỏi "con người là gì?" hay "cái được gọi là tôi là cái gì?" hay về Tứ Diệu Đế, như đã bàn trên. Sự học hỏi và sưu tầm về những đề mục ấy bao gồm trong hình thức thứ tư của thiền định, đưa đến sự thực chứng chân lý tối hậu.

Ngoài những đề mục đã bàn, còn có nhiều đề mục thiền quán khác, theo truyền thống có 40, trong đó đặc biệt ta phải kể đến Tứ Vô lượng tâm (brahma-vihāra):
  • 1. Từ (mettā), trải ra một tình yêu vô biên, phổ quát và thiện cảm đối với tất cả mọi chúng sinh không chút phân biệt, như "một người mẹ thương yêu đứa con duy nhất".

    2. Bi (karunā) lòng trắc ẩn đối với mọi chúng sinh khổ đau phiền não và gặp hoạn nạn.

    3. Hỷ (muditā) niềm vui đầy thiện cảm đối với sự thành công của kẻ khác, đối với may mắn và hạnh phúc của họ, và

    4. Xả (upekkhā) sự bình thản ở trong mọi thăng trầm của cuộc sống.
CHÚ THÍCH:

(1) A (Colombo, 1929), p. 276.

(2) Theo Yogāvacara's Manual (do T.W. Rhys Davids xuất bản London, 18896), một bản văn về Thiền quán viết ở Tích Lan vào khoảng thế kỷ 18, đã chứng tỏ Thiền quán vào thời bấy giờ đã bị suy đồi thành một tục lệ đọc thần chú, đốt nến, v.v...

Xem thêm Chương XII về "The Ascetic Ideal", trong "History of Buddhism in Ceylon", Walpola Rahula (Colombo, 1956), p. 199.

(3) Xem Chương IV.

(4) S I(PTS) p.5.

(5) M I(PTS) p.100

(6) Xem Chương VI.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Con Đường Thoát Khổ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Chương VIII
GIÁO LÝ ĐỨC PHẬT VÀ THẾ GIỚI HÔM NAY
Có vài người nghĩ rằng đạo Phật quá cao siêu huyền bí, không thể thực hành được bởi những người nam, nữ thông thường trong thế giới chúng ta hằng ngày, và người ta nếu muốn trở thành một Phật tử chân chính thì cần phải từ bỏ thế giới này để rút lui vào một tu viện hay đến một nơi nào yên tĩnh.

Đấy là một quan niệm sai lạc đáng buồn do sự thiếu hiểu biết về giáo lý đức Phật. Người ta thường đi đến những kết luận sai lầm và vội vã, sau khi tình cờ nghe hay đọc một cái gì về Phật giáo do một tác giả mà vì đã không hiểu thấu vấn đề trong mọi khía cạnh, chỉ đưa ra một quan niệm thiên lệch và chủ quan về Phật giáo. Giáo lý đức Phật không phải chỉ cốt để dành cho những tăng lữ trong tu viện, mà còn để cho những nam nữ cư sĩ sống ở nhà với gia đình họ. Bát chánh đạo, một lối sống theo Phật học là để cho tất cả, không một phân biệt mảy may.

Đại đa số người trên thế giới không thể đi tu tất cả, hoặc ẩn dật trong hang động hay rừng núi. Đạo Phật dù cao cả và thuần khiết bao nhiêu, cũng sẽ vô dụng đối với đại chúng nhân loại nếu họ không thể theo được trong đời sống hằng ngày. Nhưng nếu bạn hiểu đúng đắn tinh thần Phật giáo (chứ không phải chỉ hiểu những chữ, câu), chắc chắn bạn có thể theo và thực hành nó trong khi vẫn sống đời của một người thường.

Có thể có vài người thấy dễ dàng và thuận tiện hơn để chấp nhận Phật giáo, nếu họ ở trong một nơi xa cách, tách biệt với xã hội những người khác. Có những người lại thấy rằng sự ẩn dật đó làm cho họ chán ngán buồn bã cả thể chất lẫn tâm thần, và vì vậy điều ấy có thể không giúp ích gì cho sự phát triển đời sống tri thức và tâm linh họ.

Sự ẩn dật chân chính không có nghĩa là thân xác phải xa lánh hẳn thế gian. Xá Lợi Phất (Sāriputta) đồ đệ trưởng của đức Phật, nói rằng một người có thể sống trong rừng miệt mài với những luyện tập khổ hạnh, nhưng vẫn có thể đầy những tư tưởng xấu xa bất tịnh, một người khác có thể sống trong làng mạc hay thị thành, không thực hành kỷ luật ép xác nào, nhưng tâm người ấy có thể trong sạch không có cấu bẩn. Trong hai người ấy, Ngài Xá Lợi Phất bảo, người sống một đời trong sạch giữa làng mạc thị thành nhất định là cao cả hơn người sống trong rừng rất nhiều(1).

Quan niệm thông thường cho rằng muốn theo giáo lý đức Phật người ta phải lánh đời, là một quan niệm sai lầm. Trong văn học Phật giáo, có vô số những chỗ nói đến những người đàn ông, đàn bà sống gia đình bình thường mà vẫn thực hành một cách hiệu quả những gì đức Phật dạy, và chứng Niết Bàn. Người khất sĩ Vacchagotta (mà ta đã gặp trong chương về Vô Ngã), một hôm hỏi thẳng đức Phật rằng có người nam và nữ nào đệ tử của Ngài sống đời gia đình, mà theo giáo lý Ngài có hiệu quả, và đạt được những trạng thái tâm linh cao siêu không. Đức Phật trả lời rõ ràng rằng không phải có chỉ một hay hai, một trăm hay năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa, những người nam và nữ cư sĩ sống đời gia đình đã theo giáo lý Ngài một cách hiệu quả và đạt được những trạng thái tâm linh cao siêu(2).

Đối với một số người, có thể là một sự êm dịu khi sống một đời ẩn dật trong một nơi yên tĩnh, xa hẳn ồn ào phiền tạp. Nhưng chắc chắn là thật can đảm, đáng ca ngợi hơn, những ai thực hành Phật giáo mà vẫn sống giữa đồng loại, giúp đỡ họ và làm lợi ích cho họ. Có lẽ trong vài trường hợp sẽ có ích cho một người nếu sống ẩn dật một thời gian để trau dồi tâm ý và tính tình - như một huấn luyện trước về đạo đức, tri thức và tâm linh - để về sau có đủ khả năng giúp đỡ đồng loại. Nhưng nếu một con người sống suốt đời trong cô độc, chỉ nghĩ đến hạnh phúc và "cứu rỗi" cho riêng mình, không lo nghĩ đến đồng loại, thì điều này chắc chắn không phù hợp với giáo lý Đức Phật vốn căn bản trên tình thương, từ bi và sự giúp đỡ kẻ khác.

Bây giờ ta có thể hỏi: Nếu một người có thể theo Phật giáo trong khi sống đời sống cư sĩ thế tục, thì tại sao đức Phật lập đoàn thể tăng già làm gì? Đoàn thể tăng già này tạo cơ hội cho những ai muốn hiến đời mình không những cho sự phát triển trí thức và tâm linh của riêng mình, mà còn để giúp ích kẻ khác. Một cư sĩ có gia đình khó mà hiến suốt đời mình để phụng sự những đồng loại, trong khi một vị tăng, vì không có nhiệm vụ gia đình hay một ràng buộc nào của thế tục, có thể hiến suốt đời mình "vì sự ích lợi cho nhiều người, vì hạnh phúc của nhiều người" theo lời khuyên của đức Phật. Chính vì thế mà trong quá trình lịch sử, tu viện Phật giáo không những là một trung tâm của sự đào luyện tâm linh, mà còn là một trung tâm học hỏi và văn hóa.

Kinh Sigāla (số 31 của Digha-nikāya, Trường Bộ) chứng tỏ Đức Phật đã coi trọng cuộc đời cư sĩ, gia đình và xã hội của họ, như thế nào.

Một người trẻ tuổi tên Sigāla, thường lễ bái sáu phương hướng-đông, tây, bắc, nam, thượng, hạ - vì vâng lời và thực hành theo lời trăn trối của cha. Đức Phật bảo anh ta rằng trong kinh luật (ariyassa vinaye) của giáo lý Ngài, sáu phương ấy có nghĩa khác. Theo "luật" của Ngài, sáu phương là: Đông: cha mẹ, Nam: thầy, Tây: vợ con, Bắc: bạn bè quyến thuộc, láng giềng, Hạ: tôi tớ, người làm công và thợ thuyền, Thượng: những vị tu sĩ, bà la môn.

"Người ta nên lễ bái sáu phương ấy", Đức Phật dạy. Ở đây chữ lễ bái (namasseyya) rất ý nghĩa, vì người ta chỉ lễ bái một cái gì thiêng liêng, khả kính khả sùng. Đạo Phật xem sáu nhóm gia đình và xã hội trên đây là thiêng liêng, đáng sùng mộ kính trọng và lễ bái. Nhưng lễ bái cách nào? Đức Phật dạy rằng người ta có thể "lễ bái" chúng chỉ bằng cách làm tròn bổn phận của mình đối với chúng. Những bổn phận ấy Đức Phật giảng rõ trong bài thuyết pháp cho Sigāla.
  • Thứ nhất: cha mẹ là thiêng liêng đối với con cái. Đức Phật dạy: "cha mẹ gọi là Thượng Đế" (Brahmāti mātāpitaro). Danh từ Brahma (thượng đế) chỉ quan niệm cao cả thiêng liêng nhất trong tư tưởng Ấn giáo, và trong đó đức Phật đã bao gồm cha mẹ. Bởi thế ngày nay trong những gia đình theo Phật thuần thành, con cái thực sự "lễ bái" cha mẹ hằng ngày, sáng và tối. Họ phải làm một vài bổn phận đối với song thân theo luật của Phật: phải săn sóc cha mẹ khi già, phải làm bất cứ cái gì cần làm cho cha mẹ, phải giữ danh dự của gia đình và tiếp nối truyền thống của gia đình, phải bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, và làm tang lễ sau khi cha mẹ chết. Đối lại, cha mẹ cũng có một số bổn phận đối với con cái: họ phải giữ con cái tránh xa những đường tà, phải khiến chúng làm những việc thiện và lợi ích, phải giáo dục chúng đầy đủ, phải cưới gả chúng vào những gia đình tử tế, và phải chia tài sản cho công bằng.

    Thứ hai: liên hệ giữa thầy và trò. Người học trò phải kính trọng vâng lời thầy, phải lo cho thầy nếu thầy có điều chi cần thiết, phải học hành chăm chỉ. Và thầy đối lại, phải huấn luyện học trò một cách thích đáng, phải dạy kỹ lưỡng, phải giới thiệu bạn bè cho nó, và phải cố kiếm sự bảo đảm việc làm cho nó sau khi học xong.

    Thứ ba: liên hệ giữa chồng và vợ. Tình yêu giữa chồng vợ được xem hầu như tôn giáo hay thiêng liêng. Nó gọi là Sadāra-brahmacariya, "đời sống gia đình thiêng liêng". Ở đây cũng thế, ý nghĩa của từ ngữ Brahma cần được lưu tâm: Đạo Phật dành cho mối liên hệ này sự kính trọng cao cả nhất. Vợ chồng phải trung thành, kính trọng và tận tụy với nhau, và họ có vài bổn phận đối với nhau. Chồng phải luôn luôn tôn trọng vợ và không bao giờ thiếu sự kính nể đối với vợ, phải bảo đảm đời sống và tiện nghi cho vợ, và phải làm vợ vui lòng bằng cách tặng nàng áo và đồ trang sức (Sự kiện đức Phật đã không quên nhắc đến cả những món quà một người chồng nên tặng vợ, đủ chứng tỏ tình người thắm thiết của đức Phật, thiện cảm tế nhị của Ngài đối với những tình cảm của người thường). Đối lại, người vợ phải coi sóc việc nhà, phải làm vui lòng khách khứa, bạn bè, thân thuộc và những người làm công, phải yêu thương, trung thành với chồng, phải gìn giữ tiền của chồng kiếm được, phải khôn khéo và nghị lực trong mọi công việc.

    Thứ tư: liên hệ giữa bạn bè, bà con, láng giềng. Họ phải tử tế nhân từ đối với nhau, phải nói lời hòa nhã dễ nghe, phải làm cho nhau lợi ích, phải hòa hiếu với nhau, đừng gây gỗ nhau, phải giúp nhau khi cần, và đừng bỏ nhau trong khi hoạn nạn.

    Thứ năm: liên hệ giữa chủ và tớ. Người chủ nhà có nhiều bổn phận đối với tôi tớ hay người làm công: phải giao công việc tùy theo khả năng và sức lực, phải trả lương thích đáng, phải cung cấp thuốc men, thỉnh thoảng phải nên cho quà tặng. Đối lại người giúp việc hay làm công phải chuyên cần không được biếng nhác, phải lương thiện, vâng lời và đừng lường gạt chủ, phải siêng năng trong công việc làm.

    Thứ sáu: liên hệ giữa những người ẩn sĩ Bà La Môn với người thế tục. Những người thế tục phải coi sóc những nhu cầu vật chất của những tu sĩ Bà La Môn, ẩn sĩ, với lòng thương yêu kính trọng; những vị tu sĩ phải ban bố với lòng lân mẫn, kiến thức và hiểu biết cho người thế tục, và dẫn dắt họ theo đường chánh, xa đường tà.
Như vậy ta thấy rằng đời sống thế tục, với những liên hệ gia đình, xã hội, cũng được bao gồm trong "kỷ luật cao cả", và cũng nằm trong khung của lối sống Phật giáo như Đức Phật đã quan niệm

Bởi thế trong Samyutta-nikāya (Tương ưng bộ), một trong những bản kinh Pali xưa cũ nhất, Sakka (Đế Thích), vua của những vị trời (devas) tuyên bố rằng ông sùng kính không những các tu sĩ sống đời thánh thiện đức hạnh mà còn những cư sĩ thế tục (ưu bà tắc, upāsaka) làm những việc công đức, có đức hạnh, và duy trì gia đình của họ một cách đúng đắn(3).

Nếu muốn trở thành một Phật tử, người ta không cần gì phải qua một lễ dẫn nhập (hay rửa tội). (Nhưng muốn trở thành một Tỳ kheo, một phần tử của đoàn thể Tăng già, người ta phải qua một thời gian dài huấn luyện giới luật và giáo dục). Nếu một người hiểu giáo lý đức Phật, và tin chắc rằng giáo lý ấy là con đường chánh và nếu họ cố theo đường ấy, thì đấy là một Phật tử. Nhưng theo truyền thống ngàn xưa trong các xứ Phật giáo, một người được xem là Phật tử nếu nương vào (quy y) Phật, Pháp (giáo lý) và Tăng (đoàn thể tăng già) thường gọi là Tam Bảo - ba vật quí báu - và bắt đầu tuân giữ ngũ giới (Panca-sila), những bổn phận tinh thần tối thiểu của một cư sĩ Phật tử:
  • 1. không sát sinh (giết hại sinh mạng).
    2. không trộm cắp.
    3. không tà dâm (ngoại tình).
    4. không nói dối.
    5. không uống rượu.
Không có một lễ tục bề ngoài nào một Phật tử phải làm. Đạo Phật là một lối sống, và điều cốt yếu là giữ theo Bát Chánh Đạo. Dĩ nhiên trong tất cả các xứ Phật Giáo đều có những lễ tục rất đẹp và đơn giản vào những ngày lễ Phật. Có những bảo tháp có tượng Phật, có những cây Bồ Đề trong vài tu viện, ở đấy Phật tử lễ bái, dâng hoa, thắp đèn và đốt hương. Điều này không nên xem tương tự với cầu nguyện trong các tôn giáo hữu thần. Đấy chỉ là một cách chiêm ngưỡng, tưởng nhớ lại vị Đạo Sư đã chỉ Con Đường. Những sự lễ bái cổ truyền này, mặc dù không thiết yếu, vẫn có giá trị ở chỗ thỏa mãn những cảm xúc và nhu cầu tôn giáo nơi những người còn thấp kém về tinh thần và tâm linh, và giúp họ dần bước theo Chánh Đạo.

Những người nghĩ rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những lý tưởng cao siêu, tư tưởng triết lý và đạo đức siêu phàm, và không kể đến lợi ích xã hội và kinh tế của con người, là sai lầm. Đức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc của người. Đối với Ngài, không thể có hạnh phúc mà không sống một đời sống trong sạch, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tâm linh. Nhưng Ngài biết rằng sống một đời như vậy rất khó trong những điều kiện xã hội và vật chất không thuận.

Phật giáo không xem hạnh phúc vật chất như một cứu cánh: nó chỉ là một phương tiện để đến một cứu cánh - một cứu cánh cao quý hơn. Nhưng đấy là một phương tiện rất cần thiết, cần thiết để hoàn thành một mục đích cao hơn cho hạnh phúc nhân loại. Bởi thế Phật giáo công nhận sự cần thiết của một vài điều kiện vật chất tối thiểu thuận tiện cho sự thành công của tâm linh - ngay cả đối vớI một thầy tu thiền định trong một nơi cô tịch nào.

Đức Phật không xét đến sự sống một cách tách biệt, ra ngoài bối cảnh kinh tế và xã hội. Ngài nhìn đời trong toàn diện, trong tất cả mọi phương diện xã hội, kinh tế và chính trị của nó. Những lời dạy của Ngài về những vấn đề đạo đức, triết lý và tâm linh đã được khá nhiều người biết đến. Nhưng người ta biết rất ít, nhất là ở Tây phương, về giáo lý của Ngài trong những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Tuy vậy có rất nhiều bài giảng của Ngài bàn về những vấn đề ấy rải rác khắp các bản kinh văn cổ xưa của Phật giáo. Ta hãy lấy chỉ một vài thí dụ:

Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Tu Hành (Cakkvatti-sihanāda sutta) trong Trường Bộ Kinh (Digha-nikāya, số 26) nói rõ rằng sự nghèo khó (dāliddiya) là nguyên nhân của vô đạo và tội ác như trộm cắp, tà vạy, bạo động, thù hằn, độc ác v.v... Những vị vua chúa ngày xưa, cũng như các chính phủ ngày nay, cố đàn áp tội lỗi bằng hình phạt. Kinh Kūtadanta-sutta cùng thuộc bộ ấy giải thích sự vô ích của hình phạt, nói rằng phương pháp ấy sẽ không bao giờ thành công. Thay vì vậy, Đức Phật đề nghị rằng, muốn diệt tận gốc các tội lỗi, thì cần phải cải thiện điều kiện kinh tế của con người; cần phải cung cấp cho tá điền và nông phu hạt giống và phương tiện trồng trọt khác, vốn phải được cung cấp cho những thương gia và những người buôn bán; lương hướng thích đáng phải được trả cho những người làm công. Khi mọi người đều được cung cấp những cơ hội để kiếm được một lợi tức đầy đủ, họ sẽ bằng lòng, không sợ hãi lo âu, và do đó xứ sở thanh bình và không có các tội lỗi(4).

Bởi vậy, đức Phật thường dạy những cư sĩ tại gia tầm quan trọng của sự cải thiện điều kiện kinh tế. Điều này không có nghĩa Ngài tán đồng sự tích trữ tài sản với lòng khao khát và ràng buộc, vì nó trái ngược với giáo lý Ngài, và cũng không phải Ngài tán đồng bất cứ phương tiện sinh nhai nào. Có vài nghề thương mãi như sản xuất và mua bán khí giới bị Ngài cấm chỉ, xem như là những phương tiện sinh sống không chân chính như ta đã thấy trước đây (xem phần Bát Chánh Đạo - Chánh mạng).

Một người tên Dīghajānu một hôm đến viếng đức Phật và bảo:

- Bạch Thế Tôn, chúng con là những người thế tục tầm thường, sống đời gia đình, có vợ con. Xin Đức Thế Tôn chỉ dạy cho vài lý thuyết để giúp chúng con được hạnh phúc trong đời này và đời sau.

Đức Phật dạy ông ta rằng có bốn điều giúp cho hạnh phúc con người trong đời này: Thứ nhất, phải tài khéo, có hiệu năng, hăng hái, và nghị lực trong bất cứ nghề nào nó làm, và phải biết rõ nghề mình (utthāna-sampadā); Thứ hai, phải bảo vệ lợi tức mà nó đã kiếm được một cách chân chính, bằng mồ hôi trán (ārakkha-sampadā); điều này nói đến bảo vệ tài sản cho khỏi bị trộm cắp, v.v.. (Tất cả mọi ý tưởng này cần được xét đến trong bối cảnh của thời ấy); Thứ ba: phải giao du với bạn tốt (kalyāna-mitta) trung thành, có trí thức, đức hạnh, phóng khoáng và thông minh, người sẽ giúp nó đi con đường chính xa lánh đường tà; Thứ bốn: phải tiêu dùng chừng mực, tùy theo lợi tức, đừng tiêu quá nhiều cũng đừng quá ít, nghĩa là không nên bo bo tích trữ tài sản, nhưng cũng không nên phung phí - nói cách khác phải sống trong giới hạn những phương tiện nó có (samajīvikatā).

Rồi Đức Phật giảng bốn Đức Hạnh giúp cho một người thế tục được hạnh phúc đời sau:
  • 1. Tín (saddhā): phải tin tưởng vào những giá trị đạo đức, tinh thần và tâm linh.

    2. Giới (sīla): phải chừa bỏ sát sinh, trộm cắp, tà dâm nói dối và uống rượu.

    3. Thí (cāga): phải thực hành lòng trắc ẩn bố thí, không bám víu và ôm giữ tài sản mình.

    4. Huệ (pannā): phải mở mang trí huệ dẫn đến sự diệt khổ, chứng Niết Bàn(5).
Đôi khi đức Phật còn đi vào những chi tiết về để dành tiền bạc và tiêu dùng, chẳng hạn như khi Ngài bảo thanh niên Sigāla rằng anh ta nên dùng 1/4 lợi tức vào sự tiêu pha hàng ngày, một nửa lợi tức để đầu tư vào việc kinh doanh và để riêng 1/4 phòng khi nguy cấp(6).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Con Đường Thoát Khổ

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Một hôm đức Phật bảo Cấp Cô Độc (Anāthapindika) - một thương gia danh tiếng, một trong những đệ tử tại gia thuần thành nhất của Ngài đã lập cho Ngài tu viện Kỳ Đà (Jetavana) hữu danh ở Xá Vệ (Sāvatthi) - rằng một cư sĩ sống đời thường nhật, có bốn thứ hạnh phúc: thứ nhất là thụ hưởng sự bảo đảm về kinh tế hay tài sản đầy đủ, kiếm được bằng những phương tiện chính đáng (sở hữu lạc - atthi-sukkha); thứ hai là tiêu dùng tài sản ấy một cách rộng rãi cho chính mình, cho gia đình, bà con, bè bạn và trong những việc công đức (thọ dụng lạc - bhoga-sukkha); thứ ba là không có nợ nần (vô trái lạc - anana-sukkha); thứ tư là sống một đời trong sạch, không phạm những điều ác trong ý nghĩ, lời nói hay hành vi (vô tội lạc - anavajja-sukkha).

Ở đây ta phải chú ý rằng trong bốn thứ nầy, ba thuộc về kinh tế, và cuối cùng đức Phật còn nhắc cho thương gia ấy biết rằng hạnh phúc về kinh tế và vật chất thì không "đáng một phần mười sáu" của hạnh phúc tâm hồn phát sinh từ đời sống không lỗi lầm và lương thiện(7).

Qua những ví dụ kể trên, ta có thể thấy rằng đức Phật xem sự thoải mái về kinh tế là cần thiết cho hạnh phúc con người, nhưng Ngài không công nhận sự tiến bộ là chân thật nếu nó chỉ thuần vật chất, không có một nền tảng đạo đức và tâm linh. Trong khi khuyến khích sự tiến bộ vật chất, Phật Giáo luôn luôn nhấn mạnh trên sự phát triển đạo đức và tâm linh để kiến tạo một xã hội Hòa Bình an lạc.

Đức Phật cũng có những lời dạy minh bạch như thế về chính trị, chiến tranh, hòa bình. Điều ai cũng biết, tưởng không cần nhắc lại, là đạo Phật chủ xướng và rao truyền Bất Bạo Động, Hòa bình như thông điệp của mình cho tất cả thế giới, và không tán thành bất cứ một sự bạo động hay sát hại sinh mạng nào. Theo Phật giáo không có gì có thể gọi là "chiến tranh chân chính", đó chỉ là một từ ngữ sai lầm được đúc ra và lưu hành để biện minh cho hận thù, tàn ác, bạo động và chém giết. Ai định ra cái gì là chân chính hay không chân chính? Người chiến thắng và hùng mạnh là "chính" và kẻ chiến bại, yếu thế là "bất chính". Chiến tranh của chúng tôi thì luôn luôn chính đáng, còn chiến tranh của các anh thì luôn luôn "bất chính". Phật giáo không chấp nhận lập trường ấy.

Đức Phật không những đã dạy Bất Bạo và Hòa Bình, mà Ngài còn thân hành đi đến chiến trường để can thiệp, và ngăn cản chiến tranh, như trong trường hợp tranh chấp giữa những người dòng Sākyas (Thích ca) và Koliyas (Câu lợi), sắp đánh nhau vì vấn đề nước của sông Rohini. Và những lời của Ngài đã từng ngăn được vua A Xà Thế (Ajātasattu) khỏi tấn công vương quốc Vajjis (Bạt Kỳ).

Vào thời đức Phật, cũng như ngày nay, có những nhà cai trị xứ sở một cách bất công. Dân chúng bị đàn áp, bóc lột, đánh đập, tù đày, sưu cao thuế nặng và chịu những hình phạt dã man. Đức Phật rất động lòng trước những sự vô nhân đạo ấy. Kinh Dhammapadattha-kathā chép rằng: vì thế, Ngài chú tâm đến vấn đề một nền cai trị tốt đẹp. Ta nên xét quan điểm của Ngài với bối cảnh xã hội, kinh tế và chính trị lúc bấy giờ. Ngài đã chứng minh rằng toàn thể một xứ sở có thể trở thành đồi trụy, thối nát và bất hạnh nếu những người cầm đầu việc cai trị, nghĩa là vua, các quan lại và những nhân viên hành chánh, đều thối nát và bất công. Muốn cho dân một nước được sung sướng cần phải có một nền cai trị công bằng. Một nền cai trị công bằng có thể được thực hiện bằng cách nào? Đức Phật đã nói rõ trong bài thuyết pháp của Ngài về "mười nhiệm vụ của nhà vua" (Thập vương Pháp, dasa-rājadhamma) như đã được thuật trong Jātaka (chuyện tiền thân)(8).

Dĩ nhiên danh từ "vua" (Rāja) ngày xưa phải được thay thế bằng danh từ "chính phủ": "mười nhiệm vụ của nhà vua" có thể áp dụng cho tất cả những người ở trong chính phủ ngày nay, như quốc trưởng, bộ trưởng, lãnh đạo chính trị, nhân viên hành chánh và tư pháp v.v...

Nhiệm vụ thứ nhất trong "mười nhiệm vụ của vua" là sự rộng rãi, bố thí, bác ái (dāna). Người cai trị không được có một thèm khát và bám víu nào đối với tài sản, tiền của mà phải bố thí cho dân được no ấm.

Thứ hai, một đức tính luân lý cao đẹp (giới - sīla). Vua phải không bao giờ sát hại, lừa bịp và bóc lột kẻ khác, tà dâm, nói lời sai quấy, và rượu chè. Nghĩa là, ít nhất ông phải theo năm giới của người cư sĩ.

Thứ ba, hi sinh tất cả vì hạnh phúc của dân (biến xả hay vĩnh xả - pariccāga), ông phải sẵn sàng từ bỏ mọi tiện nghi cho cá nhân mình, tên tuổi, danh vọng, và ngay cả sự sống của mình vì lợI ích của dân.

Thứ tư, trực hạnh (ajjava). Ông phải xa lìa sự sợ hãi và thiên vị khi thi hành nhiệm vụ, phải thành thật trong ý định, và không được lừa bịp quần chúng.

Thứ năm, khổ hạnh (tapa). Ông phải sống một đời giản dị, và không được xa hoa. Ông phải biết chế ngự bản thân mình.

Thứ sáu, nhu hòa (maddava). Ông phải có một tính tình hòa nhã.

Thứ bảy, không thù hận, ác độc (vô sân - akkodha). Ông không được có tư thù với bất cứ ai.

Thứ tám, bất hại (avihimsā) không những có nghĩa là ông không được làm hại ai, mà còn có nghĩa ông phải cố tạo hòa bình bằng cách tránh và ngăn ngừa chiến tranh, hay mọi sự dính dáng đến bạo động và sát hại sinh mạng.

Thứ chín, nhẫn nhục (khanti). Ông phải có thể chịu đựng những khó khăn, khổ nhọc và những sự nhục mạ mà không mất bình tĩnh.

Thứ mười, không đối lập, không ngăn cản (avirodha), nghĩa là ông không được đi ngược với ý chí của toàn dân, không được cản bất cứ biện pháp nào đưa đến sự lợi lộc cho toàn dân. Nói cách khác ông phải cai trị thuận với ý chí của dân.

Nếu một nước được cai trị bởi một người có những đức tính ấy, thì dĩ nhiên nước ấy phải là hạnh phúc. Nhưng điều ấy không phải là một điều không tưởng, vì trong quá khứ đã có những ông vua như A Dục Vương (Asoka) cuả Ấn Độ đã thiết lập các vương quốc căn cứ trên những ý tưởng đó.

Thế giới ngày nay luôn sống trong sợ hãi, nghi ngờ và căng thẳng. Khoa học đã sản xuất những khí giới có năng lực phá hoại kinh hoàng. Tạo ra những dụng cụ mới của chết chóc, các cường quốc hăm dọa, thách thức nhau, khoe khoang không hổ thẹn rằng mình có thể gây nhiều phá hoại tang thương trong thế giới hơn cường quốc khác.

Họ đã đi quá xa trên đường điên rồ ấy đến nỗi ngày nay họ chỉ cần bước thêm một bước, kết quả sẽ không là gì ngoài ra sự hủy diệt lẫn nhau và hủy diệt toàn thể loài người.

Vì hoảng sợ trước một hoàn cảnh mà chính họ đã tạo ra, con người muốn tìm một lối thoát, giải pháp nào đó. Nhưng không có giải pháp nào ngoài giải pháp đức Phật đã đề xướng - thông điệp của Ngài về Bất Bạo và Hoà bình, về tình thương và từ bi, về khoan hồng và thông cảm, về chân lý và trí huệ, về sự tôn trọng đối với mọi sự sống, về sự dứt bỏ ích kỷ, hận thù và bạo động.

Đức Phật dạy: "Hận thù không bao giờ được dập tắt bằng hận thù, mà chỉ dập tắt được với tình thương. Đây là một sự thật muôn đời" (Dhp. 15).

"Người ta nên lấy từ bi thắng lướt hận thù, lấy lòng tốt đối lại với sự xấu xa, lấy bác ái đối lại ích kỷ và lấy sự chân thật đối lại gian tà" (Dhp. XVII 3).

Con người không thể nào có hạnh phúc an vui bao lâu nó còn khao khát ham muốn chinh phục và chế ngự đồng loại. Phật dạy: "kẻ chiến thắng nuôi hận thù, và kẻ chiến bại nằm xuống trong đau khổ. Người nào từ khước cả thắng cũng như bại, sẽ được hạnh phúc an vui" (Dhp. XV 5).

Chiến thắng duy nhất đem lại hòa bình hạnh phúc là chiến thắng tự tâm. "Người ta có thể chinh phục hàng triệu người trong trận chiến, nhưng chỉ có người nào tự chinh phục được mình mới là người chiến thắng vinh quang nhất" (Dhp VIII 4).

Bạn sẽ bảo rằng tất cả điều đó rất đẹp, cao cả và tôn quý, nhưng không thực tiễn. Thế thì có thực tiễn khi thù ghét nhau chăng? Khi giết nhau chăng? Khi sống mãi trong hãi hùng và nghi kyhư thú dữ trong rừng sâu? Điều này thực tiễn và tiện nghi hơn chăng? Có bao giờ ác độc được điều phục bằng ác độc? Có bao giờ hận thù được dập tắt bởi hận thù? Nhưng đã có những trường hợp, ít nhất là trong những trường hợp cá nhân, trong ấy hận thù được thoa dịu bằng thương yêu và lòng tốt, và ác độc được chinh phục bằng thiện cảm. Bạn sẽ bảo điều này có thể có thật, có thể thực hiện trong những trường hợp cá nhân, nhưng nó không bao giờ thực hiện được trong những giao tiếp quốc gia và quốc tế. Con người quả đã bị thôi miên, tâm lý bị rối ren mờ ám và bị lừa dối những từ ngữ dùng để tuyên truyền chính trị như "quốc gia", "quốc tế", "tổ quốc". Tổ quốc là gì nếu không phải là một đoàn thể rộng lớn gồm những cá nhân?

Một quốc gia hay tổ quốc không hành động, chính là cá nhân mới hành động. Cái gì cá nhân nghĩ và làm chính là cái gì mà quốc gia nghĩ và làm. Cái gì có thể áp dụng cho cá nhân cũng có thể áp dụng cho quốc gia hay xứ sở. Nếu trên bình diện cá nhân, hận thù có thể dập tắt hận thù, thì trên bình diện quốc gia và quốc tế chắc chắn điều này cũng có thể thực hiện. Ngay cả trong trường hợp một cá nhân riêng rẽ muốn đối lại hận thù bằng yêu thương, người ta cũng cần phải có một can đảm siêu việt, một sự mạnh dạn, một lòng tin vô bờ đối với sức mạnh tâm hồn. Có phải chăng ta còn cần nhiều cố gắng hơn thế nữa trong trường hợp giao tiếp quốc tế?

Nếu khi bảo rằng "không thực tế", ý bạn muốn nói "không dễ dàng", thì là bạn nói đúng. Nhất định nó không dễ dàng. Tuy nhiên ta cần cố thử. Bạn sẽ bảo sự cố gắng ấy hơi mạo hiểm. Nhưng chắc chắn là nó không mạo hiểm hơn sự thử một chiến tranh nguyên tử.

Thật là một an ủi cho ta ngày nay khi nghĩ rằng: ít nhất trong lịch sử cũng đã có một vị vua cai trị lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áp dụng lời dạy này của Đức Phật về Bất Bạo, hòa bình và yêu thương trong sự cai trị một đế quốc rộng lớn về cả nội bộ lẫn ngoại giao - A Dục Vương, vị Hoàng đế Phật tử của xứ Ấn (thế kỷ thứ III trước Tây lịch), "người con yêu quí của các thần linh" như ông đã được mệnh danh.

Ban đầu ông theo gương vua cha (Tần Bà Sa La- Bindusāra) và ông nội (Chandragupta) muốn hoàn thành việc chinh phục xứ Kalinga, và sát nhập nó vào đế quốc mình. Hàng nghìn người bị giết, bị thương, bị tra tấn và bắt tù binh trong trận này. Nhưng về sau, khi trở thành một Phật tử, ông hoàn toàn thay đổi nhờ giáo lý của Đức Phật. Trong một tuyên ngôn danh tiếng của ông khắc trên đá (Trụ đá XIII, như ngày nay thường gọi) còn có thể đọc được ngày nay, nói đến sự chinh phục Kalinga, Hoàng Đế A Dục đã công khai bày tỏ sự "sám hối" của ông và nói ông "vô cùng đau đớn khi nghĩ về sự tàn sát ấy". Ông tuyên bố công khai rằng ông sẽ không bao giờ rút gươm ra để làm một việc chinh phục nào nữa, nhưng ông "mong mỏi tất cả mọi chúng sinh sống trong Bất Bạo, tự chủ, tập luyện sự an tĩnh và ôn hòa. Điều này dĩ nhiên Người con yêu chuộng của các thần linh (A Dục Vương) xem là chiến thắng bằng chánh pháp (dhamma-vijaya)". Không những tự ông chối bỏ chiến tranh, mà ông còn tỏ lòng mong muốn rằng "con ta và cháu ta sẽ đừng nghĩ về một cuộc chinh phục nào khác nữa xem như đáng làm ... Chúng hãy chỉ nghĩ đến một sự chinh phục độc nhất, sự chinh phục bằng Đạo Đức. Điều ấy lợi ích cho đời này và cả đời sau".

Đấy là tấm gương độc nhất trong lịch sử nhân loại về một người chiến thắng vinh quang đang ở tột đỉnh của uy quyền, còn có sức mạnh để tiếp tục những cuộc chinh phục đất đai, nhưng lại từ bỏ chiến tranh và bạo động mà trở về với hòa bình, bất bạo.

Đấy là một bài học cho thế giới ngày nay. Vị hoàng đế cai trị một đế quốc rộng lớn đã công khai quay lưng lại với chiến tranh, bạo động và đón nhận thông điệp của bất bạo và hòa bình. Không có bằng chứng lịch sử nào nói rằng có vua láng giềng nào đã lợi dụng sự sùng đạo của vua A Dục để tấn công ông về quân sự, hay có một cuộc nổi loạn nào trong đế quốc ông lúc sinh thời. Trái lại khắp trên lãnh thổ đều được hòa bình và ngay cả những xứ bên ngoài Vương quốc ông cũng dường như đã chấp nhận sự lãnh đạo nhân từ của ông.

Thật điên rồ khi nói đến việc duy trì hòa bình bằng cách làm quân bình các thế lực hay bằng sự hăm dọa của võ khí nguyên tử. Thế lực của binh bị chỉ có thể phát sinh ra sợ hãi, chứ không phát sinh hòa bình. Trong sợ hãi không thể nào có hòa bình lâu dài và thực sự. Từ sợ hãi chỉ có thể sinh ra thù hận, ác độc, có thể bị đè nén trong một thời gian nhưng sẵn sàng bùng dậy và trở nên hung bạo bất cứ lúc nào. Hòa bình chân thật chỉ có thể ngự trị trong một không khí của lòng thương (mettà), thân thiện, không có sợ hãi nghi ngờ và nguy hiểm.

Phật giáo nhắm mục đích kiến tạo một xã hội ở đấy người ta từ bỏ sự tranh chấp thế lực rất tai hại, ở đấy an tĩnh và hòa bình ngự trị xa hẳn chiến thắng và chiến bại, ở đấy sự áp bức người vô tội phải bị mạnh mẽ tố cáo, ở đấy một người tự thắng mình được kính trọng hơn những người chiến thắng hàng triệu bằng chiến tranh quân sự và kinh tế, ở đấy hận thù được chinh phục bằng yêu thương, và sự ác độc bằng thiện cảm, ở đấy thù hận ganh ghét, ác độc và tham lam không nhiễm độc tâm trí con người, ở đấy từ bi là nguyên nhân động lực cho hành động, ở đấy tất cả kể cả những sinh vật nhỏ bé nhất đều được đối xử với lòng yêu thương lân mẫn, ở đấy cuộc sống bình an hòa điệu - trong thế giới đầy đủ về vật chất - được hướng về mục đích cao quý nhất, sự thực chứng chân lý tối hậu, Niết Bàn.
    • Dịch giả Thích Nữ Trí Hải
      Sài Gòn, 10 tháng 11, 1966
CHÚ THÍCH:

(1) M I (PTS), pp. 30-31.

(2) Ibid, pp. 490 ff.

(3) S I (PTS), p. 234.

(4) D I (Colombo, 1929), p. 101.

(5) A (Colombo, 1929) pp. 786 ff.

(6) D III (Colombo, 1929), p. 115.

(7) A (Colombo, 1929), pp. 232, 233.

(8) Jākata I, 260, 399; II, 400; III, 274, 350; V, 119, 378.
BẢN VIẾT TẮT
A: Anguttaara- Nikāya, ed. Devamitta Thera (Colombo, 1929) and PTS. edition.

Abhisamuc: Abhidharma-samuccaya of Asanga, ed. Pradhan (Visvabharati, Santiniketan, 1950).

D: Digha-Nikāya, ed. Nānāvāsa Thera (Colombo, 1929).

DA: Digha-Nikāyatthakarthā, Samangalavilāsini (Simon Hawavitarne Bequest Series, Colombo).

Dhp: Dhammapada, ed. K. Dhammaratana Thera (Colombo, 1926).

DhpA: Dhammapadatthakathā (PTS. edition).

Lanka: The Lankāatāra-sūtra, ed. Namjo (Kyoto, 1923).

M: Majjhima-nikāya (PTS. edition).

Ma: Maljhima-nikāyatthakathā, Papancasudani (PTS. edition).

Madhyskari: Mādhyamika Kārikā of Nāgārjuna, ed. L. de la Vallé Poussin (Bib. Budd. IV).

Mh-Suttalankara: Mahāyāna-sutrālankāra of Asanga. ed. Sylvain Levy (Paris, 1907).

Mhvg: Mahāvagga (of the Vinaya), ed. Saddhātissa Thera (Alutgama, 1922).

PTS: Pali Text Society of London.

Prmj: Paramatthajotikā (PTS. edition).

S: Samyutta-nikāya (PTS. edition).

Sarattha: Sāratthappakāsini (PTS. edition).

Sn: Suttanipāta (PTS. edition).

Ud: Udāna (Colombo, 1929). (PTS. edition).

Vibh: Aibhanga (PTS. edition).

Vism: Visuddhimagga (PTS. edition).


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách