Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Nghiên cứu học hỏi tư tưởng Phật giáo bắc tông: Câu xá, thành thật, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Du già, pháp tướng tông, trừ hệ bát nhã, thiền và chuyên mục đã có.

Điều hành viên: phuoctuong

thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

Đọc bản kinh này thấy hay, minh chép lại cho anh em cùng đọc nhé.

CHƯƠNG MỘT
PHẨM TÍNH SIÊU VIỆT CỦA NHƯ LAI
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Lúc bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc và Mạt-lỵ phu nhân tin hiểu chánh pháp chưa bao lâu, cùng thảo luận nhau rằng:
"Con gái chúng ta, Thắng Man Phu nhân, vốn thông tuệ, lợi căn, thông minh đỉnh ngộ, nếu thấy được Phật tất hiểu Pháp một cách nhanh chóng, tâm thông tỏ, không nghi ngờ. Vậy ta hãy kịp thời sai phái người tín cẩn khơi mở đạo ý của nó."
Phu nhân tâu rằng: "Nay thật đúng lúc."
Vua và Phu nhân liền thư cho Thắng Man, tán thán một cách vắn tắt vô lượng phẩm tính siêu việt của Như Lai, rồi khiến nội nhân, tên là Chiên-đề-la, làm sứ giả đem thư đến nước A-du-xàø, vào nội cung, kính cẩn trao thư cho Thắng Man. Thắng Man được thư, hoan hỷ cúi đầu tiếp nhận. Bà đọc thư, ghi nhớ kỹ, phát tâm hy hữu, bèn nói các bài kệ cho Chiên-đề-la nghe như sau:
Ta nghe: " Âm thanh Phật,
Chưa từng có trên đời."
Lời ấy nếu chơn thật,
Ta sẽ tưởng thưởng ngươi.
Cúi lạy Phật Thế Tôn,
Xuất hiện vì thế gian;
Xin cũng thương tưởng con,
Cho con thấy tôn nhan.
Tâm niệm ấy vừa phát,
Phật hiện giữa hư không;
Với tịnh quang sáng chói,
Rạng ngời tối thắng thân.
Thắng Man cùng quyến thuộc
Cúi đầu lạy sát chân.
Bằng cả tâm thanh tịnh
Tán thán công đức Phật.
Như Lai diệu sắc thân,
Thế gian không gì hơn,
Tối thắng, bất tư nghì;
Con cúi đầu đảnh lễ.
Sắc Như Lai vô tận,
Trí tuệ cũng không cùng;
Hết thảy Pháp thưòng trụ,
Con chí thành quy y.
Hàng phục tâm xấu ác,
Và bốn loại thuộc thân,
Đã đến cõi nan phục;
Con kính lạy Pháp vương.
Biết hết thảy nhĩ diệm,
Trí tuệ thân tự tại,
Nhiếp trì tất cả Pháp,
Con cúi đầu đảnh lễ. .
Kính lễ đấng không lường,
Kính lễ đấng vô tỉ,
Kính lễ pháp vô biên,
Kính lễ siêu tư duy;
Thương xót che chở con
Cho lớn hạt giống Pháp.
Đời này và đời sau,
Mong Phật thường nhiếp thọ.
(…)
Ta an lập con từ lâu,
Đời trước đã từng khai giác;
Ngày nay lại nhiếp tho con,
Các đời vị lai vẫn vậy,
Công đức con thành tựu,
Đời này và đời kia,
Gốc rễ lành như vậy,
Cúi mong nhiếp thọ con.
Bấy giờ Thắng Man Phu nhân cùng với các quyến thuộc cúi đầu lạy sát chân Phật. Phật ở ngay giữa chúng mà thọ ký cho Bà rằng:
"Con đã ca ngợi các phẩm tính chân thật siêu việt của Như Lai. Bằng vào các thiện căn ấy, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ-kiếp, con sẽ là Tự Tại vương ở giữa chư thiên và nhân loại. Trong tất cả những nơi thọ sanh, nơi nào cũng thường gặp gỡ thấy Ta không khác gì lúc này đang ca ngợi Ta. Rồi con lại cúng dường vô lượng a-tăng-kỳ đức Phật, qua hai vạn a-tăng-kỳ kiếp, sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Quốc độ của Phật ấy không có ác thú, không có các sự khổ của già, bệnh, suy vi, ưu não, không thích ý; cũng không có tên gọi của nghiệp đạo ác bất thiện. Chúng sanh ở trong các quốc độ ấy có sắc, lực, thọ mạng, và các phương tiện hưởng thọ ngũ dục thảy đều khoái lạc, hơn hẳn chư thiên cõi Tha hóa Tự tại. Các chúng sanh ấy đều thuần nhất là Đại thừa. Những chúng sanh nào tu tập các thiện căn thảy đều tập hợp về đó."
Khi Thắng Man Phu nhân được thọ ký, có vô luợng chúng sinh, chư thiên và nhân loại, phát nguyện muốn sanh về nước ấy. Thế tôn thọ ký rằng tất cả đều sẽ được vãng sanh về đó.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG HAI
MƯỜI ĐẠI THỌ

Bấy giờ Thắng Man Phu nhân sau khi nghe thọ ký, cung kính đứng dậy, xin tiếp thọ mười đại thọ rằng:
"Bạch Thề Tôn kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, đối với những giới đã thọ, con sẽ không bao giờ không khởi tâm vi phạm.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, đối với các bực tôn trưởng, con sẽ không bao giờ không khởi tâm kiêu mạn.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, đối với chúng sanh con sẽ không bao giờ khởi tâm phẫn hận.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, đối với sắc đẹp và những thứ trang cụ bên ngoài nơi người khác, con sẽ không bao giờ khởi tâm ganh tị.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, đối với các pháp nội hay ngoại, con sẽ không bao giờ không tâm keo kiệt.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, con sẽ không bao giờ vì mình mà thọ nhận, súc liễm tài vật. Nếu có thọ nhận cái gì, là vì để thành thục các chúng sanh nghèo khổ.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, con sẽ không bao giờ vì riêng mình mà thực hành bốn nhiếp pháp.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ Đề, con sẽ vì hết thảy chúng sanh, bằng tâm không ái nhiễm, tâm không mệt mỏi, tâm không hạn ngại, mà luôn luôn nhiếp thọ chúng sanh.
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, nếu gặp những chúng
sanh cô độc, bị giam cầm trong ngục tối, tật bệnh, đủ mọi thứ ách nạn khốn khổ, con sẽ không bao giờ rời bỏ dù chốc lát; mà phải mong sao cho họ được an toàn, bằng hành vi thiết thực, khiến cho thoát khỏi mọi thống khổ, sau đó mới rời bỏ".
"Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến thành tựu Bồ đề, nếu gặp các trường hợp ác luật nghi như săn bắn hay chăn nuôi, và các sự phạm giới, con sẽ không bao giờ bỏ qua; khi nào có đủ năng lực, gặp những chúng sinh như vậy ở nơi này hay ở nơi kia, đối với những hạng cần phải chiết phục con sẽ chiết phục, đối với những hạng cần phải nhiếp thọ con sẽ nhiếp thọ. Vì sao vậy? Vì do sự chiết phục và nhiếp thọ mà Chánh pháp tồn tại lâu dài. Do Chánh pháp tồn tại lây dài mà chư thiên và nhân loại được sung mãn, các ác đạo sẽ giảm thiểu, có thể tùy chuyển theo bánh xe chánh pháp mà Như Lai đã chuyển vận. Do thấy sự lợi ích ấy nên không bao giờ con bỏ sự không nhiếp thọ.
"Bạch Thề Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu Bồ đề, con sẽ không bao giờ quên mất nhiếp thọ Chánh pháp. Vì sao, vì quên mất pháp là quên mất Đại thừa; quên mất Đại thừa là quên mất ba-la-mật. Quên mất ba-la-mật thì không còn ý hướng nơi Đại thừa.
"Nếu Bồ Tát không có quyết định ở nơi Đại thừa, sẽ không thể thành tựu ý hướng nhiếp thọ Chánh pháp, chứng nhập tùy sở thích,vĩnh viễn không đủ khả năng siêu việt địa vị phàm phu. Bởi vì con thấy có vô lượng sự sai lầm to lớn như vậy và lại cũng thấy vô lượng phước lợi của Bồ tát ma-ha-tát nhiếp thọ Chánh Pháp trong đời vị lai, cho nên tiếp thọ mười đại thọ này. Kính mong Thế Tôn, đấng Pháp chủ, hiện tiền làm chứng cho con. Cúi mong Phật Thế Tôn hiện tiền chứng tri. Nhưng các chúng sanh có thiện căn mỏng manh có thể dựng lên màn lưới hoài nghi. Vì rằng mười đại thọ ấy thật khó đạt đến cứu cánh. Các chúng sinh ấy vì vậy mà lâu dài mất những nghĩa lợi, những điều hữu ích, không được an lạc. Để an ổn các chúng sanh ấy, nay đối trước Phật, con nói lên những thệ nguyện chân thật này. Nếu mười đại thọ này sẽ được con thực hiện đúng như đã nói, và do thệ nguyện này, con mong rằng ngay giữa đại chúng này, các hoa trời mưa xuống, các âm nhạc trời nổi lên. "
Ngay khi vừa nói lời này, thì từ hư không mưa tuôn xuống các hoa trời, trổi lên các loại âm thanh vi diệu cõi trời rằng:
"Thật như vậy! Thật như vậy! Những điều Phu nhân nói là chân thật, không thay đổi."
Tất cả những ai trong chúng hội, khi trông thấy các đóa hoa vi diệu, và nghe các âm thanh ấy, thảy đều dứt trừ hết mọi nghi hoặc; hoan hỷ, phấn khởi không lường, cùng phát thệ rằng:
"Mong cho chúng tôi luôn luôn thường gặp gỡ Thắng Man, cùng chung tu hành."
Đức Thế Tôn thọ ký cho tất cả đại chúng thảy đều được như nguyện.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG BA
BA ĐẠI NGUYỆN



Lúc bấy giờ Thắng Man phu nhân đối trước Phật mà phát ra ba đại nguyện rằng:
"Bằng những nguyện lực chân thật này, con mong đem lại an ổn cho vô lượng biên chúng sanh.
"Do thiện căn ấy, tất cả mọi đời con đều có được Chánh pháp trí. Đây là đại nguyện thứ nhất.
"Sau khi đã có Chánh pháp trí, bằng tâm không mệt mỏi con sẽ giảng cho tất cả chúng sanh. Đây là đại nguyện thứ hai.
"Đối với sự nhiếp thọ Chánh pháp, con xả bỏ thân, mạng và tài sản để hộ trì Chánh pháp. Đây là đại nguyện thứ ba.
Bây giờ, đức Thế Tôn liền ghi nhận ba đại nguyện ấy cho Thắng Man Phu nhân. Cũng như hết thảy sắc đều nhập vào không giới; cũng vậy, hằng sa các thệ nguyện của Bồ Tát thảy đều nhập vào trong đại nguyện này. Ba đại nguyện này là chân thật, là quảng đại.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG BỐN
NHIẾP THỌ

Lúc bấy giờ, Thắng Man Phu nhân bạch Phật:
"Nay con nhờ oai thần của Phật để nói về điều phục đại nguyện, chân thật, không đổi khác".
Phật bảo Thắng Man Phu nhân:
"Con hãy tùy ý nói".
Thắng Man phu nhân bạch Phật:
"Hằng sa các nguyện mà Bồ tát có, thảy đều thâu nhập vào trong một đại nguyện; đó là nhiếp thọ Chánh pháp. Nhiếp thọ Chánh pháp thật sự là đại nguyện".
Phật tán thán Thắng Man Phu nhân:
"Lành thay! Lành thay! Trí tuệ phương tiện rất sâu xa, rất mầu nhiệm, do con đã gieo trồng lâu dài các gốc rễ thiện. Chúng sanh trong đời vị lai, những ai đã gieo trồng thiện căn lâu dài mới có thể thấu hiểu những điều con nói. Sự nhiếp thọ Chánh pháp mà con đã nói, đó cũng là những gì mà chư Phật trong quá khứ, trong vị lai, trong hiện tại, đã nói, sẽ nói và đang nói. Nay, Ta đã thành tựu vô lượng Bồ đề cũng thường nói sự nhiếp thọ Chánh pháp ấy. Như vậy, công đức của sự nhiếp thọ Chánh pháp mà Ta đã nói thật không biết được biên tế. Trí tuệ biện tài của Như Lai cũng không có biên tế. Vì sao? Vì sự nhiếp thọ chánh pháp ấy có đại công đức, đại lợi ích".
Thắng Man bạch Phật:
"Con sẽ nương nhờ thần lực của Phật để diễn thuyết thêm ý nghĩa rộng lớn
của sự nhiếp thọ Chánh pháp".
Phật nói: "Con hãy nói đi".
Thắng Man bạch Phật:
"Ý nghĩa rộng lớn của sự nhiếp thọ Chánh pháp ấy là, vốn thật là vô lượng, thành đạt hết thảy Phật pháp, thâu tóm tám muôn bốn ngàn pháp môn. Cũng như vào thời kiếp mới sáng thành khắp nơi giăng bủa mây lớn, mưa xuống các loại mưa màu sắc và đủ các thứ trân bảo; cũng vậy, sự nhiếp thọ Chánh pháp mưa xuống những cơn mưa vô lượng phước báo và vô lượng thiện căn.
"Bạch Thế Tôn, lại nữa, cũng như vào thời kiếp vừa mới sáng thành, có khối nước lớn nảy sanh ba nghìn đại thiên giới tạng, và bốn trăm ức đủ các loại lục địa; cũng vậy, sự nhiếp thọ chánh pháp xuất sanh vô lượng giới tạng của Đại thừa, oai lực thần thông của hết thảy Bồ tát, sự an ổn khoái lạc của tất cả chúng sanh, sự như ý tự tại của hết thảy chúng sanh, sự an lạc của xuất thế gian, và những gì chư thiên cùng nhân loại vốn chưa từng có được kể từ kiếp vừa sáng thành; thảy đều xuất hiện từ trong đó."
"Lại nữa, cũng như cõi đất lớn duy trì bốn loại gánh nặng. Những gì là bốn? Một là biển cả; hai là núi non; ba là thảo mộc; bốn là chúng sinh. Cũng vậy, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp, an lập cõi đất lớn, có khả năng gánh vác bốn trách nhiệm trọng đại cũng giống như cõi đất ấy. Những gì là bốn? Đó là, bằng thiện căn của nhân loại và chư thiên mà thành thục các chúng sinh nào vốn xa lìa thiện tri thức, không học hỏi, không đạo đức; với những ai mong cầu Thanh văn thì trao cho Thanh văn thừa; những ai mong cầu Duyên giác thì trao cho Duyên giác thừa; những ai đang cầu Đại thừa thì trao cho Đại thừa. Đó gọi là thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp, an lập cõi đất lớn, có khả năng gánh vác trách nhiệm trọng đại".
"Bạch Thế Tôn, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp như vậy, an lập cõi đất lớn, có khả năng gánh vác trách nhiệm trọng đại, làm người bạn không cần mời gọi cho tất cả chúng sinh, với tâm đại bi, an ủi, thương xót chúng sinh, làm người mẹ đạo pháp cho đời".
"Lại nữa, như cõi đất lớn có bốn loại bảo tạng. Những gì là bốn? Một là vô giá, hai là thượng giá, ba là trung giá, bốn là hạ giá. Đó là bốn bảo tạng của cõi đất lớn. Cũng vậy, thiện nam tử hay thiện nữ nhơn nhiếp thọ chánh pháp, thiết lập cõi đất lớn, thành đạt bốn loại đại bảo vô thượng của chúng sinh. Những gì là bốn? Thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp, đối với chúng sinh không học hỏi, không đạo đức, thì đem thiện căn công đức của nhơn thiên mà trao cho; với những ai mong cầu Thanh văn thì trao Thanh văn thừa; những ai mong cầu Duyên giác thì trao Duyên giác thừa; những ai mong cầu Đại thừa thì trao cho Đại thừa. Chúng sinh có được đại bảo cũng vậy; đều do bởi thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp mà có được công đức kỳ diệu, hiếm có này.
"Bạch Thế Tôn, đại bảo tạng tức là nhiếp thọ Chánh pháp. Bạch Thế Tôn nói rằng nhiếp thọ Chánh pháp; ấy là, nhiếp thọ Chánh pháp không khác biệt Chánh pháp; Chánh pháp tức là nhiếp thọ Chánh pháp.
"Bạch Thế Tôn, ba-la-mật không khác biệt nhiếp thọ Chánh pháp; nhiếp thọ Chánh pháp tức là ba-la-mật. Vì sao? Thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp, với những ai cần bố thí để thuần thục; thì con sẽ thuần thục bằng bố thí, cho đến xả bỏ thân mạng, chi thể, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy để làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong chánh pháp. Đó gọi là đàn-ba-la-mật".
"Đối với những ai cần được thuần thục bằng sự trì giới, bằng sự thủ hộ sáu căn, thanh tịnh thân, khẩu ý nghiệp, cho đến làm ngay thẳng bốn oai nghi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy để làm cho thuần thục, khiến cho những chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là thi ba-la-mật.
"Đối với những ai cần được thuần thục bằng nhẫn nhục; nếu bị những chúng sinh ấy mạ lỵ, hủy nhục, phỉ báng, khủng bố, thì con sẽ bằng tâm không oán hận, tâm lợi ích, năng lực nhẫn đệ nhất, cho đến nhan sắc không thay đổi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là sằn-đề ba-la-mật.
"Đối với những ai cần được thành tựu bằng tinh tấn, thì đối với chúng sanh ấy con sẽ không khởi tâm giải đãi, phát sinh tâm đại dục, tinh tấn đệ nhất, cho đến cả trong bốn oai nghi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là tỳ-lê ba-la-mật.
"Đối với chúng sinh cần được thành tựu bằng thiền định, đối với chúng sinh ấy bằng tâm không loạn động, tâm không hướng ngoại, đệ nhất chánh niệm, cho đến trong một thời gian lâu dài mà vẫn hoàn toàn không quên mất những gì đã được nói, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là thiền ba-la-mật.
"Đối với chúng sinh cần được thuần thục bằng trí tuệ; khi con được các chúng sinh ấy hỏi tất cả nghĩa, thì bằng tâm vô úy, con sẽ diễn nói tất cả các luận, tất cả các công xảo cứu cánh minh xứ, cho đến đủ loại các công xảo khác nhau, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là bát-nhã ba-la-mật.
"Vì vậy, bạch Thế Tôn, ba-la-mật không khác nhiếp thọ Chánh pháp; Chánh pháp không khác ba-la-mật. Nhiếp thọ Chánh pháp tức là ba-la-mật.
"Bạch Thế Tôn, con nay nương thần lực của Phật để nói thêm đại nghĩa".
Phật nói: "Con hãy cứ nói."
Thắng Man bạch Phật:
"Được nói là nhiếp thọ Chánh pháp; nhiếp thọ Chánh pháp là không khác biệt nhiếp thọ Chánh pháp, không khác biệt nhiếp thọ Chánh pháp là nhiếp thọ Chánh pháp. Thiện nam tử, thiện nữ nhân tức là nhiếp thọ Chánh pháp. Vì sao? Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp, vì nhiếp thọ Chánh pháp mà xả bỏ ba phần. Những gì là ba phần? Tức là thân, mạng và tài sản. Thiện nam tử, thiện nữ nhân do xả bỏ thân mà cho đến biên tế đời sau của sinh tử sẽ xa lìa các sự già, bịnh, chết, thành tựu Pháp thân của Như Lai với phẩm tính không hủy hoại, thường trụ, không biến dịch, bất khả tư nghì. Do xả bỏ mạng mà cho đến biên tế đời sau của sinh tử sẽ rốt ráo xa lìa sự chết, thành tựu công đức vô biên, thường trụ, bất khả tư nghị, thông đạt tất cả Phật pháp sâu xa. Do xả bỏ tài sản mà cho đến biên tế đời sau của sinh tử sẽ thành tựu các công đức tròn đầy không cùng tận, không giảm thiểu, cứu cánh thường trụ, bất khả tư nghì, mà không một chúng sinh nào có được, được sự cúng dường thù thắng của tất cả chúng sinh.
"Bạch Thế Tôn, thiện nam tử, thiện nữ nhân xả bỏ ba phần để nhiếp thọ Chánh pháp như vậy, thường được hết thảy chư Phật thọ ký, được hết thảy chúng sanh chiêm ngưỡng".
"Bạch Thế Tôn, lại nữa, thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ Chánh pháp, khi Chánh pháp gần tiêu diệt, bấy giờ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di kết thành bè đảng, tranh tụng, phá hoại, ly tán, thì thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy bằng sự không siểm khúc, không dối trá, không hư ngụy, mến mộ chánh pháp, nhiếp thọ chánh pháp, tham dự trong những bằng hữu của chánh pháp. Những ai tham dự trong những bằng hữu của chánh pháp sẽ được các đức Phật thọ ký".
"Bạch Thế Tôn, con thấy sự nhiếp thọ Chánh pháp có sức mạnh lớn như vậy. Phật là con mắt chân thật, là trí chân thật, là gốc rễ của pháp, là bậc thấu suốt pháp, là nơi nương tựa của chánh pháp, tất nhiên cũng biết và thấy như vậy."
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đối với năng lực tinh tấn to lớn của nhiếp thọ Chánh pháp mà Thắng Man Phu nhân đã nói, Ngài khởi tâm tùy hỷ nói rằng:
"Thật như vậy, Thắng Man, thật như những điều con đã nói về năng lực tinh tấn to lớn của sự nhiếp thọ Chánh pháp. Cũng như một bộ phận thân thể bị đại lực sĩ vừa mới đụng chạm đến chút xíu đã cảm thấy đau đớn nhiều. Cũng vậy Thắng Man, một phần nhỏ của nhiếp thọ chánh pháp khiến cho Ma khổ não. Ta không thấy một pháp nào khác mà khiến cho Ma khổ não như một phần nhỏ của sự nhiếp thọ Chánh pháp.
"Lại nữa, như con trâu chúa, có hình sắc không thể sánh, hơn hẳn các trâu khác. Cũng vậy, một phần nhỏ nhiếp thọ Chánh pháp của Đại thừa hơn hẳn hết thảy thiện căn của nhị thưa, vì là rộng và lớn vậy".
"Lại nữa, như núi chúa Tu-di, tráng lệ khác thường hơn hẳn các núi. Cũng vậy, Đại thừa xả bỏ thân mạng, tài sản bằng tâm nhiếp thủ mà nhiếp thọ Chánh pháp hơn hẳn tất cả thiện căn của những vị mới an trụ Đại thừa mà không xả bỏ thân mạng và tài sản, huống nữa là Nhị thừa, vì là rộng và lớn vậy".
"Cho nên, này Thắng Man, nên bằng sự nhiếp thọ Chánh pháp mà khai thị chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, kiến lập chúng sinh.
"Như vậy, này Thắng Man, sự nhiếp thọ Chánh pháp có một lợi ích lớn như vậy, có phước báo lớn như vậy, có kết quả lớn như vậy. Nầy Thắng Man, Ta trải qua a-tăng-kỳ a-tăng-kỳ kiếp nói về công đức nghĩa lợi của nhiếp thọ Chánh pháp mà không hết được biên tế. Cho nên nhiếp thọ Chánh pháp có vô lượng vô biên công đức".


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG NĂM
NHẤT THỪA
Đức Phật bảoThắng Man:
"Nay con lại hãy nói thêm về sự nhiếp thọ Chánh pháp mà hết thảy chư Phật đều nói."
Thắng Man bạch Phật:
"Lành thay! Bạch Thế Tôn, con kính vâng lời dạy."
Rồi bạch Phật:
"Bạch Thế Tôn, nhiếp thọ Chánh pháp tức là Đại thừa. Vì sao? Bởi vì Đại thừa xuất sinh hết thảy thiện pháp của thế gian và xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác.
"Bạch Thế Tôn, cũng như từ hồ A-nậu-đại xuất phát tám con sông lớn, cũng vậy, từ Đại thừa xuất sinh hết thảy thiện pháp của thế gian và xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác.
"Bạch Thế Tôn, lại nữa, cũng như hết thảy hạt giống đều nương vào đất mà sinh trưởng; cũng vậy, hết thảy thiện pháp của thế gian và xuất thế gian, Thanh văn, Duyên giác, đều nương nơi Đại thừa mà được tăng trưởng. Cho nên, Bạch Thế Tôn, an trụ nơi Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa, tức là an trụ Nhị thừa và nhiếp thọ hết thảy thiện pháp thế gian và xuất thế gian của Nhị thừa.
"Như Thế Tôn đã nói, có sáu xứ. Những gì là sáu? Đó là: Chánh pháp trụ, Chánh pháp diệt, Ba-la-đề-mộc-xoa, Tỳ-ni, Xuất-gia và Thọ cụ túc giới. Sáu xứ ấy được nói vì mục đích Đại thừa.
"Vì sao? Chánh pháp trụ, ấy là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa trụ cho nên nói Chánh pháp trụ. Chánh pháp diệt, ấy là vì Đại thừa mà nói. Đại thừa diệt cho nên Chánh pháp diệt.
"Ba-la-đề-mộc-xoa và Tỳ-ni, hai pháp ấy, tên gọi khác nhưng ý nghĩa là một. Tỳ-ni tức là cái học của Đại thừa. Vì sao? Vì nương Phật xuất gia, mà thọ cụ túc, cho nên nói rằng oai nghi giới của Đại thừa là Tỳ-ni, là xuất gia, là thọ cụ túc. Cho nên A-la-hán không có xuất gia, thọ cụ túc. Vì sao? Vì A-la-hán nương Như lai mà xuất gia, thọ cụ túc. A-la-hán quy y theo Phật, A-la-hán có sự sợ hãi. Vì sao vậy? Vì A-la-hán vẫn còn an trụ với ý tưởng sợ hãi đối với hết thảy vô hành; như có người cầm gươm muốn đến hại mình, cho nên A-la-hán không có sự an lạc tuyệt đối. Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì là nương tựa bậc không cần nương tựa. Cũng như chúng sinh vì không nơi nương tựa cho nên sợ hãi cái này cái kia. Do sợ hãi nên tìm đến quy y. Cũng vậy, A-la-hán có sự sợ hãi cho nên nương tựa Như Lai.
"Bạch Thế Tôn, A-la-hán và Bích-chi Phật có sợ hãi; cho nên, A-la-hán và Bích-chi-Phật vì còn sinh pháp tàn dư chưa diệt tận nên còn có sự sinh; vì còn phạm hạnh dư tàn chưa thành tựu nên không thuần nhất; vì phận sự không cứu cánh nên còn có những điều cần làm; vì chưa vượt qua cái kia nên còn có những cái phải đoạn trừ. Vì không đoạn trừ nên cách Niết-bàn giới còn xa. Vì sao vậy? Duy chỉ có đức Như Lai, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, mới chứng đắc Niết-bàn, vì đã thành tựu hết thảy công đức. A-la-hán và Bích-chi-Phật không thành tựu hết thảy công đức; nói rằng chứng đắc Niết-bàn, đó là phương tiện của Phật.
"Duy chỉ Như Lai mới chứng đắc Niết-bàn, vì đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. A-la-hán và Bích-chi-Phật thành tựu công đức có thể nghĩ bàn; nói là chứng đắc Niết Bàn, đó là phương tiện của Phật.
"Duy chỉ Như Lai mới chứng đắc Niết-bàn, vì đã đoạn trừ hết thảy những sai lầm cần phải đoạn trừ, thành tựu đệ nhất thanh tịnh. A-la-hán và Bích-chi còn có lỗi lầm tàn dư, chưa phải là đệ nhất thanh tịnh; nói rằng chứng đắc Niết-bàn, đó là phương tiện của Phật.
"Duy chỉ có Như Lai mới chứng đắc Niết Bàn, được hết thảy chúng sinh chiêm ngưỡng, vượt trên cảnh giới A-la-hán, Bích-chi-Phật và Bồ-tát. Cho nên, A-la-hán, Bích-chi-Phật và Bồ-tát cách Niết-bàn giới còn xa.
"Nói rằng, với A-la-hán và Bích-chi-Phật, quán sát sự giải thoát và sự cứu cánh của bốn trí, đạt đến chỗ yên nghỉ; đấy cũng là phương tiện của Như Lai, còn có dư tàn, chưa phải là liễu nghĩa.
"Vì sao? Có hai loại chết. Những gì là hai? Chết bởi phần đoạn và chết bởi biến dịch bất tư nghị. Chết bởi phần đoạn là chúng sinh hư ngụy. Chết bởi bất tư nghị biến dịch, là ý sinh thân A-la-hán, Bích-chi Phật, Đại lực Bồ-tát cho đến cứu cánh Bồ-đề.
"Trong hai loại chết, do sự chết phần đoạn mà nói rằng trí của A-la-hán và Bích-chi Phật nhận biết ‘Sự sinh của ta đã ‘Phạm hết.’ Do chỉ chứng đạt được quả hữu dư cho nên nói rằng hạnh đã vững.’ Vì là điều mà phàm phu, trời, người không thể thành toàn, là điều mà bảy bậc học nhân trước đây chưa làm và vì đoạn trừ phiền não hư ngụy, cho nên nói ‘Điều cần làm đã làm xong.’ Vì A-la-hán và Bích-chi-Phật đã đoạn trừ phiền não không còn có thể tái sinh đời sau nữa cho nên nói ‘Không còn tái sinh đời sau,’ nhưng không phải là đoạn tận hết thảy phiền não, cũng không phải là đoạn tận hết thảy sự thọ sinh để nói rằng ‘Không còn tái sinh đời sau.’
"Vì sao? Vì có phiền não mà A-la-hán và Bích-chi Phật không thể đoạn trừ được.
"Phiền não có hai loại. Những gì là hai? Là trụ địa phiền não và khởi phiền não. Trụ địa phiền não có bốn. Những gì là bốn? Đó là, kiến nhất xứ trụ địa, dục ái trụ địa, sắc ái trụ địa và hữu ái trụ địa. Bốn trụ địa này sinh ra hết thảy khởi phiền não. Khởi tức là sát-na tương ứng sát-na tâm. Bạch Thế Tôn, vô minh trụ địa vô thủy không tương ưng với tâm. Bạch Thế Tôn năng lực bốn trụ địa này là nơi nương tựa cho hết thảy phiền não hiện khởi; so với vô minh trụ địa, thì không thể bằng toán số, thí dụ mà mô tả được.
"Bạch Thế Tôn, như vậy là sức mạnh của vô minh trụ địa; đối với bốn trụ địa thuộc hữu ái, vô minh trụ địa có sức mạnh lớn hơn hết. Cũng như Ma Ba-tuần đối với Tự Tại thiên có sắc, lực, thọ mạng và đám quyến thuộc thảy đều tự tại trổi vượt; cũng vậy, sức mạnh của vô minh trụ địa, đối với bốn trụ địa thuộc hữu ái, sức mạnh của nó tối thắng, là sở y của hằng hà sa số phiền não tạp nhiễm, và cũng khiến cho bốn loại phiền não tồn tại lâu dài, không phải là cái mà trí của A-la-hán và Bích-chi-Phật có thể đoạn trừ được, duy chỉ trí Bồ-đề của Như Lai mới có thể đoạn trừ. Như vậy bạch Thế tôn, vô minh trụ địa có sức mạnh rất lớn.
"Bạch Thế Tôn, lại nữa, như thủ là duyên, nghiệp hữu lậu là nhân, sinh ra ba hữu; cũng vậy, vô minh trụ địa là duyên, nghiệp vô lậu là nhân mà sinh ra ba loại ý sinh thân của A-la-hán, Bích-chi Phật, và Đại lực Bồ-tát. Ba loại ý sanh thân này của ba địa vị kia cùng với nghiệp vô lậu đều y trên vô minh trụ địa, có duyên chứ không phải không có duyên. Cho nên ba loại ý sanh thân và nghiệp vô lậu duyên vô minh trụ địa.
"Như vậy, bạch Thế Tôn, bốn trụ địa, như hữu ái trụ địa, không đồng với nghiệp của vô minh trụ địa. Vô minh trụ địa khác biệt và ở ngoài bốn trụ địa, được đoạn trừ nơi Phật địa, được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Phật. Vì sao? Vì A- la-hán và Bích-chi Phật đoạn trừ bốn loại trụ địa, mà vô lậu chưa diệt tận, không được tự tại lực, cũng không thể tác chứng. Vô lậu chưa diệt tận tức là vô minh trụ địa.
"Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi Phật và Bồ-tát tối hậu thân bị che lấp và trở ngại bởi vô minh trụ địa cho nên đối với pháp này pháp kia không biết, không thấy. Vì không biết và không thấy cho nên những gì cần đoạn trừ thì không được đoạn trừ, không được rốt ráo. Do không đoạn trừ nên nói là giải thoát với khuyết điểm còn tàn dư, không phải là giải thoát với sự dứt lìa hết thảy khuyết điểm; gọi là thanh tịnh hữu dư chứ không phải là thanh tịnh tất cả; gọi là thành tựu công đức hữu dư chứ không phải là công đức tất cả. Vì thành tựu giải thoát hữu dư, thanh tịnh hữu dư, công đức hữu dư cho nên biết khổ hữu dư, đoạn tập hữu dư, chứng diệt hữu dư, tu đạo hữu dư. Đó gọi là đạt được một phần Niết-bàn. Đạt được một phần Niết Bàn, gọi là hướng Niết-bàn giới. Nếu biết hết thảy khổ, đoạn hết thảy tập, chứng hết thảy diệt, tu hiết thảy đạo, đối với thế gian vô thường bại hoại, đối với thế gian vô thường bịnh hoạn mà chứng đắc thường trụ Niết-bàn; đối với thế gian không được che chở, không nương tựa mà che chở và là làm nơi nương tựa. Vì sao? Vì pháp không có hơn kém mà chứng đắc Niết-bàn; vì trí tuệ bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn; vì giải thoát bình đẳng mà chứng đắc Niết Bàn; vì thanh tịnh bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn. Cho nên Niết- bàn chỉ có một vị, vị bình đẳng, gọi là vị giải thoát.
"Bạch Thế Tôn nếu vô minh trụ địa không được đoạn trừ, không được cứu cánh thì không thể đạt được hương vị duy nhất, hương vị bình đẳng, tức vị giải thoát.
"Vì sao? Vì nếu vô minh trụ địa không được đoạn trừ, không được cứu cánh, thì các pháp cần đoạn trừ nhiều hơn số cát sông Hằng không được đoạn trừ, không được cứu cánh; các pháp cần chứng đắc nhiều hơn số cát sông Hằng không được chứng đắc, cần chứng ngộ không được chứng ngộ. Cho nên, vô minh trụ địa tích tụ mà sinh ra phiền não hiện khởi của hết thảy phiền não thuộc tu đoạn. Nó sinh ra phiền não hiện khởi của tâm, phiền não hiện khởi của chỉ, phiền não hiện khởi của quán, phiền não hiện khởi của thiền, phiền não hiện khởi của chánh thọ, phiền não hiện khởi của phương tiện, phiền não hiện khởi của trí, phiền não hiện khởi của quả, phiền não hiện khởi của đắc, phiền não hiện khởi của lực, phiền não hiện khởi của vô úy, các phiền não hiện khởi nhiều hơn cát sông Hằng như vậy được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Như Lai; tất cả đều nương trên vô minh trụ địa mà được thiết lập. Hết thảy phiền não hiện khởi sinh khởi do nhân là vô minh trụ địa, duyên là vô minh trụ địa.
"Bạch Thế Tôn, đối với khởi phiền não này, tâm sát-na tương ương sát-na. Bạch Thế Tôn tâm không tương ương với vô thủy vô minh trụ địa.
"Bạch Thế Tôn, các pháp được đoạn bởi trí Bồ-đề của Như Lai dù có nhiều hơn số cát sông Hằng, tất cả đều được duy trì, được thiết lập bởi vô minh trụ địa. Cũng như hết thảy hạt giống đều nương trên đất mà sinh, mà tồn tại, tăng trưởng; nếu đất bị hủy hoại thì chúng cũng bị hủy hoại theo. Cũng vậy, các pháp nhiều hơn số hằng sa được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Như Lai, hết thảy đều nương trên vô minh trụ địa mà sinh, mà tồn tại và tăng trưởng. Nếu vô minh trụ địa bị đoạn trừ thì các pháp nhiều hơn số hằng sa được đoạn trừ bởi trí Bồ-đề của Như Lai cũng bị đoạn trừ theo.
"Như vậy, hết thảy phiền não, tùy phiền não được đoạn trừ, thì các pháp nhiều hơn số cát sông Hằng mà Như Lai sở đắc đều được thấu suốt vô ngại, với hết thảy trí và kiến, lìa hết thảy khuyết điểm, được hết thảy công đức, là Pháp vương, Pháp chủ, mà được tự tại bước lên địa vị tự tại đối với hết thảy pháp, là Như lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, với tiếng rống sư tử chơn chánh: ‘Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tiếp thọ đời sau nữa.’ Cho nên, bạch Thế Tôn, tiếng rống sư tử, y trên liễu nghĩa, là sự xác nhận một cách tuyệt đối.
"Bạch Thế Tôn trí không tiếp thọ đời sau có hai loại. Như Lai bằng năng lực điều ngự vô thượng mà hàng phục bốn loại Ma, ra khỏi hết thảy thế gian, được hết thảy chúng sinh chiêm ngưỡng, chứng đắc Pháp thân bất khả tư nghị, đuợc tự tại đối với pháp vô ngại trên tất cả mảnh đất sở tri; bên trên không còn phận sự cần làm, không còn địa vị cần chứng nào nữa; đầy đủ muời năng lực, cũng dũng mãnh mà bước lên địa vị vô úy vô thượng bậc nhất; đối với hết thảy nhĩ diệm, quán sát bằng vô ngại trí, không do ai khác, với nhận thức rằng ‘Sau đời này không còn đời nào nũa’ mà cất tiếng rống sư tử.
"Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi-Phật vượt qua sự sợ hãi về sinh tử, lần lượt đạt được sự an lạc của giải thoát, bèn nghĩ rằng: ‘Ta đã xa lìa sợ hãi về sinh tử, không còn tiếp thọ sự khổ sinh tử.’ Bạch Thế Tôn, A-la-hán, Bích-chi-Phật khi quan sát liền chứng đắc địa vị không còn tiếp thọ đời sau, quán nơi yên nghĩ bậc nhất, là Niết-bàn địa.
"Bạch Thế Tôn, địa vị mà vị ấy chứng đắc trước kia, không ngu si đối với pháp, không do ai khác, và tự biết là chỉ đạt được địa vị hữu dư, rồi tất sẽ chứng đắc vô thượng chánh đẳng giác. Vì sao? Thanh văn và Duyên giác thừa đều quy vào Đại thừa. Đại thừa ấy tức Phật thừa. Cho nên Ba thừa vốn là Một thừa. Chứng đắc Một thừa là chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề tức là Niết-bàn giới. Niết-bàn giới tức là Pháp thân của Như Lai. Được cứu cánh Pháp thân thì cứu cánh Một thừa không khác Như Lai, không khác Pháp thân. Như Lai tức Pháp thân. Được cứu cánh Pháp thân tức cứu cánh Một thừa. Cứu cánh tức là vô biên không đoạn.
"Bạch Thế Tôn, Như Lai tồn tại với thời gian không có giới hạn. Như Lai, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác tồn tại với suốt cùng hậu tế. Như Lai là đại bi không giới hạn và an ủi thế gian cũng không giới hạn. Đại bi vô hạn, an ủi thế gian vô hạn, nói như vậy gọi là nói toàn thiện. Nếu gọi rằng Như Lai là pháp vô tận, là pháp thường trụ, là nơi nương tựa của hết thảy thế gian, đó cũng gọi là nói về Như Lai một cách toàn thiện. Cho nên, đối với thế gian chưa được cứu độ, đối với thế gian không nơi nương tựa mà làm nơi vô tận quy y, thường trụ quy y, cho đến suốt cùng hậu tế, đó chính là Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác vậy.
"Pháp tức là thuyết Nhất thừa đạo. Tăng tức là các chúng của Ba thừa. Hai sự quy y ấy không phải là quy y rốt ráo, mà gọi là quy y phần ít. Vì sao? Thuyết Nhất thừa đạo pháp, chứng đắc Pháp thân cứu cánh, bên trên không còn nói đến pháp Nhất thừa nữa.
"Các chúng Ba thừa có sợ hãi mà quy y Như Lai, cầu mong xuất ly, tu học, hướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên hai sự quy y ấy không phải là quy y cứu cánh, đó là sự quy y có hạn. Nếu có chúng sinh được Như Lai điều phục mà quy y Như Lai, được thấm nhuần bởi pháp, sinh tâm tin vui mà quy y Pháp và Tăng. Đó là hai quy y. Không phải rằng hai sự quy y này là quy y Như Lai. Quy y đệ nhất nghĩa là quy Như lai. Đệ nhất nghĩa của hai sự quy y này là cứu cánh quy y Như lai. Vì sao? Như Lai không khác biệt với hai sự quy y này. Như lai tức là ba quy y. Vì sao? Thuyết Nhất thừa đạo, Như Lai thuyết bằng bốn vô úy, thành tựu sư tử hống. Nếu Như Lai tùy theo xu hướng của chúng mà phương tiện thuyết giảng, tức thị Đại thừa chứ không có hai thừa. Ba thừa đều nhập vào một thừa. Một thừa tức là thừa của đệ nhất nghĩa".


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG SÁU
VÔ BIÊN THÁNH ĐẾ
"Bạch Thế Tôn, Thanh văn và Duyên giác khi bắt đầu quán Thánh đế, bằng một trí mà đoạn trừ các trụ địa, bằng một trí mà chứng thực công đức của bốn đoạn tri, và cũng biết rõ nghĩa của bốn pháp ấy.
"Bạch Thế Tôn, không có trí thượng thượng xuất thế gian nào mà là tiệm chí của bốn trí và tiệm chí của bốn duyên. Bạch Thế Tôn, pháp không tiệm chí là trí thượng thượng xuất thế gian. Bạch Thế Tôn, như kim cang dụ, là trí đệ nhất nghĩa. Trí đệ nhất nghĩa không phải là trí Thánh đế sơ khởi của Thanh văn và Duyên giác vốn không đoạn trừ vô minh trụ địa. Thế Tôn, bằng vô nhị Thánh đế trí mà đoạn trừ các trụ địa.
"Bạch Thế Tôn, đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, bằng bất tư nghị Không trí, vốn không phải lả cảnh giới của Thanh văn và Duyên giác, mà đoạn trừ hết thảy phiền não tạng. Thế Tôn, trí tuệ cứu cánh nếu hủy hoại tất cả vỏ cứng phiền não, thì được gọi là trí đệ nhất nghĩa. Trí Thánh đế sơ khởi không phải là trí cứu cánh, mà là trí tuệ hướng đến A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.
"Bạch Thế Tôn, ý nghĩa ‘Thánh’, không phải là hết thảy Thanh văn và Duyên giác. Thanh văn và Duyên giác thành tựu công đức hữu hạn. Thanh văn và Duyên giác thành tựu một phần ít công đức, do đó mà được gọi là ‘Thánh.’
"Bạch Thế Tôn, nói là ‘Thánh đế’, đó không phải là đế của Thanh văn và Duyên giác; và cũng không phải là công đức của Thanh văn và Duyên giác. Thế Tôn, đế ấy tối sơ được chứng tri bởi Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, sau đó vì chúng sinh đang bị bọc trong vỏ trứng vô minh mà được khai thị, diễn thuyêt; do đó được gọi là ‘Thánh đế.’


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG BẢY
NHƯ LAI TẠNG
"Thánh đế, đó là nói nghĩa sâu xa, vi tế, khó biết, không phải là cảnh giới tư lương. Đó là sở tri của bậc trí, là điều mà hết thảy thế gian không thể tin. Vì sao? Đây là nói tạng sâu thẳm của Như Lai. Như lai tạng là cảnh giới của Như Lai, không phải là điều hết thảy Thanh văn và Duyên giác có thể biết. Ở nơi cảnh vực Như lai tạng mà nói ý nghĩa Thánh đế. Cảnh vực Như lai tạng sâu thẳm cho nên nói Thánh đế cũng sâu thẳm, vi tế, khó biết, không phải là cảnh giới tư lương; là sở tri của bậc trí, là điều mà hết thảy thế gian không thể tin."


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG TÁM
PHÁP THÂN

"Nếu đối với Như lai tạng đang bị quấn chặt bởi phiền não tạng mà không nghi hoặc, thì đối với Pháp thân vốn siêu xuất vô lượng phiền não tạng cũng không nghi hoặc. Đối với thuyết của Như lai tạng, Pháp thân của Như lai, cảnh giới Phật bất tư nghị và phương tiện thuyết, mà tâm đạt đến quyết định ấy tức là đã tin và hiểu hai thánh đế. Thế nào được nói là thuyết nghĩa của hai Thánh đế? Đó là thuyết tác Thánh đế nghĩa và vô tác Thánh đế nghĩa.
"Thuyết tác thánh đế nghĩa, đó là thuyết bốn thánh đế có hạn lượng. Vì sao? Vì không phải nhân bởi người khác mà có thể biết tất cả khổ, đoạn tất cả tập, chứng hết thảy diệt, tu hết thể đạo. Cho nên, bạch Thế Tôn, có hữu vi sanh tử và vô vi sanh tử. Niết-bàn cũng vậy, có hữu dư và vô dư.
"Thuyết vô tác thánh đế nghĩa, là thuyết về ý nghĩa bốn thánh đế vô lượng. Vì sao? Có thể bằng tự lực mà biết hết thảy thọ khổ, đoạn hết thảy tập, chứng hết thảy thọ diệt, tu hết thảy thọ diệt đạo.
"Như vậy, có tám Thánh đế, nhưng Như Lai chỉ nói bốn Thánh đế. Bốn vô tác thánh đế nghĩa như vậy duy chỉ Như lai, bậc Ứng cúng, Đẵng chánh giác mới tác sự cứu cánh, chứ không phải là tác sự cứu cánh của A-la-hán và Bích-chi Phật. Vì sao? Vì không thể chứng đắc Niết bàn với các pháp hạ, trung và thượng.
"Vì sao Như Lai, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng, Chánh giác, đối với bốn vô tác Thánh đế tác sự đã cứu cánh? Vì hết thảy Như lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác biết tất cả khổ vị lai; đoạn tất cả tập vốn được duy trì bởi các phiền não và tùy phiền não; diệt tất cả uẩn của ý sanh thân; chứng ngộ tất cả sự diệt khổ.
"Bạch Thế Tôn, không phải vì là pháp hoại diệt mà gọi là khổ diệt. Nói là khổ diệt vì rằng từ vô thủy vốn là vô tác, không sinh khởi, không đoạn tận, lìa xa sự diệt tận, thường trụ, tự tánh thanh tịnh, lìa hết thảy phiền não tạng.
"Bạch Thế Tôn, do thành tựu Phật pháp bất tư nghì vượt quá số cát sông Hằng, vốn không ly, không thoát, không dị biệt, do thế mà nói là Pháp thân Như Lai.
"Như vậy, bạch Thế Tôn, Pháp thân của Như Lai không lìa phiền não tạng, cho nên gọi là Như lai tạng".


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG CHÍN
NGHĨA KHÔNG CHE LẤP CHÂN THẬT

"Bạch Thế Tôn, trí của Như lai tạng, là Không trí của Như Lai.
"Bạch Thế Tôn, Như lai tạng là điều mà hết thảy A-la-hán, Bích-chi Phật, Đại lực Bồ-tát vốn không từng thấy, vốn không từng nắm bắt được.
"Bạch Thế Tôn, có hai Không trí của Như lai tạng.
"Bạch Thế Tôn, Không Như lai tạng là hết thảy phiền não tạng, hoặc lìa, hoặc thoát, hoặc dị biệt. Bạch Thế Tôn, Bất không Như lai tạng là Phật pháp vượt quá số cát sông Hằng, không lìa, không thoát, không dị biệt, bất tư nghị.
"Bạch Thế Tôn, đối với hai Không trí này, các Đại Thanh văn chỉ có thể tin nơi đức Như Lai. Không trí của Thanh văn và Bích-chi-Phật vận chuyển trong bốn cảnh giới không điên đảo. Cho nên hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật vốn không từng thấy, vốn không từng chứng đắc hết thảy khổ diệt; duy chỉ Phật mới chứng đắc, hủy hoại hết thảy phiền não tạng, tu hết thảy khổ diệt đạo".


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG MƯỜI
MỘT ĐẾ

"Bạch Thế Tôn, trong bốn thánh đế này, ba là vô thường, một là thường. Vì sao? Vì ba đế thuộc vào tướng hữu vi. Những gì thuộc vào tướng hữu vi, là vô thường; những gì là vô thường, lìa pháp hư vọng. Những gì là pháp hư vọng, không phải là đế, không phải là thường, không phải là chỗ quy y. Do đó, khổ đế, tập đế, đạo đế không phải là đệ nhất nghĩa đế, không phải là thường, không phải là chỗ quy y".


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG MƯỜI MỘT
MỘT SỞ Y

"Một khổ diệt đế lìa tướng hữu vi. Lìa tướng hữu vi, nên là thường. Thường nên, không phải là pháp hư vọng. Không phải là pháp hư vọng nên là đế, nên là thường, là chỗ quy y. Cho nên diệt đế là đệ nhất nghĩa đế.


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
thienquang
Bài viết: 266
Ngày: 13/04/09 20:45
Giới tính: Nam

Re: Kinh "Thuyết Chân thật bị che lấp bởi nghĩa Không"

Bài viết chưa xem gửi bởi thienquang »

CHƯƠNG MƯỜI HAI
ĐIÊN ĐẢO VÀ CHÂN THẬT
"Bất tư nghì, là diệt đế, vượt ngoài đối tượng của hết thảy tâm thức của chúng sinh, và cũng không phải cảnh giới trí tuệ của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật. Cũng như người mù bẩm sinh không thấy được các sắc, con nít bảy ngày không thấy được mặt trời. Khổ diệt đế cũng như vậy, không phải là sở duyên của tâm thức của hết thảy phàm phu, cũng không phải là cảnh giới trí tuệ của hai thừa. Thức của phàm phu là sự điên đảo của hai kiến chấp. Trí của hết thảy A-la-hán và Bích-chi-Phật thì vốn thanh tịnh. Biên kiến, là phàm phu đối với năm thủ uẩn mà thấy là ngã, vọng tưởng chấp trước, sinh ra hai kiến chấp, đó gọi là biên kiến; tức là thường kiến và đoạn kiến. Thấy rằng các hành là vô thường, ấy là đoạn kiến chứ không phải chánh kiến. Thấy rằng Niết-bàn là thường, ấy là thường kiến chứ không phải chánh kiến.
"Do vọng tưởng kiến chấp cho nên chủ trương như vầy: đối với các căn ở nơi thân, phân biệt, tư duy thấy rằng trong hiện tại chúng hủy hoại, mà không thấy dòng tương tục của sự hữu, do đó khởi lên đoạn kiến. Vì vọng tưởng kiến chấp vậy. Đối với tâm tương tục mà ngu tối, không tỏ rõ, không biết cảnh giới ý thức có gián đọạn trong từng sát-na, nên khởi thường kiến. Vì do vọng tưởng kiến chấp vậy.
"Vọng tưởng kiến chấp này, đối với nghĩa kia, hoặc thái quá hoặc bất cập, phát sinh phân biệt với những ý tưởng dị biệt, hoặc cho là đoạn hoặc cho là thường.
"Chúng sanh điên đảo, đối với năm thủ uẩn vốn vô thường mà tưởng là thường, vốn khổ mà tưởng là lạc, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Tịnh trí của hết thảy A-la-hán, Bích-chi-Phật, hoặc có chúng sanh do tin lời Phật, đối với cảnh giới của nhất thiết trí và Pháp thân của Như Lai vốn chưa từng được thấy, mà khởi lên ý tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh; đấy không phải kiến chấp điên đảo, cho nên gọi là chánh kiến. Vì sao? Pháp thân của Như Lai là thường ba- la-mật, ngã ba-la-mật, tịnh ba-la-mật và lạc ba-la-mật. Đối với Pháp thân của Phật mà thấy như vậy thì gọi là chánh kiến. Ai có chánh kiến tức là con chân thật của Phật, từ miệng Phật sinh, từ Chánh pháp sinh, từ Pháp mà hóa sinh, thừa hưởng di sản của pháp.
"Bạch Thế Tôn, tịnh trí ấy là trí ba-la-mật của hết thảy A-la-hán, và Bích-chi Phật. Tịnh trí ấy tuy là tịnh trí nhưng đối với diệt đế kia vẫn chưa phải là cảnh giới, huống chi là bốn y trí. Vì sao? Ba thừa sơ nghiệp mà không ngu mê đối với pháp thì sẽ có thể giác ngộ, sẽ chứng đắc nghĩa ấy. Chính vì thế mà Thế Tôn nói bốn y cho họ. Bạch Thế Tôn, bốn y này là pháp thế gian.
"Bạch Thế Tôn, một y là tất cả y chỉ, là tối thượng xuất thế gian đệ nhất nghĩa y, đó là diệt đế".


Tự đáy lòng con luôn luôn nhớ ơn Thầy.
TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH
Cầu mong sự bình an và sáng suốt đến với TẤT CẢ
Đã khóa

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Google [Bot]16 khách