Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Trong khi tham dự một ngày tu học với đề tài "Ngày Quán Niệm Tết" do Trung Tâm Thiền Quán Sinh Thức tổ chức, tôi được một anh bạn ngồi thiền bên cạnh tặng cuốn sách "Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại" của tác giả Nguyễn Duy Nhiên trước khi lên xe ra về. Nay tôi đánh máy lại cuốn sách đăng vào chia sẻ với mọi người.
Hình ảnh

ĐỪNG LỖI HẸN VỚI THỰC TẠI
Nguyễn Duy Nhiên
Nhà Xuất Bản Hồng Đức - 2013
  • TRONG SÁNG
    Một Cái Thấy Sáng Tỏ

    ______________________________


    Có vị thiền sư dạy chúng ta trong khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra, đừng nên theo bài bản hay phương pháp quá, mà hãy để tất cả có mặt trong điều kiện tự nhiên. Hãy tiếp xúc bằng một cái thấy trong sáng, còn đối tượng là gì, hay trạng thái nào, cũng không quan trọng.

    Vấn đề không phải là ta nên giải quyết như thế nào, mà quan trọng là ta có thấy rõ lại chính mình trong thực tại này không. Thấy đúng rồi thì ta mới có thể làm đúng được.

    Chúng ta bao giờ cũng muốn sửa đổi hoàn cảnh, nhưng chính mình có thật sự thấy được những gì đang cần sự sửa đổi không?

    Muốn có hành động đúng, lời nói đúng, suy nghĩ đúng, hành xử đúng, đức Phật dạy, trước hết chúng ta cần phải có một cái thấy cho sáng tỏ.


    ______________________________


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Mà Quên Sương Tuyết
Tôi thích thơ Haiku. Mỗi chữ như hạt sương nhỏ chứa trọn một vầng trăng, mỗi câu thơ đơn sơ nhưng chuyên chở được cả một thực tại. Nơi tôi ở bây giờ là mùa đông. Mấy hôm trước trời có một cơn mưa tuyết. Buổi tối bước ra vườn, con đường nhỏ phủ tuyết màu trắng sáng xanh dưới ánh trăng. Chợt nhớ đến câu thơ của Basho:
  • Quét tuyết sương
    Mà quên sương tuyết
    Cây chổi trong vườn
Hình ảnh tuy đơn sơ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được sâu sắc một sự tĩnh lặng và một thái độ vô cầu. Giữa cuộc đời, ta hãy làm những gì cần làm mà vẫn thong dong giữa những đến đi, mất còn trong cuộc sống.

Chỉ Cần Một ý Thức Sáng Tỏ

Trong đạo Phật có nói về một yếu tố giúp ta có được một cuộc sống thong dong hơn, bớt dính mắc hơn khi tiếp xúc với thực tại, đó là một cái thấy tự nhiên và trong sáng.

Có một câu chuyện về Tổ Long Thọ (Nagarjuna). Một anh ăn trộm tìm đến gặp ngài Long Thọ nói, "Thưa Thầy, con là một tên ăn trộm, nhưng con rất muốn được làm đệ tử của Thầy, con thật lòng và nhất định dầu cho Thầy có đuổi con cũng không đi. Xin Thầy hãy nhận con làm đệ tử, nhưng cũng xin Thầy đừng bắt con phải bỏ nghề ăn trộm này, vì con đã cố gắng từ bỏ nhiều lần nhưng không thể nào được!"

Ngài Long Thọ nhìn anh ta rồi nói, "Ta không có vấn đề hay lo ngại gì hết. Anh có tâm cầu đạo như vậy rất tốt, ta sẽ nhận anh làm đệ tử của ta. Từ nay anh hãy sống và làm những gì anh làm, nhưng ta chỉ có một điều kiện thôi: là anh phải có ý thức rõ ràng về những hành động của mình mà chỉ cần thấy đơn giản và tự nhiên thôi, chứ cũng không cần phải dụng công gì hết". Anh ăn trộm vui mừng nhận lời ngay, vì ngài không hề bắt anh phải từ bỏ nghề sống của mình.

Một tháng sau anh ăn trộm trở lại gặp ngài Long Thọ và nói, "Lời dạy của Thầy thật là khó thực hiện, vì mỗi khi con có ý thức rõ ràng thì tự nhiên con không thể nào làm chuyện bất thiện được, vì con thấy được nguyên nhân của khổ đau. Và những khi con bất cần, và cứ làm việc bất thiện, thì cái thấy trong sáng của con cũng không thể nào có mặt nữa!"

Một Mảnh Trăng Lấp Đầy

Cuộc sống có những ràng buộc và bất an, nhưng ta vẫn có thể bước đi thong dong được, bạn có nghĩ vậy không? Quét tuyết sương, mà quên sương tuyết... Chúng ta không bao giờ chối bỏ được sự có mặt của khổ đau, nhưng chúng ta cũng có thể tiếp xúc được với hạnh phúc bằng một cái nhìn sáng tỏ.

Đối với tôi trong giờ phút này, hạnh phúc là được ngồi yên bên ly cà phê với một người bạn, nghe một lời kinh xưa, đi thiền hành dưới trời nắng ấm, hay được đọc một bài haiku hay... Còn bạn nghĩ sao? Mỗi phút giây này cũng là một giây phút duy nhất trong cuộc đời mình. Chúng ta có thể chán nản, phiền muộn về nó, hoặc chúng ta cũng có thể thấy những gì bình yên đang có mặt tự nhiên.
  • Trên đầu ngọn cây
    Khoảng trống nơi cành khô gãy
    Một mảnh trăng lấp đầy
    • Phan Thị Kiều Trang
Trong đêm khuya, nơi khoảng trống giữa những nhánh cây gầy guộc khô gãy ấy, bạn có thấy chăng một vầng trăng sáng.

Là Thực Tại Tự Nhiên

Thiền sư Lâm Tế có nói về địa hành thần thông, có nghĩa là ta đang thể hiện thần thông trong mỗi bước chân của mình. Sự tu tập không phải để giúp ta đạt được những khả năng phi thường như là đi được trên lửa, bay trên mây hoặc bước trên mặt nước, mà phép lạ là đi trên mặt đất. Và khi ta ý thức được rằng những gì ta muốn chưa chắc gì sẽ có mặt ở nơi ta đến, nhưng lúc nào cũng có thể có mặt trong bước ta đi, ta thanh thản và thật sự có mặt với mỗi bước chân của mình. Phép lạ không phải là làm sao để mình vượt qua hoặc tránh né, mà là để thật sự có mặt trong thực tại.

Có lẽ, lý thuyết thì bao giờ cũng dễ hơn thực hành! Nhưng tôi nghĩ, tất cả đều bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức và cái nhìn của mình mà thôi. Muốn có cái thấy sáng tỏ ấy ta phải dùng đến thần nhãn của mình. Ta thường cho rằng, người có thần nhãn là người có thể nhìn xuyết suốt được qua khắp ba nghìn thế giới, thấy được quá khứ và tương lai, hoặc nhìn thấy được hào quang của Phật... Nhưng có lẽ ngài Lâm Tế sẽ nghĩ khác, thần nhãn là thấy được những gì đang có mặt trong giây phút này, như chúng thật sự là. Có tuyết sương thì ta quét sương tuyết, nhưng rồi ta nắm giữ lại làm gì, thì hạnh phúc cũng sẽ là một thực tại tự nhiên thôi, phải không bạn?

Trăng Vào Cửa Sổ

Mùa đông năm nay trời có mưa nhiều và thật lạnh. Những ngày bước ra ngoài, sương mù dày đặc không gian phủ kín khu vườn, che khuất đường đi. Và trong cuộc đời, đôi lúc nhớ lối đi xưa bị che lấp mà ta lại chợt thấy được con đường mới. Nhờ có những khổ đau mà mình lại tìm được sự thong dong.

Có những đêm khuya sau khi tắt chiếc đèn nhỏ bên bàn viết, tôi thấy trăng soi vào thật sáng.
  • Trong lều nhỏ
    Một ánh sáng vuông
    Trăng vào cửa sổ
    • Basho
Và bạn có thấy không, ánh sáng vuông ấy cũng thật như một vầng trăng trong sáng ngoài kia...


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Có Nhìn Thấy Không?
Có một thiền sinh vào tham vấn với vị thầy của mình. Anh ta than phiền là sau nhiều năm dụng công tu tập anh cảm thấy bế tắc, vẫn không lãnh hội và thấy được đạo pháp.

Vị thầy lắng nghe rồi nhìn anh nói, "Nếu con nghĩ rằng tu tập có nghĩa là mình phải cố sức tìm kiếm để đạt được một điều gì đó, thì việc ấy rất sai lầm".

- "Thưa thầy, con không hiểu ý thầy..." Người thiền sinh lộ vẻ bối rối.

Vị thầy đứng dậy bảo anh theo ông bước ra ngoài vườn. Cả hai đứng yên ngước nhìn lên cao, dưới một bầu trời đêm lấp lánh ngàn vì sao vụn vỡ.

- "Con có thấy những vì sao ấy không?" Vị thầy hỏi.

- "Dạ thưa có!"

- "Con có thấy hết tất cả những vì sao ấy không?"

- "Dạ thưa, con thấy hết tất cả những vì sao nào mà mắt con có thể nhìn thấy được..." Anh ta dè dặt trả lời.

- "À, mà ta không biết con có nhìn thấy vì sao này không?" Vị thầy đưa tay chỉ lên bầu trời đêm.

Người thiền sinh trẻ nhìn theo hướng vị thầy chỉ và thấy có một ngôi sao lấp lánh. Anh đáp, "Dạ, thưa con thấy".

- "Và con có thấy vì sao nằm ngay sát ở bên nó không?"

Người thiền sinh có nhìn một hồi, rồi đáp rằng không có một ngôi sao nào khác ở cạnh bên hết.

- "Có chứ! Mà con đừng nên cố gắng gì hết, cứ nhìn lại đi rồi sẽ thấy". Vị thầy nói.

Người thiền sinh nghe lời và buông bỏ hết những cố gắng của mình, đứng yên nhìn lại một hồi. Và anh chợt khám phá ra là có một vì sao thật mờ ở ngay bên cạnh ngôi sao sáng kia. Và vì ngôi sao ấy rất yếu, nên nếu nhìn thẳng vào nó ta sẽ không thể nào thấy được. Mắt ta chỉ có thể thấy được vì sao ấy khi mình không cố gắng tập trung thẳng vào nó, mà hướng nhìn xích qua phía bên một chút.

- "Dạ thưa thầy, con đã thấy vì sao mờ cạnh bên đó rồi!"

- "Con biết không, sự tu học của con cũng giống như những vì sao trên bầu trời vậy. Càng cố sức tìm kiếm, ta lại càng vô tình làm ngăn trở đi cái thấy của mình. Nhờ không dụng công vô ích mà cái thấy của con được trọn vẹn hơn. Con có hiểu không?"

Người thiền sinh trẻ cảm thấy như tâm mình bừng vỡ trước lời giải thích của vị thầy. Nhưng làm sao thầy mình lại biết được là ngay cạnh bên vì sao sáng ấy lại có một ngôi sao khác mờ hơn ở kế bên?

- "Con biết không, trên bầu trời này có hằng hà sa số những vì tinh tú", vị thầy đáp, "mà thật ra ta không biết chắc là hai người có thể cùng nhìn thấy chung một vì sao không nữa! Những vì sao có mặt, chúng nhiều hơn là những gì ta có thể nhìn thấy được gấp triệu lần. Vì vậy, ta biết chắc rằng mỗi ngôi sao đều có một vì sao khác cạnh bên, dù rất mờ ảo, và mình chỉ có thể thấy được nêu ta biết chuyển hướng nhìn sang bên một chút. Và đó cũng là một sự thật về cuộc sống, chúng ta thường chỉ nhìn thấy những gì mình muốn tìm kiếm, mà lại đánh mất đi những cái khác.

Đừng Đóng Khung Hạnh Phúc

Bước vào một khu vườn, nếu như ta chỉ biết chú tâm tìm kiếm một loài hoa mà mình ưa thích, ta lại có thể vô tình không nhìn thấy và thưởng thức được những đóa hoa đẹp khác chung quanh. Hạnh phúc thật sự có mặt nhiều hơn những gì ta "thấy" là hạnh phúc. Và nhiều khi hạnh phúc cũng đang có mặt ngay bên cạnh những khó khăn của mình. Đôi lúc muốn thấy được hạnh phúc, ta phải biết buông bỏ cách nhìn theo thói quen xưa cũ của mình với những thành kiến và ý niệm sẵn có.

Ta không thấy, vì ta chỉ biết tìm kiếm những gì thích hợp với khuôn mẫu mà mình muốn. Mà bạn nghĩ, hạnh phúc thật sự có một khuôn mẫu cố định nào chăng? Thật ra, nhiều khi khuôn mẫu ta đặt ra lại chính là cái nguyên nhân của khổ đau, nó đóng khung và giới hạn lại hạnh phúc của mình. Ta chỉ an vui và cảm thấy hài lòng khi sự việc xảy ra đúng theo một khuôn mẫu ấy. Vị thiền sư nhắc nhở chúng ta rằng, một cách để thấy được hạnh phúc là ta thôi dụng công tìm kiếm, chỉ cần đừng để những hạnh phúc đang có mặt bị lu mờ bởi những ý niệm sẵn có của mình mà thôi.

Đừng Tìm Cầu Bằng Ý

Tôi nhớ vào khoảng thập niên 80, người ta thường bày bán những bức tranh thuộc loại hình ảo ba chiều, 3D Stereograms. Đây là những tấm hình có chiều sâu mà bạn phải nhìn xuyên qua nó như một tấm gương, bạn mới có thể thấy được hình ảnh thật nằm ẩn dấu trong đó. Đứng trước một tấm ảnh 3D Stereograms, bạn cố sức nhìn nhưng không thấy gì hết và càng cố sức tập trung nhìn cho rõ ta lại càng thất vọng. Nhưng vừa khi bạn buông thả tự nhiên, thôi không tìm kiếm gì trong đó nữa, thì tự nhiên hình ảnh nằm ẩn sâu trong ấy hiển lộ ra rất rõ rệt, và thật bất ngờ.

Nếu như bạn đang có một phiền muộn hay khó khăn nào, bạn hãy thử buông thả sự tìm kiếm hạnh phúc của mình đi, và trở về tự nhiên với những gì đang có mặt. Và nhờ không tìm kiếm nữa, thôi nắm bắt một ý niệm cố định nào về hạnh phúc, mà thật ra mình cũng chưa chắc biết ró nó là gì, ta cho phép hạnh phúc thật sự được hiển lộ ra.

Đôi khi thực tại phải được tiếp xúc bằng tâm chứ không thể nắm bắt bằng ý. Vì những gì ta nghĩ là hạnh phúc chưa chắc đó là hạnh phúc. Khi tâm ta càng rộng mở, không mong cầu bao nhiêu, thì cái thấy của mình càng được trong sáng bấy nhiêu. Và bạn biết không, nếu ta dừng lại cho yên với một cái nhìn tự nhiên, thì bầu trời kia, dù ngày hay đêm, bao giờ cũng vẫn đang có hàng ngàn vì sao lấp lánh sáng đẹp diệu kỳ.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Đâu Chỉ Của Mình Trăng Thôi
Có lần bà Sylvia Boorstein, tác giả quyển Thiền Quán Thực Hành" được mời vào lớp sáu của đứa cháu ngoại để nói về đạo Phật, lớp của các em cũng mới vừa học xong về xứ Ấn Độ. Sau khi bà Sylvia trình bày, có một em trai đưa tay lên hỏi,

- "Cháu có nghe nói là những người tập thiền giỏi, họ có thể biết trước được tương lai của mình, có phải vậy không?"

Bà đáp, "Có thể, nhưng đó không phải là mục đích của thiền!"

Nó hỏi tiếp, "Thế thì bà có biết ai tập thiền và có được thần thông không?"

"Bà có nghe nói về một thiền sư ở Ấn Độ có khả năng đi xuyên được qua tường!"

Em có vẻ không tin lắm, "Nhưng bà có chính mình thấy được việc ấy không?"

"Bà cũng chưa chứng kiến điều ấy, nhưng mà vị thầy của bà kể lại là ông đã nhìn thấy, và bà chỉ dựa vào lời của ông mà thôi".

"Nhưng làm sao người ta có thể đi xuyên qua tường được?"

Bà Sylvia cố gắng giải thích thêm, "Bà nghĩ có lẽ cũng giống như là cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi những phân tử rất nhỏ hợp lại, và những người có năng lực thiền định giỏi họ có thể tự làm tách rời những phân tử ấy ra, đi xuyên qua tường, và rồi họ gom hợp chúng lại với nhau như cũ!"

Bé trai im lặng, suy nghĩ một hồi, rồi nói "Cháu thấy là nếu họ làm như vậy, mà rủi như họ đang đi xuyên bức tường, và quên thiền tập, họ có thể bị kẹt cứng trong bức tường ấy luôn không?'

Những Bức Tường Của Cuộc Đời

Các em nhỏ lúc nào cũng có những suy nghĩ và thắc mắc mới lạ bạn hả! Câu chuyện ấy cũng khiến tôi liên tưởng đến những "bức tường" vô hình trong cuộc sống chúng ta. Có biết bao lần, chúng ta đã bị kẹt cứng trong những "bức tường" của hờn giận, lo âu, của thất vọng, sợ hãi... không thể thoát ra được.

Trong thiền quán thì phép lạ không phải là đi xuyên qua tường hay đi trên mây, mà phép lạ là đi trên mặt đất. Địa hành thần thông. Tổ Lâm Tế nói, phép lạ là ta có thể đi như một người có tự do, thong dong giữa những bận rộn và lo toan của cuộc đời, không bị vướng mắc hay kẹt vào nơi đâu cả. Nhưng thật ra, không phải chỉ có muộn phiền mới là những "bức tường", mà đôi khi ta cũng có thể bị kẹt trong những bức tường của "hạnh phúc" nữa.

Trong quyển Hồ Walden, ông Henry David Thoreau viết, "Tôi thấy những người trẻ thật là bất hạnh khi họ được thừa kế những tài sản lớn lao của cha ông mình... vì chúng là những gì mà mình thu nhận vào thì dễ mà buông bỏ ra thì rất khó". Đâu phải chỉ có khổ đau, mà những may mắn trong cuộc đời, những thành đạt và ý niệm về hạnh phúc, cũng có thể là những bức tường đóng kín nhốt ta lại, bạn nghĩ vậy không?

Tôi có những người bạn, đời và đạo, chúng tôi thân mật với nhau cho đến khi mình khoác lên một chiếc áo nào đó. Bạn biết không, những địa vị tuy cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng cũng dễ khiến làm chúng ta trở nên nhỏ hẹp đi, mà cũng đôi khi dễ vô tình che khuất đi chút tình người.

Con Ngỗng Trong Bình

Bức tường giam giữ ta thường được tạo tác từ những gạch đá muộn phiền của quá khứ, hoặc những lo sợ hay mong cầu ở tương lai. Nhưng bạn nghĩ chúng ta có thể thoát ra được bằng cách nào đây?

Trong nhà thiền có một câu đố như vầy, hãy tưởng tượng là có một con ngỗng con còn nhỏ người ta bỏ vào trong một cái bình và nuôi trong một thời gian, con ngỗng ấy lớn lên vừa khít với cái bình. Bây giờ vấn đề là làm sao ta có thể đem con ngỗng ấy thoát ra ngoài, mà không đập vỡ cái bình, và cũng không làm gì tổn thương đến con ngỗng?

Và, một giáp pháp đơn giản là "Con ngỗng ấy ra rồi!" Đó là câu trả lời của thiền sư Nam Truyền đáp cho cư sĩ Hoàn Công. Tôi hiểu rằng, vì chúng ta tự tưởng tượng ra vấn đề con ngỗng ở trong bình, thì bây giờ mình chỉ cần cho nó thoát ra ngoài thôi. Chứ con ngỗng đâu có thật, mà cái bình giam nó cũng đâu có thật. Tất cả đều do tự mình đặt ra thôi.

Có những khổ đau trong cuộc sống cũng tương tự như vậy, ta tự đặt ra những khuôn mẫu cứng ngắc, rồi đóng khung và nhốt kín lại hạnh phúc của mình. Và ta loay hoay trong khổ đau để mong tìm một giải pháp, mà nếu như tự mình nhốt mình lại, thì cũng chỉ tự mình mới có thể cho phép mình thoát ra được thôi, phải không bạn?

Tháo Gỡ Bằng Cái Thấy Trong Sáng

Muốn thoát ra ngoài sự giam cầm ấy, ta phải biết nhận diện và thấy ra được những gì đang trói buộc mình. Nhiều khi chúng không phải do hoàn cảnh bên ngoài, mà do phản ứng và sự dính mắc của ta với những gì xảy ra. Nhưng cũng nhờ có những va chạm ấy, mà ta có thể thấy ra được khổ đau ngay nơi gốc rễ của nó.

Thiền sư Lâm Tế viết, "Chúng ta không thể nào giải quyết được những vấn đề của quá khứ, trừ khi qua sự liên hệ với hoàn cảnh hiện tại. Lúc cần thay đồ thì ta mặc áo vào, đến khi cần lên đường thì ta bước ra đi. Có vậy thôi!" Ta chỉ có thể giải quyết được những vấn đề của quá khứ, hoặc chăm sóc cho các dự án ở tương lai, qua sự ứng xử của mình ngay trong giờ phút này. Và theo như ngài Lâm Tế, thật ra ta cũng không cần làm một việc gì phi thường, chỉ cần chú tâm và quan sát những gì đang có mặt trong thân tâm khi tiếp xúc với xung quanh.

Chú tâm, quan sát không phải để ta tìm kiếm một tuệ giác hay một giải pháp nào đó, mà là biết nhận diện để tự khám phá ra những gì đang có mặt ngay ở nơi mình.

Những khi ta có vấn đề với người thân, khi cảm thấy bất an, đối diện với một khó khăn, hay trong lúc lo sợ và bối rối... ta hãy quay nhìn lại những gì đang xảy ra một cách trung thực, với một tâm không mong cầu. Được bấy nhiêu thôi vấn đề cũng sẽ tự nó được chuyển hóa nhiều rồi, nhờ ta biết thôi không còn dựng lên và tự nhốt mình vào những bức tường nữa.

Thật ra vấn đề không phải là ta nên giải quyết như thế nào, mà quan trọng là ta có thấy rõ lại chính mình trong thực tại này không. Thấy đúng rồi thì tự mình mới có thể làm đúng được. Đôi khi chúng chỉ đơn giản như là mặc một chiếc áo, uống một tách cà phê, ngồi chờ một chuyến xe, bước đi trên con đường nhỏ... nhưng ta sống thật trọn vẹn với việc mình làm.

Đâu Phải Của Mình Trăng Thôi

Khi muốn đến một đỉnh núi xa, chúng ta không thể nào đi đến nơi ấy bằng một con đường thẳng duy nhất, hay bước theo một khuôn mẫu cố định được. Sẽ có những lúc mình đi trệch sang trái hoặc bước lạc sang phải. Nhưng nếu như ta cứ tiếp tục biết nhìn lại và có mặt trong giờ phút hiện tại, giữ cho được trong sáng và tự nhiên, thì nó sẽ tự biết sửa chữa và điều chỉnh lại, mà không cần đến sự can dự của ta. Nếu như ta biết cẩn trọng, mỗi bước chân sẽ làm mới lại con đường mình đi.

Có lẽ vì chưa thấy được sự trong sáng tự nhiên ấy, nên ta thường tìm kiếm hạnh phúc nơi một khuôn mẫu nào đó bên ngoài. Biết rằng những khuôn mẫu đôi khi cũng cần thiết, nhưng ta cũng nhớ quay trở về lại với chính mình bạn nhé. Tôi nhớ bài thơ của thiền sư Myoe, thế kỷ 13,
  • Tâm tôi rạng ngời
    Ánh sáng tinh khôi
    Mà trăng cứ ngỡ
    Đấy là ánh sáng
    Của mình trăng thôi
    • Thiền sư Myoe (Nhật Chiêu dịch)


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Đào Lý Vẫn Đơm Hoa
Basho là một vị thiền sư thi sĩ Nhật Bản sống vào thế kỷ thứ 17. Ông cũng đã được công nhận như một nhà thơ Haiku nổi tiếng nhất của mọi thời đại. Có lần, Basho chia sẻ về nghệ thuật làm thơ của mình như sau, "Trong khi viết, ta đừng để mình bị ngăn cách với thực tại, dầu chỉ là một khoảng cách mỏng như một sợi tóc. Ta chỉ có thể hiểu được cây thông từ ngay chính cây thông, ta chỉ có thể học cây trúc từ chính ngay cây trúc... và sự đồng nhất ấy tự nó sẽ sáng tạo nên bài thơ của mình..."

Và cũng vậy, tôi nghĩ, ta chỉ có thể tiếp xúc được với sự sống của mình ngay chính nơi thực tại này, mà không thể bằng một lý thuyết hay đường lối nào khác hơn.

Nhưng dường như ngày nay chúng ta lại thường đặt ra bao nhiêu những phương cách để nắm bắt thực tại. Thật ra, ta chỉ cần mở rộng ra với những gì đang có mặt chung quanh mình, bằng một cái thấy tự nhiên và trong sáng.. Hiện thực này,ta đâu cần phải lao công tìm kiếm, mà chỉ cần dừng lại và nhận diện mà thôi.

Tôi cũng thấy ngày nay người ta thường hay ưa thích dùng những khẩu hiệu như là "nắm bắt ngày hôm nay", như một công thức để sống tích cực, nhưng có lẽ ta cũng cần nên nhìn lại thái độ ấy của mình, Vì thật ra ta không cần phải nắm bắt cái gì hết, chúng ta chỉ cần để yên và có mặt tự nhiên với ngày hôm nay mà thôi. Vì mục đích của ta là để tiếp xúc được với một tuệ giác sẵn có của thực tại, chứ không phải để tìm kiếm một cái gì khác hơn, hay đẹp hơn, theo sự mong cầu của mình.

Sen Và Bùn

Có lần, tôi có dịp tiếp chuyện với một Sư cô ở một tu viện. Trong thiền quán, chúng ta thường quen nghĩ rằng, hạnh phúc có mặt là nhờ sự có mặt của khổ đau. Cũng như sen có mặt là nhờ có bùn nhơ, hay là nhờ có cõi Ta Bà mà Tịnh Độ mới có thể hiện hữu. Nhưng nếu ta nhìn sâu sắc hơn, đừng vướng mắc vào ý niệm, thì có thể ta cũng sẽ thấy rằng, hoa sen có cái "thật" của hoa sen, và bùn nhơ cũng có cái "thật" của bùn. Và nếu như chúng ta để cho chúng được như "đang là", as-is, một cách tự nhiên, thì mỗi cái đều có giá trị hoàn toàn như nhau, chứ không phải vì cái này mà có được cái kia. Cô chia sẻ,

Người ta thường nói đến giá trị của khổ đau là để nâng cao giá trị của hạnh phúc. Cũng như hãy lấy bùn để tôn xưng sự tinh khiết của hoa sen: gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Vì vậy hoa sen thường được dùng làm biểu tượng cho những gì cao quý, thõng tay vào trần mà không nhiễm bụi trần. Giá trị của bùn ở đây là làm sao cho hương thơm của hoa sen càng có giá trị.

Trong kinh có viết "Thị pháp trụ pháp vị", nghĩa là ta nên thấy pháp đúng như thực tánh ngay nơi sự có mặt trong không gian (vị) và thời gian (thời) của nó. Như nó đang là. Mỗi pháp đều có một vị trí, một "đang là" của chính nó, và không thể so sánh với bất cứ gì khác. Hoa sen có "vị" của hoa sen, bùn có "vị" của bùn. Mùi thơm của hoa sen hay mùi hôi của bùn là do cảm quan của chúng ta thôi, chứ sen hay bùn tự chúng nó đâu có nói một lời nào! Mà chúng cũng chẳng muốn nâng giá trị gì cho nhau. Sen mọc trên bùn là do ở nhân duyên, thì đó cũng chỉ là lẽ thường nhiên thôi!

Vì vậy khổ đau có "vị" của khổ đau, hạnh phúc có "vị" của hạnh phúc, giá trị hoàn toàn như nhau nếu chúng được như "đang là". Thật ra thì đâu phải nhờ khổ đau mà ta mới có thể thấy giá trị của hạnh phúc, hay "hạnh phúc chỉ nhận diện được trên cái nền của khổ đau..." Sao ta không thử nhìn thấy hương sen, mùi bùn, hạnh phúc, đau khổ... như nó đang là, và chỉ có thế thôi?

Thật ra, nếu như ta biết ý thức và chấp nhận giá trị của khổ đau, thì đó cũng đã là điều rất tích cực rồi. Nó giúp ta giảm bớt đi những bất an do sự tham cầu, chống đối, vừa lòng, nghịch ý... khi tương giao với mọi sự. Nhưng nếu như ta không vượt thoát khỏi cái khái niệm về "cái này kéo theo cái kia", thì mình sẽ không để cho sự vật được như nó "đang là", vì vẫn còn một ý niệm phân biệt, cho dù rất vi tế.

Trong kinh Hoa Nghiêm có viết "đương xứ tức chân", chỉ có cái đang là ấy mới chính là cái thật và ngoài ra không có cái thật nào khác hơn, nên ta mới có thể nói "Ta Bà là Tịnh Độ" được đúng nghĩa. Chứ không phải nó ám chỉ rằng Ta Bà chỉ là nền (background), của Tịnh Độ. Vì thật ra, đâu phải nhờ có "hậu cảnh" Ta bà mà "chính cảnh" Tịnh Độ mới được tỏa sáng.


Mọi Bất An Đều Có Khuynh Hướng Tự An

Có thể tôi cũng chưa hiểu hết ý sâu sắc của Cô, nhưng như Basho nói, nếu như chúng ta muốn hiểu thế nào là hoa sen thì ta hãy tiếp xúc ngay chính với hoa sen đi, hay bùn nhơ cũng vậy. Vì chỉ có đang là ấy mới chính là cái thực. Mỗi cái đều có một tuệ giác riêng của nó, và ta chỉ cần thấy trong sáng tự nhiên thôi, chứ đâu cần đến một sự phân tách hay suy tưởng xa xôi gì khác.

Nếu như ta để cho chúng được như chúng đang là as-is, buông bớt đi những phân biện của mình, thì tuệ giác sẽ hiện rõ hơn. Các thầy tổ vẫn thường nhắc nhở chúng ta hãy tập buông bỏ những ý niệm và lý thuyết của mình đi, dù cao siêu đến đâu, để cho tuệ giác có thể được có mặt.

Tôi nghĩ, chúng ta chưa tiếp xúc được với thực tại có lẽ vì mình chưa thể đứng yên được những tìm kiếm lăng xăng của mình. Và trong cuộc sống chúng ta lại có thói quen thay thế những lăng xăng này bằng những lăng xăng khác. Mà bạn biết không, cho dù chúng có là vi tế hay tốt đẹp hơn thì đó cũng vẫn là những lăng xăng.

Nhưng nếu ta không làm gì hết, và cứ để yên cho những lo nghĩ và bất an của mình, thì chúng sẽ ra sao hả bạn? Tôi được dạy rằng, nếu như ta biết buông bỏ cái thái độ mong cầu của mình, để cho cái nghe, cái thấy của mình được trong sáng tự nhiên trong giờ phút này, không can thiệp vào, thì mọi bất an đều có khuynh hướng tự nó sẽ trở thành an. Chúng không cần gì đến sự can dự hay một sự tập luyện nào của mình. We need to learn how to step out of our own way.

Đào Hồng Tự Nở Hoa

Sáng nay là một ngày đầu tiên của mùa xuân. Vậy mà mới mấy hôm trước, trời đổ một cơn tuyết lớn ngập trắng khu vườn, lấp kín lối đi ngoài sân. Tuyết phủ trắng xóa những cành cây khô trong khu rừng nhỏ. Đất trời của một ngày tuyết rơi thật yên lặng, không gian tĩnh và đẹp. Sáng nay nắng lại lên, tuyết tan, bước ra ngoài vườn tôi thấy trên cành khô có những nụ hoa tím nở tự lúc nào không hay, dưới ánh nắng trong sáng ban mai đẹp mới tinh.

Tôi nhớ bài thơ của thầy Nhất Hạnh lấy ý từ một công án Thiền của vua Trần Nhân Tông,
  • Bạn là khu vườn của tôi
    Và tôi thường nghĩ tôi là người chăm sóc
    Nhưng mới sáng hôm qua thôi
    Mắt tôi vừa thấy
    Một khu vườn xưa, rất xưa
    Không hề có ai chăm sóc
    Vậy mà
    Khi Xuân về
    Chẳng biết tại sao
    Đào lý vẫn đơm hoa.
Chúng ta có cần phải lao tác tìm kiếm gì không bạn hả, hay chỉ cần để cho tất cả được trong sáng tự nhiên mà thôi, và lý trắng, đào hồng sẽ tự chúng nở hoa...
  • "Vườn xưa vắng mặt người chăm sóc
    Lý trắng đào hồng tự nở hoa".


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Hoa Rơi Vì Nắm Bắt
Thiền sư Ajhan Chah thường nói với những học trò của mình rằng. "Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm của đức Phật dạy là như vầy: Đây là khổ, đây là nguyên nhân khổ, đây là sự chấm dứt của khổ và ngay bây giờ và ở đây là nơi ta chứng nghiệm được những điều ấy". Con đường giải thoát mầu nhiệm và đơn giản như vậy thôi, ta không cần phải tìm cầu một nơi xa xôi nào khác.

Tôi nhớ câu chuyện về một anh thợ may nghèo. Một đêm anh nằm mơ thấy có một vị thần hiện ra bảo anh nên đi về hướng tây, anh sẽ gặp một cây cầu màu đỏ, và nơi đó có chôn một hũ châu báu. Sáng hôm sau anh thức dậy thật sớm, lên đường đi về hướng tây theo lời vị thần chỉ. Đến xế chiều quả thật như lời dặn, anh gặp một chiếc cầu màu đỏ bắc ngang dòng suối lớn, nhưng cạnh đó có một người lính gác.

Thấy anh đứng lấp ló, người lính hỏi anh cần gì. Và người thợ may thành thật kể lại giấc mơ của mình. Nghe, xong, người lính bật cười to và nói, "Tôi cũng có giấc mơ tương tự như ông vậy, có một vị thần bảo tôi hãy đi về hướng đông, sẽ gặp ngôi nhà của một người thợ may nghèo, và đào dưới giường ngủ của anh ta, bên dưới sẽ tìm thấy một kho tàng. Tôi không biết ông là ai, nhưng điều khác biệt giữa tôi với ông là tôi chỉ xem đó là một giấc mơ thôi! Tôi gác cây cầu này nhiều năm rồi, và tôi biết chắc là ở đây không có châu báu gì hết, ông hãy quay về đi!" Người thợ may quay trở về nhà. Và khi về đến nhà, anh đào thử dưới giường ngủ của mình, và quả thật nơi ấy có một hũ châu báu.

Trong cuốc sống của chúng ta ai cũng muốn đi tìm hạnh phúc. Và quan niệm chung thì muốn có hạnh phúc ta phải làm gì, phải được gì, hoặc trở thành một cái gì đó. Như trong cuộc sống thì mình cần phải có một sự nghiệp, đạt được một cấp bằng, hay có một chức vụ nào đó. Dường như là hạnh phúc, đòi hỏi nơi mình một sự tìm kiếm và tạo tác, chứ không thể tự nhiên mà có được.

Hiện Tại Không Thể Nắm bắt

Ngày nay chúng ta thường nghe nói mình phải biết có mặt trong giờ phút hiện tại. Một nhà thơ của La Mã, Horace, dùng chữ "Carpe diem" có nghĩa là "Seize the day" nắm bắt ngày hôm nay, như là một phương cách sống hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ, thật ra điều ấy cũng không được hoàn toàn chính xác lắm. Vì hiện tại đâu thể nào nắm bắt được, mà thật ra chúng ta chỉ cần dừng lại và trở về với giây phút này mà thôi.

Sự trở về sẽ giúp ta buông bỏ những ảo tưởng của mình về thực tại, vì đó đâu thể là thực tại nếu như ta vẫn có ý muốn nó phải là một cái gì khác hơn. Trịnh Công Sơn có đưa ra hình ảnh của một người "nằm mộng suốt đêm trong thiên đường". Và chúng ta cũng có thể đang có mặt ngay nơi mình muốn đến, mà vẫn không cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn cứ còn mơ tưởng về chính nơi ấy.

Tôi nghĩ, vấn đề không phải là "discover" mà là "uncover" hạnh phúc. Hạnh phúc có mặt không phải vì sự lao công, tìm kiếm của mình, mà chỉ cần sự quay trở về để thấy rõ mà thôi. Như lời nhắc nhở của ngài Ajhan Chah, phiền não của ta sẽ được chuyển hóa nhờ sự chứng nghiệm và cái thấy trong sáng của mình trong ngay bây giờ và ở đây.

Nguyên Nhân Của Kiết Sử

Chúng ta thường nghĩ rằng những vần đề và nguyên nhân mang lại cho ta khổ đau chúng nằm bên ngoài ta, hoàn toàn không tùy thuộc vào mình. Nhưng sự thật có phải là như vậy chăng? Trong Tương Ưng Bộ, bài kinh Kiết Sử (S.iv, 281), có ghi như vầy:

"Thưa quý thầy, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: 'Con bò đen là kiết sử (fetter, shackle) cho con bò trắng, và con bò trắng là kiết sử cho con bò đen'. Nói như vậy có chơn chánh không?

Thưa không, này hiền giả, con bò đen không phải là kiết sử của con bò trắng. Và con bò trắng cũng không phải là kiết của con bò đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử (fetter, shackle).


Con bò trắng khổ, và nó tin rằng nguyên nhân gây nên khổ đau cho nó chính là con bò đen kia. Nó muốn con bò đen kia cũng phải bước cùng nhịp với nó, đứng lại như nó, đi về một hướng với nó, quẹo phải như nó. Nhưng thật ra khổ đau nằm ở nơi cái ách đã trói cột nó vào con bò đen, chứ nào đâu phải ở cách hành xử của con bò kia.

Cũng vậy, những gì xảy đến với ta tự chính nó không phải là phiền não, mà chính thái độ và cái chấp của ta mới là kiết sử fetter, là nguyên nhân của khổ đau. Tôi nghĩ, cái ách ấy tượng trưng cho những ước vọng, những mong cầu và ghét bỏ của mình, đối với hoàn cảnh chung quanh, không chấp nhận cho sự vật được như nó là.

Hoa Rơi Vì Nắm Bắt

Cuộc sống tuy có nhiều phiền não, nhưng thật ra có lẽ cũng chỉ có một nguyên nhân mà thôi, đó là vì ta muốn sự việc được khác hơn như nó đang là. Nhưng trong cuộc đời, những gì đang có mặt thì chúng có mặt, những gì đang xảy ra thì chúng xảy ra. Và có lẽ phương cách hay nhất là ta hãy có mặt với chúng một cách trọn vẹn và trong sáng, vì khi ta thật sự có mặt thì những gì mình cần làm sẽ hiển hiện và xảy ra một cách tự nhiên mà thôi.

Thiền sư Đạo Nguyên viết trong Chánh Pháp Nhãn Tạng, "Khi ta trở lại với nơi mình đang có mặt, con đường ta đi ngay trong giây phút này, thì sự tu tập sẽ xảy ra, nó sẽ ứng hợp tự nhiên với những vấn đề trước mắt. Vì nơi chốn ấy, con đường này, không lớn không nhỏ, không là của ta và cũng không là của kẻ khác. Chúng không phải được mang từ quá khứ, mà chỉ đơn sơ khởi lên và hiệu hữu trong ngay bây giờ và ở đây.

Khi bước chân vào con đường tu học, chúng ta ai cũng mong cho mình có được an lạc, hay là vượt thoát được những khó khăn trong cuộc sống. Và ta cứ nghĩ mình cần phải nỗ lực tập luyện để đạt được một điều gì, hay loại trừ một điều nào đó. Nhưng nhiều khi chính vì những nỗ lực ấy mà đã tạo nên bao nhiêu những bất an và khổ đau không cần thiết. Sự tu học thật ra để giúp cho ta có một cái nhìn trọn vẹn và trong sáng về thực tại.

Vô Tình Tiếp Liễu, Liễu Xanh Um

Trời nơi đây bắt đầu vào hè, có những buổi sáng tôi bước lên những bậc thềm trên con đường vào sở làm thật bình yên dưới nắng sớm. Con đường buổi trưa ở nơi này quanh co và thênh thang giữa hai hàng cây cao rợp bóng, che mát mỗi bước chân đi. Căn phòng tôi ngồi có một khung cửa sổ nhìn ra một không gian xanh mát. Hạnh phúc có mặt tự nhiên hơn mình nghĩ.

Trong cuộc sống ta hãy làm những gì cần làm để mang lại hạnh phúc cho mình và người chung quanh. Nhưng ta cũng nhớ rằng, khổ đau và trói buộc không phải do những việc xảy đến, mà do ở thái độ và cái chấp của mình. Nếu như ta đừng muốn nắm bắt thì hoa sẽ không bao giờ rơi rụng, và nếu mình không cố tình loại bỏ thì cỏ dại cũng đâu sẽ mọc đầy!
  • Cố ý trồng hoa, hoa nở muộn
    Vô tình tiếp liễu, liễu xanh um.
      • Bùi Giáng
Nhưng bạn cũng đừng nghĩ điều ấy có nghĩa là ta không cần làm gì hết khi tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn, cứ để mặc chúng lôi kéo mình đi! Vấn đề là ta có tĩnh lặng và trong sáng đủ để biết mình cần phải làm gì chăng. Chúng ta bao giờ cũng muốn sửa đổi hoàn cảnh, nhưng mình có thật sự thấy được những gì đang cần sửa đổi không? Muốn có hành động đúng, lời nói đúng, suy nghĩ đúng, hành xử đúng, đức Phật dạy, trước hết chúng ta cần phải có một cái thấy cho chân chánh.

Tôi nghĩ, thấy được nguyên nhân khổ đau, kiết sử, của chính mình cũng là bước đầu của một cái thấy chân chánh. Mà khi thấy được rồi thì những gì mình cần làm sẽ biểu hiện ra một cách rất tự nhiên thôi.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Bình Thường Giữa Vô Thường
Cuộc sống bao giờ cũng có những đổi thay. Có những đổi thay xoay chậm và từ tốn theo thời gian như bốn mùa, và cũng có những biến đổi nhanh đến bất ngờ.
  • Life changes fast,
    Life changes in the instant.
    The ordinary instant.
    You sit down to dinner
    and life as you know it ends.

    Cuộc sống đổi thật nhanh
    Cuộc sống thay đổi trong phút chốc
    Trong một giây lát bình thường
    Ta ngồi xuống buổi ăn chiều
    và cuộc sống mà ta vẫn thường biết
    chấm dứt.
Bà Joan Didion viết những dòng ấy trong nhật ký của mình. Vào một chiều mùa đông, sau khi hai vợ chồng bà vừa mới trở về từ nhà thương thăm đứa con gái đang bị hôn mê. Hai người đang sửa soạn cho buổi ăn chiều. Lúc ấy, chồng bà bất ngờ bị một một cơn động tim dữ dội, và ông qua đời trên đường chở vào bệnh viện. Trong một giây lát bình thường, cuộc đời của bà đã hoàn toàn thay đổi.

Bà viết, "Cuộc sống đổi thay trong phút chốc, trong một giây lát bình thường. Nhưng tôi nghĩ có lẽ mình không cần thêm vào hai chữ 'bình thường' vì nó không cần thiết. Cuộc sống tư nhiên là như vậy. Khi đối diện trước một tai nạn lớn nào đó bất ngờ xảy ra, chúng ta bao giờ cũng chỉ nhớ đến những sự việc 'bình thường', không có gì là đặc biệt, trước khi biến cố ấy xảy ra, bầu trời trong xanh khi chiếc máy bay rơi, con đường quen thuộc khi chiếc xe bị tai nạn, ciếc xích đu vẫn thường ngày khi đứa bé bị ngã... Ngay cả trong bài tường trình của Ủy Ban Điều Tra 9/11 Commission cũng diễn tả những chi tiết bình thường này 'Thứ ba, ngày 11 tháng 9, 2001. Một buổi sáng ôn hòa, gần như không chút mây trên bầu trời miền Đông Hoa Kỳ'. Tất cả đều là một ngày bình thường..."

Nhưng thật ra, cuộc sống có gì là bình thường chăng.

Bình Thường Nhưng Không Tầm Thường

Ngày mưa trên mái hiên, nắng trưa qua con phố nhỏ, áng mây trôi trong tách cà phê buổi sáng, những chiếc lá bay rộn rã trên con đường lộng gió buổi chiều này... chúng tuy bình thường, nhưng có bao giờ là tầm thường đâu bạn hả!

Ông William Carlos Williams, có viết một bài thơ,
  • I have had my dream - life others -
    and it has come to nothing, so that
    I remain now carelessly
    with feet planted on the ground
    and look up at the sky -
    feeling my clothes about me,
    the weight of my body in my shoes,
    the rim of my hat, air passing in and out
    at my nose - and decide to dream no more.

    Tôi cũng có những ước mơ - như mọi người -
    và chúng không trở thành gì cả, vì thế
    Tôi bây giờ chỉ thong dong thôi
    với bàn chân vững vàng trên mặt đất
    và ngước nhìn bầu trời -
    cảm xúc quần áo trên người
    sức nặng của thân trong đôi giày
    vành nón, không khí ra vào nơi mũi -
    và tôi quyết định không mơ tưởng nữa.
Bạn thử đoán xem tựa của bài thơ ấy là gì? Có người đoán là Một giấc mơ", có người nói là "Chánh niệm", "Sống trong hiện tại", hoặc là "Sẽ không còn mơ mộng nữa"... Bạn nghĩ sao? Tựa của bài thơ ấy là Thurday. Thật đơn giản và bình dị. Thứ năm. Ông Williams có được tuệ giác trong bài thơ ấy trong lúc đi dạo vào một ngày thứ năm bình thường.

Trong một ngày bình thường, không có gì đặc biệt, tác giả trở về với thực tại, tiếp xúc với mỗi bước chân và những cảm giác đang có mặt, và ông quyết định sẽ buông bỏ hết những muộn phiền, suy tư của mình. Ngày thứ năm hôm ấy của ông có lẽ cũng giống như một ngày bình thường hôm nay của bạn và tôi.

Thiền Tập Không Phải Để Thay Đổi Trạng Thái

Mà dường như chúng ta ai cũng ưa thích tìm kiếm những gì là "phi thường" bạn hả. Như trên con đường tu học, chúng ta cũng thường mong tìm đạt những gì có thể giúp ta thay đổi được cái trạng thái "bình thường" của mình, như là mang lại cho mình một trạng thái an vui hay siêu việt nào đó chẳng hạn.

Trong những ngày thiền tập tôi thường nghe người ta đặt câu hỏi rằng, trong lúc ngồi thiền chúng ta có thể chọn một hình ảnh đẹp, hay âm thanh êm dịu nào đó,đẻ giúp mang lại cho mình một cảm giác thư giãn và an tĩnh không?

Ví dụ như là ta tưởng đến một bờ biển với tiếng sóng vỗ rì rào, hay nhìn một đóa hoa tươi đẹp dưới nắng sớm chẳng hạn... Tôi có một người bạn thường thích ngồi thiền trước một khung cửa sổ lớn để được nhìn ra bên ngoài, một không gian thênh thang.

Những kinh nghiệm ấy chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, an tĩnh, tươi mát trong lúc ngồi, nhưng đó có phải là thiền tập không bạn?

Mà Là Để Có Mặt Tự Nhiên

Thật ra trong khi ngồi thiền ta chỉ cần thật sự ngồi nơi chỗ mình đang ngồi, và có mặt với bất cứ những cảm giác nào đang có trong ta. Trong thiền tập ta không nghĩ tưởng về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào, mà chỉ cần biết cảm nhậnthấy ra những gì đang có mặt. Đó có thể là những cảm giác an vui, dễ chịu, và cũng có thể là những cái đau hay sự khó chịu trong thân tâm.

Có vị thiền sư dạy chúng ta trong khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra, đừng nên theo bài bản hay phương pháp quá, mà hãy để tất cả có mặt trong điều kiện tự nhiên. Và khi cái thấy của mình đã được tự nhiên rồi, thì lúc đó chỉ có cái tâm trong sáng, định tĩnh mà thôi, còn đối tượng là gì, hay trạng thái nào, cũng không quan trọng.

Mà nếu như ta có khả năng yên được với chính mình ở nơi này, thì khi ngồi bên bờ biển, hoặc bên tách cà phê nóng, hay với ánh trăng bên cửa sổ, ta mới có thể thật sự tiếp xúc được với tất cả. Còn nếu không thì ta cũng sẽ vẫn lại chỉ mơ tưởng về một tách cà phê hay một ánh trăng xa xôi, hoặc một nơi chốn xa vời nào khác mà thôi.

Một Tâm Máy Móc

Tôi thấy ngày nay chúng ta cũng thường muốn sáng tạo thêm những phương tiện mới, để giúp cho con đường tu học của mình được dễ dàng và có nhiều hiệu quả hơn. Nhưng đôi khi những sự tạo tác ấy lại có thể vô tình làm mình tách rời xa thực tại tự nhiên.

Ông Trang Tử nói, người ta thường chỉ nghĩ tới cái ích lợi mà quên đi cái tâm bình thường trong sáng của mình. Ông gọi cái tâm tính toán, tạo tác ấy là cơ tâm, một lòng máy móc.

Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau.

Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đàng sau nặng, đàng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ dàng, và tên gọi là "Máy lấy nước".

Ông lão nói: Lão nghe thầy lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ tâm (lòng máy móc), có cơ tâm thì không còn sự trong trắng nữa nên tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Đạo sẽ lánh xa, không che chở cho mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi, nhưng hễ có cơ giới tức có cơ sự, kẻ có cơ sự tức có cơ tâm. Lão đây có phải không biết ích lợi ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.


Nhưng không phải ông Trang Tử khuyên chúng ta đừng nên sử dụng đến cơ giới đâu bạn. Tôi nghĩ ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta nên thận trọng, vì những sự khôn khéo và tạo tác của tâm mình dễ làm phát triển một cơ tâm, rồi đánh mất đi sự an ổn tự nhiên sẵn có trong ta.

Tâm Bình Thường Thị Đạo

Có lẽ vì vậy mà các thầy tổ thường khuyên chúng ta hãy nên lấy cái tâm bình thường mà học đạo bạn hả? Chúng ta đâu cần đi tìm cầu những trạng thái phi thường, hoặc một pháp môn cao xa nào, mà đánh mất đi sự sống nhiệm mầu đang có mặt ngay trong mỗi khoảnh khắc bình thường và ngắn ngủi này. Hãy tiếp xúc với tất cả bằng một cái thấy tự nhiên và trong sáng.

Có lần thiền sư Basho đi một mình trên con đường quê nhỏ vào một buổi sáng mờ sương. Có lẽ trời đang mưa phùn, những hạt mưa bụi nhẹ bay như sáng hôm nay. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một cái gì đó là lạ nơi hàng giậu cũ kỹ đổ nát bên đường, ông bước lại gần và thấy một cành hoa nazuna trắng đang nở. Và trong giây phút ấy ông bỗng chợt thấy mình trở thành một với hiện hữu.
  • Ta nhìn sâu xa
    Bên hàng giậu nở
    cành Nazuna
    • (Nhật Chiêu dịch)


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • 4 Phút 33 Giây
Một ngày lất phất mưa tháng tám năm 1952, tại thành phố Woodstock ở tiểu bang New York có một buổi hòa nhạc giới thiệu những sáng tác của nhạc sĩ, cũng vừa là một học giả về âm nhạc, John Cage. Trong chương trình có ghi một sáng tác mới của ông với tựa là 4' 33", bốn phút ba mươi ba giây, sẽ do nhạc sĩ David Tudor độc tấu bằng piano.

Bài nhạc 4' 33" gồm có ba phần (three movements), Tudor bước lên sân khấu chào khán giả. Ông ngồi xuống bên chiếc piano, lấy chiếc đồng hồ ra điều chỉnh lại và đặt trước mặt. Tudor nhẹ nhàng đóng lại nắp đàn, cẩn trọng nhìn bản nhạc, ngồi yên bất động trong 30 giây. Ông mở nắp phím đàn lên dấu hiệu phần thứ nhất chấm dứt.

Phần thứ hai, Tudor nhẹ nhàng khép lại nắp phím đàn trên chiếc piano. Ông cẩn trọng theo dõi tờ nhạc và ngồi yên không cử động trong 2 phút và 23 giây. Bên ngoài tiếng gió lộng thổi luồn vào những cánh cửa mở rộng ở cuối khán phòng xen lẫn với tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà.

Phần thứ ba. Ông cẩn thận khép lại nắp đàn trên chiếc piano, và chăm chú nhìn vào tờ nhạc và ngồi yên trong 1 phút và 40 giây. Thính giả bắt đầu thầm thì nói nhỏ với nhau, có người lộ vẻ khó chịu, có nhiều tiếng sột soạt vang lên trên những hàng ghế ngồi.

Tudor đứng dậy chào khán giả và bước xuống sân khấu. Bài độc tấu piano đã chấm dứt sau 4 phút và 33 giây. Không có một nốt nhạc nào được chơi.

Sau buổi trình diễn ấy, tác phẩm 4' 33" của ông John Cage đã bị các nhà phê bình âm nhạc chỉ trích khá nặng nề, họ đặt tên cho nó là "Đoản khúc thinh lặng", the silent piece. Nhưng thật ra bài nhạc ấy không phải để diễn tả sự thinh lặng, mà nội dung của nó là bao gồm hết tất cả những âm thanh nào đang có mặt chung quanh trong lúc bài nhạc được trình diễn. Trong bài 4' 33" cả tác giả và người nhạc sĩ đều hoàn toàn không có một tác động nào đến bài nhạc. Những âm thanh nào thính giả sẽ lắng nghe khi bài nhạc được trình diễn hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của tác giả.

Vài năm trước khi qua đời, ông Cage có chia sẻ thêm về bản nhạc này trong một bài phỏng vấn:

Cage: Tôi biết là người ta sẽ xem bài nhạc ấy như là một trò đùa, nó không được xem như là một tác phẩm thực sự... Đến bây giờ tôi vẫn ngờ là nếu có ai thật sự hiểu được nó.

Hỏi: Theo cái hiểu của đa số quần chúng thì ý định của bài nhạc là mở rộng người nghe ra, tiếp xúc với tất cả những âm thanh đang có mặt chung quanh mình và...

Cage: Và chấp nhận hết tất cả...

Hỏi: Vâng.

Cage: Và cho dù là mình đang có dựa trên một cái gì đó làm cơ sở, nền tảng. Cái hiểu lầm của đa số là ở chỗ ấy.

Hỏi: Thế thì chúng ta nên hiểu nó như thế nào?

Cage: Nó chỉ có thể mở rộng ta ra với bất cứ một tình trạng nào, nếu như ta không chấp vào một cơ cở hay nền tảng nào hết. Nhưng theo tôi thì ít ai có thể hiểu được điều ấy.

... Người ta thường có một kinh nghiệm tâm linh là đôi lúc họ cảm thấy rằng không có một cái gì chung quanh mà lại không có liên hệ đến mình. Và đó cũng là kinh nghiệm của sự yên lặng.


Hỏi: Thông điệp của bài nhạc thinh lặng này dường như là tất cả mọi sự kiện đều được cho phép.

Cage: Tất cả mọi việc đều được cho phép nếu như con số không (zero) được chọn làm nền tảng. Đó là điều mà chúng ta thường không hiểu rõ. Nếu như ta không có một ý định nào hết thì tất cả mọi việc đều có thể được. Và nếu như ta có một chú tâm nào đó, thì sẽ không thành được.

... Đó là khi những ý định của ta trở thành con số không (zero). Và khi ấy mình sẽ đột nhiên khám phá ra rằng thế giới này kỳ diệu vô cùng
.

4'33" Và Zen

Âm nhạc là những âm thanh được sắp đặt theo một giai điệu hòa hợp nào đó. Nhưng ông John Cage cho rằng bất cứ âm thanh nào, dù tự nhiên và bất ngờ, cũng có thể là âm nhạc. Bài 4' 33" của ông Cage phản ảnh tư tưởng thiền Zen mà ông đã theo học, và trong thời gian nghiên cứu thiền ông cũng đã có dịp tiếp xúc với tiến sĩ D. T. Suzuki, tác giả của Thiền Luận.

Tôi nghĩ bài nhạc 4' 33" này cũng có thể gợi ý cho chúng ta về sự thực tập trên con đường tu học của mình. Có lẽ sự tu tập của ta cũng có thể được biểu hiện bằng một sự trôi chảy tự nhiên, chấp nhận những bất ngờ, với một ý thức sáng tỏ, mà không cần phải theo một bài bản nhất định nào sẵn có hết.

Chánh Niệm Là Sự Tự Nhiên

Trong sự thực tập chánh niệm, ngài Trungpa Rinpoche, một vị đạo sư Tây Tạng, dạy học trò của ông rằng điều quan trọng là đừng nên có một lập trình sẵn có nào trong sự thực tập của mình, not have a program of awareness. Thay vì cứ lặp đi lặp lại theo một bài bản nào sẵn có thì ta chỉ cần tiếp xúc trực tiếp ngay với những gì đang xảy ra mà thôi.

Ông nói, khi đối diện với một vấn đề khó khăn nào đó, ta không cần phải nghĩ rằng, "Tôi phải giữ chánh niệm!" mà chỉ cần cho phép mình cởi mở và tiếp xúc ngay với những gì đang xảy ra. Ngài Trungpa khuyên học trò của mình rằng, ta không cần nghĩ là mình phải cần có một phương cách hay một kỹ thuật nào đó để giữ chánh niệm, ta hãy cứ mở rộng ra và giữ cho sự trải nghiệm ấy được tự nhiên. Vì nếu như ta thấy rõ được sự việc như nó đang là thì đó cũng chính là chánh niệm.

Và cho dù như ta không chắc sự thực tập của mình có đúng hay không, việc ấy cũng không sao, miễn là ta ý thức được điều ấy. Những gì xảy ra sẽ chỉ cho ta thấy điều gì mình cần phải tự điều chỉnh lại, nếu như ta thật sự biết lắng nghe. Và nhiều khi nhờ không có cái ta của mình chen vào mà sự việc lại được sáng tỏ hơn.

Vô Thường Có Nghĩa Là Luôn Mới

Trong cuộc sống muốn làm việc gì thì chắc chắn ta phải cần đến phương pháp và phải có một chương trình rõ ràng. Điều ấy cũng là một việc cần thiết và dĩ nhiên thôi. Nhưng trên con đường tu học, nếu như ta muốn thấy được thực tại như-nó-là, một cái thấy sâu sắc vượt ra ngoài những khái niệm, ta cần phải có một cái nhìn mới.

Cuộc sống trôi chảy tự nhiên với những bất ngờ,vì vậy mà sự tu học của ta khó có thể dựa trên một khuôn mẫu cố định nào được. Những lập trình sẵn có thường chỉ với mục đích để giúp ta giải quyết một vấn đề nhất định và cần thiết nào đó. Nếu ta biết thận trọng chú ý quan sát những gì đang xảy ra và tự nhiên, chúng sẽ mở rộng ta ra với một thực tại trong sáng và hoàn toàn mới lạ.

Có một câu chuyện vui như thế này. Trong ngôi làng nọ, mỗi sáng có một vi tu sĩ rời nhà và đi xuống phố để đến đền thờ của mình. Sáng nào ông cũng đều làm việc ấy. Một hôm khi đi ngang qua trạm canh ông gặp một người lính gác, anh này biết việc làm hàng ngày của vị tu sĩ, nhưng muốn dùa cợt nên hỏi: "Sáng nay Thầy đi đâu đó?" Vị tu sĩ trả lời, "Tôi cũng không biết chắc nữa!" Anh lính gác hơi bực mình, hỏi lại. "Thầy đi đâu, đừng đùa với tôi nhé!" Vị tu sĩ vẫn đáp, " Thú thật, sáng nay rôi không biết mình sẽ đi đâu!" Anh lính nghĩ vị tu sĩ muốn châm chọc mình nên bực tức và bắt nhốt vị tu sĩ lại. Vị tu sĩ nhìn anh lính gác nói, "Anh thấy không, tôi có nói dối anh đâu, mỗi sáng tôi thường đi xuống đền thờ, nhưng hôm nay tôi đâu có biết là mình sẽ đi vào tù đâu!"

Câu chuyện vui thôi, nhưng mà đó cũng là một điều hay phải không bạn? Đâu ai biết được! Hôm qua ta có thể đang đối diện với những muộn phiền, khó khăn, nhưng hôm nay tất cả sẽ hoàn toàn đổi mới... Vô thường có nghĩa là sự việc bao giờ cũng sẽ lại mới tinh khôi.

Sống Trọn Vẹn Tỉnh Thức

Các vị thiền sư thường dạy rằng, trong giờ phút này nếu như ta biết lắng nghe, biết quan sát, biết cảm nhận các hoạt động của thân, của những cảm giác, của trạng thái nào đang có mặt trong tâm... tức là ta đang sống trọn vẹn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.

Mà bạn biết không, thật ra việc ấy không đòi hỏi một sử dụng công gì nhiều lắm như mình tưởng đâu. Vì khi chú tâm lắng nghe một bản nhạc nào đó thì ta cần một sự lao tác cố gắng, chứ như lắng nghe hết tất cả thì thật ra ta chỉ cần buông thả cho được tự nhiên và trong sáng mà thôi. Vô vi nhi vô bất nhi, Lão Tử và trong nhà thiền thường hay nói, tuy như không làm gì mà lại là đang làm hết tất cả.

Cái khó có lẽ là làm sao ta có thể tạm buông bỏ được những bài bản mình đã biết rồi bạn hả, để trở về được ngay nơi này, với con số không của ông Cage, để tiếp xúc được với thực tại, có thể là chỉ chừng bốn phút và ba mươi ba giây mà thôi.

Và tôi hiểu rằng, bây giờ và ở đây đang có đầy đủ hết tất cả và nó chỉ thiếu vắng mỗi sự có mặt của chính mình mà thôi.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • TĨNH LẶNG
    Trở Về Với Thực Tại

    ______________________________


    Tôi liên tưởng đến những đua chen của chúng ta trong cuộc sống, đi tìm hạnh phúc, với hình ảnh những con côn trùng có cánh cứ lao vào tấm kính ở khung cửa sổ vì muốn thoát ra bên ngoài. Trong khi cánh cửa chính vẫn đang rộng mở ngay ở phía sau. Chỉ cần quay đầu lại thôi là mình có thể ung dung tự tại bước ra ngoài. Nào có ai ngăn chặn chúng ta đâu.

    Biết tĩnh lặng và trở về với thực tại. Vì ở nơi này đã có "một hạt giống hạnh phúc chân thật sâu xa sẵn có trong tự tánh của mỗi người, và ta không thể có một sự lựa chọn nào khác hơn là phải quay về và thấy lại được chính nó..."


    ______________________________

    Cây Hồng Táo Xưa Vẫn Còn Đó
Tôi nhớ câu chuyện về đức Phật trong thời gian ngài còn đang trên con đường tìm đạo. Trước khi giác ngộ dưới cội Bồ đề, Phật đã có thời gian đi theo con đường khổ hạnh. Ngài nhịn ăn, nhịn uống, không ngủ, thân ngài chỉ còn da bọc xương mà thôi. Cho đến một hôm, quá đuối sức, Phật tự nghĩ, "Nếu mà những bậc tu sĩ khác có thực tập khổ hạnh thì cũng chỉ đến mức này thôi! Nhưng tại sao ta vẫn không cảm thấy chút gì là giác ngộ, hay được giải thoát hết! Phải có một con đường nào khác nữa chứ!"

Lúc đó Phật chợt nhớ lại ngày xưa kho còn nhỏ là một thái tử, có lần được theo vua cha ra ngoài thành, đến một miền đồng quê. Trong khi vua cha đang quan sát người khác làm việc, thái tử tìm đến dưới một gốc cây hồng táo ngồi lặng yên. Bỗng nhiên, khi đó tâm ngài trở nên rất tĩnh lặng. Thái tử cảm thấy bên trong mình tự nhiên có một niềm hỷ lạc rất sâu sắc.

Niềm vui ấy không hề xuất phát từ bất cứ một nguyên nhân nào ở bên ngoài. Nó có mặt ngay bên trong, với một tâm hồn tĩnh lặng. Nhưng trên con đường tìm kiếm, tu tập khổ hạnh, Phật đã vô tình đánh mất đi cái hạnh phúc ban đầu đó. Một hạnh phúc rất đơn sơ, nhưng sâu sắc và rất thực. Nó không đòi hỏi ta phải nắm bắt hoặc né tránh một điều gì trên cuộc đời này.

Sau khi Phật nhớ lại niềm an lạc ấy, bỗng dưng trong tâm ngài chợt có một nỗi sợ hãi phát sinh lên. Ngài tiếp tục nhìn sâu hơn và tự hỏi, "Tại sao ta lại cảm thấy sợ sệt đối với niềm vui ấy, một hạnh phúc không nương tựa vào một cái gì hết?" Và Phật thấy được rằng, sở dĩ ta có nỗi sợ ấy là vì niềm an vui đó không hề bắt nguồn từ một sự thỏa mãn ái dục, hay một mong cầu nào của mình! Những sự rèn luyện, thành đạt mà ta hằng cố gắng đeo đuổi, chỉ là một ảo tưởng.

Ta không cần phải có một cái gì, đạt được một điều gì, trở thành một người nào, hoặc né tránh một việc gì hết. Những điều ấy có thể mang đến cho ta một niềm hạnh phúc tạm thời, nhưng không thể là chân thật. Chúng cũng như một nén nhang tàn. Khi ta thắp lên một nén hương, khi mình đang ngửi được mùi thơm ấy, thì phần nhang đó cũng đã cháy tàn rồi.

Và ý thức ấy bắt buộc chúng ta phải quay nhìn lại chính mình trong giờ phút này, buông bỏ hết những mong cầu, để thấy rõ những gì đang có mặt trong thực tại! Biết được rằng, chân hạnh phúc không hề tùy thuộc vào những gì ta có, hay phải qua một sự rèn luyện khó nhọc nào, mà chỉ cần một thái độ buông bỏ với cái thấy trong sáng, đó là một sự giải thoát rất lớn.

Mà bạn biết không, cây hồng táo ngày xưa của chúng ta vẫn còn đó, chỉ cần mình biết quay trở về thôi...


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi thường ra một quán cà phê hay tiệm sách gần nhà để ngồi đọc sách. Ở bên này có những tiệm sách lớn, bên trong có hàng bán cà phê với những chiếc bàn nhỏ, chúng ta có thể ngồi uống nước, đọc sách hay viết lách gì cũng được, rất thích và tiện lợi.

Có một lần ngồi nơi chiếc bàn nhỏ trong góc phòng, tôi nghe họ mở bài hát "Send In the Clowns". Bài hát có nhịp điệu chậm, với những nốt nhạc đều đều như một lời thở than. Tôi vẫn nghe bài hát này rất nhiều lần nhưng có lẽ chưa bao giờ hiểu ý tác giả! Có người bạn giải thích rằng, ngày xưa trong những gánh xiếc, mỗi khi có những màn trình diễn nào nguy hiểm nếu lỡ có tai nạn xảy ra, thường có một anh hề chạy vào sân khấu làm trò để che lấp, đánh lạc hướng chú ý của khán giả.

Và trong cuộc đời cũng vậy, mỗi khi gặp khổ đau, đôi khi người ta cũng muốn tìm kiếm một niềm vui tạm bợ nào đó, để khoả lấp vấn đề. Bài hát ấy là của một nhân vật nữ trong một vỡ nhạc kịch, cô ta than thở và mỉa mai những thất vọng trong cuộc sống của mình, send in the clowns. Và cô hy vọng rằng, sang năm sau đời cô sẽ có nhiều hạnh phúc hơn, well, may be next year...

Mà cuộc đời này thì có bao giờ mà lại không còn những thất vọng bạn nhỉ? Chắc bạn còn nhớ câu truyện về người mẹ trẻ mất một đứa con nhỏ. Cô tìm gặp đức Phật và cầu xin ngài làm cho đứa con yêu dấu được sống lại. Đức Phật bảo cô hãy đi xin một hạt cải từ một căn nhà nào mà trong gia đình chưa từng có người chết. Cô đi từ sáng đến chiều, nhưng nhà nào cô gõ cửa hỏi cũng đều có người đã qua đời. Rồi đến một lúc cô tự nhiên chợt thấy ra! Điều cô mong muốn, nó không hiện hữu trên cuộc đời này.

Bạn nghĩ gì về lời khuyên của Phật cho người mẹ trẻ ấy! Đức Phật không thuyết giảng cho cô nghe về lý vô thường, về khổ đau, về những mất mát trong cuộc đời. Ngài chỉ khuyên cô hãy tự nhìn và lắng nghe đi, và rồi mình sẽ thấy ra. Và nhờ vậy mà cô thôi không còn ôm ấp một khổ đau chung, và nhận đó là chỉ của riêng chính mình. Có những khổ đau to tát quá, câu hỏi bao la quá, mà ngôn ngữ không thể nào diễn đạt được. Nhiều khi sự giải thích chỉ làm người ta vướng mắc thêm thôi.

Nhìn Thấy Chứ Không Cần Tìm Kiếm

Mấy ngày nay trời mưa thật nhiều. Tôi nghe nói mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn mọi năm. Mới đầu tháng chín mà đã thấy có vài chòm lá đổi màu. Sáng nay trời vần vũ mây đen âm u cả ngày. Sau những ngày mưa, con suối ngập nước, những làn nước trong chảy mạnh mẽ tràn qua các khe đá lớn. Con suối nhỏ nhưng tiếng nước chảy róc rách vang thật xa trong khu rừng.

Chánh niệm có nghĩa là ta có ý thức sáng tỏ về những gì đang xảy ra trong giờ phút này. Và tôi cũng ý thức được một điều là chánh niệm không phải để ta tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề, mà là giúp ta thấy được điều gì đang thật sự xảy ra. Điều ấy đã giúp tôi rất nhiều trong sự tu học. Tôi kinh nghiệm rằng, chỉ cần thấy và cảm nhận được những gì xảy ra trong ta thôi, cũng mang lại một năng lượng giải thoát rất lớn. Mỗi khi giận, ta chỉ cần ý thức được biểu hiện của cơn giận ấy trong ta như thế nào, trong cảm giác nơi thân, qua những xúc động của mình...

Chúng ta không cần hỏi tại sao, không cần tìm hiểu nguyên nhân, và cũng không cần thay đổi gì hết, chỉ cần nhận diện thôi cũng là đủ! Thấy được rồi, ta sẽ bớt để bị chúng sai xử mình thêm. Bạn có thấy vậy không? Mỗi khi ta càng cố gắng tìm hiểu vấn đề bao nhiêu, là ta lại càng bị nó dẫn dắt đi theo con đường mòn cũ, của một cái tôi nhỏ bé của mình mà thôi.

Thấy Được Cả Bầu Trời

Nhưng muốn thấy cho rõ thì ta cần phải biết để cho mình được rỗng lặng và trong sáng phải không bạn! Có ai cứ hấp tấp, vội vã mà lại thấy được việc gì đang xảy ra bao giờ đâu! Ông Trang Tử có viết "Người ta, không ai lại soi mình ở dòng nước chảy, mà soi mình ở dòng nước đứng. Chỉ có cái gì ngưng lặng mới có thể làm cho người khác ngưng lặng được". Tôi nghĩ, trong đời sống bận rộn hằng ngày chúng ta khó có một khả năng dừng lại! Thỉnh thoảng ta cũng cần có một không gian mới giúp ta ngưng lặng lại để soi thấy chính mình. Chỉ có cái gì ngưng lặng mới có thể làm cho người khác ngưng lặng được. Khi mặt nước lặng yên ta sẽ thấy được cả một bầu trời.

Chánh niệm có khả năng chuyển hoá những khó khăn và vấn đề nào nó soi sáng, nhưng sự chuyển hoá ấy phải là một tiến trình hữu cơ, an organic process. Sự chuyển hóa ấy là do một cái thấy và biết đơn thuần. Ví dụ như khi trong ta có một cơn giận khởi lên, nếu như ta có chánh niệm và ý thức được là mình đang giận, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ta sẽ trở nên hết giận chăng? Thật ra tôi nghĩ, chánh niệm về cái giận không có nghĩa là ta sẽ trở nên hết giận, mà là ta thấy rõ được cái giận của mình. Đó mới là quan trọng. Và khi ta thấy được cơn giận ấy trong ta, biểu hiện qua những cảm thọ và ý nghĩ của mình, thì sự chuyển hóa sẽ xảy ra tự nhiên thôi.

Một cái thấy sâu sắc sẽ mang lại cho ta một tự do rất lớn. Tôi thấy mình có tự do hơn khi ta tập nhìn, chú ý, và không cần hỏi tại sao nữa! Mỗi khi phải đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, bước vào những trường hợp khó xử, thay vì phân tách và lo âu, mong cầu hay lo sợ, thì tôi chỉ tự nhớ quay lại nhìn những cảm xúc của chính mình. Khi ta thật sự có mặt với những gì đang xảy ra, thực tại sẽ trở nên sáng tỏ, và sự chuyển hóa sẽ là việc tự nhiên.

Thiền Tập Là Một Việc Làm Tự Nhiên

Khi nói đến thiền tập chúng ta thường nghĩ rằng đó là một công việc của tâm ý. Chúng ta nghĩ rằng ngồi thiền có nghĩa là ta tập luyện, quán chiếu, hoặc suy tưởng sâu xa về một vấn đề nào đó. Tông phái thiền Tào Động có một phương châm thực tập là "Just Sitting", chỉ cần ngồi thôi. Ngồi cho yên là đủ rồi. Ta ngồi cho thoải mái, ngồi sao cho thân mình được nguyên vẹn và tỉnh giác, ta không cần phải phân tách, suy tư, quán chiếu, hay tìm một sự an lạc nào hết. Ta chỉ cần ngồi thư giản, buông thả cho thật tự nhiên. Khi thân yên rồi thì tâm cũng sẽ được an. Ngọn đèn của mình còn lao chao quá thì những gì ta thấy cũng chỉ là những bóng dáng xưa cũ của chính mình mà thôi, phải thế không bạn?

Trong những khóa tu học tôi thấy người ta thường thắc mắc và đặt những câu hỏi như là tại sao, làm sao, thực tập như thế nào... Phải chi mình hãy cứ thử ngồi lại cho thân tâm được thong thả tự nhiên trước đã. Mà thật ra, không phải khi ngồi yên rồi ta sẽ tìm thấy được câu trả lời đâu! Nhưng rồi, ta sẽ thấy thật sự mình không có một câu hỏi nào hết, không có gì quan trọng cần phải được giải đáp hết. Vì mọi việc đều có mặt rất tự nhiên.

Nhìn Thấy Để Mỉm Cười

Có những vị thiền sư còn khuyên chúng ta hãy mỉm cười với những gì đang có mặt với ta. Ta mỉm cười với mặt trời hồng buổi sáng, với áng mây tím buổi chiều. Chúng ta mỉm cười với buổi sáng thứ hai trong sở làm, mỉm cười với một ngày mưa, với một chiếc lá đẹp, một bài nhạc hay, khi chiếc xe của mình có vấn đề, khi lòng mình đang bất an, khi trong thân mình có một cơn đau...

Mấy tháng trước nướu răng tôi bị đau, tôi có đi bác sĩ vài lần nhưng cũng không thấy bớt. Thấy tôi cứ trở lại phàn nàn, vị bác sĩ nói "Anh biết không, nướu anh bị đau vì nó đang yếu, cần thời gian mới lành hẳn lại. Mà anh cũng nên mừng đi vì nó còn tốt nên anh mới còn thấy đau đó. Chứ khi nào nó không đau nữa thì chừng đó anh hãy lo và phàn nàn!". Cái đau cũng là một dấu hiệu của sự sống bạn hả? Và mỗi ngày tôi mỉm cười với cái đau của mình. Chúng ta hãy làm hết tất cả những gì mình cần làm để cuộc sống nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng nhớ mỉm cười với tất cả bạn nhé!

Trong cuộc sống sẽ có những vấn đề, những khó khăn xảy đến cho chúng ta, không tránh được. Chúng như là một mũi tên bắn vào thân ta. Nhưng chúng ta lại thường tự bắn thêm cho mình một mũi tên thứ hai trong tâm, đó là sự buồn khổ, lo âu, tưởng tượng... của mình đối với chúng. Đức Phật khuyên chúng ta đừng nên mang khổ đau chồng lên thêm khổ đau làm gì. Đừng tự bắn cho mình thêm mũi tên thứ hai! Hãy nhìn thấy và mỉm cười với mũi tên thứ nhất, để mũi tên thứ hai trở thành một bàn tay ấm áp chở che của tâm từ, nhờ vậy mà vết thương của ta cũng sẽ được mau lành hơn.

Hạnh Phúc Ở Nơi Mình Đang Ngồi

Tôi đến mua một ly cà phê nóng và đi xuống dãy kệ sách về tâm lý học, self-help, và tôn giáo trong tiệm sách. Bạn có biết những quyển sách bán chạy ngày nay có tựa đề liên quan đến đề tài nào nhiều nhất không? Hạnh phúc! Trên kệ tôi thấy có rất nhiều quyển sách với tựa đề về "happiness"! Chúng ta đang sống giữa một xã hội có đầy đủ hết những nhu cầu vật chất, nhưng người ta vẫn cảm thấy trống vắng, thiếu thốn, và đi tìm kiếm hạnh phúc. Tôi thấy ngày nay những quyển sách viết về hạnh phúc thường nhắc đến việc sống trong giây phút hiện tại. Điều này có thể khiến ta nghĩ rằng khi ta có mặt trong hiện tại thì mình sẽ có hạnh phúc.

Nhưng bạn biết không, tôi trở về với hiện tại không phải để đi tìm hạnh phúc, mà là để tiếp xúc lại với những gì đang có mặt. Hễ ta còn tìm kiếm và mong cầu thì ta sẽ không bao giờ gặp. Tôi có đọc một câu thư pháp, "Có khi lỗi hẹn một giờ, lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm". Tôi nghĩ, chúng ta lỡ hẹn với giây phút hiện tại này không phải vì mình chần chờ, do dự, mà phần lớn cũng tại vì mình cố gắng và mong cầu quá đi thôi. Ta hãy mỉm cười tự nhiên và ngồi lại đây, để mình không phải lỗi hẹn với giây phút này.

Hôm nay trời trở lạnh và nhiều mây. Dường như trời đất cũng vừa mới sang mùa vào cơn mưa buổi sáng nay!


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Những Dấu Lặng
Chúng ta thường nghĩ rằng một người thành công, hay là một người có ích cho đời là một người rất bận rộn. Người ta thường nói thì giờ là vàng bạc, vì vậy lúc nào ta cũng phải biết tận dụng thì giờ của mình, không được hoang phí. Nhưng có một nhà văn Trung Hoa, ông Lâm Ngữ Đường nói rằng, "Thì giờ có ích lợi nhất khi nó không bị bắt dùng vào một việc gì hết. Thì giờ cũng được ví như khoảng trống trong một căn phòng. Khoảng trống ấy đâu có sử dụng cho việc gì đâu, nhưng nó rất cần thiết.

Cũng như trong nghệ thuật cắm hoa. Một yếu tố quan trọng trong sự cắm hoa là khoảng không gian chung quanh những nhánh hoa, những cành lá. Chứ không phải hễ cắm vào cho nhiều hoa, chen chúc với nhau là đẹp. Nhìn vào ta phải thấy nhẹ mát, phải cảm nhận được nơi ấy một không gian thênh thang.

Ta có thể ví cuộc sống như là một bài nhạc. Trong một bài nhạc bao giờ cũng có những dấu lặng và những khoảng cách giữa hai nốt nhạc với nhau. Thiếu những khoảng trống ấy, thì bản nhạc không thể là một bản nhạc, nó chỉ là một âm thanh kéo dài vô nghĩa mà thôi.

Một nhạc sĩ dương cầm tài danh Artur Schnabel, chia sẻ về nghệ thuật chơi đàn của ông như sau, "Tôi không nghĩ là mình chơi đàn hay hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác, những nốt nhạc trong một bài nhạc đều giống y như nhau, chúng chỉ có vậy thôi. Nhưng tôi biết cách sử dụng những khoảng cách giữa hai nốt nhạc. Mà nghệ thuật nằm ở những nốt nhạc nghỉ đó. Chúng làm cho bản nhạc hay hơn".

Thật ra, mọi vật trên vũ trụ đều có một nhịp điệu riêng, từ sự chuyển động của một hạt nguyên tử nhỏ bé, cho đến trái đất, mặt trăng, và các dãy ngân hà xa xôi. Tất cả đều có một rhythm riêng của nó. Chung quanh ta, trời có mưa nắng, thiên nhiên cây lá có bốn mùa, thủy triều có lên xuống...

Sự sống của ta cũng vậy, cũng có những sự mất còn, đến đi, cần thiết của nó. Có những lúc ta bước tới, nhưng cũng có những lúc ta cần sự dừng lại. Nếu như ta chỉ biết đi tới mà không còn đừng nghỉ, thì sự sống này chỉ còn có một chiều duy nhất mà thôi, nó sẽ lạc mất nhịp điệu.

Bạn hãy làm cho cuộc sống mình được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, trong sáng hơn, bằng cách chú ý và trân quý đến những khoảng trống, những dấu lặng trong đời mình. Và bạn biết không, nghệ thuật sống đẹp của chúng ta nằm ở nơi những khoảng trống đó.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Đừng Lỗi Hẹn Với Thực Tại

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • Quay Lại Để Vượt Qua
"Không gian chúng quanh tôi toàn là những đóa hoa dại với các màu rất sặc sở nổi bật xuyên qua rừng lá. Những thảo mộc vùng này có đủ loại và nhiều màu sắc khác nhau. Sự sống nơi đây rất là phì nhiêu và đầy sinh lực, có lẽ để đền bù lại cho một mùa xuân ngắn ngủi.

Đứng ở độ cao này, hơn chín ngàn bộ trên mặt biển, ta có thể nhìn thấy được sự vận hành biến đổi của thời tiết cách xa mình hằng trăm dặm. Những đám mây đen của một cơn bão rộng hơn cả một thành phố, nặng nề chuyển ngang qua các thung lũng. Với ngàn những chiếc bóng xám xịt quấn quít vào nhau, cùng pha trộn trong một cái chảo khổng lồ, như một thứ linh đơn huyền bí bào chế bởi một bà phù thủy. Thỉnh thoảng có những tia chớp lòe sáng xé rách bầu trời xám xịt tận phía xa, trong thinh lặng, xa hơn cả khả năng du hành của âm thanh... Và rồi những dám mây đen từ từ kéo đến gần hơn, theo với chúng là những âm vang ì ầm, trong một không gian của những hỗn mang, loạn tục, náo động, cùng kéo nhau về tụ hội và gào thét trong gió.

Nhưng trong căn nhà gỗ nhỏ bé này, tôi cảm thấy ấm cúng, dễ chịu và khô ráo. Chiếc giường của tôi là một miếng cao su xốp (foam) dầy hai phân. Một thân cây đục đẽo thô kệch được sử dụng vừa làm chiếc bàn ăn và là nơi viết lách của tôi. Chiếc ghế ngồi duy nhất trên sàn nhà được đóng dính liền vào với vách tường, cạnh một khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài quang cảnh đẹp tuyệt vời. Một cái lò gang nhỏ cung cấp hơi ấm cho trọn căn phòng, và một chiếc lò dầu dùng để nấu nướng.

Mùa đông miền núi nơi đây rất dài. Một kho chứa nhỏ xây cạnh bên nhà được chất đầy củi. Nơi đây cũng là một sào huyệt lý tưởng được rất nhiều sinh vật chọn làm nơi trú ẩn, ồn ào nhất trong đám là bọn chuột. Chúng chạy lon ton trên sàn nhà giữa khuya và kêu chí chít, dường như là vui thích lắm. Đa số chúng ta chắc là không chịu nổi nơi này. Nhưng đối với tôi thì thiên đàng có nghĩa là được. Căn nhà của tôi nằm trên núi Lama được làm tổ ngay phía dưới một đỉnh núi cao trên rặng San Cristobal, nhìn xuống một không gian bao la của miền bắc tiểu bang New Mexico. Thung lũng mênh mông phía bên dưới trải rộng dài nối liền đến những dãy núi khác ở phía nam, tây và bắc. Một người sống ở đây có thể theo dõi những cảnh tượng biến hóa của thần gió, cuốn xoay và điều khiển mặt trận thời tiết như những con cờ.

Trừ những lúc ngồi thiền hay đi dạo trong rừng, tôi rất mê đến ngồi chỗ này trong suốt thời gian sống ẩn dật nơi đây. Tôi có thể ngồi yên nơi đó cả chục giờ đồng hồ say mê và không biết chán. Tôi đã ngỡ rằng, đời sống cô độc trong một không gian hiu quạnh nơi này sẽ rất nhàm chán, nhất là so với một người có một cuộc sống bận rộn và thích hoạt động như tôi. Nhưng tôi hoàn toàn mãn nguyện với sự thụ động của mình, ngày qua ngày, ngồi nhìn những áng mây trôi xa xôi bất tận.

Hai ngày đầu tiên khi mới đến, tôi mất ngủ vì những tiếng động lạ và sự hồi hộp, lo sợ trong bóng đêm. Trong vùng đất lạ hoang dã, một thế giới lạ thường bừng sống dậy mỗi khi bóng tối phủ trùm, nó bò, trườn, chạy hoặc đứng rình im lặng chờ mồi. Trong mấy đêm đầu, mỗi khi nghe tiếng cây khô gẫy, tôi lại liên tưởng đến những con thú đêm săn mồi, đang ẩn nấp, rình mò đâu đó sát bên căm nhà. Bên trong gian phòng không gian yên tĩnh hơn, nhưng những bóng tối vẫn di động. Chúng quanh tôi toàn là những sợ hãi.

Nhưng một điều khá ngạc nhiên là tôi cũng chóng làm quen được với nhịp điệu mới này. Sau đôi ba ngày, những con sinh vật nhỏ bé ấy đã trở thành bạn thân của tôi, và những âm thanh lạ của ban đêm cũng không còn làm tôi giật mình nữa.

Một thú tiêu khiển trong ngày của tôi là theo dõi những con côn trùng có cánh nhỏ bé tụ tập phía bên trong cửa sổ. Ban ngày, tôi thường để cánh cửa ra vào mở toang vào mỗi buổi sáng để hưởng gió mát trong lành, và giữ cho gian phòng được thoáng mát. Những con ruồi vo ve bay vào, sau khi thám hiểm mọi ngõ ngách, chúng thường chấm dứt hành trình mình ngay nơi khung cửa sổ nhìn ra một quang cảnh rộng lớn ấy, và rồi chúng cứ bay trượt lên xuống trên khung kính để tìm cách thoát ra bên ngoài.

Sau những hôm đầu bực mình vì chúng, bây giờ tôi lại cảm thấy khá thú vị. Tôi quan sát thấy chúng vo ve bay không ngừng và cứ đâm đầu vào khung cửa kính ấy suốt ngày, tìm tự do, trong khi cánh cửa chính rộng lớn vẫn mở toang. Nếu chúng chỉ cần đơn giản biết quay đầu lại thôi. Mà tôi nghĩ đây cũng là một tỷ dụ tuyệt vời cho hành trình tâm linh đi tìm giải thoát của chúng ta. Nếu như chúng ta biết quay nhìn lại chính mình, thay vì là tìm cầu chạy theo những đối tượng bên ngoài.

Bất cứ là mình đang tìm kiếm một điều gì, tôi ý thức rằng nó sẽ không thế nào đạt đến được bằng một con đường thẳng trước mặt. Cánh cửa rộng mở đang nằm ngay phía sau lưng tôi, và con đường giải thoát ấy đòi hỏi ở nơi ta một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Trong những ngày cuối ở nơi này, tôi hay ngồi trong tĩnh lặng và tự hỏi nhiều lần: cái gì đã khiến tôi bước chân vào con đường tu tập? Chúng ta thật sự muốn gì? Phải chăng vì muốn tâm linh mình được rộng mở hơn? Để ra khỏi sinh tử luân hồi? Vì muốn được vào một cõi trời xa xôi nào đó? Muốn được thoát ra những khổ đau của cuộc đời? Hay đây cũng lại chỉ là một sự tạo tác khác của cái ngã của mình mà thôi?

Tôi nghĩ, câu trả lời có lẽ là: nó là một cái gì vượt thoát ra ngoài tất cả những cái ấy, nó không cò một mục tiêu nào hết, nhưng đó chính là một cần thiết rất thiết yếu của mỗi chúng ta. Nó là một hạt giống hạnh phúc chân thật sâu xa được gieo trồng từ lâu, và đã có sẵn trong tự tánh của mỗi người, và ta không thể có một sự lựa chọn nào khác hơn là phải quay về và thấy lại được chính nó..."

Ẩn Dật

Đó là một đoạn hồi ký của ông David Cooper, một tu sĩ do Thái giáo, chia sẻ về những trải nghiệm và cảm nghĩ của mình trong thời gian ông sống ẩn dật một mình, trong một căn nhà gỗ trên rặng núi San Cristobal ở tiểu bang New Mexico.

Ông đã trở thành một phần của thiên nhiên, là những đóa hoa dại, là cơn gió lộng, là đám mây mưa, là buổi sáng sớm, là bóng đêm về... Tôi thích những hình ảnh đầy màu sắc của ông kể lại, tuy gần gủi mà cũng vô cùng bao la. Cuộc sống của chúng ta ở phố thị thì dễ gì có dịp để mình nhìn thấy được "những đám mây đen của một cơn bão rộng hơn cả một thành phố, nặng nề di chuyển ngang qua trên các thung lũng" phải không bạn? Và giữa cuộc sống bận rộn và bon chen này thì làm gì mình có thì giờ mà "Ngày qua ngày... ngồi yên cả chục giờ đồng hồ... để nhìn những áng mây trôi xa xôi bất tận".

Tuần qua tôi phải đi làm xa, mỗi chiều trở về phòng của mình tôi lại ngồi xuống bàn viết để chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. Có một buổi chiều ngẩng đầu nhìn lên nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi chợt thấy những chiếc lá trên cây ngoài khung cửa đã chuyển sang màu đỏ lúc nào không hay. Thật đẹp! Tôi nhớ mấy ngày trước đây nó vẫn còn xanh. Mùa thu về rồi đó, thật nhẹ nhàng và kín đáo, khi bầu trời trở lành lạnh và những cơn gió về mang theo một không trung muôn màu sắc.

Đâu có sự lựa chọn nào khác hơn?

Tôi liên tưởng những đua chen của chúng ta trong cuộc sống, đi tìm hạnh phúc, với hình ảnh những con côn trùng có cánh cứ lao vào tấm kính ở khung cửa sổ vì muốn thoát ra bên ngoài. Trong khi cánh cửa chính vẫn dang rộng mở ngay ở phía sau. Chỉ cần quay đầu lại thôi là mình có thể ung dung tự tại bước ra ngoài. Nào ai có ngăn chặn chúng ta đâu.

Đức Phật có khuyên chúng ta phải siêng năng chánh tinh tấn, phải biết cố gắng dụng công trên conđường tu học. Nhưng sự tinh tấn ấy không phải là một sự cố gắng và hao tổn năng lượng vô ích, nỗ lực cho một cái thấy sai lầm, hoặc đeo đuổi theo một hạnh phúc không thật.

Phải chăng chánh tinh tấn cũng có nghĩa là biết buông bỏ hết những lăng xăng và tạo tác không cần thiết của mình. Nếu như ta thôi bớt đi những tìm kiếm, biết đứng yên và quay lại nơi mình. Vì bạn biết không, ở nơi này đã có "một hạt giống hạnh phúc chân thật sâu xa được gieo trồng từ lâu, và đã có sẵn trong tự tánh của mỗi người, và ta không thể có một sự lựa chọn nào khác hơn là phải quay về và thấy lại được chính nó..."


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.27 khách