Thiền Dân Gian

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
[email protected]
Bài viết: 11
Ngày: 26/06/13 19:51
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Hà nội

Thiền Dân Gian

Bài viết chưa xem gửi bởi [email protected] »

“Thiền là làm rõ cái lô gích mờ
Làm mờ cái lô gích rõ”
<Nguyễn Bảo Sinh>
THIỀN DÂN GIAN
Ai cũng hỏi cách thiền, rất ít người hỏi thiền là gì? Họ thường chấp vào hình tướng, coi thiền là ngồi kiết già vận khí từ đan điền lên bách hội. Nội dung của thiền là sự tịch lặng ở trong tâm, còn kiết già chỉ ở ngoại vi.
Thiền là im lặng, là trống không, thiền không chấp vào lời. Như Lai viết: “ 49 năm giảng đạo ta không nói một lời nào”. Thật ra, 49 năm Như Lai không hề im lặng, người thuyết pháp đầy đủ cái lẽ huyền vi của vũ trụ. Mà lý của vũ trụ là không lời, ai nói đúng cái lý của vũ trụ là vô ngôn. Thiền là cái lý của vũ trụ nên thiền cũng vô ngôn. Bồ Đề Đạt Ma thuyết pháp về cương lĩnh thiền:
“Truyền riêng ngoài giáo
Không ghi văn tự
Chỉ thẳng vào tâm
Thấy tánh thành Phật”
Vậy: Thiền là “không ghi văn tự”.
Cho nên, khi Lương Vũ Đế khoe: xây hàng nghìn ngôi chùa, nuôi hàng chục vạn sư, ni thì Đạt Ma cho là vọng động, tâm không thiền. Và, không hiểu được bài học khai ngộ này, Lương Vũ Đế đã đưa Đạt Ma ra khỏi triều đình, đến khi Đạt Ma mất, Lương Vũ Đế mới hiểu và khóc cho sự ngu mê của mình:
“Than ôi!
Thấy mà chẳng thấy
Gặp mà chẳng gặp”
Tự tánh của thiền là tính không. Như Lai đưa ra bông hoa mai trước 3000 đệ tử, mọi người tìm cách lý giải, chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Phật trao y bát thiền cho Ca Diếp:
“Thế Tôn niêm hoa
Ca Diếp vi tiếu”
Ca Diếp là im lặng, thiền cũng vô ngôn vì lời dẫn ta đến chân lý, nhưng lời không phải là chân lý, nhiều khi lời lại che cả ánh sáng của tâm. Ngón tay chỉ mặt trăng nhưng ngón tay không phải là mặt trăng. Còn theo kinh của Jê su, coi hiện hữu không phải là chân lý, mà chân lý là lời, kinh Tân ước “khởi nguồn là lời”, lời là lời của Chúa.
Theo thiền sư Bố Đại người Nhật: “Ai hỏi thiền là gì, thiền sư chỉ đặt cái túi trên lưng xuống lại khoác cái túi lên lưng rồi ra đi. Thiền sư muốn lý giải về thiền một cách vô ngôn: thiền là cái ta đang sống!”
Còn theo Osho thì thiền là khi ta đang sống trong vô thức mà vẫn dùng ý thức kiểm soát được.
Những kẻ say rượu, nghiện ma tuý, ảo tưởng về mình… là những kẻ để ý thức chìm vào vô thức, vô thức không kiểm soát được là kẻ đang mê.
Chính vì vậy mà Phật và Jé-su lúc nào cũng luôn dậy đệ tử: “Các con hãy tỉnh thức” mặc dầu các đệ tử vẫn mở to mắt, chú ý lắng nghe. Vì các đệ tử đang nghe mà không tỉnh thức, các đệ tử đang để cho ý thức chìm vào vô thức. Gốc của đạo Phật tiếng phạn gọi là bud, Phật gọi là budha, người việt gọi là bụt. Budha là tỉnh thức, cái cây mà Phật ngồi 49 ngày để ngộ đạo cũng gọi là cây tỉnh thức – cây bồ đề – tâm giác ngộ cũng gọi là tâm tỉnh thức. Tỉnh thức là thiền, là sống trong vô thức mà vẫn dùng ý thức kiểm soát được. Ví dụ như một người học võ, họ dùng tâm trí luyện theo lời thầy, tập luyện đến thành vô thức. Trên đấu trường, họ quên lời thầy, họ đánh đối thủ bằng vô thức, cái vô thức do ý thức tập luyện biến thành. “Khi mê thầy độ, ngộ rồi con tự độ”. Họ dùng vô chiêu để thắng hữu chiêu.
Còn những kẻ để ý thức chìm vào vô thức là kẻ mê. Phản bội chúa Jé-su là tên Ju-đa – một trí thức, phản bội Phật Tổ Như Lai là Đề Bà Đạt Ma – cũng là một trí thức, chìm vào đố kỵ hận thù.
Theo nhà thơ Huyền Thi định nghĩa:
“Thiền là làm rõ cái lô gích mờ
Làm mờ cái lô gích rõ”
“Mê theo cách mê của mình là ngộ
Ngộ theo cách ngộ của người là mê”
“Bước qua cánh cửa vô lời
Đi vào vô thức thành người vô vi”
“Hiểu hiện tại đang nằm trong vĩnh cửu
Thấy vô biên trong hữu hạn thân mình
Gương soi gương không có hình ở giữa
Trong suốt không không vẫn thấy sắc hình”
Thật ra, hiện hữu nằm ngoài lời, ngay cả đến tình yêu cũng không thể nào định nghĩa được. Khi ta yêu, ta chẳng hiểu mình yêu về cái gì, khi biết yêu về cái gì thì chẳng còn gì để yêu cả.
“Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng hiểu mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu
Biết thế thôi!”
Dân gian ta ngộ điều này bằng hình tượng thầy bói xem voi. Tất cả các định nghĩa, kể cả toán học cũng đều chỉ là: dường như đúng. Tất cả cái gì ta định nghĩa cũng chỉ là chân lý bộ phận. Cái sai lầm của tâm trí là coi chân lý bộ phận là chân lý toàn thể.
Hiểu được chân lý này, cho nên Phật chỉ nói: dường như đúng. Vì Phật ngộ: cứ cố dùng tâm trí để định nghĩa chân lý sẽ lạc trong lời và luẩn quẩn trong cái bẫy của lời, như trong câu đồng dao:
“Chim di là gì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ các
Bồ các là bác chim di
Chim di là gì sáo sậu”
Trí thức của con người chỉ là “mượn giả tìm chân, chân cũng giả”, “y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan” – nếu y kinh giải nghĩa thì oan cho chư Phật ba đời. Kinh sách chỉ như chiếc vỏ trứng, không có vỏ trứng không có gà con. Không phá vỡ vỏ trứng, không có gà con.
“Lý của vũ trụ không lời
Sách là sai đúng của người viết ra
Không sách ta chẳng thành ta
Không xé sách cũng không ra con người”
Thiền là “không ghi văn tự”, là xé sách.
Thiền có trước Phật, cũng như định luật về sức hút trái đất có trước Niutơn, nhưng Niutơn và Phật tìm ra đạo thiền và sức hút trái đất trước loài người. Loài người sống trong thiền cũng như đứng trên trái đất trước khi Niutơn ra đời. Loài người thiền trước khi Phật ra đời. Đấy là thiền dân gian, sau này nhờ có Phật mới viết thành lời, thành thiền bác học.
Thiền bác học và dân gian phương Đông dựa trên kinh dịch, kinh Phật, kinh Lão, Trang (đạo đức kinh, nam hoa kinh), kinh thư, kinh thi (dân gian).
Thiền bác học phương Tây – lô gích mờ – dựa trên tương đối luận, xác suất luận và thuyết cơ học lượng tử của Anhstanh: “Vật chất vừa là hạt vừa là sóng” – sắc sắc không không.
Loài người đang đi đến chỗ thống nhất giữa đông và tây. Đại diện như François Jullien, dùng khoa học kỹ thuật phương tây để giải thích thiền phương đông và dùng thiền phương đông để giải thích khoa học, kỹ thuật phương tây.
Bằng trực giác, bằng thiền định, người phương đông cũng ngộ được vạn pháp sắc sắc không không – cơ học lượng tử – cũng thấy được định luật Niutơn, hiểu được sức hút trái đất, được phi trọng lượng: các tiên bay lơ lửng. Tôn Ngộ Không cân đẩu vân hàng vạn dặm. Bằng thiền định cũng hiểu được luật thời gian co giãn theo tốc độ, khi Từ Thức nhập thiên thai, ra ngoài cảnh giới người, tốc độ > 300.000km/s thì một năm bằng hàng trăm năm nơi hạ giới.
Tóm lại, sắc sắc không không của thiền, lô gích mờ của phương tây đã hoà nhập vào nhau thành cái một – thái cực. Không ai theo một đạo, cũng như không vật gì chỉ chịu một sức hút của trái đất mà chịu sức hút xung quanh ta và cả các tinh tú cách hàng tỷ năm ánh sáng.
Đạo của các đạo là đạo quân bình. Từ proton, nơtron, đến vũ trụ vĩ mô luôn chuyển động cũng chỉ là để đi tìm sự quân bình. Thiền cũng là đạo đi tìm sự quân bình trong tâm linh. Sự quân bình tức ngộ được cái không, tức thấy được tự tánh của tâm để đắc đạo. Tánh không của thiền dựa tren ngũ kinh với luật nhân quả, luật bù trừ, vô thường, vô ngã, thuyết luân hồi. Tánh không của thiền không phải là không và có, là vạn pháp không tự có, mà vạn pháp đều vô ngã, đều do nhân duyên giả hợp tạo thành. Nhân duyên là thật, vạn pháp đều giả. H¬¬¬2 và O2 là nhân kết hợp là duyên thành H2O. H2 và O2 là thật còn H2O chỉ là giả hợp.
“Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành mầu nhân duyên”
Tánh không là tâm bất nhị. Tâm bất nhị là thấy thái cực qua âm dương, thấy được đời qua họa và phúc…
“Tất cả những cái gì tồn tại đều hợp lý” (Hê-ghel). Mỗi người sống đều hợp lý. Họ đều quân bình. Họ đều là bộ kinh vô tự, còn sách vở chỉ là tự vô kinh. Từ trước tới nay, loài người có hàng tỷ tỷ bộ kinh vô tự. Kinh này khi xuất thần mới hiện thành chữ, chỉ ai thiền mới nhập thần được. Những bộ kinh này là kinh thiền dân gian. Sự tồn tại của mỗi người là một chân lý. Các nhà nghiên cứu tự cho là mình sở hữu chân lý này. Thực ra, con người có thể sở hữu được công danh, gái đẹp, tiền tài…chứ không ai sở hữu được chân lý cả. Khi ta hiểu được chân lý thì ta là chân lý, ta vừa là kẻ đi tìm, vừa là cái được tìm.
“Kính đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay
Cửa đời chìa khoá cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”
Các nhà chuyên nghiên cứu không nhập vào thiền để ngộ thiền vì thiền là một dòng chảy tự nó vào chính nó. Họ đứng ngoài thiền để ngộ thiền. Họ giải thích điều khó hiểu bằng một lý sự khó hiểu hơn. Còn những nhà đạo học trong dân gian, họ trực cảm chân lý, họ là chân lý. Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử…giải thích về tình cảm gia đình rất rối rắm, càng giải thích càng xa rời chân lý. Còn dân gian giải thích rất đơn giản, đơn giản như hiện hữu:
“Bà ơi cháu quý bà thay
Quý bà một nỗi bà hay cho quà”
Tình yêu cũng vậy. Không có thứ gì có thể thay cho hiện hữu:
“Nghĩ về em, anh là nhà triết lý
Cảm về em, anh chỉ để làm thơ
Còn khi yêu, em vừa thực vừa mơ
Không triết lý, chẳng làm thơ, mà hiện hữu”
Tâm trí cần nỗ lực, yoga cần nỗ lực, còn thiền là không nỗ lực. Thiền như đạo, đạo ngây thơ. Những kẻ học giả là ngây thơ cụ. Tất cả mọi nỗ lực làm dáng của phụ nữ đều thua ngây thơ, ngây thơ là thiền. Thiền là ngây thơ, là tự nhiên, như nhiên. Thiền dân gian là cây đời mãi mãi xanh tươi, còn mọi lý sự của các học giả đều xám nghoét (Gớt).
Tu Phật có hai cách: tiệm ngộ và đốn ngộ. Tiệm ngộ là tịnh, là giác ngộ từ từ. Một trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà là: “Nếu ai niệm đủ 10 câu Nam Mô A Di Đà Phật sẽ được lên thẳng niết bàn”. Tụng là ở mồm, niệm là ở tâm, cũng giống như ta đã học thuộc lòng mãi rồi sẽ hiểu. Còn thiền là “truyền riêng ngoài giáo, không ghi văn tự. Chỉ thẳng vào tâm, thấy tánh thành Phật”. Thiền không dùng lời, ngộ thiền là trực cảm chân lý. Thiền là đốn ngộ: giống như ta cần hiểu bài mà không cần học thuộc lòng, cho nên có thiền truyện:

Cách học thiền
Con 50 tuổi bảo ông bố – đạo chích:
- Bố chết, ai nuôi con?
Đêm đó, ông bố đưa con đi dậy cách ăn trộm. Ông đưa con trèo tường vào một nhà giàu, bảo con chui vào một chiếc hòm quần áo rồi khoá lại. Sau đó, ông bố hô to: “Trong nhà có trộm” rồi bỏ chạy. Con nằm trong hòm nghĩ cách thoát hiểm là cào tay vào hòm. Mọi người tưởng trong hòm có chuột nên mở ra. Con co giò chạy. Mọi người đuổi theo liền. Đến giếng, con ôm tảng đá ném xuống. Mọi người quây quanh miệng giếng. Con thoát hiểm về nhà trách bố. Bố bảo đã cố tình đưa vào hoàn cảnh để con tự học.
Và: học thiền cũng như học đạo chích.
Dân gian Việt Nam cũng ngộ thiền bằng nhiều công án.
Hoa sen là biểu tượng công án về thiền. Bông sen là biểu tượng của tâm thiền. Tâm thiền là tâm chúng sinh đã được gạn đục khơi trong từ tanh tưởi của bùn.
“Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”
Con rồng cũng là biểu tượng thiền: con rồng không ở dưới đất, không ở trên trời, con rồng vô trụ xứ, con rồng vừa có lại vừa không, con rồng sắc sắc không không.
Ca dao tục ngữ cũng là những công án thiền cùng huyền tắc diệu. Câu tục ngữ “một vừa hai phải” là một công án thiền tuyệt diệu. Hai phải nghĩa là âm cũng không phải mà dương cũng không phải. Tâm ta như thái cực hàm chứa cả âm lẫn dương. Chân lý có hai chiều, một nửa cái bánh mỳ là 1/2 cái bánh mỳ, còn một nửa chân lý không phải là 1/2chân lý.
“Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang”
Đò ngang là “một vừa” là thái cực, sang và về là “hai phải”. Cả hai đều phải nghĩa là tâm bất nhị, là tâm thiền không chấp vào sang hay về. Không “một vừa hai phải” mà chấp vào một phía sẽ là kẻ điên cực tả hoặc cực hữu. Cực đoan sẽ thành bạo chúa.

“Diệt mãi không hết trùm khủng bố
Vì lòng người đều có chỗ cực đoan”
Câu tục ngữ: “Trông lên mình chẳng bằng ai, trông xuống lại thấy chẳng ai bằng mình” như một câu chân kinh. Chân lý có hai chiều đối nghịch, nếu mình nhìn được toàn bộ hai chiều của chân lý, tâm sẽ đi vào cảnh giới thiền định, khi tâm tịnh, tuệ sẽ sáng. Câu tục ngữ này đã cứu khổ cứu nạn biết bao kiếp người vô minh chìm đắm trong bể khổ, vì chỉ thấy một chiều của chân lý. Công án thiền này cũng cứu rỗi chúng sinh như câu: “Nam Mô A Di Đà Phật”.
Thấy được một vừa hai phải của cả sang lẫn về, cả trông lên lẫn trông xuống là liều thuốc ngộ làm sáng mắt, sáng lòng cho chúng sinh khỏi bệnh “thầy bói xem voi”. Công án thiền “thầy bói xem voi” khai ngộ cho chúng sinh bệnh thấy cây mà không thấy rừng, chỉ thấy chân lý bộ phận không thấy chân lý toàn thể.
Thiền là ta đi vào ngôi chùa của Phật, ngôi nhà của Chúa như đứa trẻ thơ:
“Thiền thi có phép lạ đời
Già dơ đọc mãi thành người ngây thơ”
Ngây thơ tự nhiên như:
“Con cóc trong hang
Con cóc ngồi đấy
Con cóc nhẩy đi
Sống sao như cóc vô vi
Nhẩy ra, ngồi đấy, rồi đi chầu trời”
Thiền là coi sống và chết là hai mặt của một bản thể. Bài thơ:
“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng”
Đây là công án ngộ thiền về lẽ sinh tử của dân gian rất vi diệu. Con gà, con lợn thản nhiên đón nhận cái chết. Cái làm ra sự sống cũng là cái tạo ra cái chết. Sinh ư nghệ, tử ư nghệ. Con người nuôi gà, nuôi lợn để làm thịt. Vậy thì gà, lợn cũng ngộ ra lẽ sinh tử ấy mà chết một cách tự nhiên, như nhiên. Còn con chó uyên thâm hơn, nó hiểu “sống là gửi, thác là về”, hay như Phật dậy: “Sai lầm lớn nhất của loài người coi sống là sướng, chết là khổ”. Trang Tử coi chết là cắt cái sợi dây trói treo người lơ lửng để giải thoát, là cưỡi hạc quy tiên, là về nơi tây phương cực lạc. Vì ngộ được lẽ sinh tử này, con chó mới “khóc đứng khóc ngồi” đòi “bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng”. Chính vì sự uyên áo này, mà bài thơ ám vào lòng người hàng mấy nghìn năm. Vì bài thơ này là một công án thiền, nên bên ngoài cái ngây ngô của bài thơ tưởng như dậy về cách dùng gia vị, mà bên trong nó hàm chứa lẽ huyền vi về sinh tử của vạn pháp, nó đòi hỏi mọi người phải tự khám phá cả đời, rồi chợt hoát ngộ trong một sát na:
“Thiền là tìm lạ trong quen
Tìm lạ trong lạ là điên Trâu Quỳ”
Công án thiền tiêu biểu nhất thế giới là bức tranh “chăn trâu”. Dân gian ta cũng có công án thiền trong bài thơ “con voi” vừa đơn giản, vừa huyền diệu:
“Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước
Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau
Còn cái đuôi đi sau rốt”
Thiền là sống tự nhiên, hai chân trước đi trước. Nhưng trong đời này đã mấy ai ngộ được cái chân lý đơn giản ấy. Họ lại muốn hai chân trước đi sau. Trong mê đắm, tâm vô minh nên họ đặt cái cầy trước con trâu. Cũng như có người bảo với thợ xây: “Anh hãy xây cho ta ngôi nhà tầng hai, còn tầng một không cần xây”. Hoặc đơn giản hơn là nuôi con một cách duy ý chí: bắt con phải ăn khi không đói, uống khi không khát. Thiền là tự nhiên, là hai chân trước đi trước, là đói ăn khát uống, mệt ngủ liền… Vĩ mô hơn như trong xây dựng xã hội, không chịu tiến hoá theo quy luật, chỉ thích đi tắt đón đầu, đốt cháy giai đoạn ta sẽ gây phiền não…Vì trái quy luật tự nhiên để hai chân sau đi trước, hai chân trước đi sau.
Các dân tộc trên thế giới đều có cách quân bình tâm linh, đều có cách thiền đậm đà bản sắc dân tộc. Người Anh đã bị đầy đọa trong bể khổ về sự duy ý chí như Hăm-lét, như Ô-ten-lô trong kịch của Sêchxpia, nên dân gian Anh đã có một kiểu thiền rất độc đáo trong công án thiền: “Phớt ăng lê”. Khi nào cuộc tranh luận duy ý chí bế tắc, người Anh chuyển sang bàn về thời tiết. Sự tranh luận về thời tiết sẽ đưa tâm linh sang cảnh giới thiền:
Hãy yêu nhau như ta yêu thời tiết
Ngắm trời xanh và biết tránh mưa giông
Hãy cãi nhau như bàn về thời tiết
Tình cảm ngược chiều mà vẫn thấy như không
Còn người Pháp có một công án thiền rất Pháp. Đó là câu: “C’ests la vie”, tương đương với chữ “như” trong đạo Phật:
“Kinh Phật lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tất cả đều quên hết
Còn lại trong đầu một chữ như”
“C’ests la vie” – đời là như vậy – đời là do nhân duyên đưa đến, đời tự tánh là không. Nếu trái đất chỉ có một người sẽ không có tốt xấu. Sở dĩ có tốt, xấu là do sự liên hệ, so sánh:
“Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”
Đời là C'ests la vie”, là như thế, miễn bình luận. Thiền nhân chỉ chứng kiến chứ không có ý kiến:
“Trong mười điều chín không như ý
Còn một điều lại ý chẳng như
Muốn cho vạn sự đều như ý
Cần một điều biến ý thành như”
Hoà thượng hỏi sư:
- Đại đức toạ thiền để làm gì?
Sư đáp:
- Để làm Phật.
Hoà thượng bèn lượm một viên gạch mài trước am sư. Sư hỏi:
- Mài gạch để làm gì?
Hoà thượng đáp:
- Để làm kính.
Sư hỏi:
- Mài gạch sao thành kính được?
Hoà thượng đáp:
- Mài gạch không thành kính được, toạ thiền há thành Phật được sao?
Sư hỏi:
- Vậy thì sao mới phải?
Hoà thượng nói:
- Như bò kéo xe, xe không đi thì đánh xe là phải hay đánh bò là phải?
Sư không biết nói sao. Hoà thượng lại nói:
- Ông học toạ thiền hay học toạ Phật? Nếu học toạ thiền thì thiền không dính chi tới việc nằm ngồi. Nếu học toạ Phật thì Phật vốn chẳng có tướng nhất định. Cái pháp vô trụ xứ không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng ngồi thì không đạt được lẽ đó.
“Tu chùa, tu chợ, tại gia
Tôi tu tại chỗ gọi là tu chi
Tâm vô trụ, trụ vô vi
Gặp đâu tu đấy, thấy gì cũng tu”

“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì”
THIỀN DÂN GIAN VỀ TÌNH YÊU
Định nghĩa
Thái cực sinh lưỡng nghi, âm và dương làm chuyển hoá vũ trụ, chuyển hoá toàn thế giới cũng chỉ bởi đàn ông và đàn bà. Những mối tình thượng đế đủ cả ghen tuông, hờn giận trên đỉnh núi Olimpia của Zớt và Hê-len làm rung chuyển cả thiên đường và trái đất. Mối tình tay ba giữa Ngọc hoàng thượng đế cùng Thiên hậu và Tây Vương Mẫu để lại hình ảnh Hằng Nga và Hậu Nghệ cho muôn đời sau. Rồi đến cảnh Thiên Bồng Nguyên Soái vì quấy rối tình dục Hằng Nga trên cung quảng nên bị đày xuống hạ giới làm Trư Bát Giới mà vẫn không chừa tính hiếu sắc.
Rồi cảnh trần và tiên giao hoan nơi chốn Đào nguyên giữa Từ Thức, Lưu Nguyễn với tiên nữ còn mãi để lại trong lòng người niềm bâng khuâng luyến tiếc mơ hồ.
Ngay dưới âm ty lạnh lẽo, tối như đêm, dầy như đất, những mối tình ma quái trong “Liêu Trai Chí Dị” cũng làm rạo rực lòng người trong lúc lãng đãng mây chiều, nơi thâm sơn cùng cốc, lập loè đom đóm ma chơi:
“Một làn hơi trắng toả trong sương
Hài xanh lướt cỏ cánh thoa vương
Bồng lên thiếp nhẹ hơn làn khói
Tình nồng quên cả cõi âm dương”
Còn trong chốn cát bụi hồng trần cũng đủ cảnh giới yêu hơn cả Bồng lai tiên cảnh, hoặc chốn “Liêu Trai Chí Dị”.
“Kìa xem đôi yêu ma bươm bướm
Sống ở trên đời đã là sự điên rồ
Lại còn định bay lên tận trời xanh
Sao không ngủ đi trong sự dịu êm”
Vậy, tình yêu là gì mà ngay cả:
“Kìa cầm thú là loài động vật
Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng
Có âm dương, có vợ chồng”
Đạo trời đất là đạo quân bình. Quân bình âm dương, quân bình lý trí và tình dục. Quân bình cửa Phật giữa Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên là Văn Thù Bồ Tát – lý trí và Phổ Hiền Bồ Tát – tình yêu theo đạo Phật là đồng nhất giữa lý trí và tình cảm giữa Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Tình yêu của Phật trải ra toàn cõi chúng sinh gọi là từ bi hỷ xả. Tình yêu của cõi giới niết bàn, của Phật không có ghét. Tình yêu của Phật là tình yêu tự đồng nhất:
“Nếu yêu những kẻ yêu nhau
Thì mình đâu có nỗi đau nhân tình
Nếu thân không nệ cái hình
Ra ngoài sự vật thì mình thành tiên”
Theo kinh Tân ước, tình yêu là do A Đam và E Va ăn phải quả cấm nơi địa đàng. Còn loài người cũng do trò chơi tình ái của Tạo hoá sinh ra. Và loài người lại chơi trò chơi tình ái sinh ra như Tạo hoá.
“Tạo hoá tạo ta chơi
Ta chơi trò tạo hoá
Hợp tan mây thành đá
Nhật nguyệt hoá như như”
Napoléon hỏi mỹ nhân:
- Sao nàng đẹp thế còn trang điểm làm gì?
Mỹ nhân đáp:
- Hoàng đế đã chiếm cả thế giới còn chiếm thêm mỹ nhân làm gì?
Câu hỏi này chỉ có bắc thang lên hỏi ông trời!
Sao Càn Long có 3000 cung tần mỹ nữ còn du Giang Nam chơi gái lầu xanh làm gì?
Tống Huy Tôn phải đào hầm hàng 10.000m để trốn đến lầu xanh làm tình cùng kỹ nữ Lý Sư Sư, vì sao?
Vua Tự Đức đã bão hoà tình ái vẫn mủi giải khóc lóc người tình:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Theo phép dùng binh của Tôn Tử, có 36 kế thì mỹ nhân kế là rẻ nhất vì có sự đồng mưu giữa trời và người.
“Bẫy tình tạo hoá lừa ta
Bị yêu lại cứ tưởng là được yêu”
Tô Châu Đát Kỷ, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền đẹp đến đổ quán siêu đình. Tự cổ anh hùng đa hiếu sắc, mấy khi anh hùng vượt qua được cửa ải mỹ nhân. Loài người vốn hiếu sắc hơn hiếu đức.
Ngay cả đến các tổng thống như Bin-clin-tơn cũng từng gây ra biết bao vụ scandal tình ái làm cho khốn khổ, điêu đứng cùng cô thư ký mỹ miều.
Từ Hải “trước cờ ai dám tranh cường, dọc ngang nào biết trên đầu có ai” cũng vì tình mà chết đứng. Để đến nỗi Nguyễn Du vi quá đau xót, nên đã có lúc định nghĩa quá vội vàng và phiến diện về tình yêu: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Định nghĩa của Nguyễn Du về tình yêu mới chỉ đánh giá được một mặt của tình yêu.
Tình yêu cũng như cõi phúc, khi tình yêu xẩy ra như một năng lượng không có bản ngã bên trong, nó là sự giải thoát, là niết bàn. Nên định nghĩa “tình là dây oan” không phải là hoàn toàn đúng. Vì tình vừa là phúc, vừa là oan. Hoạ là chỗ nấp của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ. Hoạ hoạ, phúc phúc đều tự tình ái sinh ra. “Tình là dây oan” là một nửa của chân lý, còn nửa kia nằm ở phía đối lập. Suy lý có một chiều, hiện hữu có hai chiều.
Nguyễn Du, hiệu là Tố Như. Tố Như nghĩa là chấp nhận vạn pháp không tốt, không xấu.
“Khi vô tích, khi lâm tri
Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”
Tố Như là tự tánh rỗng không, là chân như. Nhà văn chỉ chứng kiến chứ không có ý kiến. Tố Như là không chấp có, không chấp không, tâm bất nhị. Khi Nguyễn Du chấp vào cái có: “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Tố Như bị kẹt vào cái có. Tố Như thành tố hữu. Hữu nghĩa là có, nghĩa là chấp vào cái có. Như nghĩa là sắc sắc không không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc.
“Kinh Phật lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tất cả đều quên hết
Còn lại trong đầu một chữ như”
Tố Hữu là nhà thơ cách mạng duy lý. Ông đã có định nghĩa tình yêu tỉnh táo sâu sắc như triết học Đề-mô-crít, như thuyết cấu trúc cơ học Niutơn. Cơ học sinh cơ tâm:
“Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu
Em sung sướng thế cũng nhiều anh nhỉ
Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”
Vì chấp vào cái hữu, không chấp vào cái vô, Tố Hữu đã tư duy theo hình nhi hạ.
Xuân Diệu cũng vậy. Xuân Diệu là nhà thơ nhập thế. Xuân Diệu coi tình yêu như một thực thể bất động, có thể chia cắt, đo đếm từng phần như toán học. Cỗ máy tình yêu có thể tháo rời ra từng bộ phận. Để rồi Xuân Diệu cũng bế tắc như các nhà khoa học là không thể tổng hợp lại được:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà lại được yêu
Cho rất nhiều mà trả chẳng bao nhiêu”
Không, yêu là sự biến đổi huyền ảo giữa thân và tâm, sự biến đổi nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Chưa đầy chớp mắt Lưu Nguyễn đã cùng tiên hoan lạc nơi Bồng lai tiên cảnh. Rồi cũng chỉ chớp mắt lại bần thần ngơ ngác ngay giữa quê hương.
“Lưu Nguyễn không tìm lại gặp tiên
Tìm về trần thế hoá vô duyên
Đi mà không đến là Tây trúc
Đến mà chẳng được, ấy Đào Nguyên”
Lần đầu, Lưu Nguyễn lạc đường tới thiên thai là do kỳ ngộ. Lần sau, lạc đường ngay giữa quê hương là do tự mê.
Làm sao mà Xuân Diệu cân, đo, đong, đếm được tình yêu. Vua ngủ với cung tần mỹ nữ nơi màn loan trướng huệ sướng gì hơn kẻ ăn mày ngủ với nhau nơi đầu đường só chợ.
“Rồi sẽ hiểu ít nhiều đều là đủ
Trẻ hay già vô nghĩa trước mai sau
Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau”
“Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Trong cõi tâm linh thế nào là ít? Có khi 1> 1000. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, “bát cơm siếu mẫu đền ơn nghìn vàng”. Ít, nhiều tự tánh đều không. Yêu chung thuỷ một người không ít hơn yêu hàng nghìn người. Chỉ hôn một lần mà có khi đã mãi mãi hôn nhau.
“Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm”
Còn cả đời phải sống với người mình không yêu thì có cũng bằng không:
“Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu”
Có lúc vì quá mê, Xuân Diệu đưa tình yêu ra mặc cả, tính toán một vấn đề không thể mua bán, mặc cả như chợ búa:
“Có thể mua được người yêu
Không ai mua được cách yêu của người”
Chỉ có thể bàn về cách đi, không bàn về đường đi:
“Núi yêu kiểu núi đứng im
Gió yêu kiểu gió cánh chim giang hồ
Tình yêu như một bài thơ
Ngàn năm chưa có bao giờ giống nhau”
Tình yêu là mầu sắc ở chỗ không mầu sắc. Tình yêu không mầu, không sắc ở chỗ có sắc, có mầu. Tình yêu không từ đâu đến, tình yêu cũng không đi về đâu. Tình yêu không có mở đầu, tình yêu không có kết thúc.
“Tình nào cũng chỉ dở dang
Đôi ta tạo hoá cũng đang hoàn thành
Cái gì cũng chỉ dở dang
Ngay như vũ trụ cũng đang hoàn thành”
Tình yêu không thường hằng, tình yêu vô thường luôn chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác:
“Tìm đường để đến nhà em
Đến nơi mới biết nhà em là đường
Thuyền tình cập bến yêu đương
Biết đâu bến cũng là đường mà thôi”
Con đường tình ái liên lỷ, liên hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Như mối tình giữa Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng là vô tiền, khoáng hậu, từ kiếp này sang kiếp khác. Kiếp trước, Dương Quý Phi là Tuỳ Dượng Đế, Đường Minh Hoàng là Quý Phi của Dượng Đế. Quý Phi đã hy sinh để bảo vệ Dượng Đế. Kiếp sau, Dượng Đế lại thành Dương Quý Phi. Khi chạy loạn An Lộc Sơn đến đèo Mã Ngôi, để cứu Đường Minh Hoàng, trước khi chết, Quý Phi hỏi thiền sư:
- Thế có kiếp sau không?
Thiền sư đáp:
- Có.
Dương Quý Phi cầu xin trời phật để kiếp sau lại được lấy Đường Minh Hoàng. Mối tình này còn sâu sắc hơn cả Rô-mê-ô và Ju-li-ét. Ngày nay, du khách qua đèo Mã Ngôi, ai cũng bâng khuâng nhớ tới mối tình vạn thuở:
“Thiên hương quốc sắc đâu rồi
Chỉ còn thảm cỏ chân đồi Mã Ngôi
Nghiêng thành nghiêng nước đâu rồi
Ngàn năm mây trắng nghiêng trời vẫn bay”
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà lại được yêu
Cho rất nhiều mà trả chẳng bao nhiêu”
Mang cái cân, cái thước hữu hạn của lý trí để đo cái vô hạn, cái huyền bí như vũ trụ của tình yêu thì quả là ngu ngơ của nhà thơ. Cái ngu ngơ thật đáng yêu. Yêu nhau là duyên nợ từ nhiều kiếp, trong cõi mơ hồ.
“Người yêu ta để trên cơi
Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ
Đêm qua ba bốn lần mơ
Chiêm bao thì thấy, dậy sờ lại không”
Ai mang cân thước để đo mơ. Tình yêu cũng như đường chân trời, nó gần ngay trước mắt mà ta càng đến càng xa, ta chỉ có thể tiệm cận tới tình yêu. Rồi còn “cho rất nhiều mà trả chẳng bao nhiêu”. Tình yêu là vừa cho vừa nhận, cho cái nhận, nhận cái cho. Cho và nhận là một thì làm sao tính được ít hay nhiều?
“Mấy khi nguyệt thực trong lòng
Mấy khi hai trái tim lồng đúng tâm
Mấy khi nhật thực toàn phần
Để mong thấy được tri âm lờ mờ”
Chỉ lờ mờ thấy được tri âm đã mãn nguyện. Tình vốn mơ hồ. Tình vượt ra sự tính toán số học “ít, nhiều” kiểu Xuân Diệu. Một vạn lạng vàng dễ kiếm, một người tri kỷ tri âm khó tìm:
“Dễ dàng đè bẹp anh hùng
Hồng nhan tri kỷ khó cùng tri âm”
Định nghĩa tình yêu của Hồ Zếnh mang cảnh giới sắc sắc không không của thiền:
“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”
Tình yêu thật nằm ở chỗ nửa có nửa không, ở chỗ hình như. Tình sẽ tan biến khi cụ thể hữu hình:
“Yêu nhau giây phút hình như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm vào hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan”


Tình yêu cũng như đôi bờ của dòng sông:
“Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sông chẳng bao giờ thành sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời”
Khi ta yêu cái gì thì mặt đối lập của nó sẽ xuất hiện. Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Tình yêu là vô ngã, yêu và ghét đều cùng một lý do. Ta yêu nhau về cái gì sẽ ghét nhau về cái đó:
“Yêu và ghét đều giống nhau
Lý do đừng hỏi trước sau làm gì
Chỗ đến là chỗ để đi
Lý do yêu ghét không gì khác nhau”
Người yêu chỉ là màn ảnh để ta phóng chiếu tâm trí của ta. Cho nên, yêu nhau cần có bốn người: hai người là thực, hai người là mơ. Người yêu là màn ảnh để phóng chiếu giấc mơ lên:
“Yêu nhau phải có bốn người
Hai người là thực, hai người là mơ
Ghét nhau phải có bốn người
Hai người là thực đang mơ ngược chiều”
Cho nên, mọi mối tình chỉ đẹp ở phút ban đầu, ở sự dang dở:
“Mới yêu nhìn đã tri âm
Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng Tây”
Vì ta chỉ yêu giấc mơ của chính mình. Con đường dẫn tới tình yêu là có thật. Cái đích của tình yêu là giả. Nhưng nếu không có cái đích giả thì cũng không có con đường thật. Khi đến cái đích giả, tình yêu sẽ tan biến và chuyển sang nghĩa:
“Không ngồi lâu quá một nơi
Sinh lòng luyến ái khi rời nhớ thương
Khi đã hiểu lẽ vô thường
Nhìn đâu cũng chỉ thấy đường mà thôi”
Nguyễn Bính là nhà thơ trực cảm chân lý dân giã. Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê, của hương đồng gió nội, song có lúc xuất thần lại định nghĩa tình yêu tiệm cận với thiền.
“Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
Tình yêu là vô ngã. Yêu là giả, nhân duyên là thật. Vì yêu là nhân duyên, cho nên nằm ngoài ý muốn của ta. Yêu say đắm đến tương tư, Nguyễn Bính coi đó là bệnh. Thường thì người ta chỉ coi cao huyết áp, đau dạ dầy là bệnh, còn diễn biến trong tư tưởng thì cho là về đạo đức. Tình yêu đến tương tư, xét tới cùng là bệnh. Ngay cả mọi suy nghĩ sai lầm của chúng ta cũng là một bệnh. Có ai thù hằn gì với người cao huyết áp, đau dạ dầy? Nếu ta hiểu tương tư và mọi sai lầm là bệnh thì chắc chắn thế giới này mọi người đều đối xử với nhau sẽ chỉ có yêu thương.
“Khi biết mỗi sai lầm là đều là bệnh
Chắc lòng người sẽ lượng cả bao dung”
Có thể định nghĩa tình yêu ở góc độ phản ứng hóa sinh. Chuyện các quan bàn nhau định nghĩa về tình yêu. Người bảo yêu nhau về hình thức, kẻ bảo yêu nhau về nội dung. Riêng các hoạn quan không bàn gì. Họ là người thực nghiệm định nghĩa này hơn ai hết: tình yêu là một phản ứng hoá sinh.
Thiền định nghĩa tình yêu
“Phải vào mới thấy lối ra
Phải yêu mới biết đâu là không yêu
Tìm ai suốt cả bốn chiều
Rồi ra mới biết bốn chiều đều không”
Không ở đây không phải là không và có. Mà tình yêu không tự có. Tình yêu do nhân duyên đưa đến:
“Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành mầu nhân duyên”
Tình yêu không tự có. Tình yêu là kết quả của nhân duyên. Vậy, tình yêu cũng như vạn pháp đều vô ngã. Tự tánh của tình yêu là không: “Tìm ai suốt cả bốn chiều, rồi ra mới biết bốn chiều đều không”. Vậy nên, khi đã có duyên thì rồi sẽ gặp:
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng”
Đạo Phật hiểu và định nghĩa tình yêu theo chữ duyên, chữ phận. Nhân duyên là tự tánh của vạn pháp. Kinh kim cương viết: “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” – một miếng ăn, một hớp uống cũng do tiền định.
“Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn tiền định khá thương lọ là”
Còn dân gian hiểu chữ duyên mộc mạc:
“Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”
Thiền thời Lý Trần thường nghiêng về phần không mà ít thắm sắc. Thơ tình ái cũng nghiêng về lý mà kém tình. Chỉ đến sau này, thiền mới quân bình giữa tình dục và lý trí. Thơ Xuân Hương phần tình dục vô thức đã nổi lên thành ý thức. Xuân Hương là người treo bức tranh nude hiện đại đầu tiên của Việt Nam thời Phong kiến:
“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ
Đi thì cũng dở, ở không xong”
Bức tranh nude càng đậm đà bản sắc dân tộc ở chỗ anh chàng “quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ, đi thì cũng dở, ở không xong”. Còn người Tây xem tranh nude họ bình tĩnh mở to mắt ra.
Bức tranh Thuý Kiều nude của Nguyễn Du vẫn còn mang tính ước lệ của sự giả dối Phong kiến:
“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”
Nhưng dù sao Nguyễn Du cũng là nhà thơ Việt Nam tả về tình yêu đã mang tính rạo rực của thân xác, gợi cảm của nude.
“Sóng tình dường đã siêu lòng
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”
Một trong yếu tố đầu tiên định nghĩa tình yêu, ta cần phải hiểu về tình dục. Nhà thơ Huyền Thi đã viết bốn câu thơ đủ nói lên sự uyên nguyên của dâm và tình:
“Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ rồi mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ rồi mới biết trong dâm có tình”
Tình mà không dâm là hư vô:
“Chàng bảo yêu bởi tâm hồn
Em thay giới tính chàng con yêu không”
Dâm mà không tình là súc vật.
“Nếu em đánh mất linh hồn
Thì em chỉ có cái “ồn” mà thôi”
Cho nên, ta hiểu tại sao Napoléon, vua Càn Long không thích ngủ với cung tần mỹ nữ mà thích vi hành du Giang Nam chơi gái lầu xanh, vì họ dâm có tình:
“Cung phi ngủ với con trời
Chứ đâu ngủ với cái tôi của mình
Càn Long rời bỏ cung đình
Để đi tìm những mối tình không vua”
Tình không vua nghĩa là dâm có tình.
Thời Phong kiến, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mối tình thơ mộng – dâm có tình – thường nằm ngoài lễ giáo Phong kiến như Thuý Kiều, truyện “Dưới mái tây hiên”, “Liêu Trai Chí Dị”… Cho nên, những mối tình đẹp, dâm có tình thường chỉ ở chốn lầu xanh:
“Thuý Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh
Cả ba đắc đạo mối tình thanh lâu”
Mối tình kỹ nữ là sự đòi hỏi nhân quyền, tự do yêu đương thoát khỏi lễ giáo Phong kiến. Một loạt những bài thơ đầy cảm xúc đê mê trong mối tình kỹ nữ thời 1930-1945 thật tuyệt vời. Đó là những bài thơ tình kỹ nữ của:
Xuân Diệu:
“Khách ngồi lại cùng em đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu sang
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử”
“Xao xác tiếng gà
Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi
Du khách đã đi rồi”
Thế Lữ:
“Thuyền khách đi rồi tôi vẫn cho
Lòng tôi theo lái lối phong mơ
Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn
Không khóc vì chưng mắt đã khô”
Vũ Hoàng Chương:
“Cắm thuyền sông lạ một đêm mơ
Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ
Đâu đó tầm dương sầu lắng đợi
Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ”
Những mối tình kỹ nữ thời đó mang tính nhân văn, đòi hỏi giải phóng khỏi lễ giáo Khổng Tử:
“Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ rồi mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ rồi mới biết trong dâm có tình”
Chỉ đúc kết bằng bốn câu thơ: dâm có tình và tình có dâm, nhà thơ Huyền Thi đã ngộ được tính sắc sắc không không của vạn pháp. Thiền là “gương soi gương không có hình ở giữa, trong suốt không không vẫn thấy sắc hình”. Dâm và tình cũng như sắc và không. Ngộ được dâm và tình là thiền định. Dâm có tình, tình có dâm, đó là chỗ cùng huyền tắc diệu của tình yêu. Bốn câu thơ này là một công án thiền về dâm và tình.
Nắm bàn tay người yêu là ta nắm vào cái vô hạn, cái vô thường. Không thể lấy cái hữu hạn để hiểu được cái vô hạn. Vũ trụ cũng không có hai cái vô hạn. Cho nên, ta không thể định nghĩa được tình yêu là gì. Khi đang yêu, hiển nhiên ta biết mình đang yêu, nhưng nếu ai hỏi ta yêu là gì, thì ta không thể hiểu được:
“Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng hiểu mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu
Biết thế thôi”
Hai đôi môi hữu hạn đang hôn nhau trong cái vô hạn, tưởng như là ta đã biết về nhau. Thật ra, ngay cả loài người đã từng hôn nhau hàng mấy triệu năm mà vẫn không hiểu nổi yêu là gì? Em là ai? Sau mấy triệu năm hôn nhau thì sự bí mật huyền vi của tình ái càng huyền ảo hơn. Khoa học tình ái là khoa học huyền bí bỏ đi cái huyền bí. Mọi người định nghĩa tình yêu chỉ là giải thích một điều khó hiểu bằng một điều khó hiểu hơn. Dù loài người có hôn nhau vài triệu năm nữa thì câu hỏi: em là ai? Cũng như câu hỏi linh hồn có hay không cũng là cuộc tranh luận bất phân thắng bại, như: “Dã tràng xe cát biển đông, như ta phân biệt có, không trên đời”.
“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới, ta chưa hiểu gì”
Tình yêu là đạo. Không thể dựa theo nghe mà đi tìm đạo, không thể dựa theo thấy mà đi tìm đạo sẽ không đắc đạo. Tình yêu cũng vậy, không thể định nghĩa tình yêu bằng mầu sắc, bằng âm thanh, bằng khối lượng. Người cao 1,1m làm tình không kém người cao 1,8m. Vua ngủ với mỹ nữ không sướng gì hơn kẻ ăn mày ngủ với nhau nơi đầu đường xó chợ:
“Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau”
Những người sống độc thân là những người có một tình yêu say đắm nhất. Họ không yêu ai bằng chính yêu bản thân họ, và chỉ tương tư chính họ:
“Những người quyết chẳng lấy ai
Là người chỉ quyết một hai lấy mình
Tương tư trong mọi mối tình
Là tương tư chính bóng hình của ta”
Còn những người sống ly thân nơi trần thế đâu phải họ chán yêu. Vì quá yêu say đắm con người, để tôn trọng tình yêu ấy, họ phải ly thân để kính nhi viễn chi:
“Vì yêu tha thiết con người
Cho nên mới lánh về nơi không người
Quạnh hiu ngay giữa đất trời
Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương”
Đi tìm người yêu là con đường tìm về chính nội tâm mình. Yêu là mình yêu mình, cuộc hành trình vào bên trong của tâm linh:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua
Đã yêu chẳng quản gần xa”
Cuộc hành trình này hành giả nào cũng cô độc. Người hành giả lữ thứ đều thấy yêu là đến với đớn đau. Cuộc hành thiền khám phá bên trong đều cô đơn, đều phải tự hoá giải:
“Không ai mang bệnh giúp mình
Không ai hôn hộ người tình giúp ta
Không ai mua được ngây thơ
Chẳng ai bán được dại khờ cho ai”
Yêu là đạo, đạo ngây thơ. Chúng ta hãy đi vào ngôi đền tình ái như đứa trẻ thơ, mỗi bước đi là một bước đến, vì thân thể thường minh triết hơn lý trí. Khi thân thể tự đồng nhất với lý trí, ta sẽ ngộ được tình yêu, ngộ được trong dâm có tình, trong tình có dâm.
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo” cũng là công án thiền, như Tôn Ngộ Không cũng từng cô đơn trèo qua vạn núi, lội đến nghìn sông để tìm gì? Khi Tôn Ngộ Không hỏi người tiều phu chỗ ở của sư phụ, thì người tiều phu chỉ tới chỗ gọi là linh đài, phương thốn. Linh đài là huyệt đạo trên đỉnh đầu, phương thốn là huyệt đạo cách rốn 3cm. Linh đài, phương thốn là bản thân mình. Đi tìm đạo, đi tìm người yêu là tìm mình:
“Tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua
Đã yêu chẳng quản gần xa”
Là cuộc hành thiền, cuộc phiêu lưu lữ thứ cô đơn tìm về nội tâm:
“Tôi là người bộ hành phiêu đãng
Đường trần gian xuôi ngược để mua vui”
Tình yêu cũng phải chịu nỗi khổ nhục như hành đạo. Hồn ma đi đầu thai kiếp khác phải mất 7*7=49 ngày. Hành đạo phải chịu 9*9=81 nạn. Tìm tình yêu cũng vượt qua phải đủ tam tứ núi, thất bát sông và cửu thập đèo:
“Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
Thằng bé u ơ khóc dưới hông
Tất tả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông”
Sự mệt mỏi nào kém gì Tôn Ngộ Không bị lửa dục tam muội của Hồng Hài Nhi thiêu đốt. Cảnh yêu nhau tam tứ núi cũng trèo phảng phất hình tượng thái tử Tất Đạt Đa cô đơn cưỡi con ngựa Trắc Kiền bỏ ngôi vua tìm về nơi rừng hoang núi vắng để tìm ra chính mình, sự cùng huyền, tắc diệu của Tạo hoá. Cũng là hình ảnh của Rô-bin-sơn, Uy-li-át Ô-đít-xê, Sin Bát trong “Nghìn lẻ một đêm” là cuộc hành thiền. Họ không khám phá ra cái bí mật của đại dương, mà họ đi tìm cội nguồn tình yêu của chính họ. Họ đi thật xa để thấy cái ngay trong họ:
“Kính đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay
Cửa đời chìa khoá cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”
Đông-ky-sốt khật khưỡng, điên khùng đi tìm người đẹp. Mà người đẹp là ai, là nàng Đuyn-xi-nê ở xóm Tô-bô-dô. Cô ta là hàng xóm của Đông-ky-sốt. Sác-lơ đi tìm hạnh phúc, sau khi đi hết quả địa cầu, anh chàng si tình Sác-lơ cũng trở về lấy cô hàng xóm. Hạnh phúc ngay trước mắt: “cửa đời chìa khoá cầm tay, mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”. Anh chàng quý tộc Nga trong truyện “Phục sinh” lẽo đẽo hành trình theo cô gái điếm Maslôva đến tận Si-bê rét âm dưới 40¬¬¬¬o¬¬, cũng là một hành giả đi tìm chính bản thân. Mọi cuộc hành thiền vào nội tâm, thiền nhân đều cô đơn.
Tìm người yêu là hành giả tìm chính mình. Người yêu là tâm trí của chính mình. Cho nên, khi ta bỏ người vợ hoặc người yêu trước lấy người vợ sau thì bản thể người vợ sau cũng chỉ là người vợ trước, có khác chăng chỉ là ở cái tên. Vợ trước, vợ sau đều là bản ngã của chính mình:
“Bỏ vợ như bỏ trại giam
Tù chung thân lại chuyển sang suốt đời”
Chê mẹ chồng trước đánh đau, lại gặp mẹ chồng sau mau đánh. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa:
“Trao nhau nhẫn cưới ước mong
Đeo vào bỗng hoá thành vòng kim cô
Lại mong lại ước lại chờ
Tháo ra rồi lại ước mơ đeo vào”
Chối bỏ người yêu, người vợ là chối bỏ chính bản thân mình. Ta là dương bản thì vợ là âm bản. Cũng như có người ngủ mê choàng tỉnh dậy, thấy tên cướp hung dữ trước mặt, anh ta hô hoán ầm lên. Mọi người xông tới cứu, hoá ra anh ta đang soi gương. Hình ảnh ta trong gương cũng chính là hình ảnh bản ngã của ta. Cho nên, người làm sao, của chiêm bao làm vậy. Thơ làm sao thì bồ của họ là vậy:
“Muốn so thơ dở thơ hay
So bồ của họ biết ngay thôi mà”
Cho nên, quan điểm coi người yêu là một nửa của ta. Tìm người yêu là tìm cái một nửa. Định nghĩa này không đúng. Đây không phải là cái bánh chia đôi, mà người yêu là một dòng chẩy tự nó vào chính nó để trở thành nó. Tình yêu là sự tự đồng nhất. Tình yêu không là một nửa mà tình yêu trong toàn thể.
“Phía trước người anh hùng vĩ đại
Đều có hình người đẹp phía sau
Phía trước những anh chàng đại bại
Đều có hình vợ dại phía sau”
Tình yêu như đạo. Đạo ngây thơ. Chúa dậy ta: “Hãy đi vào ngôi nhà của Chúa như đứa trẻ thơ”. Lão Tử dậy: “Vô vi để vạn pháp tự biến hoá”. Phật dậy: “Niết bàn cực lạc – vô ngã”.
Vô vi, vô ngôn là hãy đến với tình yêu một cách tự nhiên, như nhiên. Hãy vứt bỏ duy ý chí sang một bên để hưởng thụ toàn thể sự cực khoái của đồng nhất, của hiện hữu. Khi chưa có lời, thì mọi cách tỏ tình đều chân thật:
“Nghĩ về em, anh là nhà triết lý
Cảm về em, anh chỉ để làm thơ
Còn khi yêu, em vừa thực vừa mơ
Không triết lý, chẳng làm thơ mà hiện hữu”
Tất cả mọi mưu mô tính toán đều thua ngây thơ. Ngây thơ là vô tư, vô ngã, là thiền. Khi ta thiền, ta sẽ không hiểu thiền là gì, cũng như người cố ngây thơ chỉ ngây thơ cụ. Người khôn quá sẽ không được lên xe hoa:
“Em đừng khôn quá em ơi
Khôn quá khó chọn được người mình yêu”
“Chiến trường thích cựu chiến binh
Ái tình thích kẻ chiến chinh lần đầu”
Tất cả mọi mưu mô chống lại thiên nhiên, ngược lại quy luật của Tạo hoá, tính toán duy ý chí thường sẽ thất bại:
“Cố tình trồng hoa, hoa không nở
Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”
Kant – nhà triết học Đức – trước khi lấy vợ đã nghiên cứu rất kỹ về vợ chưa cưới của mình. Nghiên cứu tất cả mọi sách vở để đúc kết triết lý: có nên lấy vợ hay không. Sau khi kết luậtn mình nên lấy vợ, thì lúc đó người yêu đã lấy chồng và có ba con rồi.
Tình không bất biến, tình yêu là vô thường. Hai người yêu nhau chân thật, thề sống với nhau đến thuở bạc đầu. Khi ghét, họ cũng chân thật đòi bỏ nhau càng nhanh càng tốt:
“Đôi ta trên một con đò
Vạch thuyền đánh dấu ai ngờ sông trôi
Hẹn lời thề giữ lấy lời
Biết đâu lời của mỗi người là sông”
Không bao giờ loài người được dừng lại. Sống là sự đi tìm. Đạo là con đường dẫn ta đi. Dừng lại là chết. Cho nên, ta mãi mãi phải tìm tòi, khám phá trong tình yêu. Cũng như mãi mãi Tam Tạng phải trên đường thỉnh kinh:
“Đi mà không đến là Tây Trúc
Đến mà chẳng được, ấy Đào Nguyên”
Ta vừa là kẻ đi tìm, vừa là người được tìm. Đi tìm là vĩnh cửu:
“Tôi đi gõ cửa tìm sư
Quy y tam bảo thấy sư đang tìm”
Hết tìm tòi, hết khám phá là tình yêu chết trong phai tàn:
“Quanh năm trăng sáng trăng tròn
Thì rằm tháng tám đâu còn trung thu
Khi tình tuyệt đẹp như mơ
Thì tình yêu đến phút giờ biệt ly”
Phan Bội Châu hô hào: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”, kẻ sỹ ba ngày gặp nhau phải nói cái mới. Thiền viết: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi xuân”. Người Pháp có câu: “Tous nouveaux, tous beaux” – tất cả cái mới đều là cái đẹp. Hạnh phúc tình ái là gì? Là ở chỗ sắc sắc không không. Là ở chỗ hình như, ở nơi dang dở, ở chỗ nửa có nửa không, ở chỗ lúc nào cũng đang là. Trung Quốc có công ty đi tìm mối tình đầu. Ai đó muốn biết cách đây vài chục năm, người yêu cũ của mình ra sao? Công ty đi tìm mói tình đầu sẽ cung cấp thông tin.
Thật ra, nên luôn luôn khám phá sáng tạo về nhau thì tình nào chả tình đầu. Tình yêu thật không bao giờ cũ. Ta ngồi với người yêu lúc 7giờ khác lúc 8 giờ, 8 giờ khác lúc 9 giờ… Hay nói như thiền, khi ta yêu thì trong từng sát na đều mới. Tình yêu không mới không gọi là tình yêu.
“Tình nào cũng mối tình đầu
Không ai đến được nơi đâu hai lần
Không gì cũ như mùa xuân
Mỗi lần xuân đến vẫn lần đầu tiên”
Và sau mấy triệu năm thành loài người thì người yêu không bao giờ cũ cả:
“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì”
Tìm cái lạ trong cái quen là thiền, tìm cái lạ trong cái lạ là kẻ điên Trâu Quỳ. Học đạo hay học yêu như học thiền. Đầu tiên thấy núi là núi, sông là sông. Sau đó, thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Cuối cùng, lại thấy núi là núi, sông là sông.
Khám phá, tìm tòi cái mới trong tình yêu vĩnh cửu là ngộ lẽ vô thường. Quy luật của khám phá cái mới là:

“Những cái nghĩ mãi mới ra
Đều là những cái người ta nghĩ rồi
Những cái nghĩ mãi trên đời
Khi ta nghĩ lại khác người nghĩ ra”
Sáng tạo, khám phá về tình yêu là làm cũ cái mới và làm mới cái cũ. Đấy cũng là học thiền, là ngộ lẽ vô thường, vô ngã. Phải luôn đổi mới tình yêu, nếu không sẽ thành chán, vì:
“Sống một ngày đất lạ thành quen
Sống một đời người quen thành lạ”
Có nhiều cặp vợ chồng già ngạc nhiên nghĩ: không hiểu vì sao ngày xưa họ lại yêu nhau? Yêu nhau là thật, lấy nhau thì tình yêu thành giả và trở thành đạo vợ chồng. Yêu là thật, lấy nhau thành yêu giả, nhưng nếu không có giả thì không có thật:
“Trượt chân mà té xuống bùn
Chiếc quần tụt xuống anh hôn chỗ nào
Hôn em ở chỗ má đào
Để dành chỗ ấy cắm sào dừng chân”
“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Tình mất vui nhưng đạo vợ chồng lại siêu việt lên:
“Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ điều trong tay
Đừng già néo, kẻo đứt dây
Thả chùng xuống để diều bay đúng tầm”
Hoa Đà kê đơn cho vợ cả Tào Tháo: đàn ông thích trăng hoa, đàn bà cả ghen. Nếu Tào Tháo tiết dục, vợ bớt ghen, bệnh sẽ tự khỏi. Vợ chồng phải biết chín bỏ làm mười. Chồng giận thì vợ làm lành, tay chào miệng hỏi rằng anh giận gì. Thời báo Nữu ước tổ chức cuộc thi: thế nào là người chồng dẹp nhất. Câu trả lời trúng giải: “Người chồng đẹp nhất là người chồng chết ngay sau giây tân hôn”. Vì tuyệt đối không có tuyệt đối gọi là tuyệt đối. Chồng bát phải có lúc xô:
“Muốn cho chồng bát khỏi xô
Thì đem chôn xuống đáy mồ dưới sông
Người chồng đẹp nhất trong lòng
Đã chết ngay phút động phòng tân hôn”
Có chuyện ông thầy bói ngồi sau cửa phòng đăng ký kết hôn. Đôi nào nhờ thầy bói, thầy chỉ trả lời một câu: “Muộn rồi!”. Cưới nhau là kết thúc tình yêu, là muộn của tình ái, mà là bắt đầu của đạo, đạo vợ chồng. Có chuyện anh chồng khoe với mọi người lần đầu tiên anh ta đi với vợ quãng đường dài mà không cãi nhau. Đó là lần anh ta đi đưa đám vợ.
Vậy, vợ chồng suy nghĩ gì về nhau? Thiền bàn gì về đạo vợ chồng?
“Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn”
Theo thiền, trong đạo vợ chồng thì chúng ta không thoát ra bên ngoài sự vật để chứng ngộ sự vật. Đối với mâu thuẫn gia đình, thiền nhân không thoát tục rồi ngồi kiết già trên đỉnh núi cao nhìn mọi người oanh kích vào nhau tự cho là ta cao đạo. Siêu thoát tuyệt đối là chấp nhân hiện hữu một cách toàn thể. Coi vợ là một hiện hữu, ta chấp nhận và cộng sinh. Kẻ nào đòi thay đổi hoàn toàn vợ mình là kẻ điên:
“Chối bỏ cách sống một người
Là mình chối bỏ cái trời sinh ra
Chối bỏ cách ghĩ người ta
Là mình tự cắt thịt da của mình”
Trong tình ái, người Hinđu chia làm bốn giai đoạn:
Từ 1 – 25 tuổi: tích luỹ trí thức trường học.
Từ 25 – 50 tuổi: xây dựng gia đình.
Từ 50 – 60 tuổi: như hoa sen, thân nằm trong gia đình nhưng hoa nở giữa thinh không.
Từ 60 tuổi trở lên: phiêu diêu thoát tục.
Còn theo người Anh thì vợ chồng:
Hãy yêu nhau như ta yêu thời tiết
Ngắm trời xanh và biết tránh mưa giông
Hãy cãi nhau như bàn về thời tiết
Tình cảm ngược chiều mà vẫn thấy như không
Người Anh có kiểu phớt ăng lê, kiểu thiền độc đáo là: ai duy ý chí gay gắt tranh luận về chính trị, về khẩu vị, thì người Anh vô vi, người Anh thiền bằng cách chuyển sang bàn về thời tiết. Yêu nhau như thời tiết là yêu nhau theo phong cách thiền kiểu Anh. Vì người Anh ngộ sự duy ý chí dẫn đến hiểu nhầm nhau vô lối. Món ăn này ta thích không có nghĩa là hợp khẩu vị với người khác. Đối với ta là thế này thì người khác là thế kia:
“Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang”
Đừng nghĩ, đừng cảm, chỉ hiện hữu và bỗng nhiên bạn không có đó và thế giới này không có đó. Cái một brahman được lộ ra. Bạn và thế giới cả hai đã trở thành một. Như người lái đò sẽ không có sang, không có về. Cái đó là vô hạn và đó là chân lý. Chúng ta phải tự bằng lòng với cái ta đang có. Phải yêu những cái ta có, đừng có những cái ta không yêu. Tất cả vạn pháp do tâm sinh, vạn pháp bất sinh bất diệt:
“Đừng chê canh nhạt của tôi
Vì anh ăn mặn lâu rồi thành quen
Em đen đâu bởi em đen
Em đen là bởi cái đèn bật lên”
Đạo bồ bịch
Vợ là cửa cái
Bạn gái là cửa sổ
Càng nhiều cửa sổ càng sang
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra
Vợ là cửa cái nhà ta
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng
Thà bị mọc chín cái sừng
Còn hơn bồ báo tin mừng sinh ba
Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng
Những phường mèo mả gà đồng
Gian phu dâm phụ ta không bàn gì
Đại hùng, đại lực, đại bi
Mới đủ tư cách để đi với bồ
Chuyện bồ bịch vốn cổ như trái đất. Bồ bịch cũng có đạo bồ bịch. Ăn trộm cũng có đạo chích. Các cụ xưa lấy thú vui hát ả đào, ca trù làm thư giãn. Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:
“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi tầng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”
Nguyễn Công Trứ cũng khoái hoạt tuyên bố: “thú hành lạc chơi bao nhiêu là lãi đấy”. Và Nguyễn Công Trứ sững sờ khi nghe cô bồ cũ nhắc khéo:
“Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng”
Rượu, chè, cờ bạc, gái trai là hiện tượng của cuộc sống. Nó không hề có hại. Có hại chăng nữa là người không biết sử dụng nó đúng mục đích. Cũng như con dao có thể dùng để thái thịt hoặc giết nguời.
Các cụ nhà nho cặp bồ với các ả đào rất thanh tịnh vô vi. Và đạo bồ bịch của các vị cũng cao đạo như các vị liền anh liền chị hát giao duyên với nhau. Cao đạo là phải giữ cho hậu phương thật mạnh: vợ cái con cột các cụ trụ thật chắc. Còn những giây phút lãng đãng mây chiều, hồn bướm mơ tiên chỉ động viên cho các cụ yêu quý hơn vợ cái con cột tại gia và tăng chí phấn đấu trong cuộc đời.
Nói tưởng đùa. Có một ông bạn già hỏi tôi nên cặp bồ hay không? Tôi chỉ đành vô ngôn. Sau đó, tôi tặng ông ta một bài thơ:
Cặp bồ
“Rửa tay gác kiếm gặp ma
Đem cả áo giấy, cà sa mặc vào
Tóc bạc lại gặp má đào
Hoàng bào, áo giấy mặc vào cà sa”
Ông bạn già yêu cầu giải thích. Tôi bảo thơ phải tự ngộ, vì theo Đào Tiềm: “thậm giải bất thành thi”. Sau đó, ông cố nèo, tôi phải diễn nôm: ông đã già, mắt mờ, chân chậm cần phải cảnh giác giữ gìn. Người ta còn tinh mắt thì đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Tôi khuyên ông nên mặc cả hai thứ vì sợ ông kém mắt lẫn lộn giữa bụt và quỷ. Còn đạo bồ bịch thì yêu cầu ông phải có ba thứ áo: áo hoàng bào, nghĩa là có nhiều tiền, nhiều uy lực như vua; áo giấy, nghĩa là ông phải nhiều mưu; áo cà sa, nghĩa là ông phải có đức độ như Phật, mang lại hạnh phúc cho cả vợ lẫn bồ. Về mặt đạo đức và mưu thì ông cũng ngộ nhận là có. Còn khoản tiền thì ông hiểu ngay là không. Giải thích xong thơ tôi tặng ông, ông hoát ngộ và hứa từ nay xin dứt tuyệt chuyện bồ bịch vì không có hoàng bào – tiền:
“Ai cũng thấy tiền mình còn thiếu
Mấy ai người thấy thiếu lương tâm”
Chuyện thứ hai, hiện ở đường Láng Hoà Lạc nghe đâu có một câu lạc bộ của các cụ “trẻ không chơi, già hư đốn” là những người xưa sống quá đức độ, từ chỗ cực hữu chuyển sang cực tả, nay mỗi ông đều có một cô vợ lẽ. Nhìn những ông thất thập cổ lai hy đang đeo kính quấy bột, chống gậy giặt tã sẽ ngộ ra được lẽ huyền vi của Tạo hoá.
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi chăn bồ còn khổ hơn trâu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Mặt tôi như thể con trâu đang cười”
Con người phải sống quân bình, điên cực tả sẽ trở thành điên cực hữu. Cần phải sống một vừa hai phải, phải sống trung dung. Đặc biệt, không thể diệt dục, chỉ có quân bình dục:
“Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm
Ai ai cũng sống khoả thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người”
Cội nguồn của tình yêu với bồ tưởng là thật lại giả, còn tình yêu vợ chồng bên ngoài tưởng là giả lại là thật. Có hai vợ chồng đánh nhau. Chồng đánh vợ ác liệt. Có kẻ qua đường xồng vào đánh chồng ngất xỉu để cứu vợ. Vợ lại xông vào đánh kẻ đánh chồng mình ngất xỉu:
“Im lặng vợ bảo giận gì
Tươi cười vợ bảo chắc đi với bồ
Thôi thì đành phải tấu cô
Cô bắn súng lục, cô bơi thuyền rồng”
“Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”
“Con cóc ăn trầu đỏ môi
Có ai lấy lẽ bố tôi thì về
Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê
Mài dao cho sắc móc mề ăn gan”
“Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”
Ghen tuông, đố kỵ thường thuộc về vô thức, không thể giải thích bằng lý trí được. Khi Bảo Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” đến chùa gặp thiền sư để bốc thuốc chữa bệnh ghen cho Đại Ngọc. Thiền sư bốc cho mười thang thuốc, chỉ dẫn cứ mười năm uống một thang tất sẽ khỏi bệnh. Bảo Ngọc cười phá lên, vì ngộ ra bệnh ghen không chữa được. Nếu uống đủ mười thang thì Đại Ngọc đã bốc mộ mấy lần rồi.
Theo luật Mafia: nếu vợ ghen làm mất danh dự của chồng nơi công cộng sẽ bị bắn bỏ. Còn nếu chồng đưa bồ về nhà, đuổi vợ ra khỏi nhà thì chồng cũng bị bắn bỏ. Bố già Mafia New York đã bị đàn em bắn chết ngay tại cửa nhà vì đưa bồ về ở tại nhà và đuổi vợ đi.
Thật ra, nam giới nào bị vợ ghen đều đau khổ, nhưng nếu vợ không ghen còn đau khổ hơn nhiều. Vì vợ không ghen có thể là chồng ăn giải phong cách, thành công công “gia tài chỉ có một dòng nước trong”. Hai là “chồng ăn chả thì vợ ăn nem”. Ba là quá chán nhau. Ghen tuông đúng mức như được ăn phở cay vừa phải thì hạnh phúc biết bao:
“Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợ tơ điều trong tay
Đừng già néo kẻo đứt dây
Thả chùng xuống để diều bay đúng tầm”
Và “bọ ngựa rình bắt ve sầu, biết đâu chim sẻ đằng sau bắt mình”:
“Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng”
Chuyện xưa viết: có anh chàng đi chơi với vợ, gặp cô gái hái dâu. Anh ta chui vào bụi dâu làm tình cùng cô gái. Khi lên tìm vợ, thì vợ mình cũng đang làm tình với người khác ở ruộng dâu bên cạnh.

Phần kết
“Nghĩ mình công ít tội nhiều”. Vì đã ngộ được mỗi chữ, mỗi lời đều cái tóc cái tội. Tội của văn chương:
“Nghĩ mình đắc tội với đời
Nói điều thầm kín mà người dấu nhau
Nghĩ mình đắc tội với trời
Thiên cơ lộ hết cho người trần gian”
Đắc tội ngay cả với thánh thi tiền bối. “Khi mê thầy độ, ngộ rồi con tự độ”.
Tôi xin thắp nén nhang, cúi đầu lễ tạ ba lạy vì đã mạo muội nói lên một ý gì đó khác với thánh thi, động đến cõi tâm linh thiêng liêng của độc giả. Tôi đã liều sửa câu thơ của Nguyễn Du: “tu là cõi phúc, tình là dây oan” thành “yêu là cõi phúc buộc vào dây oan”. Vì tôi thiển nghĩ: hoạ phúc đều từ cái một. Trong hoạ có phúc, trong phúc có hoạ.
Thiền định, thượng đế, thánh A la, thiên đường, niết bàn đều đi vào bản thể qua tình yêu. Yêu đâu chỉ là dây oan, mà còn là dây tơ hồng, là song hỷ lâm môn.
Sau lời xám hối trên, tôi chỉ xin chúc những người yêu nhau trên toàn thế giới một điều:
“Trong mười điều chín không như ý
Còn một điều lại ý chẳng như
Muốn cho vạn sự đều như ý
Cần một điều biến ý thành như”
Nhân năm mới, xin chân thành gửi lời chúc của một người suốt đời mong được yêu tất cả những người yêu nhau!


“Vì ta biết được hư vô
Cho nên chỉ được gọi là hữu vô
Hư vô không biết có ta
Cho nên mới được gọi là hư vô”
THIỀN NHÂN DƯỜNG NHƯ
DƯỜNG NHƯ THIỀN NHÂN
Phật Tổ Như Lai khi đánh giá một vấn đề chỉ dậy là “dường như đúng”. Ngay như kinh, Phật cũng chỉ cho là dường như đúng. Phật dậy: “49 năm giảng đạo, ta không nói một lời nào”. Sao vậy? Vì theo Phật: lý của vũ trụ không lời, ai nói đúng cái lý của vũ trụ là vô ngôn:
“Lý của vũ trụ không lời
Sách là sai đúng của người viết ra
Không sách ta chẳng thành ta
Không xé sách cũng không ra con người”
Sách cũng như vỏ trứng, không có vỏ trứng không có gà con, không phá vỡ vỏ trứng cũng không có gà con, nên: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”, nhưng nếu: “ly kinh nhất tự tất đồng ma thuyết”.
Gớt – nhà thơ, nhà triết học Đức – viết: “Mọi lý thuyết đều xám nghoét, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”.
Tất cả mọi lời nói không thể diễn tả hết được hiện thực, lời như ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng, nhưng lời không phải là mặt trăng. Phật dậy: “Lời dẫn ta tới chân lý, nhưng lời không phải là chân lý, nhiều khi lời lại che cả ánh sáng của tâm”.
Khi sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma nhận Huệ Khả làm nhị tổ thiền, vì Hụê Khả đã thể hiện nhất tâm bất loạn theo thiền, bằng cách tự chặt một cánh tay của mình để mong được Đạt Ma an tâm cho mình. Đạt Ma bảo Huệ Khả đưa tâm ra để Đạt Ma an định. Huệ Khả thưa:
- Con không biết tâm ở đâu cả.
Đạt Ma dậy:
- Ta đã an tâm cho con rồi!
Sau đó, Đạt Ma hỏi vì sao mà Huệ Khả lại chặt một cánh tay tỏ tâm thiền và để được Đạt Ma sư tổ nhận làm đệ tử? Hụê Khả không trả lời. Đạt Ma gặng hỏi, Hụê Khả im lặng. Đạt Ma gặng hỏi tiếp, Hụê Khả gượng trả lời:
- Con không dám nói, vì không lời nào có thể diễn tả hết tâm thiền của con. Tất cả mọi lời nói chỉ dường như đúng mà thôi!
Hiện hữu là chân lý toàn thể, lời chỉ diễn tả được chân lý bộ phận. Cho nên, thiền nhân hiểu được mọi lời nói chỉ là dường như đúng. Do đó, thiền nhân chỉ dám nói về vạn pháp là dường như, dường như thế này, dường như thế kia…
Từ chỗ cho rằng lời nói của mình là chắc chắn đúng, đến khi nhận được lời nói chỉ dường như đúng có khi phải mất vài chục năm may ra mới ngộ được chân lý: dường như. Các cụ già, những người ngộ đạo thường mũ ni che tai, càng ngày càng ít nói. Thậm chí, họ vào nơi rừng hoang núi vắng làm ẩn sỹ, vì họ hiểu được mọi lời nói của họ cũng chỉ dường như đúng. Lão Tử viết: “Người biết thì không nói, người nói thì không biết”. Mọi sự, mọi việc đều duyên ai phận nấy, hoạ phúc liền kề, nên thiền nhân không thể khẳng định là việc này là hoàn toàn phúc hay hoàn toàn hoạ, mà là phúc hoạ khôn lường.
Lý trí y học phương Tây cho rằng: người sống là tim còn đập, chết thì ngược lại. Còn thiền nhân thì cho rằng: tất cả mọi người chỉ dường như sống. Vì rằng, trong một ngày cơ thể ta có hàng tỷ tế bào sinh ra và hàng tỷ tế bào chết đi. Vậy, ta đang vừa sống, vừa chết…
Napoléon cao 1,58m, sỹ quan cận vệ cao 1,7m. Sỹ quan cận vệ nói cao hơn hoàng đế 12cm. Napoléon tuyên bố cao hơn sỹ quan cận vệ 12cm nếu tính từ đầu lên trời.
Có một anh chàng đẹp trai chê ông già xấu xí. Ông bảo:
- Anh chỉ dường như đẹp thôi, vì nếu như đi ăn xin thì ông già lại được coi là đẹp, được nhiều người bố thí.
Thiền nhân ngộ được lời nói “dường như” là đã ngộ được tánh không của đạo Phật, thuyết tương đối luận của Anhstanh:
“Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Em xinh đâu bởi nụ cười
Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”
Nếu thế giới chỉ có một người thì người đó không nam, không nữ, không xấu, không đẹp…Xấu, tốt có là do so sánh, nên chỉ là tương đối, còn tự tánh là không.
Trong phim “Người thứ 41”, diễn tả một cô gái Hồng quân Liên Xô và tên Bạch vệ lạc vào đảo hoang vắng. Lúc đó, họ chỉ có cách là yêu nhau. Chỉ khi chiếc thuyền Bạch vệ đến cứu, thì người Bạch vệ vội chạy lên thuyền. Lúc đó, cô gái mới chợt nhận ra mình là Hồng quân, cô gái đã giương súng bắn chết người Bạch vệ mà trước đó vừa là chồng mình.
Vạn pháp là dường như. Thiền nhân dường như đã quán chiếu được kinh dịch, thái cực chứa sự biến hoá của âm, dương. Thái cực là vạn pháp, trong đó chỉ dường như âm hoặc dường như dương. Lẽ huyền vi của Tạo hoá là “dường như”.
Một người mẹ có một đứa con nghiện kêu cực khổ. Khi một người mẹ có bốn đứa con nghiện mà cai nghiện được một người thì người mẹ đó lại cho là sung sướng, là nhà có phúc. Nên thiền nhân coi sướng, khổ chỉ là dường như.
Có người suốt ngày kêu khổ. Khi bạn đèo xe máy bị ô tô đâm, anh bạn chết ngay, còn anh ta bị cưa một chân, cắt một thận, gẫy một tay. Anh ta lại cười và cho rằng mình có phúc, chắc mình đã tu từ mười kiếp trước, nên chui vào gầm ô tô mà không chết.
Vua ngủ với cung tần mỹ nữ không sướng gì hơn kẻ ăn mày giao hoan với nhau nơi màn trời chiếu đất:
“Rồi sẽ hiểu ít nhiều đều là đủ
Trẻ hay già vô nghĩa trước mai sau
Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau”
Ngũ Tổ Huệ Năng hỏi các đệ tử:
- Gió thổi làm cờ bay, hay cờ bay làm gió thổi?
Các đệ tử, người thì bảo gió thổi làm cờ bay, người thì cho rằng cờ bay thành gió thổi.
Ngũ Tổ Hụê Năng khai ngộ:
- Gió chẳng thổi, cờ chẳng bay, chỉ có tâm các đệ tử động mà thôi.
Vạn pháp do tâm sinh. Nên mọi sự, mọi vật chỉ dường như. Thiền nhân thấy đủ trong cái đủ, và cả đủ trong cái thiếu.
“Ai cũng học đạo ngộ đầy
Mấy ai ngộ thiếu học thầy ngộ vơi”
Thấy được đủ trong cái thiếu, nên thiền nhân là dường như.
Người dường như thấy được “một vừa hai phải”, nghĩa là thiền nhân bao dung được chân lý thiếu là đủ. Thiền nhân như thái cực, chứa cả âm lẫn dương và thấy vạn pháp do tâm sinh, nên mọi sự chỉ dường như đúng. Chân lý dường như đúng khác với kẻ ba phải. Kẻ ba phải nhìn thấy âm tách khỏi dương và nằm ngoài thái cực. Còn thiền nhân dường như thấy được thái cực biến hoá theo âm dương (lưỡng nghi), lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái… Đó là càn khôn biến hoá thành dường như.
Tình ái cũng chỉ nằm trong dường như:
“Yêu sao giây phút dường như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm vào hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan”
Ngộ được pháp dường như ta nắm được chữ thời, con người cần theo chữ thời. Kinh dịch là thời. Cao thủ thua tranh thủ, vì tranh thủ thuận theo thời:
“Nhân gian trong một chữ thời
Kẻ nào đi trước thành người đến sau
Sao cho vẫn cứ cùng nhau
Vừa đi được trước, vừa sau mọi người”
“Cái đang là mốt nhất đời
Tốt hơn sẽ bị mọi người xét oan”
Cuộc đời là: “thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”. Vậy nên, ta cần sống một cách quân bình, thắng bại cuộc đời bởi duyên, nên “ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ kém ai”.
Đúng, sai bản tánh vốn không. Lời ta nói hôm nay đúng, thì trước và sau đó có thể sai. Đúng với dân tộc này không có nghĩa là đúng với dân tộc khác. Nhân sinh bách thái. Vì thiền nhân hiểu được lẽ chân như, cho nên thiền nhân chỉ dường như.
Đạo đức, pháp luật của đạo Gia Tô một vợ, một chồng. Pháp luật của đạo Hồi đa thê. Cho nên, cái cân công lý của pháp luật mọi nước chỉ dường như đúng.
Khi ta quán chiếu được dường như, ta nhập vào đạo trời đất, là sắc sắc không không. Lúc này, tâm hồn thiền nhân sẽ phiêu diêu thoát tục, hồn thiền nhân như ra khỏi thân thể để hoà tan vào vũ trụ. Nhưng, nếu trong giây phút đó mà thiền nhân không đủ chân khí để thu tàng A Lại Da Thức, thì ma – hay gọi là vô minh – sẽ nhập vào thể xác họ, họ sẽ bị tẩu hoả nhập ma. Từ chỗ ngộ được đạo trời dường như – sắc sắc không không – thiền nhân dễ biến thành ba phải, đâm rụt rè, không dám hành động. Thiền nhân dường như tức là biết khi cứng, khi mềm, khi tiến, khi thoái, lấy bất biến để ứng vạn biến. Hiểu tận cùng đạo dường như trở thành tự do tuyệt đối:
“Không gì cứng được bằng thiền
Không gì mềm được như thiền để so
Cứng mềm để được tự do
Không vì ngoại lực làm cho cứng mềm”
Dường như ngộ được vạn biến, như người chơi xổ số không biết là số độc đắc về đâu. Nhưng cái vạn biến này thì ông giám đốc công ty xổ số lại nắm chắc được cái bất biến: Ông ta lấy 40% số tiền vé để bỏ túi, hoặc để kiến thiết đất nước. Ông giám đốc công ty xổ số nắm được cả hai mặt của đạo dường như, hiểu cái bất biến trong cái vạn biến, nên tâm ông giám đốc thiền.
“Mua vé xổ số quay rồi
Là ta đã trở thành người vô vi”
Còn người mua vé xổ số chỉ nắm được một mặt của dường như nên tâm hồn thường bất an.
Thiền nhân dường như ở chỗ chấp nhận cả đúng lẫn sai đều dường như đúng, sai. Và thường cái xấu dễ thắng cái tốt. Nhưng tất cả tốt, xấu đều nằm trong luật nhân quả. Kẻ xấu chắc chắn có báo ứng, ở hiền gặp lành, gieo gió sẽ gặp bão. Đấy là luật bất biến của vũ trụ:
“Đạo cao một thước
Ma cao một trượng
Cửa Phật bao dung
Đừng quên báo ứng”
Theo thiền học, ta ngộ thiền theo ba bước:
* Bước thứ nhất: khẳng định, thấy núi là núi, sông là sông.
* Bước thứ hai: phủ định, thấy núi không phải núi, sông không phải sông.
* Bước thứ ba: phủ định của phủ định, lại thấy núi là núi, sông là sông.
Khi ta phủ định cái phủ định, ta thành đạo dường như. Dường như thiền nhân hiểu được cả hai mặt của dường như, nên thành người rất quyết đoán và kiên định. Kiên định của dường như thấy sự biến đổi của vạn pháp trong luật nhân quả.
Có một ông trưởng giả đến năm sáu mươi tuổi mới sinh được đứa con trai. Khi đứa trẻ được đầy năm, ông ta mừng cảnh lão bạng sinh châu, đã bỏ ra 200 lạng vàng để tổ chức lễ đầy năm của quý tử. Hôm sau, con ông ta chết liền, ông khóc lóc thê thảm. Một thiền sư nói với ông:
- Kiếp trước, ông nợ đứa con ông 200 lạng vàng. Kiếp này, ông đã chi 200 lạng để làm lễ đầy năm, coi như hết nợ. Ông khóc lóc làm gì. Nếu ông không làm lễ đầu năm hết 200 lạng, thì con ông sẽ sống đủ đến khi ông phải trả 200 lạng.
Còn nhà thơ Tô Đông Pha tự cho mình đắc đạo thiền, đã làm bài thơ: “Dù cho bão thổi chín phương, tám hướng tâm vẫn kiên định”. Sau khi làm xong, cho người bơi thuyền sang sông gửi cho thiền sư Phật Ấn và chờ được Phật Ấn điểm đạo khen ngợi. Thiền sư Phật Ấn đề vào bài thơ hai chữ: “Đánh rắm!”.
Tô Đông Pha tức giận bơi thuyền qua sông mắng mỏ thiền sư Phật Ấn một thôi, một hồi. Thiền sư Phật Ấn mỉm cười bảo:
- Ông bảo, dù bão nổi tám hướng, tâm ông không lay động. Mà ta chỉ đánh cái rắm thì lòng tham, sân, si của ông đã thổi bạt ông qua sông rồi.
Lại có lần, Tô Đông Pha tổ chức tiệc mừng có nàng hầu thứ bẩy tài sắc song toàn và sang sông báo hỷ cho thiền sư Phật Ấn. Thiền sư đặt bẩy cái hoả lò, rồi bầy cho Tô Đông Pha nhẩy qua, nhẩy lại. Tô Đông Pha hỏi để làm gì? Phật Ấn nói:
- Bẩy cái lò lửa là bẩy lò ái dục được nung bằng lửa tam muội.
Tô Đông Pha hoát nhiên đại ngộ, bỏ không cưới cô hầu nữa.
Dường như thiền sư đã thấy được trong cái phúc được hưởng cô hầu xinh đẹp, thì cái hoạ lớn cũng đang đến, nên thiền sư Phật Ấn coi lễ song hỷ chỉ dường như hỷ, vì thiền sư thấu hiểu sâu xa luật nhân quả.
Cũng như truyện “Tái ông thất mã tam tri phi phúc” kể: có một ông lão bị mất con ngựa cái, ai đến cũng tìm cách chia buồn. Ông lão bảo chỉ có dường như buồn thôi. Mấy hôm sau, con ngựa cái lại dắt thêm con ngựa đực về. Mọi người đến chia vui, ông lão bảo chỉ dường như vui thôi. Sau đó, đứa con trai của ông cưỡi thử con ngựa đực, bị ngựa đá què chân. Mọi người chia buồn, ông lão lại bảo chỉ dường như buồn thôi. Sau đó, có chiến tranh, tất cả mọi trai trong làng đi lính đều chết trận. Cậu con trai què của ông lão là của quý hiếm, thả sức được chọn gái đẹp trong làng làm vợ. Ông lão dường như đã hiểu được sự biến hoá huyền vi của hoạ, phúc.
Thiền nhân như mây trắng bay giữa trời, sống hoà nhập vào tự nhiên một cách tuỳ duyên.
“Ta như mây trắng giữa trời
Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay”
Thiền nhân hiểu luật của Tạo hoá là sắc sắc không không. Thiền nhân cho đúng hay sai chỉ dường như, nên tâm an, phúc lạc. Sống trong thị phi, coi thị phi chỉ dường như, thiền sư đã hoát ngộ khỏi thị phi:
“Người ghi bia đá để đời
Còn ta bia trắng để người tự ghi”
Phật thuyết pháp theo nhiều cách khác nhau. Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Phật tuỳ duyên mà dậy. Với kẻ kiến giả nông cạn, Phật thuyết về tục đế. Với những kẻ uyên bác, Phật thuyết về đệ nhất nghĩa đế. Tục đế nhìn chân ở dưới, đầu ở trên. Đệ nhất nghĩa đế nếu xét về vũ trụ không có trên có dưới, trên dưới chỉ dường như có:

“Người ghi bia đá để đời
Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên
Nhìn trời nước dưới mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên, quên hết sự đời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì”
Cho nên, thiền nhân dường như cũng chỉ thấy mình dường như là thiền nhân,
“Họ tên, ngày, tháng, năm sinh
Địa chỉ cũng đúng, còn mình ở đâu?”
Dường như thiền nhân hiểu đến tận cùng tánh không của con người, Phật tính của mọi người đều giống nhau. Nên khi ngộ đạo dường như, thiền nhân sẽ nhập vào nhân loại:
“Người ta mê mải tìm tên
Tôi đi tìm chỗ lặng yên vô hình
Người ta say rượu say tình
Tôi say một cõi không mình không ta”
Sống trong cảnh giới dường như, thiền nhân đã nhập vào cảnh giới thiền phi tưởng, phi phi tưởng. Thiền nhân vô ngã hoà nhập vào vũ trụ thành bất sinh, bất diệt. Còn kẻ vô minh say đắm trong rượu, thuốc phiện, tham, sân, si thì sự “dường như” của họ làm hỗn loạn tâm linh. Họ sẽ sống trái với quy luật của Tạo hoá, họ là kẻ vô đạo, kẻ tu sai lầm, bị tẩu hoả nhập ma.
“Lạc trong đời đạo dắt ra
Lạc trong đạo sẽ bị ma dắt vào”
Còn sự ngộ đạo dường như của thiền nhân, nhiều khi tưởng là ngược, tưởng vô minh mà đắc đạo, vì họ hiểu rất rõ luật nhân quả. Như có một người đâm chết một kẻ qua đường. Ai cũng cho kẻ đó là ác. Song, biết đâu kẻ bị giết lại là tên ác tặc sẽ giết hàng nghìn người. Vậy, hại một người, cứu nghìn người thì gọi là nhân. Cho nên, thiền nhân thấy việc mọi người cho là ác thì họ chỉ thấy dường như ác mà thôi.
Ngộ đạo dường như, thiền sư đã nhìn được cái ngoài nhìn, nghe được cái ngoài nghe, nghĩ cái ngoài nghĩ. Mắt họ thấy được thiên lý nhãn, tai họ nghe được thuận nhĩ phong, họ sống tự nhiên nên ung dung tự tại.
“Tự nhiên chờ cái đến
Thanh thản tiễn cái đi
Yêu những điều không muốn
Tâm nhàn hơn mây trôi”
Thiền cho rằng, sự sống đầu tiên ngưng tụ ở phần rốn. Phần rốn là phần đứa trẻ sơ sinh nối sự sống với người mẹ. Sau đó, đứa trẻ ra đời, lìa rốn khỏi mẹ. Sự sống bắt đầu từ rốn, vùng đó theo nho, y, lý, số gọi là đan điền. Sự sống sẽ tiến từ đan điền lên đỉnh đầu, ngưng tụ lại ở huyệt bách hội. Khi chết là lúc linh hồn từ huyệt bách hội bay vào vũ trụ.
Những nhà sư, khi thiền tới cảnh giới cao có thể chủ động được sự sống chết. Họ có thể vận khí đẩy linh hồn ra khỏi huyệt bách hội theo tâm ý.
Trên đời này, người triết lý thì nhiều, người ngộ đạo thì ít. Triết lý nhiều thành duy ý chí, duy ý chí suy nghĩ quá nhiều sinh ra vọng tưởng. Vọng tưởng làm cho suy nghĩ chỉ ở phía ngoài vỏ não, không đi vào phần sâu bên trong của vỏ não. Đức Phật là người vượt ngoài vọng tưởng, tâm tưởng đi vào lõi của trí tuệ, lõi của não là vô ngã, nên Phật là người đạt được Chánh đẳng, chánh giác, đại hùng, đại lực, đại bi.
Còn những kẻ vọng tưởng chỉ đạt đến tư duy ngoài vỏ não, nên họ bị rối trí. Họ đã đẩy sự sống quá mạnh lên bách hội, nên họ thường bị đoản thọ. Họ đã sống cưỡng duyên. Còn thiền nhân là giữ cuộc sống quân bình một cách tự nhiên, nên sự sống của người có tâm thiền sẽ an lạc và được hưởng phúc, lộc, thọ. Khi đã ngộ đạo dường như, thiền phó mặc cuộc đời theo chữ duyên, duyên không có tốt, xấu, thị phi, nên họ cũng không quan tâm đến tử vi, tướng số, kiêng kị. Họ làm gì, nghĩ gì không xem giờ, tính hướng. Họ không cưỡng duyên, nên họ không phiền não.
“Qua cửa rồi không quay lại gõ
Duyên hết rồi chớ có cầu mong”
Cảnh giới sắc sắc không không là cảnh giới niết bàn. Đôi lúc, nhà nghệ thuật, nhà thơ cũng đã lướt qua cảnh giới đó. Cánh bướm của Trang Tử, cánh bướm tuổi thơ của Nguyễn Bính cũng đã có lúc chập chờn trong cõi sắc, không:
“Những buổi học về không có nón
Hai người chung một lá sen tơ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
Bay về đến cửa mới tan mơ”
Tình yêu thơ ngây, vô ngã đầy tính thi sỹ chỉ thoáng qua chứ không thể như thiền nhân trong cõi dường như:
“Cho đến bây giờ anh mới hiểu
Tình ta như cánh bướm xưa thôi”
Sống hoàn toàn trong cảnh giới không, cảnh giới mộng, thi sỹ sẽ yêu là đến với đớn đau. Còn thiền nhân dường như thì quân bình giữa thực và ảo, giữa sắc và không.
“Sống toàn thực sẽ phát điên
Thực hoà với mộng thành tiên cõi trần”
Thực hoà với mộng thấy vạn pháp đều dường như. Vì vậy, Phật Tổ Như Lai chỉ đánh giá mọi vật, mọi sự là dường như: dường như tốt, dường như xấu.
Dường như là cảnh giới sắc sắc không không, cảnh giới niết bàn. Dường như của thiền nhân là dường như thấy được cái vạn biến trong bất biến, sự mơ màng trên nền tảng vững chắc của luật nhân quả và lẽ vô thường. Dường như của thiền nhân là dường như làm mờ cái lô gích rõ, làm rõ cái lô gích mờ, dường như của bát chánh đạo, chuyển pháp luân.
Thiền nhân dường như đang ngồi toạ thiền, có cô gái chửa hoang đến bắt ông phải nhận đúng là con ông. Ông chỉ nói: “Dường như thế”. Khi cô gái chửa hoang lại được người chồng nhận là con mình, cô ta đến xin lại đứa con và thanh minh cho thiền sư không phải bố đứa trẻ. Thiền sư vẫn nói: “Dường như thế”.
Chúng sinh trong mê thấy bùn là tanh tưởi, thiền nhân lại thấy dường như tanh tưởi, vì trong bùn tanh có hương sen thơm ngát:
“Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen”
Khi mê, chúng sinh cho đồng tiền là bẩn thỉu: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Thiền nhân lại thấy tiền chỉ dường như tanh tưởi:
“Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”
Kẻ tục nhân thấy dâm cho là dâm, thấy tiền cho là tanh tưởi. Còn thiền nhân dường như thì: “thấy tình trong dâm, thấy tâm trong tiền”.
Vậy, thiền nhân dường như ngộ được dường như mình là thiền nhân.
Ngắm các hoa hậu, thiền nhân cũng cảm thấy dường như đẹp, vì đẹp xấu là hai mặt của cùng một bản thể.
“Vô tư như nắng giữa trời
Cũng làm cho đổ mồ hôi bao người
Hữu thân, hữu tội trên đời
Đẹp xinh làm tủi nhiều người xấu hơn”
Thiền nhân luôn thấy mình dường như có phúc lại dường như có tội, vì “cái tóc cái tội”, nên thiền nhân dường như ung dung tự tại như thái cực, chứa cả âm lẫn dương, đón nhận cả công lẫn tội:
“Nếu ta bị bắt trên đời
Thì cũng đúng tội, đúng người, đúng tên
May ra đắc đạo thành tiên
Trời Phật cũng gọi đúng tên, đúng người”
Thiền nhân dường như sẽ không như kẻ nằm trong tự ngã, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.
Những dòng suối nhỏ hợp tan thành sông lớn, Hà Bá vỗ ngực tự cho là mình vĩ đại. Long Vương cười bảo hãy ra biển xem sao. Ra tới biển, Hà Bá mới chợt hiểu sự bé nhỏ li ti của mình. Long Vương ngạo nghễ tự cho là mình vĩ đại. Đức Phật khai ngộ cho Long Vương: nếu so với vũ trụ thì đại dương không bằng một hạt cát trên biển. Cho nên, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới vỗ ngực cho mình là khôn:
“Kẻ ngu vỗ ngực rằng khôn
Người khôn lại biết mình còn quá ngu”
Kẻ biết nhiều là người biết nhiều điều mình không biết. Trí tuệ của con người cũng như cú cân đẩu vân của Tề Thiên Đại Thánh đến mười vạn dặm vẫn nằm trong lòng bàn tay của Phật Tổ Như Lai – của Tạo hoá:
“Nhân loại muốn vượt con người
Khác gì nắm tóc tự lôi lên trời”
Tuyệt đối trí tuệ con người không có tuyệt đối là tuyệt đối.
Có một người tử tù thổi sáo rất hay, nhưng lính canh chỉ gọi đó là tên tử tù. Trang Tử bảo: “Đó là người thổi sáo hay”. Khi người tù thổi sáo hay, lính canh khen là người thổi sáo hay, Trang Tử lại bảo: “Đó là tên tử tù”. Vậy tất cả chỉ là dường như:
“Người nào cũng tốt nhất đời
Khi ta tìm được đúng nơi để ngồi
Ai ai cũng đẹp tuyệt vời
Khi tìm được đúng chỗ ngồi ngắm nhau”
Thiền nhân dường như khai thị cũng chỉ dường như là thiền nhân. Họ quên cả cái tôi của mình. Quên cái tôi của kẻ tự ngã là điên, còn quên cái tôi của thiền nhân dường như là quên cái tôi trong đạo quán, thiền ngộ được tánh không của đạo pháp.
Một lần, nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha đời Đường hỏi bạn:
- Khi tôi ngồi thiền thì giống cái gì?
Bạn bảo:
- Trông giống Phật.
Sau đó, ông bạn hỏi đùa:
- Thế tôi đang ngồi đun cám giống cái gì?
Tô Đông Pha bảo:
- Giống đống phân lợn.
Sau đó, Tô Đông Pha khoe chuyện này với thiền sư Phật Ấn. Phật Ấn khai thị:
- Vì tâm Tô Đông Pha ô chượp, nên nhìn người thành đống phân lợn. Còn tâm bạn ông là tâm Phật, nên nhìn ai cũng giống Phật.
Khi TrangTử chết, có di ngôn cho đệ tử mang xác mình đặt trên đỉnh núi. Học trò khóc lóc thảm thiết vì thương thầy, thương thân xác thầy bị quạ tha, diều mổ. Học trò muốn chôn thầy dưới đất để được ấm cúng, mồ yên mả đẹp.
Trang Tử bảo: “Đó chỉ dường như đúng thôi. Vì thân trên núi bị quạ tha, diều mổ, còn chôn dưới đất bị mối đục, giun đùn thì cái gì hơn cái gì?”.
Dường như của thiền nhân hoà tan vào Tạo hoá nên bất sinh, bất diệt. Thiền nhân dường như tâm an, thân lạc vì ngộ được luật nhân quả của sự sống liên lỉ, liên hồi. Thiền nhân thấy sống chỉ là dường như sống, chết chỉ dường như chết. Thiền nhân thành bất tử, vì thấy được quả của kiếp này là nhân của kiếp trước.
“Vô hình hoá cái hữu hình
Kiếp này là mộng khi mình chưa sinh
Hữu hình hoá cái vô hình
Kiếp này là mộng của mình kiếp sau”
Thiền nhân dường như hiểu mình đang biến hoá trong luật nhân quả, nên là người tin ở sự công bằng của luật nhân quả, bao trùm lên cả luật pháp, luật giang hồ. Tin vào luật nhân quả là người đạo cao, tâm hướng tới tự do, bình đẳng, bác ái: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Những kẻ không tin vào luật nhân quả mê đắm trong bất công, tàn ác.
Thiền nhân dường như là dường như thiền nhân. Nhiều khi họ quên cả họ là ai. Sự quên đầy trí huệ bát nhã của đạo quán thiền tông. Họ sống trong trực ngộ như câu kinh viết trong Đại Hùng Bửu Điện của thiền viện trên Tây Thiên ở Tam Đảo: “Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như”.
Ngộ được vạn pháp dường như, ta phá chấp bảo thủ để hoà nhập vào toàn cầu hoá, vào APEC, vào WTO. Từ tư duy lô gích cứng ta có hụê bát nhã tư duy lô gích mờ, từ thuyết cơ học Niutơn chuyển sang thuyết cơ học lượng tử, ta hiểu được chữ thời của kinh dịch, vô ngã, vô thường của đạo Phật. Ta sẽ không bị chấp trước như câu chuyện viết về một ngôi chùa tam giáo đồng nguyên thờ ba bức tượng: Khổng Tử, Lão Tử và Đức Phật. Đệ tử của đạo Khổng bê pho tượng Khổng Tử đặt lên trên. Đệ tử của đạo Lão bê pho tượng Lão Tử đặt lên trên. Đệ tử đạo Phật cũng vậy. Bê đi, bê lại cả ba bức tượng đều vỡ nát. Ba bức tượng nói với nhau, đạo nào cũng đều là đạo cả, đều là cánh cửa mở để đi vào Tạo hoá. Ngôi nhà Tạo hoá có muôn vạn cửa, chỉ cần đi vào một cửa là đủ. Cũng như tận cùng của các đám mây đều là trời xanh, là đạo cả. Ba pho tượng bê đi, bê lại thành vỡ nát cả.
Mọi con đường đều dẫn tới Rôm, tới Tây Trúc. Chúng ta không nên bàn về đường đi mà chỉ bàn về cách đi. Thiền nhân dường như gia nhập WTO chỉ chứng kiến chứ không có ý kiến. Thiền nhân dường như hoà nhập và chấp nhận mọi chiều của chân lý.
“Chối bỏ cách sống một người
Là mình chối bỏ cái trời sinh ra
Chối bỏ cách nghĩ người ta
Là mình tự cắt thịt da của mình”
Chứng kiến mọi người và chứng kiến chính mình, “dường như” chỉ hoà nhập chứ không hoà tan và bao giờ cũng toàn cầu hoá nhưng đậm đà bản sắc dân tộc, vì mê theo cách mê của mình là ngộ, ngộ theo cách ngộ của người là mê.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.4 khách