Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

59. TÍCH CHUYỆN VỀ SA DI THI SA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến vị Sa di tên là Thi Sa, tu ẩn cư trong rừng.

Thuở ấy, ở nước Xá Vệ có một người trẻ tuổi tên là Thi Sa, con nhà rất giàu có; người cha năng dâng cúng thực phẩm cho chư Tăng đi khất thực. Cha của Thi Sa thường thỉnh Tôn giả Xá Lợi Phất đến nhà thọ thực, nên Thi Sa có dịp gặp được Tôn giả. Năm lên bảy tuổi, Thi Sa được Tôn giả Xá Lợi Phất nhận làm đệ tử và làm Sa di tại chùa Kỳ Viên. Trong thời gian ngụ tại chùa, anh em, bà con thường đến thăm viếng Thi Sa, mang quà tặng đến biếu. Thi Sa nhận thấy các buổi thăm viếng như thế thường làm rộn cho mình và mất thì giờ cho việc tu hành. Thi Sa mới xin đức Phật chỉ dạy cho một đề tài thiền quán, và xin phép đi vào rừng, tu tập một mình. Mỗi khi, Thi sa vào làng khất thực, các thí chủ dưng cúng phẩm vật, Thi Sa chỉ thốt lên mấy lời ngắn ngủi: "Nguyện cầu thí chủ được an lạc. Nguyện cầu thí chủ thoát khỏi mọi khổ đau của cuộc đời". Rồi Thi Sa tiếp tục lên đường, trở về am cốc vắng vẻ một mình. Thi Sa tinh tấn tu tập ngày đêm, chẳng bao lâu đắc được đạo quả A la hán.

Sau mùa an cư kiết hạ, Tôn giả Xá Lợi Phất và đông đảo tỳ kheo tháp tùng, được phép đức Phật, vào rừng viếng thăm Sa di Thi Sa. Các thiện nam, tín nữ trong làng rất mừng, dâng cúng lễ vật, và thỉnh cầu Tôn giả thuyết pháp cho nghe. Nhưng Tôn giả từ khước và bảo: "Sa di Thi Sa trú ngụ ở đây, sẽ thuyết pháp cho các vị nghe". Nhưng một thiện nam lại bảo: "Thầy Thi sa chỉ biết nói có hai câu: Nguyện cầu thí chủ được an lạc. Nguyện cầu thí chủ thoát khỏi mọi khổ đau của cuộc đời! mà thôi, thì thuyết pháp làm sao?" Tôn giả Xá Lợi Phất liền bảo Thi Sa: "Thi Sa, con hãy giảng Chánh pháp cho mọi người nghe; con hãy chỉ làm cách nào để được an lạc và giải thoát được mọi khổ đau của cuộc đời".

Vâng lịnh Thầy, Thi Sa bước lên tòa ngồi, trong mấy giờ đồng hồ, thao thao bất tuyệt, giảng giải thế nào là ngũ uẩn, lực căn, lục trần, thế nào là ba mươi bảy phẩm trợ Đạo, thế nào là con đường dẫn tới đạo quả A la hán và Niết Bàn. Và chấm dứt lời giảng bằng câu kết luận sau đây:

"Đấy, các bực đã chứng đắc đạo quả A la hán được giải thoát mọi khổ đau của cuộc đời và hằng sống trong cảnh an lạc. Còn những kẻ khác cứ trôi lăn mãi trong cảnh khổ não của cuộc tử sanh Luân hồi".

Tôn giả Xá Lợi Phất hết lời ngợi khen Sa di Thi Sa đã khéo giảng giải Chánh pháp thật rành rẽ. Dân chúng nghe pháp, nhiều ngưòi thán phục, mà cũng có một số người còn thắc mắc tại sao Thi Sa thông hiểu Chánh pháp như thế, mà ngày thường chỉ thốt lên có hai câu nguyện cầu như thế. Bấy giờ tại chùa Kỳ Viên, đức Phật quán thấy tâm trạng của dân chúng còn phân vân, nên hôm sau, ngài cùng chư Tăng vào làng khất thực. Sau buổi ngọ trai và giảng pháp, đức Phật bảo dân chúng rằng: "Các ông rất may mắn có được thầy Thi Sa ở vùng nầy; nhờ đó mà chư tăng thường đến viếng làng".

Tối hôm đó, tại chùa Kỳ Viên, chư Tăng thưa cùng đức Phật: "Thầy Thi Sa đã làm được một việc khó làm: ở đây được nhiều người hiến tặng phẩm vật, thế mà thầy đã từ khước để đi vào rừng sâu tu tập khổ hạnh một mình". Đức Phật bảo: "Nầy các tỳ kheo, cho dầu sống nơi thành thị hay ở chốn thôn quê, một vị tỳ kheo giữ đúng giới hạnh chẳng bao giờ chú trọng đến của cải vật chất được hiến tặng. Nếu biết tập hạnh viễn ly, xa lìa con đường lợi dưỡng, danh vọng của thế gian, mà siêng tu tập Thiền định thì sẽ sớm chứng đắc được đạo quả A la hán".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Một đường dẫn đến lợi thế gian,
    Một nẻo đưa ta tới Niết bàn.
    Thông hiểu rõ hai đường sai biệt,
    Vị tỳ kheo, đệ tử Phật đà,
    Chẳng chút đắm say mùi danh lợi
    Nỗ lực hành trì hạnh viễn ly.
    (Kệ số 075)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Sa di: Người mới vào chùa tập sự tu hành, chưa thọ giới Tỳ kheo. Tiếng Pali là Sāmenara.

- Thi Sa: Tên thật của vị Sa di nầy, tiếng Pali là Tissa. Đừng lầm với vị tỳ kheo Thi Sa, trùng tên, nói ở Tích chuyện số 3, trang 9.

- Năng dâng cúng: Năng = siêng năng, thường hay làm.

- Thí chủ: Thí = bố thí, hiến tặng; Thí chủ là người hiến tặng.

- Thao thao bất tuyệt: nói rất trôi chảy, chẳng ngừng.

- Ngũ uẩn: năm uẩn:
  • (1) Sắc uẩn.
    (2) Thọ uẩn.
    (3) Tưởng uẩn.
    (4) Hành uẩn.
    (5) Thức uẩn.
- Lục căn:
  • (1) Mắt.
    (2) Tai.
    (3) Mũi.
    (4) Lưỡi.
    (5) Thân.
    (6) Ý.
- Lục trần:
  • (1) Sắc.
    (2) Thanh.
    (3) Hương.
    (4) Vị.
    (5) Xúc.
    (6) Pháp.
- Ba mươi bảy phẩm trợ Đạo: Giúp ta sớm được giác ngộ và giải thoát; gồm có
  • (1) Tứ niệm xứ.
    (2) Tứ chánh cần.
    (3) Tứ như ý túc.
    (4) Ngũ căn.
    (5) Ngũ lực.
    (6) Thất giác chi.
    (7) Bát chánh đạo.
Tiếng Pali là Bodhipakkhiya Dhamma. Muốn biết thêm chi tiết, xem Phật Học Phổ Thông, quyển 3.

- Quán thấy: Nhìn thấy qua cơn Thiền định.

- Phân vân: Còn nghi ngờ, chưa tin, chưa chắc.

- Viễn ly: Viễn = xa, rời; Ly = lìa. Hạnh viễn ly là hạnh xa lìa, chẳng tham luyến, rời bỏ, từ khước mọi danh lợi.

- Lợi dưỡng: Lối sống thụ hưởng tiện nghi vật chất thật đầy đủ.

- Phật Đà: Phiên âm chữ Buddha, Phật là hiểu biết, giác ngộ.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện khen ngợi một vị Sa di trẻ tuổi biết thực hành hạnh viễn ly, tránh xa các lợi dưỡng của thế tục, vào rừng tu tập Thiền định.

Hạnh viễn ly là hạnh khước từ các lợi lạc về vật chất, tránh xa các thú vui của thế tục, dẹp bỏ sự tham luyến, hướng về sự giác ngộ và giải thoát. Đây là hạnh cao quí, tương đương với tâm xả, là một trong bốn tâm vô lượng của Bồ tát đạo: Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, Hỉ là chung vui cùng kẻ thành công, Xả là buông bỏ, chẳng bấu víu vào để tham luyến.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 075:

Thử phân tách bài Kệ nầy, như sau:

- Một đường dẫn đến lợi thế gian: đây là lối sống của người ở thế gian, lấy lợi làm mục tiêu để tranh đấu trong cuộc sống còn. Lợi ở thế gian gồm có tiền tài, nhà cửa, vợ đẹp con khôn, quyền thế, địa vị...

- Một nẻo đưa ta tới Niết bàn: đây là lối sống xuất thế, nghĩa là chẳng màng đến cảnh danh lợi của thế gian, vượt qua lối sống tranh đua giành giựt ở đời, để tiến lên mục tiêu giác ngộ và giải thoát của cảnh giới an vui thường hằng của Niết Bàn, khỏi còn bị khổ đau của sự tái sanh trong cõi Luân hồi nữa.

-Thông hiểu rõ hai đường sai biệt: biết rõ sự hơn kém giữa hai lối sống; lối thứ nhứt thoả mãn các thú vui tạm bợ ở một đời; lối thứ hai là lối sống từ khước mọi tiện nghi vật chất, để khắc phục các phiền não khiến tâm thanh tịnh, đạt được niềm vui vĩnh cửu là được giải thoát.

- Ba câu chót: đây là thái độ đứng đắn của tỳ kheo, chẳng đắm say mùi danh lợi, xa lìa mọi dục lạc, nỗ lực tu tập để chứng Niết bàn.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ mục tiêu tu tập, bền chí trong việc dứt bỏ sự thèm khát, sự tham luyến.

(2) Thử tập vài điều dễ làm về Hạnh viễn ly:

- Các món "ghiền" như ăn trầu, hút thuốc, ăn ớt, mê tuồng cải lương, nhâm nhi rượu đế, v.v. thử tập nhịn một vài lần, xem sao.

- Ghế mình thường ngồi, chén mình thường cầm, nay bị người khác lỡ dùng, thử xét xem trong bụng mình lúc ấy ra thế nào?
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

TẬP 2
VI. PHẨM HIỀN TRÍ

60. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO GIẢ ĐA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến Trưởng lão Giả Đa, trước vốn là một người Bà la môn nghèo khó.

Thuở ấy, có một người Bà la môn nghèo khó tên là Giả Đa, đến sống ở một tu viện, làm công việc tạp dịch trong chùa và được các tỳ kheo nuôi cơm, cung cấp cho những nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày. Giả Đa rất mong muốn được gia nhập Tăng đoàn, nhưng chẳng được các vị Tỳ kheo khuyến khích.

Sáng sớm hôm ấy, đức Phật trong cơn Thiền định, quán sát khắp pháp giới, thấy Giả Đa có đủ cơ duyên để chứng đắc quả vị A la hán. Ngài liền đi đến tu viện, gặp Giả Đa, và được Giả Đa trình rằng lòng mình mong muốn được xuất gia thọ giới Tỳ kheo, nhưng các tu sĩ trong chùa chẳng ai hoan nghinh việc ấy cả. Đức Phật nhận thấy lòng thành của Giả Đa, mới cho tập họp chư Tăng lại và hỏi rằng: "Này các vị tỳ kheo, trong số các vị ở đây, có ai còn nhớ một hành động thiện mà Giả Đa đã làm cho mình không?" Tôn giả Xá Lợi Phất liền thưa rằng: "Con còn nhớ Giả Đa có lần đã nhường cho con một muỗng cơm". Đức Phật bảo: "Nếu quả thật như vậy, tại sao ông chẳng giúp đỡ người thí chủ của ông là Giả Đa được giải thoát khỏi mọi khổ đau của cuộc đời?" Tôn giả hiểu ý Phật, mới thâu nhận Giả Đa làm đệ tử, chỉ dạy cho Chánh pháp và đường lối tu hành để được thoát khổ. Chẳng bao lâu, Giả Đa tinh tấn tu hành, vâng theo lời giáo huấn của Tôn giả Xá Lợi Phất, và chứng đắc được đạo quả A la hán.

Vào một dịp khác, đức Phật đến viếng tu viện, các tỳ kheo trình Phật sự việc Giả Đa biết nghe theo lời hướng dẫn của Tôn giả Xá Lợi Phất mà chuyên cần, tinh tấn tu hành. Đức Phật khuyên mọi người nên noi gương tốt của Giả Đa, biết nghe lời thầy dạy, khi bị quở phạt chẳng nên oán trách thầy.

Rồi đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
  • Gặp ai vạch lỗi mình, rồi chỉ dạy,
    Đó là người hiền trí, phải noi theo,
    Như theo kẻ dẫn đường tìm kho báu.
    Được kết hợp với người hiền như thế,
    Lợi lớn cho mình, chẳng tệ chi đâu.
    (Kệ số 076)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Giả Đa: Tên thật của Trưởng lão, tiếng Pali là Rādha.

- Bà la môn: Giai cấp tu sĩ trong xã hội Ấn Độ. Có bốn giai cấp:

(1) Bà La Môn.
(2) Sát Đế Lợi (vua, quan).
(3) Phệ Xá (buôn bán).
(4) Thủ Đà La (nông dân, thợ thuyền).

- Công việc tạp dịch: Công việc lặt vặt.

- Xá Lợi Phất: Tên thật của Tôn giả, tiếng Pali là Sariputta (= con bà Sari). Tôn giả là đại đệ tử của đức Phật, nổi tiếng là đệ nhứt Trí huệ. Tôn giả thường được đức Phật mời lên ngồi chung, để thuyết pháp. Hiện còn ngôi tháp thờ Tôn giả, tại làng Na Lan Đà, Ấn Độ.

- Được giải thoát mọi khổ đau của cuộc đời: Ý Phật muốn bảo, chỉ cho cách tu hành để được giải thoát.

- Chánh pháp: Đường lối tu hành đúng đắn.

- Giáo huấn: Dạy dỗ, huấn luyện.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Trưởng lão Giả Đa, một người Bà la môn giúp việc trong chùa, nhờ sự can thiệp của đức Phật mà được Tôn giả Xá Lợi Phất thâu nhận làm đệ tử, rồi nghe theo lời dạy của thầy, tinh tấn tu hành, đắc được quả vị A la hán.

Ý nghĩa quan trọng của Tích chuyện là nếu gặp được bực hiền trí chỉ dạy cho mình, thì nên cố gắng tuân theo, chẳng nên bất mãn khi bị quở trách vì lỗi lầm.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 076:

Thử phân tách bài Kệ:

- Gặp ai vạch lỗi mình, rồi chỉ dạy: khi bị ai chỉ trích mình, chớ nên nóng giận vì tự ái; trái lại hãy bình tỉnh nghe lời người chỉ dạy, để sửa đổi lại theo con đường phải.

- Đó là người hiền trí, phải noi theo: người vạch lỗi mình rồi chỉ dạy cho mình là muốn cho mình trở nên người tốt, vì thế mình nên nghe theo lời người ấy chỉ dạy. Người như thế là bực hiền trí: hiền, vì muốn cho mình được tốt hơn lên; trí, vì người nhận thấy rõ lỗi của mình và chỉ cho mình cách sửa lại.

- Như theo kẻ dẫn đường tìm kho báu: Kho báu ở đây có nghĩa là điều quí báu, tức là con đường chơn thiện, đưa ta tới nơi giác ngộ và giải thoát, như trường hợp của Trưởng lão Giả Đa, theo lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất, để tu tập chứng được quả vị cao quí là quả A la hán, vĩnh viễn thoát mọi khổ đau của cuộc đời.

- Được kết hợp với người hiền như thế, Lợi lớn cho mình, chẳng tệ hơn: đây là lợi lạc to lớn được sống gần bên người hiền trí, nhờ đó mà ta trở nên người chơn thiện, chẳng có tệ hại chút nào cả.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ: chẳng nên tự ái sằng, mỗi khi nghe ai chỉ trích và chỉ dạy cho mình. Người ấy là người ơn của mình.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

61. TÍCH CHUYỆN HAI VỊ TỲ KHEO ẤT SA VÀ PHÚ NA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến hai vị tỳ kheo tên là Ất Sa và Phú Na vi phạm giới luật.

Thuở ấy, ở làng Kỳ Tà, nước Xá Vệ, tại một tu viện nọ, có hai vị tỳ kheo tên là Ất Sa và Phú Na, cùng với năm trăm đồ đệ, sống về nghề trồng trọt rau cải và cây ăn trái. Vì chẳng theo hạnh khất sĩ nên các vị tu sĩ nầy đã vi phạm giới luật. Bấy giờ, đức Phật nghe tin đó, mới sai hai vị đại đệ tử là Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên đi đến làng Kỳ Tà, và ra lịnh cho các tỳ kheo chẳng được sanh sống về nghề trồng trọt nữa. Đức Phật căn dặn: "Nếu họ chẳng vâng lời, các ông đừng ngần ngại chi mà đuổi họ ra khỏi chùa, vì hành động vi phạm giới luật của họ gây tai hại lớn, làm giảm mất lòng tin tưởng của dân chúng vào đạo pháp".

Rồi đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
  • Hãy nghe ông ấy rầy la,
    Giúp mình, chỉ dạy, tránh xa đường tà.
    Người hiền quí mến ông ta,
    Chỉ có kẻ dữ mới là ghét ông.
    (Kệ số 077)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Ất Sa: Tên thật vị tỳ kheo nầy, tiếng Pali là Assaji.

- Phú Na: Tên thật vị tỳ kheo nầy, tiếng Pali là Punabhasuka.

- Kỳ Tà: Tên thật làng nầy, tiếng Pali là Kītāgiri.

- Vi phạm giới luật: Làm trái với điều răn cấm.

- Đường tà: Tà = cong queo, xiêng xéo; Đường tà là đường tội lỗi.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện nêu lên sự vi phạm giới luật của hai vị tỳ kheo: có nghề sanh lợi và chẳng theo hạnh khất sĩ. Tại sao lại cấm tu sĩ có nghề sanh lợi? Vì khi sanh lợi, ta thường mong muốn có nhiều lợi, đó là lòng tham, cần phải diệt bỏ. Tại sao phải theo hạnh khất sĩ? Hạnh nầy diệt lòng kiêu mạn, vì phải dẹp lòng tự ái xuống để đi xin ăn mà sống. Hạnh nầy tạo nên cơ hội gặp gỡ giữa người tu sĩ và dân chúng, để có thể chỉ dạy đường tu cho họ.

Ý nghĩa quan trọng của Tích chuyện: người tu hành mà vi phạm giới luật sẽ làm giảm lòng tin của dân chúng vào Đạo pháp.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 077:

Bài Kệ nói về sự chỉ dạy nghiêm khắc, rầy la, của bực hiền trí. Bực hiền trí thấy lỗi lầm của con em, cần phải quở trách để chúng đừng tái phạm, lại nên chỉ cho chúng con đường phải mà theo.

Trước lời thẳng thắn quở trách, người biết điều thì sẽ thầm cám ơn bực đã chỉ dạy mình; còn kẻ hung dữ, trái lại thì oán ghét, xem như gặp kẻ thù. Đó là lẽ thường tình ở đời, người tu hành chớ nên bắt chước làm theo kẻ dữ.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ nầy, cùng với bài Kệ trước, để ghi nhớ, chớ có tự ái sằng, mỗi khi bị quở, nên tỏ lòng biết ơn người chỉ dạy mình

(2) Biết rằng, lời phải thường trái tai, khó nghe, nhưng đối với những người mình có trách nhiệm dìu dắt, chớ nên sợ mếch lòng mà chẳng quở trách. Một lỗi nhỏ bỏ qua, sẽ khiến con em xem thường mà phạm lỗi nặng hơn.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

62. TÍCH CHUYỆN TỲ KHEO XÀ NẶC
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến vị Tỳ kheo tên Xà Nặc, vốn là người giữ ngựa cho Thái tử Tất Đạt Ta.

Xà Nặc là người giữ ngựa, theo hầu Thái tử Tất Đạt Ta khi Thái tử lìa bỏ cung vàng điện ngọc, vượt qua cửa Đông thành Ca Tỳ La Vệ, cỡi ngựa vào rừng, trên đường đi tìm Chơn lý và Đạo pháp. Đến khi Thái tử thành Đạo, chứng ngôi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì Xà Nặc trở thành một vị tỳ kheo. Tỳ kheo Xà Nặc thường tự hào rằng mình là người duy nhứt thân cận bên Phật ngay tự buổi đầu, nên ganh tị với địa vị ngày nay của các Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên, trong Tăng đoàn. Ông ta thường ba hoa với mọi người: "Khi Thái tử vượt thành vào rừng đi tu, ta là người luôn luôn ở bên cạnh; bấy giờ nào đã có Xá Lợi Phất, hay Mục Kiền Liên đâu; cớ sao nay họ lại vênh vang xưng với chư Tăng, họ là đại đệ tử của đức Phật?" Đức Phật nghe thấy, nhiều lần gọi Xà Nặc đến bên cạnh, khuyên răn: "Ông nên thay đổi thái độ ngay, chớ có lời vô lễ với hai vị tỳ kheo đức hạnh đó. Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên là những người bạn tốt của chư Tăng, ông nên thân cận và cung kính họ". Xà Nặc lẵng lặng nghe lời Phật nói, nhưng lòng vẫn chẳng chịu tuân theo.

Bấy giờ, đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Chớ kết bạn đường với phường ngu ác,
    Chẳng giao du thân mật các bọn tà.
    Ráng chọn bạn hiền lương mà giao thiệp;
    Cùng người cao đức kết hiệp tình thân.
    (Kệ số 078)
Mặc dầu nhiều lần được dức Phật khuyên can, chỉ dạy, Xà Nặc vẫn giữ thái độ ngoan cố, thường có lời hỗn hào đối với hai vị đại đệ tử. Đức Phật biết Xà Nặc là người khó trị, nên lúc ngài sắp nhập Niết bàn, gọi Tôn giả A Nan đến bên cạnh, trối rằng: "Đối với Xà Nặc ngoan cố, nên áp dụng hình phạt nặng nề nhứt là cô lập hắn, đừng cho tỳ kheo nào giao du với hắn nữa". Nhưng đến khi đức Phật nhập diệt, Xà Nặc đau buồn thái quá, nhiều lần ngất xỉu, hối hận chẳng biết vâng lời đức Phật lúc ngài còn tại thế gian. Xà Nặc mới đến xin sám hối tội lỗi với hai vị Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên. Từ đó, Xà Nặc tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu đắc quả vị A la hán.
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Xà Nặc: Tên thật người giữ ngựa nầy, tiếng Pali là Channa.

- Thái tử Tất Đạt Ta: Thái tử = con trai lớn của Vua, sẽ được nối ngôi; Tất Đạt Ta: tên thật của Thái tử, tiếng Pali là Siddhattha, con vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Theo Kinh sách, Thái tử sau khi đi viếng bốn cửa thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), thấy cảnh bịnh, già, chết và gặp một vị tu sĩ, mới quyết định bỏ cung vàng điện ngọc đi tu. Sau sáu năm khổ hạnh, chọn con đường Trung đạo, tu sĩ Tất Đạt Ta ngồi thiền bốn mươi chín ngày đêm dưới cội Bồ đề, chứng đắc chánh quả mà thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni).

- Ba hoa: Nói lời phách lối, om sòm chẳng dứt.

- Vênh vang: Thái độ phách lối, kiêu căng trong lời nói và cử chỉ.

- Bạn đường: Người cùng đi chung một đường với mình. Ở đây là những người đồng tu với nhau.

- Giao du, Giao thiệp: Chơi bời với nhau, thân thích với nhau.

- Bọn tà: Bọn ác tà, bọn xấu dữ, làm điều quấy.

- Cao đức: Có đức hạnh cao quí; người hiền lành và có trí huệ.

- Ngoan cố: Cứng đầu, chẳng chịu nghe theo lời phải.

- Hình phạt nặng nề nhứt: Dịch chữ Brahmadanda, tiếng Pali. Danda có nghĩa là hình phạt. Brahma, ở đây, nghĩa là cao nhứt, nặng nhứt.

- Cô lập: Cô = cô độc, một mình, trơ trọi; Lập = đứng. Cô lập một người là chẳng cho ai gần với người ấy cả. Tiếng bình dân gọi là tẩy chay.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại sự việc Xà Nặc ỷ mình là người theo Phật từ buổi đầu mà tỏ ra phách lối với mọi người và vô lễ với hai vị đại đệ tử của đức Phật. Xà Nặc lại còn ngoan cố, chẳng biết theo lời khuyên của Phật. Chỉ sau khi Phật nhập diệt rồi, Xà Nặc mới hối hận, sám hối tội lỗi với hai vị Tôn giả và chuyên cần tu hành mới chứng được quả vị A la hán.

Ý nghĩa quan trọng của Tích chuyện là phải biết nghe theo lời của người có đức hạnh, thân cận bên họ, mới có lợi cho đường tu.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 078:

Ý nghĩa của bài Kệ rất rõ ràng: nên chọn bạn mà kết thân, xa người ngu ác, gần người hiền lương, có đức hạnh.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để đọc lên cho con em nghe, mỗi khi muốn khuyên chúng nên xa lánh bạn bè chẳng tốt.

(2) Tập bỏ tánh ỷ lại: ỷ lại là dựa thế của người khác mà tự coi mình cao hơn; đó là lòng kiêu căng sái chỗ, cần dẹp bỏ. Xin đề nghị:

- Đừng tự hào về giai cấp, địa vị, tiền của của mình: giá trị con người chính ở nơi đức hạnh, chớ đâu phải ở nhà cao, xe đẹp, có con "làm lớn"! Càng tỏ ra nhũn nhặn, mới càng quí.

- Lạy sám hối trước tượng Phật: lạy là một hình thức dẹp bỏ lòng kiêu căng bên trong của mình, khi mình cúi đầu sát đất.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

63. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO KHA PHI NA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến Trưởng lão Kha Phi Na, vốn là vị vua ở Cúc Khư, xuất gia cùng với các vị đại thần của mình.

Thuở ấy, vua Kha Phi Na cùng với các vị đại thần, đi du ngoạn trong vườn thượng uyển. Ngài gặp được một nhóm thương gia từ nước Xá Vệ đến, thuật chuyện có đức Phật cùng Tăng đoàn đang tu hành ở chùa Kỳ Viên. Vua Kha Phi Na liền cùng với các vị đại thần lên đường đến gặp đức Phật.

Bấy giờ, sau cơn Thiền định buổi sáng, đức Phật quán thấy đã đến cơ duyên độ cho vua Kha Phi Na và các vị đại thần được thành chánh quả, mới rời chùa Kỳ Viên, đi đến nửa đường để gặp Vua. Đức Phật cùng chư Tăng đi đến ngồi chờ, dưới cội cây Bồ đề bên đường, gần bờ sông Càn Đà. Khi Vua Kha Phi Na và quần thần đi đến, từ xa đã trông thấy hào quang rực rỡ của đức Phật rạng chiếu lên. Họ đến đảnh lễ dưới chơn Phật và được đức Phật giảng pháp cho nghe. Sau thời pháp, tất cả đều chứng được sơ quả Tu đà hườn. Vua và các quan đồng quì xuống, thỉnh cầu đức Phật cho xuất gia và thọ giới tỳ kheo. Đức Phật vui vẻ liền nói: "Thiện Lai! Tỳ kheo!", chấp nhận tất cả vào Tăng đoàn. Vua cùng quần thần liền theo chơn đức Phật trở về tịnh xá Kỳ Viên.

Lúc bấy giờ, Hoàng hậu An Nỡ Gia hay tin Vua đã rời kinh thành đi đến Xá Vệ, bà liền mời các phu nhơn các vị đại thần, tập hợp nhau, lên đường đi tìm vua. Khi họ đến chùa Kỳ Viên, đức Phật đang giảng pháp cho Vua và các quan nghe, nhưng với sức thần thông của đức Phật, Hoàng hậu và các vị phu nhơn chẳng trông thấy vua và các quan đang ngồi đó. Hoàng hậu quì tâu với đức Phật ý định đi tìm chồng. Đức Phật bảo hãy chờ một chút, sau thời kinh, sẽ gặp. Khi Phật chấm dứt bài giảng, các vị phu nhơn nhìn lên, trông thấy các ông chồng của họ đang trong lớp áo tỳ kheo, họ liền quì xin đức Phật cho họ được gia nhập hàng ngũ tu hành. Đức Phật chấp thuận cho họ được vào nữ tu viện của các Tỳ kheo ni ở Xá Vệ.

Trong thời gian cư trú tại chùa Kỳ Viên, tỳ kheo Kha Phi Na ngày đêm thường thốt lên lời nói nầy: "Ôi! Hạnh phước biết bao!" Chư Tăng nghe thấy như thế, mới đến thưa trình cùng đức Phật. Phật bảo: "Tỳ kheo Kha Phi Na đang thấm nhuần trong Chánh pháp, cảm thấy một nguồn sung sướng vô biên nơi tâm khảm, cho nên mới thốt lên lời tán thán cõi an lạc Niết bàn tịch diệt".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Người thấm nhuần Chánh pháp,
    Sống trong niềm hoan lạc,
    Tâm thanh tịnh an nhiên.
    Người hiền trí lòng luôn thỏa thích
    Trong Chánh pháp do bực Thánh truyền.
    (Kệ số 079)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Kha Phi Na: Tên thật của vị Vua nầy, tiếng Pali là Mahākappina.

- Cúc Khư: Tên nước nầy, tiếng Pali là Kukkutavatī.

- An Nỡ Gia: Tên thật của Hoàng hậu, tiếng Pali là Anojā.

- Càn Đà: Tên con sông nầy, tiếng Pali là Candabhaga.

- Thượng uyển: Vườn hoa của Vua.

- Thương gia: Người sống về nghề buôn bán.

- Độ: Cứu độ = giúp đỡ. Tiếng Hán Việt: Độ có nghĩa là đưa qua sông; ở đây, chữ độ có nghĩa là giúp đỡ, chỉ dạy giáo pháp cho người khác, để họ tu hành, vượt qua được các sự mê lầm, thoát khổ.

- Chánh quả: Chánh = chơn chánh, đứng đắn; Quả = kết quả, quả vị. Chánh quả là đạt được kết quả chánh đáng, tốt, của sự tu hành.

- Đảnh lễ: Cúi đầu làm lễ tỏ lòng tôn kính.

- Sơ quả: Sơ = sơ đẳng, bước đầu, thứ nhứt; Quả = quả vị. Sơ quả là quả vị đầu tiên, thấp nhứt trong bốn quả vị của hàng Thanh văn.

Bốn quả vị nầy chia ra: Bực Hiền có Tu đà hườn, Tư đà hàm, A na hàm; bực Thánh là A la hán. Đến quả A la hán, chứng được cảnh Vô sanh của cõi Niết bàn. (Vô sanh = chẳng còn bị tái sanh trong cảnh Luân hồi nữa).

- Thọ giới Tỳ kheo: Làm lễ xin theo đúng 250 điều răn cấm của vị Tỳ kheo. Còn gọi là thọ Cụ túc giới. Về phía Tỳ kheo ni, có 348 giới.

- Thiện Lai! Tỳ kheo!: Dịch tiếng Pali là "Ehi Bhikkhū!"; Thiện = lành; Lai = đến. Đây là lời đức Phật nói khi hoan nghinh người mới gia nhập Tăng đoàn.

- Sức thần thông: Quyền năng đặc biệt có hiệu lực khác thường; như có thể bay bổng, đi trên mặt nước, v.v...

- Thấm nhuần: Thấm = thấm vào; Nhuần = nhuần nhã. Thấm nhuần Chánh pháp là hiểu rõ rành rẽ lời dạy của đức Phật ghi trong Kinh kệ.

- Tâm khảm: Sâu trong lòng.

- Bực Thánh truyền: Do bực Thánh chỉ dạy, trao truyền lại.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang ý nghĩa quan trọng sau đây: hạnh xả ly, lìa bỏ chốn giàu sang để chọn con đường tu hành giác ngộ và giải thoát.

Noi theo gương của Thái tử Tất Đạt Ta, vua Kha Phi Na, Hoàng hậu A Nở Gia, các quan đại thần cùng các vị phu nhơn đã từ khước sự sung sướng vật chất của cuộc đời quyền quí, xuất gia tu hành, nhằm vào mục tiêu chứng đắc Niết bàn an lạc và tịch diệt vì đó mới là hạnh phước chơn thật và bền vững.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 079:

Bài Kệ nói lên sự sung sướng về tinh thần của người thấm nhuần Chánh pháp: tâm thanh tịnh, an nhiên, lòng luôn hoan lạc. Người như thế được gọi là người hiền trí, biết thỏa thích trong sự thông hiểu Chánh pháp và ứng dụng Chánh pháp vào cuộc đời tu hành của mình.
HỌC TẬP:
Học thuộc lòng bài Kệ, nên thường đọc lên, mỗi khi cảm thấy thiếu hăng hái trong việc tụng kinh, niệm Phật hằng ngày.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

64. TÍCH CHUYỆN SA DI PHAN DI TA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến vị Sa di tên là Phan Di Ta.

Thuở ấy ở nước Xá Vệ có một cậu bé bảy tuổi, tên là Phan Di Ta, con của một người rất giàu có, được thâu nhận làm Sa di và theo học với Tôn giả Xá Lợi Phất. Một buổi sáng, cậu Phan mang bình bát, theo chơn Thầy đi khất thực. Dọc đường, cậu thấy các nông phu đang đào mương dẫn nước vào tưới ruộng. Cậu liền bạch với Tôn giả: "Bạch Thầy, nước kia chẳng có ý thức, có thể nào ta khiến cho nước phải chảy đúng theo chiều hướng mình muốn không?" Tôn giả đáp: "Ừ, được chớ!" Cả hai lại tiếp tục lên đường. Một lát, cậu bé nhìn vào khu xóm, thấy các thợ làm cung tên, đang hơ lửa khúc tre để uốn thẳng làm các mũi tên. Đi được một đỗi đường nữa, Phan Di Ta nhìn thấy một người thợ mộc bào, đẽo một tấm ván để làm bánh xe. Phan Di Ta mới ngẫm nghĩ trong lòng: "Nếu nước kia là vật vô tri mà có thể chảy xuôi theo chiều hướng mình muốn, nếu cành tre vô tri cong kia có thể uốn lại cho thẳng, nếu tấm ván vô tri có thể đem đẽo thành bánh xe, tại sao ta đây có tâm tri giác, lại chẳng thể điều phục được tâm mình mà thực hành Thiền Minh Sát?"

Nghĩ đến đấy, Phan Di Ta liền xin phép Thầy cho quay về tịnh xá, rồi vào phòng riêng, ngồi xuống trong tư thế tọa thiền. Phan tập trung tư tưởng, quán chiếu thân bất tịnh, lòng rất nhiệt thành, chẳng hề xao lãng. Bấy giờ, vua Trời Đế Thích và chư Thiên thấy nỗ lực phi thường của Phan, nên đến giữ gìn chung quanh tịnh xá thật yên tịnh. Trước giờ ngọ trai, Sa di Phan Di Ta chứng đắc được đạo quả thứ ba là A na hàm.

Lúc ấy, Tôn giả Xá Lợi Phất vừa đi khất thực về đến tịnh xá, định đem cơm vào cho Phan Di Ta. Tại chùa Kỳ Viên, đức Phật dùng thiên nhãn thấy Sa di Phan Di Ta sắp chứng được quả vị thứ tư là A la hán, ngài liền đi đến tịnh xá, hỏi chuyện Tôn giả, mục đích là ngăn Tôn giả, đừng vào phòng ngay, để cho Phan Di Ta tiếp tục hành thiền. Trong khi Tôn giả Xá Lợi Phất đang bận hầu chuyện với đức Phật, Sa di Phan Di Ta chứng đắc được ngôi vị A la hán, chỉ có tám ngày sau khi được thâu nhận vào tu trong chùa.

Thuật lại chuyện Sa di Phan Di Ta đắc quả vị, đức Phật bảo chư Tỳ kheo rằng: "Khi một tu sĩ nhiệt tâm hành thiền đúng theo Chánh pháp, thì ngay cả vua Trời Đế Thích cũng đến ủng hộ".

Rồi đức Phật nói lên bài kệ sau đây:
  • Người làm ruộng đào mương dẫn nước,
    Kẻ làm tên chuốt vót mũi tên,
    Bác thợ mộc uốn ngay tấm ván,
    Bực hiền trí điều phục tâm mình.
    (Kệ số 080)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:

- Phan Di Ta: Tên thật của vị Sa di nầy tiếng Pali là Pandita

- Sa di: Người trẻ tuổi vào chùa tập sự tu hành, chưa thọ giới Tỳ kheo. Tiếng Pali là Sāmanera.

- Đào mương: Đào đất thành một rảnh nhỏ cho nước chảy vào.

- Có ý thức: Ý = ý tưởng; Thức = biết. Có ý thức là đang làm gì, nói gì, nghĩ gì, trong lòng biết rõ việc mình làm, nói hay nghĩ. Trái lại với có ý thức là sự vô ý, chẳng để ý đến. Ở đây, nói nước chẳng có ý thức là muốn nói nước là vật vô tri, chẳng biết gì. Trong Phật học, các sự vật vô tri được gọi là vật vô tình, chẳng có tình cảm; trái với vật hữu tình, có tình cảm, biết đau đớn, biết nghĩ suy như con người hay loài thú.

- Thiền Minh Sát: Thiền = phép tu về Trí huệ, giữ tâm trong sự yên tịnh; thường dịch là tĩnh lự (tĩnh = yên-tịnh; lự = suy nghĩ); Minh = sáng; Sát = quan sát, xem xét kỹ, nhìn vào trong tâm mình. Phép Thiền Minh Sát, tiếng Pali là Vipassana, theo dõi từng biến chuyển một của tâm.

- Điều phục: Điều = điều khiển; Phục = chế phục. Điều phục tâm là nắm quyền chủ động, chẳng để tâm chạy buông lung theo cảnh bên ngoài, cũng chẳng cho các vọng tưởng nổi lên trì kéo tâm bên trong.

- Tập trung tư tưởng: Giữ cho tư tưởng chú-ý vào một đề tài duy nhứt, chẳng được nghĩ ngợi lang bang nữa.

- Quán chiếu thân bất tịnh: Quán chiếu = suy nghĩ sâu xa trong cơn Thiền; Thân bất tịnh: Thân = thân thể; Bất tịnh = chẳng sạch. Quán thân bất tịnh là đề tài thứ nhứt của Pháp Tứ Niệm Xứ, theo đó người thiền giả nhìn xem bên trong thân có ba mươi hai chỗ dơ dáy, do đó sanh ra nhàm chán thân thể, chẳng tríu mến nữa.

(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại sự thành công tốt đẹp của một vị Sa di trẻ tuổi, tinh tấn hành Thiền Minh Sát, chứng đắc được quả vị A la hán.

Nhờ đâu Sa di Phan Di Ta thành công? Trước nhờ sự quan sát sự việc bên ngoài: đào mương dẫn nước, uốn thẳng cành tre, đẽo ván thành bánh xe, rồi hướng vào bên trong tâm mình, tìm cách điều phục tâm. Sau nhờ nỗ lực hành Thiền, chẳng để tâm xao lãng, mới chứng được quả vị. Tại sao nhiều người tu Thiền mà chẳng có kết quả? Sự thất bại phần lớn do tâm xao lãng, chẳng chuyên chú vào đề tài quán chiếu. Tại sao tâm hay xao lãng? Vì ngày thường thiếu sự giữ gìn giới luật cho nghiêm. Khi giữ giới thật thanh tịnh, định lực sẽ sanh ra, nhờ đó mà phát triển được trí huệ: Giới đưa đến Định, Định đưa đến Huệ, đúng như theo ba môn học vô lậu (vô lậu = chẳng còn bị lậu hoặc hay phiền não khuấy rối) là Giới, Định và Huệ.

(2) Ý nghĩa bài Kệ số 080:

Bài Kệ nhắc lại đoạn đường Sa di Phan Di Ta trải qua thật ngắn để chứng đắc quả vị A la hán: quán sát sự vật bên ngoài, quán chiếu Tâm bên trong, nỗ- lực hành Thiền, chẳng hề xao lãng.

Chẳng phải ai ai cũng đắc được quả vị như Phan Di Ta, nhưng tấm gương của Phan Di Ta nhắc nhở ta trong việc ngồi Thiền hằng ngày, để phát triển Trí huệ.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ rằng, các vật vô tri còn uốn-nắn được, huống chi Tâm tri giác, sao chẳng điều phục được.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

65. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO PHÁT DI GIA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến vị Trưởng lão Phát Di Gia.

Thuở ấy, có Trưởng lão Phát Di Gia tu hành rất tinh tấn, chứng được quả vị A la hán. Trưởng lão người thấp lùn, thường bị các tỳ kheo trẻ tuổi gán cho biệt hiệu là Lakundaka, có nghĩa là người lùn tịt. Tâm tánh Trưởng lão rất hiền hoà; mỗi khi bị trêu chọc, Trưởng lão chẳng hề tức giận, ngay cả khi các người trẻ tuổi theo véo tai, bóp mũi hay vò đầu. Trưởng lão chẳng hề cau có, mà vẫn giữ vẻ mặt bình thản, khi có kẻ trêu chọc hay có lời thiếu lễ độ với mình.

Khi đức Phật nghe nói đến sự nhẫn nhục, hiền hoà của Trưởng lão Phát Di Gia, Ngài bảo rằng chư Tăng rằng: "Đối với một bực A la hán, chẳng bao giờ mất sự bình tĩnh trong lòng, chẳng hề có ý định nói nặng lời, chẳng hề có ác ý với ai cả. Vị ấy cũng như tảng đá kiên cố, đâu bị bão tố lay động được. Vị ấy lúc nào cũng điềm nhiên khi bị mắng mỏ, bị trêu chọc, cũng như khi được khen tặng".

Rồi đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
  • Như tảng đá thật kiên cố,
    Chẳng lay động trước bão tố,
    Người hiền trí vẫn điềm nhiên
    Khi được khen, hay bị mắng mỏ.
    (Kệ số 081)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Phát Di Gia: Tên thật của Trưởng lão, tiếng Pali là Bhaddiya.

- Lakundaka: Tiếng Pali, đọc là La cun đa ca, có nghĩa là lùn tịt.

- Biệt hiệu: Biệt = riêng biệt; Hiệu = tên. Biệt hiệu là tên riêng do người khác gán cho mình, hay mình tự đặt lấy.

- Bình thản: Thản nhiên, dửng dưng chẳng giận, tâm yên.

- Nhẫn nhục: Nhịn nhục, chẳng oán giận, chịu nhịn.

- Ác ý: Trong bụng nghĩ việc ác xảy ra cho kẻ khác.

- Kiên cố: Thật vững chắc.

- Bão tố: Cơn gió mạnh làm đổ gãy cây cối, sập nhà cửa.

- Điềm nhiên: Bình tĩnh, tâm chẳng xao động, vẻ mặt yên ổn.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giãn dị, thuật lại tánh tình hiền hoà của một vị tỳ kheo tu hành đắc quả vị A la hán. Mặc dầu bị trêu-chọc về thân thể thấp ùn của mình, vị tỳ kheo chẳng hề nóng giận, có ác ý hay có lời lẽ nặng nề đối với ai. Đức Phật khen ngợi đức tánh trầm tỉnh nầy và so sánh Tâm của Trưởng lão với tảng đá kiên cố trước cơn bão tố.

(2) Ý Nghĩa của Bài Kệ số 081:

Hai câu đầu của bài Kệ so sánh tâm của bực hiền trí luôn luôn điềm nhiên chẳng bị xao động, với một tảng đá thật kiên cố, dầu bão to gió lớn cũng chẳng làm lung lay được.

Hai câu chót nói đến tâm điềm nhiên, bình thản của bực hiền trí, khi được khen ngợi, cũng như khi bị mắng mỏ. Được khen, thì khó giữ được sự vui mừng, làm cho tâm xao động. Bị chê càng khó giữ được sự điềm nhiên, vì tự ái bị xúc phạm, dễ nổi nóng, hay buông lời nói nặng.

Ý nghĩa quan trọng của bài Kệ là khuyên ta phải giữ tâm bình thản.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để cố gắng tập sao cho tâm mình được quân bình, chẳng quá vui khi được khen, chẳng quá giận khi bị chê.

(2) Thử tập giữ tâm bình thản trước tám hoàn cảnh nầy: khi được khen, khi bị chê, khi bị nói xấu, khi được nịnh bợ, khi gặp vui, khi gặp khổ, khi có lợi, khi bị thiệt hại. Tám hoàn cảnh đó, trong Kinh sách gọi là tám ngọn gió, thổi mạnh đến khiến cho lòng người bị chao động.

(3) Đề nghị: khi được khen nồng nhiệt, chỉ nên cúi đầu cảm ơn người khen, và trong bụng đừng tỏ ra quá thích chí mà sanh kiêu căng.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

66. TÍCH CHUYỆN TÍN NỮ KHA NHÃ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến một người tín nữ tên là Kha Nhã.

Cô Kha Nhã là con gái của một vị nữ cư sĩ rất mộ đạo Phật, được mẹ gả chồng sang làng bên. Thỉnh thoảng, cô Kha Nhã trở về quê thăm mẹ, cùng với mẹ sửa soạn thực phẩm dưng cúng chư Tăng đi khất thực hằng ngày. Chồng cô Kha Nhã sai người đến nhà vợ, nhắn tin bảo cô Kha Nhã phải trở lại nhà chồng. Mẹ cô bảo cô ở nán lại một hôm để giúp bà làm mứt ngọt cúng dường các vị tỳ kheo. Hai mẹ con làm nhiều kẹo mứt ngon ngọt, định để dành một mớ cho Kha Nhã đem về cho chồng; nhưng sáng sớm hôm đó, hai mẹ con thấy có đông đảo tỳ kheo đến trước cửa nhà, nên đem ra hiến hết cả. Bà mẹ bảo cô Kha Nhã, thôi con hãy ở nán thêm một ngày nữa, đem về chút ít kẹo cho chồng con. Nhưng ngày hôm sau, nghe nói ở nhà bà Kha có nhiều bánh mứt ngon ngọt, số tỳ kheo đến khất thực lại gia tăng lên, khiến cho bao nhiêu kẹo mứt đều được đem ra hiến tặng cả. Bà mẹ lại lưu cô Kha Nhã ở thêm một ngày nữa. Bấy giờ, người chồng sai người đến thúc dục cô Kha Nhã phải trở về nhà chồng ngay. Đó là một bức tối hậu thơ, nếu mai chẳng về, thì chồng cô sẽ cưới vợ khác. Bà mẹ tưởng đó là lời dọa suông của một người chồng nhớ vợ quá, nên mới giữ con gái lại thêm một ngày nữa, làm bánh mứt dâng cúng chư Tăng. Nào dè, người chồng cô Kha Nhã làm thiệt, cưới một người vợ mới. Khi cô Kha Nhã hay tin đó, mới buồn rầu, ở lại luôn nhà mẹ, trong lòng lại sanh ra oán ghét chư Tăng, nói lời vô lễ, cho rằng vì chư Tăng đến khất thực, mà cô bị chồng bỏ. Tiếng đồn vang xa, chư Tăng chẳng đến nhà mẹ cô Kha Nhã khất thực nữa.

Đức Phật hay biết câu chuyện đó, mới cùng một số tỳ kheo đi đến trước cửa nhà mẹ của cô Kha Nhã. Bà cụ cung thỉnh đức Phật vào nhà, dâng cúng thực phẩm. Sau khi thọ thực xong, đức Phật cho mời cô Kha Nhã ra và hỏi: "Này tín nữ, chẳng hay khi đến đây khất thực, các tỳ kheo chỉ nhận những gì hiến tặng cho họ, hay họ đã lấy những gì chẳng được hiến tặng cho họ?" Cô Kha Nhã bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn! Chư Tăng chẳng có ai nhận quá phần dưng cúng cho mình cả. Trước đây, vì bị chồng con bỏ con, con đau buồn có lời thất lễ với chư Tăng, nay con thành tâm thú-tội, kính mong Thế Tôn tha lỗi cho con". Đức Phật vui vẻ chấp nhận lời sám hối của cô Kha Nhã, và giảng một bài pháp về hạnh bố thí. Cô Kha Nhã nghe xong, liền chứng được quả vị Tu đà hườn.

Trên đường trở về tịnh xá Kỳ Viên, đức Phật gặp vua Ba Tư Nặc, xứ Câu Tát La. Nghe đức Phật thuật lại thái độ thiếu lễ độ trước đây của cô Kha Nhã đối với chư Tăng, nhà vua hỏi Phật có giảng giải Chánh pháp cho cô ta nghe chăng. Đức Phật đáp: "Như Lai đã giảng pháp cho Kha Nhã nghe và khiến cho cô ta sẽ được giàu sang vào kiếp tới". Vua Ba Tư Nặc lại nói: "Bạch Thế Tôn, con có cách làm cho Kha Nhã được giàu có ngay trong hiện đời". Rồi đó nhà vua sai sứ giả mời cô Kha Nhã đến hoàng cung, nhận làm con nuôi. Giữa triều đình, nhà vua nói: Này chư Khanh, có ai đủ khả năng làm cho con gái nuôi ta là Kha Nhã đây được đầy đủ tiện nghi, sung sướng, thì được phép đưa về nhà". Một vị đại thần liền đứng ra xin nhận. Cô Kha Nhã được cha nuôi ban cho nhiều tiền của và bảo cứ tùy nghi mà bố thí. Mỗi ngày, cô Kha Nhã mở hội bố thí ở bốn cửa thành, phát chẩn cho dân nghèo.

Khi nghe dân chúng nói đến tấm lòng bố thí rộng rãi của cô Kha Nhã, đức Phật bảo các tỳ kheo rằng: "Trước kia, tâm trí của Kha Nhã bị mê mờ và vẩn đục, sau khi nghe được Chánh pháp, đã trở nên trong sáng và an tịnh" .

Rồi đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:
  • Như hồ sâu đầy nước
    Phẳng lặng và trong suốt,
    Vừa nghe giảng Pháp xong,
    Tâm người trí thanh tịnh.
    (Kệ số 082)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Kha Nhã: Tên thật của người tín nữ nầy, tiếng Pali là Kāna.

- Tín nữ: Tín = tin tưởng; Nữ = phụ nữ. Tín nữ là người phụ nữ tin tưởng vào đạo Phật, thường dâng cúng lễ vật cho chư Tăng.

- Mộ đạo: Rất tôn sùng Đạo.

- Ở nán: Ở thêm một vài ngày nữa, khoan đi về.

- Thúc dục: Hối thúc.

- Bức tối hậu thơ: Bức thơ chót; tối hậu = sau cùng, chót hết. Hai nước chống đối nhau, một nước gởi tố hậu thơ cho nước kia, ra điều kiện, nếu chẳng theo thì sẽ có chiến tranh, đánh nhau ngay.

- Dọa suông: Hăm dọa bằng lời mà chẳng làm.

- Sám hối: Tỏ lòng hối tiếc vì lỡ làm quấy, nay xin ăn năn và hứa chẳng tái phạm nữa.

- Sứ giả: Người mang tin đến cho ai.

- Chư Khanh: Chư = nhiều, số đông; Khanh = các vị quan lớn, đây là tiếng vua gọi các quan (còn vua tự xưng là Trẫm).

- Phát chẩn: Phân phát tiền bạc, áo quần, thực phẩm cho người nghèo khổ.
B. NGHĨA CHỮ:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang các ý nghĩa sau đây:
  • a. Cô Kha Nhã, vì bị chồng bỏ, sanh ra oán ghét chư Tăng; đây là một lỗi lầm lớn của cô, thiếu suy nghĩ cho rằng vì bận lo cúng dường chư Tăng mà bị chồng bỏ. Đức Phật gọi sự thiếu suy nghĩ chín chắn nầy là sự mê mờ và vẩn đục của tâm trí (= bị dơ, có nhiều cặn).

    b. Bố thí ngày nay đem lại phước đức về sau sẽ được giàu sang, đúng theo Luật Nhơn quả: hễ làm điều lành thì được việc tốt. Đó là lời của đức Phật khi Ngài nói, khi giảng hạnh bố thí cho cô Kha Nhã nghe: "... khiến cho cô ta sẽ được giàu sang vào kiếp tới". Nhưng Vua Ba Tư Nặc lại còn có khả năng làm cho cô được giàu sang ngay trong đời nầy bằng cách nhận cô làm con nuôi. Như thế, vì bận cúng dường, chẳng kịp về nhà mà bị chồng bỏ, cô Kha Nhã lại được hưởng phước báu của hạnh bố thí ngay trong đời nầy: được làm công chúa!

    c. Ý nghĩa quan trọng của Tích chuyện là lời nói sau cùng của đức Phật: nhờ nghe giảng pháp về hạnh bố thí mà tâm trí của cô Kha Nhã hết mê mờ, vẩn đục (vì trước đã oán ghét chư Tăng), mà trở nên trong sáng và an tịnh (hăng hái thi hành hạnh bố thí, phát chẩn).
(2) Ý nghĩa của Bài Kệ số 082:

Bài Kệ ví tâm trạng của người hiền trí như mặt nước hồ trong suốt và phẳng lặng, nhờ nghe Phật pháp mà trở nên thanh tịnh.

Trong công việc tu hành để được giác ngộ và giải thoát, việc quan trọng là biết giữ gìn tâm ý sao cho được trong sáng. Muốn được như thế, phải năng nghe giảng Pháp, theo đó mà tu tập. Tu là tu tâm.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để thường đến chùa nghe giảng pháp. Đi chùa chẳng phải chỉ được phước về đời sau, mà ngay trong đời nầy, sau khi nghe giảng pháp, lòng mình được thanh thản, nhẹ nhàng, đó cũng là một phước báu lớn, rất thiết thực cho cuộc sống hằng ngày.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

67. TÍCH CHUYỆN VỀ MÙA AN CƯ Ở VỆ LAN GIÀ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến mùa an cư ở Vệ Lan Già.

Thuở ấy, có một người Bà la môn ở làng Vệ Lan Già thỉnh đức Phật và chư Tăng đến làng ông ta, để qua mùa an cư kiết hạ. Khi đức Phật và chư Tăng đến làng, thì vị Bà la môn chẳng thể cung ứng nhu cầu thực phẩm cho Tăng đoàn nổi, vì lúc ấy làng Vệ Lan Già đang bị nạn đói kém. Bấy giờ, đức Phật cùng các tỳ kheo hằng ngày phải dùng lúa mã mạch, do các người buôn ngựa cúng dường. Mặc dầu vậy, chư Tăng chẳng thấy buồn lòng, vẫn tinh tấn tu tập. Đến cuối mùa mưa, đức Phật từ giã vị Bà la môn, để cùng chư Tăng trở về tịnh xá Kỳ Viên. Nơi đây dân chúng rất vui mừng tiếp đón đức Phật và dâng cúng thực phẩm thượng hảo hạng.

Có một nhóm người nghèo khó ở làng Vệ Lan Già, đến sống nhờ bên chư Tăng trong thời gian bị nạn đói, đến khi chư Tăng về chùa Kỳ Viên, họ cũng đi theo. Nơi đây, họ được ăn uống đầy đủ, nên cả ngày, ăn no xong, họ lại lăn ra ngủ, tỉnh dậy ca hát, nhảy múa tưng bừng. Vào một buổi chiều, đức Phật đến viếng chư Tăng, các tỳ kheo trình Phật việc ồn ào do nhóm người ấy gây ra. Đức Phật bảo: "Các người ấy, trong thời gian ở Vệ Lan Già, đã tỏ ra đàng hoàng, cam chịu cực khổ với các tỳ kheo, nay họ được ăn uống sung sướng nên lộ vẻ vui mừng thái quá. Tuy nhiên, đối với tỳ kheo dầu nay được thỏa mãn mọi nhu cầu, cũng nên giữ thái độ bình thản như lúc còn sống khổ cực ở Vệ Lan Già vậy. Người hiền trí, khác với kẻ còn ngu mê, dầu trong hoàn cảnh nào, cũng giữ tâm thản nhiên, chẳng buồn thái quá, cũng chẳng vui ồn ào".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Người hiền dứt hết điều tham luyến;
    Ái dục, thánh nhơn chẳng luận bàn.
    Điềm nhìên, người trí tâm an,
    Chẳng vui bồng bột, chẳng than khi sầu.
    (Kệ số 083)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Vệ Lan Già: Tên thật làng nầy, tiếng Pali là Veranjā.

- Cung ứng: Cung cấp đầy đủ.

- Nhu cầu thực phẩm: Nhu cầu = sự cần dùng; Thực phẩm = đồ ăn.

- Lúa mã/mạch: Một loại lúa dùng để cho ngựa ăn (mã = ngựa).

- Thượng hảo hạng: Thượng = cao, trên; Hảo = tốt; Hạng = thứ. Thượng hảo hạng là tốt vào bực nhứt.

- Thái quá: Quá mức.

- Bình thản, Điềm nhiên, Thản nhiên: Trong lòng an ổn, chẳng quá vui mà cũng chẳng quá buồn, trầm tĩnh, an nhiên.

- Tham luyến: Ham mê quá độ, chẳng dứt bỏ ra được.

- Ái dục: Ái = thương; Dục = muốn. Ái dục là tình cảm xấu, chẳng giống với tình thương thông thường, vì ái dục khiến ta tham đắm, mê say, chẳng dứt bỏ được. Chính ái dục (tiếng Pali là tanha) đẩy con người trôi lăn mãi trong cảnh khổ sanh tử của Luân hồi. Đó là nguyên nhơn gây ra đau khổ, Chơn lý thứ hai, Tập đế, trong Tứ Diệu đế được Đức Phật chỉ dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân.

- Thánh nhơn: Thánh = bực đã giác ngộ và giải thoát, chẳng còn tái sanh trong vòng Luân hồi nữa. Trái nghĩa với chữ phàm phu.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Xin Lưu ý: Trong quyển Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn, nơi chữ Mã mạch, có thuật lại chuyện đức Phật phải ăn lúa ngựa trong mùa an cư kiết hạ, cũng giống như Tích chuyện được nói ở đây. Theo quyển Từ điển, vua A Kỳ Đạt thỉnh Phật vào thành trong ba tháng hè, nhưng vì mãi mê theo các thú vui, nhà vua lại quên mất việc cúng dường Tăng đoàn, khiến cho đức Phật và các tỳ kheo phải chịu cực khổ.

Trong Tích chuyện ở đây, chỉ vì dân làng Vệ Lan Già bi nạn đói kém mà vị Bà la môn đã chẳng cung ứng nổi thực phẩm cho Tăng đoàn trong mùa an cư. Ý nghĩa của Tích chuyện muốn nói lên là sự vui lòng cam chịu khổ sở và tinh tấn tu hành của chư vị Tỳ kheo trong mùa an cư.

Còn một ý nghĩa quan trọng nữa là lời dạy của đức Phật: "Phải giữ tâm luôn luôn an tịnh, bình thản, trước mọi hoàn cảnh; khi gặp thuận duyên, chớ quá vui mừng; khi gặp nghịch cảnh, chớ quá ưu sầu". Thực hành đúng lời Phật dạy, người tu hành biết gìn giữ tâm ý, chẳng để ngoại cảnh chi phối lòng mình; nhờ đó mà dễ có được định tâm khi hành Thiền, để phát triển Trí huệ.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 083:

Bài Kệ dạy ta hai điều:

- Dứt bỏ sự tham luyến, ái dục. Tại sao phải dứt bỏ? Vì chính sự tham ái, hay ái dục là nguyên nhơn gây khổ đau cho cuộc đời.

- Giữ tâm điềm nhiên: Giữ như thế nào? Khi vui, chẳng bồng bột; khi buồn, chẳng quá ưu sầu. Giữ cách nào? Tập kềm chế lòng mình, bỏ tánh vọng động, tập tánh ít nói.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ để giữ gìn tâm ý thanh tịnh.

(2) Thử đề nghị vài thái độ khi gặp việc buồn:

- Việc buồn đã xãy ra cho mình rồi, bây giờ có buồn thêm nữa cũng chẳng làm cho việc ấy chẳng xãy ra được. Tưởng nên ngồi yên lại, xét xem có thể làm điều gì để sửa đổi được hoàn cảnh chăng; nếu không, thì nên vui lòng chấp nhận, xem đó như là hậu quả chẳng may do nghiệp cũ của mình trước đây gây ra, vậy thôi.

- Muốn mau quên nỗi buồn, cần kiếm việc khác làm cho khuây lãng; đừng nhắc đi nhắc lại trong lòng việc chẳng may đã xãy ra. Nên nhắc nhở trong lòng hai câu chót của bài Kệ số 083:
  • Điềm nhiên, người trí tâm an,
    Chẳng vui bồng bột, chẳng than khi sầu!
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

68. TÍCH CHUYỆN TRƯỞNG LÃO ĐÀM MI KHA
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến Trưởng lão Đàm Mi Kha.

Thuở ấy, vợ chồng ông Đàm Mi Kha sống tại nước Xá Vệ. Một hôm, ông bảo vợ rằng ông muốn xuất gia đi tu. Vợ ông đang có thai, xin ông hãy chờ cho bà sanh con xong rồi hãy đi. Sau khi vợ sanh xong, ông Đàm nhắc lại ý định muốn trở thành một vị tỳ kheo. Người vợ lại năn nỉ, con hãy còn quá nhỏ, xin ráng đợi thêm một thời gian chờ cho con biết đi rồi hãy vào chùa. Bấy giờ, ông Đàm nghĩ rằng: "Ta đâu cần được vợ cho phép rồi mới đi tu. Ta hãy cứ tự lo lấy việc giải thoát cho chính mình". Rồi với quyết tâm vững chắc rời bỏ cuộc sống thế tục, ông Đàm xin gia nhập Tăng đoàn. Sau đó, tỳ kheo Đàm Mi Kha đến xin đức Phật chỉ dạy cho một đề tài thiền quán, rồi với nhiệt tâm, ông Đàm hành thiền ngày đêm, chẳng bao lâu, chứng được quả vị A la hán.

Mười mấy năm sau, Trưởng lão Đàm Mi Kha trở lại nhà cũ với mục đích là chỉ dạy Chánh pháp cho vợ con. Người con nghe hiểu được, mới cùng cha vào chùa xin làm tỳ kheo. Chẳng bao lâu, người con tinh tấn tu hành, cũng chứng được quả A la hán. Người vợ ở nhà một mình, thường nghĩ: "Chồng ta, con ta nay đã đi tu hết rồi, ta còn ở lại nhà làm chi, sao ta chẳng đi tu luôn?" Nghĩ xong, bà đến nữ tu viện, xin xuất gia làm tỳ kheo ni. Rồi theo với thời gian, bà cũng chứng đắc quả A la hán.

Trong một kỳ hội họp chư Tăng, có vị tỳ kheo trình đức Phật việc Trưởng lão Đàm Mi Kha cùng vợ con đồng đi tu, chứng được quả vị, đức Phật mới nói rằng: "Nầy các tỳ kheo! Một người hiền trí chẳng vì sự giàu sang, danh vọng cho mình hay cho kẻ khác mà làm quấy. Người hiền trí biết chọn con đường giác ngộ và giải thoát cho chính mình, để ra khỏi cảnh sanh tử của Luân hồi, bằng cách tu tập chuyên cần theo Chánh pháp".

Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:
  • Chẳng vì mình, chẳng vì người khác
    Mà có những hành động lầm lạc.
    Chẳng cầu được con cái, giàu sang,
    Chẳng vì thích ngai vàng trong nước,
    Mà có những hành vi bạo ngược.
    Chẳng mong tìm thành công cho được
    Mà phải dùng phương tiện chẳng ngay.
    Đó mới thật là người hiền trí,
    Giới đức cao, sống theo Chánh pháp.
    (Kệ số 084)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Đàm Mi Kha: Tên thật của vị Trưởng lão tiếng Pali là Dhammika.

- Thế tục: Đời sống trong xã hội, có gia đình con cái.

- Đề tài thiền quán: Một đầu đề dùng để suy nghĩ trong khi ngồi Thiền; thí dụ như quán tấm thân bất tịnh, suy nghĩ về các chỗ dơ bẩn trong thân mà sanh ra nhàm chán thân, chẳng chạy theo các thú vui vật chất nữa.

- Hiền trí: Bực hiền lành và có trí huệ, thông hiểu Chánh pháp.

- Hành vi bạo ngược: Việc làm tàn ác, đánh giết người để giành lấy chỗ giàu sang, quyền thế.

- Phương tiện chẳng ngay: Những cách bất chánh để đoạt điều mình muốn, như gian tham, lừa đảo, giết hại, v.v...

- Giới đức cao: Tánh tình, hạnh kiểm tốt, biết theo giới luật.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản dị, kể lại việc một người quyết tâm lìa bỏ đời sống ràng buộc của thế tục, đi tu chứng quả A la hán; sau đó trở về chỉ dạy Chánh pháp cho vợ con, khiến cho cả gia đình đều được giải thoát.

Trong Tích chuyện, có câu: "Ta đâu cần được vợ cho phép rồi mới đi tu", có thể gây sự hiểu lầm trong những người còn sống đời sống thế tục. Thông thường có người vì làm ăn thất bại, chán đời, bỏ gia đình đi tu tìm nguồn an ủi. Đó chẳng phải là trường hợp của Trưởng Đàm Mi Kha; vị nầy dứt khoát cắt bỏ mọi sự luyến ái về gia đình, đi tu tìm sự giải thoát cho đời mình, sau đó trở về chỉ dạy lại cho vợ con. Còn những người trốn nợ đời đi tu thì khác, bỏ phế gia đình cho vợ con. Ta nên thu xếp việc nhà cho xong, trước khi vào chùa học Đạo. Theo giới luật của Phật, con cái muốn đi tu, phải được sự ưng thuận của mẹ cha; chẳng thấy có điều luật nào trong giáo lý buộc chồng hay vợ phải được sự ưng thuận trước của người hôn phối (= vợ hay chồng), rồi mới đi tu.

(2) Ý nghĩa của bài Kệ số 084:

Bài Kệ hơi dài, xin phân tách ra hai phần:
  • a. Bảy câu đầu nói về những việc sai lầm mà người hiền trí biết tránh được.

    b. Hai câu chót nói về đức tánh của bực hiền trí.

    - Chẳng vì mình hay vì kẻ khác mà làm quấy: đây muốn nói đến các sự tranh giành trong cuộc sống, để lấy lợi cho mình và gia đình mình

    - Chẳng thích được con khôn, giàu sang, quyền thế: đây muốn nói đến hạnh khước từ: lià bỏ hạnh phúc gia đình, lìa bỏ danh lợi.

    - Chẳng mong thành công bằng phương tiện bất chánh: đây muốn nói về Chánh mạng, mưu sanh bằng phương tiện chơn chánh.

    - Đức tánh quan trọng nhứt của bực hiền trí: giữ giới thật nghiêm.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng bài Kệ; ghi nhớ các điều cần tránh để giữ giới.

(2) Mỗi khi sắp đến chùa, nên thu xếp việc nhà cho xong trước đó vài hôm, để khỏi bận tâm. Đừng hẹn để làm xong việc nầy, việc kia, rồi mới đi chùa. Công việc nhà bề bộn, bao giờ làm cho xong hết được!
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

69. TÍCH CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI NGHE GIẢNG PHÁP
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, trong một kỳ giảng pháp có đề cập đến nhóm người thức khuya nghe giảng pháp.

Thuở ấy, tại một làng trong nước Xá Vệ, có một nhóm dân chúng thỉnh chư Tăng đến cúng dường thực phẩm, xong họ thỉnh cầu chư Tăng tổ chức một buổi thuyết pháp về đêm. Đêm ấy, dân làng đến tham dự rất đông. Vào nửa đêm, một số người mỏi mệt, bỏ ra về. Một số khác ngồi nán lại, nhưng càng về khuya, họ ngủ gục tại chỗ, chẳng theo dõi được bài giảng. Chỉ một số rất ít người chăm chú nghe đến hết thời pháp.

Sáng sớm hôm ấy, khi chư Tăng đến đảnh lễ đức Phật, có vị tỳ kheo trình Phật quang cảnh dân chúng nghe pháp đêm qua, đức Phật nói: "Đa số thường dân còn bị ràng buộc vào cuộc sống ở thế gian, chỉ có một số rất ít người vượt đến bờ giác của cảnh giới Niết bàn".

Rồi đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:
  • Một ít người, trong đám đông nhơn loại,
    Vượt qua dòng đến bờ giác bên kia.
    Số còn lại đang quay quần đông đảo,
    Ngược xuôi tất tả ở cả bờ nầy.
    (Kệ số 085)

    Nhưng những người thực hành theo Chánh pháp,
    Đã được khéo tuyên giảng thật rõ ràng,
    Sẽ đến bên bờ giác ngộ Niết bàn,
    Thoát khỏi cõi tử sanh rất khó vượt.
    (Kệ số 086)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Thời pháp: Thời gian đang nói chuyện về giáo lý.

- Vượt đến bờ giác: Bờ giác = sự giác ngộ, tức là hiểu rõ lẽ sống chết ở đời, biết tu tập theo đường ngay nẻo phải. Trong kinh sách, thường ví những người chẳng biết Chánh pháp, chẳng chịu tu hành, là những người còn đứng ở bờ bên nầy, chưa giác ngộ, còn bị dòng sông mê lầm ngăn cách; còn những người thông hiểu Chánh pháp, biết thực hành theo là, người giác ngộ, vượt đến bờ giác ngộ bên kia. Trong kinh sách Hán Việt, gọi bờ bên nầy là thử ngạn (thử = nầy; ngạn = bờ), còn bờ bên kia là bỉ ngạn; vượt đến bờ giác là đáo bỉ ngạn (đáo = đến; bỉ = kia).

- Tất tả: Lăng xăng lo lắng, khổ sở.

- Tuyên giảng: Giảng thật rõ ràng, dễ hiểu cho mọi người nghe.

- Cõi tử sanh: Tử = chết; sanh = sanh ra đời. Cõi tử sanh là cõi sanh ra để rồi lại chết đi rồi tái sanh nữa, sống ở đời sướng ít khổ nhiều nầy.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa Tích chuyện:

Tích chuyện chỉ nhắc lại trong trường hợp nào đức Phật nói lên hai bài Kệ số 085 và 086.

(2) Ý nghĩa các bài Kệ số 085 và 086:

Hai bài kệ cùng nhận xét về hoàn cảnh của nhơn loại, còn đang chìm đắm trong sự mê lầm, nên bị trôi lăn mãi trong vòng tử sanh, sanh tử của Luân Hồi. Chỉ một số ít thông hiểu Chánh pháp mới vượt đến bờ giác, thoát khỏi vòng tử sanh lận đận.

Câu chót của bài Kệ thứ nhì nói, thoát khỏi cõi tử-sanh rất khó vượt. Tại sao rất khó vượt qua? Vì phải có đủ Phước và Huệ mới vượt qua được. Tu Phước, làm việc thiện để tiêu trừ các tội ác cũ đã lỡ làm; Tu Huệ để có Trí biết lìa bỏ các sự phiền não, ràng buộc của Luân hồi.
HỌC TẬP:
- Học thuộc lòng hai bài Kệ, và cố gắng tập sống đúng Chánh Pháp, theo đường lối Phước Huệ song tu, mới mong sớm đến bờ giác.
Hình ảnh


Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

70. TÍCH CHUYỆN CÁC TỲ KHEO SAU MÙA AN CƯ
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến các vị tỳ kheo sau mùa an cư đến đảnh lễ đức Phật.

Thuở ấy có năm trăm vị tỳ kheo sau mùa an cư kiết hạ ở nước Câu Tát La, đi đến tịnh xá Kỳ Viên, đảnh lễ đức Phật. Trong dịp nầy, đức Phật có nói lên ba bài Kệ sau đây:
  • Người hiền trí lìa nhà khát ái,
    Chọn mục tiêu là cõi Niết bàn.
    Bỏ ác pháp là đàng tăm tối,
    Theo nẻo lành thiện đạo sáng soi.
    (Kệ số 087)

    Tìm thỏa thích trong hạnh khước từ
    Rất khó cho phàm phu thọ hưởng;
    Dứt dục lạc, chẳng gì tríu mến,
    Bỏ nhiễm ô, thanh lọc thân tâm.
    (Kệ số 088)

    Người đã thấm nhuần Thất giác chi,
    Đã cắt đứt những gì tham ái,
    Là người đang thọ hưởng hạnh viễn ly.
    Bực người ấy nhiễm ô đà rửa sạch,
    Tâm trí sáng ngời đạo quả Vô sanh,
    Hiện đời đang chứng Hữu dư Niết bàn.
    (Kệ số 089)
TÌM HIỂU:

A. NGHĨA CHỮ:
- Nhà khát ái: Ý muốn nói đến sự thèm khát, ham muốn.

- Ác pháp: Việc làm ác, tội lỗi.

- Thiện đạo: Thiện = lành; đạo = đường.

- Hạnh khước từ: Hạnh = hành động; Khước từ = từ bỏ, chẳng luyến tiếc; thí dụ như đang giàu có, bỏ tài sản lại đi tu để giải thoát.

- Thọ hưởng: Thọ = nhận. Tại sao lại rất khó cho phàm phu biết thọ hưởng sự thỏa thích trong hạnh khước từ. Vì phàm phu thích thọ hưởng về vật chất, chẳng muốn khước từ sự sung sướng nhứt thời để tìm nguồn vui lâu dài là được giải thoát.

- Dục lạc: Dục = ham muốn; Lạc = vui. Chữ nầy chỉ vào các thú vui vật chất, thấp kém của cuộc đời, so với nguồn vui cao thượng được giải thoát vĩnh viễn khỏi cõi Luân hồi.

- Nhiễm ô: Nhiễm = lây, dính dơ; Ô = đen tối, dơ dáy, bẩn thỉu.

- Thanh lọc: Làm cho trong sạch, tinh khiết hơn.

- Thất giác chi: Thất = bảy; Giác = biết rõ; Chi = nhánh, cành. Thất giác chi (Pali: Bojjhangā) là bảy yếu tố của sự giác ngộ:

(1) Niệm (Sati).
(2) Trạch pháp (lựa chọn pháp tu, Pali: Dhamma-vicaya).
(3) Tinh tấn (Viriya).
(4) Hỷ (vui, Pali: Piti).
(5) Khinh an (nhẹ nhàng, thanh thản, Pali: Passadi).
(6) Định (samādhi).
(7) Xả (buông bỏ, Pali: Upekkha).

- Viễn ly: Viễn = xa; ly = lìa bỏ. Hạnh viễn ly là hạnh khước từ, lìa bỏ, chẳng quyến luyến, chẳng tham ái.

- Đạo quả Vô sanh: Đạo = con đường tu tập (Pali = Magga); Quả = kết quả chứng được (Pali = Phala); Vô-sanh = chẳng bị tái sanh nữa trong cõi Luân hồi; Chứng được đạo quả Vô sanh là chứng được Niết bàn.

- Hữu dư Niết bàn: Hữu = có; Dư = dư y, tức là tấm thân hiện có, còn chịu quả báo. Chứng Hữu dư Niết bàn là hiện còn sống nhưng đã diệt tận hết tất cả các phiền não và lậu hoặc. Khi lìa thân xác nầy, sẽ chứng Vô dư Niết bàn, chẳng còn tái sanh nữa, như ngọn đèn hết dầu.
B. NGHĨA Ý:
(1) Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyên chỉ kể lại trong trường hợp nào (sau mùa an cư), đức Phật đã nói lên ba bài Kệ số 087, 088 và 089 để chỉ dạy chư Tăng.

(2) Ý nghĩa của ba bài Kệ số 087, 088 và 089:

- Nơi bài Kệ số 087 Đức Phật dạy ta phải lìa nhà khát ái, tức là lìa bỏ các thú vui về thể xác, mà chọn mục tiêu là chứng đắc Niết bàn. Nói cách khác, ta đừng tríu mến sự sung sướng tạm bợ về vật chất, tránh các lỗi lầm của ác pháp, theo con đường thiện đạo làm lành, để sớm dứt sạch các phiền não, lậu hoặc, chứng được tâm thanh tịnh, sống an vui.

- Nơi bài Kệ số 088, đức Phật dạy ta về hạnh khước từ, nghĩa là từ bỏ danh lợi vật chất, chẳng quyến luyến vào của cải, gia đình, địa vị, v.v... để chuyên tâm tu hành. Đức Phật nói, phàm phu rất khó biết hưởng các lợi lạc của hạnh khước từ. Tại sao vậy? Vì phàm phu ham các thú vui vật chất, bảo bỏ đi mà tu hành, thì chẳng chịu. Có biết đâu rằng, càng chạy theo thú vui vật chất, càng bị thêm phiền não. Hễ mình bớt tham, bớt giận, bớt si mê, thì lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản, đó là nguồn vui cao cả, mà ít người biết hưởng.

- Nơi bài Kệ số 089, Đức Phật dạy về Thất giác chi, là bảy yếu tố của sự giác ngộ. Nhờ có chánh niệm (niệm), giữ gìn tâm ý mà sáng suốt biết chọn đúng con đường (trạch pháp) phù hợp với mình mà tu tập. Trong khi tu tập chuyên cần (tinh tấn), ta sẽ được nguồn vui thấy tâm mình trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng (hỷ và khinh an), nhờ đó mà sớm đắc được định tâm (định), dẫn đến Trí huệ sáng suốt. Dầu đã được định và huệ rồi, vẫn tiếp tục tu hành, chẳng sanh ra kiêu căng vì được đạo quả, đó là hạnh xả, còn gọi là hạnh viễn ly, giữ tâm bình thản, chẳng quá vui, cũng chẳng quá buồn. Đó là ngưỡng cửa của Niết bàn tại thế gian.
HỌC TẬP:
(1) Học thuộc lòng cả ba bài Kệ, đó là đường lối tu hành để chứng đắc Niết bàn, ngay trong hiện đời.

(2) Ba bài kệ nầy rất cao, đức Phật chỉ dạy cho các tỳ kheo; nhưng người Phật tử tại gia, dầu chẳng thi hành được hết, cũng có thể nhớ các điểm nầy:
  • a. Phải dẹp lòng khát ái, biết từ khước các thú vui vật chất nhỏ mọn.
    b. Áp dụng hai điều quan trọng của Thất giác chi: chọn đúng con đường tu (trạch pháp) và chuyên cần (tinh tấn)tu theo con đường ấy.
Hình ảnh


Đã khóa

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Bing [Bot]38 khách