Đuổi bắt tìm cầu (Tín Tâm Minh 11)

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Đuổi bắt tìm cầu (Tín Tâm Minh 11)

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Pháp Thoại của
Thượng Tọa Thích Phước Tịnh, 06/4/2003:
TÍN TÂM MINH, bài 11
ĐUỔI BẮT TÌM CẦU
Tâm Nguyên Khương phiên tả và trình bày
(Trích Tạp chí Đất Lành, tháng 5, 6-2003, trang 25-36)
Hôm rồi chúng ta đã đi qua đoạn 10 của Tín Tâm Minh, tức là đoạn nói đến những quan niệm có/không đã có mặt trong cuộc đời mình, để thấy rằng tất cả đều do kiếm chấp sai lầm của mình, và yêu cầu của chúng ta là không cần cầu tìm con đường Niết bàn hay giải thoát ở bất cứ nơi nào, mà chỉ cần dứt sạch kiến chấp là đã về đến nơi tức "đã về tới rồi" rồi.

Hôm nay đoạn thứ 11, nguyên văn chữ Hán là:
  • Nhị kiến bất trụ
    Thận vật truy tầm
    Tài hữu thị phi
    Phấn nhiên thất tâm.
Trúc Thiên dịch là:
  • Hai bên đừng ghé mắt
    Cẩn thận chớ đuổi tầm
    Phải quấy vừa vướng mắc
    Là nghiền đốt mất tâm.
Đoạn này có một đại ý rất dễ nắm, ấy là khi chúng ta mất chánh niệm, thì lạc vào nẻo thị phi, lạc vào vùng kiến chấp, và ta càng đuổi bắt, càng tìm cầu thì ta càng mất khả năng chánh niệm mà thôi.

Ở đây có một từ chúng ta cần phải đào sâu để nhận định cho rõ, đó là từ "nhị kiến". Chúng ta có hai chữ tương đồng với "nhị kiến" là "nhị biên" và "nhị chấp". Ba từ ngữ Hán này tuy có khác nhau nhưng cùng có một nghĩa chung là nói cách nhìn của chúng ta về có-không, còn-mất, trắng-đen, thiện-ác..., tất cả những cặp đối đãi trong cuộc đời đều biểu lộ qua từ ngữ này. Trong giáo lý đạo Phật, đức Thế Tôn cũng hình thành hai từ đối lại, gọi là "nhị đế" hay "nhị môn". Nhị đế là hai chân lý được trình bày trong suốt cuộc đời thuyết pháp của đức Phật. Nhị môn là hai cánh cửa mở ra cho chúng ta đi vào không gian giải thoát thật sự của đạo Phật. Có những điều chúng ta không nên lầm lẫn, thứ nhất là khi đức Phật nói về Tục đế và thứ hai là lúc ngài nói về Chân đế. Tục đế tức là những ý niệm về phải và quấy, về có và không... của cuộc đời mà ở đó đức Phật đã nói cùng một quan niệm như chúng ta. Ta nói cái này trắng thì đức Thế Tôn cũng nói cái nầy trắng, ta nói con người này đẹp thì Thế Tôn cũng nói con người này đẹp, tức là chấp nhận chân lý giống như thế gian. Ngài xây dựng giáo lý căn bản trên nền tảng tục đế này để đem an lạc, hạnh phúc đến tự thân chúng ta trong cuộc sống đời thường và đem an bình đến cho xã hội. Ở mức độ cạn người ta có thể nhìn đức Phật dưới nhiều nhãn quan. Người ta có thể nói: Ngài là người làm cách mạng xã hội vì trong nhiều giáo lý ngài đả phá bốn giai cấp được phân chia trong xã hội nghèo đói của Ấn Độ lúc bấy giờ.

Người ta cũng có thể nói đức Phật là nhà giáo dục tuyệt vời. Tại sao? Tại vì trong lãnh vực giáo dục nhân gian nhiều lắm người ta cũng chỉ đặt căn bản ở hiện tại trên sự truyền đạt bằng ngôn ngữ, trong khi đức Phật đặt căn bản giáo dục trên nhân quả từ rất lâu xa trong quá khứ để hình thành sinh hoạt hiện tại và rồi từ hiện tại ngài đặt căn bản giáo dục để đi đến tương lai. Nền tảng giáo dục đó liên tục có mặt trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai chứ không phải chỉ góp phần chuyển hóa xã hội trong hiện tại mà thôi. Nói tóm lại trên bình diện tục đế này, đức Phật rất là đa dạng, nghĩa là tùy cách nhìn có thể đánh giá đạo Phật là một tôn giáo mang lại hạnh phúc trên bình diện đời thường cũng đúng, hạnh phúc trên sự an bình xã hội cũng đúng. Dưới một cái nhìn khác, ngài là bậc thầy có nhiều loại thuốc trị liệu tận gốc khổ đau cũng đúng nữa. Nhưng nếu đạo Phật chỉ cạn cợt ở mặt tục đế này thì chắc dòng chảy tuệ giác của đức Phật không kéo dài được mãi đến ngày hôm nay, nó phải có cái gì sâu sắc hơn đạo đức thế gian, nó phải có cái gì sâu sắc hơn sự chuyển hóa xã hội và chính trị thế gian, để tồn tại và hứa hẹn vượt thoát của không gian và thời gian. Chúng ta biết không có một thể chế chánh trị nào tồn tại lâu dài trên cuộc đời và cũng không có một nền giáo dục nào không có đổi thay theo chuyển biến xã hội để tồn tại cả.

Tuệ giác của đức Phật phải vượt qua giới hạn của tục đế và như vậy còn mặt thứ hai sâu hơn, làm nền tảng để phát triển tục đế, đó là chân đế. Ta có thể hình dung điều này một cách dễ dàng khi xem tục đế như là phần nổi của một tảng băng rất nhỏ, rất ít, so với phần chìm là chân đế mà đức Phật muốn trình bày. Tuệ giác đó đi ngang qua cuộc sống của tất cả chúng sinh vì ngài muốn đem lại an lạc đồng đều, bình đẳng cho mọi người từ căn cơ cạn nhất cho đến căn cơ sâu nhất. Khi đạt được hạnh phúc và an lành trên bình diện chân lý tục đê tức tâm thức, trình độ tư duy và đời sống tâm linh có điều kiện phát triển sâu hơn hoặc cao hơn, thì những nhu cầu đòi hỏi không còn dừng lại ở chỗ chừng mực đạo đức xã hội, không dừng lại ở chỗ chuyển hóa xã hội, mà con người còn có nhu yếu lặn vào chiều sâu hơn nữa, tức tìm cho ra được bản thể của mình, gốc gác của mình, từ nơi nào mình đã ra đi, có nghĩa từ đâu mình xuất hiện trong cuộc đời này và rồi khi bỏ hình hài này mình sẽ đi về đâu? Con đường chân đế này đáp ứng được câu hỏi chúng ta đã mang trong nhiều kiếp luân hồi, chớ chẳng riêng gì ở kiếp này. Và như vậy khi có những giáo lý đức Phật nói ở tục đế thì đừng đem cái tư duy của chân đế mà nhìn, vì nhìn như thế là sai.

Nhị kiến là điều cần thiết trong sinh hoạt đời thường của loài người khi đã tổ chức thành xã hội. Nếu không thấy cái dở và cái hay khác nhau thì không có khả năng tránh được cái dở để đem hạnh phúc cho tự thân mình trong sinh hoạt đời thường. Nhị kiến là thấy có thấy không, thấy còn thấy mất, thấy thiện thấy ác..., tức tất cả những cặp song đối trên cuộc đời đều ở trong cái thấy này cả. Và ở bình diện cạn của tâm thức, tức ở lãnh vực tục đế, nếu tâm thức không chín muồi ở mức độ này, thì chắc chắc không có khả năng nhận diện sâu hơn những điều tiềm phục trong đáy sâu của tâm thức, tức là nếu không đi qua cái nhị kiến này một cách vững chải, thì sẽ có cái nhìn sai lầm về con đường tu của mình là hai. Do vậy phải nên phân biệt phần giáo pháp nào đức Phật nói về tục đế và phần giáo pháp nào đức Phật nói về chân đế. Khi có những câu kinh hay những lời nói của các bậc thiện tri thức lớn, tức là các bậc thầy lớn dạy đừng có trụ vào nhị kiến, nghĩa là phải loại trừ luôn cả có và không, phải và quấy, xấu và đẹp... thì phải biết những lời nói đó được phát ra từ bình diện chân đế, tức khi nói lên điều này, người tu bắt buộc phải quay chiều tư duy lại, phải nhìn trở lại mình và nhìn những khởi niệm lăng xăng từ tâm thức, chứ không phải nói điều này để nhìn ra ngoài, và dùng cái "vô nhị kiến" để phê bình hay hình thành cấu trúc xã hội.

Thời nào cũng thế, tất cả xã hội đều đặt căn bản trên sự phải quấy, và đời sống cũng phải đặt căn bản trên sự phải quấy mới có thể phát triển và tồn tại được. Cho nên trên bình diện tục đế phải sử dụng hai kiến chấp, nhưng khi đã bước vào bình diện chân đế thì phải biết hai cái này cần được loại trừ, để có thể lặn vào chiều sâu của tâm thức, tức là chiều sâu của đầu nguồn của sự sống, nơi mà mình đã từ đó ra đi, và nơi mà mình phải trở về khi bỏ hình hài tứ đại này. Đó là chỗ cội nguồn uyên nguyên không sống và không chết, không có và không không, không Niết bàn và không sanh tử, nơi đó loại trừ hết tất cả những gì là niệm và danh từ.

Nhị môn cũng cùng một ý nghĩa như nhị đế vậy. Trong nhị môn, cửa thứ nhất gọi là tích môn và cửa thứ hai gọi là bản môn. Tích môn nói về những điều được khai thác từ tục đế, tích là dấu vết, cái cửa này có dấu vết, có hình ảnh, có màu sắc, có âm thanh, có phải và có quấy, có và không... có những biểu đạt để chúng ta có thể nắm bắt được, nào là ý niệm trừu tượng, nào là hình hài vật chất... Ở bản môn trái lại, không dùng tư duy để nắm bắt được vì không có ý niệm để thăm dò vào nên khi định nghĩa đức Phật ở mặt tích môn thì có sinh có diệt, có người Ấn, người Hoa, có sinh năm ấy và mất năm ấy, có thọ tám mươi tuổi và thuyết pháp ba tạng kinh điển còn để lại, nhưng nếu đi vào lãnh vực bản môn mà nói thì đức Thế Tôn chưa từng sinh và cũng chưa từng nhập diệt.

Sư ông Làng Mai có mấy câu thơ treo ở phong ăn tu viện là:
  • Thuyết pháp trong bản môn
    Lá thu rụng đầy trời
    Trăng thu đầy trước ngõ
    Pháp không đầy, không vơi.
Ở bình diện bản môn này thì chúng ta chưa từng sinh cũng như chưa từng diệt, chưa từng có cũng chưa từng không, thời gian và không gian không còn hiện hữu nữa. Tại sao vậy? Vì thời gian và không gian chỉ có mặt trên bình diện tích môn, tức là trên bình diện tục đế mà thôi. Chẳng cần thể n hập vào bình diện bản môn, ngay ở bình diện tích môn tức bình diện đời thường thôi, các nhà khoa học cũng đã chứng nghiệm thời gian không có thật, ý niệm về một ngày là do chúng ta ấn định với nhau đẻ có thể sinh hoạt nhịp nhàng với nhau. Thời gian không thật ở chỗ quý vị biết ở Việt Nam có bao giờ đổi giờ đâu, quanh năm suốt tháng giờ ấy là giờ ấy, còn ở Mỹ đêm hôm tôi lọng cọng thức dậy thì trễ mất một giờ, bởi đổi giờ lúc nào tôi đâu có hay. Ví như có một loại máy bay có tốc độ bằng tốc độ quay của hành tinh thì làm gì có chuyện tối và sáng, suốt ngày cứ thấy mặt trời như vậy mà thôi. Tôi nhớ ngày trước có một quyển tiểu thuyết tên là "Hoàng Tử Bé" do Bùi Giáng dịch: Có một hoàng tử từ hành tinh xa lạc xuống đây chơi, anh bảo ở hành tinh của anh mỗi ngày anh có thể nhìn mặt trời mười lăm lần, tại vì hành tinh của anh rất bé và quay chậm, anh chỉ cần nhắc ghế ngồi lại đằng kia là thấy mặt trời, khi mặt trời lặn xong anh xích ghế thêm một chút thì anh thấy mặt trời lặn tiếp. Dù là một quyển tiểu thuyết tưởng tượng, nhưng cũng đã xác định thời gian là không có thật. Thời gian và không gian là hai cái làm thành nhau, nên ví dụ anh cố tốc độ đi bằng ánh sáng mặt trời thì thời gian bị triệt tiêu và khi thời gian bị triệt tiêu thì không gian cũng không có. Ở bình diện tích môn, người ta đã xác định được những điều không thật ở nhân gian này, huống là khi ta tan biến vào bình diển bản môn thì tất cả những gì gọi là phải quấy, có không, mất còn... phải bị triệt tiêu là điều có thể tin được.

Đó là vòng quanh về lãnh vực chữ nghĩa và tư duy, nhưng nếu quý vị có điều kiện thực tập, quý vị cũng có thể thử nghiệm dược một điều thời gian và không gian không có ngay chính tự tâm mình. Lúc nào? Khi mà chúng ta chìm vào cơn thiền định, nói chìm vào cơn thiền định có thể một số quý vị chưa kinh nghiệm được, nhưng khi quý vị chìm vào một cuộc đỏ đen, lúc đó chắc chắn là thời gian không có.. Lại nữa còn có nhiều niềm đam mê lớn đến nỗi chúng ta quên cả ngày tháng, quên cả những nhu cầu của cơ thể như đói khát. Đối với những người tu tập thiền thì vấn đề này không phải là khó hiểu. Thời gian được hình thành bằng ý niệm của mình từ quá khứ qua đến hiện tại chảy đến tương lai, nhưng khi mình dừng tâm được ngay nơi đây và giờ phút này, thì thời gian không có, và thời gian không có thì không gian cũng không còn và ngay ở "sát na hiện tiền" này, ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai bị triệt tiêu. Người xưa bảo: "nhất niệm thiên thu" là như vậy. Trong một niệm nếu anh an trú được trong sát na hiện hiện, thì tâm không còn xao động nào nữa, nghìn năm cũng chừng đó mà thôi. Nói đi đến đó để thành đạt là chuyện thừa, vì chỉ cần làm một việc "dừng lại" là loại trừ được tất cả những ý niệm chạy ngược, chạy xuôi. Dừng ngay lại ở nơi đây và giờ phút này, là đã có mặt của chân đế, cũng có nghĩa là "tâm vô sinh bất diệt" hiện hữu, ấy là cái chưa từng sống, chưa từng chết, chưa từng đến, chưa từng đi. Đơn giản là vậy. Đó là vài điều đi ngang qua các từ ngữ chúng ta phải nắm lấy để đi vào nội dung bài này.
Sửa lần cuối bởi battinh vào ngày 24/09/12 12:54 với 1 lần sửa.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đuổi bắt tìm cầu (Tín Tâm Minh 11)

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Chúng ta thử đi vào hai câu đầu:
  • Nhị kiến bất trụ
    Thận vật truy tầm
    Hai bên đừng ghé mắt
    Cẩn thận chớ đuổi tầm
    .
Đừng ghé mắt vào phải và quấy, đẹp và xấu..., bởi tất cả những khổ đau của đời người đều dấy lên từ những ghé mắt căn bản này, đây là điều rất dễ hiểu.

Ý thứ nhất thấy được trong cái "nhị kiến" này là năng lực và sức hút của nó rất mạnh, khó để ta có thể vùng vẫy thoát ra được. Từ căn bản khi hình hài này có mặt đồng thời cũng là hình thành đặc chất của cái nhìn hai chiều tức là nhìn nhị nguyên. vừa nhìn là đã phân biệt được người đó nam hay nữ, đẹp hay xấu... và rõ ràng sự tồn tại của dòng sống bắt buộc con người phải luôn luôn trôi chảy như vậy để tiếp tục nổi trôi trong cõi luân hồi này, cho nên vừa lớn, không chờ ai dạy, nhìn người kia là mình biết đó là người khác phái với mình tức khắc, đây là phái yếu, đây là phái mạnh... Thấp hơn loài người, loại động vật, thực vật cũng đều có những đặc tính phân hai như vậy; phân hai để rồi phối hợp làm thành sự sống của loài thực vật, phân hai để rồi phối hợp mà tiếp nối dòng sống trên hành tinh này của loài động vật, và loài động vật cấp cao là loài người cũng bằng con đường phân hai đó để duy trì và tồn tại sự sống mà thôi.

Ý thứ hai ta đề cập đến là khả năng tác hại của nhị kiến ở lãnh vực khác, tôi muốn nói đến lãnh vực tư duy của tinh thần. Các vị thử lật lại bất kỳ trang lịch sử của một quốc gia nào thì rõ ràng đều thấy vấn đề kiến chấp vào sự phải quấy, còn mất, có không... đã hình thành đặc tính của những quốc gia tồn tại hoặc đã diệt vong. Ở mức độ gần có những đất nước đang bình yên như Nam Tư, nhưng chỉ cần người nguyên thủ quốc gia tuyên bố dân tộc ta là dân tộc thuần chủng, không thể chấp nhận sự tồn tại của những dân tộc đang làm cho sự thuần chủng đó bị hoen ố, và thế là nội chiến xảy ra. Xa hơn nữa, chúng ta đã chứng kiến cảnh sáu triệu người Do Thái bị diệt chủng, chỉ đơn giản do từ một kiến chấp là chỉ có dân tộc Đức mới được quyền thông minh và tồn tại, tất cả những sắc tộc khác không được quyền thông minh bằng dân tộc Đức. Nhìn về châu Á, chúng ta còn nhớ chỉ một ý niệm là cần phải thể hiện tính đại đồng Đông Á của người Nhật, thì hai triệu người Việt Nam đã phải chết đói trong năm 1945. Những kiến chấp này còn cực kỳ tai hại khi đi vào lãnh vực tôn giáo. Tại sao? Ở lãnh vực chánh trị quốc gia, độ tác hại chưa nghiêm trọng lắm, người ta chỉ chém nhau giết nhau bằng ý thức hệ, nên mức độ cuồng tín, mức độ tàn phá còn thấp, nhưng khi ý niệm về phải quấy, có không, tốt xấu, trắng đen... đi vào lãnh vực tôn giáo, được người chủ động "thần thánh hóa", thì mức độ hủy diệt của nó khủng khiếp vô cùng. Không có sự cuồng tín của một thể chế chánh trị nào nghiêm trọng và đáng sợ bằng sự cuồng tín của tôn giáo. Thông thường với ý niệm, kia là quỷ dữ, đây là thiên đường, kia là địa ngục, đây là nước Chúa, và bằng ý niệm đó, nếu được nhồi sọ từ lúc còn bé thơ cho đến lúc tư duy cứng như một khối đá thì cho dù có ai đó muốn mở không gian trí thức của mình ra để có thể bỏ giáo lý "phi nhị kiến" vào cũng không thể nào đưa ánh sáng của "phi nhị kiến" vào được. Đại họa của nó khi đi vào tôn giáo là như thế. Và quý vị cũng biết bao nhiêu cuộc thánh chiến trong quá khứ đã hủy diệt vô số mạng sống của con người trên hành tinh này, để rồi trong tương lai còn hứa hẹn nhiều nữa. Người ta nhân danh quốc gia, dân tộc, thù hận hay ý thức hệ... thì tác hại còn lường được, nhưng khi nhân danh là thánh, là thần, là gì, gì... ở trên mấy tầng cao chỉ đạo xuống thì những kẻ cuồng tín tự cho phép giết người mà không sợ bị trừng phạt, và không có trách nhiệm về sự giết người của mình. Giết mà lương tâm rất an ổn, rất vui, vì càng giết được nhiều người, cửa thiên đường càng mở rộng thênh thang cho mình đi lên. Đấy là điều đại họa, tác hại lớn lao khi nhị kiến đi vào lãnh vực tôn giáo là như vậy. Tôi nói điều này có quá đáng không? Hãy nêu một điều rất nhỏ ta có thể kinh nghiệm được. Chẳng hạn tình yêu nam nữ có thể vượt biên giới quốc gia một cách dễ dàng, vượt màu sắc dân tộc một cách dễ dàng. Người da trắng có thể thương người da đen, người da vàng kết hôn với người da đỏ cũng được, nghĩa là tuy ngôn ngữ bất đồng, văn hóa bất đồng, chủng loại bất đồng vẫn vượt qua dễ dàng, nhưng không vượt qua được bức tường tôn giáo khi còn người còn cố chấp nhị kiến trong sự khác biệt tôn giáo.

Nhân ở đây tôi muốn nhắc lại một câu rất hay trong giáo lý Đại thừa trích từ kinh Lăng Nghiêm như sau:
  • Tri kiến lập tri tức vô minh bổn
    Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn
    .
Có thể dịch xuôi là: Khi anh cho rằng cái thấy biết của anh là đúng, là chân thật, thì chính đó là gốc khổ đau và vô minh. Khi anh không cho những thấy biết của anh là đúng, là chân thật thì đó là Niết bàn.

Nguyên tắc này được áp dụng không chỉ trong cách nhìn của mình về cuộc đời, về mọi mặt của xã hội mà còn quy chiếu cả vào đạo Phật nữa.

Giáo lý đạo Phật cho dù có hay mấy đi nữa cùng đừng cho là tuyệt vời nhất trên đời này bởi khi ta có ý nghĩ đó, ta sẽ cho các tôn giáo khác là cỏ rác hết. Điều này có tác hại là tự tâm ta đóng kín cánh cửa của tri thức, ta không còn khả năng thăm dò được hương hoa của cuộc đời, bởi vì cuộc đời đâu chỉ có hoa lan là đẹp, hoa cúc cũng đẹp đấy chứ.

Trong thực tế không một tôn giáo nào không có đặc tính tiêu cực và đặc tính tích cực hài hòa trong đó, và ví dụ nếu người lãnh đạo một quốc gia nhiều quyền hành lại có cái nhìn của một con ngựa bị che mắt chỉ thấy một tôn giáo của mình mà thôi, thì chắc chắn các tôn giáo khác phải bị trù dập không thương tiếc.

Trải qua chiều dài lịch sử nhân loại, bao cuộc chiến tranh đã gây nên sự tàn phá khủng khiếp đối với con người, nhưng sự hủy diệt còn ít hơn sự hủy diệt có nguyên nhân có sự tranh chấp về ý thức hệ tôn giáo.

Vào cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, khi đạo quân Hồi giáo tràn vào Ấn Độ, cả một học viện Phật giáo Nalanda xây dựng từ thế kỷ thứ 2, là nơi giáo hóa của đạo Phật, hưng thịnh hơn cả một ngàn năm, đã có những thời gian đón nhận trên mười ngàn Tăng sĩ từ các nơi về tu học, là nơi tàng trữ và bảo trì thư tịch sách vở được bao thế hệ thánh tăng ghi chép trên lá bối, đã hoàn toàn bị phá hủy. Chỉ cần một mồi lửa, ba tháng bối diệp vẫn còn cháy, khởi đầu một sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ do từ một ý niệm chỉ có đạo Hồi duy nhất tuyệt vời.

Nên điều đầu tiên đức Phật dạy là khi anh xác định những tri kiến hiểu biết của anh là duy nhất và chân lý nhất thì đó là nguồn gốc của vô minh, tức là nguồn gốc của tất cả những khổ đau có mặt trên cuộc đời này, khổ đau anh gieo rắc cho người, khổ đau anh gieo rắc cho tự thân của anh. Khi anh nhìn tất cả những ý niệm, tất cả tri thức hiểu biết của anh chỉ là một thứ gì tương đối thì đó là Niết bàn, Niết bàn có mặt nơi tự thân, ngay nơi đó anh có thể đem lại hạnh phúc an lạc cho biết bao người chung quanh. Đó là hai câu hay trong văn học Đại thừa chúng ta phải nhớ.

Bằng tinh thần đó, Sư ông Làng Mai đã chắc lọc lại tinh hoa của văn học đại thừa và giới Bồ tát để hình thành nên mười bốn giới cho dòng tu Tiếp Hiện, trong đó ngay ở giới thứ nhất(1) đã đả phá ý niệm tự tôn tự đại về tôn giáo của mình, về nhận thức của mình, về điều mình cho là chân lý. Điều này quý vị có thể áp dụng ngay trong đời sống thường nhật, trong sự giao tiếp với người chúng quanh. Nhiều khi mếch lòng nhau không phải vì chuyện cơm gạo, chuyện tiền bạc mà chồng quay mặt một nơi, vợ quay mặt một nơi cũng chỉ vì cái chuyện phải quấy, tốt xấu.. mà thôi, thảng hoặc đôi khi mất con cũng vì lý do đó. Cái này hay, cái kia không hay, mày phải nghe lời bố. Điều này bố mày tư duy mới đúng, mày còn nhỏ biết gì, bố mày đã từng sống qua hai ba thể chế, từng thoát hiểm qua cuộc chiến tranh Việt Nam, từng vượt biên qua biển cả chết sống thập phần, từng cực nhọc làm nên miếng cơm manh áo mới nuôi mày lớn đến chừng ni thì không có chuyện mày hơn bố mày được... Và đó là cái tác hại, cái khổ đau lớn nhất của một gia đình mà mình có thể gieo rắc cho con mình, cho vợ mình... bằng cái kiến chấp thui chột của mình. Nhớ chừng đó, tôi nghĩ mình đã có hạnh phúc nhiều rồi.

Bây giờ ta đi vào ý thứ ba tức là nói đến đặc tính của truy tầm có nghĩa là đuổi bắt và tìm cầu. Quá mệt mỏi vì những chuyện rượt đuổi, thủ đắc, mong muốn và tìm tòi ở thế gian, đã đến lúc thấy cuộc sống sắp đến lúc xế chiều nên vội vàng quay về với đạo. Như vậy tự bản thân việc quay về với đạo ngay từ bước đầu tiên đã mang nội hàm của sự truy tầm.

Đến với chùa, đến với tự viện học nhắp nhem năm ba điều, thấy rằng chuyện tầm cầu này rất là vụng về, bởi tuy là một hướng quay ngược lại nhưng cũng chỉ là chuyện đi ra mà thôi. Chạy đuổi theo một tổ chức sinh hoạt tôn giáo với lệ lộc, hội hè, đình đám, tất cả cũng chỉ là rượt đuổi. Quay ngược lại "tìm cầu" trên bình diện tri thức về Phật học, thêm được điều này bớt điều kia, để có bằng này bằng nọ hoặc để nói năng Phật pháp lưu loát hơn, v.v... thì cũng ở trạng thái rượt đuổi mà thôi. Mặt trời dần dần khuất núi, lợi ích thật sự là làm sao thấy rõ diện mục để đối diện với sanh tử kia, không phải là chuyện chất đống thêm nhiều trí thức là hay. Đành rằng trí thức không trọng lượng, chất bao nhiêu cũng được nhưng khi chất nhiều vào chừng nào thì tâm tư trĩu nặng chừng đó, và tâm thể vốn linh thông, khả năng trực giác bén nhạy của mình dần dần bị ba mớ trí thức rối bòng bong làm mờ đi, đến khi đối diện với mọi sự việc, khối trí thức thường được đưa ra làm bản quy chiếu, để so sánh, để đánh giá, và do vậy khả năng tâm thức chắc chắn không còn mẫn nhuệ nữa. Khi giác ngộ được điều này, dù có buông hết thì đã chắc hết tìm cầu chưa? Thưa, vẫn còn đó, nó chỉ lặn xuống sâu hơn Dù có tung hê hết tất cả trí thức đã gom góp, buông bỏ tất cả những gì đang có thì lại đang làm công việc rượt đuổi theo cái "không trí thức". Cho dù có quay về với trạng thái tĩnh lặng, nhưng rõ ràng cũng đang ở trạng thái rượt bắt mà thôi. Thực tập của hành giả, cái gọi là thiền tập không khéo chỉ là đang loay hoay đuổi cái này bắt cái nọ, rốt cuộc không lạc vào có thì lạc vào không, khó mà lọt ra khỏi sự truy cầu là vậy.

Tôi sẽ lần lượt nói về những cái không phải thiền để giúp quý vị nhận thức được cái gì là thiền mà làm tốt sự thực tập.

- Thứ nhất cứ nghĩ thiền tập đòi hỏi sự tập trung ý thức. Thưa tại sao? Tập trung có lợi cho những nhà khoa học, những người làm công tác nghiên cứu hướng ngoại, bởi tập trung tự thân mang nội hàm sự chú ý duy nhất vào một thứ nhưng khi đưa sự chú ý duy nhất vào một thứ mình có khả năng bỏ quên tất cả những thứ chung quanh, do đó những người có tâm thức tập trung mạnh, dễ trở thành đãng trí. Có một câu chuyện vui của một nhà bác học. Ông chuẩn bị đến lớp giảng về một loài ếch nên đem sẵn một con ếch khô bỏ vào túi. Khi đến lớp, ông móc túi lấy con ếch ra thì hóa ra là một ổ bánh mì thịt. Ông nói tôi nhớ trước khi đến lớp tôi có ghé hàng bánh mì mua một ổ bánh mì kẹp thịt và tôi đã ăn trên đường đến trường, vì tại sao lại còn ổ bánh mì thịt ở đây. Hóa ra trên đường đi, ông đã ăn nhằm con ếch thay vì ăn ổ bánh mì thịt.

Do đó tập trung tuy là một nhu cầu nhưng nó không thích hợp với sự tu tập của chúng ta bởi khi ta thấy một chuyện, ta sẽ bỏ qua những chuyện khác mà nhịp sống của thực tại có mặt ở mọi phía, nếu chú ý một thứ thì bỏ qua ngàn vạn thứ làm nên sự mầu nhiệm của cạn pháp.

- Thứ hai là sự nhầm lẫn về danh từ "nội quán". Ta đang có một cơn giận, nội quán là nhìn vào cơn giận, đánh giá xem cái giận này hợp lý hay không hợp lý. Người kia xúc phạm mình, như vậy mình giận là hợp lý, và khi cái giận có mặt sẽ làm đổ vỡ tất cả những tánh tình dễ thương nhất của mình, vì thế bằng cách nào đó phải loại trừ cơn giận ra khỏi tâm thức của mình. Quá trình nội quán này rất gần với thiền tập nhưng nó xa một trời một vực ở chỗ mình đã không thực sự tiếp xúc với cơn giận. Cơn giận có đó nhưng vì lòng anh ngổn ngang trăm mối, anh đã vận dụng những tư duy, những ý niệm, chia xẻ, phân tích, đào thải, đẩy nó ra chứ không trực tiếp với nó nữa, và rõ ràng như vậy mình không thực sự tiếp xúc với cơn giận của mình. Đó là tâm hành rất dễ nhận diện bởi khi quý vị phản ứng như vậy thì có nghĩa quý vị đã đánh mất nó, và bởi đó là một loại bong bóng nên càng đè càng có phản ứng mạnh. Khi nhìn nó như một thứ gì cần phải loại trừ, cần phải đào thải, thế là mình trút hết năng lượng vào nó để nó có điều kiện lớn mạnh hơn. Khi ý chí của mình đủ mạnh thì có thể đè bẹp nó nằm yên một chỗ, nhưng khi đã vận dụng ý lực nhiều như vậy, sẽ có lúc mệt mỏi và khi ý lực mệt mỏi thì cơn giận lại trồi lên, và hứa hẹn một sớm một chiều trở lại mà thôi. Như vậy cách thứ hai này cũng không đúng với cách thế chúng ta thực tập nữa.

GHI CHÚ:

(1) Giới thứ nhất: Ý thức được những khổ đau do thái độ cuồng tín và thiếu bao dung gây ra, con nguyện thực tập để đừng bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật giáo. Những giáo nghĩa Bụt dạy phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn thực tập để phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đuổi bắt tìm cầu (Tín Tâm Minh 11)

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Con đường đúng nhất để chúng ta thực tập, để được gọi là thiền tập, đơn giản chỉ là một sự "nhận diện đơn thuần" mà thôi.

Chúng ta có thể dùng một từ khác là "nhận biết". Trong từ Hán có rất nhiều chữ chỉ trạng thái này như "liễu tri" chẳng hạn, có nghĩa là "biết rõ ràng". Nó có mặt đó, mình nhận biết nó rõ ràng, trực tiếp đối diện với nó mà không hề nội quán, không hề vận dụng tư duy để đào thải, để điểm mặt... Có nhiều giai đoạn nhân biết ta có thể làm việc với thứ tâm thức này.

- Trạng thái đầu tiên mình làm quen với nó: Cơn giận nổi lên bừng bừng như một con voi, nó lù lù đến rồi đi ngang qua mình và rồi mất bóng. Mình liền nhớ phải nhận biết nó, thế là mình chỉ nhìn được cái đuôi của nó mà thôi, có nghĩa là cơn giận đã ra khỏi tâm thức rồi, như vậy là nó đã lắng rồi. Chu kỳ sinh, chu kỳ trụ, và chu kỳ diệt của nó qua đi, mình mới có cái nhận biết. Nhưng không sao, ai cũng chẳng có năm, bảy lần thất bại như vậy.

- Trạng thái thứ hai khá hơn một tý là cơn giận bừng bừng đang có mặt, nó là con voi từ đàng kia đi đến ngang đây, mình đang chìm trong cơn giận, chợt nhớ chuyện mình thực tập, chớ không phải hội nhập với nó mà là phải nhìn cho ra nó. Giai đoạn này tuy khá hơn nhưng vẫn chưa hay.

- Trạng thái thứ ba là mình nhận biết nó đang lớn trong tâm thức mình, cơn giận đang có mặt, mình không cần làm công việc tập trung, không cần phải làm công việc phân tích để đào thải nó, mà chỉ làm công việc rất đơn thuần là "nhận diện sự có mặt" của nó. Điều này có gì hay?

Thưa nếu quý vị đã từng thực tập, quý vị thấy rất là hay, bởi nó là chìa khóa để mở vào mọi cánh cửa bình an có mặt. Đơn giản là thế và nếu mình làm được sẽ thấy năng lực của cơn giận tự nhiên bớt hùng hổ, không còn tác oai tác quái nữa. Khi mình làm được điều này một lần nữa thì hứa hẹn mình sẽ còn làm được điều này nhiều lần như thế nữa. Và đây là biểu trưng của một tâm hành có mặt ở giữa vùng trời tâm thức của mình để mình thực tập mà thôi.

Cũng như thế, ta sử dụng nhận biết này khi có mặt niềm vui cũng như khi có mặt nỗi buồn v.v..., tức là đối với tất cả mọi tâm hành khởi lên trên tâm thức mình đều sử dụng trạng thái nhận biết này. Đó là chìa khóa mở vào cõi Niết bàn lồng lộng, đó là phương pháp tốt nhất, hợp lý nhất và là con đường ngắn nhất nhảy vào tâm của bản thể mình. Và người xưa bảo là "thiền trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật", cũng chỉ quy chiếu vào một điều đơn giản là làm sao mời gọi được trạng thái nhận biết, trạng thái "liễu tri" này liên tục có mặt nơi tự tâm của mình cũng có nghĩa là mình đang sống trong chánh niệm liên tục, cũng có nghĩa là mình đang sống trong trạng thái Niết bàn liên tục, và cũng có nghĩa là mình đang có mặt trong trạng thái vô sinh bất diệt và chỉ cần sống sâu sắc chừng ấy là đủ chấm dứt đoạn đường của kiếp luân hồi rồi.

Trong truyền thống thiền Đông Độ, có những câu rất ngắn gọn, tôi nhắc lại đây một câu để quý vị hiểu: "Liễu liễu thường tri", dịch nôm na bằng tiếng Việt là "rõ ràng thường biết", đây là trạng thái có mặt tự hữu chứ không phải của ai cho mà có, và nếu quý vị đã đọc những ngôn ngữ của các thiếnư như ngài Bàng Khuê, các vị thấy điều này dễ thực tập. Rõ ràng thường biết, có gì che khuất chúng ta đâu mà không biết! Trong một trạng thái tâm thức biết dừng lại ngay nơi đây và giờ phút này,vắng bóng sự tập trung và nội quán, duy chỉ còn một trạng thái "rõ ràng thường biết" mà thôi và đấy là trạng thái tâm hành có mặt thường xuyên mỗi ngày hai mươi bốn giờ. Người xưa bảo người tìm đạo hay là tìm Phật thường giống như người đang ngồi dưới nước, nước tới ngang cổ mà cứ kêu gào tôi khát nước quá làm sao cho tôi uống đây. Thật nực cười, trong khi chỉ cần cúi đầu xuống là có nước rồi. Trạng thái "rõ ràng thường biết" có thiếu lúc nào ở chúng ta đâu. Có một lần ngài Hoàng Long Huệ Nam hỏi một đồ đệ lúc hai thầy trò đang đi dạo ngoài vườn:

- Chú có ngửi thấy mùi hoa ngâu không?

Đồ đệ đáp:

- Dạ, con có ngửi thấy.

- Có thơm không?

- Dạ thơm.

- Chú có thấy mặt trăng không?

- Dạ thấy.

- Sáng chứ?

- Dạ trăng sáng.

Rồi ngài bảo: "Ta có dấu chú cái gì đâu. Đất trời mênh mông, ta ngửi mùi hoa ngâu, chú cũng ngửi mùi hoa ngâu, ta thấy trăng sáng, chú cũng thấy trăng sáng, thế thì chú có thiếu cái gì đâu mà chú đi tìm cầu ở ta. Ta cũng như chú mà thôi. Điều quan trọng là ta có liễu liễu thường tri hay không?" Rõ ràng thường biết hay không? Và khi mời gọi được trạng thái rõ ràng thường biết tức chánh niệm đang có mặt.

Sở dĩ mình "không biết thực biết" là vì vừa khi nhìn là phát khởi ngay bao nhiêu ý niệm diễn dịch liền về cái bị nhìn: đây là màu vàng, đây là cúc đại đóa, đây là loại đá mua từ chỗ nào, cái này có mặt ở đây từ mấy bữa nay v.v..., nghĩa là một tràng dài ý niệm gắn liền sau cái nhìn. Đó là nhìn loại thực vật, nếu nhìn con người thì ý niệm còn nhạy bén gấp nhiều lần, và không bao giờ ở trong tĩnh tại hiện tiền của trạng thái rõ ràng thường biết. Tâm vừa khởi ý niệm niệm có hay không, vừa suy tư một trang chữ nghĩa có mặt thì tức khắc quá khứ có mặt, tương lai có mặt... Làm thế nào dừng tâm ở ngay nơi đây và giờ phút này, ngay nơi sát na hiện tại rất là ngắn thì đó là an trú trong trạng thái rõ ràng thường biết, và an trú trong trạng thái này thì ngàn thánh cũng nói chừng đó thôi. Khổng Tử một hôm dẫn môn đồ rất đông đi chơi, ông cũng hỏi câu như ngài Hoàng Long vậy, xong rồi Khổng Tử xác định rằng: "Lâu nay các trò cứ nghĩ ta có điều gì dấu, ta để dành cái Đạo cho riêng ta, nào ta có dấu gì đâu? Đất trời thênh thang đó, cái quan trọng là các ông có dừng lại được ngay nơi đây và giờ phút này, ông đừng móng ý niệm về cái gì cả, rõ ràng thường biết thì ngay nơi đây là đạo lý hiện tiền chẳng có gì xa xôi".

Thưa đại chúng, con đường thực tập của mình chỉ làm một việc đó thôi, tất nhiên ở mức độ thực tập lâu và mới thực tập có khác nhau. Chẳng hạn ở mức độ mới thực tập, mình mời chánh niệm về có mặt với mình nhiều lắm được vài ba phút rồi chánh niệm bay mất, nhưng khi thực tập nhuần nhuyễn, đến giai đoạn mịn màng, thì lúc đó chánh niệm tự nhiên hiện tiền, không cần mời, không cần dụng công nữa. Ở giai đoạn đầu cần sự cố gắng nên gọi là tinh cần tĩnh giác. Ở giai đoạn sau đã nhuần nhuyễn nên gọi là tinh thuần. Các bậc thánh La Hán ngày xưa, đệ tử của đức Phật cũng chỉ dùng bốn chữ "tinh cần tĩnh giác" trút năng lượng của sự cố gắng vào, và khi đã đạt trạng thái rõ ràng thường biết, lúc đó là giai đoạn rất tự nhiên, nó có mặt thường tại, nó có mặt ngay nơi đây và giờ phút này, và nó không khác gì trong đời sống bình thường đã giao tiếp, đã xử sự với nhau cả. Mình cứ tưởng người ngộ đạo, chứng đắc hay có tuệ giác thì mặt phải có những nét khác thường, mắt phải sáng như sao băng. Thưa không, tu tập đến khi có tuệ giác rồi thì cũng thế thôi, diện mạo cũng không thay đổi gì, mày ngang mũi dọc đều giống như nhau. Thánh và phàm chỉ khác nhau ở chỗ có rõ ràng thường biết, có sống được với đương niệm hiện tiền ngay nơi đây và giờ phút này không mà thôi. Trong cõi sinh tử lồng lộng mà sống được với trạng thái tĩnh tại ấy thì tức khắc bước vào bản môn, rong chơi trong cõi tịnh, nắm tay đức Di Đà mà thiền hành. Đơn giản là vậy thôi!


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đuổi bắt tìm cầu (Tín Tâm Minh 11)

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Chúng ta đã đi qua hai câu đầu, nay đi tới hai câu kế:
  • Tài hữu thị phi
    Phấn nhiên thất tâm.
    Phải quấy vừa vướng mắc
    Là nghiền đốt mất tâm.
Chữ "tài" trong Hán ngữ có một nghĩa rất hay là "vừa có". Tâm thức mình vừa khởi một niệm về phải quấy, vừa khởi một niệm máy động về có không, về đẹp xấu v.v... là tự đốt cháy hết cả bầu trời tâm thể rồi. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là khi mình vừa có một khởi niệm bé nhỏ về phải quấy, về có không, về đẹp xấu v.v... thì trạng thái chánh niệm bay bổng lên chín từng mây rồi.

Chúng ta có ba ý đi vào nội dung của đoạn này:

1. Xã hội được hình thành bằng các điều kiện của tâm thức cộng đồng. Mình có mặt trên cuộc đời thì điều kiện đầu tiên không cần ai dạy mình cũng chấp nhận đặc tính phải quấy, có không, thị phi, thiện ác của xã hội.

Trong môi trường giáo dục, nào trường lớp, nào bạn bè, nào người chung quanh hình thành tánh cách của con người, tánh cách đó biểu lộ khác nhau tùy theo đặc tính của môi trường giáo dục. Ví dụ ở xã hội văn minh, người ta dạy trẻ không được bỏ rác ngoài đường phố, ở những nơi công cộng trong mục đích duy trì sự sạch sẽ của môi trường, điều này đã trở thành một quy chế bất thành văn. Trái lại ở xã hội nghèo đói, đường lộ, cống rãnh, bãi đậu xe là nơi dân chúng tha hồ đổ hết tất cả rác rưới xú uế vào đó.

2. Đặc tính "nhị kiến" có sẵn trong mỗi con người, nên đó là một loại tâm thức cá nhân. Nếu dù trọng lực của nó sẽ tác động mạnh mẽ trở lại trên xã hội và đó là trường hợp của những cá nhân một tay xây dựng cơ đồ, những anh hùng làm nên lịch sử, chuyển biến xã hội. Quý vị cũng biết thảm họa đã xảy ra trên hành tinh chúng ta do từ một vài quyển sách được sinh ra và hình thành một chủ thuyết, một ý thức hệ rồi lan ra nhuộm đỏ cả một vùng dân cư, cả một quốc gia. Rồi ý thức hệ này tranh đấu với ý thức hệ khác làm thành nên những thảm họa to lớn cho con người cũng chỉ vì tâm thức cá nhân mà thôi.

Tóm tắt hai ý thức trên ta thấy quá trình sống trong xã hội, cá nhân bị tâm thức cộng đồng ảnh hưởng nhưng đồng thời tâm thức cá nhân cũng tác động trở lại trên tâm thức cộng đồng, cả hai điều này hỗ tương hình thành. Trên phương diện hành trì, ta cũng thấy rõ khi năng lượng chánh niệm của một cá nhân đủ mạnh có thể làm chuyển hóa cả một cộng đồng rộng lớn, đôi khi đến cả biên giới của một quốc gia.

Vừa rồi quý vị nghe quý thầy tháp tùng Sư ông Làng Mai trong chuyến hoằng pháp tại Đại Hàn kể lại, chắc đã nhận chân được năng lực giáo hóa và sự chuyển biến của ngôn ngữ Sư ông đối với cả một dân tộc, quý vị mới thấy rõ ràng khi tâm thức mình đủ từ ái, đủ chánh định để có thể bao trùm được con người của một quốc gia thì tâm thức đó chuyển hóa được cả quốc gia.

3. Khi một niệm được khởi lên thì tâm thể liền bị ô nhiễm. Một niệm có gì nghiêm trọng đâu! Không, quan trọng lắm chứ, bởi ngàn vạn niệm luôn bắt đầu bằng một niệm. Khi một niệm có mặt thì nó hò hẹn sẽ kéo theo một tràng dài nối tiếp. Nguyên tắc này rất dễ nhận diện trong mọi lãnh vực. Trên nguyên tắc đi ra, khi bước đi một bước thì mình có thể bước đi ngàn vạn bước, trên nguyên tắc đi vào, khi có kinh nghiệm trọn vẹn sự có mặt chánh niệm cộng với niềm thao thức về nguồn thì cũng có khả năng tái lập chánh niệm trong tâm thức mình và có khả năng chấm dứt con đường luân hồi sinh tử được chứ.

Thứ nữa có một lần chúng ta đã bàn với nhau là có tâm thức ưu tư rất là vô ích. Không hề có một khởi niệm nào của tâm thức mà không tiêu phí năng lượng của thân và tâm. Càng đi vào lãnh vực vi tế bao nhiêu thì mức độ tiêu phí năng lượng càng mạnh bấy nhiêu. Người ta lao động cực nhọc bằng tay chân có khi sự bào mòn sức khỏe ít hơn là lao động bằng trí não. Nếu có một nỗi buồn nào lớn quá, nghiêm trọng quá mà không biết cách giải quyết thì có khi trong một đêm tóc bạc được như chơi và đôi khi chỉ một nỗi buồn cũng đủ sức hủy hoại con người.

Vì sao vậy? Vì tư tưởng thường ở dạng mịn màng của cơ thể. Những cái thô của hình hài có thể bù đắp được bằng cơm ăn thức uống, nhưng năng lượng của tư duy khi đã tiêu hao đòi hỏi sự bù đắp từ kho dự trữ của sự tĩnh tại, của sự bình an. Nó làm nền để cho tư duy nổi chìm này sinh khởi. Trong một ngày chúng ta lao xao với ngàn vạn chuyện, không có điều kiện phục hồi năng lượng của mình nhưng tối thiểu lúc vào giấc ngủ, thân này coi như đã chết, ý thức có thể xao động nhưng thỉnh thoảng cũng có những khoảng dừng lại của nó để tạo thành khe hở và trong lúc ý thức tạm dừng ở những khe hở đó thì mạng sống có cơ hội nối liền với bản thể. Vô hình chung trong cuộc sống xuất hiện những khoảnh khắc cho dù không muốn mình cũng trực tiếp đụng vào bản thể và khi đụng được vào đó thì đó là điều kiện gia cố để năng lượng có dịp phục hồi. Cho nên dù có phải lao xao cả ngày không có điều kiện hồi phục chỉ cần một giấc ngủ ngon, sáng hôm sau con người đó giống như một người mới, tinh khôi lại, trẻ trung lại và yêu đời lại.
  • Thưa đại chúng,
Để kết thúc bài pháp thoại hôm nay, tôi đọc quý vị nghe mấy câu cuối trong bài thơ "Tiếng đập cánh của loài chim lớn", Sư ông Làng Mai viết trong chuyến hoằng pháp ở Úc Châu và ghé thăm một nữ tu viện Ky Tô giáo. Bài thơ này trích trong tập thơ "Đi tìm dấu chân trên cát" và cũng có trong tập thơ: "Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt"
  • .......
    Nơi tay người
    Nhiệm mầu then cửa
    Mở hay đóng
    Để chàng lui về nơi xuất phát
    Một mình tôi
    Bên đôi đường đóng mở
    Giữa hai nẻo xuống lên
    Bàng hoàng
    Vang động tiếng chân xưa
    Gọi về
    Tĩnh thức.
Tất nhiên chúng ta không phải là thi sĩ, trình độ tu tập của chúng ta cũng chưa đủ sâu để thăm dò vào ý thơ lồng lộng của Sư ông, nhưng tối thiểu những câu thơ này cũng cho chúng ta một ý niệm. Cánh cửa sẽ mở trong tay chúng ta, then cửa mầu nhiệm nghìn đời đó đang ở trong tay của mỗi người, đẩy nó để đi vào cõi thiền đường, đi vào cõi tịnh độ, đi vào bản môn hay nói một cách khác đi vào tự tâm, đi vào nguồn linh mà từ đó mình đã sinh ra, tất cả chỉ do mình mà thôi. Đẩy hay không đẩy là chuyện của chính mình. Con người vốn từ nguồn linh chân tánh do vì thất niệm nên đến cõi trần, bây giờ chỉ cần đẩy cửa thì cội nguồn chân tánh đó có mặt ngay tức khắc, chẳng phải xa xôi gì.

Quý vị hãy hình dung quá trình vật lý của một giọt nước rơi từ đầu nguồn xuôi về biển cả. Khi muốn quay về phải nương theo một đám mây lơ lửng trên bầu trời cuối cùng mà rơi xuống trở lại đầu nguồn. Nhưng quá trình chuyển biến của tâm thức từ nguồn linh đi qua bao nhiêu kiếp nổi trôi làm thân người với đầy sóng gió, nhưng khi đã quyết tâm quay về thì ngay tức khắc nguồn linh có mặt tại đây và giờ phút này nghĩa là không phải đi qua chu kỳ vận hành như giọt nước. Thật ra con đường trở về nói thì mênh mông, muôn kinh ngàn sách của Phật của Tổ đọc vào thì mù khơi nhưng đơn giản vô cùng chỉ bằng con đường "nhận biết", và điều quan trọng cần thông suốt là năng lực nhận biết này không có ai là không có, từ kẻ trí đứng cao trên địa vị xã hội, đến người bình dân thông thường, nếu có đủ thông minh quay trở lại - nói quay lại có thể hiểu nhầm là phải dụng công làm một điều gì - chỉ cần phục hồi trở lại là khả năng "biết" hiện tiền. Nhìn là biết, lắng là nghe mọi âm thanh đất trời đồng vọng, khi có dịp tiếp xúc với tai là tức khắc nghe liền, mọi màu sắc rộn ràng cảnh trí trần gian vừa mở mắt là thấy, không cần một tư duy, một khái niệm nào cả. Năng lực của "cái biết" kỳ diệu vô cùng, nó theo mình cả ngàn vạn kiếp tử sinh mà mình không nhận ra được nó thì rõ ràng mình đã cô phụ vô cùng.

Bình thường tâm chúng ta không hướng về tương lai thì cũng quay về quá khứ, nhìn là có bóng dáng tương lai và quá khứ, nghe là có ý niệm về có và không, về tốt và xấu, thiện và ác... dừng lại cũng có nghĩa là ngay nơi phút này, ngay nơi sát na này, không có mặt của quá khứ, không có mặt của tương lai, "tỉnh sáng trong hiện tại", rõ ràng ngay ở đây và giờ phút này. Làm được như vậy ta cũng có thể tuyên bố như đức Thế Tôn từng tuyên bố với ông Vô Não Agulimala: "Ta đã dừng từ bao giờ". Chỉ cần dừng lại như vậy thì thời gian và không gian đều không có mặt, tất cả đều triệt tiêu, tâm thức chúng ta an trú được trong sát na hiện tiền, tức ngàn năm cũng một niệm này mà thôi, và chẳng còn gì là sinh là tử, là tới là lui, là luân hồi là thành Phật.

Tất cả đều triệt tiêu bằn bặt rõ ràng trong ánh sáng của chánh niệm.
  • Thưa quý vị,
Trên đường tu tập hãy tinh cần đi từng bước chậm cũng có nghĩa là ở giai đoạn đầu phải vận dụng năng lực để mời gọi chánh niệm có mặt và nên canh chừng tâm thức hay chạy rong về quá khứ về tương lai. Đến lúc chánh niệm đã vững vàng, lúc đó chánh niệm sẽ thường xuyên có mặt không cần phải dụng công nữa. Lúc đó một niệm khởi lên trong vùng tâm thức thì liền lập tức sự nhận biết có mặt ngay, con voi tâm hành không phải ló đầu mình mới thấy mà chỉ cần thoáng động lá cây mình đã biết nó xuất hiện, tâm hành còn sâu dưới mặt bằng của ý thức, vừa chớm máy động thôi là mình biết rồi chớ không đợi nó lớn lên tràn ngập tâm tư gây khổ đau cho mình, và cuốn hút mình trôi lăn trong kiếp luân hồi vô tận.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.11 khách