Mùa Vu Lan 2011, PL-2555

Kính mời các bạn góp sức bảo tồn tất cả các tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới, tiểu sử tăng ni, và Phật tử có công trong việc hoằng truyền Phật pháp.
Nội qui chuyên mục
- Trong quá chứ ban quản trị diễn đàn đã chịu rất nhiều phiền toái, do những kẻ giả mạo chùa và đoàn thể từ thiện để kêu gọi giúp đỡ. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu tất cả các thành viên không được gởi thư kêu gọi từ thiện lên diễn đàn và chúng tôi không chịu trách nhiệm nội dung đăng tải bởi thành viên.
phatphap
Bài viết: 375
Ngày: 19/06/10 05:11
Giới tính: Nữ
Phật tử: Tại gia
Đến từ: không rõ

Mùa Vu Lan 2011, PL-2555

Bài viết chưa xem gửi bởi phatphap »

nguồn tuoitre.vn
Báo hiếu mùa Vu lan
TT - Dù tất bật ngược xuôi mưu sinh nhưng cứ đến mùa Vu lan báo hiếu, nhiều người lại tất tả đến chùa để được tham dự nghi thức “bông hồng cài áo” tưởng nhớ những đấng sinh thành.

Hình ảnh

Mẹ, con chị An (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) gióng hồi chuông cầu an cho ông bà, cha mẹ tại chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: Sơn Lâm

Năm nay, tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM), đại lễ Vu lan được tổ chức bốn ngày (từ 11 đến 14-8, tức 12 đến 15-7 âm lịch), sân chùa khói hương luôn nghi ngút, phật tử lẫn người ngoài đạo khắp nơi đổ về cầu siêu cửu huyền thất tổ, cầu cho cha mẹ, người thân sống đời cùng con cháu. Những hồi chuông mang theo tâm tình kính nhớ ông bà, cha mẹ được mọi người thay nhau gióng lên vang vọng...

Những bông hồng cài áo

Chị Phan Hải Lý (nhà ở Q.Phú Nhuận) nói một tháng nay chị luôn nghiêm túc việc chay tịnh chờ ngày đại lễ. Sau khi nhẹ nhàng gióng lên một hồi chuông yên ả giữa trưa nắng gắt, chị tâm sự: “Với tôi, cha mẹ mạnh khỏe, mình được cài bông hồng đỏ lên áo trong ngày lễ Vu lan luôn là niềm hạnh phúc nhất trên đời. Tôi luôn cố sống sao cho hiếu thảo với cha mẹ để mỗi năm chờ đến thời khắc trang nghiêm này...”.

Thầy trụ trì Thích Thanh Phong, chùa Vĩnh Nghiêm, cho biết hai ngày qua nhà chùa đã đãi khách thập phương từ khắp nơi đổ về cúng cầu siêu... hơn 1 tấn bún mỗi ngày. 10.000 bông hồng được các phật tử chuẩn bị cho nghi lễ cài hoa lên áo diễn ra đúng ngày rằm tháng 7. Nghi thức “bông hồng cài áo” được tổ chức trong ngày lễ Vu lan để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu.

Trong nghi thức đó, các phật tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo cho từng người dự lễ. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu đỏ trên áo như niềm tự hào được còn mẹ. Nếu ai đã mất mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Theo thầy Thích Thanh Phong, những năm gần đây nghi thức này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo mà đã trở thành một dịp lễ trang trọng thể hiện lòng báo hiếu, tưởng nhớ đến các bậc sinh thành của tất cả mọi người.

Dịp này, 100.000 con cá giống được chuyển từ trại cá Tân Vạn về chờ phóng sinh ở sông Sài Gòn. Đặc biệt hơn, từ hai năm nay chùa còn tổ chức đại lễ cầu siêu cho những sinh linh thai nhi chưa được bước vào cõi trần. “Giáo dục giới trẻ việc quý trọng sinh linh, ngăn ngừa được tình trạng phá bỏ thai nhi cũng là cách để giúp họ biết quý trọng hơn về tình mẫu tử, lòng hiếu đạo...” - thầy Phong giải thích.

Tại chùa Hòa Khánh, Q.Bình Thạnh, nằm gần Bệnh viện Ung bướu, thầy trụ trì Thích Tấn Đạt cho hay bệnh nhân thường ghé chùa gửi gắm tâm linh, nguyện vọng của mình. Nhân mùa Vu lan, chùa tổ chức một cuộc triển lãm tranh ảnh, thư pháp mang chủ đề “Báo hiếu” được đông đảo tăng ni, phật tử và mọi người khắp nơi đến tham gia.

“Ơn nghĩa sinh thành có thể lúc nào cũng mang trong tâm ý, nhưng mùa lễ Vu lan giúp mọi người có dịp biểu hiện tấm lòng hiếu thảo một cách thiết thực nhất...” - thầy Đạt nhìn nhận. Trong một gian phòng nhỏ, những câu ca dao, tục ngữ, lời thơ hay nhất về công ơn cha mẹ được thể hiện công phu qua những nét vẽ thư pháp, để mỗi người chiêm nghiệm công ơn to lớn của hai đấng sinh thành.

Thiết thực hiếu lễ

Buổi trưa ở chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình), một người đàn ông có gương mặt gầy hóp vội phủi những mảnh vữa hồ còn bám trên chiếc áo lao động rồi tiến vào khu chánh điện, nắn nót viết tên mẹ: Lê Thị Chắt rồi ghim vào cọc giấy cầu an. Tên cha: Nguyễn Văn Chu ghim vào cọc giấy cầu siêu.

“Ước chi cha còn để tui được ghi tên cha vô tờ giấy cầu an ni cùng với mẹ” - anh tâm sự, đôi mắt thoáng buồn.

Quê ở Hà Tĩnh, anh Nguyễn Văn Chung vào Sài Gòn làm phụ hồ gần một năm nay. Khi còn ở quê, mùa Vu lan năm nào anh cũng tìm mua một đôi vịt xiêm thật béo, nấu một bữa cơm với thịt vịt thật ngon rồi cùng vợ con ăn với mẹ.

“Mệ tui đặc biệt thích ăn thịt vịt hơn mọi thứ trên đời” - anh cười giải thích. Năm nay phải đi làm ăn xa anh cứ nhấp nhổm không yên, mặc dù mấy ngày trước anh đã gọi điện về nhà dặn vợ mua vịt sớm “kẻo đến lễ bắt mệ ăn vịt gầy tội nghiệp”.

“Năm ni xa mệ, xa quê nên chỉ biết vô chùa cầu mong cho mệ thật khỏe” - anh thật thà nói. Bước ra khỏi cổng chùa, anh hân hoan gọi ngay cho con trai: “Con ở nhà mua vịt cho bà rồi à? Béo không con?... Khi nấu nhớ bằm thịt cho nhỏ cho bà ăn”. Khuôn mặt như giãn ra, anh vội vã bắt xe ôm đến công trình cho kịp giờ làm.

Không như anh Chung, anh Trần Hoàng Hiếu (Q.Phú Nhuận) may mắn khi được sống cạnh mẹ. Bố mất sớm, anh Hiếu luôn coi việc hiếu thuận với mẹ là điều quan trọng nhất cuộc đời mình. Hơn một tuần nay, trưa nào anh Hiếu cũng ở lại chùa Phổ Quang để lau chùi, quét dọn.

“Mẹ tui rất thích đi chùa nên tui dành thời gian làm công quả ở đây hơn một tuần nay, coi như để báo hiếu cho mẹ” - anh tâm niệm giản dị. Với anh, hạnh phúc nhất là mỗi mùa Vu Lan anh vẫn còn được làm theo ý mẹ.

Tại chùa Pháp Vân, chị Nguyễn Ngọc Mai (quê ở Tây Ninh) ngồi trên ghế đá trong sân chùa đọc qua điện thoại cho mẹ nghe bài thơ do mình sáng tác: Con chậm bước giữa Sài Gòn ồn ã... Con tha phương chữ hiếu chẳng đặng tròn... Đóa hoa hồng con cài lên ngực áo. Giữa sân chùa tình mẹ tựa ánh sao... Bài thơ kết thúc, chị nhẹ nhàng nói: “Con tặng mẹ đó”. Mỗi dịp Vu lan về, lòng người con xa quê ấy luôn ngổn ngang hình ảnh của người mẹ nghèo ở quê. Bài thơ dâng mẹ chị viết trong một đêm thao thức nhớ mẹ không ngủ được.

Gặp Mai Thị Thúy Hoa, 16 tuổi, ở chùa Vi Phước (ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đang quét sân, chúng tôi hơi ngạc nhiên. Em cho biết hằng ngày đều đến đây từ sáng phụ giúp các cô công việc trong chùa. Ngồi cạnh bên, Thảo Nguyên, đang học lớp 7, khoe: “Đến đây, ngày ngày được các cô dạy làm việc thiện, em thấy tâm hồn mình thoải mái lắm”.

Nói về gia đình, Thúy Hoa chợt đượm buồn: “Mấy năm trước khi cài bông hồng đỏ, em đã không trân trọng. Còn năm nay khi đã hiểu thì em chỉ còn cài màu hồng thôi vì ba em đã mất rồi”. Ánh mắt Hoa rưng rưng. Dù hoàn cảnh và mục đích đến đây khác nhau nhưng khi được hỏi mong ước lớn nhất của em là gì, các cô bé, cậu bé đều có chung một câu trả lời: “Em sẵn sàng làm tất cả để cầu mong ba mẹ khỏe mạnh”.

N.NGA - S.LÂM - H.HẠNH

Hà Nội: Vu lan sớm

Lễ cúng xá tội vong nhân được người dân Hà Nội tiến hành từ ngày 9-8 (tức 10-7 âm lịch). Năm nay, theo nhiều người, hai ngày 11 và 12-8 (tức 12, 13-7 âm lịch) là hai ngày tốt để cúng chúng sinh cũng như bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, tổ tiên. Nhiều gia đình đã tấp nập sửa soạn lễ cúng trong hai ngày này.

Trên nhiều tuyến phố Thụy Khuê, Hàng Bông, Hàng Đường, Nguyễn Trãi, Đội Cấn..., người dân vẫn đốt vàng mã ngay trên vỉa hè khiến bụi giấy và khói bay nghi ngút khắp đường. Tại chùa Hà (quận Cầu Giấy) trưa 12-8 tấp nập người ra vào, đa số là công chức và nhân viên văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa đi lễ.

Mặc dù đã được kêu gọi tiết kiệm trong việc đốt vàng mã nhưng với nhiều người, mâm cỗ cúng to, đồ cúng đa dạng mới bày tỏ được lòng thành nên đồ cúng lễ Vu lan năm nay càng được sắm cầu kỳ hơn.

Trên phố Hàng Mã, những đồ vàng mã đắt tiền như ôtô có giá 50.000-150.000 đồng/chiếc, nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi có giá 200.000-350.000 đồng/nhà, xe máy có giá trung bình 200.000 đồng/chiếc, ngựa 20.000-100.000 đồng/con... vẫn được nhiều người khuân khệ nệ.

Hình ảnh

Các thứ quà cúng lễ được nhiều người tìm mua tại Hà Nội - Ảnh: N.Hà

Huế: lễ cài hoa nhớ mẹ cha

Tối 12-8, hàng nghìn người bao gồm tăng ni, phật tử, người dân và cả du khách đã tập trung tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) để tham gia lễ cài hoa hồng báo hiếu cha mẹ nhân mùa báo hiếu Vu lan năm 2011. Hàng trăm người còn mẹ, già có, trẻ có đã tự tay cài cho mình những đóa hoa hồng lên ngực áo.

Có những người còn rất trẻ phải rơm rớm nước mắt khi cài trên ngực mình một bông hoa trắng, như đang ngậm ngùi tưởng nhớ đến người mẹ vĩnh viễn khuất xa.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, ủy viên hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, nhận xét các hoạt động trong mùa Vu lan ở Huế không quá nặng chuyện cúng bái và “sôi động” như các vùng miền khác trên đất nước. Mọi hoạt động diễn ra ở các chùa cũng như ở nhà dù rất nhiều nhưng khá thầm lặng.

Ông nói: “Người Huế cũng như bao người dân ở vùng miền khác đều đặt việc báo hiếu lên hàng đầu. Nhưng có lẽ do tính cách riêng nên việc tham gia hay tổ chức các hoạt động ở Huế cũng thầm lặng, nhẹ nhàng hơn!”.

THÁI LỘC

Vui buồn mùa Vu lan
TT - “Năm năm trời, cứ đến mùa Vu lan - lễ báo hiếu cha mẹ, họ đều ra cổng ngóng con cháu mà không thấy ai. Có lần ông cụ lo lắng hỏi bà bạn: - Lỡ con cháu tôi bị bệnh thì sao nhỉ? Nếu chúng nó còn sống, nó phải nhớ đến tôi chứ? Bà cụ an ủi: - Chắc chúng nó bận. Mấy đứa con tôi cũng vậy, suốt ngày buôn bán ấy mà” - đó là một đoạn trên báo Phụ Nữ TP.HCM mà tôi đọc được mới đây, viết về câu chuyện những ông bà cụ bị con cháu gửi vào Trại dưỡng lão Trường Tây (Tây Ninh) rồi một đi không trở lại!

Câu chuyện nêu trên thật ra chẳng cá biệt. Lâu lâu tôi thường đi cùng bạn bè đến thăm và tặng quà các cụ già ở Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già tàn tật 3... và thấy nhan nhản những câu chuyện con cái đẩy cha mẹ vào đấy để trốn tránh chữ hiếu. Chưa kể nhan nhản trên báo chí, bạn thường xuyên gặp những câu chuyện ngược đãi cha mẹ. Bạn tôi, một thẩm phán chuyên xử các vụ án dân sự, cho biết nhiều lúc cảm thấy hụt hẫng khi đối diện với quá nhiều vụ con cái đưa bậc sinh thành ra tòa vì căn nhà, vì một mảnh đất.

Thật là bi kịch cho xã hội nếu những câu chuyện trái luân thường đạo lý như thế ngày càng phát triển. Bởi không thể có một công dân tốt, biết yêu thương đồng loại nếu bản thân con người ấy không quý trọng chính những người mang nặng đẻ đau ra mình.

Nhưng liệu xã hội này đã bi kịch đến thế hay không? Không. Năm ngoái, tôi còn nhớ như in là vào ngày 19-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã diễn ra buổi lễ tôn vinh 341 người con hiếu thảo. Đó là buổi lễ lần thứ 7 mà thành phố tổ chức. Ở đó tôi đã được nghe những câu chuyện chẳng thua gì Nhị thập tứ hiếu. Ví dụ người thầy khiếm thị Nguyễn Phước Thiện không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn chăm sóc chu đáo cho mẹ già. Hay em Trần Thị Hồng Linh, một mình nuôi dưỡng mẹ bệnh nặng, chăm sóc bà ngoại già yếu và một người bác bị tâm thần. Linh tự kiếm tiền học đại học và lo cho em gái học đại học...Những câu chuyện ấy tôi đã ghi chép cẩn thận vào sổ tay để có dịp là kể cho học trò nghe.

Nhân nói đến chuyện học trò, máu nghề nghiệp lại nổi lên với câu hỏi: Trong nhà trường của chúng ta hiện nay, môn nào, sách gì giáo dục cho học sinh về lòng hiếu thảo? Ngày xưa, thời của chúng tôi (vào tầm 50 tuổi trở lên) ai chẳng biết sách Nhị thập tứ hiếu kể về 24 gương hiếu thảo. Vấn đề giáo dục cho học sinh về chữ hiếu hiện nay sao mà mờ nhạt. Chúng ta có môn giáo dục công dân. Nhưng môn này của chúng ta quá nặng về lý thuyết và thiếu những câu chuyện có thể đi vào lòng người. Tôi còn nhớ năm 2009, trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần có hẳn một chuyên đề về dạy và học môn giáo dục công dân, và mọi người gọi đây là môn “3K” - khó, khô và khổ!

Vì vậy, không chỉ có môn sử mà thôi, giáo dục công dân cũng cần phải thay đổi sao cho nó mềm hơn, đời hơn. Tuy nhiên, không hay ho gì nếu sử dụng những câu chuyện trong Nhị thập tứ hiếu vì đó là vay mượn nước ngoài. Chúng ta đâu có thiếu những tấm gương hiếu thảo thời nay như đã kể trên. Hàng trăm gương hiếu thảo, chẳng lẽ không đủ chắt lọc để có những câu chuyện hay không thua Nhị thập tứ hiếu? Cần lắm những cuốn sách như thế để dạy cho học sinh biết yêu quý cha mẹ. Đó là đầu tư chính đáng và cần thiết cho tương lai.

GIÁNG HƯƠNG

Chữ hiếu bên giường bệnh
TT - Hôm nay là rằm tháng 7 âm lịch, mùa Vu lan - mùa báo hiếu mẹ cha. Người người đi lễ cầu nguyện cho đấng sinh thành. Ai còn cha còn mẹ thì hạnh phúc đeo bông hồng đỏ, ai không còn thì đeo bông hồng trắng. Có một nơi không bông đỏ, không bông trắng nhưng ngời sáng chữ hiếu: Bệnh viện Ung bướu TP.HCM...

Hình ảnh
Em Trần Thị Thùy Trang (lớp 11 Trường THPT Hậu Nghĩa, Củ Chi, TP.HCM) chăm mẹ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Đã hai tháng nay, em Nguyễn Văn Tỉnh và mẹ - bà Nguyễn Thị Phạn (51 tuổi), quê ở Đắk Lắk - phải sống nhờ ở sân của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Kể từ khi bà Phạn phát hiện bị ung thư cổ tử cung, Tỉnh phải nghỉ học cùng mẹ đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa bệnh. Mẹ không biết chữ, em trở thành người đọc toa thuốc, xem giấy tờ và còn lo cả bữa cơm, bữa cháo hay chăm sóc mẹ những lúc bệnh nặng.

Hình ảnh
Hoàng Thị Mỹ Trang động viên mẹ là bà Dương Thị Năm, bị ung thư cổ tử cung, ở huyện Đạ Tẻ, Lâm Đồng, vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị từ tháng 2-2011

Vì đang điều trị ngoại trú, lại không có tiền thuê nhà trọ nên hai mẹ con Tỉnh ăn, ngủ và sống nhờ tại sân bệnh viện - nơi cũng có hàng trăm bệnh nhân khác tá túc ngày này sang ngày khác. Tỉnh là một trong số hơn chục đứa con đang chăm sóc bố mẹ bị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu.

Hình ảnh
Mẹ đang phải chiến đấu với bệnh tật mà không đủ tiền, Nguyễn Văn Tỉnh (13 tuổi) hằng ngày ngoài chăm sóc mẹ, em còn tranh thủ gom chai lọ từ các thùng rác quanh bệnh viện bán để có thêm tiền đưa mẹ chữa bệnh

Hình ảnh
Sau hai lần mổ hạch, sức khỏe ông Dương Văn Thiên (Lâm Đồng) vẫn còn yếu. Hằng ngày Dương Ngọc Sơn (đang học trung cấp ĐH Y dược TP.HCM) luôn túc trực lo thuốc men và xoa bóp cho cha

Đó là câu chuyện của Dương Ngọc Sơn đang học trung cấp tại Trường ĐH Y dược TP.HCM luôn túc trực bên giường bệnh để xoa người, bóp chân lúc cha quặn đau vì vết mổ chưa lành hẳn. Cứ sau buổi học em lại đến bệnh viện để chăm cha từng miếng ăn, giấc ngủ. Hay Mai Thị Hạnh, cô sinh viên ở Đồng Nai, đang nuôi mẹ tại khoa xạ trị 2, tâm sự: “Chỉ mong mẹ khỏi bệnh chứ không nghĩ gì khác. Nếu như mẹ muốn ăn cái này, ăn cái kia, hay đấm bóp gì thì mẹ sẽ dễ dàng sai bảo hơn”.

Hình ảnh
Trần Thị Thùy Trang (lớp 11 Trường THPT Hậu Nghĩa, Củ Chi, TP.HCM) lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Chi bị bệnh thận

Phần lớn gia đình các em đều khó khăn, tiền thuốc thang gần như lấy đi hết những khoản tiền dành dụm nên các em phải túc trực ở những bếp ăn miễn phí để nhận đồ ăn từ 4g-5g sáng.

Hình ảnh
Anh Sơn, quê Cà Mau, tranh thủ ngủ lấy sức sau một đêm chăm mẹ là bà Phạm Thị Tuyết (53 tuổi)

Trên giường bệnh, cận kề giữa sống và chết, những bậc cha mẹ như được tiếp thêm nghị lực bởi tình thương và sự chăm sóc ân cần của những đứa con hiếu thảo.

Hình ảnh
Phạm Phú Cường, sinh 1987, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cầm chai nước truyền cho mẹ mỗi khi phải đi ra ngoài. Bà Trần Thị Ngọc - mẹ của Cường - đã nằm viện bốn năm nay vì khối u ổ bụng

Hình ảnh
Dương Kim Hải (11 tuổi, thứ hai từ phải sang) đang chọn miếng ngon gắp cho mẹ là bà Nguyễn Thị Mến

Hình ảnh
Đã sáu tháng nay bà Huỳnh Thị Xuẩn, quê ở Củ Chi, vào ở hẳn trong viện chăm mẹ già 81 tuổi - bà Ngô Thị Biền

Hình ảnh
Mỗi khi bớt cơn đau, bà Dương Thị Liên (ở Q.8, TP.HCM) lại được con gái Phan Thị Bích Đài nhổ tóc bạc và trò chuyện tâm sự

Hình ảnh
Hằng ngày Dương Kim Hải ba lần đi lấy cơm từ thiện về để hai mẹ con cùng ăn

Hình ảnh
Vì phải điều trị ngoại trú lại không có tiền thuê nhà trọ nên mẹ con em Nguyễn Văn Tỉnh chọn sân bệnh viện làm nơi ăn ở và ngủ qua đêm

PHI LONG - THUẬN THẮNG - HỮU CÔNG thực hiện
Tập tin đính kèm
bông hồng cài áo.jpg
bông hồng cài áo.jpg (84.23 KiB) Đã xem 2350 lần


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.4 khách