Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

XI. PHẨM HẠNH BỒ TÁT

Khi đó, Ðức Phật đang nói pháp ở vườn cây Am La, vườn ấy bỗng nhiên rộng rãi trang nghiêm, tất cả đại chúng trong pháp hội đều trở thành sắc vàng. Lời kinh muốn diễn tả tâm thức của đại chúng đã rộng mở sẵn sàng đón nhận tư tưởng Ðại Thừa. Người Ấn Ðộ có mầu da nâu hoặc đen, nay chuyển sang da mầu vàng là mầu đẹp đẽ tôn quý, vườn cây trở nên rộng rãi trang nghiêm, ám chỉ sự hoán chuyển nội tâm biến hiện ra bên ngoài, trong tốt thì ngoài cũng đẹp, tinh thần sáng suốt thì tướng trạng vật chất bề ngoài cũng oai nghiêm, Chánh Báo và Y Báo đều tốt đẹp.

I. Pháp môn phương tiện tu hành đặc biệt của chúng sinh cõi Chúng Hương chỉ ăn cơm thơm, ngửi mùi hương ngồi dưới cây hương mà được tam muội đầy đủ công đức của Bồ Tát.

Còn ở cõi Ta Bà cùng các cõi khác thì chư Phật dùng mọi phương tiện tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh địa phương mà làm Phật sự, dẫn dắt chúng sinh đi trên đường chân chánh tu hành.
Có cõi lấy ánh sáng của Phật hoặc thân Phật mà làm Phật sự, có cõi lấy Bồ Tát, lấy cây bồ đề, lấy cơm ăn, lấy mộng huyễn, lấy tiếng nói văn tự, có cõi dùng thanh tịnh vắng lặng... mà làm Phật sự.

Tóm lại, tất cả mọi oai nghi đi đứng ngồi nằm, các việc thi vi nhỏ nhặt của chư Phật đều là Phật sự cả. Ðây là ý nghĩa câu: Tất cả các việc đều là việc Phật, tất cả các pháp đều là Phật Pháp. Mỗi việc, mỗi pháp, dù thuận dù nghịch, nếu khéo dùng đúng thời, đúng căn cơ đều có tác dụng ích lợi để giáo hóa chúng sinh.

Cũng có khi Phật dùng các ma chướng phiền não để làm Phật sự, đây là phương pháp dùng nghịch cảnh để thử thách người tu hành có nhẫn nhục kiên gan bền chí không? Bồ Tát cần phát tâm thanh tịnh vô phân biệt mà làm Phật sự, dù thấy cõi Phật nghiêm tịnh cũng không mừng, không ham muốn kiêu mạn; dù thấy cõi Phật bất tịnh cũng không lo không ngại không chán, lúc nào cũng ngợi khen công đức chư Phật chưa từng có, bình đẳng, chỉ vì giáo hóa chúng sinh tâm tính khác biệt mà phương tiện hiện ra các cõi Phật không đồng.

Phật Ðà, phiên âm chữ Phạn Buddha, dịch nghĩa là Giác Giả, là người đã hoàn toàn giác ngộ, hiểu biết Chân Lý tuyệt đối. Chúng ta thường đọc là Phật hay Bụt.

Tận là pháp hữu vi, Vô Tận là pháp vô vi. Không tận hữu vi, không trụ vô vi thì được giải thoát.

II. Các pháp hữu vi là các việc làm sắc tướng, còn có ý mong cầu, thấy có việc làm, có pháp môn tu, có quả vị chứng. Các pháp vô vi là các việc làm thanh tịnh, không còn chấp sắc tướng, làm mà không thấy làm, vô cầu, vô chứng, vô đắc. Thông thường thì người tu hành lìa bỏ các pháp hữu vi và tu theo các pháp vô vi. Nhưng ở đây, các Bồ Tát không tận hữu vi, là có ý dạy người tu hành đừng khởi tâm phân biệt, cứ an nhiên làm tất cả mọi việc lành tốt để cầu nhất thiết trí, hành các pháp môn để cứu giúp chúng sinh.

Ðó là đứng về phần tướng, không bỏ qua một việc tốt nào mà không làm. Còn không trụ vô vi là tuy tu ba môn Không, Vô Tướng, Vô Tác mà không lạc vào chỗ chấp không; tuy chứng vô sinh mà vẫn không chấp có tu có chứng. Tuy biết mọi sự mọi vật vô thường mà vẫn làm các việc lành, tuy biết cuộc đời là khổ mà vẫn không ghét sinh tử, tuy biết chúng sinh vô ngã mà vẫn dạy dỗ dắt dìu...

Ðây là người đã kiến tánh, nhưng vẫn không lìa tướng, vẫn tu vẫn hành, lìa hai bên chấp có chấp không, giữ vững lý trung đạo. Ðứng về tướng, chẳng chấp có nhưng không bỏ một việc phước nhỏ;

Đứng về tánh, chẳng chấp không mà vẫn làm các hạnh lành, tu mọi pháp thiện. Ðức Phật thường răn dạy các đệ tử đừng khinh chê phước nhỏ mà không làm, một bữa nọ, trên đường đi thuyết pháp, Phật dừng chân xỏ kim giùm một bà lão kém mắt, nói vài lời mộc mạc khuyên bảo mấy em nhỏ chăn trâu; cộng nhiều phước nhỏ thành phước lớn, nếu chê phước nhỏ không làm, lấy đâu phước lớn, nhưng làm mọi việc lành mà không chấp, không mong cầu thì mới là tốt. Tuy quán Không, biết mọi sự mọi vật là giả huyễn, nhưng không vì vậy mà chẳng chịu làm gì, thấy việc lành là làm, thấy ai cần là giúp, đó là lòng Ðại Bi của chư Bồ Tát. Làm được mọi việc lợi ích chúng sinh mà lòng không chấp trước, không mong cầu, đó gọi là Bồ Tát không tận hữu vi, không trụ vô vi. Ðó gọi là pháp môn Tận, Vô Tận Giải Thoát.

III. Kết luận

Ðoạn kinh này chỉ dạy người tu đừng quá thiên về Lý mà bỏ Sự, đừng quá nghiêng về Tánh mà quên Tướng, vẫn làm các Sự Tướng mà không rời Lý Tánh, thì công phu tu hành mới gọi là viên dung, sớm thành Phật Ðạo. Nhưng sau khi đã thành tựu mọi công đức, dứt trừ vi tế vô minh, Bồ Tát sắp bước vào cửa Phật, đưa mắt nhìn xuống cõi trần thấy chúng sinh còn đang ngụp lặn trong bể khổ trầm luân mong được cứu vớt, Ngài ung dung tự tại quay gót trở lại trần gian với nụ cười đầy từ bi hỷ xả, phát nguyện lớn độ hết chúng sinh rồi Ngài mới thành Phật. Vô ngã lợi tha, quên mình vì người, đó là Hạnh Bồ Tát. Do đó phẩm này được đặt tên là Hạnh Bồ Tát.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

XII. PHẨM THẤY PHẬT A SÚC

ASúc là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Bất Ðộng. Phật A Súc là Pháp Thân chẳng sinh diệt, chẳng tới lui, vắng lặng thường còn, chẳng hề động chuyển, nên gọi là Bất Ðộng.

I. Ðức Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng: Muốn thấy Như Lai thì lấy gì quán sát?

Như Lai, theo nghĩa hẹp là Ðức Phật Thích Ca hoặc chư Phật mười phương, nghĩa rộng là cái gì như như bất động, không sinh không diệt, không tới không lui, là Bản Thể, là Thật Tướng, là Pháp Tánh của mọi sự mọi vật, là nguồn gốc của mọi loài từ đó mà sinh ra, là cái Không sinh ra cái Có, là Chân Lý cao siêu tuyệt vời huyền diệu vô cùng vô tận.

Trong Kinh Kim Cang có câu: Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, nghĩa là những vật gì có hình tướng đều là giả dối hư huyễn, nếu thấy được cái Phi Tướng tức tướng Không nằm ẩn trong hình tướng bên ngoài thì thấy được Như Lai, thấy Chân Lý.

Ở đây, ông Duy Ma Cật cũng nói giống như vậy: Muốn thấy Như Lai phải quán Thật Tướng, lìa phân biệt hư vọng, rời hai bên đối đãi, phá năm ấm bốn đại, không bờ này bờ kia, chẳng dòng sông phiền não, không sạch không nhơ, không lớn không nhỏ, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng trí chẳng ngu, chẳng thủ chẳng xả, chẳng dùng lời nói diễn tả được, đó là quán sát chân chánh (chánh quán), nếu quán khác thì gọi là tà quán.

Ðứng về hình tướng thì có sinh có diệt, nhưng đứng về Thể Tánh thì sinh diệt là pháp giả dối huyễn hóa. Chết là tướng bại hoại của pháp hư dối để rồi lại tiếp tục sinh hóa, mà sinh cũng là tướng tương tục của pháp hư dối mà thôi, chẳng có gì thật là sinh, thật là diệt cả. Ví như nước và sóng. Khi lặng là nước, khi động là sóng, hết động trở lại là nước, trước sau vẫn là nước, động tịnh là những hiện tượng giả huyễn tạm thời.

II. Huyền nghĩa của đoạn kinh này là chúng sinh nào muốn trở về Bản Tâm như như bất động thì phải bỏ qua những tướng trạng bên ngoài mà quay về thâm nhập Thật Tướng bên trong.

Chúng sinh thường chỉ tin tưởng vào những gì mắt thấy tai nghe và những sự việc vật chất do giác quan tiếp thụ, còn những gì siêu việt do Tâm cảm nhận thì không tin. Ông Duy Ma Cật dùng thần thông đem nước Diệu Hỷ để vào cõi Ta Bà khiến cho chúng sinh thấy và phát lòng tin rằng ngoài cõi Ta Bà còn có nhiều cõi nước khác nhiều cảnh giới tốt đẹp nhiệm mầu, nhưng đều không ngoài Tâm mà có. Duy Ma Cật được dịch là Tịnh Danh hoặc Tịnh Tâm. Ông Duy Ma Cật đem nước Diệu Hỷ cho chúng sinh thấy, nghĩa là phải giữ tâm thanh tịnh, như như bất động, phải tu Ðịnh thì trí huệ phát sinh, thấy được sự thật huyền diệu an vui (nước Diệu Hỷ của Phật Vô Ðộng). Muốn tới đó thì phải bỏ lòng chấp trước ích kỷ hẹp hòi tán loạn điên đảo mà quay về với Tâm Bất Ðộng, chính Tâm này là Bản Thể nguồn gốc sinh ra mọi sự mọi vật, là Chân Không phát sinh Diệu Hữu.

III. Học kinh và hành trì như thế nào?

Nghe, tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giải nói Kinh này là tốt lắm, nhưng quan trọng hơn hết là phải đúng như pháp mà tu hành. Nếu không tu hành đúng như pháp thì chỉ là học suông, chỉ có bề ngoài, chỉ có học mà không tu thì khác gì cái đãy đựng sách, cái tủ sách đầy bụi, không lợi ích cho ai cả. Ðã học rồi thì phải hành, mà phải hành đúng như pháp, nghĩa là đúng Chân Lý, đúng luật Phật, hợp thời hợp cơ, tùy hoàn cành, tùy phương tiện, miễn làm sao lợi người lợi mình, tự giác giác tha, cùng nhau đi trên đường giác ngộ và giải thoát. Phật dạy gì ta làm nấy, Pháp dạy thế nào ta theo nấy, Tăng sống hòa hợp thanh tịnh như thế nào ta bắt chước nấy, bất cứ làm việc gì cũng chỉ vì cứu giúp chúng sinh, không mong cầu, không ích kỷ ngã chấp, không chứng không đắc đó là đúng như pháp mà tu hành vậy.

Cúng dường những người tu hành như vậy tức là cúng dường chư Phật, vì người đó đã đi đúng con đường Phật, làm đúng việc Phật, chắc chắn sẽ thành Phật. Tuy còn mang hình tướng chúng sinh nhưng hột giống Phật trong người đó đã nẩy mầm mạnh mẽ, Phật Tánh đã được lau chùi hết bụi, ánh sáng giác ngộ đã chiếu sáng, chẳng bao lâu sẽ ngồi dưới cội bồ đề, đại phá ma quân, thành Ðạo Vô Thượng.

VI. Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh này thì chính là trong nhà người ấy có Như Lai. Kinh là Pháp Bảo, là báu vật đưa chúng sinh từ mê tới ngộ, từ phàm tới Thánh, tới Phật cho nên trong nhà có kinh này được gọi là nhà có Như Lai. Kinh Pháp Bảo là nhân mà Như Lai, Phật Bảo là quả. Nhưng điều cần yếu là thọ trì rồi y theo nghĩa lý trong kinh mà thực hành thì mới có lợi, chứ chẳng phải chỉ đọc tụng như con vẹt mà không hiểu huyền nghĩa ẩn ý của kinh, không thực hành đúng đắn lời kinh thì dù trong nhà có thiên kinh vạn quvển, bìa dầy chữ vàng, cũng chẳng có Như Lai.

V. Người nghe kinh này mà tùy hỷ thì sẽ được đến bậc Nhất Thiết Trí. Tùy hỷ là vui theo. Thấy người khác được lợi lạc mà mình không có lòng ganh ghét đố kỵ, lại vui theo, mừng cho người ấy thì được gọi là tùy hỷ. Sau khi vui theo rồi, mình cần bắt chước người đó mà tu hành thì rồi cũng phát huy được cái trí huệ sẵn có của mình, biết được tất cả mọi sự mọi vật một cách đúng như thật, đúng Chân Lý, trí huê sáng suốt đó gọi là Nhất Thiết Trí.

Cho đến người nào chỉ tin hiểu kinh này cho đến một bài kệ bốn câu rồi giải nói cho người khác nghe, phải biết người đó được thọ ký quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Kinh sách có câu: Lòng tin là mẹ sinh ra chư Phật. Phải có lòng tin ba ngôi báu Phật Pháp Tăng để trở về nương tựa (quy y) và tinh tấn tu hành thì sẽ được thành Phật. Thiếu lòng tin thì không có cơ sở vững chắc mà xây dựng tòa nhà tinh thần, muốn ở nhà lầu cao đẹp mà không đặt nền móng cho tốt, cho ngay thẳng thì dễ bị sụp đổ.

VI. Chánh tín thế nào?

Nhưng không phải ai nói gì cũng tin, thấy gì cũng tin, tin càn tin bướng, tin tà ma quỷ quái, mà phải có lòng tin chân thật gọi là Chánh Tín, tin lẽ phải, tin luật nhân quả, tin lý vô thường, vô ngã, tin theo gương sáng của Phật, tin theo lời Phật, kinh Phật tức là Pháp, tin theo đời sống thanh tịnh hòa hợp của chư Tăng, lòng tin là điều kiện thứ nhất trong ba điều kiện thiết yếu được vãng sinh về cõi Cực Lạc của Ðức Phật A Di Ðà (Tín, Nguyện, Hạnh).

VII. Kết luận:

Sau khi tin rồi thì cần phải học hiểu cho rõ lời Phật , nghĩa Kinh gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhất là thâm ý ẩn tàng trong Kinh, chư Tổ thường đạy đọc kinh cầu lý là thế đó.

Tin hiểu rồi thọ trì nghĩa là nắm vững lý kinh một cách chắc chắn sâu xa bền vững không còn sai lầm, rồi đem giải nói cho những người khác nghe, nghĩa là tự giác rồi thì phải giác tha, chẳng bao giờ ôm lòng ích kỷ, mà lúc nào cũng muốn làm lợi ích cho người khác. đó là tâm niệm của Bồ Tát chỉ nhắm việc lợi tha, nhân lành đó đưa đến quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, là quả vị Phật cao tột.

Kinh điển Ðại Thừa rất nhiều, cao siêu rộng lớn, nhưng chì dùng một bài kệ bốn câu giải nói cho người khác nghe mà được lợi ich lớn lao như vậy, vì giúp người khác nghe rồi tin hiểu thọ trì, cũng như đánh thức người đó tỉnh giấc chiêm bao, tỉnh rồi thì không mê nữa, mình chỉ đánh thức một lần là đủ, chĩ dùng bốn câu kệ là đã tạo duyên lành, mở đầu cho hột giống Phật trong người đó nẩy mầm, rồi lần lần đơm hoa kết quả. Kẻ nói người nghe Kinh này đều được thọ ký, chúng sinh đời sau tu hành theo kinh này cũng được thọ ký, bộ kinh này thật là Pháp Bảo vô giá vậy.
Sửa lần cuối bởi Thien Nhan vào ngày 18/08/12 08:39 với 1 lần sửa.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

XIII. PHẨM PHÁP CÚNG DƯỜNG

I. Pháp, dịch nghĩa chữ Phạn Sanskrit Dharma hoặc chữ Pali Dhamma, có nhiều nghĩa hết sức rộng rãi. Cổ đức thường định nghĩa Pháp là: Nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải, nghĩa là nắm giữ tự tánh vật nào đi vật đó, có những quy tắc riêng biệt để phát sinh lời giải thích của vật đó. Thí dụ: Cái bàn hình chữ nhật hoặc vuông hoặc tròn, bằng gỗ hoặc sắt hoặc đá, có bốn chân, dùng để bầy sách vở hoặc bát đĩa ăn cơm, ai thấy cũng biết ngay là cái bàn. Vậy cái bàn là một pháp.

Không những pháp là những vật có hình tướng, có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm được, mà những vật không hình tướng như tham giận buồn vui, khổ sướng, các tư tưởng cao siêu hoặc thấp hèn cũng là pháp, cho đến các vật không có thật như lông rùa sừng thỏ, trứng trâu... cũng là pháp. Tóm lại, mọi sự mọi vật có thật hay tưởng tượng, vật chất hoặc tinh thần đều là pháp.

Nhưng chữ Pháp ờ đoạn kinh này chỉ có nghĩa là lời dạy của chư Phật, là các kinh điển cao quý nhiều lợi ích, là các pháp môn tu hành đưa chúng sinh tới bờ giác.

II. Cúng dường là lối đọc trệch của hai chữ Cung Dưỡng. Cung là cung cấp, lo cho đầy đủ. Dưỡng là nuôi lớn. Cung dưỡng là cung cấp vật thực để nuôi lớn thân tâm. Ngoài lương thực, tiền bạc, quần áo, thuốc men, nhà ở, vật dụng để nuôi thân, còn có kinh kệ sách vở, lời khuyên dạy, nếp sống thanh cao để làm gương... để nuôi lớn tâm tánh, tất cả đều là vật cúng dường. Tại sao lại đọc trệch ra cúng dường? Vì hai chữ cung dưỡng chỉ có ý nghĩa tầm thường như con cung dưỡng cha mẹ, người dưới cung dưỡng người trên các thức ăn vật chất để nuôi thân cho no ấm mà thôi, không có vấn đề khuyến khích tu hành, tu tâm dưỡng tánh.

Dùng chữ cung dưỡng e tầm thường thấp thỏi quá nên người xưa đọc trệch ra cúng dường để tỏ bầy lòng tôn kính ngôi Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Cúng dường bao gồm mọi sự hy sinh tiền bạc, vật thực, thời giờ, sức khỏe, có khi luôn cả thân thể và sinh mạng nữa. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ Tát, ngài Hỷ Kiến Bồ Tát đốt tay rồi đốt thân để cúng dường Phật.

Năm 1963 tại Sài Gòn, Bồ Tát Thích Quảng Ðức tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và nguyện dùng ngọn lửa từ bi soi sáng nhà cầm quyền lúc đó đừng kỳ thị tôn giáo. Ðây là những tỷ dụ nói lên sự hy sinh cao cả, quên thân mình, vì chúng sinh.

III. Cúng dường có hai thứ:

1) Tài cúng dường, gồm tiền bạc, vật thực, quần áo, thuốc men....
2) Pháp cúng dường.

Tài cúng dường đem lợi ích an lạc cho thân. Pháp cúng dường đem lợi ích an lạc cho tâm. Pháp cúng dường có nhiều cách, nhiều ý nghĩa từ thấp lên cao:

1) In kinh, dịch sách Phật để ấn tống, truyền bá Pháp Bảo.
2) Nghe lời Phật dạy, tin hiểu, thọ trì, giải nói, thuyết pháp độ sinh.
3) Truyền dạy các pháp môn tu hành như niệm Phật, tu thiền, trì chú, tụng kinh, để mọi người y pháp tu hành.
4) Tinh tấn tu hành, giữ gìn Chánh Pháp, trưởng dưỡng Pháp Thân, tiếp nối ngôi Tam Bảo.
5) Theo Kinh Hoa Nghiêm, Pháp cúng dường là cúng dường bằng cách sống và làm theo lời Phật dạy để lợi ích và hóa độ chúng sinh, chịu thay thế hết thảy đau khổ cho chúng sinh, siêng tu thiện căn, không rời sự nghiệp Bồ Tát, không bỏ Tâm Bồ Ðề rộng lớn. Thực hành cúng dường như vậy mới là chân thật cúng dường, đó là Pháp Cúng Dường bậc nhất.
6) Hy sinh tất cả mọi sự mọi vật để đạt tới Chân Lý, rồi đem Chân Lý ra truyền bá cứu giúp mọi loài chúng sinh khiến họ bỏ dữ làm lành, được giác ngộ giải thoát, đó là pháp cúng dường cao cả nhất.

VI. Thích Ðề Hoàn Nhân bạch Phật, tán thán Kinh này và phát nguyện cúng dường ủng hộ những người nào tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giải nói kinh này. Ðức Thế Tôn khen ngợi vị Trời này và dạy thêm: Kinh này rộng nói đạo vô thượng chánh đằng chánh giác bất khả tư nghị của chư Phật quá khứ, hiện lại và vị lai. Nếu ai thọ trì đọc tụng cúng dường Kinh Pháp này thời chính là cúng dường chư Phật quá khứ, hiện tạì và vị lai vậy.

Thích Ðề Hoàn Nhân, phiên âm chữ Phạn Sakya Devanam Indra, dịch là Ðế Thích, một vị Trời cai quản cõi Trời Ðạo Lợi, thuộc Dục Giới. Vị Trời này thường hay tới nghe Phật thuyết pháp hiện thân ra tán thán, phát nguyện hộ trì Phật Pháp.

Bất khả tư nghị tự tại thần thông quyết định Thật Tướng là bộ kinh diễn tả Thật Tướng, Bản Thể, Chân Lý một cách cao siêu không thể nghĩ bàn được, nếu ai thực hành đúng theo thì nhất định có được thần thông tự tại nghĩa là tự do quyết định sự đi lại ra vào ba cõi, không còn bị sinh tử luân hồi chi phối nữa.

Ðức Phật so sánh tài cúng dường nghĩa là dùng tiền bạc, vật thực, bảy báu, dựng tháp cúng dường vô lượng chư Phật trong nhiều kiếp... không bằng Pháp cúng dường. Tại sao? Tài cúng dường dù lớn lao đến đâu chăng nữa cũng chỉ đem lại phước báo hữu lậu nơi cõi Trời và người, khi hết phước báo vẫn còn phải chịu luân hồi sinh tử.
Tài cúng dường chỉ gieo nhân tốt để rồi hưởng quả lành là phước báo nơi thân, còn pháp cúng dường làm nẩy sinh công đức vô lậu nơi Tâm, đưa đến quả vị giác ngộ và giải thoát.

Phước báo và công đức khác nhau rất xa, như tích truyện giữa Tổ Sư Bồ Ðề Ðạt Ma và Vua Lương Võ Ðế đã nói rõ. Phước báo có hạn lượng, dù lớn bao nhiêu cũng có lúc hết, còn công đức tức là quả Bồ Ðề thì không có hạn lượng, không tính đếm được. Do đó, pháp cúng dường cao quý hơn tài cúng dường rất nhiều.

V. Đức Phật nói thêm với vị Vua Trời: Về quá khứ: có Phật hiệu là Dược Vương ra đời, có Vua Bảo Cái cúng dường Ðức Phật các đồ cần dùng mãn năm kiếp, rồi bảo ngàn người con cũng phải đem thân tâm cúng dường Phật. Các con vâng lời, trong đó có môt người con tên là Nguyệt Cái suy nghĩ có việc cúng dường nào thù thắng hơn không? Trên hư không có tiếng nói: Pháp cúng dường là hơn hết.

Vương Tử Nguyệt Cái không biết liền đến hỏi thì được Phật Dược Vương dạy rằng: Pháp cúng dường là kinh thâm diệu của chư Phật nói ra, là ấn Ðà La Ni, trên hết các kinh, nếu ai nghe tin hiểu thọ trì đọc tụng phân biệt giải nói chỉ bày rành rẽ cho chúng sinh, giữ gìn Chánh Pháp, đó gọi là Pháp cúng dường. Nắm vững lý bốn đế, mười hai nhân duyên, vô thường vô ngã, y theo bốn điều (Tứ Y), đó là pháp cúng dường thù thắng hơn hết.

Vương Tử Nguyệt Cái nghe pháp xong liền cởi áo đẹp và đồ trang sức nơi thân đem cúng dường Phật Dược Vương, được thọ ký sau này giữ gìn được thành trì Chánh Pháp. Vương Tử Nguyệt Cái liền xuất gia tu hành, hóa độ trăm muôn ức ngườì, chính là tiền thân của Ðức Thich Ca.

Nguyệt Cái là cái lọng hình tròn như mặt trăng, các Vua Quan dùng để che mưa nắng bụi bậm. Bảo Cái là lọng lớn hơn, quý hơn, tượng trưng cho Vua Cha, còn Nguyệt Cái nhỏ hơn, tượng trưng cho người con.

Lọng chịu đựng cho nắng mưa gió bụi bám vào để che chở cho Vua Quan; Vương Tử có tên là Nguyệt Cái là có ý nói vị Vương Tử này tu hạnh nhẫn nhục, chịu đựng mọi khổ não thử thách để giữ gìn Chánh Pháp.

Vị này cởi áo đẹp và đồ trang sức nơi thân để cúng dường Phật, tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Phật Dược Vương đâu có cần dùng các y phục và đồ trang sức, đây có ý diễn tả Vương Tử Nguyệt Cái hy sinh tất cả tài sản quý báu cùng các thú vui vật chất từ trước vẫn cột chặt nơi thân, nay đem bỏ đi để đổi lấy Chánh Pháp của Phật, tu hạnh nhẫn nhục để hàng phục mọi ma oán, cám dỗ của năm sự ham muốn (ngũ dục lạc): tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nghỉ, vị Vương Tử này đã bỏ những thú vui vật chất nơi thân để được những công đức nơi Tâm, giữ gìn và truyền bá rộng rãi Chánh Pháp của Phật, hóa độ vô lượng chúng sinh, trải qua nhiều đời nhiều kiếp được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

VI. Ðức Phật Thích Ca kết luận: Này Thiên Ðế, Pháp cúng dường là thù thắng cao cả hơn hết trong các việc cúng dường, không gì sánh kịp, các ông phải lấy Pháp cúng dường mà cúng dường các Đức Như Lai. Thực hành Pháp cúng dường là gieo nhân lành đưa đến quả vị Phật hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.

Ẩn ý của phẩm này là đề cao Pháp cúng dường, nghĩa là đem Chánh Pháp ra cúng dường. Cúng dường ai? Phật đâu cần chúng ta cúng dường, Ngài chỉ muốn chúng ta đem Chánh Pháp ra hoá độ chúng sinh, vì cứu giúp chúng sinh tức là cúng dường mười phương chư Phật.

Cúng dường chư vị Tăng Ni chăng? Dâng cúng tiền bạc, quần áo, thuốc men, giường nằm dĩ nhiên sẽ đem lại phước báo, nhưng nhân vật chất hữu lậu chỉ đem lại quả vật chất hữu lậu mà thôi, thí dụ: được giầu sang, mạnh khỏe, danh vọng, sống lâu... nhưng khi hưởng hết phước thì lại theo dòng đời trôi chảy mà chịu quả báo luân hồi.

Đừng nghĩ rằng đem tài vật cúng dường chư vị Tăng Ni là đủ rồi, chư vị đó sẽ cứu độ cho mình thoát khỏi cảnh khổ, được nhiều hạnh phúc an lạc. Như trên đã nói, tài cúng dường đem lợi lạc cho thân, mà thân thì vô ngã vô thường, không bền lâu, chỉ có Pháp cúng dường mới đem lại công đức cho Tâm, nhân vô lậu đem lại quả vô lậu, không có hạn lượng.

VII. Muốn thực hành Pháp cúng dường không phải dễ, không phải chỉ in kinh, đọc kinh, giải nghĩa kinh, mà phải sống theo kinh, mang tự lực ra tu hành các pháp môn chân chánh, nhẫn nhục chịu đựng nhiều thử thách đắng cay, phát Tâm Bồ Đề quên mình vì chúng sinh, chẳng cầu phước báo Trời người mà chỉ phát nguyện mở mang trí huệ để hóa độ chúng sinh; thực hành Pháp cúng dường còn phải hy sinh nhiều thứ quý báu của mình, có khi mất một phần thân thể hoặc tính mạng nữa, có bỏ cái này mới có cái kia, có bỏ của báu thế gian mới có của báu xuất thế gian, bỏ phước báu Trời người để vào trí huệ Hiền Thánh, bỏ sinh tử đổi lấy Niết Bàn, bỏ tự lợi để rộng truyền Chánh Pháp...

Người nào thực hành được Pháp cúng dường như thế là đi đúng con đường của chư Phật, chư Bồ Tát đã đi, tiếp nối hạnh nguyện của bậc Thánh Hiền là tiếp tục thắp sáng ngọn đèn trí huệ chỉ đường cho chúng sinh thoát kiếp luân hồi, đi về nẻo giác.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

XIV. PHẨM CHÚC LỤY

Chúc là phú chúc, phó chúc, dặn dò chỉ bảo.
Lụy là gánh vác nặng nhọc.

I. Chúc lụy là dặn dò người sau tiếp tục gánh vác công việc nặng nhọc. Ðức Phật đem bộ kinh quý (Pháp Bảo) này trao cho các đệ tử dặn bảo họ giữ gìn cẩn thận, dù cực nhọc cũng phải cố gắng để truyền bá trong các đời sau này.

Ðây là lời kết luận một bộ kinh, Ðức Thế Tôn ân cần dặn bảo các đệ tử phải thay Phật mà lưu truyền kinh này không để thất lạc. Ðây là lời cuối của Ðức Phật nói trong mỗi bộ Kinh, có khi Ngài rời sang chỗ khác, có khi Ngài sắp nhập Niết Bàn, nên lời phú chúc lúc chia tay bao giờ cũng cảm động, lòng Phật thương chúng sinh như mẹ hiền thương con nhỏ, rộng rãi bao la như biển cả. Ngài dặn dò chỉ bảo thật chu đáo thắm thiết ân nghĩa, mong các đệ tử ghi nhớ mà thực hành.

Bồ Tát Di Lặc là người được Ðức Phật Thích Ca thọ ký sẽ tiếp nối Ðức Thích Ca đắc quả vị Phật trong một đời nữa, kế thừa Ðức Thích Ca để giáo hóa chúng sinh cõi Ta Bà. Ðây chính là lời người đi trước căn dặn người đi sau vậy.

II. Có hai hạng Bồ Tát:

1) Bồ Tát mới học gọi là Bồ Tát sơ pháp tâm, chưa thâm nhập Bồ Tát Ðạo, còn ưa những câu văn hay đẹp.
2) Bồ Tát tu hành đã lâu, không nhiễm trước nơi kinh điển thậm thâm, không sợ sệt, hiểu rõ nghĩa lý rồi thanh tịnh thọ trì đúng như lời kinh mà tu hành.

Không nhiễm trước là không đắm nhiễm chấp trước vào văn tự ngữ ngôn. Ðây là ý Phật muốn dạy các đệ tử hãy nương theo nghĩa lý cao siêu chứ đừng nương theo câu văn lời nói (Y Nghĩa Bất Y Ngữ). Kinh Phật dùng nhiều tỷ dụ ám chỉ nghĩa bóng răn đời, người đọc cần tìm ra nghĩa ẩn mà tin hiểu thực hành. Ví như người ăn mía, chỉ nhai mía uống nước ngọt rồi nhả bã ra, chỉ lấy phần cốt yếu mà bỏ qua phần xác xơ.

Ðến đây, Ðức Phật e các người theo Bắc Tông có lòng kiêu mạn khinh chê phái Nam Tông nên Ngài dạy thêm để hòa hợp hai phái:
1) Ðừng khinh chê các Bồ Tát mới học, mà cần phải dạy bảo họ.
2) Dù đã tin hiểu pháp thậm thâm, nhưng đừng chấp tướng phân biệt cao thấp.

Chỉ có một giáo pháp duy nhất là Nhất Thừa Phật Ðạo, nhưng Phật đã phương tiện chia là hai, làm ba đoạn đường nối tiếp và bổ túc cho nhau. Chỉ có một hạng đệ tử Phật, tất cả đều là con Phật, dù là Bắc Tông hay Nam Tông, dù là xuất gia hay tại gia. Ðừng đem lòng chấp tướng phân biệt mà quên cái Bản Tánh Nhất Như Bình Ðẳng.

Bồ Tát Di Lặc nhận lời phú chúc của Ðức Thích Ca, quyết định xa lìa các lỗi chấp trước và hứa sẽ giúp người đời sau nhận được giáo lý Ðại Thừa, ghi nhớ thọ trì đọc tụng diễn nói cho người khác, đó là tự giác giác tha.

Các Bồ Tát và bốn vị Thiên Vương đều chắp tay vâng lời Phật dạy, nguyện gìn giữ và truyền bá kinh này, ủng hộ chúng sinh đời sau nghe hiểu, suy ngẫm và tu hành (Văn, Tư, Tu) để được lợi ích an vui.

Ngài A Nan được nghe hiểu, thọ trì rồi nói lại, nhờ vậy bộ kinh này được lưu truyền tới các đời sau. Ðức Phật đặt tên Kinh này là Duy Ma Cật Sở Thuyết, cũng gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn.

Trưởng Giả Duy Ma Cật, các Ngài Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, A Nan... và các hàng Trời người, A tu la, tất cả đại chúng nghe lời Phật nói đều rất vui mừng, cung kính tin nhận vâng lời làm theo.

Ðây là phần lưu thông chấm dứt quyển kinh, mọi hàng thính giả đều hoan hỷ phụng hành.


Đồng Nát
Bài viết: 2529
Ngày: 29/06/11 10:05
Giới tính: Nam
Đến từ: TP.Ho Chi Minh

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Đồng Nát »

Chào Thien Nhan,
Thiện hữu hoan hỉ cho Đồng Nát vì chen ngang vào đưa ý kiến ở bên trên.
Kính chúc an lạc và thành tựu pháp học tangbong


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

TỔNG KẾT I.

Tiểu sử Kinh Duy Ma Cật thuộc thời Phương Ðẳng là giao thời giữa Thượng tọa bộ và Ðại chúng bộ, phá chấp các tướng trạng để bước sang thời Bát Nhã.

Theo sự phân chia của Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư thì có năm thời kỳ thuyết pháp của Ðức Phật:

1. Thời Hoa Nghiêm dài 21 ngày: Ngay sau khi thành Ðạo, Ðức Phật Thích Ca đem giáo lý tối thượng thừa ra giảng, cho hàng Ðại Bồ Tát hiểu được.

2. Thời A Hàm, dài 12 năm: Ðức Phật phải phương tiện giảng giáo lý từ thấp lên cao, tạm chia Phật Thừa ra làm ba thừa để thích hợp với căn cơ chúng sinh.

3. Thời Phương Ðẳng hay Phương Quảng, dài 8 năm: Ðức Phật chuyển giáo lý Nguyên thủy bước sang Giáo lý phát triển. Kinh Duy Ma Cật thuộc thời này.

4. Thời Bát Nhã, dài 22 năm: Ðức Phật phá mọi chấp trước để hiển lộ lý KHÔNG, đề cao trí huệ sẵn có của các chúng sinh.

5. Thời Pháp Hoa và Niết Bàn, dài 8 năm: Ðức Phật quy ba thừa về Nhất Thừa hay Phật Thừa, bỏ phương tiện để đạt cứu cánh.

Kinh này được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, do nhiều soạn giả lưu truyền.

1) Bộ thứ nhất được gọi là Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh, do Ngài Trí Khiêm đời Ngô dịch.
2) Bộ thứ hai được gọi là Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh hay Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Kinh, do Ngài Cưu Ma La Thập đời Diêu Tần dịch.
3) Bộ thứ ba được gọi là Thuyết Vô Cấu Xứng Kinh, do Ngài Huyền Trang đời Ðường dịch.

Trong ba bản dịch trên, bản của Ngài Cưu Ma La Thập được phổ cập hơn cả, vì Ngài dịch rất sát nghĩa, văn chương trang trọng lưu loát sáng sủa như ngọc lưu ly, mỗi chữ mỗi câu như thêu hoa dệt gấm; ngoài giá trị của một pháp môn giải thoát siêu đẳng, bộ kinh này còn là một tác phẩm văn chương nổi danh trong rừng văn học Phật Giáo.

Bản của Ngài Cưu Ma La Thập được dịch nhiều lần sang chữ Việt, đáng lưu ý nhất là bản dịch của Thượng Tọa THÍCH HUỆ HƯNG xuất bản năm 1951 và đã được tái bản nhiều lần.

Thuyết yếu và phổ cập lại các đoạn của Kinh Duy Ma Cật:

1. KINH DUY MA CẬT GIẢNG GIẢI Hòa Thượng Thích Thanh Từ

2. Và từ phần III. Phẩm đệ tử, thì chúng tôi toát yếu những phần quan trọng tu trì do Nhà xuất bản Thanh Văn, của soạn giả Minh Tâm. ÐƯỜNG TU KHÔNG HAI hay KINH DUY MA CẬT GIẢNG LUẬN. Thuyết nghĩ độc giả muốn cần một bộ Kinh Duy Ma Cật chánh gốc do Quí Thầy giảng lược thì bấm vào các đường links trên đây. Thật cảm ơn.

****************************
Kinh Duy Ma Cật HT giảng: Lý do thứ nhất, vì lòng từ bi bình đẳng của Phật, cho nên bộ kinh này ra đời. Bởi vì trước những thời pháp, những buổi giáo hóa ban đầu, thì tất cả những người tu trong đạo Phật, mà Phật gọi là hàng được giải thoát sinh tử, A La Hán đó. Đều là dành riêng cho người xuất gia. Chỉ người xuất gia tu mới có thể chứng quả A La Hán. Còn hàng cư sĩ tối đa là chứng quả A Na Hàm là cùng. Tức là quả thứ ba trong bốn quả. Chứ chưa có khi nào chứng được A La Hán.

Mục lục

Phẩm I.- 4. HT. giảng: sự liên hệ về Kinh Duy Ma Cật với Thiền tông (Xem trang 01: viewtopic.php?f=32&t=9079#p71430 )

Phẩm II.

5. Tán thán Đức Phật
6. Lý nhân duyên, có và không!
6.1 Giảng nhân duyên, thí dụ về bàn tay.
6.2 Giảng về Vô Ngã
6.3 Thí dụ: Sự vô ngã giữa bản thân và bao tử!
6.4 Thí dụ sự vô ngã giữa thân và vi trùng.
6.5 Thân không có chủ mà có tạo ra nghiệp thiện ác.
6.6 Trắc nghiệm ai là chủ? (Xem trang 02: viewtopic.php?f=32&t=9079#p71593 )

Phẩm III. Thập Đại Đệ Tử Phật.

1. Tôn giả Xá Lợi Phất, Trí tuệ bậc nhất. Sự tướng và tánh về phương pháp tọa thiền. (Xem trang 03: viewtopic.php?f=32&t=9079#p71766 )

2. Tôn giả Mục Kiền Liên, Thần thông đệ nhất. Sự tướng và tánh nói về giảng Pháp. (Xem trang 04: viewtopic.php?f=32&t=9079#p71819 )

3. Đại Ca Diếp, Đầu Đà khổ hạnh bậc nhất. ở Hội Linh Sơn khi Ðức Thế Tôn giơ cành hoa sen, không ai hiểu gì cả, chỉ có ông Ca Diếp mỉm cười, tâm ông cảm thông với tâm Phật, được Phật phó chúc làm Tổ thứ nhất Thiền Tông.
Lý do: Bỏ nhà giàu mà chỉ khất thực nhà nghèo là có lòng từ bi mà không phổ cập, phải trụ pháp bình đẳng mà đi khất thực theo thứ lớp, lần lượt nhà nào cũng đến...
Thể tánh:
3.1 Vì không ăn mà đi khất thực.
3.2 Vì phá tướng hòa hiệp mà bốc cơm ăn.
3.3 Vì không nhận mà nhận món ăn của người.
3.4 Vì tưởng không-tụ mà vào làng xóm.
4.0 Bát tà là ngược lại với Bát Chánh Ðạo.
4.1 Dùng một bữa ăn mà thí cho tất cả. (Xem trang 05 viewtopic.php?f=32&t=9079#p71920 )

4. Tu Bồ Đề, Giải Pháp Không bậc nhất. Ông xuất gia theo Phật, hằng ngày đi khất thực chỉ đến các nhà giàu vì ông nghĩ rằng họ nhiều của cải. Bố thí một chút lương thực không hao tổn là bao.
III. Pháp
VI.Thể tánh về thức ăn là một...
VI.Bồ Ðề hay phiền não
V. Chúng ta đều có Phật Tánh
VI.Tánh văn tự vốn ly tướng
Đại ý đoạn kinh thuật những lời đối thoại giữa Trưởng giả Duy Ma Cật với ông Tu Bồ Ðề là văn tự ngôn ngữ, lời nói âm thanh đều là huyễn hóa, không thật có, không đáng sợ, không nên chấp vào đó, được vậy thì không còn lời qua tiếng lại, mình không nói xấu người mà nếu có ai nói dèm pha mình thì cũng giữ tâm không động, tiêu trừ khẩu nghiệp. (Xem trang 06: viewtopic.php?f=32&t=9079#p71998 )

5. Ngài Phú lâu Na, thuyết pháp bậc nhất
II. Thuyết pháp tùy vào căn cơ người nghe (Xem trang 07: viewtopic.php?f=32&t=9079#p72021 )

6. Tôn giả Ca Chiên Diên, biện tài đệ nhất.
II. Tâm hạnh sinh diệt là tương đối.
III. Trong vô thường có thường, trong thường có vô thường, như vậy mới là Trung Ðạo.
VI. Năm uẩn là không.
V. Ba Pháp ấn
VI. Kết luận: Chủ ý của đoạn kinh này là không nên dùng tâm sinh diệt tương đối của thế gian mà biện luận pháp Thật Tướng tuyệt đối. Cứ tu hành khi nào chứng Chân Lý, nhập Thể Tánh thì tự nhiên biết, không thể diễn tả được. (Xem trang 08: viewtopic.php?f=32&t=9079#p72075 )

7. Tôn giả A Na Luật, Thiên nhãn bậc nhất.
II. Kinh Hành
III. Thiên nhãn là một trong năm loại mắt:
VI. Trưởng giả hỏi về thật tướng Thiên nhãn.
V. Kết luận:Ðại ý đoạn này là ông A Na Luật còn thấy tướng sinh diệt, có trong ngoài xa gần, còn Trưởng giả Duy Ma Cật phá tướng, nói về Thể bất sinh bất diệt, phá cả tướng ngoài lẫn tướng trong, không có hai tướng, hai bên. (Xem trang 09: viewtopic.php?f=32&t=9079#p72111 )

8. Tiểu sử Tôn giả Ưu Ba Ly
II. Giới Luật Đệ Nhất
III. Về thể tánh của luật
VI. Tội là gì?
V. Giữ luật chân chánh
VI. Cần hiểu chữ Không
VII. Tội chia làm hai loại.
VIII. Kết luận: Ông Ưu Ba Ly luận tội phạm giới do việc làm, theo lý tướng, thấy có hai Tỳ Kheo phạm giới, có giới bị vi phạm, có tội phải chịu nhận, lãnh thọ. Còn Trưởng giả Duy Ma Cật thấy tất cả do Tâm phát xuất thì dùng Tâm sám hối sẽ thấy tội tánh vốn Không. Năm uẩn là Không thì tội cũng là Không, là huyễn. Chỉ cần thức tỉnh giác ngộ là giải quyết mọi vấn đề, dĩ nhiên không bao giờ phạm tội nữa, đó là sám hối, đó là giữ luật, đó là khéo hiểu. (Xem trang 10: viewtopic.php?f=32&t=9079#p72122 )

9. Tiểu sử La Hầu La, Mật hạnh đệ nhất.
II. Ðoạn kinh này bàn về việc xuất gia.
III. Có bốn trường hơp xảy ra cho người tu hành:
IV. Phát tâm vô thượng bồ đề
V. Kết luận: Ðoạn này đề cao đường lối tu tại gia. (Xem trang 11: viewtopic.php?f=32&t=9079#p72165 )

10. Tiểu sử Ngài A Nan, Đa văn bậc nhất.
II. Ngài A Nan làm Thị giả.
III. Có nhiều chuyện liên quan tới ông A Nan.
VI. Pháp thân Phật.
V.Kết luận: Ðứng về Tướng và Dụng thì Ứng Thân có bệnh, đứng về Tánh và Thể thì Pháp Thân không bệnh, mà chính là Thật Tướng bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh. (Xem trang 12: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72204 ) Xem mục lục: TỔNG KẾT II.
Sửa lần cuối bởi Thien Nhan vào ngày 18/08/12 11:13 với 2 lần sửa.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Toát yếu: Kinh Duy Ma Cật.

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

TỔNG KẾT II.

Phẩm IV. - Các Bồ Tát tu theo Duy Thức hoặc mới phát tâm đều không bì kịp trí huệ của ông Duy Ma Cật.

I. Tiểu sử Đức Di Lặc.
II. Ðoạn này, Cư Sĩ Duy Ma Cật. Luận về thời gian.
III. Ðoạn kinh sau so sánh Ngài Di Lặc với chúng sinh.
IV. Nếu dùng vô sinh mà được thọ ký.
V. Kết luận: Ngài Di Lặc đứng về Duy Thức mà phân biệt có tốt xấu lành ác, phát tâm và thối chuyển, có tu có chứng, Ngài tượng trưng cho Sai Biệt Trí, còn Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng về Pháp Tánh, Bản Thể thì không còn phân biệt gì nữa, mà thấy tất cả Không Hai (Bất Nhị), tượng trưng cho Căn Bản Trí. (Xem trang 13: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72277 )

I. Nghĩa Đồng Tử:
II. Đạo tràng theo lý tánh
III. Kết luận: Đoạn này là phá cái chấp phải vào chùa mới tu, phải xuất gia mới là đi tu, mà ý muốn nói ở đâu cũng tu được, tu Tâm quan trọng hơn tu hình thức ngoài, Tâm chính là Ðạo Tràng vậy. (Xem trang 14: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72374 )

I. Phật bảo Bồ Tát Trì Thế đi thăm bệnh.
II. Còn trưởng giả Duy Ma Cật biết rõ là ma.
III. Người Việt Nam có Tuệ Trung Thượng Sĩ.
IV. Ðoạn kinh này nhấn mạnh vào điểm Bồ Tát sẵn sàng đi vào mọi nơi, sống trong mọi hoàn cảnh sướng hoặc khổ, nhận cả kẻ oán người thân, mà tâm vẫn tự tại, chỉ nhằm mục đích cứu giúp chúng sinh. (Xem trang 15: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72436 )

I. Trưởng Giả Tử Thiện Đức
II. Nghĩa về Bố thí
III. Bố thí không khởi tâm phân biệt
IV. Nói dễ làm khó
V. Kết luận: Nhờ bố thí không chấp tướng mà thực hành được bốn Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả), bố thí đứng đầu sáu pháp Ba La MậI (Lục Ðộ), vì không chấp trước nên được Tam Luân Không Tịch, bố thí là căn bản nền móng cho việc thực hành Bồ Tát Ðạo, như Bốn Sự Thật Chân Chánh (Tứ Ðế) là căn bản nền móng của giáo lý nhà Phật, cho nên chuỗi ngọc biến thành bốn trụ đài quý báu, chống đỡ tòa lâu đài Chánh Pháp. (Xem trang 16: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72493 )

Phẩm V.- Phẩm Văn Thù Sư Lợi.
II. Phẩm này nói về bệnh của thân.
III. Tướng không đến mà đến.
IV. Cư Sĩ Duy Ma Cật đưa ra câu chào dựa trên lập trường Thể Tánh.
V. Cư Sĩ Duy Ma Cật đứng trên lập trường giác ngộ mà nói.
VI. Tất cả chúng ma và ngoại đạo đều là thị giả.
VII. Sám hối.
VIII. Vẫn biết do tội trước mới có bệnh sau.
IX Thân kiến
X. Gốc bệnh là vô minh.
XI. Bồ Tát có bệnh mà điều phục được tâm mình như vậy thì mới thật là chánh giác.
XII. Ðể tránh ái kiến từ bi.
XIII. Thực hành phương tiện để điều hòa tâm ý.
XIV. Cúng dường Tam Bảo đúng sức đúng thời, thân tâm hoan hỷ thì là phương tiện cởi.
XV. Chúng sinh có nhiều tâm tư ý thích khác nhau.
XVI. Áp dụng đúng phương tiện để tiêu trừ tham sân si thì gọi là có huệ phương tiện.
XVII. Có Huệ Phương Tiện.
XVIII. Thân bệnh cũng có thể làm phương liện.
XIX. Các Bồ Tát có đủ bản lãnh để lấy độc trị độc.
XX. Trong suốt đoạn kinh tiếp theo là nói về 37 phẩm trợ đạo.
XXI Phật Pháp không cố định.
XXII. Kết luận: Huyền nghĩa của Phẩm này là những người tu hạnh Bồ Tát phải điều phục tâm mình trước, rồi hãy đi an ủi hóa độ chúng sinh. (Xem trang 17: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72558 )

Phẩm VI. Phẩm thứ V nói về Ngã Không, Phẩm thứ VI này nói về Pháp Không.
I. Nhà ông Duy Ma Cật.
II. Tâm có nhiều sức mạnh.
III. Nhưng nói về lý thì các Ma Vương chính là thất tình lục dục tiềm ẩn trong tâm khảm chúng sinh (Xem trang 18: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72707 )

Phẩm VII. - Phá chấp ngã chấp pháp, không trụ vào đâu.
I. Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng: Bồ Tát quán sát chúng sinh phải thế nào?
II. Ngài Văn Thù liền hỏi: Nếu chúng sinh không có thật thì tại sao lại phải thực hành bốn Tâm Vô Lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả)?
III. Chúng sinh khác nhau do chịu nghiệp báo gây tạo nặng nhẹ chẳng đồng
IV. Lòng Bi là Bồ Tát.
V. Muốn độ chúng sinh
VI. Ðiều quan trọng là phải giữ Chánh Niệm.
VII. Thiên nữ rải hoa trời.
VIII. Kẻ tăng thượng mạn.
IX. Ngài Xá Lợi Phất hỏi sao Thiên Nữ không chuyển thân nữ thành nam?
X. Kết luận: Không đặng mà đặng: tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, nay giác ngộ thấy mình trở về ngôi vị cũ, có gì là mới đặng đâu. (Xem trang 19: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72710 )

Phẩm VIII.Bề ngoài là nghịch tướng, bề trong là Phật Ðạo, nhưng không còn phân biệt, tất cả là một.
I. Bồ Tát thế nào là thông đạt Phật Ðạo?
II. Thông đạt Phật Ðạo.
VI. Bấy giờ ông Duy Ma Cật hỏi Ngài Văn Thù: Thế nào là hột giống Như Lai?
V. Rồi ông Duy Ma Cật nhắc lại các hạnh tu khác như.
VI. Hai câu sau đây nói lên sự khéo léo của Bồ Tát:
VII. Chỗ sai khác giữa Bồ Tát thị hiện và chúng sinh.
VIII. Kết luận: Ðại ý phẩm này là các Bồ Tát làm mọi việc để dẫn dắt chúng sinh vào Phật Ðạo, dùng mọi phương tiện thuận hoặc nghịch, có khi phải thực hành Phi Ðạo các Ngài cũng sẵn sàng chiều theo xu hướng thế gian, rồi lần lần tìm cách xoay hướng về đường ngay lẽ phải. (Xem trang 20: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=12#p72712 )

Phẩm IX.- Các Bồ Tát đều đã hiểu và thực hành lý Bất Nhị, mỗi vị dùng một đường lối tu hành khác nhau nhưng tựu trung đều nhập vào Pháp Môn Không Hai. Ngài văn Thù vốn đã thâm nhập và hiểu lý Bất Nhị lìa danh từ ngôn ngữ, nhưng vẩn còn nói ra là xa lìa. Ðến ông Duy Ma Cật im lặng mới thật là nhập Pháp Môn Không Hai. (Xem trang 21: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=24#p72773 )
Phẩm này là trọng yếu của Kinh Duy Ma Cật
I. Chúng ta hãy học vài ý kiến của một số vị Bồ Tát.
II.Lần lượt 31 vị Bồ Tát phát biểu ý kiến của mình
III. Ðó mới là giai đoạn đầu của quá trình chuyển Thức thành Trí.
VI. Ngài Văn Thù đã chứng ngộ Chân Lý
Phẩm IX này là phần Ngộ Phật Tri Kiến, các Bồ Tát trình bày sự tỏ ngộ của mình, duy có ông Duy Ma Cật im lặng vì nói không được sự tỏ ngộ của mình, bặt văn tự ngữ ngôn tâm duyên.
V. Ðến lượt ông Duy Ma Cật thì ông im lặng không nói năng chi cả.
VI. Kết luận: Chủ ý của Phẩm này là khuyên chúng sinh rời bỏ những chấp trước tầm thường trong danh từ ngôn ngữ, mà cần thâm nhập vào nghĩa ẩn của lời Phật trong kinh.

Phẩm X.
I. Phật Hương Tích.
II. Cơm thơm của Phật Hương Tích.
III. Ðoạn kinh sau đây so sánh lối nói pháp ở hai cõi Chúng Hương và Ta Bà.
VI. Ở cõi Ta Bà uế trược.
V. Muốn vậy, các Bồ Tát cần thành tựu tám pháp lành: (Xem trang 22: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=24#p72779)

Phẩm XI. PHẨM HẠNH BỒ TÁT
I. Pháp môn phương tiện tu hành.
II. Các pháp hữu vi.
III. Kết luận: Ðoạn kinh này chỉ dạy người tu đừng quá thiên về Lý mà bỏ Sự, đừng quá nghiêng về Tánh mà quên Tướng, vẫn làm các Sự Tướng mà không rời Lý Tánh, thì công phu tu hành mới gọi là viên dung, sớm thành Phật Ðạo. (Xem trang 23: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=36#p72781)

Phẩm XII. PHẨM THẤY PHẬT A SÚC
Trở về Bản Thể Bất Ðộng, từ đó phát sinh các sắc tướng, đó là Chân Không phát sinh Diệu Hữu. (Xem trang 24: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=36#p72782)
I. Ðức Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng: Muốn thấy Như Lai thì lấy gì quán sát?
II. Huyền nghĩa của đoạn kinh này là chúng sinh nào muốn trở về Bản Tâm như như bất động thì phải bỏ qua những tướng trạng bên ngoài mà quay về thâm nhập Thật Tướng bên trong.
III. Học kinh và hành trì như thế nào?
VI. Nếu có người nào biên chép thọ trì kinh
V. Người nghe kinh này mà tùy hỷ thì sẽ được đến bậc Nhất Thiết Trí.
VI. Chánh tín thế nào?
VI. Kết luận: Sau khi tin rồi thì cần phải học hiểu cho rõ lời Phật.

Phẩm XIII. Pháp cúng dường hơn tài cúng dường, đề cao sự quan trọng của tinh thần hơn vật chất. (Xem trang 25: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=36#p72786)
I. Pháp.
II. Cúng dường.
III. Cúng dường có hai thứ
VI. Thích Ðề Hoàn Nhân bạch Phật.
V. Đức Phật nói thêm với vị Vua Trời.
VI. Ðức Phật Thích Ca kết luận.
VII. Muốn thực hành Pháp cúng dường không phải dễ.

Phẩm XIV. Ðừng khinh người mới học mới tu. Ðừng chấp tướng phân biệt.

Từ phẩm X đến phẩm XIV là phần Nhập Phật Tri Kiến. Sau khi nói về Lý, Bản Thể tuyệt đối bất khả tư nghị, Ðức Phật trở về Sự, chỉ dạy đường lối tu hành thực tiễn để vào Pháp Môn Không Hai.(Xem trang 26: viewtopic.php?f=32&t=9079&start=36#p72787)
I. Chúc lụy.
II. Có hai hạng Bồ Tát.
********************
kdmc.jpg
kdmc.jpg (21.36 KiB) Đã xem 1371 lần
Kinh này chỉ cho con đường hành Bồ Tát Ðạo, đường tu này chung cho cả hai giới xuất gia và tại gia.
Giới xuất gia có đường tu giải thoát là lẽ dĩ nhiên, cắt bỏ luyến ái, lìa nhà nhập chúng, trên cầu Phật Ðạo, dưới độ chúng sinh.
Giới tại gia từ trước đến nay không dám mơ tưởng mình cũng có đường, nay được Phật khai thị cho con đường giải thoát, mở sáng đôi mắt đui mù, thấy con đường chạy song song với đường của giới xuất gia, thật ra chỉ có một con đường mà thôi, một con đường duy nhất đưa đến Phật quả, đó là Nhất Thừa Phật Ðạo, ai tu nấy chứng, ai đi nấy đến, không phân biệt xuất gia hay tại gia.

Trong bộ kinh này, Ðức Phật đề cao Lý Bất Nhị, vào Pháp Môn Không Hai. Tại sao chẳng gọi là một mà lại gọi là Không Hai? Vì nếu nói một là ngầm có hai, nói Không Hai rõ ràng hơn, không ám chỉ một con số nào khác.

Muốn vào Pháp Môn Không Hai thì cần phải bỏ Tướng nhập Tánh, bỏ phân biệt đối đãi mà thâm nhập huyền nghĩa của Kinh, ly ngôn ngữ, rời tâm duyên để chứng nhập Chân Như.

Vào Pháp Môn Không Hai thì ly ngôn tuyệt tướng, chỉ còn một sự cảm thông trong im lặng tuyệt vời.

Ðây là chỗ ông Duy Ma Cật không nói, Ngài Ca Diếp mỉm cười. Vẫn biết lời nói hay chữ viết không diễn tả được Chân Lý tuyệt đối nhưng nếu không dùng lời nói hay chữ viết thì làm cách nào chỉ bày cho người khác hiểu, làm sao dạy dỗ khiến người khác tuân theo mà tu hành, cùng hưởng Ðạo Vị.

Do đó Ðức Phật phải khéo dùng phương tiện giáo lý của Ngài, dùng nhiều thí dụ để dắt dẫn các đệ tử, rồi sau này chư Phật Tử phải tự lực tự giác rời bỏ phương tiện để thể nhập cứu cánh Chân Như, y như qua sông thì phải bỏ bè lại.

Kinh chưa phải Chân Lý, nhưng Kinh đưa đến Chân Lý, ví như ngón tay chỉ mặt trăng, thấy mặt trăng rồi thì không cần ngón tay, chứng nhập Chân Lý rồi thì lìa kinh, im lặng.

Ðạo Phật chú trọng thực hành, không phải lý thuyết suông. Học kinh xong rồi thì phải mang những điều hay lẽ phải trong kinh ra áp dụng vào cuộc đời, hướng dẫn chúng sinh tu sửa thân tâm, tự giác giác tha, cùng thành Phật Ðạo.

Tôn chỉ của Kinh này là AI TU CŨNG ÐƯỢC, Ở ÐÂU TU CŨNG ÐƯỢC, chỉ cần chuyển Tâm là cảnh chuyển theo, cảnh nào tu cũng được, thuận cảnh hoặc nghịch cảnh đều tu được, chỉ cần tu tâm, vì TÂM TỊNH QUỐC ÐỘ TỊNH.

Phật Pháp không cố định mà uyển chuyển thay đổi, tùy duyên áp dụng vào các trường hợp khác nhau, nhưng mục đích thì bất biến, đó là phát huy trí huệ sẵn có, quay về Tâm thanh tịnh sáng suốt để nắm tay tất cả chúng sinh, cùng tiến bước tới chỗ giác ngộ và giải thoát. (Xem lại mục lục: TỔNG KẾT I. )


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.20 khách