Thấy Biết Chân Chánh

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Thấy Biết Chân Chánh

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

thaybietchanchanh.jpg
thaybietchanchanh.jpg (203.43 KiB) Đã xem 595 lần
THẤY BIẾT CHÂN CHÁNH
Thích Minh Thành
  • Tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên đến thăm đức Phật tại ngôi nhà khách ở trong vườn Tu Lạc Na Lợi.

    Sau khi đảnh lễ dưới chân ngài, Tôn giả ngồi một bên và thưa rằng:

    - Bạch đức Thế Tôn! Thế Tôn thường nói đến danh từ "chánh kiến". Cúi xin ngài giảng giải ý nghĩa của từ ngày cho chúng con được rõ.

    Đức Phật bảo tôn giả rằng:

    - Người đời thường nhận thức nghiêng lệch về hai khuynh hướng: một là có, hai là không. Đây là hai quan niệm vướng mắc vào hiểu biết sai lầm. Vì vướng vào sư hiểu biết sai lầm, cho nên bị kẹt vào ý niệm có hoặc là ý niệm không.

    Này Tán Đà Ca Chiên Diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp mắc, vào bảo thủ. Người không bị kẹt vào chấp mắc, vào bảo thủ thì không còn nắm giữ vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy hiểu rằng cái khổ khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt, người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả.

    Cái thấy của người ấy không do ảnh hưởng của người khác mà có. Trái lại, do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy như thế gọi là "chánh kiến". Đó là cách trình bày về "chánh kiến" của Như Lai.

    Người có sự thấy biết chân chánh, khi quán sát về sự sanh khởi của thế gian không thấy thế gian là không. Khi quán sát về sự hoại diệt của thế gian, không thế gian là có.

    Này Tác Đà Ca Chiên Diên! Chấp có là một cái nhìn nghiêng lệch; chấp không cũng là một cái nhìn nghiêng lêch. Như Lai lìa hai cái nhìn đó mà thuyết pháp một cách trung đạo. Nghĩa là cái này có vì cái kia có. Cái này sinh vì cái kia sinh; cái này diệt vì cái kia diệt.
NHÂN DUYÊN HÒA HỢP
Người thế gian thường nhìn khuynh lệch về hai phương hướng, hoặc là có hoặc là không. Đức Phật cho rằng cái thấy nghiêng lệch như vậy là sai lầm.

Ví dụ như nhìn thấy bình hoa trên bàn, thì mọi người đều nói là có bình hoa. Nếu đem cất bình hoa đi chỗ khác, thì nói là không có bình hoa.

Khi bình hoa hiện hữu trước mắt, thì nói là có. Tức là ngay lúc đó, trong ý niệm của mình các định là thật có bình hoa. Cho nên khi không thấy bình hoa, thì nói là không có gì.

Do số người thế gian đều nói như vậy, còn người tu nếu không khéo học đạo thì cũng nghĩ giống như vậy.

Thật ra, tất cả sự vật ở trên thế gian này từ nhỏ đến lớn điều do muôn ngàn nhân duyên, điều kiện hội tụ kết hợp lại với nhau mà thành. Nếu không có đủ nhân duyên thì không thể thành hình.

Cũng vậy, không thể tự nhiên mà có bình hoa, mà cần phải có nhiều yếu tố đất, nước, lửa, bàn tay con người... kết hợp lại tại nên. Đến khi vì lỡ tay làm rơi xuống đất thì tan vỡ. Như vậy dù nhân duyên hợp lại thì có, đến khi thiếu nhân duyên thì tan vỡ trở về không.

Bởi vì nhân duyên hòa hợp, cho nên tuy thấy có mà không thật. Nhưng không cũng chẳng phải là không chơn, vì do nhân duyên ly tán nên là không. Đến khi nào hội tụ đầy đủ nhân duyên trở lại thì có.

Vạn vật trên đời đều không có cái thật có, cũng không có cái thật không. Có hay không đều là do nhân duyên tụ và tán.

Từ tất cả sự vật bên ngoài cho đến thân thể của con người cũng đều giống như thế, không khác.

Nhìn thấy rõ đạo lý nhân duyên hòa hợp này, sẽ phá vỡ được kiến chấp hoặc là có hoặc là không. Như thế gọi là sự thấy biết chân chánh.

Không kẹt vào không, cũng chẳng vướng vào có, đó là cái nhìn Trung đạo.

Thông thường mọi người hay bị kẹt vào có nhiều hơn là kẹt vào không. Bởi vì thấy là thật, cho nên hễ ai đụng chạm đến "mình" hay làm tổn hại đến "cái của mình" thì nổi sân giận, phiền não.

Lòng tham muốn không dừng cũng bắt nguồn từ thấy tất cả đều là thật có, bền chắc. Do thấy thật, thấy đẹp làm gốc cho sự ham muốn, nên một khi lòng tham không được thỏa mãn thì liền nổi giận. Đó chính là si mê.

Chỉ khi nào nhìn thấy tất cả mọi sự vật, sự việc đều không thật, chỉ do nhân duyên hợp thành, hết duyên thì tan nát thì mới có thể phá tan bức màn si mê và tâm tham, sân theo đó mà tan mất.

Khi phá vỡ được ba thứ phiền não căn bản đó thì cũng phá vỡ được muôn ngàn thứ phiền não khác.

Bởi vì tất cả phiền não đều lấy tham, sân, si làm cội gốc để tăng trưởng, cho nên trừ được cội gốc đó thì tất cả những cành nhánh phiền não lớn nhỏ đều tan rã.
THẤY BIẾT CHÂN CHÁNH
Điểm quan trọng nhất của việc học đạo là phải có sự thấy biết chân chánh. Thấy đúng lẽ thật, mới có thể phá dẹp được mọi mê lầm. Còn như thấy sai, thì dù tu hành thật nhiều, nhưng kết quả cũng không đi tới đâu, mà có khi còn thêm tai họa.

Trong kinh Kim Cang, đức Phật nói:
  • Dù cho đem vàng bạc ngọc ngà, châu báu đầy cả quả đất để bố thí, thì phước cũng không bằng người thọ trì bốn câu kệ:
    • Tất cả các pháp hữu vi
      Như mộng huyễn, bọt bóng
      Như sương, cũng như điện
      Phải thường quán như vậy.
Thấy rõ tất cả sự vật, hiện tượng từ bên ngoài cho đến tấm thân của mình đều là nhân duyên hòa hợp, không có thật. Thấy đúng lẽ thật giả tạm, không rơi vào cái chấp có hoặc chấp không, thì ngay đó trí huệ chân thật hiển lộ. Không có công đức nào có thể sánh bằng trí huệ chân thật đó.

Bố thí vàng bạc, ngọc ngà thì được phước báu vô biên, sinh lên cõi Trời hưởng phước, nhưng không có diều kiện tu hành. Cho đến khi hết phước liền bị rơi xuống địa ngục hoặc súc sanh, vì "trèo cao thì té đau".

Hoặc là ở cõi người cũng vậy, được giàu có tột cùng thì chẳng có cơ hội để tu hành. Phần nhiều là say mê hưởng thụ, nên có rất ít thời gian rảnh để tu hành. Vì vậy mới nói không có công đức nào bằng công đức trí huệ thấy suốt được lẽ thật "Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp, không có thật". Đó là cái thấy biết chân chánh mà đức Phật đã dạy.

Ở đây ngài còn nói, phần lớn người đời đều bị kẹt chấp mắc vào cái bảo thủ.

Chấp mắc bảo thu vào cái gì? Vào cái vọng tưởng về "cái ngã". Luôn cho cái thân này là một cái trọn vẹn và chấp có "cái Ta".

Ngược lại, người thấy biết chân chánh thì biết rằng cái khổ phát sinh là do có điều kiện, do nhân duyên hòa hợp tạo thành, không phải tự nhiên.

Nếu hỏi một người đang bị khổ đau lý do vì sao như vậy? Người ấy sẽ đáp rằng: "Tôi giận người kia, vì làm trái ý của tôi".

Như vậy cái khổ đó bắt nguồn từ việc bám chấp vào "cái Ta", cho nên hễ người làm trái ý với mình thì nổi sân giận và cảm thấy đau khổ.

Muốn chấm dứt đau khổ, buồn phiền thì chỉ cần nhìn thấy bản thân này là không thật có, không hoàn hảo, nên không cần bắt buộc người khác làm theo ý của mình. Nếu hợp ý với nhau thì cùng trình bày cái thấy biết, còn không hợp thì im lặng. Như vậy là phá trừ được phiền não, tâm nhẹ nhàng, không đau khổ. Tất cả sự vật đều có nguyên nhân, lý do để phát sanh. Bây giờ chỉ cần dùng cái trí quán xét nhìn thấy được đạo lý nhân duyên hòa hợp, vay mượn nương tựa lẫn nhau, không có thật, thì không còn đau khổ. Khi đã dẹp trừ được cái nhân thì sẽ không còn dẫn đến cái quả.

Người có được sự thấy biết chân chánh, thì không còn gì phải nghi ngờ nữa. Cái thấy của người đó không do ảnh hưởng của kẻ khác, mà do tự họ đạt được. Đây là chỗ rất quan trọng trong việc học giáo lý.

Nghe lời Phật dạy, tất cả đều do nhân duyên hòa hợp, không có thật... liền tin hiểu, nhưng khi gặp người nào đó lớn tuổi hơn, tu lâu hơn nói không phải do nhân duyên hòa hợp, thì tâm của chúng ta liền bị chao đảo, phân vân.

Như thế không phải là cái thấy chân chánh của mình, mà chỉ là mượn ngôn từ kinh điển hoặc từ lời nói của người khác.

Chỉ khi nào thấy rõ cái đạo lý vô thường ở ngay bản thân của mình đang thay đổi từng phút, từng giây. Tâm trí không bị người khác làm lung lạc, lay chuyển, lúc nào cũng thấu suốt lẽ thật băng cái thấy của mình, thì có được cái thấy biết chân chánh.
ĐẠO LÝ TRUNG ĐẠO
  • Người thấy biết chân chánh khi quán xét về sự sanh khởi của thế gian, không thấy là không; khi quán sát về sự hoại diệt của thế gian không thấy là có. Vì do nhân duyên mà có, nên không có thật; do nhân duyên mà không, nên cũng không thật không. Chỉ là do nhân duyên hòa hợp mà thôi.
Cái đạo lý căn bản trong đạo Phật được gọi là Trung đạo. Nghĩa là không nghiêng lệch, chấp bên này hoặc chấp bên kia, mà phải thấy rõ rằng "Cái này có vì cái kia có. Cái này sinh vì cái kia sinh. Cái này diệt vì cái kia diệt". Dó là định nghĩa về duyên khởi do chính đức Phật giải thích cho chúng ta.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy rất rõ về lý nhân duyên này. Ví dụ, người này giận dỗi, cự cãi với người kia và người kia cũng cãi vả ngược lại thì phát sinh phiền não. Cái này sinh vì cái kia sinh. Còn như người kia không giận và không cự cãi ngược lại, thì không có sinh ra phiền não. Cái này diệt vì cái kia diệt.

Cũng vậy, sở dĩ có bình hoa là do cái bình và những bông hoa hợp lại tạo thành. Nếu không có đủ những nhân duyên đó thì không có bình hoa.

Từ đó suy ra, tất cả các sự vật khác và tấm thân của mình cũng đều giống như vậy. Thân có được là nhf bốn đại: đất, nước, gió, lửa hòa hợp tạo thành. Một khi bốn thứ: đất, nước, gió, lưa không còn hòa hợp được với nhau nữa, thì thân bị tan ra.

Chúng ta cần phải nắm được nguyên tắc này để ứng dụng vào trong tu hành thực tiễn.
MƯỜI HAI MẮC XÍCH
12nhanduyen.jpg
12nhanduyen.jpg (81.01 KiB) Đã xem 595 lần
Đạo lý Trung đạo nhân duyên này không chỉ đề cập đến những cái cạn gàn như vậy, mà còn nói đến chỗ sâu xa dẫn dắt con người đi trong dòng luân hồi sanh tử. Đó là đạo lý duyên khởi Mười hai nhân duyên.
  • Vô minh duyên Hành;
    Hành duyên Thức;
    Thức duyên Danh sắc;
    Danh sắc duyên Lục nhập;
    Lục nhập duyên Xúc;
    Xúc duyên Thọ;
    Thọ duyên Ái;
    Ái duyên Thủ;
    Thủ duyên Hữu;
    Hữu duyên sanh, Lão, Bệnh, Tử, Ưu bi khổ não.
Vô minh là không sáng suốt, hiểu biết mê lầm, thấy không đúng lẽ thật. Vô minh có mặt từ hồi nào đến giờ không thể biết được.

Vì vô minh nên Hành động sai trái và tạo ra nghiệp, đó là hai nhân trong quá khứ.

Khi nghiệp được tạo thành, nó sẽ dẫn thần thức đi thọ sanh nên kế HànhThức.

Thần thức thọ sanh vào trong thai. Thai nhi được hình thành từ hai yếu tố vật chất và tinh thần. Đó là Danh sắc.

Vật chất gọi là Sắc; tinh thần tức là tâm, vì không có hình tướng, chỉ có tên nên gọi là Danh.

Ở trong bào thai một thời gian, thai nhi sẽ hình thành sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn đầy đủ thì thai nhi ra đời và dần dần phát triển hoàn chỉnh hơn: mắt là cánh cửa cho sắc đi vào, tai là cánh cửa cho âm thanh đi vào v.v..., sáu cánh cửa mà lục trần đi vào gọi là Lục nhập.

Thời gian từ một đến ba tuổi, đứa bé bắt đầu tiếp xúc với những sự vật sung quanh sờ mó món này hoặc cầm nắm cái kia, gọi là Xúc.

Từ bốn đến mười lăm tuổi là thời gian đứa bé bắt đầu biết phân biệt những cảm giác buồn vui, thích ngọt dịu, dễ giận hờn... Cảm thọ bắt đầu sanh khởi gọi là Thọ.

Tuổi tăng dần từ cảm thọ cũng dần sanh khởi, dẫn đến ham muốn dục vọng, từ tâm ý thể hiện ra hành động yêu thích. Từ mười lăm tuổi trở lên, tâm yêu thích phát triển mỗi ngày càng mạnh mẽ thêm, gọi là Ái.

Đến tuổi trưởng thành, lúc này con người có ý ham muốn, mong cầu đạt được những cái yêu thích, nên gọi là Thủ.

Từ tâm ý thể hiện ra hành động và tìm mọi cách để đem về cho mình, đó là Hữu. Vì muốn chiếm hữu, nên nghiệp được tạo ra và dẫn đến quả báo trong tương lai. Hữu là có và cũng chính là nghiệp.

Hễ còn nghiệp là còn quả, cho nên khi bỏ thân xác này, sức mạnh của nghiệp sẽ dần dắt thần thức đi thọ sanh. Sanh là quả ở tương lai. Cuối cùng của sanh là Lão, Bệnh, Tử ưu bi, khổ não đi chung một dãy.

Buồn khổ, ưu sầu sống trong mê lầm tạo nghiệp. Vì vậy cái thân này được tạo thành từ sức mạnh thúc đẩy của nghiệp đã tích tập.
vongluanhoi.jpg
vongluanhoi.jpg (110.28 KiB) Đã xem 595 lần
"Phù nghiệp hệ thọ thân vị nghiễm hình lụy", tức là nghiệp lực trói buộc, dẫn dắt thần thức đi nhận lấy thân này. Có được cái thân này rồi thì vẫn còn đau khổ, bởi vì nghiệp lực mê lầm tiếp tục dẫn dắt cái thân này tạo nghiệp khác để thọ quả báo ở tương lai và tiếp tục ưu bi, khổ não mãi mãi.

Sanh, già, bênh, chết. Chết rồi lại bị nghiệp lực dẫn đi nữa..., cứ như vậy xoay vòng mãi không ngừng, nên gọi là luân hồi.

Bánh xe luân hồi được tóm gọn lại trong một vòng tròn như sau:
  • Mê lầm ==> Tạo nghiệp ==> Chịu khổ ==> Mê lầm ==> Tạo nghiệp ==> Chịu khổ...
Muốn cắt đứt được mười hai nhân duyên này thì phải làm sao? Phải phá trừ được vô minh. Muốn được như vậy thì cần phải học nhiều kinh điển, giáo lý, nghe chánh pháp và dành thời gian để quán chiếu, nghiền ngẫm cho đến khi thấu suốt được lẽ thật thì diệt trừ vô minh. Vô minh diệt thì Hành diệt. Hành diệt thì Thức diệt... lần lượt Sanh, Lão, Bệnh, Tử, ưu bi khổ não cũng bị tận diệt.

Vô minh có từ muôn đời vạn kiếp, nên không phải dễ dàng trong một thời gia ngắn mà có thể phá trừ. Vì thế cần phải nỗ lực tu tập quán chiếu sâu xa và lâu dài để có được công lực rất mạnh mới có thể phá vỡ nó.

Theo định nghĩa trong kinh Nguyên Thỉ, thì chỗ trọng yếu để phá vỡ mắc xích mười hai nhân duyên nằm ở hai chỗ:
  • - Một là phá trừ Vô minh là cái nhân ở quá khứ lâu đời.

    - Hai là cắt đứt ngay chỗ Ái là cái nhân hiện tại.
Nếu xét gần thì tất cả sự khổ của con người đều bắt nguồn từ tham ái. Yêu thích không được như ý thì khổ, mong muốn không đạt được cũng khổ.

Bà Đại Ái Đạo là dì mẫu của đức Phật, sau khi xuất gia, đã bạch với đức Thế Tôn rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Con lớn tuổi rồi, không có thời gian để học nhiều kinh diển. Xin Thế Tôn dạy cho con pháp môn nào ngắn gọn, đơn giản để con tu cho hết phiền não, đạt đến Niết Bàn.

Thế Tôn bảo với bà:

- Vậy Ta sẽ chỉ cho Bà, hễ thấy ái ở đâu thì diệt ngay. Bà chỉ nên thực hành pháp môn như thế.

Vâng lời Phật, Bà quay về tinh tấn thực hành và chứng được quả A la hán, chỉ một thời gian ngắn sau đó. Bà cũng trở thành người lãnh đạo tối cao của Ni chúng vào thời bấy giờ.

Như vậy công phu tu hành là nhắm vào ngay chỗ tham ái mà phá diệt. Dù chưa diệt được tận nguồn gốc ở trong tâm niệm, nhưng ít ra nghiêp ở nơi thân và miệng cũng có thể diệt trừ.

Mỗi người hãy kiểm tra lại xem trong tâm mình còn luyến ái nhiều hay ít và còn ưa thích bao nhiêu thứ?

Kế đến là từ đâu mà có con người? Từ đâu có vòng luân hồi sanh tử? Sinh ra từ đâu và chết đi về đâu? Mười hai nhân duyên là nguồn gốc để hình thành ra con người và sự sống chết. Sống chết xoay vần tạo thành vòng luân hồi sanh tử.

Nếu có thể hiểu rõ được mười hai nhân duyên, thì ngay trong cái thân hiện tại này, chúng ta có thể thấy rõ tất cả hiện thực nguồn gốc sinh tử như bóng trong gương.

Từ đâu con người được sanh ra?

Từ nghiệp quá khứ dẫn dắt thọ thân hiện tại.

Khi chết, con người đi về đâu?

Nếu còn nghiệp, thì nó sẽ dẫn thần thức đi đến chỗ thọ thân ở vị lai. Hễ còn bị nghiệp lực không chế, thì còn đi trong vòng sanh tử luân hồi bất tận. Chỉ khi nào không còn nghiệp, thì lúc đó chúng ta mới được tự tại, muốn đi đâu thì tùy ý.

Tu hành là dùng trí tuệ quán chiếu, nghiềm ngẫm để thấu rõ lẽ thật thì phá vỡ được vô minh và tham ái. Được như thế thì không còn tạo nghiệp, cũng không còn quả báo khổ do nghiệp gây ra, tức là được giải thoát tự tại. Vì thế gọi là nhân quả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai.

Nói gần hơn cho dễ hiểu, là mười hai nhân duyên ở ngay nơi người sắp chết. Khi người bệnh nằm trên giường không còn biết gì nữa, lúc đó thần trí không còn sáng suốt minh mẫn, đó là vô minh. Kế đến nghiệp sẽ dẫn thần thức đi thọ sanh; sanh ra rồi già, bệnh, chết rồi sanh... một vòng tròn liên tục không gián đoạn.

Những vị tu hành đạt đạo như chư Tổ tông Tịnh Độ, hoặc là các vị cư sĩ tu tại gia có được đắc lực, thì lúc sắp mạng chung có thể biết trước ngày giờ rõ ràng phân minh.

Đại sư Liên Trì biết trước nửa tháng sẽ viên tịch, nên ngài lần lượt đi chào tất cả những người trong thành. Trước khi mất, ngài ngồi kiết già khuyên: "Mọi người ở lại niệm Phật cho chân thật, đừng phá vỡ khuôn mẫu của tôi. Tôi đi đây!", rồi nhắm mắt ra đi.

Như vậy ngài phá vỡ được vô minh ngay đời hiện tại. Không còn vô minh thì nghiệp lực không thể dẫn thần thức đi thọ báo, mà chỉ nương theo nguyện lực mà đi về Tây phương Cực Lạc hoặc là trở lại cõi Ta Bà để cứu độ chúng sanh, tùy ý đến đi, không ngăn ngại.

Ở ngay trong đời này, chúng ta có thể nhìn biết được người kia có còn vô minh hay không là vào lúc sắp chết.
NHÂN DUYÊN TRONG MỘT NIỆM
Nếu xét sâu hơn thì ngay trong từng tâm niệm, cũng có thế thấy được mười hai nhân duyên.

Ngài Vĩnh Minh nói:
  • Khi mắt thấy sắc cho là đẹp, là thật, là bền chắc thì đó là vô minh. Còn khi nhận ra sự biến đổi, vô thường, dễ hủy hoại, biết nó không thật, chỉ do duyên hợp là không vô minh.
Vậy trong một ngày chúng ta bị vô minh bao nhiêu lần? Cũng ngay nơi con mắt của mình, mà vô minh hay giác ngộ chỉ trong một niệm. Mắt thấy sắc rồi tâm sanh yêu, ghét đối với sắc đó. Nếu đẹp thì thích, xấu thì không ưa. Đó là sự vận hành của tâm Thức. Dù sự vật đã qua rồi, nhưng những hình ảnh đó vẫn còn lưu lại trong tâm. Yêu hoặc ghét là ý thức phân biệt, ý thức và sác gọi là Danh sắc, hiện diện ngay nơi tâm.

Tai nghe tiếng thì tham hoặc sân, đó là âm thanh đi vào lỗ tai. Sáu trần đi vào sáu chỗ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gọi là Lục nhập.

Thông thường "Sáu cảnh cửa" của chúng ta không bao giờ khép lại, cứ mở suốt ngày đêm, cho nên "sáu tên giặc trần cảnh" dễ dàng xâm nhập vào tha hồ quậy phá.

Đến giờ đọc kinh hoặc tĩnh tọa, đáng lẽ phải thu nhiếp các căn, tập trung vào lời kinh, tiếng niệm Phật, thì ngược lại chúng ta mở mắt nhìn thấy người này ngủ gục, người kia lơ đễnh, ai làm gì bên ngoài cũng thắc mắc..., không những để cho cảnh ở ngoài xâm nhập vào, mà còn bỏ mặc tâm ở trong phóng chạy ra nữa. Cho nên, tâm luôn bị khuấy động, chẳng thể tĩnh lặng. Các hình tượng Phật ngồi dưới cội Bồ đề, đều có mắt nhìn xuống. Như vậy thì cảnh không thể xâm nhập vào tâm.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì gọi là Xúc,

Sau đó nhận lãnh thì gọi là Thọ.

Tâm đối với sáu trần vương vấn, không thể dứt gọi là Ái.

Khi cảm thọ thì chưa có tội lỗi, vì đó chỉ là sự phát triển bình thường của tâm. Tội lỗi chỉ phát sinh ở chỗ vương vấn, không thể dứt bỏ.

Tâm luôn tưởng nhớ về sắc tướng. Tuy sự vật đã qua mất rồi, nhưng tâm vẫn dấy khởi yêu thích, nắm chặc theo tư tưởng đó để nghĩ nhớ mãi, gọi là Thủ.

Trong kinh Nguyên Thỉ, đức Phật nói:
  • Tác ý tức là nghiệp. Một niệm tâm sanh gọi là sanh, một niệm tâm diệt gọi là diệt. Tâm dấy khởi gọi là sanh, tâm lắng xuống gọi là diệt.
Như vậy mười hai nhân duyên có đầy đủ ở trong mỗi tâm niệm của mình. Bây giờ muốn dẹp sự luân hồi của tâm thì phải làm sao?

Đầu tiên là phá được vô minh. Muốn vậy, phải quán chiếu, nghiền ngẫm suy xét rõ tính chất của mọi sự vật đều không bền chặc, luôn vô thường biến đổi. Tất cả đều do nhân duyên hòa hợp, nương gá lẫn nhau không có thật.

Cái dòng luân hồi trong tâm niệm của con người xuất gia xuất phát từ sự mê lầm, không thấy được lẽ thật. Chỉ cần phá trừ được mê lầm trong tâm, thì tự nhiên dòng luân hồi chấm dứt.

Sự luân hồi sanh tử từ sự vật bên ngoài cho đến tâm niệm nên trong đều là do nhân duyên kết hợp, không có thật. Thấy rõ tất cả đều không thật, thì không còn cái gì có thể làm cho chúng ta đau khổ và dòng luân hồi trong tâm niệm cũng theo đó tan biến.

Ví dụ, khi nghe tiếng một lời nói hay nhìn thấy hành động của người kia trái với ý của mình, nên trong lòng khó chịu. Ngay khi đó liền nhận thức được rằng cảm thọ khổ chỉ do nhân duyên mà khó, nên nhiếp tâm vào câu niệm Phật "Hít vô A Di; Thở ra Đà Phật" nhẹ nhàng theo từng hơi thở thì cơn giận liền tan biến, không thể phát ra lời nói hay hành động sai lầm. Như vậy là dừng được sự tạo nghiệp.

Chỉ một câu "A Di Đà Phật" làm dừng được mọi vọng tưởng điên đảo, chấm dứt được dòng luân hồi trong tâm niệm. Tâm luân hồi chấm dứt, thì thân luân hồi nhất định cũng chấm dứt. Thân luân hồi đã chấm dứt thì liền được giải thoát.

Chỗ quan trọng của sự tu hành là phải tu từ cái gốc ở bên trong. Thấy được tận cùng nguồn gốc giả dối, không thật thì dụng công tu hành sẽ rất nhẹ, mà được rất nhiều lợi ích.
CÁC PHÁP RỖNG KHÔNG
Trong Trung Luận, ngài Long Thọ nói:
  • Các pháp do nhân duyên sanh, nên tôi nói đó là không. Chưa từng có một pháp, không từ nhân duyên sanh. Thế nên tất cả pháp, thảy đều là không cả.
Tất cả sự vật đều nương tựa nhau, không thật chủ, cho nên là không. Nhưng cũng không phải là không có, mà là không thật.

Đứng trước một sự việc không như ý, chúng ta phải sáng suốt suy xét, biết rõ tất cả đều là do duyên hợp giả tạm, mộng huyễn không thật. Chỉ nhiếp tâm trở về với danh hiệu Phật, thì tâm tự nhiên nhẹ nhàng, tu hành rất khỏe.

Còn nếu thấy việc đó là thật, người kia là sai..., rồi cố gắng đè nén để bỏ qua. Cứ gượng gạo kềm chế như vậy một, hai lần đến lần thứ ba thì không chịu được nữa thì nó bung ra dữ dội hơn lúc trước.

Đó là tu hành theo kiểu đè nén, kềm hãm.

Kinh điển Đại thừa thường dạy chúng ta quán chiếu:
  • Tất cả pháp giống như trăng đáy nước, giống như bóng trong gương, giống như sóng nắng giữa trưa hè.
Vào đêm Rằm, khi nhìn xuống ao hồ hay nhìn vào lu nước trong để ngoài trời, thì thấy có bóng trăng dưới đáy nước rất đẹp. Chúng ta cố lấy tay để vớt bóng trăng ở đáy nước, nhưng nào có nắm được gì?

Cho nên trong Kinh thường ví dụ:
  • Vượn si mò trăng chỉ là phí sức. Nai khát đuổi theo sóng nắng chỉ nhọc nhằn.
Chúng ta có thường "mò trăng đáy nước" không? Từ hành động, lời nói cho đến vật chất sử dụng hàng ngày, chúng ta đều nhìn thấy là thật, là bền nhưng liệu có nắm được mãi hay không?

Thân này còn giữ không được, thì nói chi mấy thứ giả tạm ở bên ngoài. Nếu cứ rong chạy mãi, không chịu dừng lại thì càng thêm đau khổ.

Huyền thoại Trung Hoa có nói về Lý Bạch rất yêu trăng. Ông ta thích ngắm trăng đêm rằm, cho nên những áng thư văn của ông có nhiều bài nói về trăng. Theo truyền thuyết, cuối cuộc đời, ông cố mò bắt bóng trăng dưới đáy nước mà không được, nên ôm hận mà chết ở giữa dòng sông.

"Lý Bạch ôm trăng chết giữa dòng sông" chưa hẳn là một giai thoại. Nếu chịu khó xét lại từ lúc nhỏ cho đến khi lớn, chúng ta có biết bao nhiêu lần "mò được trăng" rồi? Thấy như có được, mà không thể giữ được, không phải có cũng chẳng phải không, cho nên gọi là huyễn.

Khi đi giữa đường lộ vào những buổi trưa hè có nhiều nắng, do sức nóng mặt trời phản chiếu, nhìn từ xa thấy có những đường lăn tăn giống như những lượn sóng, tưởng rằng có vũng nước. Khi đến gần thì không thấy gì cả, nhưng nếu nhìn ra xa thì lại thấy có vũng nước khác. Đó là do ảo giác mà thấy như có, nhưng thật ra thì chẳng có.

Trong Kinh dùng hình ảnh con nai khát nước, cố chạy theo sóng nắng. Nó nhọc nhằn chạy đuổi hoài, chạy mãi mà vẫn không tìm thấy nước, cho đến khi kiệt sức phải ngã quỵ.

Điều đó chỉ cho tất cả pháp ở thế gian này đều giống như sóng nắng, thấy như là thật có, nhưng chạy đuổi mãi cũng không nắm bắt được gì. Tất cả đều là huyễn hóa, nhưng vì thấy thật có, cho nên phải khổ đau.

Chúng sanh thật là khổ và chúng ta cũng nằm trong số những chúng sanh đáng thương đó!

Mỗi tối, ngồi ngắm trăng và nghiền ngẫm lại cuộc đời của mình từ hồi nhỏ ba tuổi cho đến bây giờ, trải qua những chuyện buồn nhất, những chuyện khổ nhất, những chuyện vui nhất, thì tất như một bộ phim được chiếu lại. Tất cả chẳng khác gì sóng nắng trên đường, bóng trăng đáy nước, không có thật, chỉ là mộng ảo!

Chẳng những quá khứ là mộng, mà ngay hiện tại đang ngồi đây cũng là mộng và việc trong tương lai cũng là mộng, bởi vì bất cứ cái gì cũng đều trôi qua, không thể nắm bắt.

"Tất cả đều là nhân duyên hòa hợp không thật", thấy được như thế là thấy được lý Trung đạo đệ nhất nghĩa của đạo Phật.
NHÂN QUẢ KHÔNG MẤT
Có một điều là, tuy nói mọi thứ đều là mộng huyễn, nhưng nhân quả và nghiệp lực của những việc đã làm thì như hình với bóng, không bao giờ mất

Ví dụ, người này đánh người kia một cái, người kia liền đánh trả lại. Điều ấy cho thấy, tuy sự vật là nhân duyên hòa hợp, giả dối, không thật có, nhưng nhân quả và nghiệp lực không mất. Từ cái nhân ở quá khứ mà có cái quả ở tương lai.

Kinh Duy Ma nói rằng:
  • Không có tạo tác, không có thọ nhận, nhưng nghiệp thiện ác không mất.
Nói tất cả như huyễn là để diệt trừ mê lầm, dẹp phiền não để tiến tu, không phải thấy giả dối, không thật rồi mặc tình buông lung tạo nghiệp, muốn làm gì thì làm. Điều đó thật nguy hiểm.

Khi thấy được mọi vật đều không thật, chỉ là sóng nắng trên đường, bóng trăng đáy nước thì tâm không bị chấp chặc. Không cần phải kìm hãm, đè nén mà việc tu hành rất nhẹ nhàng và mau chóng đi tới chỗ nhất tâm bất loạn.
  • Khi đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên khởi tâm bừng sáng, sạch hết các phiền não, giải thoát, chứng được quả A la hán.
Nếu chúng ta kéo lắng nghe và tu tập thì cũng được lợi ích thực tiễn giống như người xưa./-


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.61 khách