Sống Thiền

Thảo luận tư tưởng thiền tông Việt Nam.

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Năm mới đọc sách cũ!
Năm mới đọc sách cũ!
SốngThiền.jpg (268.85 KiB) Đã xem 1232 lần
SỐNG THIỀN
(THE METHOD OF ZEN)

Tác giả: E. HERRIGEL
Dịch giả: TRÍ HẢI
Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản
Phật lịch: 2533 -1989

DẪN NHẬP

CON ĐƯỜNG ĐẾN PHẬT GIÁO ZEN
Ngay sau khi tôi đến Nhật, có một buổi họp mặt với những người cộng sự Nhật ở Ðông Kinh. Chúng tôi đang uống trà trong một nhà hàng, trên tầng thứ năm của một khách sạn.

Thình lình một tiếng ầm ầm vang lên, và chúng tôi cảm thấy dưới chân, nền nhà hơi dâng lên. Sự rung chuyển, tiếng kêu răng rắc, tiếng đồ vật đổ vỡ càng lúc càng ồn ào. Hoảng hốt và náo loạn tăng thêm. Những thực khách đông đảo, phần lớn là người Âu châu, ùa ra hành lang để đến cầu thang và thang máy. Một trận động đất! (Và một trận động đất kinh khủng vài năm trước đây vẫn còn mới mẻ trong trí nhớ mọi người). Cả tôi lúc ấy cũng đã nhỏm lên để đi ra ngoài. Tôi định bảo người đồng nghiệp của tôi đang nói chuyện cùng hãy nhanh lên, nhưng bỗng tôi ngạc nhiên để ý thấy anh ta vẫn ngồi bất động, hai tay chắp lại, mắt hơi nhắm, dường như những chuyện xảy ra không liên can gì đến anh. Không phải như một người trì hoãn trong do dự, hay một người chưa có ý kiến nhất định, nhưng giống như một người không hấp tấp, ồn ào, đang làm một sự gì - hay không làm một sự gì - một cách hoàn toàn tự nhiên. Cảnh tượng anh ta như thế làm tôi quá ngạc nhiên, và có một hiệu quả trấn an đến nỗi tôi cứ đứng vậy bên cạnh anh ta, rồi ngồi xuống chú mục nhìn anh ta. Tôi cũng không tự hỏi như thế để làm gì, và có nên ngồi lại hay không. Tôi bị chết sững - tôi cũng không biết vì cái gì - như thể không có gì để xảy đến cho tôi được. Khi trận động đất đã qua - người ta bảo nó đã kéo dài khá lâu - anh ta tiếp tục câu chuyện ở ngay chỗ anh đã cắt ngang, mà không phí một lời nào về chuyện vừa xảy đến. Về phần tôi, tôi không thể chú ý theo dõi, và có lẽ đã đưa ra những câu trả lời ngớ ngẩn. Với nỗi kinh hoàng còn đang làm tê cóng tay chân tôi, đúng hơn tôi đang tự hỏi: Cái gì đã ngăn tôi đừng chạy? Tại sao tôi đã không theo một thúc đẩy của bản năng? Tôi không tìm được giải đáp thỏa mãn.

Ít hôm sau, tôi được biết rằng người đồng nghiệp Nhật kia là một Phật tử phái Thiền, và tôi đoán rằng có lẽ anh ta đã tự đặt mình vào một trạng thái tập trung mãnh liệt, và nhờ thế trở thành "không thể lay chuyển".

Mặc dù đã học về Zen trước đấy, và đã nghe vài điều về nó, tôi chỉ có những ý niệm rất mơ hồ về đề tài ấy. Lòng hy vọng đi sâu vào Zen - điều đã làm tôi dễ dàng quyết định đi Nhật - đã biến đổi, do kết quả của kinh nghiệm bi tráng này, thành ra ý muốn khởi sự ngay không trì hoãn. Tôi lưu tâm nhiều hơn đến khía cạnh thần bí của Zen, đến đường lối đưa đến bên kia trạng thái "bất động". Không phải là thái độ không lay chuyển của anh bạn đồng nghiệp - mặc dù nó gây cảm kích không ít - đã ám ảnh tôi như một mục đích, vì có nhiều phương pháp khác để đạt đến điều này mà không cần phải đi đến Nhật Bản.

Trong lúc ấy tôi được biết rằng không phải dễ gì đi sâu hơn vào Zen, bởi vì nó không có lý thuyết và giáo điều. Người ta khuyên tôi nên xoay sang một trong những nghệ thuật chịu ảnh hưởng Thiền mạnh mẽ nhất, và như thế tiếp xúc với Thiền qua một con đường chậm và quanh co. Lời khuyên này tôi đã theo. Trong cuốn sách nhan đề Thiền trong nghệ thuật bắn cung, tôi đã thuật về giai đoạn học hỏi này.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

ZEN VÀ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP THIỀN CỔ ĐIỂN
Ngành thần bí của Phật giáo khác với mọi ngành thần bí khác ở chỗ nó nhấn mạnh vào một sự chuẩn bị có phương pháp cho đời sống thần bí. Nó đã làm cho Thiền trở thành một nghệ thuật, trong đó kỹ thuật không những đóng một vai trò chính đáng, như trong mọi nghệ thuật, mà còn chiếm một chỗ đứng rộng lớn khác thường. Như thế, nó đã làm một việc có công đức khôn lường: nó đã cứu sự thực hành thần bí thoát khỏi yếu tố may rủi. Hơn nữa, nó mô tả những nỗ lực tập trung đưa đến sự trầm tư như là một "con đường", nhưng không đâu khác con đường, phương pháp thiền định, lại có tầm quan trọng căn để như thế.

Viễn Đông đã nhờ ở con đường của đức Phật rất nhiều. Nó đã sinh ra một mẫu người có cốt cách tu sĩ độc đáo. Không phải là phần việc của ta để tìm hiểu xem trình độ cao siêu một thời đã được đạt đến có còn được duy trì ở khắp nơi trong Phật giáo cho đến ngày nay hay không; hoặc phương pháp chặt chẽ có trở thành lề lối máy móc, và giác ngộ có trở thành tri thức bí truyền?

Trọng tâm chú ý của chúng ta là về Phật giáo Zen. Chúng ta sẽ không bàn đến việc nó phát xuất khi nào, thế nào, qua người nào, mà chỉ nói tại sao Zen, mặc dù cốt yếu là một phần của Phật giáo, về phương pháp đã chuyển hướng khỏi ngành thần bí cổ điển của Phật giáo về thiền định.

Một điều đáng chú ý là trong Phật giáo, sự chứng ngộ gồm trong một thị kiến thuần tịnh đối với chính những sự thật mà ta đã dùng để khởi đầu công việc thiền định. Những thấy biết đã thúc dục người ta rút lui khỏi thế tục, bây giờ trở lại dưới hình thức trừu tượng, vắng bặt sự xen lẫn của cảm xúc quy định kinh nghiệm đầu tiên của đức Phật, khiến Ngài khởi hành lên đường đến Giác ngộ. Phải chăng kết quả này là do sự kiện rằng đề tài để thiền định trở thành như một ý tưởng cố định?

Người Phật tử bắt đầu với giả thuyết rằng đời là khổ. Nhưng nếu kinh nghiệm khởi thủy khác hẳn thì sao? Nếu đời được cảm nghiệm là vui thú và thế giới là một hòa điệu đầy khoái lạc, thì sự chứng ngộ có sẽ được tô màu theo đó hay không? Khi ấy thật khó mà hiểu được vì sao có người lại mong muốn tách mình khỏi thế gian khoái lạc và hòa điệu này.

Hiển nhiên, không ai thiền định trong một đường lối như thế lại từng ra khỏi mình được. Người ấy không vượt ra ngoài tư tưởng và không tư tưởng, khoái lạc và đau khổ.v.v... mà chỉ đạt đến một vùng của dửng dưng, mà y cho là một "bỉ ngạn" (bờ bên kia). Thế thì sự [hợp nhất mầu nhiệm (unio mystica) được thành tựu bằng cái gì? Tất cả những gì thiền giả đã làm là tách mình khỏi những cái không thuộc về bản thể chân thực của y; rốt cuộc ngay ở tầng sâu xa nhất của bản thể, y chỉ tìm thấy chính mình.

Bởi thế, trên phương diện luận lý, ta phải có thể thực hành thiền định và tập trung mà không có một đề mục định sẵn, có thể theo một con đường mà không cần bám vào một cái gì chắc chắn và khách quan cả, không có một giả thuyết triết học bất cứ thuộc loại nào, cảm nghiệm thế gian như là không đầy buồn khổ, cũng không đầy khoái lạc, không đáng ghét hay thương, dù nó có thể là vô thường. Hãy để "triết học" làm sản phẩm của sự giác ngộ thì hơn. Sự giác ngộ có thật, điều ấy chính đức Phật đã hứa. Có lẽ sự giác ngộ hóa ra lại khác hẳn với sự giác ngộ của Phật giáo, nếu đừng xen bất cứ gì vào trong đó. Con đường của đức Phật chứng tỏ rằng điều này rất khả hữu. Trong Phật giáo, có một giai đoạn dửng dưng khi ta đứng ở điểm trung tính giữa biết và không biết, không còn để tâm trí mình hướng về bất cứ gì. Nhưng, trong thiền định Phật giáo luôn bị những giai đoạn trước làm trở ngại.

Cái gì sẽ xảy ra nếu ta thiền định trong một cách thức không định kiến ngay từ đầu? Chỉ tập lắng mình vào trong, trở thành vắng lặng hoàn toàn không có chương trình, để mặc cái gì xảy đến?

Ðấy là đường lối của Zen. Chúng ta không thể nói cái "KHÔNG" được tìm thấy lùi xa tận đâu theo cách đó, nhưng hiện hữu của Thiền ở Trung Hoa và Nhật Bản chứng tỏ rằng sự tìm kiếm đã có thành công. Nó thành công một cách rực rỡ, điều ấy được kiểm chứng bởi sự sinh động của Zen mãi đến ngày nay. Chỉ có một điều vẫn còn khó hiểu là: vì lý do gì vị thiền gia tinh luyện xa lánh thế gian khi thái độ của người đối với thế gian hoàn toàn trung tính về phương diện triết lý? Có thể đưa ra một lối giải thích có tính cách lịch sử về vấn đề này: ông biết rằng có sự giác ngộ và một con đường đi đến đấy. Rồi ông lại có thể nói rằng kinh nghiệm ông đang trải qua chính là "sự giải thoát vĩ đại". Nhưng giải thoát khỏi cái gì? Trong ý nghĩa nào?


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

THIỀN ĐỐI CHIẾU VỚI THẦN BÍ ÂU CHÂU

Trong Thiền, con người không có vị trí trung tâm điểm như ở thần bí Âu châu, trong đó trạng thái hợp nhất thần bí (unio mystica) xuất hiện như một ơn riêng tràn đầy hạnh phúc mà con người được hưởng. Chỉ có một mình con người trong tất cả mọi loài là được dành riêng kinh nghiệm ấy, và khi đạt đến nó, y bước ra khỏi tình trạng hiện-hữu-trong-thế-gian. Sự bước ra ngoài này, y gọi nó là "xuất thể" (ek-stasis); ấy là sự tự đánh mất mình và tìm thấy mình trở lại, chết đi và sống trở lại. Cái y tìm lại được là trung tâm đích thực của y, tự ngã không thể chuyển nhượng của y đã bị loại bỏ, nhưng lại được duy trì trong sự hợp nhất thần bí. Trong Thượng đế, trong Thần tính - hay bất cứ danh từ nào khác, mà những nhà thần bí Âu châu đặt ra để gọi cái mà họ hợp nhất với, tan hòa vào tự ngã không phải cuối cùng bị dập tắt, mà là được cứu rỗi, nâng đỡ, và số mệnh của nó được định đoạt vĩnh viễn. Sự để tự ngã chết đi trong mình chỉ cần thiết trong một giai đoạn tạm thời, cho mục đích hợp nhất tối hậu, vì mục đích này không dung túng tình trạng nhị nguyên, bởi vì Thượng đế chỉ xuất hiện trong những linh hồn đã dâng hiến nguyên thể của mình như là sự hiến dâng cao cả tối hậu. Nhưng một khi sự xuất hiện đã hoàn tất, linh hồn trở thành trung tâm linh diệu được ban phát quyền năng để sống đời đời trong nguyên thể của nó, được là nó mãi mãi, tiến lên từ chính nó, như bánh xe vĩnh viễn lăn tròn của Nietzsche.

Trong Thiền, trái lại, hiện hữu con người đúng nghĩa vừa là ek-static - xuất thể, vừa là ek-centric - ly tâm, dù chúng ta ý thức về nó hay không. Một người càng cảm thấy mình là một cái tôi, cố tăng cường cái tôi này, và cố với tới một sự toàn thiện không bao giờ đạt được thì y càng bước ra khỏi trung tâm của hữu thể - bây giờ không còn là trung tâm của y - một cách vô vọng và càng tự rời xa khỏi nó.

Ðối với người Phật tử phái Thiền, mọi sự hiện hữu, ngoài con người - thú vật, cỏ cây, đất đá, không khí, lửa, nước... - sống không đòi hỏi từ trung tâm của hữu thể, không từng rời khỏi nó, hoặc không thể rời khỏi. Nếu con người, khi đã lạc ra khỏi trung tâm này, muốn biết sự an ổn và hồn nhiên của hiện hữu như các loài kia đang sống, vì rốt cùng chúng sống không mục đích, thì không có cách nào khác cho y ngoài ra một sự đảo ngược tận gốc. Y phải đi trở lùi dọc theo con đường mà muôn ngàn kinh sợ và đau buồn đã chứng tỏ đấy là một con đường của lầm lạc, phải lột bỏ mọi sự gì hứa hẹn mang y trở về với chính y, phải khước từ cái ma lực cám dỗ của một cuộc đời sống bám trên tài nguyên của chính mình, và trở về nhà, "ngôi nhà của chân lý" mà y đã vô cớ từ bỏ để đuổi theo những bóng ma khi y chưa đầy đủ lông cánh. Y không được "trở thành như một hài nhi bé nhỏ", mà như rừng và đá, như hoa và trái, như gió và bão.

Sự hợp nhất mầu nhiệm trong Thiền bởi thế có nghĩa là sự "quy gia", sự phục hồi tình trạng nguyên sơ đã mất. Và như vậy, muốn sống ngay từ trung tâm như loài vật, cây cối và mọi sự vật khác, con người phải đi theo con đường chối bỏ mọi sự trong y có tính cách ly tâm.

Ở Viễn Đông, sự đảo ngược và quy gia này không phải được phó cho tình cờ may rủi. Con đường có thể được chuẩn bị và bước theo một cách có phương pháp, nhất là ở Nhật.

Người ta có thể phản đối lối giải thích này của Thiền Phật giáo về hiện hữu với lý luận rằng: người phương Ðông, suốt lịch sử dài lâu của họ, và ngay cả bây giờ, chưa bao giờ họ bị lìa xa thiên nhiên một cách vô vọng như người Âu châu. Ðiều này có lẽ đúng và có thể xác nhận bằng một cái nhìn thoáng qua đời sống hàng ngày của họ, và nhất là nghệ thuật của họ. Nhưng phải nhận rằng ngay cả sự gần gũi không gián đoạn với thiên nhiên cũng còn rất xa với sự gần gũi Thiền. Thiên nhiên, dù nó có được nhìn bằng tri thức đi nữa, hoàn toàn không phải là chân lý bao-gồm-tất-cả mà Thiền cố sống theo. Cũng không có lợi gì khi nêu lên rằng: người Ðông phương - nhất là người Nhật - chưa gỡ mình ra khỏi những dây trói của truyền thống, mặc dù đời sống của họ có tân thời hóa trong các lãnh vực kinh tế, chính trị và kỹ thuật. Bác luận này không trúng chỗ, vì vào thời Phật giáo Zen đến Nhật Bản, không có vấn đề đời sống tân thời hóa. Bởi thế, mặc dù người thời bấy giờ sống trong sự gần gũi liên tục với thiên nhiên, và dưới ảnh hưởng của một truyền thống mà họ chấp nhận không bàn cãi, điều ấy vẫn không ngăn cản người Phật tử phái Thiền khỏi nhìn tính cách bảo đảm này của cuộc sống như là "ly tâm", như là sa đọa, và cuối cùng như một tội lỗi.

Ðối với người Phật tử phái Zen, có một sa đọa và tội lỗi trong chính sự vụ có thể sống nhờ phần lớn vào những tài nguyên của riêng mình. Con người cảm thức và kinh nghiệm mình là một cái ngã. Ngã tính đưa đến sự ích kỷ và chấp chặt lấy mình trước những gì không phải là mình, và do đó đưa đến tính sắt đá của trái tim. Y tự cảm thấy và làm cho mình trở thành trung tâm điểm, một cách hữu thức hoặc âm thầm. Thái độ này có khuynh hướng trở thành càng ngày càng mãnh liệt, nhưng cũng không cần đưa nó đến một cùng độ. Ðối với Phật tử phái Zen, chính những bản năng vị ngã đầu tiên của một đứa trẻ đã thật khó tránh và rất tai hại. Bởi thế, không lý do gì để bảo rằng Ðông phương chưa bao giờ bị rời xa thiên nhiên như người Âu châu, và vẫn còn sinh hoạt trong khung cảnh của truyền thống. Ðiều này không ngăn nổi một cuộc đấu tranh dai dẳng với ngã tính của y, với kết quả là y còn rất xa với sự sống ra ngoài chính y như thể y đang bị sống (không có chủ thể tác động) và còn rất xa với sự bị sống như thể y đang sống ra ngoài chính y.

Mối nguy đặc biệt là con người thông tục thường ở trong một tình trạng bất tri đến độ y không biết điều này, và cho dù có nói y cũng không hiểu được. Ngã tính của y đi liền với một sự bóp méo thực tại. Tri kiến của y bị rối loạn đến nỗi y không thể thấy sự khác nhau giữa những gì y đang là và những gì y đáng phải là. Vì những gì y đáng phải là, và làm sao y có thể trở thành như thế, "những gì" ấy không thể đặt ra trước mặt y để làm một hình ảnh hướng dẫn y được. Ðấy không phải là một lối sống khác đi, một chiều hướng mới cho cuộc sống hàng ngày của y, không phải một hình ảnh y có thể đưa vào thực tại, không phải một cái gì có thể được hoàn tất bằng ý thức và ý chí, với mục đích nghiêm trọng và một ý thức trách nhiệm nào. Ðấy là một cái gì hoàn toàn khác hẳn, một cái gì tuột khỏi ý chí và lý trí của y và chỉ có thể đạt được nhờ một cuộc biến đổi tận gốc.

Ðó là lý do vì sao Thiền Phật giáo không thuyết giảng. Những bài thuyết pháp vẫn là những danh từ. Nó đợi đến khi người ta cảm thấy ngạt thở và bất ổn, cảm thấy có một khát vọng thầm kín thúc đẩy mình.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

THIỀN DƯỚI MẮT NGƯỜI TÂY PHƯƠNG

Mặc dù kinh nghiệm thần bí là huyền nhiệm, khôn dò, không thể nói năng, con đường đưa đến đấy lại không được có tính cách như thế. Nó cốt dành cho bất cứ người nào có thiện chí, dù chỉ trong giai đoạn, như định mệnh đã dành cho y. Như vậy ta thấy có một tính cách nơi Thiền gây cho ta niềm tin cậy. Bởi thế, không đáng ngạc nhiên nếu chính vì lý do con đường phải được chia, trên lược đồ và trong lý thuyết, thành nhiều giai đoạn riêng rẻ, sự học tập những giai đoạn này phải trở thành một thói quen đều đặn. Có một lối tập luyện gắt gao trong Thiền làm ta thấy như nó hoàn toàn không có linh hồn. Mọi sự phải tiến hành với sự đúng đắn của máy đồng hồ.

Ðối với người Âu châu (nhưng không với người Ðông phương), điều làm họ buồn rầu là thấy những bậc Thầy dường như không chú ý gì đến những cá tính riêng biệt nơi học trò. Họ không lưu tâm đến những lối phát triển đặc biệt nơi từng cá nhân và đến những hậu quả khác nhau tùy từng người của sự phát triển này; họ áp đảo chúng, nhìn chúng với sự khinh miệt, lùa chung cá mè một lứa ngang nhau.

Ðể giải thích điều ấy, thật không ích gì nếu bảo Ðông phương vốn không có cá tính. Trái lại, những bậc Thầy biết rất rõ ràng có những dị biệt sâu xa trong những cá nhân, nhưng họ cũng biết rõ - và ở đây nữa, họ lại khác với người Âu Tây - ở đâu trong lãnh vực thần bí những dị biệt này có thể được xuất hiện, ở đâu chúng có thể không những được dung túng mà lại còn được biện minh thực sự. Và điều này dĩ nhiên không ở trên con đường đến kinh nghiệm thần bí, vì ở đây điều cốt yếu là phải phủ nhận mọi sự cá biệt, làm cho nó kiệt quệ, để con người hoàn toàn "trống rỗng", bị rút hết cả những tính cách riêng tư nhất. Vì lẽ ấy, thật rất đáng nghi ngờ là những đặc tính bẩm sinh của ta có thật có chút giá trị "riêng biệt" nào chăng? Tất cả những khuynh hướng năng khiếu làm cho chúng ta kiêu hãnh có lẽ tựu trung đều phi ngã.

Những vị Thầy thành công trong việc đặt học trò chịu nổi thứ kỷ luật có vẻ vô cảm nhờ ở kinh nghiệm tâm lý tài tình của họ, vì chính họ cũng đã đi qua cùng con đường ấy; hơn nữa, họ sẵn một kho kinh nghiệm chất chứa của nhiều thế kỷ. Những bậc Thầy vĩ đại có thể làm những việc quái lạ nhất về phương diện này, đôi khi hầu như khó tin nổi. Người môn đệ nào hoài nghi về khả năng của họ để thấy suốt tâm hồn mình, anh ta sẽ nhận ra ngay rằng : sự đối kháng của mình, dù có ý thức, dù theo bản năng, thật vô hiệu. Dĩ nhiên người phương Ðông ít khi ở vào hoàn cảnh này. Lòng tôn kính vô hạn đối với Thầy đã ở trong dòng máu của anh ta; đấy là một phần của truyền thống y. Vì Thầy cho anh ta tinh túy của Thầy, mà cũng sẽ là tinh túy của môn đệ - tinh túy hiểu theo nghĩa tâm linh. Tinh túy này tuyệt đối không phải là những gì của tri thức có thể được tách khỏi người cho ban đầu, để y bị quên đi, song là kho tàng của năng lực tâm linh, mà chỉ người đã có kinh nghiệm nó mới có được, và do đó không phải của riêng y.

Nếu người môn đệ có bao giờ có những kinh nghiệm thần bí, ấy là hoàn toàn nhờ ở Thầy y. Ðối với Thầy, số phận của môn đệ cũng quan trọng như là số phận của chính ông, ông sẵn sàng tự hy sinh để làm bổn phận. Trên tất cả - và điều này phải được nhấn mạnh đặc biệt - ông luôn luôn có thì giờ dành cho những môn đệ.

Kết quả là mối liên hệ giữa trò đối với Thầy là một liên hệ của lòng tin tưởng tuyệt đối và sự tận tụy hoàn toàn. Vị Thầy, về phần ông, nhận sự biết ơn, lòng tôn kính và yêu thương này như một sự gì không phải dành cho riêng cá nhân ông, vì năng lực ông không xuất phát từ chính ông hay từ những gì ông đã trở thành qua những nỗ lực riêng ông, nhưng là từ nhất thể. Bởi đó, ông không thấy lý do gì để tự mãn trong việc này. Nhưng ông không ngăn cấm lòng tận tụy của môn đệ ông; ông nhận nó như chuyện dĩ nhiên, bao lâu người môn đệ còn nương vào sự lãnh đạo tâm linh của ông và chưa liên lạc được với trung tâm Bản thể. Một khi tâm này đã được tìm thấy, mối liên hệ sẽ không còn là một liên hệ của đức tin và sự giao phó, mà là liên hệ về hiểu biết.

Bất cứ việc gì Thầy sai bảo sẽ được người môn đệ thi hành - không phải với vẻ siêng năng phô trương của người mong chóng "thành nghề" về tôn giáo (những người như thế sẽ bỏ trường gấp), nhưng do một động lực nội tâm muốn dâng hiến. Ðiều này có thể thấy qua lối nói chuyện giữa những môn đệ với nhau khi nói về Thầy họ - với một sự kính phục thiêng liêng. Ðối với họ, ông là mẫu mực, và ngay cả con mắt vô cùng tinh xảo và minh mẫn của họ cũng không thể tìm ra lỗi lầm nào trong ông, mặc dù họ luôn luôn ở trước mặt ông. Nếu không thế thì sẽ là một tai họa toàn diện, vì toàn thể vũ trụ của họ sẽ sụp đổ. Và vị Thầy nếu ý thức đến một khuyết điểm dù nhỏ nhặt nhất trong mình, ông sẽ tự ý từ chối chức vụ cao cả của ông và thôi không lãnh đạo kẻ khác. Bởi vì trên con đường dài và tự xóa mình của Thiền đạo, có quá nhiều trở ngại, thất vọng và thất bại đến nỗi nếu những môn đệ không đặt tin tưởng tuyệt đối vào vị Thầy, và luôn luôn nhận thấy lòng tin tưởng của mình được biện giải, thì họ sẽ không thể nào ở lại suốt giai đoạn huấn luyện. Chỉ có niềm tin này nâng đỡ họ, không phải tin rằng họ sẽ đạt mục đích, nhưng tin rằng Thầy đang hướng dẫn họ đi đúng đường - như số phần họ phải đi. Và nếu họ có phải cắt ngang nửa đường đứt gánh trước khi đến đích, họ sẽ hiểu rằng đi được chừng ấy đoạn đường thôi cũng đã không uổng một đời. Ðiều khiến họ tiếp tục đi không phải là niềm tin trực tiếp vào việc đạt mục đích rốt cùng, vì chuyện ấy xa xôi quá, và chưa thấy hiệu quả gì. Nhưng nó trở thành hữu hiệu qua vị Thầy; và như thế tin vào vị Thầy chính là gián tiếp tin vào mục đích.

Sự lược đồ hóa con đường, máy móc hóa lối dạy dỗ, mối liên lạc giữa môn sinh với Thầy - tất cả những điều ấy giúp ta hiểu vì sao, ngay từ khởi thủy đã có những "trường" dạy thần bí ở Viễn Ðông; và tại sao con đường, cũng như kinh nghiệm chân lý, cũng như cuộc đời của kẻ hấp thụ tâm pháp, đều không phải được phó cho may rủi, mà phải chịu sự huấn luyện có hệ thống và chịu những ảnh hưởng. Ở Tây phương chưa bao giờ có những trường học về thần bí theo nghĩa này, ngay cả những trường mở ra để thí nghiệm thử. Một nhà thần bí lão luyện vào bậc Thầy thường đột hiện như thể trên trời sa xuống, sáng rỡ một lúc ngắn ngủi như một khí tượng, rồi lại tan biến. Bất cứ ghi chép gì ông đã để lại sau lưng sẽ được người ta đọc và khâm phục một thời gian, và vẫn còn ảnh hưởng trên một đoàn thể nhỏ trung thành. Nhưng tựu trung, tất cả nó có để bám vào là nguồn cảm đầu tiên ; mỗi người rút ra từ đấy những gì thích hợp với mình, cuối cùng đoàn thể tách ra thành từng mảnh tùy theo cách giải thích những lời ông để lại. Nhà thần bí Tây phương có thể nhóm lên ngọn lửa cho tâm người, nhưng nó không tiếp tục cháy sáng, bởi lẽ những người ấy không được ở trên một con đường cung cấp nhiên liệu đầy đủ, từ kinh nghiệm bản thân của ông Thầy, để cho ngọn lửa đừng bao giờ tắt.

Sau đây tôi sẽ cố thuật lại sự học tập và sự biến đổi của những người đi vào con đường này ở Nhật Bản, trong những Thiền viện Phật giáo.

Nhưng trước tiên tôi muốn nêu một nhận xét tổng quát. Bất cứ người nào đã có cái may mắn sống qua một vài năm liên lạc mật thiết với những Phật tử của phái Thiền Nhật Bản, không khỏi để ý ngay cả những chi tiết thường nhất trong sinh hoạt hàng ngày của họ, như thể là bằng cách đó ta có thể giải thích được những bí mật về họ. Người ấy gần như buồn rầu để nhận thấy rằng y đang tiếp xúc với một dân tộc theo một khuôn mẫu khác hẳn thường tình. Họ dường như được ngự trị bởi một ngôi sao đặc biệt, không những trong những gì họ làm, họ nói, trong những sự im lặng của họ, mà nhất là trong hành vi tình cờ của họ: trong cách họ đứng, họ bước đi, hay uống trà, hay xua một con muỗi... Dường như cái thế giới trong đó họ sống đã in một ấn chứng vô song lên toàn thể con người họ, đến nỗi không có gì xảy đến trong họ và xung quanh họ mà không đã thâm nhập - hay bắt đầu thâm nhập - vào trong mối tương quan rõ rệt với họ, với cái tâm vô hình tướng định đoạt số phận họ và tính chất cuộc hiện hữu của họ. Chính họ, họ không bao giờ nói đến cái gì từ bên trong đã chuyển họ (và không chuyển họ), họ cũng không cảm thấy một thúc đẩy nào để tự thú. Với một nụ cười khôn dò, họ rút lui khỏi sự dò xét tìm hiểu và hoàn toàn tảng lờ mọi câu hỏi đặt ra chỉ vì tò mò. Bí ẩn của họ chỉ có thể được lại gần do một người cũng đang thân hành đi trên đường đến chỗ chứng nghiệm nó.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

SỰ TẬP LUYỆN TRONG CÁC THIỀN VIỆN PHẬT GIÁO

Như thông lệ ở Viễn Ðông, những môn sinh trẻ tuổi trong một tu viện, những người được định đoạt cho đời tu, ít khi đến đấy do tự ý mình. Thường thường họ vâng theo lòng mong ước của cha mẹ họ. Nhưng họ quá xem sự mong ước này thành của riêng họ, đến nỗi nó có thể là sự thúc giục trong chính họ. Nếu không, họ sẽ không tìm thấy thỏa mãn. Bởi vì đời của một tu sĩ không hẳn là đầy mời mọc cám dỗ: một cuộc sống khắt khe đầy những thiếu thốn, tuy nhiên sự nghèo nàn ấy được bù đắp bằng những của cải nội tâm phong phú đến nỗi họ sẽ không chịu đổi lấy bất cứ một cuộc sống nào khác. Ngoài những môn sinh này, lại có những người đến thực tập trong những thiền đường của các Thiền viện Phật giáo; những môn sinh thuộc đủ các cấp hạng đang chuẩn bị cho một nghề nghiệp, hay những môn sinh đã hoàn tất khóa huấn luyện của họ, trong số đó có những nghệ sĩ đủ loại. Những người này đến để lưu lại một thời gian do tự ý thích của họ, phần nào bị lôi cuốn bởi tinh thần Zen, và tin rằng sự tiếp xúc gần gũi hơn với nó sẽ đem lại cho họ một điều gì mà họ không thể bỏ qua, một điều không những có lợi ích cho nghề nghiệp của họ, mà còn có lợi ích cho chính bản thân họ.

Những môn sinh lớn tuổi này đã được un đúc bởi kinh nghiệm của cuộc sống, hoặc bởi nghề nghiệp họ, và có lẽ đã chứng tỏ khả năng của họ. Và điều ấy có giá trị cho sự chọn lọc họ và nhận họ vào, cho sự việc họ được một vị Sư chọn riêng ra. Họ đã có một tầm nhiệm vụ khá rộng rãi, họ cũng có thể đã qua một khóa huấn luyện cam go cho ý chí và trí năng. Ðiều có vẻ lạ lùng là điều này lại được xem quan trọng. Bởi vì những gì họ sẽ phải học trong tu viện - tập trung để thiền định - đòi hỏi khả năng tập trung vào một vật hàng giờ, hàng ngày, và suốt những tuần lễ. Ðiều ấy cần trước nhất sự quả quyết kiên cố của ý chí cũng như một trí năng mẫn tiệp. Mẫu người có cảm xúc thắng thế nhận thấy việc này rất khó khăn ; quả thế, họ không tiến bộ được chút nào.

Một yếu tố giúp họ rất nhiều là người Nhật từ ấu thời đã tập được sự tuân kỷ luật. Ðiều đáng ngạc nhiên là đối với người Âu, hầu như không thể tưởng tượng được, là người Nhật đã để nhiều thì giờ vào việc kiềm chế và kiểm soát những cử động mà người ta có thể xem bất quá chỉ là những lỗi về thẩm mỹ; ví dụ một người nào đóng cửa một cách giận dữ. Ở Ðông phương, điều này người ta không xem là một dấu hiệu của cá tính, là biểu hiện của một nhân cách hùng mạnh, cũng không xem như một tật xấu nhỏ không đáng lấy làm điều. Bất cứ người nào làm một việc như thế sẽ không - như người Âu châu - cho là vì hoàn cảnh, hay tự tha thứ mình bằng cách bảo rằng ý thức đã tuột khỏi y. Y sẽ đi trở lại cánh cửa, mở nó ra, nhẹ nhàng đóng nó lại và nói với nó: "Tôi xin lỗi ông". Về sau, y sẽ cẩn thận về cách đóng cửa. Hoặc có lẽ y vừa nhận một gói đồ. Y xé toạc nó ra một cách nóng nảy, ném vứt dây buộc và giấy gói. Quá muộn, y nhớ lại rằng y đã mất thể diện vì sự nóng nảy và tò mò của y. Trong tương lai y sẽ bình tĩnh, cẩn thận mở gói và dây, để qua một bên, rồi khi ấy mới bắt đầu xem bên trong có gì. Hay lại nữa, y đang trông đợi một bức thư quan trọng. Nó đến. Thật dễ dàng để nhượng bộ sự thúc đẩy xé mở thư ra và đọc một mạch. Thế là y tự buộc mình phải để bức thư qua một bên và quay sang làm một việc gì khác, cho đến khi y đã thắng lướt cơn vội vã, hấp tấp của mình, khi y đã quên được bức thư. Khi y đặt tay vào nó sau đấy, y mở nó cẩn thận như thể cái phong bì là một vật quý báu.

Một người Âu sẽ nghĩ: Họ rỗi rảnh. Không, họ không rỗi rảnh, họ thong thả. Hoặc y sẽ nói: "Họ khéo quan trọng hóa những chuyện không đâu". Không, họ muốn trở thành không quan trọng. Và y hỏi: "Tất cả việc ấy đưa đến cái gì?". Ðưa đến điều này: là những người kiên nhẫn được trong những việc nhỏ nhặt tầm thường, tự kiềm chế mình, thì sẽ có ngày có được sự tự chủ tương tợ trong những vấn đề quan trọng lớn lao. Bởi thế mà giá trị lớn được đặt trong tư cách tinh thần và trong sự tuân giữ trật tự xã hội và đạo đức, những điều này được xem không phải như mục đích cuối cùng - Thiền vượt ngoài lập trường ấy - mà như một giai đoạn tiên khởi.

Sự luyện tập ý chí và trí năng này được bổ túc và nâng đỡ bằng một lối ăn uống giản dị thanh đạm, bằng công việc tay chân để giải trí, với một thời gian ngủ nghỉ không quá số lượng cần thiết trên một chiếc giường cứng. Kỷ luật vô cùng chặt chẽ. Sự đúng giờ giấc, tính cẩn trọng được đòi hỏi, và thêm vào đó, cần một khả năng chịu đựng sự nóng bức và giá lạnh bất kể thời tiết.

Từ phương diện này, ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông đối với người hiệp sĩ Nhật (samurai) có thể hiểu được; sự thật tinh thần hiệp sĩ được un đúc phần lớn từ đó. Ngay cả ngày nay, sự huấn luyện về bắn cung và đánh kiếm cũng nổi tiếng về kỷ luật nghiêm nhặt của nó. Những giờ đầu tiên của buổi sáng được chọn để thực tập, vào giờ ấy, trí óc ta minh mẫn. Những biến đổi bốn mùa không quan trọng: những lúc lạnh nhất và nóng nhất trong ngày thường được chọn.

Sự huấn luyện những môn sinh trẻ thì khác: trong mọi phương diện, họ là những người vở lòng, những trang giấy trắng. Vị Thầy trước tiên phải tìm cách biết rõ họ trước khi ông có thể đặt họ lên con đường Thiền. Bởi thế, trước hết là những hoạt động của họ hoàn toàn khác hẳn những gì ta có thể chờ đợi. Họ phải lau nhà, làm việc trong bếp, trong đồng ruộng và vườn tược. Trong mọi lúc họ đều được ông Thầy kín đáo quan sát. Không những sự nhanh nhẹn, khéo léo và thẩm mỹ là quan trọng, mà còn quan trọng hơn nữa là thiện chí, lòng hăng hái, tính cẩn trọng, không vị kỷ, sự sẵn sàng phục vụ. Họ trải qua một thời gian thử thách, với con mắt không thể bị đánh lừa của vị Thầy luôn theo dõi họ. Ông tuyệt nhiên không nhìn xem họ cư xử với ông ra sao. Ðiều dĩ nhiên là họ đối với ông một cách kính cẩn, nhưng điều này không khải thị gì nhiều. Và cách thức họ đối xử với bạn đồng tu ra sao, họ nói chuyện về gì, cũng không đủ định tính họ. Vì ngay trong một tu viện cũng vậy, đường lối và không khí chung là những gì họ có thể thích nghi theo - họ luôn luôn có thể "đóng trò". Bởi thế, để ý đến cái gì một người không làm thường thường quan trọng hơn để ý cái gì họ làm. Trái lại, cách cầm nắm đồ đạc, dụng cụ v.v..., nhất là khi người môn đệ tưởng là mình không bị quan sát, cho vị Thầy biết rất nhiều điều. Ông đã làm cho việc này trở thành một nghệ thuật, và có lẽ ông có thể đọc được nhiều từ nơi đó hơn một nhà xem chữ ký có thể đọc được từ nét bút của một người. Với môn đệ ông, ông không nhân nhượng, nghiêm khắc, cộc lốc, ông đối nghịch với họ trong ý nghĩa đúng nhất của danh từ. Nhưng đấy là sự nghiêm nghị của lòng tốt, không bị lay chuyển vì cảm xúc hay tùy tâm trạng. Trong lịch sử Thiền Phật giáo, có nhiều ví dụ điển hình về sự nghiêm khắc tàn nhẫn của một bậc Thầy, nhưng người môn đệ chưa thấy được, như về sau y sẽ thấy, rằng mọi sự đều được làm vì lòng từ bi.

Khi người môn sinh đã đến một trình độ nào đó, sự truyền dạy - một sự dạy dỗ có thể gọi dè dặt là giáo dục "tâm linh" - bắt đầu. Sự luyện tập đặc biệt tâm linh khởi đầu bằng việc thanh lọc khả năng thấy biết. Trước hết đòi hỏi người tập luyện phải tri giác tất cả mọi sự hiện có trước mắt, trong tất cả sự trọn vẹn của nó về phương diện cảm giác, kể cả mọi sự vật khó chịu hay kinh tởm, và phải giữ nó luôn luôn trong tâm thức. Ta phải tập đi tập lại việc đăm chiêu trong những nội dung của tri giác, cho đến khi thuộc lòng nó, và có thể theo ý muốn gợi chúng lại trong tâm thức thế nào cho chúng xuất hiện mà không mất sự trong sáng rõ rệt.

Khi ta có thể làm việc này rồi, ta phải tập vươn lên khỏi nó, tập lĩnh hội những gì ta đang nhìn như thể là ta đang nhìn chúng từ bên trong, tập nhìn xuyên qua nó và nắm lấy tinh yếu của nó, hệt như việc làm của người họa sĩ với một vài nét vẽ phác cô đọng. Từ điểm này, chúng ta có thể thấy nghệ thuật đã nhờ ở Thiền bao nhiêu.

Khi việc ấy đã được nắm vững hoàn toàn, người ta có thể nhắm đến một sự tăng cường thêm : giữ lấy phong cảnh, đồng ruộng với cây cối, hoa, súc vật một cách chăm chú trong cái nhìn của bạn đến nỗi mặc dù khu rừng, bạn vẫn thấy cây cối, rồi tỉa bớt dần thực tính của chi tiết cho đến khi bạn có thể nắm lấy đặc tính bất biến của toàn thể và giữ nó lại trong hình thái cô đọng nhất của nó. Cuối cùng, ngay cả sự nhìn thấy tinh thể thuần túy này cũng phải được vượt qua; bạn phải có thể hình dung chính thế giới, vũ trụ và - sau rốt - khoảng không vô hạn, bằng cách đó bạn nới rộng thêm năng lực nhìn. Có thể ở trình độ này, mọi sự sẽ trôi giạt vào mông lung bất định, nhưng cho dù thế, những luyện tập cũng không phải là không có kết quả.

Tập luyện năng lực nhìn, không chỉ đưa đến sự tăng trưởng khả năng tập trung như thế mà thôi. Những người có kinh nghiệm thần bí và có những nhiệm vụ để thi hành trong đời sống thực cũng cần đến năng lực được tăng cường này về lối nhìn, như ta sẽ thấy.

Chỉ khi giai đoạn này đã đạt, công việc thiền định thực sự mới bắt đầu.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

LUYỆN HƠI THỞ
Sự giáo huấn mà ta có thể gọi là "tâm linh" - với sự dè dặt - liên quan đến những luyện tập về hơi thở trong thế ngồi kiết già (hoa sen). Một người Nhật dễ dàng học cách ngồi này, vì từ nhỏ y ngồi xếp bằng trên nền, trên một thảm lót, và chỉ biết ngồi ghế bành hay ghế dài khi y bắt đầu đi học. Ðối với một người Âu, thế ngồi này ban đầu rất khó nhọc và vì thế rất rầy rà, bởi sự chú ý của y không được xao lãng. Trước tiên, y sẽ phải đành chịu ngồi bán già, hay ngồi trên một chiếc ghế. Nhưng những người nào có thể ngồi kiết già không cần gắng sẽ đồng ý rằng thế ngồi này gây một cảm giác của sự biệt lập tuyệt đối. Thế ngồi phải tiện nghi, điều ấy vô cùng quan trọng, bởi vì thở là cốt để có được sự nghỉ ngơi hoàn toàn của thân xác. Ðiều này được thực hiện bằng hành vi tập trung vào chính hơi thở. Bạn thở vào và ra với nhịp điệu tự nhiên, nhưng mỗi hơi thở được thở với ý thức, ban đầu người ta còn đếm nó. Nhấn mạnh vào hơi thở ra, như thể nó có một hiệu lực trút bỏ. Càng làm được việc này một cách tốt đẹp bao nhiêu, bạn càng trở nên khỏi bị ảnh hưởng của những ấn tượng bên ngoài bấy nhiêu. Cuối cùng, chúng hoàn toàn không được bạn ghi nhận. Sự thoải mái đồng thời xảy đến. Rốt cuộc bạn chỉ còn là hơi thở - bạn bị thở. Hơi thở của bạn, khi bạn để mặc nó và không còn chú ý đến nó bằng ý thức - đã tự tìm thấy nhịp điệu của nó. Nó tự rút giảm thành một mức tối thiểu, chỉ vừa đủ. (Ở mức này có thể có sự nguy hại là ngủ gật, nhưng trong các tu viện điều này được đề phòng bằng cách quất người môn sinh một roi mạnh trên lưng với một chiếc gậy dài).

Ðây cũng là trình độ khi mà, thế giới bên ngoài càng bị đóng lại một cách kiên cố, thế giới bên trong thức dậy. Sau khi loại bỏ những kích thích của ngoại giới, đây là nguồn kinh nghiệm mà vị Thầy phải ngăn lại. Bạn không được ngạc nhiên trước bất cứ gì xuất hiện, dù nó đáng hổ thẹn bao nhiêu. Phải chấp nhận nó một cách bình tĩnh, như thể bạn chỉ là một khán giả, không dính dấp gì, và như thể bạn đang quan sát một việc đang diễn biến mà bạn không phải chịu trách nhiệm về nó. Chỉ để cho nó tiếp tục, đến khi nó tự mệt mỏi, trong khi bạn lắng nghe một cách dửng dưng. Kết quả cuối cùng là sự lặng yên hoàn toàn tỏa ra mà bạn không nhận thấy.

Sự vắng lặng này hoàn toàn tiêu tan vừa khi chú ý của bạn được gọi tỉnh dậy và được hướng về một cái gì mới mẻ. Với sự triệu đòi này, một loạt luyện tập bắt đầu, trong đó sự tập trung được phối hợp với sự thiền quán. Những tập luyện này có nơi chốn là thiền đường hay một phòng đặc biệt, không quá sáng và phải mát mẻ, yên tĩnh, trong một bầu không khí của sự bình lặng sâu xa. Thỉnh thoảng những thời khóa thực tập này được ngắt khoảng bằng những giai đoạn dừng nghỉ ngắn, trong đó bạn đi bách bộ quanh trong vườn, nhưng vẫn lắng mình trong vấn đề thiền quán.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

CÔNG ÁN
Ðề mục thiền định là công án. Nó đòi hỏi một nỗ lực tinh thần tối thượng và không cho phép sự mơ màng lười biếng. Sau đây là một vài công án điển hình:

- Chỉ cho tôi bộ mặt của ông trước khi cha mẹ sinh ra?

- Nếu ông gặp một người trên đường đã đạt chân lý, ông phải đi qua ông ta mà không nói, cũng không im lặng Ông sẽ gặp ông ta cách nào?

- Sư Shusan cầm chiếc tích trượng đưa lên trước mắt đồ chúng tụ họp và bảo: "Nếu các ông gọi đây là một cái gậy thì ghê tởm, nếu không gọi nó là một cái gậy thì sai. Ông sẽ gọi nó là cái gì?"

- Hakuin đưa bàn tay lên không và bảo các môn đệ lắng nghe tiếng nó phát ra. Tiếng ấy như thế nào?

Với sự trợ giúp của công án cuối cùng này, tôi sẽ cố sức trình bày quá trình nào thiền giả theo đuổi và chỉ rõ đâu là điểm cốt yếu của sự tập luyện.

Trong nhiều giờ, nhiều ngày và nhiều tuần, người môn sinh thiền định về công án của mình. Ðắm chìm trong sự tập trung sâu xa, y suy nghĩ cho ra vấn đề trong mọi chiều hướng có thể. Một điều đã rõ ràng: vì chỉ có hai bàn tay vỗ vào nhau mới có thể phát ra một âm thanh; câu trả lời chỉ có thể là: "Không người nào, dù y có mong muốn bao nhiêu đi nữa, có thể nghe được tiếng vỗ của một bàn tay". Nhưng giải đáp không thể quá giản dị như thế. Hay là sẽ thận trọng hơn chăng, nếu ta bảo: "Một bàn tay độc nhất không phát ra một âm thanh mà tai con người có thể nghe được". Nhưng câu ấy cũng không đưa y tiến xa hơn bước nào. Hiển nhiên, vấn đề không phải là âm thanh và sự nghe, hai yếu tố này chỉ được ném vào để làm cho vấn đề thêm rắc rối. Vấn đề rõ ràng: Gì là ý nghĩa của một bàn tay phân biệt với hai bàn? Không phải đây cũng hệt như sự phân biệt căn để giữa nhất và nhị nguyên? Bàn tay chắc phải là một biểu tượng của nguyên lý: "Cái một không có cái thứ hai". Giải đáp này người môn đệ thấy rất bảo đảm, vì đấy là một sự phân biệt đóng vai trò chủ chốt trong Phật giáo và được bàn đến rất thường.

Khi đã tìm ra một giải đáp tuyệt diệu như thế, người môn đệ vội vã đi đến vị Thầy. Y được quyền hỏi ông mỗi ngày một câu. Y trình bày giải đáp của y với sự hãnh diện và hăng hái. Vị Thầy nghe y nói hết, lắc đầu và không nói một lời nào, xua người môn sinh hoang mang trở về thiền đường. Nhưng đôi khi có thể là ông không để người môn đệ thốt ra lời nào và đuổi y đi khi y vừa mở cánh cửa. Người môn sinh bị ném trở lại với chính mình, bắt đầu tập trung lại. Y muốn sẽ thành xuất chúng cho coi, sẽ làm cho Thầy phải kinh ngạc. Thiền định một cách kiên trì, y cố ép ra một giải đáp. Nhưng dù y có xoay chuyển, uốn vặn nó cách mấy, y cũng không thể đi đến kết luận nào khác hơn. Vậy thì tại sao Thầy đã xua đuổi y? Có lẽ chỉ vì y diễn tả vụng về ý nghĩ của mình chăng? Y suy nghĩ lại công thức trong đầu. Một lần nữa y đi đến vị Thầy, nhưng ông đuổi y lần nữa, và lần này với sự chê bai rõ rệt. Nhưng người môn đệ cũng vẫn chưa thấy được y đã sai lầm chỗ nào. Bấy giờ y rơi vào một trạng huống hoang mang. Nếu y còn quá xa với giải đáp như thế, có bao giờ y sẽ đạt được mục đích không? Y cố bình tĩnh lại. Ðây là một vấn đề sống chết! Với nghị lực say mê, y lao mình vào vấn đề, không phải với trí năng phân biệt, mà với những năng lực phối hợp của thể xác, linh hồn và tâm linh, đến nỗi vấn đề không bao giờ để yên y. Nó quấy rầy y trong lúc giải trí, trong giờ ăn, trong công việc của y hàng ngày. Nó theo đuổi y cả trong giấc ngủ. Bây giờ y không còn cần phải tự buộc mình suy nghĩ về noù. Ngay cả khi y muốn giải tỏa trí óc chốc lát, nó cũng cứ tiếp tục suy nghĩ ở trong y. Hoàn toàn vô hiệu, giải pháp cứ vẫn không chịu đến. Y hoài nghi khả năng của y, bắt đầu thất vọng, và không biết xoay xở chiều nào. Y chỉ được cứu thoát khỏi sự tuyệt vọng cùng độ khi vị Thầy khuyên y phải tăng cường định lực cho đến lúc y không còn bị quấy động vì những ý tưởng buồn thảm. Y phải tập chờ đợi một cách kiên nhẫn và đầy tin tưởng, đến khi giải đáp chín mùi và tự nó đến, không bị ép uổng.

Bởi thế, bây giờ y khởi sự lại với vấn đề theo một đường lối khác. Bây giờ không cần phân tích nó và nặn óc suy nghĩ nó nữa. Y đã làm việc ấy khá đủ rồi. Y không còn suy tư trong một vòng lẩn quẩn, về cái này cái nọ, về một bàn tay hay hai bàn tay, về nguyên tắc này khác và những thứ tương tự; y cũng không nghĩ ngay cả đến giải đáp để cố lôi nó ra. Tuy thế, y mãi mãi liên hệ với nó trong một sự căng thẳng tâm linh phi thường. Y khát khao nó như một người khát thèm một thức uống giải khát. Nhưng y xử sự như thể một người đang cố nhớ lại một điều gì. Y cảm thấy như một người đang tìm một vật gì họ đã quên, một điều gì họ phải nhớ lại với bất cứ giá nào, bởi vì tất cả vận mạng của họ tùy thuộc vào đấy.

Trong trạng huống căng thẳng cùng độ ấy của tâm linh, sự việc có thể xảy đến là giải đáp sẽ đột ngột đến với y, vào một lúc hoàn toàn bất ngờ. Hoặc là một tiếng hét, một tiếng động lớn, hay trong những trường hợp quá dằng dai - cách này thường được xử dụng thời xưa - một vố đánh rất đau sẽ đưa sự căng thẳng ấy đến độ nổ bùng. Lúc ấy mới thật cảm kích làm sao! Người môn sinh run lên, toát mồ hôi, nhưng cũng thật tràn trề hoan lạc: điều y đang tìm kiếm vô vọng bấy nay, bây giờ đến với y trong một chớp nhoáng. Bây giờ y thấy rõ rệt chỗ mà trước đấy mọi sự rối như mớ bòng bong, bây giờ y có thể thấy cụm rừng, mặc dù muôn cây ngàn cối. Vảy cá đã rơi khỏi mắt y. Y cảm thấy được cứu thoát. Khoảng thời gian này rất ngắn ngủi, như một làn chớp, nhưng nó có ấn tượng vô cùng sâu xa. Thảo nào y không thể nắm bắt nó.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

SATORI (NGỘ)

Trong trạng thái tâm thức đó, y đi đến Thầy, không còn kiêu hãnh và hăng hái, nhưng luống cuống và do dự. Y giữ im lặng, vì biết rằng không thể nói ra cái mà đối với chính y đã vô cùng rõ rệt. Hoặc y sẽ lắp bắp một câu gì không mạch lạc, miễn cưỡng đưa nó ra như một giải đáp.

Vị Thầy nhìn thoáng y một lượt. Có lẽ ông đã biết, khi người môn sinh vừa mở cửa, rằng đây rồi: Satori, sự ngộ nhập. Ông trấn an y và giúp y thêm sức mạnh.

Cái gì đã xảy đến? Người môn đệ đã không tìm ra một lối giải thích nào mới, một ý tưởng nào mới. Ðúng hơn, trong một làn chớp ngộ nhập, y đã gặp được giải đáp như thể một con mắt tâm linh mới mẻ vừa được khai mở trong đầu y. Những gì y thấy không khác gì với trước kia, mà chỉ có y nhìn thấy chúng một cách khác trước. Nhãn giới của y - cũng như chính bản thân y, có lẽ - đã thay đổi.

Bởi thế, không có con đường trực tiếp nào dẫn từ cách thấy và hiểu thường tình đến tri kiến phát sinh bởi satori này. Nó giống như sự nhảy vào trong một chiều không gian mới. Do đó mà tri kiến này không thể so sánh với bất cứ gì, và nói đúng ra, không thể diễn tả.

Nhưng không có hy vọng nào ngay cả trong việc ám chỉ đến những đặc tính của nó sao? Nếu thế thì sẽ không có gì cả ngoài ra một khoảng chân không, và mọi sự theo liền một cách hợp lý từ tri kiến này sẽ thành khó hiểu hơn bao giờ hết. Vì những giai đoạn cao về sau của Thiền có gốc rễ trong trực giác căn bản này, trong sự nhận chân đầu tiên này. Và bởi thế, đối với những người không thể tự mình đi con đường Thiền và chỉ biết về nó qua lời người nói lại, người ta phải cố gắng mô tả tri kiến ấy một cách nào đó, dù không được hoàn toàn. Nhưng, ngón tay chỉ mặt trăng không phải là chính mặt trăng, như những Thiền sư đã nhận xét, rất đúng.

Suzuki ý thức rất nhiều đến nhu yếu phải làm việc này. Ông gọi nó là: "Một tuệ giác chiếu rọi vào chính bản thể của sự vật" (An Introduction to Zen Buddhism, London, (1948) – trang 47).

"Satori là một thứ tri giác nội tâm - không phải, thật vậy, tri giác về một cá vật riêng rẻ, mà có thể nói là tri giác về chính Thực Tại!" (trang 93). "Tri giác thuộc tầng cao nhất" (trang 109). "Nếu ta muốn đạt đến chính chân lý của sự vật, ta phải nhìn chúng từ chỗ thế giới này chưa từng được tạo lập, chỗ mà ý thức về bỉ thử chưa khởi lên" (trang 52).

Những nhận xét này dĩ nhiên là đúng, nhưng chúng cũng bí ẩn như chính satori. Mối nguy là chúng có thể kích động tưởng tượng và khả năng suy tưởng của độc giả, khiến họ sẽ tạo thành một hình ảnh trong tâm, mà bất kể nó ra sao, cũng sẽ luôn luôn sai lạc. Bởi thế, tôi sẽ cố thử một phương pháp khác, với hy vọng đem lại vài ám thị giải thích.

Ðặc tính đầu tiên, theo tôi, của lối nhìn mới mẻ là: tất cả mọi sự vật đều quan trọng ngang nhau trong sự xuất hiện của chúng, từ cái tầm thường nhất đến vật ý nghĩa nhất theo tiêu chuẩn thường tình con người. Tất cả chúng dường như đều có một giá trị tuyệt đối, như thế chúng đã trở thành trong suốt, vén mở một tương quan không có trong nhãn giới thường tình. Tương quan này không phải chiều ngang, nối liền vật này với vật nọ, và bởi thế cứ ở trong thế giới của vật thể, mà là một tương quan theo chiều dọc: nó buông thả mỗi sự vật riêng chiếc cho rớt thẳng xuống những chiều sâu thẳm nhất của chính sự vật, xuống đến cái điểm ngọn nguồn căn nguyên. Như thế, mọi sự được nhìn, và đồng thời được hiểu, từ nguồn gốc, tuôn phát từ cái "bản thể" tự hiển bày trong chúng. Ðến mức đó, chúng đều ngang hàng nhau, đều mang những chứng thư sáng chói của bản nguyên chúng. Chúng không phải là những sự vật cô lập, chúng chỉ trỏ đến một điểm vượt ngoài chúng, đến nền tảng chung của bản thể chúng, tuy nhiên nền tảng này chỉ có thể được trực nhận qua chúng, qua cái hiện hữu, mặc dù nó là nguồn gốc của mọi hiện hữu.

Một điều cần được xác định rõ ràng là: tuyệt nhiên không có dấu vết của tư duy trong lối nhìn này, cũng không phải lối nhìn này phát sinh với sự cộng tác âm thầm của tư duy. Không phải rằng tri kiến này được chờ đợi, mong muốn, được giả thiết là phải có sau khi thiền định lâu dài về công án, như là một kết quả của sự thiền định ấy, đến nỗi cuối cùng bạn "tin" rằng bạn thấy được giả thiết của bạn. Ðúng hơn, tri kiến đột hiện nơi bạn như một làn chớp, chỉ trong một thoáng. Nó rõ rệt một cách cụ thể đến độ nó mang theo sự xác định tuyệt đối, làm cho bạn bỗng chốc "thấy" và hiểu rằng mọi sự vật có ra là do bởi một cái gì không phải là chúng, chúng có nhờ cái không này, nền tảng và nguồn gốc của chúng.

Có lẽ một giai thoại sau đây thường được dùng làm công án, sẽ giải thích điều đó có nghĩa gì:

Một ngày kia, khi Hyakujo bước ra khỏi nhà với Thầy ông là Baso, họ trông thấy một đàn vịt trời. Baso hỏi: "Chúng bay đi đâu?" – "Bạch Thầy, chúng đã bay mất rồi". Thình lình Baso nắm lấy mũi người môn đệ vặn một cái. Ðau quá, Hyakujo la lên: "Ô, ô !". Baso bảo: "Ngươi nói chúng đã bay mất, nhưng mà chúng thảy đều vẫn ở đây từ khởi thủy"" (xem Suzuki, trong Zen and Japanesse Culture, trang 8).

Khi ấy, Hyakujo toát mồ hôi, và được ngộ.

Sự khác biệt giữa lập ngôn này quá khổng lồ, đến nỗi chúng không thể dung hòa lẫn nhau. "Chúng đã bay mất" là một mệnh đề hiển nhiên của thông tục. Chúng không còn được thấy nữa, chúng đã biến mất vào một nơi nào đó, bởi thế chúng không còn ở đây và không hiện diện đối với tôi. Không cần có sự soi sáng nào để lập nên sự kiện ấy. Baso thì thấy hoàn toàn khác thế.

Thấy với đôi mắt thường mà, mọi người có được từ sơ sinh, chỉ có nghĩa là ghi nhận cái đến trước mắt mình - vào bất cứ lúc nào - từ tất cả những gì hiện hữu. Một cái gì để đến trước mắt ta, trước hết phải hiện hữu trong hiện tượng giới. Với con mắt "thứ ba", mà ta chỉ có khi ta được "sinh trở lại", ta thấy chính hiện hữu của mọi cái hiện hữu trong bản thể, nền tảng của cái hiện tượng kia. Bởi thế, cách lập ngôn phải là: "Chúng vẫn luôn luôn ở đây" - dĩ nhiên không phải ở điểm không gian này, vì không gian và thời gian không có chỗ đứng trong tri kiến này. Ðiều bắt buộc phải có vẻ vô nghĩa, ngược đời, một trò đùa kém cỏi, thành ra thực sự lại là một mệnh đề xác định sự kiện một cách hoàn toàn đơn giản - một sự kiện mà Baso thấy rất rõ rệt và cụ thể, hệt như Hyakujo thấy những con vịt trời đã bay mất. Cả hai sự kiện không bên nào bác bỏ bên nào bởi vì chúng thuộc vào những chiều hướng hoàn toàn khác nhau, và Hyakujo sẽ không bao giờ có thể tìm ra giải đáp bằng tư duy dai dẳng. Chỉ trong lúc đau đớn kịch liệt, làm ông hết suy nghĩ, ông mới tìm ra giải đáp qua satori.

Bây giờ, mặc dù bạn có thể có cảm tưởng rằng bạn có thể thâu thập điều gì từ nơi lập ngôn này của Baso, hiểu nó một cách nào đó và chứng minh nó, bạn cũng không được tưởng tượng rằng bạn có thể theo lập trường của Baso và phóng chiếu một cái gì đầy ý nghĩa, có lẽ còn sâu sắc hơn nữa, vào trong lập ngôn của ông ta. Ðiều đó hoàn toàn không phù hợp: mọi sự tùy thuộc vào sự “thấy” của bạn, như Baso đã thấy ngay ở cái nhìn đầu tiên, với một sự trực tiếp của cái tri kiến có tính cách như vậy chứ không khác hơn. Baso, phần ông, dĩ nhiên ông hiểu lập ngôn của Hyakujo; ông đã từng có lần chia sẻ quan điểm này và xem nó như chuyện thường. Nhưng ông cũng hiểu rằng như vậy là không tâm linh, là ly tâm.

Sẽ là một ngộ nhận nếu nghĩ rằng tri kiến sáng rỡ ấy, mặc dù nó có thể đem lại một lợi ích căn bản, vẫn bao hàm một sự mất mát trầm trọng; rằng nó bỏ qua sự tròn đầy cụ thể của hiện hữu ngay bây giờ và ở đây, một hiện hữu bây giờ đã bị tước hết ý nghĩa.

Bởi vì, mặc dù thấy sự vật trong ánh sáng căn nguyên sáng rỡ của nó là điều quan trọng, nhưng cũng cần phải chấp nhận sự vật như chúng hiện hữu trong thực tế; phải trực nhận không những cái gì hiển lộ trong chúng, mà còn ngay cả hình thái của sự hiển lộ.

Bác luận trên không nhằm chỗ. Chính vì tri kiến sáng suốt không tìm xem cái "bị thấy" (sở kiến) có thể có ý nghĩa nào trong mối tương quan với người thấy (năng kiến), cho nên tri kiến ấy cho phép mỗi vật hiện hữu được chính thực là nó, tùy theo căn nguyên của nó. Tri kiến ấy lĩnh hội sự vật đúng như chúng "cốt là".

Bởi vì nguồn gốc vô hình tướng của sự vật càng không-thể-đạt và không-thể-nghĩ-bàn bao nhiêu, thì sự vật trong hình tướng cụ thể của chúng càng dễ "khả đắc" đối với chúng ta bấy nhiêu. Ðược tắm gội trong ánh sáng của cội nguồn chúng, chính chúng cũng được sáng rỡ. Nền tảng của chúng càng huyền mật bao nhiêu, chúng càng hiển hiện trước mắt ta một cách đầy khải thị bấy nhiêu. Chúng càng im lặng về những vấn đề tối hậu bao nhiêu, thì lại càng ít im lặng về chính chúng bấy nhiêu. Ðiều này khiến cho người có tri kiến sáng suốt có thể để mặc chúng đi con đường riêng chúng, mà không khoác thêm cho chúng những thiên kiến của ông ta. Hoàn toàn không xem chúng như chỉ là những hiển thị của một nguyên nhân đầu, mà trong trạng thái này không thể đạt đến và không thể lĩnh hội, ông để cho mỗi vật được chính là nó. Tính chất đặc biệt của tri kiến vô ngã nơi ông khiến ông có thể làm việc này đến một mức độ phi thường: như thể ông hoàn toàn ở ngoài những giới hạn của thiên nhiên sinh động, ông thưởng thức sự xúc tiếp mật thiết nhất với sự vật và số phận chúng, ngay cả với những sự vật có vẻ hoàn toàn chìm đắm trong hiện hữu vật chất của chúng. Ðôi khi ông có thể tăng cường mối xúc tiếp này đến độ hoàn toàn nhập làm một với sự vật. Khi ấy, đối với ông, dường như sự vật không phải đến với ông trong cái nhìn của ông, mà chúng đến với chính chúng, và chỉ lúc đó chúng mới đạt đến thực tính tròn đầy, như là bản thể đang tự ngắm nhìn nó trong mọi sự vật hiện hữu, như thể nó bao trùm và nâng đỡ tất cả vận hành của sự nhìn. Khi ấy, ông không còn tự thấy mình là cực điểm chủ thể, đối diện với sự vật là khách thể, ông cảm thức. Bản thể là cực điểm độc nhất, mà bản chất cốt yếu là bất khả tư nghì; và chính ông, cùng với mọi sự vật xảy ra, là cực điểm khác, cực điểm bao gồm tất cả những gì hiện hữu cụ thể hữu hình, một hiện hữu mà, cũng như chính ông, được tuôn phát từ nguồn cội.

Bởi vì những gì áp dụng cho mỗi sự vật riêng rẻ cũng áp dụng cho cái gọi là ngã. Trong tri kiến này, cái ngã cũng trở thành trong suốt, trong suốt đến tận những chiều sâu tối hậu từ đấy nó được phát xuất. Ở đây ta có thể nhớ lại công án: "chỉ cho ta bộ mặt đầu tiên của ngươi khi cha mẹ chưa sinh" - nghĩa là trước khi ngươi hiện hữu như một cái ngã riêng biệt, như con người cá thể này trong thế giới của đa dạng và đối đãi.

Một lần nữa giải đáp của công án gồm trong việc "thấy" bộ mặt nguyên thủy với con mắt tâm linh, con mắt thứ ba, tìm ra bộ mặt ấy đúng hơn là đặt bày nó ra với sự trợ giúp của tư duy. Khi ấy, những gì bạn kinh nghiệm đối với cái ngã riêng của bạn không được chuyển - bằng cách so sánh - đến những cái ngã khác, nhất là đến sự vật; tất cả những hình tướng khác này cũng đều phải được kinh nghiệm một cách trực tiếp, từ nguyên ủy.

Có thể rằng kiểu nhìn thấy này là một sự tái diễn, một sự phục hồi - trong hình thức mãnh liệt - của một thái độ đôi khi đến với ta một cách tự nhiên thuở ấu thời. Vào thuở ấy, mỗi đồ vật mà ta chơi được cảm nghiệm đúng như chính nó, đến nỗi dường như tất cả hoạt động đều phát xuất từ nó và nó đang chơi với ta. Dù thế nào đi nữa, dù satori là một sự trở ngược về quá khứ hay một biến cố hoàn toàn mới mẻ và độc đáo, nó cũng vẫn chắc chắn là nột kinh nghiệm mãnh liệt về Tuyệt đối và Bất dị, kinh nghiệm đã triệu tập tất cả những sức mạnh của chủ thể ta sử dụng chúng. Ðấy vừa là tri kiến, kinh nghiệm, sự thâm nhập và bị thâm nhập. Bởi thế cũng là điều dễ hiểu khi những Thiền sư chỉ chấp nhận nhiều nhất là những tiếng hét như "Gậy!", "Tuyết!", "Vịt trời!, nhưng lại xem những lập ngôn: "Ðây là một chiếc gậy", "Kia là những con vịt trời" cũng sai lầm như nói ngược lại: "Ðây không phải là một chiếc gậy", "Kia không phải là những con vịt trời", và "Những con vịt trời đã bay mất" cũng sai lầm hệt như "Chúng chưa bay mất".

Một người phán đoán theo cách đó, cô lập sự vật khỏi chính mình và khỏi sự vật khác, đã đập vụn cái toàn thể, người ấy không còn là một người "nhìn" và một người "quán sát", đứng ra ngoài bức tranh và cảm nghiệm đối tượng bị quan sát như là một cái đối lập. Y không cảm thấy một với những gì y thấy, y được sự vật “nói” với y như thể từ bên ngoài và trở lại chất vấn để chúng trả lời. Trong cái trò hỏi đáp này, y tưởng tượng y đã nắm được thực tính tròn vẹn của "đối tượng" một cách "cạn tàu ráo máng", mà không để ý rằng y phải đành nhận chỉ một vật thay thế. Giữa chính y và sự vật có xen một hình-ảnh-trong-gương mà y độn đầy ý nghĩa, không nhận chân rằng đối với người thực sự "thấy", nhãn giới của họ tràn đầy những ý nghĩa, rằng y chỉ cần phải mở mình ra để đón nhận chúng.

Ðối với một người quan sát, luôn đặt tương quan sự vật này với sự vật khác, quá khứ và vị lai được chia cắt rõ rệt trong mọi sự y nhìn thấy. Tri kiến không phải như thế, nó gồm trong một hiện tại không có tương quan, trong một Bây Giờ không có bóng dáng phản chiếu, một Bây Giờ của biến cố phi thời gian. Nhịp điệu không được cảm thức như một cái gì ở bên ngoài, mà như nhịp điệu của chính mình, cùng đập một nhịp với tất cả mọi sự trong một quá trình bất tuyệt và vô biên của đổi thay.

Bởi đó, nếu những Thiền sư phản đối bất cứ lập ngôn nào về tri kiến sáng suốt, ấy không phải họ bảo phải trở về với tình trạng tâm hồn bán khai của người chưa trưởng thành. Ðiều họ đòi hỏi không phải chỉ là sự đạt đến "tâm nguyên thủy" mà còn là sự duy trì nó. Trạng thái nguyên sơ này không phải là bán khai, dù nó có thể trông giản dị và thật thà chất phác đến đâu đi nữa. Nó là sản phảm của kỷ luật tâm linh không ngừng, và nó đưa đến một sự tự do tự tại, kỳ thực không xem cái gì la bất khả. Nhưng không phải tinh thần của Thiền nếu ta đòi hỏi thái độ thái độ phản luận lý này theo một nguyên tắc, và nếu áp dụng nó một cách cưỡng ép cho mọi lãnh vực của cuộc sống. "Nguyên tắc" thuộc bất cứ loại nào đều xa lạ đối với Thiền. Không những Thiền công nhận rằng có những lãnh vực sinh hoạt trong đó sự xác quyết, phán đoán, kế hoạch và những hành vi đầy chủ đích đóng một vai trò, mà Thiền còn đi đến chỗ công nhận rằng những cách thế hành xử như trên là cần thiết cho sự sống, và như thế biện minh cho sự phá vỡ cái nhất tính nguyên ủy, sự tách rời thành chủ thể và khách thể - nhưng chỉ đến mức độ ở đấy nguy hiểm và tai họa chưa xảy ra.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

NHỮNG SỰ THIỀN ĐỊNH VỀ CÁC CÔNG ÁN KHÁC

Vào lúc thích hợp, vị Thầy sẽ giao thêm những công án cho môn sinh. Không phải để bổ túc lần lần sự chứng ngộ - bởi vì sự chứng ngộ được truyền ngay một mạch, như một toàn thể không thể phân chia, vì tất cả Thiền được chứa đựng trong mỗi công án - nhưng để làm cho được việc chứng ngộ trở thành quen thuộc hơn, làm cho nó cắm rễ, tập luyện nó. Ðồng thời ta có thể thám hiểm toàn thể con người với sự trợ giúp của những công án; ta lại còn có thể phân loại chúng về phương diện này.

Vào giai đoạn này, người môn sinh sẽ không lập lại những lỗi lầm cũ khi thiền định. Bây giờ y không tìm kiếm một giải đáp hợp lý nào, vì đã biết qua những thất bại trước đấy rằng suy nghĩ là hoàn toàn vô dụng và phải bị loại bỏ. Có thể rằng y vừa mới bắt đầu thiền định thì giải đáp đã đến ngay từ đầu: Nó nhảy vào y một cách xác quyết, và y "thấy" trong một làn chớp cái gì đã được hỏi. Y sẽ đi đến Thầy, và giải đáp của y sẽ được xác nhận hoặc bị bác bỏ. Y tuân theo quyết đoán của vị Thầy, không chỉ trong tinh thần nhũn nhặn và vâng lời, cúi mình trước những quyết định mà y nghĩ là sai, - mà còn với sự đồng ý hoàn toàn, như thể tuân theo những mệnh lệnh của số phận. Tính "ngoan ngoãn" này lúc đầu có thể không ở trong y. Có thể có những lúc y chống đối lại sự xác nhận của Thầy là đã thấy suốt được y, cho đến một ngày y nhận chân y đã sai lầm biết chừng nào. Sau đó, y sẵn sàng vâng phục và có một niềm tin cậy kiên cố nơi vị Thầy.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

BẰNG CÁCH NÀO VỊ THẦY XEM MÔN SINH ĐÃ "NGỘ" HAY CHƯA

Từ đâu vị Thầy có được cái thẩm quyền này, mà ông không tìm kiếm cũng không đòi hỏi, nhưng nó tăng trưởng trong ông cho dù ông không muốn? Làm sao ông có thể nhìn thấy suốt tâm hồn của môn sinh, khi y đứng câm lặng vì sợ hãi trước mặt ông, hay lắp bắp một cách tội nghiệp? Làm sao ông thấy và biết môn sinh đã hay chưa đạt đến chứng ngộ? Ðiều này cũng khó giải thích như chính quá trình của sự chứng ngộ.

Chúng ta cần nhấn mạnh một lần nữa rằng tri kiến sáng suốt có một bản chất lạ lùng đến nỗi người môn sinh không thể đưa ra một câu trả lời rõ rệt cho câu hỏi chứa đựng trong công án, vì không thể nào diễn đạt nó trong những khái niệm ngôn từ. Nhưng ngay khi giả sử rằng y có thể mô tả tri kiến bằng cách sử dụng những so sánh (điều này y có thể làm sau vài năm, khi đã tăng thêm kinh nghiệm), việc ấy cũng sẽ không làm vị Thầy chú ý. Vì người môn sinh có thể chỉ lặp lại những gì y đã nghe người khác nói, giả vờ làm một kinh nghiệm thực thụ của y. Với một trí tưởng tượng rất linh động và một ít sự kiện trong tầm sử dụng của y, y có thể chắp nối những nét chính yếu của tri kiến và, - chỉ vì y có thể diễn đạt nó bằng lời, - giả vờ là một người đã chứng nghiệm satori.

Ðể lật tẩy những kẻ "ngáp phải ruồi" này, cũng có thể gặp ở trong cửa Thiền như ở các cửa khác, vị Thầy đòi "thấy" tận mắt sự chứng ngộ của đứa học trò. Và ông, vị sư tổ của satori, quả thật "thấy" được với một cái nhìn không lầm lạc. Những kinh nghiệm riêng ông khi còn làm môn sinh giúp ông có thể làm việc này, rồi còn những năm kinh nghiệm làm Thầy, và cuối cùng, kinh nghiệm của một Thiền sư. Nhưng vị Thầy thấy cái gì? Có lẽ tôi có thể trả lời câu hỏi này bằng một sự so sánh: nó giống như một họa sĩ khi nhìn tác phẩm của học trò liền có thể nói được ai là nghệ sĩ thiên tư, ai không. Ông chỉ "thấy" điều này, còn làm sao ông thấy được, việc ấy ông không thể giải thích hay dạy lại cho một người không phải họa sĩ. Cũng tương tự, vị Thiền sư "thấy" khi có sự ngộ nhập thực sự, chứ không phải chỉ được tưởng tượng ra. Dĩ nhiên, ông thấy được điều đó "nhờ" một cái gì, và mặc dù tôi không thể giải thích làm sao ông "thấy", tôi cũng sẽ cố đưa ra một vài ám thị có thể hữu ích.

Trạng thái thoải mái tinh thần, một trạng thái kết quả từ satori đem lại một biến đổi sâu xa ở nội tâm, được phản chiếu trong một tư thái thong dong của thân xác. Ðặc biệt là satori không gây nên một tình trạng hớn hở rõ rệt nơi con người, một cảm giác khoái trá nồng nhiệt hay một cảm thức phấn khởi toàn diện - những hiện tượng này có thể có những nguyên nhân hoàn toàn khác hẳn - vì người đã chứng ngộ thường an nhiên, và không lộ liễu chút nào. Ðúng hơn, những hậu quả của satori biểu hiện trong những động tác ít lộ liễu nhất của y, những động tác ít chịu sự điều khiển của y nhất. Những động tác này không thể bắt chước được, vì trong Thiền không có những thái độ điển hình có thể học thuộc lòng, như một thái độ của sự sùng đạo, khiêm cung, sự xuất thần v.v... Một ngoại trừ độc nhất là thái độ đăm chiêu trong Thiền định. Thái độ này có thể bắt chước được một lúc, nhưng không thể vô hạn định, bởi vì sự vô ích của nó đã hiện bày rõ: là nó không đưa đến satori.

Tôi cũng sẽ không nhấn mạnh về điểm bao nhiêu điều được biểu lộ trong đôi mắt. Ðiều này đúng trong những lãnh vực sinh hoạt khác, và khắp thế giới nhân loại đã biến sự nghiên cứu đôi mắt thành một nghệ thuật. Nhưng cái nghệ thuật nhìn, từ cách người môn sinh đưa chén trà lên môi, - nhìn xem y đã thực chứng ngộ hay chưa, thì chỉ có một vị Thiền sư mới làm được.

Tôi sẽ chỉ đưa ra một ví dụ độc nhất này, có lẽ nó dễ hiểu nhất cho người Tây phương. Dù sao, một điều chắc là người đã thực chứng satori không những thấy sự vật một cách khác, mà còn "nắm" chúng một cách khác, trong ý nghĩa trực tiếp nhất của danh từ ấy. Nhưng bằng cách nào y "nắm" chúng? Không phải một cách vụng về và đầy tự thức vì sự có mặt của Thầy. Không phải ngắm nhìn hình dáng của chúng, định giá trị của chúng. Cũng không phải, trong trường hợp một cái chén, nhìn nó như là cái chén: tầm quan trọng của cái chén tùy thuộc vào cái gì đựng trong nó. Mặt khác, cũng không phải là không chú ý nó, làm như y đang chìm đắm trong tư duy. Nhưng đúng hơn, giống như một người thợ gốm nắm nó, cảm nghiệm xem nó xuất hiện cách nào - vì nó mách bảo cho biết bàn tay uốn nắn của một người chủ; y nắm nó như thể tay y nhập làm một với cái chén, đến độ chính tay y trở thành như một cái chén, và khi y rút tay về, những bàn tay dường như còn mang dấu vết của cái chén. Y lại còn uống tách trà khác hẳn mọi người. Y uống nó như thế nào mà y không còn biết mình là người uống hay thức uống, y hoàn toàn vong thân, hoàn toàn quên bẵng chính mình: người uống là một với thức uống, thức uống là một với người uống.

Trong nghĩa đó, năng lực của vị Thầy để "thấy" satori chỉ là sự hoàn hảo của một khả năng, mà ông - là một người Ðông phương - có được tất cả những điều kiện cần thiết cho nó: khả năng tìm ra những nét vi tế nhỏ nhiệm nhất của động tác và dáng điệu. Tính bén nhạy lạ lùng này trong sự quan sát có lẽ đã được phát triển nhờ lối viết tượng hình, nhờ khuynh hướng của người Nhật đắm chìm mình trong mọi sự xảy ra, và cuối cùng, nhờ lòng yêu thiên nhiên nơi họ. Bất cứ gì họ quan sát đều đi vào trong họ - họ uống lấy nó. Ta có thể lấy nhiều ví dụ về thái độ này trong đời sống Nhật Bản: sự ngắm hoa anh đào, trưng bày hoa, cắm hoa, sự thưởng thức phong cảnh, thưởng ngoạn những cây đơn độc. Tất cả điều này làm cho sự quan sát của họ về súc vật và người chuyển động, được bén nhạy hơn. Một trong những vị vua Nhật lại còn thắc mắc về vấn đề: một con hạc lên thang cấp, bắt đầu bằng bước chân nào?

Chính những cử động vô nghĩa, ngoài ý muốn này mới đầy ý nghĩa đối với vị Thầy, như là phản ảnh của một tâm trạng thực, không phải do ý chí sinh ra.

Nếu vị Thiền sư Thầy tôi đọc những gì tôi vừa viết, có lẽ người sẽ nói: "Tại sao lại rắc rối thế về một chuyện quá đơn giản như kia, sao mà lắm lời! Hiểu một người khác, thấy suốt những góc bí ẩn nhất của tâm hồn họ là việc chỉ có thể thực hiện qua một tương quan giữa những mạng thần kinh". Thế nghĩa là với sự tập luyện lâu dài, bạn có thể có được khả năng lôi kéo một người khác vào trong môi trường năng lực của chính bạn, cái môi trường mà bạn nới rộng ra xung quanh mình trong những vòng tròn lớn thêm mãi. Không những người, súc vật và cây cối, mà còn có cả đồ vật nữa. Không gì có thể thoát ra khỏi nó. Và bất cứ gì được lôi kéo vào đều phải hiển lộ tên gọi và bản chất của nó.

Bởi vậy, vị Thầy đã có thể thấy suốt người môn đệ của ông từ hành vi bên ngoài của y rồi, nhưng còn thấy hơn nữa từ nơi cách y cố diễn đạt tư tưởng của y khi được hỏi đến. Y hoàn toàn không thể nào giả vờ có một điều mà y không có, bởi vì trong satori không có gì là có thể quan niệm và diễn đạt được như là một sự kiện khách quan; nó không chứa đựng những chân lý mà ta có thể lượm nhặt ra và nói thuộc lòng, mà chỉ có một cách nhìn thấy và lĩnh hội mới mẻ. Hoặc là bạn có satori, hoặc là bạn không có, chứ bạn không thể đặt bày nó ra. Bất cứ người nào đã từng đích thân học nhiều năm với một Thiền sư đều sẽ không còn bàn cãi điều xác quyết của ông là thấy được tận tim đen của học trò mình, biết được y đang ở vào trình độ nào, và trên tất cả, biết được y có kinh nghiệm thực chứng chừng nào, và chừng nào chỉ là tưởng tượng.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

NHẬN XÉT VỀ NGHỆ THUẬT DIỄN XUẤT CỦA NHẬT BẢN
Ðể kiểm chứng, ta hãy xét một nghệ thuật trong đó cảm thức về động tác hàm ý này đóng một vai trò rất quan trọng: nghệ thuật diễn xuất.

Người diễn viên đạt được hiệu quả không phải nhờ những lời lẽ cảm động - và thường rỗng - không phải nhờ những bộ điệu múa may, mà nhờ sự diễn xuất câm, được gọi là nghệ thuật "vô thanh", "nội tại". Nó không miệt mài trong tình trạng cảm xúc, và mỗi chi tiết đơn độc của nó đều được tạo thành một cách tuyệt hảo. Khán giả không chỉ thấy động tác mà thôi, như thể nó bị cô lập ; y còn biết cách giải thích nó trong tương quan với những cảm thức và trạng thái khác, và y phán đoán giá trị một diễn viên do ở khả năng diễn xuất bằng rất ít yếu tố. Một vài danh từ, một cái nghiêng đầu, một cử động của bàn tay, có thể chỉ một ngón tay - chừng ấy đủ cho một diễn viên "nói" hùng hồn hơn là với lời lẽ tràng giang đại hải. Kịch của Nhật Bản, "Nô" cũng như Kabuti, đều dựa không phải trên lời lẽ mà - ta có thể thấy gốc rễ Phật giáo ở đây - trên sự im lặng để gợi lên câu truyện, hơn là kể truyện. Có những vở tuồng, trong đó những diễn viên không thốt một lời nào, mà vẫn có thể làm cho khán giả mê mẩn với một năng lực diễn đạt tiết kiệm đến độ đã được gọi là sự khiêu vũ đông giá, hay khiêu vũ bất động.

Một vở kịch Nhật không cốt viết ra để đọc, như một vở kịch Âu châu, mà khi mới đọc ta có thể thấy hiển bày tất cả vẻ đẹp, sự tuyệt diệu sâu sắc của nó; vở kịch Nhật chỉ "trở thành" một vở kịch thực sự qua thiên tài của diễn viên, người thêm vào cho nó chính cái yếu tố không thể diễn đạt bằng danh từ.

Trong khi diễn xuất, mặt của y gần như hoàn toàn bất động, trơ trơ, với đôi mắt trừng trừng. Ta không nên lấy làm lạ ở chỗ này. Trước hết, trong những vở tuồng Nô, từ xa xưa người ta đã xử dụng những mặt nạ; hai nữa, là những diễn viên chịu ảnh hưởng rất nhiều của tuồng múa rối, trong đó khả năng diễn đạt nằm trong một số dáng điệu vô cùng ít ỏi. Việc này đã được phát triển với một nghệ thuật khéo léo đến độ dường như tuyệt ảo. Chỉ trên căn bản này, chúng ta mới có thể hiểu được vì sao truyền thống kịch câm được duy trì cẩn thận và được học tập từ ấu thời. Hiện có một văn khố về kịch nghệ viết từ nhiều thế kỷ trước, nét chủ chốt trong đó là một sự tả thuật mô phạm về những tuồng câm do những diễn viên vĩ đại đóng. Ðiều này được xem như công việc và mục đích chính yếu của ngành phê bình kịch nghệ. Mọi diễn viên, như vậy, có thể học hỏi xem những tiền bối vĩ đại của mình đã đóng vai trò đặc biệt của họ ra sao, và làm thế nào để tiến đến một hình thức diễn xuất thực sự phi thời gian. Diễn viên trứ danh nhất hiện nay ở Nhật Bản được thân phụ ông dạy rằng: "Ðiều trước tiên là đừng độc đáo". Ðộc đáo là mối bận tâm của một diễn viên tầm thường. Tỏ ra xuất sắc là một điều dễ, nhưng người diễn viên thiện nghệ cố đừng xuất sắc chừng nào tốt chừng ấy.

Không đáng ngạc nhiên chút nào khi trong những trường hợp như thế, kết quả là một nền kịch nghệ phi thời gian.

Mỗi cử động, dù tầm thường cách mấy, đều nói lên một điều, nhất là trong những vở tuồng Nô. Những biến thiên nhỏ nhất, những cung bực nhỏ nhất về ý nghĩa cũng đủ làm phát sinh những trường phái diễn xuất khác nhau - một điều đối với chúng ta gần như không tưởng tượng được. Ðiều này chỉ có thể có được nhờ ở chỗ những dáng điệu quan trọng đã được đưa đến chỗ toàn hảo tối hậu. Ðến nỗi dù chỉ một thay đổi nhỏ cũng đáng kể. Lý do vì sao chúng không có sự giống nhau như đúc, mặc dù có chung một mẫu mực lề luật làm căn bản, và tại sao chúng không thói hóa thành một tập tục thông thường, mà ngay những diễn viên tồi cũng có thể xử dụng, chính là tại vì ở Nhật Bản, thiên nhiên, sự sống và nghệ thuật tan hòa vào nhau không gián đoạn. Nghệ thuật không phải là một lãnh vực hiện tượng tách rời khỏi, và vượt trên thiên nhiên và cuộc đời, nó là sự kiện toàn chúng qua người nghệ sĩ, người đã có sự điều khiển tối thượng đối với kỹ thuật và bởi đó giải thoát khỏi nó.

Nghệ thuật diễn xuất Nhật Bản vẫn là điều khó lĩnh hội vô cùng đối với người Âu, không những vì y không biết ngôn ngữ Nhật, mà còn vì y đã không phát triển khả năng nhìn thấy của người Ðông phương. Mặc dù có thể theo dõi không chút cố gắng những đoạn đối thoại rối ren nhất trong một vở kịch Âu, y sẽ vô phương khi gặp một xen đơn giản nhất trong một vở kịch hay tuồng câm của Nhật. Y không thể phủ nhận rằng văn hóa của y được xây dựng trên Luận lý, Logos, trong khi nền văn hóa của Viễn Ðông được thiết lập trên tri kiến trực giác.

Ðể độc giả khỏi nghi ngờ tôi nói quá đáng cốt làm sáng tỏ nền tảng của satori, một giai thoại danh tiếng về hai bậc Thầy vĩ đại của kịch nghệ sau đây sẽ chứng minh cho lời tôi: một người công nhận thiên tài vượt bực của người kia về cử chỉ vô cùng gợi cảm của ông ta trong một xen không một lời nào đã thốt.

Tất cả điều bậc Thầy kia có được là nhờ đã sinh ra ở Ðông phương. Nếu, thêm vào đấy, ông có một con mắt thứ ba do satori đem lại, người ta có thể tưởng tượng những kết quả nào sẽ được hoàn thành nhờ sự cách mạng khả năng nhìn thấy này.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Sống Thiền

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

SỰ BIẾN ĐỔI NƠI MÔN SINH DO SATORI
Satori mang lại một biến đổi nội tâm có tính chất một cuộc cách mạng. Người môn đệ lúc đầu không để ý điều ấy; chỉ có vị Thầy y nhận thấy, song ông không bàn đến nó mà để nó chín mùi tới chỗ toàn mỹ. Tuy nhiên, dần dà người môn sinh nhận ra sự thay đổi trong chính mình, trong mối liên lạc của y với những người khác. Không còn có sự giao thiệp tự nhiên như cũ. Nhưng điều ấy không lay chuyển lòng tin chắc của y: thị kiến mà y đạt được đã quá chắc chắn. Càng ngày y càng đắm chìm trong thị kiến của y, và càng tìm và yêu thích sự cô độc.

Ðiều ban đầu có vẻ như một sự mất mát, bây giờ trở thành một sự thu hoạch. Bởi vì y tìm thấy cô độc không phải ở chỗ nào xa biệt và yên tĩnh: y tạo nó ra từ nơi chính y, làm nó lan ra quanh y, dù y ở bất cứ chỗ nào, vì y yêu thích nó. Và dần dần y thuần thục trong sự yên tĩnh này. Ðối với sự tiến triển nội tâm đang bắt đầu diễn biến, sự yên tĩnh là một điều quan trọng phi thường. Bấy giờ không phải y sợ bàn luận về nó với những người khác, sợ làm tiêu tán những hạt mầm trong câu chuyện. Cũng không phải y thả lỏng mình cho cuộc giải trí bâng quơ ; y chỉ muốn biết rõ cái gì đã xảy đến cho y. Nó giống như y phải phơi bày tri kiến đã được soi sáng của y cho một tri kiến còn sáng suốt hơn, để mãi mãi tăng cường kinh nghiệm chứng ngộ ban đầu.

Ðấy là một quá trình tự nhiên, phát sinh bằng cách giữ lại tri kiến sáng suốt về thực tại trong một hình ảnh cố định, rồi nuôi dưỡng hình ảnh ấy trở lại thành tri kiến. Lại nữa, quá trình này không phải được khởi ra một cách hữu thức, nó tự xảy đến.

Ðấy là con đường đi vào nghệ thuật, và cuối cùng nó trở thành một con đường của nghệ thuật.

Chính ở đây là chỗ khác nhau giữa Thiền trong những nghệ thuật riêng rẻ cá biệt và phương pháp Thiền. Sự thoải mái thân xác và tâm thần cũng là mục đích trong những nghệ thuật cá biệt, cũng như sự hoán cải nội tâm mà nó đem lại. Nhưng sự hoán cải không có tính cách căn để như ở trong Thiền chính cống. Những bản năng ngã chấp được đè nén xuống, chứ không phải bị phủ nhận hoàn toàn. Tuy nhiên mỗi một nghệ thuật này đều phóng chiếu đến một điểm vượt ra ngoài nó, và đều là một con đường đến Thiền đạo, đến cái "nghệ thuật phi nghệ thuật" mà Zen kiện toàn được.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Bing [Bot]42 khách