MẤY ĐIỆU SEN THANH

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

Hình đại diện của người dùng
Hoa Sen Cõi Tịnh
Bài viết: 388
Ngày: 23/07/12 19:33
Giới tính: Nam
Đến từ: Viet Nam - HCM

MẤY ĐIỆU SEN THANH

Bài viết chưa xem gửi bởi Hoa Sen Cõi Tịnh »

Bành Tế Thanh

Dịch Việt: HT. Thích Thiền Tâm

Mấy Ðiệu Sen Thanh: Phần 1

Lời Ðầu

Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum Pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.

Thật ra, người tu Tịnh độ vãng sanh rất nhiều, không phải chỉ có ngần ấy mà thôi. Nguyên do bởi những cổ thư về Tịnh độ thất lạc, phần ký lục kém thiếu, ngày xưa sự lưu thông chưa thuận tiện, nên các chuyện niệm Phật vãng sanh không được truyền rộng và ghi chép đầy đủ. Thử nghĩ quang cảnh lúc ngài Thiện Đạo ở Trường An, ngài Thiếu Khang ở Tân Định, tiếng niệm Phật vang khắp các nẻo đường, tất biết người sanh về Tịnh độ số còn hơn muôn ức. Nhưng bao nhiêu truyện tích sưu tập trên, cũng tạm gọi là đủ để làm khuôn mẫu cho những người tu Tịnh độ đời sau.

Trong thời gian trước, bút giả có ghi chép được hơn vài mươi chuyện niệm Phật vãng sanh ở Việt Nam, tiếc vì lúc chiến nạn bị thất lạc mất. Bởi thế, đành phải dem những chuyện vãng sanh ở Trung Hoa để làm gương khuyến tấn người tu Tịnh độ. Nơi quyển này, chỉ tuyển dịch ra những sự tích có phần đặc sắc trong nguyên bản, vì e nhiều quá sẽ gây sự nhàm chán cho độc giả. Trước kia, Thượng Tọa Vạn Đức (Thích Trí Tịnh) có dịch được một phần ba, lấy tên là Đường Về Cực Lạc, được nhiều người ưa thích. Một vài liên hữu yêu cầu tôi xin tiếp tục công việc ấy, và dịch những chuyện vãng sanh của hàng căn cơ thời gần đây, để người đời nay có thể theo dấu. Vì thế ở quyển này, bút giả lưu ý dịch các truyện vào thời Dân Quốc cận đại nhiều hơn.

Những lời và hạnh của thánh hiền tu Tịnh độ khi xưa, là những điệu nhạc, những đài gương để khuyến khích, soi sáng cho các hàng liên hữu. Cổ nhơn đã có vị viết sách Tịnh độ, nhan đề là Liên Lậu Thanh âm. Liên Lậu là giờ khắc hoa sen, lấy sự tích đồng hồ sen nơi Bạch Liên Xã của ngài Huệ Viễn. Thanh Âm là những âm điệu thanh tao để khuyến hóa mọi người niệm Phật. Bút giả thể theo ý đó, đặt nhan đề quyển này là MẤY ĐIỆU SEN THANH.

Mỗi tôn phái, ngoài lý thuyết còn có phần thật nghiệm hay thật hành. Thật hành vừa để chứng minh cho lý thuyết, vừa là tấm gương sáng nhắc nhở khuyến khích người tu. Quyển này là thiên sử liệu chứng minh cõi Cực lạc có thật, công đức niệm Phật có lợi ích ngay lúc hiện tại cho đến khi mạng chung. Cõi Cực lạc đã có thật, thì thiên cung, địa ngục, ba cõi sáu đường, việc tội phước nhân quả, thánh thần quỉ ma, suy ra cũng đều có thật không phải hư huyễn. Từ điểm này xét kỹ sâu rộng thêm, tất có thể dứt trừ những điều xấu ác, xu hướng về nẻo thiện lương vậy.

"Nương mình tựa án xem người cổ

Ẩn bóng trong gương ngẫm chuyện đời".

Mong độc giả khi xem quyển này, thức tỉnh cuộc đời là khổ lụy vô thường, sớm phát tâm tìm lối giải thoát, tu các phước lành ăn chay niệm Phật. Từ sự tự tu, khuyến hóa trong thân tộc cho đến mọi người đều tu hành, thì cõi này tuy chưa thành Cực lạc, song trong một vùng một xứ, cũng được nhiều phước lợi an vui.

Ngoài ra, những tình tiết của nội dung toàn quyển, có thể dẫn đạo ý thâm trầm cho người xem. Như ăn mía nhai từ ngọn đến gốc, sẽ lần lần tiến vào giai cảnh vậy.

LIÊN DU

--------------------------------------------------


HOẰNG TẾ

Hoằng Tế Đại sư, họ Dao, tự Đồng Chu, người ở Dư Diêu. Lúc thơ ấu, ngài đã để chóp vào ở chùa Bảo Tích trong thôn ấp. Năm mười sáu tuổi, mới hoàn toàn xuống tóc, thọ giới Sa di. Tuổi đúng hai mươi, lại được thọ Cụ túc giới.

Đại sư giữ luật rất nghiêm cẩn, nương theo Pháp sư Bản Sơn Toàn học tập Thiên Thai giáo quán. Không bao lâu, sự tu học đã đến mức thông suốt tinh vi. Ngài thường hành trì các sám pháp như: Tịnh Độ, Pháp Hoa, Kim Quang Minh. Một hôm trong định, Đại sư thấy Tứ Minh tôn giả trao cho cây Tê giác như ý, từ đó biện tài lưu loát như suối tuôn trào.

Đời nhà Nguyên, nhằm Thái Định ngươn niên, ngài được mời trụ trì chùa Viên Giác ở huyện Vạn Thọ. Năm sau, tại huyện Diêm Quan gần đó giông bão dữ dội, đê biển sắp bị sóng đánh vỡ, dân chúng quanh vùng đều nơm nớp e sợ. Thừa tướng Thoát Hoan cũng lo lắng, cho quan địa phương thân mời Đại sư đến chỗ đê biển, lập Thủy lục đại trai đàn để cầu nguyện. Ngài tới nơi, nhập Từ tâm tam muội, lấy cát biển tụng chú Đại Bi, rải dọc theo bờ đê. Gót chân đến đâu, đê điều nơi đó đều được ổn cố, sóng gió cũng dịu lần rồi dứt hẳn. Mọi người đều khen tặng là thần kỳ! Sau Đại sư lần lượt chủ trì các ngôi đại già lam: Tập Khánh, Hiển Từ, Vin Thông. Lúc lớn tuổi lại trở về chùa Bảo Tích ở quê nhà, chuyên tu Niệm Phật tam muội.

Niên hiệu Chí Chánh thứ mười sáu, ngày mùng ba tháng mười, Đại sư cảm bịnh nhẹ, cho vời các đệ tử đến, khai thị về ý nghĩa Duy tâm Tịnh độ. Trong chúng có kẻ chưa thông hiểu, ngài cao giọng nghiêm trách nói: "Bờ sanh tử rất nguy hiểm, khó nỗi ở yên, sao còn chưa tỉnh ngộ?". Nói xong, liền chấp tay niệm Phật mà hóa.

ĐỨC THANH

Đức Thanh Đại sư, tự Trừng Ấn, lúc lớn tuổi lấy hiệu là Hám Sơn lão nhơn, con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Bà mẹ nằm mộng thấy Quán Thế Âm bồ tát bồng đứa đồng tử trao cho mà mang thai ngài. Đến khi sanh ra, có hai lớp bọc trắng. Năm mười chín tuổi ngài xuất gia, chuyên tâm niệm Phật. Một đêm Đại sư mộng thấy đức A Di Đà hiện thân đứng giữa hư không, về phía mặt trời lặn. Tướng Phật mày mắt rõ ràng, sáng suốt trang nghiêm, từ đó thường hiển hiện trước mặt. Kế tiếp ngài đến non Ngũ Đài, thiền ngộ được bản tâm, phát nguyện chích máu tả kinh Hoa Nghiêm, mỗi nét bút niệm Phật một câu. Lâu ngày động tịnh đều như một.

Năm Vạn Lịch thứ mười đời nhà Minh, Đại sư trụ tích tại Lao Sơn. Lý Thái hậu nghe danh mến đức, xuất tiền của cho người đến cất chùa, tứ bảng hiệu là Hải Ấn Tự. Bấy giờ Thái hậu thường sai quan Trung Sứ đi tu tạo chùa tháp các nơi. Trong hàng quyền quý có kẻ hiềm khích với quan Trung Sứ, lập mưu xúi nhóm đạo sĩ phái Đông Xưởng đánh trống đưa đơn đầu cáo, nói ông xâm chiếm đạo viện sửa làm cảnh chùa. Việc ấy gây liên lụy đến Đại sư, ngài bị truất bỏ tăng phục, đày tới Lôi Châu. Khi từ giã đại chúng ra đi, Ngài vẫn an nhiên, viết lời kệ tỏ ý chí rằng:

Cà sa cởi lớp đổi nhung trang

Tùy tiện nơi đâu cũng đạo tràng!

Dẫu gặp cảnh duyên dường lửa đỏ

Tấm lòng băng tuyết dễ chi tan?


Tùy chỗ đi đến, Đại sư vẫn mang lớp tục trang thuyết pháp, lại phát nguyện hoằng dương kinh Đại thừa, sớ luận các bộ như: Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác. Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi hai, ngài được ân chiếu xá tội và cho hoàn tăng phục. Trên đường về qua Lô Sơn, Đại sư thích cảnh thanh u, kết am ở dưới ngọn Ngũ Nhũ Phong, noi theo gương Viễn Công, đào hồ trồng sen, phân định thời khắc tu Tịnh độ rất tinh tấn.

Bấy giờ có vị tu thiền ở Hải Dương, trong khi cầu thọ giới pháp, nhân hỏi về yếu chỉ Tịnh độ. Đại sư bảo: "Đức Thế Tôn chỉ dạy nhiều phương tiện tu hành để ra khỏi vòng sống chết luân hồi, tiến lên Phật quả. Tựu trung duy có môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, không ai thưa hỏi mà đức Phật tự nói, đủ thấy tầm mức quan trọng đến dường nào! Môn ấy trùm khắp ba căn, thâu cả bốn chúng, không phải quyền tiện vì bậc hạ căn mà lập ra. Kinh nói: "Muốn thanh tịnh cõi Phật, trước thanh tịnh tâm mình!". Cho nên người tu Tịnh độ phải lấy tịnh tâm làm căn bản. Muốn tâm được thanh tịnh, điều cần nhứt là giữ giới căn cho trong sạch. Các giới tuy nhiều, nhưng yếu ước lại không ngoài ba nghiệp của thân, bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý. Giữ mười nghiệp này sạch lành, là chánh nhân của nẻo khổ tam đồ. Dùng tâm giữ giới thanh tịnh như thế, khởi lòng bi cảm, nhàm chán nỗi khổ nhơ ác ở Ta bà, phát nguyện cầu sanh Cực lạc để mau thành đạo quả độ mình độ loài hữu tình, mà lập chánh hạnh niệm Phật. Cách thức niệm Phật lại tùy tiện theo căn cảnh của mỗi người, nhưng cần phải thật tâm thật hạnh mới đem đến hiệu quả thiết thật!".

Lại có cư sĩ Tịnh Tâm đến xin chỉ dạy, hỏi: "Tại sao có nhiều người niệm Phật không tinh tấn và khó thành một khối?". Đại sư khai thị: "Điểm quan yếu bậc nhất của sự tu hành là: tha thiết vì thoát ly nỗi khổ sống chết luân hồi. Nếu không tha thiết nghĩ đến điều này, thì làm sao có thể niệm Phật tinh tấn và thành một khối được? Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi niệm buông theo vọng tưởng, gốc tình ái bám sâu, ngay ở cõi người vui ít khổ nhiều, còn trong nẻo luân hồi thì sanh lên cõi nhơn thiên như đất nơi móng tay, đọa xuống ba đường ác như đất miền đại địa! Cổ nhơn đã bảo: "Tam đồ một đọa ngàn muôn kiếp. Tái phục nhơn thân biết lúc nào?". Nếu trong đời này không thống thiết vì sự khổ sống chết luân hồi, mỗi niệm vẫn theo tình nhiễm, muốn đem lòng tin hời hợt niệm Phật để cầu thoát ly, thì khác nào mong dùng một gáo nước để cứu muôn xe lửa đỏ? Tu hành như thế chỉ e khi mất thân người khó bề lại được, một phen bê trễ tiếc hận lâu đài! Vậy phải phát lòng tinh tấn, dùng hạnh niệm Phật vượt phá muôn ngàn vọng tưởng, tùy thời tùy chỗ đều giữ cho câu Phật hiệu được hiện tiền. Quyết tâm hạ công phu khổ thiết như thế, lâu ngày sẽ được thuần thục tương ưng, và câu niệm Phật tự thành một khối. Việc này toàn do nơi mình suy gẫm và hết lòng gắng sức. Nếu đem câu niệm Phật làm hình thức bên ngoài, chắc chắn khó mong có ngày được vãng sanh giải thoát!".

Đại sư ở Lô Sơn được mấy năm rồi sang trụ tích tại Tào Khê. Tháng mười niên hiệu Thiên Khải thứ ba, ngài cảm bịnh nhẹ, bảo người rằng: "Lão Tăng duyên đời đã sắp hết!", rồi tắm gội đốt hương, ngồi ngay thẳng mà viên tịch. Lúc ấy có ánh sáng chói hừng trời. Đại sư hưởng thọ được bảy mươi tám tuổi.

ĐẾ NHÀN

Thích Đế Nhàn, pháp danh Cổ Hư, hiệu Trác Tam họ Châu, người ở Hoàng Nham tỉnh Triết Giang. Pháp sư tánh huệ đã trồng, căn lành sẵn đủ, hai mươi tuổi đến xuất gia nơi chùa Bạch Vân huyện Lâm Hải. Hai năm sau được thọ giới Cụ túc tại chùa Quốc Thanh ở non Thiên Thai.

Từ đó đông tham thiền, hạ học Phật, Pháp sư tinh tấn hành đạo, gần gũi với các bậc kỳ túc, và rất tương đắc cùng Mẫn Hy lão nhơn. Ngài từng dự khóa giảng Pháp Hoa, nghe chưa trọn bộ đã lãnh hội ý mầu Tam đế tam quán. Kế tiếp được cho ngồi tiểu tòa phúc giảng lại, lời sâu mầu lý thông suốt, khiến hàng đồng bối đều kinh hãi thán phục. Mẫn công cũng thở than khen ngợi cho là bậc long tượng trong pháp môn. Năm hai mươi tám tuổi, Pháp sư mở diễn hội Pháp Hoa nơi chùa Lục Thông tại Hàng Châu. Khi giảng tới đoạn "Khai Phật tri kiến". Ngài bỗng vào định lặng yên. Giây lát xuất định giảng tiếp thì biện tài không ngại, đáp nạn giải nghi như bình tuôn nước, lời lẽ thâu mở tự tại chẳng ai chế ngự nổi. Từ đó về sau, thường lấy sự hoằng pháp lợi sanh làm trách nhiệm của mình. Pháp sư lại lo huệ nhiều định ít sợ nỗi chướng đạo, nên đóng cửa nhập thất nơi am Thánh Quả ở chùa Từ Khê. Lúc rỗi rảnh thì nghiên cứu thêm về Đại thừa kinh điển.

Ba năm sau vừa ra thất, Ngài liền nhận lời cầu thỉnh giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Long Hoa ở Thượng Hải. Khóa giảng xong lại về Kim Sơn tự tham thiền, rồi đến chùa Quốc Thanh tu quán. Trải qua thời gian đó, sự giải ngộ của Pháp sư càng đến chỗ sâu sắc nhiệm màu, được Tổ Thích Đoan Dung chọn làm truyền nhơn môn phái Thiên Thai đời thứ bốn mươi ba. Từ đây đến hơn hai mươi năm về sau, Ngài ứng lời cầu thỉnh liên tục đi giảng khắp nơi ít khi rỗi rảnh, mở pháp hội kể có mấy ngàn lần. Mỗi ngày Pháp sư đều tụng kinh Kim Cang, Viên Giác, Quán Vô Lượng Thọ, Phổ Hiền Hạnh Nguyện phẩm và niệm Phật hơn một muôn câu lấy làm thường khóa. Ngày rằm và ba mươi lại tụng thêm kinh Phạm Võng.

Trong một đời hoằng hóa, ngài đã trùng hưng chùa Đầu Đà ở Ôn Châu, chùa Vạn Niên ở Thiên Thai, chùa Quán Tông ở Ninh Ba, chùa Phạm Thiên ở Hàng Châu. Ngoài ra còn mở Phật học đường để đào tạo Tăng tài, lập tịnh viện cho đại chúng tu tập. Chùa Quán Tông là nơi thường trụ tích của Pháp sư. Ngài trứ thuật rất nhiều lời khai thị, dưới thích ứng với cơ duyên, trên thâm hợp cùng Phật lý, khiến cho phần đông hàng đạo tục đều được lợi ích thấm nhuần. Cách thức chỉ dạy thì giáo mở Thiên Thai, hạnh chuyên Tịnh độ, nên mỗi khi giảng kinh đều chỉ quy về sự niệm Phật. Bản thân của Pháp sư cũng thật hành theo đường lối đó, hạnh giải kiêm toàn chúng đều khâm phục, được mọi người tôn xưng là bậc trung hưng Thai giáo thời bấy giờ. Cho đến những điều công ích, các việc từ thiện ngài đều khẳng khái giúp thành.

Trong hai mùa xuân hạ năm Tân Mùi thời Dân quốc, Pháp sư giảng kinh nơi chùa Ngọc Phật ở Thượng Hải. Ngoài ra lại ứng đáp lời cầu thỉnh của Vô Tích cư sĩ, giảng bài văn Phát Bồ Đề Tâm của Tĩnh Am đại sư. Nhân vì tuổi đã cao, thời tiết nóng bức, Phật sự quá nhọc nhằn, nên sau kỳ giảng Pháp sư lâm bịnh. Lúc trở về bản tự, tinh thần cùng sự ăn uống mỗi ngày thêm suy giảm. Ngài bèn tuyệt hết các duyên, quyết ý chuyên niệm Phật cầu sanh. Sang mùa hạ năm Nhâm Thân, Pháp sư đem thủ tục và quy chế ở chùa Quán Tông giao phó hoàn tất, chỉ định cho môn nhơn là Bảo Tịnh nối tiếp hoằng trì.

Đến ngày mùng hai tháng bảy, trước giờ ngọ, Pháp sư bỗng chấp tay hướng về Tây yên lặng giây phút rồi bảo: "Đức A Di Đà đã quang lâm tiếp dẫn, lão nhơn xin từ đây giã biệt!". Nói đoạn, bảo thị giả nấu nước thơm để mình tắm gội. Sau khi thay y phục mới sạch, đắp cà sa xong, Pháp sư dạy đỡ mình lên chánh điện lễ Phật, rồi bảo dìu xuống tự ngồi kiết già trong bảo khám. Kế tiếp, trước khi dạy chúng đồng thanh niệm Phật. Ngài nói lời kệ phú chúc vắn tắt rằng:

Ta nhờ niệm Phật

Tịnh độ hiện tiền

Chân thật thọ dụng

Chúng gắng tinh chuyên!


Quá ngọ một giờ ba khắc, ngài an lành mỉm cười vãng sanh trong tiếng trợ niệm của đại chúng. Lúc ấy sắc mặt của Pháp sư hiện vẻ rất tươi sáng, mấy giờ sau đảnh đầu còn nóng. Bấy giờ nhằm ngày mùng hai tháng bảy, năm Dân Quốc thứ hai mươi mốt (1932), Pháp sư hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi, Tăng lạp năm mươi lăm, Di hài được môn nhơn làm lễ nhập tháp nơi chùa Từ Khê, non Ngũ Lôi.

THỌ TÂM

Thích Thọ Tâm tự Chuyên Tây, họ Mao, người ở Phương Thành tại Triết Đông. Từ khi mới sanh ra, sư chỉ ăn uống thức thanh đạm, không dùng sữa và thịt cá. Lớn lên, nhàm chán cảnh trần lao, lập chí tu hành lìa thế tục. Năm mười tám tuổi, sư vào chùa Tiểu Linh Sơn ở Thành Tây, nương theo Giới Am Pháp sư xuống tóc xuất gia.

Lúc sắp thọ Cụ túc, ngài Giới Am đau nặng, Thọ Tâm nghĩ: "Sự hoằng dương Phật pháp phải nhờ những bậc tôn túc như thầy mình. Tự xét bản thân mong manh tợ sương mai, mạng này đâu có chi đáng tiếc!". Do đó sư nấu nước thơm tắm gội, đến trước Tam bảo đốt hương khấn nguyện, rồi trở về phòng mình tự mổ bụng, muốn cắt lá gan hòa với thuốc để trị bịnh cho thầy. Đâu hay vừa mới đưa dao rọc nhẹ vào bụng, bỗng đau đớn xây xẩm té xuống đất. Giây lát sư hồi tỉnh, bò lại giường thì phương đông trời đã rực sáng. Đại chúng phát giác, cùng nhau lo buộc thuốc băng bó cho sư. Ngài Giới Am hay biết chuyện đó, vời Thọ Tâm đến an ủi rằng: "Lòng hiếu từ của con tuy mạnh mẽ, nhưng trọn không phải là chánh hạnh của người tu. Huống nữa ta tự biết thời tiết nhân duyên, đã rõ sanh vốn vô sanh, thì có chi là diệt? Việc của con làm hoàn toàn do vọng tưởng, nhưng ta nghĩ thương một niệm hiếu thành, nên tạm lưu lại ít lâu!". Quả nhiên sau khi sư thọ Cụ túc trở về vừa độ một tháng, thì ngài Giới Am liền quy tịch. Thọ Tâm thiên tánh hiếu thuận, thương khóc quá phần, lo việc tẩn liệm chôn cất, mỗi mỗi đều chu đáo.

Không bao lâu, sư đem việc chùa giao phó cho pháp đệ là Liên Đường, còn mình thì đi các nơi tham học. Sư nghiêm giữ giới luật, tu hạnh đầu đà, chân trần lộ đảnh, mùa đông tiết hạ chỉ một manh áo, thường chuyên lo niệm Phật. Mọi người thấy thế đều xưng gọi là Xích Cước đại sư. Mùa thu năm Tân Tỵ trong niên hiệu Quang Chữ, Thọ Tâm trở về chùa Tiểu Linh Sơn. Lúc ấy nắng hạn đã lâu, những làng quanh vùng đều lập đàn đảo võ. Quan huyện là Tôn công lòng lo như đốt, ngày đêm khẩn cầu mà chưa thấy ứng nghiệm. Thọ Tâm động lòng thương xót, đi thẳng đến ra mắt Tôn công, an ủi khuyên chớ quá lo, việc cầu mưa để tự mình lãnh trách nhiệm. Hôm sau là ngày Nhâm Tý, sư ôm bát đến vực suối cạn lấy được một vật hình như cái Thủ cung. Đến ngày Ất Mão, Thọ Tâm lập đàn trì chú, lễ bái sáu thời. Sang giờ Dần ngày Bính Thìn, trời xuống cơn mưa nhưng giây phút lại tạnh. Tôn công sai các thân hào do ông Lý Tiêu Nham hướng dẫn, đến xin cầu đảo thêm. Sư bảo: "Các vị chớ lo, ngày mai sẽ có mưa lớn!". Đêm ấy Thọ Tâm chí thành trì chú cầu nguyện, đảnh lễ tới sáng. Quả nhiên vào giờ Ngọ ngày Đinh Tỵ, mưa đổ xuống như trút dẫn đến chiều tối, ruộng nương đều đầy dẫy nước. Dân chúng trong vùng vui mừng hớn hở. Tôn công xuất lãnh hàng thân hào lên núi tạ ơn. Quan huyện giữ lễ đệ tử, tự tay viết bốn chữ lớn "Bát Long Giáng Trạch" để kỷ niệm. Sư vẫn an tĩnh điềm nhiên, không lộ vẻ chi khác. Tôn công than rằng: "Nay mới biết Tăng đức uyên thâm, không thể nghĩ bàn được!".

Mùa thu năm Nhâm Ngọ, Thọ Tâm đóng cửa thất tạ tuyệt các duyên, mỗi ngày trì chú Đại Bi một trăm lẻ tám biến, niệm Phật mười muôn câu. Ngoài ra còn tụng danh hiệu Quán âm, Thế Chí một ngàn lần, lễ hồng danh đức Thích Tôn và Tây phương Tam Thánh, mỗi vị đều ba mươi lạy. Trong thất sư có nuôi một con chó và mèo, mỗi ngày đều vì chúng quy y chú nguyện. Do đó nên mèo không bắt chuốt, chó chẳng ăn đồ dơ. Sau ba năm, vào ngày mười chín tháng chín, sư ra thất. Đến đầu tháng mười một, Thọ Tâm nhiễm bệnh kiết lỵ nhẹ vài ngày rồi lành. Nhưng từ đó thân thể lần suy yếu, chư Tăng thay phiên hầu hạ, sư không cho, bảo: "Phận xuất gia, mỗi người đều có công khóa tu hành, đừng nên để lầm lỡ nhau. Nếu quả đến thời, sẽ cho người kêu gọi!". Chiều tối đến ngày hai mươi sáu, Thọ Tâm vời các đồ chúng đến gần giường dạy rằng: "Đêm nay ta sẽ về Tây phương, nên mau nấu nước thơm đem đến!". Sau khi cạo tóc, tắm gội và thay y phục xong, sư ngồi kiết già cử bài tán Phật, bảo chúng hòa theo. Lúc niệm Phật độ hơn trăm câu, tiếng sư thấp nhỏ lần, đầu hơi cúi xuống. Bỗng lại ngước đầu lên ngay thẳng, nói: "Ta đi đây! Đại chúng nên trân trọng!". Rồi cao tiếng niệm Phật một câu mà viên tịch. Đêm ấy hai con thú chó và mèo nuôi trong thất, cũng đồng ngồi thoát hóa. Mọi người đều bảo nó vãnh sanh theo sư.

Bấy giờ nhằm năm Ất Dậu, niên hiệu Quang Chữ.

TƯ NGẠN

Thích Tư Ngạn tự Nguyên Đăng, con nhà họ Tạ ở Tiền Đường tại Hàng Châu. Lúc tuổi trẻ ông theo học Nho vào hàng Chư sanh. Không bao lâu cảm thấy việc đời vô thường, nên quy y Tam bảo, đi tham học khắp các bậc tri thức về Tông và Giáo. Sau ông nghe Ngọc Phong pháp sư khai thị: "Muốn cầu thoát khổ, chỉ có pháp môn Niệm Phật là dễ thành tựu", liền phát tâm mỗi ngày trì Phật hiệu sáu muôn câu lấy làm định khóa. Bình sanh có làm công đức chi, đều hồi hướng về Tịnh độ. Năm Nhâm Thân niên hiệu Đồng Trị, lại phát tâm thọ ngũ giới nơi chùa Hải Triều.

Năm Quang Chữ thứ chín, ông chán cuộc trần lao, muốn sớm cầu giải thoát, nên đem việc nhà giao phó cho hai con, đi thẳng đến chùa Hộ Quốc, lễ Hòa thượng Kính Phong cầu xuống tóc xuất gia. Mùa đông năm ấy, sư được duyên lành thọ giới Cụ túc nơi chùa Kỳ Viên ở Túc Sơn. Kế đó lại trở về chùa Hộ Quốc chuyên tu tịnh nghiệp. Do gắng công lao nhọc đã lâu, Tư Ngạn lần nhiễm bịnh, tuy thuốc thang điều trị nhiều phen, song bịnh lành rồi lại tái phát. Hai con trai nhớ mến, rước sư về dưỡng bịnh nơi nhà, mở một gian tịnh thất để làm chỗ tĩnh tu. Mùa thu năm Quang Chữ thứ mười lăm, sư bỗng vương chứng hạ ly, thuốc thang không công hiệu. Từ đó sự ăn uống tuy lần kém giảm, song sức niệm Phật lại thêm thành kính thiết tha. Tới ngày mùng mười tháng chín. Tư Ngạn gọi hai con lại bảo rằng: "Thời kỳ vãng sanh của thầy đã đến, hai con hãy đi thỉnh chư Tăng về nhà niệm Phật bảy ngày, để hộ ta về Tây phương!". Sư định sáng sớm ngày mười hai khởi đầu kỳ Phật thất, bảo với vị Tăng là Lăng Phong rằng mình chỉ còn lưu trụ bảy hôm nữa thôi. Sang ngày rằm, lại cầm tay Tăng hữu là Đình Sơn nói: "Chỉ còn ba hôm, tôi sẽ về Cực lạc!".

Đến tối ngày mười bảy, sang canh tư, sư hỏi mấy giờ, hai con đáp là giờ Sửu. Tư Ngạn nói: "Giờ Sửu tức đã qua ngày mười tám, là kỳ hạn thầy vãng sanh. Vậy nên thỉnh chư Tăng xưng hồng danh trợ niệm!". Khi chúng xướng Phật hiệu, sư cũng niệm theo. Ước chừng tàn nửa cây hương, bỗng lặng thinh nhắm mắt. Giây lâu chợt mở mắt chấp tay, đối chúng Tăng xưng tạ và nói: "Tôi đã được đến Tây phương lễ cẩn đức A Di Đà cùng hai vị đại sĩ. Phật rủ lòng thương xót trao tịnh y cho tôi. Còn Quán Âm Bồ Tát thì cầm cành dương rảy nước cam lộ nơi đầu. Nhìn ra xa, tôi thấy Liên Trì đại sư đang thuyết pháp cho các bậc thượng thiện nhơn nghe. Bay dạo trên ao thất bảo rộng lớn mênh mang, nhìn khắp các hoa sen báu, tôi thấy một hoa tòa ghi tên chỗ mình sanh về. Đức Phật dạy tôi hãy tạm trở lại Ta bà, cáo trí cho mọi người biết rằng mình được sanh về tịnh độ. Xin phụng khuyến các vị nên gắng chuyên tinh niệm Phật, để ngày kia cùng gặp nhau nơi cõi Liên bang!". Nói xong bảo đem nước mát uống ba hớp, rồi lại giường nằm nghiêng bên hữu, niệm Phật vài mươi câu mà thoát hóa.

Hôm sau, khi nhập quan, đảnh đầu hãy còn nóng.

CHÍ THIỆN

Chí Thiện thiền sư, người đời Thanh, chưa được rõ xuất xứ. Trong niên hiệu Đồng Trị Quang Chữ, ngài mở pháp hóa nơi chùa Hải Hội ở Lô Sơn. Thiền sư đạo hạnh cao siêu, bốn chúng ngưỡng mến nương về, là bậc danh đức ở miền Giang Tây trong thời cận đại. Sau khi ngộ suốt tâm tông, ngài chuyển sang niệm Phật, sự tự tu và khuyên hóa người đều lấy Tịnh độ làm nơi quy hướng. Cho nên trong thời gian đó, cư dân nơi vùng núi ấy, người đều đeo chuỗi, nhà đều thờ Phật. Từ hạng nông công cho đến kẻ tiều phu mục đồng, khi rảnh việc phần nhiều ngồi nơi gốc cây hoặc trên tảng đá nhắm mắt niệm Phật, là điều thường thấy không ai còn lấy làm lạ. Di phong ấy đến nay vẫn còn nối tiếp lưu truyền.

Lúc lớn tuổi, Thiền sư đem việc chùa giao phó cho hàng cao đồ là Thanh Hư Hòa thượng, còn mình thì ở nơi tịnh thất chuyên tu. Học chúng khi vào thất thỉnh ích, ngài đều bảo tự tiện ngồi, rồi tùy cơ mà ứng đối chỉ dạy. Có vị Tăng là Cẩm Phong, làm chức Tàng chủ coi kho vật thực trong chùa, mỗi ngày cũng trồng rau bổ củi tham thiền niệm Phật, chúng đều xem như người thường. Một năm vào đầu mùa đông, sư đến phương trượng xin nghỉ việc. Thanh Hư Hòa thượng dạy: "Thường trụ mới khởi kỳ Phật thất, ông chớ vội rời bỏ sớm, nên ở lại đây hết năm rồi sẽ đi!". Sư thưa: "Thời kỳ đã đến, không thể chờ đợi!". Hòa thượng bảo: "Ta vì ông mà cầm lại!". Cẩm Phong lễ tạ rồi lui ra. Sang xuân vào ngày mùng ba, sư lại đến xin đi. Hòa thượng nói: "Đầu năm mới ông đi chúng sẽ động niệm, nên nán lại đôi ba hôm nữa!". Cẩm Phong lại lui ra.

Qua ngày mùng mười, sư lên phương trượng kiên quyết xin đi và nói: "Tôi cùng các bạn đồng tham sống chung với nhau đã lâu, nên có mối hậu tình. Qua tiết Nguyên Tiêu, phần đông Tăng chúng sẽ tản đi du phương các nơi, về sau không còn có cơ duyên gặp gỡ. Vì thế tôi muốn các đồng bạn đưa nhau một đoạn đường!". Hòa thượng nghe nói chấp thuận. Cẩm Phong lễ tạ, rồi sang yết kiến ngài Chí Thiện. Thiền sư dự biết trước, để sẵn một chén nước trong vắt, dặn thị giả rằng: "Nếu Cẩm Tàng chủ đến đây, bảo hãy uống chén nước này, không cần phải vào ra mắt". Thị giả đem điều ấy nói lại, Cẩm Phong bái lãnh mà uống. Đến giờ ngọ, sư vẫn theo chư Tăng thọ trai. Trai cúng xong, Hòa thượng bạch với chúng rằng: "Cẩm Tàng chủ sắp đi xa. Vậy sau giờ ngọ hai tiếng bảng, xin đại chúng đồng đắp y đem mõ nhỏ và khánh cùng đến liêu phòng tin đưa Tàng chủ!". Chúng nghe nói hầu hết đều có vẻ ngơ ngác lấy làm lạ. Đến giờ, Duy na hướng dẫn chư Tăng đến nơi, Cẩm Phong đã dọn thất trống trải sạch sẽ, chính giữa để bàn hương án thờ Phật, hai bên sắp chỗ ngồi cho đại chúng. Giây phút Hòa thượng tới, Cẩm Phong cúi lạy, rồi hướng về chư Tăng đảnh lễ. Ngài Thanh Hư ân cần nói kệ phú pháp. Chừng đó đại chúng mới biết là Tàng chủ sắp viên tịch, sanh về Tây phương. Sau khi Hòa thượng lui ra, Duy na cử xướng kinh A Di Đà, Cẩm Phong về chỗ ngồi theo chúng mà trì tụng. Khi đến bài kệ tán tiếp sang niệm Phật, cây hương vừa cháy thêm độ một tấc, tiếng của sư thấp nhỏ lần, xâu chuỗi cầm nơi tay rơi xuống chiếu. Vị Tăng ngồi gần bên dò thăm, rồi ra dấu Tàng chủ đã tắt hơi. Đại chúng không dám kinh động, vẫn niệm Phật như cũ. Một lúc, Cẩm Phong bỗng mở mắt, yêu cầu chư Tăng luân phiên trợ niệm luôn một ngày đêm. Nói xong, sư liền nhắm mắt đi thẳng.

Năm Mậu Tuất trong niên hiệu Quang Chữ, triều đình thay đổi chính sách mới. Ngài Chí Thiện than rằng: "Thời kỳ Phật pháp suy tàn đã đến, ta già rồi không làm sao cứu giúp được! Chỉ nguyện sớm sanh về Cực lạc, sau khi chứng quả Vô sanh, sẽ trở lại cõi này để hộ trì chánh giáo!". Nói xong, viết thơ gởi chư Đại đức khắp nơi, ngỏ lời giã biệt. Bấy giờ Thanh Hư Hòa thượng đang trụ trì tại chùa Viên Thông ở Nam Xương, được tin thơ vội vã trở về. Khi Hòa thượng vừa bước vào chùa, thì ngài Chí Thiện còn đang ngồi tựa án viết lời phú chúc. Thấy Hòa thượng, Thiền sư chu tất công việc rồi cười bảo: "Việc lớn đều giao phó hết cho ông. Ta đi đây!". Nói xong ngồi ngay nơi tòa mà thoát hóa.

MẶC AM

Mặc Am đại sư, pháp danh Thượng Nhân tự Chân Nguyên, họ Châu, người ở Hoành Châu tỉnh Hồ Nam. Cha học Nho, mãn phần sớm, ngài còn bé mà đĩnh ngộ sáng lẹ, liếc mắt qua đã đọc xong mấy hàng sách. Năm mười lăm tuổi, văn tài tiến vượt xa các đồng bạn, thầy dạy học nghĩ rằng đường công danh về sau tất sẽ rực rỡ. Hai năm kế đó, ngài đến ở trọ chùa Nhạn Phong học tập, nhân chép kinh Kim Cang tới câu: "Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai đều không thể được", bỗng chợt nảy sanh tư tưởng xuất trần.

Năm Hàm Phong thứ bảy, mẹ muốn tìm nơi hỏi vợ cho, Ngài lén trốn đến chùa Nam Phong, nương theo Phổ Chiếu thiền sư xuất gia. Năm sau, lại đắc giới nơi Thúy Đình thượng nhơn ở chùa Phước Nghiêm. Đại sư nghe Chúc Thánh Lượng thiền sư pháp hóa rất thạnh, đến thọ tâm ấn. Qua năm kế, lại yết kiến Pháp Vân thiền sư, đi sâu vào giáo nghĩa, do đó đối với sách Nho cũng được suốt thông. Các bậc danh tài thạc học nghe tiếng Đại sư, đều thích tìm đến để giao du. Ngài dõng mãnh về việc hướng thượng nên tới ẩn tích ở Kỷ Cung Nham tại Nam Nhạc, cùng với Thiềm Vân pháp sư nương nhau sách tấn để tham cứu tu hành.

Song niên hiệu Đồng Trị, Đại sư đi tham phỏng khắp các bậc tôn túc nam bắc ngộ nhập nguồn tâm, rồi trở về chùa Phước Nghiêm duyệt xem Đại tạng. Mùa thu năm Quang Chữ thứ hai, ngài lại cất tịnh xá bên chùa Chúc Thánh ở Nam Nhạc, khổ thiết mật tu, lâu ngày sự tỏ ngộ càng thêm sâu sắc. Từ đó các sách vở ngoại thảy đều quán triệt, hàng danh sĩ lại tìm đến giao du như cũ. Chùa Đại Thiện ở Nam Nhạc, nguyên là một danh lam cổ, bị người xâm chiếm, Đại sư quyên tiền chuộc lại rồi trùng tu. Ngài phỏng theo quy tắc của Triệt Ngộ thiền sư tổ chức sự tu học, nên chư Tăng mười phương vân tập về, đến đỗi không đủ chỗ dung chứa. Tất cả học chúng nơi đó đều suốt thông tánh tướng, giữ luật hạnh trang nghiêm. Đại sư lấy Thiên Thai giáo quán làm tiền đạo cho hàng học giả, lấy Di Đà Tịnh độ làm chỗ cứu cánh nương về. Ban sơ Đại sư giữ nhựt khóa niệm Phật sáu muôn câu, lâu ngày đi đến cảnh không niệm tự niệm, nên câu hồng danh chẳng lúc nào gián đoạn.

Mùa xuân năm Nhâm Dần, Đại sư đem việc chùa giao phó cho đệ tử thượng thủ và nói: "Ta sắp về Tây phương!". Sang Đông, ngài cử hành lễ Phật thất. Được hơn một tuần, trong định Đại sư thấy nước bát công đức lóng lánh nơi ao thất bảo trang nghiêm. Không bao lâu ngài cảm bịnh nhẹ, từ khước thuốc thang một lòng niệm Phật và bảo đồ chúng luân phiên trợ niệm. Kế đó Đại sư tuyệt thực ẩm, nằm theo lối kiết tướng nghiêng về bên hữu, giữ pháp Kim cang trì niệm. Hôm sau ngài thấy đức A Di Đà hiện thân, tướng bạch hào quang sáng chói, liền chỗi dậy ngồi kiết già hướng về Tây, bảo xếp dọn chăn gối. Thị giả ngần ngại trình thưa tiết trời quá lạnh, Đại sư bảo: "Ta sắp từ bỏ tệ phục đổi lấy trân phục, bỏ huyễn thân nhơ nhớp thay thân bảo chất đẹp nghiêm!". Tăng chúng hay tin tụ hội đến, ngài an tường nhìn khắp xung quanh và chẫm rãi hỏi: "Thế nào là giải thoát?". Chúng đều nhìn nhau không khế hội. Đại sư mỉm cười bảo: "Đã vậy, chi bằng học theo ông già bà cả quê mùa, ăn chay trường chân thành mà niệm Phật là chắc chắn hơn cả!". Kế đó dạy chúng đánh mõ trợ niệm, giây lát tiếng mõ hơi gấp, ngài bảo dừng lại, chỉ đồng thanh xưng Nam mô A Di Đà Phật. Khi niệm độ hơn một trăm câu, Đại sư chấp tay mà thị tịch. Bấy giờ nhằm ngày mười ba tháng chạp, năm Quang Chữ thứ hai mươi tám. Vài giờ sau chúng dò thăm thấy đảnh của ngài còn nóng, thân thể đều như nhuyến.

Đại sư hưởng tuổi đời được sáu mươi bốn, Tăng lạp bốn mươi bốn.

DƯƠNG KIỆT


Cư sĩ Dương Kiệt, tự Thứ Công, người đời Tống, ở huyện Vô Vi, nên tự hiệu là Vô Vi Tử. Trong niện hiệu Nguyên Phong, ông làm quan Thái thường, ban sơ mến thích Thiền tông, hằng đến pháp hội của Thiên Y Hoài thiền sư, tham cứu về cơ ngữ của Bàng cư sĩ. Đến khi phụng chiếu đi tế ở đỉnh Thái Sơn, thấy vầng hồng mọc lên như chiếc mâm tròn rực rỡ, bỗng nhiên đại ngộ.

Cuối năm Hy Ninh, ông cư tang mẹ ở quê nhà, nhân lúc rảnh duyệt tạng kinh, liền quy hướng về Tịnh độ. Cư sĩ vẽ tượng Phật A Di Đà cao một tượng sáu, hằng đem theo mình để quán niệm. Thuở bình sanh có những trứ thuật, phần nhiều đều chỉ đạo về Cực lạc. Ông từng viết lời tựa trong quyển Tịnh Độ Thập Nghi Luận của ngài Thiên thai như sau:

"Ái tâm chẳng nhiễm nặng, thì không sanh ở Ta bà. Niệm Phật chẳng chuyên nhứt tất không sanh về Cực lạc. Ta bà là cõi ác nhơ, Cực lạc là miền đẹp sạch. Mạng sống ở Ta bà có hạn. Thọ số ở Cực Lạc không cùng! Nơi Ta bà đủ các sự khổ, ít có niềm vui. Miền Cực lạc phiền khổ chẳng còn, an vui vô lượng. - Ta bà theo nghiệp luân hồi, không biết lúc nào được thoát ly. Cõi Cực lạc một khi được sanh, tất không thối chuyển, lần lượt chứng đến quả đại giác. Nếu muốn hóa độ mười phương, tùy ý tự tại, không còn bị nghiệp buộc ràng. Xét qua hai cõi, các sự: ác nhơ, đẹp sạch, phiền khổ, an vui, mạng sống ngắn ngủi, thọ số dài lâu, mãi luân hồi, mau chứng ngộ, đều trái khác nhau. Như thế, mà chúng sanh mê mờ không biết, há chẳng đáng thương xót lắm ư?"

Đức Di Đà là bậc nhiếp thọ tiếp dẫn ở Cực lạc. Phật Thích Ca là vị chỉ đạo Tịnh độ ở Ta bà. Cho nên trong các giáo điển Đại thừa của Ngài, phần nhiều đều hết lời cặn kẽ khuyên bảo vãng sanh. Bồ tát Quán Âm, Thế Chí theo phụ trợ đức A Di Đà, cùng nương thuyền đại nguyện vào biển luân hồi, chẳng trụ bờ bên này bên kia cùng giữa dòng, mà làm việc tế độ. Cho nên kinh A Di Đà nói: "Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào, nghe nói Phật A Di Đà, niệm giữ danh hiệu, hoặc từ một ngày cho đến bảy ngày, một lòng không loạn. Kẻ đó đến lúc mạng chung, được Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra ở trước. Người ấy khi mạng chung lòng không điên đảo liền được vãng sanh về cõi nước Cực lạc của Phật A Di Đà!". Cho nên khi xưa ở viện Vô Thường tại Kỳ Hoàn tinh xá, Phật dạy người bịnh nằm day mặt hướng phương Tây, tưởng sanh về Tịnh độ. Tại sao thế? Bởi đức A Di Đà phóng ánh sáng soi khắp pháp giới, nhiếp lấy chúng sanh niệm Phật không bỏ sót. Vì thánh phàm đồng một tâm thể, nên cơ cảm hợp nhau, có niệm tất có ứng. Cho nên chúng sanh trong tâm chư Phật, nếu biết quay về, mỗi niệm đều là Tịnh độ. Chư Phật trong tâm chúng sanh, áng linh soi khắp, mỗi chỗ đều là từ bi.

Lấy đây mà xét: người trí tuệ dễ vãng sanh, vì dứt trừ nghi hoặc. Người thiền định dễ vãng sanh, vì lòng không tán loạn. Người trì giới dễ vãng sanh, vì xa các nhiễm ô. Người bố thí dễ vãng sanh vì xả bỏ của trần. Người nhẫn nhục dễ vãng sanh vì không cưu mang oán hận. Người tinh tấn dễ vãng sanh, vì mau thành tựu tịnh niệm. Người không tạo thiện không tạo ác cũng dễ vãng sanh, vì một lòng quy hướng thuần nhứt. Người làm các điều ác, nghiệp báo đã hiện, cũng dễ vãng sanh, nếu biết thẹn sợ mà niệm Phật. Trái lại, kẻ tuy tạo các công đức lành, nếu không có lòng tin nguyện hồi hướng, tất không được vãng sanh vậy!

Ôi! Hiệu Di Đà rất dễ niệm, cõi Tịnh độ rất dễ sanh! Chúng sanh không muốn niệm, không cầu sanh, Phật dù xót thương cũng chẳng biết làm sao được? Vả chăng: tạo ác nghiệp đọa đường khổ, niệm Di Đà sanh cõi vui, hai điều ấy đều là lời Phật dạy. Chúng sanh chỉ lo sợ đọa địa ngục, mà nghi ngờ sự vãng sanh, há cũng chẳng mê lầm ư?

Trong năm Nguyên Hựu, ông làm quan Đề hình tại Lưỡng Triết, rồi mãn phần ở đó. Khi lâm chung, nói kệ rằng:

Sống vẫn không chi luyến

Thác cũng không chi xả

Giữa khoảng thái hư không

Mặc chi hồ giả dã!


Đem lầm đến sai khác

Cõi Tây phương Cực lạc!

Trước đó, quan Hữu tư tham quân là Vương Trọng Hồi, người lân lý với Thứ Công, vẫn từng theo ông thọ học pháp môn Niệm Phật, có hỏi rằng: "Làm thế nào để được không gián đoạn?". Ông đáp: "Sau khi đã tin chắc chẳng còn nghi, tức là không gián đoạn!". Trọng Hồi nghe nói lãnh ngộ, vui mừng khấp khởi, từ tạ ra về. Năm sau, Thứ Công làm quan ở Đơn Dương, một đêm mơ thấy Trọng Hồi đến thưa rằng: "Trước kia nhờ ngài chỉ dạy về Tịnh độ, nay tôi đã được vãng sanh, nên đến đây tạ ân!". Nói xong đảnh lễ rồi lui. Mấy hôm sau, ông được thơ cáo phó của con Vương Trọng Hồi. Trong ấy, kể rõ cha mình dự biết vãng sanh, có đi khắp nhà thân hữu từ biệt. Khi Thứ Công đã mãn phần, có Kinh Dương phu nhơn nằm mộng dạo chơi đến cõi Tây phương, thấy một vị thân tướng đoan nghiêm ngồi trên hoa sen, đội mão ngọc, đeo anh lạc, tà áo phất phơ theo gió nhẹ. Bà hỏi là ai, được cho biết là Vô Vi Tử Dương Kiệt.


Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng
(Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.49 khách