Kiến trúc chùa tháp...văn hoá Khmer Nam Bộ

Kính mời các bạn sưu tầm và sáng tác các bài viết về kiến trúc chùa, đình điêu khắc tượng Phật.
Monggiac
Bài viết: 686
Ngày: 19/07/07 17:41

Kiến trúc chùa tháp...văn hoá Khmer Nam Bộ

Bài viết chưa xem gửi bởi Monggiac »

Kiến trúc chùa tháp - một di sản văn hoá đặc sắc của văn hoá Khmer Nam Bộ

Chùa tháp Khmer là sự kết hợp hài hoà, chặt chẽ về kiến trúc của Phật giáo, Bà La Môn giáo và tín ngưỡng bản địa. Chính điều đó đã làm nên vẻ đẹp rực rỡ, bí ẩn của kiến trúc chùa tháp - một di sản văn hoá đặc sắc của văn hoá Khmer Nam Bộ, góp vào sự đa sắc của văn hoá Việt.

Với người Khmer, Phật giáo là quốc đạo. Chùa vừa là bộ mặt của phum/ sóc, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, xã hội, là trường học và cũng là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá dân tộc. Chùa được đặt ở vị trí trung tâm, nơi đất tốt, cao ráo, luôn quay về hướng đông, vì theo quan niệm của người Khmer đó là hướng cõi sống. Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện còn vài trăm ngôi chùa Khmer, nhiều nhất là ở các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng... Có thể kể tên chùa Bom Pên Swai (Kiên Giang), chùa Ông (Trà Vinh), chùa Dơi, chùa Koldan (Sóc Trăng), Cái Giá (Bạc Liêu) (ảnh) v.v...

Nổi tiếng nhất là chùa Kleang ở thị xã Sóc Trăng, xây từ năm 1533, khuôn viên rộng 3ha, sân chùa gồm 3 cấp, mỗi cấp có tường xây thấp, được trang trí bằng những con tiện, đều đặn, thông thoáng.
Trong khuôn viên chùa tháp, công trình kiến trúc quan trọng nhất là ngôi chính điện (Vihia). Ân tượng đặc sắc của chính điện chùa Khmer là kỹ thuật cấu trúc hệ thống cấp mái. Mái gồm 3 cấp, cấp mái trên nhô cao và dốc, hai cấp giữa và dưới thấp, đối xứng hai bên khiến cấu trúc mái chùa Khmer trở nên đồ sộ, cân đối, vững chãi, đẹp mắt nhưng lại không quá nặng nề. Mái chùa lợp ngói mầu đỏ, vàng, xanh nhạt... Trên bờ nóc, góc mái có gắn tượng rắn hoặc rồng.

Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí của chùa Khmer tập trung chủ yếu ở ngôi chính điện. Khác với những ngôi chùa theo Phật giáo Đại thừa miền Bắc, chùa Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa, chỉ thờ duy nhất Đức Phật Thích Ca, luôn được đặt ở vị trí trung tâm trên bệ thờ cao nhất của chính điện. Nóc trần và dọc 4 bức tường trong chính điện được phủ kín bằng nhiều bức tranh kể về cuộc đời Đức Phật. Bên cạnh đó nhiều môtíp của Bà La Môn giáo và tín ngưỡng dân gian vẫn hiện diện sống động, là nguồn cảm hứng bất biến trong trang trí kiến trúc của chùa qua hệ thống phong phú tượng các linh thần, linh thú như đầu vị thần 4 mặt "Mara Prưm" (tiền thân của Brama - vị thần sáng tạo ra thế giới của Bà La Môn giáo), nữ thần "Kầyno" nửa người, nửa chim, chim thần "Maha Krút", phúc thần "Tévođa, sư tử, voi, khỉ, nữ thần đất "Him tholny", rắn là biểu tượng của Thần nước, gắn liền với nghi lễ cầu mưa của tín ngưỡng dân gian... Nhiều hoạ tiết hoa lá, nhất là dạng hoa dây, hoa cúc, hoa reang được trang trí trên các bệ cửa, phù điêu, riềm tường... từ giản đơn đến phức tạp, tinh tế như một nét đặc thù tài hoa của mỹ thuật cổ điển Khmer.

Văn hoá Khmer cộng với văn hoá của các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Chăm ...đã tạo nên bức tranh văn hoá Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.

Nguồn tin: Du lịch Việt Nam


Nguyện cho tôi, mọi người, tất cả loài hữu tình, vô tình, loài có sinh mạng, có hơi thở, không hơi thở, chúng sanh trong mười phương, đều thoát khỏi hận thù, khổ đau, được sống trong an lạc, không làm tổn hại ai, biết chia sẻ và thương yêu nhau, rốt ráo đều được giác ngộ giải thoát.
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.6 khách