Bàn về sự bám chấp

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hơi Thở
Bài viết: 5
Ngày: 30/08/14 21:44
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hà Nội

Bàn về sự bám chấp

Bài viết chưa xem gửi bởi Hơi Thở »

Có một bạn từng bình luận vào một post mà Chap từng đăng lên facebook của Hơi Thở rằng: “Thế nào là bám chấp?”. Bám chấp để thực sự hiểu và giúp mọi người nhận biết, phân biệt được nó thì quả là khá khó khăn. Để hiểu đơn giản thì bám chấp là những vướng mắc, bám víu, níu kéo của bản thân ta hay ai đó vào một vấn đề hay sự vật nào đó. Khó ở chỗ là bám chấp mang tính chất chủ quan và vi tế nên không dễ để chỉ cho người khác thấy sự bám chấp ở họ thay vì để chính họ nhận diện được. Thế nhưng đâu phải ai cũng sáng suốt phân biệt được sự bám chấp. Thậm chí, đa phần chúng ta đều chấp và đều không ý thức được mình đang bám chấp, nhất lại là những điều rất nhỏ bé.

Sự bám chấp thể hiện khi ta trụ suy nghĩ, hành động hay lời nói của mình vào một việc nào đó. Dường như sự bám chấp nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức của chúng ta. Những gì ta bắt gặp và tiếp thu trong đời sống hàng ngày đều lưu lại trong tâm trí, tiềm thức chúng ta và ta chấp vào nó một cách vô thức khi nảy sinh những suy nghĩ, cảm nhận, cảm tưởng về vấn đề đó. Từ đó, trong đầu ta lúc nào cũng xuất hiện hàng loạt vọng tưởng về những gì đã và đang xảy ra, từ các hình ảnh của quá khứ cho đến hiện tại. Ta cũng không ngừng mường tượng về tương lai, về những gì phi thực tế… Những vọng tưởng này đôi lúc làm ta mệt mỏi, muốn thôi không nghĩ đến nữa nhưng chẳng thể nào điều khiển được đầu óc mình. Tất cả, xuất phát từ sự bám chấp vô thức của chúng ta đó các bạn ạ!

Sự bám chấp vi tế như vậy nhưng vì chúng ta không biết đó là cái chấp của mình nên cứ lao theo nó và thậm chí là để nó điều khiển ta. Nhận biết được bám chấp có lẽ phải nhìn sang cái đối lập, đó là sự buông bỏ. Nếu điều gì ta buông bỏ được thì tức là ta không bị chấp nữa.

Khi bạn làm việc hăng say, tới nỗi mọi người bảo bạn nghỉ ngơi một chút thì bạn nhất quyết không chịu, thậm chí còn tức giận với họ thì đó là bạn đang bám chấp vào công việc của mình. Dù công việc có hấp dẫn bạn đến mấy, đến lúc cần làm việc khác thì bạn có thể dừng ngay công việc lại và không suy nghĩ về nó nữa thì đó là bạn đã biết buông bỏ, không bám chấp. Dạng chấp này xuất phát từ lòng tham của chúng ta. Ta cứ muốn điều ta chấp vào phải như thế này, như thế kia theo ý ta thì mới đủ để ta khỏi suy nghĩ về nó nữa. Nhưng lòng tham của con người thì biết bao giờ là đủ, vậy nên bám chấp mãi bao giờ mới biết buông?

Khi bạn thấy người khác nói nhịu một từ và bạn phá lên cười, đó cũng là do bạn chấp vào sai sót của người khác nên bạn mới cười họ. Nhưng nếu bạn chỉ mỉm cười một cái nhẹ nhàng, cảm thông cho sai sót đó thì dĩ nhiên đó không phải làm bám chấp. Chấp vào lỗi lầm của người khác là một dạng chấp rất phổ biến của chúng ta. Chính vì chấp vào nó nên tạo nên thành kiến của bạn vào người kia và rồi ta cứ giữ suy nghĩ chê trách, chế nhạo, không tin vào khả năng của họ và tạo nên một khoảng cách ngày càng xa giữa người với người.

Bất cứ điều gì có mặt trong cuộc sống này đều cũng có thể kèm theo sự bám chấp như đúng sai, tốt xấu, cao thấp, béo gầy, một ý nghĩ, một câu nói, một cái nhếch mép, một cái lườm… Chỉ khi nào ta nhìn vào vấn đề đang xảy ra với cái nhìn bình thản nhất, không có gì phân biệt với những thứ khác thì khi đó mới không có sự bám chấp.

Bấm chấp gây ra cho ta sự khó chịu, níu kéo ta vào vấn đề đó để ta luôn phải suy nghĩ về nó và từ đó phát sinh những cái vọng tưởng, suy diễn. Ở mức độ nhẹ thì bám chấp dừng lại ta ở những suy nghĩ về một vấn đề. Ở mức độ nặng, nó khiến ta có cảm giác rất khó chịu trong lòng vì bị níu kéo, xoay vần trong vấn đề đó. Người vợ chấp vào sự thiếu chung thủy của người chồng nên cảm thấy đau đớn khi không ngừng nghĩ đến hình ảnh anh ta cặp kè với tình nhân. Người mẹ chấp vào sự vụng về của người con nên không ngừng rầy la, thất vọng khiến tâm mình càng mệt mỏi và cũng tạo sự không thoải mái cho đối tượng bị chấp. Vị sếp có ấn tượng không tốt hay thấy tính cách nhân viên không hợp vớp mình nên luôn có thành kiến phân biệt với nhân viên khác, mỗi ngày thấy khó chịu khi nhìn thấy người đó. Như vậy, bám chấp có gì tốt?

Thực chất, mọi thứ bám chấp đều xuất phát vào cái bám chấp lớn nhất đó là chấp vào cái tôi, cái bản ngã của chính mình. Chính vì bạn chấp vào bản ngã của mình nên bạn nhìn mọi thứ với con mắt phân biệt. Bản ngã của bạn cho nó tốt thì nó là tốt, cho là xấu thì nó là xấu, chứ mọi vật luôn là chính nó và chỉ là chính nó mà thôi. Bản ngã luôn yêu cầu điều này điều kia để thỏa mãn lòng tham và các ham muốn. Chính vì vậy nên nó bám vào tất cả mọi thứ để tìm kiếm điều thỏa mãn cho nó. Khi bạn gạt bỏ được bản ngã của mình ra một bên, bạn không có phân biệt điều gì, nhìn mọi thứ bằng con mắt bình đẳng thì bạn sẽ thấy làm gì có sự tồn tại của bám chấp.

Để nhận diện và phân biệt được bám chấp cần bạn phải có một cái nhìn tỉnh táo về sự tự do trong tâm mình. Khi không còn bám chấp thì chẳng điều gì khiến ta phải suy nghĩ và vọng tưởng đến nữa. Đó là khi bạn biết buông bỏ hoàn toàn mọi thứ và để cho tâm mình được thanh thản, nhẹ nhàng. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ ngày càng nhận diện được những bám chấp của mình vào các vấn đề để tìm cách buông bỏ nó, mang đến sự bình an cho tâm hồn chúng ta và mọi người xung quanh.

Chap Zen

Theo: http://hoitho.vn/du-lich-tam-linh/trai- ... -bam-chap/


ployhelloly
Bài viết: 2
Ngày: 23/02/15 23:16
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: ployhelloly

Re: Bàn về sự bám chấp

Bài viết chưa xem gửi bởi ployhelloly »

It is all very well me. Read Ee has great knowledge. And can be used in everyday life.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.8 khách