Chánh Tượng Mạt Hòa Tán của ngài Thân Loan (thuộc nhóm sách quốc bảo của Nhật Bản)

Thảo luận giáo lý và phương pháp hành trì pháp môn niệm Phật.

Điều hành viên: binh, battinh

KimCangMinhChau
Bài viết: 61
Ngày: 09/05/23 06:11
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia

Chánh Tượng Mạt Hòa Tán của ngài Thân Loan (thuộc nhóm sách quốc bảo của Nhật Bản)

Bài viết chưa xem gửi bởi KimCangMinhChau »

MỘNG CÁO TÁN



Năm Khang Nguyên thứ hai (Đinh Tỵ), đêm ngày 9 tháng 2 năm 1257.

Thân Loan Thánh nhân 85 tuổi.



(1)

Nên tin bản nguyện của Di Đà

Hễ ai tin bản nguyện Di Đà

Do lợi ích ‘nhiếp thủ bất xả’

Thảy đều được ngộ Vô thượng giác





CHÁNH TƯỢNG MẠT TỊNH ĐỘ HÒA TÁN​

Ngu Ngốc Thiện Tín biên tập.​



TAM THỜI TÁN (58 bài)



(2)

Thích Ca Như Lai sau Niết-bàn

Đến nay đã hơn hai ngàn năm

Chánh Tượng hai thời đều đã qua

Đệ tử Như Lai nên thương khóc.



(3)

Hữu tình đời Mạt pháp ngũ trược

Thời cơ này không thể hành chứng

Giáo pháp để lại của Như Lai

Đều được tàng nhập nơi Long cung.



(4)

Chánh, Tượng, Mạt là ba thời kỳ

Bản nguyện Di Đà đều hoằng truyền

Đời này là Tượng quý[1], Mạt pháp

Các thiện đều vào trong Long cung.



(5)

Trong kinh Đại Tập từng có dạy

Đời này năm trăm năm thứ năm

Vì là thời tranh đấu kiên cố

Bạch pháp ẩn mất không thể hành.[2]



(6)

Hữu tình thọ mạng số muôn năm

Quả báo theo dần càng suy thoái

Đến thời kỳ hai mươi ngàn tuổi[3]

Bèn có tên ‘Ngũ trược ác thế’.



(7)

Thời kiếp trược, ánh sáng chuyển đổi

Thân hữu tình theo dần biến nhỏ

Vì ngũ trược ác tà cường thịnh

Lòng người ác độc như rồng rắn.



(8)

Vô minh phiền não thịnh

Như số bụi đầy khắp

Sự yêu ghét, nghịch thuận

Tợ muôn trùng núi cao.



(9)

Hữu tình tà kiến rất phồn thịnh

Giống như rừng rậm nhiều gai góc

Nghi báng những người tin niệm Phật

Động sinh sân độc, hành phá hoại.



(10)

Mạng trược chết yểu trong chốc lát

Y báo, chánh báo đồng thời diệt

Bỏ chánh theo tà ngày hưng thịnh

Không nói đạo lý, khởi chấp tâm.[4]



(11)

Mạt pháp: năm trăm năm thứ năm

Tất cả chúng hữu tình đời này

Nếu chẳng tin bi nguyện Như Lai

Sẽ không có thời kỳ xuất ly.



(12)

Chín mươi lăm thứ [ngoại đạo] đều dơ đời

Riêng Phật một đạo luôn thanh tịnh

Chỉ có khi thắng đến Bồ-đề

Lợi ích nhà lửa mới tự nhiên.



(13)

Ngũ trược thời cơ đã trải qua

Đạo tục tất nhiên cùng tranh nhau

Người tu hành thấy tin niệm Phật

Gặp họa nghi báng, phá diệt nhiều.



(14)

Những người chẳng đạt được Bồ-đề

Coi chuyên tu niệm Phật như thù địch

Hủy diệt Đốn giáo làm bằng chứng

Biển cả sinh tử không bờ mé.



(15)

Tuy là thời cơ của chánh pháp

Nhưng đem thân phàm ngu thấp kém

Vì không tâm chân thật thanh tịnh

Làm sao phát được Bồ-đề tâm?



(16)

Tư lực Thánh đạo [thuyết] Bồ-đề tâm

Tâm và lời nói không ứng hợp

Chúng phàm ngu trôi nổi lưu chuyển

Làm sao khuyên họ phát tâm ấy.





(17)

Ba hằng hà sa số chư Phật

Lúc ban sơ trước khi xuất thế

Tuy phát khởi đại Bồ-đề tâm

Tự lực không giúp khiến lưu chuyển.



(18)

Tượng, Mạt trong ngũ trược ác thế

Thích Ca di giáo đều ẩn tàng

Di Đà bi nguyện riêng hoằng khai

Niệm Phật vãng sinh nhiều hưng thịnh.



(19)

Siêu thế, vô thượng, nguyện nhiếp thủ

Tuyển trạch bằng năm kiếp tư duy[5]

Quang minh, thọ mạng và thệ nguyện

Thiết lập trên nền tảng đại bi.



(20)

Đại bồ-đề tâm của Tịnh độ

Là khuyến phát tâm nguyện làm Phật

Rồi lấy tâm nguyện làm Phật này

Gọi đó là tâm độ chúng sinh.



(21)

Tâm độ chúng sinh ấy chính là

Sự hồi hướng trí nguyện Di Đà

Người tín lạc nhận được hồi hướng

Đều tỏ ngộ Đại bát-niết-bàn.



(22)

Trở về vào Như Lai hồi hướng

Người có được tâm nguyện làm Phật

Đều từ bỏ tự lực hồi hướng

Lợi ích hữu tình vô hạn lượng.



(23)

Dòng tín lạc tha lực chảy vào

Trong biển cả trí nguyện Di Đà

Nương thể tánh chân thật Báo độ

Phiền não – Bồ-đề thành một vị.



(24)

Hai thứ hồi hướng của Như Lai[6]

Người có thâm tín vào hồi hướng

Đều đến địa vị Đẳng chánh giác

Tâm ức niệm thường không gián đoạn.



(25)

Di Đà trí nguyện hồi hướng đó

Người tín lạc chân thật nhận được

Lợi ích của ‘nhiếp thủ bất xả’

‘Tất định’ đến quả Đẳng chánh giác.



(26)

Năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn

Bồ-tát Di Lặc mới xuất thế[7]

Người hoạch đắc chân thật tín tâm

Sau đây Tất định được chứng ngộ.



(27)

Y theo nguyện niệm Phật vãng sinh

Mà đạt đến quả Đẳng chánh giác

Liền đồng đẳng vị với Di Lặc

Sẽ chứng ngộ Đại bát-niết-bàn.



(28)

Vì hoạch đắc chân thật tín tâm

Tức thời nhập vị Chánh định tụ

Như đồng bổ xứ của Di Lặc

Ắt sẽ chứng ngộ Vô thượng giác.



(29)

Thời kỳ Mạt pháp những người trí

Cũng gác bỏ tự lực chư giáo

Giáo pháp mà thời cơ tương ứng

Đều tiến vào pháp môn niệm Phật.



(30)

Người xưng niệm tôn hiệu Di Đà

Phải chân thật hoạch đắc tín tâm

Tâm ức niệm thường không gián đoạn

Hằng thường nghĩ muốn đền ơn Phật.



(31)

Ngũ trược ác thế chư hữu tình

Người tin vào tuyển trạch bản nguyện

Không thể diễn tả, không nghĩ bàn

Công đức sung mãn thân hành giả.



(32)

Hết mười phương Vô Ngại Quang Phật

Làm lợi ích hữu tình vị lai

Từng trao Bồ-tát Đại Thế Chí

Khiến được trí tuệ mà niệm Phật.



(33)

Thương xót chúng hữu tình trược thế

Thế Chí riêng khuyên chuyên niệm Phật

Nhiếp thủ những người có tín tâm

Khiến họ cùng về vào Tịnh độ.



(34)

Từ bi của Thích Ca, Di Đà

Khiến có được tâm nguyện làm Phật

Trí tuệ là do có tín tâm

Mới thành thân đền đáp ơn Phật.



(35)

Người niệm Phật có được trí tuệ

Đều là do nguyện lực Pháp Tạng

Trí tuệ mà không có tín tâm

Làm sao chứng Đại niết-bàn kia.



(36)

Là đèn đuốc đêm dài vô minh

Sao dùng bi thương mắt trí mờ

Là thuyền bè đại dương sinh tử

Không hẳn buồn than tội chướng thêm.



(37)

Nguyện lực thì vô cùng, vô tận

Tội chướng sâu nặng cũng không nặng

Phật trí thì vô biên, vô cực

Tán loạn, phóng dật cũng không bỏ.




(38)

Tìm bản ý Như Lai tác nguyện

Không bỏ chư hữu tình khổ não

Thường lấy hồi hướng là trọng yếu

Vì được thành tựu đại bi tâm.



(39)

Xưng danh là chân thật tín tâm

Là pháp hồi hướng của Di Đà

Nên gọi đó là Bất hồi hướng[8]

Tự lực xưng danh bị chê hiềm.



(40)

Trong biển rộng Di Đà trí nguyện

Là nước tâm phàm phu thiện ác

Khi quy nhập thì liền có được

Chuyển biến làm thành đại bi tâm.



(41)

Đệ tử ta ưa thích tạo ác

Thịnh hành tà kiến và phóng dật

Nên ở vị lai phá pháp ta

Kinh Liên Hoa Diện[9] thuyết như vậy.



(42)

Kinh Quán Phật Tam Muội[10] có nói

Phỉ báng chúng hữu tình niệm Phật

Rơi vào trong địa ngục A-tỳ

Trong tám vạn kiếp thọ đại khổ.



(43)

Chánh nhân của Báo độ chân thật

Do hai Phật ‘khiển hoán’[11] ban cho

Hiện tại trú ở Chánh định tụ

Đương lai ắt chứng Đại niết-bàn.



(44)

Y mười phương vô lượng chư Phật

Lời dạy chứng thành và hộ niệm

Đại bồ-đề tâm của tự lực

Nên biết đó là bất tương ưng.



(45)

Người có được chân thật tín tâm

Mạt pháp trược thế rất hiếm có

Hằng sa chư Phật lời chứng thành

Bảo rằng đó là rất khó được.



(46)

Hồi hướng có vãng tướng, hoàn tướng

Người nào không gặp được duyên ấy

Lưu chuyển luân hồi vô cùng tận

Trầm luân biển khổ muốn như nào?



(47)

Tin biết Phật trí bất tư nghị

Đều sẽ trú ở Chánh định tụ

Người hóa sinh thì trí tuệ thắng

Ắt sẽ chứng ngộ Vô thượng giác.



(48)

Tin nhận Phật trí bất tư nghị

Làm thành nhân tố của Báo độ

Có được chánh nhân là tín tâm

Khó trong khó không gì qua đây.



(49)

Lìa bỏ vô thủy lưu chuyển khổ

Mong được vui Niết-bàn vô thượng

Là hai thứ hồi hướng Như Lai

Ân đức thật là khó đền đáp.



(50)

Không nhiều tín giả sinh Báo độ

Số nhiều hành giả về Hóa độ[12]

Tự lực Bồ-đề bất tương ưng

Nên lưu chuyển từ kiếp lâu xa.



(51)

Hồi hướng của Phật A Di Đà

Ân đức quảng đại, bất tư nghị

Trong lợi ích Vãng tướng hồi hướng

Cũng hồi nhập Hoàn tướng hồi hướng.

(52)

Do Vãng tướng hồi hướng đại bi

Được Hoàn tướng hồi hướng đại bi

Nếu không có Như Lai hồi hướng

Tịnh độ, Bồ-đề sẽ như nào?



(53)

Di Đà, Quán Âm, Đại Thế Chí

Cùng ngồi thuyền từ ‘Đại nguyện’

Qua lại trong biển sinh tử khổ

Kêu gọi hữu tình bước lên thuyền.



(54)

Đại bi thệ nguyện của Di Đà

Chúng sinh nào có được thâm tín

Bất kể thức ngủ đều không khác

Niệm Nam mô A Đ Đà Phật.



(55)

Hễ là người của Thánh đạo môn

Đều lấy tự lực tâm làm gốc

Nếu nhập tha lực bất tư nghị

Tin biết lấy vô nghĩa làm nghĩa[13].



(56)

Dù có giáo pháp Đức Thích Ca

Nhưng hữu tình không thể tu hành

Nên từng nói, trong thời Mạt pháp

Chưa thấy một người được quả chứng.



(57)

Những Đại sư ba triều Tịnh độ[14]

Bi mẫn nhiếp thọ chư chúng sinh

Khuyên dạy bảo tín tâm chân thật

Khiến họ tiến vào Chánh định tụ.



(58)

Người có được tha lực tín tâm

Thấy, kính còn được vui mừng lớn

Tức là người bạn lành của ta

Giáo chủ Thế Tôn khen như thế.[15]



(59)

Ân đức đại bi của Như Lai

Thân làm bột phấn cũng đáp đền

Ân đức tri thức của Thầy Tổ

Xương bị nghiền nát cũng cảm tạ.



Trên đây là Chánh Tượng Mạt Pháp Hòa Tán (58 bài)


[1] Tượng quý : Cuối thời kỳ Tượng pháp. Theo lời bạt của Tây Phương Ye61y Quyết (Dại 47, 110 thượng): “Sinh vào đời Tượng quý, cách Thánh càng xa.” Nhưng lại có thuyết cho rằng, Tượng quý là chỉ cho thời Mạt pháp.
[2] Đại Phương Đẳng Đại Tập Kinh, No. 397, Đàm Vô Sấm dịch, quyển 55, tr. 363a29: “Sau khi Ta diệt độ năm trăm năm, các chúng Tỳ-kheo, trong chánh pháp của Ta, vẫn còn giải thoát kiên cố. Năm trăm năm tiếp theo, trong chánh pháp của Ta, các pháp thiền định Tam-muội được trú kiên cố. Năm trăm năm tiếp theo, việc đọc tụng đa văn được trú kiên cố. Năm trăm năm tiếp theo, trong chánh pháp của Ta, nhiều sự xây dựng chùa tháp được trú kiên cố. Năm trăm năm tiếp theo, trong chánh pháp của Ta, đấu tranh ngôn tụng, bạch pháp bị ẩn mất, kiên cố bị tổn giảm.”
[3] Một trụ kiếp gồm có 20 tiểu kiếp, như vậy hiện nay, địa cầu đang ở thời kỳ giảm kiếp của tiểu kiếp thứ 9. Bắt đầu giảm kiếp thứ 9, tuổi thọ con người là 84 ngàn tuổi. Cứ qua 100 năm thì giả 1 tuổi. Khi giảm đến 60 ngàn tuổi thì có Đức Phật Câu Lưu Tôn xuất thế. Khi 60 ngàn tuổi giảm đến 20 ngàn tuổi, thì Đức Phật Ca Diếp ra đời. Và thời kỳ này gọi là Nhập kiếp trược.
[4] Từ bài (6) đến bài (10) là nói: Kiếp trược, Chúng sinh trược, Phiền não trược, Kiến trược và Mạng trược.
[5] Kinh Vô Lượng Thọ: "Rồi đức Thế Tự Tại Vương Phật nói rộng hai trăm mười ức quốc độ chư Phật, những là sự thiện ác của hàng thiên nhơn, những sự xấu tốt của cõi nước, và ứng theo tâm nguyện của Tỳ kheo Pháp Tạng mà hiện rõ ra cho thấy cả. Nghe và thấy các quốc độ nghiêm tịnh, Tỳ kheo Pháp Tạng phát khởi thệ nguyện thù thắng vô thượng, tâm Ngài tịch tịnh, trí Ngài rỗng rang, tất cả thế gian không có ai bằng. Trọn đủ năm kiếp, Ngài tư duy nhiếp lấy công hạnh trang nghiêm thanh tịnh nước Phật.”
[6] Nhị hồi hướng tứ nguyện (二回向四願): Hai thứ hồi hướng và bốn thứ nguyện. Cứ theo Giáo Hành Tín Chứng của Thân Loan Thánh nhân, Tịnh độ Chân tông của Nhật Bản nêu ra 2 thứ hồi hướng: một là, Vãng tướng hồi hướng, hai là Hoàn tướng hồi hướng. Đây chính là nhân quả (4 pháp: Giáo, Hành, Tín, Chứng) vãng sinh Cực Lạc của chúng sinh (Vãng tướng) và năng lực trở lại thế giới Ta-bà (Hoàn tướng) sau khi vãng sinh để cứu độ chúng sinh khác. Tất cả điều đó đều nhờ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà có, gọi là Nhị hồi hướng. Trong đó, Vãng tướng hồi hướng là căn cứ vào các lời nguyện thứ 17 (chân thật hành nghiệp), 18 (chân thật tín tâm) và 11 (chân thật chứng quả) của Đức Phật A Di Đà mà được thành lập. Còn Hoàn tướng hồi hướng thì căn cứ vào lời nguyện thứ 22 mà được lập ra, vì thế gọi là Nhị hồi hướng tứ nguyện.
[7] Ngũ thập lục ức thất thiên vạn tuế (五十六億七千萬歲): Năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm, tức chỉ cho số năm từ khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt đến khi Bồ-tát Di Lặc ra đời. Hiện nay Bồ-tát Di Lặc đang trú ở Nội viện trên cung trời Đâu Suất, khi hết tuổi thọ 4.000 năm ở cõi trời mới hạ sinh xuống nhân gian thành Phật. Nếu tính theo số năm ở nhân gian thì là 56 ức 7 nghìn vạn năm. Bồ Tát Xử Thai Kinh (菩薩處胎經), No. 384, quyển 2, phẩm Tam Thế Đẳng, tr. 1025c15: “Bồ-tát Di Lặc nên biết, Ta thọ ký cho ông năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác bên dước gốc cây Thọ vương.”
[8] Bất hồi hướng (不回向): Tiếng dùng của Phật giáo Nhật bản. Môn Tịnh độ lập ra hai thứ hồi hướng: (1) Vãng tướng hồi hướng (nguyện đem công đức đã tu hồi hướng đạo Bồ đề để được sinh về Tịnh độ); (2) Hoàn tướng hồi hướng (nguyện sau khi thành Phật trở lại đường sinh tử, giáo hóa hết thảy chúng sinh). Nhưng, Tịnh độ Chân tông thì chủ trương, chỉ cần một niềm tin chí thành, tha thiết là hai thứ hồi hướng trên đều do Đức Phật A Di Đà hồi hướng cho người tu hành, chứ người tu hành thì không cần phải hồi hướng, nên gọi là Bất hồi hướng. Bất hồi hướng là pháp tha lực, hiển bày chỗ cùng tột của tha lực. Thế nên, niệm Phật tha lực (tuyệt đối tin tưởng vào sự cứu vớt của Phật A Di Đà) gọi là hạnh Bất hồi hướng.
[9] Liên Hoa Diện Kinh (蓮華面經), No. 386, 2 quyển, Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Na Liên Đề Da Xá dịch.
[10] Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải Kinh (佛説觀佛三昧海經), No. 643, 10 quyển, Đông Tấn, Tam tạng Phật Đà Bạt Đà La dịch.
[11] Khiển hoán (遣喚): gọi đủ là Phát khiển chiêu hoán (發遣招喚). Chỉ bảo và mời gọi. Đức Thế Tôn chỉ dạy (phát khiển) chúng sinh nương theo thuyền đại nguyện của Phật A Di Đà mà sinh về Tịnh độ Cực Lạc; còn đức Phật A Di Đà cũng từ Tịnh độ Cực Lạc đến đây mời gọi và tiếp đón chúng sinh.
[12] Chỉ cho hành giả tự lực trong tha lực, nương nguyện thứ 19 và 20 mà được sinh về Tịnh độ Cực Lạc.
[13] Thán Dị Sao, chương 10: “Niệm Phật lấy vô nghĩa làm nghĩa, vì chẳng thể diễn tả, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ bàn.”
[14] Thân Loan Thánh nhân hết lòng tri ân và ghi nhận những kinh luận cũng như diễn giải của 7 vị Tổ sư tiền bối: (1) Hai vị Tổ sư Ấn Độ: Long Thọ (thế kỷ I, II) và Thiên Thân (thế kỷ IV); (2) Ba vị Tổ sư Trung Hoa: Đàm Loan (476 - 542), Đạo Xước (562 - 645) và Thiện Đạo (613 - 681); (3) Hai vị Tổ sư Nhật Bản: Nguyên Tín (942 - 1017) và Pháp Nhiên (1133 - 1212).

[15] Kinh Vô Lượng Thọ: “Nghe pháp được chẳng quên, Thấy kính rất mừng vui, Là bạn lành của ta, Vì vậy phải phát tâm."


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.14 khách