Tại sao tôi đi tu

Truyện sưu tầm và sáng tác - truyện của ngày ấy, mỗi cuộc đời là một trường thiên tiểu thuyết. Kính mời các bạn hãy ghi lại những cảm nghĩ, dòng tư tưởng của mình.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tại sao tôi đi tu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • DẤU CHÂN QUA
Giọng nói của vị Tăng trưởng ôn tồn, dịu dàng như những lần dặn dò nhà hiếu vừa dứt, tiếng khánh đưa linh nhẹ vang, cùng với lời kinh dẫn đường cho hai trăm lẻ vong linh ký tự tại Trung Tâm theo chân đức Phật về một nơi hương khói mới. Người giàu cảm xúc sớm hôm ấy dường như cảm thấy không gian chung quanh bàng bạc so với thường ngày, bước chân của người đưa linh như chập choạng bước lần vào cõi u hiển, chỉ thiếu ngọn gió lớn lay động lá phan được hiểu như sự cảm thông và chứng giám từ thế giới tịnh lạc. Khi đoàn xe chuyển bánh, cảnh vật mang không khí bùi ngùi của sự chia tay. Chiếc bài vị sơn son mang ý nghĩa nơi quy tụ chư linh được liệt danh đã an vị trên đôi tay người đạo hữu trưởng lão đáng kính. Cửa chùa khép lại. Người quaynhìn còn thấy ánh nắng soi tỏ tấm lịch trong chùa đề ngày thứ năm 17 tháng 5 năm 2007, tức mồng một tháng tư âm lịch.

Nắng sớm cuối xuân không làm tươi thêm sắc hoa trước thềm chùa. Khóm trúc góp mặt nơi sân từ khi chùa ra đời, nay vẫn xanh màu lá. Cảnh vật u tịch bên vẻ thản nhiên của đức Quán Âm mà phong thái vẫn thượng tồn qua trận hỏa tai và có duyên về an vị tại đây hồi năm 1993 do công gìn giữ và tu bổ của thầy Minh Bảo, một pháp hữu đồng khoa của thầy Tự Lực viện chủ.
  • - Việc thờ chư linh bắt đầu từ khoảng năm 1994, sau khi một đạo hữu có người thân bị tai nạn tại một tiểu bang xa, Arizona. Tôi đắn đo trước khi nhận lời, từ đó đạo tràng nhận hương khói cho các vong linh được ký tự.
Thoáng đăm chiêu xuất hiện trên gương mặt khi Thầy được hỏi về nguồn gốc của việc thờ hậu tại Trung Tâm Hayward, mà việc cung tiễn linh vừa rời Trung Tâm được cử hành vào ngày sóc tháng tư âm lịch vừa qua còn mang ý nghĩa nghi thức phụng tự sau cùng tại một cơ sở tín ngưỡng vừa được mười sáu tuổi.

Việc ứng phú của chư Tăng cũng như thờ linh tại nhà hậu được xem như một tập truyền tại quê nhà và hành vi phụng tự ấy khiến một phần giang sơn của Như Lai trở thành từ đường của nhiều gia đình. Nhưng, quan niệm về sinh hoạt tín ngưỡng như trên, ban đầu không nằm trong chủ trương của Từ Lực sư trưởng, mà khi còn là thanh niên xuất gia, người đã mang ý nguyện và tâm nguyện hình thành một cơ sở tập chú vào việc học thiền và hành thiền với đối tượng không chỉ là người đồng hương tại địa phương. Người đã đắn đo và thực sự đắn đo khi rời bỏ một trong những chủ trương ban đầu của mình để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đại chúng Phật tử, điều có thể giải thích như sự dung hòa cần thiết giữa lý tưởng hạnh nguyện bản thân và thực tế khách quan của xã hội.
  • Dấu chân xưa
Mười sáu năm trước, vào một sớm đầu xuân ngày 15 tháng ba, cơ sở Phật giáo đường Duval chuyển về ngôi nhà mang số 27878 Calarofa Ave., cách đấy ba ngã tư về hướng Nam. Người chủ trước của ngôi nhà không ngờ rằng khoảng đất thổ cư mà mình từng sở hữu sẽ trở thành nơi khai cơ cho một đạo mạch, và người tăng nhân tuổi trẻ lúc dọn nhà chắc cũng chẳng nghĩ đến việc thiên cư vào đầu xuân hợp với chu kỳ vận hành, tăng trưởng của vạn vật. Sự di chuyển ấy thực ra còn đánh dấu một khúc quanh rõ rệt trong công cuộc hoằng pháp độ sanh của người tăng sĩ, mà hướng đi và lộ trình đã được chính người phác thảo từ những năm còn là một học tăng. Sự làm việc miệt mài, nỗi ưu tư và suy tư hầu như thường xuyên cùng với những giá lạnh bất thường của tiết đông để lại những nét thẫm trên gương mặt vị tăng sĩ. Người như đăm chiêu hơn khi hồi tưởng lại cước chân mình trên vùng đất này ngót hai mươi năm trước.
  • ... Sau gợi ý của mấy vị tôn đức, tôi quyết định ngưng việc theo đuổi nốt chương trình cao học tại CSU Hayward và công việc làm bán thời gian để dành trọn thời giờ và nỗ lực cho công việc hoằng pháp theo kế hoạch và chương trình được đề ra. Việc di chuyển đến địa chỉ mới ở Calaroga là bước đầu trong việc thực hiện chương trình nói trên.
Thực thế, bốn năm tại cơ sở Duval là khoảng thời gian đủ gieo trồng hạt giống tâm linh xuống một vùng đất mới. Chính sách tự túc được đề ra trong giai đoạn này là đáp ứng cần thiết cho việc gầy dựng một sơ sở mà số lượng đạo hữu và phương tiện đều còn khiêm tốn về mọi mặt. Nói cho ngay, quan niệm kinh tế tự túc chưa phải là một sáng kiến của cơ sở Duval, nhưng chính sách ấy được thực hiện trong suốt sơ kỳ hoằng pháp tại đây, có thể là một mẫu thích ứng cho việc chuyển pháp luân ở những nơi có hoàn cảnh tương tự. Phong thái an nhiên tự tại của người tăng sĩ trong năm tháng ấy dường như phảng phất qua những hàng trần thuật "điều mà anh em chúng tôi vui nhất là suốt gần bốn năm chung sống ở ngôi nhà thuê đó, chúng tôi chưa bao giờ bị gián hay chuột tấn công hay chiếm giữ nhà bếp của chúng tôi". Việc để gián và chuột xuất hiện trong nhà là do nếp sống bừa bãi, luộm thuộm được xem như thuộc tính của giới trẻ, nhưng việc giữ gìn vệ sinh, ngăn nắp mà người tăng sĩ tự hào còn hàm ý về sự tự chủ được cuộc sống của những người thường trú tại đây nữa. Nhưng chính sách ấy không còn thích hợp nữa, khi mà chương trình hoằng pháp có quy mô hơn được đề ra đòi hỏi sự đóng góp thời lượng làm việc và công sức nhiều hơn của người tăng sĩ.

Tại địa điểm mới, một cơ sở được mang tên mới Trung Tâm Phật Giáo Hayward (Hayward Buddhist Center), sự hài danh không ngoài mục đích đem lại một danh xưng thông dụng trong sự giao tiếp với chánh quyền và mọi người bản xứ. Thực chất, với người đồng hương và trong bản chất sinh hoạt chính yếu, Trung Tâm là một đạo tràng với hai buổi công phu dành cho tăng sĩ và sinh hoạt tôn giáo dành cho thập phương vào hai ngày chủ nhật thứ nhất và thứ ba trong tháng.
  • Trì tụng chân kinh tập nhìn sâu để hiểu
    Thực hành chánh niệm nguyện thấy rõ mà thương
Đôi câu mà vị sư trưởng cho đặt trước tiền tiện chùa Phổ Từ mới được lạc thành vào tháng bảy, thực ra là sự khai triển vế thứ nhất của câu thường được lặp lại thừng xuyên như một tiêu ngữ của Trung Tâm từ ngày khai sinh: tu học Phật pháp và giáo dục thanh thiếu niên. Chương trình sáu điểm của Trung Tâm đề ra vào buổi đầu đã có năm điểm liên quan trực tiếp ít nhiều đến lãnh vực tu học. Với người, sự tu thân chuyển hóa thành tiền đề và căn bản cho hoạt động của tổ chức không chỉ với mọi đối tượng mà còn với chính người đề xướng. Tu thân phải đồng hành thường xuyên, khắn khít với cuộc sống, là điều mà vị Tăng trưởng đã tha thiết lặp lại trước Phật đài trong buổi kết tập tại Watsonville đêm 20 tháng 9 năm 2001 "chỉ có con đường chuyển hóa thân tâm, nỗ lực thực tập mới đưa con lại gần chánh pháp của Phật".

Sinh học tu học với hình thức ngày Quán Niệm đã được tổ chức thường xuyên vào ngày chủ nhật đầu của mỗi tháng. Ngày Quan Niệm thứ nhất khai diễn vào 15-6-1991, chừng nột tháng sau khi Trung Tâm khởi sự đặt định giềng mối, nói lên sự nóng lòng của người thực thi xem nhu cầu tu học là sự cứu cấp cho thân tâm càng thực hiện sớm được càng tốt. Và từ đó, những nỗ lực dành cho tu học có tổ chức dài ngày hơn như Khóa Tu Hai Ngày, Khóa Tập Sự Xuất Gia trở thành định chế tu học thường xuyên của Trung Tâm. Tuy ra đời không sớm nhưng hoạt động tu học tại địa phương đã được người sang lập và tổ chức nên nó, định chế hóa một cách chặt chẽ và mau lẹ hiếm thấy.

Người đã từng vận dụng dung cách và đúng mức những điều học được vào việc quản trị, điều hành công việc của nhà chùa cũg là người đã thực thi, vận dụng quan niệm khế cơ vào việc tổ chức khóa tu dài ngày (5-7 ngày) dưới danh xưng Khóa Tập Sự Xuất Gia, một mô thức thay thế cho khóa Thọ Bát Quan Trai ở quê nhà, trong đó đối tượng được nới rộng cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi, mọi trình độ và nội dung tu học được soạn thảo phù hợp với nhu cầu phổ cập Phật pháp đến đại chúng. Sáng kiến ấy đã thu hút nhân số tham dự, có lúc lên đến nột trăm người mỗi khóa, sử dung cả ngôn ngữ bản địa, chỉ dấu sự hiện diện của thế hệ thứ hai và người bản xứ trong số tham dự viên. Người học tu như được khuyến khích đến con đường rộng mở này với món tùy thân quan trọng hơn cả được ân cần nhắc nhở mang theo là tấm lòng nhiệt thành và rộng mở, "most importantly, bring a warm heart and open mind", một thông báo của nhà chùa đã ghi như thế.

Mấy năm đầu thâp niên 90 của thế kỷ trước, sự gia tăng số lượng thiện tín địa phương khiến khu vực hành lễ trong chùa, dù đã được nới rộng, cũng không đủ cung ứng. Sự phát triển hoạt động của tổ chức chẳng những đặt ra vấn đề cần xây dựng một nơi thờ phụng khang trang hơn mà còn đòi hỏi nhân sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho đại chúng. Tháng 5 năm 1994, chúng xuất gia được thành lập tại Trung Tâm. Về một phương diện nào đó, sự kiện trên là một "biến cố". Về mặt tổ chức, việc ấy giúp nhà chùa thoát khỏi nỗi khó khăn của thế nhất tăng nhất tự, mặt khác, xác định hoàn cảnh thuận tiện cho việc kế thế, truyền lưu đạo mạch tại địa phương.

Thực ra, từ lâu, người chủ trì Phật sự ở Hayward đã hoạch định và sơ thảo một chương trình đào tạo tăng tài trong đó thời gian đào tạo là sáu năm, để khi tốt nghiệp, người tăng, ni sinh hoàn tất được chương trình đại học của thế học cùng với cấp cao đẳng Phật học.

Từ bấy đến nay, đạo tràng khiêm tốn ở Hayward đã là "alma mater" của mười sáu vị tăng ni lấy chữ đầu pháp tự là Phổ, trong đó lớn tuổi nhất là Phổ Hòa (82 tuổi) và trẻ nhất là Phổ Ngọc (27 tuổi) cũng vừa thọ trai giới năm vừa rồi. Riêng vị nữ tu duy nhất thường trú tại Trung Tâm, Phổ Châu xuất gia năm 1998, rõ rệt có khả năng của người quán xuyến công việc hoằng pháp trong một hoàn cảnh khác biệt, với đầy đủ ý thức và sứ mạng của ộmt nhà truyền giáo cho người bản địa.

Trong ba mươi năm nương náo nơi thiền môn, với tinh thần năng động hiếm có, người sư trưởng của Hayward đã tham dự nhiều đại hội hay họp mặt của nhiều tổ chức lớn nhỏ. Tập lưu ảnh ngày một dày thêm và trong muôn ngàn sự việc xảy ra, người khó có thể chọn ra được những dấu ấn nổi trội hơn cả. Nhưng cũng như một người thiền giả từng trải, người nhận ra những ý nghĩa thâm sâu và giá trị không nhỏ từ trong những sự việc xem như tầm thường. Đó có thể là buổi nghe giảng mà người đã thức giác về lẽ trùng trùng duyên khởi, sự tương hợp, tương tác kỳ diệu của tạo vật thể hiện trên từng sinh vật cỏn con như chiếc lá lìa cành hay con sâu rời tổ.

Đó có thể là những đêm thiền trà tại Kim Sơn hay một tu việc nào đó, sau khi làm xong vai trò của người trà giả, người đã bất chợt cảm được sau vị ngòn ngọt trên đầu lưỡi của ngụm trà sau cùng "sự thuần khiết và hòa hợp, sự nhiệm mầu của lòng trắc ẩn hỗ tương, tính lãng mạng của trật tự xã hội"(1) hay uẩn xúc là tìm thấy được trong hương vị thanh đạm của thức uống này tinh túy của tam giáo đồng lưu như có người đã tinh tế nhận thấy "cái kiệm lời ngọt ngào của Khổng, cái chan chát của Lão và hương thanh thoát của Thích Ca Mâu Ni"(2).

Đó có thể là những rung động sâu xa của tâm hồn khi bắt gặp được nét tinh anh phảng phất của đóa mộc lan lẻ loi xuất hiện ngoài khung cửa sổ nhỏ của căn phòng "guest house" ở tu viện Kim Sơn năm nào.
  • Trái tim trăm nhịp
Vốn là người yêu văn thơ nên sách in đầu tay của Thầy là một sưu tập thơ trăm bài(3), một bó hoa trăm đóa. Hoa được hái từ muôn nơi, do tay người yêu chúng khi người còn ở lứa tuổi thanh xuân đôi mươi.Thơ tìm thấy trên mặt báo được tái sinh lần hồi trong tập vở dưới hàng chữ nâng niu của người. Để rồi, thơ hồi sinh lần nữa trước đám đông bằng chữ in, nhưng cái mà người đọc cảm nhận được không phải là thơ nữa, mà là diện mạo tâm hồn của người đã chắt chiu nên chúng. Đây là một sưu tập thơ của nhiều tác giả nhưng giờ đây, với chúng ta, là nhiều mảnh gương phản chiếu tâm hồn của người vì thơ mà chiếu cố. Không phải bó hoa thu thập được của ai cũng giống như nhau. Hoa là bóng nước phản chiếu tâm hồn người lựa chọn. Người lạc quan thích chọn hoa màu hồng, kẻ mộng mơ không bỏ lỡ đóa hoa tím. Với những nhân vật như trong Nẻo Về Của Ý chỉ chọn thuần một thứ hoa rừng, hoa chiều trắng hay hoa soan tím. Còn bó hoa mà người cầm trên tay nhiều sắc hương chính là tâm hồn người.

Người đã từng dí dỏm đặt thú yêu thơ bên cạnh thú ăn cơm cháy. Điều này chẳng khôi hài nếu ta hiểu rằng hai thú trên đều cần đến sự nhẩn nha, chậm rải khi thưởng thức. Người đã giải thích rằng thơ chỉ gần gũi nếu cảm được người và, với người, thơ được chọn như một dụng cụ làm đậm đà thêm ý nghĩa bài thuyết giảng. Như thế, dầu trong chức năng ấy, thơ cũng là của riêng người. Xem thơ được chọn, người ta có thể hình dung ra phần nào tâm hồn người đã lựa chọn chúng.

Đó là ý thức nồng nàn trước sự nổi trôi của vận nước và thân phận mình, một ý thức thời đại không chỉ của lứa tuổi thanh xuân như người sưu tập mà còn chi phối thành phần những thế hệ trên nữa "lòng ta chan chứa nguồn sinh lực/quyết tạo mùa xuân đất nước mình" (Huyền Không).

Đó là nổi canh cánh về quê nhà, về người thân, nhất là trong thập niên đầu của cuộc sống tha hương. Nỗi lòng ấy bàng bạc trong lượng bài được chọn, khiến người đọc khó có thể phân biệt được đâu là ý thơ của tác giả và đâu là tâm sự mà người sưu tập muốn mượn để gửi gắm:
  • "Lại một mùa xuân trên đất khách
    Thương mình những kẻ sống lang thang
    Nhìn nhau ánh mắt buồn tê tái
    Thầm hỏi: ngày mai xuân đã sang".
Điều chẳng nên quên là trong tuyển tập trăm bài trên, người sưu tập cũng đóng góp một bài, đúng hơn một bức ảnh chụp trên bìa sách có ý nghĩa của một bài thơ vô tự. Một đóa hoa mộc lan ngoài vườn lấy làm cận ảnh và khung cửa sổ nhỏ của "guest house" trong tu viện Kim Sơm, nơi mà từ đây người từng thưởng thức đóa hoa tươi thắm.

Có thể hôm trước người trở về chùa mẹ đẻ được thêm một lần chìm đắm vào thiên nhiên, nơi có nội cỏ trải thảm đón mời, chim rừng chẳng hề thóc mách. Có thể, nắng sớm đánh thức người với nhã ý muốn người được chứng nghiệm một điều vào buổi tinh khôi của trời đất. Nhưng, đích thực là ánh mắt người đã tao ngộ đóa mộc lan trước sân vườn, khi người mở rộng chiếc cửa sổ để đón nhận cùng một lúc ánh nắng ban mai và khí trời ngan ngát hương rừng. Sau phút hội ngộ ấy, có thể, người không dám rời phòng để đến gần bông hoa. Không phải vì ngại bông hoa không có thực mà sợ rằng mình ra khỏi cái thực tại hiện hữu.

Sứ điệp của điều mà đóa mộc lan được hcọn để hiện thân có lẽ là giây phút đốn ngộ của tâm tư người, mà đóa hoa xinh trở thành tác nhân xúc tác. Điều mà ngưởi tỉnh thức đạt được đã không thể hiện được trên bức hình, ngoại trừ không gian của nó là biên giới dẫn đến sự tỉnh thức. Trong nhận thức như thế, đóa hoa mộc lan tại Kim Sơn mà người tăng sĩ Hayward tương ngộ như trùng vị với bông hoa thược dược bên hàng dậu của Quách Thoại năm nào. Hai tâm hồn ấy, tuy không cùng khởi điểm lại có cơ hội để đồng quy:
  • Đứng yên ngoài hàng dậu
    Em mỉm nụ nhiệm mầu
    Lặng nhìn em kinh ngạc
    Vừa thoáng nghe em hát
    Lời ca em thiên thâu
    Ta sụp lạy cúi đầu.
Sứ điệp mà hoa mộc lan hay thược dược được ủy thác chuyển trao có thể là chân ngôn cần thiết để người hành giả thức giác mở rộng chân tâm.

Cây mộc lan và ngôi nhà có cửa sổ nhỏ năm xưa, từ lâu đã tàn trong lửa đỏ. Điều ấy không còn quan trọng nữa khi người tăng nhân đã thấy được điều người muốn tìm và khao khát tìm. Ấn tượng ấy hẳn sẽ đến bên người mỗi khi từ tăng phòng Phổ Từ vào đêm trăng sáng, câu thơ mà người cặm cụi chép vào tay tự năm nào trở về như còn để lại dấu chân qua:

  • Như trăng chiếu xuống khắp trần thế
    Mỗi một con người một đóa hoa.
    (Huyền Không, sđd, tr. 117)

    • 10.12.2007
GHI CHÚ:

(1) "It (teamism) inculcates purity and armony, the mystery of mutual charity, the romanticism of the social order" (Kakuzo Okakura, The Book Of Tea, Dover Publications, 1964, 1).

(2) "In the liquid amber within the ivory-porcelain, the initiated may touch the sweet reticence of Confucius, the piquancy of Lao Tzu, and the ethereal aroma of Sakyamuni himself" (sđd, 2).

(3) 100 Bài Thơ Của Nhiều Tác Giả, Thích Từ Lực, Trung Tâm Phật Giáo Hayward, 2990, 106 trang.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Re: Tại sao tôi đi tu

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

Phần III
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TĂNG NI VIỆT NAM TẠI HOA KỲ
  • Lời dẫn
Tương tự như công tác giáo dục được tổ chức ngoài xã hội, nhằm nâng cao dân trívà cung ứng nhân sự cho việc điều hành mọi hoạt động trong các lãnh vực công hay tư, việc đào tạo tu sĩ trong tổ chức mỗi tôn giáo là nhu cầu thiết yếu hàng đầu cho việc điều hành, truyền bá và phát triển tôn giáo đó. Mặt khác, những quan tâm đến công việc được xem là đáp ứng sự phân công của xã hội trong lãnh vực phát triển đời sống tâm linh và tinh thần con người, góp phần vào sự thăng tiến và an lạc chung của đại chúng.

Do những cơ duyên đặc biệt, Phật giáo theo chân người Việt định cư tại Hoa Kỳ, và tùy hoàn cảnh khác nhau, sự phát triển ban đầu đều hầu như giới hạn trong các cộng đồng đồng hương địa phương, nên hội đủ những đặc điểm của một tổ chức khép kín: trọng truyền thống và dè dặt trước những sáng kiến thay đổi.

Hơn hai thập niên sau, sự phát triển của Phật giáo tại nhiều địa phương, biểu hiện bằng sự tăng trưởng số người đến chùa và gia tăng sinh hoạt tín ngưỡng và Phật sự, đòi hỏi số tăng sĩ cần thiết đáp ứng, do đó vấn đề đạo tạo tang ni được đề ra. Tuy nhiên, cần phải đặt kế hoạch đào tạo chúng xuất gia trong bối cảnh nhiều mặt của xã hội và cộng đồng, chúng ta mới có đủ dữ kiện để nhận thức rằng kế hoạch trên không chỉ nhằm đáp ứng vấn đề thiếu thốn nhân sự tôn giáo đơn thuần. Đó là, nhu cầu phát triển đời sống tâm linh – tôn giáo mà Phật giáo là một thành phần, nằm trong tiến trình phát triển của xã hội, do đó, kế hoạch và chương trình đạo tạo chúng xuất gia cần được quan niệm hình thành trong sự vận hành phát triển chung, nghĩa là cần đáp ứng đòi hỏi đi tới xã hội, không chỉ cho riêng Phật giáo hay giới Phật tử.

Nhu cầu của sự phát triển Phật giáo được thể hiện trong "Chương Trình Đào Tạo Tăng Ni Việt Nam tại Hoa Kỳ" dưới đây nhằm hai điểm sau:
  • 1. Giúp hoàn bị năng lực hành đạo của người xuất gia trong tương lai gần, và

    2. Chuẩn bị cho tăng nhân tham dự vào một số lãnh vực theo tinh thần nhập thế.
Như thế chương trình đòi hỏi nơi chúng xuất gia không chỉ gồm tri thức nhiều mặt được trau dồi, mà cả việc khơi dậy khả năng và tiềm năng của mỗi người cần thiết cho sự hành trì sau này.

Trước hết, chương trình đào tạo đòi hỏi chúng tốt nghiệp, một trình độ tri thức vững vàng: hoàn tất bậc đại học chuyên ngành về mặt thể học (ngoại điển) và bậc cao đẳng về nội điển. Sử Phật giáo, môn học duy nhất được thêm vào chương trình, nhằm giúp cho tăng sinh nhận thức được định luật phát triển Phật giáo và mối tương quan phát triển liên hệ giữa Phật giáo và các giá trị văn hóa khác, nhiên hậu người tăng sinh tìm ra cho mình hướng đi thích ứng với tiến trình phát triển xã hội và nhu cầu thích đáng của đại chúng.

Điều đáng chú ý nữa là sự bảo lưu trọn vẹn hệ thống Kinh, Luật, Luận y như cựu truyền trong chương trình không có nghĩa đề cao truyền thống theo tinh thần bảo thủ mà chứng tỏ giá trị hiện hữu của hệ thống tư tưởng và tri thức trên đối với tứ chúng.

Sau nữa, sự phát triển xã hội khiến nhu cầu cần nhiều mặt của tổ chức và của đại chúng nảy sinh, nên sự định hướng học chúng vào ba lãnh vực: trụ trì, giảng sư và cố vấn giáo hạnh Gia Đình Phật tử chỉ là sự gợi ý cho sự xâm nhập của tăng sĩ vào nhiều lãnh vực, thể hiện và phát huy xu hướng nhập thế của Phật giáo đã được chính thức đề xướng từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

Phương vị trưởng tử của Như Lai vốn từ lâu đặt trên vai người xuất gia chỉ là sự xác định trọng trách của tăng sĩ được chuẩn nhuận trong việc hành trì. Như thế, bên cạnh vai trò và sứ mạng được ghi nhận là "tu tập duy trì, phát huy và hoằng dương chính pháp, nâng đỡ tinh thần quần chúng bằng lối giảng dạy hoặc bằng phong thái sống của mình"(*), người xuất gia còn là tác nhân của Phật giáo trong các lãnh vực cần thiết giúp cá nhân, tổ chức, và đại chúng vượt thắng thử thách và thăng tiến đời sống hiện tại.

Chương trình Đào Tạo Tăng Ni 1998 của Trung Tâm Phật Giáo Hayward tuy giới hạn trong phạm vi kế hoạch của một đơn vị tôn giáo địa phương, và mang dấu vết của điều kiện và hoàn cảnh ra đời vào mươi năm trước, cũng không ngoài việc theo đuổi mục đích nêu trên, góp phần đưa Phật giáo hòa nhịp với sự phát triển chung của thời đại.
  • I. NHẬN ĐỊNH
Trước hiện tình phát triển của Phật giáo trong cộng đồng hương tại Hoa Kỳ, việc hướng dẫn, đào tạo chúng xuất gia là vẫn đề cần thiết trước mắt cho mỗi đơn vị Phật giáo địa phương. Trước đây, tùy theo điều kiện tổ chức và hoàn cảnh mỗi nơi, chư vị tôn đức đã mở nhiều khóa đào tạo, huấn luyện tăng chúng, đáp ứng được phần nào nhu cầu hoằng pháp và điều hành Phật sự trong đại chúng. Đó là cơ hội rất đáng mừng cho hàng hậu tiến.

Từ hơn ba năm nay, để ứng phó nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và Phật sự tại địa phương và vùng lân cận, Trung Tâm đã có những cố gắng thành lập chúng xuất gia, trước để tạo môi trường tu học bên nhau, sau nữa, thử áp dụng và đề cao phương thức sinh hoạt, làm việc sao cho có hiệu quả, với chương trình tu trì kéo dài sáu năm. Nguyên do chính để các chương trình đào tạo người xuất gia lần lượt ra đời tại nhiều nơi là do tình trạng nhân sự, nói rõ hơn là sự thiếu thốn tăng sĩ trong việc hành đạo và truyền bá. Thử nhìn qua một vòng, với hơn hai trăm ngôi chùa Việt Nam rải rác khắp tiểu bang Hoa Kỳ, chưa đầy một nửa là có vị trụ trì trực tiếp điều hành sinh hoạt. Còn lại đều do giới cư sĩ lo liệu, từ việc quản trị, tổ chức, cho đến việc phụng sự, sinh hoạt có tính cách tôn giáo và cả giảng pháp. Thiếu vai trò trung gian của người tăng sĩ giữa hai thế hệ đạo và đời, những cố gắng đáng kể của chúng tại gia, trong nhiều trường hợp, cũng không đạt được kết quả mong muốn.

Với những người có nhiều thao thức cho tiền đồ chung, câu hỏi còn chưa giải đáp ổn thỏa là: hai mươi năm đã trôi qua, chúng ta đã đáp ứng ra sao, và thực hiện được những gì về mặt đào tạo nhân sự. Trong hai mươi năm sắp tới, nếu vấn đề nhân sự vẫn được tiếp tục đặt ra thì tương lai đóng góp của Phật giáo bằng những giá trị tâm linh cho thế hệ sắp tới sẽ ra sao? Một chương trình đào tạo chúng xuất gia có khả năng, đáp ứng được phần nào đỏi hỏi của thời đại, dù muộn màng, vẫn là niềm hy vọng chung cho mọi giới Phật tử.

CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC

Nhằm góp phần trong muôn một vào việc hóa đạo và chuyển pháp tại Hoa Kỳ trong đó có cộng đồng đồng hương, một chương trình đào tại Tăng Ni Việt Nam được áp dụng, thực hiện tại Trung Tâm Phật Giáo Hayward, và hiện nay, năm 2008, tại chùa Phổ Từ. Chương trình đào tạo gồm hai đặc điểm chính về nội dung và về mặt tổ chức:

1. Về nội dung các môn học, vẫn y cứ theo các tiết mục: Kinh, Luật và Luận. Ngoài ra có thêm môn Sử Phật giáo để học tăng nhận biết sự tương truyền, tương quan giữa các tông phái, hệ phái Phật giáo, tạo cho người xuất gia ý thức không phân biệt màu áo, phương thức tu trì của các tông, hệ phái, hầu đem lại sự cộng tác hành đạo trong thông cảm và hiểu biết lẫn nhau.

Đặc biệt chú trọng phần thực tập nhằm thể nghiệm và áp dụng giáo lý đạo Phật trong đời sống tu hành thực tiễn.

Ngoài việc am tường nội điển, tăng ni học chúng được khuyến khích trau dồi them tri thức về nghệ thuật diễn giảng, nói chuyện, cộng tác điều hành, tổ chức để công việc hành trì sau này được thuận lợi và có hiệu quả.

2. Về mặt tổ chức, việc học nội điển vẫn cứ theo tinh thần phân làm ba cấp: sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng. Người mới bắt đầu xuất gia, cần khởi đầu chương trình tu tập của mình từ cấp sơ đẳng.

Thời khóa dành cho việc tu học nội điển sẽ tùy theo hoàn cảnh mà định liệu. Hiện nay, đa số tăng ni sinh đều theo học chương trình phổ thông ở cấp trung học hay đại học hoặc các trường chuyên nghiệp, nên không thể dành trọn thời giờ trong ngày cho việc học nội điển. Thời lượng dành cho học nội điển gồm sáu giờ trong một tuần, tức là học ba buổi học. Ngoài hai buổi công phu trong ngày, học chúng được khuyến khích có mặt thường xuyên trong các buổi tụng kinh, ngồi thiền được quy định, để tín tâm tăng trưởng.

Chương trình đào tạo sáu năm để tăng ni sinh có thể tốt nghiệp bậc đại học của thế học (văn bằng tốt nghiệp cử nhân), khi hoàn tất bậc cao đẳng về nội điển. Học tăng có thể xin thọ Cụ túc giới để tiếp tục con đường tu thân học đạo, phát nguyện độ sanh. Dưới đây là chương trình và môn học của mỗi cấp:

A. CẤP SƠ ĐẲNG:

Thời gian là hai năm, kể từ ngày nhập chúng tu học.Thường thường, đây là thời kỳ tập sự xuất gia. Do đó, chương trình đặt nặng vấn đề thực tập đời sống hằng ngày, tập theo thanh quy, nội lệ của đời sốngthiền môn. Ngoài ra, người phát tâm xuất gia còn được yêu cầu chỉ hớt tóc thật ngắn, giữ liên hệ tốt đẹp với gia đình như là nơi yểm trợ lâu dài, cho đến khi nào quyết định dứt khoát theo đuổi cuộc sống tu hành, lúc đó sẽ được làm lễ thế phát.
  • a. Phật học:

    Chương trình học tập có các môn dưới đây:

    - Kinh: Một số nghi thức thường xử dụng trong chùa như hai thời công phu, sám hối, quá đường,

    - Luật: Ngũ giới, luật Sa di, Từng Bước Nở Hoa Sen.

    - Luận: Nói Với Người Xuất Gia Trẻ Tuổi. Thủy Sám hay đọc thêm các tác phẩm được giới thiệu trong Danh sách một trăm tác phẩm Phật học, và tác phẩm của một số tác giả đáng tin cậy.

    - Sử học: Đường Xưa Mây Trắng, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập I.

    - Thực tập: Chính yếu là tập sống có chánh niệm, giữ tâm ý thanh tịnh và phẩm cách của một người xuất gia. Tập rửa chén, đi đứng, quét sân mặc áo, chùi phòng tắm như là những phương pháp tu tập trong đời sống hằng ngày.

    b. Thế học:

    Nếu tiếp tục việc học lên cấp đại học, tăng sinh được khuyến khích chọn môn học thích hợp với đời sống của người xuất gia, hữu dụng trong việc hoằng pháp lợi sanh sau này nghĩa là những môn học có thể giúp ích, hỗ trợ cho hạnh nguyện cứu đời, làm việc với giới trẻ. Ngoài ra, khi đi học tăng sinh được khuyến khích ghi danh các lớp học vào các ngày chẵn (hai, tư, sáu), dành các ngày lẻ (ba, năm, bảy) để tham dự các lớp nội điển dành cho người xuất gia được mở ngay tại đạo tràng hay các nơi khác.
B. CẤP TRUNG ĐẲNG

Thời gian là hai năm.
  • a. Phật học:

    Chương trình gồm có các môn sau đây:

    - Kinh: Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đại Tạng Nam Truyền.

    - Luật: Thập Thiện Giới, Bồ Tát Giới, Diệt Tránh Pháp.

    - Luận: Phát Bồ Đề Tâm, Cảnh Sách Văn, An Trú Trong Hiện Tại.

    - Sử học: Việt Nam Phật Giáo Sử Luân, Tập II, Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện.

    - Thực tập: Tập xướng lễ, điều khiển các buổi công phu. Học các tổ chức thiền trà, thảo luận, tiếp khách.

    b. Thế học:

    Đây là thời gian, tăng sinh phát triển trong ngành đã chọn, góp phần tạo thành sở đắc và năng lực chuyên môn cần thiết cho hướng đi trong cuộc đời xuất gia của mình. Để việc học ngoại điển có lợi ích cho việc hành trì sau này, tăng sinh cần lưu ý đến ba yếu tố được nêu ra khi lựa chọn ngành học, môn học: sở nguyện, sở thíchsở trường.
C. CẤP CAO ĐẲNG

Thời gian là hai năm, trong đó có những khóa thực tập, tham học tại các tự viện khác.Trong hoàn cảnh và nhu cầu hiện thời, Trung Tâm hướng việc đào tạo chúng vào ba mục tiêu hành trì sau:
  • Trụ trì:
Nắm vững nghi thức, nghi lễ trong các buổi lễ Phật giáo. Hiểu biết cách tổ chức, quản trị, điều hành hoạt động tại mọi tự viện, tịnh xá. Có khả năng giao tế với Phật tử thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội, trình độ văn hóa… để giúp đỡ họ vững niềm tin vào Phật pháp, chuyên tâm tu học.
  • Giảng sư:
Nhiệm vụ chính yếu là thuyết pháp trước đại chúng Phật tử trong các dịp lễ lớn, nói chuyện hay thuyết trình về đề tài Phật giáo trước mọi giới trong hay ngoài Phật tử, hay nhằm tới thanh thiếu niên, các tổ chức quy tụ họ, hoặc các sinh hoạt liên can đến thành phần này. Ngoài ra, có thể hướng dẫn các khóa tu tập thiền quán, ngày Quán Niệm...
  • Cố vấn giáo hạnh Gia đình Phật tử:
Công việc này nhằm hai mục đích: hoằng dương Phật pháp và góp phần tạo dựng niềm tin vào tôn giáo, củng cố truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. Người xuất gia phụ trách cần là người chia sẻ được lý tưởng, nguyện ước, suy nghĩ của huynh trưởng và đoàn sinh cũng như am tường việc tổ chức và điều hành của tổ chức này thì việc hướng dẫn, nuôi dưỡng tổ chức Gia đình Phật tử mới có hiệu quả.
  • a. Phật học:

    Chương trình gồm có các môn dưới đây:

    - Kinh: Đại Tạng Bắc Truyền, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm Tam Muội.

    - Luật: Khất Sĩ, Tứ Phần, Yết Ma Chỉ Nam.

    - Luận: Đại Thừa Chỉ Quán, Thắng Pháp Tập Yếu Luận, Bát Thức Quy Củ Tụng, Thanh Tịnh Đạo Luận.

    - Sử học: Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III và IV, Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng, Nhật Bản và các tong phái khác. Phật Giáo Hiện Đại tại các nước Tây phương như Hoa Kỳ, Anh…
    -Thực tập: Hướng dẫn nghi lễ, các khóa tu ngắn hạn. Có thể thay thế điều hành Phật sự tại các tự việc trong lúc quý Thầy vắng mặt.

    b. Thế học:

    Thời gian tăng ni theo học nội điển cấp cao đẳng, có thể cũng là thời gian để học chúng hoàn tất môn học đã chọn với cấp bằng cử nhân ở đại học.Tùy theo điều kiện mỗi người tăng ni sinh được khuyến khích nên học thêm một số môn học sẽ giúp ích nhiều sau này cho công việc hoằng pháp độ sinh của mình như: nghệ thuật diễn giảng, tâm lý quần chúng, hay tổ chức, điều hành. Tại University of the Pacific thành phố Stockton, California, có lớp "Church Operation Certificate Program" có thể giúp người xuất gia một số kiến thực thực tiễn và hữu ích về các phương diện kế toán, luật pháp, vận động tài chánh và thuế vụ.
  • III. VIỆC ĐIỀU HÀNH
Trong hoàn cảnh và điều kiện của Trung Tâm, chương trình đào tạo được tiến hành như sau:

1. Người tập sự xuất gia thường xuyên được nhắc nhở, được khuyến khích tạo cho mình sự an tâm tối thiểu - một sự thoải mái cần phải có, cũng như tập suy nghĩ, hành động trong nếp sống theo những điều học hỏi được từ kinh điển. Phần kinh điển dùng để trì tụng là phần dịch nghĩa ra tiếng Việt; như thế, học chúng có thể hiểu được ý nghĩa lời Phật, Tổ dạy một cách trực tiếp trong từng lời họ tụng đọc.

2. Trừ những vị lớn tuổi muốn chuyên tâm vào việc tu tập, những người khách được khuyến khích học thêm về ngoại điển, các môn học khác như nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, tâm lý quần chúng, tổ chức quản trị hay ngoại ngữ... Tuy vậy, hằng tuần, ai cũng phải tham gia ba lớp Phật pháp dành cho người xuất gia, hoặc tại Trung Tâm hay tại các tự viện trong vùng.

3. Mỗi vị tập sự xuất gia hay sa di được chu cấp y phục, tăng phục, vật dụng cần dùng, phương tiện di chuyển và 50 Mỹ kim mỗi tháng để chi dụng. Riêng chư vị xuất gia đã thọ đại giới, nhập chúng được đạo tràng hiến cúng 100 Mỹ kim mỗi tháng và tùy duyên nhận sự cúng dường từ mọi giới Phật tử để tu thân hộ mạng, góp tay trong công cuộc hoằng pháp độ sanh. Ngoài ra, đạo tràng đã vận động tài chánh để mua bảo hiểm sức khỏe (basic hospital plan) cho tăng chúng thường trú tại Trung Tâm.

Đến nay, phương diện cư trú được cải thiện để nhận thêm bốn vị xuất gia (nam) nữa.

Trung Tâm cũng có kế hoạch thành lập chúng xuất gia (nữ), tuy nhiên vấn đề này còn chờ đợi nhân duyên khác mới có thể khởi sự được, trong đó có việc thiết lập cơ sở chính thức của Trung Tâm Phật Giáo Hayward.

Trung Tâm đã thiết lập xong phòng Tĩnh Tâm để hằng tuần ai cũng có thể phát nguyện tịnh niệm, ngắn hạn hay dài hạn, để trưởng dưỡng thiện tâm, nuôi chí xuất trần giải thoát. Dự trù, trong chương trình sinh hoạt của chúng thường trú, ngày thứ tư mỗi tuần là ngày Tăng chúng thay phiên nhập thất, chuyên tâm quán chiếu nội tâm.
  • IV. KẾT LUẬN
Thời gian theo học từ cấp sơ đẳng đến cao đẳng được dự trù là sáu năm. Nói rõ hơn, một người từ khi phát tâm xuất gia, với trình độ văn hóa ở cấp trung học, liên tục tu học tại Trung Tâm sau sáu năm thì có thể xin thọ gíơi Cụ Túc trở thành một vị Tăng sĩ thực thụ. Năm cuối cùng, tăng sinh nào cũng phải thực tập để rút kinh nghiệm (work experience) và có thể được gởi đến tự viện hay tu viện khác để thực tập và học hỏi thêm.

Riêng đối với người xuất gia vào tuổi trung niên và có văn hóa khá cao, lại có tâm chí vượt bực nhờ vào sự tự tu, tự học thì thời gian tu học có thể rút ngắn. Nhưng thời gian tu học tối thiểu kể từ khi phát nguyện cho đến lúc lãnh thọ giới Tỳ kheo không thể dưới ba năm là thời gian cần thiết sống chung với Tăng chúng để học hỏi và tiếp nhận quy củ thiền môn.

Nghĩ đến việc làm cho ngọn đèn Phật pháp sáng tỏ giữa thế gian, ai lại chẳng mong thế hệ sau có thể tiếp tục nối gót thế hệ trước. Việc hướng dẫn và đào tạo Tăng Ni Việt Nam tại Hoa Kỳ được đề ra như trên, chúng quy, cũng chỉ là để đáp ứng nhu cầu và hoàn thành tâm nguyện đó.
Hình ảnh

------------------------------
Trên đường hoằng pháp độ sinh, thầy Từ Lực đã đến tiểu bang Virginia ngày 23 tháng 4 năm 2012. Phật tử vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã có một ngày tu học: "Pháp Hội Quán Âm" do thầy Từ Lực thuyết giảng tại Hội Trường Trung Tâm Cộng Đồng Do Thái.

Một số hình ảnh chụp được trong khi tham dự khóa tu:
Hình ảnh

Quang cảnh toàn diện trên sân khấu.

Hình ảnh

Phật tử ngồi chờ thầy đến.

Hình ảnh

Thầy Từ Lực đang thuyết giảng về ý nghĩa ngày lễ Phật đản và lễ tắm Phật.

Hình ảnh

Phật tử ngồi nghe thầy thuyết giảng.

Hình ảnh

Chuẩn bị lễ tắm Phật.

Hình ảnh

Phật tử đang làm lễ tắm Phật.

Hình ảnh

Thọ chay.

Hình ảnh

Thiền hành.

Hình ảnh

Thầy Từ Lực thuyết giảng về hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Hình ảnh

Tụng chú Đại Bi chú nguyện vào ly nước.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách