PHÁP YẾU NIỆM PHẬT - Hán Nguyệt Pháp Tạng Thiền Sư

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

PHÁP YẾU NIỆM PHẬT - Hán Nguyệt Pháp Tạng Thiền Sư

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

PHÁP YẾU NIỆM PHẬT
Hán Nguyệt Pháp Tạng Thiền Sư
TMQT dịch

1.KHAI THỊ ĐẠI CHÚNG
Pháp môn Tịnh độ rộng lớn vô cùng, thâu nhiếp tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng pháp nào không quy về pháp môn Tịnh độ. Pháp vi diệu này không ngoài bốn chữ “cầu sanh Tịnh độ”. Nhân duyên phát khởi do ngài Pháp Tạng khởi lòng từ bi, phát bốn mươi tám lời nguyện trang nghiêm cõi Phật. Phương pháp tu tập, nắm lấy chỗ giản dị làm tinh yếu, lấy sự giải thoát, chứng ngôi bất thối, vĩnh viễn không thối thất tâm Bồ đề làm thiết yếu. Thánh giáo chép rằng: “Tụng kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng quán tưởng, quán tưởng không bằng trì danh, trì danh sáu chữ (Nam Mô A Di Đà Phật) không bằng trì danh bốn chữ (A Di Đà Phật).” (Vì bốn chữ ngắn dễ niệm và dễ thành tựu nhất tâm).
Như lần chuổi niệm theo thời khoá, nếu không khéo léo vận dụng phương tiện thì khi tu tập tâm niệm hời hợt, niệm lực không chuyên, vọng tưởng dễ xen, khó đạt nhất tâm. Lại nữa, khi lần chuổi thường sanh tệ nạn lần chuổi qua loa, tụng niệm lấy lệ. Tâm không chuyên nhất thì dù trọn đời tuy có niệm Phật nhưng rốt cuộc Tịnh nghiệp mãi chẳng thành tựu.
Người chân thật dụng công, khi niệm phải tận lực truy đuổi bốn chữ hồng danh Phật hiệu. Chữ đuổi theo chữ, câu đuổi theo câu, âm thanh tiếp nối rượt đuổi theo nhau, tương tục không dứt. Một ngày cho đến bảy ngày liên tục, trì niệm đến khi hư không tan biến, năm uẩn băng tiêu, đạt được cảnh giới nhất tâm bất loạn, đến đây tịnh nghiệp thành tựu tự tại vãng sanh.
Phàm muốn thành tựu niệm Phật Tam muội, trước khoá tu, phải phát đại nguyện thọ trì cấm giới (ngũ giới, hoặc bát quan trai giới, hoặc thập thiện giới, hoặc Bồ tát giới) sám hối thanh tịnh, tâm không còn tạp niệm, đem hết tâm lực trì niệm danh hiệu, thì niệm Phật tam muội chắc chắn sẽ có cơ may thành tựu.
Còn tiếp...
Sửa lần cuối bởi Monggiac vào ngày 17/08/07 09:36 với 2 lần sửa.


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

TRUY ĐẢNH NIỆM PHẬT

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

2.TRUY ĐẢNH NIỆM PHẬT
Trong khi niệm Phật, quan trọng là phải thâu nhiếp tâm ý, mới mong thành tựu tam muội, không được niệm phù phiếm qua loa, tâm không chuyên nhất. Bằng không thì dù hôm nay niệm Phật, ngày mai niệm Phật, tâm vẫn tán loạn, xen lẫn ý nghĩ tạp, ngày tháng luống qua chẳng được ích gì và nhất tâm bất loạn chẳng biết ngày nào mới thành tựu. Nếu mà thường ngày tín tâm không kiên cố, niệm lực sơ sài, đến khi lâm chung chẳng được hưởng dụng, lúc bấy giờ sanh tâm hối tiếc nghi ngờ Phật Pháp không linh nghiệm, trở lại phỉ báng Tam Bảo khiến bị đọa vào ba đường ác. Tại sao như vậy? Vì lúc thường ngày không chịu thân cận học hỏi thiện tri thức, chẳng thấu triệt lý nhân quả, những điểm thiết yếu trong pháp môn, tự mình hiểu sai ý nghĩa “một lòng không loạn.”
Muốn đạt đến được cảnh giới nhất tâm, chỉ việc nương nơi hồng danh bốn chữ (A Di Đà Phật), cực lực truy đuổi, dõng mãnh lại càng dõng mãnh, tinh tấn lại gia thêm tinh tấn, đến lúc cùng cực, thì tự nhiên tình thức căn trần, trong một lúc liền bị dứt đoạn. Tâm sẽ không còn nghĩ đến quá khứ, ước vọng tương lai và vướng mắc hiện tại. Tất cả ba tâm quá khứ, hiện tại và vị lai đều đoạn tuyệt. Cho nên nói rằng: “trước sau đều dứt”. Được vậy là nhờ công phu miên mật, tận lực truy đuổi, trì niệm câu hồng danh, âm thanh sắc tướng, đối duyên xúc cảnh, tâm thức tuyệt đường, chẳng khởi phân biệt, hoà tan vào hư không, đại địa bình đẳng, ta - người đều không, một pháp chẳng lập. Cảnh giới trước mắt như tấm gương lớn, soi rõ vạn vật mà tâm chẳng vướng một chút mảy trần, thấu rõ các pháp thật tướng vốn không, ý thức phân biệt, tuyệt dứt chẳng còn, thân tâm nhẹ lâng tựa như mây nổi, đến đi tự tại chẳng gì ngăn cản, cảnh giới ấy là nhất tâm bất loạn. Đạt được cảnh giới này, trọn đời hưởng dụng, về sau dù gặp cảnh duyên dao động, quyết chắc chẳng còn tán loạn lại nữa. Khi đã đạt được cảnh giới này thì năm uẩn[1], ba độc[2] dù có xuất hiện, chỉ như mây trôi giữa nền trời đến đi mặc tình, bọt bèo bến nước có rồi hoàn không. Cho nên nói rằng: “năm uẩn giả huyễn không đến không đi, ba độc bọt bể có rồi hoàn không.” Khi ấy thì lục độ vạn hạnh thể đều là cảnh giới viên dung.
Nếu công tu tập chưa đạt cảnh này, tuy tạm thời được yên tịnh, nhưng chỉ một lúc mà thôi; Trong khi yên tĩnh thì có chánh niệm, gặp lúc náo động liền sanh tán loạn. Thường ngày đã vậy, huống chi lúc buồn phiền làm sao có thể tự chủ, khi buồn phiền đã không thể tự chủ, vậy thì lúc khốn khổ lại càng tệ hơn, lúc khốn khổ đã vậy thì đến lúc lâm chung, sự đau đớn khổ sở cùng cực, có thể nào ta tự chủ được ư? Trong lúc thường ngày, ở trong cảnh yên tĩnh mà ý thức luôn khởi phân biệt, đến khi khốn khổ, buồn phiền, lâm chung thì tất cả tri thức và thông minh lại càng chẳng thể dùng được. Gần đây, cũng có người giảng Tây-phương, cũng siêng trì tụng đúng theo thời khoá, nhưng lúc lâm chung, đành chịu thúc thủ, công phu thường ngày, chẳng chút hữu dụng, tay chân bối rối, thần thức hôn mê, đường trước hoang man, chẳng biết về đâu, tùy nghiệp lôi kéo. Ấy vì thường ngày công phu, chưa từng đạt đến “nhứt tâm bất loạn” chúng ta những người tu đạo phải hiểu rõ điểm này. Muốn thoát lỗi này phải phát đại tâm, dõng mãnh tinh tấn. Kinh Di Đà nói: “Nếu có người nam, hoặc người nữ nào, nghe được danh hiệu, A Di Đà Phật, nhất tâm trì niệm, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, thì người ấy, đến lúc lâm chung, được Phật Di Đà, cùng các Thánh chúng, hiện ngay trước mặt, người ấy bấy giờ, tâm chẳng điên đảo, liền được vãng sanh, về cõi cực lạc, của Phật Di Đà. Này Xá-lợi-phất, Ta đã thấy rõ, lợi ích như vậy, nên nói lời này, nếu ai nghe thấy, phải nên phát nguyện, sanh về cõi nước kia.” Đức Phật tự thân tuyên nói lời này, chỉ bày con đường thẳng tắt.
Cực tắt công phu, không chi hơn là, chấp trì bốn chữ, A DI ĐÀ PHẬT, chữ đuổi theo chữ, câu đuổi theo câu, âm thanh tiếp nối, câu Phật hiệu sau, đuổi theo câu trước, tiếp nối theo nhau, liên tục không dứt, tạo thành một chuổi, âm thanh Phật hiệu, dài đến vô tận, âm thanh truy đuổi, tựa như dũng tướng, mang đao đuổi giặc, phải tận hết sức, không cần nghĩ ngợi, chỉ thẳng một đường, quyết chắc thành tựu.
Dụng công tin tấn như vậy, thì chẳng cần lâu năm nhiều tháng, cũng chẳng cần trường kỳ đợi đến lúc lâm chung mới mong thành tựu; mà ngay bây giờ, quyết chắc đạt được cảnh giới nhất tâm. Do vậy nên khi, thân tâm tráng kiện, cần phải nổ lực, tinh tấn từng ngày, từng giờ từng phút giây, công phu miên mật, dứt trừ tất cả ý thức phân biệt, các cảnh trước mắt phải buông xả tất cả, chỉ đề niệm câu, Hồng danh Phật hiệu. Cho đến đối cảnh, dù thuận hay nghịch, cũng phải tuỳ duyên, tinh tấn tu tập, một lòng niệm Phật. Nếu tâm suy nghĩ phân biệt, có dấy khởi lên, cũng chỉ một câu, A DI ĐÀ PHẬT, chống cự đối đầu, chẳng dùng pháp khác. Khi niệm đến cùng, những việc hằng ngày, hiện ở trước mắt, không chi chẳng là Tây phương Tịnh độ, cho đến núi non, sông hồ mây nước, âm thanh sắc tướng, không gì chẳng phải là Phật pháp vi diệu. Đến lúc lâm chung, chẳng còn thống khổ, dù cảnh duyên nổi khổ bên ngoài, có bức bách thân thể cũng chẳng ngại gì đến tâm. Nếu như đạt được công phu nhất tâm thế này, thì ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đều dứt, tất cả đều chung một dạng chơn thể, tánh vốn tự viên dung, như nước về nguồn, như không hiệp không, chẳng lưu vết tích. Công phu được vậy, há chẳng tự tại sao ?
Nhân đây nên biết, niệm Phật Tam muội, chẳng phải chỉ nhờ Phật lực không thôi, mà chính là do sức mạnh tinh tấn, chấp trì danh hiệu, truy đuổi hồng danh, mà được thành tựu. Nay tôi tha thiết mong cầu đồng môn bạn hữu, y pháp thực hành, giữ niệm liên tục, suốt trong một ngày; một ngày không thành, thêm tiếp hai ngày, nếu vẫn không đạt, tiếp ba bốn ngày, cho đến bảy ngày, dũng mãnh tinh tấn, truy đuổi Hồng danh, cho đến lúc tâm không còn tán loạn. Kinh văn chép: “Một ngày đến bảy” chỉ là quy ước của mỗi một giai đoạn tinh tu mà đức Phật đề ra. Nếu niệm bảy ngày, vẫn không thành tựu cảnh một lòng không loạn, thì hãy nghỉ ngơi, điều dưỡng tinh thần, tĩnh dưỡng xong lại niệm tiếp, thêm bảy ngày nữa, cứ tiếp tục như vậy lấy nhất tâm làm kỳ hạn.
Cảnh giới nhất tâm là công phu mà tự mỗi người, phải cố gắng nổ lực tu trì cầu chứng nghiệm, không ai có thể tu tập và thành tựu thay cho ta được, mỗi người phải quyết tâm lấy sự một lòng không loạn làm tiêu chí. Nghi thức tu tập trong kinh văn, chư tổ sáng lập rất nhiều. Các phép tắc ấy, mỗi người tuỳ chọn rồi y đó hành trì. Tuy nhiên lòng này, vẫn e ngại rằng, những người chậm lục, khó thể đương nổi, nên nay vì hàng trung hạ một phen, y theo Kinh giáo, thiết lập pháp này, thật chẳng vì danh. Những ai có niềm tin Tịnh độ, hãy thử y theo pháp này, chuyên tâm tu tập, đến khi đạt cảnh một lòng không loạn, hoa sen hoá sanh là lẽ tự nhiên.
Còn phần 3


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

CÁCH ĐIỀU THÂN TÂM

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

3.CÁCH ĐIỀU THÂN TÂM
Công phu niệm Phật, không luận tăng ni đạo tục, đều có thể nổ lực tu tập, nhưng phải phân bên nam bên nữ không được hỗn tạp. Nếu tu tại nhà, đêm trước vào khoá tu thì vợ chồng phải ngủ riêng, trai giới thanh tịnh; Canh năm (khoảng 4:00 am, ngày xưa đêm chia làm 5 canh) tắm gội sạch sẽ rồi mới vào đàn tràng, buông xả thân tâm, dứt trừ mọi việc, đoạn tuyệt vạn duyên. Sau khi lễ Phật ba lạy (chẳng cần lễ nhiều) rồi đối trước Phật dâng lời phát nguyện thọ trì cấm giới năm giới hoặc mười giới… Nếu người đã từng thọ trì giới rồi cũng nên y pháp bạch bạch Phật, khiến cho giới thể như pháp thanh tịnh. Trong đại chúng cử ra một người thuộc và rành nghi thức làm đàn chủ, điều nhiếp đại chúng. Xướng niệm bốn chữ hồng danh “A Di Đà Phật” chữ đuổi theo chữ, câu đuổi theo câu, âm thanh Phật hiệu tiếp nối không ngừng. Điều nên ghi nhớ là không niệm qúa lớn khiến tổn khí hao hơi mau sanh mệt nhọc; cũng chẳng nén hơi, khiến động hoả đại sanh chứng đau đầu; cũng không ráng sức kéo hơi thêm dài làm tổn thương huyết mạch; lại càng không nên hời hợt quá chậm dễ sanh tán loạn; cũng không quá thấp dễ bị hôn trầm. Phương cách tốt nhất là ngồi niệm nửa cây hương [3], rồi đứng niệm nửa cây hương, đi nhiễu Phật nửa cây, trở lại tiếp tục ngồi nửa cây hương,… Trọn ngày thay đổi tư thế như vậy, hết ngồi lại đứng, hết đứng lại đi, khi thân an (thoả mái) thì tâm mới an. Cho đến những khi ăn uống, tắm gội, thay đổi y phục đều nên thầm niệm câu Phật hiệu không ngưng; Lại cũng chẳng nên cùng người nói chuyện.
Sáng nên ăn cháo không nên bày biện; trưa chỉ cơm chay đơn giản nhưng bổ dưỡng; tối ăn cháo hoặc chẳng nên ăn. Ngoài ra, trà nước tùy nghi nhưng không được bày vẽ nhiều, chỉ thêm tổn phí tâm lực, lại xen việc tạp dễ mất tịnh niệm. Chỉ nương vào câu hồng danh Phật hiệu, hết lòng truy đuổi cũng như nước thác từ trên cao đổ xuống ầm ầm không gì ngăn được. Dụng công tin tấn như vậy thì ý thức tự nhiên ngưng trụ không còn khởi tâm phân biệt. Niệm đến canh hai, nếu thân mệt mỏi mỗi người tự về phòng nghỉ. Đến khi tỉnh giấc, lại y như cũ tiếp tục gia công. Một ngày, hai ngày khi thấy thân tâm mỏi mệt, thì chẳng ngại gì mà không phóng xả nghỉ ngơi để phục hồi sức khoẻ. Lúc tỉnh giấc lại cơm canh đơn giản, không được khởi tâm phân biệt, nghĩ đến chuyện đời, nhớ tưởng ngũ dục, làm chỗ y cứ phát khởi trần lao. Khi tinh thần phấn chấn, tiếp tục truy đuổi Hồng danh Phật hiệu, niệm niệm tương ưng, tâm tâm không đổi. Niệm mãn bảy ngày, nếu cảm thấy mệt thì giải đàn nghỉ ngơi, đợi khoẻ tiếp tục tu tập.
Trong khi tu tập thì hôn trầm và tán loạn thường quấy rối. Nếu sợ bị hôn trầm thì điều thiết yếu khi hôn trầm đến phải tỉnh giác sách tấn, cùng nó đối phó; hôn trầm quá mạnh chỉ cần buông xả, ngủ một giấc sâu hôn trầm tự hết. Nếu trạo cử và tán loạn phá rối, phải tự sách tấn cùng nó đối đầu; trạo cử tán loạn quá mạnh thì nên buông xả ngủ một giấc sâu, khi thân an thì trạo cử tự diệt. Khi thân tâm quá mệt mỏi thì cần phải nghỉ ngơi. Khi nghỉ ngơi xong, tâm cảnh đều ngưng, tinh thần hưng thịnh thì tiếp tục đề khởi câu Hồng danh Phật hiệu, mười phần tinh anh. Giữ được như vậy thì tất cả vọng tưởng, một lúc tiêu trừ, nghĩ tưởng phân biệt thoáng chốc đều ngưng. Đạt đến cảnh này, mầu nhiệm khó tả.
Cảnh giới thế này, sơn Tăng tôi đã từng chứng nghiệm qua, nguyện xin tất cả hành giả tịnh nghiệp phải quyết lòng tin. Chỉ cần trong vòng thời gian kiết khoá đừng ham ngủ nghỉ, trừ khi tu tập thân tâm mệt mỏi phải nên phương tiện buông xả mọi duyên để tịnh dưỡng tinh thần, nếu chẳng biết khéo léo điều dưỡng, khiến khởi ấm ma, hoặc sanh bện khổ, ấy là do quá chấp chẳng biết tùy nghi phương tiện, đây là cốt yếu của bài văn này, xin hãy lưu tâm suy tư sâu sắc.
_______
Chú thích:
[1] Năm uẩn: sắc thọ tưởng hành thức
[2] Ba độc: tham sân si
[3] Độ chừng 30 - 45 phút (tuỳ theo khả năng chịu đựng vừa phải của đại chúng) điều thiết yếu ở đây là công phu tu tập tiến bộ hay không, chứ đau quá chắc cũng khó nhiếp tâm niệm Phật được !?
(Trích Giác Hổ Tập, quyển thượng, Tế Năng toản tập Vạn 109 tr. 0514b-051. Bài này cũng được tìm thấy trong quyển Niệm Phật Cảnh Sách, quyển hạ, Bành Tế Thanh Toản vạn 109 tr. 0736-0738 nhưng có khác đôi chút, chúng tôi kết hợp cả hai bản dịch ra văn này.)
Hết


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.12 khách