Bát Nhã Tâm Kinh

Kính mời các bạn cùng tham gia sáng tác và sưu tầm kệ thi ca Phật giáo.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Bát Nhã Tâm Kinh

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

  • BÁT NHÃ TÂM KINH
    Chánh Lý Kiều Thế Đức
    (Sách: Trường Thi "Đời Đức Phật", trang 179 - 190)


Tới đây nhắc lại Tâm Kinh
Luận bàn ngắn, gọn, lược trình hiểu qua:
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa
Toàn câu tiếng Phạn dịch là Tâm Kinh
Và mang ngụ ý tâm mình
Là trí rốt ráo, tột minh, tròn đầy.(210)
Ma Ha Bát Nhã câu này
Là Đại Trí Huệ lớn tày hư vô.
Ba La Mật Đa tới giờ
Thường vẫn được dịch: Tới bờ bên kia.
Vô minh ái chấp không lìa
Thì còn đứng mãi tại bìa bến mê.
Người Trí chẳng bị ngăn che
Bởi Tham, Si, Hận, trở về chân tâm
Thế nên hành động hết lầm
Vượt lên bờ giác trong tầm tay thôi.
Tâm Phật như chiếc gương soi
Chúng sanh tâm đục nổi trôi luân hồi.
Hai bờ Mê, Giác đổi dời
Do tâm tối hoặc sáng ngời vậy thôi.
Ngài Quán Tự Tại không ngơi
Tu hành sâu rộng tới nơi tột cùng
Và ngài thấy rõ khi dùng
Trí minh rốt ráo ngài từng chiếu soi
Rằng năm Uẩn chẳng thể coi
Là chân, giả có, tạm thời vậy thôi:
Chỉ do duyên hợp để rồi
Có ngày tan rã, chẳng rời thể Không(211)
Thế nên tâm được tịnh trong
Viên minh, tự tại, thoát vòng khổ tai.
Cực Lạc từ đó hiện bày
Vậy cùng theo bước chân ngài, quyết tu.
Hàng Thánh khác với phàm phu
Hiểu lý duyên hợp, ưu tư chẳng còn.
Sắc thân Tứ đại không chơn(212)
Thể Không, huyễn có, thực tồn tại đâu
Chỉ như ảo ảnh pha màu
Sắc, Không nào khác, làu làu rõ trông.
Vậy là trong HữuKhông
Trong KhôngHữu, quán thông suốt rồi.
Từ đây, muốn biết trong đời.
Có còn phiền chấp để rồi phá đi
Phải vào phiền não chẳng nghi
Độ sanh, nhập thế, kiên trì gắng công.
Không ai đem giống gieo trồng
Trên không mà phải gieo trồng tại nơi
Chúng sanh là đất của người
Quyết tu để dứt nổi trôi, luân hồi.
Chân Không Diệu hữu ai ơi
Cố sao đạt lấy trong đời, đừng quên.(213)
Vạn pháp duyên hợp mà nên
Thể Không, giả , chẳng bền vững lâu.
Sắc, Không nào khác chi nhau
Hiểu sâu điều ấy, đâu cầu Có, Không.
Vậy là Sắc tức thị Không
Không tức thị Sắc, quyết không đổi dời.
Trong Sắc đã hiển Không rồi
Đâu cần diệt Sắc khi đòi thấy Không
Từ đó coi Sắc như Không
Hết còn mê chấp, quán thông được rồi.
Pháp môn Bất Nhị tuyệt vời
Thậm thâm, bủa khắp, ngời ngời chiếu soi(214)
Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng coi
Là do duyên hợp,chẳng rời thể Không:
Thọ do căn, cảnh hòa đồng
Tưởng do trần, ý, căn trồng mà nên
Hành do ý thức, đừng quên
Duyên cùng đối tượng khởi lên nghĩ liền.
Thức là phân biệt tùy duyên
Căn, trần tạo dụng mối giềng Thức sanh.
Những người trí cực sáng thanh
Nhận sâu điều đó quán, hành dày công
Thật ra năm Uẩn đều Không
Hết còn khổ ách, Tâm đồng hư không(215)
Xác thân Tứ đại nằm trong
Lý mầu duyên hợp, thể Không, chẳng bền(216)
Thọ, Tưởng, Hành, Thức nêu trên
Thuộc về tâm pháp, thế nên tâm mình
Chỉ là huyễn vọng, vô tình
Chư Pháp giả tướng, thật tình thể Không
Hiểu rồi hết thấy thẳng cong
Hơn thua, phải quấy, rõ trông Giác bờ
Không còn sanh diệt, sạch nhơ(217)
Không còn thêm bớt, hết mơ sáu trần.
Không còn Ngũ uẩn, Lục căn
Không còn sáu Thức, ta cần chớ quên
Và mười tám giới kể trên(218)
Huyễn, không thật có, do duyên tạo mầm.
Dùng Trí rốt ráo tức Tâm
Diệu minh, tịch chiếu, mọi tầm vượt qua
Quán Pháp duyên hợp mà ra
Như thân Ngũ uẩn cũng là giả thôi
Thấy ngay Sanh huyễn đồng thời
Vô minh, Lão, Tử chẳng rời thể Không
Vậy vừa nói chúng tận xong
Là ta đã bước vào vòng đảo điên
Như thế, Thập Nhị Nhân Duyên
Chỉ là huyễn vọng, thấy liền khó chi!
Sanh, Tử đã huyễn, vậy thì
Khổ, Tập đâu có nói gì trừ đi
Cũng không Diệt, Đạo chẳng nghi
Vậy nói tu chứng tức thì là mê
Ngu dứt hết bị ngăn che
Trí minh hiển lộ, trở về Chân Tâm(219)
Trí, Ngu đối đãi chớ lầm
Khi Ngu đã dứt, Trí tầm đâu ra?
Nhớ rằng nó sẵn trong ta
Vậy hiểu không Đắc mới là thật tu(220)
Pháp môn Bất nhị kia ư!
Chính là diệu lý, chối từ là si
Khi hay mọi pháp huyễn thì
Lấy gì sở đắc, ai nghi được nào?
Bồ tát nương Trí đó vào
Chỗ Tâm hết ngại, khổ nào còn mang
Không còn lo sợ, kinh hoàng
Hòa mình trong ánh sáng vàng vô biên.
Xa lìa mọi cuộc đảo điên
Xa lìa mộng tưởng, ưu phiền từ nay.
Thế là Cực lạc hiện bày
Không còn vướng bận mãy may sự gì.
Ba đời chư Phật đại bi
Nương vào Trí đó hành trì luyện, tu
Mới thành bậc Đại Đạo Sư
Vậy ta theo dấu vững tu, đợi gì?
Tới đây, thật hết còn nghi
Rằng Trí rốt ráo không gì sánh ngang.
Nó có công dụng rõ ràng
Phá diệt Khổ, dễ dàng giúp ta
Ngăn sự che lấp, diệt tà
Hàng phục Bát bộ cùng là quỉ ma.
Đại thần chú cao xa
Cực minh
, gì dám coi là vượt trên
Vì khả năng nó, đừng quên
Giúp trừ tận gốc thẳng nền Vô minh
Và làm hiển lộ nơi mình
Phật tâm sáng suốt, thật tình phải khen
"Không gì bằng" cũng là tên
Đưa vào Diệu giác, vậy nên trì hành
Để quan rõ các pháp lành(221)
Không còn vọng chấp, không sanh niệm tà.
An nhiên, tự tại tiến xa
Nhập vào cảnh giới Phật đà tịnh thanh
Chú là ước muốn đạt thành
Tổng trì mọi pháp tột lành, thậm sâu
Biến hóa, diệu dụng nhiệm mầu
Nguyện lực gia hộ, cảm hầu ứng luôn
Hiểu, dịch được một trong muôn
Giúp người đọc chú phá nguồn Vô minh.
Như thế Bát Nhã Tâm Kinh
Là chú khuyến dạy độ mình, độ nhân
Thoát vòng vướng vọng pháp trần
Hết còn mê chấp, tới chân giác bờ.
Ai ơi, xin tỉnh giấc mơ
Tiến sang bờ giác, chần chờ nữa chi?
Pháp Không quán chiếu tinh vi
Cùng mang tâm lượng Đại bi giúp đời(222)
Tu tập thiền định không ngơi
Trí quang phát triển, sớm rời Vô minh
Muốn cho thiền định tấn tinh(223)
Phải hành giới luật tận tình mới xong.
Giới mà cẩn tịnh là mong(224)
Tỉnh tâm, trí tuệ sáng trong để rồi
Chứng được chân lý chói ngời
Dứt trừ ác kiến, sống đời thảnh thơi.


GHI CHÚ:

(210) Trí rốt ráo còn được gọi là Trí huệ bờ kia hoặc Đại trí huệ bờ kia, tức là trí đưa ta từ bờ mê sang bến giác.

  • * Ma ha là lớn vô cùng, tựa như hư không.
    * Bát nhã là trí.
    * Ba la là bờ bên kia (bờ giác ngộ)
    * Mật đa là đáo cực tức là tới.
Cũng cần nên biết rằng: Đức Phật nói kinh này tại Tịnh xá của ông Cấp Cô Độc trong vườn cây của Thái tử Kỳ Đà thuộc Xá Vệ. Kinh này gồm hai trăm sáu mươi chữ là tóm tắt của bô kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (mà ta thường gọi tắt là Kinh Kim Cang).

(211) Duyên còn thì giả có, duyên hết thì tan rã và trở thành Không.

(212) Chơn tức là chân. Không tức là không thật. Sắc thân này do Tứ đại: đất, nước, gió, lửa duyên hợp tạo thành.

  • Đi trong tối ta cần đuốc mới thấy đường. Cũng thế, giới luật là cần thiết cho những ai muốn ra khỏi nơi hắc ám".

    Giới là chiếc phao nổi vượt qua biển khổ, là chuỗi châu anh lạc để trang nghiêm pháp thân"
Người chân thật niệm Phật:

- Năng ban vui, cứu khổ, mọi ác pháp được tiêu, đó là Đại Bố thí.
- Không sanh lòng Tham, sân, si mà nhu hòa, mát dịu, đó là Đại Trì giới.
- Chẳng chấp thị phi, nhân ngã, đó là Đại Nhẫn nhục.
- Niệm Phật không gián đoạn, thực hiện điều lành không ngơi, đó là Đại Tinh tấn.
- Vọng tưởng không mống khởi, đó là Đại Thiền định.
- Không bị sự khác và pháp khác làm mê lầm, chánh niệm rõ ràng, đó là Đại Trí huệ.

(213) Mọi pháp (mọi sự, mọi vật) đều do Duyên mà thành. Đến khi Duyên hết thì tan rã, vì vậy nhìn một cái bát chẳng hạn, người có trí tuệ thì thấy rằng thể nó vốn là Không (vì do duyên hợp), chẳng cần đợi đến khi nó tan rã mới nói rằng Sắc tức thị Không, nghĩa là nói một cách khác, người đó có kinh nghiệm nhìn thấy một đồ vật bị bể hoặc hư hại ở kiếp này hoặc ở những kiếp trước, vì nếu một người trong tất cả các kiếp không trông thấy một đồ vật nào bể hoặc hư hoại thì không thể nhìn một cái bát mà thấy được thể của nó là Không. Người có quan niệm về sự vật vô thường cũng vậy, chẳng khác gì nhau, người này cũng chẳng cần đợi sự vật bể rồi mới kết luận được là nó không tồn tại vĩnh cữu, chẳng cần đợi đến khi nó tan rã mới nói rằng Sắc tức thị Không. Cũng thế, tại chỗ đất này không có cây xoài nhưng nhờ duyên hợp (hột xoài, đất, nước, ánh sáng...) mà mọc lên cây xoài xum xuê cành lá. Như vậy, do duyên hợp mà mọi vật vốn chưa có được tạo thành rồi khi duyên hết thì trở thành Không lại. Chúng ta phải hiểu cho rõ rằng: Khi nghe thể tánh của mọi vật là Không thì đừng chấp chặt là không ngơ, chẳng còn cái gì cả. Khi nghe nói Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc thì phải hiểu rằng Sắc, Không chẳng rời nhau. Câu Sắc tức thị Không là Chân Không và Không tức thị Sắc là Diệu Hữu. Nhiều người chỉ hiểu câu này có một nửa cho nên khi nghe nói Sắc tức thị Không thì vội chấp ngay là không còn cái gì nữa rồi sinh ra chấp vào Không, bỏ kỉnh Tăng, bỏ lễ Phật, không làm bất cứ một việc thiện nào dù việc đó rất đáng làm. Như thế là mê chấp, là ngu si, cuồng loạn, bỏ chỗ chấp Có lại rơi vào chỗ chấp Không. Họ chẳng hiểu rằng Đạo có đi sâu vào Đời thì lý Đạo mới được chứng nghiệm và Đời mà không có Đạo thì Đời sẽ tối tăm, phiền khổ. Người tu muốn biết mình còn phiền não, vọng chấp hay không để diệt trừ thì phải lao mình vào phiền não, nghĩa là phải nhập thế độ sanh, làm các Phật sự. Không chấp Có và không chấp Không, đó mới thực là không chấp. Niệm mà không trụ chấp nơi niệm mới là thật niệm. Làm mà không trụ chấp nơi làm mới là thật làm. Tu mà không trụ chấp nơi tu mới gọi là thật tu. Chứng mà không trụ chấp nơi chứng mới gọi là thật chứng... Đây là tôn chỉ Vô trụ của kinh Bát Nhã.

Khi Phật nói lên lý Chân Không này thì không phải ngài muốn nói cái không ngơ, mà ngài muốn nói để đả phá tất cả cái chấp. Hàng ngày, chúng ta mê lầm, chấp mọi vật là thật có nên sanh tâm quyến luyến những vật ưa thích để mà phạm vào bao nhiêu là ác nghiệp. Vì, thế, Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng các pháp đều do nhân duyên hòa hợp nên giả có (trong khi còn hội đủ nhân duyên và không thật có). Không thật có hay giả có, huyễn có là có một cách giả tạo, không thường hằng và không bất biến. Còn đủ duyên thì tạm còn, hết duyên thì tan rã. Cái gì là thật có thì phải thường hằng, bất biến, không phụ thuộc không gian và thời gian. Tỉ như thân ta là không thật có, chỉ do duyên hợp, giả tạm, không thường hằng mà biến đổi theo từng sát na cho đến lúc tan rã. Chân tâm là thiệt có vì thường hằng, bất biến, không phụ thuộc không gian và thời gian. Khi biết các pháp là không thật có, chỉ giả tạm thì sự còn, mất của chúng không làm chúng ta đau khổ.

Vì chấp Có nên chúng ta quay cuồng trong cái Có rồi phân Ta, Người hơn thua, phải quấy, tranh giành đủ thứ, tự tạo cho mình bao nhiêu là phiền não, khổ đau. Còn nếu được được lý Chân Không và Diệu Hữu thì chúng ta vui vẻ làm mọi Phật sự, làm mọi sự lành mà thấy như huyễn, không đòi hỏi cái này cái nọ nên không bị trói buộc, tránh được phiền não, khổ đau.

Ngài Quán Tự Tại hiểu được lý đó nên ngài độ chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được độ, đắc mà không thấy mình chứng đắc... Do đó, ngài qua được tất cả mọi khổ ách.

Ở phẩm 11 trong Duy Ma Cật Kinh có ghi: Quán lẽ Vô thường nhưng chẳng chán cội lành. Quán lẽ Xa lìa nhưng thân, tâm tu thiện. Quán lẽ Không sanh nhưng đem việc sanh sống mà gánh vác tất cả chúng sanh. Quán lẽ Không nhưng chẳng bỏ đức Đại bi... Phật lại dạy rằng: Không ai đem giống gieo trồng trên hư không được mà phải gieo trồng trên mặt đất. Giống Bồ đề cũng vậy, không thể gieo trồng nơi trống không được, mà phải gieo trồng nơi đất chúng sanh. Bởi thế, muốn thành Phật thì phải hóa độ chúng sanh.

(214) Pháp môn Bất Nhị là pháp môn không phải hai, nhưng cũng chẳng phải một. Vài ví dụ:

- Cũng một con người mà Mê thì gọi là chúng sanh, nhưng Giác ngộ thì gọi là Phật. Như vậy là không phải Một (vì có hai tên khác nhau là chúng sanh và Phật), cũng không phải hai (vì là cùng một cá nhân nhưng có hai danh xưng khác nhau tùy theo cảnh ngộ). Chúng sanh và Phật chỉ là hai giả danh đối đãi lập ra để gọi con người đó tùy theo cảnh huống. Danh từ tuy hai mà thể vốn đồng. Ngoài chúng sanh không có Phật, ngoài Phật không có chúng sanh.

- Sóng (của nước) với nước không phải là một (vì có hai cái tên khác nhau), cũng không phải là hai (vì khi lặng gió thì sóng chính là nước vậy, sóng và nước danh tuy hai mà thể vốn đồng. Ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng).

- Do nơi chấp có Ta mà có các pháp (tức có người khác, có chúng sanh, có mọi sự, mọi vật...) vậy không phải là một.

Nếu biết rằng thực tướng của cái Ta là Không thì các pháp cũng Không theo, vậy chẳng phải hai (vì thật tướng của tất cả đều Không).

(215) Căn, Cảnh tiếp xúc sanh ra Thọ, từ Thọ sanh ra khổ, vui hoặc không khổ không vui. Trần mà không có Căn thì không có Thọ. Như thế Thọ uẩn nguyên thể nó là Không, duyên hợp mà huyễn có.

Trần, Ý, Căn duyên với nhau mà có Tưởng. Tỉ như, nhờ bên trong có Ý rồi nghe người ta nói tới bờ biển Nha Trang ta liền liên tưởng tới bờ biển Vũng Tàu hoặc ta lấy hình tướng bờ biển Vũng Tàu ra mà tưởng cảnh bờ biển Nha Trang. Như thế Tưởng uẩn nguyên thể nó là Không, duyên hợp mà huyễn có.

Hành là cái suy nghĩ của ta. Ý thức duyên với đối tượng (như cảnh vật, như mắt thấy, như tai nghe...) mà khởi lên. Theo lý Vô thường thì nó liên tục sanh, diệt mà không thật có. Theo Bát Nhã thì do Ý thức và mắt thấy hoặc tai nghe... mà khởi lên sự suy nghĩ, tính toán. Như thế, Hành uẩn nguyên thể nó là Không, do duyên hợp huyễn có.

Thức là sự phân biệt. Căn, Trần duyên với nhau mà sanh ra Thức. Như thế:

  • * Nhãn thức là sự phân biệt, hiểu biết do Nhãn căn tiếp xúc với Sắc trần mà phát sanh.
    ....................
    ....................
    ....................
    * Ý thức là sự hiểu biết do Ý căn tiếp xúc với pháp trần mà phát sanh.
Tóm lại, những cái phân biệt của sáu Căn gọi là Thức. Căn, Trần là những giếng mối tạo dựng. Vì thế, Thức uẩn nguyên thể nó là không, duyên hợp mà huyễn có.

(216) Còn duyên thì giả có, hết duyên thì tan rã, không còn. Dù chưa tan rã cũng không rời thể Không.

(217) Từ duyên mà sanh nên gọi là chẳng thật sanh. Từ duyên mà diệt tức chẳng thật diệt.

(218) Mười tám giới hợp thành bởi sáu căn, sáu Trần và sáu Thức. Trong Phật giáo phần căn là năng, phần Trần là sở. Như mắt thấy Sắc thì mắt là năng mà Sắc là sở. Như thế, cái biết là năng, cái bị biết là sở. Khi năng, sở đều không thì tánh Viên giác hiện bày và thành Phật (một giả danh để chỉ người hết mê, đã thấy lại được cái Chân tâm tức cái tánh Viên giác vốn sẵn có của mình).

  • * Sáu căn: Căn là chỗ nương tựa làm gốc cho những cái khác nảy nở, phát sanh. Tỉ như Nhãn căn là chỗ nương tựa làm gốc cho sự nhận thấy được rõ ràng khi con người tiếp xúc với cảnh vật xung quanh.

    * Sáu trần: Trần là chỉ cho phần vật chất, cảnh vật xung quanh, tiếng, mùi, vị bị nếm... hoặc các hình bóng, hương vị, âm vang... của ngoại cảnh sau khi đã lọt qua năm giác quan và bị Ý căn duyên. Tỉ như:

    • - Sắc trần là màu sắc, đường nét, hình dáng... mà mắt có thể thấy được.
      - Thanh trần là những tiếng, những âm mà tai có thể nghe được.
      ....................
      ....................
      - Pháp trần là những hình ảnh, màu sắc, hương vị, âm vang... của năm Trần lưu lại sau khi bị năm Căn duyên. Nói cách khác, đó chính là những cảnh bị duyên của Ý căn.
    * Thức là sự phân biệt, phán đoán do sáu Căn tiếp xúc với sáu Trần mà phát sanh và thuộc về tâm pháp, vô hình.
(219) Trí đây là Đại Trí huệ bờ bên kia tức Trí rốt ráo.

(220) Một người có báu vật mang cất dấu vào một nơi rất kín đáo rồi lâu ngày quên đi mất, không biết cất dấu ở đâu, đã coi như mất và quên đi. Mãi về sau, do một sự tình cờ, người đó tìm lại được báu vật và như thế:

- Người này nói Đắc cũng không đúng, vì báu vật xưa vốn của người đó.
- Người này nói không Đắc cũng chẳng xong, vì đã coi báu vật như mất rồi.

Cũng thế, mỗi chúng sanh đều sẵn có cái Chân tâm mầu nhiệm, thường hằng, bất biến, sáng soi nhưng bị lớp vô minh che lấp, coi như không có và thành ngu si... nay nhờ công phu tu tập mà thấy lại được cái Chân tâm mầu nhiệm và thành có Trí. Đối với chúng sanh này:

- Ta nói Đắc cũng không xong, vì cái Chân tâm kia vốn có sẵn.
- Không Đắc cũng không xong, vì đã bị lớp vô minh che lấp và coi như không có cái Chân tâm mầu nhiệm ấy.

Đắc Vô Sở Đắc là ý vậy.

(221) Ở đây phải hiểu chữ quan hay quán (Anyana) tuy hai âm nhưng đồng nghĩa, tùy theo âm bằng hay trắc mà đọc. Vì thế đọc Quan Thế Âm hay Quán Thế Âm cũng vậy.

Không còn vọng chấp bốn tướng Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả và sáu trấn Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

Ngã tướng là chấp có Ta. Nhân tướng là chấp có người. Chúng sanh tướng là chấp có chúng sanh. Thọ giả tướng là chấp có mạng sống trong một thời gian.

(222) Ta cũng nên biết rằng: Danh là Bát Nhã Tâm Kinh. Hình tướng là Đại thừa rốt ráo. Thể (tức thiệt tướng) là chân không. Dụng là phá chấp, đoạn Vô minh, độ chúng sanh. Tôn chỉ là Quán chiếu, Vô trụ. Sáu chữ "Chiếu Kiến ngũ uẩn giai không" thuộc về quán chiếu Bát nhã (dùng trí Bát nhã quán sát thấy ngũ uẩn đều Không). Năm chữ "Độ nhất thiết khổ ách" thuộc Phương tiện Bát nhã (Hiểu lý chân không Diệu hữu mà tận độ mình và người qua mọi khổ ách). Năm chữ "Thị chư pháp không tướng" thuộc Thiệt tướng Bát nhã (Thiệt tướng là Chân không). Bát Nhã Tâm Kinh giải đủ cả hai phần Hiển giáo (từ chữ đầu đến Tức thuyết chú viết) và Mật giáo (Từ chữ Yết đế, Yết đế đến chữ chót). Như thế, nhờ phần Văn, hành giả trì tụng để đi vào Định rồi phát sanh Huệ, nghĩa là từ Văn tự Bát nhã, hành giả tiến vào Quán chiếu Bát nhã rồi đi đến Thiệt tướng Bát nhã.

Danh từ Đại thừa ở đây không mang ý nghĩa phân biệt giữa Đại và Tiểu. Ta phải luôn ghi nhớ rằng Đại hay Tiểu là do nơi từng cá nhân. Bất luận ai tu theo Phật một cách chân chánh mà tự độ lại độ tha đều được coi là Đại thừa, dù rằng vị đó thuộc Phật giáo Nguyên Thủy hay không. Bất luận ai, dù vẫn tự xưng là tu theo phái Đại thừa nhưng không có óc độ tha cũng vẫn được gọi là Tiểu thừa vậy.

(223) Tấn là tiến tới không ngừng. Tinh chuyên về một việc.

(224) Cẩn tịnh là cẩn thận và thanh tịnh.

  • "Chuyên trì Kinh chú Phật, Thực hành chân hạnh Phật, chắc chắn làm được Phật".


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.2 khách