Từ Nụ Đến Hoa

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Từ Nụ Đến Hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 4. TÂM NHƯ THỦY
Bất cứ khi nào đi diễn thuyết ở ngoại quốc, tôi cũng đều đi với một thông dịch viên. Có một dịp, trước một buổi nói chuyện ở Anh Quốc, người thông dịch này nói với tôi rằng: "Lão sư, thầy thường hay dùng chữ chúng ta ngay cả khi thầy nói về chính mình. Nhưng trong một xã hội cá nhân chủ nghĩa như ở nước Anh này, nếu con dịch nguyên văn chữ chúng ta ấy, thầy sẽ mất đi một chút hấp lực đối với họ. Vì vậy, ngay cả khi thầy nói chúng ta, mà con biết chắc rằng thầy có ý nói là tôi, con sẽ muốn dùng chữ tôi để thông dịch. Mong thầy thông cảm cho phép con được làm như vậy".

Tôi lấy làm lạ khi nghe như vậy. Nghĩ lại, tôi nhận ra rằng người Nhật, ở trong một nhóm, khi nói chuyện có dùng từ chúng ta thật mơ hồ, và như thế áp đặt mọi người vào với nhau mà không hề có sự đồng ý trước của những cá nhân liên hệ. Và khi làm như vậy là đã trốn tránh được trách nhiệm cho cá nhân. Tuy nhiên, khi đào sâu hơn vào vấn đề, tôi không thấy được đó là một điều sai lầm khi dùng chữ chúng tôi.

Bạn có thể giả dụ là có nhiều thực thể riêng biệt gọi là tôi đã đến với nhau họp thành một nhóm gọi là chúng ta. Nhưng đây không hẳn là thực chất của vấn đề.

Hãy suy ngẫm như thế này: giả sử như có một người đang ở trong tâm trạng rất chân thực và an tịnh, không có một lo nghĩ nào, tinh thần thật là sáng suốt và lành mạnh. (khi tâm đang quằn quại và bế tắc thì đó lại là chuyện khác). Giả sử như người ấy là một bà nội trợ đang ở trong bếp một buổi tối, và bà nghe tiếng chân quen thuộc của ông chồng đang về đến nhà. Vội vã lau tay vào cái yếm mặc ngoài, bà đi ra cửa đón chồng. Trong giây phút đó người này - với bộ mặt của người vợ, tiếng nói của người vợ, thân hình và cử chỉ của người vợ - là một người vợ đang đi ra đón chồng.

Thế rồi, đúng lúc bà đang đưa tay ra lấy áo khoác của chồng, một giọng nói vang ra từ đàng sau, "Mẹ!" Bà quay lại trả lời, "Gì đó con?" Ngay lúc đó người này không còn mang bộ mặt của người vợ nữa, mà là bộ mặt của người mẹ. Bà quay lại với bộ mặt của người mẹ, tiếng nói của người mẹ, cử chỉ của người mẹ. Thế rồi, một người bạn láng giềng đến gọi cửa, bà tiếp đón khách không phải với bộ mặt của người vợ hay người mẹ, mà với bộ mặt của một người bạn hàng xóm.

Có thể khi bạn đọc những điều này, bạn sẽ tưởng tượng hình dáng bề ngoài tôi như một vị thầy tăng. Nhưng sáng mai tôi sẽ đi viếng mộ của cha mẹ tôi. Ðứng trước mộ, tôi chỉ là một đứa trẻ không hơn không kém. Ðối trước với cha mẹ mình là một đứa trẻ, đối trước với con mình là một bậc phụ huynh, đối trước chồng mình là một người vợ, đối trước vợ mình là một người chồng. Ở nơi làm việc, bộ mặt và bề ngoài người ta khoác lên là tùy thuộc vào địa vị có trong sở. Ðó là thực chất bề ngoài của chúng ta.

Không có thực thể nào gọi là tôi di chuyển từ điểm này sang điểm khác, lúc này qua lúc khác. Mà đúng hơn là, qua những lúc gập gỡ chuyên biệt nào đó với những người chuyên biệt nào đó, trong mỗi lần gập gỡ, trong mỗi sự giao tiếp, cái gọi là tôi sẽ xuất hiện. Như vậy ta thấy dường như một cái gì ở ngoài con người chúng ta, thật ra, lại bổ túc cho chúng ta, làm cho mỗi giây phút trong cuộc đời thêm phần rực rỡ.

Nếu bạn hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu tại sao Thiền tông dùng sự tu tập để đạt được giác ngộ bằng cách quán chiếu thật thâm sâu vào tâm của mình. Nếu cái tâm đó là của riêng bạn, dù bạn có không ngừng soi chiếu vào nó thật miên mật, bạn cũng không thể ngộ được cái chân lý chung nhất của vạn pháp. Nhưng tâm bạn không phải là một vật sở hữu cá nhân, nó không phải chỉ là của riêng bạn thôi.

Tâm bạn, sự sống trong bạn, được sanh ra trong sự liên đới với môi trường. Tâm bạn là đời sống của vũ trụ rộng lớn vĩ đại này. Chính tâm của chúng ta là cái nôi từ đó khởi đầu mọi sự, và như tôi là một biểu hiện của tánh Phật, bạn cũng là một biểu hiện của tánh Phật. Vì thế, Thiền tông dậy rằng chúng ta không nên cố gắng để biết hết mọi sự, mà chúng ta phải tìm hiểu những gì gần nhất với mình, đó là thân và tâm của mình. Vì thế mà chỉ cần nhìn sâu vào cái tâm bé nhỏ của bạn, bạn cũng có thể mẫn cảm với tâm của người khác - không những thế còn có thể ngộ được chân lý của toàn thể vũ trụ vô biên này nữa!

Chúng ta không hiện hữu như những thỏi nước đá, di chuyển một cách cứng nhắc từ nơi này sang nơi khác. Mà chúng ta như giòng nước chẩy tự do, lúc vào một cái hộp bốn góc, lúc ở trong một cái hộp ba góc, mỗi lúc mỗi sinh ra lại và đổi mới. Tôi tin rằng, đó là một sự thực trong sự hiện hữu của chúng ta, và sự tồn tại như thế của con người, sự tồn tại như thế của vạn pháp trong vũ trụ này, là điều mà Ðức Phật tuyên dương.

Xét như vậy, chúng ta không phải là những cá thể những cái tôi tập hợp lại để làm thành "chúng ta", nhưng trong sự hiện diện của chúng ta, có một thứ gọi là tôi đã khởi lên. Tôi tin rằng, đây cũng là một sự thực.

Khi chúng ta hòa đồng với thể nguyên thủy của mình, chúng ta sẽ có thể thông cảm được sự chết, sự đau đớn, buồn khổ, hạnh phúc của người khác như của chính mình.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Từ Nụ Đến Hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 5. CÁI CHẾT CỦA ÔNG TÔI
Năm trước khi tôi vào trường tiểu học, trong một ngày hè nóng đỏ lửa, ông tôi dẫn tôi đi xem đô vật trong thành phố. ông tôi bao giờ cũng rất cưng chiều tôi. Chúng tôi rời nhà đi vào buổi sáng, và có lẽ ông định về nhà từ lúc trưa, nhưng vì tôi vòi vĩnh nên rốt cuộc chúng tôi đã ở ngoài đường suốt ngày và đến tối mới trở về nhà. Hậu quả là sau khi ở ngoài nắng quá lâu, ông tôi đã bị trúng nắng. Dù mới là một đứa bé sáu tuổi, tôi cũng nhận ra là sự vòi vĩnh của tôi đã là nguyên nhân cho tình trạng bất thường của ông.

Cha tôi, vốn là một bác sĩ, đã không đưa ông đến bệnh viện, nhưng để ông ở nhà chăm sóc và nuôi dưỡng ông. Lúc bấy giờ mới bắt đầu triều đại Chiêu Hòa (Showa), trong thập niên 1930, những cách chữa trị còn rất là thô sơ. Một tảng nước đá được đặt trong một đĩa thiếc mỏng, và khi nước đá tan ra, thì nước lạnh đó được dùng để làm hạ nhiệt nơi lông mày của ông.

Cả nhà tôi lúc ấy náo loạn lên, cử người đi gọi các bà con họ hàng. Trong những ngày ấy điều kiện không dễ dàng như bây giờ, chỉ việc nhẩy lên xe lái đến nơi sau khi nhận một cú điện thoại; mà sau khi nhận được tin báo, bà con phải đi bộ vượt núi trong những đôi dép rơm để đến.

Tôi hoàn toàn bị bỏ rơi trong khi mọi người tề tựu lại và, từng giây từng phút một, hết vui mừng lại đến than khóc, tùy theo tình trạng biến đổi của ông. Thấy các người trong họ như vậy và cùng lúc cảm thấy cái không khí xáo trộn trong gia đình, tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi chạy trốn lên gác và nằm bẹp nơi cầu thang ngắm nhìn quang cảnh ở dưới. Trong khi nhìn xuống cảnh tượng hoang mang yên lặng ở dưới, tôi nhận ra rằng ông tôi sắp chết. Tôi nhớ mình đã tự hỏi không biết như vậy có nghĩa là tôi có còn gập được ông nữa hay không.

Bởi vì đối với một đứa trẻ như tôi, cái ý tưởng ông đột nhiên có thể biến mất đi không phải là một cái gì có thể dễ dàng thấu hiểu được. ông tôi vẫn thường luôn ở đó, lúc nào cũng tỏ thật nhiều tình thương mến. Trong khi tôi còn đang ngẫm nghĩ về vấn đề đó, mẹ tôi trèo lên gác tìm tôi và giải thích cho tôi biết rằng ông sắp chết rồi.

"Khi một người sắp chết", mẹ nói, "người ấy khát nước lắm, nên chúng ta phải cho họ uống nước. Bởi vì ông đã cưng chiều con hơn hết thẩy mấy đứa cháu khác, con phải xuống cho ông uống nước". Thế là tôi bị lôi xuống dưới nhà.

Tôi được đưa cho một miếng bông thấm nước để lau môi cho ông. Tôi thấy rõ ràng rằng trong khi trán ông ẩm ướt, thì miệng ông ngậm chặt lại, đôi môi khô và nứt nẻ, và tôi cảm thấy như ông đang rất khát nước. Khi tôi bắt đầu lau nhè nhẹ, những giọt nước chẩy vào những đường trên môi ông và làm cho ẩm ướt, nhưng không có một giọt nào lọt được vào miệng của ông. Tưởng rằng tôi không dùng đủ nước, tôi vắt miếng bông gòn ướt lên miệng của ông. Nước chẩy ròng ròng nơi mặt ông, nhưng vẫn không có một giọt nào lọt vào miệng ông được.

Ông tôi, vốn vẫn hay có thú uống trà, và bây giờ đang khát nước như vậy, lại không thể mở miệng ra được để nuốt lấy một ngụm nước. Cái cảm giác có một sự thay đổi lớn đang diễn ra đã thấm thấu vào trong tâm của đứa trẻ này đến tận xương tủy. Không bao lâu sau đó, ông đã thở hơi cuối cùng, và chúng tôi tắm rửa xác ông để sửa soạn hỏa thiêu.

Người ta thường nghĩ rằng thật là tội cho người chết, khi đang trên đường đến cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật Di Ðà, lại phải đem theo bụi trần của thế gian này, cho nên với cảm nghĩ đó, người chết thường được tắm rửa lần cuối cùng. Bồn tắm được đổ vào đầy nước lạnh, sau đó thêm nước nóng vào.

Trong ngày ấy, ở nhà tôi nước nóng được đổ vào bồn, rồi một ít rượu được thêm vào, và xác ông tôi được lau với một khăn bông ướt. Tôi được phép lau ngực của ông, nhưng cái khăn vuột ra khỏi bàn tay bé nhỏ của tôi, trượt trên da mình của ông. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi sờ vào da của ông. Trước đây, khi ông để tôi leo lên vai ngồi, tôi có thể thấy được làn da nhăn nheo trên gáy ông. Dưới bàn tay tôi, lúc nắm chặt lấy trán ông để khỏi ngã, tôi cũng cảm thấy được làn da nhăn nheo. Lúc đó người ông dẻo dai và ấm áp, trong khi bây giờ đôi tay tôi bất ngờ chạm vào người ông chỉ thấy cứng đơ. Cái lạnh toát ra từ xác ông, một cái lạnh hoàn toàn khác với cái lạnh của nước đá, làm cho tôi phát rùng mình. Ðứa trẻ sáu tuổi này đã nhận được một bài học bén nhậy về sự chết.

Gia đình tôi mang tôi đi dọc theo những con đường nhỏ hẹp nằm giữa hai bên đồng ruộng khi đưa quan tài đi. Lò thiêu không phải như ngày nay, với những cửa dầy nặng nề như dưới hầm của nhà băng. Trông nó không hơn gì một cái lỗ, trong đó người nhà cho quan tài vào và qua đó còn có thể thấy được hai bên. Cái lỗ đó được chất đầy rơm, và củi được đặt chung quanh quan tài. Rồi tất cả mọi người trong gia đình cùng nhóm cây đuốc thông lên và cho lửa cháy. Khi rơm cùng củi và quan tài bắt đầu nứt ra và nổ lách tách trong ngọn lửa, chúng tôi đi về nhà đợi đến ngày hôm sau sẽ đến thu lượm tro cốt của ông. Dù với con mắt của một đứa trẻ sáu tuổi, khi tôi ngoái cổ nhìn lại cột khói mờ đục bốc lên từ ống khói của ngọn lửa thiêu mà tôi đã tiếp tay nhóm lên đó, tôi cũng cảm nhận cái chết như một cái gì thật riêng tư đối với mình. Cái chết đó không phải chỉ là của một người nào khác.

Bây giờ, tôi đang thấy ông tôi - người tôi kính trọng và muốn noi theo - đang bị thiêu đốt. Cái tôi thấy đó không phải là cái chết của một người nào khác, mà chính là tôi của ngày tương lai. Tôi đã không nói quá về việc này, khi nhiều năm sau nhìn lại và kể câu chuyện bi thảm này . Mà thật sự là tôi lúc ấy, một đứa trẻ sáu tuổi, đã thấy thân xác mình tương lai bị thiêu đốt trong ngọn lửa đó.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Từ Nụ Đến Hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 6. PHÁP VÔ LẬU
Kể từ kinh nghiệm đó về cái chết của ông tôi, cũng đã có mấy lần tôi có ý tưởng muốn chết, muốn tự trong đáy lòng. Có lẽ đôi lúc bạn cũng có cảm nghĩ như vậy. Thực ra, có lần tôi đã từng thử uống thuốc quá liều, nhưng tôi tin rằng một cách vô thức, tôi đã giữ liều lượng thuốc đó trong vòng an toàn. Tôi không thể chết được. Có lẽ lý do chính khiến tự thâm tâm tôi ngần ngại không muốn chết là vì kinh nghiệm tôi đã trải qua khi chứng kiến cái chết của ông tôi. Sự cảm nhận về cái chết của tôi, qua kinh nghiệm đó, đã sâu xa tới mức khó thể nào vượt qua được.

Cái chết mà nhiều người biết đến, tuy nhiên, không phải là cái chết tan rã thực sự của thể xác trong tương lai. Thường thì cái chết duy nhất được biết đến là cái chết như trong một phim lịch sử hay một phim kinh dị nào đó mà người ta thưởng thức trong khi nằm dài trên sàn nhà hay trên ghế sofa, ăn kẹo hay những thức ăn lặt vặt khác.

Tôi xin kể lại một câu chuyện khác, về một người thầy thời tiểu học của tôi, một con người vĩ đại. Suốt từ lớp hai cho đến khi ra trường, các bạn học và tôi đã may mắn được thầy chỉ đạo lớp, và thầy đã có một ảnh hưởng tiên quyết lên trên mỗi người chúng tôi.

Vài năm trước, để kỷ niệm nửa thế kỷ đã qua từ lúc ra trường, chúng tôi có một buổi hội ngộ. Trong năm mươi học trò thuở trước, hơn mười người đã qua đời, và ba mươi ba người chúng tôi còn lại đã đến thật đông đủ. Chính tôi cũng dẹp bỏ hết mọi việc để đến, vì không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Chúng tôi có một buổi tiệc và nghỉ đêm ở một nơi du lịch có suối nước nóng, và tuy rằng có uống rượu saké, nhưng không có ai đề nghị hát karaoke cả. Ngay cả lúc chúng tôi tụ tập quanh người thầy cũ hồi xưa, uống rượu vui chơi, buổi họp mặt này vẫn có vẻ nghiêm túc. Có nhiều thành viên trong nhóm tham vấn với thầy, và cũng có vài người hỏi tôi về đủ thứ vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của họ. Buổi họp mặt tái ngộ này hoàn toàn giống như một khóa tu học nhờ ảnh hưởng sâu đậm của thầy đã để lại trên chúng tôi trước nay.

Thầy là một nhà mô phạm vĩ đại, và từ khi về hưu, thầy cũng vẫn tiếp tục sống một đời gương mẫu trong cộng đồng. Nếp sống cá nhân của thầy cũng không có điều gì đáng chê trách. Mặc dù đã ngoại tám mươi tuổi, trông thầy vẫn khỏe mạnh hơn bất cứ học trò cũ nào của thầy!

Khi đến lúc tan tiệc, tất cả những người đã quay quần chung quanh thầy để nghe những lời vàng ngọc đều có vẻ không muốn làm phiền thầy hơn nữa, nên rốt cuộc là thầy và tôi đêm ấy được xếp chung một phòng. Chúng tôi để gối bên cạnh nhau, nằm xuống, tắt đèn rồi, bỗng thầy gọi tôi một cách lịch sự, "Morinaga-san", thêm tiếng -san vào tên đứa học trò cũ của thầy thời xa xưa trước đây.

"Xin lỗi, tôi thấy tôi điên quá", thầy nói tiếp, nhưng dạo sau này tôi đâm ra sợ chết quá, đến nỗi tôi hầu như là cảm thấy rằng giá không được sanh ra lại hơn!"

Những lời của thầy đập vào tai tôi đã đem lại một ấn tượng không nhỏ. Tôi nhớ lại về trước, suốt tám mươi năm ròng rã thầy đã chuyên cần làm việc như thế nào, và sự thú nhận của thầy làm tôi cảm thấy thật mũi lòng.

Những con người chúng ta sống một đời sống hữu hạn, hiện thân trong những hình tướng ở thế giới hiện tượng này, và bắt buộc phải chịu sự chi phối của luật nhân quả, luật của nghiệp. Ðiều cơ bản trong giáo lý đạo Phật là hễ có sanh, là có tử; có nỗ lực làm thì mới có kết quả. Tất cả những nghiên cứu khoa học về thiên nhiên và con người cũng đều đặt trên căn bản của luật nhân quả này. Không những vậy, trong đời sống hàng ngày, cả những người ít khi suy nghĩ nghiêm chỉnh đến những vấn đề này cũng cố sống sao để được những cái nhân tốt đem lại kết quả tích cực.

Tuân theo luật (nhân quả) ấy, một số người đã không ngừng cố gắng tạo lấy nghiệp tốt và cũng được thành công trong sự nỗ lực của họ. Nhưng khi cuối cùng họ trạm chán phải bức tường kiên cố của sinh, lão, bệnh, tử, không có một số lượng tích trữ thiện nghiệp nào có thể giúp họ vượt qua được, và họ sẽ cảm thấy thất vọng vô cùng.

Một điều tất nhiên là, người nào càng đặc biệt hãnh diện về công việc làm của họ, khi gập sự tấn công ồ ạt của tuổi già - khiến cho họ không còn làm việc được như từ trước tới nay - sẽ rất là hãi sợ. Người nào khoe khoang trí thông minh sắc bén phi thường của họ sẽ lo sợ sự suy yếu dần của trí óc. Người nào sống một đời gương mẫu của một thành viên trong xã hội sẽ đặc biệt hãi sợ khi chứng kiến sự hao mòn của năng lực thể chất cũng như tinh thần của họ.

Như thế, chúng ta không thể mong sống với một tâm an lạc trong những ngày cuối cùng của cuộc đời chỉ bằng những việc công đức mà ta cố gắng tạo nên theo luật nhân quả này.

Trong giáo pháp của đạo Phật, có đề cập đến sự tồn tại hữu hạn của chúng ta, bị chi phối trong luật nhân quả, và được gọi với danh từ pháp hữu lậu hay pháp hữu vi. Pháp này còn được gọi là Giới của Bẩy Vị Phật bởi vì nó đã được chư Phật ba đời trong thế gian này giảng nói, trong đó có dạy chúng ta nên cố gắng gieo trồng những hạt giống lành trong đời, như vậy sẽ thọ nhận được những phước báo. Một bài kệ nổi tiếng đã tóm lược giáo pháp này như sau:
  • Tránh làm điều ác
    Năng làm điều lành
    Giữ tâm thanh tịnh
    Ðó lời Phật dạy.
Nếu ta thâm cứu và thực hiện pháp tu này, soi chiếu vào bản tâm của mình, điều đó cũng đủ làm cho tâm thanh tịnh và đưa ta vượt qua khỏi một giáo lý chỉ dậy những pháp hữu vi cho một đời sống giới hạn trong hình tướng và nghiệp quả. Thật đáng tiếc là người ta thường diễn dịch giáo pháp này - gieo nhân tốt, hái quả tốt, gieo nhân xấu, hái quả xấu - là chỉ áp dụng để thụ đắc những hạnh phúc và thịnh vượng của thế gian. Dĩ nhiên mục tiêu đó trong đời tự nó cũng đã là quan trọng vô cùng, nhưng những công đức hữu vi này không thể đem lại sự an lạc tuyệt đối cho tâm khi trải qua sinh, lão, bệnh, tử.

Dù bạn có nỗ lực đến thế nào để tạo dựng nên những thành quả mong muốn, một khi tên đã được gọi lên trong sổ bộ Nam tào, tất cả những tích lũy thế gian ấy cũng sẽ bị quét sạch. Cái vòng luân hồi này không chỉ áp dụng cho cõi giới của người mà còn cho tất cả mọi hiện tượng, cái gì cũng phải trải qua một thời kỳ sinh, một thời kỳ trưởng, một thời kỳ suy, và một thời kỳ hủy diệt để trở về với cái Không ban đầu. Trong con người thì đó là sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả mọi hiện tượng đều trống rỗng như bọt nước, chợt hiện chợt mất, vô thường, biến đổi. Không có một thực thể cá nhân nào trên đời này có thể giữ nguyên trạng mãi mãi được.

Ðó là khái niệm Không của Phật pháp, theo tiếng Phạn được gọi là shūnytā và tiếng Nhật gọi là mu, và thực trạng của tánh Không này được gọi là Pháp Vô Lậu. Tất cả mọi chúng sinh đều là hữu lậu. Nhưng tánh Không, vốn ở nơi gốc cơ bản của mọi chúng sinh, là vô lậu. Hữu lậu và vô lậu là bất khả phân với nhau, điều đó đã được nói đến trong câu kinh bất hủ của Bát Nhã Tâm Kinh: "Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc". (Sắc chính thực là Không, Không chính thực là Sắc).

Tuy nhiên, thực tế rất khó mà tự mình thấy rõ ràng được rằng tất cả mọi pháp tự nó đều căn bản là không. Có thể nói rằng, muốn tự giác ngộ được cái Không vốn có này nơi chính mình, ta phải dụng thân mình bằng mọi công phu, với tất cả mồ hôi và nước mắt.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Từ Nụ Đến Hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 7. CHẾT TRONG KHI ĐANG SỐNG
Khi tôi trở thành một tăng sĩ và gia nhập thiền viện, tôi đã ước ao thật mãnh liệt, hơn bất cứ thứ gì trên đời, là làm sao được giác ngộ. Kyoto, nơi có trụ sở thiền viện của tôi, không phải là một mảnh đất có ruộng đồng trù phú, vì thế phần thực phẩm quy định cho một tháng thường được giới hạn chỉ đủ cho mười ngày. Thực phẩm chính của mười ngày ấy bao gồm những thứ như là bắp và bột khoai lang, và đôi khi một thứ bột trà mầu vàng úa không thể nào uống được. Ðó là những thứ đã nuôi thân mạng tôi khi đang ở trong thiền đường, nhất tâm tọa thiền và tìm sự giác ngộ.

Nhưng kinh nghiệm giác ngộ không đến một cách dễ dàng. Trước khi bắt đầu tu Thiền, tôi đã được dậy để nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, suy nghĩ bằng đầu óc, và đó là cách duy nhất tôi dùng để tìm hiểu mọi sự. Nhưng khi vào tu, tôi lại được chỉ cho rằng satori (giác ngộ) không phải là một loại kết luận rút ra từ những phán xét riêng tư dựa trên những cảm giác phân biệt của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Dù vậy, tôi vẫn chưa thể nắm được cách nào để buông bỏ những thói quen cảm nhận xưa nay và tập kinh nghiệm theo một cách khác.

Ðại Ðăng Quốc Sư (Daito Kokushi), vị sáng lập ra thiền viện Ðại Ðức (Daitokuji) và là một trong những vị thiền sư kiệt xuất nhất trong lịch sử của Nhật Bản, trong những lời thị tịch đã khuyến cáo như sau: "Hãy luôn luôn chú tâm, suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong ngày, để học cái Không Thể Nghĩ Bàn". Cái Không Thể Nghĩ Bàn ấy vượt lên trên mọi lý luận hay sự hiểu biết của trí thức, và tôi không biết một chút gì để tìm cách nào dồn năng lượng vào sự tu học cái Không Thể Nghĩ Bàn này. Vì thế tôi cứ tọa thiền một cách mù quáng. Hàng đêm khi mọi người đã ngủ say hết rồi, tôi vẫn kiên trì ở đó ngồi trên chiếc gối thiền. Không may là, trong thời gian này tôi lại được giao nhiệm vụ đánh thức mọi người buổi sáng.

Như tôi đã nói ở trên, thực phẩm lúc đó rất ít oi, và tôi vốn lại gầy gò nữa. Ban ngày tôi vất vả làm những việc lao tác chân tay và thực hành tu tập, đến tối lại tiếp tục tọa thiền không ngủ suốt đêm, vì vậy tuy hết sức muốn ngồi thẳng người lên, nhưng rồi tôi cũng lại rơi vào một trạng thái mê mệt, sẵn sàng ngất xỉu đi và ngã lăn khỏi gối thiền.

Giờ thức dậy buổi sáng trong thiền viện là ba giờ sáng mỗi ngày. Chắc tôi thường hay ngất đi vào khoảng hai giờ hay hai giờ rưỡi sáng. Lúc bừng tỉnh dậy, tôi đã thấy quá giờ đánh thức mọi người rồi. Việc này kéo dài khoảng ba ngày, cuối cùng tôi bị khiển trách nặng nề, bị kết tội ngủ quên và vì thế đã làm xáo trộn chương trình hàng ngày của cả thiền viện. Chức vụ tôi được giao cho gọi là Densu. Tôi được nhắc nhở thật rành rọt rằng luật lệ của thiền viện đã quy định rằng người làm densu phải canh đồng hồ như là canh chính cặp mắt của mình vậy.

"Ngươi có thực sự có ý muốn tu hay không hả?" Vị huynh trưởng của tôi quát lớn. "Ngươi tưởng ngươi đến đây để làm gì?"

Khi bị hỏi là có ý muốn tu hay không, điều đó có nghĩa là có thể bị đá ra khỏi thiền đường. Nhưng may thay, Thầy đã thương hại tôi, và những học tăng bạn cũng giúp đỡ, che chở tôi khỏi bị sơ sểnh thêm nữa. Dù vậy, tôi vẫn còn bướng bỉnh tiếp tục tọa thiền mà không nằm xuống chút nào về đêm. Mặc dù liên miên ngồi thiền một cách kiên trì như vậy, hàng đêm tôi vẫn rơi vào trong cơn mê mệt và ngủ thiếp đi, nên việc tọa thiền của tôi chẳng mạnh mẽ và sáng tỏ được chút nào.

Thế rồi, vấn đề lại càng trở nên tệ hại hơn, khi tôi lý luận rằng ăn vào là chỉ làm buồn ngủ thêm, nên ngưng không ăn nữa. Như tôi đã nói ở trên, những bữa ăn thời ấy không được đầy đủ chút nào. Chúng tôi dùng bữa theo nghi thức, tụng một bài kinh trước và sau khi ăn. Trước mỗi bữa ăn thường có thông báo về bữa ăn ấy như là "Bữa trưa hôm nay phần mỗi người sẽ gồm có ba cái bánh xếp". Như vậy có nghĩa là mỗi vị tăng sẽ nhận được ba viên bánh làm bằng bột khoai ép lại, mỗi viên chỉ to bằng đồng xu thời xưa. Không có nước tương hay miso gì cả, những viên bánh này được luộc trong nước muối, và chúng tôi mỗi người được phát cho ba chén. Dù chỉ có thế mà tôi cũng ngưng không ăn vì nghĩ là sẽ bị làm cho buồn ngủ, điều đó quả tình là tôi đã đi quá xa.

Thế rồi, một đêm nọ, tôi không còn một chút sức lực nào nữa.

Tôi mất hết cả ý chí muốn được giác ngộ; sự tiếp tục tìm kiếm giác ngộ (satori) dường như là điều không thể nào tưởng tới được nữa. Tôi không còn một chút năng lực tối thiểu nào của vật chất và tinh thần cần thiết để giữ một mức độ ý thức trong đó cái thấy được xác định bằng mắt và cái nghe được xác định bằng tai. Cái gối thiền mềm mại ở dưới tôi lúc đó là cả một miếng thép cứng đơ. Toàn thân tôi là một tổng hợp của những cơn đau như dần. Ðó không còn là tôi đang ngồi trên gối thiền nữa; mà chỉ là cả một sự mệt mỏi chất ngất. Ý thức tưởng chừng như đã lạc mất trong màn sương mù dầy đặc, tất cả chỉ còn là một sự mơ hồ.

Ðột nhiên, dưới một lực nào đó mà tôi không được rõ, màn sương mù bỗng tan đi và biến mất. Và không phải là cơn đau đớn của thể xác tôi đã biến đi, nhưng là cái thân chịu đựng sự đau đớn đó đã biến đâu mất. Mọi sự trở nên hoàn toàn sáng tỏ. Ngay cả trong màn đêm mờ tối, mọi sự cũng được thấy một cách thật tinh tường. Tiếng động nhỏ nhất cũng có thể nghe được rõ ràng, nhưng không còn người đang nghe. Tôi tin rằng, điều này cũng tựa như là đã chết đi trong lúc còn đang sống vậy.

Vào lúc đó, không còn có một khởi niệm nào cả. Tôi không có một ý niệm gì là trạng thái sáng tỏ hoàn toàn ấy kéo dài bao lâu, là điều gì đã xẩy ra trước đó hay sau đó. Có lẽ rằng một giọng nói sắc cạnh nào đó đã đánh thức tôi ra khỏi trạng thái đó. Tôi chỉ biết rằng khi sực tỉnh lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần! Như tôi không còn biết là bàn tay tôi đang múa, tiếng chân tôi đang bước. Trong tâm trí tôi không hề có một ý tưởng nào thoảng qua là tôi đang có một kinh nghiệm giác ngộ hay là tôi đã kiến tánh (kensho). Không cần lý luận gì cả, tôi chỉ cảm thấy một niềm vui choáng ngợp, tưởng chừng như có một gánh nặng chĩu trên vai bỗng nhiên đã được lấy đi.

Hồi tưởng lại kinh nghiệm này, nhớ đến nhiều đoạn kinh khác nhau và qua những ngữ lục của các vị tổ thời xưa, tôi thấy một bài kệ của Thiền sư Chí Ðạo Vô Nan (Shido Bunan Zenji) thật là thích hợp:
  • Chết trong khi đang sống
    Chết một cách toàn diện
    Mọi việc cứ tùy duyên
    Sẽ tốt đẹp tự nhiên.
Tâm lý gia danh tiếng Elizabeth Kubler-Ross đã thu thập những lời kể lại của những người đã trải qua kinh nghiệm chết giả và rồi trở về được và thuật lại. Theo những bản tường trình này, khi người ta bắt đầu chết, ngay trong giây phút đó, không những cái thân xác bị dầy vò bởi bệnh hoạn và đau đớn được hoàn toàn giải thoát khỏi sự đau khổ ấy, mà chính người ấy cũng có cảm giác thực sự là họ được giải thoát khỏi thân xác ấy. Những người này báo cáo rằng, tuy là họ không biết họ đang ở đâu, nhưng họ có thể thấy rõ ràng những người khác đang tụ tập chung quanh xác họ, than khóc níu kéo và cố lay xác họ. Xem thế, dường như là có sự tương đồng nào đó giữa kinh nghiệm của cái chết giả và cái chết trong khi nhập định, nhưng đây là một điều tôi không dám chắc được.

Những gì mà tôi và những người khác đã trải qua những kinh nghiệm tương tự có thể xác định được là có một trạng thái của tâm vượt ra khỏi nhân và quả, một trạng thái khác biệt với trạng thái trong đó chúng ta tìm cách thụ đắc được điều này bằng việc làm một điều kia. Ðó là một trạng thái Ðịnh trong đó mỗi giây phút đều tự nó là đầy đủ, đều là trọn vẹn như thế. Mỗi giây phút đều được phản chiếu lại một cách hoàn hảo, như đang đứng trước một tấm gương vậy.

Nếu chúng ta dồn hết năng lực để sống với tính cách như là trồng cây rồi ăn quả, gieo tạo nhân lành cho đời sống thế gian hữu hạn này, thì đó cũng là một điều kỳ diệu và cần thiết. Nhưng nếu sống mà chỉ biết tùy thuộc vào luật Nhân Quả - hành động để nhận lãnh cái quả sẽ tới trong tương lai gần hay xa - thì rồi thế nào, người ấy cũng gập phải chướng ngại và sẽ cảm thấy tuyệt vọng.

Tuy nhiên, bằng cách trực diện với những gì bạn đang có ngay trước mắt, ngay trong lúc này, hoàn toàn không phán xét hay lượng định gì cả, bạn có thể vượt qua tất cả những vấn đề của nhân và quả. Bạn có thể làm việc trong bếp hay quét sân ngoài vườn, cọ rửa phòng tắm hay làm một việc lao động nào đó cho một người nào khác, nhưng bạn làm mà không có một chút suy tư gì về cái giá trị tương đối của công việc ấy. Một cách đơn giản, điều đó có nghĩa là bạn làm mọi việc với hết sức của mình, trở thành một với bất cứ hiện trạng nào của bạn, ngay trong giây phút đó. Tôi muốn bạn sẽ biết rõ ràng được rằng, đây là một cách khác để sống cuộc đời của bạn.

Một mặt, dù cho bạn có dồn nỗ lực và rồi được thành công trong sự gặt hái những quả tốt cho mình, nhưng nếu không biết vượt qua chướng ngại lớn của sinh, lão, bệnh, tử, bạn sẽ không thể an lạc được trong những buổi xế chiều của cuộc đời. Mặt khác, nếu bạn bám víu vào khái niệm về cái không và rồi rơi vào trong vô ký của sự phủ nhận cái có, bạn sẽ dễ sai lầm mà sống cả một cuộc đời vô ích. Nhưng có một cách khác hơn thế, đó là con đường Trung đạo, sẽ giúp cho chúng ta không rơi vào hai bên nào cực đoan. Con đường Trung Ðạo này còn được gọi là Pháp Môn Giải Thoát, giải thoát khỏi cả hai cái hữu lậu và vô lậu.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Từ Nụ Đến Hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 8. BUÔNG THẢ TRONG CÁI CHẾT
Tôi xin kể lại đây một câu chuyện cuối cùng, một câu chuyện đã làm tôi xúc động sâu xa. Ðó là chuyện của cô Okamoto, người đã ở bên cạnh thầy tôi trong suốt bốn mươi năm cho đến khi ngài viên tịch.

Cô Okamoto, như tôi đã nói trước đây, đã rời bỏ việc làm trong ngành giáo dục nữ sinh và vào sống ở chùa trong tuổi bốn mươi như một đệ tử của Thiền sư Zuigan. Cô tu như một người cư sĩ, không hề thế phát hay thọ giới, nhưng cũng không bao giờ trang điểm như những nữ cư sĩ khác. Cô làm mọi việc thật gọn gàng, lúc nào cũng trong bộ quần lao động rộng thùng thình.

Cô không có ý định trở thành một đại nhân trong ni giới, nên thay vì chăm chú vào công việc tu tập, cô siêng năng làm công quả nhiều hơn, hầu giúp cho người thầy mà cô hằng kính ngưỡng được thoải mái hơn trong đời sống . Qua những công việc giặt quần áo, nấu bếp, và trồng rau tươi, Cô Okamoto muốn bảo đảm cho thầy khỏi cần bận tâm gì hết để có thể giảng pháp cho mọi người. Bất cứ người nào nhìn đến cô Okamoto cũng sẽ thấy ngay cô là một người rất tận tụy.

Ðại sư Zuigan viên tịch vào tuổi tám mươi bẩy, lúc đó cô Okamoto đã sáu mươi tuổi . Sau khi kỳ thất cuối cùng 49 ngày đã xong xuôi, cô thu dọn đồ đạc và, tuyên bố không muốn là một gánh nặng cho tôi, đã ra đi khỏi chùa. Cô dọn đến một thất nhỏ thuê trong một ngôi chùa khác, và tiếp tục sống những năm tháng còn lại của tuổi già ở đó, không chịu sự kiểm soát của một ai, y như thời cô đã sống khi Ðại sư Zuigan còn sinh tiền vậy.

Mỗi buổi sáng cô Okamoto dậy vào lúc 4 giờ 15, và tuy rằng không phải phần việc của mình, cô cũng đi quét dọn vườn tược chùa chung quanh căn thất thuê của cô. Cô trồng rau trên những mảnh đất trống, và hái rau đó cúng dường các vị học tăng đang theo tu với tôi, đồng thời chia cho những khách thập phương, và đem lên bàn thờ cúng dường Tam Bảo.

Khi đã tới tuổi quá thất tuần, cô cảm thấy muốn tìm cách tu bản thân mình cho tốt hơn, nên sau một ngày quét tước, nhổ cỏ dại, làm vườn, cô Okamoto ở trong nhà nghe băng giảng và học hỏi thêm về văn chương cổ điển Trung Hoa. Có những lúc khác, nhớ lại những bài giảng của Lão sư về Thiền thư, cô mở lại những sưu tập hệ công án như Bích Nham Lục và Vô Môn Quan. Ðó là cuộc sống hàng ngày của cô Okamoto.

Cô là một bà già bé nhỏ, thấp lùn với bộ mặt tròn trĩnh như trẻ thơ, nhưng với lối sống đặc biệt khắc khổ, cứng nhắc, cô Okamoto dường như có một vẻ gì đáng sợ, và những học tăng trẻ không cảm thấy thích thú chút nào nếu họ bị giao cho công việc phải đến gập cô.

Hàng tháng tôi đều đến thăm cô Okamoto, và lúc nào cô cũng có vẻ phấn chấn với những buổi đến thăm đó. Nhưng có một hôm, cô nhắn tin cho tôi biết rằng cô muốn tôi đến thăm ngay, vì cô có chuyện cần muốn nói.

"Nửa năm vừa qua, tôi thấy cơ thể mình yếu mệt vô cùng", cô bắt đầu nói khi tôi đến thăm. "Tôi nghĩ chắc mình đã đến tuổi suy nhược rồi, nên cố tự răn mình phải tiếp tục mọi công việc như thường, nhưng rồi cũng không thấy khá gì hơn".

"Cuối cùng", cô giải thích tiếp, "dường như tôi không còn cách gì hơn là nhờ người đưa đi bác sĩ khám. Tuy bác sĩ không nói gì nhiều, nhưng hình như là tôi đã bị ung thư. Từ khi biết được chuyện này, tôi đâm ra sợ chết quá đi".

Những lời nói của cô mang âm hưởng của lời ông thầy giáo cũ của tôi. Nhưng không những là cô Okamoto sợ chết, cô còn cảm thấy xấu hổ với cái sợ đó. Cô cảm thấy sợ chết là một điều nhục nhã, sau bao nhiêu năm tu tập với một vị lão sư như vậy. Cô cảm thấy biết ơn Lão sư và Thiền tông vô cùng, và không chịu nổi ý tưởng là những người ở gần cô sẽ nghĩ tu Thiền là vô ích, vì rõ ràng đã không giúp cho một người như cô có thể vượt qua được nỗi sợ hãi khi đối diện với tử thần.

"Có vấn đề gì đây trong cách tu của tôi từ đó tới giờ - để giờ này tôi sợ chết đến thế? Xin thầy làm ơn chỉ cho tôi thấy tôi đã sai như thế nào trong cách tu, được không?" cô khẩn khoản, trải bầy tâm sự ra với tôi, như thể tôi là con trai của cô vậy.

Tuy rằng cô Okamoto hơn tôi đến hai mươi bốn tuổi, sự thổ lộ nhiệt tình của cô đã khiến cho tôi, mặc dù kính trọng sự lớn tuổi của cô, đã thẳng thắn nêu ra với cô điều tôi thấy không ổn lắm trong thái độ sống của cô.

Người đàn bà này đã sống một đời không có gì khiếm khuyết, đáng ngợi khen, nhưng bà lúc nào cũng nghiến răng lại để cố làm điều lành, tránh điều xấu. Lúc nào cũng phân biệt thật rành mạch giữa cái tốt và cái xấu, lúc nào cũng cân nhắc, phán xét mọi tình thế, bà lo làm hết sức để cố đạt lấy cái tốt hơn, nhưng luôn luôn là trong sự cứng cỏi của hàm răng nghiến chặt. Tôi xin nói rõ hơn về vấn đề này. Nỗ lực phân biệt tốt với xấu và rồi chọn lựa hành động một bên để lo tích lũy nhân lành cho những quả tốt, tự nó, không thể đem lại sự an bình trong tâm được.

Như tôi đã giải thích với cô Okamoto, chúng ta sinh ra lọt lòng mẹ và rồi sau này sẽ vào trong quan tài nằm. Trong khoảng thời gian trung gian đó chúng ta gọi là sống, và chắc hẳn bạn nghĩ rằng vào quan tài nằm tức là chết. Nhưng sự hiện hữu đúng thực tức là sống và chết lặp đi lặp lại, từng giây từng phút một. Nếu bạn nhìn vào một ngọn lửa, bạn thấy nó cháy liên tục và tạo ra một ánh sáng liên tục. Nhưng thực sự, sáp nến đang chẩy dần từng chút một, và tim nến trong khi đang rực cháy cũng đang cạn dần, đưa ngọn lửa càng lúc càng xuống thấp hơn.

Cuộc đời chúng ta trông có vẻ như những khối kiên cố suốt bẩy chục năm hay tám chục năm liền, nhưng thực sự ra, chúng cũng giống như tỷ dụ đã nói đến trước đây: bạn là một người vợ khi quay qua bên này; bạn là người hàng xóm khi quay qua bên khác. Khi bạn giữ cho tâm được thẳng thắn, tự nhiên với từng giây từng phút sống thực, dù không có một cố gắng nào, dù không có sự tập luyện nào, bạn cũng được sinh ra thật đẹp đẽ với từng giây phút một. Bạn chết đi trong từng giây phút, và rồi sinh ra trở lại trong từng giây phút nối tiếp nhau.

Như tôi đã nói với cô Okamoto, khi bạn đi vào bếp sửa soạn bữa ăn tối, hãy sinh ra ở trong bếp. Khi bạn xong việc ở đó, hãy chết đi. Rồi lại sinh ra ở bàn ăn khi bạn ăn bữa tối và, sau khi bạn ăn xong rồi, hãy chết đi ở đó. Hãy sinh ra trong vườn khi bạn lấy cây chổi quét sân. Rồi khi bạn vào giường ngủ ban đêm, hãy chết đi ở đó. Và khi ánh dương tỏa sáng, bạn thức dậy trong giường, và lại sinh ra lại như mới. Nếu bạn có bệnh ung thư, hãy sinh ra với bệnh ung thư.

Luôn luôn trong giây phút hiện tại bây giờ - và chỉ ngay bây giờ thôi - bạn đi vào đời sống. Luôn luôn trong giây phút hiện tại bây giờ - và chỉ ngay bây giờ thôi - bạn buông thả trong cái chết. Thực tập chân lý đó tức là tập Thiền vậy.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Từ Nụ Đến Hoa

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 9. MẠNG SỐNG PHẬT
Tôi đã thấy nhiều người áp dụng tu, nhưng tôi không biết có ai thực hành theo những lời chỉ dạy của tôi một cách thật hoàn hảo, thật tuyệt vời như cô Okamoto. Cô tuân theo lời tôi thật ngoan ngoãn như một con cừu non. Chưa đầy mười ngày, bộ mặt nghiêm khắc của cô đã dịu đi trông như một đứa trẻ, trở thành bộ mặt của một bà lão hiền từ. Cô đã bỏ lại đàng sau cái lối sống khắc khổ, gò bó để cố làm điều tốt.

Bệnh của cô Okamoto càng ngày càng nặng thêm, và cuối cùng cô phải vào nhà thương. Tôi nhớ khi tôi đến thăm cô, các bác sĩ và y tá đều nhận xét rằng họ đã làm việc trong bệnh viện bao nhiêu năm nay, mà chưa gặp một bệnh nhân nào như vậy. Khi cô Okamoto vào bệnh viện, cô đón nhận tất cả mọi người, tất cả mọi thứ, tất cả mọi hoàn cảnh đến trong tinh thần cơ hội chỉ đến một lần.

Hầu hết mọi người đều diễn giải cơ hội chỉ đến một lần như là những trường hợp thật là đặc biệt, một cơ hội hãn hữu cả đời chỉ có một lần. Câu nói đó gợi lên trong trí ta một dịp gì như là một buổi lễ trà đạo chỉ được diễn ra một lần độc nhất. Người ta thường lý luận rằng cái gì chỉ xẩy ra một lần trong đời, một cuộc tao ngộ có một không hai trong đời, phải là một dịp may hiếm có lạ thường, và câu nói này thường chỉ được dùng giới hạn trong nghĩa đó mà thôi.

Tuy nhiên, theo một nghĩa đích thực, cơ hội chỉ đến một lần có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, khi người ta gặp một tảng đá, nhìn thấy một cây cỏ dại, khi lau chùi phòng tắm hay nấu cơm. Ðó là một trạng thái tâm thức trong đó tuyệt đối không có một dự kiến nào mang tính chất yêu ghét, trong đó tuyệt đối không có một ý tưởng nào muốn trốn tránh hiện thực. Thực tập cơ hội chỉ đến một lần là hoàn toàn hòa nhập vào mỗi việc đang xẩy đến, và đó đúng là cách mà cô Okamoto đã dùng để đi ra khỏi cuộc đời.

Không may là, tôi đã đồng ý trước cho chuyến du hành sang Anh và Hoa Kỳ trong thời điểm đó, và tôi ra đi trong lòng cảm thấy khó chịu. Tôi chỉ thị cho các đệ tử ở nhà phải săn sóc cô Okamoto trong lúc tôi đi vắng, nhưng cô đã qua đời mà không chờ đợi tôi trở về. Khi trở về, tôi nghe người đệ tử lớn nhất của tôi, vị tăng đã trông nom cô lúc sau cùng, kể lại những giây phút cuối của cô trước khi chết. Tuy vị tăng này ít khi nào biểu lộ cảm xúc trên nét mặt, ông cũng không ngăn nổi những giòng lệ tuôn trào khi kể lại câu chuyện.

Trước khi cô Okamoto qua đời, cô đã nói với ông, "Nhìn lại, tôi thấy cuộc đời tôi đã sống bao nhiêu năm nay thật là tù túng. Nên bây giờ tôi có ý muốn cầm một quả bóng đi vào chơi trong rừng". Ðó là những lời cuối của cô.

Chúng tôi đã đặt một quả bóng thật đẹp, làm bằng những sợi chỉ mầu, vào bên trong mộ của cô.

Tôi mong bạn sẽ không xem những lời nói cuối cùng của cô Okamoto chỉ như những lời nói xúc cảm hay chỉ có ý nghĩa thuần túy như vậy. Khi tôi nghe những lời nói cuối cùng đó, tôi cảm thấy vui mừng tự trong đáy lòng. Vui mừng, vì tôi tin tưởng rằng trong đời sống và trong cái chết, cô Okamoto đã thực sự đạt tới trạng thái có thể được gọi là du hí tam muội.

Nếu một người được lãnh lương để làm công việc dùng xẻng xúc cát vào trong thùng xe vận tải, chắc họ sẽ cảm thấy mỏi mệt. Lúc đó nếu có ai đến và đề nghị giúp họ, chắc họ sẽ vui vẻ mà đưa cái xẻng ra cho người ấy. Nhưng giả tỷ có một đứa trẻ đang chơi trên một đống cát, xúc cát vào trong cái xô. Nếu có người nào đến nói với nó cho họ làm thế việc đó một lúc, chắc đứa trẻ sẽ cự lại rằng, Tại sao tôi lại muốn ông thế tôi trong khi tôi đang thích thú như thế này?

Ngay cả một trong những công việc phù du nhất như việc sửa soạn một bữa ăn cũng có thể là du hí tam muội được. Bạn dốc tâm vào việc sửa soạn một bữa ăn ngon, lo bầy biện trang hoàng những đĩa thức ăn thật nghệ thuật rồi đem lên mời mọi người dùng, chẳng mấy chốc những món ăn đó sẽ được tiêu thụ hết sạch, và còn lại chỉ là những đĩa bát bẩn. Thực hành du hí tam muội không chỉ có ý nghĩa sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho viện bảo tàng trong vài trăm năm, mà còn áp dụng cho những việc tầm thường hàng ngày mà chúng ta vẫn làm. Một tỷ dụ cụ thể là những công việc làm trong nhà. Trong một vòng vô tận, chúng ta lau chùi nhà cửa, rồi nhà cửa lại bẩn trở lại. Chúng ta quét nhà, rồi bụi lại bám trở lại. Chúng ta giặt quần áo, rồi quần áo lại bị lấm bẩn trở lại.

Ðiều này không chỉ giới hạn trong việc chăm sóc nhà cửa, nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy rằng hiện trạng này cũng có trong mọi hoạt động của con người nơi thế gian này.

Du hí tam muội là một trạng thái tâm thức trong đó người ta làm một việc gì mà không hề cân nhắc đến cái giá trị tương đối của nó, y như một đứa trẻ chơi nghịch trong cát sẽ không muốn để một người nào khác đến thế chỗ nó. Ðó chính là tâm thức của cô Okamoto khi cô đi vào chơi bóng trong rừng.

Du hí tam muội là một trạng thái trong đó tâm đã siêu vượt lên sự đối đãi của cả hai pháp hữu lậu và vô lậu. Ðó là Pháp môn Giải thoát, một trạng thái tâm thức tự do tự tại, giải thoát khỏi cả hai cái hữu hạn và vô hạn.

Nơi bản thân chúng ta đã có sẵn mạng Phật vĩnh cửu thường hằng. Mạng Phật ấy thể hiện trong mọi sắc tướng, sinh sinh diệt diệt theo từng sát na, và tiếp nối nhau hiển lộ trong du hí tam muội. Chúng ta có thể khẳng định rằng có được trạng thái tâm như vậy chính là đã đạt được trạng thái giác ngộ trong Thiền.

Nơi bản thân chúng ta đã có sẵn mạng sống vĩnh cửu miên viễn. Mạng sống đó thể hiện trong những sắc tướng và tương tục biến hiện theo từng sát na. Tuy nhiên, ánh chớp lập lòe của sự biến hiện này không phải là ánh chớp của một cái ngã riêng biệt kiên cố, mà là sự biến hiện rực rỡ của một thể nhập hòa điệu giữa cá thể và ngoại cảnh chung quanh.

Ðây là điều mà vị tổ khai sáng của tông Tào Ðộng ở Nhật, thiền sư Ðạo Nguyên (Dogen Zenji) đã ngụ ý khi ngài bảo rằng sinh và tử chính là mạng sống Phật. Sinh và tử là nhịp đập của mạng sống Phật.

Ở đâu có một ngàn con người, trong một ngàn lối sống, sẽ có một ngàn vị Phật hiển lộ. Phật hiển lộ trong đồi núi, trong thung lũng, cỏ cây, qua muôn vàn hiện tượng khác nhau. Cái tâm thể hiện nơi bất cứ mọi hình tướng nào trước mắt ta, nơi bất cứ phương hướng nào chung quanh ta là cái tâm đáng kính ngưỡng; đó chính là tâm Phật, đó chính là mạng Phật vậy.

Riêng đối với cá nhân tôi, chữ sinhtử được hiểu như Ðời Sống Lớn Rộng, đầy năng động và nhẩy múa thật linh hoạt. Trong suốt quyển sách này tôi đã nói chuyện với các bạn về đời sống lớn rộng, nhẩy múa thật linh hoạt này và về tiến trình tôi đã trải qua để có được cái nhìn như vậy về đời sống.

Như tôi đã nói trước đây, khi chấm dứt một bài giảng, tôi thường yêu cầu mọi người hãy quên hết những điều tôi vừa nói. Nhưng mặc dù vậy, tôi cũng tha thiết mong rằng những lời kể vụng về của tôi sẽ là một khích lệ, phần nào giúp cho bạn sống được đời sống của mình - sống với hết tâm ý trong từng giây từng phút, trong ý thức trọn vẹn trước mắt đời sống bao la lớn rộng, đầy năng động, và nhảy múa thật linh hoạt./.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.19 khách