Phương tiện và mục đích tu Phật

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Phương tiện và mục đích tu Phật

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

gldp.jpg
gldp.jpg (97.89 KiB) Đã xem 1304 lần
PHƯƠNG TIỆN VÀ MỤC ĐÍCH TU PHẬT
(Trích dẫn: "Những Điều Căn Bản Trong Giáo Lý Đạo Phật"
Phật Hội Pháp Hoa Việt Nam
Ban Hành Đạo Hội Thượng xuất bản năm 1974, trang 130-134)
Mỗi người tu quan niệm con đường tu mỗi lối theo ý riêng của họ, gọi là "Chân lý". Người ta không biết rằng chân lý không thể lấy ý mà bàn được, vì ý ta (ý thức) là do tướng đối đãi sinh ra, còn chân lý là tuyệt đối, không thể lấy trí thức phàm nhân mà bàn đến giác ngộ của Thánh, Phật một cách tuyệt đối đúng đắn.

Trong ví dụ rùa và cá, ta thấy rằng trí thức của cá do tướng đối đãi trong phạm vi nước mà có, cho nên không thể dùng cái trí thức ấy để hiểu những cảnh giới ngoài nước khi rùa kể chuyện về "trên cạn, trên đất liền, trong không khí cho cá nghe".

Con người cũng thế: Cái trí thức phàm phu phát sinh từ những ý niệm đối lập (tướng đối đãi) trong thế gian, cho nên không thể nào hiểu nổi những điều ngoài phạm vi ý thức hóa của thế gian: Chân lý.

Những lỗi lầm về ý thức ấy (kiến chấp) khiến cho không tự hiểu mình và hiểu người, do đấy mà môn phái này bài bác môn phái kia, đường lối này chê bai đường lối khác. Trong cái vòng lẩn quẩn ấy của ý thức, con người khó mà hiểu được rằng họ chỉ thấy được một khía cạnh nào của chân lý mà thôi.

Chẳng khác nào một nhóm người mù sờ voi, kẻ bảo voi như cột nhà, kẻ nói voi như cái trống... cãi nhau rối loạn. Nếu có con mắt sáng (giác ngộ của bậc Thánh) nhìn được toàn thể con voi (chân lý) không phải tìm hiểu voi với con mắt mù và đôi bàn tay giới hạn (trí thức phàm phu), tất không còn phải bàn cãi sôi nổi, chia phe, chia phái mà cái mê mờ kia chỉ là cơn mộng huyễn thoáng qua...

Hơn thế nữa chúng ta càn hiểu rằng, chân lý không phải dựa trên hình tướng, âm thanh mà biết được:
  • Nhược dĩ sắc kiến ngã
    Dĩ âm thanh cầu ngã
    Thị nhân hành tà đạo
    Bất năng kiến Như Lai.
Cho nên không thể nào căn cứ vào âm thanh, sắc tướng mà phê phán rằng kẻ kia tu đúng, người nọ tu sai, rằng kẻ này là tăng, người này là tục.

Ngoài ra để đạt mục đích "chân lý" người ta dùng muôn ngàn cách khác nhau (pháp môn) đều gọi là đại phương tiện (phương tiện lớn bao hàm những lề lối nhỏ).

Mỗi điều kiện của đại phương tiện gọi là "phương tiện thiện xảo". Lấy đại phương tiện mà luận bàn đã không tìm được chân lý, huống hồ lấy phương tiện thiện xão để luận bàn thì hẳn phải xa chân lý vô cùng.

Mỗi đại phương tiện (pháp môn) gồm nhiều phương tiện thiện xão phú hợp với nó. Ví dụ:

- Phương tiện thiện xão của người tu theo Mật giáo (Mật Tông) là lìa xa gia đình, vợ con, ngồi ở những nơi vắng lặng, làm những cử động bằng tay chân, hoặc cả toàn thân, miệng phát âm, tay vẽ bùa, bắt ấn...

- Phương tiện thiện xão của người tu theo Tiểu Thừa là cạo đầu, mặc áo vàng, đi khất thực, không giữ tiền của v.v...

- Phương tiện thiện xão của người tu theo Luật Tông là phải ở chùa, giữ giới, gõ mõ, tụng kinh.

- Phương tiện của người tu theo Nhất Thừa là phải thi hành Tứ nhiếp pháp, lục độ, vạn hạnh.

Nhiều người nông nổi, không tìm hiểu rõ ràng, vội vàng kết luận rằng kẻ kia tu sai, người này theo tà đạo, chỉ riêng mình mới là thực hành chánh pháp thôi. Chúng ta nên biết rằng: Không có pháp môn nào sai cả, chỉ có người thực hành sai pháp môn thôi. Không có pháp môn nào là tà đạo mà chỉ có những con người làm tà trong đạo.

Thực hành chánh pháp ta phải theo đúng những phương tiện thiện xão của đại phương tiện. Người tu đã mấy ai thực hành đủ. Cho nên người tu muốn tránh điều vọng ngữ, lấy "tiến bộ" làm phương châm,, dung hòa trí, ý, cẩn thận hành vi, thì mới mong khỏi sai lạc.

Tóm lại, tất cả những hành vi gọi là "tu" đều là tự mình đã ngăn lấy bước tiến bộ của mình, lại còn đem ra phê phán, chê khen cách này, cách nọ, tức đã vọng ngữ rồi vậy. Mặc dù có lúc nên bàn luận để mở thêm kiến thức, song bàn luận lại không có nghĩa là nói suông, nói xuôi chiều với kẻ cùng phe phái để khen chê kẻ khác.
  • MỤC ĐÍCH TU PHẬT LÀ GÌ?
Người tu Phật, bao phương tiện đều nhắm vào một mục đích: chân lý (mặc dù chưa đạt được chân lý, vì còn tu).

Tiểu thừa dùng phương tiện thiện xão để phá ngã tướng, nhơn tướng, chỉ còn cái tướng của vạn pháp. Khi thành đạo đắc quả A la hán.

Ở một bậc cao hơn, Đại thừa xem vạn pháp là tuồng huyễn hóa:
  • Nhứt thiết hữu vi pháp
    Như mộng huyễn bào ảnh
    Như lộ diệc như điển
    Ứng tác như thị quán.
    • (Kinh Kim Cang)
Theo Nhất thừa, người tu phải niệm niệm đạt đến tri kiến "Tánh chơn như bình đẳng" (Nhất thiết chủng trí), không riêng hai tướng (Bất nhị: Kinh Duy Ma Cật).

Tuy nhiên ba hướng đi được nhắc ở trên đều cùng nhằm vào mục đích: Giải Thoát Sinh Tử Luân Hồi.
  • PHẬT ĐỘ SINH THẾ NÀO?
- Phật độ tất cả chúng sinh bốn loại (noãn, thai, thấp, hóa). Đó là những điều đọc được trong kinh.

Theo đó, đức Phật Thích Ca xưa kia đã độ sinh như thế nào? Ta phải suy nghiệm kỹ vấn đề này.

Theo thế gian thường bảo: "Cứu vớt người lâm nạn, dạy cho người tu là độ sinh". Khi thành Phật, đức Thích Ca đã cứu cho đời hết khổ, dạy cho tất cả loài người tu chưa? Theo ta thấy, điều này chưa thực hiện, trái lại có lắm kẻ chống đối và hãm hại ngài. Như thế ta có thể bảo rằng ngài chưa thành Phật chăng?

Nếu hiểu theo nghĩa: Độ sinh là nói, tuyên truyền giáo lý thì hiện thời các Hội, các người mệnh danh là "tu sĩ" đều là Phật cả, hay cao siêu hơn Phật ư? (Vì hiện tại có tín đồ Phật giáo đông hơn thời đức Phật Thích Ca gấp bội).

Những hiểu đúng nghĩa chữ "chúng sinh" thì dầu cho số người được độ "theo kiểu ấy" có đến trăm triệu đi nữa, cũng chẳng thấm vào đâu với số chúng sinh trầm luân trong sáu nẻo. Cho đến, độ chúng sinh chẳng tử cả sáu giống như thế, hiện tại mấy ai biết và nói pháp được với các giống khác ngoài con người.

Thật ra nói pháp chỉ là một công đức (pháp thí) và cứu người khỏi chết không phải là độ sinh, vì chết hay sống người ấy vẫn còn trong lục đạo.

Trong kinh Duyên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát nói: "Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào, đời Mạt pháp quá khổ, con sẽ chịu khổ thay cho!" Bồ tát Địa Tạng là như thế nào? Ngài chịu khổ thay làm sao? Bây giờ đang là thời Mạt pháp, chúng sinh vẫn khổ, Địa Tạng Bồ tát ở đâu chịu thay thế nào?

Phật pháp thật cao thâm, lấy ý phàm mà bàn sao được những điều trong kinh sách để khỏi hiểu lầm, khỏi vọng hành, vọng ngữ? - Muốn vậy, ta cần phải có trí tuệ làm đường (thắp đuốc mà đi) chứ không nên ôm chấp kinh sách, lấy giáo điều như chủ trương của các tín ngưỡng khác. Đạo Phật khác các tôn giáo ở chỗ: Bình đẳng vả Trí tuệ thay vì độc tôn và mê tín.

Chân lý không ở số đông, không ở trong cổ tục.

Đời Mạt pháp đã đến, đến trọn vẹn. Chúng ta hãy lo tu, tu thế nào cho đúng chánh pháp mà Tổ Tổ đã thất truyền.

Phụ lục: Kinh định rằng một ngàn năm sau khi đức Thế Tôn diệt độ là thời kỳ Chánh Pháp. Kế đế là một ngàn năm thời kỳ Tượng pháp. Sau đó là thời kỳ Mạt pháp. Đức Phật vào Niết bàn đã hơn hai ngàn năm trăm năm, cho nên chúng ta biết rằng chúng ta đang ở vào thời kỳ Mạt pháp.

Nhưng trong những ngày cuối đông lạnh lẽo, vạn vật đã chứa sẵn. Mùa Xuân xinh tươi. Đông càng rét mướt. Xuân càng huy hoàng. Điều cốt yếu của thế nhân là hãy chuẩn bị đầy đủ cho xứng đáng với những ngày của năm mới... và trong những ngày đông lạnh lẽo vẫn đang có những người lãnh trách nhiệm tế độ hợp thời. Ví dụ trên nhắc cho chúng ta không quên điều chư vị Bồ tát đã hứa với đức Thích Ca khi còn tại thế là: Đời Mạt pháp sẽ hóa thân đến cõi Ta Bà này để cứu vớt chúng sinh.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Chấp Nhất

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

CHẤP NHẤT
(Trích dẫn: "Những Điều Căn Bản Trong Giáo Lý Đạo Phật"
Phật Hội Pháp Hoa Việt Nam
Ban Hành Đạo Hội Thượng xuất bản năm 1974, trang 151-163)
Đối với người tu Phật, Chấp nhất là trở ngại lớn lao không gì bằng.

Chấp là một sự thấy, biết đã thu lượm hay kinh nghiệm được. Sự thấy, biết một khía cạnh của một sự vật, mà khư khư giữ lấy, không chịu mở rộng tầm hiểu biết, dù ở điều kiện, trường hợp nào, cũng gọi là cố chấp. Đó là cái nguyên nhân của si mê muôn thuở.

Theo đạo lý ta thấy có:

KIẾN CHẤP: Do công phu tu hành (thiền định, quán tưởng...) hành giả có thể thông cảm phần nào huyền bí vũ trụ, rồi dừng lại đó, không chịu cố gắng tìm hiểu thêm để tiến đến chỗ huyền thông vũ trụ (Phật là người tìm chân lý suốt tất cả vũ trụ, chứ không phải chỉ bó gọn trong một môn phái riêng rẽ, một ít hiểu biết cạn cợt). Tự cho sự thấy biết một phần nào đó là đủ, nên gọi là Kiến chấp. Ví dụ thấy chết là hết, thấy không nhân quả, thấy trời là to hơn cả.

CỐ CHẤP: Theo quan niệm của mình đã sẵn có từ trước về nhân sinh hay vũ trụ cũng thế, cứ giữ mãi không chịu, không muốn sửa đổi, dù có cảm thấy rằng sự sửa đổi ấy có thể bao la, rộng rãi, hay ho hơn, đó là kẻ cố chấp.

THỨC CHẤP: Do sự tu hành theo một môn phái nhất định, hay một sự học hỏi giới định nào đó, hành giả mở mang trí tuệ theo một chiều mà mình đã tạo nên, rồi tự phụ cho mình đã hiểu biết đủ, không nhận thấy rằng mỗi cách đều có một hướng đi để mở mang trí tuệ, không chịu nghe người khác, dù có cảm thấy trí tuệ của mình còn lắm lù mù, không thể giác ngộ được chân lý vũ trụ (những nhà triết học thường hay đau khổ).

ÁI CHẤP: Những điều gì của mình làm hay nói ra dù không toàn vẹn, vẫn cảm thấy hay ho, thuận chiều hơn kẻ khác. Cũng như đối với hành vi, sự tu trì của môn phái mình, mình vẫn cảm thấy có cảm tình nồng nhiệt hơn của kẻ khác. Cho nên chỉ tùng phục những kẻ nào ở trong cùng một môn phái mà thôi.

CHẤP TÂM: Nghĩ rằng có một cái "Tâm" riêng, phải tìm đến cái linh thiêng ngoài cảnh giới, ngoài vũ trụ này (duy tâm các ngoại đạo Tiên, Thần).

CHẤP VẬT: Cho rằng chỉ có sự vật là trọng, là sai khiến được nội tâm, và mới tạo được hạnh phúc (các triết thuyết duy vật).

NGÃ CHẤP: Cho xác thân tứ đại là thật, nương vào đó để làm đạo lý, nào hay nó bị chi phối bởi nghiệp chướng vô minh, nên cũng vô thường mau chóng, không còn biết ta tu hay ai tu nơi ta nữa (Tiểu thừa, ngoại đạo).

PHÁP CHẤP: Cho cái này trái, cái kia phải, pháp này cao, pháp kia thấp, cái này là chân lý, cái kia không chân lý, việc này là hành đạo, việc kia là làm đời mà không biết rằng tất cả là mộng huyễn, có giá trị tương đồng trong mê và hoàn toàn bình đẳng khi giác ngộ được Nhất thiết chủng trí (vì tất cả đều thể hiện từ chân như).

Đứng trên lập trường Phật pháp, chúng ta thử phân tích rõ ràng và mổ xẻ kỹ lưỡng những điều chấp nhất đã ghi trên. Hành đạo, tìm chân lý là để đi tìm hạnh phúc và hạnh phúc hoàn toàn, chân lý tuyệt đối ấy là Phật đạo, chứ không có gì khác hơn.

Ở đời, sự chấp nhất làm cho con người tự bó buộc lấy mình. Họ đặt ra một khuôn khổ để rồi bị trói vào khuôn khổ đó, luôn luôn tự chuốc đau khổ. Sự chấp nhất này hiển nhiên là một tai hại lớn.

- Kiến chấp làm tuyệt mất sự tiến bộ. Có hữu vi tất có thành, hoại: sự an ổn nhất thời không phải là vĩnh viễn, cũng không phải là đích của nhưng người muốn tìm Phật đạo.

- Cố chấp là tâm trạng chung của con người: óc bảo thủ và tự kiêu không làm chúng thỏa mãn điều gì cả mà chỉ là những điều tạo nên đau khổ thực tại.

- Thức chấp tạo cho mỗi người một tự phụ ngông cuồng, không va chạm vào sự thật (mỗi triết gia đặt ra một hệ thống vũ trụ khác nhau). Trong khi ấy tự mình phân vân và đau khổ... Ta thử gặp hỏi một nhà hành đạo: Ông có biết chắc tương lai ông thế nào chăng? Hạnh phúc? Hoạn nạn? Lên Niết bàn hay sa địa ngục? Nếu đưa cái suy nghĩ nào trong sâu kín của cõi lòng và chân thật trả lời, thì ta sẽ thấy đa số không dám chắc chắn về một điều gì cả và ai cũng đều có đồng một sự "chết" như nhau.

Còn vướng nghiệp lực thì tất phải bị khổ. An ổn như Thiên Tiên còn chưa chắc thay, huống chi tạm thời tiêu diêu khoái lạc với ý thức khi tứ đại rã rời biết sẽ ra sao? Do đó mà tất cả chúng sinh đều có một điểm đáng thương xót: chơi giỡn trong nhà lửa (kinh Pháp Hoa).

- Ái chấp, kẻ tu hành vô tình tạo lấy nghiệp chướng, vì phân môn phái hủy báng lẫn nhau. Vì chẳng biết thế nào là chân lý, lại thiếu phục thiện chỉ lý thuyết suông nên chẳng ai phục ai.

Do đấy tu hành mà chỉ tạo ra một trường đời tranh đấu thứ hai, tranh đấu vì lý tưởng của một cá nhân hay của một đoàn thể (chỉ khác đời ở điểm là không tranh đấu vì thực lợi). Như vậy làm sao thoát được nghiệp chướng? Cho nên những kẻ đó cũng chỉ là những kẻ tham, sân, si mà thôi.

- Chấp tâm, trên lý thuyết, ngoại đạo và Tiểu thừa đồng nhau ở điểm: tìm sự an vui ở cảnh giới khác, làm giảm chân lý độ sinh của chư Phật.

- Chấp vật, phàm phu bám vào dụng thân mà chấp vật, tạo nên ưu thế cho riêng mình, cho riêng phe phái của mình, số sức tranh giành, tu luyện thần thông, thêm nghiệp chướng, chứ không phải tìm hạnh phúc, chân lý.

- Ngã chấp, vì không quan sát, không thấu triệt ngọn ngành của vọng tâm, dùng thân tứ đại làm điểm tựa, nên thường hay hủy báng Đại thừa (hay những môn phái khác).

Sự thật, muôn chấp đều do ngã chấp mà có. Kẻ không chuyên quán diệt ngã sở, thường khi bỏ mất hạt giống lớn mà sa vào ác đạo chê bai chánh pháp, nông nổi chạy theo bóng dáng sắc trần, lấy đó làm chân thật mà uổng công vất vả, uổng đới qua mau. Tu Phật, sao không hướng về chân lý vô thượng mà chạy theo ảo tưởng phàm trần?

- Pháp chấp, tự mình tự trói, không thể hoàn toàn giải thoát, không thể nguyện tận độ sinh. Một kẻ đã giải thoát luân hồi chưa hẳn là ích lợi cho đời, cho Phật đạo, kẻ ấy không hành nguyện độ sinh.

Trong con đường hướng tâm cao cả về Vô thượng Bồ đề, thể nhập Tri kiến Như Lai, chúng ta phải tìm hiểu đầy đủ chấp nhất của ta mà trừ bỏ. Đó là điểm cốt yếu của kẻ tu Phật.

Trí tuệ đứng đầu các công phu hành đạo khác, không có trí tuệ chẳng khác nào người mù lạc vào rừng rậm. Cũng có thể nói rằng: Trí tuệ sinh ra Phật pháp. Vì không có trí tuệ kia soi sáng, thì thế gian này chẳng là cõi luôn luôn chìm trong đau khổ, hãi hùng ư?


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Chấp nhất

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • PHÁ CHẤP
Cốt yếu của tu Phật, là phá chấp để giác ngộ chân lý.

Có phát dại huệ, Thiền mới vào chánh định. Có đại huệ, bố thí mới không là làm phước, trì giới mới không là lao tù, ngoại đạo...

Cái biết không thông suốt không phải là cái tai hại. Cái tai hại là sự cố giữ cái biết hoàn hảo ấy, không tìm tiến bộ, học hỏi mở mang... Trong ví dụ: "Người mù sờ voi". Sự không thấy toàn vẹn con voi không phải là cái nguy. Mà cái nguy là nhất quyết bênh vực sự quan sát của mình là duy nhất, là đúng đắn hơn cả, để đi đến sự cãi vả, đánh nhau.

Nếu sau khi quan sát (sờ, mó) voi, những người mù kia đều nói rằng: "Theo tôi, tôi quan sát được như vậy không biết có gì còn sót nữa chẳng? Mong được phục chỉnh, vì tôi nghe bảo thì con voi là con vật to lớn mà sự quan sát của tôi vốn nhỏ hẹp..." thì chắc vừa tránh được sự cãi vả, đánh nhau, đau đớn cả làng, vừa góp nhặt được sự hiểu biết rải rác của từng người, để tất cả được một ý niệm chính xác, hoàn hảo, toàn vẹn hơn về con voi.

Chẳng khác nào những kẻ đánh bạc khi khôn lớn, bước chân vào đời, con người đánh bạc với đời. Đến khi cuộc cờ tan, đi vào lòng đất mới tự tỉnh - Là kẻ tu hành, không lẽ ta lại đánh cuộc với vọng tưởng, để đến khi buông tay nhắm mắt, lại nhờ kẻ chẳng siêu, cầu siêu cho mình, trong khi đạo Phật đem đến cho ta sự giải thoát mãi mãi.

Đối với Tiên đạo hữu tướng, cứ y theo phương pháp hữu tướng cố công bỏ trược, tìm thanh, cho đến khi có thần thông là đủ. Do đấy, với đạo Tiên, không có vấn đề chấp và phá chấp.

Trong đạo Phật, kẻ tu theo thiền môn phàm phu, khi trải qua 55 cảnh giới (Kinh Lăng Nghiêm) vì chấp mà có khi đọa địa ngục (các môn phái khác lại cũng như vậy!), sử sách còn ghi lại lắm trường hợp các vị Tổ hồi hận, bỏ cả công năng cũng chỉ vì chấp nhất!

Phật dạy: "Phải tự thắp đuốc lên mà đi...", ta phải tự soi sáng lên. Ta soi sáng không có nghĩa là ngồi một mình mà hiểu biết đủ. Có trải qua việc đời mới thêm một kinh nghiệm, khi qua một dòng pháp, mới mở được một tia trí tuệ. Theo Phật thừa, chúng ta phải lần lượt suốt thông vạn pháp, thế thì công năng vô biên, không có chỗ dừng và đáng dừng khi tự mình vẫn còn băn khoăn. Hãy tìm hiểu xem xét, hãy thực nghiệm, cần tiến bộ để luôn luôn được tiến bộ.

Đem ra bàn luận, mổ xẻ từng vấn đề một, không phải để chê khen, mà là để thông cảm, đả thông, chớ đắm vào tướng, mắc vào danh. Hãy làm từ bực này đến bực khác...

Biết mà làm, là không phải rằng chấp, mà tùy duyên.

Không biết mà làm, là vọng hành, không phải là phương tiện.

Pháp chấp từng bực là tùy trình độ, hành vi, song hướng tâm phải là hoàn toàn thông suốt.

Người nguyện tu hành phải triệt để phá chấp, đó là người tu mong thấy Phật tự Tâm vậy.

Ngoài những cái chấp tổng quát nói trên, người phát tâm tin Phật thường còn vấp phải những cái chấp thông thường do thói tục như sau:

1. Chấp về nghiệp lực:

Có người nghĩ: "Ta đầy dẫy nghiệp chướng, biết tu có thành đạo được chăng?"

Phật thuyết: "Cái mê vốn huyễn tướng, vì chấp cái mê ấy nên chúng sinh đau khổ, trở ngại...".

Theo con đường Đại thừa của Phật, phương tiện tận độ chúng sinh nhất định đi đến kết quả không sai chạy, vì không chấp cái "ngã tướng" của chúng sinh, ấy mới thật là rốt ráo. Ấy mới thật là cứu độ chúng sinh.

Song trên đường giải thoát, có kẻ trước, người sau. Như ông A Nan dù với đời là em Phật, đã theo Phật ngay từ giờ phút đầu của 49 năm thuyết pháp, dù công năng suốt ngày, suốt tháng, mà khi Phật nhập diệt ông vẫn chưa được giải thoát.

Ta chớ nên bôn chôn, cũng không nên giải đãi. Hãy tin vào phương pháp vô thượng của Phật, bắt tay vào việc với cả ý chí quyết làm, quyết được, tất được.

Theo Phật pháp, vì không có thực tướng nên vô minh không thể ngăn ngại, mà chỉ có cá nhân tự đặt chướng ngại cho mình. Nhưng thật ra, điều trên này chỉ hiện rõ lần theo nhịp tinh tấn của hành giả, để đi đến cái hoàn mỹ khi giác ngộ chân lý, thấy được nguyên tánh vũ trụ. Duy chỉ bậc giác ngộ mới hiểu tường tận, nắm chắc phương pháp giải thoát một cách xác thật không lầm lẫn. Còn phàm nhân, còn tu dù tài giỏi như Tiên, Thần cũng chẳng thể tự mình cứu mình giải thoát bằng cách này hay bằng cách nọ, đừng vội nói đến sự giúp kẻ khác, hướng dẫn kẻ khác.

2. Chấp về sự độ của chư Phật:

Có người nghĩ: "Phật là bậc đầy đủ phương tiện viên mãn độ sinh, đủ phước đức, đủ tài trí. Nếu gặp Phật thì liền được độ giải thoát. Phật chỉ nói đôi câu, dùng vái phép tắc, là liền giác ngộ".

Thật vậy, thật ở chỗ Phật đủ phương tiện, dủ tài trí, phước đức song viên mãn độ sinh là thế nào, ta không thế nào suy đoán mà biết được. Có kẻ gặp Phật chưa hẳn theo Phật, có người nghe Phật chưa chắc đã được giác ngộ, vì làm sao họ biết được Phật mà bảo rằng gặp, rằng nghe, gặp là gặp thế nào, nghe là nghe làm sao? Vả lại, Phật không độ định nghiệp, không độ vô duyên.

Nếu độ định nghiệp, sao Phật không cứu năm trăm người dòng họ Thích để cho cả bọn phải chết về tay vua Lưu Ly?

Nếu độ vô duyên, sao trong thời gian Phật thuyết pháp lại có ngoại đạo phỉ báng, tìm cách ám sát ngài? Phật phải tốn thì giờ mệt nhọc, thuyết pháp hằng mấy mươi năm và tỉ mỉ cho từng đệ tử.

Phật cũng không dùng phép tắc độ ai được. Nếu dùng phép tắc thi tài đã không mất công, hao hơi tắt tiếng, và đã hẳn truyền cho chư Tổ, cho phép chư Tổ dùng thần thông độ sinh khỏi phải giảng dạy, vỗ về phiền phức.

Vì chấp nhất như vậy nên thời kỳ Bố Đại Hòa thượng (hiện thân của đức Phật Di Lặc) ra đời ở Trung Hoa, không ai theo tạo duyên lành, thật là uổng!

Đời nay thấy nhiều người tin Phật, muốn tu, trông gặp Phật là tu ngay, dù phải hy sinh những gì cũng được. Nhưng không hiểu những người này đã quan niệm ông Phật như thế nào, để khi gặp thì biết được đấy là Phật. Chỉ sợ rằng vì không biết phục thiện, không bỏ những chấp nhất, khi gặp Phật những người này còn có thể phỉ báng hay tìm cách phá hoại chánh pháp nữa là khác.

Nghiệp khó vậy thay!

Trái lại với các điều kiện trên, có những bậc quyết tâm tu hành (đời gọi là chân tu), giỏi lý thuyết suông, khư khư tự mãn ôm cái phương tiện độc nhất vô nhị của họ là "làm lành lánh dữ", vì họ chưa hề đắc nhập chân lý Phật. Ta có thể xem như những nhà hiền triết (tức vẫn còn dính mắc trong lục đạo) không hơn không kém.

Những kẻ tăng thượng mạn tự dối mình và dối mọi người, lại vọng ngữ đến độ cho rằng trong hiện kiếp không có một phương pháp nào đưa đến giải thoát được. Họ không khi nào tự nghĩ để tự nhận được rằng mình đang còn mê lầm, còn phải tìm thầy dẫn dắt. Họ đang bị ru ngủ do cái "suy tôn" cuồng tín của những kẻ chung quanh.

Cơn mộng triền miên đắm họ vào cái say sưa đến quên Đạo, quên tìm Đạo cho chính mình, lại đèo bòng dẫn dắt cho kẻ khác, dựng nên cái cảnh "tu đui, mù luyện", kẻ mù dẫn người đui mãi mãi quanh quẩn trong luần hồi sinh tử.

3. Chấp "chỉ học nhiều kinh", "chỉ làm thật nhiều":

Có người nghĩ: "Ta phải học thuộc nhiều kinh". Lại cũng có người nghĩ: "Ta phải làm cho thật nhiều để đạt kết quả". Không học, không hiểu mà làm, thì mắc vào kiến chấp. Nhưng cũng khó lấy kinh, sách tự học mà suốt thông đến vạn pháp, vì vạn pháp vũ trụ quá bao la. Vả lại sau 49 năm thuyết pháp, Phật cho một quan niệm về kinh điển: "Từ trước đến nay ta chẳng nói một lời nào cả". Điều này chứng tỏ ngài muốn chúng sinh sau này đừng cố chấp vào kinh điển.

Triết lý Phật thì khác, mà chân lý Phật lại là khác. Cho nên kẻ không thực hành mà chỉ lý thuyết suống; tất cũng không được gì cả. Kinh sách không phải để học thuộc lòng, thuộc nhiều rồi lại nói như con chim két học nói. Nếu học kinh, sách, tra cứu triết lý, điển tích thật nhiều "xuất ngoại đi tìm chân lý mà thành đạo được" thì chỉ có những người có thì giờ rổi rảnh, biết chữ nhiều, họ cứ cố học thật nhiều là thành đạo, thế có gì khó mà gọi là chân lý siêu việt, không thể nghĩ bàn. Và thế gian này thiếu gì Phật, Thánh, mà hiện tại trái lại ta không thấy có ai nhờ học nhiều để được đạo lý gì cả (kể cả đạo Nho, đạo Tiên cũng không hiểu được, huống hồ là của đạo Phật).

"Phải làm thật nhiều" là làm cái gì thuộc Phật pháp, cái gì để giải thoát sinh tử luân hồi. Trong ấy ở mỗi pháp môn, có một điểm chính yếu chứ không phải hẳn là làm tất cả, những điều phước đức thế gian, hay những hình sắc thế gian thường ưa chuộng, việc làm (tu) của Phật hẳn không phải mắc vào phương tiện mà phương tiện chỉ là cái để theo tạm thời được rồi bỏ, của mỗi pháp môn. Thế nên, dù ở trong hoàn cảnh nào của đời, người ta vẫn đều tu Phật được.

4. Chấp về pháp môn, đường lối và trung thành với tín điều:

Có người nghĩ: "Tu Phật phải theo một môn pháp, đường lối, phải trung thành và giữ gìn chặt chẽ các tín điều".

Phật là gì? Kinh nói: "Như lai giả thị chư pháp như nghĩa" (Phật là cái nghĩa tận cùng của các pháp), tu Phật là vào các pháp để tìm cái nghĩa tận cùng của nó, để đắc nhập nó, và khi đắc nhập được, ta là Phật vậy. Phật không riêng môn phái, không có một hình thức gì nhất định.

Sự hiểu biết lại cũng như thế, từng thời gian tiến bộ, sẽ đổi thay. Hình thức cũng thế, tùy phương tiện mà thay đổi theo thời gian nhưng dù thay đổi thế nào cũng phải nằm trong cái nghĩa của bốn yếu lý, và phải ở trong cái chiều hướng giải thoát.

Trí tuệ mở thông hình thức phải thay đổi. Dùng phương tiện để đạt mục đích, là tất nhiên mục đích không được mắc vào một phương tiện nào cả.

Ví dụ: người mới tu Phật, phải dạy cho họ lễ Phật, thờ tượng, tụng kinh... để gieo và giữ lòng tin, rồi sẽ đi lần vào phương tiện khác.

Lạy Phật, thờ tượng không phải là để giác ngộ. Lúc đầu dùng hình thức phương tiện này không hại, nhưng nếu mãi sau vẫn khư khư như vậy mà làm, tất đã lấy phương tiện làm mục đích, mắc vào vòng mê tín, ỷ lại thần quyền rồi vậy.

Phật đưa ra lý nhân quả luân hồi, đó là triết lý thực tế phải thực hành, theo đó để thấy kết quả. Nhận lẽ phải ấy, ta cố làm, càng làm càng thêm nhập và trung thành với cái lẽ phải ấy, để cuối cùng đến đích: Hạnh phúc tức đắc chân lý.

Trong phương tiện đầu thấy chậm, ta có thể bỏ mà tìm làm cái mau hơn. Nếu thấy cái làm này không hợp, không được, ta hẳn làm cái khác, và với cái nào, ta cũng phải luôn luôn nhớ trung thành với mục đích: Thoát sinh tử luân hồi.

Phật chỉ bày những đường đến đich, và Phật chỉ bày vẽ để ta tự thắp đuốc lên mà đi, chứ Phật không đặt những luật lệ nhất thiết bất di bất dich phải theo như ngoại đạo, và Phật không thưởng không phạt ai cả; đó là cái quan niệm thô sơ nhất mà cũng là rất đúng đắn của một người tin tu Phật.

Có kẻ làm y kinh và trung thành với môn phái hay ông thầy. Ta hãy nhớ lại câu: "Y kinh liễu nghĩa bất y kinh vị liễu nghĩa" (theo kinh rốt nghĩa, đừng theo kinh chưa thật nghĩa). Ta cũng nên nhớ những câu: "Y pháp bất y nhân" (theo Phật pháp chứ không phải theo người nói Phật pháp, theo cái tướng tứ đại, theo cảm tính phàm tục...). "Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan" (Giảng nghĩa y kinh, y danh từ kinh, ba đời Phật bị oan).

Ngoài ra có những kinh rốt nghĩa, như kinh Pháp Hoa. Trong ấy, Phật nói: "Ta nói kinh này để độ bậc Bồ tát..." Với một câu của Pháp Hoa, hàng ngàn vị Bích Chi tụ họp nghĩ bàn hàng nghìn năm, chưa thể thấu đạt ý nghĩa. Đời nay có kẻ biết chữ, xem kinh rồi tự xưng hiểu tất cả kinh, dành phần hiểu nông cạn ấy để làm càn, dành lẽ phải mê lầm ấy cho riêng môn pháp mình, thật là nguy hại cho người tu Phật lắm lắm.

5. Chấp sự "Chỉ làm theo một hạnh", "thần thông":

Có người nghĩ: "Tu phải theo cách kia, cách nọ. Hành phải làm thế này, thế khác".

Đó là lầm về Hạnh.

Phật pháp không theo một đường lối nhất định. Thời gian không phải chỉ là Chánh, Tượng pháp có chư Tổ tương truyền. Nếu tu một pháp (cố chấp luật lệ, phong tục) làm một lối duy nhất thì Phật nói làm gì cho nhiều pháp môn, chư Bồ tát lại làm vạn hạnh?

Tu Phật phải nhớ yếu điểm: "đã là Tâm (chân lý) thì không mắc vào pháp" (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm). Nếu thấy có ta, có tu thì chẳng bao giờ có Tâm như như bất động.

Mắc vào các pháp còn không thể y vào đó mà tìm tâm cho được, huống hồ mắc vào các hạnh tức chấp nhất trên những phương tiện thiện xão, vô lượng điệu dụng của chư giác ngộ, thì làm sao lãnh hội được ý thức tu hành.

Có người nghĩ: "Phải tìm cho được bậc thần thông tài giỏi, vì Phật thần thông quảng đại. Nên theo vị ấy tu hành phá chấp".

Thạt rất giản dị, nhưng cũng vô cùng ngụy tạo.

Hiện nay, đa số chắc rằng không vì tìm chân lý mà phát tâm tu Phật. Họ tu hành vì mong thấy thần thông, do cái tánh sẵn có ỷ lại, nhờ vã, lợi lộc và sẵn cái tánh ủy mị, khuất phục uy quyền. Đó là bản tánh của những kẻ ươn hèn rất dễ xu phụ theo Tiên, Thần, Ma, Quỷ. Thái độ, tác phong của họ phản lại họ, vì thật ra chính họ, họ cũng hiểu biết rằng: Cũng có thần thông như Phật, ngoại đạo hay dùng thần thông để bịp đời!

Theo Phật là theo với chân lý, tự tạo duyên hướng Vô thượng Bồ đề, thu phục phàm tâm để đắc giải thoát. Dù có ai giúp hoặc tự ta có thần thông, cũng không ích lợi gì cho con đường giải thoát của ta. Mà đó chỉ là tạm thỏa mãn, nhưng cũng dễ gây thêm nghiệp chướng trở ngại cho con đường giải thoát. Mỗi người đã tự có một nhân quả hiển nhiên, muốn an lạc vĩnh viễn chỉ có một lối duy nhất là cái giải thoát của Phật, chứ không phải cái thần thông mắc níu nặng trong mê lầm.

Không có gì mạnh bằng sức mạnh của vũ trụ (tức là luật nhân quả). Thiên tiên, thường nhân, súc sanh cũng ngang nhau trước cái sức mạnh ấy. Không có thần thông như con người, con vật cũng chết, mà có thần thông biến hóa vô vàn như Tiên, như Thần rồi cũng chết, mà có thể chết đau đớn hơn. Trong lục đạo không ai trốn được.

Thật ra có đầy đủ phương tiện, người truyền đạo đỡ bớt nhọc nhằn chứ không thể giúp cho kẻ tu hành mau giải thoát được. Ngoài sự cố gắng, quyết tâm cứu người tu, sự giải thoát còn tùy thuộc vào thời gian điệu dụng pháp độ của chư giác ngộ nữa.

Có thần thông là một chuyện, suốt thông vũ trụ là một chuyện khác. Chư Phật cấm dùng thần thông, ít dùng thần thông, vì không muốn chúng sinh đã say mê lại càng say mê theo cái tạm bợ đến phải quên mục đích cao siêu. Kẻ truyền đạo không dùng thần thông vì họ vào đời không phải để du hí (dạo chơi), có dùng hay không có dùng, lúc nào dùng còn tùy nơi sự chuyển biến của vũ trụ.

Phật luôn luôn nêu gương đức hạnh, môn giải thoát (sắc, không) và thực hành, ấy là đúng chân lý. Ngài dạy ta như thế, khuyên ta làm như thế, tức tu theo chân lý. Phật không dùng thần thông để tránh nghiệp chướng của ngài đã tự tạo hoặc diệt nghiệp cho ai cả (xem lại sự tích vua Lưu Ly giết năm trăm người dòng họ Thích).

Ai ăn nấy no, ai tu nấy được, không cần phải ép buộc. Tấy cả tùy duyên, thần thông vô ích; không ai điên rồ hái trái cây vừa đơm nụ đem vào dấu ép.

Ai là Phật tử chân chính, đã chán sắc, tướng vô thường của thế gian, hãy càng nên giữ gìn, thận trọng hơn để khỏi lầm sắc, tướng của Tiên, Thần. Như vậy mới thật là kẻ thấy Phật, biết Phật, theo Phật.

baibaibai


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
faizan123
Bài viết: 1
Ngày: 18/03/15 04:38
Giới tính: Nam
Phật tử: Xuất gia
Đến từ: fgg

Re: Phương tiện và mục đích tu Phật

Bài viết chưa xem gửi bởi faizan123 »

Phật luôn luôn nêu gương đức hạnh, môn giải thoát (sắc, không) và thực hành, ấy là đúng chân lý. Ngài dạy ta như thế, khuyên ta làm như thế, tức tu theo chân lý. Phật không dùng thần thông để tránh nghiệp chướng của ngài đã tự tạo hoặc diệt nghiệp cho ai cả (xem lại sự tích vua Lưu Ly giết năm trăm người dòng họ Thích).


We offer best quality http://www.spanishprograms.com/ test papers and dumps materials. You can spanishprograms - spanish lessons online free get our 100% guaranteed questions to help you in passing the real exam
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.25 khách