Tiên giới, Lục Dục Thiên, Sắc giới, vô sắc giới

Có những đoạn kinh luận đọc không hiểu, hiểu mà không thấu đáo, chẳng biết hỏi ai ? Mời đem vào đây để mọi người cùng nhau thảo luận học hỏi...

Điều hành viên: binh

Đồng Nát
Bài viết: 2529
Ngày: 29/06/11 10:05
Giới tính: Nam
Đến từ: TP.Ho Chi Minh

Tiên giới, Lục Dục Thiên, Sắc giới, vô sắc giới

Bài viết chưa xem gửi bởi Đồng Nát »

Dục giới
A-nan, chư thế gian … danh vi dục giới.
- Giải thích : Những chúng sinh hưởng thụ cảnh giới tốt hơn loài người, thì gọi là loài trời.

Có những loài trời còn nghĩ ít nhiều đến sự dâm dục, thì gọi là loài trời Dục giới.

Có những loài trời thoát ly được ngũ dục, nhưng còn có sắc thân, thì gọi là loài trời Sắc giới.

Có những loài trời không còn sắc thân nữa, thì gọi là loài trời Vô sắc giới.

Loài trời Dục giới có 6 cõi gọi là Lục Dục Thiên.

Muốn được lên các cõi trời đó, thì phải tu mười điều lành, gọi là Thập thiện; tu đủ mười điều lành thì lên bậc cao, tu chưa đủ thì ở bậc thấp; hoặc tu mười điều lành đến nơi đến chốn, thì ở bậc cao, tu chưa đến nơi đến chốn, thì ở bậc thấp. Vì duyên khởi của kinh là dâm ái, nên trong đoạn này chỉ cử ra việc đoạn trừ lòng dâm để so sánh với các điều lành khác, chứ không chỉ riêng tu một điều lành ấy mà thôi. Riêng về việc đoạn trừ lòng dâm, nếu tâm không buông lung trong việc tà dâm, thì được lên cõi Tứ Thiên Vương Thiên.

Nếu lòng dâm ái với vợ mình cũng ít ỏi, thì lên cõi Đao Lợi Thiên.

Nếu gặp cảnh dâm dục, thì tạm hưởng ứng, nhưng qua rồi thì không nghĩ ngợi gì tới, trong tâm động ít, tĩnh nhiều, thì được lên cõi Tu Diệm Ma Thiên.

Nếu tâm thường thanh tịnh, nhưng đến khi xúc cảnh, chưa trái hẳn được, thì lên cõi Đâu Suất Đà Thiên.

Nếu chính mình không lòng dâm dục, chỉ ứng phó với người khác, cả trong lúc ứng phó cũng cảm thấy là vô vị thì lên cõi Lạc Biến Hóa Thiên.

Đến khi không còn tâm thế gian, chỉ miễn cưỡng làm theo thế gian, mà tâm vẫn thường siêu thoát, thì lên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Trong sáu cõi Lục Dục Thiên này, về hình thức tuy đã được thanh tịnh, nhưng về tâm niệm còn dính líu đôi phần với ngũ dục, vì thế, nên phải cùng các loài người, loài súc, loài quỷ, loài địa ngục v.v… ở trong Dục giới.

(Quyển IX)
Sắc giới
A-nan, thế gian nhất thiết … danh vi sắc giới.

- Giải thích : Sắc giới gồm những loài trời, tuy còn sắc thân, nhưng đã quan sát được tác hại của ngũ dục, chuyên tâm tu tập Thiền-na, phát ra trí tuệ và thoát ly được ngũ dục.

Thiền-na (Dhyàna), Trung Hoa dịch là Tịnh lự; tịnh là tâm được yên lặng, không có tán loạn, có tác dụng dứt trừ những lầm lạc; lự là suy nghĩ, quán sát đúng đắn, có tác dụng phát ra trí tuệ. Dục giới có lự, không tịnh, Vô sắc giới có tịnh, không lự, chỉ ở Sắc giới là có tịnh và có lự; do đó, riêng được cái tên là Thiền.

Sắc giới có bốn bậc là:
Sơ thiền, tức là Ly sinh hỷ lạc địa;
Nhị thiền tức là Định sinh hỷ lạc địa;
Tam thiền tức là Ly hỷ diệu lạc địa,
Tứ thiền tức là Xả niệm thanh tịnh địa.

Sơ thiền có ba bậc:
Nếu rời bỏ ngũ dục, chẳng những nắm giữ cái thân không làm việc dâm dục, mà trong tất cả các thời đều không nghĩ nhớ đến ngũ dục, thì được gọi là Phạm Chúng Thiên.

Nếu tập quán ngũ dục được trừ xong, tâm ly dục được tỏ rõ, vui vẻ với đức hạnh thanh tịnh, thì gọi là Phạm Phụ Thiên.

Nếu giới đức hoàn toàn thanh tịnh, lại có thêm trí sáng chỉ dạy phương pháp tu hành ly dục, do đó, có khả năng thống lĩnh phạm chúng, thì gọi là Đại Phạm Thiên.

Ba bậc của Sơ thiền, do rời bỏ được ngũ dục, nên đã thoát được các khổ não và các sự lầm lạc của cõi Dục giới không lay động được. Khổ não là những sự buồn rầu căm tức vì không thỏa mãn được lòng ưa muốn.

Nhị thiền cũng chia ra ba bậc :

Các vị từ Sơ thiền tu tập đức hạnh thanh tịnh viên mãn, định tâm kiên cố, hoàn toàn không có ngũ dục, phát sinh trí sáng suốt, thì gọi là Thiểu Quang Thiên.

Định lực ngày càng tăng, trí sáng ngày càng phát triển, thế giới mười phương thảy đều trong sạch, thì lên bậc Vô Lượng Quang Thiên.

Nếu dùng hào quang trí sáng làm công cụ giáo hóa, tuyên dương phương pháp tu hành thanh tịnh cùng khắp mọi nơi, thì lên bậc Quang Âm Thiên.

Các bậc Nhị thiền thoát ly được ưu thụ, nên trong tâm thanh tịnh đã uốn dẹp được những sự lầm lạc thô thiển.

Tam thiền cũng có ba bậc:

Từ Quang Âm Thiên, rời bỏ hỷ thụ, tinh tiến tu hành, được cái vui nhẹ nhàng yên lặng, thì lên bậc Thiểu Tịnh Thiên.

Định lực càng cao, sự thanh tịnh không có bờ bến, thân tâm được cái vui khinh an vô lượng, thì gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên.

Nếu trong và ngoài yên lặng, dồn về cái vui khinh an cùng khắp, thì gọi là Biến Tịnh Thiên.

Ba bậc Tam thiền, rời bỏ được cái hỷ thụ ở Nhị thiền, được cái vui khinh an vô lượng, nên thân tâm cho đến cảnh giới, thảy đều thanh tịnh.

Tứ thiền có bốn bậc :

Các vị Tam thiền nhận thấy cái vui khinh an không phải thường trụ, tu tập chính quán, rời bỏ các cái vui và cái khổ, thân tâm chỉ có xả thụ, nên càng được thanh tịnh, thì lên bậc Phúc Sinh Thiên.

Nếu tâm phóng xả được viên mãn, trí sáng càng thanh tịnh, thì tùy thuận được bản tính không có vui khổ, cùng tột vị lai của cõi mình, thì gọi là Phúc Ái Thiên.

Từ cõi trời Phúc ái, có hai đường rẽ : Nếu dùng cái tâm phóng xả sáng suốt thanh tịnh mà tu nhiều phúc đức, thì lên bậc Quảng Quả Thiên.

Nếu phát triển tâm phóng xả đến cùng tột, tiêu diệt các tưởng niệm, đi đến mọi tư tưởng đều bặt dứt trong 500 kiếp, thì gọi là Vô Tưởng Thiên. Song, các bậc Vô Tưởng Thiên không tu tập theo chánh pháp, dùng cái tâm sinh diệt làm bản nhân tu hành, nên không thể giác ngộ được tính bất sinh diệt; vì thế, mà khi nghiền ngẫm cùng tột tâm phóng xả, thì tư tưởng bặt dứt trong nửa kiếp trước, nhưng trong nửa kiếp sau, tư tưởng lại sinh ra. Vì cái diệt của Vô Tưởng Thiên đối với cái sinh mà có, nên hết diệt thì sinh, hết sinh thì diệt và không thể đi đến bản tính bất sinh, bất diệt.

Bốn bậc Tứ thiền này, đã thoát ly được các cảnh khổ vui thế gian, nên tuy không phải là Bất động địa của chính pháp, nhưng trong tâm hữu sở đắc, công dụng cũng đã thuần thục.

Ngang với Tứ thiền, còn có năm cõi gọi là Tịnh Cư Thiên hoặc Bất Hoàn Thiên, là chỗ ở của các bậc Thánh nhân Nhị thừa. Các bậc này khi đã diệt trừ chín phẩm tư hoặc của Dục giới, chứng quả A-na-hàm, thì không còn thác sinh vào cõi dưới được nữa và phải thiết lập chỗ ở ngang với Xả niệm thanh tịnh địa của Tứ thiền.

Năm cõi Bất Hoàn Thiên là:

Vô Phiền Thiên, trong ấy các tướng khổ vui đã diệt hết và hai cái tâm ưa vui, chán khổ cũng không còn, khác với Tứ thiền của phàm phu chỉ tạm rời bỏ khổ thụ, lạc thụ, chứ không diệt hết khổ vui.

Cõi thứ hai là Vô Nhiệt Thiên, trong ấy trí tuệ phát huy, không còn năng xả, sở xả.

Cõi thứ ba là Thiện Kiến Thiên, trong đó trí tuệ càng sáng suốt, nhận rõ ngoài tâm, không còn cảnh tượng lục trần.

Cõi thứ tư là Thiện Hiện Thiên, trong đó tác dụng trí tuệ được phát huy, tự tại biến hóa, không còn ngăn ngại.

Cõi thứ năm là Sắc Cứu Kính Thiên, trong đó xét tột bản tính của sắc pháp, là duyên sinh không sinh, duyên diệt không diệt, vào được tính không có bờ bến.

Các vị A-na-hàm, ở trong năm cõi Bất Hoàn Thiên, tu tập diệt trừ 72 phẩm tư hoặc của Sắc giới và Vô sắc giới, rồi chứng quả A-la-hán. Tuy các cõi Bất Hoàn Thiên ở ngang với các cõi Tứ thiền và cùng một đồng phận của tâm phóng xả, nhưng những người ở các cõi Tứ thiền không thể thấy được, trừ các vị Thiên vương ở cõi Tứ thiền riêng được kính nghe những lời dạy bảo, nhưng cũng không thể thấy được. Cũng như trong thế gian, hiện có các vị A-la-hán trụ trì trong các đạo trường ở núi sâu đồng ruộng, nhưng người thường thế gian không thể thấy được.

Nói tóm lại, các cõi trời trong Sắc giới, tâm thường ở trong định, nhưng chưa hết cái lụy của hình hài; vì thế nên gọi là Sắc giới.

Vô sắc giới
Phục thứ A-nan … danh tùng kỳ loại.
- Giải thích : Từ cõi trời Tứ thiền là cõi cao nhất của Sắc giới, có hai đường rẽ :
Nếu tu tập trí tuệ, vào các cõi trời Bất Hoàn, lên Sắc Cứu Kính Thiên, phát minh được trí tuệ sáng suốt viên mãn, ra khỏi cõi trần, thành vị A-la-hán, rồi xoay lại vào Bồ-tát thừa, thì đó là những vị Hồi Tâm Đại A-la-hán.

Nếu nơi tâm phóng xả, khi đã bỏ được lạc thụ, khổ thụ rồi, lại cảm thấy cái thân làm ngăn ngại và tiêu diệt cái ngăn ngại ấy vào hư không, thì gọi là Không xứ.
Nếu diệt cái tướng hư không, chỉ còn cái hay biết, thì gọi là Thức xứ. Nếu diệt cả cái hay biết nữa, không còn cái gì, thì gọi là Vô-sở-hữu-xứ.
Nếu diệt cái tưởng không còn có gì đó, rồi nhận hết là sạch, nhưng sự thật thì chưa hết, thì gọi là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ.
Các bậc này say đắm cái định, muốn đến tột cái không, nhưng lại không rõ đạo lý “sắc, tức là không”, nên cái không của họ, chỉ là cái không đối với cái có, không phải cái không chân thật. Các vị ở cõi trời Phi-phi-tưởng muốn diệt hết thức tâm, nhưng bản tính thức tâm là thường trụ, hành tướng thức tâm là vô gián, thì làm thế nào mà diệt được; do đó, nên nói là còn, thì cũng không là còn, nhưng nói là hết, thì thật không phải là hết. Họ tự nhận là Phi tưởng, nhưng sự thật, thì họ cũng là Phi-phi-tưởng.

Nếu, từ cõi trời ngoại đạo lên Phi-phi-tưởng mà không biết quay về tu tập chính pháp, thì quả báo hết, rồi sẽ vào trong luân hồi. Nếu từ các cõi trời Bất Hoàn dưới, mà lạc về các định vô sắc, thì khi lên Phi-phi-tưởng xứ, sẽ vào Diệt tận định, thành các vị Bất Hồi Tâm Độn A-la-hán.

Để giáo hóa các vị trên Vô Sắc giới quay về chính pháp, phát Bồ-đề tâm các vị Bồ-tát thường hiện thân làm Thiên vương ở các cõi đó. Không nên nhận lầm các vị Thiên vương này có chức trách thống trị. Từ Nhị thiền trở lên, không có ông vua thống trị. Duy các vị đạo cao đức trọng hơn cả, được quần chúng kính phục, thì được gọi là Thiên vương mà thôi. Các cõi này, vì không có sắc pháp ở trong và ở ngoài, nên thuộc về Vô Sắc giới.

Nói tóm lại, do không rõ bản lai tự tính, chúng sinh theo vọng tưởng mà giả dối hiện ra ba cõi và giả dối gây nghiệp rồi chịu báo, luân hồi trong các loài.
tangbong

TRÍCH TỪ KINH THỦ LĂNG NGHIÊM - HT. THÍCH THIỆN SIÊU GIẢNG GIẢI


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.5 khách