7 Lời Khai Thị Trích Đoạn Của Pháp Sư Tịnh Không

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Thiệnthông
Bài viết: 240
Ngày: 16/10/08 14:55
Giới tính: Nam
Đến từ: USA
Nghề nghiệp: www.phatam.com

7 Lời Khai Thị Trích Đoạn Của Pháp Sư Tịnh Không

Bài viết chưa xem gửi bởi Thiệnthông »

7 Lời Khai Thị Trích Đoạn Của Pháp Sư Tịnh Không Và Nhạc Niệm Phật:

1. Một câu A Di Đà Phật “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Đặc biệt, trong xã hội hiện tiền, tai nạn rất nhiều, chúng ta buông xuống vạn duyên, buông xuống hết thảy, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng đều chẳng có, tâm quý vị vui sướng lắm, tự tại lắm! Đấy mới là như Phương tiên sinh đã nói: “Sự hưởng thụ tối cao trong đời người”. Chính mình chắc chắn sanh về Cực Lạc, hễ sống thêm một ngày trên thế giới này thì phải thêm nỗ lực một ngày, để làm gì? Nâng cao phẩm vị! Nâng cao phẩm vị bằng cách nào? Trọn chẳng lưu luyến thế gian này, phẩm vị của quý vị mới có thể nâng cao. Mảy may vướng mắc đối với thế gian này chính là sợi dây trói buộc khiến cho quý vị chẳng thể vãng sanh, quý vị đã sai rồi, hãy buông hết thảy xuống! Vì thế, chúng ta sống trong thời đại này, đối với một người tu hành thật sự mong chứng quả, mong thành Phật mà nói thì là hoàn cảnh tốt đẹp! Lắm tai nạn là hoàn cảnh tốt đẹp, vì nó bức bách quý vị không dụng công cũng chẳng được, ép quý vị không buông xuống cũng chẳng xong. Đó gọi là Nghịch Tăng Thượng Duyên. Nếu là đời thái bình thịnh trị, hết thảy đều có thể vừa lòng như ý, quý vị sẽ chẳng muốn rời đi, vẫn mong sống trên thế giới này thêm vài năm nữa. Nếu thấy hiện thời tai nạn dồn dập như thế, trong tâm sẽ mong “ước gì ta vãng sanh ngay lập tức, vãng sanh ngay hôm nay là tốt nhất!” Tâm thành tựu sẽ dũng mãnh, tinh tấn, khiến cho quý vị có cái tâm cảnh giác rất cao trong hoàn cảnh, chẳng mê hoặc mảy may nào! Vì thế, trong các buổi giảng, chúng tôi thường nói: “Trong thế gian này, ai cũng là người tốt, mọi chuyện đều là chuyện tốt” Người tìm đến gây chuyện, tạo chướng ngại đều là người tốt, đều là chuyện tốt. Vì sao? Khiến cho chúng ta chẳng còn mảy may lưu luyến thế giới này. Đối với người tu hành, đó là chuyện tốt, quyết định thành tựu trong một đời này, lại còn thành tựu rất nhanh!

2. Đừng nên suy nghĩ loạn xạ, hễ suy nghĩ loạn xạ là trật rồi. Có thời gian để suy nghĩ loạn xạ, sao không niệm A Di Đà Phật? Suy nghĩ loạn xạ cũng chẳng dễ gì trừ được; vì thế, Tịnh Tông có diệu pháp, dùng một câu danh hiệu A Di Đà Phật để thay thế suy nghĩ loạn xạ, tốt đẹp hơn! Suy nghĩ loạn xạ, nếu chẳng đọa vô minh, sẽ đọa trạo cử (lao chao, tức suy nghĩ loạn xạ), luôn tạo nghiệp luân hồi, lục đạo luân hồi. Trong lục đạo chẳng tìm được một câu A Di Đà Phật này, bất cứ đường nào trong lục đạo cũng chẳng tìm được A Di Đà Phật, A Di Đà Phật ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ cần tương ứng với nơi ấy, sẽ chẳng tương ứng với lục đạo và mười pháp giới, quý vị nhớ kỹ câu này là được rồi. “Trạo cử” là suy nghĩ loạn xạ, “hôn trầm” là muốn ngủ gà ngủ gật, tinh thần không dấy lên nổi; hôn trầm là vô minh. Hai thứ phiền não ấy hiện tiền, quý vị hãy khéo niệm Phật, thật thà niệm Phật. Dùng phương pháp Niệm Phật để thay thế phiền não.

3. Chúng ta tu Tịnh Độ (pháp môn niệm phật), mục tiêu cuối cùng là cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cầu sanh về thế giới Cực Lạc, điều kiện khẩn yếu thứ nhất, chư vị phải ghi nhớ, trong kinh thường nói: “Tâm tịnh, ắt cõi Phật tịnh”. Tâm địa quý vị chẳng thanh tịnh, suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật, mỗi ngày niệm mấy chục vạn tiếng, chẳng nhất định có thể vãng sanh. Vì sao? Tâm không thanh tịnh. Tới thế giới Cực Lạc để làm gì? Hưởng thụ! Thế giới Cực Lạc tốt đẹp quá, ta đến đó hưởng phước, do ý niệm này sẽ chẳng thể vãng sanh, do quan niệm ấy hoàn toàn trái nghịch thế giới Cực Lạc! Cần biết: Thế giới Cực Lạc là trường học, quý vị cũng chẳng thể coi trường học là nhà mình. Bước vào trường, chẳng nghĩ sẽ rời khỏi, chẳng thể được! Sau khi tốt nghiệp, nhất định phải rời khỏi, nơi ấy là chỗ bồi dưỡng, huấn luyện quý vị thành Phật, quý vị đến học [chứ không phải đến để hưởng phước]! Sau khi thành Phật, phải rời khỏi. Rời khỏi để đến đâu? Đến mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh, chẳng thể quyến luyến mãi nơi ấy. Do vậy, điều kiện đầu tiên là tâm vô nhiễm, thanh tịnh.

4. Chỗ mầu nhiệm của Tịnh Tông khiến cho Tịnh Tông là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện chính là gì? Lập tức bảo quý vị hãy trở về với A Di Đà Phật, khôi phục cái tâm thanh tịnh của chính mình! Trong cái tâm thanh tịnh của chính mình, chỉ có một câu A Di Đà Phật. Ngay từ đầu, đã chẳng nói rồi đó sao? Nhớ Phật, niệm Phật, vằng vặc phân minh, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ có một niệm này, không có niệm thứ hai nào! Khi ấy, tâm quý vị là thanh tịnh, bình đẳng, nhưng sau khi quý vị bỏ Phật hiệu đi, tâm quý vị lại chẳng thanh tịnh, lại bất bình đẳng. Chúng ta dốc công sức tu tập ở chỗ này, tu đến mức tâm thanh tịnh hiện tiền, vẫn chẳng thể bỏ phương pháp này, vẫn dùng phương pháp này, tu đến mức tâm bình đẳng, vẫn y như cũ, chẳng bỏ phương pháp này! Thật sự thành Phật, vẫn chẳng lìa bỏ phương pháp này, khi ấy, [niệm Phật] nhằm dạy chúng sanh. Trước khi thành Phật, phương pháp này là tự lợi. Chính mình đã thành tựu, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật này vẫn niệm đến cùng, nhằm hóa độ người khác. Tự hành, dạy người, chỉ có một pháp này. Căn tánh của chúng sanh khác nhau, như Thích Ca Mâu Ni Phật giảng hết thảy các kinh, đối với căn cơ nào, Ngài bèn giảng pháp môn đó, nhưng tới cuối cùng đều hướng dẫn về Cực Lạc. Qua những lời trình bày, hướng dẫn của tổ sư đại đức, chúng ta thấy hết thảy các pháp môn do đức Thế Tôn đã nói cả đời trong suốt bốn mươi chín năm, cuối cùng quy về đâu? Quy về Hoa Nghiêm, trở về Hoa Tạng. Hoa Tạng đến cuối cùng, hai vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền suất lãnh bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Tạng đến bái phỏng A Di Đà Phật, dẫn về Cực Lạc. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được chuyện này! Hành động ấy của Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền đương nhiên là thuận theo ý của Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na Phật không có ý này, Văn Thù và Phổ Hiền sẽ chẳng thể làm như vậy được! Tỳ Lô Giá Na Phật tán đồng, Tỳ Lô Giá Na Phật hoan hỷ, vì sao? Thân cận A Di Đà Phật sẽ thành tựu mau chóng! Chư Phật Như Lai mong cho hết thảy chúng sanh lập tức thành Phật, đấy là bổn nguyện của chư Phật Như Lai. Do vậy, cổ đức nói rất hay: “Ngàn kinh vạn luận, đâu đâu cũng chỉ về”, chẳng có một pháp nào chẳng quy về Tịnh Độ.

5. Mười phương Như Lai ứng hóa trong thế gian này chỉ vì một chuyện: Giúp chúng sanh lìa khổ, được vui, chẳng vì chính mình. Các Ngài đâu có ý niệm lo toan cho bản thân, các Ngài chẳng vì mình, mà vì chúng sanh mà đến [thế gian này]. Chúng sanh khổ sướng bởi đâu? Do mê hay ngộ mà ra. Vì sao quý vị khổ? Vì quý vị tạo nghiệp bất thiện. Cớ sao quý vị tạo nghiệp bất thiện? Do quý vị mê hoặc, nên mới tạo nghiệp, mới cảm lấy ác báo. Bởi lẽ, đức Phật biết: Sướng do đâu mà có? Sướng từ khai ngộ mà có. Sau khi đã ngộ, chắc chắn chẳng tạo ác nghiệp, đó là tiểu ngộ. Khi đại ngộ, thiện lẫn ác đều chẳng tạo, tạo gì? Phật pháp nói là “tịnh nghiệp”, tức nghiệp thanh tịnh. Thanh tịnh nghiệp là gì? Vẫn là đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, đoạn ác, tu thiện, nhưng trong tâm thanh tịnh, chẳng có dấu vết gì, bèn gọi là “tịnh nghiệp”; đấy cũng là thật sự buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, đoạn ác, tu thiện thì gọi là “tịnh nghiệp”.

Phật dùng phương pháp gì để giúp những chúng sanh khổ nạn và chúng sanh trong lục đạo? Phật dùng giáo học. Vì thế, thuở lão nhân gia tại thế đã nêu gương cho chúng ta: Sau khi khai ngộ bèn bắt đầu dạy học. Ba mươi tuổi khai ngộ, bảy mươi chín tuổi viên tịch, suốt bốn mươi chín năm chẳng bỏ sót ngày nào, hằng ngày dạy dỗ. Phật môn đệ tử chúng ta bất luận tại gia hay xuất gia, nhất định phải ghi nhớ: Đức Phật xuất hiện trong thế gian này để làm gì? Dùng phương pháp gì? Chúng ta phải học tập điều ấy.

6. Danh hiệu Di Đà gồm bốn chữ “A Di Đà Phật”. “Nam-mô” chẳng phải là danh hiệu, A Di Đà Phật mới là danh hiệu. Nam-mô có nghĩa là quy y, quy mạng, hay lễ kính. Do vậy, lúc Liên Trì đại sư tại thế, trong bộ Trúc Song Tùy Bút có một câu chuyện như thế này: Có người thỉnh giáo lão nhân gia: “Lão nhân gia bình thường niệm Phật như thế nào?” Ngài nói Ngài niệm bốn chữ A Di Đà Phật. “Ngài dạy người khác thì sao?” “Ta dạy người khác niệm sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật”. Vì sao khác nhau? Liên Trì đại sư nói: “Trong một đời này, ta nhất định muốn sanh về Tịnh Độ (Cực Lạc), cho nên kiểu cách khách sáo nào cũng chẳng cần, những lời lẽ khách sáo đều bỏ sạch”. Kinh dạy chúng ta chấp trì danh hiệu, danh hiệu là bốn chữ, Ngài bèn niệm bốn chữ “A Di Đà Phật”. Vì sao dạy người khác niệm sáu chữ? Người khác chưa chắc đã có quyết tâm kiên định muốn sanh về Tịnh Độ, cho nên thêm chữ Nam-mô, tức là quy y A Di Đà Phật, quy mạng A Di Đà Phật, cung kính A Di Đà Phật, không nhất định trong một đời này người ấy đã có thể vãng sanh. Thêm vào chữ “cung kính”, đó là nói năng cung kính. Chính mình thật sự muốn vãng sanh, chẳng cần dùng đến lời lẽ cung kính, không cần thiết! Những chữ khách sáo đều không cần! A Di Đà Phật sẽ không trách quý vị, quý vị rất nghe lời! Thích Ca Mâu Ni Phật dạy quý vị chấp trì danh hiệu, danh hiệu là A Di Đà Phật, trong danh hiệu không có chữ Nam-mô. Quý vị thấy lời này rất có ý nghĩa!

Ấn Quang đại sư cả đời dạy người khác niệm sáu chữ, vì sao? Ngài thấy chúng sanh đông đảo, nhưng chẳng mấy ai thật sự muốn vãng sanh, nên [dạy họ] niệm hồng danh sáu chữ nhằm kết pháp duyên với A Di Đà Phật.

7. Người bình thường chúng ta chỉ biết vệ sinh, sinh là sinh lý, ăn uống nhằm bảo vệ sinh lý ấy, đó là vệ sinh. Đạo Hồi không chỉ biết vệ sinh, mà còn biết vệ tánh, tánh là gì? Tánh tình. Chúng ta tánh tình ôn nhu có liên quan tới ăn uống. Do vậy, phàm những động vật có tánh tình bất hảo họ cũng không ăn. Năm ấy, tôi hiểu được một đạo lý như thế. Sau này, tiếp xúc Phật pháp, Phật pháp chọn lựa cách ăn chay, giảng ba điều: Phật giáo không chỉ biết vệ tánh, mà còn biết vệ tâm, “tâm” là tâm từ bi. Do vậy, ẩm thực trong nhà Phật là vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm, đây là đạo dưỡng sanh rất viên mãn, tôi vừa tiếp xúc bèn tiếp nhận. Tôi ăn chay đến năm nay là năm mươi chín năm, sang năm tròn một giáp, khỏe mạnh, suốt đời chẳng bị bệnh. Tôi tham gia nhiều hội nghị quốc tế, người ta hỏi tôi nhiều nhất là: “Pháp sư! Thầy dùng phương pháp dưỡng sanh nào?” Tôi bảo họ: “Ăn chay, tâm thanh tịnh. Tôi chẳng có đạo dưỡng sanh nào khác!” Chỉ là ăn chay, tâm thanh tịnh. Tận hết sức tránh né ô nhiễm bên ngoài, ô nhiễm vật chất, ô nhiễm tinh thần, tận hết sức tránh né, mỗi ngày thân cận cổ thánh tiên hiền, đấy là tình trạng sinh hoạt mỗi ngày của tôi. Họ thấy thân thể tôi khỏe khoắn đều rất hâm mộ. Đấy là vì người khác thuyết pháp, tuy họ không hiểu Phật giáo, cũng không mong học Phật, thấy thân thể tôi khỏe mạnh, mong học theo tôi. Tôi sẽ dạy họ một chiêu, vô cùng hữu hiệu. Lớn nhất là A Di Đà Phật đã kiến lập một đạo tràng tu hành cho chúng ta là thế giới Cực Lạc. Thế giới ấy vô cùng viên mãn. Trong bộ kinh này, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, giới thiệu lịch sử và trạng huống trong cõi ấy, trạng huống sinh hoạt, giới thiệu thành quả giáo học bên ấy. Đương nhiên phương pháp tốt nhất là di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật, nơi ấy là chốn đạt được thường lạc rốt ráo.

https://www.youtube.com/watch?v=RzoJDcHr6fo
Tập tin đính kèm
Hinh Phat Phap 1727.jpg
Hinh Phat Phap 1727.jpg (91.22 KiB) Đã xem 723 lần


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.25 khách